Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday 13 November 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN * TRUNG CỘNG *

HUY VÂN * NGÀY ĐỊNH MỆNH

 

Ngày Định Mệnh


Huy Văn


Tiếng loa kêu gọi tập họp vang lên liên tục. Đám bộ đội ôm súng hối hả chạy về các vọng gác. Hoạt cảnh quen mắt lúc đầu làm mọi người thót bụng, nhưng sau gần một tháng chung đụng thì ba mớ “lên gân“ của kẻ coi tù đã trở thành một màn hài kịch không hơn không kém. Mỗi lần có tập họp - dù chỉ để ngồi ngoài sân cờ xem phim tài liệu của chiến trận vừa qua, hay loại phim tuyên truyền cho chế độ - thì y như là chúng sắp sửa đem ai đó ra xử bắn. Đám nón cối lúc nào cũng đằng đằng sát khí đứng bao quanh, súng chĩa ngang người, mắt trừng trừng thật căng thẳng. Nhưng có điều gì đó làm chúng tôi đưa mắt nhìn nhau rồi thì thầm dọ hỏi vì lần này chúng bắt tù tàn binh tập trung vào buổi sáng: Chỉ mới hơn 9 giờ! Đành là đỡ lo lắng hơn những lần điểm danh bất thần vào buổi tối, hay cả lúc nửa đêm, nhưng vẫn là nỗi hoang mang của những kẻ đang nằm trong rọ, hay đúng hơn là trong cảnh tù đày. Chuyện gì nữa đây?! Mọi người nhìn nhau thầm hỏi.
 
 Chuyển trại! Lời thông báo ngắn gọn của tên Chính trị viên, đại diện ban quản giáo được chúng tôi đón nhận trong hoang mang như thường lệ. Đi đâu? Câu hỏi chỉ nằm trong đầu hoặc trao đổi qua tiếng thì thào với người đang đứng kề bên. Tù không có quyền thắc mắc và cai tù thì không cho biết thêm chi tiết, ngoại trừ mọi thứ phải được chuẩn bị trong thời gian nhanh nhứt. Danh sách phân toán và phân nhóm để lên xe vừa đọc xong thì chúng tôi mới có cơ hội xì xào khi trở vào thu xếp đồ đạc. Thật ra thì cũng chẳng có gì để thu xếp vì từ lúc bị hốt đi từ Quận Nhứt, Đà Nẵng, cho tới hôm nay thì anh em tàn binh nhiều lắm là thêm được vài bộ domino làm từ bình ắc quy hay vài vật dụng cần thiết chế biến từ bất cứ thứ gì có thể gom góp được trong doanh trại vốn là hậu cứ của một Tiểu Đoàn Công Binh Kiến Tạo, mà vị Tiểu Đoàn Trưởng là chồng của một ca sĩ nhạc twist kiêm nghệ sĩ sân khấu thời danh của thập niên 60.

Cũng như khi bị gom lần đầu, cả đám molotova, xe hàng và xe tải đều căng bạt kín mít. Vẫn là cảnh hai tên nón cối non choẹt ôm súng đứng canh trong xe. Vẫn là câu căn dặn có tính cách doạ nạt thường lệ: “…Ngồi trên sàn xe. Không được đứng lên vì bất cứ l‎‎ý do gì…”. Và vẫn là sự suy đoán dựa theo hướng xe lăn bánh để thầm hình dung đoạn đường sẽ dẫn về đâu. Từ sân cờ ra khỏi cổng, nếu rẽ trái thì vào phố Hội An hay ra biển, còn quẹo phải thì ra Điện Bàn… Quẹo phải! Vậy là đoàn xe đang trở ra phía Vĩnh Điện ngoài Quốc lộ 1. Lại quẹo phải! Vậy là đoàn xe đang ngược Bắc. Lúc nhanh, lúc chậm. Khi thì nghe tiếng gió ào ạt và tiếng bánh xe nghiến trên đường, lúc thì có nhiều tiếng máy nổ của xe cộ các loại, cùng với âm thanh hỗn tạp của những vùng đông dân cư.

Khoảng hơn một tiếng sau thì xe quẹo trái, chạy thật chậm trên một đoạn đường dằn xóc rồi dừng hẳn lại. Đến nơi rồi!

Vừa bước xuống xe, và nhìn quanh một vòng thì đã có tiếng xì xào của vài bạn tù gốc Quảng Nam. Thì ra đây là Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm, nơi đào tạo tân binh cho Sư Đoàn 3 BB và cũng là nơi các đơn vị thuộc Tiểu Khu Quảng Nam cũng như Biệt Động Quân chúng tôi thỉnh thoảng về “hấp“, tái bổ sung, hay dưỡng quân ngắn hạn. Sau một màn điểm danh, và phổ biến những điều ngăn cấm, tù binh liên quan tới việc không được tự tiện rời chỗ ở và đi lòng vòng trong doanh trại. Chúng tôi được quản giáo chia thành từng nhóm 50 người rồi giao cho vệ binh dẫn về các “Sam“ để chính thức trở thành tù nhân ngay trong Quân trường mới hơn một tháng trước còn là chiếc nôi nuôi dưỡng sức sống của các đơn vị cơ hữu trong vùng.

Dù đang cuối Xuân nhưng nắng đủ nóng để mọi người đổ mồ hôi như tắm. Một số ra ngoài tìm bóng cây để hóng mát thì bị đám nón cối đuổi trở vào bên trong “Sam“ với lý do “…ăn mặc hở hang, kém văn hóa!“

Nhìn lại thì ai nấy đều chỉ có quần đùi trên người và điều này làm cho mấy em nón tai bèo mắc cỡ, hay tỏ vẻ khó chịu, hoặc trừng trợn khi đi ngang qua “Sam“ của chúng tôi. Không có thông báo rõ rệt về chuyện dời trại ban sáng, nhưng đã có lời rỉ tai về một cuộc tập trung toàn bộ sĩ quan của QLVNCH thuộc vùng Quảng Nam về một chỗ để kiểm kê số lượng và dễ bề kiểm soát, hay còn để thực hiện một việc gì đó rất quan trọng.

- Biết đâu sẽ có trao trả tù binh nay mai!? Không lẽ trong đó không phản công hoặc “mấy ổng“ bỏ rơi mình hay sao?

- Phải đó! Chắc là phải có một giải pháp cho tù binh của hai bên. Nếu không thì cần gì tụi nó phải đưa tụi mình về đây cho mất công?!

- Cả tháng nay không có chút tin tức gì từ thế giới bên ngoài. Không có radio, không tiếp xúc được với ai. Mình bị bưng bít mọi chuyện. Chỉ toàn là ba mớ tuyên truyền của tụi nó không hà ! Một quân nhân BĐQ tại mặt trận Xuân Lộc, tháng 3-1975.

Những lời đoán già đoán non cứ thế mà trao qua đổi lại cả ngày. Nét lo âu hiện rõ trên gương mặt của mỗi người. Mặc dù mức độ căng thẳng không đến đỗi như lần bị lừa “…tập trung đi học tập cải tạo từ 7 giờ đến 9 giờ sáng …” như trước đây, nhưng mỗi lần có thay đổi trong sinh hoạt của tù binh là lại thấy xốn xang và buồn bực trong lòng. Đã vậy, nơi tập trung vừa qua và lần này đều là những doanh trại cũ, những nơi đã từng in màu áo trận, từng vang rền tiến chân đưa theo nhịp quân hành. Bảo sao không bùi ngùi, không rấm rức, không buồn đau khi mà số phận nghiệt ngã đã đưa mọi người lọt vào trong quyền sinh sát của lũ ngông cuồng đang say men chiến thắng!

Tiếng lách cách của những quân cờ chơi trong thinh lặng hay chơi để mà chơi, chơi để không bắt trí óc rã rời phải cố công suy niệm. Tiếng thì thầm của từng nhóm bạn, tiếng thở dài lẻ loi của ai đó trong góc tối hầu như ngưng bặt cùng một lúc khi những ngọn đèn vàng trong “Sam“ vụt tắt. Đêm dần trôi trong lặng lẽ. Đêm mờ bóng vực, trầm lắng đến tận cùng tâm thức. Dưới khe hở của lớp tường lợp tôle là vòm sáng mờ mờ, nhợt nhạt từ xa dọi vào làm khung cảnh trong “Sam“ càng trở nên u tịch. Tiếng rù rì của những câu chuyện trao đổi cũng đã im bặt từ lâu. Không gian thinh lắng như trầm tích. Ngoài tiếng động của những bước chân tuần tiễu kèm theo lời xì xào của vệ binh, thì tiếng động còn lại là chỉ là những tiếng trở mình sột soạt trên nền chiếu của ai đó trong góc “Sam“. Một ngày đã qua. Một ngày lê thê, vô cảm, đã trôi vào quá khứ của thời gian suốt từ lúc Đà Nẵng rơi vào tay nón cối. Lại là một đêm dài của tương lai vô định và của số phận đã bị đóng khung.


***

Đêm mất ngủ khiến nhiều người còn nằm co quắp dưới nền xi măng mặc dù bên ngoài nắng đã lên cao. Đa số đã thức dậy từ lâu và đang nằm, ngồi thả khói trong tư lự. Lại là những suy tư miên man về thân phận tàn binh. Lại những âu lo và phiền muộn đủ làm khô khốc cả người. Không ai muốn đối diện thực tại não nề. Mọi thứ đều như trong giấc mơ. Và nỗi buồn thì cứ chất ngất trong cùng tận đáy lòng nên hiếm hoi lắm mới thấy tàn binh nở một nụ cười - cho dù chỉ là một nụ cường gượng gạo - để tự dối lòng và tạm quên thực tại. Cách lãng quên đời tốt nhứt là… hút thuốc ! Cũng may là khi còn trong Hội An, ngày nào chúng tôi cũng có cơ hội ném tiền qua hàng rào để được người dân thảy lại những bao thuốc Quân Tiếp Vụ nên bây giờ mới có thể “Mang cơn sầu đời thả thành sương mộng. Vàng tay khô trên từng nhánh lụy phiền ".

Cả buổi sáng không có tên nón cối nào đến “làm phiền“ chúng tôi. Hình như cảnh vệ cũng lơ là trong việc ngăn chận tù tàn binh ở các “Sam“ gần nhau chạy qua, chạy lại, xì xào trao đổi tin tức. Cũng chẳng có gì để nói cho nhau nghe ngoài những câu chuyện bâng quơ về mọi thứ trên đời, trong đó niềm hy vọng - dù không mấy lạc quan - về một ngày được trả tự do là đề tài được nhắc đi, nhắc lại nhiều nhứt. Và cứ thế, buổi sáng rồi buổi trưa uể oải trôi qua trong một ngày nắng thật đẹp. Lại giải khuây và giết thì giờ quanh mấy bàn cờ tướng hoặc domino. Lại bó gối ngồi nhìn trời, ngắm đất trong thinh lặng. Không nói ra nhưng ai cũng biết người bạn đồng cảnh đang lo gì, nghĩ gì sau bộ mặt trầm tư qua làn khói thuốc. Cá nằm trong rọ, thú nhốt trong chuồng, người trong tù ngục, chắc chắn đều có chung một khát vọng: Tự Do. Nhưng tự do của tàn binh bây giờ cũng có nghĩa là bước vào một nhà tù lớn hơn vì ngoài kia người dân cũng đang đối diện với nghịch cảnh đổi đời và cũng đang oằn mình vì mớ gông cùm cộng sản đang lần hồi siết chặt. Đường nào cũng bí rị, cũng tối đen. Đáng buồn thay cho thân phận tàn binh!

Lại có lệnh tập trung ngay trước cửa “Sam“. Bước ra ngoài thì đã thấy các “Sam“ khác cũng vậy. Nếu không có đám nón cối (lại nón cối!) ôm súng đứng giăng hàng như thể đang dàn chào, thì quang cảnh không khác gì một buổi tập họp của các tân binh trong quân trường trước đây. Nhưng lần này lại có không khí nghiêm trọng hẳn ra vì không chỉ có đám bộ đội đứng trước sân tập họp, mà phía sau “Sam“, ngay sát vòng rào lưới mắt cáo có giăng kẽm gai, cũng có bóng dáng của những cây AK chĩa ngang hông. Lại một phen hồi họp và lo lắng. Lại có chuyện gì nữa đây!?

Như đoán biết sự bồn chồn của mọi người, tên quản giáo chậm rãi đi tới đi lui trên thềm xi măng, tay giơ cao đếm số người đang đứng thẳng hàng trước cửa “Sam“ rồi mới sửa bộ, tằng hắng vài tiếng, cố làm ra vẻ trịnh trọng nói cho chúng tôi biết rằng miền Nam tự do đã mất vào tay giặc Cộng, vào lúc 12 giờ trưa ngày 30 tháng Tư.

Tên quản giáo ngừng lại giây lát như thể đang thăm dò phản ứng của chúng tôi. Những cái đầu vốn đã cúi nhìn xuống đất nay lại càng gập sâu hơn nữa. Trời đang xế trưa. Nắng gay gắt như đang hừng hực lửa mà lòng chợt lạnh đến rùng mình. Thật vậy sao?! Mơ chăng?! Không thể nào! Chỉ mới đúng một tháng mà đã mất cả một miền Nam vào tay giặc. Không! Mất cả Quốc gia mới đúng!

Còn đang bàng hoàng thì câu nói kế tiếp của tên quản giáo vang lên như một lời hù dọa để chính thức phủ đầu những kẻ đang thật sự sa cơ:

“… Các anh đừng mơ tưởng tới việc trao trả tù binh nữa. Chúng tôi (cộng Sản) sẽ trừng trị thẳng tay…”

Như để chứng minh cho sự thật lịch sử, tên quản giáo ngu xuẩn giơ cao chiếc radio, mở âm lượng tối đa để chúng tôi nghe những gì đang được tiếp vận từ đài phát thanh Sàigòn. Câu mở đầu và giọng xướng ngôn quen thuộc đã không còn. Thay vào đó là những bài hát cộng đồng, những bản nhạc sắt máu mang âm hưởng của nhạc Tàu, và giọng “sốt rét“ nhưng cũng không kém phần đanh thép của ai đó cứ nhai đi nhai lại những khẩu hiệu an dân và đầy tính chất tuyên truyền cho chế độ. Tên quản giáo cứ thế mà gằn giọng răn đe này nọ. Hắn còn nói nhiều chuyện khác nữa nhưng không ai còn để tâm đến làm gì. Cả tháng nay ai nấy cố nuôi hy vọng để bây giờ thất vọng não nề. Nỗi đau buồn không bút mực nào diễn đạt cho đúng với những gì chúng tôi đang cảm nhận trong lòng. Mọi người không ai nhìn ai.

Tất cả lẵng lặng trở vào trong “Sam”. Bước chân nặng nề như treo đá. Lòng quặn thắt từng hồi. Giữa trưa mà tưởng như đang bước vào bóng tối. Mặt trời “đen“ hơn bao giờ hết, đen hơn tất cả những gì người nhạc sĩ thời danh nào đó đã ta thán trong bài hát của ông ta mấy năm trước đây. Lịch sử Việt Nam đã vừa thay trang mới. Miền Nam tự do đã không còn tồn tại trên chính trường thế giới. Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử! Và chúng tôi, những chiến sĩ của tiền đồn chống cộng hôm qua, cũng vừa mới được kẻ chiến thắng chính thức công bố số phận của mình: số phận nghiệt ngã của những tù binh không có ngày trao trả.

Lúc đó là 2 giờ chiều, ngày thứ Tư 30 tháng 4 năm 1975! Ngày định mệnh của cả một Dân Tộc!
 
 
 
 
 
 

PHƯƠNG ANH * CHUYẾN VƯỢT BIỂN KINH HOÀNG

NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG SÓT
PHƯƠNG ANH

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, chỉ một thời gian ngắn, làn sóng người Việt bỏ nước ra đi bằng thuyền càng ngày càng tăng. Mặc cho bao hiểm nguy đang chờ đón họ. Không ai có thể thống kê được đã có nhiêu người đã bỏ thây trên biển cả và bao nhiêu con thuyền đã chìm dưới lòng đại dương mênh mông.




Đó là chưa kể những người bị hải tặc bắt đi mất tích. Những câu chuyện thương tâm, những bi kịch trên các chuyến vượt biển rất ít khi được kể lại. Phần lớn, đều muốn quên đi quá khứ để bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, vết thương lòng của họ thật khó phai mờ. Có những người vẫn còn bị ám ảnh hay sống trong nỗi dằn vặt bởi chuyến vượt biển hãi hùng.


Sau đây xin gửi tới quí vị câu chuyện của chị Trịnh Thanh Tùng, người phụ nữ sống sót trong vụ án Bolinao 52 vào năm 1988, khi thuyền vượt biên của chị bị một chiến hạm Mỹ từ chối không vớt, gây nên thảm cảnh vô cùng khủng khiếp.


Cũng là một phụ nữ rất bình thường như bao nhiêu người khác, chị Trịnh Thanh Tùng sinh năm 1956, cha và anh là sĩ quan cao cấp, phục vụ trong trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Thế rồi, biến cố 30-4, cha và anh ruột đều đi tù cải tạo, nhà cửa bị tịch thu, chị kể lại:


“Sau 75 thì mấy ông Cộng Sản vô không cho đi học nữa, phải đi buôn bán, phụ mẹ. Ba thì đi ở tù, anh cả cũng ở tù tới 14 năm… mấy mẹ con ở nhà khổ lắm… bị lấy nhà… họ đuổi ra, không cho ở nhà của mình (khóc)… sau đó phải đi bán buôn, đi làm ruộng... rồi ba tui đi ở tù về thì má tui mất. Anh cả thì vẫn ở tù, tháng tháng phải xách đồ đi thăm nuôi… nhắc tới khổ lắm!”


* Chuyến vượt biển định mệnh


Vào ngày 22 tháng 5 năm 1988, sau khi ly dị một thời gian, chị quyết định dắt con trai chưa đầy 5 tuổi xuống thuyền vượt biên cùng với người anh trai, chị kể tiếp: “Lúc đó tui ly dị và dẫn đưá con đi theo, anh trai tui mới ở tù ra cũng đi theo luôn và anh dẫn theo thêm một đưá con của ảnh… Đi cực lắm, đi rồi lại về, năm lần bảy lượt mới được… mà rốt cuộc cũng bị gì đâu… 4 người đi ngõ Bến Tre, chờ cho đến khi lên tàu lớn…khi đi rất ngon lành, tàu chạy nguyên một đêm, ban ngày ra chạy khoảng nửa ngày thì máy tắt, ông tài công sưả…lúc đó ai cũng còn “sặc sừ”, sau đó máy chạy lại, được một chút thì mưa to gió lớn quá…


Ông tài công nói tắt máy vì sợ sóng lớn đánh tàu bị lật, sau khi hết mưa thì cho máy chạy lại thì máy không còn nổ nữa, lúc đó là khoảng 4, 5 giờ chiều, sửa hoài cũng không nổ, vì thế ông tài công nói là không đi được thì thôi để máy trôi vô bờ, lúc đó tụi này thấy núi xa xa…thì mình nghĩ cũng đúng, và ổng còn nói là ai có giấy tờ gì thì xé đi, đồ ăn uống gì thì ăn cho hết đi, rồi lên bờ thì mạnh ai nấy chạy.


Nghe ông ta nói như vậy thì ai cũng ăn, sau đó mọi người đều ngủ. Sáng ra, tui thấy biển xanh như mực, nó không trôi vào mà trôi ra, lúc đó ông tài công sửa máy nhưng nó không chạy và từ đó trôi luôn…”


Theo lời chị cho biết, chiếc ghe cứ trôi trên biển như thế và nhìn thấy rất nhiều tàu qua nhưng không chiếc nào dừng lại…Giữa biển cả mênh mông, chỉ có trời và nước, mọi người đều bắt đầu kiệt sức…chị nói tiếp:


“Không có ai ngừng lại để vớt mình hết, duy nhất ngừng lại là chiếc tàu Mỹ, không có chiếc tàu nào dừng lại hết, toàn là đi ngang qua thôi, gặp nhiều lắm…Ngày thứ 10, gặp tàu Nhật thì có mấy người trên tàu nhảy xuống, đến ngày 19 thì gặp tàu Mỹ ngừng lại cho đồ ăn…


Ngày thứ tư là tui hết đồ ăn rồi, chỉ còn gói bột cam và ống sữa. Khi biết chiếc tàu bị trôi thì gia đình chủ tàu đã dành đồ ăn cho riêng họ, nước cũng vậy, khát nước thì họ chỉ phát cho chút xíú, rốt cuộc cũng hết nước.”


* Chuyến đi hãi hùng


Thế rồi, trên chiếc ghe nhỏ với 110 người ấy, ngoài những người đã hoảng loạn nhảy xuống biển, thì bắt đầu có người chết: “Người nào chết thì thẩy xuống biển, chết trước nhất là con bé nhỏ 3 tuổi, ngồi kế tui vì nó khóc nhiều quá, nó đòi ăn, đòi uống hoài, nó là đưá chết đầu tiên…Khi gặp tàu Mỹ, ở trên chiếc tàu đó có người Việt Nam, ông ta tên Nghiêm hay Nghiệm gì đó vì tui thấy bảng tên của ông ta, ông ta là lính trên chiếm hạm đó.


Ông Việt Nam đó nói là chiếc tàu của ông ta đang trên đường đi công tác ở vùng Vịnh, không thể giúp tụi tui được, chỉ cung cấp thức ăn trong vòng hai ngày, sau đó, sẽ được đưa vào Nam Dương hay Phi Luật Tân…


Họ cung cấp thức ăn trong hai ngày mà trong khi đó, mình đói 19 ngày rồi, mà chiếc ghe phải có người tát nước, ngày nào nước cũng vô mà không ai chịu tát hết, thành ra, ai tát nước thì mới được phát đồ ăn, đồ ăn có trong hai ngày, ngày thứ ba thì cũng chờ…rốt cuộc không thấy gì hết và không còn đồ ăn nữa.”


Được biết, vì để sống còn, giữa biển cả mênh mông, không nước, không lương thực, chị đã phải uống nước tiểu của con trai mình và chấp nhận ăn thịt đồng loại để giữ mạng sống cho mình và con trai. Chị kể:


“Có người nói là khi nào tôi chết thì lấy thịt tôi làm thức ăn để cho mọi người sống sót còn tới bến bờ chứ nếu không thì không ai biết như thế nào…Nghe nói vậy thì mình không biết ai nói câu nói và ai đã làm chuyện đó…


Ai cũng phải tát nước hết, thành ra, ngoại trừ con nít thôi, ai cũng phải tát hết, cho nên tui quả quyết rằng 52 người còn sống sót người nào cũng phải ăn hết, anh Minh đưa cho tui hai phần vì tui có con nhỏ, nhưng tui cũng phải tát nước.. có những người không chịu làm thì anh ta đánh người ta…


Sáng ra, anh kêu dậy tát nước mà chưa kịp dậy là anh ta múc nước biển đổ lên người mình. Mỗi một đêm, sáng ra là nước ngập nửa ghe rồi.”


* Công khai câu chuyện


Cuối cùng, đến ngày thứ 37, như một phép mầu, một chiếc tàu đánh cá Phi đi qua đã vớt những thuyền nhân khốn khổ này và đưa vào đảo Bolinao, sau đó, họ được chuyển tới trại tạm cư Palawan và câu chuyện của họ được khám phá.


Vị hạm trưởng chiến hạm Mỹ bị đưa ra toà án quân sự, và những thuyền nhân sống sót lần lượt đi định cư, trong số đó có chị Trịnh Thanh Tùng. Đến Mỹ năm 1991, sau một thời gian ổn định cuộc sống, chị trở thành cô thợ cắt tóc bình thường như bao phụ nữ khác, chỉ biết cố gắng nuôi dậy đưá con trai sao cho nên người.


Những tưởng cuộc sống sẽ bình lặng nhưng không đơn giản như thế, vì mỗi khi đêm xuống, trong một thoáng nào đó, sâu thẳm trong trái tim chị, hình ảnh những người đồng hành trên chiếc ghe năm xưa vẫn còn ám ảnh: “Tui nhớ mãi có một chị đó ngồi ngoài sau chiếc ghe, và ngoài đó thì nắng quá, chị đó người Hoa, không nói tiếng Việt, chị ngồi đó mà chết luôn, người chị khô và đen, y như là bức tượng chứ không phải là người, mắt mũi miệng của cổ sùi bọt trắng bóc, giống như bọt kem đánh răng vậy. Tui nhớ nhất là chị Năm, nằm cạnh tui, chị cứ nói là: “lạnh quá, Tùng ơi, ôm chị đi.” Tui đưa áo mưa của tui cho chị ấy luôn và ôm chị, sáng ra thì chị ấy chết…”


Cho đến một ngày, một người bạn của chị nói với chị rằng, có đạo diễn Nguyễn Hữu Đức nhắn tin trên Đài phát thanh địa phương đang đi tìm những nhân chứng trong vụ án Bolinao 52 năm xưa.


Suy nghĩ mãi, cuối cùng, chị đồng ý cho gặp mặt và cũng từ đó, câu chuyện về chuyến vượt biển kinh hoàng mới được chị công khai cho mọi người và nhất là cậu con trai nay đã trưởng thành. Và, điều quan trọng hơn cả, tâm nguyện của chị là:


“Tui muốn đi về Bolinao để cảm ơn họ, mặc dù sống ở đó có 7 ngày nhưng tui ráng nhớ chỗ đó để khi có dịp trở lại, vì theo tui, đó là nơi tui được sanh ra lần thứ nhì, ước nguyện của tui là được trở về thăm lại chỗ đó. Trước khi tui đi Bolinao, tui cảm thấy mình chưa làm xong điều gì hết, tui muốn trở về để thăm và ra ngoài biển, vái những người bạn của tui cũng như vái những người đã giúp cho tui sống.”


Với một tâm hồn bình dị, đơn sơ và đầy lòng vị tha, khi chị gặp lại một trong những người thuỷ thủ trên chiến hạm Mỹ năm xưa đã ngoảnh mặt làm ngơ, để gây ra thảm cảnh đau lòng, chị chỉ hỏi ông ta rằng: “Tôi đã hỏi ông ta tại sao không giúp, thì ông ta nói rằng ông chỉ thừa hành lệnh thôi, tất cả những người trên chiếc tàu đều giống như ông ta thôi, đều cảm thấy có tội khi bỏ chiếc ghe mà đi…Chính ông bác sĩ trên tàu của họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng giường để đón qua, nhưng họ rất sững sờ khi thuyền trưởng ra lệnh đi, vì họ biết chiếc ghe này sẽ chết..”


* Trở lại Bolinao


Giờ đây, sau khi đã về lại Bolinao, nơi chị được cưu mang chỉ có 7 ngày, gặp lại ân nhân đã cứu mạng, cùng ra biển thắp nhang cho 58 người thiệt mạng, lòng chị cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản:


“Sau khi trở về, tui cảm thấy sống bình yên hơn…Tui chỉ ước mơ cho con tui thành tài, mình qua đây đâu phải cho mình đâu, mà để lo cho con mình. Nghĩ về quãng đời qua của mình, tui nghĩ con người ai cũng có số, mình muốn cũng không được, cuộc đời nó đưa đẩy thì mình phải chấp nhận như vậy…


Can đảm thì cũng không phải là can đảm gì vì gặp hoàn cảnh như vậy thì mình phải làm như vậy thôi… Khi tui ở trên ghe, không bao giờ tui nghĩ tui sẽ chết, tui được như vậy là Trời Phật thương mình lắm rồi, mình không cần phải giàu, không cần phải đi xe đẹp, không cần phải mặc quần áo sang…cuộc sống bình lặng như vầy là được rồi.”


Riêng với cậu con trai vượt biên với chị chưa đầy 5 tuổi năm xưa, nay đã là lính thuỷ quân lục chiến trong quân đội Hoa Kỳ, thì cho đến bây giờ anh mới được nghe mẹ kể lại. Chúng ta hãy nghe anh Phan Thanh Lâm tâm sự:


“Tôi chỉ nhớ rằng trên thuyền, tôi rất yếu, chỉ nằm thôi, và đã bị đói khát, tôi phải ăn cả kem đáng răng, nhưng sau cùng, mẹ tôi cũng tìm cho tôi đồ ăn, mà tôi không biết đó là thức ăn gì, cho đến bây giờ tôi mới hiểu ra… Nhưng tôi nghĩ, chẳng qua vì chúng tôi phải sống mà thôi. Tôi không ngờ suốt mười mấy năm qua, bà đã phải chịu đựng sự dằn vặt như thế. Mẹ tôi đã hy sinh cho tôi rất nhiều và bà ấy là một người mẹ tuyệt vời. Nếu mẹ tôi không can đảm đưa tôi qua đây, để tôi được như ngày nay, thì tôi không biết rằng tương lai của tôi ở Việt Nam sẽ ra sao nữa”...

TIỂU TỬ * ĐẠP XICH LÔ

Đạp xích lô





Tiểu Tử
Trung đã cao lớn lại ham chơi thể thao và tập thể dục đều đặn nên anh ta rất “đô” con. Đi với tụi bạn đồng nghiệp người Pháp hay người da đen, Trung là người Việt Nam mà vóc dạc ngang ngửa với tụi nó. Có đứa nói giỡn: “Thằng này, nó ăn phở không mà nó lớn con như vậy. Nếu nó ăn bánh mì “xúc xích – phô mai” như mình chắc nó thành ông khổng lồ quá!”.

Cách đây hai năm, Trung về thăm Việt Nam. Đó là lần đầu tiên anh về. Tôi không có dịp gặp anh để hỏi thăm. Mãi đến gần đây tình cờ gặp nhau ở khu 13 Paris, anh mới kể cho tôi nghe chuyến về Việt Nam của anh lần đó. Tôi xin ghi lại chuyện nhỏ sau đây…
… Con qua Pháp với ba mẹ hồi con mới 5 tuổi, bây giờ về, thấy cái gì cũng lạ! Cho nên con dành mấy ngày đầu để đi vòng vòng cho biết Sài Gòn. Con nhờ anh tiếp viên của khách sạn kêu cho con một anh xích lô bao chạy một ngày.

Vậy là sáng hôm sau, đúng theo lời con dặn, anh tiếp viên gọi con dậy bằng điện thoại cho hay xích lô đang đợi, đồng thời cho biết luôn số tiền thuê bao. Con đếm số tiền rồi để riêng vào một túi quần, con muốn tránh móc bóp đếm tiền trước mặt mọi người sợ bọn lưu manh nó giựt. Con xuống tới quầy thì anh tiếp viên vui vẻ chỉ ra phía trước. Con cám ơn rồi bước ra ngoài.
Thấy con, ông xích lô đang ngồi chồm hổm trên vỉa hè vội vã đứng lên chấp tay chào. Tự nhiên, con khựng lại, mặc dù ông ta đang đón con bằng một nụ cười rạng rỡ.

Bác biết không? Ổng già khú, ốm nhom, nhỏ xíu. Cái nón vải đen ổng đội, đã rách bươm. Còn bộ đồ trên người ổng, con không biết tả làm sao cho bác thấy. Nó là cái áo bà ba xanh dương vá chầm vá đụp và không còn hai ống tay! Còn cái quần ka-ki là loại quần dài đã bị xé mất hai khúc ống cỡ ngang đầu gối, một bên cao một bên thấp.

Đó! Ông xích lô của con đó! Bác coi: con như vầy thì nỡ lòng nào lên ngồi cho ông già ốm nhom đó đạp xe đưa con đi. Mà liệu ổng có đạp nổi một ngày cho con xem chỗ này chỗ nọ không?
Con định hồi không đi nhưng nghĩ lại tội nghiệp ông già. Cái cười tươi rói của ổng cho thấy là ổng đang “trúng mối lớn”.
Con bước lại bắt tay ổng, móc túi đưa tiền, nói:
– “Đây, tiền công của bác trọn ngày này đây!”.
Ổng mừng rỡ, móc trong lưng ra một túi vải miệng có dây rút, run run tay mở ra cho tiền vào.

Con hỏi:
– “Bác không đếm sao?”
Ổng cười, nhìn con:
– “Khỏi! Hổng lẽ cậu như vầy mà đi ăn gian tui sao?”
Rồi ổng xăng xốm chạy lại kềm phía sau xe, mời:
– “Cậu lên ngồi, đi!”
Con lắc đầu:
– “Không! Bác lên ngồi đi, để tôi đạp!”.
Nụ cười của ổng tắt mất:
– “Ủa! Gì kỳ vậy?”
Con giải thích:
– “Tôi như vầy mà để cho bác đạp, coi sao được!”
Ổng vỗ vỗ lên yên xe:
– “Tôi đạp được! Bảo đảm! Cậu đừng lo! Cậu lên ngồi đi!”

Con nghĩ chắc ổng sợ con chê ổng rồi không đi, lấy tiền lại, nên con ôn tồn nói:
– “Bác yên tâm. Bác cứ giữ số tiền tôi đưa, rồi lên xe ngồi. Tôi đạp từ từ”.
Ổng bắt đầu nhìn con nửa ngạc nhiên nửa hốt hoảng. Để khỏi cù cưa, con bước lại đưa hai tay cặp eo ếch của ổng nhấc bổng lên đặt vào chỗ ngồi của khách. Ổng nhẹ đến nỗi cái xe không nhúc nhích! Rồi con trèo lên đạp đi. Ông già cứ nhìn ngược về phía sau, lo lắng:
– “Cậu liệu được không cậu?”

Con vui vẻ trả lời cho ông yên tâm:
– “Được mà… Dễ ợt hà!”.
Con men theo lề đường đạp chầm chậm để tránh luồng xe chạy ồ ạt trên lòng đường. Thiên hạ nhìn con chở ông già, cười nói chỉ trỏ. Ông già ngồi không yên, lâu lâu ngoái nhìn lại coi con ra sao! Có lẽ vững bụng nên không nghe ổng nói gì hết.
Một lúc sau bỗng ổng la lớn:
– “Quẹo mặt! Quẹo mặt! Khúc này cấm xe xích lô!”
Từ đó, ổng chỉ cho con chạy:
– “Từ từ …Đằng trước có xe đậu. Khi nào kềm bằng chân không nổi thì kéo thắng ở dưới đít …”
Có lúc thấy con xiên xiên định quẹo vô một con đường nằm ngang, ổng la lên:
– “Đừng! Đừng! Đường cấm xe xích lô!”…

Và như vậy, con đạp đi loanh quanh, nhìn ngang nhìn ngửa, yên chí có ông già coi chừng đường nhắc trước con phải làm gì …làm gì …Gần trưa, con tấp vô một quán phở, nói:
– “Mình vô ăn cái gì đi”.
Ổng nói:
– “Cậu vô ăn đi, tôi không đói”.
Con kéo tay ổng để cùng đi vào tiệm, ổng rị lại:
– “Thôi mà cậu! Tôi lạy cậu mà cậu! Cậu để tôi ngồi ngoài này giữ xe!”. Rồi ổng gỡ tay con ra, bước lại vệ đường ngồi chồm hổm bên cạnh chiếc xe xích lô, vấn thuốc hút. Trong quán, con nhìn ông già mờ trong khói thuốc sao bỗng nghe bất nhẫn vô cùng. Không còn lòng dạ đâu để ăn phở, con kêu tách cà phê uống đại rồi đi ra.

Thấy con, ổng quăng điếu thuốc, đứng lên vẻ ngạc nhiên:
– “Ăn gì mau vậy cậu?”
Con nói trớ:
– “Thấy không ngon nên không ăn”.
Rồi con nói tiếp:
– “Bây giờ, tôi trả xe lại cho bác đó! Bác cứ giữ nguyên số tiền tôi đưa hồi sáng, đừng thắc mắc. Tôi đi bộ chơi lanh quanh được rồi”.
Nói xong con bước đi, lâu lâu ngừng coi cửa hàng này cửa hàng nọ. Thấy ông già cứ đạp xe rề rề đi theo, con bèn gọi một xe Honda ôm đang đợi khách ở ngã tư đường, trèo lên “ôm” đi thẳng!

Kể xong, Trung hỏi:
– “Nhà Nước đang có lịnh cấm sử dụng xe xích lô xe ba gác, không biết bây giờ ông già đạp xích lô sẽ sống làm sao, hả bác?”.
Tôi nói: “Ờ…” Rồi nín luôn. Một cách trả lời để không trả lời!
Tiểu Tử

NVT* LÀM RỂ XỨ HUẾ

Làm Rể Xứ Huế



Ngày tôi quen O Điểm thì O mới học xong lớp 10.
Năm đó chị của O có cái quán cà phê Thượng Uyển trong Đà Nẵng nên mùa hè vào giúp chị. Tôi xăng xái xin làm gia sư. Mới được hơn một tháng thì O Điểm “bỏ buà” cho tôi.
Hết hè, O trở lại Huế đi học thì rời trường Nữ Thành Nội mà qua Đồng Khánh, tôi xin biệt phái đi theo Trực thăng tản thương đêm, trong Mang Cá (Tổng Y Viện Nguyễn Tri Phương) và ban ngày đi học nơi trường Luật.
Học cho vui và để lấy le thôi, chứ tôi học dốt lắm.
Những lần rủ O trốn học đi chơi ở đồi Thiên An, hay lên các lăng tẩm là những ngày vui không bao giờ chúng tôi quên được. Hai đứa cũng tránh không lên chùa Thiên Mụ, vì nghe nói cặp nào đưa nhau lên nơi linh thiêng đó thì thếnào cuộc tình cũng tan vỡ..
Chuyện tình Romeo và Juliet (hay Rô bi nê và Toa lét) của O và tôi lắm nỗi thăng trầm, là vì O bên Lương, còn tôi bên Đạo.
Ông Nhạc gia tôi hồi đó không chịu gả là vì tôi khác đạo, con nhà làm ruộng, lại nữa ông có thành kiến với người Bắc, chắc ông nghe người ta nói nhiều về con trai Bắc Kỳ thường đểu.
Tôi biết lý do chính là vì ông không muốn con gái út lấy chồng phương xa, tuốt mãi trong Rạch Giá.
-Có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng bưng cho
Có con mà gả chồng xa, trước là mất họ sau là mất con
Nhưng Cậu ruột của O lại là một Linh Mục đang ở Nha Trang nên hết lòng hỗ trợ cho chúng tôi lấy nhau.
Nhớ hồi sau 1975 chúng tôi nghèo quá, đám cưới chỉ có một con heo 50 ký do anh cả tôi cho; hai cái nhẫn vàng mỏng dính như sợi chỉ; chiếc áo cưới chỉ là áo trắng như hồi còn đi học.
Năm 1981 chúng tôi đến Mỹ, trong tay có 5 đồng bạc. Vất vả cũng lắm mà hạnh phúc cũng nhiều.

Gia đình Mẹ và các anh chị em tôi, nhất là mấy bà chị dâu thường nói:
-Chú lấy được O Điểm là phúc đức ông bà để lại.
Quả thực có thế, O đã sanh cho tôi 3 đứa con trai cao ráo và một đứa con gái út rất đẹp -Chắc đẹp cỡ như tôi. (Just kidding-đùa thôi).
Cách dậy dỗ con cái tôi phú hết cho O, nên đứa nào cũng ngoan ngoãn, nay hai đứa đã ra trường còn hai đứa cũng sắp xong.

Đúng là phúc đức ông bà, chứ tánh tôi cục cằn thô lỗ, dạy con chắc không xong, mà còn bị ếp phê ngược là đằng khác.
Qua xứ người, tôi còn có thời giờ cắp sách đến trường để học thêm chút đỉnh, chứ O rời sở làm là lao đầu vào bếp, lau nhà, giặt quần áo, trồng rau thơm, rau cải sau vườn.
Bây giờ tôi ra kinh doanh ở ngoài, đâu có bảo hiểm sức khỏe gì, may có hãng của O nên cả gia đình không phải lo tới vấn đề chi phí cho khám bịnh, nhà thương gì hết. Thật là quá mừng.
Không nhắc đến tài nấu ăn, nhất là những món Huế của O quả là một điều thiếu sót.
Bạn bè xa gần thường nhắc nhớ đến Bún Bò O Điểm, mà hầu hết tháng nào cũng có nấu một lần trong cái nồi lớn chừng 30 lít. Người trong nhà, con cháu và bạn tới chơi thường ăn hai tô, một tô lúc mới tới và một tô trước khi ra về.

Những món như bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít… tôi không thích mấy, chỉ khoái những món chè của O mà thôi. Chắc nhiều người cũng biết rằng Chợ Dinh ngoài Huế nơi O ở có cả làng bán chè rất nổi tiếng, qua đến Mỹ, món chè của O đã được “thăng hoa” lên hàng thượng thừa vì vật phẩm dùng để nấu có thêm nhiều thứ như rong biển, nấm trắng, táo tàu nhỏ, hoài sơn, ý dĩ v v.. nên chè đã ngon lại càng thêm ngon.
Thành phố chúng tôi đang định cư là Little SG ở Nam Cali, có thể gọi là Thủ Phủ của người VN ở Hải Ngoại, cách bờ biển chừng 10 phút lái xe. Dọc bờ biển có những chiếc cầu bắt nhoài ra biển cả gần nửa cây số cho dân chúng đứng câu, nơi đây có rất nhiều cá nục chuối và cá trích. Những mùa khác thì cá ít hơn nhưng mùa hè đến thì cá nhiều vô số, một dây câu cột mấy lưỡi là dính bằng ấy cá, có khi cả chục con nhưng vì cầu khá cao, mà cá giãy dữ quá nên rơi rớt hết phân nửa.
Người Nam và Bắc khi kho cá, nhứt là cá biển thì thường kho khô và bỏ nhiều tiêu, khi họ thấy dân Huế kho cá nục lõng bõng nước thì sợ nó sẽ tanh, nhưng khi O Điểm kho cá nục tươi rói mới đi câu về với mấy trái ớt xanh bẻ đôi, tỏi đập dập, vắt chút chanh, ăn với bún thì ôi thôi ai nấy nuốt vội nuốt vàng có khi nuốt luôn cả lưỡi.
Tôi thường ăn kèm với món này một ít rau thơm và giá, nhưng O nói ăn như vậy không thưởng thức hết mùi vị của con cá nục.
Đó, nhờ được O “chăm bẵm” như vậy nên tôi không còn ốm nhách cao kều như cây tre miễu nữa, mà nay trông rất “sổ sữa”, cắt tóc cạo râu, cho diện đồ mới, chân mang dép mang giầy vô coi cũng ra dáng con người lắm, chứ không giống con đười ươi!
Nếu có ai hỏi tôi yêu O ở điểm nào, thì tôi tình thực trả lời rằng, đó là nụ cười vui với hàm răng trắng bóng như bắp cồn Hến và nhất là …bàn chân nhỏ nhắn, có cái gót hồng hào, người ta nói là “Vượng phu ích tử” gì gì đó.

Bạn bè tôi thường ganh tị rằng họ đã lỡ lấy vợ miền khác, chứ không may mắn lấy được vợ Huế như tôi.
Họ hỏi bí quyết nào mà có được nhà cửa êm ấm làm vậy, tôi thường trả lời rằng lấy vợ Huế, khi cô ấy cằn nhằn mình nghe không hiểu gì hết, nên có cãi lại vợ bao giờ mà thành lớn chuyện, lục đục trong nhà.
Nếu kiếp sau được làm người, nhất là được làm đàn ông, thì tôi sẽ nhất quyết lấy vợ Huế nữa, cho dù mấy cô kia có là Hoa Hậu, Hoa Khôi đi nữa…. tôi cũng chẳng màng.
NVT

VIÊT TỪ SAIGON * CHÂN DUNG QUYỀN LỰC



Chân Dung Quyền Lực vẫn chưa ra đòn chí tử


Cho đến thời điểm hiện nay, có nhiều người hoài nghi trang blog Chân Dung Quyền Lực (CDQL) là của phe Nguyễn Bá Thanh gồm Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Bá Thanh dùng đế đấu tố phe Nguyễn Tấn Dũng. Điều này đúng sai, thực hư vẫn chưa xác định được. Cũng có giả thiết cho rằng CDQL là của phe Nguyễn Tấn Dũng đưa ra nhằm “phân hóa cái nội bộ” Nguyễn Phú Trọng. Vậy đúng sai ra sao và nếu CDQL của một phe nào đó thì đòn chí tử của nó sẽ là gì?

Trước nhất, giả thiết CDQL là của phe Nguyễn Phú Trọng dùng để đánh phe Nguyễn Tấn Dũng, theo giả thiết này, chỉ có phe này mới có đủ thông tin về đối thủ, đánh vào uy tín của bộ sậu Chính phủ nhằm làm mất uy tín của bộ sậu này, sau đó, nhân Hội nghị trung ương 10 đại hội thứ XII, sẽ đưa ra một số điều khoản nhằm làm giảm bớt quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng và các Thủ tướng sau NguyễnTấn Dũng, thu hồi quyền lực về tay Tổng Bí thu Cộng sản Việt Nam, sau đó sẽ là cú đánh chí tử vào tài sản và gia đình Nguyễn Tấn Dũng.

Giả thiết này mới nghe cũng có lý vì sau Hội nghị trung ương 10, đã có một số đề xuất nhằm làm giảm bớt quyền hạn của Thủ tướng. Nhưng nghe ra những đề xuất này khó thành hiện thực vì nó được đá qua đá lại giữa Nguyễn Sinh Hùng và một số đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đá riết một hồi rồi đâu cũng lại vào đó bởi điều này đã thành thói quen, thông lệ của đảng Cộng sản Việt Nam, cứ mỗi kì họp, đại hội, hội nghị đưa ra hàng loạt ý kiến, đề xuất nhưng vài tháng sau thì chìm xuồng, xem như chưa hề có ý kiến ý cò nào cả…

Và ở hướng giả thiết này, nếu như CDQL là của phe Nguyễn Phú Trọng đưa ra nhằm đấu tố Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh thì ảnh hưởng gì đến Nguyễn Tấn Dũng? Có thể trả lời nhanh là không hề ảnh hưởng, nếu không nói là cơ hội đánh bóng của Nguyễn Tấn Dũng sẽ rất cao nếu ông có những phát biểu và đường hướng (dù là nói miệng) tốt trong hội nghị lần này.
Vì sao? Vì những đối thủ nặng ký nhất ngồi vào ghế Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Việt Nam trong đại hội đảng Cộng sản sắp tới đây xem như mất điểm hoàn toàn. Dù nói theo cách gì thì Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Xuân Phúc và Phùng Quang Thanh cũng là những ứng cử viên nặng ký trong chiếc ghế Tổng Bí Thư đảng Cộng sản sắp tới.

Ở giả thiết thứ hai, trang CDQL là của phe Nguyễn Tấn Dũng. Giả thiết này, có những dấu hiệu sau: Đây là trang blog có giọng văn của một nhà báo chuyên nghiệp cố tình viết theo lối thả lơ cảm xúc; Thông tin về tài sản của các quan chức trong trang này có sức thuyết phục rất lớn, họ đưa ra được những bằng chứng cụ thể; Trang này đặt nặng vấn đề sức khỏe của Nguyễn Bá Thanh và đưa ra thông tin khẳng định Nguyễn Xuân Phúc ám hại Nguyễn Bá Thanh; Trang này đánh Phùng Quang Thanh và Nguyễn Xuân Phúc đến độ không kịp vuốt mặt.

Nhưng, CDQL có những điểm lạ: Chưa đụng đến gia đình và tài sản Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chưa đụng đến tài sản của những quan chức đàn em Nguyễn Tấn Dũng; Riêng vụ Nguyễn Bá Thanh bị bệnh, CDQL có được bức ảnh ông Thanh nằm viện tại Mỹ củng thời gian Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái rượu Nguyễn Tấn Dũng chính thức thành công dân Mỹ; Sau khi Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẵng điều trị, CDQL không thể đưa ra bất cứ hình ảnh hay thông tin nào về Nguyễn Bá Thanh.

Điều này đặt ra câu hỏi: Phải chăng khi về Đà Nẵng điều trị, với lực lượng và phe nhóm bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, hình ảnh của Nguyễn Bá Thanh được giữ kín, khác với lúc điều trị ở Mỹ, mặc dù vẫn được bảo vệ trong chừng mực nào đó nhưng các y tá, điều dưỡng, hộ lý vẫn có thể bị mua chuộc để thành một tay chụp hình trộm vì khoản thù lao quá cao. Và hình ảnh tiều tụy của Nguyễn Bá Thanh sẽ là một nắm muối xát vào những “vết thương chính trị” vốn mưng mủ trong mối quan hệ Nguyễn Xuân Phúc – Nguyễn Bá Thanh do CDQL kiến tạo?

Và cũng chính vì thế, để xoa dịu dư luận, khi Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẵng điều trị, Nguyễn Xuân Phúc là một trong những người đến thăm ông Thanh sớm nhất và ở lại với ông Thanh lâu nhất, hơn nửa giớ đồng hồ trong phòng điều trị của ông Thanh, họ đã nói với nhau những gì, CDQL tịt ngòi, không có ý kiến?!

Cũng theo hướng này, CDQL là của phe Nguyễn Tấn Dũng thì đòn thế của họ như thế nào? Có thể nói, đòn khởi sự mà Nguyễn Bá Thanh đánh Nguyễn Tấn Dũng nằm trong cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, trong cuộc họp này, Nguyễn Bá Thanh đã chửi khéo Nguyễn Tấn Dũng không biết nhục, không có văn hóa từ chức, chỉ biết xin lỗi qua loa cho xong chuyện… Và tuyên bố sẽ “hốt liền” khi thấy dấu hiệu tham nhũng chứ không cần bằng chứng cụ thể, hốt trước rồi điều tra sau. Tiếp nối sê ri đòn này, Nguyễn Bá Thanh hốt cũng khá nhiều, những vụ hốt này không cần bàn thêm ở đây.

Đáp trả, Nguyễn Tấn Dũng cho chuyên viên Chính phủ vào Đà Nẵng điều tra làm rõ vụ Nguyễn Bá Thanh mờ ám trong quản lý đất tại Đà Nẵng (phải khẳng định là do Nguyễn Tấn Dũng điều động, hạ lệnh, không có lệnh của Dũng thì có ăn gan trời các chuyên viên cũng không dám làm điều này). Đòn này xem như một cú đánh vỗ mặt, cảnh cáo cho Nguyễn Bá Thanh bớt nói bung lung boa loa.

Tiếp theo, sau khi Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội nhậm chức, đương nhiên không thể nói là Thanh bị cô lập, không có đồng minh ở Hà Nội được bởi chính những đồng minh đã kéo Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội, họ thấy được hiệu dụng ở ông và họ phải vỗ béo ông để được việc cho họ. Công cuộc “chống tham nhũng” trên thực tế là đấu tố tham nhũng để hạ thủ phe đối phương, cuộc chiến ủy nhiệm đánh vào Nguyễn Tấn Dũng do Nguyễn Bá Thanh cầm trịch và chịu đạn bắt đầu. Nhiều nhân vật vốn là cánh tay đắc lực ở sân sau Nguyễn Tấn Dũng bị dính chưởng như Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Phạm Quí Ngọ… Đương nhiên là Nguyễn Bá Thanh đã “bứt dây động rừng” ở Hà Nội.

Tháng 5 năm 2014, Nguyễn Bá Thanh lâm bệnh, đến tháng 8 thì bệnh chuyển sang giai đoạn bạo phát, phải đi điều trị nước ngoài, đây cũng là giai đoạn CDQL xuất hiện, nhiều câu chuyện “thâm cung bí sử” được phơi bày, các quan tham lộ diện từng chân tơ, kẽ tóc. Nhưng có một điều lạ là tài sản của gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không được nhắc đến.

Và CDQL đưa tin khá chi tiết về vụ việc Nguyễn Bá Thanh bị ám sát bởi tình báo Hoa Nam, do Nguyễn Xuân Phúc sang Lào nhờ Tổng Đại sứ Trung Quốc can thiệp, để thời gian này, nhân lúc Nguyễn Bá Thanh công du Trung Quốc mà ra tay. CDQLcũng đưa tin khá rõ về bệnh tình của Nguyễn Bá Thanh ở Mỹ. Nhưng khi ông Thanh về đến Đà Nẵng thì mọi thông tin về Nguyễn Bá Thanh rất nhạt, nếu không muốn nói là không có gì!

Đến đây, mối nghi vấn CDQL là của phe Nguyễn Tấn Dũng nghe ra có sức thuyết phục hơn. Bởi lẽ, tranh nhau chiếc ghế Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Việt Nam sắp tới, những ứng cử viên cao cấp sẽ có Nguyễn Sinh Hùng (nhưng Hùng quá già so với Dũng,Thanh quân đội và Phúc), Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang Thanh, Giàng Xeo Phử, Phạm Quang Nghị, và Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó, ba đối thủ nặng ký nhất là Phùng Quang Thanh, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Tấn Dũng.

Diệt được hai đối thủ Phùng Quang Thanh và Nguyễn Xuân Phúc thì xem như con đường bước lên ghế Tổng Bí Thư của Nguyễn Tấn Dũng rất hanh thông. Và đây cũng là thứ mà Nguyễn Tấn Dũng cần nhất. Bởi ông từng làm nhiều nhiệm kì Thủ tướng, nếu bây giờ ông làm tiếp là chuyện không thể xảy ra, nhưng ngồi ghế Chủ tịch nước thì chẳng có bao nhiêu quyền lực vì mọi thứ quyền lực kinh tế đã tập trung trong tay Chính phủ. Bây giờ, với kinh nghiệm làm Thủ tướng và nắm được mọi đường đi lối về trong Chính phủ, nếu ngồi ghế Tổng Bí Thư đảng Cộng sản thì xem như Nguyễn Tấn Dũng đã nắm trọn vẹn quyền lực trong tay, Chính phủ khó bề mà qua mặt Tổng Bí Thư, khác với Nguyễn Phú Trọng không biết gì về hệ thống quyền lực trong Chính phủ nên đâm ra ngớ ngẩn, bị coi là Trọng Lú.

Và một khi Nguyễn Tấn Dũng nắm ghế Tổng Bí Thư, ông có thể là một Tập Cận Bình của Việt Nam, thế hệ Hậu Cộng sản chính thức lên ngôi ở Việt Nam. Và lúc đó, Phạm Quang Nghị hay Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Sinh Hùng, Vũ Đức Đam, Giàng Xeo Phử… hay bất kì ai lên làm Thủ tướng Chính phủ cũng không thoát khỏi tay Nguyễn Tấn Dũng. Chính vì những đường hướng chính trị này mà CDQL nhắm vào Phúc và Thanh quân đội để đánh, Nguyễn Tấn Dũng cố tình phát biểu hớ hênh trong Hội nghị trung ương 10 rằng “các trang mạng xã hội rất khó mà quản lý, không thể quản lý…”.

Điều này chẳng khác nào gợi ý cho các đảng viên khác tiếp tục vào đọc CDQL để hạ điểm các đối thủ và cuối cùng là chỉ còn mỗi Nguyễn Tấn Dũng đủ tư cách, nghiễm nhiên ngồi vào ghế này.

Và, nếu thật sự CDQL là của phe Nguyễn Tấn Dũng thì đòn thế tiếp theo sau vụ này sẽ là gì? Bây giờ, lại phụ thuộc vào sức khỏe của Nguyễn Bá Thanh, nếu ông Thanh không khỏe lại, nghỉ hưu vì bệnh tật hoặc chết đi thì CDQL sắp tới sẽ im hơi lặng tiếng về Nguyễn Bá Thanh nhưng lại phanh phui các quan chức khác không đáng kể (như Nguyễn Hòa Bình chẳng hạn!), duy trì một thời gian ngắn nữa rồi im lặng, đóng cửa sau Hội nghị trung ương 10.


Ngược lại, sức khỏe ông Thanh là một ẩn số, ông khỏe lại và ra Hà Nội để làm việc lại, tiếp tục phanh phui tham nhũng thì người kế tiếp sẽ là Nguyễn Bá Thanh, đánh Nguyễn Bá Thanh gục, xem như đánh phe đang đấu tố Nguyễn Tấn Dũng gục và quyền bính sẽ trở lại tay của Dũng.
Và đương nhiên đây chỉ là những giả thiết, dẫu sao thì CDQL vẫn đưa ra những bằng chứng tham nhũng cộm cán, rất tiếc là chưa đủ, nếu đưa được thông tin về tài sản, gia đình Nguyễn Tấn Dũng một cách rõ nét thì mọi chuyện lại khác?!

PAUL MASON * NẠN ĐÓI TRUNG CỘNG

Người đưa ra sự thật về nạn đói TQ

Cập nhật: 17:29 GMT - thứ năm, 22 tháng 11, 2012

Vào thời điểm bí mật này bị lật tẩy, phòng làm việc của một nhà báo chắc trông cũng giống như nơi làm việc của Dương Kế Thằng bây giờ. Sàn lát gạch hoa, khung cửa sổ cáu bẩn, trên bàn chồng hai đống giấy cao ngất, phong bì và sách. Cái máy sưởi từ thời Mao. Tàn thuốc lá và bụi bặm.
Dưới thời Mao Trạch Đông, vận may của ông Dương là tìm được việc trong tòa báo của chính quyền, Tân Hoa xã. Điều không may là ông phải chứng kiến cái chết của cha do thiếu ăn năm 1961, đỉnh điểm nạn đói làm 36 triệu người chết.
“Khi cha qua đời, tôi đã nghĩ đó là vấn đề riêng gia đình tôi. Tôi trách bản thân đã không về nhà nhặt lượm cây dại cho bố ăn. Sau đó, chủ tịch tỉnh Hà Bắc nói hàng triệu người đã chết. Tôi sững sờ,” ông Dương nói.
 image
Những năm 90, ông Dương lúc đó đã thành biên tập viên cấp cao ở Tân Hoa xã, dùng vị trí của mình để bí mật tìm hiểu sự thật về nạn đói trên khắp 12 tỉnh khác nhau qua các tư liệu lưu trữ:
“Tôi không thể nói là tôi đang đi tìm tài liệu về nạn đói, tôi chỉ có thể nói là đang tìm tài liệu về lịch sử chính sách nông nghiệp Trung Quốc. Trong những dữ liệu đó tôi tìm được rất nhiều thông tin về nạn đói và về những người chết vì nó. Một số thư viện cho tôi sao lại; nơi khác thì chỉ cho ghi chép thông tin. Đây,” ông làm cử chỉ về phía đống phong bì màu nâu nghiêng ngả trên sàn nhà, “là các bản sao”.
Kết quả là: Tấm bia mộ: Chuyện chưa kể về Nạn đói lớn của Mao, xuất bản ở phương Tây năm nay và được tán thành nhiệt liệt.
Ông Dương, 72 tuổi, gọn gàng, nhỏ bé, bó người trong hai chiếc áo len, mặc cho tia sáng mặt trời mùa đông chiếu xiên trên bàn.
Ông lần mò trên giá để tìm cuốn sách mà ông không nhớ tựa đề: của một tác giả phương Tây bỗng xẹt qua trí nhớ ông.

Trung Quốc thực hiện Bước đại Nhảy vọt dưới thời Mao Trạch Đông lãnh đạo
“Viết về sự nô lệ?” ông nói. Tôi gợi ý tên Hayek và sau một hồi thử các kiểu chuyển ngữ sang tiếng Trung cũng hiệu nghiệm. Ông vồ ngay lấy cuốn Con đường dẫn tới chế độ nô lệ của Friedrich von Hayek trong thư viện và khẽ cười với chút nghi ngờ khi tôi bảo ông đây có lẽ là cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất tới kinh tế phương Tây:
“Trước khi đọc Hayek, tôi chỉ đọc sách do Đảng bảo tôi đọc. Hayek nói rằng dùng chính phủ để khuyến khích một xã hội không tưởng là rất nguy hiểm. Ở Trung Quốc đó chính xác là những gì họ làm. Họ dùng một xã hội không tưởng do Marx khuyến khích, dù là nó đẹp đi nữa, cũng rất nguy hiểm.”

image
Cho tới bây giờ, 50 năm đã qua, chính sử Trung Quốc vẫn khẳng định nạn đói năm 1958-61 là do thiên tai. Tác phẩm của ông Dương cho thấy nạn đói ở tầm khổng lồ và do một nguyên nhân chính trị, rất trực tiếp.
Nông nghiệp bị hợp tác hóa một cách thô bạo, để nông dân phụ thuộc vào sự phân chia lương thực. Đảng viên địa phương xông vào tận bếp từng nhà, sung công tất tật, và phạt những ai giữ lấy nguồn cung cấp thực phẩm riêng.

 image
Sau đó, khi Mao yêu cầu khẩn trương công nghiệp hóa trong thời Bước đại Nhảy vọt, việc cung cấp lương thực lặn tăm mất. Cùng lúc đó các quan chức địa phương, hoảng hốt vì thất bại, bắt đầu báo khống con số thu hoạch.
 image
Trong lúc đó Mao công khai làm nhục những đảng viên lãnh đạo tỏ ý nghi ngờ. Kết quả là nạn đói lớn nhất trong lịch sử hiện đại.
Chính việc ông Dương từ chối đi theo những gì chính thống của Trung Quốc mà cuốn sách bị cấm xuất bản ở Trung Quốc. Xảy ra nạn đói là do tập trung quyền lực Đảng, ông tranh luận – lãnh đạo bây giờ thì cũng phải đối mặt với bao tai họa ở Trung Quốc – nào là vụ bán máu nhiễm HIV, cho tới dịch cúm Sars, cho tới chuyện nhà sập ở động đất Tứ Xuyên – đều là kết quả của chính trị thiếu tự do và báo chí thiếu tự do.

 image
Mặc cho bị dán nhãn phản động, ông Dương cho rằng có khoảng nửa triệu bản sao bằng tiếng Hong Kong lưu hành ở Trung Quốc. Bản của riêng ông, được giấu kín trong tủ đựng ly tách, mua được ở chợ đen sau này: trang sách đều là sao lại, bìa bọc chắc chắn, bóng loáng và rõ ràng thiếu chuyên nghiệp.

 image

“Có khoảng 10,000 cuốn như thế này đang được lưu hành,” ông nói. “Mọi người vẫn muốn mang sách thật từ Hong Kong về nhưng bị chặn, nên phải làm thế này. Phản hồi rất mạnh mẽ, tôi đã nhận được nhiều thư từ độc giả kể cho tôi chuyện người thân mất mạng trong nạn đói.”
 image
Bản tiếng Anh tạo nên dấu ấn khổng lồ, nhiều người gọi ông Dương là Solzhenitsyn của Trung Quốc. Với tôi, ông lại như Vasily Grossman của Trung Quốc: dù ông cho rằng chủ nghĩa Marx là kiểu tưởng tượng nguy hiểm ông vẫn là Đảng viên. Cái tính tầm thường ám ảnh ông – cũng như Grossman – bảo vệ lấy quyền lực của kỷ niệm:

 image
“Trung Quốc trải qua giai đoạn thay đổi lớn. Nhưng... việc lợi dụng quyền lợi riêng trong nền kinh tế thị trường và quyền lực không bị cản trở nên chế độ chuyên chế tạo ra hàng vô tận những điều phi lý, và tầng lớp thấp hơn ngày càng giận dữ. Trong thế kỷ mới này tôi rằng những người nắm quyền và dân thường phải như nhau từ chính trong tim họ và chế độ chuyên quyền đã đến điểm kết thúc rồi.” (Trang 22, Ngôi mộ đá).
"Chúng tôi được học rất nhiều về lịch sử. Nhưng, phần lớn là những điều không thật. Toàn những chuyện bịa đặt để phục vụ tư tưởng. Một khi anh nhận ra là mình bị lừa, anh bắt đầu theo đuổi sự thật. "
Cảm giác như thế nào, tôi hỏi, là một sử gia ở đất nước mà kỷ niệm lịch sử bị chèn ép hoàn toàn?
“Đau lắm,” ông nói. “Chúng tôi được học rất nhiều về lịch sử. Nhưng, phần lớn là những điều không thật. Toàn những chuyện bịa đặt để phục vụ tư tưởng. Một khi anh nhận ra là mình bị lừa, anh bắt đầu theo đuổi sự thật. Đó là những gì tôi làm: Tôi đã bị lừa, nên tôi muốn viết ra sự thật – dù có nguy hiểm thế nào đi nữa.”
Dù đã nghỉ hưu khỏi Tân Hoa xã, ông Dương vẫn rất năng động. Tờ tạp chí chính trị ông làm từ văn phòng nhỏ bé này, từ đống ấn bản chưa bán vẫn chất chồng trong hành lang, không có ảnh hưởng gì nhiều nhặn. Ông cho rằng phải mất 10 năm nữa cuốn Ngôi mộ đá mới có thể xuất bản ở Nhân dân Cộng hòa, nếu cải cách chính trị vẫn giữ nguyên tiến độ ảm đạm này.
Nhưng cũng như các cây viết bất đồng chính kiến khác của Trung Quốc, ông học được cách không vội vàng.
Ông ấn mấy lá trà vào trong cái cốc giấy, đổ nước nóng ra từ phích. Ở góc phòng có bộ máy tính cổ lỗ hiếm khi được chạm tới, nhưng công cuộc của ông Dương đã được thực hiện ở mộ thế giới thông tin không kỹ thuật số: photocopy và ghi chép tay.
Ông gõ gõ vào bản tiếng Anh một cách hài lòng, vẫn sửng sốt về giá sách mà nhà xuất bản Penguin đưa ra bán:
“Tấm bia mộ có bốn tầng ý nghĩa. Đầu tiên là dành cho cha tôi đã chết trong nạn đói, nữa là để nhớ 36 triệu người chết trong nạn đói. Ý nghĩa thứ ba là ngôi mộ đá cho thể chế đã giết họ.”
Còn ý nghĩa thứ tư?
“Thứ tư là – cuốn sách mang tới những đe dọa chính trị cho tôi, thế nên nó là tấm bia mộ cho tôi nếu bất kỳ điều gì xảy ra vì đã viết nó.
image
image
image
image
image
image
image
image
image
image
image

image
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/11/121122_chinese_famine_book


GS. CARL THAYER * ĐẠI HỘI RUỒI

GS Carl Thayer: Nhìn về Đại hội 12

  Đảng Cộng sản Việt Nam đang bắt đầu chuẩn bị cho Đại hội 12 vào đầu năm 2016, tròn 30 năm sau khi chính sách Đổi mới được đưa ra tại Đại hội 6 hồi năm 1986.

Trong cuộc phỏng vấn với Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam lâu năm từ Australia, Nguyễn Hùng của BBC cũng hỏi ông về các yếu tố có thể ảnh hưởng tới nhân sự tại Đại hội.
BBC: Ông nhận thấy sự thay đổi gì khi Bộ Chính trị nay có 16 thành viên thay vì 14 vì như ông nói 14 thành viên của Bộ Chính trị trước đây đã bỏ phiếu với khoảng cách phiếu lớn để kỷ luật thủ tướng. Và liệu sẽ có thêm thành viên vào Bộ Chính trị từ giờ tới cuối năm, trước đại hội tới, để thay đổi cuộc chơi cho thủ tướng không?
Có thể chứ. Kế hoạch hiện tại là mở rộng Bộ Chính trị [từ nay] tới Đại hội sắp tới lên ít nhất 17 thành viên.
Tháng 11 trước tôi tới Việt Nam và được biết một danh sách 50 người đã được đưa lên Ban Tổ chức và người ta đã lược xuống còn 23 [người].
Như vậy có 23 thành viên Bộ Chính trị tiềm năng và họ sẽ còn phải đi qua các vòng lựa chọn khác nữa.
Nếu nhìn vào 16 người hiện nay, chín trong số 14 người ban đầu sẽ [tới tuổi] về hưu, bảy người [trong số 16 thành viên hiện tại] sẽ ở lại, như vậy [cần] 10 thành viên mới.

Sự chuyển giao này không phải là không có tiền lệ do cách tổ chức của Việt Nam, họ chỉ mở năm vị trí hàng đầu [trong Đảng] cho những người đã giữ trọn một nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị.
Họ thực sự cần một Bộ Chính trị nhiều thành viên hơn hoặc tiếp nhận những người trẻ vào sớm hơn nữa.
Người ta luôn có thể mở rộng Bộ Chính trị từ nay tới Đại hội Đảng nhưng tôi cho rằng điều đó còn sớm quá và nếu đó là toan tính để ngáng thủ tướng thì nó sẽ tạo ra hiệu ứng ngược.
Tôi cũng phải chỉ ra rằng chúng ta đang nói về các đảng viên thủ cựu trong Ban Tổ chức toan thao túng và chọn nhà lãnh đạo kế tiếp.
Nhưng lịch sử đã cho thấy các đại biểu [Đại hội] được bầu ở cấp tỉnh khá độc lập tại Đại hội, họ có quyền tiến cử ứng viên và ngay cả khi họ được trao danh sách 23 người để chọn ra 17, họ có thể bầu ra ban chấp hành trung ương mà bản thân nó cũng độc lập và có thể phủ quyết.
Cách đây hai kỳ Đại hội, họ đòi được quyền chọn tổng bí thư và không được đáp ứng nhưng họ được phép bỏ phiếu thăm dò và kết quả được thông báo cho ban chấp hành trung ương.
Chúng ta vẫn đối mặt với thực tế là cho dù nhóm thủ cựu muốn để lại di sản như thế nào đi chăng nữa thì điều đó có thể không được ban chấp hành trung ương chấp nhận khi chúng ta tiến gần tới đại hội với vài kỳ họp còn lại.
Và tại chính đại hội, chúng ta đã thấy trong đại hội trước có những nhân vật không được giới thủ cựu ủng hộ nhưng vẫn được bầu vào ban chấp hành trung ương.
BBC: Ông nói rằng có danh sách 23 người để bầu vào Bộ Chính trị vậy có nghĩa là tất cả các thành viên Bộ Chính trị đều phải được bầu lại bao gồm cả hai thành viên mới?
Ý tôi muốn nói là Ban Tổ chức xem xét một loạt những người có thể đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị và thoạt đầu họ có danh sách 50 người.
Họ xem xét danh sách đo và giảm số người xuống còn 23. Họ vẫn còn phải được sàng lọc, [và mọi chuyện phụ thuộc vào việc] liệu có cuộc điều tra nào diễn ra, các tin tức bị rò rỉ, rồi cuối cùng Ban Tổ chức muốn tiến cử, ra chỉ dấu cho ban chấp hành trung ương mới lựa chọn của họ.
 Ý tôi muốn nói là Ban Tổ chức xem xét một loạt những người có thể đủ tiêu chuẩn vào Bộ Chính trị và thoạt đầu họ có danh sách 50 người.
Họ xem xét danh sách đo và giảm số người xuống còn 23. Họ vẫn còn phải được sàng lọc, [và mọi chuyện phụ thuộc vào việc] liệu có cuộc điều tra nào diễn ra, các tin tức bị rò rỉ, rồi cuối cùng Ban Tổ chức muốn tiến cử, ra chỉ dấu cho ban chấp hành trung ương mới lựa chọn của họ.
Cũng như tại Đại hội 11, các đại biểu Đảng sẽ bầu ra ban chấp hành trung ương để ban này bầu Bộ Chính trị
Quyết định cuối cùng thuộc về ban chấp hành trung ương mới sẽ được các đại biểu Đảng bầu ra tại Đại hội tới và vào ngày họp cuối cùng họ [các ủy viên trung ương mới] họp hội nghị đầu tiên mà tại đó bộ chính trị sẽ được bầu ra và một khi đã có bộ chính trị họ sẽ chọn một người trong số đó làm tổng bí thư.BBC: Có vẻ như thủ tướng hiện tại là ứng viên mạnh cho chức ông chủ Đảng nhưng vấn đề là tổng bí thư đương nhiệm cũng có những lựa chọn của ông và chúng ta có biết các lựa chọn đó thế nào không và các lựa chọn đó có khả năng cạnh tranh như thế nào so với thủ tướng?
Thông tin duy nhất mà tôi có đã được một thời gian lâu rồi là ông Nguyễn Phú Trọng tiến cử ông Phạm Quang Nghị và đó là lý do mà ông được cử sang Mỹ giữa lúc xảy ra cuộc khủng hoảng giàn khoan để ông có thể về và nói với ông Phạm Bình Minh rằng tôi đã làm việc với người Mỹ, tôi có kinh nghiệm đối ngoại.
Còn có những người khác từ bên Đảng nhưng tôi không biết ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ ủng hộ ai làm tổng bí thư nếu ông không vào được vị trí này.
Ông sẽ không thể bỏ phiếu được nếu không có mặt trong ban chấp hành trung ương mới nên ông chỉ có thể đi lên hoặc về vườn.
Người vào vị trí để trống của ông [Dũng] thường được chọn từ các phó thủ tướng và nhiều đồn đoán mà tôi nghe được là ông Nguyễn Xuân Phúc chính là lựa chọn của ông [Dũng].
Nhưng ông [Phúc] bị trang Chân dung quyền lực đánh tới tấp và có vẻ đã bị Ủy ban kiểm tra thuộc quyền Tổng Bí thư điều tra về các cáo buộc.
Ông về thứ 10/16 trong bỏ phiếu [tín nhiệm], tức là hai bậc dưới bán nhưng [điều quan trọng] là đừng có ai đạt dưới 50% mà hiện chúng ta chưa biết thông tin về số phiếu bất tín nhiệm.
BBC: Mọi chuyện sẽ phức tạp hơn khi tính tới quy định mới của Đảng mà theo đó không ai được phép ứng cử hay chấp nhận đề cử mà không được Bộ Chính trị 16 người hiện nay bật đèn xanh. Ông nói rằng Bộ Chính trị hiện tại, trừ hai thành viên mới, đã bỏ phiếu kỷ luật thủ tướng cách đây chưa lâu. Vậy liệu họ có chấp nhận ông cho vị trí tổng bí thư hay bất kỳ vị trí nào khác không? Vướng mắc là ở chỗ ông ấy sẽ thắng khi ra trước Ban Chấp hành trung ương nhưng liệu ông có vượt qua được thử thách đầu tiên, đó là đạt được sự đồng thuận [có lợi cho ông] trong cơ quan quyền lực cao nhất với 16 [thành viên hiện tại] hay 17 thành viên trong tương lai để được ứng cử?
Hai năm trước khi bỏ phiếu diễn ra Bộ Chính trị chỉ có 14 người và quyết định [kỷ luật] đó bị Ban Chấp hành Trung ương phủ quyết.
Anh nói đúng là cốt lõi của Bộ Chính trị, dù là chín hay mười người thì vẫn là đa số đáng kể nếu mọi người tại vị.
Đó có thể là trở ngại cho thủ tướng. Nhưng giờ đã có thêm hai ủy viên Bộ Chính trị và khi trước ông thủ tướng chủ yếu bị tấn công vì cách điều hành kinh tế.
Ông có vẻ đã nổi trội hơn, hay đánh đúng tình cảm của công chúng đối với Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng giàn khoan, thậm chí gửi tin nhắn tới điện thoại của dân chúng, rồi các bài diễn văn và hành động của ông tại Quốc hội.
Thế nên vấn đề là nhóm chín hay 10 người từ hai năm trước có còn thống nhất không và liệu các thành viên có nghĩ tới chính tương lai của họ nếu họ còn có tương lai và đổi phe.
Và ngay cả khi anh nói về quy định của Đảng thì như tôi đã nói cách đây hai đại hội, các đại biểu đã đòi được quyền chọn tổng bí thư và cho dù họ không được đáp ứng nhưng trường hợp vé vớt có thể xảy ra.
Điều rõ ràng là thủ tướng có ủng hộ lớn từ Ban Chấp hành Trung ương và các thành viên của ban này có thể làm cho mọi chuyện khó khăn nếu người ta định tấn công hay bỏ phiếu loại ông.
BBC: Còn về ứng viên cho vị trí thủ tướng, hai ứng viên nào có thể coi là đang ở hàng đầu? Chúng tôi có nói chuyện với cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết và ông nói người ta nhắc tới bốn nhân vật gồm hai Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân.
Trong quá khứ, phó thủ tướng thứ nhất sẽ trở thành thủ tướng nhưng hiện chúng ta không biết ai là [phó thủ tướng thứ nhất]. Người ta không nói rõ ra. Có năm phó thủ tướng cả thảy, vậy là có năm ứng viên.
Nếu ông Phúc là lựa chọn của ông Nguyễn Tấn Dũng thì chuyện ông ấy bị nêu tên trên blog [khiến người ta đặt câu hỏi] ai rò rỉ ra những thông tin đó.
Chúng ta không biết đó có phải là an ninh hay tình báo quân đội hay không.
Bởi vậy vấn đề là liệu Thủ tướng có tiếp tục chọn ông [Phúc] hay không.
Bà Ngân, cách đây chín tháng hay một năm được nhiều người ca ngợi, nhưng bà phù hợp hơn cho ghế chủ tịch Quốc hội.


Nó cũng là điều chưa có tiền lệ [nếu bà trở thành thủ tướng] vì bà chưa ở nhiệm sở trọn một nhiệm kỳ.
Câu hỏi là liệu Việt Nam có chấp nhận một thủ tướng mà chưa trải qua vị trí phó thủ tướng trong khoảng bốn hay năm năm không.
Đối với ông Vũ Đức Đam, nhiều người ủng hộ ông khi nghe nhắc tới tên lúc tôi ở Việt Nam.
Người ta thích khả năng kỹ trị và tuổi trẻ của ông nên ông có thể là người thay thế khi sự phản đối ông Phúc lớn tới mức ông phải từ bỏ [tham vọng làm thủ tướng].
Đối với ông Nguyễn Thiện Nhân, khi người ta đẩy ông sang Mặt trận Tổ Quốc phần cũng là vì Đại hội trước đã thay đổi điều lệ mà theo đó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phải là một ủy viên Bộ Chính trị không về hưu [tại Đại hội kế tiếp] như từng xảy ra.
Họ muốn trẻ hóa Mặt trận Tổ quốc.
Cũng khó khẳng định chuyện Thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng] đang muốn cho hai, hay ba người chạy đua.
Người ta đều đồng tình rằng ông Nhân không được việc khi làm bộ trưởng giáo dục và thoạt đầu ông không phù hợp với vị trí ở Mặt trận Tổ quốc nhưng có vẻ ông ấy đã quen dần với công việc.
Đó là những đồn đoán về những ứng viên hàng đầu cho tới khi có những cáo buộc trên blog mà tôi cho rằng không chính xác.
Nhưng cũng có tin đồn về chuyện có điều tra của [Ban] kiểm tra và nó cũng đặt ra những câu hỏi.
Tôi nghĩ rằng những gì diễn ra ở cấp đại biểu Đại hội tới sẽ quyết định số phận của thủ tướng tương lai.
BBC: Theo quan điểm cá nhân của ông, đội hình lý tưởng cho bốn vị trí hàng đầu gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội cần có những ai? Và ông có cho rằng cần phải hợp nhất hai vị trí tổng bí thư và chủ tịch không?
Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần điều đó [hợp nhất vị trí chủ tịch và tổng bí th] vì nhiều lý do.
Chẳng hạn sắp tới kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ và họ rất muốn ông Nguyễn Phú Trọng tới thăm [Hoa Kỳ] và tới được Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng nhưng ông [Trọng] không phải là nguyên thủ quốc gia.
Trước đây Việt Nam cũng đã gặp phải vấn đề này.
Thực tế là từ khi ông Hồ Chí Minh qua đời, người ta đã làm như vậy để đảm bảo cân bằng quyền lực.
Đó là lý do ông Trương Tấn Sang được đưa lên để vị trí chủ tịch không chỉ có tính hình thức mà còn có thực quyền.
Tôi không phải là người thích ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng càng ngày ông ấy càng thuyết phục được tôi hơn.
Ông ấy là nhân vật năng động nhất, có thể đã bị khiển trách, nhưng sẵn sàng chấp nhận rủi ro và có đầu óc tưởng tượng phong phú.
[Bởi vậy ông ấy] sẽ là một tổng bí thư mạnh, có lẽ mạnh hơn là Việt Nam muốn có.
Nhưng nếu ông ở vào vị trí đó, ông sẽ nổi trên quốc tế.
Câu hỏi khác là liệu ông có thay đổi được bộ mặt của văn phòng tổng bí thư không?
Điều tôi vẫn luôn nói là trong hai nhiệm kỳ của ông, cho dù tăng trưởng kinh tế có giảm sút, nhưng văn phòng thủ tướng luôn mạnh hơn nhiều so với bên Đảng.
Nếu ông lên làm tổng bí thư và có người mà ông tin cậy được làm thủ tướng thì đó sẽ là kết hợp mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân [có kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cao trong Đảng] và về đầu trong bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội phù hợp với chức chủ tịch Quốc hội.

Về vị trí thủ tướng, tôi nghĩ đã đến lúc có người trẻ và năng động [vào vị trí này] và [nếu] ông Vũ Đức Đam [làm thủ tướng ông] có thể làm hai nhiệm kỳ mà vẫn chưa tới 69 tuổi và còn có thể đóng góp thêm.
Vị trí chủ tịch là vị trí khó đoán.
Trong trò chơi 'Musical Chairs' ở phương Tây luôn có nhiều người chơi hơn số ghế và khi nhạc [do một người không tham gia chơi điều khiển] dừng một người [không tìm được ghế để ngồi xuống trước những người khác] sẽ phải rời [cuộc chơi và người ta cũng bỏ đi thêm một ghế để luôn có ít ghế hơn số người chơi. Những người chơi bị loại dần cho tới khi còn một người chiến thắng].
Còn trong Đại hội trước có năm ghế và năm người chơi. Khi nhạc dừng ông Trương Tấn Sang thành chủ tịch còn những người khác bị loại.
Bởi thế nên mọi chuyện chưa rõ ràng.
Tướng Phùng Quang thanh đã được nhắc tới [như một ứng viên] vì đã có những người tiền nhiệm của ông lên chức chủ tịch nhưng không phải tất cả những người làm chủ tịch đều từ quân đội đi lên.
Điều đó [nếu ông Thanh làm chủ tịch] sẽ tạo sự cân bằng và có thể có ích cho quan hệ với Trung Quốc.
BBC: Nhưng ông Thanh và con trai ông cũng là đối tượng nhắm tới của blog [Chân dung quyền lực], vậy chúng ta có thể nói gì về chuyện này?
Nên nhớ rằng con [rể] của ông Nông Đức Mạnh đã bị tấn công liên quan tới PMU 18 và theo tôi mỗi lần gần tới Đại hội Đảng họ lại tấn công các thành viên gia đình của một số nhân vật chỉ để chứng minh rằng nếu anh không kiểm soát được gia đình thì làm sao điều hành chính quyền được.
Thông tin có được tới từ theo dõi lén và chúng ta phải đặt câu hỏi những cơ quan nào ở Việt Nam có khả năng này và tại sao họ muốn làm điều đó.
Trong vụ ông Phùng Quang Thanh, có cáo buộc là Tổng cục 2, tức tình báo quân đội có liên quan.
Nhưng có thành viên gia đình bị chỉ trích chưa chắc đã là trở ngại. Trong vụ ông Nông Đức Mạnh, ông ấy vẫn được bầu làm tổng bí thư, rồi con gái của thủ tướng cũng từng bị chỉ trích.

 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/01/150114_carl_thayer_iv_2

Thursday, January 22, 2015


VĂN HÓA -XÃ HỘI VIỆT NAM

Vé xe Tết, nỗi khổ của người lao động nghèo

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-01-20

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Nhiều khi phải bỏ cả ngày trời đề mua được vé xe
Nhiều khi phải bỏ cả ngày trời đề mua được vé xe. (Tháng 01/2015)
RFA
Năm nào cũng giống năm nào, việc mua vé xe về quê ăn Tết luôn là nỗi lo lớn nhất của người lao động xa quê tại đất Sài Gòn, bến xe Miền Đông trở thành cái nơi mà họ phải vật vạ, chờ đợi và cầu may để mua được tấm vé, lên xe về quê. Khác với nhiều năm trước, năm nay, người lao động ít lo chuyện phải bị nhét xuống gầm xe, nằm vật vạ trong không gian chật hẹp và có thể bị chết ngạt, chết vì xóc bất cứ giờ nào. Nhưng bù vào đó, giá vé cao ngất ngưởng cùng với hàng loạt giá dịch vụ phụ khiến cho người lao động phải chóng mặt.
Giá xăng giảm nhưng nhà xe vẫn tăng giá vé
Một đại diện nhà xe tên Trúc tại bến xe Miền Đông, Sài Gòn cho biết:“Khoảng từ 24 đến 28 tháng 12 âm lịch đã hết vé, chỉ còn vé từ 23 tháng chạp trở về trước và sau ngày 29 tháng chạp. Vé xe đã có vậy rồi, không giảm, vé Tết mà!”
Theo bà Trúc, giá vé xe hiện nay vẫn chưa có gì thay đổi ngoài việc giảm từ 3% đến 5% nhưng lại tăng mức cước phí theo lịch Tết, mặc dù giá xăng đã được hạ xuống mức khá thấp. Sở dĩ có chuyện như vậy vì nhà xe tuy mới vui mừng vì giá xăng thì những chuyện khác không vui lại đến, mức phí chung chi cho cảnh sát giao thông suốt tuyến đường lại tăng gấp đôi so với trước. Như vậy, giá xăng hạ vẫn không bù được khoản chung chi nhân gấp đôi.
Tuyến đường từ Sài Gòn ra Hà Nội có đến vài ba chục trạm gác, thường thì những trạm gác chính do cảnh sát giao thông mỗi tỉnh đứng đường, rồi thỉnh thoảng có các trạm gác đột xuất do công an huyện đứng đường.
Mỗi xe muốn đi qua trạm gác đều phải chung 200 ngàn đồng, đó là con số qui ước, cứ thấy cảnh sát giao thông chỉ gậy vào xe thì liền tấp xe vào lề, kẹp 200 ngàn đồng vào giấy tờ xe, xuống chào hỏi đúng thủ tục, đưa giấy tờ cho cảnh sát giao thông. Lúc này, cảnh sát giao thông chỉ làm mỗi một việc là nhẹ nhàng kẹp tờ tiền vào giữa hai ngón tay, đưa nó vào giữa lòng bàn tay rồi nhét vào đai nịt cảnh sát.
Trước đây, mức giá chung là 100 ngàn đồng, từ ngày giá xăng giảm, mức giá tăng lên gấp đôi. Chính vì vậy mà giá cước vé xe qui định ở các bến xe luôn là nỗi ám ảnh của nhà xe, họ buộc phải tìm khách bên ngoài bến xe để thỏa thuận giá mà kiếm chút lãi, đỡ đi khoản thuế bến đỗ.
Đôi khi phải xếp hàng từ tờ mờ sáng mới hy vọng mua được vé về quê
Đôi khi phải xếp hàng từ tờ mờ sáng mới hy vọng mua được vé về quê
Cách làm của nhà xe thường tỏ ra rất nghiêm túc, cứ đến giờ là xuất bến. Nhưng thực tế, họ có riêng một đội ngũ cò mồi lân la ở các dãy ghế chờ trong bến xe, tìm hiểu khách đã chờ bao lâu và nếu thấy khách chưa có vé thì bán vé chợ đen với giá cao hoặc chỉ cho họ ra ngoài ngã ba Thủ Đức để đứng chờ, ở đó sẽ có được ghế ngồi và giá cả hợp lý vì nhà xe không cần phải đóng thuế phần trăm vé xe cho bến.
Thường thì những lao động xa quê có mang theo xe máy, nôn nóng về nhà nên nghe theo lời các tay cò, ra đứng đón ở ngã ba Thủ Đức, và đương nhiên là đúng như lời của các cò mồi, giá vé mỗi người không đắt hơn giá vé trong bến, lại có chỗ ngồi tốt vì xe còn trống lúc xuất bến. Nhưng giá dịch vụ phụ thì miễn bàn, một chiếc xe gắn máy có thể tốn cả triệu đồng vận chuyển về đến Hà Nội và sáu trăm, bảy trăm ngàn đồng về đến miền Trung. Đến nước này, không thể bỏ chiếc xe lại, đành phải phóng lao thì theo lao, chấp nhận mất tiền.
Và cũng đương nhiên, với cách làm việc này, bất kì nhà xe nào cũng cố gắng tăng thêm khách, tăn g thêm vòng chạy đua ngày giáp Tết, mức độ an toàn trên đường đi rất thấp do sức khỏe của tài xế xuống dốc bởi liên tục làm việc. Chính vì việc chạy đua này mà giao thông mùa giáp Tết hết sức nguy hiểm, mọi rủi ro luôn rình rập.
Người lao động chật vật vì vé xe
Chị Huệ, là công nhân giày da trong khu công nghiệp Tân Bình, quê ở Quảng Trị, chia sẻ: “Chỉ cần lên xe là chen lấn, Tết là họ nhét mình như nhét heo vậy. Ghế 3 người chứ nhét từ 4 đến 5 người, Họ còn để thêm ghé nhỏ chen giữa các lối đi, ở những khoảng trống nhỏ để nhét thêm khách…!”

Chỗ bán vé nào cũng phải chờ cả ngày

Chỗ bán vé nào cũng phải chờ cả ngày

Chị Huệ cho biết, năm nay, tuy giá xăng có giảm nhưng việc mua vé để về quê ăn Tết và đến mồng Mười tháng Giêng lại quay vào Sài Gòn khiến chị mất hết gần hai tháng lương. Với mức lương một công nhân xí nghiệp may công nghiệp dao động từ hai triệu rưỡi đến bốn triệu đồng, phải trả các loại chi phí chỗ thuê trọ, tiền điện, tiền nước, ăn uống, sinh hoạt… Để dư được một triệu đồng giắt lưng làm vốn mỗi tháng là một chuyện hết sức khó khăn.
Nhiều người cũng là công nhân xa quê giống như chị Huệ, có khi cả năm làm lụng vất vả không dư được 5 triệu đồng vì chi phí hằng ngày đã ngốn hết tiền lương, trong trường hợp này, cuối năm chỉ biết buồn, khóc và tiếp tục trọ lại thành phố để bảo toàn số tiền dành dụm bởi nếu về quê, số tiền này chỉ vừa đủ chi phí đi lại, mua một ít quà Tết cho gia đình, ra Giêng lại cày xới, dành dụm… Chẳng còn gì.
Chính vì khó khăn này nên chị Huệ chọn cứ hai năm lại về thăm nhà một lần vào dịp Tết, dù có tiết kiệm cách gì thì mỗi lần thăm nhà cũng tốn của chị ngót nghét một chục triệu đồng bởi tiền vé xe, tiền mua quà và lì xì Tết cho người thân. Với chị, để có số tiền này, chị phải tốn gần một năm rưỡi dành dụm.
Và đây cũng là nỗi chật vật không riêng gì của chị Huệ mà hầu hết những người lao động xa quê, đặc biệt là với những người lao động bươn bả ngoài đời như lượm ve chai, bán vé số, bán bánh kẹo, đậu phộng rang… Việc mua một tấm vé xe về quê ăn Tết có khi phải dành dụm nửa năm trời mới đủ, và để có một tấm vé khứa hồi vào lại thành phố để làm ăn, tốn cả năm trời dành dụm. Với họ, một năm dài làm lụng chỉ đủ mua vé về quê, vào lại để tiếp tục bươn bả, cày xới qua ngày đoạn tháng, chẳng có gì hơn.
Tết âm lịch sắp đến, không khí mua vé ở các bến xe Sài Gòn bắt đầu chộn rộn, tuy nhiên, giới lao động nghèo chỉ có thể xếp hàng chờ mua vé vào dịp họ chính thức nghỉ Tết, đây cũng là dịp mà các hãng xe có thể hét bất kì giá nào ở ngã ba Thủ Đức vì trong các bến xe đã chật như nêm, khó hy vọng mua được tấm vé Tết.
Và năm nào cũng như năm nào, nhà nước luôn đưa thông tin về chính sách tốt dành cho người nghèo nhưng trên thực tế, Tết, với người nghèo nói chung và người nghèo xa quê nói riêng, bao giờ cũng là dịp người ta cảm nhận được sự chạm đáy thân phận của mình.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/tet-festiv-poor-suff-01202015050150.html

Áo quần bành Trung Quốc

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-01-19

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Bán đồ bành và cả chăn màn mùa đông
Bán đồ bành và cả chăn màn mùa đông
RFA

Hằng năm, khi mùa Đông tới, những người bán áo quần bành lại mang hàng hóa ra các ngã ba đường, vỉa hè, khu chợ… để bán. Mặt hàng của họ chủ yếu là áo quần đã qua sử dụng, bán với giá rẻ bèo cho người lao động, người nghèo, người có thu nhập thấp. Chủng loại hàng hóa của họ cũng khá phong phú, từ đôi vớ đeo chân cho đến chiếc nịt, chiếc áo khoác, áo ấm, áo len, áo pull, quần jean, quần Kaki… Có thể nói, đồ bánh có gốc từ kho hàng Sida của Campuchia một thuở dù sao cũng giúp cho người nghèo có quần áo mặc mà không phải bận tâm lắm về giá cả. Thế nhưng thời gian gần đây, đồ bành trá hình có nguồn Trung Quốc đã khiến không ít người hoảng hồn.
Trứng côn trùng và những thứ độc hại
Một người từng là đại lý áo quần bành cho khu vực miền Trung, hiện sống tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, tên Tri, chia sẻ: “Hồi trước nó bán từng kiện bên Campuchia chở về. Bây giờ nguồn đó không còn nữa. Trước đây hồi PolPot bị thua, người Campuchia được viện trợ áo quần cũ theo từng kiện, rồi họ lấy họ bán cho mình, giờ người Campuchia họ cũng không cần đồ cũ nữa, đồ Sida cũng không còn nữa, nếu có chỉ là hàng tồn trước đây thôi. Giờ thì toàn đồ bị lỗi của Việt Nam, đồ Trung Quốc xấu, bị lỗi mang sang Việt Nam bán, giờ thứ gì họ cũng gọi là đồ Sida hết trơn.”
Trước đây, áo quần bành trên thị trường Việt Nam còn có tên là áo quần Sida, do tổ chức Sida tài trợ cho chính phủ Campuchia để phát cho dân nghèo
Ông Tri cho biết thêm là hiện tại, khái niệm áo quần bành cũng đã bị đánh tráo, nếu như trước đây, áo quần bành trên thị trường Việt Nam còn có tên là áo quần Sida, do tổ chức Sida tài trợ cho chính phủ Campuchia để phát cho dân nghèo, thay vì phân phát cho dân nghèo sau chiến tranh, chính quyền Campuchia đã ém số đồ này bán cho tư thương Việt Nam. Tư thương người Việt lại mang về bán cho người Việt Nam trên ba miền với giá vừa phải. Đương nhiên là khi mua, với một bành áo quần vài trăm chiếc chỉ tốn vài trăm ngàn đồng, mang về bán với giá vài chục ngàn một chiếc, tỉ lệ lãi có thể gấp ba bốn chục lần so với giá gốc.
Và càng về sau, kinh tế Campuchia phát triển hơn, người dân quê cũng không muốn mặc những thứ áo quần của phương Tây bỏ đi, các kho hàng từ thiện của Campuchia xả hàng loạt, tư thương mua về bán cho người dân ồ ạt. Đến những năm 2010 thì nguồn hàng này cạn kiệt, người buôn áo quần bành chuyển sang buôn bán áo quần lỗi mốt, lỗi kĩ thuật được xả bỏ ở các hãng may. Những bộ áo quần có chi tiết lỗi không lớn lắm nhưng không thể xuất hàng được tuồn ra thị trường đồ bành.
Đồ bành Sida
Đồ bành Sida
Nhưng chuyện này diễn ra không được bao lâu, kéo dài chưa đầy nửa năm thì hàng Trung Quốc ồ ạt tấn công Việt Nam, áo quần Trung Quốc có giá rẻ mạt, mẫu mã bắt mắt được trưng bán khắp các hang cùng ngõ hẻm Việt Nam. Đã có nhiều người mua loại áo quần này, sau khi ngâm nước để giặt, các loại côn trùng nở ra chi chit trong thau nước, phải mang cả thau đồ đi đổ, hôm sau, ngay vị trí đổ thau đồ này, hàng ngàn con đỉa con và những côn trùng loi nhoi hiện ra.
Không biết áo quần này người Trung Quốc đã sản xuất theo cách nào, bảo quản ra sao mà lại có nhiều trứng đỉa, trứng côn trùng ẩn náu trong đó. Điều này có phải là sự vô tình do sản xuất cẩu thả hay là một chủ trương gây hại cho quốc dân một nước láng giềng
Chuyện áo quần Trung Quốc thì thiên hình vạn trạng cái để nói. Nhưng cái điều đáng nói nhất mà theo ông Tri là hầu như thị trường áo quần hiện nay chỉ toàn đồ Trung Quốc, có nhãn mác Trung Quốc thì bán giá đắt, không có nhãn mác thì bán giá rẻ bèo và rất có thể đó là một ổ trứng đỉa, có nhiều bộ áo quần không có nhãn mác đã được dân buôn Việt Nam gắn nhãn mác sản xuất tại Việt Nam để lừa người mua. Mọi thứ hoàn toàn bị đánh tráo, ngay cả khái niệm áo quần bành cũng đã bị đánh tráo, người ta đâu có mua từng bành về bán như trước đây mà mua từng lô hàng của Trung Quốc, có số lượng và giá cả hẳn hoi nhưng lại bán với danh nghĩa đồ bành để qua mặt người tiêu dùng.
Và ông Tri cũng lấy làm khó hiểu vì không biết áo quần này người Trung Quốc đã sản xuất theo cách nào, bảo quản ra sao mà lại có nhiều trứng đỉa, trứng côn trùng ẩn náu trong đó. Điều này có phải là sự vô tình do sản xuất cẩu thả hay là một chủ trương gây hại cho quốc dân một nước láng giềng nằm trong tầm ngắm? Và ông Tri cũng lấy làm lạ khi mọi chuyện có nguy cơ cho sức khỏe người dân vẫn diễn ra hằng ngày mà nhà cầm quyền chẳng có động thái nào để ngăn chặn, mặc cho nó bùng phát!
Đồ bành hàng xả và hàng Trung quốc
Đồ bành hàng xả và hàng Trung quốc
Dở khóc dở cười vì đồ bành
Một người buôn đồ bành tên Vi, hiện đang sống ở Buôn Hồ, Đắc Lắck chia sẻ: “Giờ khó lắm, ví dụ như mình ra mình chọn mấy hàng họ để đống, mua năm ngàn, bảy ngàn về mình hô hai mươi, hai lăm ngàn đồng thì họa ra mới có lời. Giờ đâu như hồi xưa nữa, hồi xưa người ta nghèo người ta mua đại cái đồ bành về mặc cho ấm, chứ giờ hàng công ty xả đầy, cái áo sơ mi mới có hai lăm ngàn đồng. Ít ai mua đồ bành này nữa, phải đồ xịn kia họ mới mua!”
Giờ đâu như hồi xưa nữa, hồi xưa người ta nghèo người ta mua đại cái đồ bành về mặc cho ấm, chứ giờ hàng công ty xả đầy, cái áo sơ mi mới có hai lăm ngàn đồng. Ít ai mua đồ bành này nữa, phải đồ xịn kia họ mới mua!
Một người buôn đồ bành
Theo bà Vi, nghề buôn đồ bành ở Việt Nam hiện tại đã qua thời vàng son, không phải bởi người dân hết nghèo, không thèm xài đồ bành nữa, cũng không phải đời sống xã hội đã khấm khá hơn khiến cho thẩm mỹ con người phát triển, không ai mặc áo quần lỗi mốt nữa mà trên thực tế, đồ bành đã hoàn toàn mất uy tín, người ta đã bỏ nghề buôn đồ bành rất nhiều, những người bán áo quần bành khắp nơi hiện tại có đời sống rất khó khăn, họ cố vớt vát, bán nốt những lô hàng tồn kho từ mùa Đông năm trước, thậm chí nhiều năm trước.
Cũng có nhiều trường hợp vẫn tiếp tục mua đồ bành Trung Quốc về các chợ quê, vùng nghèo khó để bán, những trường hợp này thu lãi rất cao nhưng nếu tính tổng thể thì mức lãi ròng cũng chẳng là bao vì chi phí xăng cộ, đi lại, ăn uống, thuê chỗ ở trọ. Chính vì nhịp sống quay cuồng, vội vã như vậy nên những người buôn đồ bành ít ổn định, rày đây mai đó, sống cẩu thả, được chăng hay chớ và ít nghĩ đến đường dài. Một khi đầu óc con người bị thui chột bởi nhịp sống, cái lợi trước mắt sẽ che khuất mọi thứ và người ta không còn đủ thời gian để phản tĩnh, suy tư về lương tri, đạo đức nữa.
Theo bà Vi, một khi những người dân Việt Nam trở thành nạn nhân của các thứ hàng hóa độc hại của Trung Quốc, điều đáng nói không phải ở chỗ Trung Quốc thâm hiểm mà chính là phông kiến thức của người dân quá thấp, từ người buôn bán cho đến người tiêu dùng, không hề ý thức được là mình đang tiếp tay cho giặc để giết hại chính đồng bào của mình và cũng không hề ý thức được là mua hàng hóa Trung Quốc là giết chính mình, giết cả tương lai của con cái mình.
Sở dĩ xãy ra chuyện này là vì nền giáo dục, nền truyền thông Việt Nam đã hỏng từ gốc đến ngọn, điều này chỉ dẫn đến một kết cục đáng sợ là một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ xoa đầu Việt Nam như xoa đầu một con vật nuôi trung thành và không được thông minh cho mấy!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/clothe-pack-fr-china-01192015074019.html


Sapa đắt khách nhưng đồng bào thiểu số lại buồn

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2015-01-09

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Những người dân tộc ở chợ Sapa
Những người dân tộc ở chợ Sapa
RFA

Thị trấn Sapa có lượng khách đông đúc vượt bậc và hàng loạt khách sạn cháy phòng, du khách phải thuê sân nhà dân để căn lều trại ngủ qua đêm trong giá lạnh là một trong những thông tin vui cho ngành du lịch Lào Cai. Nhưng thông tin này lại không hề có ý nghĩa gì đối với những nông dân làm vườn cũng như người đồng bào H.Mong, Thái Trắng, Dao Đỏ ở Sapa. Nếu nhìn một cách khách quan, sự thắng lợi trong kinh doanh du lịch lại một lần nữa cứa vào vết thương chưa kịp lành của đồng bào thiểu số. Vết thương này là gì?

Mùa khốn khó bắt đầu

Một người bạn Dao Đỏ tên Miền, chia sẻ: “Người nghèo thì nhiều lắm, ba phần thì có hai phần rồi, ở đây nghèo lắm. Làm ruộng, trồng rau ăn, các thứ thì đi mua nhà nước rồi về bán, lãi một xu hai xu, một đồng hai đồng để ăn. Cứ ăn hết lại đi mua. Như các thứ đồ dệt, mình mua rồi bán lại, như mua hai mươi ngàn, bán hai lăm ngàn, lãi năm ngàn thì ăn”.
Người nghèo thì nhiều lắm, ba phần thì có hai phần rồi, ở đây nghèo lắm. Làm ruộng, trồng rau ăn, các thứ thì đi mua nhà nước rồi về bán, lãi một xu hai xu, một đồng hai đồng để ăn. Cứ ăn hết lại đi mua. Như các thứ đồ dệt, mình mua rồi bán lại, như mua hai mươi ngàn, bán hai lăm ngàn, lãi năm ngàn thì ăn.
-Bạn Miền
Với kinh nghiệm làm vườn lâu năm, chị Miền dự đoán rằng năm nay sẽ có tuyết rơi vào dịp Tết âm lịch, và đó cũng là dịp khó khăn nhất cho người nông dân. Thường thì người nông dân miền núi không có nhiều ruộng như nông dân miền xuôi, bên cạnh đó, cũng chưa bao giờ được mùa như nông dân miền xuôi. Thường mỗi gia đình có không tới hai sào ruộng bậc thang gồm nhiều thửa lẻ tẻ dọc các triền núi để trồng lúa. Và mỗi sào chỉ thu hoạch được từ hai đến ba trăm ký lúa. Nếu được mùa, bội thu thì được ba trăm ký.
Và với sáu trăm ký lúa, giã thành gạo còn lại được gần bốn trăm ký gạo nếu như được mùa, mất mùa thì số lượng gạo dùng trong vòng sáu tháng của một gia đình năm, sáu người chỉ còn chừng hai trăm ký. Trong trường hợp thức ăn giàu dinh dưỡng thì hai trăm ký gạo vẫn có thể đắp đổi được. Nhưng với nông dân miền núi, vấn đề dinh dưỡng vẫn còn rất xa tầm tay, chính vì thiếu dinh dưỡng nên thay vì ăn một bát cơm, người ta phải ăn lên hai bát, ba bát mới lấp nổi cái bụng đói.
Và cũng chính vì lẽ này, trong những ngày trời lạnh, nguy cơ thiếu ăn, đói ăn của nhiều gia đình đồng bào thiểu số là rất cao. Trong khi đó, mọi súc vật, gia cầm sẽ chết hàng loạt vào những ngày trời băng giá, thay vì bán lợn, gà, vịt, ngan để mua lương khô, mì gói, người ta phải muối thịt để ăn qua ngày nhưng cũng chẳng được mấy ngày vì thời tiết thất thường, ngày hửng nắng, đêm tuyết rơi, tủ lạnh thì chẳng gia đình nào có. Ngay cả cái ăn còn thiếu huống gì là tủ lạnh.
Hơn nữa, mùa giá rét, rau cải, từ su hào cho đến hoa hồng, thậm chí măng giang đều bị chín nhũn vì tuyết lạnh. Hầu như chẳng còn gì để bán mà tồn tại, người H.Mong, người Thái Trắng, người Dao Đỏ lại một lần nữa mang bị, mang gậy chống ra khỏi bản để bán quà lưu niệm. Nói là bán quà lưu niệm nhưng trên thực tế, những người này đi ăn xin một cách trá hình.
sapa-400.jpg
Một người mẹ Dao Đỏ ở gần chợ Sapa. RFA PHOTO.
Mặc dù rất buồn vì đồng bào của mình lại cam phận làm ăn mày trá hình nhưng chị Miền cũng ngậm ngùi thừa nhận là không còn cách nào khác, nhiều bà mẹ mới sinh con vài ngày cũng phải bồng con đi kiếm ăn, có người ăn xin, cũng có người đi lượm ve chai. Tụ điểm của họ là hai con phố sầm uất trong thị trấn Sapa, phố Fansipan và phố Cầu Mây. Ở đây, vào cuối tuần, khi các xe rác hụ còi, những đồng bào thiểu số sẽ xúm xít chờ người ta mang rác đi vứt để sục sạo tìm những vỏ hộp, những thức ăn thừa và nếu may mắn thì có nhiều thứ vỏ lon vứt đi, những thứ này kiếm được nhiều tiền hơn.
Những ngày khác trong tuần, những người mẹ lại cõng con đi lang thang khắp các nẻo phố để kiếm ăn, nếu may mắn gặp khách du lịch thươgg tình cho vài đồng, xem như ngày đó trúng đậm. Nhưng đáng ngại nhất vẫn là cái lạnh, họ ăn mặc phong phanh, người lớn xám môi, trẻ em run lập cập, riết thành quen, cái lạnh chẳng còn khiến cho người ta sợ chết mà không dám ra đường kiếm ăn nữa.

Vết thương phẩm hạnh bị tấy đau

Một người đàn ông Dao Đỏ tên A Khương, chia sẻ:“Lạnh lắm, thường thì khoảng 2 độ đến 5 độ, nhiều khi còn có 0 độ. Chuyện thiếu ăn thì có, nhiều bản xa hơn ở đây còn khó hơn nữa. Chuyện thiếu ăn là chuyện thường, chết đói thì chưa đến nối nhưng thiếu ăn thì thường xuyên. Chủ yếu thì ăn ngô với nếp, trồng được ở ruộng bậc thang. Phải dự trữ nhưng vẫn thiếu ăn. Đâu có đất đâu mà trồng nhiều.”
Chuyện thiếu ăn thì có, nhiều bản xa hơn ở đây còn khó hơn nữa. Chuyện thiếu ăn là chuyện thường, chết đói thì chưa đến nối nhưng thiếu ăn thì thường xuyên. Chủ yếu thì ăn ngô với nếp, trồng được ở ruộng bậc thang. Phải dự trữ nhưng vẫn thiếu ăn. Đâu có đất đâu mà trồng nhiều.
-A Khương
Theo ông A Khương, vấn đề đau lòng nhất của bà con dân tộc thiểu số Tây Bắc, ven những vùng du lịch không phải là chuyện thiếu đói, vì thiếu đói vốn là căn bệnh mãn tính ở đây, không cần bàn tán gì thêm nữa. Vấn đề là lương tri, bản tính hồn nhiên đã hoàn toàn mất dấu trong tâm hồn những đồng bào thiểu số quanh các khu du lịch. Đây là căn bệnh đáng sợ nhất.
Nếu như các cô gái đều mang giấc mơ học giỏi tiếng Anh để làm hướng dẫn viên và kiếm chồng Tây thì không thiếu những phụ nữ ở tuổi 40, 50 cố tình học tiếng Anh điể tiếp cận nhưng ông Tây sồn sồn mà bán dâm. Có lẽ chính vì thế mà khái niệm “chơi dân tộc”, “chơi mọi” được giới ăn chơi nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Khái niệm gia đình không còn sâu sắc và thiêng liêng đối với nhiều phụ nữ đồng bào thiểu số nữa. Họ bắt đầu nghĩ đến những ông chồng giàu ở xứ khác và mơ những giấc mơ đổi đời bằng con đường lấy chồng xứ lạ.
Đây là vết thương mưng đau của đồng bào thiểu số, bởi suy cho cùng, với họ, thứ duy nhất khiến họ yêu quí đời sống và gắn với núi rừng thiêng liêng, bản làng thân thuộc, vượt qua mọi khổ ải chính là tính hồn nhiên, thủy chung và nếp sống chân chất, mộc mạc giữa người với người. Rất tiếc, chuyện ấy đang dần trở thành quá khứ, người thiểu số cũng bắt đầu học đòi quay cuồng theo đời sống vật dục nhưng lại không có bất kì kiến thức gì về đời sống này cũng như không có đủ những phương tiện văn hóa căn bản nhất để theo đuổi giấc mộng hão huyền của mình.
Vô hình trung, sự thành công của ngành du lịch lại đẩy những bản làng hồn nhiên trở nên phức tạp, giảo hoạt và tụt hậu, lún sâu vào những vấn đề tệ hại nhất của loài người. Và điều đó nổi trội mỗi khi lượng khách du lịch Sapa nhiều lên thất thường, mọi sự quản lý chểnh mảng, những trò rủ rê, chèo kéo khách du lịch lại diễn ra ở các bản làng.
Suy cho cùng, nếu như băng giá làm cho ngành du lịch trở nên thịnh vượng thì đôi khi, chính sự thịnh vượng này lại làm cho tâm hồn con người trở nên đóng băng, đẩy những nhóm dân tộc thiểu số vào chỗ lạnh lùng và tật nguyền vĩnh viễn. Không có gì đáng sợ hơn một sự giàu có của người này kéo theo một nỗi tật nguyền của người khác, không có lối thoát!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

 

No comments:

Post a Comment