Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 14 November 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN * MAI THANH TRUYẾT* HỒ CHÍ MINH

Tuesday, December 9, 2014


HƯNG YÊN * TÙ CẢI TẠO

 

 Mẩu Đời Một Người Cựu Tù Cải Tạo
Hưng Yên


Hôm nay là ngày bầu cử, trường học đóng cửa nên thằng Thanh theo thằng Hoàng ra chỗ sửa xe ngay từ buổi sáng. Khi mọi người đã đi hết, ông Ba Cất mở “trạn” lấy cơm nguội ra ăn; cánh cửa trạn vừa mở ra ông đã nghe mấy con gián chạy rào rào. Nhưng cũng chẳng sao, ở trong trại cải tạo ông ăn phải gián là thường, mấy người khác cũng vậy, mà có thấy ai kêu la hay khạc nhổ gì đâu! Ruồi, rệp, gián và người cùng ở chung với nhau. 
Thau cơm độn khoai lang khô, khoai mì khô hay bo bo lãnh về chưa kịp chia, ruồi đậu đen nghịt ở phía trên. Thau nước mắm “đại dương” lãnh về (toàn nước muối pha với chút nước mắm cho có mùi) mấy chục con ruồi nổi lều bều... Lấy tay xua xua, đuổi đám ruồi ở thau cơm, lấy thìa vớt mấy con ruồi ở thau nước mắm bỏ đi rồi chia cơm, chia nước mắm. Lúc chia anh em ngồi lõ mắt ra nhìn, chỉ sợ chia không đều, phần mình ít hơn phần người khác.
Miếng cháy lớn bằng nửa bàn tay bẻ ra làm mười bỏ lên trên mười phần cơm của mười người, chỉ nghe có tiếng cằn nhằn là cháy bẻ không đều, miếng to, miếng bé chứ chẳng thấy ai kêu nhiều ruồi nhiều nhặng bao giờ!
Chúa Nhật không phải đi lao động ở nhà, ai có thăm nuôi thì nấu nướng linh tinh, đám con bà phước (người không có thăm nuôi) vô sản thì nhìn người ta ăn rồi nuốt nước miếng, vì Chúa Nhật hay ngày lễ nghỉ không đi lao động thì không có ăn sáng. Ăn rồi kẻ vá quần áo, người lật mùng, lật chăn ra bắt rệp. Rệp đâu mà nhiều thế không biết, bắt hôm nay ngày mai lại có, giết chán mỏi tay nó lại hôi rình bèn bắt bỏ vào cái hũ pê li xi lin rồi thỉnh thoảng lấy ra xem nó bò chơi.
Còn gián cũng vậy, sinh sôi nẩy nở tràn lan vì giang sơn của mỗi người tù chỉ rộng không bằng một chiếc chiếu cá nhân nên chiếu của người này phải trải chồng lên mép chiếu của người kia. Rồi thì muối, mắm, tương, chao, đường tán, mì vụn v.v. nói chung là mọi thứ tài sản của một người tù đều được để trên “xích đông” thuộc phần mình ngay chỗ đầu nằm, thế là trước khi người ăn, gián đã tha hồ mà hưởng thụ. Buổi sáng trước khi đi lao động ngồi nhai miếng bột khoai mì luộc dầy bằng đốt ngón tay và lớn bằng hai ngón tay chụm lại lãnh từ tối hôm trước. Ðang nhai mà nghe đến xựt một cái rồi thấy hôi hôi, tanh tanh, lờ lợ là biết ngay đã nhai phải một chú gián chui trong cái lỗ hổng ở miếng bột khoai mì. Nhưng mặc mày, “ông” nhắm mắt nuốt luôn vì nếu nhả mày ra thì “ông” còn gì đâu nữa mà ăn!
Ông Ba Cất đã ăn phải gián là thường vì thế mà ông chẳng bận tâm gì đến mấy con gián đang chạy rào rào ở trong cái gác măng giê. Ông chỉ nghĩ bụng: mình sẽ phải sửa lại cái gác măng giê, nó hở nhiều chỗ quá rồi!
Còn được một bát đầy cơm nguội, ông Ba Cất chan vào một chút nước mắm rồi ngồi ăn. Cũng may nồi cơm được đậy vung cẩn thận, gián không chui vào được nên không có mùi hôi. Mới hôm qua, hôm kia đây thôi, còn ở trong tù mà có được bát cơm như thế này thì đã là một hạnh phúc vô biên. Quanh năm suốt tháng chỉ ăn độn, những năm về sau này, mùng một tết mới có được bát cơm trắng nhưng tiêu chuẩn củng chỉ nhỉnh hơn bát cơm ngày thường một chút nên ăn cũng chẳng đủ no.
Ông Ba Cất ngồi nhai bát cơm nguội chan với nước mắm. Lẽ ra nó phải ngon lắm, nhưng ông lại không thấy có gì đặc biệt cả, lại nữa ông cũng không cảm thấy đói để cần ăn.

Từ hôm qua đến nay bữa này là bữa thứ hai ông không phải ăn độn. Bữa cơm tối hôm qua còn có cá trích kho, rau muống luộc chấm nước mắm và nước rau muống luộc có bỏ chút muối làm canh. Tuy ăn có ngon hơn ăn cơm tù nhiều thật, nhưng chỉ sau hai bát là ông đã không ăn nữa. Bà hỏi sao ông ăn ít thế. 
Ông bảo trong tù ăn ít nó quen rồi, nay ăn nhiều sợ hại bao tử, phải từ từ rồi mới ăn nhiều được, cũng như người bệnh lâu ngày mới khỏi, ăn cho cố vào là có chuyện ngay! Tuy nói thế, nhưng còn một lý do thứ hai mà ông Ba Cất không nói ra là ông về bất ưng, nhà không biết để nấu thêm phần cơm ông, nếu ông ăn nhiều thì vợ với các con ông sẽ đói. Hơn nữa dưới chế độ xhcn ưu việt làm bất cứ một việc gì mỗi người đều có tiêu chuẩn cả, ngay cả ăn cũng thế.

Từ nhà ông đến đồn công an phường Thắng Tam đường xa hơn 3 cây số, ông Ba Cất cuốc bộ mất gần một tiếng đồng hồ. Nhưng đi bộ một quãng đường như thế đối với ông là chuyện tầm thường. Ngày mới từ trại Suối Máu được đưa đi lao động tự quản ở Trảng Bom, cải tạo viên đã phải vào rừng chặt tre, chặt lá buông, chặt cây đem về tự dựng lấy lán, lấy nhà để ở. Trong mấy công tác này, ông Ba Cất thích được đi chặt tre nhất. Muốn có một cây tre, cải tạo viên phải cuốc bộ cỡ 12 cây số đường rừng để đến được khu rừng tre.


 
Chọn được bụi tre vừa ý rồi, người chặt tre phải làm thế nào để sau khi phá một bụi tre có thể lấy được tối thiểu là 4-5 cây một lúc, chứ nếu chỉ lấy được một 1-2 cây thôi thì uổng công lắm. Cái khó khăn vất vả nhất của việc chặt tre là dọn sạch từ dưới lên trên để có thể leo lên tít trên ngọn. 
Chặt đứt 5-6 ngọn cây tre đi rồi leo xuống chặt phần gốc xong là có thể rút được cây tre ra dễ dàng. Tiêu chuẩn của mỗi người một ngày là một cây tre, dài 6 mét trở lên, phía gốc to tối thiểu phải bằng cái lon gô. Mà tre là tre rừng lâu năm, cành, lá, gai góc đan chằng chịt vào nhau, phá được một lối đi vào sát bụi tre là đã vất vả lắm rồi, nên nếu không kiên trì và không biết cách thì không dễ gì mà lấy được một cây tre.
Ði chặt tre người ta cũng không đi một mình mà thường đi thành từng nhóm hai, ba người để người nọ phụ người kia, tiếp tay nhau mà chặt cành, mà kéo cây tre ra khỏi bụi, v.v. Nhóm ông Ba Cất chỉ có hai người, ông và anh Nguyễn Ðình. Ông thích đi với anh Nguyễn Ðình vì anh là người cùng đơn vị với ông, cùng ở cư xá Trương Công Ðịnh, anh chẳng những đã hiền lành lại rất tháo vát. Còn anh Nguyễn Ðình cũng thích đi với ông Ba Cất vì ngoài cái tình thân từ trước, ông Ba Cất còn là một kiện tướng chặt tre.
Vì là lao động tự quản nên sáng ra lãnh phần ăn sáng và phần ăn trưa rồi ai muốn đi trước thì đi, ai muốn đi sau thì đi, không bắt buộc phải đi cùng một lúc với nhau và không có công an võ trang vác súng đi theo. Ấy là chỉ những người trách nhiệm đi chặt tre, chặt lá buông hay chặt cây về dựng lán, dựng nhà thôi, chứ những người đi phá rừng hay làm rẫy thì lại khác.
Ông Ba Cất thích đi chặt tre vì tuy phải đi xa những 12 cây số, đi và về 24 cây số, nhưng sau khi phá xong một bụi tre, lấy được 5-6 cây tre xuống rồi thì ông và anh Nguyễn Ðình mỗi người một cây, mấy cây còn lại đem giấu thật kĩ. Nếu thấy trời còn sớm thì trên đường về có thể vừa đi vừa “cải thiện” linh tinh: nắm rau sam, nắm cải trời hoặc là quả bí, quả muớp để chiều hôm đó có cái mà nấu nướng thêm, miễn là vác được cây tre, bó lá buông hay cây cột về tới trại trước bốn giờ chiều giao cho anh tổ trưởng kiểm soát, ghi vào sổ báo cáo thế là được. 
Hôm sau đi chặt tre thì chỉ việc đến chỗ cũ rút ra hai cây tre đã giấu ngày hôm trước, sau đó thì tha hồ mà đi cải thiện. Có lần ông và anh Nguyễn Ðình còn câu được cả mấy chục con cá trắng, loại cá ở suối trông gần giống như con cá diếc, lớn gần bằng hai ngón tay. Ðem về làm sạch rồi đốt lửa nướng, hôm ấy hai anh em được một bữa “bồi dưỡng”! Sau này chuyển trại về Hàm Tân, Thuận Hải Z30C thì toàn là đẩy xe cải tiến hoặc là gánh nước tưới rau. Ngày gánh 60 đôi nước từ suối đi lên, dốc ngược, trơn như mỡ mà ông Ba Cất còn đi được xá gì việc đi bộ từ nhà đến đồn công an có hơn 3 cây số.

Hôm ấy là ngày bầu cử, đồn công an vắng hoe, mọi người đều đi công tác, chỉ còn một anh công an ngồi ở phòng trực. Thấy ông Ba Cất lò dò bước vào, anh ta trừng mắt lên hỏi:
- Ði đâu đây, có việc gì, sao giờ này không đi bầu cử mà lại đến dây?
Ông Ba Cất móc túi lấy tờ giấy “ra trại” mở ra cầm bằng cả hai tay đưa cho anh công an, khẽ thưa:
- Báo cáo cán bộ, tôi mới được ra trại, hôm nay đến trình diện đồn!
Anh công an cầm tờ giấy lẩm nhẩm đọc rồi ngước mắt lên hỏi:
 
- Có thuốc không?

Ông Ba Cất có gói thuốc rê ở trong túi, nhưng nghĩ chả lẽ lại mời cán bộ hút thuốc rê, nên ông nói trớ đi:
- Báo cáo cán bộ tôi không hút thuốc!
Anh công an bỏ tờ giấy ra trại của ông Ba Cất vào hộc bàn, đóng xập lại rồi vẫy tay bảo:
- Về đi, mai đến lấy!
Nói rồi anh ta đứng lên như là chuẩn bị đi đâu đó. Ông Ba Cất nằn nì:
- Báo cáo cán bộ tôi chỉ có mỗi tờ giấy đó, xin cán bộ ký nhận cho là tôi đã trình diện rồi cho tôi xin lại, vì hôm nay là ngày bầu cử... chưa nói hết câu thì anh công an đã trừng mắt lên:
- Ðã bảo về đi mai đến lấy còn lải nhải gì nữa, hay là muốn ở lại đây luôn?


Ông Ba Cất lủi thủi đi về lòng vừa buồn vừa lo! Bực mình bất giác ông lẩm bẩm chửi thành tiếng: ÐM nó, ở đâu cũng giống nhau, trong trại muốn được yên thân cũng phải hối lộ, về đây cũng thế!
Ở trong trại, tù nhân muốn được yên thân, muốn không bị làm phiền cũng phải hối lộ cho quản giáo, cho cán bộ võ trang. Hình thức hối lộ là như thế này: Tù nhân thì anh nào cũng rách như cái sơ mướp, trên chỉ có bộ răng, dưới chỉ có “bác hồ”, đói khát triền miên, nhưng những anh “con bà phước” chả nói làm gì còn những người khác thỉnh thoảng cũng được thăm nuôi. Mà có thăm nuôi thì thế nào cũng có thuốc rê hay thuốc lào bởi tù cải tạo hiếm có người không ghiền thuốc.
Cha cố, sư thày, ngày còn ở ngoài đời mà phì phèo điếu thuốc thì thật là khó coi lắm, thế mà vào đây các vị cũng kéo thuốc rê, rít thuốc lào như điên! Quan thày thuốc ngày trước cứ sau khi đụng vào bệnh nhân một tí là lại đưa tay ra cho y tá xịt an côn để xát trùng. Còn thuốc rê với thuốc lào thì đừng bao giờ nói với các vị vì đó là những thứ thuốc độc cần phải tránh xa. Thế mà vào đây, tù khám bệnh cho tù, sau khi khám xong quan đốc tờ được mời quấn điếu thuốc rê hay rít một điếu thuốc lào thì hai mắt quan đốc tờ sáng lên!
Cũng bởi hầu hết tù nhân sau khi được thăm nuôi thế nào cũng có thuốc rê hay thuốc lào nên mới có một cái luật bất thành văn là như thế này: Sau khi được thăm nuôi, buổi sáng hay buổi chiều đi lao động, ngoài tiêu chuẩn thuốc cho anh, anh phải vấn sẵn 4-5 điếu thuốc rê hay gói sẵn 4-5 bi thuốc lào để hối lộ cho cán bộ quản giáo hay cán bộ võ trang. Số thuốc này anh giao cho đội trưởng để thỉnh thoảng đội trưởng lại mời cán bộ hút một điếu. 
Cán bộ có thuốc “phê” đều đều sẽ vui vẻ không làm khó dễ anh em. Anh nào mới được thăm nuôi cũng phải làm nghĩa vụ như thế, cho đến khi trong đội có người khác được thăm nuôi thì nghĩa vụ của anh mới chấm dứt. Nếu cùng một ngày mà có đến mấy người được thăm nuôi thì sẽ chia nhau mỗi người mấy ngày phải cung cấp thuốc cho cán bộ. Ông Ba Cất cứ đều đều 2 tháng được thăm nuôi một lần nên cứ mỗi 2 tháng là ông lại phải thi hành “nghĩa vụ” một lần. 
Sáng cũng như chiều, ông vấn sẵn 4 điếu thuốc rê đưa cho anh đội trưởng cùng với lời dặn: Ðừng đưa cho nó một lúc, cứ đợi đến khi nó “vã” lắm rồi mới cho một điếu. Ðưa một lúc nó hút hết rồi thì không có đâu mà cho nữa! Nếu chẳng may mà lâu quá trong đội không có ai được thăm nuôi, chẳng lẽ người được thăm nuôi cuối cùng cứ phải cung cấp thuốc cho cán bộ mãi, khi đó “nghĩa vụ” sẽ thuộc về anh đội trưởng. Anh làm sao thì làm, cán bộ “vã” thuốc quá trở nên cáu gắt, làm khó dễ anh em thì anh em sẽ ÐM anh đội trưởng. Gặp những trường hợp như thế thì anh đội trưởng lại đi vòng vòng thì thào năn nỉ anh em bớt mồm bớt miệng “cứu bồ” trong cơn túng ngặt, thế là anh đội trưởng lại có thuốc “đút” cho cán bộ.
Ở trong tù thì thế, nay được ra khỏi tù đến trình diện đồn cũng bị công an hỏi “có thuốc không”? Không có thuốc, bị công an giữ tờ giấy ra trại rồi đuổi về “mai tới lấy”! Hôm nay là ngày bầu cử, “chó vàng” chạy đầy đường, đi đứng lạng quạng, nó hỏi giấy tờ không có, lỡ nó đem nó nhốt rồi gửi đến một trại nào đó thì vợ con biết đâu mà tìm. Vì nghĩ vậy nên khi về được đến nhà rồi, suốt ngày hôm đó ông Ba Cất không dám bước ra khỏi cửa!
Tối về, ông kể chuyện cho vợ nghe, bà thở dài bảo:
- Em bậy quá, đáng lẽ phải bảo con Thảnh đưa cho anh mấy điếu Jet hay Samit mới phải, bây giờ làm cái gì cũng phải có thủ tục “đầu tiên” mới được!
 

UYÊN HẠNH * NƯỚC MẮT CHO QUÊ HƯƠNG

GIỌT NƯỚC MẮT CHO QUÊ HƯƠNG Uyên Hạnh

30thang4quankhantang 
Bây giờ là mùa Lễ Phục Sinh. Trong dịp nghỉ lễ nầy nhiều người lấy thêm ngày nghỉ thường niên và nghỉ bắc cầu bằng một tuần trước hay một tuần ngay sau đó. Với thời gian nghỉ lễ dài như thế nhiều người đưa gia đình đi du lịch hoặc về sống thảnh thơi trong một ngôi nhà nghỉ mát ở vùng quê.
Nhà nghỉ mát ở Đan Mạch thường nằm gần biển. Một thú nghỉ mát không những gây ham thích cho người dân thành thị, mà còn có sức thu hút rất lớn đối với người dân nước láng giềng là Đức quốc, một xứ giàu mạnh đông dân và thiếu biển xanh. Đức là xứ sở của rừng cây và núi đồi, có sông hồ và được coi như ”không có biển”. Đức có miền Bắc giáp giới Đan Mạch ở ba tỉnh Bremen, Kiel, Rostock, là những nơi giáp Biển Bắc (North Sea) và Biển Baltic. Đi sâu vào xứ Đức chỉ có rừng và thông. Đức được vây bọc bởi các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Áo, Thụy sĩ, Pháp, Lục Xâm Bảo, Bỉ và Hòa Lan.
Đan Mạch là một vương quốc với ba đảo lớn và nhiều đảo nhỏ. Đan Mạch có biển khơi vây bọc, có thiên nhiên xanh và đồng cỏ rộng. Những đồng lúa thắm tươi, những cánh đồng hoa vàng rực rỡ sản xuất mù tạt. 


Rừng thông xanh bên những cánh đồng hoa ngàn tuyệt đẹp và đại dương xanh ngát là những nơi dễ gặp tại xứ sở nầy. Mùa nầy về nghỉ dưỡng sức ở vùng quê là một trong những lôi cuốn mà người dân thành thị dễ dàng chọn lấy, để tạm thời xa cảnh ồn ào và cuộc sống vội vả tất bật đầy ô nhiễm, hưởng sự thỏai mái thanh nhàn của làn không khí trong lành tại những vùng đất nằm cạnh biển cả mênh mông.
Thú vui của những buổi nướng thịt trong vườn nhà dưới bầu trời xanh
Năm nào cũng thế, cứ đến mùa Phục Sinh là nắng lại trở về sưởi ấm lòai người, vạn vật cỏ cây. Hoa đã bắt đầu kết nụ, lá đã nhú lên những mầm xanh mơn mởn. Những cành khô trơ lá, những thân cây tưởng như đã chết bỗng hiện lên màu xanh của sự sống. Cảnh vật chuyển mình bước vào mùa hạ. Mùa đông của những tháng ngày lạnh giá đã rủ áo giã từ.
Những ngày cuối tuần kể từ tháng nầy không còn là những buổi tụ họp quây quần trong phòng khách hay trong phòng ăn, thay vào đó là những buổi nướng thịt ngòai sân, ngòai vườn. Trong dịp nghỉ Lễ Phục Sinh, các tiểu gia đình chúng tôi tụ hội lại và ăn uống vui đùa. Hôm đó là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh. Trong khi đang nói chuyện với nhau rộn ràng như pháo nổ, tình cờ một đứa em nhắc đến ngày 30/4 sắp đến. Những người lớn bỗng đồng lọat im bặt, xót xa và thở dài! Làm sao quên được. Không bao giờ quên được ngày 30/4 của 34 năm về trước.
Kể cho nhau nghe ngày bỏ nuớc ra đi
Bọn trẻ trong gia đình, thế hệ thứ ba ngẩn ngơ nhìn thấy tất cả người lớn quanh bàn tiệc đột nhiên bị xúc động mạnh. Bình thường tụi trẻ ưa nói ưa hỏi, nhưng vẻ khẩn trương và đau buồn của chúng tôi đã làm chúng im lặng và nín thở chờ đợi. Cúi đầu thở một hơi thật mạnh, em tôi ngước mắt lên, nhìn thẳng vào bọn trẻ và bắt đầu nói cho nghe lý do vì sao chúng tôi bỗng im lặng trong tiếng thở dài đồng lọat. Chờ cơn xúc động đã dịu xuống, em tôi chậm rãi lên tiếng: ”Ngày 30 tháng 4 năm 1975 cả gia đình mình gồm 18 người đã bỏ nước ra đi. Ngày đó…” Bằng ánh mắt buồn rười rượi em bắt đầu kể những gì em đã cùng gia đình trải qua, trong ngày đen tối nhất của đất nước.
Em kể cho nghe, sáng 30 tháng 4 năm đó, em chỉ là một câu con trai 15 tuổi, đã phải bương bả cùng gia đình kiếm cách vượt thóat khỏi Việt Nam, trên chiếc xe hơi chất đầy người chạy loanh quanh trong thành phố Sài Gòn, giữa cơn hỏang hốt, khi được tin Sài Gòn thất thủ, quân đội Bắc Việt đang tiến vào thành phố Sài Gòn, và binh lính Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ súng. 

Những đọan đường trong thành phố, có nhiều đọan đã bị chận lại, phải kiếm cách vòng qua đường khác mà đi. Cứ hướng mũi xe phóng ra cảng Sài Gòn, nhắm đến hướng Kho Năm mà chạy. Cuối cùng cũng đến được Kho Năm ở Khánh Hội, và xuống được Tàu Trường Xuân trong giờ phút chót để thóat ra khơi. Làm thuyền nhân lưu lạc mấy ngày trời trên biển cả, đem theo sự sợ hãi tuyệt vọng và đớn đau, vì đã bỏ tất cả mà đi và ra đi trong cơn khủng hỏang tuyệt vọng với một cõi lòng tan nát.


1975truongxuan


Chuyến đi sống chết
Thực là một may mắn lớn khi được theo tàu Trường Xuân thóat đi. Trước đó, trong cơn hỗn lọan mọi người sau khi ra được Kho Năm chỉ có một niềm hy vọng độc nhất là có tàu để nhảy xuống đi, tuy rằng không biết đi đâu, miễn là thóat khỏi Việt Nam. Vừa đến Kho Năm, gia đình chúng tôi theo luồng sóng người ào xuống một chiếc tàu neo tại cảng. Nghe tiếng máy nổ, mọi người đinh ninh sẽ được thóat đi. Chờ mãi không thấy thuyền trưởng và thủy thủ đòan, vài người hô hóan lên phải ra ngay khỏi đây để tìm tàu khác, vì nghe nói rằng, chiếc tàu nầy chỉ nổ máy để đánh lạc hướng mọi người. 

Để không ai nghĩ đến việc nhảy xuống một con tàu đang im lìm đậu cách đó không xa, là chiếc tàu phải mua chỗ trước với một chi phí đã được ấn định. Hỏang hốt sợ hãi mọi người cũng như gia đình chúng tôi nhảy ra khỏi chiếc tàu đó. Đang ngơ ngác lo lắng thì nghe có người chỉ vào Tàu Trường Xuân đang đậu trên cảng và hét lớn cho nhau nghe hãy lên ngay Trường Xuân để thóat khỏi Việt Nam. Trường Xuân nhận cho lên tất cả người muốn vượt biển mà không phải trả tiền. 

Tuy khá vất vả chúng tôi cũng leo được lên tàu Trường Xuân. Tàu đông nghịt người và từ từ tách bến ra khơi, đi vào một hành trình đầy gian nan trắc trở trên biển cả mênh mông. Trước khi ra được vùng biển quốc tế con tàu Trường Xuân đen nghịt người đã phải trải qua những giây phút hồi hộp kinh hòang của những lúc sự sống và cái chết cận kề nhau trong gang tấc. Nhưng rồi may mắn theo vận mạng đưa đẩy, gần bốn ngàn người trên con tàu Trường Xuân cập bến Hồng Kông.
Kể đến đây em tôi ngừng lại. Bọn trẻ im lặng trố mắt nhìn mong đợi.
Trong bầu không khí đầy xúc cảm chiều hôm đó, con trai út của tôi lên tiếng: “Nhà mình nợ tụi con!”. Mọi người quay đầu nhìn nó với ánh mắt dò hỏi. Qua giọt nước mắt lóng lánh còn nằm trong khóe mắt chưa rơi xuống, nó nghiêm nghị bảo: “Mình hãy ngồi lại với nhau nhiều lần nữa, để tất cả mọi người trong gia đình lần lượt kể cho chúng con nghe, những gì thế hệ cha mẹ, chú, bác đã trải qua, cho chúng con được biết nhiều hơn về gia đình mình, để…”

Mọi người gật đầu tán thành ý kiến của cậu thanh niên thế hệ thứ ba nầy. Thực sự trước đây chúng tôi cũng đã nói cho các con nghe, nhưng không nói rõ như trong buổi nói chuyện ngày hôm đó. Có thể vì còn nhỏ, các con tôi chỉ nghe qua chứ không đi sâu vào câu chuyện, vì chưa có những xúc động mạnh và lòng tò mò muốn biết nhiều hơn.
Ý nghĩa chuyến đi với thế hệ thứ ba của Trường Xuân
Con trai tôi nói tiếp: “Những khó khăn của cuộc sống, những tranh đấu để vượt thóat để vươn lên, là những bài học qúy giá cho chúng con. Từ những trải nghiệm của gia đình mình, tụi con sẽ học được tính kiên nhẫn, biết qúy trọng người khác, biết dẹp bỏ bớt ích kỷ. Thật sự tụi con được sinh ra và lớn lên tại đây, nên dù có được sự giáo dục của gia đình người Việt vẫn ảnh hưởng nếp sống và văn hóa Tây phương. Nghĩa là dễ bất bình, không muốn dùng nhiều thì giờ để nghe để hiểu để học chữ cảm thông. Đó là những gì mà con, nhờ nghe câu chuyện rõ ràng hôm nay, đã rất cảm động và học hỏi được.

 Sau câu chuyện hôm nay, con thấy gần gũi với gia đình mình nhiều hơn, con thấy thân với các chú hơn. Từ trước đến giờ, con đã nghĩ nhiều về mình hơn là cho người khác. Con chưa gặp vị thuyền trưởng tàu Trường Xuân, nhưng nghe kể về ông con đã cảm phục. Sống ở một xã hội hòa bình tự do đầy đủ như xã hội Đan Mạch, làm sao tụi con biết được cái khổ của gia đình to lớn như thế và sự can đảm trong một tấm lòng nhân hậu như của Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy”.
Đêm đã khá khuya, lại là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh. Ngày mai phải dậy sớm đi làm đi học, nên dù lòng rất muốn, chúng tôi cũng phải chia tay, hẹn sẽ gặp nhau vào cuối tuần sau. Không cần phải hỏi đến, con trai tôi xung phong làm người liên lạc để tổ chức cuộc họp mặt vào cuối tuần tới. Tôi nhận nhiệm vụ lo thức ăn cho ngày đó. Vợ chồng người chú lo nước uống và cà phê bánh ngọt. Chúng tôi vui vẻ chia tay nhau. Trên đường về con trai tôi rối rít: “Mẹ ơi, hôm nay vui và xúc động quá. Mong mau đến tuần sau cả gia đình mình tụ họp lại kể thêm chuyện cho tụi con nghe”.
Ngồi viết những dòng nầy, tôi nhớ lại lời con tôi đã nói với các anh em trong buổi họp mặt của gia đình ngày đó: “Hãy kể cho tụi con nghe để biết những gì gia đình mình đã trải qua. Cho chúng con cơ hội học làm người”. Học làm người là học để hiểu, để thương, để tôn trọng người khác và để tôn trọng chính mình. 

Cũng là học để tri ân đất nước Đan Mạch đã nhân đạo trong hành động cứu vớt gần bốn ngàn thuyền nhân của Trường Xuân trên biển cả một ngày nào, trong giờ phút Trường Xuân sắp chìm xuống Biển Đông vì thuyền bị nước ào vào ồ ạt. Clara Mærsk của Đan Mạch dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Anton Martin Olsen xuất hiện như một thiên thần cứu rỗi.
Hồng Kông, Đan Mạch và thành đạt cùng niềm hãnh diện của thế hệ thứ ba Tàu Trường Xuân
Ngày gặp mặt tuần sau đó bị hủy bỏ vì tôi bị cúm nặng. Thời gian nầy ở Đan Mạch có quá nhiều người bị dịch cúm. Buổi nướng thịt ngòai trời không thực hiện được. Tụi trẻ có hơi buồn nhưng đã điện thọai cho nhau và hứa hẹn sẽ tìm một ngày thích hợp sắp đến để tụ họp ăn uống nói tiếp về chuyến đi vượt trùng dương đầy nguy hiểm. Những gian nan và khó khăn gặp phải trên Tàu Trường Xuân. Thời gian khi tàu Clara Mærsk tiếp cứu. Rồi thuyền nhân Trường Xuân được đưa sang chiếc tàu của họ. Cuộc sống của chúng tôi tại trại tị nạn ở Hồng Kông. 


Những sự kiện khác như việc định cư tại Đan Mạch. Thời gian đầu tiên học Tiếng Đan. Tập ăn thức ăn Đan Mạch. Tập ăn món bánh mì đen truyền thống của người Đan Mạch. Cho đến việc hội nhập vào xã hội sau khi học Tiếng Đan. Học chữ học nghề để bước chân vào thị trường làm việc. Hãnh diện với những đồng tiền mình kiếm được để nuôi gia đình con cái. Bắt đầu một cuộc sống trong không khí tự do, trong một xã hội nhân đạo, trọng sự sống của con người. Những việc đó chúng tôi dự định sẽ kể cho nhau vào những lần sắp đến khi gia đình họp mặt đông đủ trong háo hức trong tò mò của tụi trẻ muốn nghe và biết những gì thế hệ cha ông chúng đã trải qua.
Những câu chuyện kinh khiếp viết nên Trang sử Di Tản Của Người Việt Vượt Biển Đông
Lần hội họp với gia đình trong thời gian sắp đến, ngòai chương trình với những tiết mục nêu trên, chúng tôi, thế hệ thứ hai của Thuyền nhân Trường Xuân đã giao ước với nhau sẽ tìm và đọc cho các con các cháu nghe những mẩu chuyện kể của nhiều gia đình khác. Những câu chuyện gian khổ của những gia đình không may mắn, và lòng hy sinh vô bờ của người vợ người mẹ Việt Nam.
Tôi đã chọn cho tôi một câu chuyện rất thương tâm và dự định sẽ đọc cho các con các cháu nghe trong lần họp mặt sắp đến. Đó là câu chuyện “Đôi Mắt Phượng” của Y sĩ Trung úy Trần Quang.
Một câu chuyện đã làm người đọc rùng mình rơi nước mắt! Nhất là cảnh 140 thuyền nhân đói khát sau 8 ngày lênh đênh trên biển cả, trôi dạt vào một hòn đảo hoang, và thời gian sau đó những người sống đã phải ăn thịt “sống” của người chết. Vì đói và vì họ đang ở trên một hòn đảo san hô cằn cỗi không có cây cành nhóm lửa nấu cho món “thịt người” nầy được chín.

 Người mẹ là Phượng trong câu chuyện, sau khi đứa con gái bé nhỏ đã chết và bị người khác cướp đi để ăn thịt, cô đã cắt trên từng ngón tay và cắt một đường trên đôi vú của mình để cho đứa con trai bú… máu của mình. Đứa bé trai nầy là kết quả của những tháng ngày khi chồng cô bị vào tù học tập cải tạo, chỉ vì ông đã là quân y sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), cô bị mấy thằng cán bộ cưỡng bức tình dục sau đó cô mang thai mà sinh ra nó. Cuối cùng khi có một ngư thuyền đi ngang cứu số thuyền nhân còn sống sót trên đảo hoang nầy thì người mẹ tên Phượng đã chết vì.mất nước hay mất máu.
Trung úy Y sĩ Trần Quang và đứa bé trai sống sót. Đến năm 2004, người con trai sống sót nầy ở trên đất Mỹ đã trở thành một bác sĩ, bác sĩ Trần Phượng Vinh, 26 tuổi. Bác sĩ Trần Quang cha của cậu, đã hứa sau khi Vinh học xong Y khoa và ra trường, ông sẽ kể cho Vinh nghe câu chuyện thương tâm của cuộc đời vợ ông, là Phượng, mẹ của Vinh. 


Nghe xong câu chuyện kể vào ngày 30.4.2004, Vinh đã qùy xuống ôm chân cha nói rằng anh yêu cha và tỏ ý muốn gia nhập đòan thể đấu tranh bảo vệ nhân quyền. Theo lời khuyên của cha, anh ở lại Mỹ để tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam. Rồi Bác sĩ Trần Phượng Vinh quyết định học ngành điện ảnh. Tốt nghiệp ngành điện ảnh, anh vừa là đạo diễn kiêm tài tử và thực hiện cuốn phim lấy tên “Đôi Mắt Phượng”. Trong vai Trung úy Quân y Sư đòan Nhẩy dù Trần Quang, anh kể về câu chuyện thương tâm của gia đình anh và sự hy sinh vô bờ của mẹ anh.
Cuốn phim nầy chỉ nói lên một phần nhỏ trong những gian nan vượt bực mà người lính QLVNCH phải gánh chịu. Nhưng nó là một trong những dữ kiện khai mở cho thế giới một cái nhìn để thấy được rõ hơn một thể chế đang cai trị nhân dân Việt Nam.
Quê hương Việt Nam triền miên trong nỗi đau vì bạo quyền Trung Quốc
Cuộc sống ở đâu cũng có những bận rộn thường nhật. Trong bận rộn đó người Việt lưu vong vẫn dành thì giờ theo dõi tình hình thế giới và đặc biệt những diễn tiến tại quê nhà. Những lần đọc tin tức biết được sự chà đạp nhân quyền lòng ai không quặn đau. Chúng ta cảm phục và cảm tạ sự can đảm của những người tranh đấu cho đồng bào đang lầm than cơ cực.


 Việt Nam hiện đang nằm trong một tương lai đầy nguy hiểm. Trung Cộng đã lấn chiếm đất đai tại các vùng giáp giới của Việt Nam là Ải Nam Quan, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bản Giốc. Mặc cho sự chống đối của dân chúng trong và ngòai nước, một ranh giới mới với Trung Quốc đã được phân chia, với gần 2.000 cột mốc trên biên giới mới Việt – Trung dài khoảng 1.400 km.
Trung Quốc còn cưỡng chiếm hai quần đảo Hòang Sa Trường Sa và cho nhập vào quận Tam Sa của Trung Quốc. Hiện thời trong và ngòai nước người dân Việt đang lo lắng cho việc khai thác bô-xít ở vùng Tây Nguyên Việt Nam.
Việt Nam có là một Tây Tạng thứ hai của Trung Quốc không?
Kế hoạch khai thác 5,4 tỉ tấn quặng bô-xít nằm trong 6 dự án từ bây giờ cho tới năm 2015. Việc khai thác Bôxít được Việt Nam phê duyệt ngày 1/11.2007. Một chủ trương của bộ chính trị chỉ có 15 người, không có thảo luận trong Ban chấp hành trung ương đảng và không thông qua quyết định của Quốc hội. Việc khai thác bô-xít sẽ qua 3 giai đoạn: 2007-2010; 2011-2015; và 2015-2025. Giai đoạn đầu đã khai thác 13 mỏ, đang mở rộng tại hai tỉnh Lâm Đồng và Đak Nông trên một địa bàn rộng đến 1.811 km2, có trữ lượng lên đến 1,2 triệu tấn alumin, do hai đại công ty Chalco và Chalieco của Trung Quốc khai thác.
Theo tuyên bố của các nhà khoa học, chuyên ngành, nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước thì đây là một việc làm hoàn toàn bất hợp pháp, và là một sự tàn phá tận gốc Tây Nguyên, từ kinh tế, an ninh, đến văn minh, văn hoá.
Liên quan đến vụ khai thác bô-xít nầy Trung Quốc đã đưa vào mấy chục ngàn nhân công. Theo quan sát và nhận xét của người dân Việt là binh lính Trung Quốc trá hình. Người dân Việt yêu nước đau lòng lo sợ rằng kế họach khai thác bô-xít chỉ là một màn kịch để Trung Quốc đưa lính vào chiếm đóng vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Đến khi thời cơ chín mùi, Trung Quốc sẽ biến Việt Nam thành một Tây Tạng thứ hai.
Lời kết:
Tháng 4 là tháng đưa tư tưởng chúng ta trở về những ngày của Sài Gòn năm xưa, vì không làm sao quên được nỗi đau xé lòng của 39 năm về trước. 30 tháng 4, ngày chúng ta gạt nước mắt bỏ xứ ra đi. Bước chân ra đi mà tim gan cơ hồ tan nát! Ngày 30 tháng 4 mỗi năm có trên 3 triệu người Việt lưu vong đồng rơi nuớc mắt. Giọt nước mắt khóc cho mình và cho quê hương. Nguyện cầu cho Tổ quốc Việt Nam sớm thóat khỏi cảnh đoạ đày cho những giọt nước mắt thôi rơi và nụ cười lại nở trên môi mọi người bên bát cơm trắng trên đất nước có thanh bình no ấm.
30 tháng 4, xin cùng cúi đầu trong một phút mặc niệm để nguyện cầu cho hơn 260 ngàn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh cho đất nước và cho 58 ngàn người Mỹ đã tử trận tại Việt Nam. Những người đã chết cho tự do của người khác. Nguyện cầu cho những người đang đấu tranh cho một Việt Nam tự do dân chủ sớm đem lại được an bình và công lý cho dân Việt. Cám ơn Đan Mạch, cám ơn cuộc đời vẫn còn nhiều tình người và nghĩa cử đẹp. Cám ơn đời khi chúng ta vẫn còn có nhau.
Thuyền Nhân TRƯỜNG XUÂNViết cho ngày 30.4.2009

-SƠN TRUNG * NGÀY VỀ QUANG VINH

  NGÀY VỀ QUANG VINH 

SƠN TRUNG 

 

Trước của hội trường, cờ đỏ, cờ xanh, cờ vàng cấm chật ních như là một ngày lễ hội. Trong hội trường tỉnh, quạt máy chạy vù vù. Hội trường tưong đối rộng , có khoảng hơn 100 ghế được bày biện ngay ngắn, lịch sự. Trên tường, trước mặt hội trường là ảnh Hồ Chủ tịch với hàng khẩu hiệu: "Bác Hồ sống Mãi Trong Sự Nghiệp của Chúng Ta ", "Quyết Tâm Xây Dựng Xã Hội Chủ Nghĩa Văn Minh và Giàu Mạnh ".

Khách tham dự gồm có ủy ban nhân dân tỉnh, hội đồng nhân dân tỉnh, đảng ủy cấp tỉnh, công an tỉnh, tỉnh đội và các cán bộ tỉnh và huyện. Dân chúng đứng hàng trong hàng ngoài có đến vài trăm, trong đó có học sinh các trường, kể cả học sinh lớp Măng non đã đưọc huy động từ 6 giờ sáng.Các em Măng Non đeo khăn quàng đỏ, mồ hôi nhễ nhại, các cô giáo ốm o gầy gò luôn luôn che miệng ngáp.

Khoảng mười giờ các cán bộ đến rải rác. Đến mười một giờ hơn, đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân đến, rồi đồng chí tỉnh ủy đến. Cán bộ càng cao thì đến càng trễ. Trong hội trường cũng như ngoài sân, công an đứng đầy, lăng xăng chạy qua chạy lại ra vẻ bận rộn và tích cực. Ngoài cổng, hai hàng bộ đội bồng súng chào rât trang trọng uy nghi như là để đón tiếp chủ tịch Hồ Chí Minh đội mồ trở về thăm tỉnh.

Ngồi trong hội trường, bên trái là đồng chí bí thư tỉnh ủy và bên phải là đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, Thìn cảm thấy mình vô cùng vinh hạnh. Hình như cái đinh hôm nay là Thìn. Dường như cả mấy trăm, mấy ngàn cặp mắt đều đổ dồn vào chàng, người Việt kiều yêu nước của tỉnh. Chàng trở thành nhân vật số một của cấp lãnh đạo tỉnh và của nhân dân tỉnh bởi vì trong mấy năm vượt biên rồi sống ở Đan Mach, chàng nay đã trở thành triệu phú. 
Chàng được tòa đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch tôn làm thượng khách, thường mời chàng đến đãi tiệc và trân trọng mời chàng về đầu tư. Trung ương Hà Nội và Uỷ ban Nhân dân tỉnh đều gửi thư mời chàng trở về đóng góp tài năng vào công cuộc dựng xây chủ nghĩa xã hội. Khi chàng về đến Nội Bài, chủ tịch tỉnh và bí thư tỉnh ủy cùng một lúc đưa xe con ra đón chàng và đưa chàng về tận nhà. Họ còn để xe lại cho chàng sử dụng. Họ ân cần hết sức khiến cho chàng cảm động. 
Ngày hôm nay là ngày lễ cách mạng tháng tám, mấy năm nay vì khó khăn kinh tế, người ta bỏ quên không tổ chức, nay chàng về, người ta tổ chức mừng chàng y cẩm hồi hương và kỷ niệm cách mạng tháng tám luôn thể. Sau phần nghi lễ chào cờ, suy tôn Hồ chủ tịch, mặc niệm chiến sĩ trận vong, viên tỉnh ủy lên đọc diễn văn, ca tụng cách mạng tháng tám và ca tụng công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đồng thời kêu gọi đồng bào trong nước và hải ngoại tích cực đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh. 
Tiếp tục, đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân lên giời thiệu chàng là một Việt kiều yêu nước, đã tích cực hoạt động ở nước ngoài, được tòa đại sứ Việt Nam tại Đan Mach khen ngợi, và đuợc đảng ủy cấp tỉnh và hội đồng nhân dân tỉnh cấp phát văn bằng Việt kiều yêu nước hạng danh dự. Thìn cảm động hết sức, nước mắt chảy hai hàng, nghẹn ngào không nói nên lời, tay run run khi lên nhận bằng danh dự do chính tay chủ tịch tỉnh ban phát. Từ tổ tiên chàng đến cha ông, không ai được vinh dự chánh tổng đến nhà, và mời ăn uống.


"Con hơn cha là nhà có phúc". Nay thì chàng không những được huyện, mà còn tỉnh và trung ương đến thăm tận nhà, xưng hô ngọt ngào, lịch sự, mời dự tiệc khắp nơi với đủ các món sơn hào hải vị mà ngay khi ở nước ngoài chàng cũng không hề nếm qua dù chàng đã trở thành triệu phú. Chàng thấy sống ở Việt Nam là thần tiên, như là bay bổng trên chín tầng mây. Còn ở nước ngoài, dù chàng là triệu phú hay tỉ phú cũng chẳng ai biết, ai quan tâm. Tiến sĩ, kỹ sư, tỷ phú, anh thợ hồ, anh thợ mộc, anh hầu bàn đều là những con kiến trong một xã hội đông đúc và xa lạ, chẳng ai biết ai. Nay về Việt Nam, chàng đi đâu cũng được trẻ con cho đến lãnh đạo cao cấp, ai cũng trầm trồ, khen ngơị, ca tụng và chào đón rât nồng hậu!


Chàng là người lanh lợi và có số hên. Bố mẹ chàng là nông dân nghèo tại Nam Định. Nhà nghèo không áo che thân và không đủ ăn hai bữa, chàng phải ăn cắp, ăn trộm vặt để mưu sinh. Chàng bị công an tỉnh bắt đánh nhừ tử, nhốt vài ngày lại thả ra vì không có chỗ chứa và không có lương thực cho chàng. Bị công an theo dõi, hết đất làm ăn, chàng theo đám trẻ sống bụi đời, lên Hà Nội sinh sống. Chàng cũng làm nghề cũ, cộng thêm nghề xếp hàng mua gạo tổ. 
Giờ tan sở, các con đường Hà Nội đều nghẽn lối đi,người ta phải chờ đợi hàng giờ mới về đến nhà, nhưng với tài uốn lách của chàng, chỉ mười lăm phút hay nửa giờ là qua cầu Long Biên cái rụp. Cuối cùng chàng đã xung phong đi bộ đội lúc 16 tuổi để có cái mà sống. Trong bao nhiêu năm đi bộ đội, chàng cũng đã có cơm ăn dù không no, và áo mặc dù là chỉ hai bộ trong người. Vì trẻ cho nên chàng phải làm mọi việc lặt vặt trong quân đội, từ cấp dưỡng cho đến chiến đấu tại mặt trận. Tại đây chàng đã ăn bớt gạo, ăn cắp đường sữa bán ra ngoài lấy tiền tiêu xài. Chàng bị bọn chỉ huy ghét bỏ thường bắt giam chàng vì cái tội tham ô và hủ hóa. 
Họ phê trong hồ sơ chàng là vô sản lưu manh. Đơn vị chàng đồn trú tại Mông Cáy. Lúc bấy giờ Việt Nam và Trung quốc có xung đột, đảng và nhà nước đuổi Hoa kiều về nuớc. Chàng nghe nói các nước tư bản rất giàu, sang được bên đó dù đi làm cu ly vẫn no ấm chứ không như ở xã hội chủ nghĩa, lao động vinh quang suốt ngày nhưng bao tử vẫn lép kẹp. Chàng nghe thiên hạ làm giấy giả theo nạn kiều chạy sang Trung quốc. Chàng bèn lẩn vào trong đám nạn kiều và sang Trung quốc ngon lành. Một số Hoa kiều và người Việt xin ở lại Trung quốc, đuợc cho vào các nông trại . Một số xin đi sang các nước tư bản. Chàng cũng theo họ xin đi đến một quốc gia trung lập và Đan Mạch đã nhận chàng.

Sang đây, chàng gặp một thiếu nữ người Việt, con gái của một gia đình Việt Nam, nhờ làm giấy giả mạo Hoa kiều nên sang được Hồng Kông. Ở đây ít lâu, gia đình nàng đuọc Đan Mạch nhận cho cư ngụ. Hai vợ chồng sống hạnh phúc. Hai vợ chồng xin làm công nhân xưởng dệt, lương bổng cũng tương đối khá. Một hôm hai vợ chồng vào một tiệm phở người Việt, thấy khách hàng vào ra tấp nập. Hai vợ chồng bàn nhau đem số tiền dành dụm được để mở tiệm phở vì nhà nàng trước kia ở Việt Nam cũng đã mở tiệm phở. Công việc làm ăn ngày càng khấm khá. Hai vợ chồng mở thêm nhiều chi nhánh.

 Ngoài bán phở, hai vợ chồng anh còn làm bánh giò, chả lụa, chả quế,bánh bao. Nhưng trong các món, chả giò và phở là được người Vịệt và người ngoại quốc yêu thích nhất. Anh phải thuê hàng chục người vừa Việt nam vừa Đan Mạch làm phụ. Trong vài năm, anh trở thành triệu phú. Anh đã gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà cửa. Ngôi nhà tranh rách nát năm xưa nay thành ngôi biệt thự rất khang trang. Anh cũng đã giúp các anh chị em mỗi người một số tiền làm vốn. Và lúc này, bên nhà, chính sách mở cửa đã bắt đầu, cán bộ toà đại sứ Việt Nam đã cho người bắt liên lạc với anh, mời anh về đầu tư. Họ cho người vận động riêng với vợ anh, và cha mẹ vợ của anh nữa. Họ đưa ra bao hứa hẹn .

 Anh ban đầu không thích trở về Việt Nam làm ăn vì anh đã chán một nước Việt Nam nghèo khổ và đầy rẫy cường hào ác bá mà anh đã từng là nạn nhân. Nhưng vì vợ anh, và bố mẹ vợ thúc dục, cộng thêm anh em, cha mẹ bên nhà tuân theo chỉ thị của đảng, đã liên tiếp gửi thư thúc dục anh sớm về đầu tư kẻo lỡ dịp. Khi về, chính anh cũng bị chinh phục vì thái độ thưong yêu, nồng nhiệt và cởi mở của các cán bộ huyện tỉnh đối với khúc ruột thừa xa ngàn dặm quê hương!


Sau khi tham khảo ý kiến bạn bè, anh em, cha mẹ trong gia đình, cùng nghiên cứu thị trường với sự tham gia chỉ đạo của các cán bộ cao cấp của tỉnh, anh quyết định mua một miếng đất rộng lớn của tỉnh xây một nhà khách bốn tầng lầu, gồm 50 phòng với phí tổn sáu trăm ngàn mỹ kim. Anh cũng mua đất xây một cửa hàng ăn rộng rãi, có thể chưá 500 người một lúc, với phí tổn ba trăm ngàn mỹ kim. So với bên Đan Mạch, mọi thứ đều rẻ. Anh hy vọng năm du lịch Việt kiều và người ngoại quốc sẽ đổ về không chỗ ở và nhà khách của anh sẽ thu hút mọi người vì đó là một nhà khách tối tân nhất tỉnh Nam Định. Anh cũng hy vọng cửa hàng ăn của anh có thể là nơi tổ chức tiệc tùng cưới gả, hay nơi ăn uống của Việt kiều và ngoại quốc khi về Nam Định du lịch.


Vì Việt kiều không được phép kinh doanh hay mua nhà đất, cho nên anh nhờ anh Hai đứng tên mua và xây nhà khách, còn cửa hàng ăn thì nhờ anh Ba đứng tên hộ. Còn vợ chồng cô em gái thì anh giao đứng tên và trông coi cửa hàng kim khí điện máy. Theo luật nhà nước, muốn kinh doanh, các hộ phải có tiền mặt bỏ vào ngân hàng ít nhất là 50 ngàn mỹ kim. Ba cơ sở trên, anh đã bỏ tất cả gần triệu rưỡi mỹ kim chưa kể tiền biếu xén và ngoại giao trà nước. Anh thấy mình quả vĩ đại không thua gì Hồ chủ tịch vì anh đã xây những cơ sở vật chất to đẹp, tối tân cho tỉnh. Anh đã đem lại công ăn việc làm cho bà con, cho nhân dân.

Dĩ nhiên bà con anh đã được thu nhận vào làm việc tại các cơ sở của anh. Ngoài ra những người của công an, ủy ban, tỉnh ủy cũng đưọc thâu nhận vào làm việc. Anh thấy anh là người nhân hậu, quảng đại vì anh đã thu nhận tất cả mọi người, bà con cũng như không bà con, nhất là những người do chính quyền giới thiệu. Anh cũng thấy anh là người có tài xã giao rộng rãi, luôn luôn làm vui lòng bà con cũng như chính quyền. Anh là niềm kiêu hãnh cho bố mẹ, anh em và họ hàng, làng xóm. Anh rất là vui vẻ vì anh thấy anh là một vị anh hùng , ít nhất là anh hùng của tỉnh vì trong tỉnh không ai giàu bằng anh và yêu nước bằng anh!


Anh đi về Đan Mạch thăm vợ con rồi trở lại Việt Nam. Đây là lần thứ ba anh trở lại thành Nam. Anh được Ban Việt Kiều trung ương mời lên Hà Nội tham dự một cuộc họp đại biểu Việt Kiều yêu nước. Anh cảm thấy vô cùng vinh dự. Tiếng tăm của anh không những vang lừng khắp tỉnh Nam mà con vang dội đến thủ đô, và có lẽ sẽ vang lừng khắp nuớc và khắp hoàn cầu. Anh nghĩ người ta cưng chiều anh cũng là phải, vì anh là người đầu tiên trở về đầu tư, họ phải kính trọng anh để lôi cuốn các Việt kiều ở Anh, Pháp, Mỹ.



Ở Hà Nội, sinh hoạt với các cán bộ trung ương độ nửa tháng, mọi chi phí đều do trung ương đài thọ. Anh được đi xem lăng Hồ chủ tịch và đi du lịch nhiều nơi như hang Pac Bó là cái nôi của cách mạng,và bải biển Đồ sơn là nơi nghỉ mát của các lãnh đạo trung ương.


Khi anh ở Hà Nội về, mọi công việc kinh doanh đã tiến hành tốt đẹp. Nhà khách, nhà ăn đều có khách ra vào, tuy chưa đông đảo như ý muốn nhưng buồi sơ khởi thế là tốt lắm rồi.



Một buổi trưa, anh ngồi làm việc tại văn phòng nhà khách thì một cô nhân viên bước vào phòng. Sau câu chào hỏi, cô ta ngồi vào lòng của anh, rồi bạt tai anh một cái như trời giáng. Anh xô cô ta ra, cô xõa tóc, tuột áo ra làm mất cả hàng nút áo, rồi kêu la ầm ĩ rằng anh ta hãm hiếp cô ta. Ngay tiếng kêu đầu tiên của cô ta, các nhân viên nhà khách và công an ập vào, làm biên bản, chụp hình. Mọi người đều nhất trí kết tội anh ta hãm hiếp công nhân nhà khách và họ tuyên bố sẵn sàng ra tòa làm chứng vụ này.Công an bắt anh lên trụ sở làm việc, rồi tống giam. Trong lúc đó, mọi người trong gia đình của anh được gọi lên công an kinh tế làm việc. Ba anh chị em của anh đều được mời lên trụ sở công an một lúc nhưng lại được ngồi ở ba văn phòng khác nhau do những công an gộc của tỉnh thẩm tra.


Khi vợ chồng anh Hai của anh bước vào, họ nghiêm nghị chỉ ghế cho anh chị của anh ngồi xuống. Họ ôn tồn nói:

- Vì gia đình anh chị thuộc diện kinh doanh cao cấp cho nên chúng tôi mời anh chị đến để bổ túc hồ sơ theo luật định. Xin anh chị thành thực trả lời để chúng tôi làm việc. Xin anh chị cho biết tên họ, dịa chỉ, số chứng minh nhân dân.

Anh thành thực trình bày, và những lời khai của anh được một ủy viên thư ký ghi chép đầy đủ.

-Xin anh cho biết xây nhà khách hết bao nhiêu ? Và tiền ở đâu mà anh có?
-Thưa cán bộ, tiền đó là do người em tên Thìn đem về để xây cất nhà khách. Phí tổn mua đất, xây nhà, và đồ trang trí nội thất hết 800 ngàn dô la Mỹ.
-Anh chị xây nhà khách, vậy có giấy phép không?
-Chúng tôi chưa xin được giấy phép nhưng tỉnh uỷ đã khuyến khích chúng tôi cứ xây, giấy phép sẽ về sau.

Viên công an đổi sắc mặt quát tháo:
-Láo! Làm nhà phải có giấy phép, không có giấy phép sao tự ý xây cất? Anh lại còn vu khống cho tỉnh ủy à?


Cuối cùng vợ chồng người anh Hai phải ký nhận vào lời khai rồi ra về trong nước mắt. Hoàn cảnh vợ chồng anh Ba và cô Út cũng không khác gì hơn. Có lẽ họ khá hơn vợ chồng anh Hai vì vợ chồng anh Hai đã rơi vào lão Ba Búa là tay hùm xám Nam Định. Còn họ đuợc viên công an già ngọt ngào thuyết phục, phải thành thực khai báo thì đuợc trọng thưởng, nhà nước rất tôn trọng Việt kiều yêu nước, và gia đình Việt kiều. Nếu kê khai rõ ràng thì sẽ đươc vĩnh viễn làm chủ mọi thứ đã được đúng tên. Những người này trước sau đều thành thực khai rằng tiền của đầu tư, mua đất, xây nhà, mua sắm máy móc là của người em là Lê Văn Thìn, Việt kiều yêu nước ở Đan Mạch về. Họ khai xong ký tên vào biên bản và ra về trong lo âu, thắc mắc, không hiểu tại sao. Cả bố mẹ Thìn cũng đưọc kêu lên làm việc. Họ hỏi:

-Tiền đâu cụ làm nhà?
-Dạ thưa cán bộ, tiền tôi làm nhà là do con tôi tên Thìn mang về.
-Khi mang tiền vào Việt Nam , anh Thìn có xin giấy phép không? Có khai báo cho tỉnh hay huyện biết không ?
-Thua cán bộ, việc đó thì tôi không đuợc rõ.

Người ta đưa bút cho hai cụ ký và cho hai cụ ra về trong cay đắng nghẹn ngào.
Tòa án tỉnh tuyên cáo anh phạm nhiều tội nhưng những tội chính là:
-Thứ nhất: chuyển tiền vào Việt nam bất hợp pháp ( không kê khai và xin phép.)

Thứ nhì: Đầu tư bất hợp pháp ( Chính phủ chưa cho anh đầu tư mà anh đã đầu tư gian lận bằng cách cho anh chị em đứng tên, đó là một hình thức gian lận, phá hoại kinh tế Xã hội chủ nghĩa. Điều này luật đầu tư đã nói rõ).
Thứ ba: Mua nhà bất hợp pháp ( chính phủ chưa cho mua nhà mà đã mua nhà, cho anh chị em đứng tên, đó là một hình thức gian lận, luật nhà đất cũng đã nói đến việc này).

Thứ tư: chiếm đất công, xây cất bất hợp pháp.
Thứ năm: trốn thuế.
Thứ sáu: cưỡng hiếp nữ công nhân.

Họ tuyên án anh hai muơi năm tù , phạt vạ hai triệu mỹ kim, tịch thu tất cả cửa hàng và tài sản do anh xây dựng, ngay cả ngôi nhà của cha mẹ anh . Còn các anh chị em vì thành thực khai báo nên mỗi người chỉ bị tù sáu tháng.

Một sáng, người ta thông báo Thìn đã tự tử .Và công an đem hỏa thiêu gấp vì sợ ô nhiễm.


PHAN CHÂU THÀNH* ÁI QUỐC PHẢN QUỐC

Nguyến Ái Quốc và Việt Nam Quốc Dân đảng - Ai đã bán đứng cuộc Khởi nghĩa Yên Bái cho Pháp?

Phan Châu Thành (Danlambao) - Ngày sinh của đảng CSVN, ngày 3-5/2/1930, dịp Tết Canh Ngọ, cũng là những ngày tháng đổ nhiều máu nhất và đau thương nhất xung quanh ngày 10/2/1930 của những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam khắp cả nước và đỉnh điểm là ở Yên Bái. Cuộc đổ máu của dân tộc Việt đã bắt đầu từ tên Nguyễn Ái Quốc 84 năm trước đến nay vẫn chưa bao giờ chưa ngừng! Yên Bái chưa bao giờ yên, để lại lời nguyền Yên Bái! Đó là: Việt Nam sẽ không bao giờ yên khi ngọn cờ máu của CS còn vung lên, rưới máu khắp đất nước này... 

*
Đầu tiên tôi muốn làm rõ một chi tiết: Nguyễn Ái Quốc ở đây là Nguyễn Tất Thành, người đã tiếm bút danh Nguyễn Ái Quốc chung của bốn vị chí sĩ cách mạng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ 20 là Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền.
Nguyễn Ái Quốc và Quốc Dân Đảng Tàu
Nguyễn Ái Quốc (NAQ) tham gia đảng Xã hội Pháp (SFIO) năm 1919. Khi đảng Xã hội tách ra theo Quốc tế Cộng sản 2, ngày 30.12.1920 NAQ trở thành đảng viên đảng Cộng sản Pháp (PCF) theo Comintern/QTCS của Lenin tại Hội nghị XVIII ở Tours. NAQ được phân là thành viên Ban Công đoàn Quận 17, Paris của PCF, và PCF chỉ là một Chi hội của QTCS ở Moscow thôi. Đảng CSVN bịa đặt rằng từ đó NAQ “tham gia và đại diện, là thành viên” của QTSC là lộng ngôn, theo thói quen luôn luôn lừa bịp của họ.
Tháng 10/1922 NAQ gặp lãnh tụ cộng sản Ucraine là Dmitry Manuilsky - đại diện QTCS tại Đại hội II của đảng PCF và được Manuilsky chú ý vì phát biểu hung hăng phê bình PCF không chú ý đến vấn đề thuộc địa như đồng chí Lenin chỉ dẫn. Vì thế, theo gợi ý của Manuilsky, cuối tháng 6 năm 1923, NAQ được PCF cử sang Moscow dự Quốc tế Nông dân I (QTND) của QTCS, vì Nga không có thuộc địa và “vấn đề thuộc địa” như Pháp và một số nước khác, trong khi mục tiêu QTCS của Lenin là chiếm/vô sản hóa toàn thế giới...
Ngày 10/10/1923 Nguyễn Ái Quốc gặp Tưởng Giới Thạch và Trương Phát Lôi tại QTND I ở Moscow. Tưởng Giới Thạch và Trương Phát Lôi có mặt tại đại hội vì QTCS xem Tàu là thuộc địa của Anh, Hòa Lan sau cuộc chiến tranh nha phiến và Quốc dân đảng (QDĐ) lẫn Chính phủ Trung hoa Dân quốc của Tôn Dật Tiên (mà Tưởng và Trương đại diện) chỉ là phong trào nông dân thuộc địa. Tại QTND I, vì là đại diện đảng CS Pháp cho vấn đề thuộc địa và vì hăng phát biểu “nổ” kiểu “nhân danh” bậy bạ như ở Tuors, như: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả đảng viên xã hội cả phái tả và phái hữu, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!...”, nên Quốc được bầu vào đoàn Chủ tịch QTND-I gồm đại diện 11 nước (7 nước Châu Âu, Mỹ, Mexico, Nhật và Đông dương - là NAQ).
QTCS có đến 9 tổ chức “quốc tế” chân rết hay bù nhìn trong đó Quốc tế Nông dân là một. Điều đáng chú ý là trong Chủ tịch đoàn QTND không có đại diện của một “đại thuộc địa” là Trung hoa Dân quốc mà Tưởng đại diện, cũng như không có đại diện của đảng CS Tàu trong khi Chu Ân Lai đang ở Châu Âu cũng có mặt dự. Lúc bấy giờ đảng, theo thống kê tại Đại hội III vào tháng 6/1923, CS Tàu chỉ mới có 432 đảng viên và Mao chưa năm quyền). Cả đảng CS Tàu và QDĐ Tàu đều muốn tham gia QTND nhưng không hợp tác với nhau được, nên có lẽ từ đó mà NAQ bị rơi vào đích ngắm của người Tàu - cả QDĐ lẫn đảng CS Tàu vì những lý do giống nhau (bành trướng Tàu) và khác nhau (tranh giành quốc-cộng Tàu).
Năm 1924, Tôn Dật Tiên bất ngờ đồng ý đề nghị tham gia Mặt trận Thống nhất cùng với đảng CS Tàu để chống triều đình Mãn Thanh và Bắc phạt, với điều kiện có bên thứ ba là Nga Sô tham gia, với hy vọng lật đổ triều đình Bắc Kinh mà không mất chính quyền về tay đảng CS Tàu (lúc đó còn non yếu, chỉ có chưa tới 1,000 đảng viên và chưa thò tham vọng). Thế là, ngày 11/11/1924, NAQ bất ngờ tới Quảng Châu (không do QTND cử đi), trong vai trò phóng viên hãng thông tấn Rosta tháp tùng phái đoàn Tổng đại sứ của nước Nga Sô Michail Markovic Borodin bên cạnh Chính phủ Trung hoa Dân quốc của Tôn Trung Sơn như lục lượng trung gian giữa QDĐ KMT và đảng CS Tàu, đóng ở Quảng Châu. Phải nói là vai trò và quyền lực của Borodin lúc này rất lớn vì Nga Sô-Viết hầu như là nước duy nhất công nhận và hỗ trợ Trung hoa Dân quốc (thế giới thì vẫn ủng hộ triều đình Bắc Kinh của vua Mãn Thanh).
Về phía đảng CS Tàu, Chu Ân Lai được điều từ Châu Âu về làm Tổng điều phối Mặt trận Thống nhất Quốc-Cộng và kiêm chức Hiệu phó trường quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu do Tôn Dật Tiên vừa lập ra năm 1924 với Tưởng Giới Thạch là Hiệu trưởng.
Sau khi đã đến Quảng Châu, ngày 12/11/1924 Nguyễn Ái Quốc mới viết thư cho sếp của mình như sau (theo HCM Toàn tập):
“Gửi đồng chí Domban, Tổng thư ký Quốc tế Nông dân, 

Đồng chí thân mến,

Chuyến đi của tôi từ Matxcơva được quyết định hơi đột ngột, và tôi không thể báo trước cho đồng chí điều đó. Tôi xin đồng chí thứ lỗi và chuyển sự tạ lỗi của tôi đến các đồng chí ta ở Hội đồng…

...Về việc liên quan tới vị trí của tôi là Ủy viên Đoàn Chủ tịch QTND thì đồng chí cứ làm như đồng chí xét là tốt, hoặc là đề nghị thay thế tôi, ở trường hợp này đồng chí nói là tôi ốm chứ đừng nói là tôi vắng mặt, bởi vì tôi sống bất hợp pháp ở đây. Hoặc là, nếu đồng chí thấy có ích thì cứ giữ lại cái danh nghĩa dân thuộc địa Nguyễn Ái Quốc trang trí cho những tuyên ngôn và những lời kêu gọi của Hội đồng.

Xin gửi đồng chí và tất cả các đồng chí chúng ta lời chào cộng sản.”
Ngày 31/7/1925, tức là hơn 8 tháng rưỡi sau khi NAQ xin lỗi vì vô kỷ luật - vô tổ chức với QTND, Domban đã đành cử Quốc phụ trách công tác vận động nông dân Tàu và ở thuộc địa Đông Dương, Miến Điện, Xiêm, Đài Loan và Philippines... mặc dù Quốc đã công khai tỏ thái độ chẳng tha thiết gì và chẳng coi QTND là gì - như trong thư ngày 12/11/1924 Quốc đã tự mỉa mai và cho Domban mượn “danh nghĩa dân thuộc địa NAQ” - Quốc chỉ muốn theo cộng sản, không muốn/thèm lãnh đạo nông dân! Thế nhưng, có vẻ như quyết định này của Domban không đến tay Quốc (có thể do Quốc dân đảng Tàu hay Cộng sản Tàu chặn lại) vì nó chỉ được biết đến sau này trong hồ sơ lưu trữ của QTND, còn trong các tài liệu và hoạt động của Quốc thì nó không hề được thể hiện?
Thế là, dù vẫn là thành viên đoàn Chủ tịch QTND, đại diện và phụ trách phong trào nông dân ở các nước Châu Á, Nguyễn Ái Quốc vẫn tiến hành cuộc chơi hai mang “xanh vỏ đỏ lòng”: trong vai trò đại diện Quốc tế Nông dân nhưng chỉ muốn là đại diện của Quốc tế Cộng sản để thành lập đảng cộng sản và làm cách mạng cộng sản chứ không phải để làm cách mạng nông dân như cách mạng Tân Hợi.
Nói gì thì nói, trong thời gian lần đầu ở Tàu - từ tháng 11/1924 đến tháng 5/1927 - Nguyễn Ái Quốc là “cấp trên bự” đại diện QTND đối với Quốc dân đảng và Trung hoa Dân quốc (lúc này Tưởng Giới Thạch chưa làm cuộc đảo chánh) đang muốn lấy lòng Nga Sô. Mà Nga Sô, hay QTCS3, của Stalin đã lập ra QTND chỉ là để lừa thu hút phong trào nông dân đấu tranh (không phải cộng sản) của các nước trên thế giới. Với nước Tàu, thực chất CS Nga chỉ muốn ủng hộ CS Tàu thôi (lúc CS Tàu còn yếu), nên Stalin miễn cưởng xếp Quốc dân đảng Tàu vào loại... đảng nông dân, giao cho “hội nông dân” quản lý.
Ý đồ ủng hộ CS Tàu của Nga Sô đã thành công. Ngược lại chiến lược hợp tác quốc-cộng của Tôn Trung Sơn là sai lầm lớn và thất bại cuối đời ông. Trong giai đoạn 1924-1927 đảng CS Tàu đã phát triển cả về lượng (từ 994 đảng viên vào năm 1925 đến 57,967 đảng viên vào tháng 5/1927) và về chất (đã có lực lượng vũ trang).
Do đó, Nguyễn Ái Quốc ngay sau khi đến Tàu đã hợp tác với Bành Bái của đảng CS Tàu và những người Việt có xu hướng cộng sản tại Quảng Châu như Lâm Đức Thụ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong... của Tâm Tâm xã để tổ chức các lớp huấn luyện chính trị về cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam và phương pháp vận động cách mạng... cho người Việt. Các lớp huấn luyện này được các chuyên gia cộng sản Nga Sô hỗ trợ và được tổ chức tại nhà số 13 và 13/1 đường Văn Minh, Quảng Châu - nhà của vợ người Tàu rất giàu có của Lâm Đức Thụ là Lý Huệ Quần.
Cùng với CS Tàu, NAQ tham gia và đến phát biểu tại Đại hội lần I của nông dân Quảng Đông vào ngày 1/5/1925. Ngày 9/7/1925 Quốc cùng CS Tàu (T.Lan thì nói là mình “được CS TQ cho phép”) thành lập “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” tại Quảng Châu mà Hội trưởng là Liêu Trọng Khải - một CS Tàu “ẩn” trong QDĐ Tàu, bị QDĐ ám sát ngay sau đó vào tháng 8/1925. Nguyễn Ái Quốc với bí danh Lý Thụy là bí thư phụ trách chi bộ Việt Nam của hội “Liên hiệp các dân tộc bị áp bức này” được CS lẫn QDĐ Tàu vẽ ra hòng mong thay thế phần nào Quốc tế Nông dân và Quốc tế CS của Nga Sô, mà Nguyễn Ái Quốc không nhìn ra thôi.
Song song hoạt động có vỏ bọc nông dân của CS Tàu trên, NAQ vẫn không dám chính thức dùng vỏ bọc QTND mà đến dự, phải viết đơn rất thảm hại vào ngày 14/1/1926 để xin Uông Tinh Vệ, Bộ trưởng Tuyên truyền của QDĐ, một người cánh tả hay CS khác “ẩn trong” QDĐ Tàu cho phép tham dự Đại hội II. Trong đại hội Quốc cũng chỉ biết phát biểu hung hăng bằng tiếng Pháp, có phiên dịch mà không biết mình vẫn là thành viên Đoàn chủ tịch QTND “có quyền chỉ đạo” cả QDĐ-Kuo Min Tai Tàu!.
Một điểm đặc biệt nữa là Nguyễn Ái Quốc, lúc này mang tên Lý Thụy, còn được đích thân Đặng Dĩnh Siêu, vợ Chu Ân Lai - nhân vật hàng đầu của CS Tàu - giới thiệu Tăng Tuyết Minh và đứng ra tổ chức cưới cho vào tháng 8 năm 1926. Đích thân Chu Ân Lai và Dĩnh Siêu đến dự như ông bà mai mối. Phía “nhà trai” của Quốc có Lâm Đức Thụ và vợ là Lý Huệ Quần. Tại sao Chu Ân Lai lại quan tâm đến Quốc vậy? Bây giờ thì ai cũng hiểu, chỉ khi đó Quốc thì không hiểu, chỉ biết... sướng.
Có thể nói người Tàu từ cả hai phía quốc-cộng đã vây kín và sử dụng NAQ như con rối ở Quảng Châu từ 11/1924 đến tháng 5/1927, nhưng Quốc lại vô cùng hãnh diện. Cả người Nga là M. Borodin cũng bị lợi dụng, bị QDĐ và đảng CS Tàu giằng xé trong Mặt trận Thống nhất Tàu mà chỉ đúng 1 năm sau cái chết của Tôn Dật Tiên vào ngày 12/3/1925, Tưởng Giới Thạch đã bằng bạo lực đảo chính cướp lại quyền hành vào ngày 8/3/1926, chính quyền mà Tôn Dật Tiên đã trao cho CS Tàu từ 1924. Đến tháng 4/1927 thì Tưởng Giới Thạch công khai khủng bố trắng các đảng viên CS trong “Mặt trận Thống nhất Quốc cộng”. Cuộc hợp tác quốc-cộng lần 1 tan vỡ, tháng 5/1927 Quốc theo Borodin và bầu đoàn vội vã bỏ chạy về Vladivostok...
Trong suốt thời gian hơn 2 năm đó, trò chơi hai mang của Nguyễn Ái Quốc thể hiện rất rõ trong các báo cáo của y từ Quảng Châu về Moscow, luôn là một cho đích danh Domban Tổng thư ký QTND (về các phong trào nông dân chung chung) và một cho “một đồng chí” CS Pháp cán bộ QTCS (có lúc ghi rõ tên là George Maran - thư ngày 19/2/1925) hay cho Đoàn chủ tịch QTCS (về việc của các đảng cộng sản VN, rất chi tiết như xin tiền 350 đôla, xin xuất học ở Nga cho người Việt, xin tài liệu...). Nhưng Quốc đã không biết mình chỉ là con rối của người Tàu? Có thể nói, Quốc đã bị CS Tàu mua chuộc và điều khiển hoàn toàn.
Nguyễn Ái Quốc và Lâm Đức Thụ đã bán đứng cụ Phan Bội Châu để trả nợ 350 đôla?
Ngày 5 tháng 1 năm 1925, chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi đến Quảng Châu, Quốc đã viết thư cho “một đồng chí” trong Quốc tế CS để ra rả xin tiền trả nợ 350 đôla mà Quốc đã vay để làm nhiệm vụ đầu tiên, “nếu không thì tôi sẽ phải đi làm 5 tháng để trả nợ, và khi đó thì không công tác được nữa...” Nhưng sau đó, đến tận lúc quay về Nga sô rồi, Quốc không bao giờ nhắc lại món nợ 350 đôla phải trả nữa. Câu hỏi ở đây là: Quốc nợ ai? Và Quốc đã trả nợ thế nào? Tại sao sau đó Quốc không đòi 350 đôla đó để trả nợ nữa?
Câu hỏi đầu tiên có thể dễ đoán ra: Quốc nợ vợ chồng Lâm Đức Thụ và Lý Huệ Quần 350 đôla đó, cho vụ tụ tập thành lập QDĐ Đông dương và các lớp huấn luyện chính trị ở nhà Huệ Quần.
Câu hỏi thứ hai liên quan đến một loạt các sự kiện sau: sự kiện cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ở Thượng Hải ngày 30/6/1925; Sự kiện Quốc sau này là Hồ Chủ tịch đã công khai đổ cho Lâm Đức Thụ đã bán đứng cụ Phan Bội Châu lúc đó đang ở Tàu để lấy 150,000 piaster (tiền đông dương) của Phòng Nhì Pháp treo thưởng; và sự kiện năm 1947 Quốc đã là Chủ tịch nước nhưng Lâm Đức Thụ đang ở nhà ở Thái Bình (Thụ sinh 1890) bị dân quân cách mạng của Võ Nguyên Giáp bắt và giết tại chỗ không án.
Đảng CSVN cố tình không ghi lại lịch sử giai đoạn 1925-1927 khi Quốc ở Quảng Châu lần đầu theo chân Borodin, Quốc đã liên lạc gặp ngay Lâm Đức Thụ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong của Tâm Tâm xã,... tất cả bọn họ đều đã theo Việt Nam Quang Phục hội của Cụ Phan Bội Châu, rồi lại không theo cụ nữa mà đang đi tìm chủ mới, có xu hướng bạo động cộng sản châu Âu hơn bạo động quân chủ kiểu Nhật (tôn Cường Để làm vua) như cụ Phan Bội Châu.
Tuy nhiên, qua đám người đó Quốc đã vẫn chủ động trao đổi thư từ và hẹn gặp Cụ Phan Bội Châu ở Thượng Hải. Trước đó, cụ Phan muốn cải tổ VN Quang Phục Hội theo mẫu Quốc Dân đảng của Tôn Trung Sơn thì qua thư Quốc lại khuyên cụ nên làm cách mạng XHCN theo Lenin. Cụ Phan Bội Châu chưa gặp Quốc ở Thượng Hải thì đã bị bắt tại đó. Vì thế, dù đã bị Pháp bắt giam án trung thân ở Bến Ngự, cụ vẫn treo ảnh Lenin cạnh ảnh Tôn Dật Tiên (tức là Cụ không biết học trò Lenin là Quốc đã bán đứng Cụ cho Pháp lấy 150,000 đồng đông dương).
Sau đó, Quốc và Thụ nhận 150,000 piasters tiền thưởng chia nhau “để trang trải chi phí hoạt động cách mạng” như Quốc sau này đã gián tiếp biện minh - “vì mục đích cách mạng”. Có nhiều tài liệu nói về việc Quốc và Thụ đã bán đứng cụ Phan Bội Châu năm 1925 ở Thượng Hải. Ở đây tôi chỉ nói tình trạng nợ nần giữa Quốc và Thụ và việc Quốc ra rả xin tiền “một đồng chí” QTCS mà không được rồi bỗng im re luôn. Không biết 150,000 piasters lúc đó được bao nhiêu đôla Mỹ? Mà sao Quốc là CS nòi ở ngay Nga sô mà cứ nói đến tiền là đòi đôla vậy?
Chỉ biết, có lẽ, Quốc và vợ chồng Thụ, con nợ và chủ nợ, đã cùng nhau với phòng Nhì Pháp giăng bẫy cụ Phan Bội Châu để lấy tiền cấn nợ nhau. Tiền chạy vòng từ Pháp sang Quốc sang Thụ, còn dư đủ để Quốc tung tưởi đến tháng 5/1927 chạy về Nga mà không thấy có thư nào vòi tiền “một đồng chí” QTCS nữa.
Nguyễn Ái Quốc và Quốc dân đảng Đông Dương
Có một sự kiện đặc biệt mà đảng CSVN chỉ luôn lướt qua, vì không thể phủ nhận, là tại Quảng Châu ngày 3 tháng 1 năm 1925 Quốc Dân đảng Đông dương đã được thành lập. Quốc dù “khuyên cụ Phan Bội Châu nên học theo cách mạng CS”, tức không nên theo Quốc dân đảng của cụ Tôn, nhưng lại vội vã cùng đồng bọn thành lập Quốc Dân đảng Đông dương. Quốc đã báo cáo về sự kiện này trong thư riêng gửi “một cán bộ trong Quốc tế Cộng sản” vào ngày 5/1/1925 như sau:
“Đồng chí kính mến,

Quốc dân đảng Đông dương vừa được thành lập vào ngày 3 tháng này với 3 đảng viên lúc bắt đầu.

Một người sẽ được phái đi Trung Kỳ và Lào. Một người khác (chưa phải là đảng viên) sẽ được phái đến Bắc kỳ để lấy 5 người đi Quảng Châu học cách làm công tác tổ chức.

Tôi nghĩ có thể tìm nam thanh niên để gửi đi học ở trường Đại học Mátxcơva. Xin đồng chí vui long cho biết có thể cho tôi gửi bao nhiêu sinh viên. Đồng thời, tôi xin đồng chí chỉ thị cho các đồng chí Nga ở đây cũng nhận trách nhiệm về các công việc của Đông dương bởi vì mình tôi không thể làm quá nhiều việc được.”
Cũng trong thư gửi “một đồng chí” trên, Quốc năn nỉ:
“...đồng chí ngần ngại cho tôi vay tiền để có một cơ sở trong nước, có người làm tuyên truyền, thực hiện việc tuyên truyền đến nơi đến chốn và bắt đầu ngay công tác tổ chức... Không có tiền, tất cả những điều đó đều không thể làm được. Vì thế, tôi muốn đề nghị đồng chí cấp cho một quĩ nào đó. Hiện tôi đang mức nợ 350 đôla cho công tác đầu tiên nên sẽ phải làm việc ít nhất 5 tháng tới để trả nợ...”
Có thể suy đoán rằng, “một đồng chí trong QTCS” là đồng chí Pháp (một phần vì báo cáo của Quốc đều dùng tiếng Pháp), và nhiệm vụ đầu tiên là thành lập và đào tạo Quốc dân đảng Đông dương để về VN hoạt động theo sự lãnh đạo của đảng CS Pháp và QTCS? Suy đoán thế, là vì sau khi từ Tàu về Moscow năm 1927, năm 1928 Quốc lại ráo riết xin tiền “một đồng chí” QTCS để trở lại Tàu/VN và Xiêm công tác mà không được, và cuối cùng đảng CS Pháp phải nhận chi khoản chu cấp này (500 đôla) thì Quốc mới trở lại châu Á lần 2, vào tháng 7 năm 1928 (đến Xiêm).
Suy đoán tiếp theo là, các lớp học của Quốc tổ chức ở Quảng Châu năm 1926 là rất ngắn, chỉ có 5 ngày và phục vụ việc thành lập Quốc dân đảng Đông dương, chứ không phải cho Thanh Niên Cách mạng đồng chí hội vốn do Lâm Đức Thụ thành lập từ Tâm Tâm xã trước đó (chỉ từ 1 đến 5 tháng 1 năm 1925). Sau đó thì Quốc bị cuốn hút vào các hoạt động của đảng CS Tàu là chính và của Quốc dân đảng Tàu là phụ (vì cả hai bọn này đều cố o bế Quốc để lợi dụng trong canh bạc lớn với nhau và với Nga Sô mà Quốc có thể không nhìn thấy). Ít nhất, với Tàu, Quốc không phải xin tiền ra rả mà không được như với QTCS! Vì thế mà Quốc bỏ bê cái Quốc Dân đảng Đông dương của mình, không bao giờ nói đến hay nhắc lại nữa?
Có bốn câu hỏi nghi vấn về Quốc dân đảng Đông dương của Quốc như sau: 
1) Ai đưa ra chủ trương thành lập QDĐ ĐD? 
2) QDĐ ĐD có liên quan gì với QDĐ Tàu-KMT của Tôn/Tưởng? 
3) Ai đã cùng Quốc thành lập QDĐ ĐD ngày 3/1/1925? Ba đảng viên đầu tiên là ai và có Quốc trong đó không? Và thậm chí: 
4) Liệu QDĐ ĐD có phải chỉ là sản phẩm tưởng tượng của Quốc để kể công (giả) và moi tiền QTCS hay không vì tại sao không có tài liệu nào khác nói về QDĐ ĐD này?
Và các câu trả lời suy đoán của tôi:
1) Chủ trương thành lập QDĐ ĐD có vẻ bất ngờ, tức nảy ra sau khi Quốc đến Tàu, tức chỉ có thể là của Quốc, của QDĐ Tàu, hay của người Việt khác tại Tàu như Lâm Đức Thụ hay Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn. Nếu chủ trương thành lập QDĐ Đông dương là của “một đồng chí” QTCS thì sao nó lại không được công khai mà chỉ ngấm ngầm giữa Quốc và “một đồng chí” đó. Và nếu đó là “một đồng chí Pháp” như George Maran thì có khả năng Maran là người của Phòng Nhì Pháp cài được vào QTCS và qua đó Pháp, qua Quốc, muốn nắm phong trào CS ở Đông Dương để khống chế. Đó cũng là lý do lần sau Pháp lại chi 500 đôla cho Quốc quay lại Đông Dương. Có nghĩa là Quốc lúc này là gián điệp của Pháp! Nên nhớ lúc đó các đảng cánh tả Pháp (PCF, SFIO, PSF) vừa có nhiều người tham gia QTCS vừa chiếm đa số 353/581 ghế Nghị viện Pháp, nên khả năng “một đồng chí” của Quốc phục vụ ngầm cho Chính phủ và Bộ Thuộc địa Pháp là rất cao.
2) Có vẻ QDĐ ĐD của Quốc rất liên quan đến QDĐ Tàu, và liên quan đến kế hoạch thành lập QDĐ của cụ Phan Bội Châu nữa, từ những gì tôi phân tích ở trên. Có điều chắc chắn là QDĐ ĐD thành lập 3/1/1925 không có liên quan gì với Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học cũng các đồng chí trong Nam Đồng Thư xã thành lập tại Hà Nội hơn 2 năm sau đó.
3) Có lẽ Lâm Đức Thụ, Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu đã cùng Quốc thành lập QDĐ ĐD ngày 3/1/1925 tại Quảng Châu ngay tại nhà vợ Lâm Đức Thụ, và họ là 3 đảng viên đầu tiên, không có Quốc. Người đi Trung Kỳ và Lào có thể chính là Hồ Tùng Mậu (vì đó là nhà - xứ Nghệ, và vùng hoạt động của Mậu), người đi Bắc kỳ là người nhà hay tay chân của Lâm Đức Thụ - nhà giàu quê ở Thái Bình.
4) Có lẽ Quốc không dám bịa ra việc thành lập QDĐ ĐD như thế, chỉ không may sau đó là Lê Hồng Sơn chết (bị bắt ở Thượng Hải - ai đã bán Lê Hồng Sơn?, và bị chết 1933 ở VN do Pháp xử tử hình), và Mậu (lúc đầu theo QDĐ Tàu vì theo bác họ là cụ Hồ Học Lãm là người Việt tham gia quân đội Tưởng và QDĐ Tàu) sau cũng theo CS như Sơn năm 1928 cùng thành lập An Nam CS đảng cả ba (Sơn, Mậu, Quốc) cùng tham gia thành lập Đảng CSVN năm 1930.
Nguyễn Ái Quốc và thất bại Yên Bái đẫm máu của Việt Nam Quốc Dân đảng 
Việt Nam Quốc Dân đảng là một trang sử lớn, một thiên anh hùng ca oai hùng đáng tự hào của cả Dân tộc Việt Nam, là ngọn cờ đấu tranh vì độc lập dân tộc sáng chói nhất của Dân tộc Việt Nam thế kỷ 20. Nếu bây giờ họ lại đứng lên giương cờ VNQDĐ để chống và lật đổ chế độ CSVN, nhất định họ sẽ qui tụ được rất nhiều người Việt Nam yêu nước. Họ có thể ngang sức với lá cờ Đệ nhị Cộng hòa.
Việt Nam Quốc Dân đảng được Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông trong Nam Đồng Thư xã thành lập ngày 25/9/1927 (có tài liệu ghi ngày 25/12/1927) tại Hà Nội theo tôn chỉ Tam Dân (Dân tộc Độc lập, Dân quyền Tự do, Dân sinh Hạnh phúc), nên tên đảng là Quốc Dân.
Việt Nam Quốc Dân đảng phát triển rất nhanh trong bí mật và trong vòng 2 năm đầu 1927-1929 đã có hàng ngàn, có tài liệu nói là hàng vạn đảng viên phủ kín hầu như các tỉnh thành khắp phía Bắc và Trung Việt Nam, với cơ sở mạnh nhất ở Hải ngoại là tại Xiêm (Lào).
Đến tháng 7/1929 cả nước mới biết đến VNQDĐ vì Pháp đưa ra xử các đảng viên của họ sau vụ họ ám sát tên Bazin ở Trung kỳ vào 9/2/1929.
Cuối năm 1929 tại vùng núi Yên Tử, thuộc Đông Triều, Hải Dương lúc đó, Đảng trưởng VNQDĐ là Nguyễn Thái Học và các đồng chí đã quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang toàn quốc, ngày ấn định là 10/2/1930. Quyết định này được bí mật truyền đi cả nước để chuẩn bị cùng Tổng khởi nghĩa.
Tại Xiêm, cuối năm 1929 Nguyễn Ái Quốc đang bôn ba ở đó từ tháng 7/1928, sau khi dong chơi hơn năm trời ở Châu Âu và nhận được tiền của đảng CS pháp (500 đôla?) để quay trở lại Đông dương hoạt động trong 3 tháng cho phong trào nông dân. Nhiệm vụ của Quốc là do Domban giao, lúc đó là Phó Tổng thư ký QTND giao, vì Quốc vẫn chỉ thuộc QTND, không phải QTCS. Nhưng ông Domban này không đưa ra được kế hoạch gì, giao cho Quốc cứ tuy nghi thích ứng, và đi trong 3 tháng, tiền có đảng CS Pháp lo rồi.
Sau khi xác nhận đã nhận tiền từ đảng CS Pháp vào 21/5/1928, Quốc không vội vã gì, hẹn cuối tháng 5 sẽ đi thực hiện nhiệm vụ. Nhưng đầu tháng 6/1928 Quốc mới từ Đức đi Italy rong chơi gần một tháng nữa, đến cuối tháng 6 mới lên tàu đi Thái. Đầu tháng 7/1928 Quốc mới đến Bangkok (vì còn vòng qua Xâyland chơi), và cuối tháng 7 Quốc đến Udon, Xiêm - nơi có nhiều người Việt và có chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Nhưng không thấy Quốc đi tìm hay nhắc lại cán bộ QDĐ Đông dương mà Quốc cử đi Xiêm từ Quảng Châu vào tháng 1/1925 gì cả? Và Quốc chẳng vội vàng gì ở Xiêm.
Có tiền, có dân nuôi, Quốc thong dong đi lại suốt hơn 16 tháng ở Xiêm (từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929) chỉ có đọc sách, nói chuyện, dịch sách tuyên truyền “vào trong nước”, vì Xiêm là một cửa ngõ phía Tây. Không có sự kiện gì lớn xảy ra ở Xiêm hay với Quốc trong 16 tháng đó, ngoài việc Quốc “nắm tình hình” (do thám?). Quốc hầu như chẳng gặp ai ngoài gặp “dân”, tức những người vô danh, nhưng có mặt mọi nơi, biết mọi việc. Hầu như không có cuộc gặp cụ thể, một biên bản làm việc với nội dung nào được lưu lại về Quốc trong suốt hơn 1 năm đó, Quốc cũng không có báo cáo nào về cho Hội nông dân QT của Domban, chỉ có “những người dân kể lại” về “truyền thuyết” Thầu Chín (bí danh mới của Quốc ở đó) mà CSVN sau này dựng thành phim “Thầu Chín ở Xiêm” để bịp dân tiếp về “huyền thoại” Quốc.
Bỗng nhiên, tháng 11/1929 Thầu Chín thấy lo lắng và vội vã tìm đường đi sang Quảng Châu - Tàu. Lý do: Việt Nam Quốc Dân đảng hoạt động mạnh ở trong nước và cả Xiêm. Quốc ở Xiêm được tin cậy nên biết tin tối mật: họ đang chuẩn bị Tổng khởi nghĩa! Quốc phải sang Tàu “gặp họ để khuyên bàn lại với họ kế hoạch đó!” Có thật thế không?
Nguyễn Ái Quốc về Tàu bán VN Quốc Dân đảng và gom chiếm luôn ba đảng CSVN
Sang Tàu lần 2, Quốc dong tuốt lên ngay Thượng Hải nơi Quốc và Thụ đã bán Cụ Phan Bội Châu cho Pháp vào đầu tháng 1/1930. Giữa tháng 1/1930 Quốc về Hong Kong gặp “các đồng chí” đảng CS Tàu (chắc để nhờ họ hỗ trợ vụ Quốc muốn sát nhập ba đảng CS của VN thành một để dâng nộp cho CS Tàu?). Tại Hong Kong Quốc gặp Lý Phú Xuân, Thái Sướng, Nhiêu Vệ Hoa... là cán bộ tỉnh ủy CS Tàu ở Quảng Đông, nhờ họ sắp xếp tổ chức đón đại biểu các đảng CSVN và lo việc nơi họp mặt để hợp nhất các đảng. Nói tóm lại là “mọi việc con nhờ đảng mẹ lo cho tất”! Thế mới có chuyện ngoài 7 người Việt Nam dự họp kín thành lập đảng CSVN (kể cả Quốc) lại có thêm ngay “đại diện QTCS”- kẻ cho đến nay đã 84 năm sau và đảng CSVN cầm quyền 69 năm liền mà vẫn không biết “đại diện” đó là ai?! Tất nhiên đại diện đó (nếu có) thì không trưng ra giấy tờ nào của QTCS, cũng như Quốc thôi. Coi như Quốc tự tiện sát nhập ba đảng trong sự bố trí và kiểm soát (đỡ đẻ) của CS Tàu. Nên nhớ, lúc đó cả CS Tàu và CS VN đều chưa có ai được vào QTCS/Comintern cả (kể cả Quốc, điều mà Quốc và CSVN luôn cố nhập nhèm trong mọi tài liệu “sử đảng”). Mãi đến Đại hội VII QTCS năm 1935 cả CS Tàu và Việt Nam mới có thành viên đại diện trong QTCS - với tổng cộng 492 Ủy viên Comintern từ 65 đảng CS và cánh tả. VN hình như có 1 thành viên đại diện là Lê Hồng Phong, và Tàu cộng có hơn 2 người là Vương Minh và Trương Văn Thiên...? Cả Phong, Minh, Thiên... ngay sau đó đều được QTCS cử về làm tổng bí thư đảng CSVN và CS Tàu, Phong thì có lẽ bị Hồ Tàu “bán” cho Pháp, còn V. Minh, Thiên đều bị Mao/Chu lật đổ, Vương Minh phải chạy sang Nga Sô.
Có mấy câu hỏi lạ ở đây: 
1) Quốc không quan tâm đến Quốc dân đảng Đông dương của chính mình lập ra năm 1925 rồi cử người đi Xiêm nó đâu rồi (?), mà lại quá quan tâm đến VNQDĐ của Nguyễn Thái Học là đảng khác và là “hậu thế” là sao? 
2) “Các đồng chí VNQDĐ” mà Quốc nên gặp phải là Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính... đang ở VN chứ sao lại chạy sang Tàu? Tàu chỉ có Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch và Đông dương QDD của Quốc mà Quốc biết rất rõ thôi chứ? 
3) Quốc có quen biết ai của VNQDĐ đâu mà “nói chuyện với các đồng chí” ngoài QDĐ Tàu? Tại sao họ phải nghe Quốc khi CSVN luôn hại VN QDĐ vì coi họ là tiểu tư sản - kẻ thù giai cấp? Và khi Quốc nói các đảng CS còn không thèm nghe kia mà, vì thực sự Quốc có đại diện hay là Ủy viên QTCS đâu? 
4) Tại sao Quốc không làm việc (báo cáo và xin chỉ thị) với QTCS về việc hợp nhất 3 đảng mà lại nhờ CS Tàu hoàn toàn?
Vậy nên, vụ vội vã từ Xiêm sang Tàu của Quốc tháng 12/1929 phải vì những lý do khác. Chỉ biết sau khi Quốc biết tin tối mật VNQDĐ đang chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ngày 10/2/1930 và Quốc chạy sang Tàu thì Pháp cũng biết bí mật tối mật đó, và Pháp đã không chỉ chuẩn bị sẵn sàng mà còn ra tay hành động đàn áp cuộc Tổng khởi nghĩa trước khi nó nổ ra nhiều bước! VNQDĐ đã bị Pháp (nhờ Quốc?) đặt vào thế bị động hoàn toàn, thay vì VNQDĐ làm Pháp bất ngờ như kế hoạch.
Vâng, đúng vậy, tôi đoán là Quốc đã vội vã sang Tàu là để bán tin VNQDĐ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa toàn quốc ngày 10/2/1930 cho Pháp. Tại sao tôi suy đoán thế?
Có năm lý do sau:
1) Hồi đó VN có nhiều đảng phái chính trị đều muốn chống Pháp giải phóng dân tộc nhưng không đoàn kết nhau mà lại tranh giành nhau, hãm hại nhau, nhất là CS luôn đố kỵ “giai cấp”, và Pháp luôn lợi dụng điều đó để “chia và trị”.
2) Quốc đã có tiền sử hợp tác với Pháp bắt Phan Bội Châu là lãnh tụ cách mạng dân tộc dân chủ lớn khác - đối thủ cạnh tranh lớn của Quốc và những kẻ cộng sản, nên việc Quốc hợp tác với Pháp lần nữa, lần này không vì 150 ngàn đồng ĐD nữa mà để diệt đối thủ và kẻ thù giai cấp của CS, là đương nhiên;
3) Năm 1929/1930 thì VNQDĐ đã phát triển rất nhanh, mạnh, có thực lực và uy tín trong dân khắc ba miền, còn cộng sản tuy có đến 3 đảng nhưng luôn tranh cãi và tranh giành (cái đúng) với nhau, so với VNQDĐ thì thua xa, nên VNQDĐ lại là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của các đảng CS của VN lúc đó (An Nam CS đảng, Đông dương CS đảng, Đông dương CS Liên đoàn). Nhất là Quốc và các đảng CS coi VNQDĐ là đảng của giai cấp tiểu tư sản VN - tức là đảng của kẻ thù giai cấp của đảng CS. Vì thế đảng CS trước sau cũng phải “tiêu diệt” họ, nên “mượn tay Pháp làm việc này là cơ hội ngàn vàng, quá “kín và sạch!”
4) Sự thất bại của VNQDĐ (bất kể do ai) cũng sẽ là cái cớ tốt, là bài học để buộc các đảng CS manh mún của người Việt phải ngồi lại với nhau mà hợp nhất, run rẩy mà hợp nhất lại, theo tiếng hô và đạo diễn của Quốc và CS Tàu, dù họ còn ganh ghét đó kỵ nhau tiếng gáy, dù Quốc không phải đại diện QTCS gì cả, chỉ là đại diện QT Nông dân có trách nhiệm phát động phong trào nông dân. Tâm lý chung là, sau những cái chết, mất mát, những kẻ luôn phân rã nhưng thoát chết cũng có xu hướng co cụm lại vì sợ chết. Sự hình thành đảng CSVN cũng là một đông thái “co cụm vì sợ chết” đó, “sợ chết” đến nỗi bị Quốc là đại diện QT Nông Dân cùng CS Tàu lừa dễ dàng.
5) Bằng cái chết của VNQDĐ Quốc có thể một bước nắm trọn quyền hành, uy tín với 3 đảng CS của người Việt về mình! Và bỗng nhiên các đảng viên CS sẽ thấy mình “sáng suốt” nên không chết thảm như VNQDĐ!
6) Quốc đã có tiền sử “hợp tác” với CS Tàu (đã lấy Tăng Tuyết Minh do vợ Chu đạo diễn), nên Quốc nhờ CS tàu lo hết tổ chức, hậu cần, an ninh và cả “chỉ đạo của QTCS” cho các buổi họp hợp nhất đảng thì CS Tàu làm ngay để có thể lợi dụng, không chế “thằng hề” Quốc tiếp như dạo 1924-1927, và nhất là khống chế cả đảng CSVN từ ngay khi nó hình thành.
Phải nói, từ Xiêm vội và về Tàu lần 2, Quốc đã mang món quà lớn không chỉ cho Pháp mà còn cho đảng CS Tàu nữa. Món thứ nhất là cái chết của Khởi nghĩa Yên Bái của VNQDĐ. Món thứ hai là “cú rặn đẻ” của Tàu-Quốc ra đảng CSVN. Cả hai cái đều là thảm họa đẫm máu cho dân tộc Việt Nam - một cái tức thời ngay dịp Tết Canh Ngọ 1930, một cái lâu dài suốt gần thể kỷ sau từ 3/2/1930 đó.
Với sáu lý do trên, với tham vọng của những kẻ cộng sản, với thói quen tranh giành và hãm hại nhau, với âm mưu bá quyền của những kẻ CS Tàu, thì Quốc không chạy vội về Tàu báo tin cho Pháp lập công thì mới lạ!
Sau Đại hội thành lập đảng, cũng là dịp Tết Canh Ngọ, Nguyễn Ái Quốc chiêu đãi các đồng chí một bữa thịnh soạn vào ngày 8/2/1930. Và ngày 13/2/1930, lần đầu tiên sau 2 năm dong chơi ở Xiêm, Quốc lại “bỗng nhiên” viết báo cáo dài và chi tiết gửi QTCS, lần này lại lần đầu tiên “bỗng nhiên” Quốc viết bằng tiếng Anh. Trong báo cáo, việc đầu tiên Quốc yêu cầu QTCS là không nhận người vào Đại học Phương Đông ở Moscow nếu không có đảng CSVN mới của Quốc giới thiệu - Quốc hèn hạ thâu tóm quyền lực ngay! Rồi Quốc viết một loạt thư cho những người CS đảng ở Nga Sô như Lê Hồng Phong, Bùi Công Trừng... thông báo “xí chỗ” rằng Quốc đã đứng ra hợp nhất các đảng xong rồi, đã có Ban chấp hành TƯ rồi, coi như Quốc mới là lãnh tụ CSVN, các bác phải theo đó nhé. Bỗng nhiên, lại “bỗng nhiên” lần thứ tư, tháng 4/1930 Quốc về lại Xiêm để đi Malay, Singapore cho “nhiệm vụ quốc tế” “bỗng nhiên” mới (?).
Lại phải có mấy câu hỏi lạ ở đây sau “bỗng nhiên 1” là từ Xiêm về Tàu:
1) Tại sao “bỗng nhiên 2” Quốc lại chăm báo cáo QTCS, và bằng “bỗng nhiên 3” tiếng Anh, quên luôn QTND mà “bỗng nhiên 4” quay sang chỉ đạo các đồng chí CSVN đang do QTCS đào tạo/quản lý ở Moscow?
2) Tại sao về lại Quảng Đông mà Quốc “bong nhiên 5” quên không tìm gặp lại người vợ trẻ xinh đẹp Tăng Tuyết Minh?
3) Tại sao “bỗng nhiên 6” có đại diện QTCS là người Tàu cùng Quốc dự họp hợp nhất 3 đảng CSVN? Và đó là ai?
4) Tại sao “bỗng nhiên 7” Quốc đi Malay, Singapore sau đó để làm gì, ai cử đi?
Có lẽ tôi phải viết thêm một bài riêng về những vấn đề này nhưng vì bài này đã quá dài. Ở đây tôi chỉ xin “tự trả lời” rất vắn tắt theo suy luận của mình về các “bỗng nhiên” thình lình của Quốc thôi:
1) Ngay sau đại hội thành lập đảng CSVN 3/2/1930 có lẽ Quốc đã bị CS Tàu thay bằng người Tàu rồi, và người này không biết thói quen chỉ biết viết tiếng Pháp cho “một đồng chí” QTCS Pháp? Vì sự “trao long, đổi phượng” truyền thống của Tàu cộng đó mà sinh ra một loạt những “bỗng nhiên” tức là buộc phải thế thôi.
2) Người Tàu thay Quốc (Quốc lúc đó có lẽ đã ngỏm hay sắp ngỏm, đang được Tàu nuôi để khai thác) là HCM, không phải chồng Tăng Tuyết Minh, nên “bỗng nhiên” không có nhu cầu tìm lại vợ trẻ đó của Quốc;
3) “Đại diện QTCS” có thể chính là người Tàu vai HCM, lúc này vẫn còn Quốc “đệm nhau với Hồ” nên chưa thể cho Hồ xuất hiện chính thức một mình được? Thế nên HCM “bỗng nhiên” xuất hiện như đại diện QTCS khi chính CS Tàu đạo diễn “bỗng nhiên” giúp hợp nhất ba đảng CS của VN.
4) Quốc lúc này đã là Hồ, là gián điệp của CS Tàu được giao nhiệm vụ đi phát triển thêm các đảng CS khác ở Malaysia, Singapore để CS Tàu tiện thâu tóm sau này, nên “bỗng nhiên” phải đi Malay, Singapore ngay. Với vai trò “đại diên QTCS” Quốc bày ra lại hóa ra rất hữu hiệu CS Tàu muốn đẻ trứng CS Tàu tiếp vào các ổ Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar...
Tạm kết: Lời nguyền Yên Bái
Tôi tin, lịch sử rồi sẽ hé mở những sự thật “bỗng nhiên” của Quốc/Hồ đó cho dân ta biết.
Nguyễn Ái Quốc đã bán đứng Khởi nghĩa Yên Bái cho Pháp năm 1930 như đã bán cụ Phan Bội Châu vào năm 1925? Quốc đã “nhờ” CS Tàu hợp nhất ba đảng năm 1930 để lên ngôi nhưng lại bị Tàu “thay thế” ngay sau đó bằng Hồ Tàu? v.v... và v.v...
Có thể tôi sai, nhưng xác suất tôi sai rất thấp. Tôi tin tôi không sai. Cộng sản VN và người Pháp, người Tàu đều biết tôi không sai! Chỉ là người Pháp sau này lại bị Tàu cộng lừa, thay Quốc bằng Hồ mà không kịp nhận ra, khi họ nhận ra thì đã quá muộn, nên phải ngậm hột thị. Và bây giờ thì họ vẫn lờ tịt đi điều đó, có lẽ không phải vì xấu hổ, mà vì người Pháp còn sợ người tàu, sợ nước tàu CS hiện nay, không phải vì không ai quan tâm nữa... CS Tàu đã dung điều gì để “khóa mồm” cả Pháp và Mỹ chặt thế lại là một câu hỏi lớn khác cần được làm sáng tỏ? Nghề của Pháp và Mỹ là đi đêm với Tàu bán đứng Việt Nam (bất kể CS hay Cộng hòa) vì quyền lợi của quốc gia hay chính phủ họ mà, miễn là họ có các quyền lợi quốc gia đó.
Sau khi Quốc về Tàu vội vã vào tháng 12/1929, tháng 1 và tháng 2/1930 VNQDĐ bị Pháp dìm trong biển máu. Hàng ngàn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã anh dũng ra đi.
Còn Quốc và bọn CSVN thì ngay trong những ngày đó ung dung ngồi lại “hợp nhất”, thành lập đảng CSVN vào ngày 3-5/2/1930 tại Hương Cảng. Lúc đại biểu các đảng hỏi giấy ủy nhiệm của QTCS cho Quốc đứng ra làm việc hợp nhất các đảng CS này đâu, Quốc trân tráo: “Các đồng chí nghĩ nếu tôi mang theo Ủy nhiệm đó thì tôi có thể có mặt ở đây được sao?” Đó là Quốc đã mang cái không khí khủng bố ráo riết căng thẳng và đẫm máu của Pháp đối với VNQDĐ trong nước đang diễn ra ngay thời điểm đó ra để đe dọa những kẻ đang mừng vì mình không chết như VNQDĐ ở Yên Bái. Lời đe dọa đã có kết quả. Không ai dám thắc mắc về ủy quyền của Quốc nữa. Ủy quyền của “đại diện QTCS” Tàu càng không ai dám hỏi.
Có thể nói, thất bại của Khởi Nghĩa Yên Bái của VNQDĐ đã được Quốc tạo ra và lợi dụng hoàn hảo cho việc thâu tóm quyền lực CSVN vào tay mình - một kẻ chỉ có chân trong Quốc tế Nông dân là cái tổ chức bù nhìn của Quốc tế Cộng sản, nhưng có tham vọng mà lãnh tụ CSVN, và sẵn sàng bán linh hồn cho quỉ Pháp rồi quỉ Tàu để đạt được điều đó. Nhưng cao nhân ắt có cao nhân trị, tất cả thành tự của Quốc rất nhanh chóng bị CS Tàu “sang tên” cho chủ mới: Hồ Tàu...
Ngày 17/6/1930, Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính cùng 11 đồng chí của mình bước lên đoạn đầu đài Yên Bái. Một ngày sau hai chị em Cô Giang, Cô Bắc tự vẫn tại cơ sở kháng chiến của VNQDĐ. Các vị đó trước khi chết đâu có nghĩ đến QDĐ của mình, họ vẫn chỉ hô cùng một câu: “Việt Nam muôn năm!” Họ là người Việt. Họ biết đâu cả VNQDĐ của mình đã bị một kẻ cộng sản Việt bán đứng cho Pháp, cũng như cả đảng CSVN đã bán đứng cả Dân tộc cho Tàu vì cái đảng thích tắm máu người khác của họ!
Ngày sinh của đảng CSVN, ngày 3-5/2/1930, dịp Tết Canh Ngọ, cũng là những ngày tháng đổ nhiều máu nhất và đau thương nhất xung quanh ngày 10/2/1930 của những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam khắp cả nước và đỉnh điểm là ở Yên Bái. Cuộc đổ máu của dân tộc Việt đã bắt đầu từ tên Quốc 84 năm trước đến nay vẫn chưa bao giờ chưa ngừng!
Yên Bái chưa bao giờ yên, để lại lời nguyền Yên Bái! Đó là:
Việt Nam sẽ không bao giờ yên khi ngọn cờ máu của CS còn vung lên, rưới máu khắp đất nước này...
Chúng ta đã hiểu một phần, tại sao CS có ngọn cờ màu đó: vì đảng của họ sinh ra trong máu người Việt yêu nước không cộng sản!
Tội ác tày trời - Trời không dung Đất không tha đó của Quốc và của cả đảng CSVN rồi sẽ phải được dân tộc Việt Nam đưa ra phán xét dưới ánh mặt trời!

TRẦN THÀNH NAM * NHÂN CÁCH NGƯỜI VIỆT


Hãy trả lại rổ tép khô cho tôi!

Hay: Đi tìm Nhân cách đã mất của người Việt
Trần Thành Nam (Danlambao) - Hôm nay, trong bài giảng cho những người trẻ về niềm tin vào con người từ đâu ra – đó là từ những gì họ đã làm trước mắt chúng ta hoặc cho chúng ta, tôi đã kể lại câu chuyện mình đánh mất niềm tin vào nhân cách người Việt như thế nào, và từ đó tôi đã phải đi tìm nhân cách người Việt đã bị đánh mất ra sao?

Câu chuyện bắt đầu cách đây hơn ba mươi năm. Năm đó, tôi vừa tốt nghiệp cao học kỹ thuật và kinh tế từ Đông Âu, về nước. Đó là những năm tháng gian khó đặc biệt của đất nước ta dù đã hòa bình, đã sau chiến tranh nhiều năm, do những sai lầm trong cơn say chiến thắng và sự ngu muội của “những ngừơi thắng cuộc” chiến là chính những người như ông cha tôi và đồng đội của họ…
Đối với tôi, đó cũng là những năm tháng mà tôi phải đấu tranh nội tâm cam go nhất về việc chọn hướng đi cho cả cuộc đời mình, để sống sao cho ý nghĩa và đáng sống, “để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trến đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.” Vâng, tôi vẫn thuộc lòng câu đó của Ostrowski qua nhân vật Pavel Coorsưgin trong cuốn “Thép đã tôi thế đấy”
Trước đó, cả cuộc đời tôi đã được xắp đặt trước, rõ ràng: học giỏi, về cống hiến cho đất nước - như với tất cả bạn bè tôi. Nhưng, khoảng 80% lứa du học sinh chúng tôi đã quyết định không về nước… Tôi nằm trong số 20% còn lại, đang phân vân… chính vì cái anh chàng Pavel trong tôi đó!
Lùi lại một chút, thế hệ chúng tôi là thế hệ lớn lên trong chiến tranh, đã biết rõ, thấy rõ, chứng kiến bom đạn là gì, đổ xương máu hay mất mạng sống trong bom đạn chiến tranh đó là như thế nào. Và được học, được sống là một hạnh phúc lớn lao như thế nào. Từ khi vào lớp 1 chúng tôi đã phải đi học ban đêm bằng những cái đèn dầu con con, và phải tự đào hào và hầm cá nhân cho mình để tránh bom, mỗi đứa phải đào 1 mét hào chung và một cái hầm cá nhân của mình – thầy cô giáo phân công và chỉ chỗ rõ ràng, từng đứa từng chỗ… Nhưng những đứa trẻ 6-7 tuổi còn thò lò mũi, cao chưa bằng cái cuốc cái xẻng ấy làm sao đào được hào và hầm (thường sâu trên 1 mét, rộng 60 đến 80 phân) cho mình? Thầy cô không quan tâm điều đó, chỉ nói gọn: đó là “chỉ tiêu” của các em. Tôi hỏi; “Thưa cô, chỉ tiêu là gì ạ?” Cô nói: về nhà hỏi bố mẹ! Và đúng là bố mẹ tôi và các bậc phụ huynh đều rất hiểu chỉ tiêu là gì… Đến lớp 4 chúng tôi đã tự đào cả lớp học và hầm hào cho mình, lớp 7 chúng tôi xung phong đi bộ đội và nhiều bạn bè tôi đã vào thẳng thành cổ Quảng Trị để không bao giờ về học tiếp, cấp 3 chúng tôi chứng kiến trận chiến B52 trên không, lớp 10 quá nửa bạn bè lớp chúng tôi tham gia chiến dịch 1975…
Chúng tôi không được đi bộ đội (dù đã tình nguyện) vì một lý do: học giỏi. Vì thế, học xong là phải trở về cống hiến hầu như là câu trả lới tất nhiên và bắt buộc đối với tôi. Nhưng sự thực đất nước những năm tháng đó và sự thực đại đa số bạn bè tôi đã quyết định ở lại trời Âu, với một sự thực nữa: những gì đã và đang xảy ra với chế độ cộng sản trên các nước Đông Âu đó, đã làm “con người lý tưởng” hay “cỗ máy Pavel-hồng vệ binh” trong tôi chao đảo khủng khiếp.
Ở lại hay về nước? Tôi đã về phép với quyết định được ở lại thực tập sinh thêm 3 năm trong tay, tức là cánh cửa trở lại trời Âu rồi ở lại đó của tôi vẫn còn mở…
Nhà tôi ở Tp.HCM. Ba tôi, một cán bộ tập kết và một người cộng sản kiên cường, đang tại chức, khuyên tôi nên trở lại “học tiếp”. Đó là một bất ngờ, vì tôi thì muốn về đi làm và…”cống hiến”, và tôi cứ nghĩ ba tôi cũng muốn vậy. Mọi chuyện còn tạm chưa quyết định, và tôi ra Bắc về thăm quê Ngoại, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Đã có một chuyện rất nhỏ xảy ra trong chuyến đi Bắc đó làm tôi quyết định dứt khoát quay trở lại Đông Âu.
Tôi và mẹ tôi ra Bắc bằng tàu liên vận. Hai mẹ con ngồi ở khoang ghế cứng. Vì là tầu chậm, nó đỗ ở tất cả mọi ga và làm tôi rất thích thú. Ở mỗi ga, khoang tàu biến thành cái chợ hay hàng ăn, tùy vào thời điểm. Ngoài sự nghèo đói, lộn xộn, mất vệ sinh và nói chung là kém văn hóa là đặc trưng của những gì xảy ra trên chuyến tàu đó hay cho cả đất nước ta thời đó, điều tôi nhớ nhất và thất vọng vô cùng là: từ Nam ra Bắc tôi hầu như không thấy một nụ cười trên gương mặt một ai cả…
Ở một ga miền Bắc Trung bộ, tôi không nhớ ở đâu, hình như ở xứ Thanh, có một cô bé khoảng 14-15 đội lên tàu bán một rổ tép khô. Do đông người đi lại bán hàng va chạm, rổ tép khô của cô bé bị rơi đổ hết xuống sàn tàu, ngay trước mắt tôi và cách chỗ tôi ngồi chừng 1-2 mét. Cô bé hốt hoảng lo sợ, luốn cuống quì xuống gom vội tép lại. Theo bản năng “ga lăng”, tôi lao ngay ra giúp cô bé vơ tép khô lại thành từng đống nhỏ. Cùng lúc đó, nhiều người xung quanh cũng đều xông vào, đa số cũng là những người bán hàng trên tàu như cô bé, xúm lại làm như tôi: vơ tép khô của cô bé gọn lại. Tôi cười nhìn mọi người và nghĩ: “Ồ, mọi người tốt quá! Thế mà mình đã nghĩ dân ta bây giờ không yêu quí nhau như trước nữa…”
Chưa kịp nghĩ hết ý trên thì tôi đã đớ người ra khi nhìn thấy mọi người không bốc tép khô vào rổ cho cô bé như tôi mà cho vào những cái túi riêng của họ! Một loáng, sàn tàu đã sạch trơn không còn tí tép khô nào! Và mọi người thản nhiên bỏ đi với những túm tép khô vơ vét được của họ, như không có gì xảy ra… Tôi chẳng thấy nét mặt ai mừng rỡ hay buồn hay ái ngại gì cả, bình thường… Còn cô bé đứng dậy co dúm thút thít khóc bên cạnh rổ tép khô nay chỉ còn một vốc. Tôi cứ đứng bên cạnh cô bé, ngơ ngác và lòng rưng rưng với nắm tép khô còn chưa kịp đưa vào rổ của cô bé, và không hiểu tại sao mọi người làm như thế! Còn những hành khách trong toa tàu, trong đó có mẹ tôi, đã chứng kiến toàn bộ chuyện đó, cũng làm ngơ, không ai phản đối gì, cho là chuyện bình thường…
Cho đến hôm nay tôi vẫn còn khinh ghét con người mình vì lúc đó đã không làm được việc mình muốn làm nhất là gào thét lên: “Mọi người! Hãy trả lại tép khô cho cô bé!”
Cho đến hôm nay, cái câu không được hét ra ấy vẫn cứ vang lên mãi không tha trong đầu tôi: “Hãy trả lại tép khô cho cô bé!”
Để rồi, tôi không còn muốn trở về nước làm việc để “cống hiến cho đất nước” nữa. Bởi vì, từ hôm đó, ngay lúc đó, một điều gì lớn lao đã đổ vỡ trong tôi. Tôi đã mất niềm tin vào nhân cách người Việt, qua những gì tôi chứng kiến và trải nghiệm. 
Sự kiện nhỏ đó đã làm tôi mất niềm tin vào nhân cách người Việt. Tôi không thể tự hào là người Việt nữa. Tôi quyết định quay lại trời Âu để “học tiếp” theo lời khuyên của ba. Thực sự, đó là một cuộc bỏ chạy của tôi. Nhưng tôi lại sợ mình sẽ chạy mãi. Sẽ không bao giờ quay trở lại đất nước này nữa. Thế là tôi đưa ra một quyết định sai lầm lớn đầu tiên trong đời. Tôi nói: “Mẹ ơi, con muốn lấy vợ trước khi con quay lại thực tập tiếp”. Mẹ tôi bị bất ngờ, hỏi: “Tại sao con quyết thế?” Tôi nói: “Nếu không lấy vợ thì chắc con sẽ ở lại, không bao giờ về nước nữa?”. Ngày đó, quyết định học xong ở lại là quyết định giải thoát lớn lao, giống như người vượt biên vậy, xã hội coi là những kẻ phản bội, và ai cũng biết ở lại bên đó là chấp nhận xa gia đình mãi mãi, vì hạnh phúc của những người ra đi. 
Ngay trong đợt về phép đó, tôi đã mang quà về gia đình cho mấy thằng bạn thân đã quyết định ở lại bên ấy, thấy gia đình chúng nó bị xã hội ghẻ lạnh phải nghỉ việc, bán nhà chuyển chỗ ở, thấy bố mẹ chúng nó tiếp tôi và nhận quà của con mình gửi về mà phải đi báo công an phường đến chứng nhận… tôi khiếp quá. Nhưng nay tôi đã quyết quay trở lại châu Âu, và để ngỏ khả năng ở lại bên đó vĩnh viễn… chỉ vì chứng kiến rổ tép khô bị đổ của cô bé trên tầu…
Sau khi nghe nói tại sao tôi phải lấy vợ, mẹ tôi không hỏi gì nữa mà nhất nhất làm theo ý tôi. Bà sợ “mất” con trai hoàn toàn. 
Lúc đó, người tôi yêu, rất yêu thì không yêu tôi, còn người rất yêu tôi thì tôi chỉ quí trọng. Cả hai đều là bạn học, bạn thân của tôi thời phổ thông bom đạn. Tất nhiên, tôi chỉ có thể và nói mẹ xin cưới cho mình ngừời thứ hai. Và ba năm sau thời gian thực tập sinh, tôi đã trở về nước làm việc, sống với người mình đã cưới vội để thả neo đó. Cái Neo đó đúng là đã giữ tôi không phiêu bạt giang hồ. Nhưng đó là câu chuyện khác…
Câu chuyện chính ở đây là… những cái rổ tép bị cướp đi kia! 
Mấy chục năm nay, sống trên đất nước XHCN này, chuyện những người đi đường vô tình bị rơi bịch tiền vung vãi ra và bị mọi người xông vào cướp trắng hết… đã là bình thường, nhưng những giấc mơ và câu hét “Mọi người! Hãy trả lại tép khô cho cô bé!” vẫn cứ vang lên trong tôi.
Và tôi hiểu, đó là tôi vẫn còn đang đi đòi lại cho tôi nhân cách đạo đức người Việt ngày xưa mà tôi từng biết. Tại sao nó bị mất đi? Làm sao cho nó quay trở lại với người Việt? Tôi có tìm lại được niềm tin vào nhân cách người Việt như xưa nữa hay không?
Đó là câu hỏi tôi đã thảo luận với các bạn trẻ sáng nay.
Tôi tin là có. Dù điều đó không dễ, và không nhanh được, nhưng rồi cũng sẽ tới ngày...
Những hạt giống độc hại nào đó đã nẩy mầm sau chiến tranh, nhưng đã được gieo từ lâu trước đó vào văn hóa dân tộc, chỉ là hồi bé tôi không nhận ra những rổ tép khô bị hất đổ và cướp mất mà thôi.
Và bây giờ nó đã là rổ tép khô của tôi rồi. 
Mọi người! Hãy trả lại rổ tép khô cho tôi!

Monday, December 8, 2014


CƠM HẾN



CHUYỆN CƠM HẾN



Tô cơm hến. Ảnh H.Đ. Thiếu Anh

Người Huế ăn giống như học bài học cuộc đời, phải nếm đủ vị mặn, lạt, chua, cay, ngọt, bùi... không chê vị nào; lại còn tỏ ra thích thú với hai vị mà thiên hạ đều sợ là cay và đắng. Vườn Bắc cũng trồng mướp đắng, chỉ dùng trái chín đỏ độn thịt làm món hầm, còn trái xanh chỉ dùng...xoa sảy cho trẻ con. Người Huế thích dùng mướp đắng lúc còn xanh; nấu canh phải đuống nồi nước sôi xuống mới thả mướp vào để đảm bảo là đắng, lại còn bóp mướp sống làm món nộm, đắng một cách tuyệt vời!


Có hôm tàu dừng ở ga Lăng Cô, thấy nấm tràm bán rẻ như cho không, tôi bèn hí hửng mua luôn một rổ làm quà cho chú bạn tôi ở Đà Nẵng, gọi là đặc sản xứ Huế. Cháo nấm tràm nấu ra ngon đến thế, nhưng chỉ có đám dân Huế sì sụp vừa húp vừa khen, còn bạn nhậu người Quảng đều né hết, vì đắng chịu không nổi. Hoá ra chỉ cách nhau một cái đèo Hải Vân mà thôi mà cách ăn uống của người Huế lạ đời đến thế!

Nhưng lạ nhất là thói ăn cay, đến nỗi chính tôi cũng không hiểu sao mình ăn cay đến như vậy. Người Huế có đủ cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay, bao gồm hết mọi giác quan, càng nói càng “sướng miệng”: cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cau điếc óc. Có thể nói rằng người Huế bắt đầu thực đơn hàng ngày bằng một tô bún bò “cay dễ sợ”, tiếp theo là một ngày cay “túi mắt túi mũi”, để kết thúc với tiếng rao “Ai ăn chè?”, một chén ngọt lịm trước khi ngủ.
Cơm hến. Ảnh H.Đ. Thiếu Anh
Tôi xin giới thiệu một ngày “hạnh phúc trời hành” của dân Huế, tui bắt đầu bằng món cơm hến. Những món ăn Huế như bún bò, cháo lòng...bây giờ trở thành phổ biến khắp nước (dù đã mất đi bản chất cay của nó), chỉ món cơm Hến này không nơi nào có, Hà Nội, Sài Gòn cũng có vài ba quán Huế có cả cơm hến, tôi đã thử xem, đều toàn là nghêu xắt nhỏ, đâu phải là hến! Vậy thì, cơm hến là gì?

Trước hết, nói về cơm. Người Việt mình ăn cơm kiểu nào cũng phải nóng, duy chỉ cơm hến nhất thiết phải là cơm nguội. Hình như người Huế muốn bày tỏ một quan niệm rằng trên đời chẳng có một vật gì đáng phải bỏ đi, nên bày ra món cá lẹp kẹp rau mưng, và món cơm nguội với những con hến nhỏ lăn tăn làm sốt ruột người chế biến món ăn, gọi là cơm hến. Sau này ở Huế người ta bày thêm món bún hến, dùng bún thay cơm nguội.

 

Tôi rất ghét những lối cải tiến tạp nham như vậy. Bún đã có bún bò, ai có giang sơn nấy, việc gì phải cướp bản quyền sáng chế của người khác. Vả lại, người Huế (Huế xưa, không phải bây giờ) rất kiên định trong “lập trường ăn uống” của mình. Tôi nghĩ rằng trong vấn đề khẩu vị, tính bảo thủ la một yếu tố văn hoá hết sức quan trọng, để bảo toàn di sản. Với tôi, một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hoá, cứ phải giống y như nghìn xưa, và mọi ý đồ cải tiến đều mang tính phá phách, chỉ tạo nên những “đồ giả”!

Xin tiếp tục chuyện cơm hến. Hến ở Huế, ngon nhất là hến cồn, do đó cái gò nổi chiếm vị trí “tả thanh long” rất mực sang trọng trong Dịch Lý của kiến trúc kinh thành, dân chỉ gọi nôm na là Cồn Hến. Đáy sông quanh cồn có một lớp bùn sâu, là môi sinh màu mỡ của loài hến. Điều lạ là con hến, dù không có tay chân, nhưng khi thời tiết thay đổi làm dòng nước chảy mạnh, nó có thể lặn sâu xuống đáy bùn để khỏi bị nước cuốn đi. Dân cồn làm nghề xúc hến mỗi năm đều có lễ cúng hến vào tháng bảy, trên những con đò cờ xí rộn rịp, tiếng trống vang lừng. Người ta luộc hến xong đem ra sông đãi trong những chiếc rỗ lớn, tách vỏ, lấy riêng mặt hến đem đong chén bán cho những người làm cơm hến.
Mặt hến này là vị chủ của cơm hến, xào kèm theo bún tàu (miến), măng khô và thịt heo thái chỉ. Món thứ ba trong cơm hến là rau sống. Chỉ một nhúm thôi, nhưng rau sống này làm bằng thân chuối hoặc bắp chuối xắt mảnh như sợi tơ, trộn lẫn với môn bạc hà, khế và rau thơm thái nhỏ, có khi còn điểm thêm những cánh bông vạn thọ vàng, nhìn tươi mắt và có thêm mùi hương riêng.
Nước luộc hến được múc ra từ chiếc nồi bung bốc khói nghi ngút, bằng chiếc gáo làm bằng sọ dừa xinh xắn, cho vào đầy một cái tô đã gồm đủ cơm nguội, hến xào, rau sống và được gia thêm đủ vị đồ màu. Nước hến có giã thêm gừng, màu trắng đùng đục. Vâng, mê nhất cái màu đùng đục ấy, ăn cơm hến mà chê nước đục là...dại!

Bộ đồ màu của cơm hến là nhiêu khê nhất thiên hạ. Đây là bảng liệt kê các món gia vị mà tôi từng quan sát được ở một gánh cơm hến, chắc có thể coi là "lý tưởng", như sau: 1.Ớt tương, 2. Ớt màu, ớt dầm nước mắm, 3. Ruốc sống, 4. Bánh tráng nướng bóp vụn, 5. Muối rang, 6. Hạt đậu phụng rang mỡ, giã hơi thô thô, 7. Mè rang, 8. Da heo rang giòn, 9. Mỡ và tóp mỡ,10.V ị tinh. Tất cả được đựng trong những thẩu, những vịm bày trên một cái trẹc, o bán cơm hến lấy ra bằng những chiếc gáo mù-u nhỏ xíu, bàn tay thoăn thoắt mỗi thứ một ít như là rây...nước thánh!


Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc, và vị cay đến trào nước mắt. Người “máu” cơm hến vẫn chưa vừa lòng với vị cay sẵn có, còn đòi thêm một trái ớt tươi để cắn kêu cái rốp! Nước mắt đầm đìa, mồ hôi ròng ròng nhỏ giọt vào tô cơm, thế mà cứ sì sụp, xuýt xoa kêu “ngon, ngon!”; đi xa nhớ lại thêm tới đứt sợi tóc, ở nước ngoài về bay ra Huế để ăn cho được một tô cơm hến lấy làm hả hê, thế đấy, chao ôi là Huế!

Tôi nhớ lần ấy, chiều mưa râm ri cữ tháng mười một, tôi ngồi ăn cơm hến ở nhà Bửu Uỳ ở đường Hàng Me. Tôi vừa đi Tây về, suốt hai tuần ở cung đại hội các nhà văn, bữa ăn nào cũng toàn thịt, bơ, phó mát..., đến nỗi tôi thất kinh, nhiều ngày chỉ mang một trái mớ cây về phòng, ăn trừ bữa. Nhiều tuần lễ không có một hột cơm trong bụng, nghe tiếng rao cơm hến, tôi thấy xúc động tận chân răng. Đây là lần đầu tiên, tôi ăn một tô cơm hến bằng tất cả tâm hồn. Thấy chị bán hàng phải cho quá nhiều thứ trong bát cơm nhỏ, công thế mà chỉ bán có năm đồng bạc, tôi thấy làm ái ngại hỏi chị:

Lời lãi bao nhiêu mà chị phải công kỹ đến thế. Chỉ cần ba bốn thứ, vừa vừa thôi, có đỡ mất công không? Chị nhìn tôi với đôi mắt giận dỗi rất lạ: Nói như cậu thì... còn chi mà là Huế!
Chị gánh hàng đi, dáng gầy mỏng manh, chiếc áo dài đen cũ kỹ, chiếc nón cời và tiếng rao lanh lảnh, bây giờ tôi mới phát hiện thêm vị thứ mười lăm, là lửa. Vâng, một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người...

Xin thưa cùng quý vị là tui cũng lỡ có cái tâm hồn ăn uống kể cũng khá là "đậm đà" , nên khi nghe tác giả " Chuyện Cơm Hến "kề nỗi lòng cuả ông với tô cơm hến ( dù tui chưa bao giờ được nếm thử ) thì tui cũng thấy nao nao . Điều tui tâm đắc nhứt là đoạn :

Sau này ở Huế người ta bày thêm món bún hến, dùng bún thay cơm nguội. Tôi rất ghét những lối cải tiến tạp nham như vậy. Bún đã có bún bò, ai có giang sơn nấy, việc gì phải cướp bản quyền sáng chế của người khác. Vả lại, người Huế (Huế xưa, không phải bây giờ) rất kiên định trong “lập trường ăn uống” của mình. Tôi nghĩ rằng trong vấn đề khẩu vị, tính bảo thủ la một yếu tố văn hóa hết sức quan trọng, để bảo toàn di sản. Với tôi, một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa, cứ phải giống y như nghìn xưa, và mọi ý đồ cải tiến đều mang tính phá phách, chỉ tạo nên những “đồ giả”!


Tôi cũng không ưa cách pha phách , chế biến tạp nham ( xin phép được mượn lại chữ cuả tác giả ) khiến những món ăn đặc biệt cuả một vùng bị "cải biên" thành ra một thứ tả pín lù không còn mùi vị chính gốc cuả nó nữa . Chẳng hạn như vừa rồi tui có dịp được thưa chuyện cùng quý vị về món Cơm Tấm Bì Saigon ( miền Nam quê tui ) mà theo miêu tả trong bài giới thiệu 12 món cơm ngon VN , thì từ một diã cơm tấm rất bình dân , đơn sơ gồm cơm là chính và bì phụ vào , cùng với chút hương hoa là cà rốt chua ngọt , mỡ hành thơm và nước mắm chanh ớt , đã biến dạng thành ra diã cơm tấm hằm bà lằng như hiện nay ( xem hình ) tuy rất xôm tụ , nhưng lại rất xa với món cơm tấm bình dân ăn sáng cuả người miền Nam ngày xưa . Cơm này phải đặt tên lại là Cơm Tấm Bì ,Chả ,Thịt Nướng , Đậu Hũ Chiên , Tôm Rim , Dưa Chuột , Cà Rốt , Mỡ Hành , rồi !

Tôi nói vậy là bắt chước kiểu rao hàng rong cuả người miền Nam : Ai ăn chè đậu xanh , bột báng , đường cát trắng , nước cốt dưà hông ! đó .
 
Cồn Hến

Hến ở Huế, ngon nhất là hến cồn, do đó cái gò nổi chiếm vị trí “Tả Thanh Long” rất mực sang trọng trong Dịch Lý của kiến trúc kinh thành, dân chỉ gọi nôm na là Cồn Hến. Đáy sông quanh cồn có một lớp bùn sâu, là môi sinh màu mỡ của loài hến. Điều lạ là con hến, dù không có tay chân, nhưng khi thời tiết thay đổi làm dòng nước chảy mạnh, nó có thể lặn sâu xuống đáy bùn để khỏi bị nước cuốn đi. Dân cồn làm nghề xúc hến mỗi năm đều có lễ cúng hến vào tháng bảy, trên những con đò cờ xí rộn rịp, tiếng trống vang lừng. Người ta luộc hến xong đem ra sông đãi trong những chiếc rỗ lớn, tách vỏ, lấy riêng mặt hến đem đong chén bán cho những người làm cơm hến.

Xuc hến

Mặt hến này là vị chủ của cơm hến, xào kèm theo bún tàu (miến), măng khô và thịt heo thái chỉ. Món thứ ba trong cơm hến là rau sống. Chỉ một nhúm thôi, nhưng rau sống này làm bằng thân chuối hoặc bắp chuối xắt mảnh như sợi tơ, trộn lẫn với môn bạc hà, khế và rau thơm thái nhỏ, có khi còn điểm thêm những cánh bông vạn thọ vàng, nhìn tươi mắt và có thêm mùi hương riêng.


Nước luộc hến được múc ra từ chiếc nồi bung bốc khói nghi ngút, bằng chiếc gáo làm bằng sọ dừa xinh xắn, cho vào đầy một cái tô đã gồm đủ cơm nguội, hến xào, rau sống và được gia thêm đủ vị đồ màu. Nước hến có giã thêm gừng, màu trắng đùng đục. Vâng, mê nhất cái màu đùng đục ấy, ăn cơm hến mà chê nước đục là… dại!

 
 Con hến
Bộ đồ màu của cơm hến là nhiêu khê nhất thiên hạ. Đây là bảng liệt kê các món gia vị mà tôi từng quan sát được ở một gánh cơm hến, chắc có thể coi là “lý tưởng”, như sau: 1.Ớt tương, 2.Ớt màu, ớt dầm nước mắm, 3.Ruốc sống, 4.Bánh tráng nướng bóp vụn, 5.Muối rang, 6.Hạt đậu phụng rang mỡ, giã hơi thô thô, 7.Mè rang, 8.Da heo rang giòn, 9.Mỡ và tóp mỡ,10.Vị tinh. Tất cả được đựng trong những thẩu, những vịm bày trên một cái trẹc, o bán cơm hến lấy ra bằng những chiếc gáo mù-u nhỏ xíu, bàn tay thoăn thoắt mỗi thứ một ít như là rây… nước thánh!

Cơm hến

Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc, và vị cay đến trào nước mắt. Người “máu” cơm hến vẫn chưa vừa lòng với vị cay sẵn có, còn đòi thêm một trái ớt tươi để cắn kêu cái rốp! Nước mắt đầm đìa, mồ hôi ròng ròng nhỏ giọt vào tô cơm, thế mà cứ sì sụp, xuýt xoa kêu “ngon, ngon!”; đi xa nhớ lại thêm tới đứt sợi tóc, ở nước ngoài về bay ra Huế để ăn cho được một tô cơm hến lấy làm hả hê, thế đấy, chao ôi là Huế!

Tôi nhớ lần ấy, chiều mưa râm ri cữ tháng mười một, tôi ngồi ăn cơm hến ở nhà Bửu Ý ở đường Hàng Me. Tôi vừa đi Tây về, suốt hai tuần ở Cung Đại Hội các nhà văn, bữa ăn nào cũng toàn thịt, bơ, phó mát…, đến nỗi tôi thất kinh, nhiều ngày chỉ mang một trái mớ cây về phòng, ăn trừ bữa. Nhiều tuần lễ không có một hột cơm trong bụng, nghe tiếng rao cơm hến, tôi thấy xúc động tận chân răng. Đây là lần đầu tiên, tôi ăn một tô cơm hến bằng tất cả tâm hồn. Thấy chị bán hàng phải cho quá nhiều thứ trong bát cơm nhỏ, công thế mà chỉ bán có năm đồng bạc, tôi thấy làm ái ngại hỏi chị:
Lời lãi bao nhiêu mà chị phải công kỹ đến thế. Chỉ cần ba bốn thứ, vừa vừa thôi, có đỡ mất công không? Chị nhìn tôi với đôi mắt giận dỗi rất lạ:
Nói như cậu thì… còn chi mà là Huế!
Chị gánh hàng đi, dáng gầy mỏng manh, chiếc áo dài đen cũ kỹ, chiếc nón cời và tiếng rao lanh lảnh, bây giờ tôi mới phát hiện thêm vị thứ mười lăm, là lửa. Vâng, một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người

TS. MAI THANH TRUYẾT * NHÌN VỀ TƯƠNG LAI


 NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
TS. MAI THANH TRUYẾT 



Đà gia tăng dân số toàn cầu trong những năm gần đây đang đi dần đến mức báo động. Nhiều quốc gia đã chứng minh sự cố gắng trong vấn đề kiểm soát và hạn chế sinh sản gắt gao như Trung Cộng và Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ và đa số các quốc gia vùng Phi châu, Á châu không thể kiểm soát được vấn đề trên, do đó mức gia tăng nhân khẩu đã đạt đến mức báo động. Hiện tại, dân số trên thế giới đã vượt gần con số 7 tỷ. Việc dân số gia tăng kéo thêm một số nhu cầu và vấn đề khẩn thiết mới cho con người như thực phẩm, y tế, giáo dục, phát triển và môi sinh... các nhu cầu và vấn đề trên có liên quan hỗ tương chặt chẽ với nhau như việc phát triển để gia tăng lương thực có thể tạo ra những di hại về ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường sống.
Do đó, không thể có cái nhìn riêng rẽ và độc lập trong việc áp dụng khoa học-kỹ thuật để phát triển mà không lưu ý đến những liên quan đến yếu tố ảnh hưởng lên con người. Arpad Goncez, tổng thống Hung Gia Lợi đã phát biểu trong buổi khai mạc hội nghị “Khoa học cho thế kỷ thứ 21: Một kết ước mới” (Science for the 21st century: A new commitment) tại Budapest rằng: Chỉ có một khoa học, một hành tinh Địa cầu và một “Giống Người” (Humankind)... Đó là mẫu số chung của mọi quốc gia sống trên hành tinh nầy. Hội nghị đã quy tụ trên 150 quốc gia trên thế giới với mục đích kêu gọi toàn cầu có cùng một hướng nhìn về tương lai về các liên quan giữa phát triển khoa học-xã hội-môi sinh.
Neal Lane, cố vấn khoa học của tổng thống Clinton đã gọi các khoa học gia là Công dân toàn cầu (Global citizen). Mọi động tác nào của con người, quốc gia, hay từng vùng trên thế giới đều thay đổi ít hay nhiều đến chu kỳ sinh-địa-hoá học của hệ sinh thái thiên nhiên. Sự xáo trộn nầy sẽ gây tác hại trực tiếp hay gián tiếp lên con người ở khắp nơi trên địa cầu. Một thí dụ cụ thể là thủy ngân và arsenic, hoá chất cần thiết cho việc tách vàng ròng từ các quặng mỏ đã hiện diện trong lòng đất và các mạch nước ngầm trong tất cả các vùng đã khai thác.
Vì vậy, nhà dự phóng phát triển cho tương lai ở bất cứ quốc gia nào cũng phải có tầm nhìn toàn cầu và đắn đo cân nhắc nguyên nhân-hậu quả cùng các hệ lụy của từng công nghệ áp dụng. Giải quyết được một vài vấn nạn cho quốc gia trong ngắn hạn mà tạo ra những tác hại đến hệ sinh thái trong tương lai không phải là giải pháp thích ứng hay tối ưu cho phát triển.
Thế kỷ thứ 21 sẽ mở màn cho một cuộc tập hợp vĩ đại không những chỉ ở cấp vùng, cấp châu mà cần phải phối hợp mở rộng cho toàn thể địa cầu. Mọi quốc gia dù đang hay đã phát triển, giàu hay nghèo... đều phải cùng có tiếng nói và góp phần vào việc bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Một sự tập hợp giữa các nhà khoa hoạ, kỹ thuật trong tinh thần nhân bản, có cùng mẫu số chung về những vấn nạn ảnh hưởng đến toàn cầu...sẽ là một bước ngoặt tích cực mới cho thế kỷ nầy.

Như chúng ta đã biết, tiến bộ khoa học và việc khai triển các công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu hạn chế đà gia tăng dân số cũng như cải thiện và nâng cao đời sống của người dân ở các nước đang mở mang. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh ra nhiều hậu quả mà ba hệ lụy chính được đan cử ra sau đây:


· Bầu khí quyển bị ô nhiễm và bị hâm nóng dần;
· Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên mặt đất và các mạch nước ngầm;
· Ô nhiễm lòng đất do chất thải phát xuất từ nhiều nguồn khác nhau...
Trên thực tế, mặc dù đã được chia ra làm ba vấn nạn căn bản kể trên, nhưng tất cả đều có liên quan và đan kết chặt chẽ với nhau.


Mọi biện pháp phòng vệ, ngăn chận, hay làm chậm lại tiến trình ô nhiễm cần phải được nghiên cứu kỷ lưỡng yếu tố nguyên nhân-hậu quả của từng vấn nạn một.


Một giải pháp cho vấn nạn nầy có thể là nguyên nhân của vấn nạn kia.... Một thí dụ cụ thể là tại Hoa Kỳ, các khoa học gia đã đồng ý cho thêm vào trong xăng chất trợ oxy MTBE (Methyl tert-Butyl Ether) nhằm mục đích làm giảm thiểu lượng khí thải hồi vào không khí khi sử dụng xăng để làm chậm lại tiến trình hâm nóng bầu khí quyển trên toàn cầu. Nhưng sau hai năm áp dụng, lượng thán khí thải hồi tuy có giảm bớt, nhưng ngược lại chất MTBE, nhân tố gây ra bệnh ung thư cho con người lần lần xâm nhập vào lòng đất và đã có chỉ dấu về sự hiện diện của hoá chất nầy trong mạch nước ngầm.


Do đó, EPA, cơ quan bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ đã phải đình chỉ việc dùng hoá chất trên và thay vào bằng một chất trợ oxy khác là Ethanol (chất rượu làm từ bắp có thể uống được). Một dấu hỏi được mở ra đây là việc gì sẽ xảy ra trong tương lai sau khi áp dụng phương pháp trên nhiều năm sau đó? Hiện tại sau gần 20 năm áp dụng, vẫn chưa có một báo cáo nói lên sự nguy hại trên và Ethanol vẫn được pha vào trong xăng với liều lượng là 10%. (Riêng tại Ba Tây, số xe chạy bằng “xăng” Ethanol (100%) đã chiếm một tỷ lệ gần 50%).

Hiện tượng hâm nóng toàn cầu
Với hàng triệu động cơ vận hành mỗi ngày, hàng triệu máy cắt cỏ, máy thổi lá chuyển vận, nhiều triệu lon/chai của đủ loại nước ngọt, bia tiêu dùng..., thán khí (CO2) thênh thang đi vào bầu khí quyển cùng với thân nhiệt và thán khí thoát ra từ buồng phổi của gần 7 tỷ con người. Và thêm nữa, các quy trình công nghệ sản xuất chế biến, việc sử dụng lò sưởi trong mùa đông, cùng các công nghệ khai thác quặng, khí v.v...đã đóng góp không nhỏ vào lượng thán khí trong không khí.
Hiện tượng hâm nóng toàn cầu khởi sinh từ các nguyên nhân kể trên.

Các khoa học gia đã ước tính rằng nếu không có biện pháp làm giảm thiểu lượng thán khí thải hồi thì lượng khí trên sẽ tăng gấp đôi trong vòng 50 năm tới nếu giữ cùng một nhịp độ phát triển như hiện nay. Trong thiên nhiên cây xanh là nguồn trợ lực chính hấp thụ thán khí, nhưng với đà phá rừng ở Phi châu, Á châu, Nam Mỹ...e rằng con số ước tính trên sẽ bị thâu ngắn lại. Hàng năm, loài người đã thải ra độ 40 tỷ tấn thán khí (ước tính năm 2010) và số lượng nầy đã được cây cỏ hấp thụ độ 50%

. Nhưng số lượng trên ngày càng tăng dần với đà phát triển. Thống kê ghi nhận rằng từ năm 1902 đến 1990 nhiệt độ bầu khí quyển tăng lên khoảng 1oC; nhưng trong khoảng thời gian từ 1995 đến 1998, nhiệt độ tăng lên đến mức độ báo động là 0,25oC.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi nhiệt độ trong bầu khí quyển tăng lên?


Trước hết, khối lượng băng hà ở Bắc cực và Nam cực sẽ tan dần và lần lần thu hẹp diện tích đất sinh hoạt của loài người. Trên các đại dương, chỉ cần nhiệt độ tăng thêm 1,5oC thì hầu hết các vùng sinh thái của san hô và phiêu sinh vật sẽ bị hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn lương thực biển vì tôm cá không còn nơi trú ngụ, sinh sản (nhiệt độ trung bình ở các vùng biển nhiệt đới là 30,5oC). Hai hiện tượng trên đang xảy ra trên trái đất của chúng ta với vận tốc đáng ngại!

Có nhiều biện pháp để ngăn chận và giảm thiểu việc tăng trưởng lượng thán khí trên toàn cầu:
Hạn chế và kiểm soát lượng thán khí thải hồi trong kỹ nghệ qua khuyến cáo Kyoto năm 1997 do hầu hết các quốc gia trên thế giới soạn thảo và đồng ý.
Hoặc thanh lọc lượng khí thải hồi bằng phương pháp tách rời và cô lập hoá học (sequestration technology). Thán khí cô lập được bơm vào dưới lòng biển sâu và nước biển sẽ hấp thụ khối lượng trên. Hoặc thán khí được bơm vào các vùng quặng mỏ than đá từ đó than sẽ phản ứng với thán khí để hình thành khí methane.

Cả hai phương pháp nầy đã đi dần đến hoàn chỉnh và có thể được đem ra áp dụng trong vài năm nữa. Tuy nhiên biện pháp dùng thiên nhiên để hấp thụ thán khí vẫn là phương pháp tối ưu nhất.
Thay vì phá rừng để phục vụ cho nhu cầu kỹ nghệ, cần phải tái tạo rừng và trồng thêm rừng mới để tăng thêm diện tích cây cỏ hầu ngăn chận hay làm chậm tiến trình hâm nóng toàn cầu.
Và sau hết, con người cần phải tự nguyện hạn chế việc sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu bừa bãi.

Nếu làm các việc trên hy vọng chúng ta có thể giải quyết được vấn nạn sinh tử của nhân loại.


Vài suy nghĩ cho toàn cầu

Như đã nói ở các phần trên, vấn nạn ảnh hưởng đến môi sinh trên toàn thế giới trong thời gian tới cùng với những biện pháp phòng ngừa và hạn chế ô nhiễm đều có tính cách liên đới ảnh hưởng lên mọi quốc gia. Xu hướng toàn cầu hóa trong lãnh vực nầy sẽ không có biệt lệ nào khác.

Tuy nhiên, sự phân bố không đồng đều về mặt phát triển kỹ thuật, trình độ dân trí, điều kiện kinh tế-chính trị của đa số các quốc gia đang phát triển không cho phép họ có tầm dự phóng xa hơn những vấn đề sống còn trước mắt. Do đó, các nước hậu kỹ nghệ cần phải thông cảm và có thật tâm giúp đỡ về nhân sự, tài chánh và kỹ thuật...để các nước đang phát triển có điều kiện theo kịp đà tiến hoá


môi sinh để cùng tồn tại. Giai đoạn thực dân bốc lột, vét đoạt tài nguyên của những nước nghèo sẽ không còn thấy trong thế kỷ thứ 21 nầy nữa.

Trong chiều hướng suy nghĩ đó, vài đề nghị gợi ý sau đây nói lên những bước cần nên làm đối với các nước hậu kỹ nghệ và những nước đang phát triển.


· Trước hết, biện pháp làm giảm thiểu hay hạn chế sự hâm nóng toàn cầu là ưu tiên hàng đầu cho mọi quốc gia, đặc biệt đối với các quốc gia hậu kỹ nghệ. Ngân sách quốc gia cần được tăng cường trong nghiên cứu và cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các cơ xưởng công nghệ. Hạn chế hay nghiêm cấm các cơ sở sản xuất tạo ảnh hưởng tác hại đến lớp ozone trên bầu khí quyển. Điều cần phải làm trước nhất là “giáo dục” người dân ở những nước giảm bớt phung phí trong việc sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và chấm dứt việc phí phạm nguồn nước sinh hoạt. Chỉ trong một ngày vận động cho việc làm sạch bầu khí quyển bằng cách yêu cầu dân chúng sử dụng xe đạp hoặc đi bộ, hay dùng xe công cộng...thủ đô của Colombia đã giảm 27% lượng thán khí thải hồi so với mức sinh hoạt bình thường hàng ngày.

· Định mức tiêu chuẩn tối thiểu mà cơ thể con người có thể chấp nhận được đối với các hoá chất, kim loại độc hại... trong không khí và trong nguồn nước cần phải được soạn thảo trên bình diện toàn cầu và phải có sự đồng thuận của tất cả. Một khi đã chấp thuận một định mức nào đó, mọi quốc gia đều phải chấp hành nghiêm chỉnh. Một thí dụ cụ thể cho tiêu chuẩn chấp nhận được của sự hiện diện của arsenic trong nước uống hiện tại là: 10ug/L cho Hoa Kỳ, 15 ug/L ở Pháp và 10 ug/L đối với tiêu chuẩn Liên hiệp Quốc, và nhiều nơi trên thế giới vẫn còn giữ định mức là 50ug/L nước. Từ những khác biệt trên có thể nảy sinh ra sự so bì và lơ là của các quốc gia trong việc bảo vệ môi sinh chung.

· Các phát minh khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cần được thật thà trao đổi với các quốc gia đang phát triển. Trợ giúp các nước nầy trong việc trao đổi thông tin kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật viên và khai triển các quy trình công nghệ có hiệu quả cao và an toàn cho môi sinh. Mọi phát minh mới cần được thông báo cho toàn thể thế giới để tránh sự thụt lùi và thâu ngắn cách biệt giữa các quốc gia giàu-nghèo.

· Đối với những phát minh hoàn chỉnh, cần phải tiến hành nhanh giai đoạn thử nghiệm (prototype) và áp dụng tùy theo yếu tố xã hội-kinh tế-môi sinh cho từng vùng hay quốc gia. Làm được như thế sản phẩm vật chất sẽ được sản xuất nhiều hơn và chuyển tải đến những nơi có nhu cầu sớm hơn nhất là đối với các nước ở Phi châu, Á châu và Nam Mỹ.

· Về nguồn nước, các nước hậu kỹ nghệ cần hạn chế hoặc thay thế việc sử dụng hoá chất trong các quy trình sản xuất hiện có và trong tương lai thay thế bằng những nguyên liệu có trong thiên nhiên để hạn chế hay giảm thiểu mức độc hại trong các phó sản thải hồi. Với chiều hướng nầy, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc áp dụng vào sản xuất và thanh lọc phế thải. Duckweed (một loại bèo) dùng để hấp thụ lượng nitrate trong nguồn nước đang được sử dụng rộng rãi; cây bạch dương (poplar) hấp thụ một số phế thải hữu cơ. Việc thay thế nguyên liệu hoá chất bằng các hợp chất thiên nhiên như dùng carbohydrate (sản phẩm có trong tiến trình chế biến phân gia súc) để thay thế hydrocarbon để chế tạo các loại plastic (như plastic tổng hợp từ bột bắp để bọc các loại sausage có thể tự hoại (auto-degradation) được trong thiên nhiên. Các việc làm trên cần được khích lệ và phát triển thêm bằng cách đẩy mạnh tài trợ cho nghiên cứu.




Việc tăng trưởng kinh tế-kỹ nghệ quá nhanh so với tốc độ trước khi có chính sách đổi mới, nhưng không đủ nhanh so với nhu cầu của quốc gia, tạo nên những biến động ảnh hưởng lên môi trường ở những vùng được phát triển mạnh. Tại các nơi trên, bầu không khí ngày càng ô nhiễm thêm. Thán khí cùng với nhiều kim loại độc hại như chì, thủy ngân và một số hợp chất hữu cơ nhẹ đã được ghi nhận. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng đặc biệt ở các vùng tiếp nhận trực tiếp nguồn nước thải từ các nhà máy và hệ thống cống rãnh.



Nhìn chung tình trạng môi sinh ở Việt Nam đã đến mức báo động, nhất là ở các thành phố lớn mặc dù mức độ khai triển kỹ nghệ chưa phát triển tương xứng với nhu cầu của dân chúng toàn quốc mà chỉ tập trung vào một số thành phố lớn mà không lưu tâm hay quy hoạch đồng bộ tuỳ theo điều kiện của từng địa phương. Hiện nay vẫn còn khoảng 50% dân chúng tập trung ở các vùng nông nghiệp đang còn trong thời sơ khai của thời đại phát triển kỹ nghệ.


Nguyên nhân của việc trì trệ phát triển cho những năm gần đây cũng như hiện trạng ô nhiễm ở Việt Nam có thể được tóm tắt vào những ghi nhận sau đây:


· Ảnh hưởng của sự sụp đổ của hệ thống Cộng sản ở Nga xô và Đông Âu đầu thập niên 90 cùng với sự khủng hoảng kinh tế vùng Đông Á ở những năm gần đây (sau năm 1997…) làm cho quốc tế ngần ngại đầu tư vào Việt Nam.

· Hệ thống tiền tệ chưa hoán chuyển được và chưa thiết lập được thị trường chứng khoán cùng các luật định ngân hàng phức tạp và hay thay đổi thường xuyên, không bảo đảm tối thiểu cho công cuộc giao thương với bên ngoài.

· Hệ thống ngân hàng không hữu hiệu, không thể hiện nhiệm vụ đúng đắn trong dịch vụ trao đổi và không có tính xuyên suốt trong báo cáo. Thống đốc ngân hàng Việt Nam mới đây đã nhận định rằng nhiệm vụ của ngân hàng là đáp ứng cho nhu cầu của quốc gia và dân chúng chứ không thi hành theo chỉ thị hoặc mệnh lệnh!

· Mặc dù có sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Á châu (ADB), Quỷ tiền tệ thế giới (IMF), Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP)... về tài chánh và kỹ thuật cho việc nâng cấp và giải quyết các vấn nạn môi sinh ở Việt Nam do sự phát triển kỹ nghệ và nạn gia tăng dân số, nhưng hầu hết các hạng mục công trình trên còn nằm bất động trên hình thức các dự án khả thi. Mức độ thi công tiến hành quá chậm do thủ tục hành chánh rườm rà và bất nhất cũng như các tệ nạn quan liêu khiến cho đôi khi dự án phải bị bỏ dở nửa chừng.

· Việc phá hoại các rừng ven biển và dẫn nước mặn vào sâu trong đất liền để khai thác dịch vụ nuôi tôm là một trong những nguyên nhân cho sự nhiễm mặn. Ngay cả việc nuôi tôm, sau một vài mùa có thu hoạch cao, dịch vụ nầy lần lần đi vào phá sản vì tôm con bị chết quá nhiều vì hệ sinh thái thay đổi và môi trường sinh sống của tôm không còn đồng nhất như vùng nước mặn nguyên thuỷ. Ảnh chụp từ vệ tinh năm 1999 cho thấy khoảng 150.000 hecta ở ven biển Cà Mau, Bạc Liêu đã bị bỏ hoang trên gần 200.000 hecta đã khai thác trong khoảng năm năm gần đây! Từ xa xưa, các rừng tràm, đước, vẹt...đã phát triển vững mạnh trong vùng lầy, thiết lập một hệ sinh thái thiên nhiên vừa cân bằng và cầm chân nước mặn tiến sâu vào đất liền, vừa là môi trường sống thích hợp cho tôm cá; do đó tôm không thể phát triển được vì sự mất cân bằng trên.

· Trong những năm sau nầy, lãnh đạo Việt Nam có khuynh hướng cứng rắn hơn trong việc điều hành quốc gia. Đường lối và chính sách hiện tại thể hiện sự bất an, bối rối trong quyết định trước những vấn nạn sinh tử cho đất nước. ·

Càng thiết tha, càng gắn bó với quê cha đất tổ càng thấy mình có trách nhiệm.

Trách nhiệm là nhận thức thực tiễn, và trên căn bản đó có những thái độ và hành động tích cực hơn cho đất nước.
Nói lên tiếng nói, tạo một âm vang, khuếch đại một xu hướng, tạo dựng sức ép, mỗi người mỗi cách, không sao kể xiết.


Nhìn lại đất nước, với hơn 65% lực lượng lao động thuộc thành phần trẻ tuổi, chúng ta đã có một trợ lực lớn có khả năng đưa đất nước lên cao. Tuổi trẻ Việt Nam, sau một giai đoạn ngắn tiếp cận với phong cách hành xử và giao thương quốc tế đã hiểu thêm và hiểu cặn kẽ về tự do-dân chủ. Từ đó tinh thần quốc gia dân tộc tăng trưởng nhanh chóng trong thành phần nầy.


Tuổi trẻ Việt Nam mong muốn có một đời sống kinh tế-tinh thần-tâm linh tương xứng với các đóng góp của chính mình.


Những rào cản ngăn cách trong tôn giáo-địa phương không còn là một chướng ngại để rồi cùng ngồi lại với nhau, không như các thế hệ cha ông trước kia.

Những cảm xúc trong tư tưởng, vết hằn trong quá khứ sau cuộc qua phân của đất nước phải nhường bước cho lối nhìn tích cực về triển vọng tương lai của quê hương.



Do đó, các mỹ từ vì thế hệ mai sau, vì chủ nghĩa anh hùng...không còn là một xúc tác tốt để hấp dẫn tuổi trẻ Viêt Nam nữa.



Tuổi trẻ Việt Nam trân trọng bốn ngàn năm văn hiến của tiền nhân, nhưng tuổi trẻ hôm nay không vì niềm tự hào đó mà dừng chân lại để chiêm ngưỡng quá khứ.

Đừng cho đó là một cản ngại lớn cho sự bền vững của chế độ mà nên cùng nhau thay đổi đường lối và chính sách thích hợp với xu hướng toàn cầu. Cùng tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường làm việc thích ứng với tính năng động và hiếu học của tuổi trẻ.


Có như thế, cơ hội phát triển và triển vọng tương lai đồng đều cùng đời sống kinh tế-tinh thần có hy vọng được nâng cao sẽ là hai động cơ chính thức thúc đẩy tuổi trẻ mạnh bước tiến lên.


Cũng xin dừng rập khuôn tin tưởng vào văn hoá “coca cola” của Hoa Kỳ để mong được phát triển nhanh và đổi lấy một xã hội bất ổn về tinh thần và tạo ra xã hội băng hoại!
Tuổi trẻ Việt Nam đang lên đường.

Mai Thanh Truyết

12-2014



ĐỖ THÔNG MINH * CHƠI MÁC DAO

Người Việt Về Đầu Tư" -

 Đỗ Thông Minh

Nhân vụ GS Hng Lê Thọ bị bt ngày 29/11/2014
Đỗ Thông Minh


            Có 1 số trường hợp người thân CS từ hải ngoại về có quan hệ cán bộ cao cấp đỡ đầu tương đối ít bị khó khăn.
N Nguyễn Trí Dũng Tiến Sĩ quản lý công học tốt nghiệp đại học Hitotsubashi ở Nhật Bản về VN rất sớm, thành lập và làm Giám Đốc công ty Minh Trân quận Tân Bình, sản xuất linh kiện điện tử năm 1993, trường Doanh Thương Trí Dũng, đng thi là Chủ Tịch sáng lập Hiệp Hội Doanh Nghiệp Việt Kiều, PChủ Tịch thường trực Câu Lạc BHợp Tác Việt Nhật, PTrưởng Ban Câu Lạc BKhoa Học Kỹ Thuật Việt Kiều. Nay Dũng có cơ ngơi rộng lớn, rát hoành tráng ngay tại Sai Gòn.
Nguyễn Chánh Khê Tiến Sĩ vật liệu và khoa học xử lý thông tin tốt nghiệp đại học Tokodai, Nhật Bản, qua Hoa Kỳ rồi về năm 2002, lập công ty chế mực in và than nano và làm Phó Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu và Phát Triển Khu Công Nghệ Cao, Sài Gòn. Khê được CTN Nguyễn Minh Triết nâng đỡ, ông nói ông có 37 phát minh  được thế giới công nhận, nhưng cũng đưa ra những “phát minh lớn” đầy nghi vấn như vụ “Mực in nano”, “Máy phát điện chạy bằng nước”..., không có mấy thành quả cụ thể như vẫn được truyền thông CSVN tuyên truyền nên không mấy thành công về sự nghiệp và tài chính
            Nhà cầm quyền đẩy mạnh kêu gọi người Việt ở hải ngoại về đầu tư giúp nước theo Nghi Quyết 36 của Bộ Chính Trị năm 2004. Nhưng cán bộ CS quá tham lam, nên đã có hàng trăm trường hợp người Việt ở hải ngoại về bị tước sạch, thậm chí có trường hợp bỏ mạng. Như ông Trần Kiêm Khiết, nguyên là SV du học Nhật Bản năm 1958 tốt nghiệp Kỹ Sư hóa nông nghiệp, rồi qua Hoa Kỳ học tiếp Cao Học làm cho Dupont Hoa Kỳ, năm 1994, về làm đại diện công ty Dupont Singapore, bị xô ngã chết từ lầu cao (tin công an nói là vì tim mạch nên té lầu, tin ông Nguyễn An Trung là tại thang máy đứt dây) ở Sài Gòn; ông Thiện là người tỵ nạn CS buôn đồ cũ từ Nhật Bản về làm ăn bị sát hại (bắt trói và bắn chết?) tại Hải Phòng; bà Nguyễn Thị Hiệp từ Canada về bị tử hình gấp rút bởi tội chuyển 5,1 kg ma tuý năm 1996 từ Nội Bài đi, trong khi chính phủ Canada yêu cầu chờ đối chiếu xem bà là thủ phạm hay nạn nhân... khiến gây rắc rối ngoại giao giữa 2 nước một thời gian!
            Tất nhiên, cũng có người từ hải ngoại về dùng mánh khóe làm ăn, nhưng nói chung nhà cầm quyền nắm đằng cán, họ có thề dễ dàng ra tay tước đoạt.
            Một số trường hợp điển hình như:
- Tiến Sĩ luyện kim Nguyễn An Trung, sang Nhật năm 1960, cầm đầu nhóm sinh viên theo CS là BEHEITO (“Tổ Chức Người Việt Tại Nhật Bản Đấu Tranh Cho Hòa Bình và Thống Nhất Đất Nước”, thành lập ngày 22/6/1969) ở Nhật Bản, đầu năm 1970, từng bị Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt Vùng 3 Chiến Thuật VNCH kết án khuyết tịch 6 năm khổ sai và 20 năm mất quyền công dân (cùng với Lê Văn Tâm và Nguyễn Hồng Quân).
Nguyễn An Trung ly dị vợ Nhật (có tin về VN lấy con gái Tướng Công An) về VN mở Saigon Auto và làm Tổng Giám Đốc, chuyên đổi tay lái ngược hàng chục ngàn xe chuyên dụng nhập từ Nhật Bản, đã giúp vực dạy cả ngành giao thông xuống cấp thê thảm khi ấy (những năm 1976-90, có xe phải chạy bằng than đun trên nóc hay sau lưng, tc độ khong 30 km/gi). Sau cả hơn chục năm làm ăn, với khoảng 50 Kỹ Sư và 400 nhân viên, năm 1994, đột nhiên ông bị vu cho vi phạm luật pháp và nhập cảng lậu, mc dù văn thư của TT CSVN Võ Văn Kiệt ký 3 ngày sau khi xe về tới cảng, bị giam 10 tháng. Khi ở trong tù, ông Trung đã viết thư kêu cứu với “Ngài Đ Mười”, cựu sinh viên tại Nhật như Huỳnh Mùi tại VN, Huỳnh Trí Chánh (Chủ Tịch Tổng Hội Người Việt Nam Tại Nhật theo CS)... và 1 số người Nhật cũng nhào vào cứu ông.
Thấy chuyện quá bất bình, Luật Sư Nguyễn Thành Vĩnh dù đã già gn 80 tui đã đứng ra biện hộ cho ông. Tháng 2/1995, ra tòa sơ thẩm bị cảnh cáo, rồi phúc thẩm ngày 5/7/1995, sau phiên tòa gay cấn và rõ trắng đen ông mới trắng án, nhưng đã bị tước đoạt 118 chiếc xe trong chuyến tàu chót trị giá hơn 1 triệu đô-la Mỹ là tang vật đã bị công an tịch thu, hóa giá bán chia chác cho nhau.
Theo nhà báo Minh Tuấn làm cho Mặt Trận Tổ Quốc (sau cũng lấy vợ kế người Nhật và di dân qua Nhật) trong bài “118 Ôtô Tay Lái Nghịch Và Số Phận Của Việt Kiều Nguyễn An Trung” trên trang nhà Việt Báo:
Sau này ông Trung kể lại: Những ngày nằm trong nhà giam Chí Hòa, ông cảm thấy có những lúc tuyệt vọng. Bởi mục đích của ông chẳng có gì xấu, nhưng khi vấp rào cản của cơ chế hành chính quan liêu, ông đã phải trả một giá quá đắt...
Trong phiên tòa bào chữa cho Nguyễn An Trung, chính Luật Sư cũng khóc. Ông giơ cao quyển sách ở Nhật viết về Nguyễn An Trung trong phong trào phản chiến, giơ cao những chứng cứ rất thuyết phục về luật “bất hồi tố” và giơ cao tất cả hình ảnh về 118 xe tay lái nghịch mà UBND TP. Hồ Chí Minh vẫn đang giữ. Tất cả đều là xe ép rác, xe hút bùn. Chi tiết này đã làm “bật ngửa” tất cả các vị Thẩm Phán và Hội Thẩm Nhân Dân tham gia xét xử. Họ đọc hồ sơ vụ án và đều đinh ninh rằng ông Trung đã nhập gần như toàn bộ là ôtô con để trốn thuế và bán kiếm lời ở VN...
Phiên phúc thẩm kết thúc được vài tháng, tại kỳ họp Quốc Hội cuối năm 1995, một quan chức cao cấp của Quốc Hội gặp tôi và nói là Chính Phủ đã bị cơ quan có trách nhiệm báo cáo sai sự thật về vụ ông Nguyễn An Trung, nói rằng ông Trung chuyên nhập lậu xe ôtô 4 chỗ ngồi, nên đã có sự chỉ đạo sai trái về vụ ông Trung. Vị quan chức này nói việc xử lý oan ông Trung quả là điều rất đáng tiếc. Nhưng việc làm oan “đáng tiếc” đó không làm quan chức nào ở TP. HCM mất chức cả...
Sau ông Trung phải xin cho cả gia đình di dân qua Úc, nhưng vẫn thường xuyên ở VN làm ăn, thế nên họa vô đơn chí.
Theo Luật Sư Phan Trung Hoài trong bài “Khi Hoa Anh Đào Nở” trên trang nhà báo Lao Động ngày 1/4/2011:
Bản thân tôi cũng có được những trải nghiệm, liên đới nhiều đến nước Nhật và người Nhật, từ việc bênh vực cho ông Nguyễn An Trung - 1 Việt kiều Nhật Bản có nhiều đóng góp cho đất nước cả thời chiến tranh lẫn thời bình - trong vụ án 118 ô tô tay lái nghịch cách đây hơn 17 năm, rồi bây giờ vất vả trong hành trình tố tụng liên quan 1 khách hàng là Giám Đốc Ban Quản Lý Dự Án có sử dụng vốn ODA và chuyên gia tư vấn của Nhật Bản…
- Bác Sĩ Bùi Duy Tâm (Tiến Sĩ Y Khoa và TS Sinh Hóa, Bác Sĩ Y Học Cổ Truyền (O.M.D) và Châm Cứu, từng là Khoa Trưởng đại học Y khoa Huế, đại học Y Khoa Minh Đức...) sau 30/4/1975, bị bt giam tại Trảng Ln, Tây Ninh. Ông nhờ có 1 người thân làm lớn trong nhà cầm quyền mới, ngày 2/9/1975 được thả về, dạy đại học Nha Y Dược, từng cùng Trung Tướng Công An Dương Thông (Tổng Cục Trưởng Phản Gián Bộ Nội Vụ) giúp CSVN bán kho đạn Long Bình, dầu thô...
Trong 1 lần ĐT Võ Nguyên Giáp, khi đó là Phó Thủ Tướng phụ trách Khoa Học - Kỹ Thuật kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Gia Dân Số và Sinh Đẻ Có Kế Hoạch, đến nói chuyện với giới trí thức, BS Tâm đã phải nêu lên nỗi khổ tâm là làm sao tôi có thể làm việc dưới quyền 1 người không đáng là học trò của học trò mình!?
Năm 1980, BS Tâm cùng gia đình vượt biên tới Mã Lai, qua định cư tại HK, sau đó về VN nhiều lần.
Ngày 12/4/1991, BS Tâm bị bt, ngày 14/4/1991, nhà văn Dương Thu Hương cũng bị bắt (giam 8 tháng không xét xử, do chính phủ Pháp can thiệp mà được thả ra) vì ti “gián đip”.
Chính BS Bùi Duy Tâm thổ lộ là đã cho Trung Tướng Công An Dương Thông rất nhiều tiền vì đã 2 lần cứu ông khỏi trại giam (bị nhà văn Dương Thu Hương thu băng đoạn tâm sự này trong lần đi chơi chung ở sông Đà).
BS Tâm về VN, bỏ ra cả triệu đô-la Mỹ mua máy móc rất hiện đại, mở phòng mạch mổ tim tại Sài Gòn. Nhưng rồi bị CSVN đội cho cái mũ “gián điệp CIA”, không đưa ra tòa nhưng yêu cầu ông để lại phòng mạch và tất cả dụng cụ, ra khỏi VN trong vòng 6 tiếng đồng hồ.
Về lại HK ông vận động chống CSVN, nhưng rồi vẫn còn muốn hòa hợp hòa giải (?) với CS, lại tiếp đón phái đoàn Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng ngày 16/11/2009 (khi đó BS Tâm đã gần 80 tuổi) tại nhà riêng ở San Francisco, Cali...
- Tiến Sĩ toán Huỳnh Mùi, theo CS, thành viên BEHEITO từ Nhật Bản về rất sớm vào năm 1977, lập ra đại học Dân Lập Thăng Long ở Hà Nội (là đại học dân lập đầu tiên) và làm Hiệu Trưởng, khi khá vững vàng rồi thì bị truất quyền, chỉ cho làm Giáo Sư. Năm 2000, ông lập trường Công Nghệ Thăng Long và làm Hiệu Trưởng.
- Trịnh Vĩnh Bình, năm 1976, tỵ nạn qua Hà/Hòa Lan, tốt nghiệp đại học, tham gia đảng chính trị Dân Chủ Tự Do, là đảng cầm quyền cuối thập niên 1980 ở Hà Lan, là “vua chả giò”. Năm 1990, ông Bình tháp tùng đoàn doanh nghiệp Hà Lan đến VN thăm dò đầu tư ri quyết định đóng cửa công ty chả giò ở Hà Lan, đem 2.328.250 đô-la Mỹ tiền mặt, và 96 kí vàng về đầu tư địa ốc, sản xut nông, ngư sản...
Ông Bình thành lập công ty Tín Thành ở Sài Gòn, xuất cảng nông, thủy sản, công ty Bình Châu có nhà máy hải sản đông lạnh ở Vủng Tàu. Mua một số nhà đất ở Sài Gòn và BR/VT, dùng trên 200 hecta đất ở Bà Rịa để trồng rừng, nghiên cứu việc nuôi tôm... Xây dựng cơ sở biến chế thủy hải sản xuất cảng, với sản lượng 35% trên tổng số đánh bắt ở BR/VT, xây khách sạn 10 tầng. Sau 6 năm thành công trong kinh doanh, tài sản lên tới 6 tỷ đồng VN.
Việc kinh doanh phát đạt nhưng năm 1996, bị nhà cầm quyền và công an cấu kết với nhau hãm hại, bắt giam ở phòng cảnh sát điều tra PA-42 do Trung Tá Ngô Chí Đan làm Trưởng Phòng với lý do trốn thuế, mượn tên người khác đứng mua, k cả ti làm gián điệp Gia đình khiếu nại và đãsự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ Hà Lan.
Ngày 13/5/1998, sau khi xem hồ sơ, TT CSVN Phan Văn Khải phê và gởi qua Bộ trưởng Công An Lê Minh Hương, nguyên văn như sau: “Anh chỉ đạo cho công an Bà Rịa-Vủng Tàu xem lại trường hợp của Trịnh Vĩnh Bình. Thủ tướng Hoà Lan đã đặt vấn đề. Tôi đã hỏi trực tiếp một số đồng chí lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vủng Tàu, anh Bình không có lỗi đến mức phải xử. Do anh dựa vào người trong nước, bị họ lừa gạt, làm bậy”.
Lê Minh Hương chuyển bút phê của TT Khải xuống cho Thứ Trưởng Công An Nguyễn Khánh Toàn, đề nghị giải quyết theo chỉ thị của ông Khải. Câu chuyện tưởng như vy là yên, nhưng không ngờ, năm 1998, Trịnh Vĩnh Bình bị đưa ra tòa án Nhân Dân tỉnh Bà Rịa-Vủng Tàu và bị kêu án nng n 13 năm tù, phạt 480 lượng vàng (do khám xét công ty tịch thu) và tịch thu toàn bộ tài sản khoảng 6,2 tỷ Đng về tội “kinh doanh bất hợp pháp” (trốn thuế) và tội lo hối lộ. Truyền thông VN cũng hùa theo công an bôi nhọ ông Bình nên ông kháng án.
Những người khác có Phó CTN Nguyễn Thị Bình, Bột Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyn Dy Niên cũng đã phải can thiệp nhưng đành phải bó tay.
Ông Bình đã trả lời phỏng vấn của đài RFA như sau: Công ty tôi có một số anh em cấu kết nhau, ăn cắp một số tiền ước lượng mấy trăm ngàn đô la qua nhiều năm tháng. Sau khi bị phát hiện, họ sợ bị tù tội nên dùng tiền bạc đút lót cho công an địa phương, phòng đó là PA-42, phòng cảnh sát điều tra Vủng Tàu. Đó là Giám Đốc, Phó Giám Đốc và Trưởng Phòng Tài Chánh của tôi, thành một hệ thống ăn cắp. Bên công an nhận hối lộ, tìm cách bao che. Họ ra tay trước. Chụp mũ công ty tôi trốn thuế, khám xét công ty và bắt giam tôi.
Việt kiều về nước không được quyền mua nhà đất, cho nên phải nhờ thân nhân đứng tên. Một số người bà con lật lọng, tráo trở, giật tiền, tôi ở trong trường hợp đó… Đây là vụ án mà tôi bị hàm oan. Qua một thơi gian dài, gia đình tôi, bản thân tôi và một số người binh vực công lý, đã gởi nhiều đơn khiếu nại khắp nơi, nhưng không được cứu xét. Cuối cùng, tôi phải dựa vào Hiệp Ước thương mại giữa VN và Hà Lan, đưa vụ tranh chấp ra Toà án Quốc Tế thuộc Liên Hợp Quốc. Sau một thời gian tại ngoại, tôi rất lo ngại cho mạng sống của mình, có thể bị bắt và bị giết, cho nên tôi phải đào thoát khỏi VN…
Đầu tháng 4/2005, ông Bình chính thức nạp đơn lên toà án Quốc Tế đòi bồi thường 100 triệu đô-la Mỹ.
Đầu năm 2000, chính phủ Hà Lan phổ biến một tập tài liệu 752 trang về vụ án của ông Bình.
GS J.J.C. Voorhoever, là 1 trong 18 thành viên của Hội Đồng Chính Phủ Hoà Lan, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng HL, cụu Chủ Tịch đảng Dân Chủ Tự Do mà ông là một đảng viên… tích cc đng ra vn đng.Thủ Tướng HL, Wim Kok và Bộ Trưởng Ngoại Giao Van Aartsen gởi thơ trực tiếp cho CTN Trần Đức Lương yêu cầu giải quyết vụ án Bình, đồng thời, triệu tập Đại Sứ CSVN là Đinh Hoàng Thắng lên để phản đối.
Hà Lan tỏ thải độ cứng rắn, cắt viện trợ phát triển và nhân đạo cho VN. Trong năm 2000, có các phái đoàn của Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An (QH), Phan Văn Khải, Nguyễn Dy Niên (NG), Nguyễn Đình Bin… đều bị chất vấn và chống đối. Báo chí nổi giận gọi họ là “Những khách không mời mà đến.”, gọi họ là “Những con vẹt chỉ biết nói mà không biết nghe.”. Trong khi đó, báo chí VN thì cho rằng các chuyến công du thành công mỹ mãn.
Bà Margareeth de Boer, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện dẫn một phái đoàn sang VN, trực tiếp gặp Bộ Trưởng NG Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh: “Vì quyền lợi của hai nước, vụ án TVB phải được giải quyết tức khắc.”. Nhưng kết quả, Hà Lan chỉ nhận được 1 công hàm của Bộ Ngoại Giao CSVN, thông báo với nội dung là “Bắt đúng người, xử đúng tội, áp dụng đúng luật pháp.”.
Thế nhưng, ngày 4/11/2001, tại đại hội Đảng Bộ Vũng Tàu, Trung Ương Đảng cho rằng vụ Trịnh Vĩnh Bình là một vụ xử sai lầm, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, vì thế, cấp trên thi hành kỷ luật đảng bộ Vủng Tàu. Sau đó, Trung Tá Ngô Chí Đan bị cách chức, tước danh hiệu Công An Nhân Dân và Nguyễn Trọng Minh bị mất chức Chủ Tịch UBND tỉnh BR/VT.
Ở Hà Lan, một luận án Tiến Sĩ đệ nạp tại đại học Luật Khoa Den Haag, trình bày rõ ràng trường hợp đầu tư của ông Bình, dựa theo Hiệp Ước Thương Mại giữa 2 nước VN và HL ký kết năm 1994. Luận án được in thành sách với 3 thứ tiếng, Hà Lan, Anh và Pháp. Một bản tiếng Việt được phát hành sau đó. Luận án nêu rõ luật rừng ở VN, sự lộng hành của công an VN, phép vua thua lệ làng, cuối cùng đưa người đầu tư đến tù tội và bị tịch thu tài sản.
Ngày 28/3/2005, Nghị Sĩ Jules Maaten, Quốc Hội Liên Âu (EU), từ Brussels cho biết, vụ án TVB đã gây hoang mang trong giới đầu tư ở châu Âu. Vụ án là một tác động tiêu cực đến quan hệ giữa EU và VN.
Tháng 6/2005, khi Phan Văn Khải sang thăm Hoa Kỳ, kêu gọi ngoại quốc và người Việt đầu tư vào VN, thì các cơ quan truyền thông đồng loạt loan tin CSVN âm mưu chiếm đoạt tài sản của Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình. Đài RFA, RFI, BBC và rất nhiều cơ quan truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại… đều phổ biến bài phỏng vấn ông Bình.
Ngày 4/12/1996, một thân nhân của TVB là Trịnh Hiền Thanh vu cáo TVB đưa hối lộ, khiến cho TVB bị bắt giam. Việc vu cáo nằm trong âm mưu của công an BR/VT. Đến ngày 24/6/2002, Trịnh Hiền Thanh thú nhận bằng văn bản là y đã vu cáo cho TVB. Hiền Thanh chết vài năm sau đó do bịnh tiểu đường.
Nhưng mới đây, ngày 7/4/2011, Trưởng Cục Thi Hành Án Dân Sự tỉnh BR/VT tên Trần Văn Mười cùng Lê Huy Hoàng và Hoàng Anh Linh bị bắt giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”. 3 người bị bắt đã vi phạm nghiêm trọng trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình.
Ngày 15/10/2003, ông Trịnh Vĩnh Bình đã chính thức nhờ Tổ Hợp Luật Sư Covington Burling, có trụ sở ở Anh và Hoa Kỳ, đứng ra kiện nhà cầm quyền VN đòi bồi thường 100 triệu đô-la Mỹ, ông TVB ký quỹ 150.000 đô-la Mỹ.
Đầu tiên, LS Thomas Johnson, đại diện cho ông Bình gởi thơ cho Viện Trưởng Viện Kiểm Sát ND Tối Cao VN là Hà Minh Trí, đề nghị dàn xếp giữa hai bên. Nhưng nổ lực dàn xếp kéo dài gần 2 năm không có kết quả.
Tháng 5/2004, ông Bình chính thức nạp đơn lên Tòa Án Quc Tế thuộc Liên Hợp Quốc và tòa dự trù sẽ mở phiên tòa xét xử tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển vào cuối năm 2005. Phía CSVN, cũng đã ký quỹ 150.000 đô-la Mỹ để nhờ Tổ Hợp LS Pháp Glide Loyrette Rouel, có văn phòng tại Hà Nội. Tòa Án Quc Tế thông báo sẽ mở ra xét xử từ ngày 4-12/12/2005. 3 tuần lễ trước phiên xử, Tổ hợp LS Hoa Kỳ tăng số tiền đòi bồi thường lên thành 150 triệu đô-la Mỹ theo thời giá mới. Nhưng tòa tuyên bố tạm hoãn, vì lý do 2 bên thỏa thuận dàn xếp bên ngoài tòa. Chính những văn bản và tài liệu chính thức của các quan chức VN đã xác nhận TVB vô tội. Cụ thể là bút phê của TT Khải, NT Nguyễn Dy Niên thừa nhận với quan chức Hà Lan “Có sự sai sót trong vụ án TVB và hứa sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra lại.”.
Ông Trịnh Vĩnh Bình đã giữ lời hứa với nhà cầm quyền VN là không tiết lộ số tiền mà VN bồi thường, nhưng có tin là khoảng 100 triệu đô-la Mỹ. Thực ra là bọn quan tham địa phương ngụy tạo hồ sơ, lừa bịp cả Chính Trị Bộ nên mới xử vụ án quái lạ như vậy, và cuối cùng nhà cầm quyền CSVN vừa mất mặt, vừa mất rất nhiều tiền!
Nhà cầm quyền đã từng quá ê mặt sau vụ Vietnam Airlines khi đơn phương phá hợp đồng với văn phòng LS Ý Manizio Liberato bị kiện năm 1994 nên phong tỏa các trương mục trên toàn Âu Châu, năm 2009 đã phải trả 5,2 triệu Euro (tương đương 7 triệu đô-la Mỹ). Hai vụ này cũng như vụ Saigon Auto của Nguyễn An Trung gây tai tiếng tầm vóc thế giới, thể hiện lối làm việc gian manh, cẩu thả, vô trách nhiệm của nhà cầm quyền CSVN.
- Tiến Sĩ ngư nghiệp Huỳnh Trí Chánh (Chủ Tịch Tổng Hội Người Việt Nam Tại Nhật theo CS, kiêm Chủ Tịch “Hội Chống Bá Quyền Trung Quốc”), du học Nhật Bản năm 1963, từng là thành phần lãnh đạo trong BEHEITO, tổ chức cướp TĐS VNCH tại Tokyo đêm 30/4/1975 nhưng không thành (khi đó có 24 sinh viên theo CS bị cảnh sát Nhật bắt giữ). Khi về VN chia sẽ nhưng kinh nghiệm học hỏi ở NB, nhưng nói chuyện thẳng thắn có ý phê bình nhà cầm quyền, không đúng đường lối nên đã từng bị công an giữ thông hành (hộ chiếu). Ngày 22/1/1990, khi Đông Âu sụp đổ và Liên Xô nguy ngập, ông Chánh từng cùng hơn 700 Việt Kiều thân CS khác khắp nơi trên thế giới ký tên trong “Tâm Thư” (có tất cả 4 bản khác nhau) yêu cầu đảng và nhà nước CSVN chấp nhận dân chủ hóa... Trong “Tâm Thư” có đoạn:
... Kêu gọi các nhà lãnh đạo hiện nay của VN, vốn đã có công lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, hãy vì quyền lợi tối cao của dân tộc, sớm cải tổ hệ thống chính trị hiện có bằng cách :
1. Thực sự tách rời các định chế của Nhà nước ra khỏi bộ máy chính đảng để cho Nhà nước thu hồi trọn vẹn những quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của mình, để cho không một ai cũng như không một tổ chức nào có thể đứng trên và chi phối Nhà nước.
2. Thiết lập một nền dân chủ đa nguyên, thực sự bảo đảm an toàn cá nhân và các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, lập đảng... nhằm tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam, không phân biệt quá khứ, chính kiến hay tôn giáo, tham gia luận bàn và, đặc biệt thông qua tuyển cử tự do, làm và kiểm tra việc nước.
3. Ngay trước mắt, mở ra cuộc đối thoại thành tâm với toàn thể xã hội, để toàn dân bàn định một cương lĩnh hành động và đề ra những biện pháp cấp bách đặt nền tảng cho một chế độ thực sự lấy dân làm gốc…
Chính vì vậy nên đã có lúc tên ông bị ghi vào sổ đen không cho nhập cảnh. Ông đã nói ý rằng họ từ trong rừng ra nên dùng “luật rừng”!
Ông Chánh từng tuyên bố ở TĐS CSVN tại Tokyo khi Liên Xô sụp đổ: “Bây giờ VN mới thực sự được độc lập.”.
Tuy ngày 30/6/2007, ông là 1 trong 19 người Việt kiều được Đại SQuán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức trao Bằng Khen của Bộ Trưởng Ngoại Giao và Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Nam Ở Nước Ngoài nhưng không được tin dùng và bản thân ông cũng thấy chán ngán! Những chuyện của ông Chánh bề ngoài có vẻ Việt Kiều yêu CS nhưng có dịp ở gần mới biết.
- KS Nguyễn Vĩnh Trường du học Nhật Bản năm 1972, về VN mở trường Nhật Ngữ Sakura ở Sài Gòn năm 1989, với tên ban đầu là Trung Tâm Văn Hóa Việt-Nhật, là trường chính quy đầu tiên thuộc loại này. Khi trường phát triển có khoảng 700 học sinh thì bị Thành Ủy nói phải đưa cho nhà nước quản lý, thế là giáo viên Nhật quá giận bỏ đi, trường cũng tan. Sau ông Trường đã phải mất nhiều công sức lập lại.
- Thạc Sĩ kinh tế Nguyễn Trung Trực (sau lấy Trịnh Vĩnh Trinh, em Trịnh Công Sơn) ở Úc, năm 1989, bắt đầu đầu tư Ngân Hàng Thương Mại, Bảo Hiểm Prudential, địa ốc, phân phối xe du lịch, xe máy, hàng tiêu dùng… Năm 1997, Nguyễn Trung Trực bị cơ quan an ninh  tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu  khởi tố về hành vi "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới", năm 1998, bị xử tù 5 năm. Có tin cho là Trực xin hoãn án rồi bỏ trốn. Năm 2008, sau khi cùng Bộ Trưởng Kế Hoạch - Đầu Tư Võ Hồng Phúc đi Hoa Kỳ trở về thì Trực bị bắt tại phi trường Tân Sơn Nhất, mà cho là sau 6 năm trốn lánh. Rốt cục Trực đã phải chạy chọt nên cũng chỉ bị giam vài tháng rồi thả ra.
- GS Nguyễn Đình Hoan ở Hoa Kỳ về mở trường Trường Quốc Tế Hà Nội (liên doanh giữa Trung Tâm Công Nghệ Giáo Dục - Bộ Giáo Dục và Đào tạo và Công ty ISD của Hoa Kỳ) dạy bậc tiểu và trung học bằng Anh ngữ... Sau 10 năm hoạt động đã bị bắt bỏ tù năm 2006. Trong tù vẫn ngày ngày nghe loa phát lời kêu gọi về đầu tư, giúp nước.
- Nguyễn Gia Thiều ở Pháp, về đầu tư, kết hôn với hoa hậu Hà Kiều Anh, làm Giám Đốc công ty Đông Nam. Năm 2005, bị bắt, kết tội "buôn lậu" và "trốn thuế" với bản án 20 năm tù và phạt số tiền 98,2 tỷ đồng, tịch thu tài sản, được ân xá năm 2009. Kết cục, cuộc tình đã tan nát (đã ly dị), mất tiền và lãnh tội...
- Trần (Văn) Trường, bỏ 40 công đất (1 công = 1.000 m2) đi tỵ nạn, nổi tiếng sau khi về Hà Nội vài lần, từng tiếp xúc với Thiếu Tá công an Dương Ngọc Tiến làm tại báo Công An TPHCM, rồi trở qua treo cờ CSVN và hình Hồ Chí Minh ngay tại cửa tiệm ở ngay khu Bolsa, Little Saigon, Cali, năm 1999... bị người Việt biểu tình chống suốt 53 ngày, có lúc lên tới khoảng 20.000 người. Sau này khi về nước làm ăn, Trần Trường được Thiếu Tá Tiến đón cho ở 1 căn nhà thuê tại Hà Nội 3 tháng trước khi về Đồng Tháp nuôi cá.
Tháng 2/2005, vợ chồng anh bán nhà, đem khoảng 200.000 đô-la Mỹ về VN, đầu tư 7 tỷ đồng mua 33 công đất dựng nhà, nuôi cá, được báo Công An phỏng vấn… 
Anh ta từng la lớn với cán bộ và công an ức hiếp anh: “Dẹp hết tụi này mi đưc. Dẹp hết tụi này mi đưc. Làm ăn như con c. vậy đó. Chuyên môn hà hiếp dân. Chém chết mẹ tụi bay hết... Tôi thy đủ rõ hết ri. Chính quyn phải lo cho dân, ch không la gạt dân như thế này... Ly đất của người ta mà không cho biết gì hết, vừa ăn cướp, vừa la làng khổng? Chính quyền gì kỳ vậy?...”.
Trn Trường từng bị chủ nợ thuê “xã hội đen” đánh trọng thương. Sau anh bị lừa”, tước đoạt hết, rồi vợ hóa điên và bỏ anh. Bây giờ giấc mơ của anh ta là làm “HCM Thời Đại” (“Bác Hồ Thời Đại”, ý anh ta là làm lại cuộc cách mạng đã bị phản bội!) để diệt bọn cán bộ CS hủ hóa, làm sai lời HCM...
Ngày 8/4/2011, tòa án huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp do ông Trần Văn Nhã làm Chánh Án đã xử thu đất (trị giá khoảng 30-40 tỷ đồng hay 150.000-200.000 đô-la Mỹ) của anh mà anh vắng mặt, sau đó anh kháng cáo. Anh lên diễn đàn Paltalk kể lể, than khóc, kêu gọi hải ngoại đóng góp vào quỹ của anh để giúp anh chống tham nhũng, có lúc phn chí, anh đã nói với mọi người là muốn t t!
Trần Trường làm ăn cụt vốn, đi nhiều diễn đàn trên Paltalk Internet xin tiền và vay tiền cả năm trời mà hầu như không kết quả. Ngày 8/5/2012, bí quá, trước lời thách thức và sẽ cho 10.000 đô-la Mỹ của anh “Ba”, anh đã chặt gần lìa 1 đốt/lóng ngón giữa tay phải trước ống kính webcam cho mọi người trên diễn đàn Người Việt Bàn Luận Chính Trị Xã Hội xem, để chứng tỏ sự “quyết tâm và thành thật” của anh ta! Phải đi nhà thương khâu, vết thương mất 3 tuần mới lành. Vì ngón tay không đứt nên anh “Ba” không trao tiền.
Ngày 31/5/2012, khoảng 30-40 công an và an ninh... cưỡng chế phá căn nhà khá bề thế, thu đất và đuổi Trần Trường đi, trong lúc anh đang tuyệt thc, tuyệt ẩm để phản đối và hát cải lương ca tụng HCM... Người nhà dùng máy video thu hình thì bị tước đoạt.
Sau đó thì Trần Trường sống trong căn nhà lá với hình HCM treo trên vách và dùng nickname “Bác Hồ Thời Đại” trên Paltalk.
Ngày 13/11/2012, Trần Trường về lại Hoa Kỳ lần thứ 2 để kiếm tiền về VN “đấu tranh” và vận động lấy lại tài sản bị mất ở VN sau 8 năm về sống và làm ăn tại VN. Nên anh đã có buổi họp báo do nhà báo Lê Bình, Câu Lạc Bộ Báo Chí Bắc Cali giới thiệu, ở nhà hàng Hội An, San Jose, Cali, với sự giúp đỡ của ông Nguyễn Xuân Tùng (nickname “Văn Lang” trên Paltalk). Có gần 20 người dự, khoảng 1/2 thuộc giới truyền thông, trong khi trên Paltalk có khoảng 250 người nghe.
Dịp này, mở đầu Trần Trường đã “thành thật” xin lỗi cộng đồng vì việc treo hình HCM và cờ CS trước đây, nhận là việc làm thiếu ý thức ấy đã đụng chạm vào nỗi đau đớn của người Việt hải ngoại. Sau đó Trần Trường kể lại nguyên do làm ăn thất bại tại VN phải bán cả nhẫn cưới, răng vàng, phải mò ốc, bắt cua để sống... và trả lời các câu hỏi.
Khi phóng viên Nghê Lữ của Cali Today hỏi vậy bây giờ anh có đả đảo HCM, đả đảo đảng CSVN không thì Trần Trường trả lời: “Nếu nói đả đảo HCM, đả đảo đảng CSVN để xóa đi những di biệt, thù hận, thông cảm và thương lòng của tôi. “Đả đảo HCM, đả dảo đảng CS.” tôi sẵn sàng nói. Tôi đang nói và đã nói.”.
Khi Trần Trường dùng từ “bác Hồ” thì bị nhiều người phản đối, nói phải gọi là “thằng Hồ”, Trần Trường xin lỗi là nói theo thói quen trong nước... Khi có người đặt vấn đề phải dứt khoát Quốc Gia hay Cộng Sản thì ông Nguyn Xuân Tùng hỏi: “Trn Trưng có sn sàng quỳ xuống xin lỗi đồng bào không?”, Trần Trường cho hay: “Được” và cho hay: “Tâm hồn tôi đã về với Việt Nam Cộng Hòa, tôi sẵn sàng quỳ xuống xin lỗi những người VNCH về những gì tôi đã làm sai. Nhưng thân xác tôi, tôi phải sống ở trong nước... nhờ anh em VNCH cho tôi cái phao.”.
Trần Trường bị chất vấn, nhưng phần lớn trả lời lòng vòng, mâu thuẫn, nhất là khi bị hỏi về “đạo đức” HCM mà Trần Trường cho là “tài giỏi” và đảng CS có “người tốt”... Mục đích chính của Trần Trường trong chuyến này là để gây quỹ đ v VN “đu tranh”. Ông Trần Trường nói rằng: “Nếu đòi đất lại thành công, Trần Trường sẵn sàng cắm cờ vàng VNCH trên mảnh đất của ông tại tỉnh Đồng Tháp.” để chuộc lại lầm lỗi mà ông gây ra năm 1999... Trần Trường dự trù 3 tuần sau về VN nhưng rồi bệnh tim tái phát phải nhập viện...
Ngày 14/11, chính ông Nguyễn Xuân Tùng nói về cuộc họp báo này trên Paltalk thì “Trần Trường thất bại.”. Qua đầu năm 2013, Trần Trường vẫn chưa về VN mà ở lại HK làm việc.
- Giới văn học như GS TS Nguyễn Hưng Quốc (tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn), Trưởng Ban Việt Học đại học Victoria, Úc, là nhà phê bình văn học, sau nhiều lần về VN đã viết cuốn "Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản" (thuần tuý văn hóa phi chính trị), dù có chiếu khán do TĐS CSVN cấp, nhưng đến 2 lần bị chặn tại phi trường không cho vào. Đó là 1 lần dẫn sinh viên Úc đi du khảo thực tập năm 2005 tại phi trường Tân Sơn Nhất và 1 lần được mời về tham dự hội thảo do trường Đại Học Mở Hà Nội (Hanoi Open University) và Đại Học Monash, Úc mời về thuyết trình với đề tài “Quan Điểm Từ Á Châu: Vai Trò Của Ngôn Ngữ Và Giáo Dục Đa Văn Hóa…” năm 2009 tại phi trường Nội Bài. Nhân viên an ninh không cho biết lý do cụ thể, chỉ nói là “Nhà nước Việt Nam không hoan nghênh anh vào Việt Nam.”, cả khi ông được mời về Việt Nam, chớ không phải tự ý về, kể cả khi đã có visa vào Việt Nam.
Biên bản trục xuất Nguyễn Hưng Quốc.
- Giới văn nghệ như ca sĩ  Khánh Ly, được đài TV NHK của Nhật Bản mời thu phóng sự “Khánh Ly, Tiếng Hát Của Sự Đoàn Tụ, giờ chót mới được cấp chiếu khán về VN, nhưng cảnh sinh hoạt với Trịnh Công Sơn… ở VN phải do nhân viên nhà nước CSVN quay. Đài TV NHK đã chọn chiếu cuốn phim đúng vào ngày 29/4/1997. Sau này, năm 2014, Khánh Ly về hát kiếm tiền tại Hà Nội 2 lần (có tin là thù lao 50.000 đô-la M/1 lần), lần đầu khá đông khách, nhưng lần sau chỉ độ 1/2 rạp... Vân Sơn thuộc trung tâm Vân Sơn, ông Tô Văn Lai thuộc Thúy Nga… cũng gặp rắc rối như tịch thu video vừa quay với giấy phép hay bắt giam bầu Huỳnh Trinh Thuần ở Úc khi về làm việc tại VN.
- Năm 2005 và 2007, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh cùng hàng trăm đệ tử về VN cả mấy tháng, gặp CTN Nguyễn Minh Triết, đi thuyết pháp công khai… TS Thích Nhất Hạnh đã bỏ ra khoảng 1 triệu đô-la Mỹ lập tu viện Làng Mai - Bát Nhã ở Lâm Đông… sau đó năm 2009, tất cả 400 tăng ni xuất gia bị đàn áp dã man, đuổi đi và tài sản bị Thượng Tọa Thích Đức Nghi (từng từ VN qua Pháp xin theo phái “tiếp hiện” của Thích Nhất Hạnh) chiếm đoạt hết. TS Thích Nhất Hạnh vẫn chỉ lên tiếng ở hải ngoại không cứu giúp được gì cho đệ tử.
- Năm 2009, LM Trần Công Nghị ở Hoa Kỳ, chủ biên trang nhà VietCatholic News, cũng được cấp chiếu khán, nhưng khi về đến phi trường Nội Bài thì bị chặn lại không cho vào…
- Năm 2011, chị Ca Dao sinh sống tại Pháp, đã nhiều lần về VN, nhưng lần này về thăm mẹ già bệnh, dù TĐS tại Paris đã cấp chiếu khán nhưng khi tới phi trường Tân Sơn Nhất thì bị cấm không cho vào với lý do làm việc cho đài RFA.
- Tháng 7/2012, tòa án Philadelphia, HK, xử vụ án Nexus Technologies, một công ty kinh doanh xuất khẩu của 3 anh em ruột người Mỹ gốc Việt họ Nguyễn ở Philadelphia, tiểu bang Pensylvania, Hoa Kỳ.
Vụ này liên quan đến an ninh và quốc phòng HK, vì hàng xuất khẩu lậu từ HK vào VN bao gồm những thiết bị kỹ thuật điện tử quân sự hiện đại, lên đến mấy chục triệu đô-la Mỹ, như: trang thiết bị để vẽ bản đồ dưới mặt biển, thiết bị dò, tháo gỡ bom mìn, dò tìm các loại hóa chất, phụ tùng trực thăng, thiết bị viễn thông lắp đặt trên vệ tinh… và hối lộ quan chức VN 250.000 đô-la Mỹ, đồng thời cũng là một vụ rửa tiền.
Do đó, 3 anh em phải đối diện với mức án tổng cộng khoảng 100 năm đang làm xôn xao dư luận khắp Âu-Mỹ. Công ty Nexus Technologies đã đóng cửa, tiền bạc tài sản đã bị niêm phong và phải chuẩn bị nộp phạt 27 triệu đô-la Mỹ.
- Ngày 24/4/2013, Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh Bộ Công An CSVN đã ngăn cản không cho ông Phạm Văn Điệp (sinh năm 1968), quốc tịch VN, bay từ Nga vào Việt Nam và dù ông cực lực phản đối, họ đã dùng vũ lực cưỡng chế ông ra máy bay bắt quay trở lại Nga.
Ông Điệp là người Việt qua làm ăn ở Nga, từng về VN và tới gặp cụ Hoàng Minh Chính nên bị công an bắt giữ... Ông đã nhiều lần tham gia biểu tình chống TQ tại Nga và về biểu tình ngay tại VN, chính vì vậy, ông bị cho là “chống đối” nhà cầm quyền CSVN.
Ông nói với Công An là ông nhất định ở lại VN, sẵn sàng vào tù CSVN nếu có tội, không được tước quyền cư trú của tôi, “Các anh giết tôi thì giết đi, tôi không để các anh tước quốc tịch của tôi (đuổi tôi sang Nga).”, tôi sn sàng chết tại VN, rng Công An vi phạm lut...
Ông viết: Họ đưa cho tôi 1 Bản Xử Lý vi phạm hành chính tự họ soạn ra, trong đó có ghi rằng: Họ dùng điều 8 Pháp Lệnh Về Cư Trú, đi lại và xuất nhập cảnh của người nước ngoài để xử lý như vậy với tôi. Tôi không đồng ý vì tôi cho rằng Bản Xử Lý đó không hợp lệ đối với tôi vì tôi không phải là người nước ngoài, mà tôi là công dân VN. Chính trong Bản Xử Lý cũng ghi Phạm Văn Điệp là công dân VN. Sau đó đại diện Công An xuất nhập cảnh Sân bay Nội Bài giằng lấy Bản Xử Lý vi phạm hành chính, xé nó trước mặt tôi và giục Cảnh Sát Cơ Động lôi tôi về phía đi ra máy bay và sau đó bẻ tay, cưỡng chế tôi, đẩy tôi vào tận bên trong máy bay để máy bay cất cánh về Moscow. Tôi cho rằng họ không có cơ sở pháp lý gì trục xuất công dân Việt Nam sang nước khác là Liên Bang Nga. Họ đã vi phạm quyền trở về nước Việt Nam của tôi...
Đặc biệt ông đã lường trước tình huống nên đã thu thanh cuc đi thoại gay cn tại phi trường Nội Bài gia ông và Công An, Cảnh Sát Cơ Động. Ông cho hay, đáng buồn hơn nữa, họ đáng tuổi con em tôi, thà họ cứ lặng lẽ làm theo lệnh của kẻ khác chứ vô cớ với những lời nói hoàn toàn thiếu suy nghĩ, hỗn láo thì không tương ứng với ngành nghề này như “Tao muốn tước là tước... rồi làm gì tao.”. Ông Điệp đã đưa vụ bảy ra trước công luận và ngày 29/4 đã có Đơn Khiếu Nại gửi Đại Sứ Quán nước CHXHCNVN tại Liên Bang Nga.
- Ngày 29/11/2014, GS Hồng Lê Thọ, sinh năm 1949, là người từng du học Nhật Bản năm 1968, tích cực tham gia, làm Tổng Thư Ký tổ chức BEHEITO “phản chiến” nhưng đề cao HCM, bênh vực CSVN, chống phá VNCH và HK, bị công an bắt “quả tang”, khám xét nhà khẩn cấp theo tố giác...
Thời hoạt động ở Nhật, Thọ từng tự xé thông hành VNCH của chính mình. Ngày 9/6/1969, 25 người trong tổ chức trên vào chiếm TĐS VNCH với biểu ngữ “Mỹ phải cút ngay khỏi miền Nam”, “Đả đảo chính quyền tay sai Thiệu-Kỳ”… ra tuyên ngôn đòi hòa bình và tuyệt thực tại đây cho đến ngày 10/6/1969. Từng tham gia cản đường trong suốt 50 ngày đêm khi HK muốn đưa xe tăng từ căn cứ quân sự Sagamihara, gần Yokohama qua VN vào tháng 8/1972.
Sau năm 1975, từng làm việc tại TĐS CSVN ở Tokyo, rồi về VN định cư, thường trú tại số 32 Cửu Long, phường 15, quận 10, SG, có nhiều đóng góp về mặt giáo dục...
Ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu Biển Đông và là 1 cộng sự gần gũi với ông Thọ cho biết 2 ông đã hợp tác viết chung cuốn “Chủ Quyền VN Trên 2 Quần Đảo Hoàng Sa Và Trường Sa” do Hội Người VN ở Nhật Bản xuất bản năm 2010.
Từ vài năm nay, Thọ làm chủ trang blog “Người Lót Gạch” (hình bìa blog là cậu bé bê gạch, đã bị chuyển ngay qua chế độ riêng tư, người thường không vào được) đăng nhiều bài phản biện về hiện tình đất nước do đảng CSVN lãnh đạo, và đặc biệt chủ trương “thoát Trung”, đã bị bắt khẩm cấp lúc 10 giờ 30 tối theo tin “tố giác”, vì vi phạm Điều 258 B Lut Hình S, tội “đăng tải các bài viết trên mạng Internet có nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân với cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân”.
            Thọ bị bt là điều bất ngờ cho chính anh ta, vốn tin là với lòng yêu nước, từng dấn thân đóng góp cho CSVN trong quá khứ từ trước năm 1975 và đăng phản biện chỉ với mục đích xây dựng thì không việc gì. Tin Thọ bị bắt cũng đã làm rúng động dư luận cựu du học sinh Nhật cũng như nhiều giới khác.




KHÁNG THƯ GỬI VIỆT CỘNG



Kháng thư phản đối án tử hình tại Việt Nam
của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền
05-02-2014

Kính gởi
- Quý Cơ quan hữu trách Việt Nam.
Đồng kính gởi
- Quý Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
- Quý Anh Chị Em Tín hữu Công giáo.
- Quý Cơ quan Nhân quyền Quốc tế
1- Nhận định
- Kể từ sau năm 1975, Việt Nam là một trong số những quốc gia thi hành án tử hình nhiều nhất thế giới, vừa đối với các tù nhân hình sự, vừa đối với các tù binh chiến tranh (thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa), vừa đối với các tù nhân lương tâm. Có rất nhiều chứng từ lẫn tài liệu về vấn đề này. Và không thiếu những trường hợp chết oan vô tội. Gần đây lại có một loạt án tử hình được tuyên liên quan đến tham nhũng, cướp của, buôn ma túy, gây xôn xao cho toàn xã hội.
- Việt Nam đang theo chế độ duy vật vô thần, độc tài toàn trị, không tam quyền phân lập, hệ thống tư pháp bị đảng Cộng sản kiểm soát hoàn toàn, lại có nạn công an điều tra lập thành tích, công tố viện và thẩm phán nhận đút lót, nên thường xuyên có những vụ xét xử bất công, dễ dẫn đến những sai lầm công lý trầm trọng và có thể đưa đến những bản án tử hình đi ngược các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
- Với Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 17-12-2013, có hiệu lực từ 1-2-2014, cho phép bắn vào kẻ bị cho là “có hành vi chống người thi hành công vụ”, nhằm ngăn ngừa những cuộc nổi dậy ngày càng tăng của nhân dân, và trước hiện trạng nhiều công dân vô tội bị chết sau khi sa vào tay công an, công luận e rằng rồi đây sẽ có những bản án tử hình được thực thi tại chỗ, mà tính chất chính đáng sẽ là mối băn khoăn nhức nhối cho lương tâm của toàn xã hội.
- Việc thi hành án tử hình tại VN còn nhiều thể thức vô nhân đạo. Như việc các tử tù bị giữ lâu năm lâu tháng trong cảnh biệt giam, cùm kẹp và đọa đày nghiệt ngã… khiến cho họ (và gia đình họ) sống trong khắc khoải khôn cùng, dễ dẫn đến tự hủy hoại; như việc thi hành án tử bằng những phương cách gây đau đớn kéo dài cho các phạm nhân; như việc mới đây, một nhóm bác sĩ được mời đến để chữa bệnh nhưng tới nơi thì bị cưỡng bức tiêm thuốc độc để giúp nhà tù thi hành án tử. Như thế là trực tiếp phá vỡ những cam kết chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của bác sĩ.
- Nhân loại hiện nay có Ngày Thế giới chống án tử hình (được thiết lập từ 10-10-2003). Liên Hiệp Quốc, nhiều tổ chức nhân quyền, nhân đạo và tôn giáo đã kêu gọi các quốc gia mau chóng loại bỏ thứ án ấy, vì đó là một sự vi phạm quyền sống, thiếu nhân đạo và hạ nhân phẩm, như được nêu ra trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (đ. 3 và 5) và Công uốc quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (đ. 6 và 7). Ngoài ra, số lượng các nước bãi bỏ án tử hình không ngừng gia tăng. Nay đã có 138 quốc gia chẳng còn áp dụng án tử hình, trong đó 94 quốc gia đã ban hành luật bãi bỏ nó hẳn, số còn lại bỏ nó trong thực tế, nghĩa là vẫn duy trì, nhưng không thi hành án. (RFI 24-02-2010, Tóm lược Học thuyết Xã hội của GHCG số 405)
2- Tuyên bố
Từ những nhận định trên, là những linh mục Công giáo có nghĩa vụ rao truyền giáo huấn của Giáo hội, có trách nhiệm xây dựng nền văn minh sự sống theo lời dạy của Cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2, và từ lâu đấu tranh cho nhân quyền lẫn dân quyền theo tinh thần của Cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, chúng tôi cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự, vì những lý do như sau:
a- Quyền sống của con người (từ lúc tượng hình trong bào thai đến lúc chết tự nhiên) là quyền tối thượng và cơ bản mà chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền định đoạt và kết thúc.
b- Công lý, luật pháp và tòa án là nhằm giữ gìn trật tự xã hội và bảo vệ công dân vô tội, nhưng cũng nhằm giáo dục các công dân phạm tội, giúp họ hối lỗi và đền bù (sửa chữa), chứ không nhằm báo oán lên họ và gia đình họ.
c- Án tử hình do đó thể hiện sự thất bại của luật pháp, vì mạng người mất đi thì không thể sửa chữa được. Ngoài ra, án phạt này chẳng có tác dụng gì trong việc đấu tranh chống tội phạm (tại những quốc gia áp dụng nó không hề thấy suy giảm các tội phạm nghiêm trọng, trái lại là suy giảm ý thức tôn trọng nhân mạng và nhân phẩm trong xã hội; đang khi chẳng có một hệ thống tư pháp nào mà không sai lầm trong xét xử (nhiều tử tội đã phải chết oan).
d- Xã hội hiện nay đang có những phương thế trấn áp tội phạm cách hiệu quả, bẳng cách làm cho các can phạm trở nên vô hại mà không dứt khoát từ chối cơ may để họ cải tạo. (ĐGH Gioan-Phaolô 2, Thông điệp Tin mừng Sự sống số 27).
e- Những biện pháp răn đe và trừng phạt không đổ máu phù hợp hơn với những điều kiện cụ thể của công ích và phẩm giá con người. (Giáo lý GHCG số 2267)
f- Chúng tôi yêu cầu các cơ quan hữu trách Việt Nam sớm xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự để hủy bỏ hình phạt “tử hình” và ngưng ngay việc thi hành mọi án tử đã tuyên.
Làm tại Việt Nam ngày 05-02-2014, ngày Kiểm điểm Định kỳ Toàn cầu về Nhân quyền
Ký tên:
Đại diện Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền:
- Lm Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng giáo phận Huế
- Lm Tađêô Nguyễn Văn Lý, Tổng giáo phận Huế
- Lm Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh
Đồng ký tên:
- Lm Antôn Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế SG
- Lm Giuse Đinh Hữu Thoại, Dòng Chúa Cứu Thế SG

HUỲNH THỤC VY * DÂN TRÍ

12/11/2014


Chấn hưng dân trí: Bàn về dân trí


Huỳnh Thục Vy
Từ đầu thế kỷ trước, Phan Chu Trinh đã nói đến công cuộc “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” cho Việt Nam. Đến hôm nay và có thể là một thời gian dài sau này, riêng chuyện dân trí chắc sẽ còn tốn nhiều thời gian và giấy mực của chúng ta.
Không ít lần, bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản rêu rao rằng: Việt Nam dân trí chưa cao để có thể có dân chủ; vì vậy, Đảng và Nhà nước cộng sản cần cai trị thêm, chờ khi nào dân trí đủ cao thì họ sẽ tự động thay đổi hệ thống chính trị và dân chủ hóa.
Thời gian chờ đợi này có thể là năm mươi năm hoặc  một trăm năm? Đây chắc chắn không phải chỉ  là lời chống chế cho sự cầm quyền bất xứng, không chính đáng và dai dẳng của Đảng cộng sản lên hơn chín chục triệu dân Việt Nam; mà nó có thể còn là suy nghĩ chân thành và thiện chí của nhiều người có học Việt Nam. Chưa có dân trí cao thì chưa thể có dân chủ?!
Và với nền giáo dục ngăn cản tự do, sáng tạo và đang ngày càng lụn bại như tại Việt Nam thì còn lâu trình độ tri thức của người dân Việt Nam mới có thể sánh kịp các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, thậm chí là Thái Lan…Vậy thì Đảng cộng sản sẽ tiếp tục ở đây, ngay trên đầu chúng ta trong một vòng định mệnh luẩn quẩn: độc tài -> dân trí thấp, dân trí thấp -> độc tài?!

Tất nhiên, tri thức là điều kiện không thể thiếu để phát triển đất nước một cách toàn diện và vững chắc. Chính tri thức cũng là yếu tố củng cố nền dân chủ. Tri thức giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, am hiểu luật pháp và có những phản ứng hữu hiệu cho các chính sách quốc gia hoặc những thực hành chính trị của nhà cầm quyền. Tri thức và sự sáng tạo cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế, sự hòa nhập của quốc gia vào cộng đồng quốc tế trong mọi lĩnh vực để người dân được sống ngày một thịnh vượng và có uy tín trên trường quốc tế hơn. Không ai có thể phủ nhận vai trò của trình độ tri thức đối với tiền đồ một quốc gia.
Nhưng chúng ta đang nói đến dân trí. Dân trí phải chăng đơn giản chỉ là trình độ tri thức của người dân, là chỉ số có thể đo lường được thông qua con số người có bằng cấp cao, tốt nghiệp những đại học danh tiếng? Chúng ta hãy cùng nhau dành thời gian để suy nghĩ về mệnh đề: “Dân thấp thấp thì chưa thể có Dân chủ”. Ấn Độ năm 1947 khi giành được độc lập, dân trí có cao hơn Việt Nam bây giờ không? Miến Điện hay Cambodia đã bắt đầu con đường dân chủ hóa có dân trí cao hơn Việt Nam không? Nếu các bạn lưỡng lự, thì chúng ta có thể cần nhiều thời gian hơn nữa trước khi đưa ra bất cứ khẳng định một cách khoa học nào về chuyện Dân trí - Dân chủ.
Theo thiển ý của người viết bài này, dân trí không chết cứng trong cái nội hàm “tri thức”. Dân trí là một tập hợp những điều kiện thuộc về não trạng và văn hóa nhiều hơn là tri thức. Dân trí cao không phải là tỷ lệ cao những người có học và có bằng cấp cao mà là các yếu tố thuộc về nhận thức (chứ không phải tri thức) có thể chi phối hành động và phản ứng của người dân trong mối quan hệ của họ với nhau và của họ với chính quyền.
Ví dụ, những người có học hành nhiều chưa chắc là những người có hành xử văn hóa. Trong cách dùng thông dụng do những người cộng sản hiện nay áp đặt, người có bằng cấp cao thì được gọi là người có trình độ văn hóa cao. Nhưng thực tế, những hành xử văn hóa không phụ thuộc nhiều vào việc người ta có học nhiều hay không, mà phụ thuộc vào nền tảng đạo đức từ môi trường gia đình - xã hội, những quy tắc hành xử phổ biến trong xã hội và nhận thức của chính người đó về các giá trị công bằng, bác ái, tự do và công lý;  để rồi từ đó có nhận thức đạo đức cơ bản và hành xử luân lý tương ứng.
Một người đàn anh đáng kính của tôi từng chia sẻ: Dân trí là chỉ số để đo (và luôn tỷ lệ nghịch với)  mức độ thờ phụng quyền lực các loại. Người dân thờ phượng quyền lực chính trị, trí thức thờ phượng một trí thức tên tuổi khác… Người viết tạm thời đưa ra vài đặc điểm dưới dây mà tôi xem như là biểu hiện của một nền dân trí cao:
- Người dân và đặc biệt là giới trí thức không/ ít sợ hãi và tôn sùng quyền lực, dù đó là quyền lực chính trị, kinh tế, học thuật hay tôn giáo. Người dân không xem những người cầm quyền chính trị là những người có vị thế ưu thắng tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Đối với họ, các vị trí lãnh đạo quốc gia là có thể thay đổi được, dựa trên ý chí của chính người dân; và các vấn đề to lớn của quốc gia không phải là sân chơi riêng của những người ở “tầng lớp trên”.
- Giới trí thức không/ ít khao khát quyền lực chính trị. Họ không xem việc nắm quyền chính trị hoặc hưởng lợi nhờ quyền lực chính trị là mục tiêu hoặc là biểu hiện thành công của sự nghiệp mình. Tất nhiên tham chính và lãnh đạo quốc gia không phải là điều xấu nhưng đó không phải là cách duy nhất khiến một người có được vinh quang, sự khen ngợi và công ích xứng đáng. Trí thức đặt mình vào một vị thế còn quan trọng hơn, đó là giám sát chính trị, đề nghị chính sách quốc gia và phục vụ người dân.
- Người dân có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày và các mối quan hệ với cộng đồng thông qua các hoạt động tự lập và tự quản, không viện đến sự xử lý của chính quyền nếu chưa cần thiết. Những sự phụ thuộc nhỏ lẻ vào chính quyền cho thấy ở họ tâm lý lệ thuộc thực chất còn lớn hơn nhiều.
- Người dân có xu hướng tôn trọng hạnh phúc và tự do của từng cá nhân con người; đề cao tự do và phẩm giá con người với tư cách từng cá nhân cụ thể; dù trân quý những hy sinh của cá nhân cho cộng đồng nhưng không coi sự hy sinh của cá nhân cho tập thể là giá trị luân lý bắt buộc.
- Người dân có xu hướng giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình và tinh thần khoan dung, không đề cao vũ lực và không/ít bị kích động bởi khuynh hướng bạo lực. Và họ có khả năng đề kháng tương đối đối với những hô hào mị dân về chủ nghĩ dân tộc cực đoan.
- Người dân có ý thức về lợi ích của sự hợp tác và có khả năng xây dựng đồng thuận một cách lành mạnh và tuân thủ luật pháp để hợp tác với nhau trong việc giải quyết các vấn đề cộng đồng và quốc gia. Nếu mệnh lệnh tùy tiện và độc đoán là đặc trưng của những xã hội bán khai  từ thời xa xưa của nhân loại thì khả năng tạo đồng thuận và hợp tác là kỹ thuật đặc biệt của những cộng đồng văn minh của thế giới hôm nay.
- Người dân giữ được sự bình tĩnh tương đối, khả năng hành động tương hỗ và sự thượng tôn luật pháp khi cộng đồng hoặc quốc gia lâm vào những tình huống khẩn cấp như thiên tai, chiến tranh, tội phạm. Họ có khả năng ứng phó một cách khoa học, lý tính trong những trượng hợp đó.
- Người dân có khả năng tư duy và phán đoán độc lập, không/ ít tôn sùng biểu tượng, không đeo bám cứng nhắc những giáo điều hay chủ thuyết nhất định. Bởi theo logic tâm lý, khi người dân quá tôn sùng biểu tượng thì  trong tâm lý của họ không có điều gì khác hơn ngoài việc người ta cũng muốn trở thành biểu tượng nếu có cơ hội. Tâm lý tôn sùng biểu tượng càng mạnh thì sự hãnh tiến khi nắm được địa vị ưu thắng càng lớn. Đây cũng có thể được xem là một khía cạnh của sự thờ phượng quyền lực.
Sau khi xem xét xong những điều trên đây, chúng ta gần như có thể trả lời được câu hỏi: Vì sao ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài nhưng hầu như có rất ít người trong số những con người bằng cấp đầy mình ấy có đủ can đảm để dấn thân cho dân chủ và đóng góp cho cộng đồng xã hội.Những người kiến thức sâu rộng ấy cũng vô cùng sợ hãi và thiếu trách nhiệm giống như bao người thất học khác, vì kiến thức không giúp họ trở nên can đảm, bớt lệ thuộc quyền lực và sốt sắng nhận lãnh trách nhiệm cộng đồng.
Bởi vậy nhiều con cái các gia đình cán bộ cộng sản cấp địa phương cũng như cấp quốc gia du học và trở về, nhưng cái họ đang và sẽ trở thành không phải là điều gì khác hơn ngoài những “ông bà độc tài con”. Vấn đề là ở chỗ nhận thức về chính trị - xã hội và kỹ thuật tổ chức cuộc sống chung trong một cộng đồng văn minh chứ không phải là việc có nhiều bằng cấp hay không.
Như tôi đã từng chia sẻ, giải thể một chế độ độc tài để bắt đầu con đường dân chủ hóa tuy khó nhưng còn dễ hơn rất nhiều so với công cuộc xây dựng dân chủ hậu độc tài. Và tri thức, khi đó sẽ đóng vài trò rất quan trọng; nhưng  nếu chúng ta không thể bắt đầu ngay bây giờ thì ngày mai chẳng có gì xảy ra cả. Ngay chính trình độ tri thức của người dân cũng ngày càng thoái hóa dưới chế độ độc tài chứ chưa nói là nó có cơ hội để đóng góp xây dựng dân chủ hay không. Bởi vì chính dân chủ và sự tự do hiến định trong một nền dân chủ xứng đáng cũng góp phần quyết định nâng cao trình độ tri thức của người dân.
Trong một buổi nói chuyện dành riêng cho Hội PNNQVN, ông Ngô Nhân Dụng đã chia sẻ: Bạn không thể nói tôi không biết bơi vì vậy tôi không dám xuống nước. Vì nếu bạn không xuống nước, bạn sẽ không bao giờ biết bơi cả. Và cũng xin dùng lời hữu lý trên để kết thúc bài viết này trong tâm tình mong muốn tiếp thu nhiều chia sẻ hữu ích hơn từ các bạn trẻ Việt Nam.
Buôn Hồ, 7/11/2014
H.T.V
Tác giả gửi BVN

HỒ CHÍ MINH

Hồ Chí Minh là ai?

Nhiếp Vĩnh Trang
2014-07-20

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Cuốn sách ‘’Hồ Chí Minh sinh bình khảo’’ bản tiếng Pháp
Cuốn sách ‘’Hồ Chí Minh sinh bình khảo’’ bản tiếng Pháp
Files photos 
Mới đây, hậu duệ của người Đại Loan Hồ Tập Chương  - học giả Hồ Tuấn Hùng – viết, công bố cuốn sách ‘’Hồ Chí Minh sinh bình khảo’’ chứng minh Hồ Chí Minh (HCM) , lãnh tụ của Việt Nam không phải là Nguyễn Ái Quốc – Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Sinh Cung ( người xã Kim Liên, Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghê An), mà là Hồ Tâp Chương (HTC) người Đài Loan – Trung Hoa.
Cuốn sách lí giải : Ông Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Cung) bị bạo bệnh, đã mất năm 1932, đảng CSTQ đã chọn một sĩ quan tình báo trong cục Tình báo Hoa Nam đóng giả, thay thế Nguyễn Ái Quốc  để duy trì phong trào cách mạng ở Đông Dương (gồm 3 nước Việt – Miên (tên cũ của Căm pu chia ngày nay)  – Lào) để TQ tính kế lâu dài trong sự nghiệp bành trướng sau này.
Vấn đề còn ‘’thuyết phục’’ hơn: Một tác giả khác tên Huỳnh Tâm (cũng là người Hoa) viết cuốn sách tựa đề ‘’Giặc Hán đốt phá Nhà Nam’’, chứng minh tiếp thuyết của Hồ Tuấn Hùng với khá nhiều tài liệu cụ thể mà theo tác giả HT, được ‘’lấy ra từ văn khố của cơ quan tình báo Hoa Nam’’: Hồ Tập Chương được chọn vào vai Nguyễn Ái Quốc  lúc đang là sĩ quan tình báo của cục TBHN (có cả số hiệu quân tịch)…Mộ chôn Nguyễn Ái Quốc  còn ở Liên Xô,’’Tro cốt của Nguyễn Ái Quốc (mã số 00567) sau khi thiêu đã được lưu trữ tại nghĩa trang Kuntsevo, Moscow, Nga Sô cũ … Tài liệu gốc vẫn còn được lưu tại di tích nhà tù Hương Cảng (theo cuốn sách của HT’’.
Cuốn sách lí giải : Ông Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Cung) bị bạo bệnh, đã mất năm 1932, đảng CSTQ đã chọn một sĩ quan tình báo trong cục Tình báo Hoa Nam đóng giả, thay thế Nguyễn Ái Quốc để duy trì phong trào cách mạng ở Đông Dương
Trước nhưng thông tin khá’’sốc’’ này, cộng với nhưng động thái của giới lành đạo chóp bu trong Bộ Chính Trị ĐCSVN, đưng đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng thời gian qua và cả ngay dưới thời Nông Đức Mạnh làm TBT: Trước lấn lướt của Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình. NĐM, NPT chỉ biết im lặng răm rắp làm theo… Dư luận trong nhân dân VN đặt ra: Phải chăng, giới lãnh đạo TQ đã, đang’’Tống…chính trị’’ - giống như tống tiền, tống tình của bọn Mafia - nên đảng CSVN chỉ biết tuân theo cây gậy chỉ huy từ bên kia biên giới cho dù chúng mang quân sang tàn phá đất nước giết chết hơn 6 vạn con dân đất Việt mà vẫn chấp nhận hữu hảo, 4 tốt, 16 chữ vàng..
Khi các thông tin ‘’bôi nhọ lãnh tụ’’ được họ tung ra, đảng CSVN không mở miệng lên tiếng phản đối,  giải thích hay trấn an dư luận khiến mối nghi ngờ của nhân dân VN ngày càng trở nên nhức nhối. Và đau xót khi nhận ra ông HCM cho đưa chính sách Cải Cách Ruộng đất tàn ác của TQ vào áp dụng, thực hiện trên đất nước ta, đang tâm bắn người phụ nữ có công với nước (bà Nguyễn Thị Năm), tiếp sau đó bắn hàng nghìn người khác, trực tiếp, gián tiếp giết chết hang trăm nghìn người dân VN vô tội… và còn rất nhiều việc ông cho thuộc cấp thục hiên theo TQ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho dân Việt… (sẽ nói đến ở một bài khác…)  .
Trong suốt thòi gian làm’’lãnh tụ kính yêu’’ – thuộc cấp tung hô , ‘’cha già dân tộc’’ – tự nhận, HCM đã có những hành xử chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của đảng CSTQ…Trước tình hình này, càng ngày câu hỏi Hồ Chí Minh thục sụ là ai? Có đúng là Nguyễn Ái Quốc  – NTT - NSC người Việt, hay do Hồ Tập Chương người Tàu đội lốt?
Hồ Tập Chương được chọn vào vai Nguyễn Ái Quốc lúc đang là sĩ quan tình báo của cục TBHN (có cả số hiệu quân tịch)…Mộ chôn Nguyễn Ái Quốc còn ở Liên Xô,’’Tro cốt của Nguyễn Ái Quốc (mã số 00567) sau khi thiêu đã được lưu trữ tại nghĩa trang Kuntsevo, Moscow

cuốn‘’Giặc Hán đốt phá Nhà Nam’
.......Hồ Tập Chương được chọn vào vai Nguyễn Ái Quốc  lúc đang là sĩ quan tình báo của cục TBHN (có cả số hiệu quân tịch)…Mộ chôn Nguyễn Ái Quốc  còn ở Liên Xô,’’Tro cốt của Nguyễn Ái Quốc (mã số 00567) sau khi thiêu đã được lưu trữ tại nghĩa trang Kuntsevo, Moscowcuốn sách tựa đề ‘’Giặc Hán đốt phá Nhà Nam’
Câu hỏi này đã gây bao dư luận thuận – nghịch trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đáng chú ý, một số Văn nghệ sỹ cũng vào cuộc bàn luận sôi nổi. Trong đó ồn ào phải kể đến phản ứng của nhà phê bình danh tiếng, chủ tịch hội nhà văn Hà Nội – Phạm Xuân Nguyên. Một lần đến thăm di tích nằm trên đỉnh núi Hồng Lĩnh, PXN thấy trên tấm bia đá trước đền thờ, người ta đục bỏ mấy câu thơ của HCM, mà theo PXN: Niềm tự hào của dân xứ Nghệ, người con của quê hương Sô viết Nghệ Tĩnh. Ông Nguyên rất bức xúc viết bài phê phán sở VHTT tỉnh Nghệ An chủ trương cho đục bỏ này. 

Thật tiếc cho người nghê sĩ được mang danh thiên bẩm:  Có tầm nhìn xa và luôn dự báo cho đất nước, dân tộc nhưng vấn đề cấp thiết ! Nhưng ông PXN không chịu đọc thông tin trên mạng, không tìm hiêu ngay các đồng nghiệp hoặc tiền bối khiến’’mù tịt’’ thông tin trái chiều nên mới có hành động bột phát hoàn toàn chủ quan va phản ứng theo cảm tính. Ông đâu biết rằng có thể, người ra chủ trương “đục bỏ thơ” đã – bằng mọi cách - nắm được thông tin đáng tin cậy về nhân thân người đang được tôn thờ lại không đáng được tôn thờ?! Họ không cam chịu’’Nhận giặc làm cha’’ như câu nói của các sĩ phu chân chính trong lịch sử dân tộc Việt – quan niệm !
Còn ở Hải ngoại, một nhà văn có uy tín - ông TH cũng lên đài RFA trả lời phỏng vấn, ông dè dặt hơn nhưng người nghe cũng thấy rõ ý ông phủ định thuyết Hồ Tập Chương đóng giả Nguyễn Ái Quốc , nguyên văn ông gọi  đó là’’chuyên tầm phào”. Cả hai vị Một thiếu thông tin, một thừa thông tin đều không chấp nhận thuyết của Hồ Tuấn Hùng và Huỳnh Tâm . Tất nhiên hai vị có quyền không tin vì quá kính yêu ‘’lãnh tụ vĩ đại của dân tộc’’, nhưng không nên cực đoan trong hành động bảo vệ niềm tin tâm linh của lòng mình khi nghe tin có vẻ ngược hẳn quan điểm của hệ thống truyền thông ‘’lề đảng’’- chính thống.

Muốn hóa giải được nghi ngờ, xác định rõ Hồ Chí Minh - Hồ Tập Chương có phải chính là Nguyễn Ái Quốc, không, việc này rất đơn giản nếu BCT ĐCSVN thực tâm muốn làm sang tỏ: Hồ sơ sức khỏe của HCM, hồ sơ dòng tộc của Ng. Ái Quốc hiện đã có trong tay. Chỉ cần đến tận nơi mà Hồ Tập Chương sống, lấy AND đem xét nghiệm là có câu trả lời và kết luận Thật – Giả, ngay
Chúng ta cũng chưa tin vào 2 cuốn sách mà 2 tác giả người TQ kia tung ra bơi vì…bởi vì… vân vân…và v.v ! Thế nhưng đối chiếu với lịch sử khách quan mà HCM  đã lãnh đạo, đã làm từ năm 1946 đến 1969…Đối chiếu với tình hình đã, đang xẩy ra trên chính trường VN hiện nay, chúng ta phải nghi ngờ .
Muốn hóa giải được nghi ngờ, xác định rõ Hồ Chí Minh - Hồ Tập Chương có phải chính là Nguyễn Ái Quốc, không, việc này rất đơn giản nếu BCT ĐCSVN thực tâm muốn làm sang tỏ: Hồ sơ sức khỏe của HCM, hồ sơ dòng tộc của Nguyễn Ái Quốc  hiện đã có trong tay. Chỉ cần đến tận nơi mà Hồ Tập Chương sống, lấy AND đem xét nghiệm là có câu trả lời và kết luận Thật – Giả, ngay !
(Tất nhiên cần thành lập nhóm chuyên gia khoa học – chính trị, và tiến hành chính xác, trung thực,  minh bạch).


Kêt quả xác minh này sẽ có 2 trường hợp bắt buộc sẽ xẩy ra:
Thứ nhất
Thuyết của Hồ Tuấn Hùng sai,
Hồ Chí Minh không có quan hệ huyết thống  gì với giòng tộc Hồ Tập Chương, ông đích thực là Nguyễn Ái Quốc – Nguyễn Tất Thanh – Nguyễn Sinh Cung. Lúc đó, đảng CSVN phải  có nhưng hành động pháp lí , yêu cầu HTH thu hồi sách, chịu trách nhiệm hình sụ trước pháp luật của 2 nhà nước Việt Nam – Đài Loan về tội vu khống. Nhân dân VN sẽ thở phào yên tâm mà không sọ lầm lẫn, rơi vào tình trạng đời đơì ‘’Nhận giặc làm cha…già dân tộc”.
Thứ hai
Sau khi xét nghiệm khoa học, đúng HCM chính là HTC đội lốt Nguyễn Ái Quốc  từ 1941 đến 1969. Nhân dân VN đã giải tỏa được bức xúc. Chúng ta vẫn sẽ  coi HCM – HTC là người chiến sĩ quốc tế, dù thế nào cũng đóng góp cho CMVN nhiều công sức, chúng ta nhớ ơn ông, mọi quan hệ sẽ vẫn giữ nguyên, không truy cứu, phỉ báng người đã 29 năm đóng vai trò lãnh tụ tinh thần của ĐCSVN, cho dù có những khiếm khuyết sai lầm…
Đây là vấn đề tối quan trọng. Nhưng người lãnh đạo tối cao (Bộ chính trị) của ĐCSVN  phải tiến hành ngay khi vấn đề xẩy ra trong nhiệm kì của các vị (Khóa 12). Không làm rõ vấn đề đơn giản này là có tội với đất nước, vời lịch sử, dân tộc.

Nhân dân Việt Nam đang chờ các ủy viên trung ương, bộ chính trị và đích thân 4 vị tứ trụ - TBT, Thủ Tương, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, mà đứng đầu là Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Xin các vị hãy hành động làm sang tỏ vấn đễ đang bức xúc này !
20.7.2014
NVT
*Nội dung bài viết nhất thiết không phản ảnh quan điểm của RFA.
 http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/who-real-is-hchiminh-07202014072439.html

Một Bí Ẩn Lịch Sử :
Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh - Hồ Tập Chương
 ?
Thẩm Phán
Phạm Đình Hưng – C/N 2014/11/15

Hồ Chí Minh và Nguyễn Tất Thành là 1 người hay 2 người khác nhau ? Nguyên nhân nào Hồ chí Minh không tiếp Chị Ruột là bà Nguyễn Thị Thanh từ Nghệ An ra Hà Nội ra thăm Em ...

Đến ngày hôm nay , các công trình nghiên cứu sâu rộng , công phu và khách quan của nhiều tác giả ngoại quốc vẫn chưa trả lời được câu hỏi kể trên . Về mặt khoa học , chỉ có một cuộc khảo nghiệm DNA hài cốt của Hồ Chí Minh , cố Chủ Tịch Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà , đang được thờ phượng tại Ba Đình ( Hà Nội ) và cố Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc ( thân phụ của Nguyễn Sinh Cung tức Nguyễn Tất Thành ) đã được chôn cất tại Sa Đéc , tỉnh Đồng Tháp ngày nay . Nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội không muốn phơi bày bí ẩn lịch sử nầy , chọn lựa giữ im lặng khi phải đối đầu với một vấn đề khó khăn khả dĩ làm tổn thương đến uy tín của mình trước nhân dân Việt Nam và Quốc Tế . Hơn nửa , bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản Việt Nam không bao giờ tôn trọng sự thật lịch sử , luôn luôn đề cao sự sáng suốt của đảng và không chấp nhận đảng có sai lầm .
Căn cứ vào các công trình nghiên cứu của các tác giả ngoại quốc và một số dữ kiện lịch sử chính xác , tôi có vài nhận xét về một bí ẩn lịch sử đã có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với đất nước và dân tộc Việt Nam từ thập niên 1940 đến nay . Bí ẩn đó là : Hồ Chí Minh và Nguyễn Tất Thành là 1 người hay là 2 người khác nhau ?
Lý lịch của Nguyễn Tất Thành
Nguyễn Sinh Cung ( tức Nguyễn Tất Thành ) sanh tại Nghệ An năm 1890 , con của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc . Sau khi học hết bậc Tiểu học , Nguyễn Tất Thành được nhận vào trường Quốc Học ở Huế nhờ cha là quan lại của Nam triều . Bỏ học và rời khỏi trường Quốc Học rất sớm , Nguyễn Tất Thành đi vào Phan Thiết dạy học tại trường Dục Anh rồi đi vào Sài Gòn làm phụ bếp dưới tàu Amiral Latouche Tréville ( lấy tên Văn Ba ) để xuất dương sang Pháp tìm kế sinh nhai và danh vọng . Thất bại trong việc xin vào học trường Thuộc địa của Pháp , Nguyễn Tất Thành tiếp tục làm việc trên các tàu viễn dương rồi qua London , Anh quốc , làm thợ nhồi bột cho một lò bánh mì của người Pháp . Năm 1917 , Nguyễn Tất Thành trở về Paris theo lời gọi của trưởng thượng Phan Châu Trinh và gia nhập Nhóm Ngũ Long gồm có Phó bảng Phan Châu Trinh , Tiến sĩ Luật Phan văn Trường , Cử nhân Luật Nguyễn An Ninh , Cử nhân Văn Chương Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành . Sống kham khổ tại Paris với nghề thợ rửa hình , Nguyễn Tất Thanh mắc bịnh lao phổi . .Mặc dầu vậy , Nguyễn Tất Thành vẫn ăn mặc rất chỉnh tề , luôn luôn mặc áo vest và thắt cà vạt khi đi hội họp .
Ba năm sau cuộc Cách Mạng 1917 của Nga , Nguyễn Tất Thành gia nhập đảng Cộng Sản Pháp tại Hội nghị Tours để bắt chước các người Bolsheviks Nga làm cách mạng vô sản trên phạm vi toàn Thế Giới và xây dựng chủ nghĩa đại đồng vô biên giới . Tại Hội nghị Tours , Nguyễn Tất Thành đã nhờ một Đại Biểu người Pháp tham dự hội nghị nầy giải thích cho ông ta biết sự khác biệt giữa Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc Tế Cộng Sản . Năm 1924 , Nguyễn Tất Thành được Dmitry Manuilsky , cán bộ Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản ( Komintern ) tuyển dụng và đưa qua Moscowa huấn luyện cấp tốc về kỹ thuật công tác của một cán bộ Cộng Sản trước khi phái đến Quảng Châu trong tỉnh Quảng Đông làm thông dịch viên dưới quyền của Trưởng Phái bộ Liên xô Mikhail Borodin .

Năm 1927 , Thống Chế Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Quốc Dân đảng ra tay diệt trừ Cộng Sản , Nguyễn Tất Thành chạy về Moscowa và đến Thái Lan ẩn náu . Năm 1930 , Nguyễn Tất Thành vâng lịnh của Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên Xô Josef Stalin đến Hong Kong tham dự việc thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 03/02/1930 cùng với 3 người Việt và 1 người Tàu tên Hồ Tập Chương ( bí danh Hồ Quang ) , Đại Biểu của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản . Kể từ đó , Nguyễn Tất Thành đã du nhập chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam để gieo rắc tai hoạ cho đất nước và dân tộc Việt Nam từ năm 1931 đến nay . Ở lại Hong Kong hoạt động với bí danh Tống văn Sơ , Nguyễn Tất Thành bị nhà cầm quyền Anh bắt giữ năm 1931 nhưng được cho nằm điều trị trong một bịnh viện bài lao vì ông ta mắc bịnh lao trầm trọng . Năm 1932 , báo chí Hong Kong loan tin Tống Văn Sơ ( tức Nguyễn Tất Thành ) đã qua đời . Trong quyển sách « Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo » , GS Sử học Hồ Tuấn Hùng ở Đài Loan , cháu của Hồ Tập Chương , cũng ghi rõ sự kiện nầy .
Nguyễn Tất Thành mất tích
Kể từ năm 1932 đến năm 1938 , Nguyễn Tất Thành đã mất tích một cách bí mật . Ông ta biến dạng trong cõi hư vô và chỉ còn là một hình bóng phai mờ trước bọn đàn em đang được Josef Stalin trọng dụng ( Trần Phú , Hà Huy Tập , Trần văn Giàu , Lê Hồng Phong , Nguyễn văn Cừ ) . Thậm chí Nguyễn Ái Quốc ( bí danh của Nguyễn Tất Thành ) còn không được tham dự chánh thức Đại hội 7 của Đệ tam Cộng Sản Quốc Tế như hai đàn em Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai . Người Cộng Sản Việt Nam đầu tiên nầy bị Stalin nghi ngờ và thất sủng vì trong thời gian lưu trú lần thứ hai tại Nga ( 1933-1938 ) ông ta biểu lộ một vài nghi vấn về lý lịch :
- Khi ghi danh học trường Quốc Tế Lenin , Nguyễn Ái Quốc khai y sanh năm 1903 thay vì 1890 . Một người trung niên có học như Nguyễn Ái Quốc không thể quên năm sanh của mình ! Sở dĩ có sự sai biệt về năm sanh là vì người đội lốt Nguyễn Ái Quốc là Hồ Tập Chương , người dân tộc Hẹ ( Khách Gia ) sanh tại Đài Loan năm 1901 , nhỏ hơn Nguyễn Ái Quốc 11 tuổi .
- Trong tờ khai lý lịch , Nguyễn Ái Quốc ( giả ) mang bí danh PC Lin chỉ khai một chút ít dữ kiện về lý lịch của mình và ghi rằng y không có khả năng chuyên nghiệp gì cả .
( Sophie Quinn Judge , Ho Chi Minh : The Missing Years , University of California Press , 2002 ,  Hồ Tuấn Hùng , Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo , Đài Loan , 2008 )
Không những nghi ngờ Nguyễn Ái Quốc ( giả ) , Stalin còn có ý định giết chết y trong cuộc Đại Thanh trừng ( Great Purge ) năm 1935 nếu không có sự can thiệp của Georgi Dimitrov , Cố vấn của nhà độc tài Liên Xô . Tha chết cho Nguyễn Ái Quốc ( giả ) nhưng Stalin không giao bất cứ công tác gì mà còn đặt ông ta trong tình trạng bị mật vụ theo dõi .
Sự xuất hiện của Hồ Quang ( Hồ Tập Chương )
Mãi đến năm 1938 , một nhân vật tên Hồ Quang ( bí danh của Hồ Tập Chương ) từ Liên Xô đến đột nhiên xuất hiện tại Diên An , căn cứ địa của Cộng Sản Tàu trong giai đoạn 1935-1948 thuộc tỉnh Thiểm Tây , và có tư cách đảng viên đảng Cộng Sản của nước Tàu . Gia nhập Bát lộ quân năm 1939 , Hồ Quang đã phục vụ quân đội Tàu cộng với cấp bậc Thiếu tá . Sau một thời gian công tác tại Hoa Nam , Hồ Quang được đặc phái qua Việt Nam năm 1940 với sứ mạng liên tục gây ra chiến tranh để giết chết vô số nhân tài và sinh mạng , tiêu hao sinh lực của nước Việt , chuẩn bị việc thôn tính bán đảo Đông Dương và Đông Nam Á theo kế hoạch của Mao Trạch Đông .

Ẩn trốn trong hang Pác Bó ( Cao Bằng ) dưới sự bảo vệ của cán binh Tàu cộng và bọn người dân tộc Tày của Chu văn Tấn , Hồ Quang thường xuyên qua lại biên giới Hoa Việt . Năm 1943 , từ Quảng Tây trở về hang Pác Bó , Hồ Quang mang một tên mới : Hồ Chí Minh . Sự cực kỳ độc ác của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam đối với dân tộc Việt đã khiến cho rất nhiều người nghĩ rằng Hồ Chí Minh thật sự là Hồ Tập Chương , một người Tàu Đài Loan dân tộc Hẹ ( Hakkard ) đúng theo sự xác quyết của GS Sử học Hồ Tuấn Hùng , một người cháu trong gia tộc của Hồ Tập Chương không có ân oán gì trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam . 
Mới đây , sau khi Tàu Cộng công khai hoá một số bí mật về Hồ Chí Minh tức Thiếu tá Hồ Quang của Quân đội Nhân Dân Giải Phóng , tính thuyết phục của quyển sách « Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo » càng tăng thêm . Ngoài các quyển sách của GS Đài Loan Hồ Tuấn Hùng , GS William J Duiker và sử gia Sophie Quinn Judge còn có vài nguồn tin chính xác khác và một số sự kiện cụ thể liên quan đến Hồ Chí Minh .
Hồ Chí Minh thật sự là ai ?
1 ) Ngô Trọc Lưu , người được xem là người cha của nền văn nghệ Đài Loan , đã xuất bản tại Đài Loan năm 1947 một quyển sách tựa đề « Hồ Chí Minh » viết bằng Nhật ngữ . Thân cận với Hồ Tập Chương và các người em của nhân vật kỳ bí nầy , Ngô Trọc Lưu xác quyết Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương , người thuộc sắc tộc Hẹ tức Khách Gia ( Hakkard ) sanh tại Huyện Miêu Lật , Địa khu Đông La , Đài Loan
2 ) Ký giả Cộng Sản Trần Đĩnh , một nhân vật thân cận của Hồ Chí Minh , đã hé lộ một chi tiết đáng kể về lý lịch của người « cha già dân tộc » của Cộng Sản Việt Nam .
Trong quyển « Đèn Cù » , ký giả Trần Đĩnh tiết lộ đã nghe Hồ Chí Minh nói tiếng Hẹ của dân tộc Hakkard rất lưu loát , thấy « Bác » rất thich thú đi dạo chơi thành phố Móng Cái và biết rất rõ thành phố nầy mặc dầu mới đến đây lần đầu tiên năm 1960 . Ký giả Trần Đĩnh nghĩ rằng « Bác Hồ » đã có ở trong thành phố Móng Cáy khá lâu . Suy nghĩ nầy phù hợp với một vài chi tiết trong lý lịch của Hố Tập Chương : Năm 1931 , Hồ Tập Chương bị bắt tại Quảng Châu cùng một thời gian với Nguyễn Ái Quốc ( bí danh Tống văn Sơ ) đang bị giam giữ tại Hong Kong . Sau khi được Cộng Sản Tàu giải cứu , Hồ Tập Chương đã đến vùng rừng núi Quảng Tây khai thác hầm mõ từ năm 1932 đến 1933 . Kể từ đó , ông ta không còn liên lạc với gia đình . Khi ở Quảng Tây , Hồ Tập Chương có nhiều điều kiện thuận lợi để đi qua Móng Cáy hoạt động cùng cô Bí Thư một Chi bộ Cộng Sản tại thị trấn biên giới nầy .
3 ) Tập thơ « Ngục Trung Nhật Ký » của Hồ Chí Minh ( tự nhận là tác giả ) có thể cung cấp một thông tin hữu ích về nguồn gốc địa phương của tác giả : trong tập thơ nầy có một số từ ngữ đặc thù và lối chơi chữ chỉ có người dân tộc Hẹ ( Hakkard ) mới biết dùng . Cần lưu ý : Nguyễn Tất Thành chỉ có trình độ sơ cấp về Hán Văn và chỉ biết nói tiếng Quảng Đông nhờ hoạt động tại Quảng Châu từ 1924 đến 1927 và ăn ở với Tăng Tuyết Minh , người vợ xẩm có cưới hỏi năm 1925 qua mai mối của Thái Sướng và Đặng Dĩnh Siêu ( vợ Chu Ân Lai ) .
4 ) Trước khi qua đời ngày 02/09/1969 , Hồ Chí Minh muốn được nghe một bài hát của Tàu do một cô xẩm hát . Tại sao một nhà lãnh đạo người Việt lại muốn nghe một bài hát của Tàu trước khi chết , nhứt là do một cô xẩm hát ?
5 ) GS William J Duiker trong quyển sách « Ho Chi Minh : A Life » có nhận xét một sự khác biệt về thói quen giữa Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh : Nguyễn Ái Quốc ăn mặc rất chải chuốt và luôn luôn thắt cà vạt còn trang phục của Hồ Chí Minh thì rất lượm thượm , ông ta không bao giờ thắt cà vạt , trông rất quê mùa ( William J Duiker , Ho Chi Minh : A Life , New York Hiperion , 2001 ) .
6 ) Năm 1931 , trong khi Nguyễn Ái Quốc bị giam giữ tại Hong Kong Hồ Tập Chương bị bắt tại Quảng Châu . Nhờ một nữ cán bộ Cộng Sản tên Lâm Y Lan giải cứu đưa đến Hạ Môn , một thành phố cảng nằm ở phía Đông Nam tỉnh Phước Kiến , Hồ Tập Chương đã có một mối tình thắm thiết với cô gái Quảng Đông nầy trong thập niên 1930 . Sau nầy , Chủ Tịch Hồ Chí Minh của miền Bắc Cộng Sản nhờ Đào Chú , một cán bộ cao cấp đảng Cộng Sản Tàu và Chủ Tịch Mao trạch Đông tác hợp với Lâm Y Lan nhưng bị Lê Duẫn , Bí Thư thứ nhứt đảng Cộng Sản Việt Nam , chống đối nên không thành . Năm 1968 , Lâm Y Lan chết ở Quảng Đông , Hồ Chí Minh buồn rầu đi theo người yêu xuống tuyền đài năm sau ( 1969 ) . Cần ghi nhận Hồ Chí Minh không hề muốn gặp lại Tăng Tuyết Minh , người nữ cán bộ Cộng Sản ở Quảng Châu đã chánh thức kết hôn với Nguyễn Ái Quốc năm 1925 . Thái Sướng và Đặng Dĩnh Siêu ( vợ Chu Ân Lai ) cũng như đảng Cộng Sản Tàu cũng không muốn đưa Tăng Tuyết Minh qua Hà Nội tái hợp với Hồ Chí Minh vì sợ lộ thân phận của ông Chủ Tịch đảng Cộng Sản Việt Nam .
7 ) Lúc ông Cả Khiêm tức Nguyễn Sinh Khiêm ( anh Cả của Nguyễn Tất Thành ) và bà Nguyễn Thị Thanh ( chị của Nguyễn Tất Thành ) còn sống ở Nghệ An , Chủ Tịch Hồ Chí Minh không hề về quê nhà để thăm 2 anh , chị ruột . Thậm chí khi hai người nầy qua đời , Hồ Chí Minh cũng không về Nghệ An để phúng điếu . Năm 1945 , bà Nguyễn Thị Thanh đã lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội thăm em xa cách gia đình mấy chục năm cũng không được Chủ Tịch Hồ Chí Minh tiếp . Dường như , Hồ Chí Minh cố ý tránh gặp ông Cả Khiêm và bà chi Nguyễn Thị Thanh để khỏi bị phát giác sự khác biệt giữa Nguyễn Tất Thành & Hồ Chí Minh . Khác hẵn quảng đại quần chúng Việt Nam , Hồ Chí Minh không có tình cảm anh chị em ruột thịt và tình tự quê hương xứ sở . Ông ta rất xa lạ đối với người anh Cả và người Chị Ruột .
Nói tóm lại , các tài liệu viết của người ngoại quốc và các sự kiện cụ thể kể trên giúp cho tôi có một cơ sở vững chắc để phán đoán và kết luận : Nguyễn Sinh Cung tức Nguyễn Tất Thành & Hồ Chí Minh là 2 người khác nhau .
Thẩm Phán Phạm Đình Hưng - Mùa Thu California 2014
 

Bàn về Hồ Chí Minh - Hồ Tập Chương

Tạ Nhất Linh (Danlambao) - Như vậy là đã có chuyện: học giả Đài Loan Hồ Tuấn Hùng công bố cuốn sách “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” trong đó ‘chứng minh’ rằng Hồ Chí Minh, lãnh tụ của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, không phải là Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Ái Quốc sinh ở Nam Đàn, Nghệ An, sang Pháp năm 1911, triệu tập hội nghị thành lập đảng cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng năm 1933, mà là Hồ Tập Chương, người Đài Loan, được cục tình báo Hoa Nam tuyển dụng, huấn luyện và cho đóng giả Nguyễn Ái Quốc, rồi lấy tên Hồ Chí Minh để lọt vào Việt Nam cầm đầu đảng cộng sản.


Đã có chuyện: cuốn sách này được phổ biến ở Trung Quốc, và cục tình báo Hoa Nam (CTBHN) chính thức thừa nhận chuyện đó là đúng, thậm chí còn khẳng định đó là một thành tích ‘có một không hai’ trong lịch sử tình báo thế giới.
Và đã có chuyện: đảng CSVN không hề lên tiếng bác bỏ!
Ở đây, xin nêu ra hai câu hỏi sau để cùng bàn bạc: 
1) Liệu khẳng định của học giả Hồ Tuấn Hùng và CTBHN có đúng không? và 
2) Nếu coi khẳng định đó là đúng thì đó là nỗi nhục đối với ai?
 
Câu hỏi thứ nhất gần như không có khả năng được trả lời một cách xác đáng, trừ phi Trung Cộng đưa ra được những bằng chứng công khai, được giới học giả quốc tế thừa nhận. Một điều cũng dễ thấy (nếu đọc cuốn sách của ông Hồ Tuấn Hùng) là các chứng cứ và lý giải của ông ta ít thuyết phục. Tuy nhiên, ít thuyết phục không có nghĩa là sai!
Liệu có thể sắp xếp để có thể giả mạo cả một lãnh tụ, một nguyên thủ quốc gia được không? Có vẻ không thể nào tin được. Nhưng xin quý vị nhớ cho rằng trong thế chiến II đã có rất nhiều tình báo Soviet đóng giả người Đức rất thành công, đến mức người nhà cũng không nhận ra là giả! Vì tôn sùng ông Hồ mà người ta cho rằng đóng giả ông ấy là không thể được (vì làm sao có thể đóng giả một ‘thiên tài’?).

Nhưng xin thưa, đóng giả Nguyễn Ái Quốc còn dễ hơn cả đóng giả sĩ quan Đức, vì ông ta hiếm khi gặp người quen trong nước. Còn người lấy tên là Hồ Chí Minh thì không hề gặp lại ‘anh trai’ mình là ông Khiêm, bà ‘chị gái’ là Thanh cũng chỉ gặp được ông ta có vài phút, thậm chí vài giây, để nghe ông ta bảo đại ý: “Chị về đi, em bận việc nước, không có thời gian tiếp chị”. Đối với một tình báo đã được huấn luyện, có thể đã quan sát nhiều ngày cách đi đứng, nói năng của người mà mình phải nhập vai, và đã được tìm hiểu hàng năm về hành tung và các mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc, việc đóng vai ông ta không quá khó!
Một điều khó hiểu nữa là: vì sao ông Hồ khi còn quyền lực tuyệt đối lại gần như làm mọi việc theo chỉ thị của CSTQ? (Hãy nhớ lại vụ ‘cải cách ruộng đất’, ông Hồ đã từng nói với hạ cấp: “Bác có thể sai, trung ương có thể sai, nhưng Mao chủ tịch không bao giờ sai.” và nhất nhất làm theo sự giật giây của trưởng đoàn TQ, kể cả vụ thông qua danh sách xử bắn, trong đó có cả ân nhân cách mạng.)
Về câu hỏi thứ hai, nếu khẳng định đó là đúng thì trước hết đó là nỗi nhục đối với đảng CSVN. Liệu nó có là nỗi nhục đối với cả dân tộc Việt Nam hay không? Có, vì cả dân tộc đã bị một kẻ dị tộc lừa. Nhưng nỗi nhục này cũng chỉ là một nét phảy thêm vào nỗi nhục lớn hơn là cả nước đã bị một lũ vô lại lừa. Nó cũng không phải là nỗi nhục vĩnh cửu, vì nó sẽ bị xóa đi, khi cả dân tộc đạp lũ lừa đảo xuống bùn đen!
Vì vậy, không cần tìm cách chứng minh rằng Hồ Chí Minh không phải Hồ Tập Chương!
Tạ Nhất Linh

No comments:

Post a Comment