Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday 12 November 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN * BIỂN ĐÔNG * DƯƠNG THU HƯƠNG

TRANG YẾN VY * TƯỞNG NIỆM

Tưởng Niệm Hương Hồn Các Nạn Nhân
Trang Yến Vy
< Thoáng chốc, câu chuyện thương tâm xảy ra trên biển Đông năm nào, nay đã trải qua 22 năm thật nhanh chóng. Thời gian dù khá lâu, nhưng cứ mỗi lần hồi tưởng lại chuyến vượt biển đầy gian lao nguy khó đi tìm tự do đó, lòng tôi lại thấy lại rất rõ ràng từng chi tiết tất cả chỉ mới xảy ra hôm qua, cùng với những cảm giác ớn lạnh, bồi hồi để rồi nước mắt tôi lại dễ dàng tuôn ra, cổ họng tôi lại dễ dàng cảm thấy như muốn nghẹn lại. Không biết tôi khóc vì thương cho thân phận lưu lạc tha hương của chính mình hay cho những linh hồn thuyền nhân năm xưa nay đã khuất ? 
Câu chuyện xảy ra hồi tháng 5 năm 1981, vào thời gian mà các cơ cấu hành chánh cũng như dân sự của bạo quyền Cộng sản đang rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm chongày lễ Lao Động, chuyện canh phòng nghiêm ngặt những chuyến chuyển người vượt biên có hơi lỏng lẻo thì cũng là lúc gia đình của chúng tôi đã phải vội vã và âm thầm chia tay nhau trong nước mắt. Bước chân tôi như có một sức mạnh vô tình trì kéo lại, khiến cho tôi không thể nào dễ dàng bước đi mà ngăn được những giọt nước mắt bùi ngùi, trong khi mẹ tôi cứ ghé sát bên tai tôi căn dặn đủ điều. 
Một lần ra đi là một lần cách biệt. Không biết rằng chuyến đi này có còn cơ hội để chúng tôi gặp lại được nhau hay là một lần chia tay là một lần cách biệt nghìn trùng. Tôi đứng tần ngần với hai hàng nước mắt trào ra làm nhoè nhoẹt tất cả các cảnh vật chung quanh lúc đó, hai tay tôi cứ níu chặt lấy cánh tay mẹ giống y như ngày đầu tiên năm nào, mẹ dẫn tôi đến trường học. Hình như mẹ tôi cũng đang khóc. Đôi mắt mẹ như tối lại với ngấn lệ lưng tròng. Mẹ tôi căn dặn tôi đủ điều trong lúc hai cánh tay của mẹ vòng ra như muốn ôm trọn lấy người tôi mãi mãi không muốn rời, càng làm cho tôi cảm thấy thương mẹ, cần mẹ hôn bất cứ lúc nào. Cho nên giây phút chia ly đầy nước mắt này, tôi mới thấy thấm thía câu tục ngữ ca dao mà tôi đã học ngày nào :
" Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..."

Nếu không vì những biến đổi độc tài khắt khe của nhà cầm quyền Cộng Sản nhằm đưa đẩy Miền Nam và cả nước vào con đường thụt lùi thoái hóa, đói khổ khốn cùng với một tương lai ngu dân cực kỳ đen tối, có lẽ bản thân tôi hoặc rất nhiều những gia đình khác đã không phải chua xót trải qua
những giờ phút chia ly đầy nước mắt như thế này và chắc chắn sẽ không bao giờ phải liều mình nhắm mắt, lao thân vào một chuyến vượt biển rẫy đầy những gian lao thử thách, một sống chín chết như chuyến đi định mệnh mà tôi đã trải qua, chắc chắn sẽ chẳng có một đấng cha mẹ đành lòng nuốt trôi niềm đau đớn, đành đoạn để cho những đứa con thân yêu nhất của mình phải ra đi mà không biết đến ngày trở về.

Trước ngày ra đi, biết bao đêm tôi đã âm thầm khóc hết nước mắt, biết bao ngày tôi ủ rũ chẳng còn thiết tha đến mọi việc chung quanh chỉ vì trong lòng tôi không hề muốn xa rời cha mẹ thân yêu của mình, không hề muốn mất đi những tháng ngày êm đềm thần tiên trong ngôi nhà ấm áp có cha mẹ, có chúng bạn thường tung tăng vui vẻ chơi đùa, chỉ vì nỗi lo sợ


cùng cực khi tôi nghĩ đến những ngày đêm lênh đênh một mình trên con thuyền vượt biên bé nhỏ mà không một ai có thể đoán chắc được số phận may rủi sẽ như thế nào. Quả là một chuyến đi đầy thử thách, rủi ro... Có nhiều đêm tôi trằn trọc không tài nào ngủ được. Tôi trăn trở với những ý tưởng đầy nguy hiểm đe dọa và những xúc cảm khi nghĩ đến không có mẹ không có cha bên cạnh một chuyến đi hãi hùng, đến nỗi, có lần tôi gục mặt vào lòng mẹ mà thổn thức :
- Mẹ ơi ! Con có thể không đi có được không mẹ?
Giọng nói của tôi đầy nức nở nghẹn ngào càng làm cho nỗi lòng mẹ tôi thêm tan nát. Mẹ òa lên khóc lớn hơn khiến cho bà cô của tôi hốt hoảng, cô tôi lên tiếng can thiệp :
- Không được ! Con phải ra đi vì đó là con đường 

tương lai của con đó !
Rồi cô tôi quay sang phía mẹ tôi, cô mắng khẽ :
- Chị phải bình tĩnh để cho cháu yên lòng ra đi...
Rồi tất cả mọi việc như đã an bài. Tôi không còn lòng dạ nào để yên ổn ngồi suy nghĩ vớ vẩn nữa. Chuyện gì phải đến sẽ đến. Dòng đời cứ thản nhiên đưa tôi đi tới những gì mà tôi sắp sửa phải đối diện. Ngày lên đường, tôi nghẹn ngào từ biệt cha mẹ gia đình để âm thầm bước chân cùng đi theo với những người khác.
Vào một đêm không trăng sao. Trời tối đen như mực. Tôi bước từng bước đi theo chân người đàn ông hướng dẫn, hồi hộp tận cùng bên cạnh những người thân yêu để vượt qua một cánh đồng trống. Vì lo sợ bị bại lộ, người đàn ông hướng dẫn chúng tôi dặn không ai được mang dép để nếu rủi ro có chuyện xảy ra thì mọi người có thể chạy thật nhanh. Nhóm người cùng đi với chúng tôi cùng lặng lẽ rảo bước theo nhau trong đêm tối, vụt qua những hào hố gập ghềnh, những cành cây khô đầy gai góc.


Hai bàn chân tôi dẫm lên không biết bao nhiêu lần những chông gai đau đớn, những mảnh sành cắt đứt từng vết dưới lòng bàn chân rướm máu để cuối cùng thì nhóm người của chúng tôi cũng tới được điểm hẹn. Những đau đớn và phập phồng lúc bấy giờ tuy có ghê gớm thật nhưng cũng chưa thấm thía gì so với những lo sợ vô vàn khi trước mặt tôi là một đại dương mênh mông đang ầm ì tiếng sóng mà tôi biết Chắc chắn rằng, rồi đây, không bao lâu nữa, số phận của chúng tôi sẽ phải giao phó cho một định mệnh không biết may rủi sẽ như thế nào sẽ như thế nào, chúng tôi sẽ may mắn tìm đến được bến bờTự Do hay sẽ vùi chôn xác trong lòng đại dương giá lạnh này. Tất cả cũng vì hai chữ TỰ DO.


Chiếc ghe vượt biển với một kích cỡ dự liệu chỉ vừa đủ cho khoảng 60 người. Nhưng cuối cùng, lại phải trở thêm tới hai mươi người "căn me"(tức là những người vượt biên không trả tiền ) nữa. Con số thặng dư này tạo rất nhiều xáo trộn trong lúc chuyển người lên ghe, khiến cho chủ tầu rất hoang mang và lo sợ.

Trong khi đó, lại vừa có một chiếc tầu tuần tiễu duyên phòng đi kiểm soát, càng khiến cho không những chủ tầu mà tất cả chúng tôi đều rất lo sợ công việc sẽ bị bại lộ, số phận tù đày cực khổ đã hiện ra trong đầu. Chiếc tầu tuần duyên chạy xình xịch chậm chạp và chiếu đèn rọi vào về phía chúng tôi. Tất cả mọi người đều lo sợ phập phồng và sẵn sàng để bị bắt. Nhưng dường như có một phép lạ vô cùng nhiệm mầu, khiến cho chiếc tầu tuần duyên đã không nhìn thấy chúng tôi. " Nó" đã chạy qua chỗ chiếc ghe vượt biên của chúng tôi, để lại những vệt sóng trắng xóa nhấp nhô trên con kinh nước chảy bâp bềnh.


Chiếc ghe của chúng tôi nhẹ nhàng chuyển mình rời bến đậu, từ từ vượt sóng tiến vào biển khơi. Qua được một đêm một ngày, chiếc ghe đã ra tới hải phận. Tôi ngoảnh mặt nhìn lại phía sau, chỉ thấy một chân trời mênh mông xa tắp, không hề nhìn thấy bến bờ xóm làng.
những ánh chớp cắt ngang lưng trời, tiếp theo là tiếng sấm, tiếng sét kinh hồn tỏa ra trên lòng biển đêm đen tăm tối. Cơn bão nhiệt đới kéo tới dập vùi con thuyền bé nhỏ của chúng tôi trong đêm đen đầy đe dọa. Từng đợt sóng lớn đánh mạnh xuống, làm cho thân ghe vặn vẹo tròng trành như muốn lật úp trên mặt đại dương đang đùng đùng dậy sóng. Mọi người trên ghe thất kinh thì thầm van vái Phật Trời...

Bỗng cả tầu kinh hoảng hơn nữa khi chúng tôi phát giác ra chiếc ghe bị ngập nước sắp chìm. Tất cả những người đàn ông trên ghe thay phiên nhau tát nước. Nhưng tình trạng không có dấu hiệu khá hơn. Cuối cùng, chúng tôi phải chọn giải pháp chỉ để lại trên ghe một can xăng với một can nước uống. Kỳ dư tất cả những vật dụng cá nhân đem theo đều được bỏ xuống mặt biển cho chiếc ghe nhẹ
hơn, mới mong vượt qua được cơn bão thập tử nhất sinh này và mạng người mới hy vọng được bảo đảm.


Sau khi mọi thứ đã được bỏ lại trong lòng đại dương, chiếc ghe mới lướt qua được từng đợt sóng cho đến sáng ngày hôm sau, chúng tôi mới thực sự thoát khỏi nanh vuốt đầy thịnh nộ của thủy thần. Đến lúc này, biển lặng sóng êm trở lại, những người trên ghe chúng tôi mới cảm thấy vừa đói, vừa khát vừa giá lạnh vô cùng. Cái lạnh đã thấm nhập vào tận mỗi tế bào của da thịt nhưng chúng tôi có còn gì đâu để mà giúp cho thân thể được ấm áp ngoài những lời cầu kinh và những điều tha thiết khấn vái. Phản ứng của tất cả mọi người chúng tôi là đi lục lọi tìm lại chút lương khô nào đó may ra còn sót lại. Nhưng hỡi ơi ! Tất cả gói to gói nhỏ mà chúng tôi

mang theo bên mình đều đã quăng xuống biển trong đêm hết cả, để rồi giờ đây chỉ còn biết nhìn nhau ngậm ngùi chia xẻ từng cơn đói khát và giá lạnh. Giờ đây gia tài còn lại của tất cả chúng tôi chỉ là một ít gạo và một can nước, chỉ đủ nấu cháo để cùng chia ra mỗi người được nửa chén cầm hơi mà níu kéo sự sống qua thêm được một ngày.
Đêm thứ ba lại đến trên mặt biển đen vô tình tiếng sóng vỗ bì bạch vào thân ghe như tiếng ma quái đe dọa, khiến tôi đã sợ lại càng thêm sợ phập phồng khi nghĩ đến những câu chuyện linh thiêng của những người đi biển trước đây kể lại. Từng cơn đói khát lạnh lẽo dậy lên hành hạ khiến cho tôi liên tưởng tới mái ấm gia đình với cha mẹ và những bữa cơm no lòng, Với những đêm ngày ấm áp trong vòng tay thương yêu
bao bọc của cha mẹ, của làng xóm quê hương thân thiết. Không biết trong lúc này cha mẹ của tôi, các anh em của tôi có thể biết rằng tôi đang phải chịu đựng từng cơn đói khát lạnh lẽo cùng với biết bao lo sợ vô hình đến có thể lả người đi được.
Trong cơn mê đồng thiếp đó, bên tai tôi bỗng nghe có tiếng ai đó khóc than nghe thật não lòng ai oán ! Tôi vội lắng tâm nghe ngóng, nhận ra được có cả tiếng khóc bi thiết của trẻ thơ. Rồi những tiếng khóc đó mỗi lúc như mỗi xa dần, chỉ còn lại lãng đãng tiếng mõ cầu kinh. Tôi cho rằng, rất có thể chiếc ghe của chúng tôi đã trôi dạt và tới được một vùng đất liền nào đó. Tôi định lên tiếng hỏi người bên cạnh thì bỗng có tiếng của một thanh niên :
- Bà con ơi ! Chúng ta đã tới được Thái Lan

rồi...Có ai nghe tiếng gõ mõ tụng kinh không?
Tôi và mọi người cùng xác nhận :
- Có...!
Trả lời xong câu hỏi thì bọn con gái chúng tôi bỗng trở nên lo lắng khi liên tưởng tới thảm cảnh sẽ gặp, nếu chiếc ghe của chúng tôi trôi ngang qua hải phận Thái Lan và với lứa tuổi 17, 18 như tuổi của tôi thì chắc chắn không thoát khỏi bọn chúng. Theo phản ứng tự nhiên, tôi liền lấy nhớt đặc trên ghe để trét kín lên khuôn mặt của mình để bọn hải tặc Thái Lan khó lòng nhận diện, may ra thoát được tai nạn.


Tuy nhiên với anh tài công thì mọi việc lại không phải như chúng tôi đang lo nghĩ. Anh là người nắm chiếc la bàn đi biển trong tay, cho nên anh biết chiếc ghe của chúng tôi không đi về hướng Thái Lan. Với nhiều năm kinh nghiệm đi biển, hiểu rõ các hiển linh trên biển cả, với
những oan hồn uổng tử vùi thây trong lòng biển lạnh để rồi hiển linh báo mộng, cho nên anh tài công ôn tồn khẳng định :
- Bà con nên giữ bình tĩnh, ngồi yên một chỗ, đừng hoang mang di động quá rất dễ bị lật ghe. Chúng ta hiện còn xa đất liền . Ai là người Công Giáo thì hãy đọc kinh. Ai là người Phật Giáo thì cũng cầu siêu cho các oan hồn uổng tử còn đang vất vưởng trên mặt biển khơi.


Nghe đến đây, tôi muốn thét lên vì sợ. Nhưng tôi kịp trấn tỉnh, quay sang ôm cứng lấy người bên cạnh. Chúng tôi chẳng ai bảo ai cùng khóc thương cho những con người bất hạnh, những đồng bào ruột thịt của chúng mình đã vùi thân trong lòng biển lạnh cũng chỉ vì hai chữ Tự Do. Trên ghe chúng tôi phần nhiều là người Công Giáo cho nên chúng tôi cùng bảo nhau đọc kinh khấn nguyện, và

cầu siêu cho các linh hồn chết oan uổng trên mặt biển này.
Vì quá chăm chú cầu nguyện, cầm lòng cầm trí khấn khứa cho các linh hồn, nên tôi không biết những tiếng khóc ỉ ôi trên mặt biển vắng đã chấm dứt từ lúc nào. Chúng tôi chỉ thấy rằng, sau đó chiếc ghe trở chúng tôi đã như có một phép mầu nhiệm làm cho chạy rất nhanh và rất êm ái như đang lướt đi trên sông vắng để cuối cùng, vì đói, vì khát, vì lạnh quá mọi người đều thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn nhưng đầy sự bình an một cách kỳ lạ, cho đến khi những tia nắng ấm, êm dịu chiếu xuống chiếc ghe xơ xác của chúng tôi làm mọi người lúc bấy giờ mới bừng tỉnh giấc...Nắng ấm chan hòa khiến cho lòng tôi thêm an tịnh và thân thể cảm thấy khoẻ khoắn hơn.
Mọi người đã có thể nhìn nhau với nụ cười gượng gạo

đầy tình thân chia xẻ. Chúng tôi cùng nhìn ngắm từng bầy cá Heo như đang chia xẻ niềm vui vô tình. Chúng nhảy lên từng đợt theo hướng chiếc ghe đang chạy tới.
Cho đến giữa trưa, khi ánh nắng đã chan hòa trên mặt biển như không hề có chuyện gì thì bỗng nhiên có một chiếc tầu Anh xuất hiện. Chúng tôi đồng loạt la hét ầm ĩ cùng với dải khăn trắng có viết sẵn chữ S.O.S được giăng lên. Chiếc tầu Anh đã cặp sát tới cạnh chiếc ghe mong manh bé nhỏ của chúng tôi với một chiếc thang dây thả xuống để cho tất cả chúng tôi lần lượt được đặt chân lên chiếc tầu sắt to lớn đầy vững chãi mang ký hiệu của nước Anh đầy thân ái, đã ra tay cứu vớt chúng tôi từ một chiếc ghe vượt biển bé nhỏ như một chiếc lá giữa dòng biển rộng mênh mông đầy bất trắc hãi hùng.
Chúng tôi được
những người trên chiếc tầu Anh đón nhận một cách đầy tình người với những bữa ăn nóng hổi thịnh soạn mà tất cả chúng tôi, có lẽ chưa từng ai được hưởng kể từ khi Cộng sản vào chiếm Miền nam yêu dấu. Chúng tôi đứng trên boong của con tầu nhân đạo đưa mắt nhìn vào lòng biển rộng dưới kia, thấp thoáng trong ánh nắng rực rỡ chói lòa trên làn nước bạc là chiếc ghe bé nhỏ đã cưu mang, bảo bọc sinh mạng chúng tôi trong suốt mấy ngày nguy lao gian khó vừa qua. Chúng tôi chỉ biết ngửa mặt thầm tạ ơn Chúa Phật đã ban cho chúng tôi có được cơ may thoát hiểm. Nếu không có chiếc tấu Anh ra tay cứu vớt, không biết rồi sẽ ra sao, số phận chúng tôi rồi sẽ đi về đâu trong lòng biển cả vô tình...
Sau bao nhiêu năm dài sống trên vùng đất tự do no ấm, của cải dư đủ
thừa mứa, không biết trong chúng ta, có ai còn nhớ lại lời hứa khi chúng ta còn đang ngụp lặn trong mênh mang mưa bão và đói khát với gian nguy, với hàng vạn nỗi kinh hoàng?


Giờ đây, chúng ta hãy thắp lên một nén hương trầm để tưởng niệm những hương hồn của các thuyền nhân đã chìm sâu thân xác trong lòng biển lạnh năm xưa. Cầu mong cho các vong linh bất hạnh khốn khổ đó sớm siêu thoát vinh thăng, sớm được yên nghỉ trên đất nước trời. Những vong linh vì hai chữ Tự Do đã nói lên đầy ắp sự can trường bất khuất, chẳng khác gì các vị anh hùng hào kiệt rất xứng đáng được ghi danh vào trang sử của dân tộc Việt Nam vào thời kỳ biến động với cuộc hành trình biển Đông xảy ra có một không hai trong lịch sử của thế gian cũng như giống nòi, để cho các thế hệ sau này có thể biết được chiến sử hào hùng của những anh hùng vượt chết đi tìm Tự Do trên biển cả, với ước vọng mưu cầu nhân quyền dân chủ và cơm no áo ấm cho toàn dân mà hiện nay còn đang bị Cộng Sản Việt Nam chiếm đoạt. Cũng còn là một phương pháp ngăn chặn áp bức, những nghiệt ngã điên cuồng mà những người Cộng Sản với guồng máy độc ác đang cai trị trên quê hương yêu dấu của chúng ta.


Cầu xin các vong linh của những thuyền nhân Việt Nam đã vùi thây trong lòng Biển Đông hoang lạnh năm nào hãy về đây chứng dám cho tấm lòng của những đồng bào thân yêu đang tha thiết khấn nguyện và tưởng niệm về nỗi bất hạnh mà các hương linh này đã phải trải qua.
Cali, 4/2/03
 (Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông)


ĐỖ QUỐC ANH THƯ * OAN HỒN NGƯỜI TÙ CẢI TẠO

OAN HỒN NGƯỜI TÙ CẢI TẠO

;OAN HỒN NGƯỜI TÙ CẢI TẠO Khoảng đầu thập niên 1970, trong giáo xứ Xuân Hiệp thuộc tỉnh Long Khánh, hầu như ai cũng biết anh Lê Cảnh Bộ. Anh là người hiền lành, chất phác, tính tình dễ thương và có khuyết tật chân đi khập khiễng.

Vì nhà nghèo, nên sau khi học hết lớp 12, anh phải đi làm. Khi đến Xuân Hiệp định cư, anh may mắn, được tuyển chọn làm giáo viên, dạy ở trường tiểu học tư thục của xứ đạo này. Chắc hẳn, nhiều phụ huynh học sinh trường tiểu học Xuân Hiệp còn nhớ, anh Bộ lập gia đình với chị Lan, cô giáo viên xinh đẹp, cùng nghề dạy học với anh.

Phần tôi, khi nhắc đến chuyện cũ, ngoài nỗi đau thương, tôi không thể nào quên được kỷ niệm êm đềm hôm anh Bộ đến nhà, ngỏ ý xin bố tôi làm cha đỡ đầu khi anh theo đạo Công Giáo. Nhất là hình ảnh dễ thương của hai cháu bé Bình và Ban, con của anh Bộ và chị Lan.

Nhờ có liên hệ gia đình thân mật, nên tôi biết rõ chuyện oan khiên và vô cùng đau thương của anh Bộ sau ngày Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam — đúng như thi sĩ Khuyết Danh đã viết:

Hạnh phúc, miền mơ, nhân phẩm, luân thường

Đảng đến là tan nát tất cả!

Nhớ lại thời xa xưa. Vào khoảng đầu năm 1969, sau khi bố tôi được giải ngũ, ông mang gia đình đến Long Khánh định cư. Nhưng vài năm sau, nhờ có chút ít vốn liếng, bố tôi mua đất ở Xuân Hiệp, lập xưởng cưa cây, cung cấp vật liệu xây cất nhà cửa.

Thật ra, Xuân Hiệp là 'vùng đất mới' do chương trình 'khai hoang lập ấp' của chính phủ VNCH — mở rộng việc cấp phát ruộng đất cho dân nghèo, đặc biệt là dân miền Trung chạy giặc vào đó định cư, sau trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

'Vùng đất mới' này có 4 ấp, thường gọi là Ấp 1, 2, 3 và Ấp 4, nằm sát bên Quốc Lộ 1, đoạn đường từ ngã ba Dầu Dây đi ra thị xã Phan Thiết.

Thời đó, dân cư ở đây đều có cuộc sống, tương đối tạm ổn. Nhưng không ngờ, Tháng Tư Đen 1975 ập đến quá nhanh. Nhiều người ở Xuân Hiệp, tìm đủ mọi cách đi lánh nạn Việt Cộng. Nhiều người khác, có lẽ vì bản chất hiền lành, chấc phác, hoặc là chưa có kinh nghiệm với VC, nên lầm tưởng cho rằng, không có điều gì phải lo sợ khi VC cầm quyền!

Như anh Bộ chẳng hạn. Anh chủ quan, nghĩ mình chỉ là giáo viên tiểu học của giáo xứ nghèo, nhất là không hề tham gia bất cứ việc gì của chính phủ VNCH thì có gì mà phải sợ hãi? Vả lại, anh bị khuyết tật bẩm sinh, chân cao chân thấp. Khi nhìn thấy vẻ mặt hiền lành, chân đi khập khiễng, không ai nỡ lòng hại anh.

Còn bố tôi, sau ngày miền Nam thất thủ thì tự an ủi cho rằng, ông đã già yếu và giải ngũ từ lâu thì không có gì mà phải e ngại!

Đồng thời, dư luận hồi đó bàn tán xôn xao về chuyện 'hoà hợp hòa giải' — ghi trong hiệp định Ba-Lê 1973 mà VC đã ký kết. Nên gia đình tôi cùng hàng triệu người khác tin tưởng, không có ai bị VC trả thù.

Thế nhưng, sự việc xẩy ra sau Tháng Tư Đen 1975 hoàn toàn trái ngược: Hàng trăm ngàn Quân Nhân, Công Chức và Cảnh Sát VNCH bị VC đầy đọa dã man trong ngục tù 'cải tạo', trong khi dân chúng bị xô đẩy vào thảm cảnh lầm than, nghèo khổ, ngày đêm lo sợ công an hạch hỏi. Ách cai trị Mác-Lênin sắt máu hơn ách cai trị thời Pháp thuộc bội phần.

Chứng cớ rõ ràng nhất là thời Pháp thuộc, mặc dù thực dân thâm độc, nhưng dân Việt vẫn được mua bán thực phẩm tự do, không hề có quỷ kế 'cai trị bằng bao tử' qua 'sổ hộ khẩu' như thời VC.

Hơn nữa, việc sử dụng bạo lực thời xưa qua hệ thống công an chìm và nổi, không thấm vào đâu so với thời VC. Hầu như ai cũng biết, hiện thời "Công An Nhân Dân" nắm quyền sinh sát 'nhân dân' trong tay. Nên bọn chúng coi mạng sống 'nhân dân' rẻ như bèo. Chuyện công an VC đánh đập, bắt bớ, tống giam, tra tấn, thủ tiêu, hối mại quyền thế, giết người vô tội v.v. đều là chuyện 'bình thường' trong thời XHCN.

Gần gũi nhất là gia đình tôi cùng dân cư ở Xuân Hiệp, ngày đêm bị bọn 'công an nhân dân' hăm dọa, khủng bố tinh thần, hạch hỏi đủ điều. Sau khi VC 'đánh tư sản' thì gia đình tôi trắng tay. Tài sản bị chúng cướp hết, chỉ còn vài rẫy đất để trồng trọt mà sống qua ngày.

Quý vị cao niên từng sống ở Xuân Hiệp, chắc hẳn còn nhớ khu vực này đặt dưới quyền cai trị của bọn công an từ miền Bắc vào, nói giọng Nghệ An, tên đầu xỏ là Trần Đắc.

Bọn này nắm quyền sinh sát dân cư trong tay. Suốt ngày đêm, chúng rình mò, hạch hỏi tất cả các sinh hoạt của từng người. Hễ ai bị tình nghi, hoặc bị chúng ghét thì thể nào cũng có ngày khốn đốn. Thông thường là bị chúng bắt giam, tra tấn, hoặc thủ tiêu.

Tuy nhiên, câu chuyện về anh Bộ xẩy ra - trước lễ Giáng Sinh năm 1975 khoảng vài tuần lễ – làm nhiều người ngỡ ngàng: Anh là người hiền lành như “thóc với khoai” mà cũng bị bọn ác ôn buộc tội là “phản động, cần đi học tập cải tạo”.

Tôi còn nhớ mấy ngày đầu, sau khi anh Bộ bị bắt thì cả Ấp 1 hoang mang. Người nói thế này thế khác. Trong khi đó, bố tôi buồn bực, thở vắn thở dài. Mấy hôm sau, ông mới nói nhỏ cho gia đình biết, anh Bộ bị bắt chỉ vì chị Lan.

Mặc dù đã có hai con với anh Bộ, nhưng chị Lan vẫn còn trẻ đẹp. Vì có nhan sắc, nên chị lọt vào đôi mắt cú vọ của “thằng khốn kiếp”. Đó là biệt danh mà dân cư Ấp 1 thường dùng khi nói chuyện với nhau về Trần Đắc –kẻ tàn ác nhứt khu vực Xuân Hiệp.

Đúng là như vậy. Ngay sau khi anh Bộ đi tù thì Trần Đắc đến nhà chị Lan thường xuyên. Khi thì gã hạch hỏi. Khi thì gã dụ dỗ hoặc dọa nạt chị Lan. Nhiều lần chị Lan sang nhà tôi sụt sùi khóc, rồi than thở hết chuyện này đến chuyện kia. Nhưng trong chế độ VC, ai cũng sợ hãi, không giúp chị được điều gì ngoài mấy lời an ủi.

Thế rổi, khoảng 5, 7 ngày sau, tên Trần Đắc trâng tráo, dọn đến ở trong nhà chị Lan. Đây là căn nhà rất khang trang trong xóm. Ngay khi biết chuyện này, cả nhà tôi cảm thấy buồn bực, rồi phẫn uất. Nhất là bố tôi. Phần vì thương anh Bộ và chị Lan. Phần vì căn nhà này, được tạo dựng là do tiền bạc và công sức của ông khi nhận làm cha đỡ đầu cho anh Bộ.

Từ đó, chị Lan có ý xấu hổ. Nên chị lẩn tránh họ hàng, nhất là bố mẹ tôi. Chắc là chị bị kẻ vô luân “hủ hóa”? Tình cờ gặp ai ở nhà thờ, chị tỏ vẻ thẹn thùng. Đôi mắt chị u sầu như đang ngấn lệ. Gia đình tôi và họ hàng đều thương cảm.

Thật sự, chị Lan chỉ là nạn nhân, không có gì đáng trách. Chuyện ghê tởm, can tội ác phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, chính là tên Trần Đắc và đồng bọn công an “ác ôn côn đồ” trong khu vực.

Đây là bằng cớ cụ thể lần thử 1001 cho thấy, sau khi chiếm trọn miền Nam năm 1975, bọn chóp bu VC đã ngấm ngầm 'bật đèn xanh' cho thực hiện quỷ kế 'Hoa Hồng Đỏ' — Vừa để trả thù 'Ngụy Quân, Ngụy Quyền, Ngụy Dân', vừa để 'thưởng công chiến thắng' cho 'bộ đội', công an và 'cán bộ' hành chánh:

Hễ thấy gia đình nào ở miền Nam có thiếu nữ trẻ đẹp thì bọn chúng sử dụng mọi cách để dụ dỗ, lường gạt, hoặc dọa nạt. Dã tâm là chiếm đoạt, hay hủ hoá các cô gái độc thân. Nhất là phá hoại gia đình các thiếu phụ trẻ, có chồng trong ngục tù ‘cải tạo'.

Khi kể lại chuyện này, tôi không quên được thảm cảnh của hai cháu bé Bình và Ban. Trong khi cha đi tù thì mẹ bị tên Trần Đắc ‘hủ hoá‘. Hai cháu sống trong căn nhà, do ông cha dựng lên mà bị bạc đãi thảm thương. Vì bữa no bữa đói, nên hai cháu gầy gò, mặt xanh như lá cây, thường hay sang nhà tôi đòi ăn. Trong xóm thì ai cũng biết, chị Lan bất lực khi hai cháu bị tên Trần Đắc mắng chửi, dọa nạt và nhiều lần phạt không cho ăn. Cuối cùng, chúng bỏ học sang ở bên nhà tôi ‘tỵ nạn‘.

Trong thời gian này, chị Lan còn bị tên Trần Đắc cấm, không cho đi 'thăm nuôi' anh Bộ. Vì vậy, chị mới lén lút, nhờ thân nhân gởi quà cho anh ấy. Không may, chỉ được vài lần thì bại lộ. Nên chị bị tên Trần Đắc hành hung và hăm dọa, nếu tái phạm thì sẽ phải ‘đi học tập cải tạo’.

Chuyện bất hạnh trong gia đình tôi không ngưng ở đó. Phần kế tiếp diễn ra còn bi thảm hơn trước nhiều lần. Giữa đêm khuya, bọn công an VC đến gõ cửa, xông vào nhà bắt bố tôi và hai người anh. Cả nhà tôi hoảng hốt, gào khóc thảm thương.

Thế là gia đình tôi tan nát thêm lần nữa. Hai cháu bé, chưa hết nhớ cha, lại thêm nhớ ông nội. Ngày nào chúng cũng thay phiên nhau hỏi:

"Khi nào ba cháu về"? "Khi nào ông nội về"?

Buồn thê thảm nhất là mẹ tôi. Lúc nào bà cũng lo sợ cho tính mạng của chồng con, không biết VC đầy đoạ ở đâu và đến khi nào, chúng mới thả về.

Khoảng nửa năm Sau, mẹ tôi phải làm ’thủ tục đầu tiên', có nghĩa là 'thủ tục tiền đâu', hối lộ cho công an thì bọn chúng cấp giấy phép và cho biết thân nhân mình ở trại tù nào để đi ’thăm nuôi’.

Không lâu sau, ngoài chuyện mừng mừng tủi tủi — khi đến thăm thân nhân nơi ngục tù 'cải tạo’ – bản thân tôi cũng gia đình, liên tiếp sa vào đại họa, kể cả mấy lần tang gia bối rối. Tôi xin miễn tiến sâu vào chi tiết của những chuyện đau thương này, vì e ngại là 'tràng giang đại hải' và 'lạc đề'. Nên tôi chỉ cô đọng trong câu chuyện về anh Bộ mà thôi.

Thật là tội nghiệp cho anh ấy. Chỉ vì có cô vợ trẻ đẹp và căn nhà khang trang mà bị đầy đọa trong trại ngục tù Bù Gia Mập, tỉnh Phước Long, suốt 4 năm trời.

Khi trở về nhà, vóc dáng anh Bộ, tương tự như bố tôi – được thả trước anh vài tháng: Cả hai người đều đen thui, đôi mắt trũng sâu, gầy yếu đến nỗi chỉ còn da bọc xương.

Tuy nhiên, thương tâm nhất vẫn là anh Bộ. Tôi nhớ mãi hình ảnh anh lúc đến nhà tôi: Anh vừa đi khập khiễng, vừa đưa tay lên lau nước mắt. Khi gặp bố tôi và hai cháu bé, anh khóc nức nở.

Sau đó, anh vừa sụt sùi, vừa kể lại chuyện tàn nhẫn vừa mới xẩy ra. Cả nhà tôi chăm chú lắng nghe, trong lòng xót thương khôn tả.

Từ ngục tù 'cải tạo' trở về, anh Bộ vừa nhìn thấy mái nhà xưa thì mừng mừng tủi tủi, vội vàng bước vào tổ ấm để gặp lại vợ con. Nhưng hỡi ơi! Sự thật phũ phàng, không ngờ hiện rõ trước mắt anh: Tên Trần Đắc đang 'thân mật' ngồi ôm chị Lan, nghe radio trong phòng khách. Vừa nhìn thấy anh Bộ, hắn hùng hổ đứng lên, quát mắng:

“Ai cho mày vào đây? Thằng què ... thằng phản động này... tại sao không gõ cữa” ?

Dứt lời, hắn lại còn vênh mặt hống hách, đuổi anh Bộ ra khỏi nhà và cấm không cho anh bén mảng đến đó nữa! Chuyện này làm cả nhà tôi vừa uất hận, vừa đau lòng. Bố tôi nắm tay anh Bộ an ủi liên tục. Cuối cùng, ông bảo:

"Thôi thì...con ở đây với bố mẹ... Đói no gì, cứ ở đây, phụ làm rẫy mà nuôi hai đứa nhỏ, giả đui giả điếc mà sống... ".

Thú thật, khi kể lại câu chuyện oan khiên của anh Bộ đến đây, tôi vẫn còn cảm thấy thương tâm, nên vừa viểt vừa lau nước mắt. Tôi còn nhớ, sáng hôm sau ngày trở về, anh Bộ lại phải đến văn phòng công an 'làm việc'. Mặc dù anh có 'Giấy Ra Trại', nhưng anh vẫn là người tù 'cải tạo' – vì bị giam lỏng trong tình trạng 'quản chế ' 12 tháng.

Là người dân quê hiền lành, chất phác, anh Bộ âm thầm chịu đựng. Đêm thì khóc thầm. Ngày thì im lặng. Anh nương náu bên cạnh bố tôi, đi vào khu rẫy cũng với hai cháu bé, cuốc đất trồng bắp, trồng đậu.

Thế nhưng, ‘họa vô đơn chí'. Một hôm, Sau khi anh Bộ đi làm ở ngoài rẫy, đến chiều tối không thấy anh về thì cả nhà mong chờ. Hôm ấy bố tôi làm ở khu rẫy khác. Sau khi về nhà thì ông lầm tưởng là anh Bộ ngủ đêm ở rẫy để canh chừng, sợ kẻ trộm đến bẻ bắp, đào đậu. Vì dạo ấy, dân cư Ấp 1 thường rủ nhau cất chòi bên cạnh rẫy và ngủ lại trong đó để canh chừng mỗi khi hoa màu sắp đến kỳ thu hoạch.

Sáng hôm Sau, ra ngoài rẫy tìm kiếm, bố tôi không thấy anh Bộ đâu. Ông hoảng sợ, đi từ nơi này đển nơi khác hỏi thăm những người làm rẫy nhưng không ai thấy anh Bộ ở nơi nào. Bố tôi vội vàng vể nhà báo tin, khiến cả gia đình lo sợ. Hai cháu bé gào khóc, rồi ngây thơ hỏi:

"Ông nội ơi... ba cháu đi đâu rồi. Sao không...thấy ba cháu về"?

Nghe tiếng trẻ thơ gào khóc, bố tôi càng thêm đau lòng. Cả đêm hôm ấy ông thao thức, không sao ngủ được. Đến sáng hôm Sau, hai cháu lại khóc. Bố tôi bí thế, buộc lòng phải nói dối chúng để cho yên chuyện:

"Ba cháu về Sài Gòn, xin dạy học vì làm rẫy cực quá. Ba cháu yếu đuối, không làm nổi ".’

Nhờ vậy, hai cháu bé ngưng khóc. Nhưng rồi, chiều nào chúng cũng hỏi:

"Chừng nào ba cháu về|

Khoảng hơn tuần lễ trôi qua. Bố tôi tiếp tục, đi thăm hỏi khắp xóm Xuân Hiệp, kể cả chuyện đến phòng công an báo cáo, nhưng chuyện về anh Bộ vẫn “biệt vô âm tín”

Khoảng chừng mươi ngày sau, giữa đêm cháu Bình đang ngủ thì vùng dậy, rồi chạy qua, leo lên giường bố tôi. Nó nằm cạnh bên ông, rồi nói:

"Ông ơi, cháu nằm mơ, cháu gặp ba cháu".

Bố tôi nghĩ rằng, cậu bé nhớ ba nó quá độ, nên nằm mơ. Ông an ủi:

"Cháu nằm mơ vậy là ba sắp về rổi đó”.

Cậu bé yên tâm, rổi về giường nó ngủ tiếp. Đêm hôm sau, nó lại chạy qua giường, gọi bố tôi dậy, rồi nói:

"Ông ơi, cháu lại mơ thấy ba cháu nữa, nhưng mà mặt ba cháu ghê lắm, toàn máu không hà"!...

Bố tôi sợ hãi, ngổi dậy. Ông cho rằng, đó là chuyện báo mộng, xuất phát tâm linh cho thấy chuyện bất hạnh. Ông xót xa, ôm cháu bé trong vòng tay, rồi nghĩ ngợi miên man. Đển sáng hôm sau, Ông nói với nó rằng:

"Tối nay trước khi ngủ, cháu cầu nguyện rằng, ba ơi, ba đang ở đâu, ba cho con biết để con với ông nội đi tìm ba..."

Trước khi lên giường ngủ, cháu Bình làm theo với lời cầu khẩn.

Ngày hôm sau, cháu Ban ở nhà với mẹ tôi. Còn cháu Bình đi theo bố tôi lên rẫy phụ nhổ cỏ. Đến khi chiều tàn, hai Ông cháu bẻ bắp đem về để luộc cho că nhà ăn. Hồi đó, cả nhà tôi, ngày ăn hai bữa, chỉ có bắp, hay đậu phụng, khoai lang, hoặc khoai mì, họa may mới có bữa cơm trộn lẫn với bo bo.

Năm ấy, cháu Bình chưa tới 10 tuổi, nhưng phải làm lụng vất vả. Nhờ tính tình giống anh Bộ, cậu bé biết chịu đựng khổ cực và nhanh nhẹn hết sức. Thường ngày, hai tay nó xách hai giỏ bắp, mỗi bên chừng 10 trái mà đi thoăn thoắt.

Chiều hôm ấy, trên đường về nhà, cháu Bình theo bố tôi, đi qua cây Bằng Lăng - mốc ranh giới giữa hai phần đất khác nhau – khoảng mươi bước. Bỗng dưng nó vấp ngã thì gọi bố tôi:

"Ông nội ơi..... cháu té.

Bố tôi đang vác cuốc đi trước, nghe thấy tiếng gọi thì quay lại rầy la nó:

"Thủng thẳng mà đi, chạy chi rồi vấp té".

Cậu bé không cãi lại mà vội vàng, cúi xuống lượm mấy trái bắp cho vào giỏ rồi đi tiếp. Ngày hôm sau, cũng ngay chỗ ấy. Thêm lần nữa, nó không vấp vào cái gì, nhưng không hiểu sao lại bị té, bắp trong giỏ đổ tung, ngay chỗ cũ hôm qua. Nó lại gọi:

"Ông ơi.... chờ cháu với.

Bố tôi quay lại mắng cậu bé:

"Bộ con mắt cháu để sau ót hay sao? "

Lần này cậu bé cũng không nói gì. Như lần trước, nó lượm bắp cho vô giỏ rồi tiếp tục đi. Còn bố tôi thì bắt đầu hoài nghi. Nên sang ngày thứ ba, vào lúc xế chiều, trong khi bẻ bắp thì bố tôi nói với cháu bé:

"Hôm nay ông xách phụ cháu xem cháu còn té nữa không nghe?".

Cháu Bình cười, nhìn ông nội:

"Chắc cháu không té nữa đâu".

Nói xong, cậu bé cùng với bố tôi, dồn tất cả bắp vào cái giỏ lớn để mỗi người xách một bên, mang về nhà. Riêng bố tôi thì có thêm cái cuốc, vác trên vai.

Thật lạ lùng, không hề có khúc cây nào. Không hề có cục đá nào. Không hể có chướng ngại vật nào trên đường mà cậu bé bỗng dưng lại vấp ngã. Không những thế, nó ngã xuổng đúng chỗ cũ. Vì lần thứ ba, nên nó bực bội và tỏ ý thắc mắc, không hiểu tại sao cứ ngã ngay đúng chỗ này? Mặc dù e ngại bố tôi quở mắng, nhưng lúc ấy nó khóc rống lên, rồi hỏi bố tôi:

".... Ông ơi ông!...Sao cháu... ngã ở đây hoài vậy"?

Tự dưng bố tôi cảm thẩy rợn tóc gáy. Trong lúc ông quay lại, đỡ nó đứng lên thì cả người ông nổi da gà khi nhớ đến điềm báo mộng của cháu Bình hôm trước.

Thật ra, điềm báo mộng thuộc lãnh vực tâm Iinh, hiển nhiên là huyền bí, nên có người tin, có người không. Nhưng khi kể lại câu chuyện thật về nỗi oan khiên của anh Bộ, lương tri bắt buộc tôi phải tôn trọng, thuật lại những sự kiện xẩy ra mà tôi được biết

Vì bố tôi tin tưởng vào điềm báo mộng, nên ngay đêm hôm đó, sau khi hai cháu bé lên giường ngủ, ông đển gặp mấy ngưõi bạn thân trong xóm. Sau khi ông trình bày đầu đuôi câu chuyện huyền bí kể trên thì ai cũng đoán là anh Bộ bị bọn ác ôn giết, rồi chôn vùi đâu đó. Giả thuyết này làm bố tôi rùng mình nhớ đến thảm cảnh oan khiên thật sự của hàng ngàn lương dân đã bị VC bắn chểt tại chỗ, hay bắt đem đi chôn sống ở nhiều nơi trong thành phố Huế hồi Tết Mậu Thân 1968.

Thế rồi, đợi qua nửa đêm khuya, trong khi mọi người đã ngủ say, bố tôi cùng mấy người bạn trong xóm, âm thầm mang cuốc, xẻng, đi ra rẫy trồng bấp. Dưới ánh trăng sáng, khi đi đến cây Bằng Lăng thì mỗi người một chỗ, bới đất lên tìm kiểm xem có vểt tích, hay vật liệu nào khả nghi không?

Một lúc lâu sau, bỗng dưng có tiểng kêu lớn làm bố tôi giật mình.

"Ông ơi!.... Này các ông ơi.... lại đây xem".

Bố tôi hấp tấp chạy lại phía rẫy bên kia cây Bằng Lăng. Đây là nơi tình nghi vì có nhiều vết đất mới. Thể là cả toán xúm lại, người dùng xẻng đào, người dùng cuốc bới đất lên. Lớp đất khá dầy nên gần nửa tiếng sau mới nhìn thấy bao ni-lông.

Đúng là xác anh Bộ rồi! Xác anh nằm sấp, quấn trong bọc rất lớn.

Khi mở bọc ra để 'nhận diện' thì ai cũng cảm thấy rùng rợn: Anh Bộ bị đập bể sọ. Nểu không phải là bọn ác ôn Trần Đắc thì ai giết, rồi chôn vùi xác anh Bộ ở đây?

Bất chẩp mùi hôi thối xông lên nồng nặc, mấy ông hàng xóm nhân từ, tiếp tục giúp bố tôi mang xác anh Bộ về nhà. Tiếp theo, họ nhanh nhẹn, phụ bố tôi tẩy uế, rồi tẩm xác anh Bộ. Mọi việc đều thầm kín. Đợi đến sáng hôm sau, bố tôi mới lên phường xã, xin phép chôn cất tử thi.

Chắc chắn, bọn cán bộ VC trong phường xã Xuân Hiệp, nhất là đội ngũ công an, thừa biểt chuyện anh Bộ bị giết từ nhiều hôm trưởc. Nên chúng nhanh nhẹn, cấp giấy phép mà không hề thắc mắc, hỏi han hay kiểm chứng điều gì!

Hôm mai táng, cả nhà tôi sụt sùi khóc. Nhất là lúc tiễn đưa anh Bộ ra nghĩa địa, hai cháu bé Bình và Ban kêu gào thảm thương. Tôi không cầm lòng được, nên khóc theo khi hạ huyệt. Đó là lúc chiểu ngày 2-11-1979.

Sau ngày an táng anh Bộ, khoảng vài ba tuần thì đển lượt chị Lan bị Trần Đắc đuổi ra khỏi nhà. Lẽ dễ hiểu là gã đã thỏa mãn thú tính với chị ấy suốt 4 năm rồi. Hơn nữa, sau khi hoàn tất việc cướp đoạt căn nhà rất khang trang của anh Bộ và chị Lan thì hắn muốn mang vợ con từ Nghệ An đến ở. Chuyện này thì cả Ấp 1, giáo xứ Xuân Hiệp, đều là chứng nhân. Chắc hẳn nhiều vị lão thãnh ở đó vẫn còn nhớ.
Ngay sau khi bị đuổi, chị Lan đến gặp bố mẹ tôi. Chị khóc sướt mướt rồi ngỏ lời, xin mang hai cháu bé về Phan Thiểt để nương náu bên bố mẹ ruột của chị ấy.
Mặc dù chị là nạn nhân đáng thương, không có gì đáng trách. Nhưng không hiểu vì sợ hãi bọn công an ác ôn hăm dọa? Hoặc vì đau thương quá nỗi? Hay vì lý do nào khác mà hôm ấy, chị không hề đề cập đến chuyện của anh Bộ - người chồng của chị đã chết cay đắng ở Xuân Hiệp? Dù sao, bố mẹ tôi vẫn e ngại chị chạnh lòng, nên không nói điều gì khác ngoài chuyện về hai cháu bé.

Đến nay, hàng chục năm trời đã trôi qua, nỗi đau thương đã “thuyên giảm” ít nhiểu. Tôi kể lại chuyện “Oan Hồn Người Tù Cải Tạo” này với hy vọng, có thể góp phần nhỏ bé, để lại chứng tích bên dòng lịch sử trong thời kỳ nước mất nhà tan -- sau Tháng Tư Đen năm 1975.

Do đó, tôi ước mong câu chuyện này được phổ biển rộng rãi và đến tay hai cháu Bình và Ban. Vì câu chuyện kết thúc năm 1979, cháu Bình chưa tới 10 tuổi, cháu Ban mới 8 tuổi. Nên tôi không hiểu, hiện thời hai cháu còn nhớ sự thật oan khiên này không?

Hơn nữa, VC lại có sở trường tuyên truyền lừa bịp thiện nghệ và nhồi sọ giới trẻ ở học đường. Nên nhiều thanh thiếu niên - chưa có nhiều kinh nghiệm về CS – dễ dàng lầm lẫn vể lịch sử, về BẠN và THÙ, về những tội ác tày trời do Hồ Chí Minh và đồng đảng liên tiếp gây ra từ 1945 đến nay.
ĐỖ QUỐC ANH THƯ

BS. LIÊU VĨNH BÌNH * HỒN MA


 


Hồn Ma trong Bệnh Viện

Bác sĩ Liêu Vĩnh Bình

Trước khi đến bệnh viện Hồng Bàng tôi đã nghe các đàn anh nói là bệnh viện này có nhiều ma lắm. Tôi cũng đã đọc nhiều truyện ma của các bác sĩ đi trước viết từ trong bệnh viện này. Nhưng tôi chỉ mỉm cười, nhún vai, trong bụng nói rằng chỉ có tôi mới nhát ma người ta thôi, chớ ma nào mà dám nhát tôi. Nếu mà có ma thật như trong những truyện Liêu Trai Chí Dị thì tôi càng mong được gặp vì ít ra đời mình cũng còn có được những ngày vàng son rực rỡ bên cạnh những con ma duyên dáng xinh đẹp hiện ra chăm sóc cho mình vài hôm như trong những truyện kinh dị đó, rồi sau đó có lên thiên đàng luôn cũng được.
Bệnh viện Hồng Bàng chuyên về bệnh lao phổi, nằm ở góc đại lộ Hồng Bàng và đường Triệu Ðà. Bệnh viện rất rộng có nhiều dãy trại bệnh, mái lợp ngói đỏ cũ kỹ, 1 hoặc 2 tầng âm u lạnh lẽo cất theo kiểu Tây từ hồi Pháp còn cai trị ở VN, chỉ có 1 khu ở cuối bệnh viện mới cất sau này là rất khang trang, trang bị đầy đủ tiện nghi cho cả 4 tầng lầu sạch sẽ, lầu 2 dành cho sinh viên của các trường đại học ở Sài Gòn đến chữa bệnh, có cái cầu thang rộng rãi ngăn đôi, bên phải là khu sinh viên nam, bên trái là khu sinh viên nữ.

Trong bệnh viện có những lối đi bộ quanh co ngoằn ngoèo, nối từ trại bệnh này sang trại bệnh khác, bề ngang độ hơn 2 thước, nơi thì tráng nhựa, nơi thì trải đá mịn, nhưng tất cả đều loang lở vì không được tu bổ lâu ngày. Hai bên những con đường nho nhỏ quanh co này là những cây còng to lớn, có cây lớn đến đổi 2 người ôm không hết, cành lá xum xê, dày đặc, che kín lối đi, ngay cả ban ngày mà cũng đã thấy rờn rợn, lạnh lẽo, âm u. Ðây đó có những lùm bụi cao độ 1, 2 thước chen chúc nhau đủ thứ lá to lá nhỏ, lá dài lá ngắn, xanh đậm xanh lợt mọc vô trật tự… như cố tình che dấu các khu trại bệnh với tường quét vôi vàng ẩn hiện ở xa xa. Xung quanh bệnh viện là hàng rào làm bằng những cây song sắt đen xì cao khoảng 2 thước, trên có mũi nhọn như mũi tên, chỗ còn sơn, chỗ đã rỉ sét.

Phía hàng rào ở bên đường Triệu Ðà có một cái miễu nho nhỏ xây bằng gạch đỏ, ngói xanh, dựa lưng vào bệnh viện, lư hương bên trong đó có cắm rất nhiều chân nhang đỏ còn mới, và một nải chuối xanh, một cái bình trà bằng đất nâu đen và vài cái chung nho nhỏ, trông như có vẻ được cúng kiếng thường xuyên. Người ta nói bệnh nhân trong bệnh viện này tự tử nhiều lắm, vì các hồn ma phải kiếm người khác thay thế mới đi đầu thai sang kiếp khác được, nên họ phải thờ cúng để khỏi bị các oan hồn này quấy nhiễu. Riêng tôi thì nghĩ là những bệnh nhân bị lao phổi tinh thần họ rất sáng suốt, nhưng biết rằng bệnh của mình (hồi đó) chữa hoài không hết, nhà cửa túng thiếu, tiền bạc không còn, mọi người xa lánh, nên phần lớn chán nản mà tìm đến cái chết để phủi sạch nợ đời.

Ðêm đó tôi trực có một mình, phải đi tới đi lui từ trại bệnh này sang trại bệnh khác dưới những hàng cây âm u lạnh lẽo đó. Lúc thường thì tôi buồn ngủ sớm lắm, nhưng tối đó tôi tỉnh táo vô cùng, vì hồi chiều trước khi vào trực tôi chiều thằng Tâm, bạn học chung lớp, để đi đến quán cà phê Thúy Vân ở đầu ngõ, có cô hàng cà phê xinh xắn mà nó mê lắm, nhưng không dám đi một mình. Quán này chỉ có bán cà phê phin thôi, nên tôi đành phải uống một ly cà phê đắng, cắn răng nghe hết mấy bản nhạc tình buồn, thêm vào đó nhìn cái mặt u sầu, thất tình của nó, tôi càng thấy chán đời, bày đặt yêu đương làm chi cho khổ tấm thân.


Phần tôi, tôi biết chắc chắn là ly cà phê này sẽ làm cho tôi không ngủ được đêm nay, nhưng không sao, bề nào tôi cũng phải thức trực mà, điều tôi không ngờ là ly cà phê đắng này lại làm tôi tỉnh táo và sáng suốt vô cùng, cho nên chuyện tôi gặp ma không phải là chuyện mơ ngủ đâu.

Lúc đó là khoảng 12 giờ khuya, tôi được gọi sang một trại bệnh thật xa, ở cuối nhà thương, để ký giấy khai tử cho một ông già khoảng gần 60 tuổi. Ông này bị lao phổi rất nặng, lâu ngày ăn uống không được, thân thể gầy gò, khô héo còn da bọc xương, hai ngày trước đây căn bệnh đã ăn lan vào các mạch máu trong cuống phổi, nên ông ho ra máu nhiều, do đó người nhà chở từ Bến Lức lên để vào nhập viện, ai cũng biết là ông không sống được lâu.


Nhưng đêm nay, lựa đúng cái đêm tôi trực thì ông chết, chết đúng nửa đêm, làm tôi phải đi lang thang giữa trời khuya lạnh lẽo đến cái trại bệnh xa xăm của ông để khám nghiệm, sau khi chắc chắn là tim phổi và hệ thần kinh não bộ đều đã ngưng làm việc thì mới dám ký tên vào tờ giấy khai tử để bác y công đẩy cái xác không hồn này xuống phòng lạnh, chờ đến mai thông báo người nhà đến lãnh xác về chôn.

Thế là vào giữa đêm khuya khoắt thiêng liêng và lạnh lẽo này, tôi vừa mới tiễn thêm một người sang bên kia thế giới. Cái nghề thầy thuốc này lúc nào cũng đứng cheo leo ở giữa 2 thế giới: bên nay bờ là sự sống, bên kia bờ là cõi chết. Có người mới thấy đó mà đã vội vã đi sang bên kia, không kịp vẫy tay chào hay nói một lời vĩnh biệt. Có người sắp chết, sắp tới bờ bên kia thì mình giành giựt kéo lại thoát tay tử thần để trở về thế giới bên này, giữa cái chết và sự sống hình như có một sự ràng buộc nối tiếp nào đó, chớ không có đơn giản như người ta thường nghĩ.
Những ý nghĩ về sống chết, về thế giới bên này, thế giới bên kia, cứ lẩn quẩn trong đầu óc tôi, bước chân tôi thì cứ thẫn thờ đi dọc theo những con đường mòn rờn rợn, âm u, quanh co trở về phòng trực.
Ðêm nay trời Sài Gòn lành lạnh, thỉnh thoảng một cơn gió thốc thổi ùa qua khua động cành lá xum xuê của những cây còng ngạo nghễ to lớn, vang lên những tiếng kêu xào xạc thì thầm, như những tiếng gọi ma quái trêu ghẹo những người nhát gan trong đêm đen. Cách khoảng xa xa chừng mỗi 20 thước là một bóng đèn điện tròn mù mờ treo lủng lẳng dọc theo các lối đi không đủ soi sáng bước chân lần mò trên sỏi đá. Nhưng những con đường này tôi đã quen rồi, quen cả những tiếng rên siết vặn mình của những hòn sỏi nhỏ dưới gót giày đen; trong đêm tối hình như chúng gào thét lớn hơn có khi như nguyền rủa, có khi tạo ra những tiếng cười rờn rợn như những âm binh từ cõi vô hình để nhát những người yếu bóng vía. 
Trên trời cao giữa những vì sao đêm thưa thớt, buồn bã là một vầng trăng lưỡi liềm già nua không làm sáng thêm một chút nào cái bóng tối dày đặc trong bệnh viện. Trời đêm nay ít sao, ánh sáng yếu ớt, lấp lánh như những ánh ma trơi len lỏi giữa những cành lá rậm rạp, đen sì, không ngừng run rẩy theo những cơn gió thốc chợt đến, chợt đi.
Khi tôi sắp sửa quẹo trái để trở về phòng trực, thì chợt thấy dưới ánh đèn mù mù xa xa bên tay phải có một bóng trắng ngồi trên băng đá dọc theo con đường nhỏ trước ngõ vào khu trại bệnh của sinh viên. Tôi đứng lại nhìn, nhưng xa quá nên không thể nào nhận ra bóng trắng trên băng đá là ai? Một chị y tá hay là bác y công chứ gì! 
Nhưng lúc tôi ký giấy khai tử xong thì bác y công còn ở trong trại bệnh mà, đâu có ra đây trước tôi được, có lẽ một chị y tá nào ra ngồi hóng gió mát cho khỏe mà thôi. Tôi cất bước tiếp tục trở về phòng, mới đi có vài bước hình như tôi nghe có tiếng khóc thút thít hòa lẫn trong tiếng sỏi đá rên rỉ dưới chân tôi, tôi vội ngừng lại để lắng nghe, tiếng khóc khi đó nghe rõ hơn, đó là tiếng khóc của một người con gái, tiếng khóc chỉ nhẹ thôi, nhưng nghe thật rõ như ai đang khóc vào tai tôi, tiếng khóc nghe thật buồn, thật đau thương làm tôi thấy nhoi nhói trong tận đáy lòng. 
Tôi đứng ngẩn ngơ tại chỗ phân vân không biết phải làm gì, không biết mình có giúp được gì cho người ta không, dĩ nhiên nếu người ta cần gì thì mình sẵn sàng giúp đỡ hết lòng, nhưng tôi cũng ngại lắm vì tánh tôi hồi đó nhát làm quen với mấy cô gái, nhất là gặp một cô lạ hoắc vào giữa đêm khuya khoắt như thế này thì chẳng biết phải ăn nói làm sao, nên tự bảo rằng đó là chuyện riêng tư của người ta, mình xía vô làm chi. Tôi lại tiếp tục cất bước chầm chậm ra đi. 
Nhưng tiếng khóc thúc thít đó, một lần nữa dù rất nhỏ nhưng vẫn nghe thật rõ bên tai tôi, hình như nó cố tình bay theo để rót vào trong tai những lời nỉ non ai oán, thê lương từ một cõi u minh xa thẳm vọng về làm hai chân tôi không thể nào tiếp tục bước đi nổi, bước chân tôi bổng chợt chậm lại, chậm lại rồi ngừng hẳn, bóng trắng kia giờ đã khuất sau lùm cây rậm rạp nhưng tiếng khóc nỉ non vẫn tiếp tục tràn ngập đổ đầy tai tôi, lòng tôi chùn lại xót xa, tim tôi đau nhói từng hồi. 
Khi đó gió từ đâu bỗng thổi tới ào ạt, liên tục, ầm ầm trên đầu tôi làm cho những chiếc lá nho nhỏ trên mấy cây còng già rơi rụng lả tả như mưa, cành lá nghiêng ngả xì xào vặn mình rên siết kẽo kẹt như trong cơn bão táp, nhưng tất cả những thứ ấy vẫn không át được tiếng người con gái khóc thút thít trong tai tôi. Mảnh trăng lưỡi liềm yếu ớt trên trời cao bỗng dưng núp sau đám mây đen làm cho cả bầu trời tối sầm lại, bóng đèn điện mù mờ lạc lõng trong bệnh viện lắc lư theo từng cơn gió thổi khiến nó vốn đã lờ mờ lại càng mờ ảo thêm. Bầu trời như sụp xuống thấp hơn, không gian tối đen quanh tôi như càng đậm đặc thêm. 
Tôi thấy như có làn gió lạnh lùa vào trong chiếc áo choàng trắng đang mặc, rồi len lỏi thấm vào trong cột xương sống làm tôi rùng mình chợt cảm thấy lạnh lẽo vô biên, y như những truyện ma quỷ nhập vào người mà tôi đã đọc hồi còn nhỏ.
Nhưng cho đến lúc đó thì tôi vẫn tin chắc rằng trên cõi đời này không thể nào có ma được, cho nên tôi rất là bình tĩnh, không để ý đến những gì xảy ra chung quanh mà chỉ tập trung ý nghĩ về người con gái cô đơn, bất hạnh đang ôm nỗi buồn đau, thút thít khóc giữa trời giông gió khuya khoắt trong bệnh viện này. Sau một phút phân vân, tôi rảo bước quay trở lại xem sao, thử tìm hiểu xem coi mình có thể giúp được gì không?


Khi tôi đến gần bóng trắng thì tự nhiên trời quang mây tạnh, vầng trăng lưỡi liềm lại nhô ra khỏi đám mây, sáng hơn khi nãy, xung quanh là muôn ngàn vì sao lấp lánh chớp tắt mừng vui giữa trời khuya, gió cũng ngừng thổi, tôi chợt ngửi thấy mùi hoa lài thoang thoảng đâu đây làm tôi rất ngạc nhiên, vì tôi biết chắc là trong nhà thương này không có trồng cây nào có bông cả, nhất là bông thơm như hoa lài, vì thường thì bệnh nhân hay thân nhân sẽ hái hết, cây cối sẽ trụi lủi, nên họ chỉ trồng cây không hoa, không trái mà thôi. Mùi hoa lài thì rất thân thuộc với tôi, có thể nói đó là mùi hoa duy nhất mà tôi thích, rất thân thuộc đến đỗi tôi có thể ngửi thấy mùi hoa này từ rất xa. 
Lý do là vì hồi còn nhỏ trước nhà tôi có miếng vườn con con, má tôi đã trồng một cây hoa lài trong đó, tôi thường bắc ghế ngồi trong vườn đọc tiểu thuyết tình cảm, vô tình mùi hương thơm tinh khiết, ngọt ngào và nhẹ nhàng của loài hoa trắng ngây thơ này đã ngấm vào khứu giác tôi, hòa vào thân thể tôi, trở thành một với tôi và là hương thơm duy nhất trong đời mà tôi thích ngửi, nên khi lớn lên tôi không thích mùi nước hoa nào khác cả, mà tiếc thay mùi hoa lài thì chẳng thấy có tiệm mỹ phẩm nào bán. 
Khi đến gần bóng trắng, mùi hoa lài êm dịu càng đậm đà hơn làm tôi cảm thấy khoan khoái, trong người lâng lâng, ngây ngất, dễ chịu vô cùng, tôi quên hết mọi cực khổ trong ngày, chợt thấy rất có cảm tình với người con gái này và bỗng dưng tôi cũng cảm thấy rất gần gũi với nàng y như là tôi đã quen với cô gái này từ lâu lắm rồi. Tiếng khóc nức nỡ khi đó chợt nhỏ lại có lẽ bóng trắng biết là có người đến gần.
Bóng đèn điện bên đường đã ngừng lung lay cho tôi thấy rõ bóng trắng đang ngồi trên băng đá là một người con gái gầy gầy, nho nhỏ, mái tóc đen dài óng mượt không uốn, xỏa xuống đến giữa lưng, đầu nàng hơi cúi nghiêng nghiêng về phía trước, làm cả một hàng tóc rũ thẳng xuống như một bức rèm thưa đen, che mập mờ nửa khuôn mặt trái soan. Nàng đang mặc chiếc áo bà ba trắng và chiếc quần lụa trắng mềm mại. Nhìn cách ăn mặc tôi biết nàng không phải là y tá hay nhân viên của bệnh viện, có lẽ là bệnh nhân mới nhập viện hay thân nhân có chuyện buồn nên ra đây ngồi than khóc một mình.
Khi tôi đến thật gần, mùi hoa lài càng thơm tho làm tôi thấy lòng mình thật là an tĩnh, tôi nhẹ nhàng hỏi:
– Xin lỗi… có gì làm cho… chị không vui, phải không?
Nàng từ từ ngẩng đầu lên thật chậm, nhìn tôi, tôi thấy mặt đất chung quanh tôi hơi rúng động, tôi đứng không vững lắm, vì trước mặt tôi là một người con gái đẹp tuyệt vời, tuổi chừng hai mươi, đôi mắt nàng thật buồn, màu đen huyền lóng lánh như đang chứa đựng cả ngàn vì sao lạc lõng lấp lánh trên trời cao, hai hàng lông mi dài đen, cong vút, rất ít khi thấy ở những cô gái Việt Nam.
Da mặt nàng trắng mịn màng, tôi chưa từng thấy ai không đánh phấn mà trắng như vậy bao giờ, nhưng đôi môi thì hơi nhạt màu như người thiếu máu, có lẽ nàng đang bị lao phổi nên phải vào đây chữa trị chăng? Những sợi tóc rối vương vấn trên vầng trán cao, một vài sợi dính vào bên má hình như còn thấm nước mắt của nàng, có lẽ nàng đã ngồi đây khóc lâu lắm rồi. Nàng chỉ nhìn tôi một chút rồi lại cúi xuống thút thít khóc, khi nãy tiếng khóc làm tôi xót xa một thì bây giờ tiếng khóc làm tôi đau đớn gấp mười lần, nhìn đôi vai gầy nho nhỏ run run dưới làn lụa trắng, mà ruột gan tôi như bị xé rách tơi bời. 
Tôi buồn quá, đứng lặng yên không biết nói gì, không gian quanh tôi tưởng chừng như bị đông thành băng giá, lạnh lẽo cứng ngắc tự ngàn năm như những tảng băng ở hai cực địa cầu, chừng một lúc lâu cố moi trong đầu óc ra những câu văn trong các cuốn tiểu thuyết tình cảm mà tôi đã đọc hồi còn nhỏ, tôi mới mở miệng nói được một câu:
– Thưa cô, tôi có thể làm gì được cho cô không?
Cô chỉ lắc đầu nhè nhẹ để những sợi tóc dài phất phơ nghiêng ngả, mà không nói gì. Thấy người ta đau khổ quá thì tôi chợt nổi máu anh hùng lên để giúp đời, nên tôi trở nên dạn dĩ hẳn ra, đầu óc sáng suốt trở lại, tôi khuyên lơn nàng:
– Cô về gường nằm nghỉ đi, đừng ở ngoài này lâu, sương khuya lạnh lắm, coi chừng bị bệnh khổ lắm đó.
Khi đó nàng mới nói, giọng của nàng thật êm, thật nhẹ nhưng rất buồn: 
– Em đâu có giường mà đi nằm nghỉ. Em có còn gì nữa đâu. Anh Bình ơi, em đã chết rồi.
Khi đó tôi choáng váng muốn ngộp thở, thấy cả người lao đao, đứng không vững. Không phải vì sợ nàng nhát ma tôi, cho đến giờ phút đó thì đối với tôi thế gian này vẫn không thể nào có chuyện ma quỷ được, tôi còn cười thầm trong bụng vì cô này nhè tôi mà làm bộ nhát ma thì quả thật đã chọn lầm người, tôi không nhát ma cô là may phước lắm rồi.
Tôi choáng váng là vì không biết tại sao giữa đêm khuya khoắt lại có một người con gái đẹp như tiên nga giáng thế này, tự dưng lại biết tên mình. Tôi bỏ qua chuyện ma quỷ lẩm cẩm, vội vàng hỏi tên của cô là gì, làm sao cô lại biết tên tôi?
– Em tên là Lài, Trương Thị Lài, đang học đại học Văn Khoa năm thứ nhất thì bị bệnh, nên nằm trong khu nữ sinh viên cả tháng nay để chữa bệnh. Thấy anh thường vào thăm anh Trung, bạn của anh, nằm bên khu nam sinh viên mà anh Trung hay qua đàn cho tụi em hát nên quen, anh Trung nói anh hiền lắm nên tụi em để ý mà biết tên anh.
– Ðừng có tin ảnh, anh dữ như… cọp chớ hiền gì. Nè, mà tại sao em khóc? Sao khuya khoắt rồi mà lại ra đây có một mình, không sợ ma sao? Trời lạnh như vầy mà không mặc áo ấm, lỡ bị bịnh thì sao. Em ngồi ở đây từ hồi nào? Có đói bụng hông, anh mang bánh ra cho ăn. Bệnh viện này có ma nhiều lắm đó nghen, muốn anh kể vài chuyện cho nghe hông. Cho anh ngồi xuống được không, suốt đêm nay, đứng với đi không mỏi chân quá rồi, mà em đem hoa lài vô đây làm chi vậy? Anh thích hoa lài lắm, mùi thơm dễ chịu lắm em biết hông.
Lài cười khúc khích:
– Anh hỏi gì mà nhiều dữ vậy, làm sao em trả lời, vậy chớ đố anh biết làm sao em khóc.
– Con gái thì cái gì cũng khóc được, làm sao anh biết mà trả lời.
– Vậy chớ con trai mấy anh khóc ít lắm hả?
– Dễ ợt, chỉ có 3 thứ làm con trai khóc thôi. Thứ nhất là thi rớt, thứ nhì là mất xe, thứ ba là mất bồ.
Lài chợt cười lớn thành tiếng, tiếng cười của nàng trong trẻo kéo dài như pha lê, làm tôi thấy mừng không tả, chỉ mong nàng đừng trở về trại bệnh nghỉ ngơi theo lời khuyên dại dột của tôi khi nãy, mà tiếp tục ngồi đây nói chuyện với tôi lâu thêm một chút nữa. Lài cười hỏi:
– Tại sao mất bồ lại nằm hạng
 chót?
– Mất bồ thì có thể kiếm đứa khác, mất xe thì hết hy vọng có tiền mua chiếc nữa, thi rớt thì phải đi lính không biết ngày nào trở về, mà biết có còn sống không mà quay về, cho nên mất bồ chỉ được xếp hạng ba. Còn em tại sao mà khóc?
– Em tủi thân, vì em đã chết rồi.
– Em đừng có nói bậy, mặt mũi đẹp đẽ như vầy thì chết làm sao được.
– Em biết là nói ra anh hổng có tin, em chết đã 3 hôm rồi, nhưng vì chưa đúng hạn kỳ nên hồn em vẫn còn vất vưởng lẩn quẩn quanh đây. Vả lại em cũng muốn gặp anh, để trả chút ơn anh chăm sóc em khi xưa.
Ðến đây tôi vẫn nghĩ là Lài cố tình đùa dai nhát ma tôi, cũng như tôi đã từng đùa dai nhát ma người khác, tôi bèn chọc lại:
– Thì anh cũng là ma đây, vì anh vừa mới chết… ở trong lòng một ít. (1) 
Lài cười thút thít:
– Vậy mà anh Trung cứ nói là anh hiền lắm.
– Hiền hay dữ thì tùy người đối diện.
Lài lại khuyên tôi:
– Anh về phòng nghỉ đi, đừng có ngồi ở đây, sương khuya lạnh lắm.
– Bộ em không lạnh hả?
– Lạnh lắm chớ.
Tôi cầm lấy bàn tay Lài, bàn tay rất là mềm mại nhưng rất lạnh, y như bàn tay của những xác chết trong phòng lạnh mà tôi đã có dịp mân mê trong những giờ học khám nghiệm tử thi, nhưng tôi nghĩ là tại Lài ngồi quá lâu trong đêm khuya nên bị lạnh. Tôi vội vàng cởi chiếc áo choàng trắng của bệnh viện đang mặc choàng quanh lưng, trùm kín lấy 2 vai nàng, nàng đưa hai bàn tay lên luồn vào mái tóc mềm mại óng ả, lùa cả suối tóc đen ra bên ngoài chiếc áo choàng trắng. Lúc này mắt tôi đã quen với ánh sáng mờ ảo, nhìn kỹ tôi mới thấy Lài đẹp vô cùng, đẹp não nùng như những nàng tiên buồn trên thượng giới bị đày đọa xuống trần gian: 
– Trời ơi, sao em để lạnh như vậy, ngồi ngoài trời lạnh như vầy mà không mặc áo lạnh lỡ bị bệnh thì sao, mặc đỡ cái áo choàng này đi, tay em lạnh lắm đó, hay là trở về trại bệnh đi.
Lài nói thật chậm rãi, tiếng nàng thật trầm, thật áo não như từ một cỏi âm ty xa thẳm vọng về: 
– Em đã nói em chết thật rồi mà anh hổng chịu tin, em đâu có còn giường nữa đâu mà vô trại nằm. Hồi nãy anh hỏi em đem hoa lài vô đây làm chi vậy? Em đâu có đem hoa lài vô đây làm gì, chẳng qua là vì tiền kiếp em vốn là đóa hoa lài, nên sau khi em chết rồi thì em trở về với kiếp trước nên em có mùi thơm của hoa lài. Phần lớn tên gọi hay những sự việc xảy ra chung quanh không phải là ngẫu nhiên đâu, mà việc gì cũng có vô số cơ duyên hợp lại mà thành, những người đang còn sống như anh vì không có sự hiểu biết sâu sắc hay không có cơ hội tập trung thiền định để nhìn thật sâu thật kỹ những cơ duyên này cho nên cứ tưởng mọi việc tự nhiên mà có. Giống như em nè đâu phải tự dưng ba má em đặt tên cho em là Lài.
– Em phải để cho anh xét túi nếu không có hoa lài trong túi, mà em thơm thật thì anh mới tin.



– Anh cứ xét đi.
Quả thật là chẳng có gì trong túi nàng, mà cái mùi thơm hoa lài nhẹ nhàng y như cứ từ trong tóc tay, da thịt, hơi thở nàng tỏa ra. Ðến lúc đó thì tôi tin nàng là ma thật. Nhưng rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ chết, sẽ là ma như nàng, mà ngồi bên cạnh một con ma xinh đẹp như vậy trong đêm thanh vắng với mùi hoa lài thơm tho nhẹ nhàng dễ chịu mà tôi ưa thích từ hồi còn nhỏ như vầy thì đâu có gì đáng sợ. Nên tôi cứ tiếp tục ngồi đó nói đủ thứ chuyện với Lài.
Nàng cho biết là tôi với nàng đã có duyên với nhau trong nhiều kiếp trước, nên đêm nay nàng mới hiện ra để gặp lại tôi. Nàng chính là đóa hoa lài trong vườn nhỏ của nhà tôi khi xưa, mà mỗi chiều tôi thường đến ngồi bên nàng, thường nâng niu và hôn nhẹ lên cánh hoa. Lài biết tôi thích mùi thơm của nàng, nên thường khép cánh cố giữ mùi hương lại chờ đến chiều tôi về nàng mới để cho cánh hoa hé mở tỏa hương thơm ngan ngát. Còn tôi, khi xưa thì rất yêu hoa lài, nên lúc nào cũng nhẹ nhàng cẩn thận chăm sóc tưới nước, bón phân. 
Lài nói, nàng cảm kích nghĩa cử đó, nên giờ muốn gặp lại để ngỏ lời cám ơn cái duyên hội ngộ khi trước. Khi xưa, ngồi bên nhau, dù không nói một câu gì, nhưng chúng tôi đã rất thân với nhau, đã chăm sóc và thương yêu nhau bằng một tình yêu rất nhẹ nhàng và thanh khiết. Ðêm nay, chúng tôi ngồi kề bên nhau, kẻ âm người dương, tuy thuộc về hai thế giới rất xa xôi, nhưng không những thân xác thật gần gũi như dính chặt vào nhau, mà hai tâm hồn như đã quấn quít lấy nhau từ kiếp nào rồi, chúng tôi rất quý trọng nhau, cùng kể cho nhau nghe những buồn vui đã xảy ra trong cuộc đời, chúng tôi hợp với nhau lắm, nên suốt đêm đó nói không bao giờ dứt. Tuy nhiên miệng tôi khi đó đắng chát, ruột gan tôi thì tan nát tơi bời vì tôi biết rằng người con gái dịu hiền xinh đẹp vừa mới gặp mà tôi thấy lòng như đã thương yêu từ bao kiếp trước này chỉ là một hồn ma và chỉ trong chốc lát nữa đây, chúng tôi sẽ xa nhau nghìn trùng, biền biệt ở hai thế giới khác, không biết bao giờ mới gặp lại nhau. 
Biết tôi đang buồn, Lài mới từ từ giải thích rằng thật sự chúng tôi đã có duyên với nhau từ nhiều kiếp trước. Chúng tôi đã từng là đôi chim tung tăng suốt ngày bay lượn giữa trời cao; chúng tôi đã từng là đôi bướm lững lờ, chập chờn đuổi bắt nhau giữa rừng sâu; tôi đã từng là bóng cây đứng bên bờ suối che mát cho Lài, còn nàng là dòng suối ngọt ngào suốt ngày róc rách ca hát cho tôi nghe. Chúng tôi đã từng gặp nhau và đã xa nhau trong nhiều kiếp nhưng vì tình cảm quá đậm đà nên chúng tôi cứ còn trở lại để gần nhau. Nhưng dù trong những lúc xa nhau chúng tôi vẫn mang theo hoài hình ảnh của người kia ở trong lòng. 
Lài lấy thí dụ: tôi cũng như một tảng mây trắng lơ lững bay giữa trời xanh, còn Lài như là một dòng sông êm đềm chảy nhẹ nhàng qua bao đồng lúa, qua bao cánh rừng, dù đứng ở đâu ta cũng thấy dưới lòng sông lúc nào cũng ôm ấp chứa đựng hình ảnh của đám mây, còn mây có bay đi đến tận nơi nào thì cũng đều mang theo những giọt nước mát mẻ ngọt ngào của dòng sông. Ðứng ở ngoài cứ tưởng dòng sông và mây trắng là hai thực thể cách biệt muôn trùng, nhưng thật ra chúng tôi đang có mặt trong nhau từng phút giây, rồi thì mây cũng sẽ trở về với dòng sông một ngày nào đó. Lài khuyên tôi đừng buồn, hãy rán giữ gìn sức khỏe, ở một kiếp lai sinh nào đó thì chúng tôi sẽ lại gặp nhau. 
Ðêm đã gần tàn, tôi biết giờ chia ly cũng sắp đến, tôi cũng vừa nếm được ý nghĩa đớn đau đã nằm sẵn trong câu ngàn thu vĩnh biệt; rồi đây trong cõi đời mù mịt còn lại tôi vẫn phải tiếp tục lê những bước chân độc hành lang thang trên những con đường vắng mà nghe tiếng sỏi đá rên siết vặn mình dưới gót giày cô đơn trong đêm tối, như tôi đã bước đi trên những con đường lạnh lẽo trong đêm qua ở bệnh viện này. Tuy nỗi buồn đang làm tan nát cả ruột gan, nhưng tôi cố gắng không biểu lộ ra ngoài, vậy mà Lài cũng hiểu, nàng khuyên tôi đừng buồn, hãy coi đây như là một chuyến đi xa, rồi mai kia mình sẽ quay về, sẽ còn gặp lại. Trước khi từ biệt, Lài tặng tôi một bài thơ ngắn, tiếng nàng thật nhỏ, thật trầm, hình như nàng cũng buồn không kém gì tôi. Tôi học ban toán và khoa học từ nhỏ nên rất dốt về thơ, vậy mà bài này nghe nàng đọc có một lần thôi tôi còn nhớ mãi đến bây giờ.
Vẫn biết đây là cõi vô thường
Nhưng tình yêu ai cứ vấn vương
Mai mốt luân hồi em trở lại
Ngàn năm anh hỡi vẫn còn thương 



Trước khi chia tay Lài cám ơn tôi đã làm cho nàng bớt buồn, tôi cám ơn Lài đã dành cho tôi một đêm thật đẹp, cho tôi ngửi lại mùi hoa thơm tho nhẹ nhàng mà tôi đã yêu thích từ hồi còn nhỏ, tôi nguyện sẽ mang những kỷ niệm này theo mãi đến cuối đời. Tôi mong sẽ sớm gặp lại nàng trong một kiếp lai sinh.
Lài nói nàng thương má lắm và mang cái áo len mỏng màu đỏ xếp gọn gàng để bên cạnh nãy giờ nhưng tôi không nhìn thấy, trao cho tôi và nhờ tôi mang đến nhà cho má nàng, căn dặn má nàng phải mặc cho ấm trong những ngày trời lạnh…
*********
– Ông thầy! ông thầy! ông thầy!!!
Tôi nghe như có tiếng ai gọi bên tai, mở mắt dậy thì trời đã hừng sáng, tôi thấy lạnh lắm, nhìn lên thì thấy chị y tá Hương đang trố mắt kinh ngạc đứng đó nhìn mình trừng trừng, chiếc áo choàng trắng của tôi nằm vắt bên cạnh trên thành dựa lưng của chiếc ghế đá trước đường vào khu trại bệnh sinh viên mà tôi đang ngồi. Tôi vội đứng dậy khoác áo choàng vào cho đỡ lạnh, mùi thơm hoa lài nhè nhẹ từ trong áo bay vào mũi khiến lòng tôi ngây ngất, tôi biết Lài còn quanh quẩn đâu đây. 
– Chị Hương, gọi có gì hông?
– Chèn ơi, đi kiếm ông thầy suốt đêm hông thấy, ông thầy ngồi đây lâu chưa? Em đi ngang qua đây hai ba lần sao hổng thấy.
– Bộ trong trại có bệnh nặng hả chị Hương?
– Hổng phải. Tại tụi em nấu 1 nồi chè đậu xanh ở ngoài phòng trực, tính mời ông thầy ăn chung cho vui, đi kiếm hết mọi chỗ mà hông thấy, bây giờ chắc là chè nguội hết rồi, ông thầy đi đâu vậy. Bác Bảy y công nói ông thầy ký giấy khai tử hồi khuya xong là biến mất, hỏi chú Tư gác cổng thì cũng hổng thấy ông thầy ra khỏi bệnh viện, vào phòng trực của ông thầy thì cũng vắng ngắt, mấy chị em chia nhau đi kiếm ông thầy khắp nơi cũng không gặp, ông thầy ở đâu vậy?
Tôi cũng ngẩn ngơ:
– Tôi ngồi ở băng đá này từ hồi khuya tới giờ mà có thấy ai đi qua đâu?
– Chèn ơi, chính em đi ngang qua đây 3 lần, hai lần trước thì đi chung với chị Hà tại em sợ ma hổng dám đi một mình, bây giờ hừng sáng rồi mới dám đi một mình, ông thầy ngồi đây thiệt hả, chắc là tụi em phải đeo kiếng cận thị quá.
Tôi theo chị Hương về phòng trực, mặt mày ngơ ngác, đầu óc còn đang quay cuồng với muôn ngàn câu hỏi về hai nẻo âm dương, về một tình yêu thanh khiết đầu tiên trong đời, với một người con gái đẹp tuyệt vời… nhưng chỉ đến và đi nhanh hơn một giấc mơ, không thể nào giải thích được. Từ lâu tôi đã cố luyện cho mình thành một người cứng cỏi, một trái tim sắt đá không thể bị xao động bởi những chuyện yêu đương vớ vẩn để lúc nào cũng vững bước hiên ngang đi vào cuộc đời như những vị anh hùng dũng cảm xa xưa, nên lòng tôi lúc nào cũng dửng dưng trước những quyến rũ của sắc đẹp. 
Ðôi khi tôi còn chê trách những thằng bạn mặt mày ủ rũ thất tình, hoặc cười chọc phá những đứa mê mệt với tình yêu quên cả giờ tập họp nên thường hay bị bỏ tù lúc còn ở quân trường, như BS Trương Chí Vân, BS Nguyễn Hữu Tường, … Phần tôi thì tâm hồn luôn thanh thản, lúc nào cũng siêng năng rèn luyện thân thể, chăm chỉ hăng hái chu toàn mọi bổn phận và trách nhiệm của mình, nhưng lần này thì tôi bị ngã quỵ, trái tim sắt thép của tôi bị tan rã thành một vũng nước bèo nhèo như một tảng băng giá vừa được đưa ra dưới ánh nắng rực rỡ của mặt trời. Trái tim tôi đang thổn thức theo từng nhịp đập của yêu thương, lòng tôi thì nức nở mang theo một nỗi buồn áo não, tiếc thương cho một người con gái dịu hiền đẹp tuyệt trần có mùi thơm hoa lài phảng phất đã sớm về âm thế…
Tôi vừa mới bước vào phòng trực, thì mọi người lập tức yên lặng, mọi cặp mắt đều chiếu thẳng vào tôi như những cặp đèn pha sáng rực của xe hơi trong đêm tối, họ muốn biết chuyện gì đã xảy ra suốt đêm qua trên gương mặt thất thần của tôi. Tôi chẳng nói một lời nào, lập tức ngồi xuống bàn, với tay kéo chén chè đậu xanh duy nhất còn lại ở giữa bàn, không cần phải xã giao lịch sự gì cả, bởi vì tôi thấy đói bụng khủng khiếp, phần thì lạnh quá xá, chén chè cũng đã nguội ngắt, nhưng tôi ăn một mạch sạch trơn rất là ngon lành. 
Một vài tia nắng sớm yếu ớt lấp ló ngoài khung cửa sổ, có tiếng chim hót nho nhỏ xa xa trên cành cây cao báo hiệu bình minh sắp đến, tôi định thần từ từ nhìn hết mọi người, bốn cô y tá đứng cạnh nhau, đầu tóc quần áo đã sửa soạn tươm tất, chờ chút nữa giao ban xong là về nhà nghỉ ngơi, nhưng trong giờ phút này đây ai nấy cũng đang hồi hộp đợi chờ, muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi suốt đêm qua. Chị Liễu, y tá trưởng lo lắng ấp úng hỏi:
– Ðêm qua có chuyện gì vậy ông thầy? 
Tôi chưa vội trả lời, từ từ đứng dậy uể oải bước đến cái tủ lạnh lớn trong góc phòng, mở cửa đổ đầy một ly nước lạnh, uống xong một hớp lớn, tôi chậm rãi kể hết những chuyện xảy ra hồi hôm, ai nấy cũng trợn trừng mắt, há hốc mồm kinh ngạc, chị Liễu nói:
– Tội nghiệp cho cô Lài lắm, lúc vào đây cổ khóc hoài.
– Phải cô Lài ở khu nữ sinh viên không?
– Ðúng rồi, cổ chết đã 3 hôm rồi. Cổ đẹp lắm, đẹp nhất trong trại đó, nhiều cậu sinh viên trong này mê cổ lắm, mà hình như cổ hổng có để ý đến ai cả. Ông thầy trước đây có… quen với cổ không?
– Không, lần đầu tiên tôi mới gặp cổ đó. 
– Vậy thì ông thầy có số đào hoa lắm đó.
– Ðào hoa cái con khỉ gì! Từ trước tới giờ lúc nào cũng lủi thủi một mình, đến chừng mới quen được một người thì người ta chết đã 3 bữa rồi…
Mắt tôi bỗng dừng lại khi thấy chiếc áo len đỏ xếp ngay ngắn trên một cái kệ kê sát bên tường, tôi bước vội đến cầm lên xem. Ðúng rồi, chiếc áo len đỏ mà Lài đã nhờ tôi mang về cho má. Tôi hỏi:
– Áo này của ai đây?
Chị Liễu nói không biết áo của ai để đó đã 3 hôm rồi. Tôi mới giải thích đó là áo của Lài nhờ tôi gởi về cho má, thì ai nấy cũng lắc đầu lè lưỡi.

Tôi lật vội cuốn sổ bệnh để trên bàn trực, dò lấy tên Trương Thị Lài, đây rồi, địa chỉ nhà số… đường Trương Minh Giảng, Quận Tân Bình. Tôi chép vào miếng giấy nhỏ, cẩn thận bỏ vào trong túi áo, xong rồi ôm chiếc áo len đỏ lững thững rời phòng trực bước ra ngoài mà nghe cõi lòng tan nát, bước chân đi như một thân xác không hồn, quên cả việc phải ở lại giao ban ngày hôm đó.
Liêu Vĩnh Bình
(1) Chú thích cho các bạn trẻ: ý dựa theo bài thơ Yêu của Xuân Diệu, hồi thời đó sinh viên học sinh ai cũng đều thuộc nằm lòng:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu;
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biế
t…




TIN THẾ GIỚI

Nhật hỗ trợ hàng hải cho VN, Philippines giữa tranh chấp Biển Đông

Nhật Bản tuyên bố sẽ giúp Đông Nam Á duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Nhật Bản đang âm thầm quay trở lại Biển Đông, củng cố quan hệ với Việt Nam và Philippines trong nỗ lực ngăn chặn các hành động của Trung Quốc giữa lúc Hà Nội và Manila đang tìm cách đương đầu với các tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh.
Hợp tác an ninh giữa Tokyo với Việt Nam và Philippines được mở ra trên diện rộng. Ngoài việc cung cấp tàu tuần tra cho hai nước Đông Nam Á này, trong vài tháng tới , Nhật Bản sẽ tổ chức các cuộc diễn tập hải quân đầu tiên với Philippines. Các bác sĩ quân y của Nhật cũng tập huấn cho lực lượng thủy thủ vận hành tàu ngầm của Việt Nam.
Nhật Bản đang dính vào vụ tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông.
Dù không có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản lo ngại bị cô lập nếu Trung Quốc thống lĩnh đường thủy lộ mà nhiều tàu bè của Nhật thường qua lại.   
Hỗ trợ của Nhật Bản dành cho hai nước Việt Nam và Philippines theo sau bài diễn văn hồi tháng 5 năm ngoái của Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ giúp Đông Nam Á duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Reuters ngày 12/3 dẫn lời chuyên gia về an ninh khu vực Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói xu hướng này ngày càng trở nên rõ ràng và ông không cho là Tokyo sẽ lùi bước, bất chấp những quan ngại của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng rằng Bắc Kinh hy vọng Nhật Bản sẽ hành động và phát biểu cẩn trọng về vấn đề Biển Đông và lưu ý rằng Nhật không phải là một bên có tranh chấp trong vấn đề này.
Chiếc tàu đầu tiên trong số 10 tàu tuần duyên Nhật Bản đang đóng cho Philippines sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.
Một giới chức Nhật Bản không nêu tên nói với Reuters rằng Nhật Bản có thể cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động cải thiện cơ sở hạ tầng xung quanh một căn cứ quân sự của Philippines ở đảo Palawan, một trong những khu đất gần với Trường Sa nhất.
Phát ngôn nhân lực lượng vũ trang Philippines, Restituto Padilla, hoan nghênh các động thái của Nhật và nói thêm rằng ‘Philippines và Nhật cùng giúp nhau bảo đảm các thủy lộ này là một điều tự nhiên.’
Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng bình luận về sự hỗ trợ nhận từ Nhật, trong đó có 6 tàu tuần tra hải quân đã qua sử dụng cùng với sự tập huấn y tế cho thủy thủ Việt Nam giữa lúc Hà Nội tiếp tục nhận thêm các tàu ngầm mua từ Nga.
Truyền thông nhà nước hôm nay loan tin Hà Nội và Tokyo hôm 11/3 vừa ký thỏa thuận về chương trình đào tạo giảng viên hàng hải của Việt Nam.
Trang web Cục Hàng Hải Việt Nam dẫn lời Cục trưởng Nguyễn Nhật cho hay từ năm 1994 đến nay, có nhiều thuyền viên Việt Nam tham dự khóa đào tạo của Trung tâm Tuyển dụng thuyền viên Nhật Bản (SECOJ).
Ông Nhật thừa nhận chất lượng thuyền viên của Việt Nam hiện tại còn thấp và bày tỏ hy vọng Tokyo sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo thuyền viên và giảng viên hàng hải trong tương lai.
Nguồn: IBBTimes, Reuters

Mỹ lo ngại Việt Nam để Nga sử dụng Cam Ranh

mediaVịnh Cam Ranh từng là nơi Nga đóng căn cứ Hải Quân (1979-2001). Ảnh chụp trong chuyến thăm vịnh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 3/6/ 2012.REUTERS/Jim Watson/Pool
Hãng tin Reuters, ngày 11/03/2015, đưa tin, Washington đã đề nghị Hà Nội không để quân đội Nga sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh làm điểm tiếp dầu cho các máy bay ném bom chiến lược Nga. Trong thời gian gần đây, các máy bay này đã xuất hiện với tần suất lớn trong vùng Châu Á Thái Bình Dương
Một quan chức quốc phòng Mỹ xin giấu tên cho biết, gần đây, Nga đã gia tăng nhiều chuyến bay quân sự trong vùng Châu Á Thái Bình Dương và Washington đã « đề nghị phía Việt Nam bảo đảm là Nga không được sử dụng căn cứ quân sự trong vịnh Cam Ranh để tiến hành các hoạt động có thể gây căng thẳng trong vùng » . Quan chức này cũng nói thêm, chính quyền Mỹ hiểu Việt Nam có quyền quan hệ với bất kỳ đối tác nào phù hợp với họ.
Trả lời câu hỏi của Reuters, tướng Vincent Brooks, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương tố cáo Nga có hành động « khiêu khích » khi thực hiện, trong thời gian gần đây, hàng loạt phi vụ trong những vùng được cho là nhạy cảm như xung quanh đảo Guam, nơi có căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Ông Brooks khẳng định, máy bay ném bom chiến lược của Nga áp sát được không phận Guam là nhờ sự hỗ trợ của các máy bay tiếp liệu lấy dầu từ căn cứ quân sự Cam Ranh.
Nhận định về đề nghị trên của Washington, hôm nay, chuyên gia Nga Igor Korotchenko, Tổng Giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới nói, chính quyền Việt Nam sẽ không đáp ứng yêu cầu này của Washington và hợp tác quân sự Nga-Việt vẫn là ưu tiên của Hà Nội.
Ngày 04/01/2015, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, năm ngoái, bốn máy bay tiếp liệu loại IL-78 đã sử dụng căn cứ Cam Ranh để tiếp dầu cho các máy bay ném bom chiến lược của Nga TU-95 « Bear ».
Sau khi hết hợp đồng cho Liên Xô thuê ( từ 1979-2002), cảng Cam Ranh đã được nhiều nước nhòm ngó muốn thuê để phục vụ các hoạt động quân sự, trong đó có Nga, Mỹ và Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/20150312-my-vn// 

Đề nghị của Mỹ về Cam Ranh là thô lỗ'

  • 12 tháng 3 2015


Việt Nam sẽ không thực hiện đề nghị của Hoa Kỳ muốn Hà Nội ngưng dùng Cam Ranh là nơi hỗ trợ cho chiến đấu cơ của Nga, theo một chuyên gia Nga.
Bình luận được ông Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mua bán Vũ khí, một viện nghiên cứu phi chính phủ nằm tại Moscow, đưa ra vào hôm 12/03 trong bài của hãng thông tấn Sputnik.
Sputnik là cơ quan truyền thông quốc tế do chính phủ Nga sở hữu và quản lý theo một nghị định từ năm 2013 của Tổng thống Putin.
Cơ quan truyền thông này khai trương hồi tháng 11/2014 và thay thế hãng thông tấn RIA Novosti và Đài phát thanh Quốc tế Nga.
Vào hôm 11/03 hãng tin Reuters có bài đặc biệt mô tả Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam ngưng cho Nga sử dụng cảng Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ của Nga.
Đề nghị của Mỹ được một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ nói máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga đã có các chuyến bay nhằm biểu thị sức mạnh trước Mỹ ở châu Á- Thái Bình Dương.
Ông Igor Korotchenko nói: “Đề nghị của chính phủ Hoa Kỳ là sự thô lỗ quá rõ.

"Việc ám chỉ phi cơ Nga có thể được tiếp nhiên liệu từ căn cứ ở Vịnh Cam Ranh và rằng các phi cơ này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là tuyên bố khiêu khích và vô căn cứ.
"Sứ mệnh của các máy bay ném bom của Nga tại vùng châu Á- Thái Bình Dương không gây ra sự đe dọa nào,” ông Korotchenko nói vào hôm thứ 11/03.
Ông cũng nói thêm rằng nhà chức trách Việt Nam sẽ không đép ứng yêu cầu của Washington vì hợp tác quân sự Nga Việt và hợp tác kỹ thuật quân sự vẫn là ưu tiên của Hà Nội.
Ông Korotchenko cũng nói rằng việc Hoa Kỳ đang triển khai các hệ thống phòng vệ chống hỏa tiễn tại châu Á- Thái Bình Dương có thể tạo mối đe dọa thực sự cho an ninh khu vực này.
“Hoa Kỳ và đồng minh của họ có thể khiêu khích tạo bất ổn trong vùng với hoạt động của hệ thống chống hỏa tiễn và động thái này chỉ khuấy động căng thẳng và châm ngòi cho chạy đua vũ trang,” ông Igor Korotchenko nói.
Trong bài viết ‘Quân sự Mỹ-Việt và chính sách "ba không"’ gửi BBC tiếng Việt hồi năm 2013, GS Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Australia viết:“Khả năng quân đội Hoa Kỳ trở lại Cảng Cam Ranh trong tương lai gần là khó xảy ra.
“Việt Nam có chính sách "ba không" - không liên minh quân sự, không căn cứ quân sự và không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào nước thứ ba.”
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/03/150312_russia_us_vn_cam_ranh_request_reaction

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chống việc Bắc Kinh cải tạo thực trạng Biển Đông

mediaÔng Ted Osius trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.@US embassy Jakarta
Trong bài nói chuyện vào hôm qua, 06/03/2015 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã phác họa triển vọng tốt của quan hệ Mỹ-Việt vào lúc hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa bang giao. Hồ sơ Biển Đông đương nhiên đã được gợi lên khi Đại sứ Mỹ nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Washington chống lại việc dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền. Các hành động của Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo cũng bị nêu bật.
Trong bài phát biểu được Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội công bố, Đại sứ Ted Osius đã giành nguyên một đoạn để đề cập đến Biển Đông, từ ngữ được ông dùng ngay bên cạnh tên gọi quốc tế tiếng Anh là South China Sea. Ông khẳng định : « Cũng như Việt Nam, Hoa Kỳ mong muốn có hoà bình và ổn định trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông ».
Đại sứ Mỹ đã nhắc lại tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), theo đó : « Việc đe doạ, cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực bởi bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào… là điều không thể chấp nhận được ».
Các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo do Trung Quốc rốt ráo tiến hành trong thời gian gần đây tại vùng Trường Sa đã được ông Ted Osius đặc biệt nhấn mạnh, dù không nêu đích danh Bắc Kinh. Đại sứ Mỹ đã « kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền thực hiện tự kiềm chế - đặc biệt là về các hoạt động cải tạo thực địa quy mô lớn để biến đổi các bãi đá và bãi ngầm thành những tiền đồn có thể dễ dàng quân sự hoá ».
Về một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp, Đại sứ Mỹ cho rằng Hiệp hội Đông Nam Á ASEAN và Trung Quốc « cần sớm hoàn tất một bộ Quy tắc Ứng xử có ý nghĩa tại Biển Đông ».
Phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là phản ứng mới nhất của Chính quyền Mỹ sau khi một loạt thông tin với ảnh vệ tinh làm bằng chứng cụ thể được tiết lộ, cho thấy quy mô to lớn và tốc độ nhanh chóng của công việc Trung Quốc đang tiến hành ở vùng Trường Sa : bồi đắp 7 bãi ngầm đang chiếm đóng thành đảo nhân tạo lớn hơn gấp bội, bên trên xây dựng những loại cơ sở bị cho là có thể dùng vào mục tiêu quân sự.
Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên thăm Mỹ
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam còn xác nhận hai chuyến công du quan trọng của lãnh đạo Việt Nam qua Mỹ trong năm nay.
Trước hết là chuyến công du của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mà theo ông Ted Osius, là « theo lời mời của phía Hoa Kỳ ».
Giới phân tích từng nhấn mạnh rằng ông Trọng sẽ là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên đi thăm Hoa Kỳ, phản ánh đà tăng cường quan hệ nhanh chóng giữa hai bên, đặc biệt là sau vụ Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế vào tháng Năm 2014.
Một chuyến thăm khác cũng quan trọng được Đại sứ Mỹ tiết lộ, chuyến công du của Tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng bộ Công an Việt Nam, nhưng thời điểm chưa được xác định.
Ông Ted Osius tuy nhiên khẳng định rằng Bộ trưởng Công an Việt Nam sẽ « gặp gỡ các quan chức cao cấp Hoa Kỳ để trao đổi ý kiến về một loạt các vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền ».
Hồ sơ nhân quyền được cho là cản lực quan trọng nhất trong tiến trình xích lại gần nhau giữa Hà Nội và Washington.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150307-dai-su-my-tai-viet-nam-chong-viec-bac-kinh-cai-tao-thuc-dia-tren-bien-dong/
 Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng chủ yếu để mua vũ khí mới
mediaThủ tướng Lý Khắc Cường đọc diễn văn khai mạc phiên họp Quốc hội 05/03/2015.REUTERS/Jason Lee
Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm nay 05/03/2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chính thức thông báo ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2015 sẽ tăng 10,1%. Cụ thể, Bắc Kinh dự trù tổng chi tiêu quân sự năm nay sẽ là 886,9 tỷ nhân dân tệ ( tương đương 142 tỷ đôla ).
Mức tăng nói trên chậm lại thấy rõ so với mức tăng cao liên tục của ngân sách quốc phòng Trung Quốc trong nhiều năm trước ( 11,2% năm 2012, 10,7% năm 2013 và 12,2% năm 2014 ). Hôm qua (04/03/2015), khi thông báo trước mức tăng ngân sách quốc phòng 2015, phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Oánh đã khẳng định: “ Hiện vẫn còn sự cách biệt lớn giữa quân đội Trung Quốc với quân đội các nước đối tác về mặt thiết bị quân sự. Chúng tôi vẫn cần có thêm thời gian.” Bà Phó Oánh cũng tuyên bố: “Thua kém các nước khác sẽ khiến một quốc gia dễ bị tấn công. Đó là bài học mà chúng tôi đã rút ra từ lịch sử”.
Trong bài diễn văn hôm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rõ hơn mục tiêu của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự: “ Chúng ta sẽ củng cố toàn diện hậu cần, đẩy mạnh nghiên cứu quốc quốc phòng, phát triển các vũ khí thiết bị công nghệ cao mới và phát triển các công nghệ và khoa học liên quan đến quốc phòng”. Nhưng cụ thể ngân sách quân sự của Trung Quốc được dùng vào những việc gì? Theo trang mạng Sina Military Network, có trụ sở tại Bắc Kinh, một phần quan trọng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ được dùng để trả lương và các chi phí sinh hoạt cho 23 triệu binh lính và sĩ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân, nhất là năm nay, mức lương trong quân đội tăng thêm.
Nhưng điều mà các nhà quan sát chú ý nhất là Bắc Kinh sẽ dành bao nhiêu tiền trong ngân sách quân sự năm nay để mua các vũ khí và thiết bị mới. Theo các chuyên gia, ngân sách tăng thêm trong năm nay rất có thể sẽ được dùng để trang bị cho hải quân Trung Quốc các chiến hạm diệt tàu ngầm và phát triển thêm hàng không mẫu hạm, ngoài chiếc Liêu Ninh, chiếc duy nhất đang được sử dụng.
Thật ra, do Bắc Kinh vẫn giữ bí mật về các chi tiết về chi tiêu quân sự, nên hiện nay chưa có thông tin thật sự chính xác và đầy đủ về những thiết bị quân sự mà Trung Quốc sẽ mua thêm. Nhưng người ta được biết là không quân và hải quân Trung Quốc muốn tu bổ khoảng 50 chiến đấu cơ phản lực J-10 và J-11, cũng như từ 20 đến 30 oanh tạc cơ và máy bay lớn. Mỗi năm, hải quân Trung Quốc cũng sẽ trang bị thêm một hoặc hai chiếc khu trục hạm Type 052C/DD, hai hoặc ba chiếc hộ tống hạm Type 54A và ba hoặc bốn chiếc hộ tống hạm nhỏ Type 056, cũng như một số không rõ là bao nhiêu tàu ngầm quy ước và tàu ngầm hạt nhân.
Theo Sina Military, điều hành các chiến đấu cơ và chiến hạm cũng rất tốn kém. Một chuyến bay của chiến đấu cơ J-10 tốn khoảng 300 ngàn nhân dân tệ ( 48 ngàn đôla ), chi phí một chuyến bay của chiếc J-11 còn cao hơn, vì chiến đấu cơ này nặng hơn J-10. Cũng theo Sina Military, hiện rất khó thẩm định chi phí của việc triển khai một chiến hạm của hải quân Trung Quốc, nhưng với con số các cuộc tập trận riêng và chung trên biển đang gia tăng, tổng chi phí điều hành các chiến hạm chắc chắn là rất lớn.


No comments:

Post a Comment