Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 3 November 2016

LÊ HỮU MỤC

GIÁO SƯ LÊ HỮU MỤC



TIỂU SỬ
                                 

Lê Hữu Mục sinh ngày 24 tháng 11 năm 1925 tại làng Lưu Phương, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Thân sinh là nhà nho, ông là người thứ bẩy trong tất cả 11 anh em với tám trai và ba gái.

Học Vấn

Tiến Sĩ, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Sài Gòn, 1970.
Cao Học, Văn Chương Việt Nam, Đại Học Đà Lạt, 1960.
Cử Nhân, Văn Chương Pháp, Đại Học Hà Nội, 1950.

Âm Nhạc

Chèo Đi, Bơi Đi (nhạc và lời, 1938)
Hẹn Một Ngày Về (nhạc và lời, 1953)
...
Dạy Học

Giáo Sư, Quốc Học, Huế, 1952-1957
Giảng Viên, Đại Học Huế, Văn Chương Việt Nam, phân khoa Sư Phạm, 1957-1963
Giảng Viên, Đại Học Huế, Viện Nghiên Cứu Nôm Học, 1958-1963
Giảng Viên, Đại Học Huế, Văn Khoa

Giáo Sư, Đại Học Sàigòn (Sài Gòn), Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm, chủ bút tập san Hán-Nôm.
Giảng Viên, Đại Học Đà Lạt (Đà Lạt),
Giảng Viên, Đại Học Hòa Hảo (Long Xuyên),
Giảng Viên, Đại Học Cao Đài (Tây Ninh),
Giảng Viên, Đại Học Phương Nam (Sàigòn),
Giảng Viên, Đại Học Vạn Hạnh (Sàigòn),
Giảng Viên, Đại Học Cộng Đồng Nha Trang (Nha Trang),
Giảng Viên, Đại Học Cộng Đồng Mỹ Tho (Mỹ Tho), Văn Chương Việt Nam, phân khoa Sư Phạm, 1964-1975

Nghiên cứu Nôm, 1981-1984

Pascale Baylon (Montréal) và nhiều trưòng trung học khác. Liên lạc viên giữa phụ huynh học sinh và PELO (Programme de l'Enseignement des Langues d'Origine), 1985-1990

Dạy Hè tại các trường Đại Học Âu Châu như Fribourg (Thụy Sĩ), Strasbourg, Nancy (Pháp), Frankfurt (Đức), Oslo (Na Uy), và Mỹ Châu như St Thomas (Houston), 1990-2005.

Nghiên Cứu Tiêu Biểu

"SONG VIẾT LÀ SÀNG VẠT", Lê Hữu Mục, Vietnamologica, số 2, 1996, Trung Tâm Việt Nam Học Canada.

Khóa Hè Tiêu Biểu

"VĂN HOÁ VIỆT NAM VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA NÓ ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ VIỆT NAM SỐNG TRÊN ĐẤT NƯỚC MỸ", Lê Hữu Mục, University of St Thomas, Houston, 1999.

Tác Phẩm

Thân Thế và Sự Nghiệp Nhất Linh (giáo khoa, 1955)
Nhận Định về Đoạn Tuyệt (biên khảo, 1955)
Luận Đề về Khái Hưng (giáo khoa,1956)
Luận Đề về Hoàng Đạo (giáo khoa,1956)
Chủ Nghĩa Duy Linh (biên khảo, 1957)
Văn Hóa và Nhân Vị (biên khảo, 1958, cùng Bùi Xuân Bào, Võ Long Tê)
Thảm Trạng của Một Nền Dân Chủ Vô Thần (1958)
Lĩnh Nam Chích Quái (1959)
Việt Điện U Linh Tập (1960)
Quân Trung Từ Mệnh Tập (1960)
Ức Trai Thi Tập (1961)
Nhị Khê Thi Tập (1962)
Băng Hồ Ngọc Báo Tập (1963)
Chúa Thao Cổ Truyện ( 1965)
Lịch Sử Văn Học Việt Nam, Tập 1 (biên khảo, 1968)
Khóa Hư Lục (1973)
Hồ Chí Minh Không Phải Là Tác Giả “Ngục Trung Nhật Ký” (1988)
Truyện Kiều và Tuổi Trẻ (1998, nxb Làng Văn, 1990)

Dịch Thuật

Huấn-Dịch Thập-Điều, Thánh Dụ của vua Dục Tông, Minh Mệnh, vua Việt Nam, 1791-1840, (Sàigòn : Ủy-ban dịch-thuật, Phủ Quốc-vụ-khanh đặc-trách Văn-hóa, 1971)

Bài Viết Tiêu Biểu

1/ Văn Hóa Việt Nam - Nước, đặc trưng hình thái của tư tưởng Việt Nam
2/ Văn Hóa Việt Nam - Thuyết Bất Vô
3/ Văn Hóa Việt Nam - Đối diện với Văn Hóa Mỹ
4/ Cụ Sáu đối diện với phong-trào Văn-thân
5/ Cụ Sáu đối phó với phong-trào Văn-thân
6/ Cụ Sáu đối lập với phong-trào Văn-thân

Tập San
1990-2005 : Vietnamlogica, sáng lập viên, chủ bút, cộng tác viên

(Biography do Lê Hữu Mạnh cung cấp)    
                            


   Lê Hữu Mục, nhạc sĩ
                                                    – Lê Văn Khoa

Một người thành công trong nhiều mặt rất khó khi người ta muốn đề cập đến cho đầy đủ. Vì vậy tôi chỉ dám nói đến một khía cạnh rất nhỏ của một lãnh vực riêng biệt, trong nhiều lãnh vực hoạt động của học giả, giáo sư, nhạc sĩ Lê Hữu Mục, là âm nhạc.
Người ta nói giáo sư Lê Hữu Mục và Lê Văn Khoa có họ hàng nhau. Họ thì có, cả hai cùng họ Lê, nhưng hàng thì không. Nhưng chúng tôi trở thành họ hàng nhờ một người khác họ. Giáo sư Lê Hữu Mục là chú họ của Phan Ngọc Hà, nhà tôi, vì vậy trở thành chú họ của tôi luôn.


Lần đầu tôi gặp giáo sư Lê Hữu Mục là tại Montreal, Canada. Hôm đó sau buổi thuyết trình của tôi về âm nhạc có chiếu video tại trường đại học Montréal, do Cộng Đồng Người Việt với bà chủ tịch Bác sĩ Lâm Thu Vân tổ chức, khi ra ngoài tôi gặp giáo sư Mục. Ông cười và nói: “Này nhé, hai chú cháu đều có bài nhạc trùng tên nhau.” Vì không biết nhiều về giáo sư từ trước, tôi hỏi lại: “Thưa chú bài trùng tên nhau là bài nào vậy?” Giáo sư Mục cười, giọng nhẹ nhàng nói: “Bài Hẹn Một Ngày Về chứ bài nào. Tuy nhiên nội dung khác nhau.” Tôi nhớ lại hồi còn trẻ, khi chơi với ban nhạc trên đài phát thanh Sài-gòn, chúng tôi có hát bài “Hẹn Một Ngày Về” của nhạc sĩ Lê Hữu Mục. Không ngờ bây giờ tôi gặp chính tác giả và là người tôi gọi bằng chú.


Sự khác nhau giữa hai bài nhạc này là “Hẹn Một Ngày Về” của giáo sư Lê Hữu Mục, khi về Bắc nghỉ hè, hẹn sẽ trở lại Huế để dạy học tiếp. Còn “Hẹn Một Ngày Về” ** của Lê Văn Khoa là tâm tình của người vì biến cố Tháng Tư 1975 phải xa xứ, hẹn trở về quang phục quê hương. Thật ra giáo sư Mục có một bài Hẹn Một Ngày Về thứ hai, tên là Hẹn Một Ngày Về Vinh Quang với câu:
“Quê Hương ơi, em hãy chờ ta trở về . . .
Hẹn một ngày về Việt Nam, cùng sông núi, chúng ta về vinh quang.
Hẹn một ngày về Việt Nam cùng tổ quốc,chúng ta về hiên ngang . . .
Đất là đất của ta, Nước là nước của ta . . .”



 
 
 
                Bản nhạc "Hẹn Một Ngày Về Vinh Quang" (pdf)


Giáo sư Lê Hữu Mục có một quá trình hoạt động âm nhạc đáng kể, nhưng ít ai nhắc tới. Những người sinh hoạt hướng đạo chắc chắn có hát bài của nhạc sĩ Lê Hữu Mục nhưng họ có thể không biết tên và không biết mặt tác giả. Đó là một tệ trạng trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam. Người ta biết tên bài hát và tên ca sĩ nhưng ít ai biết tác giả của ca khúc ấy. Quý vị còn nhớ bài Con Sáo Đá, bản dịch của bài Alouette, những bài Con Voi, Chèo Đi Bơi Đi, Ta Cùng Đi, Trên Đường Xa, Lý Con Mèo và nhiều bài Lý khác, tức quý vị đã nghe, hoặc đã hát bài của nhạc sĩ Lê Hữu Mục.
Những ngày còn trai trẻ là những ngày giáo sư Mục say mê hoạt động âm nhạc, có lẽ chịu ảnh hưởng của người anh là nhạc trưởng Lê Như Khôi, chỉ huy trưởng quân nhạc Việt Nam. Ông có một người em là nhạc sĩ Lê Ngọc Linh.
Nhạc sĩ Lê Hữu Mục chơi giỏi kèn clarinette và saxophone nên được cử làm nhạc trưởng ban nhạc trong những sinh hoạt âm nhạc cuối thập niên 40. Sau ông được mời làm nhạc trưởng ban nhạc Bảo An Việt Nam. Chưa nhậm chức thì ông lại bị đề nghị xuống làm phó nhạc trưởng, để nhạc sĩ Vũ Thành làm nhạc trưởng. Ông từ chối lời mời và tự ý chấm dứt sinh hoạt âm nhạc năm 1951 để vào Huế dạy học.
Tiếng là nói chấm dứt sinh hoạt âm nhạc, nhưng cái nghiệp vẫn đeo đuổi ông. Những buổi hòa nhạc mà Lê Hữu Mục thủ dương cầm và Tôn Thất Niệm lãnh phần ca hát vẫn thu hút giới trẻ thời đó. Đến khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm về Việt Nam lập chính phủ, người quốc gia cần có quốc ca. Lúc đó bài Đăng Đàn Cung được giới thiệu với lời ca không hợp với nhạc lắm. Nhạc sĩ Lê Hữu Mục được đề nghị để viết lời cho bản quốc ca đầu tiên của Việt Nam. Đăng Đàn Cung trở thành “Tiếng Gọi Non Sông” với câu “Bên núi non hùng vĩ Việt Nam v.v…” được mọi người thời đó ưa thích. Ông cũng được Tổng Thống Diệm chỉ định ông vào quốc hội đầu tiên.
Vào giai đoạn căng thẳng của chiến cuộc Việt Pháp, ngày 14-7-1953 nhạc sĩ Lê Hữu Mục tổ chức nhạc hội tại Hà Nội với ban nhạc Hoàng Trọng.
Tôi đã đề cập đến những bài nhạc ngắn và nhỏ của nhạc sĩ Lê Hữu Mục, nhưng thật ra ông cũng có viết bài nhạc lớn: “Bảy Chặng Đường Thương Khó” của Chúa Jesus, dựa theo bài thơ của một thi sĩ lớn người Pháp. Đây là một loại Oratorio có đơn ca, hợp ca với phần đệm của piano và dàn nhạc. Rất tiếc tác phẩm này đang được chuẩn bị trình diễn thì vị linh mục phụ trách bị đổi đi nơi khác nên việc thực hiện bất thành và tác phẩm hiện không biết ở đâu.
Ở trên tôi có nhắc đến bài “Hẹn Một Ngày Về” và tôi xin phép in ra đây để làm tài liệu chung. Khi bài nhạc được phát thanh trên đài phát thanh Huế thì giáo sư Mục được điện thoại của nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế. Họ đề nghị xuất bản bài hát này. Điều kiện của giáo sư Mục rất dễ dàng: Một vé máy bay khứ hồi Huế-Hà Nội. Nhờ đó giáo sư đã “hẹn” và “trở về” Huế theo lời hẹn.
Với bài “Hẹn Một Ngày Về” này tôi có một nhận xét nho nhỏ và chỉ xin nói về điểm nhận xét này chứ không phê bình nhạc căn cứ nơi lời ca theo lối thông thường của các nhà phê bình nhạc. Tôi cũng không nói đến kỹ thuật sáng tác, nghệ thuật cấu tạo âm thanh, cũng không nói đến thể loại của bài ca v v . . . Vì nhận xét âm nhạc nên tôi có một thắc mắc. Tôi hỏi giáo sư Mục điểm này hôm đầu tháng Bảy năm nay (2007) tại California. Tôi rào đón: “Thưa chú, cháu có một thắc mắc mà chỉ có chú mới giải tỏa được. Cháu nghĩ có lẽ không ai để ý đến điểm này, nhưng cháu thấy rất lạ. Trong bài “Hẹn Một Ngày Về” của chú, chú đã dùng quá nhiều nốt láy để tô điểm câu nhạc. Phải chăng chú chịu ảnh hưởng của các linh mục Tây Ban Nha, hoặc họ cho chú nghe nhiều nhạc flamenco nên khi viết nhạc chú áp dụng lối láy của kỹ thuật “canto jondo”, một lối hát flamenco của vùng Bắc Tây Ban Nha?” (Đây là kỹ thuật dùng nốt huê dạng từ nốt nhạc chính láy nhanh lên hoặc láy xuống một hoặc hai nốt rồi trở lại liền. Ông dùng đến 18 lần trong một ca khúc ngắn.) Giáo sư Lê Hữu Mục mỉm cười thú vị, không phủ nhận cũng không xác nhận. Ông ôn tồn nói: “Khoa cứ viết điều đó ra đi.”
Những lần gặp nhau từ nhiều năm qua, trong câu chuyện trao đổi âm nhạc giữa giáo sư Lê Hữu Mục và tôi, chúng tôi có rất nhiều điểm đồng ý với nhau. Ông cũng dặn tôi ghi lời xác nhận này. Vì vậy tôi ghi ra đây theo lời dặn dò gần đây nhất của ông.
** Ghi chú:  Bản nhạc (pdf) cùng tựa đề, Hẹn Một Ngày Về của Lê Văn Khoa
   Tiếng hát: Vũ Anh, Mai Hương, Ca Đoàn Ngàn Khơi   MP3    Youtube

 

 Composer Lê Văn Khoa
   
                     (Trích "Những Khuôn Mặt Việt, Một Thời Montreal" - website của Luân Hoán) 
                 


Mạn đàm cùng anh Lê Hữu Mục
               Bài phỏng vấn của Trần Quang Hải (Nguồn: http://tranquanghai1944.com)
Tôi nghĩ có nhiều người viết về anh Lê Hữu Mục trong lĩnh vực văn học, nghiên cứu việt học hay tiểu sử của anh Lê Hữu Mục. Nhân dịp Việt Hải có ý định mời một số bạn bè để cùng chung sức viết một quyển tổng hợp một số bài về anh Lê Hữu Mục, tôi có ý nghĩ phỏng vấn anh Mục để tìm hiểu một số chi tiết về sáng tác âm nhạc của anh.
Được quen biết anh Mục từ lâu, có dịp gặp anh tại một số hội thảo ở Hoa Kỳ, Pháp và Na Uy, và làm việc chung cho dự án một quyển sách về văn hóa Việt Nam được thai nghén gần 10 năm nay, tôi gọi điện thoại sang Montréal (Canada) trước là thăm anh sau khi nghe anh vào nhà thương trị bịnh hồi tháng 3, 2007, đồng thời lợi dụng cơ hội này để phỏng vấn anh một số vấn đề về âm nhạc.

                             
                           NS Lê Hữu Mục                                      NS Trần Quang Hải
Cuộc phỏng vấn được diễn ra như sau :
Trần Quang Hải (TQH) : A-lô, có phải anh Mục không ?
Lê Hữu Mục (LHM) : Đúng tôi đây. Ai ở đầu dây đó ?
TQH : Em Trần Quang Hải ở Pháp đây . Anh mạnh giỏi chứ ?
LHM : Úi giời ! Hải đó à ? Không biết ngọn gió nào thổi em sang đây ?
TQH : Em rất vui được nghe giọng nói của anh . Nghe nói anh đau, phải vô nhà thương nằm trị bịnh. Và được biết anh về nhà nên em gọi thăm anh để hỏi anh bịnh tình ra sao ?
LHM : Cám ơn Hải . Tôi về nhà mới được một tuần . Khỏe thì không khỏe lắm, nhưng bịnh đã giảm nhiều nhưng phải nằm nghỉ nhiều .
TQH : Nghe giọng nói của anh khỏe, em bớt lo . Em còn nhớ lúc hai anh em mình sinh hoạt với nhau với nhóm Về Nguồn ở South Carolina với các em sinh viên ở trại hè vào năm 1998. Anh, Nguyễn Hữu Nghĩa (báo Làng Văn) và em đồng sáng tác một bản nhạc để hát cho sinh viên nghe, rất là vui .
LHM : Thấm thoát cũng 9 năm qua rồi nhỉ ! Lúc đó tôi còn khỏe, hăng say làm việc, chú trọng nhiều về Việt học (Vietnamotologie), nghiên cứu nhiều về văn học, ngôn ngữ học chứ âm nhạc thì ít khi có dịp nghĩ tới . Cũng vui là gặp Hải và có dịp khơi lại nguồn hứng nhạc trong tôi đấy chứ !

TQH : Ngoài ra , anh còn nhớ mình sinh hoạt chung với nhau ở Nancy khi anh Trúc tổ chức khóa hè cho các em sinh viên Việt Nam ở Âu châu và sau đó trên đường trở về Pháp, anh đi cùng Bạch Yến và em trên xe, ghé một quán cơm ăn cơm Pháp, uống rượu vang và thăm viếng một nơi chuyên làm các vật liệu bằng thủy tinh ở tỉnh Baccara . Chúng mình tha hồ nói chuyện về âm nhạc, hát cho nhau nghe rất nhiều ca khúc do anh sáng tác . Tiếc là lúc đó em không có máy để thu lại cuộc nói chuyện đó .
LHM : Hải nhắc làm tôi nhớ lại giai đoạn đó . Đúng là duyên số . Có bao giờ chúng mình có dịp gặp nhau, gần nhau để tâm tình với nhau đâu . Tôi ở Bắc Mỹ, vợ chồng Hải ở Âu châu, làm sao có dịp để hàn huyên lâu như vậy .

TQH : Rồi khi anh Trúc tổ chức khóa hè ở Oslo (Na Uy), anh cũng có dịp sang bên đó. Lúc đó có cả anh Lê Mộng Nguyên. Nhưng mình lại không có thì giờ nói chuyện với nhau vì dường như là em chỉ tới có hai ngày thôi vì phải trở về Pháp làm việc .
LHM : Tuy không nói chuyện với nhau nhiều , nhưng tôi được xem Hải trình diễn nhạc dân tộc cho sinh viên và quan khách người Na Uy rất hào hứng và thu hút người tham dự. Việc làm của Hải đi về chiều sâu văn hóa dân tộc, và âm nhạc truyền thống , tạo được sự ngưỡng mộ của người Tây phương, mang lại niềm tự hào cho giới trẻ là một việc làm rất xứng đáng được tôn vinh , vì ở hải ngoại ngày hôm nay không còn mấy ai để tâm sức đến và nhất là có khả năng để làm việc đó .
TQH : Cám ơn anh Mục vì quý em nên nói như vậy. Thật ra em chỉ làm bổn phận của một người con dân xứ Việt trong phạm vi nhỏ hẹp thôi . Em muốn hỏi anh sáng tác bản « Chèo đi, bơi đi » vào năm nào ?
LHM : Bài « Chèo đi bơi đi » được sáng tác vào năm 1938 lúc mình chỉ mới có 13 tuổi với lời đầu tiên không phải là lời của bài « Chèo đi bơi đi » . Lúc đó mấy ông thày dòng bắt mình đóng kịch, đầu đội chóp mũ màu đỏ trên đó có một ruban thắt một quả bóng, chân đi giày giống như « luther ». Mình viết một ca khúc để chào mừng quan khách theo nhịp ¾, điệu valse ấy mà .
Mừng thay, vui thay
Tối nay được gặp đây
Vui thay
Hát mừng chào quý chức……
Đó là lời hát đầu tiên của bài “Chèo đi bơi đi” được viết ra vào năm 1938. Sau đó mình đi hướng đạo Tây, groupe Saint Georges. Có một thằng bạn đặt lời Pháp cho bản này mà mình không nhớ lời . Sau kỳ đi hướng đạo , mình mới viết lại lời cho bản “Chèo đi bơi đi” mà mọi người biết sau này .
TQH : Anh sáng tác nhạc sớm quá , mới 13 tuổi đã bắt đầu viết nhạc và bản nhạc đó đã được truyền đi khắp nơi . Vậy thì anh tuổi con gì ?
LHM : Tuổi Sửu, Ất Sửu .
TQH : Như vậy anh sinh năm 1925 phải không ?
LHM: Đúng rồi . Vào năm 1946, tôi có gặp Lưu Hữu Phước . Anh ấy có nói :”Sao anh còn nhỏ tuổi vậy ? Tôi cứ tưởng anh lớn tuổi rồi ! “. Tôi trả lời : “Không đâu, tôi nhỏ hơn anh nhiều”. Lưu Hữu Phước sinh năm 1922. Anh Phước lại nói : “Này nhé, cho phép tôi gọi chú Mục bằng chú nhé. Tôi thích bài “Chèo đi bơi đi” dựa trên âm giai ngũ cung. Bắt đầu từ hôm nay, chú nên đi theo chúng tôi để cùng nhau sáng tác nhạc giúp ích cho cuộc kháng chiến” . Đó là lần đầu cũng là lần cuối tôi gặp Lưu Hữu Phước.
TQH : Anh có xu hướng sáng tác nhạc theo âm giai ngũ cung hay chỉ có vài bài theo thang âm này ?
LHM : Tôi có nhiều bài ngũ cung lắm chứ . Này nhé, chẳng hạn như bài này :
Này cô xinh tươi
Tôi muốn lấy cô
Cùng cô trăm năm
Nên duyên cầm sắc .
Này cô xinh tươi
Tôi muốn lấy cô
Cùng cô trăm năm
Nên duyên sắc cầm
.

TQH: Bài này hoàn toàn ngũ cung , lại có tiết điệu nhạc trẻ em , rất dễ nhớ .
LHM : Tôi có khoảng 30 bài tương tự như thế.
TQH : Sao anh không nghĩ xuất bản những ca khúc này ?
LHM: Có chứ . Anh Đặng Quốc Cơ ở Pháp  có đề nghị với tôi nhưng vì tôi lười quá không ghi lại.
TQH : Anh không nên lười , anh Mục . Anh phải ráng ngồi chép lại đi . Đó là những đóng góp quan trọng cho âm nhạc Việt Nam . Nếu một ngày nào đó , anh ra đi vĩnh viễn thì có ai biết anh đã có những sáng tác đầy màu sắc nhạc dân tộc, rất hạp với nhạc trẻ em, giai điệu dễ nhớ . Như thế có uổng không chớ !
LHM : Nếu Hải thật lòng giúp tôi , thì tôi sẽ tìm thì giờ chép lại những bản này . Đồng ý chứ?
TQH : Không những đồng ý mà hoan nghinh cả hai tay lẫn hai chân, anh Mục ạ .
LHM (cười): Hôm nay mình muốn khoe với Hải. Từ lâu rồi , mình có viết một ORATORIO.
TQH : Anh viết ORATORIO à ? Loại nhạc này rất hiếm thấy ở Việt Nam . Ở Việt Nam ít có ai sáng tác loại nhạc này . Có thể anh là người đầu tiên đó !
LHM : Mình viết về 14 stations .
TQH : Tức là 14 đàng thánh giá đạo Thiên chúa phải không ?
LHM : Đúng rồi . Mình dựa trên lời Pháp của Paul Claudel .
TQH : Ông Paul Claudel là nhà văn Pháp rất nổi tiếng.
LHM : Trong số 14 bài nhạc diễn tả 14 chặng đàng thánh giá, bài số 4 là nổi tiếng nhất . (anh Mục hát một đoạn). Người hát đã khóc khi hát . Cô hát bài này cách đây hơn 30 năm tại Saigon. Cô ta khóc tại vì sao ? Vì qua lời thơ ý nhạc cô cảm thấy như thấy Chúa trần truồng đang  bị đày đọa, tra tấn, trong khi Đức Mẹ đau đớn khóc lóc thấy con mình bị khinh khi, hành hạ. (Anh Lê Hữu Mục hát có khi quên lời chỉ nhớ nhạc thôi). Có nhiều variations hay lắm.
TQH : Anh có chép lại tác phẩm này hay không ?
LHM : Có một người bạn đã chép tay bài Oratorio rất đẹp .
TQH : Vậy thì anh còn chần chờ gì mà không xuất bản ?
LHM : Tôi có ý định muốn giao tất cả nhạc phẩm của tôi cho Hải mà tôi xem là người thừa kế tôi. Ở trong tay tôi, các nhạc phẩm này nằm trong hộc tủ.
TQH : Tại sao anh lại dấu các bản nhạc của anh trong tủ ?
LHM (cười) : Tôi ẩu và coi thường quá. Chúa cho tôi tài năng về âm nhạc, và cái khiếu là tùy hứng dễ dàng . Tôi chủ trương là trong tương lai phải tạo một phong trào « improvisation instantanée » (tức hứng), chứ không thể ngồi nghĩ ra lời và âm nhạc . Đề tài làm tại chỗ, hát tại chỗ, sáng tác tại chỗ. Mozart, Beethoven, Chopin sáng tác nhạc tại chỗ, người ta chép lại lưu lại đời sau . Nhạc tùy hứng tạo một trường phái sáng tác mới , làm giàu cho nhạc Việt trong tương lai .
TQH : Đề nghị của anh rất chí lý và rất đáng hoan nghinh. Em có nhớ ở đảo Sardaigne xứ Ý có truyền thống hát đối đáp tùy hứng giữa các thi sĩ. Loại hát này gọi là « Chjame – Responde »  (Hỏi – đáp) được nghe tại những quán cà phê ở đảo Sardaigne khi có những nhà thơ tới uống rượu và gặp nhau thách thức tài năng tức hứng qua những đề tài chính trị, biến cố trong làng hay tranh luận . Giai điệu chỉ có một giai điệu nhưng thơ thì được sáng tác tại chỗ . Chính loại hát đối đáp tức hứng được tìm thấy ở tục lệ hát Quan Họ của Việt Nam . Nhờ cách đối đáp tức hứng mà tục lệ Quan Họ ngày càng có nhiều bài bản . Hiện nay có thể đếm được nhiều trăm bài hát đã được sưu tầm và in ra thành sách ở Việt Nam .
LHM : Tôi nhớ có một lần tại Viện đại học Dalat, có Phạm Duy tới trinh bày âm nhạc . Trong buổi tiệc, tôi đứng dậy hát tức hứng :
Phạm Duy ?
Anh muốn gì tôi ?
Phạm Duy ?
Anh nói đi !

Tuy là tức hứng nhưng tôi dựa trên thang âm ngũ cung . (anh Mục hát : Do Fa, Sol La Re Fa – Do Fa – Sol La Fa). Phạm Duy không đáp lại, chứng tỏ anh ta không biết phản ứng trong loại nhạc này . Hải để ý . Loại nhạc « musique aléatoire », « musique improvisée » đã bắt đầu xuất hiện ở nhạc cổ điển Tây phương đương đại , nhưng không phát triển mạnh .
TQH : Xứ Việt Nam không có truyền thống tức hứng trong tân nhạc . Điều này muốn thực hiện cần phải có thời gian và nhứt là phải tạo một môi trường thích ứng với chương trình giáo dục âm nhạc trong xứ .
LHM : À này ! Bạch Yến có nhờ tôi chép tay bài « Hẹn một ngày về » tôi sáng tác từ lâu và viết thêm lời tiếng Pháp . Tôi lại quên đi mất.
TQH : Đúng rồi . Em nhớ lúc mình đi trên đường từ Bar sur Aube về Paris, anh có hứa với Bạch Yến việc này . Tính ra cũng gần 10 năm rồi anh nhỉ ! Bài « Hẹn một ngày về » anh viết theo âm hưởng rất Tây phương và  đã được phổ biến ở Việt Nam trước 75.
LHM : Thật sự tôi quên mất. Trên báo Người Việt, tôi có viết  một bài trong đó tôi có nhắc là Bạch Yến không bao giờ nài nỉ ai xin bài để hát . Thế mà Bạch Yến lại nài nỉ tôi gởi bài « Hẹn một ngày về » để có dịp trình diễn trên sân khấu hay thu vào dĩa . Thế mà tôi lại quên mất đi . Đúng là vì tôi già đi, tôi bị những « trous de mémoire » mà tuổi già tạo nên .
TQH : Anh có bị bịnh Elzheimer không ?
LHM : Không , tôi có đi khám bịnh về sự mất trí nhớ . Bác sĩ bảo là tôi bị mệt vì làm việc nhiều quá. Chỉ cần nghỉ ngơi , tịnh dưỡng thì trí nhớ sẽ được phục hồi, chứ không có gì phải lo ngại cả. Tôi nhờ Hải xin lỗi Bạch Yến dùm tôi . Tôi hứa sẽ viết một bài  nhạc đặc biệt hoàn toàn bằng tiếng Pháp, riêng tặng Bạch Yến. Điệu nhạc sẽ mang âm hưởng nhạc « espagnole ». Hy vọng bài đó sẽ đáp ứng sự chờ đợi của Bạch Yến .
TQH : Như vậy thì tuyệt vời . Được như vậy Bạch Yến sẽ có một nhạc phẩm đúng « ni tấc » để hát .
LHM : Tôi còn nhớ bản nhạc đầu tiên tôi viết về bịnh thụ dâm của tôi. Tiếng Việt còn gọi là « đánh xong ». Lúc đó tôi mới 12 tuổi, sợ bị phạm tội , tôi có viết một bản nhạc nhỏ với lời như sau :
Ôi Giê Su giúp cho con
Giữ tâm hồn trong trắng
Trong đêm khuya hãi hùng
Trong đêm khuya bão bùng ...


Sau này tôi sang Canada, tôi thấy là bịnh thụ dâm không có gì là tội lỗi cả, chỉ nguy hiểm cho đầu óc chứ không có hại cho cơ thể .
Đánh xong có suớng gì đâu
Còn nguyên cơ thể, cái đầu đã hư .


TQH : Tất cả trẻ con đều trải qua giai đoạn này , rất là bình thường . Cái hay là anh đã sáng tác một bản nhạc về vấn đề này vào tuổi còn thơ , vào năm 1937.
LHM: Tôi chỉ có một ước mơ là bài ORATORIO được xuất bản . Anh Đặng Quốc Cơ ở Pháp có nói cho tôi là lúc nào cũng sẵn sàng xuất bản cho tôi . Rồi những bản nhạc khác của tôi hiện vẫn còn nằm im lìm trong tủ chưa được cho “chào đời”. Tôi lười quá, lại coi thường không cho đó là quan trọng . Nếu Hải có thể lo dùm tôi thì tôi sẽ trao lại cho Hải gia tài âm nhạc của tôi để Hải giúp tôi hoàn thành ước mơ này .
TQH : Việc này không có gì khó cho em đâu . Trước hết , anh nên gởi cho em tất cả các bản nhạc của anh để em xem lại và sắp xếp theo thứ tự năm tháng , rồi làm thành một tuyển tập nhạc của anh , ghi lại tiểu sử của anh thật đầy đủ . À ! Anh có tiểu sử cập nhựt hay không ?
LHM : Tiểu sử tôi chưa soạn xong . Tôi có 3 cuốn sách bị mất tích . Ngoài ra còn phải gom góp những bài viết về văn học nữa .
TQH : Em thấy tiểu sử của anh nên chia thành ba giai đoạn : giai đoạn âm nhạc, giai đoạn dạy học và giai đoạn nghiên cứu . Anh chủ trương Vietnamotologie từ lâu , viết nhiều bài về phonologie, về cách đọc bài viết của Nguyễn Trãi, vv…Phần dạy học và nghiên cứu đã có những người khác lo . Về phần âm nhạc , em rất muốn được anh cho biết tất cả về cuộc đời sáng tác nhạc của anh , cũng như anh đã học nhạc lúc nào , biết đàn những cây đàn nào và học hòa âm viết nhạc với ai để cho bài viết về giai đoạn âm nhạc của anh được dầy đủ.
LHM: Tôi nghiên cứu phonologie là cũng vì trong đó có âm nhạc . Âm thanh trong từ ngữ mang chất nhạc. Cả sự im lặng tôi cũng cho đó là âm nhạc . Trong bài Giao hưởng khúc số 5 của Beethoven lúc bắt đầu bài giữa những đoạn nhạc đều có im lặng một cách cố ý . “La vraie musique c’est le silence” (Âm nhạc thật chính là sự im lặng)
TQH : Đúng vậy . Sự im lặng rất cần thiết trong âm nhạc . Không phải chỉ có cao độ mới là âm nhạc . Biết cách sử dụng im lặng sẽ làm tăng màu sắc âm nhạc trong bài nhạc . Nảy giờ, nói chuyện với anh khá lâu . Em để anh đi dùng cơm trưa và anh cũng cần an nghỉ .
LHM : Tôi cũng bắt đầu đói bụng rồi . Cám ơn Hải đã gọi điện thoại thăm tôi . Mong có dịp Hải sang Montreal để anh em mình có dịp bàn thêm về âm nhạc . Nhớ thỉnh thoảng nhắc tôi gởi tài liệu nhạc của tôi cho Hải nhé . Tôi bị bịnh mau quên nên nhớ đâu nói đó . Chào Hải và cho tôi gửi lời thăm Bạch Yến nhé .
TQH : Em sẽ liên lạc với anh khi có dịp sang Montreal và sẽ luôn nhắc anh làm chuyện gởi bài bản nhạc của anh cho em . Anh đừng lo . Điều quan trọng là anh nhớ giữ gìn sức khỏe để đóng góp thêm vào gia tài văn hóa Việt Nam ở hải ngoại . Chúc anh ăn ngon , nghỉ khỏe và mong gặp lại anh trong một tương lai rất gần . Chào anh Mục . Bon appétit !
LHM : Chào Hải . A bientôt et merci .
(Phỏng vấn ngày 18 tháng 3, 2007. Viết xong ngày 22 tháng 7, 2007- Trần Quang Hải)
    
                 Tiếng hát:    Kim Tước          Hà Thanh          Khánh Ly
                                          Hà Thanh hát live: youtube
              (Hòa âm: Lê Trọng Nguyễn - Chương trình Tiếng Nhạc Tâm Tình 1992 - Đăng Khánh thực hiện)
                         
  
  
                        
 HẸN MỘT NGÀY VỀ - Lê Hữu Mục
Về đây trong hoa lá
Hỡi cánh chim giang-hồ.
Về đây trong hương sắc thắm tươi, say mơ.
Huế,
Lờ-lững giòng Hương,
Năm tháng còn vương lời ai mong chờ.
Huế,
Trong tiếng dịu êm,
Cô lái bên sông còn vang lời thơ.
Tình xưa không vỡ bao giờ.
Mùa xưa còn thơm ngàn gió.
Chiều hè về trong sương khói mong-manh,
Chờ người về trong hương thu trong xanh.
Về đây trong hoa lá
Hỡi cánh chim giang-hồ.
Về đây trong hương sắc thắm tươi, say mơ.
Huế,
Lờ-lững giòng Hương,
Năm tháng còn vương lời ai mong chờ.
Huế,
Trong tiếng dịu êm,
Cô lái bên sông còn vang lời thơ.
Mùa hương hẹn đến khi về,
Lòng xanh còn in trời Huế.
Trầm-trầm thuyền đem thương nhớ qua sông.
Chập-chùng trời mây bay trong mênh-mông.
Từ đây xa sông bến,
Thuyền lướt theo trăng ngà.
Trời đầy sương lạnh-lẽo,
Có ai bơ-vơ.
Giờ tay vướng mà đi,
Sông nước biệt-ly,
Người xa kinh-kỳ.
Giữa sương gió ngàn khơi,
Đăm-đắm trông ai,
Cầu mong ngày vui.
                
                                 


Tiếng Đàn của Thúy Kiều
                                         - Gs Phạm Thị Nhung -

Sự thẩm định của GS Lê Hữu Mục về tiếng đàn của Thúy-Kiều qua hai lần trình tấu cho Kim Trọng nghe, trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du.
Trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, Thúy-Kiều không chỉ là một trang giai nhân « quốc sắc » , với tấm nhan sắc tươi thắm, kiều mị, đến nỗi  hoa phải «ghen», liễu phải « hờn» , mà nàng còn là một con người thông minh , tài hoa với một ngón đàn tuyệt diệu « nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương ».
Nguyễn Du đã mượn tiếng đàn của nàng Kiều để làm nền cho tác phẩm Đoạn trường tân thanh của mình. Thế nên, tiếng đàn ấy đã gắn liền với cuộc đời của Kiều. Mỗi biến cố trong đời là một lần thay xoang đổi điệu, để nói lên cảnh ngộ, cùng diễn tả tâm trạng, tình cảm của nàng.
Đặc biệt tiếng đàn của Kiều qua hai lần trình tấu cho Kim Trọng nghe, lần thứ nhất khi mới bước vào cuộc tình và lần cuối cùng khi vừa tái-hợp , đã thâu tóm thiên tình sử của họ.
Sau đây, chúng ta sẽ thưởng thức tiếng đàn đặc biệt này của nàng Kiều qua sự thẩm định giá trị của GS Lê Hữu Mục, được trích từ hai bài bình giảng trong cuốn biên khảo Truyện Kiều và Tuổi Trẻ, viết chung với Gs Phạm thị Nhung và Dược-sĩ Đặng Quốc Cơ.
         
                 GS Lê Hữu Mục, GS Phạm Thị Nhung cùng 2 thân hữu, Montréal.

1-Buổi trình tấu âm nhạc đầu tiên của Thúy-Kiều (c.c. 463-498).

Trong bài bình giảng này, phần diễn đề ( c.471-496), GS Lê Hữu Mục đã phân tích rất tường tận, rành rẽ từng tiếng đàn của Thúy-Kiều và đưa ra nhiều nhận xét thật tinh tế, xác đáng .

A - Trước hết, nói về bản đàn (c.471-480).
- Phần khai nhạc gồm bốn câu (471-474)
So dần dây vũ, dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe như tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau.
Sau khi so dây, thử tiếng, Kiều bắt đầu đàn .
Tiếng đàn dồn dập, rầm rộ như có hàng ngàn, hàng vạn binh khí đủ loại xô xát vang lên… tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau… Quang cảnh hỗn loạn, vô trật tự thật là cùng cực… khiến Kim Trọng có cảm tưởng (khúc đâu) như khúc Hán Sở tranh hùng, chiến trường đang hồi giao tranh khốc liệt. Theo GS Mục, vì đây là phần khai nhạc cổ điển, nên hơi nhạc mạnh tối đa, nhịp điệu đổi liên tiếp… tốc độ nhạc khí khai triển toàn-thể.
Kết thúc đoạn này, GS Mục nhận xét : Chỉ một mình Thúy Kiều với cây đàn nguyệt của Kim Trọng mà diễn tả được mọi âm thanh huyên náo của trận đánh khốc liệt, thì thực tài nhạc của Kiều quá cao siêu. Tiếng đàn vang dội trong gian phòng, Kim Trọng có cảm tưởng như đang đứng trước một ban nhạc lớn đang hoà tấu.
- Phần hai (475-476)
Khúc đâu Tư Mã phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng ?
Theo GS Mục, phần hùng tráng giảm nhẹ tốc độ và cường độ. Đặc điểm phần nhạc này là khai triển cung nam, tức là nét nhạc ngả sang tình buồn. Kim Trọng nghe ra như oán…, như sầu…, GS Mục giải thích :  …là vì Thúy Kiều cố nén những âm thanh mạnh của tiếng đàn để cho tiếng đàn trở nên rủ rỉ, bẻ bai ; tuồng như mọi âm lượng , mọi thể tích của âm thanh đều bị ngón tay của người nghệ sĩ đè xuống, ép xuống dây đàn và hoàn toàn bị thu nhỏ lại. Tiếng đàn như vậy là tiếng đàn bi ai, buồn thảm, tha thiết.
Kim Trọng nghe ra như khúc Phượng cầu Hoàng của Tư mã Tương Như, đang tỉ tê rủ rỉ tỏ tình quyến rũ Trác văn Quân. Người góa phụ trẻ đẹp , giầu có này đã bị tiếng đàn của Tương Như mê hoặc đến bỏ nhà trốn theo chàng .
Phần ba (c.477-478)
Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hàng vân.
Điệu nhạc đến đây chuyển động , tốc độ tiếng đàn tăng dần….Nét nhạc nghe lưu loát như lưu thủy ( nước chảy)…, còn gợi ra khung cảnh sông nước mênh mông ; như hành vân ( mây bay)… phác họa được một cảnh trời mây mung lung , bát ngát…Sau khi phân tích, Gs Mục nhận xét, Phần nhạc này gieo vào lòng người nghe những tiếng nhạc vui tươi , linh hoạt , nhẹ nhàng . Tương phản hoàn toàn với đoạn nhạc trên .
Phần bốn (c. 479-480)
Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa , nửa phần tư gia.
Để kết thúc bản nhạc , theo GS Mục, nét nhạc trầm xuống, và kéo dài như vương vấn , như luyến lưu…khiến Kim Trọng nghe như khúc Chiêu Quân Oán. Nàng Chiêu quân phải đi cống Hồ, khi qua cửa quan, biệt Hán bước vào nước Hung nô, lòng nàng sầu bi … Khúc nhạc biệt ly thật buồn vời vợi.

B- Tiếp theo , Gs Mục phân tích giá trị của tiếng đàn ( c. 481-488)
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thỏang ngoài
Tiếng mau sầm sập như trờI đổ mưa.


Trước hết bàn về âm sắc. GS Mục phân tích, tiếng nhạc trong trẻo tức tiếng nhạc không bị nhiễu, không bị tạp âm pha trộn. Trong còn có nghĩa là rõ ràng ,ngón tay bấm vào chỗ nào là âm thanh phát ra chính xác ,…không có tiếng dây khi ngón tay vuốt ve dây đàn…Trong là nói đến thính giác, tuy là nói đến thính giác, nhưng ta không chỉ dùng thính giác để nghe đàn, ta còn thấy tiếng đàn qua tiếng hạc đang bay vọng tới , một âm thanh tinh khiết không một chút gợn , và hình ảnh một màu trắng tinh khôi không một vết loang của cánh hạc đang bay nơi lưng trời.


Ngược với trong là đục. Nói về âm thanh đục là nói đến tiếng trầm, sâu lắng hay nặng nề, tối tăm.
Câu « Nước suối sa nửa vời », ta được nghe thấy tiếng rì rầm âm u ở phần thấp của tiếng đàn, đồng thời trông thấy mầu đục của âm thanh, giống như mầu đục của nước suối khi nó rời khỏi nguồn và sắp từ trên cao dội xuống.

GS Mục viết tiếp : Như vậy về âm sắc, tính trong và đục là hai sắc thái cơ sở của tiếng đàn, đã được mô tả trọn vẹn . Không gì thú vị bằng tai nghe một âm thanh của tiếng đàn mà mắt ta còn được trông thấy tiếng đàn nữa. Nguyễn Du thật là một thi sĩ lớn, khi ông biết sử dụng qui luật tương biến của ngũ giác.
Ngoài âm sắc, âm nhạc có giá trị nhờ ở tiết điệu, ở nhịp khoan, nhịp nhặt.Gs Mục giải thích, khoan là thong thả, chậm chạp, tiếng này cách tiếng kia một tiết tấu kéo dài. Nhịp khoan thường đi đôi với những âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu, như gió thoảng ngoài… Trái với tiếng khoan là tiếng nhặt, nghĩa là mau, nói về những điệu dồn dập, lôi cuốn nhau liên tiếp, không dứt.Từ «sầm sập» để tả trời mưa lớn liên tiếp rất đúng, đã cho ta hình dung những âm thanh có độ mau và mạnh.
Và để đề cao hơn nữa về tài đàn của Thúy kiều , Gs Mục phân tích đoạn thơ nói về hiệu lực của tiếng đàn ảnh hưởng lên ngọn đèn và chàng Kim Trọng như thế nào ?

Ngọn đèn khi tỏ, khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.


Theo Gs Mục, tiếng đàn được tả rõ hơn khi tác động của nó được qui chiếu vào môi trường chung quanh. Trước hết là ngọn đèn khi mờ, khi tỏ.Tỏ là sáng lên khi tiếng đàn mạnh và dồn dập ; mờ là tối đi , giảm ánh sáng đi, khi tiếng đàn chìm lắng, nhẹ và kéo dài. Ánh sáng của ngọn đèn đã bị tần số âm thanh của tiếng đàn chi phối.Tính thụ động của ánh sáng đã làm nổi bật sức mạnh của âm thanh, tạo cho tiếng đàn của Thúy Kiều có một mãnh lực gần như ma quái. Chính mãnh lực gần như ma quái này đã ảnh hưởng vào tâm trạng Kim Trọng, khiến chàng càng bị lôi cuốn, hòa nhập vào tiếng đàn : Khi tựa gối, khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc , khi chau đôi mày. Nói khác đi, tâm trạng của chàng Kim đã bị tiếng đàn chi phối hoàn toàn.Tiếng đàn quả có một sức mạnh gần như thần thánh ! Gs Mục đã chứng minh được cái tài hoa của nàng Thúy Kiều qua tiếng đàn này.
Sang phần nhận xét, GS Mục cho biết : Nhờ kỹ thuật chuyển hóa âm thanh thành hình ảnh mà câu thơ của Nguyễn Du vươn ra ngoài lời, chắp cánh cho trí tưởng tượng của người đọc đi vào ý thơ một cách trực tiếp .
Và để bổ túc cho phần nhận định về giá trị tiếng đàn này của Thúy kiều, hay chính của Nguyễn Du, Gs Mục viết : Nguyễn Du tuy lấy chất liệu trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, và tiếng đàn trong thơ của Lý Kỳ, nhưng nhờ những kỹ thuật âm nhạc mà ông biết dùng một cách đứng đắn như « trong » « đục » «  khoan » « mau » ; và nhờ kỹ thuật bố trí từ ngữ một cách chính xác, thi ca (ĐTTT) của ông đã vượt xa cái thô sơ của chất liệu, để bay lên cao trong ánh sáng của các tinh thể muôn đời.
Phần giới thiệu trên của chúng tôi tuy chưa nói lên được đầy đủ về bài viết của Gs Lê Hữu Mục, nhưng cũng đã chứng tỏ, GS Lê Hữu Mục quả là một nhạc sĩ không chỉ giỏi đàn, nắm vững nhạc lý, ông còn là một sáng tác gia có hạng, nên mới có được những lời thẩm định xác đáng, tinh tế kia.
GÓP Ý
Nhân bàn về tiếng đàn của Thúy-Kiều trong bài này, chúng tôi cũng muốn góp ý thêm, Nguyễn Du ngoài sự mượn thanh để tả ý đã đành, ông còn dùng điển, mượn ý những bản đàn cổ điển như Hán Sở chiến trường, Phượng cầu Hoàng, Quảng Lăng tán, Chiêu Quân oán như đã đươc GS Mục phân tích trong những dẫn chứng ở trên, không ngoài chủ đích giúp chúng ta, những độc giả của ông, hiểu tường tận hơn cảnh ngộ cùng tâm trạng, tình cảm của nàng Kiều buổi đó.
Thật thế, nàng Kiều đang thời son trẻ xuân sắc, lại vừa bước vào một cuộc tình đẹp như mộng với chàng văn nhân Kim Trọng « Phong lưu tài mạo tót vời ».Thì trong cái đêm hội ngộ, được đối diện với người tình, đối diện với hạnh phúc yêu đương của đời mình, Kiều có cơ hội được gẩy đàn cho chàng thưởng thức, tiếng đàn ấy đáng lẽ chỉ có một điệu vui, nhẹ nhàng phơi phới hay rộn ràng hớn hở, biểu lộ một tâm trạng mừng vui, tình ý hả hê mới đúng. Đằng này tiếng đàn lại quá đỗi hỗn loạn, phức tạp. Khi thì rầm rộ, huyên náo như có hàng ngàn hàng vạn tiếng binh khí xô xát vang lên, chẳng khác nào chiến trường Hán Sở đang hồi giao chiến dữ dội ; khi lại nhẹ nhàng thanh thoát như nước chảy mây bay trong khúc Quảng lăng tán ; khi lại rền rĩ nỉ non như khúc Phượng cầu Hoàng của Tư mã Tương Như, gảy lên để tỏ tình quyến rũ Trác văn Quân ; khi lại sầu thương, ai oán như khúc Chiêu Quân oán , tả tình biệt ly của nàng Chiêu Quân trong giây phút quá quan, biệt Hán sang Hồ .
Tại sao vậy ? Thưa rằng phải vậy mới diễn tả hết được nỗi rối bời đang diễn ra trong nội tâm Kiều lúc này, đó là giữa hai trạng thái tình cảm cực kỳ mâu thuẫn :- Hạnh phúc và khổ đau. Giữa hai hướng đời cực kỳ đối chọi: - Nàng thực sự có tự do , đã nắm bắt được hạnh phúc thiên đường trong tay hay đang đứng trên bờ vực thẳm của định mệnh tàn khốc, chờ chực xô đẩy nàng xuống địa ngục của số kiếp đoạn trường ? Thế nên, dù đang ngồi đàn cho người yêu thưởng thức mà niềm vui nào có trọn, nỗi khắc khoải về số kiếp đoạn trường do bóng ma Đạm Tiên báo mộng, cũng như lời tiên tri của người thầy tướng thuở nào: ” Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”,vẫn không buông tha nàng.
Tâm người còn đang rối reng bời bời, buồn vui bất ổn như thế, thử hỏi tiếng đàn làm sao không hỗn loạn , phức tạp?
Bản đàn Thúy Kiều trình tấu buổi đầu tiên này cũng đã báo trước cho chúng ta hay, cuộc tình của họ rồi sẽ tan vỡ, và nàng Kiều sẽ phải trải qua nhiều năm lưu ly tân khổ. Đúng với số kiếp đoạn trường của khách tài hoa:

Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.


Những là:
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

Và:
Làm cho sống đọa, thác đầy
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.


Quả nhiên, sau lần hội ngộ đó Kim Trọng phải lên đường gấp về Liêu-dương hộ tang chú, còn Kiều thì gặp cảnh gia biến. Vương ông bị thằng bán tơ vu oan, bọn sai nha ập vào nhà khám xét, vơ vét tiền của. Vương ông và Vương Quan bị chúng tra khảo, đánh đập tàn nhẫn (cốt để moi tiền), rồi bị bắt đem đi. Kiều đành bán mình cho Mã Giám Sinh, một khách phương xa, để lấy tiền chuộc tội oan cho cha mà phải rời bỏ quê hương, xa lìa cha mẹ, phụ tình người yêu; thân thì bị đọa đầy trong kiếp gái lầu xanh, trong phận tôi đòi. Sau gặp được Từ Hải, một khách anh hùng nơi biên thùy, thương yêu, Kiều được trả ơn báo oán, mát mặt với đời. Chẳng bao lâu, Kiều vì tin vào lời dụ hàng của Tổng đốc Hồ Tôn Hiến, khuyên Từ Hải giải giáp, ra đầu phục triều đình. Từ bị họ Hồ lừa, phải chết thảm, còn Kiều bị ép gả cho một tên thổ quan. Quá đau đớn, tuyệt vọng, Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường tìm cái chết.
May nhờ được sư bà Giác Duyên , nghe theo lời tiên tri cuả Tam Hợp đạo cô, đã thuê người chăng lưới vớt được Kiều lên , đem về cho tu ở thảo am của bà … Sau lần chết đi, sống lại đó, Kiều mới thực sự thoát khỏi số kiếp đoạn trường, được trở về sum họp cùng gia đình và người yêu xưa.
Phạm Thị Nhung
      Anh Lê Hữu Mục, gương làm việc không ngưng nghỉ
                Nguyễn Văn Sâm (Giáo sư Viện Việt Học, California)
Anh Mục lớn hơn tôi hơn một con giáp. Khoảng cách đó, với số tuổi của chúng tôi ngày nay, không quan trọng lắm, nhưng ngày xưa lúc tôi mới bắt đầu học Tú Tài I (1957-58) thì là cả vấn đề. Tôi nhìn anh còn hơn cả bậc thầy mình. Anh lúc đó đã có giảng khoa ở Đại Học Huế, đã có sách về Nhất Linh, về Tự Lực Văn Đoàn rất có giá trị mà chính tôi đã nghiền ngẫm để đi thi. Khi tôi mới bước vào ngưỡng cửa của trường Đại Học Văn Khoa thì anh Mục đã có những công trình làm ngẩn ngơ người đọc là bản dịch hai quyển truyện ký xưa "Lĩnh Nam Chích Quái" và "Việt Điện U Linh Tập". Hai tập truyện xưa này anh dịch rất tài tình, chính xác và rõ ràng. Phần quan trọng bậc nhất là phần giới thiệu ở đầu sách, giới thiệu toàn bộ nội dung để người đọc nắm được những gì tác giả muốn chuyển giao cho người đọc. Tôi biết và hiểu, có thể nói là đầy đủ, Lĩnh Nam, Việt Điện là nhờ công trình sáng giá này của anh. Khi tôi mới chập chững bước vào việc tìm hiểu chữ Nôm thì anh Mục đã có công trình Huấn Địch Thập Điều do Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá của cụ Mai Thọ Truyền xuất bản. Quyển sách nầy cũng vậy, anh Mục chú thích tận tường và đây là một tác phẩm dầu được phiên âm lần đầu tiên, nhưng cho tới ngày nay tôi cũng chưa thấy một chữ nào đáng bàn cãi.
Trong việc học hành nghiên cứu, anh Mục lúc nào cũng đi trước tôi một đoạn đường dài, chắc chắn bằng kiến thức và tác phẩm chớ không phải đoạn đường dài của thời gian… tôi gọi anh bằng anh vì anh muốn vậy, và tôi giữ cách gọi nầy gần bốn chục năm nay. Tiếng anh như là tiếng tôn vinh một bậc đàn anh của mình, với sự quí trọng chớ không phải là tiếng gọi bằng anh bình thường của sự xưng hô giao tiếp.
Cảm tình đó tôi có được là do những tác phẩm của anh: nghiêm túc, sâu rộng, đĩnh đạc... Trong giao tiếp với tính cách bạn bè, hay với tư cách của người nghiên cứu đi sau, nhiều người phàn nàn anh Mục về sự khép kín trong việc trao đổi tài liệu, trách anh thường làm việc một mình, được hỏi ít khi trả lời… tôi tuyệt nhiên không có sự phàn nàn đó. Tôi cho rằng mỗi người đã chọn thái độ sống và phương thức làm việc của mình rồi, người nghiên cứu mà khép kín trong sự giao tiếp trao đổi là vì những lý do riêng của kinh nghiệm tự thân. Ta không thể lấy cách sống của mình mà bắt người khác sống như ta được.
Cơ cấu giáo dục Đại Học của VNCH thời 1950-1972 đã ngăn chặn bước tiến thủ của anh Mục. Từ lúc có bằng Cử Nhân, giữa thập niên 50, đến khi anh có thể thi Tiến Sĩ phải mất hơn hai mươi năm. Những người có trách nhiệm ở Đại Học thời đó không mở chương trình Tiến Sĩ vì lý do nầy lý do khác. Khi mở thì cũng mở nửa chừng, Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp chớ không phải là Tiến Sĩ Quốc Gia. Nghĩa là rồi sẽ phải thi thêm lần nữa!
Và tôi được thi cùng luợt với anh, khóa đầu tiên của Trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, 1973, dành cho những người đang giảng dạy ở Đại Học Văn Khoa mà chưa có bằng Tiến Sĩ (vì không được đi ngoại quốc.) Kỳ thi cuối khóa Năm Thứ Nhất Tiến Sĩ, xác nhận rằng các thí sinh đủ điều kiện để trình Luận án Tiến Sĩ, Anh Mục đỗ đầu, Nguyễn Văn Sâm hạng nhì. Kế đó là Phạm Việt T. (gần đây ở Pháp), Nguyễn Thiên T. (hiện đang ở Canada) và sau đó còn mấy người nữa mà tôi quên tên vì qua lâu ngày và là những vị mà tôi ít cùng sinh hoạt… Hạng nhì sau anh Mục, nhưng tôi biết chắc chắn rằng mình chỉ đáng là học trò của anh về nhiều mặt. Có khi học trò của anh còn giỏi hơn mình.
Khi bàn chuyện với các vị Giáo sư phụ trách kỳ thi nầy, vốn cũng là đồng nghiệp nhiều năm dạy chung một trường, tôi được xác nhận điều đó: "Mục nghiên cứu lâu rồi nên có cái nhìn liên ngành, trong vấn đề phải trình bày Mục cũng đào sâu. Sự thông thạo Hán văn, Pháp Văn giúp Mục hơn nhiều, hơn xa những người cùng khóa." Sau nầy anh Mục thường tự hào nhắc lại ở nhiều chỗ rằng mình đỗ đầu kỳ thi Tiến Sĩ Văn Khoa, khóa độc nhất, tôi cho rằng sự tự hào đó là chính đáng. Vì thời thế, chớ đáng lý ra anh dã đi xa hơn nhiều về mặt khoa bảng, sự khoa bảng được yểm trợ giá trị bằng những công trình đa dạng, đa năng mà anh đã cống hiến cho người chung quanh suốt cả đời mình.
Anh Mục dạy chánh thức ở trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, phụ trách thêm một phần nhỏ ở trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, cơ quan chủ quan của tôi. Chúng tôi thân nhau vì gặp thường xuyên và cùng có biệt nhãn về Huỳnh Tịnh Của. Thỉnh thoảng hai đứa đem sách của Huỳnh Tịnh Của ra thảo luận bàn bạc, nhiều đoạn đắc ý anh Mục thường cười lớn như trẻ con trong khi tiếng cười bình thường của anh đã là như lệnh vỡ. Giống nhau điểm đó, còn các điểm khác về mặt nghiên cứu anh Mục khác xa với tôi. Khi tôi bỏ tâm huyết và thời gian để viết về các nhà văn tranh đấu chống Pháp 1945-1954, anh Mục nói tôi làm chuyện vô ích vì các nhà văn đó còn quá mới và giá trị của họ chưa được thời gian thẩm định. Tôi cười, mà không biện bạch, chỉ nghĩ rằng mình là người thẩm định và xác nhận trước hơn ai hết, thế thôi. 
Điều đó có gì sai trái đâu, mọi chuyện đều phải có lúc ban đầu. Cũng như kỳ thi Tiến Sĩ đầu tiên ở nước ta là kỳ thi Thái Học Sinh. Nếu hỏi những giám khảo chấm kỳ thi Thái Học Sinh lấy tư cách gì để chấm kỳ thi nầy thì tôi chịu. Chỉ nói rằng mọi chuyện đều cần có cái ban đầu. Khi tôi cho in lần đầu tiên quyển Văn Học Nam Hà, cũng chính anh Mục nói tôi viết được, nhưng mà phải viết kỹ lưỡng hơn nữa, quyển sách có chiều dầy nhưng như là còn sơ lược. Tôi hỏi sơ lược chỗ nào, anh chỉ cho từng chỗ, tôi sẽ bổ sung khi có thể. Anh Mục chỉ cười. "Toa phải tự tìm hiểu, moa đâu phải thầy của toa đâu. Rồi anh nghiêm chỉnh hơn. Toa có thể đi xa trên đường nghiên cứu, nhưng phải cẩn thận, viết mau, viết sai thì chết, không thể sửa được."

Tôi biết ơn sự cảnh báo phải cẩn thận của anh. Tôi phục cái đức tính đó. Chúng ta không thể dửng dưng liệng vào thị trường sách vở những quyển sách đầy sai lầm do sự tất trách. Chôn vùi tên tuổi mình là chuyện nhỏ, nhưng đầu độc người khác bằng những kiến thức sai lạc và những lý luận khiên cưỡng là chuyện không thể tha thứ được. Sách vở còn đó, 30, 50, hay cả trăm năm sau. Nhưng, với tôi, sự cẩn trọng phải có giới hạn, không thể cẩn thận quá đáng để rồi không biết đến bao giờ mới dám in tác phẩm của mình. Đến khi về già nếu có muốn in thì tiền bạc cũng như tinh lực không còn bao nhiêu để lo tròn việc in ấn.
Sau 75, chúng tôi đều mất trường, mất lớp. Tôi thường đọc cho anh nghe câu thơ tán thán rất là ưng ý nảy sinh khi đạp xe cọc cạch đi ngang trường cũ: Trường này nào phải trường ta/ Liệu mà sửa soạn về nhà đi buôn. Tôi không biết đi buôn, nhưng đã chìm sâu vào sự trống vắng tuyệt cùng, xa cách nghìn trùng với sách vở bảng phấn. Trong khi đó, mỗi khi gặp người chuyên môn về văn học hay chữ Nôm từ Miền Bắc vào, tôi phần lớn nghe chính từ cửa miệng họ lời thán phục và kính nể bác/cụ Lê Hữu Mục. Có người còn nói với giọng tri ân rằng những chữ nầy chữ kia tôi đọc được là nhờ bác/cụ Mục. Tạo được cái uy tín đó, có được sự tri ân đó sở học và sự suy luận của anh Mục chắc chắn là đã có sức thuyết phục thật nhiều.
Nhiều lần nói chuyện với anh, tôi rút ra mấy quan điểm tôi cho là cần thiết cho người lăn lóc trong môi trường chữ Nôm, do anh Mục khám phá được như là kinh nghiệm thực tiễn:
    Chữ Nôm có tích cách lịch đại: Chữ Nôm được viết ra mỗi thời mỗi khác. Khi đọc bản Nôm phải chú ý đến thời đại xuất hiện của nó. Mỗi thời đại có qui luật cấu tạo riêng. Cho những chữ Nôm vào cái khuôn thời đại của nó thì ta dễ đọc hơn dầu là chữ đó ta chưa từng gặp và nó cũng chẳng có mặt trong bất cứ từ điển nào. Lời anh nhấn mạnh: Cụ Hoàng Xuân H. không để ý đến qui luật thời đại mà chỉ để ý đến miền xuất hiện. Miền, chẳng hạn Nghệ An, Hà Tĩnh là một yêu tố không gian, nhưng yếu tố thời gian còn quan trọng hơn.
    Không nên lạm dụng ý cho rằng chữ nọ chữ kia khắc sai: Khi khảo sát một tác phẩm, phải cẩn thận, tốt nhất là giới hạn lại cái câu: Chữ này viết sai, phải là thế này. Chắc bản khắc đã lầm, chắc người sao đã lộn. Anh Mục nhấn mạnh nhiều lần với tôi: "Không gì dễ dàng bằng nói người xưa sai. Họ không cãi được mà người đời nay không bao nhiêu người có thề biện hộ giùm cho họ. Đó mới là điều nguy hiểm vì phần nhiều ta chưa xét đến hết mọi mặt, kết luận chữ đó sai chính thật là ta sai. Cụ Đào mắc lỗi này dầu rằng sở học của cụ thiệt là uyên bác."
    Nên chú ý đến cổ ngữ cổ âm…: Xét thơ xưa, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồng Đức, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Vương Tường… phải chú ý đến giọng đọc xưa, lối nói xưa, từ xưa. Cố gắng quên mình là người bây giờ với cách nói, cách suy nghĩ bây giờ mà đặt mình vào thời cách đây năm sáu thế kỷ, nhứt là để ý đến những nhóm chữ Hán mà người xưa cố gắng dịch ra tiếng Việt. Không hiểu từ mà họ dịch thì ta không thể nào hiểu được chữ Nôm đó…
    Tôi học được nhiều kinh nghiệm phiên âm của anh Mục. Tôi biết anh làm việc cần cù mỗi ngày. Tôi thông cảm với thái độ của anh khi những lần mình gọi điện thoại cho anh, phải khổ sở nghe anh say mê nói về công việc mình đang làm, nói như là anh đang thuyết giảng mấy giờ liền trước một cử tọa đông đảo. Tôi biết nếu anh cho in hết những công trình anh đã làm về Nôm về văn học thì có thể tới hơn năm mươi đầu sách. Đó là kết quả của một đời người cặm cụi, đơn độc, say mê và không biết ngưng nghỉ để giải quyết những bài toán khó về nguồn gốc chữ Nôm, về cách đọc một số chữ ai ai cũng bí, về trường hợp thơ Nguyễn Trãi sao có xen lẫn một hàng sáu chữ ở mỗi bài.
Tôi phục sức làm việc của anh, tôi thương anh nhiều lắm khi anh nói: “Moi đã chết rồi đấy toa, lần đó là chết thiệt rồi đó. Người ta định đem xuống nhà xác rồi. Không biết làm sao mà moa sống lại.”
Một câu trả lời lóe lên trong đầu tôi: Cho anh sống lại để anh giải quyết những món nợ tự mang về chữ Nôm, về văn học, để anh nêu tấm gương người làm việc không ngưng nghỉ dầu tuổi đời đã quá tám mươi…
Riêng tôi, tôi cám ơn anh đã nhiều lần khuyên nên dùng thời giờ viết truyện ngắn với bản sắc và văn phong mà tôi đã vạch ra cho mình, và cũng cám ơn anh đã coi tôi như người bạn vong niên có nhiều vấn đề trao đổi, nhất là về những tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của mà anh biết rằng tôi rất ưa thích.


Nguyễn Văn Sâm
Port Arthur, TX, Aug. 01, 2007
           Vài kỷ niệm với học giả Lê Hữu Mục - Diệu Tần


Giáo sư, nhà biên khảo Lê Hữu Mục trong chuyến "Hoa Kỳ du" này đã ghé thăm thành phố San Jose theo lời mời của một nhóm bạn bè của ông và một số anh chị em văn nghệ sĩ tại đây. 
Giáo sư Lê Hữu Mục đã từ Los Angeles lên San Hô Thành ngày Thứ Sáu 6-6-03 và ở thăm bạn bè trong năm ngày. Chiều Thứ Sáu GS đến San Jose, và buổi tối đã có cuộc họp mặt tại nhà riêng của chúng tôi. Sáng Thứ Bảy, GS đã gặp một số thân hữu như cụ Phạm Văn Lý, GS Nguyễn Xuân Vinh... và các đồng nghiệp cũ. Tối Thứ Bảy, tại nhà riêng nhà văn Phương Duy & Hoa Hoàng Lan có tiệc "tẩy trần" giữa thày với vài môn sinh cũ và nhóm cầm bút. Những ai mới gặp GS Lê Hữu Mục đều phải nhận rằng ông có một tâm hồn nghệ sĩ, ngoài cương vị nhà giáo. Năm nay ông đã 79 tuổi nhưng còn tráng kiện và rất minh mẫn, vui vẻ, cởi mở, đúng tác phong một cựu huynh trưởng Hướng Đạo. Ông sáng tác bản nhạc "Chèo đi, bơi đi" dành cho Hướng Đạo từ năm 1941. Thày trò sau 40 năm mới gặp lại, ôn lại chuyện cũ ở đất Thần Kinh. Từ chuyện học đường nhảy sang văn học, chính trị, rồi thời sự, rồi các nhân vật, giáo sư, sinh viên Huế, câu chuyện hầu như không muốn chấm dứt.


Đặc biệt là chính GS Mục đã đứng lên hát một bản nhạc mới nhất do ông sáng tác, cũng như một bài hát khác viết sau năm 1975. Buổi họp mặt bắt đầu từ 6 giờ rưỡi chiều kéo dài đến đúng nửa đêm mới tan. Nhạc sĩ Lê Hữu Mục có đôi bàn tay nghệ sĩ, khác với khổ người bệ vệ của ông. Cánh tay ông to, ông cho biết thi kéo tay ông ít thua ai, nhưng bàn tay lại nhỏ kiểu nhà giáo và nhà nhạc sĩ. Người ta cho biết đã có vài phụ nữ ở Úc, Gia nã đại quý trọng tài nghệ bấm phím dương cầm đã xin hôn bàn tay nhạc sĩ tài hoa.

                 



Sáng Chủ Nhật, GS đã có một cuộc talk show trên chương trình phát thanh của GS Trần Công Thiện thuộc Hội Văn Hóa Việt. Tôi nghĩ tuy GS không lập một chương trình tiếp xúc chính thức, rộng rãi, nhưng qua cuộc phỏng vấn với GS Trần Công Thiện và luật sư Đỗ Dõan Quế, và trong bữa cơm thân mật có và đại diện báo chí cũng là dịp đồng hương nghe và đọc những lời phát biểu của một nhà giáo, nhà văn nổi tiếng kể chuyện sau 75 đã tiếp xúc với những người tự nhận là tinh hoa của chế độ.


Buổi trưa VBVN/HN chúng tôi có một bữa cơm thường chào mừng GS cố vấn, mời chừng hơn hai chục văn thi sĩ trong vùng. Trong bữa cơm này, chúng tôi đã mời vài nhà báo như: Nguyên Trung mà thày Mục chỉ nhớ tên thật là Ngô Văn Bằng, bà vợ là Cao Ánh Nguyệt; luật sư Nguyễn Tâm. Anh chị em San Jose có, nhà biên khảo Đào Đức Chương, nhà báo Vũ Quang Trân, nhà văn Phạm Quang Trình, nhà thơ Thúy Sơn, nhà văn Phương Duy, nhà thơ Trúc Giang, Vũ Gia Sắc, Hà Quốc Lân, nhà văn, nhà thơ Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích. Khách tham dự có cụ Trùng Quang, lão thi sĩ Hà Thượng Nhân, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, bà Đào Hoàng Oanh "cô gái Bắc Ninh", nhà văn Khathy Trần và ông Bùi Công Thắng, Luật sư Đỗ Dõan Quế, GS Trần Công Thiện (bạn đồng nghiệp với GS Mục) và vài nhà báo khác.

                                        GS Lê Hữu Mục và một số văn nghệ sĩ vùng San Jose 


Buổi họp mặt bắt đầu từ 11 giờ rưỡi kéo dài mãi cho đến 2 giờ rưỡi chiều. Ông vui vẻ đố mọi người rồi giảng những từ cổ Việt Nam, cũng như những chữ Nôm dùng rất quen thuộc, nhưng lại có nghĩa khác, thật đặc biệt. Chẳng hạn ông giải nghĩa chữ đếch và chữ đác, do đó người ta hiểu rằng tiếng Việt không hòan tòan là do từ Hán-Việt mà có. Một lần nữa nhạc sĩ lão thành "to con, vui tính" họ Lê lại đứng lên hát bài "Trái tim bằng đá", tiếp theo là những mẩu chuyện vui cười văn học nghệ thuật. Có hai điều đáng ghi nhớ là theo lời đề nghị của GS Lê Hữu Mục, lão thi sĩ Hà Thượng Nhân Phạm Xuân Ninh đã hạ bút thành thơ, chỉ trong 15 phút đã xong một bài thơ bảy chữ bao gồm đủ tên 26 người có mặt (đã đăng trên Tuần báo Chánh Đạo ngày 12-6-03).


Hà Chưởng môn cũng chỉ cần chừng đó phút là phóng bút xong bảy bài thơ bốn câu mô tả bốn phụ nữ và ba nam văn thi hữu hiện diện. Tài làm thơ của cụ Hà khiến người ta nhớ lại chuyện bảy bước thành thơ của Tào Thực, đời Tam Quốc. Hai là 4 nhạc sĩ lần đầu tiên (có thể sẽ không còn lần nào tập họp được đủ bốn người) đứng lên "tứ ca" đó là Lê Hữu Mục, Vũ Đức Nghiêm, Lê Mộng Bảo và Phương Duy Trương Duy Cường.


Từ trái: Vũ Đức Nghiêm, Lê Hữu Mục, Lê Mộng Bảo, Phương Duy Trương Duy Cường



Giáo sư, nhà văn Lê Hữu Mục viết thật nhiều và viết rất khỏe. Có thể nói ông chuyên về biên khảo và phê bình văn học. Về phê bình, ông viết "Thân thế và sự nghiệp Nhất Linh" năm 1955; "Nhận định về Đọan Tuyệt" năm 1955; "Luận đề về Khái Hưng" năm 1956; "Luận đề về Hoàng Đạo" năm 1956. Về triết học và tôn giáo ông viết: "Chủ nghĩa Duy Linh" năm 1957; "Văn hóa và Nhân vị" năm 1958 viết chung với GS Bùi Xuân Bào và Võ Long Tê; "Thảm trạng của một nền Dân chủ Vô thần" năm 1958. Về biên khảo, ông phiên dịch và giới thiệu "Lĩnh Nam Chích Quái", năm 1960; "Việt Điện U Linh tập" năm 1960; "Quân Trung Từ Mệnh tập" năm 1960; "Ức Trai Thi tập" năm 1961; "Nhị Khê Thi tập" năm 1962; "Băng Hồ Ngọc Báo" tập năm 1963; "Chùa Thao Cổ truyện" năm 1965; "Lịch sử Văn học Việt Nam" (tập I) năm 1968 "Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông", năm 1973; "Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục Trung Nhật Ký" năm 1988; "Truyện Kiều và Tuổi Trẻ" năm 1998.
Ông đã đọat giải thưởng văn học Mai Thọ Truyền năm 1966. Hiện ông đã viết xong mấy cuốn biên khảo mới và sẽ cho ấn hành như: "Quốc Âm Thi Tập" của Nguyễn Trãi; "Từ Cổ tiếng Việt"; "Hồ Chí Minh không phải là nhà văn"; "Những tội ác của Hồ Chí Minh đối với Văn học Việt Nam".

Ông đã giữ những chức vụ chính: Trưởng ban Tuyên Huấn của Tập đòan Công dân Huế; Chủ nhiệm Tuần báo văn nghệ Rạng Đông; Chủ tịch Hội Văn hóa Thừa Thiên; giáo sư Văn học Việt Nam và Chữ Nôm tại Đại học Huế (1957-1963), giáo sư tiếng Việt và chữ Nôm kiêm trưởng Ban Việt-Hán tại Đại học Sài Gòn (1963-1977). Trong năm 1989 Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Paris đã mời ông hợp tác để san định bốn tác phẩm của Maurice Durand, liên quan đên văn học và lịch sử Việt Nam.

Quê của Ông ở làng Lưu Phương, Phát Diệm, Tỉnh Ninh Bình, được học chữ Nôm, chữ Hán tại nhà, trước khi đi học Quốc ngữ. Ông đã đọc ba bài diễn văn quan trọng tại Huế từ năm 1955 đến 1957 và lấy đó để viết thành sách. GS theo học Đại học Văn Khoa Hà Nội từ năm 1948, đậu Cử nhân năm 1951, đậu đầu kỳ thi Tiến sĩ Văn Chương Việt Nam dành cho giáo sư các trường Đại học Văn Khoa Việt Nam năm 1970. Ra ngoại quốc ông cũng đã dạy tiếng Việt trong Chương trình PELO Gia nã đại, và đã viết cuốn Chuyện Cổ Tích Việt Nam cho chương trình này.


Chúng ta có thể gọi ông là giáo sư, nhà văn, nhà biên khảo, học giả với tất cả giá trị và và tầm mức xứng đáng. Ông viết nhiều sách, nhiều thể loại, kể cả vài bản nhạc nổi tiếng. Ông có rất nhiều học sinh, sinh viên ở Huế, ở Sài Gòn. Chỉ kể các cựu sinh viên ở hải ngoại cũng khá đông. Chỉ riêng vùng Vịnh phía bắc California có các nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Nguyễn Châu, Lê Đình Cai, Nguyên Trung, Phương Duy, Trương Quốc Lân…đều học sinh, sinh viên cũ của GS.


GS Lê Hữu Mục nổi tiếng nhất ở tác phẩm "Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục Trung Nhật Ký", cuốn sách gây nhức nhối khó chịu cho Cộng sản Việt Nam. Cuốn sách chỉ dày 155 trang, xuất bản năm 1988 ở Gia nã đại đã tạo bất ngờ và gây chú ý mạnh mẽ cho độc giả. Nhưng với những chứng cớ hiển nhiên, mức tin cậy rất cao, với những phân tích, lý luận đanh thép, vạch rõ ra là Hồ Chí Minh chỉ là một kẻ đạo văn rất to gan và rất khôn khéo. Cuốn sách xuất hiện và tất nhiên con cháu "bác" bên Việt Nam đã đọc, giãy lên như đỉa phải vôi. Bởi những chứng cớ "sờ mó" được (palpable) họ khó chối cãi. Họ bèn tập trung chất xám, tức lũ văn nô lại, đủ các cơ quan văn hóa, tuyên truyền, cố công, tận lực bênh vực, cứu vớt tên tuổi (?) cho Hồ Chí Minh. Khốn nỗi trước sự thực, họ không dám trực tiếp phản bác lại nội dung cuốn sách của tác giả.


Họ cho in một cuốn sách với tên "Suy nghĩ lại về Ngục Trung Nhật ký" đồ sộ, dày gấp bốn lần cuốn của GS Mục. Nhưng họ chỉ chạy vòng quanh, chỉ gián tiếp chứng minh rằng "bác" của họ cũng biết làm thơ chữ Hán, không phải chỉ biết làm thơ "con cóc". Họ gián tiếp tìm mọi lý lẽ mơ hồ, thiếu căn cứ để tỏ ra là họ Hồ không ăn cắp văn. Họ công nhận là đã viết cường điệu để tuyên truyền và mánh lới nói rằng sách của họ in trước sách của GS Mục và đấu dịu với tác giả.


Họ quên rằng GS viết cuốn này từ năm 1977, là năm UNESCO định vinh danh Hồ Chí Minh là nhà văn hóa quốc tế. Kết quả tốt đẹp là do một phần sách này (chưa in thành tập) được gửi sang Pháp, các ông Nguyễn Văn Trần, Nguyễn Ngọc Qùy và Võ Văn Ái bên Paris đã tích cực tranh đấu với UNESCO cho họ biết rõ là HCM đã đạo văn. Do đó cơ quan Văn hóa Liên Hiệp Quốc, trước bằng chứng hiển nhiên, lập tức bãi bỏ chuyện tôn vinh.


Hiện nay cuốn sách tố cáo họ Hồ ăn cắp văn thơ này không còn bày bán ở Mỹ, Pháp, Úc… vì đã tuyệt bản. Ở Việt Nam người dân dĩ nhiên không được đọc cuốn đó. Có thể chúng tôi sẽ đề nghị với GS tác giả cho tái bản, riêng tác giả có ý định dịch sang Pháp văn để quốc tế hiểu rõ hơn bộ mặt Hồ Chí Minh. Tại Việt Nam, cuốn đó chạm nọc tới ông tổ của họ, tất nhiên bị coi như quốc cấm. Bây giờ họ không còn bám víu vào tư tưởng Lê-nin và Mao Trạch Đông chỉ còn mỗi cái "a-tu" và là tô-tem cuối cùng Hồ Chí Minh thôi. Họ tô vẽ để tôn sùng Hồ Chí Minh là "Ngọn đuốc soi đường của cách mạng Việt Nam"; " Nhà văn hóa, tư tưởng vĩ đại''. Ai dám đọc cuốn sách vạch mặt HCM đó tức đụng vào cái bài vị duy nhất ấy chắc chắn là đi tù mọt gông.

Ngày 9-6 GS, học giả Lê Hữu Mục đã xuống dự buổi họp mặt của Hội Việt Học miền Nam Cali. Tại đây ông cũng sẽ có bài nói chuyện về văn học Việt Nam. Đến ngày 17 tháng Bảy, ông mới trở về Gia nã đại và hẹn một ngày tái ngộ các bạn văn và các sinh viên cũ tại Mỹ.
Diệu Tần
                 

Những kỷ niệm với anh tôi : Lê Hữu Mục
                                      - HỒNG VŨ LAN NHI -

 Đã từ lâu, tôi vẫn có ý muốn viết về gia đình tôi, một gia đình đông con, với 8 trai, 3 gái. Trong một gia đình đông con như thế, hẳn sẽ có nhiều chuyện để kể. Và hôm nay, người tôi muốn bắt đầu, lại chính là người anh thứ 7 trong gia đình Lê Huy, mang tên Lê Hữu Mục.
Tôi là út trong gia đình 11 người con. Trong câu chuyện gia đình, tôi thường hay có những câu hỏi bất chợt, mà Thầy tôi cũng không ngại trả lời, khi hỏi về tên của các anh chị.
...Khi có cậu con trai cả, Thầy tôi đã chọn những tên trong bộ sách: Hoàng, Giáp, Bảng, Khôi, Khoa, Nghè, Mục, Nhĩ...Chỉ nhìn vào tên của các anh, chị, cũng đủ hiểu ước vọng của Thầy tôi vào các con như thế nào.
Vấn đề giải thích các tên của các anh, tôi xin được viết vào một lần khác. Hôm nay, tôi chỉ xin nhắc đến tên ông anh Lê Hữu Mục, là một trong những người con mà Thầy tôi ước vọng sẽ trở thành tai mắt trong thiên hạ.
Viết về anh, tôi cũng xin phép được nhắc đến Thầy Mẹ tôi, như một lời cám ơn đã có công nuôi dưỡng, dạy dỗ anh em chúng tôi nên người có ích lợi cho gia đình và xã hội.
Thầy mẹ tôi đã sống một cuộc sống an bình, hiền hòa, nguyện giữ một lòng đạo đức, an phận trong niềm tin kính tuyệt đối vào Thiên Chúa và Mẹ Maria, theo đúng như lời giảng dạy của Linh Mục Trần Lục, mà người dân quê đã gọi với lòng mến mộ, kính thương là Cha Sáu, nơi vùng quê xa xôi Phát Diệm.
Đối với những người dân quê, đa số sống vào nghề nông, chuyên cày thuê cuốc mướn, thì số gia đình có con học hành, đỗ đạt rất hiếm ở trong làng.
Gia đình tôi là một trong sự hiếm quí đó. Được như vậy, cũng là nhờ Thày Mẹ tôi đã sớm nhìn ra con đường tốt đẹp, không nhờ vào mấy chục mẫu ruộng của ông bà để lại, mà chính là con đường học vấn mới là chiếc chìa khóa mở rộng tương lai.
Các anh lớn đã được Thày Mẹ tôi cho lên Hanoi học, sau khi học từ vỡ lòng ở ngôi trường làng. Và nếu tôi nhớ không lầm, thì các Sư huynh Taberd cũng đã đóng góp vào sự học hành của các anh tôi, khi các Sư Huynh về Phát Diệm mở trường học, day tiếng Pháp, và sau đó thì dạy cả tiếng Việt.
Cho con từ Phát Diệm lên Hanoi học cũng có thể ví như cho con đi du học vậy. Cũng phải thuê một căn phòng, chi phí tiền ăn ở, tiêu pha trong những ngày đứa con ở xa nhà.
Vì hiểu được hoàn cảnh gia đình, và cũng nhờ sự biết tận tụy chăm lo học hành, mà anh cả Lê Ngọc Huỳnh của gia đình Lê Huy đã đỗ xong Tú Tài Pháp, mà thời đó gọi là Tú Tài bản xứ. Theo Mẹ tôi kể lại, thì bạn của Mẹ tôi là cụ An Thái, là Mẹ của chị Dung, (sau này là bà Đinh Xuân Quáng) Cụ An Thái hỏi mẹ tôi có muốn cho Huỳnh ra làm quan không, thì cụ sẽ giới thiệu. Thời phong kiến, ra làm quan dù sao cũng có đời sống phong lưu hơn làm các nghề khác. Me tôi tuy không thích cho con vào quan trường, cũng vẫn hỏi ý anh Huỳnh, nhưng anh cho biết chỉ thích nghề dạy học, nên đã trở thành giáo sư Lê Ngọc Huỳnh của trường Bưởi-Chu Văn An... Anh dạy về môn Triết và Sử Địa.
Có lẽ tại Thầy tôi là nhà Nho, chỉ thích sống với những lời thánh hiền, cho nên đã dạy con cái theo lối sống của người quân tử, sống thanh bạch mà tâm hồn luôn thảnh thơi, hạnh phúc. Tôi xin ghi lại bài thơ của Thầy tôi đã làm với đầu đề :

Thăng Thiên Vấn Bần...

Thùy tri chỉ thị thôi vân lộ,
Ngã tương bình bộ thượng thăng thiên,
Sực nhớ xưa trí hội khai thiên,
Hẳn được biết nhất nguyên nơi trời ở.

Hỏi quê quán nhà trời đâu hử,
Nếu tiện đường ta thử lên chơi,
Nẻo đông tây cửa ngõ nhà trời,
Chấn môn xuất nhi đoài môn nhập.

Nhớ ngày trước thăng long mặc cập,
Đường thăng thiên cung bực ngại ngùng thay
Buổi văn minh gặp được hội này,
Lên trời sẵn tầu bay không mấy chốc.

Giương thẳng cánh liền quay máy trục
Lùa gió mây thông thốc bay lên
Đã có kim nam bắc chỉ miền,
Cứ nhắm thẳng đông thiên nẻo ấy.

5 giờ sáng tầu vừa tới đấy
Liền chắp tay vái lậy trời già
Vầng đông trời mới hiện ra
Trời mới hỏi: đi đâu mà sớm thế.

Thưa rằng có nhân gian sự thể
Nên mới hỏi trời dạy để được hay
Trời ở đông, rồi sao lại ở tây
Cho bận bã lòng này chi lắm tá.

Đồng thời tiên quang đồng thời dạ
Kỷ nhân phú quý kỷ nhân bần
Trời đã sinh ai chả là thân
Người giầu có kẻ nợ nần khôn kể xiết.

Nơi thì kẻ ăn không hết,
Chỗ thì lần đến mệt không ra,
Thế mà trời bảo trời ở công à
Trời lại bảo trời sinh trời dưỡng!

Trời đỏ mặt mắng thằng nói bướng
Của đứt giấy rơi xuống giống con nhà
Ta coi mi cũng dạng nho gia
Có học thức sao mà không nhớ sách.

Sách Minh Tâm, phải xem cho rành mạch
Tự tri bần còn oán trách chi ông
Ta đây cân nhắc rất là công
Người đọc sách đâu ông có phụ.

Sĩ tùng, ấm ớ đa hào phú
Trí tuệ thông minh khước tự bần
Tị nạnh chi những đứa ngu nhân
Câu quân tử đa truân ai là chẳng.

Hắn vụng dại trời cho hắn khá
Tài hắn hèn làm chẳng đủ ăn
Mi khôn ngoan tuy có khó khăn
Tay thu xếp tảo tần rồi cũng đủ.

May gặp hội giao long đắc vũ
Cũng thủy chung và cũng cân đai
Ta đã cho, ta có bảo ai
Rồi mới biết không sai tay tạo hóa.

Giầu như Vương Khải, Thạch Sùng đó nhá
Ta quay đi tiền phú hóa hậu bần,
Nghèo như Mông Chính, Mãi Thần,
Ta ngoảnh lại, tiền bần rồi hậu phú.

Việc hạ giới, lắng nghe ta nhủ
Hãy trở về bảo lũ nhân gian
Chớ thấy nghèo mà vội phàn nàn,
Đừng thấy có mà toan vắt vẻo.

Thôi con túng con đành hãy chịu
Cứ một niềm giữ đạo tin ngay
Kẻ kia nó có, nó nghiệt cay
Lòng thị phú sẽ có ngày giương mắt ếch.

Nghèo như con dễ ai ăn đứt
Tiền bạc nghèo mà tai mắt có nghèo đâu
Hãy trở về nghĩ lại cho sâu
Đừng nông nỗi lo giầu sợ khó.

Nó khinh bỉ, mặc thây chúng nó
Đã có tài, rồi có vinh hoa
Đừng trách trời lẫn chớ trách người ta
Thế mới gọi là con người học thức.

Nghe trời nói bỗng nguôi lòng buồn bực
Lậy trời già, vái tạ đấng cao minh
Quay tầu ra rong rưổi vân trình
Giương thẳng cánh dập dình về hạ giới

Việc túng bấn bỏ ngoài tai không nghĩ ngợi,
Ta có trời, trời lại có ta
Có đâu mà mãi thế này à ?

Lê Huy Diễm

Cũng xin ghi nhận nơi đây điều quan trọng: nhờ anh Lê Ngọc Linh có trí thông minh tuyệt vời, không những đã thuộc lòng bài thơ thật dài và đầy ý nghĩa mà còn cắt nghĩa gọn ý từng lời, từng câu. Nghe anh giải nghĩa, tôi càng thấy lời văn ý từ của bài thơ Thăng Thiên Vấn Bần thật thâm thúy. Cám ơn anh Linh thật nhiều.
Thầy tôi, vừa giỏi thơ văn, lại vừa giỏi về đàn nhạc. Thế mà, chẳng hiểu sao, Thầy tôi lại không muốn con cái đi vào đời nghệ sĩ.
Anh Huỳnh đã kể lại rằng, khi anh Mục khoảng 9, 10 tuổi, anh đã nhịn tiền quà sáng, để mua những quyển thơ, và tập tễnh làm thơ và làm nhạc Thầy tôi biết được đã cấm anh Mục không được làm thơ cũng như viết nhạc, mà phải chăm lo học hành đến nơi đến chốn. Anh Huỳnh tôi đã đến hỏi ý kiến người bạn thơ văn là Xuân Diệu, kể về chuyện cậu em đang tập làm thi sĩ, nhạc sĩ, và bị "Thầy tôi " cấm ngặt.
Ông Xuân Diệu đã nói chắc như đinh đóng cột lim lim:
- Cụ cấm là phải. Và "toi" cũng cấm luôn. Nếu là thứ văn và nhạc dởm, thì sau khi bị cấm, sẽ "chết" luôn. Còn nếu như văn và nhạc đã ăn vào trong máu, thì, "dù cụ hay toi" có cấm mấy cũng không "diệt" được đâu.
Đúng như lời ông Xuân Diệu tiên đoán, anh Mục đã đi vào âm nhạc và văn chương, nhưng không phải dùng thơ, nhạc để than thân, khóc đời, mà đi theo đường hướng hẳn hoi. Còn nhỏ, anh đã làm nhạc hướng đạo, tiếc rằng tôi chẳng nhớ bài nào ngoài bài Chèo Thuyền, nhưng cũng không nhớ hết:

Chèo đi, bơi đi, nước trong đang chờ ta
Bơi đi vững cầm tay lái mà hát vang lên cho lòng hăng hái

Chèo đi bơi đi nước trong đang chờ ta,
bơi đi vững cầm tay lái mà hát vang lên cho lòng mừng vui...
Tay chèo ( ... quên ) lướt lướt trên sông dài, kíp bơi theo thuyền ai.
Còn đoạn điệp khúc nữa, tôi cũng chẳng sao nhớ được.
Đó cũng là một tật xấu của tất cả các anh chị em tôi. Anh Huỳnh với biệt hiệu là Nam Huân, anh Lê Như Khôi, anh Lê Ngọc Linh, có làm nhạc, mà có lẽ từ anh em đến hàng các cháu, tụi nhỏ rất ít biết về các bài hát của các bác các chú. Mà nếu các cháu có hỏi tôi là em gái, về những bản nhạc xưa ấy, tôi cũng mù tịt luôn. Có lẽ, tại " bụt chùa nhà không thiêng", như anh Mục đã thường nói với tôi như vậy.
Riêng bài nhạc Hẹn Một Ngày Về là tôi thuộc lòng mà thôi. Dù sao năm 1952, tôi đã là nữ sinh đệ Thất trường Đồng Khánh, đã biết mơ mộng. Và có thể cũng nhờ bái hát đó quá nổi tiếng...
Anh Mục ham học, nên anh rất thích người nào ham đọc sách và chăm chỉ học hành. Tôi cũng nghe anh Ngân kể lại, là khi anh Ngân dộ chừng 8, 9 tuổi, Anh Mục ra bài bắt học thuộc lòng. Anh Ngân ham chơi, nên khi trả bài không đọc trơn chu, anh Mục đã phạt bằng cách bắt anh Ngân giang hai tay ra, mỗi bên để một cuốn tự điển La Rousse, nặng là thế, mà hễ cuốn tự điển rơi xuống đất là anh Ngân bị roi quất vào mông thật đau. Anh Ngân từ đó, sợ quá, không dám lười học.
Sau này, trong lúc mấy anh em đã luống tuổi, ngồi trò chuyện bên nhau, anh Ngân đã cám ơn anh Mục, nhờ bị roi mây quất vào mông đau, mà giờ này anh Ngân mới có mảnh bằng dược sĩ trong tay.
Riêng tôi, có lẽ vì bé quá, nên không bị các anh bắt học, nhưng lại bị Thầy tôi nhồi sọ khi bắt học Tam Tự Kinh, và nhất là bắt học bài thơ của Lê Quí Đôn " Rắn đầu biếng học ", khi tôi mới 6 tuổi. Học thuộc lòng mà chả hiểu cái hay của bài thơ thế nào, chỉ còn nhớ, Thầy tôi khen bài thơ quá hay đã dem được tên các con rắn vào bài thơ một cách tài tình và đầy ý nghĩa. Riêng tôi, tôi lại oán tác giả bài thơ, vì ông, mà tôi phải khổ sở học cho thuộc để trả bài. Nhưng với Mẹ tôi, thì chỉ bắt tôi học kinh, và ca dao, mà có lẽ tôi hợp với ca dao hơn, nên tôi học rất nhanh, và trả bài một cách vui vẻ...hứng thú.
Thời ở Saigon, khi tôi đã dạy học, đã làm báo, đang học Luật, mỗi khi anh Mục đến thăm Thầy Mẹ, biết thế nào anh cũng liếc qua bài vở Luật của tôi, tôi cũng đã vội dấu đi những bài thơ tình đã làm. Bởi anh Mục thường bảo tôi:
- Thơ tình thì thế nào cũng có gặp gỡ rồi chia ly, và trách móc... học đi, học cho xong mảnh bằng cử nhân rồi muốn than thân trách phận thế nào cũng được.
Rồi anh lại nhắn nhủ :
- Này cô, một ngày không đọc sách là ngu đi dó, có biết vậy không? Thì giờ làm thơ vớ vẩn, thà để đọc sách còn lợi ích hơn.
Rồi anh còn la tôi :
- Phải biết mình biết người, đẹp không đẹp, giầu không giầu, giỏi không giỏi, mà cứ kén với chọn, có ngày ở ế đấy.
Chả biết sao, lời anh nói quả là thiêng. Bởi vậy, sau này mỗi lần gặp anh, tôi vẫn nhắc lại câu nói tiên đoán vận mạng của anh dành cho tôi...thật là đúng . Nhưng anh quên, tôi dám kén chọn gì đâu, chẳng qua là tại cái số trời định tôi suốt đời " một mình "...Tôi chả trách trời thì thôi, lại còn bị ông anh la, thật là " oan ơi ông Địa."
Nghĩ lại số tôi cũng còn là may mắn, vì có hai ông anh dạy học, tôi đều được học với cả hai anh.
Năm đệ Nhất Trưng Vương, tôi là học trò của anh Lê Ngọc Huỳnh. Vì thế, tôi luôn luôn phải học thuộc bài, sợ lỡ " ông Thầy anh " gọi lên bảng mà không thuộc bài thì quê kể gì.
Và khi tôi ra Huế học Đại Học Sư Phạm khóa 3 năm, thì may quá, tôi chỉ mới học với anh Mục năm thứ nhất, ban Việt Văn, và môn Hán Nôm do anh Mục dạy quả là dễ hiểu, vì anh đã chỉ cách học từng bộ như bộ Thủy,.Sang đến năm thứ hai, thì tôi đã bay về Saigon, vì vụ ông Diệm bị đảo chánh. Nếu còn học với anh Mục trong 3 năm, chắc tôi sẽ phải khổ sở vì không dám lười biếng... Mà tôi thi lười biếng có từ trong máu. Tôi nhớ mãi lời anh Mục khuyên, hãy nhớ câu chuyện Con Thỏ và Con Rùa của La Fontaine. Cô thông minh nhưng lười. Cô Hồng chậm trí, nhưng chăm chỉ. Cuối cùng con Rùa Hồng đã ra dược sĩ, Con Thỏ Hồng Diệp chẳng là gì cả. Quả là đúng. Tôi đã hẹn với anh, kiếp sau tôi giỏi đủ môn, văn chương nè, đàn hát nè, đọc sách nhiều hơn anh Mục nữa.
Thú thực là thời đó, ở Huế rất lộn xộn. Gia đình anh Mục và tôi chuẩn bị vào Saigon. Đây là lúc tôi phải giúp anh đóng từng thùng sách vở. Tôi đã ngồi gần như cả ngày trong phòng sách của anh Mục. Căn phòng đó, rộng bằng một phòng ngủ, anh đã đóng kệ chung quanh tường, và đóng hai dẫy ở ngoài song song nhau, giống như thư viện... Tôi vẫn gọi đó là cái thư viện nhỏ của anh Mục. Có thể nói gần như loại sách nào anh cũng mua. Từ Pháp, Anh, đến những sách cổ của Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Truyện Kiêu ...đến các loại sách chữ Nôm, mà đa phần là chữ Nôm, vì anh Mục đang miệt mài nghiên cứu. Anh có cả những tờ báo Phong Hoá rất xưa, và tất các chuyện của Tự Lực Văn Đoàn. Tôi ngạc nhiên là các chuyện chẳng nổi tiếng cũng có trong thư viện của anh.
Thầy tôi đã là người mở trí cho anh bằng chữ Nôm, cho nên anh say mê nghiên cứu chữ Nôm. Những chữ nào khó hiểu, anh lại bàn bạc với Thầy tôi. Tôi còn nhớ, thời học ban Việt văn ở Huế, tôi cũng đã tập viết thư cho Thầy tôi bằng chữ Nôm, chỉ là những câu ngắn. Bây giờ tôi quên hết, ngay cả cái tên của tôi, tôi cũng không viết được nữa. Phải thú thực, học chữ Nôm cũng có nhiều điều thú vị lắm.
Chẳng hạn câu:
Thiên duyên chưa thấy nhô đầu dọc..
Phận nữ sao đà nảy nét ngang.
Ý nói chữ thiên là trời, chỉ cần kéo gạch cao lên một tí, chữ thiên sẽ thành chữ phu là chồng.
Chữ liễu là gái, chỉ cần gạch ngang một nét, sẽ thành chữ tử là con.
Vậy toàn câu là: duyên trời chưa định cho có chồng, thì người con gái làm sao có con. Có thể hiểu gọn nghĩa: không có chồng sao đà có con?
Trong cuộc đời anh Mục, tôi biết anh chỉ mê đọc sách và đánh đàn.
Bây giờ đã luống tuổi, anh chỉ sống bằng tiền già, vậy mà anh vẫn chịu khó bỏ tiền ra mua sách. Ai tặng sách gì, anh cũng đọc. Ở trong nhà già, có đàn piano, thế là mỗi sáng, anh mặc quần áo chỉnh tề xuống nhà ăn sáng, xong, anh ra ngồi đàn cả mâ'y tiếng đồng hồ.. Anh đàn những bài thật xưa, khiến các ông bà già trong đó mê Mr Muc luôn. Gần như thói quen, các ông bà già ngồi ở phòng ăn chờ anh Mục. Có hôm chờ mãi không thấy Mr Muc xuống, mọi người hỏi nhau, được biết Mr Muc đã vô nhà thương cấp cứu tối qua...
Cách đây 2 năm, anh Khoa cùng gia đình cháu Hồng Mân, chị Hồng và tôi đã qua Canada thăm gia đình anh Ngân và anh Mục. Đến chỗ nhà già anh Mục ở, mới thấy, anh sống thật sung sướng, và thoải mái. Nghe tin có gia đình anh Mục từ California qua thăm, các ông bà già đã góp tiền, mở tiệc đãi ăn. Hôm đó ông bà nào cũng ăn diện như ngày đại hội, và họ kể cho gia đình California nghe họ biết ơn Mr Muc lắm, vì Mr Mục đã đàn những bản nhạc thật xưa, từ hồi họ còn nhỏ, mà bao lâu nay hình như họ đã quên, vì không có ai đàn những bản đó nữa. Mr Muc đã làm họ sống lại tuổi trẻ, và họ kể, họ đã khóc khi nghe lại những bản kỷ niệm xa xưa đó, vì những bản nhạc đó gới lại những ngày họ sống với bố mẹ, với anh chị em của họ...
Anh Mục còn có một giọng hát rất tốt. Những ngày tháng anh ở chơi bên California, anh đã họp tại nhà các học sinh cũ, anh hòa đàn, hát hò với các anh chị em sinh viên, như những người bạn đồng trang lứa.
Những tháng ngày thăm California, mỗi sáng, chị Hồng và tôi đã được nghe tiếng đàn organ vang lên, hết bài nọ sang bài kia, từ nhạc ngoai quốc đến nhạc Việt, và tôi ngạc nhiên anh đã thuộc khá nhiều bài Việt. Anh giải toả thắc mắc của tôi bằng câu giải thích thật ý nghĩa :
- Muốn tìm hiểu vấn đề gì, phải đi từ cái tầm thường đến cái không tầm thường... có như vậy mới chính xác.
Nhắc đến anh Mục, tôi không thể nào không nhắc đến anh chị Đỗ Xuân Giụ.Anh là bác sĩ, có phòng mạch ở khu chợ ABC. Anh là người có trái tim vàng đối với bạn bè. Tôi nhớ, khi anh Mục ở California, chẳng may bị bệnh khá nặng. Anh Giụ đã khám bệnh, tự anh đi mua thuốc và bắt anh Mục phải uống theo đúng giờ giấc anh đã dặn. Anh chị đã đến nhà hỏi thăm, săn sóc, cho đến khi anh Mục khỏe mạnh hẳn, trở về Canada. Bây giờ anh Giụ đã thảnh thơi trên cõi Niết Bàn. Dù biết ánh không cần lời cảm ơn, nhưng tôi vẫn muốn anh chị hiểu được lòng biết ơn sâu xa của anh em chúng tôi đối với anh chị.
Tôi thua anh Mục tới 15 tuổi, dù thế, khi nói chuyện về thế nhân với anh, anh cũng dạy tôi cách xử thế. Một trong những điều đó là, khi tôi hỏi anh có đọc những bài người ta viết về anh không, nhất là những bài phê bình văn học, anh cho biết anh đã đọc hết, nghe hết những gì thiên hạ nói về mình. Nhất là những lời chì trích, lại càng phải nghe cho kỹ và đọc cũng thật kỹ để tìm hiểu người và hiểu mình. Những lời chỉ trích đúng, là những lời chỉ giáo rất đáng quí. Cổ nhân đã nói, nhân vô thập toàn, mình cũng chỉ là một con người. Những người không thích nghe chê trách, chỉ trích là những người không bao giờ tiến được. Các Thánh mà cũng có khi lầm lỗi, miễn sao biết nhận lỗi và ăn năn thống hối, sẽ tiến trên con đường nhân đức
Và cuối cùng, anh vẫn muốn nhắn nhủ với các con cháu, có tài đừng cây chi tài, mà vẫn phải luôn luôn tu bổ, học hỏi, sống sao cho tâm hồn thoải mái, ít bon chen thì sẽ được hưởng hạnh phúc nhiều. Lười biếng chỉ đem lại thất bại trong cuộc sống mà thôi. Muốn vậy, phải biết ham đọc sách. Bể học rộng mênh mông, càng học càng không trông thấy bến bờ. Và để cân bằng cuộc sống, âm nhạc sẽ đem lại sự êm hòa, lắng dịu cho tâm hồn.
Tôi nhìn vào cuộc sống của anh, và thấy anh lúc nào cũng bằng lòng với cuộc sống hiện tai, với thú đam mê văn chương và âm nhạc. Được như vậy, tôi biết anh nhờ đến sự nâng đỡ tinh thần của gia đình, bạn bè, những học trò cũ và nhất là các con của anh rất hiếu đễ, đã lo cho anh đầy đủ về vật chất và tinh thần. Cùng với Bố Mục, cô cám ơn các cháu: Lê Thị Hiền Minh, Lê Hữu Mạnh, Lê thị Hiền My, Lê thị Hiền Mai
HỒNG VŨ LAN NHI
10/17/10
Văn hóa Việt Nam và những thách đố của nó đối với giới trẻ Việt Nam sống trên đất Mỹ - Lê Hữu Mục -
Tôi không có nhiệm vụ và khả năng nói về văn hoá Mỹ. Là một người Việt Nam, học hoàn toàn ở Việt Nam, lớn lên trong khuôn khổ xã hội văn hoá Việt Nam, ra nước ngoài tôi lại sống ở Ca-na-đa, không sống trên đất Mỹ, tôi hoàn toàn không có một ý niệm gì rõ ràng về người Mỹ và văn hoá của họ.

Thời ở Việt Nam, khi còn nhỏ sống ở Phát Diệm, vùng đồng quê nước mặn tôi rất thích cây đèn hoa-kì. Hỏi thì không ai biết cây đèn ấy do ai làm ra, ở đâu đến, nhưng nói về tiện lợi thì thật vô cùng tiện lợi. Nó chỉ nhỏ bằng nắm tay, đổ vào đó một ít dầu hoả, rồi vặn bấc lên, muốn sáng thì khêu cao lên, muốn nhỏ thì hạ xuống, rồi muốn để đâu thì để, nó không phiền đến ai, ai cần nó thì nó giúp. Lỡ có làm vỡ nó, vì nó bằng thuỷ tinh thì cũng chẳng sao, ù ra chợ một cái là có cái mới ngay, giá rẻ đến nỗi gần như cho, không ai để ý tới. Lớn lên, tôi mới biết chiếc đèn đó là của người Mỹ, hoa-kì là cờ hoa, cờ Mỹ, chứ không phải là một thứ hoa kì-dị như người ta thường hiểu. Chiếc đèn hoa-kì ấy đã đi vào xã hội Việt Nam, từ làng mạc đến đô thị, từ chùa đến nhà thờ, từ những nhà giàu có sang trọng đến những nhà tranh vách đất, đâu cũng được soi sáng bằng đèn hoa kì. Bóng tối ở Việt Nam đã được xua tan nhờ ánh sáng của đèn hoa-kì. Đèn hoa-kì đã đi vào văn hoá Việt Nam, đã góp phần soi rọi cho nền văn hoá ấy được sáng láng.

Tôi cũng thích ăn ngô, mà vào Trung và vào Nam người ta gọi là bắp. Sở dĩ ở Bắc gọi là ngô là nhờ công của tiến sĩ Phùng Khắc Khoan. Khi đi sứ Trung quốc về, ông đã giấu giếm mang về Việt Nam một thứ ngũ cốc mà người Trung-hoa gọi là ngọc mễ, ngọc thục mạch, trân châu mễ, nghĩa là một thứ gạo quí lắm, quí như châu như ngọc, vì chính Trung-quốc cũng không có, phải mang nó từ nước Thục về trồng, bởi vậy mà ông tiến-sĩ khi mang nó về nước không dám gọi đích danh, chỉ gọi nó là ngô, nghĩa là từ bên Tàu đưa sang. Nhưng tại sao người Trung người Nam gọi là bắp? Tôi không hiểu, mà cũng chẳng có ai hiểu cả, cho đến khi tôi sang Ca-na-đa, thấy ở Québec người ta gọi ngô hay bắp là blé d’Inde, tôi mới bắt đầu để ý về nguồn gốc da đỏ của ngô. Sang Mỹ, tôi thấy đề to tướng những chữ pop corn. Tự nhiên tôi nghĩ đến từ BỘP mà khi còn nhỏ ở quê nhà tôi vẫn ăn. Nghiên cứu về tiếng Việt, tôi biết vần ÔP cổ thường biến sang ĂP, như ỐT > ẮT, NGỘT > NGẶT. A, tôi đã tìm ra, BỘP > BẮP, nghĩa là từ BẮP bí hiểm mà người miền Trung và miền Nam dùng thay cho từ ngô là một từ gốc Mỹ.


Công ở ông nghè làng Bùng thành công cốc. Ngay ở Hà-nội từ trước năm 1945 người ta đã gọi ngô là bắp, như xôi bắp. Người ta đã dùng thành ngữ "nói như bắp rang", thay cho ngô rang. Một lần nữa, văn hoá Mỹ đã tràn ngập vào văn hoá Việt Nam mà không ai hay biết. Mà hình như người Mỹ cũng chẳng hãnh diện lắm về điều đó, cũng như ngày nay họ không ngạc nhiên đi đâu cũng nghe thấy người ta nói OK, riết rồi không biết đó là tiếng nước nào nữa, mà có lẽ là của Việt Nam vì bây giờ đã có người nói: OK, lê đến. Lại còn chữ KE (care) nữa, tôi đã nghe một bà nói: tôi đâu có ke, mà khoe mí khoang! Ấy là chưa kể đến những từ ngữ gốc Mỹ quá quen thuộc: good morning, building số mấy, good bye mai gặp. Tiếng Mỹ cũng quá dễ mà tiếng Việt Nam còn dễ hơn.


Tôi sợ rằng người Việt Nam ở Mỹ một ngày nào đó sẽ hiểu tiếng Mỹ như kiểu chữ enjoy là ăn chơi, foist là phối hợp, curb là cái khớp xe ngựa ngựa ô, bother là bơ-thờ, bark là bóc, stench là hôi tanh, slur là lờ, slash là rạch, slat là lát, shimmer là mờ, scour là cọ, ấy là chưa kể những từ nghĩ thanh như: squawk là quang-quác, squeak là cót két, slam: đóng sầm lại, cùng những từ về thể thao, về thực phẩm, về kĩ thuật, nhiều chữ cho ta thấy ranh giới ngôn ngữ giữa hai dân tộc có nhiều cơ hội sít lại gần nhau. Những từ như sờ-nách-ba (snack bar), đai-ét (diet), bích-mác (big Mac) là tiếng Việt hay tiếng Mỹ? Có lẽ không cần ai trả lời nữa vì luật sử dụng đã thay thế vai trò của ngôn từ.



Như vậy có cần đặt vấn đề văn hoá Việt Nam với văn hoá Mỹ nữa không? Có cái gì làm cho các bà mẹ Việt Nam lo sợ quá như vậy khi các bà thấy con nó không chắp tay lại vái các bà theo kiểu: Con lạy bà ạ, con xin phép chào bà ạ, mà nó chỉ giơ tay nói hay, hay hay hen-lô, hen-lô (hello). Có bà bực mình lắm, bảo tôi: Tại sao nó không chào tôi mà nó cứ hỗn láo nói hay hay là cái gì vậy? Tôi có làm cái gì hay đâu mà nó bảo hay, rồi lại toét miệng ra cười nữa. Tôi bảo: Chỉ không làm cái gì hay mà nó khen hay thì đã sao? Nó có hỗn với chị đâu. Nó khen chị hay mà! Có ông mặc áo bì-ra-ma (pyjamas) ra xa lông ngồi uống trà, con nó xin bố vào thay áo thì giận dữ, bảo sao nó ngu vậy! Rồi bố con cãi nhau. Ông bố tuyên-bố sẽ rời khỏi đất Mỹ không thèm sống ở cái đất mọi rợ này nữa. Có ông nói sang Houston yêu cầu đứa con đưa tay lái cho ông. Đứa con can bố vì bố mới sang chưa có bằng lái, lại không thuộc luật đi đường, lại chưa biết phố xá ra làm sao! Ông bố quát: “Tao dạy mày lái xe ở Việt Nam tao lái xe không bằng mày sao?” Thế là ông yêu cầu ông con dừng xe lại, ông xuống xe rồi không gặp lại ông con nữa!


Những chuyện này xẩy ra rất nhiều ở hải ngoại, ở Ca-na-đa, Pháp, Đức, Hoà-lan, đâu cũng chỉ có chừng ấy chuyện. Rồi thời gian sẽ làm công việc của nó. Mỗi lần phải giải quyết những vấn đề xung đột này, tôi chỉ nhắc mấy cụ lớn tuổi là nên áp dụng những câu ca dao tục ngữ mà chúng ta đã biết:

- Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. - Nhập sông tuỳ khúc. Nhập gia tuỳ tục. - Nhập gia vấn huý. - Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. -

Nghĩa là phải bỏ ra chút thì giờ học sinh ngữ để đọc báo, xem tivi, nghe nhạc, đọc sách ở địa phương để biết đôi chút về phong tục, về cách sống, cách cư xử, cách xưng hô, chào mời, ăn uống, đi lại v.v… Không có gì khó, nhưng phải chịu khó đôi chút. Tôi tin những vụ xung đột trong gia đình ở hải ngoại sẽ được giải-quyết ổn thoả nếu con cái thương yêu bố mẹ và bố mẹ thông cảm với các con.
Chuyện khó khăn không phải là chuyện các ông già bà già mà là chuyện các cô các cậu còn quá trẻ. Quá trẻ mà học lại quá giỏi, đồng lương quá cao, ở nhà quá rộng, đó mới có vấn đề. Bây giờ tôi thử tạt qua vào văn hoá Mỹ đôi chút theo cái nhìn của tôi để xem tôi có thể góp những ý kiến gì cho các bạn trẻ hiện đang sống tại Mỹ.


NHÌN MAU CHÓNG VỀ VĂN HOÁ MỸ.

Mỹ là một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới ngày nay. Mỹ mạnh nhờ nền kinh tế thị trường đã phát triển cao độ. Đây là một xã hội kĩ thuật tân tiến, công nghiệp vĩ đại và thương nghiệp rộng khắp. Chế-độ kinh tế của Mỹ là chế độ kinh-tế tư bản với một kế hoạch toàn cầu hoá minh định. Đời sống dân chủ tự do đặt trên tính độc lập cá nhân, được định nghĩa như là một đơn vị xã hội tuyệt đối, có những bổn-phận và những trách nhiệm rõ ràng theo luật-pháp qui định một cách công bằng do hiến-pháp bảo đảm. Người Mỹ có những bổn phận nhất định đối với xã hội, và ngoài những bổn phận ấy, họ cảm thấy có trách nhiệm với cộng đồng hay không là do tự nguyện hay thiện nguyện, và điều này, họ rất sốt sắng và đắc lực.

Về tư tưởng, họ ưa phân tích, căn cứ trên những yếu tố hợp lí, họ thích suy nghĩ một cách có hệ thống, không tuỳ tiện, không a-dua, và một khi đã quyết định là không thay đổi nữa, điều này rất hay, nhưng cũng có khi biến họ thành máy móc, và tệ hơn, thành ích-kỉ. Họ sống theo luật pháp, chỉ giữ tình nghĩa một cách không vi phạm kỉ luật, họ đánh giá con người theo tiêu chuẩn sản xuất, theo số-lượng tài sản, theo tiền lương bổng hàng năm, và vì muốn đảm bảo cho túi tiền của họ, họ phải cạnh tranh tuy gay gắt, nhiều khi dữ dội, nhưng vẫn theo luật pháp và các qui định kinh tế. Ở Mỹ, chỉ xem khu nhà ở là người ta đã biết khả năng tài chính và giá trị, ngôi vị trong xã hội của người ở trong khu nhà đó. Giá trị ấy rất xứng đáng đối với cá nhân ấy bởi nó đã được đắc thụ trong phẩm giá và danh dự, bằng khả năng và công tâm, không bởi vì gian lận, không do những nguyên nhân bất chính.



Thanh niên Việt Nam ở Mỹ cũng như vậy. Đa-số đã được học ở những trường đàng hoàng, có học vấn cao, có nghề nghiệp chắc chắn, được các giáo sư chuyên môn huấn luyện kĩ càng theo những phương pháp giáo dục hiện đại và những kiến thức mới mẻ nhất. Ở trường Mỹ ra, họ ăn nói như Mỹ, sinh sống như Mỹ, suy nghĩ và hoạt động như Mỹ. Đồng lương của họ xứng với việc làm. Việc làm của họ bền vững và được nghiệp đoàn bảo đảm.


 Tôi đã đi thăm nhiều gia đình có con em tốt nghiệp từ các đại học Mỹ. Các em đều có bằng cấp chuyên môn, đa số là bác sĩ y khoa, nha khoa, nhãn khoa, đa số là kĩ sư điện, kĩ sư điện tử v.v. và v.v. Lương bổng của các cháu rất cao, nhà cửa của các cháu sang-trọng, xe cộ của các cháu tối tân. Tôi rất hãnh diện về lớp thiếu niên trí thức này. Tôi thấy họ đã vượt xa bố mẹ, tiến bộ hơn các thầy cũ, và chắc chắn tương lai của họ càng ngày càng đẹp hơn.
Như vậy, vấn đề mà chúng ta đặt ra hôm nay cho thế hệ trẻ là vấn đề gì? Tôi xin đề nghị bàn luận 3 vấn đề và cũng là 3 thách đố đặt ra cho các anh chị em thanh niên.


1. Vấn đề thứ nhất về giáo dục.

- Khi anh lựa chọn nghề nghiệp chuyên môn, anh có căn cứ vào khả năng chuyên môn của anh không hay anh chỉ tuỳ tiện nghe theo bố mẹ, chiều theo ý-kiến bạn bè?
 - Anh có để ý xem thực-sự xã hội cần đến chuyên-môn của anh không, hay là họ có quá nhiều người chuyên môn như anh rồi? Anh bảo có nhiều cũng mặc chứ, vì đời là cạnh tranh mà, mạnh được yếu thua, đứa nào dám ganh đua với mình thì mình phải bóp cổ cho nó chết chứ? Anh có nghĩ vậy không?
- Anh có bao giờ ngó đến tổ quốc không, đến tương lai của nước Việt Nam chúng ta cần có một người chuyên môn như anh, và anh học xong sẽ phục vụ đồng bào hải ngoại hay khi nào thuận lợi, sẽ về Việt Nam xây dựng lại quê hương?


Hay ngược lại anh chỉ nghĩ đến tiền, đến cái nghề nào dễ kiếm tiền nhất là anh học, mặc dầu anh cảm thấy có khả năng khác phù hợp với nhu cầu của đất nước hơn?
Hiện nay ta có thặng dư về y-học (y-khoa, nhãn-khoa, nha-khoa, huyết-học) về kĩ-sư, nhưng còn thiếu nhiều về khoa-học xã-hội (triết, văn, ngôn-ngữ, nhân-chủng, sinh-thái, sử, địa, v.v…) nghệ thuật (nhạc-học, nhạc hoà-tấu, nhạc-trưởng, kĩ-sư âm-học, màn ảnh, truyền thông, báo-chí, múa ba-lê, kĩ-sư cơ-khí, chuyên-viên quay phim, đóng phim, phim hoạt-hoạ v.v…) kĩ-thuật, chuyên viên kinh tế, chính trị, canh nông v.v…



Nếu anh nào có năng khiếu về những môn ấy thì có nên hi sinh, nên mạo hiểm phiêu lưu đến những môn học ấy, hay nhất định chỉ đi học nghề nào dễ kiếm tiền, mặc dầu mình không có khả năng. Một nhà văn hoá Mỹ nói với tôi: Việt Nam có nhiều bác sĩ hơn bệnh nhân, và trong số bác sĩ ấy, nhà chuyên môn có thực tài rất ít, nếu phải nói thật là không có. Cho đến bây giờ mà Việt Nam chưa có được một nhạc trưởng, trừ nhạc trưởng Lê Văn Khoa. Đến bây giờ mà Việt Nam chưa có được một ca-đoàn-trưởng, trừ bác-sĩ Lại Thế Hưng. Đến bây giờ mà Việt Nam chưa có được kí giả có bằng cấp, trừ ông con của bác sĩ Từ Uyên. Đến bao giờ? Đến bao giờ là tuỳ ý chí của anh chị em thanh niên. Xin hãy khôn và ngoan, đừng chỉ có khôn mà thôi!



2. Về văn-hoá.

- Anh có biết rằng ở Mỹ người ta chú trọng đến văn minh không? Nghĩa là họ chỉ biết có kĩ thuật, kinh tế, thương mại, tất cả thuộc về văn minh vật chất. Do đó, luật cạnh tranh được thả nổi. Người ta cố gắng chiếm lòng tin của khách hàng đến nỗi phải loại trừ nhau một cách dã man! Đức Giáo Hoàng đã có lần nói tới một nền văn minh của sự chết.
- Anh có thấy cần phải chú trọng đến văn hoá hơn không, đến đời sống tư tưởng, đến sự suy nghĩ, đến chỗ nào phải biết dừng lại. Trong truyện Kiều, khi cô Kiều thấy anh chàng Kim Trọng đã hơi say và sắp làm ẩu là cô ta lên tiếng ngăn chặn ngay. Ngăn chặn như vậy là văn hoá. Kim Trọng cũng biết lùi về giới hạn của mình, biết dừng lại không làm bậy nữa, đó là văn hoá. Con người văn-minh không như thế đâu. Họ không biết, không muốn dừng lại.


- Anh em bây giờ giầu có hơn bố mẹ, nhưng liệu có hạnh phúc hơn bố mẹ không? Gia đình khi gặp cảnh cơm không lành canh không ngọt thì liệu chỉ nghĩ đến li dị mà thôi sao? Hạnh phúc mới là cứu cánh của đời mình. Tiền tài không thể mua được. Hạnh phúc dễ đến đối với người có văn hoá hơn là với người văn minh. Sự thực, chỉ có con người văn hoá mới chú trọng tới giá trị của hạnh phúc.


3. Về đời sống tâm linh.

- Anh có bao giờ đi chùa hay đi nhà thờ vào những ngày chủ nhật không? Hay là anh dành ngày ấy để đi picnic, đi du lịch, đi đánh bài, đi ăn cơm và khiêu-vũ? Nếu anh chưa thấy nhu cầu ấy thì anh nên suy nghĩ lại. Vì như thế là anh cô đơn, anh khổ.


- Phải có đời sống tâm linh người ta mới hiểu tại sao Chúa Ki-tô chỉ đòi hỏi con người phải yêu nhau, đức Phật chủ trương từ bi, đức Khổng đề cao lòng nhân như là mẹ của các đức tính khác. Vì thiếu tình thương nên người ta cạnh tranh nhau sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hoá một cách quá đáng. Bạo lực từ đó mà ra. Phim ảnh đồi truỵ từ đó mà xuất hiện. Rồi những cảnh các học sinh nhỏ tuổi tàn sát nhau như ở Littleton, ở Québec đua nhau diễn ra hàng năm, hàng tuần, hàng ngày. Hiệu ứng nhà kính xuất hiện cùng với nạn nino nina kinh khủng. Loài người sẽ bị tiêu diệt nếu thiếu tình thương.


- Hãy trở về với văn hoá Việt Nam. Người Việt Nam bảo nhau: Yêu nhau chữ vị là vì, chữ dục là muốn, chữ tuỳ là theo. Đừng thấy người lớn chống nhau mà lầm tưởng rằng người Việt Nam không đoàn kết. Muốn biết người Việt hải ngoại có đoàn kết không, hãy xem vụ Trần Văn Tường. Vụ này đánh dấu một chiến thắng lớn của đồng bào quốc gia. Ta có chính nghĩa, và chính nghĩa bao giờ cũng thắng ở chỗ nào có tự do thực sự.


- Có khi anh không tin vào gì nữa cả. Bố mẹ ư? Họ cổ hủ, lúc nào cũng nói đạo đức, hết Khổng tử thế này thì đức Phật thế kia, Chúa thế nọ. Người lớn ở đây gần như không có. Họ chỉ nghĩ mọi cách để chống đối nhau, để chứng minh là mình có lí, còn người khác là cộng sản hết, là ma quỉ hết. Liệu có tin vào họ được không? Mấy ông cha, mấy ông sư, mấy bà xơ, mấy bà vãi, chẳng có ai đáng làm mẫu mực cả. Cuối cùng rồi anh cảm thấy cô đơn, bất lực, buồn. Lúc ấy mà xì-ke ma-tuý tới cám dỗ anh thì dễ lắm. Anh có lí để hút xách, để chơi bời, để bài bạc, rồi để tự tử nữa. Anh tự do mà, nhà trường dạy thế. Anh có nhân quyền mà, xã hội bảo thế. Tôi xin nói với anh, văn hoá Việt Nam không nói thế. Nước dậy cho anh biết rằng anh không là gì cả, và chính vì thế mà anh có sức mạnh. Anh không có hình thể nhất định, nhưng hình thể nào anh cũng có.


Vậy anh phải tin tưởng. Vào anh, vào bố mẹ anh. Vào bạn bè anh. Vào xã hội. Vào tương lai con cái anh. Của đất nước. Thuyết bất vô dạy anh: khi có tất cả là khi không có gì cả, nhưng lúc không có gì cả là lúc có hết. Đừng sinh tâm ở những nơi làm mất tâm. Thuyết bất vô, như giàu có mà không khổ vì tiền mới là giàu có thật, có bằng cấp mà không khoe khoang, không kiêu ngạo, không cho đó là hơn người mới đúng là người có học. Trong bài giảng trên núi, Chúa đã nhấn mạnh về tinh thần nghèo khó, nhớ rằng đó là nghèo khó về tinh thần nhé, Chúa không đòi hỏi ta phải nghèo rớt mống tơi mới là có hạnh phúc, Chúa chỉ yêu cầu ta có tinh thần nghèo khó, nghĩa là giàu mà biết khiêm tốn, biết giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, những người bệnh hoạn tàn tật.


Tôi đã chính mắt thấy những người có tinh thần nghèo khó này mà điển hình theo tôi nghĩ là tiến-sĩ toán-học Nguyễn Văn Thạch, giáo sư Đại học Pháp, đã đi theo tinh thần phúc âm thực hiện triệt để các chương trình phục vụ xã hội. Tôi đã thấy nhiều bác sĩ, kĩ sư, giáo sư, doanh gia, mỗi chủ nhật họp nhau để sống thiền. Có người đã bỏ tiền túi để mua đất xây chùa, tập họp anh em bạn bè đến nghe thuyết pháp, thay phiên nhau dạy tiếng Việt cho thiếu nhi. Ngày xưa tổ tiên dạy: Ai ơi, đừng bỏ ruộng hoang. Bây giờ ta bảo nhau: Ai ơi đừng bỏ đời hoang. Đó là văn hoá. Ai sống như vậy sẽ không có thì giờ mà phê bình nhau, mà chơi bời, mà đòi tự tử nữa.
Nói tóm lại, thanh niên Việt Nam sống trên đất Mỹ phải hội nhập văn hoá Mỹ với tinh thần văn hoá nước và thuyết bất vô.

              Câu Chuyện Âm Nhạc
- Lê Hữu Mục

                
Trở lại câu chuyện Phát Diệm là tiền thân của nhạc đạo Việt Nam.


Tôi không rõ nhạc đạo Pháp được du nhập vào Phát Diệm từ hồi nào. Có lẽ khi Phát Diệm được lập làm giáo-phận (1901), các cố Tây thuộc dòng Les Missions Étrangères de Paris theo Đức Cha Marcou Thành về phục vụ giáo-phận đã dạy người Phát Diệm hát nhạc đạo Pháp.
Do đó, như tôi đã trình bày ở trên, ngoài một số rất ít những bản theo điệu nhạc cổ dân tộc hoặc chant grégorien, các bài vãn đều là những bài hát lời Việt theo điệu một số các bài hát đạo Pháp (gọi là cantiques) và nếu như tôi không lầm, trong bao nhiêu năm, chỉ có một cuốn sách hát Pháp được dùng mà thôi, đó là cuốn “Cantiques de la Jeunesse.”

Nếu nói là chỉ có thế mà thôi chưa chắc đã là đúng hẳn, bởi vì, ngoài việc sáng tác cả lời lẫn nhạc cho một bài “vãn mới,” bố tôi đã làm một chuyện tầy đình khác mà chẳng có người Phát Diệm nào khám phá ra.
Hồi đó quân Nhật mới sang chiếm đóng Việt Nam, nên ngoài nhạc Pháp và nhạc Mỹ, nhạc mới của Nhật và Trung Hoa bắt đầu được lưu hành tại Việt Nam. Nổi tiếng nhất là những bài như Xuân nhật bất tái lai, Sakura! Sakura!, Shina no yoru, Khimiga yume noni v.v... Có lẽ bài “Shina no yoru” (Nuit de Chine) tức “Tô-châu dạ khúc” do cô đào Hồng-kông mới nổi tiếng lúc đó là Lý Lệ Hoa hát (trong một cuốn phim tuyên-truyền cho quân-đội Nhật cùng tựa đề) là bài hát Nhật bà con ta ưa chuộng nhất. Không hiểu vì lý do gì (có lẽ cũng chỉ vì muốn có một cái gì mới lạ) mùa dâng hoa năm đó bố tôi cho đoàn hát vãn họ Rosa hát một bài vãn điệu rất lạ. Có người gặng hỏi thì bố tôi cho biết là của một người bạn ở Hà Nội mới đặt ra. Thực ra thì bài hát vãn đó theo điệu bài “Tô châu Dạ khúc.”


Cho tới nay tôi vẫn không hiểu tại sao năm đó bố tôi không tự sáng tác một bài vãn mới như ông cụ đã từng làm trước đó mấy năm mà lại đi mượn điệu Nhật trên đây. Có lẽ cũng như nhiều người Việt chúng ta lúc đó bố tôi đã rất mê bài hát có nhiều mầu sắc Á-đông mới lạ này. Năm sau, có lẽ để đền bù lại chuyện “bậy bạ” năm trước, bố tôi đã dạy cho ban hát vãn họ Rosa một bài hát thiệt trứ danh: bản “Ave Maria” của Schubert, lời Việt do ông cụ tôi soạn. Có lẽ đó là bài Ave Maria tiếng Việt đầu tiên và có lẽ đó cũng là một bản nhạc cổ-điển Tây phương đầu tiên được đặt lời Việt. Thực ra thì bảy, tám năm trước đó, một ông cậu ruột của tôi đã phỏng theo lời Pháp đặt lời Việt cho bài hát nổi tiếng “Serénata” mà tôi còn nhớ mấy câu đầu như sau:


Hỡi em hãy lại đây
Chiều tà giây phút êm đềm
Hỡi chiếc bóng thướt tha
Lại đây trông kìa
Bóng tối đương lan khắp trời...
Ông cậu tôi học Sarraut, là người Phát Diệm đầu tiên đậu tú-tài Pháp (Bac métro, 1935), khá đẹp trai, qua đời năm 29 tuổi, lúc chưa lấy vợ rất bay bướm, hình như có nhiều cô mê cũng là nhờ bài hát với lời ca tuy đơn sơ nhưng rất diễm tình kể trên. Thực ra thì bài Sérénata chưa hẳn là cổ-điển thuần-tuý mà thuộc loại “nhạc nhẹ” (musique légère) mà thôi.


Theo ý tôi, bài hát Tây lời Việt đầu tiên được phổ biến tại Phát Diệm có lẽ là bài “Vân, Kiều thuở xưa, đôi xuân nữ thắm tươi như hoa” theo điệu bài hát lính tẩy “La Madelon” (rất thịnh hành bên Pháp và Âu-châu trong thời kỳ Đại-chiến thứ nhất). Tuy nhiên, ai đặt lời, và bài hát từ đâu tới, thực sự tới nay tôi vẫn chưa rõ nhưng chắc chắn là bài này ra đời trước tới gần hai chục năm những bài hát Tây lời Việt của Năm Châu và bà Ái Liên thường hát xen lẫn với vọng cổ trong các vở kịch cải lương có đề tài xã hội mới. Đã có một thời tôi rất mê nghe bà Ái Liên hát các vở cải lương loại này tại rạp ngõ hàng Bạc, Hà Nội. Có lẽ không phải mê tuồng mà là bà Ái Liên và những bài Tây lời Việt bà Ái Liên hát và diễn xuất mà theo ý riêng của tôi lúc đó rất là có duyên.


Phát Diệm xưa còn có một bài hát khá hay mà ngày nay tôi chỉ còn nhớ phần nào điệu hát mà thôi. Về lời ca, tôi chỉ còn nhớ lõm bõm mấy câu:
Hồi nhớ công ơn Người hằng chăm sóc
Bày con em chúng ta, chúng ta bao ngày gắng công đèn sách
Nhớ ơn người sớm hôm giúp bày trẻ thơ

. . . . . . . . . . .
Không biết điệu nhạc xuất xứ từ đâu, chỉ biết là bài hát đã xuất hiện vào một dịp học trò trường Thày dòng (tức sư-huynh dòng Lasan) Phát Diệm tưởng-niệm thày Marcel, sư-huynh hiệu-trưởng đầu tiên người Pháp qua đời vào kỳ nghỉ hè của niên học đầu tiên của nhà trường (1933). Có người nói rằng điệu nhạc bài này phỏng theo điệu bài “Chiêu hồn nước” là bài ca chính thức của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nếu đúng là như vậy, bản Chiêu hồn nước này cùng với bài Tựa văn phòng theo điệu hành vân có lẽ là hai bài ca ái-quốc VN đầu tiên. Sự thực không biết có đúng như thế không, nhưng cung điệu bản nhạc này quả có chứa đựng một cái gì thiệt trầm hùng và cảm khái. Căn cứ vào sự cấu tạo rất đặc-biệt của nét nhạc, tôi nghĩ rằng có thể đây là một điệu nhạc dân tộc thuần túy Việt Nam mà tôi không biết rõ tên và xuất xứ, mong các vị chuyên về nhạc cổ-truyền Việt Nam chỉ giáo. Hiện tôi đã có ghi điệu nhạc này dựa theo trí nhớ của tôi (quý vị nào thích thú xin vui lòng liên lạc).



Người Phát Diệm được sống trong một bối cảnh thực thuận lợi, nên thường có khiếu về âm nhạc nhưng rất tiếc, vì hoàn cảnh, không có thày tốt, một số tự học mò nên không được trau dồi luyện tập đúng phương pháp, do đó, ngoài một số rất ít nhà soạn nhạc và nhạc sĩ được đi học tới nơi tới chốn như Nguyễn Khắc Cung, Phương Linh, Chung Quân v.v. Phát Diệm không có nhiều nhân tài về âm nhạc, cùng lắm là đủ khả năng gia-nhập các đội quân nhạc hoặc các ban nhạc nhẹ vũ-trường mà thôi. Hơn nữa, ngoài các đội kèn, các đội bát âm cổ truyền, người biết chơi các loại đàn giây cũng rất hiếm, và cũng chỉ loanh quanh mấy thứ đàn như mandoline và banjo mà thôi. Tôi còn nhớ là mãi tới năm lên 10 tôi mới có dịp được nhìn thấy cây đàn violon đầu tiên.




Đúng ra là hai cây đàn, bởi vì hè năm đó, có một hôm hai người Phát Diệm đầu tiên chơi đàn violon là các anh N.Đ. Th. và Đ.X. Ph. đem đàn tới chơi tại nhà cụ giáo Huệ, hội-trưởng hội hát xứ Phát Diệm. Anh Ph. (mới qua đời tại quận Cam cách đây mấy năm) chắc không có khiếu nên bỏ tập đàn ngay sau đó. Anh Th. kiên gan hơn, cố tự học và chơi đàn cho tới khi anh qua đời khoảng năm 1950. Tuy chơi không có mấy khá vì học “ô-tô-đi-đất,” nhưng những bản như Sérénade, Sérénata, Ave Maria, Méditation de Thais v.v của anh nghe cũng có đượm đôi chút tình cảm. Sau đó Phát Diệm có thêm một số người chơi vĩ cầm nhưng vì không có thày nên cũng chẳng nên cơm cháo gì, trừ trường hợp Nguyễn Khắc Cung. Tôi không biết anh Cung nhiều nên không rõ anh học vĩ-cầm với ai. Lần đầu tiên tôi được nghe anh đờn cho nghe vào một dịp anh về nghỉ hè tại ngôi biệt thự kiểu Việt Nam của cụ thân sinh (cụ bố-chánh Nguyễn Lập Lễ) ở phía đông bờ hồ nhà Thờ Lớn Phát Diệm.


 Năm đó thân mẫu anh mới qua đời, bản đầu tiên anh đàn cho mấy anh em nghe là bản Souvenir, bản nhạc mẹ anh lúc sinh thời rất thích nghe anh đàn, nên mỗi lần nhớ mẹ anh thường chơi bản nhạc này. Vào mấy năm 44, 45 tôi thấy anh Cung thường chơi vào buổi tối tại mấy phòng trà Hà Nội, nên nhờ đó tôi có dịp được nghe anh Cung thêm mấy lần nữa và répertoire của anh lúc đó cũng chỉ luẩn quẩn mấy bài như Souvenir, Sur le marché persan, Rêverie, Meditation de Thais, Le beau Danube bleu v.v. Vả lại trình độ thưởng thức nhạc cổ-điển của chúng tôi thời bấy giờ cũng chỉ tới mức đó mà thôi. Sau khi anh đi du học trở về, rất tiếc là tôi không có dịp nào được nghe lại tiếng đàn chắc chắn đã điêu luyện hơn xưa của anh. Nguyễn Khắc Cung là một trong số mấy vĩ cầm gia, đồng thời cũng là nhạc trưởng, nổi tiếng của miền Nam Tự-do trước 1975.



Vào thời xa xưa đó, ngoài một số rất ít người nổi tiếng như Nguyễn Khắc Cung, Duy Linh, Chung Quân v.v. Phát diệm còn có một số thuộc loại tài tử như ba anh em Lê Văn Giáp (accordéon), Lê Như Khôi (clarinette), Lê Hữu Mục (Saxo), Nguyễn Gia Huân (violon), Quang (Saxo), v.v. Về phương diện chơi nhạc, Phát Diệm có một nhân vật khá đặc biệt tôi tưởng cũng nên nói tới ở đây cho vui. Đó là anh Trần Văn Mẫn, bào huynh của linh-mục học giả chữ nôm Trần Văn Kiệm. Anh Mẫn thực ra chẳng chuyên một thứ đàn gì, nhưng về các loại đàn giây hầu như cái gì anh cũng thử “cò ke, kéo co” chút ít cho vui. Năm đó (1949), tôi, Đoàn Văn Cầu (tức cựu NS Cừu) và Đỗ Thế Phiệt nổi hứng cùng nhau tổ chức một cuộc trình diễn nhạc cổ-điển tại Phát Diệm, có thể nói là độc nhất vô nhị trong suốt mấy năm kháng chiến tại miền Bắc. Hưởng ứng tới tham dự với chúng tôi có Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Anh Thường (dương cầm), Lương Ngọc Châu, Nguyễn Văn Hướng (vĩ cầm), Nguyễn Quý Lãm (trung vĩ-cầm), Đỗ Anh Tuấn, Đỗ Đình Toại (flute), Đỗ Đình Thiều (clarinet), Nguyễn Văn Quỳ, Đỗ Thiếu Liệt (guitare) v.v.


Chương-trình gồm có các bản hoà tấu như Marche militaire (Schubert), Marche Turque (tức Le Calife de Bagdad của Boeldieu), Le beau Danube bleu (J. Strauss), Les flots du Danube (Ivanovici) v.v. độc tấu hay đơn ca như Romance en Fa của Beethoven (Đỗ Anh Tuấn, độc tấu flute), Romance et boléro (Đỗ Thế Phiệt, độc-tấu vĩ cầm), Invitation à la danse (Nguyễn Văn Hiếu, độc tấu dương cầm), Sérénade, Come back to Sorento (lời Việt do Đoàn Minh đơn ca) v.v. Chúng tôi cũng không quên nhạc Việt Nam nên chương-trình có thêm một vài bản nhạc Việt rất thời trang lúc đó như Anh tới thăm em một chiều mưa của Tô Vũ, mới ra lò, do Đoàn Minh đơn ca (anh Minh là em của Đoàn Tòng, một giọng ca tài tử khá nổi tiếng tại Hà Nội trước 1945), Nhớ người thương binh (Phạm Duy, hợp ca, do một số anh chị em ca sĩ tài tử từ Thái Bình sang tham dự) v.v.



Nếu chỉ có thế thì không có gì rắc rối cả nhưng tới khi tập tới cái đinh của chương-trình là Hoà tấu khúc số 8 tức Symphonie inachevée en Si mineur của Schubert, anh em mới nhận thấy là ban nhạc thiếu một tay trung hồ-cầm (cello) để chơi câu mở đầu của bản nhạc. Đàn thì lúc đó tại Phát Diệm có hai cây, có thể mượn dễ dàng, nhưng người có thể chơi được với ban nhạc thì hầu như vô phương. Lúc đó tôi quýnh quá bèn tìm anh Trần Văn Mẫn cầu cứu. Như tôi đã nói ở trên, anh Mẫn trước đó thực ra có tập chơi violon nhưng không mấy khá nên đã bỏ từ lâu. Anh đề nghị với anh em là cho anh tập thử ở nhà một vài ngày, sau đó có thế nào sẽ trả lời. Hôm sau nữa anh tới xin chơi thử cùng với anh em. Anh chơi tuy không hay nhưng tạm đủ để trám vào chỗ không thể thiếu được của bản nhạc, và ai nấy đều hết sức mừng rỡ vì nhờ anh mà chúng tôi có thể duy trì được bản Symphonie số 8 trong chương-trình.


Mặc dầu anh Mẫn không phải là một kỳ tài, nhưng thành tích đáng nể trên đây của anh đã trở thành một giai-thoại của Phát Diệm cách đây trên nửa thế-kỷ. Năm 1954, anh và gia-đình gồm bà vợ trẻ và một bầy con không vào Nam mà ở lại Hà Nội chỉ vì tiếc một cây đàn dương cầm Moultrie rất tốt của một người bạn đi di cư để lại với một giá rẻ mạt. Câu chuyện này kết cục thế nào, vui hay buồn, anh Mẫn và gia-đình nay ra sao, tới nay tôi vẫn chưa rõ. Dẫu sao đó cũng là một câu chuyện liên quan phần nào đến âm nhạc và người Phát Diệm, và cũng là giai-thoại thứ 2 về anh Mẫn và cái nghiệp-dĩ của anh. Đó cũng là cái mốc cuối cùng của một dĩ vãng mà ngày nay chẳng có mấy người còn nhớ, một dĩ vãng tuy không phải là vàng son nhưng cũng không phải là không có những ngày vui và hạnh-phúc, đã kết thúc bằng những ngày máu lửa đầy kinh hoàng cách đây nửa thế kỷ.


Những chuyện về âm nhạc ở trước đây nửa thế-kỷ
Nhân đã nói tới vụ tổ-chức trình diễn nhạc cổ-điển tại Phát Diệm cách đây trên năm mươi năm, tôi nghĩ cũng nên nói qua những gì tôi biết và còn nhớ về một số anh em tham-dự mà tôi đã có cơ duyên được thưởng thức phần nào tài-nghệ, vì tài nghệ của mấy anh em đó có thể nói là sự biểu hiện trình độ âm nhạc của Việt Nam chúng ta cách đây trên nửa thế-kỷ.


Trước 1945, tại Hà Nội, khi nói tới nhân tài về âm nhạc (cổ-điển Tây phương) người ta thường chỉ nói tới hai người : Nguyễn Văn Hiếu đàn dương cầm và Nguyễn Văn Giệp, vĩ cầm. Anh Hiếu người thấp nhỏ, hiếu động, hay nói, gần như láu táu. Vì bàn tay nhỏ nên anh đã vâng lời ông thầy cắt các kẽ ngón tay để dễ bề chơi đàn hơn. Anh Giệp tương đối cao lớn, khá mập mạp, dáng điệu đường bệ và chững chạc, nhưng khi anh trình diễn, chiếc vĩ cầm được xử dụng một cách thực lẹ làng khéo léo như một món đồ chơi nhỏ ở trong đôi bàn tay thô mập và chắc nịch của anh. Chị Giệp là người buôn bán nhưng cũng có chơi vĩ cầm. Anh chị Giệp là chủ nhân một lò bánh mì khá lớn ở giốc hàng Giò (Bánh mì Gia-long) và nghề đàn đối với anh Giệp chỉ là một thứ đam mê văn-nghệ mà thôi khác hẳn với tính cách chuyên-nghiệp của anh Hiếu.



Đã khác nhau về thể chất lại thường trình diễn cặp đôi với nhau nên người ta thường ví hai anh với cặp hề hài hước Laurel và Hardy. Sau cách-mạng Việt Minh, tôi thường được nghe các anh trình diễn tại hội Khuyến Nhạc Hà Nội (số 3 phố nhà Chung), nhà Hát lớn và nhất là về sau này, vào mỗi buổi tối tại phòng trà Quán Nghệ Sĩ ở một góc phố phía bắc bờ hồ Hoàn Kiếm (gần rạp chiếu bóng Philarmonic ở phía bên kia đường Bờ hồ, con đường xưa có cái tên Tây là Avenue Francis Garnier).


Tuy được nghe các anh trình diễn nhiều lần nhưng phần nhiều là những bản nhạc Việt rất được bà con yêu chuộng lúc bấy giờ, chẳng hạn như Thiên Thai, Con thuyền không bến, Đêm thu v.v. kể cả các bài ca ái quốc của Thẩm Oánh, Văn Cao, Đỗ Nhuận v.v. rất thịnh hành lúc đó, thỉnh thoảng lắm mới được nghe các anh chơi những bản nhạc nhẹ như Rêverie, Méditation de Thais, Clair de lune, Sérénade, Fur Elise v.v Vì lúc đó là thời “cách mạng,” nên không biết đối với hai anh có phải là một chuyện miễn cưỡng hay không, nhưng đối với những người yêu nhạc mong muốn được nghe các anh trình bày những bản nhạc giá-trị thực sự cổ điển thì đó là một sự mất mát rất lớn. Nhưng dẫu sao, buổi tối khi trời trở lạnh, ngồi nhâm nhi tách cà-phê hoặc chocolat nóng (mới xuất hiện trở lại sau năm năm chiến tranh dài đằng đẵng) tại Quán Nghệ sĩ nghe cặp Hiếu, Giệp chơi đàn quả là một hạnh-phúc.


Cho tới nay tôi chỉ nhớ lờ mờ là về phương diện nghệ-thuật hai anh chơi thiệt xuất sắc, nhưng mỗi khi trình diễn nhạc cổ điển, nếu không được yêu cầu chơi những bản đặc biệt, các anh thường chọn những sonatas, variations, suites, nocturnes v.v nói tóm lại, thường là những khúc nhạc không tựa đề, nặng về kỹ-thuật, nghe rất khó đối với những người trình độ nghe nhạc cổ-điển còn thấp kém là chúng tôi lúc đó. Có lẽ chính vì thế mà có nhiều người nói tiếng đàn quá điêu luyện của hai anh, nghe hay thì thực hay, nhưng thiếu tình cảm, thiếu cái chất “ướt át.” Riêng tôi, tôi rất thích bản Invitation à la danse và một số tác-phẩm của Chopin anh Nguyễn Văn Hiếu thường độc tấu theo lời yêu cầu của các thính giả ái mộ anh như Etude en Mi (Tristesse), Military Polonaise, Rondo all Turco v.v


. Ngoài hai nhân vật “thượng thặng” kể trên, vào những năm này, rất nhiều người trong giới trẻ biết tiếng những William Chang, Nguyễn Văn Quỳ, Đoàn Chuẩn v.v. (đều chơi guitare, loại đàn rất thịnh hành thời đó), nhưng ngoài giới âm nhạc với nhau, hầu như không mấy ai biết tới Lương Ngọc Châu, Nguyễn Anh Thường hay Nguyễn Khắc Cung. Tiếc rằng tới khi các nhân tài mới này bắt đầu được thiên hạ chú ý thì cũng là lúc họ lần lượt theo nhau xuất ngoại. Trở về nước sau này tôi thấy hình như chỉ có Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Khắc Cung và Nghiêm Phú Phi. Vì được giao giữ những chức vụ quan-trọng như nhạc-trưởng hay giám-đốc trường Quốc gia âm-mhạc nên các anh ít có dịp trình diễn độc tấu, do đó tôi đã không có cơ hội được thưởng thức tài nghệ của các anh sau khi đi du học về. Thiệt đáng tiếc.



Năm 1969, tôi và Đoàn Văn Cầu có dịp gặp lại Lương Ngọc Châu tại Paris. Tôi còn nhớ nhà anh chị Châu ở banlieue, một căn nhà cổ, đơn sơ, có vườn rộng cạnh một con sông nhỏ, phía bên kia là khu rừng phong, về mùa thu cảnh thiệt là thơ mộng (lúc đó tôi mới được biết chị Châu, tức Phạm Thị Hoàn, là ái nữ cụ Phạm Quỳnh). Vì không có nhiều thì giờ, tôi chỉ được nghe Lương Ngọc Châu chơi một vài bài lặt vặt, nên tôi có cảm tưởng tài nghệ của anh thua sút những năm xưa rất nhiều.
Người mà trước kia tôi có dịp được nghe nhiều nhất là Đỗ Thế Phiệt. Phiệt tiến bộ rất mau là nhờ ông thày người Nga (vì lâu ngày nên tôi quên tên) lúc đó là nhạc trưởng đồng thời cũng là người chơi vĩ cầm của ban tứ cầm (Quatuor) chơi hằng đêm tại quán rượu Taverne Royal trong hành lang cao ốc Crédit foncier (góc đường Bờ Hồ và Tràng Tiền).



Tôi tình cờ gặp lại họ Đỗ tại hội chợ Núi Voi (Phượng-trì, Yên Mô) rồi từ đó cứ mỗi lần từ Thanh Hoá ra khu III Đỗ Thế Phiệt thường tới thăm tôi, có khi ở lại chơi cả tuần, thường khi rảnh rỗi chơi đàn cho cả gia đình tôi nghe. Theo như sự hiểu biết rất giới hạn của tôi, mặc dầu Đỗ Thế Phiệt rất trẻ, nhưng tiếng đàn của anh lúc đó đã khá điêu luyện, kỹ thuật cao, rất mực ngọt ngào, ấm áp, đầy tình cảm và nhất là như chứa đựng một cái gì thiệt là lãng mạn và trẻ trung. Đối với thời đó ở Việt Nam, (tức trước đây trên 50 năm), répertoire của Đỗ Thế Phiệt có thể nói là phong phú, vì gồm có cả những tác phẩm hiện đại, đặc biệt là những tác phẩm của vĩ cầm gia Kroestler, mà tôi nghĩ rằng anh đờn rất xuất sắc. Trong số những bản nhạc này, thiên hạ thích nhất bản Romance et Boléro, vì với bản nhạc này, anh vừa có thể thi thố được kỹ thuật điêu luyện, vừa có thể diễn tả được những tình cảm nồng ấm tràn trề trong bản nhạc.Từ ngày sang ở Hoa Kỳ, tôi cố tìm mua đĩa nhạc của bản độc tấu vĩ cầm Romance et Boléro của Kreisler nhưng tìm không đâu ra.



Hai bản La chanson triste và Chanson de Solvejg tuy đơn sơ, không cần phải sử dụng nhiều kỹ-thuật mà anh chơi cũng thiệt là hay, người nghe ai nấy đều xúc động, nhất là đối với những người mới biết nghe âm nhạc cổ điển. Chẳng hạn như Mẹ tôi, một bà cụ già Việt Nam, chẳng biết gì về nhạc cổ điển, thế mà cụ rất thích nghe Đỗ Thế Phiệt chơi bản Chanson de Solvejg (Edvard Grieg). Những người thích loại nhạc tả cảnh rất phục những bản độc tấu của họ Đỗ như Sur le marché persan, Danse macabre, Chanson de Solvejg và nhất là khúc Mùa Đông, một trong bốn phần của Les quatre Saisons (Vivaldi). Có thể nói tiếng đàn cũa Đỗ Thế Phiệt gắn liền với đoạn đời trai trẻ vô tư, lãng mạn, rất mực văn-nghệ của tôi cách đây trên nửa thế-kỷ. Năm 1970, anh đã vội vàng vĩnh viễn ra đi trong khi tôi vắng mặt Sài Gòn. Tôi rất ân hận là đã không được gặp lại anh trước đó. Về phương diện âm-nhạc cổ điển, đối với giới trẻ ở vùng kháng chiến (vào những năm cuối thập niên 40)) những Lương Ngọc Châu, Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Anh Thường v.v. quả là những thần tượng.



Nhưng rồi một ngày kia những thần tượng này bỗng chợt khám phá ra là mình chẳng qua cũng chỉ là những con ếch ngồi đáy giếng mà thôi. Số là hồi đó nghe tin chúng tôi tổ chức trình diễn nhạc cổ-điển anh em nghệ sĩ tới thăm cổ võ rất đông, kể cả những bậc trưởng thượng như cụ Bảng Kỷ, cụ Hà Lương Tín, cụ Vi Huyền Đắc, cụ Lê Trọng Quỹ v.v. Trong số các bậc lão thành này có một vị dược-sĩ thuộc họ Nguyễn Khoa (tôi lâu ngày quên tên, hình như là Nguyễn Khoa Phước, sau có mở tiệm thuốc Tây bên hông chợ Tân Định, Saigon) vừa ở Pháp về, trước có chơi violoncelle. Vị dược-sĩ phê bình là chương-trình buổi trình tấu của chúng tôi quá nặng về loại nhạc nhẹ (musique légère). Ông hỏi tại sao ngoài hòa tấu khúc Symphonie số 8 chúng tôi không cố chơi thêm một bản concerto hoặc symphonie, chẳng hạn như Symphonie No 5 en Ut mineur hiện rất phổ biến bên Pháp và Âu châu. Đỗ Thế Phiệt muốn biết rõ hơn, hỏi bậc đàn anh: “Bản No 5 gì đó là bản nào, chúng tôi thiệt không biết?”



Ông dược sĩ họ Nguyễn Khoa có vẻ ngạc nhiên phá lên cười hỏi ngược lại: “Các cậu thiệt tình không biết sao? Bản nhạc này là một trong mấy Symphonies của Beethoven được hậu thế yêu thích và phổ biến nhất và có lẽ cũng là bản symphony nổi tiếng nhất trong lịch sử âm-nhạc cổ-điển.” Sau đó cụ cho biết thêm là trong thời kỳ Đại-thế chiến II vừa qua, đối với dân chúng Anh và các lực lượng kháng chiến trên khắp lục địa Âu-châu bản Symphony số 5 được coi như là biểu hiệu niềm hy-vọng và lẽ tất thắng sắp tới của quân đội Đồng-minh.



Ngoài ra còn có một sự trùng hợp khá lạ lùng là theo số La-mã thì số 5 là chữ V, chữ đầu của Victory (thủ tướng Churchill mỗi khi xuất hiện thường dùng hai ngón tay xòe thành hình chữ V để chào dân chúng). Hơn nữa theo lối đánh điện báo Morse thì chữ V được biểu hiệu bằng ba tiếng ngắn và một tiếng dài tiếp theo, đúng hệt nhịp điệu của các nét nhạc chính trong đoạn mở đầu Allegro con brio của Đại-hoà tấu khúc số V . Chính những người đồng thời cũng thường thắc mắc về ý-nghĩa của bản nhạc nên hình như Beethoven đã có lần trả lời rằng: “Quý vị không thấy sao? Đó là tiếng gõ cửa của Định mạng.”


Ngay sau khi trận chiến Normandie kết thúc khúc hòa tấu này lại càng được được phổ biến và yêu thích đến độ mấy thằng nhãi vagabond hay phu quét rác ở Paris cũng biết huýt sáo miệng mấy câu mở đầu của bản nhạc để khiêu khích mỗi khi chạm trán với lính hoặc bọn SS của Đức quốc xã lúc đó đương sửa soạn rút lui khỏi thủ đô Paris.


Câu chuyện ông dược sĩ mới ở Tây về kể nghe thật lý thú nhưng lúc đó hình như mấy nhà “đại nhạc sĩ” của chúng ta có vẻ ngượng và rất sượng sùng. Tối hôm đó anh em đều buồn bã không ai buồn ăn, bàn tán mãi tới khuya về cái kiến thức âm nhạc quá nông cạn của mình. Quý vị thử nghĩ coi, các nhạc sĩ tài danh của Việt Nam chúng ta lúc đó chẳng những chưa bao giờ được nghe hoặc chơi Tấu khúc số 5 (vì Việt Nam chúng ta thời đó chưa bao giờ có ban nhạc đại hòa tấu, trong khi ngành truyền thông và kỹ thuật phát thanh của chúng ta lúc đó còn rất lạc hậu và ấu trĩ) và hình như cũng chẳng được biết là trong kho tàng âm-nhạc cổ điển Tây-phương có một khúc hòa tấu gọi là Symphonie No 5 en Do mineur do Beethoven sáng tác.


 Cho nên bà con ta hồi đó phước đức lắm thì cũng chỉ được nghe loanh quanh hết Sur le marché Persan lại đến Méditation de Thais, hết Le beau Danube bleu lại đến Sur les flots du Danube, hoặc cùng lắm là Invitation à la danse, Romance et boléro, Romance en Fa v.v mà thôi. Thực ra thì kể từ sau cách mạng mùa thu 1945, ngoài ban nhạc “tạp nhạp hầm bà làng” của Hội Khuyến Học Hànội, đất ngàn năm văn vật của chúng ta chưa bao giờ có một ban nhạc hòa tấu cổ điển Tây phương tạm đủ để chơi những bản nhạc lớn thuộc loại symphonie hoặc concerto.


Và có lẽ, theo như tôi nghĩ, cuộc trình diễn nhạc cổ điển năm đó tại Phát Diệm là một cuộc trình diễn chưa từng có trong vùng kháng chiến cũng như ở Việt Nam trước đó, mặc dầu ban nhạc của chúng tôi chỉ là một ban nhạc thuộc loại bỏ túi, chỉ đủ khả năng chơi loại nhạc nhẹ (musique légère) hoặc loại thính phòng (musique de chambre) mà thôi, đâu có thể so sánh với các ban nhạc thực sự là đại hòa tấu (orchestre symphonique)...



Một vài kỷ niệm với vị thầy dạy học của tôi: Học giả, Giáo sư, Nhạc sĩ Lê Hữu Mục 
- Phương Duy TDC -

Những năm đầu của thập niên 1940, tôi sinh hoạt Hướng-Đạo Việt-Nam trong bầy Sói con và tôi đã hát ca khúc Chèo Thuyền:

“Chèo đi, bơi đi nước non đang chờ ta. Bơi đi vững tay cầm lái và hát vang lên cho lòng hăng hái. Chèo đi, bơi đi nước non đang chờ ta. Bơi đi vững tay cầm lái vượt sóng xông lên, ta kh ông rời tay. Tay chèo hòa theo nhịp muôn sóng đưa con thuyền nhanh chóng lướt phóng theo câu hò, khó nguy ta đừng lo. Chèo... Dô hò cùng theo nhịp câu hát như mây trời bát ngát vững lái tay luôn chèo. Sóng to ta hò reo.”

Lời ca của Mai-Liệu và nhạc của Lê-Hữu-Mục.
Bài ca đã nằm trong trí nhớ của tôi trên sáu thập niên, nên có thể không còn chính xác.

Khi hát bài ca sinh hoạt hướng đạo đó làm tôi rất vui, nhất là khi vào học ban văn chương trường Quốc-Học Huế 1954 tôi đã gặp tác giả Lê-Hữu-Mục, lúc đó là thầy dạy văn chương cho tôi. Thời kỳ đó tôi cũng bắt đầu sáng tác những ca khúc ngắn, và tôi không quên chép lại để xin Thầy cho ý kiến. Thầy rất vui, trong tinh thần hướng đạo, gặp thêm một “ đệ tử” nữa!

Nhạc phẩm HẸN MỘT NGÀY VỀ của Thầy ra đời trong thời kỳ này làm cho những người thích nhạc Việt-Nam rất ưa chuộng. Nhạc phẩm viết theo nhịp 3/4 chậm rãi như một nhạc phẩm bán cổ điển semi-classic do các ca sĩ thời danh như Hà-Thanh (Đài phát thanh Huế), Quỳnh-Giao, Ánh Tuyết (Đài phát thanh Saigon) hát, làm nhiều thính giả say mê.

Giáo sư Dương-Thiệu-Tống, thầy dạy tôi Anh văn, có họ với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, viết lời ca bằng tiếng Anh, sau đó giáo sư Võ-Long-Tê (khi ở Pháp) viết lời ca bằng tiếng Pháp.
Hơn năm mươi năm trôi qua, nhưng mỗi lần nghe nhạc phẩm này tôi vẫn xúc động như lúc nghe lần đầu khi còn ở Huế.

Lời ca Hẹn Một Ngày Về bằng tiếng Anh thì tôi đã nghe một nữ ca sĩ ở Huế và một vài nữ ca sĩ ở Saigon hát, còn lời ca bằng tiếng Pháp, tôi chưa được nghe ai hát. Không biết có ai định cư tại Pháp đã được nghe chưa.

Lời ca của GS Võ Long Tê viết rất hay. Tôi ghi ra đây để các bạn cùng thưởng thức:

HẸN MỘT NGÀY VỀ Nhạc LÊ-HỮU-MỤC
C’EST PROMIS, JE REVIENDRAI UN JOUR - Lời tiếng Pháp của VÕ LONG TÊ
Nhạc phẩm HẸN MỘT NGÀY VỀ ấn phẩm năm 1955 của Nhà Xuất bản TINH-HOA (HUẾ)

Lời tiếng Pháp của GS Võ Long-Tê (Paris, France) soạn năm 1984 trao tặng tác giả Lê-Hữu-Mục xuất ngoại ngày 10 tháng 10 năm 1984 đi định cư tại Canada.
oOo

“Viens parmi ces fleurs, cher oiseau migrateur!
Về đây trong hoa lá, hỡi cánh chim giang hồ!
Viens ici fêter couleurs et senteurs.
Về đây trong hương sắc thắm tươi say mơ.
Hué et son cours d’eau nommé Parfum vivent d’attendre.
Huế lơ lửng dòng Hương năm tháng còn vương lời ai mong chờ.
Hué vibre toujours de póesie et d’amour tendre.
Huế trong tiếng dịu êm cô lái bên sông còn vang lời thơ.
L’ amour scellant nos ans . Déjoue l’oeuvre du temps.
Tình xưa không vỡ bao giờ. Mùa xưa còn thơm ngàn gió!
L’été et ses soirées atones. Prendront fin au prochain automne.
Chiều hè mờ trong sương khói mong manh.
Chờ người về trong hương thu trong xanh.
Viens parmi ses fleurs, cher d’ oiseau migrateur.
Về đây trong hoa lá hỡi cánh chim giang hồ!
Viens ici fêter couleurs et senteurs .
Về đây trong hương sắc thắm tươi say mơ.
Hué et son cours d’eau nommé Parfum vivent d’attendre
Huế lơ lửng dòng Hương năm tháng còn vương lời ai mong chờ.
Hué vibre toujours de poésie et d’amour tendre
Huế trong tiếng dịu êm cô lái bên sông còn vang lời thơ.
Je t’ai promis le jour. De mon prochain retour.
Mùa hương hẹn đến khi về. Lòng xanh còn in trời Huế.
Hélas! Langueur et nostalgie . Rongent ma vie en dolorie.
Trầm trầm thuyền đem thương nhớ qua sông. Trập trùng trời mây bay trong mênh mông.
Il m’ est douloureux d’avoir du (chữ u có dấu mũ -^- trên đầu) quitter Hué.
Từ đây sông xa bến , thuyền lướt theo trăng ngà.
Trist(e) est le destin d’un pauvr(e) exilé.
Trời đầy sương lạnh lẽo có ai bơ vơ.
Hué présent(e) en toi sera en moi comme mon âme.
Gỡ tay vướng mà đi, sông nước biệt ly, người xa kinh kỳ.
Ceux qui aiment Hué seront toujours tout feu tout flammes.”
Giữa sương gió ngàn khơi , đăm đắm trông ai, cầu mong ngày vui.
(Những chữ ghi giữa hai ngoặc đơn (e) không phát âm khi hát vì âm nhạc không có ghi notes cho những âm này.)

oOo

Tháng 12- 1956, trong dịp tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm trường Quốc-Học, thầy LHM là một trong những những giáo sư đóng góp nhiều nhất cho chương trình trình diễn văn nghệ của học sinh chúng tôi và thầy đã tập dượt cho chúng tôi đồng ca một bản nhạc “cây đinh” của buổi lễ do thầy sáng tác, đó là bài “Nhớ ơn Ngô Chưởng Giáo” là vị Thầy Hiệu trưởng khai sáng trường Quốc Học ngày xa xưa.

oOo

Năm 1991, tôi đến định cư tại Hoa Kỳ, tôi mới biết thầy LHM đang sống ở Canada, dạy học, viết sách, viết báo và là một hội viên Văn-Bút Việt-Nam Hải-ngoại. Cho đến một dịp may hiếm có, thầy đến SAN JOSÉ theo lời mời của Ban chấp hành Trung tâm Văn-Bút Bắc Cali.

Ngày 6 tháng 6 năm 2003, tôi và một vài người bạn cựu học sinh Quốc-Học được gặp lại thầy tại nhà nhà văn DIỆU-TẦN.

Thầy trông “mập” hơn trước kia và không ngờ ở lứa tuổi gần bát tuần mà thầy vẫn vui như một hướng đạo sinh tuổi ngoài đôi mươi

Trong buổi tiếp tân hội ngộ, Thầy đã cùng với các nhạc sĩ Vũ- Đức-Nghiêm, Lê-Mộng-Bảo và Trương-Duy-Cường thành một “ tứ ca nhạc sĩ lão thành” hợp ca một ca khúc rất vui. Rồi tiếp theo đó thầy solo một số ca khúc mới sáng tác của thầy như lời thầy viết cho tôi “để ghi nhận ngày tái ngộ rất cảm động tại San José.”

Ngày Thứ Bảy kế, thầy có nhã ý đến tư gia của chúng tôi để hàn huyên đặc biệt với người cựu học sinh có đôi mắt “mơ huyền” không nhìn rõ cuộc đời. Học sinh, sinh viên của Thầy có rất nhiều tại Thung lũng Hoa Vàng này chứ không chỉ có một người như tôi, nên tôi muốn chia xẻ niềm vui này với bạn bè của chúng tôi trong dịp may hiếm quý này. Một vài người bạn văn nghệ, thân hữu của Thầy được chúng tôi mời, cùng chúng tôi (Phương-Duy TDC và Hoa Hoàng Lan) gặp Thầy: chúng tôi rất vui khi nghe Thầy hát những bài hát Thầy mới sáng tác gần đây. Thầy trò và bạn bè sau nhiều thập niên mới gặp lại nhau, ôn lại chuyện cũ ở đất Thần Kinh. Chuyện học đường nhảy sang chuyện văn nghệ, chính trị, rồi thời sự, câu chuyện dài như không muốn dứt. Buổi họp mặt không ngờ kéo dài từ 6 giờ chiều đến hai giờ sáng mà ai cũng chưa muốn chấm dứt.

  
  Từ trái: Phương-Duy, Hoa Hoàng Lan, GS Lê hữu Mục, n/v Kathy Trần, NS Lê mộng Bảo

oOo

Giáo sư LÊ-HỮU-MỤC sinh ngày 24-11-1925 tại làng Lưu-Phương, Phát-diệm, tỉnh NINH-BÌNH ( Bắc Việt-Nam).
Tốt nghiệp Đại-Học Văn-Khoa tại HÀ-NỘI một năm trước khi di cư vào Nam.
Định cư tại Huế, năm 1954 thầy làm giáo sư dạy văn chương tại trường Quốc-Học, Bình Minh.
Năm 1957 Linh Mục Cao-văn-Luận , Viện trưởng Viện Đại Học Huế mời thầy giảng dạy ở trường đại-học Văn khoa và ĐH Sư phạm .
Sau 1963 thầy thuyên chuyển vào giảng dạy đại học tại Saigon.
Thầy đỗ đầu Tiến-Sĩ Văn-Chương năm 1970.
Tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu văn học cho đến khi thầy sang định cư tại Canada. Thầy lại dạy học, viết sách , làm báo. Hiện nay, tuổi đã cao thỉnh thoảng thầy sang Nam California giảng dạy văn chương tại Viện Việt Học.
Một trong những tác phẩm của thầy được các độc giả trong nước cũng như ở hải ngoại chú ý nhất là cuốn sách ” HỒ CHÍ MINH Không Phải Là Tác Giả NGỤC TRUNG NHẬT KÝ” do Văn-Bút Việt-Nam Hải-Ngoại ấn hành năm 1990, Làng Văn (Canada) phát hành. Cuốn sách này làm cho mọi người biết rõ HCM đã cầm nhầm sáng tác của người khác mà xưng của mình! Riêng trong nước, đảng CS cũng đã chỉ thị cho các GS đại học, học giả, những nhà nghiên cứu văn học, những cơ sở truyền thông, báo chí... phải nghiên cứu viết bài để phản bác cuốn sách của GS Lê Hữu Mục. Kết cục cũng chưa đến đâu khi chân lý vẫn là sự thật!

oOo

Những tác phẩm đã xuất bản:
Thân Thế Và Sự Nghiệp Nhất-Linh (1955)
Nhận định về Đoạn Tuyệt (1955)
Luận đề về Khái-Hưng (1956)
Luận đề về Hoàng Đạo (1956)
Chủ nghĩa Duy-Linh (1957)
Văn hóa và Nhân vị (viết chung với Bùi Xuân Bào, Võ Long Tê, 1958)
Thảm trạng của một nền dân chủ vô thần (1958)
Lĩnh Nam Chích Quái (1959)
Việt Điện U Linh Tập (1960)
Quân Trung Từ Mệnh Tập (1960)
Ức Trai Thi Tập (1961)
Nhị Khê Thi Tập (1962)
Băng Hồ Ngọc Bảo Tập (1963)
Chúa Thao Cổ Truyện (1965)
Lịch Sử Văn Học Việt Nam, tập I (1968)
Khóa Hư Lục (1973)
Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục Trung Nhật Ký (1988)
Truyện Kiều và Tuổi Trẻ (1998)
(rất tiếc tôi chưa cập nhật hóa các tác phẩm sau năm 1998)

Nhạc phầm :
Nhạc sĩ LHM đã sáng tác rất nhiều nhạc phẩm, tôi chỉ ghi lại đây một vài bài mà thôi:
Chèo đi, bơi đi (Hà-Nội, 1941),
Hồn Việt-Nam ( Hà-Nội 1942),
Hẹn Một Ngày Về (Saigon 1955)
Hẹn Một Ngày Về Vinh Quang (Canada)
Hãy nghiêng tóc xuống vai ta (phổ nhạc Thơ Nguyễn Đức Hiển)
Tiếng Hát Người Cố Hương (Thơ NĐH)
Yêu Em (thơ NĐH (2004)
Có Phải Chỗ Này ( Thơ NĐH)
Tuyết Trắng Mộ (Thơ Ánh Tuyết)
Thân Yêu Tặng Nguyệt-Hạnh (Thơ Huệ Hương)
Thơ Nguyệt Viên (Thơ NĐH)
For Your Birthday (Lyric by NĐH)
Hôn Em (Thơ NĐH)
vân...vân...

Ghi lại một vài kỷ niệm với Thầy Lê Hữu Mục để tặng các bạn đồng môn QUỐC-HỌC và Đại Học Văn Khoa.

oOo

Về phần sức khỏe của Thầy hiện nay, trong năm qua, Thầy bị đột quỵ (stroke) khá nguy hiểm nhưng nay đã khỏe trở lại có thể nói chuyện với tôi bằng điện thoai nhân ngày đầu năm dương lịch 2007, tiếng nói của thầy vẫn vui khỏe. Thật đáng mừng!

Mấy tháng sau đó, qua lá thư và điện đàm với người bạn ở Texas, chị ATN cho tôi biết là chị mới qua Canada thăm thầy.

Chị có một vài nhận định khá lý thú: (trích)
*Thầy là một thi sĩ:
Hy Vọng + Thất Vọng = hóa thành Thơ
*Thầy là một nhạc sĩ:
Rung cảm giữa thiên nhiên qua tiếng chim hót , dế kêu, ve kêu, côn trùng gọi nhau trong đêm khuya.
*Thầy là một nhà giáo dục:
Bỏ đi rung cảm vật chất thành một giáo sư rất yêu thương học sinh của mình.
Vì thế đến tuổi già Thầy đã được đền bù:
• Đàn con ( 3 nữ, 1 Nam) đều thành danh tại Canada và Hoa-Kỳ.
• Thầy được sống thoải mái dưới mái nhà cao niên, đó là một Senior Housing của các Bà Sơ, rất đầy đủ tiện nghi: có bác sĩ, y tá chăm lo sức khỏe rất tận tâm; bồi bếp lo về ẩm thực rất chu đáo. Giải trí có đàn. Thỉnh thoảng có các ban nhạc, có trò quỷ thuật đến giúp vui.

Từ trái: Phương Duy, N. Châu, Hoa Hoàng Lan, Phạm Quang Trình, Đào Đức Chương, GS Lê Hữu Mục, Nhà báo Nguyễn Trung, Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, NV Diệu Tần 

           
                    Từ trái: GS Lê Hữu Mục, Thi sĩ Hà Thượng Nhân, Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, Nhà văn Diệu Tần

Riêng giáo sư LHM một nhạc sĩ có tài được tất cả mọi người yêu mến. Phần nhiều sau buổi cơm trưa thầy đánh đàn dương cầm những bài Plaisir d’ Amour, Élégie, La Vie en Rose, Rêverie v v... Những nhạc phẩm của Chopin, Schumann... là các bà cao niên đều thuộc các bài ấy nên họ đánh nhịp theo và có lúc hát theo. trong đó có một cụ bà đã 101 tuổi.

Họ rất vui vẻ, nhộn nhịp theo tiếng đàn của nhạc sĩ Lê Hữu Mục. Thế giới của những người cao niên ở đây rất bình thản không giống chúng ta còn phải lo trả những bills nhà, xe, linh tinh.
Theo chị, có lẻ những người cao niên này đã được đấng Tạo Hóa ưu đãi. Họ được hưởng thụ vì kiếp trước + kiếp này đã làm nhiều điều thánh thiện!”



Riêng giáo sư LHM hiện nay, tuy tuổi đã cao vẫn vùi đầu vào văn chương. Thầy sắp cho in quyển NÔM HỌC. Cái nợ văn chương vẫn chưa trả xong. Lạy Trời giúp giáo sư thành công.
Thầy cũng đã được Hospital Juif mời giảng dạy về Music Therapy ( âm nhạc trị liệu) cho người già.
Hiện nay, thầy vẫn sáng tác những bài thánh ca cho nhà thờ tại Montreal, Canada được ban nhạc rất phong phú của nhà thờ có nhiều nhạc công trẻ yêu nhạc tham gia tấu nhạc. (ngưng trích).

Chủ nhật 11 tháng Giêng năm 2009 vừa qua, Toronto mời thầy từ Montréal sang để nhận một giải thưởng trị giá 3,000 Dollars Canada mang tên “Bùng Lên Việt Nam“ về những tác

 PHƯƠNG-DUY - TRƯƠNG-DUY-CƯỜNG

phẩm văn học và âm nhạc của thầy. Tuy nay tuổi đời đã cao, nghệ sĩ tính trong thầy vẫn còn, thầy đã lên sân khấu trình bày những nhạc phẩm của mình rất hùng hồn và say mê. Khán giả rất vui thích và nhiệt liệt tán thưởng bằng nhiều tràng pháo tay.

“May God Bless Our Dearest Teacher!” đó là lời mong ước chân thành nhất mà các học sinh của thầy Lê Hữu Mục luôn luôn tâm niệm.

PHƯƠNG-DUY - TRƯƠNG-DUY-CƯỜNG
(San Jose, California)  

                         Thuyết Bất Vô - Lê Hữu Mục

Tư-tưởng là phần cốt lõi của văn-hoá. Văn-minh là thời-kì tư-tưởng ấy được thực-hiện rồi dừng lại trong những tác-phẩm kiến-trúc, điêu-khắc, hội-hoạ, trong những công-trình khoa-học, kĩ-thuât, văn-chương v.v… Văn-hoá Việt Nam sở dĩ trường-tồn và càng ngày càng phong-phú là nhờ ở nguồn tư-tưởng vô-tận mà nó chứa đựng trong lòng, đó là nguồn nước mà ta đã phân-tích ở trên.


Vấn-đề là làm thế nào để vận-dụng nguồn nước ấy, nguồn tư-tưởng sinh-động ấy để bảo-đảm sự sinh-hoá của con người Việt Nam? Đó là nhờ thuyết bất-vô mà thiền-sư Đạo Huệ đã công-bố vào năm 1172. Khi tiết-lộ cho môn-đệ hiểu rõ yếu-chỉ của đời ông, Đạo Huệ không hẳn chỉ đơn-thuần áp-dụng một phương-pháp giáo-dục cá-nhân. Trước ông là hành bao nhiêu thế-kỉ đã suy-nghĩ như ông trước những vấn-đề mà đời sống đặt ra và phải giải-quyết.


Trước ông đã có những nhân-vật kiệt-xuất như LẠC LONG QUÂN đã uy-dũng đánh thắng con ngư-tinh để giúp cho dân-chúng ổn-định đời sống. Con ngư-tinh ấy không phải chỉ là một con vật huyền-thoại. Nó là thuồng-luồng, là những con sấu hung-dữ phá-hoại mùa-màng, vườn-tược, nói chung là hệ sinh-thái của quần-chúng. Lạc Long Quân đã có công thuần-hoá những con quái-vật đó, bắt chúng phải sống hiền-lành hơn, có ích hơn cho loài người, nhờ đó mà lịch-sử thuần-hoá thiên-nhiên để phục-vụ cho quyền sống của con người được diễn ra rộng khắp, đáp-ứng với mọi vấn-đề trong đó có tư-tưởng. Thuyết bất-vô đã được hình-thành như thế nào? Nó có những liên-hệ gì với tư-tưởng sắc sắc không không của Phật-giáo, thuyết vô-vi của Lão-giáo, thuyết vô khả vô bất khả của Khổng-giáo?


Khái-quát về thuyết bất-vô trước Đạo Huệ.
Đạo Huệ sinh vào đời Lý ( ?-1172). Trước thiền-sư, cuộc tranh-luận về vô và hữu vẫn còn sôi-nổi giữa các thiền-sư Ấn-độ, Trung-hoa, kéo theo vấn-đề bất vô bất hữu cũng tranh-luận sôi-nổi không kém. Trong khuôn-khổ nhỏ hẹp của bài nói chuyện này, tôi chỉ nhắc sơ qua đến hai quan-niệm đối-lập nhau, một bên chủ hữu là thuyết của Tăng Triệu, một bên chủ bất-vô của Huệ Năng.
Tăng Triệu (384-414) và thuyết bất chân không.


Tăng Triệu có hai chủ-trương chính gọi là thuyết chủ hữu, khẳng-định rằng những hiện-tượng ngoại-giới là có thực (Tăng Triệu, Bảo tạng luận). Thuyết thứ 2 trình-bày trong tác-phẩm Bất chân-không luận, cho rằng thế-giới hiện-tượng, chính vì nó là hiện-tượng, cho nên cũng có thể cho nó là giả, cho nó là “vô”, nhưng đã cho rằng có hiện-tượng thì cũng không thể không gọi chúng là “hữu” (Cao Xuân Huy, Tư-tưởng phương Đông, 1995, tr.600). Thuyết này được gọi là thuyết “bất chân-không”, coi hiện-tượng chẳng phải là chân vô, chẳng phải là thực hữu.

Huệ Năng (638-713) và thuyết bất -nhị.
Huệ Năng không tán-thành thuyết chủ-hữu. Thiền-sư là học-trò của Hoàng Nhẫn đệ-ngũ tổ và đã được thầy trao y-bát sau khi trình-bày bài kệ chủ vô. Hai chủ-thuyết của Huệ Năng được thế-nhân truyền-tụng là thuyết vô-niệm và thuyết bất-nhị. Thuyết vô-niệm thường bị hiểu sai lầm là trạng-thái hoàn-toàn không có ý-niệm, trạng-thái tinh-thần của một người đầu ốc rỗng tuếch. Suzuki hiểu như vậy là dịch vô-niệm là no-mind (tiếng Pháp là le non-mental). Nhà Phật-học Lucien Houlné, tác-giả cuốn Discours et sermons, nghiên-cứu và phiên-dịch Pháp bảo-đàn kinh, tác-phẩm của Huệ Năng, đã kịch-liệt phê-bình quan-điểm của thiền-sư Suzuki và dịch vô-niệm là le non-attachement, nghĩa là không nắm bắt được.



Ông Lucien Houlné dịch như vậy là đúng với chữ-nghĩa Kinh Kim Cương, đúng với chữ vô sở trụ trong câu ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm, chữ trụ này được từ-điển Phật-giáo dịch ra tiếng Anh là: to maintain, firmly hold to, nghĩa là giữ chặt, nắm chặt (X. A dictionary of Chinese Buddhist terms của W.E. Soothil, tr. 224) Tôi căn-cứ vào cách hiểu từ vô-niệm của Lucien Houlné để tán-thành quan-điểm của Hoà-thượng Thích Mãn Giác khi thiền-sư rảo khắp cả nội-dung của Pháp bảo-đàn kinh để chứng-thực Huệ Năng là một người Việt Nam, bởi vì nếu vô-niệm có ý-nghĩa là không nắm bắt được thì chính chữ niệm phải được đọc bằng âm nôm là NẮM 念 (vào thời cổ chắc phải phát-âm là NÁM, như cách đọc của đồng-bào Quảng-ngãi ngày nay)



. Nếu Huệ Năng là người Việt Nam thì học-thuyết phụ của ngài là thuyết bất-nhị phải có họ-hàng với thuyết bất-vô của Đạo Huệ. Hai thuyết bổ-sung cho nhau để nói lên một sự thật sâu-xa trong tâm-thức người Việt Nam là: “Ở trong tướng mà vẫn xa lìa tướng; tuy ở trong không mà vẫn không chấp-trước không”. (Pháp bảo-đàn kinh, bản dịch của Thích Mãn Giác, đoạn 46, tr. 86). Lục-tổ giảng rõ hơn: “Bóng tối tự nó không phải là bóng tối, vì có ánh sáng cho nên có bóng tối, bóng tối không tự nó là bóng tối bởi vì ánh sáng biến thành bóng tối, và bóng tối làm hiển-hiện ánh sáng. Ánh-sáng và bóng tối là sinh-nhân của nhau”(Nt). Ta có thể biết thêm 36 đối-pháp mà Huệ Năng liệt-kê đầy-đủ để nêu rõ những cặp mâu-thuẫn như trời / đất, mặt trời / mặt trăng, bóng tối / ánh sáng, âm / dương v.v… nhưng bằng nấy cũng tạm đủ để ta có thể đi vào học-thuyết bất-vô của Đạo Huệ


ĐẠO HUỆ ( ?- 1172) VÀ THUYẾT BẤT-VÔ.
Trở lại 36 cặp đối-pháp mà Huệ Năng cẩn-thận liệt-kê trong Pháp bảo-đàn kinh, ta thấy có 5 cặp thuộc ngoại-cảnh vô-tình (5 extérieures inanimés), đó là:
                   Trời                       Đất
                   Mặt trời                 Mặt trăng
                   Bóng tối                 Ánh sáng
                   Âm                        Dương
                   Lửa                       Nước
12 cặp thuộc về ngôn-ngữ và pháp-tướng:
                   Hữu-vi                   Vô vi
                   Hữu-sắc                Vô-sắc
                   Hữu-tướng            Vô-tướng
                   Hữu lậu                 Vô lậu
                   Sắc                       Không
                   Động                     Tĩnh
                   Trong                     Đục
                   Phàm                    Thánh
                   Tăng                      Tục
                   Già                        Trẻ
                   Lớn                       Nhỏ
                   Dài                        Ngắn
19 cặp trong dụng-khởi từ tự-tính:
                   Tà                         Chánh
                   Si                             Huệ
                   Ngu                       Trí
                   Loạn                      Định
                   Giới                      Sai
                   Thẳng                    Cong
                   Thực                     Hư
                   Dốc                       Bằng
                   Phiền-não              Bồ-đề
                   Từ                         Hại
                   Vui                        Giận
                   Xả                         Tiếc
                   Tiến                       Thoái
                   Sinh                      Diệt
                   Thường                 Vô thường
                   Pháp-thân              Sắc-thân
                   Hoá-thân                Báo-thân
                   Thể                       Dụng
                   Tính                       Tướng
                   Hữu tình                Vô tình


Tổ-tiên của Đạo Huệ, những người mà lịch-sử quen gọi là Lạc Việt, (mà ta hiểu là những người sống trên nước và dùng vớt để đánh cá) chắc sống với nước nên đã không lạ gì những vận-động có tính qui-luật của nước: chảy ngược chảy xuôi, chảy lên chảy xuống, chảy ngang chảy dọc v.v… Qui-luật phát-hiện ra là sự-vật nào cũng có bản-chất (nước) và hiện-tượng (sóng), cũng có những cặp đối-lập như nước rặc (xuống) nước ròng (lên), nắng / mưa, nóng / lạnh, nước / lửa. Long-quân nói với Âu-cơ:


“Ta là nòi rồng, đứng đầu thuỷ-tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm-dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng nước lửa khắc nhau, dòng giống bất-đồng, khó ở với nhau được” (Trần Thế Pháp, Lĩnh-nam chích quái, Truyện Hồng-bàng), đó là tổ-tiên chúng ta đã phát-hiện được một cặp đối-lập mà dần-dần qua kinh-nghiệm của đời sống, ông và con cháu sẽ khái-quát hoá thành triết-lí âm-dương. Hai từ âm-dương này, gốc của nó hiển-nhiên xuất-phát từ miền Nam theo lời khẳng-định của nhóm triết-học Kim Định, nhưng ngay cả cái âm-ngữ, của từ này nhất-định cũng là gốc-gác thổ-âm miền Nam, đó là những âm IM và DANG. Im là trạng-thái không có biểu-hiện của hoạt-động, không có sự di-động, sự đổi chỗ (TĐTV, tr.301); Dang là mở rộng ra cả hai phía, như nói dang tay (TĐTV, tr.260).


Người Việt đã quan-sát thấy hiện-tượng này từ khi bắt đầu biết trồng lúa nước, vào khoảng 6.000 năm trước TCGS, sau Ấn-độ 3.000 năm, nhưng trước Trung-quốc khoảng 3.000 năm (Tôn-thất Trình, ngành trồng lúa ở Việt Nam, Vietnamologica số 4, Montréal, 1999). Lạc Long quân trong Lĩnh-nam chích quái có dùng từ âm-dương. Có thể từ nay chỉ là một từ Hán mà các nhà nho đều biết và yên trí đó là những chữ hán gốc; tác-phẩm Lĩnh-nam chích quái lại chỉ được viết vào thế-kỉ XIV, XV thì lại càng biết chắc rằng chính tác-giả đã dùng từ âm-dương đó thay cho nhân-vật của ông. Nhưng vào thời Lạc Long quân, giả-định là khoảng thế-kỉ thứ 3, TTCGS, tôi khẳng-định là từ âm-dương đã xuất-hiện, nếu không dưới dạng yin / yang kiểu Trung-hoa thì cũng là im / dang kiểu Lạc Việt mà Trần Thế Pháp không có cách nào khác hơn là mượn hai chữ Hán để biểu-âm, theo phương-pháp giả-tá.


Cũng có thể chữ yin / yang của Trung-hoa là do từ Việt-cổ ná / áng mà ra vì ná / áng hay áng / ná có nghĩa là cha mẹ, đúng như đầu-đề cuốn Cả blả ơn áng ná cực nặng giả-thiết là tác-phẩm của Nguyễn Trãi, dịch từ nguyên-bản Hán-văn Đại báo phụ-mẫu ân trọng kinh, trong đó từ phụ-mẫu được dịch nôm là áng ná (Génibrel, tr.4) Tuy nhiên, khái-niệm âm-dương được hình-thành từ sự đối-lập giữa hai thao-tác mâu-thuẫn im / dang có thể là hợp-lí nhất.

Sau khi đã chiêm-nghiệm các cặp đối-lập về mặt cơ-cấu, tổ-tiên ta quan-sát những cặp ấy về mặt liên-hệ. Vì sống ở những vùng sông nước, các cụ ta được hưởng một đặc ân của trời đất là rất bén-nhậy, rất thính, thính về mắt, về mũi, và nhất là về tai. Về phương-diện này có thể nói mỗi một người Việt Nam là một nhạc-sĩ. Khi chú-ý đến các cặp đối-lập, người xưa đã không quên lắng nghe những âm-thanh và những nhịp-điệu phát ra, cứ hai thanh ngắn đi trước thì một thanh sau kéo dài, cứ hai nhịp nhẹ đi trước thì một nhịp nặng đến sau, tỉ-dụ:



Hiện nay ta vẫn còn được nghe nhịp-điệu này trong những đám múa lân. Múa lân gốc là một trò chơi của trẻ em Việt Nam, nguyên là múa long, sau chuyển sang tay người Trung-hoa trở thành múa lân. Mỗi lần nghe các em múa lân gõ trống, ta phải để ý tới nhịp 2 dồn-dập thoát ra từ chiếc trống cái và các trống con. Cụ Sáu đã giữ được nhịp-điệu này trong ban trống của nhà xứ Phát Diệm. Đây là nhịp trống mà ai gốc Phát Diệm cũng đã được nghe từ hồi còn nhỏ, trong những ngày lễ lớn:



Nhịp-điệu cổ-sơ này dần dần được khái-hoá thành - - — hai vạch ngắn là hai vạch con tượng-trưng cho 2 tiếng nhẹ, ngắn, nhỏ, nét dài tượng-trưng cho 1 tiếng nặng, mạnh kéo dài. Khi khái-niệm âm-dương thành hình thì 2 vạch ngắn bắt-buộc là phải được dùng để chỉ âm, vạch dài chỉ dương. Tại sao hai vạch nhỏ lại đi trước vạch lớn lại đi sau? Đó là vì sự tất-yếu của nhịp-điệu, phù-điệu dài bao giờ cũng chấm dứt nhạc-phẩm, trong khi nhịp ngắn dùng để bắt đầu, điều này rất dễ hiểu nếu ta quan-sát một bản nhạc dù là nhạc phổ-thông. Phù-điệu đi trước đứng về mặt trái, phù-điệu đến sau đứng về mặt phải, do đó phía trái bao giờ cũng quan-trọng hơn phía bên phải. Chúa Kitô lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, tức là Đức Chúa Cha ngồi bên trái, quan-trọng hơn Đức Chúa Con.
TUYÊN NGÔN CỦA ĐẠO HUỆ NĂM 1172.

Năm 1172, trước khi mãn-phần, thiền-sư Đại Huệ, giáo chủ phái thiền-học bất-vô, đọc cho môn-đệ nghe bài thơ kết thúc tư-tưởng của ngài.

                       鑪若不色
                       中人合身
                       花要不與
                       一真分妙
                       枝別離体
                     
Sắc-thân dữ diệu-thể
Bất hợp bất phân-li
Nhược nhân yếu chân biệt
Lô trung hoa nhất chi.


Tạm dịch:

Sắc-thân và diệu-thể
Chẳng hợp chẳng phân-li.
Người nếu ưng phân-biệt
Trong lò nhìn hoa kia.


Để hiểu rõ bài thơ này, xin đọc báo VIETNAMOLOGICA số 4 (1999). Cũng xin đọc thêm cuốn The Literature of the Personalists of early Buddhism của tì-kheo Thích Thiện Châu do Vietnam Buddhist research institute xuất bản, Paris, 1978. Trong khuôn-khổ của bài nói chuyện này, tôi chỉ nhấn mạnh vào câu 2 - Bất hợp bất phân li mà tôi cho đó là khẩu-hiệu mà Đạo Huệ đưa ra để làm tiêu-chuẩn cho văn-hoá Việt Nam. Khẩu-hiệu đó là nguyên-lí bất vô. Nguyên-lí này có những đặc-điểm như sau:
* Đặc tính giao-thoa: đầu tiên là giao-thoa giữa cái tiền-nghiệm và cái hậu-nghiệm. Các triết-gia Ấn-độ và Trung-quốc đã mỏi miệng tranh cãi về những vấn-đề nguồn gốc của tri-thức, của luật nhân-quả. Tăng Triệu chẳng hạn đã quả-quyết, như Huma, là không có luật nhân-quả. Ông nói ngược đời như vậy mà từ trước đến giờ có ai bắt-bẻ được ông đâu!



Đạo Huệ trả lời một cách nhẹ-nhàng: làm gì có một tri-thức nào hoàn-toàn tiền-nghiệm và hoàn-toàn hậu-nghiệm; nó là kết-quả của một cuộc giao-thoa giữa cái tiền-nghiệm và cái hậu-nghiệm. Nói cách khác, trong cái tiền-nghiệm có cái hậu-nghiệm và trong cái hậu-nghiệm có cái tiền-nghiệm. Hoạt-động tinh-thần của con người được điều-động bởi nguyên-lý bất-vô: bất hợp bất phân-li.


- Giao-thoa giữa cái cụ-thể và cái trừu-tượng: Nho-giáo chẳng hạn vẫn tin rằng tri-giác con người chỉ đạt đến những đối-tượng cụ-thể. Lão-tử cười và cỡi lừa đi vào rừng. Thực ra sự trực-giác thuần-tuý về cái cụ-thể cũng phù-du không kém gì cái biểu-tượng hoàn-toàn trừu-tượng. Làm sao mà tinh-thần có thể đứng trụ mãi trong trừu-tượng được, nó phải dựa vào một biểu-tượng giác-quan, tỉ-dụ, có màu sắc để thấy, có hương-vị để ngửi, v.v… Một từ-ngữ hoàn-toàn trừu-tượng, nghĩa là không gợi ra được một thực-tại cụ-thể nào, là hoàn-toàn vô-nghĩa. Cụ-thể và trừu-tượng không tích-hợp mãi với nhau được, nhưng cũng không phân-li.


Cụ-thể và trừu-tượng đi đi lại lại với nhau luôn luôn không khi nào rời. Chính cái quá-trình đi từ sự-vật tới khái-niệm, từ khái-niệm đến sự-vật ấy nó tạo ra thuyết bất-vô.
- Giao-thoa giữa đối-thể và chủ-thể, giữa sự-vật và tinh-thần, nói một cách khác, không có tính chủ-quan thuần-tuý, cũng không có tính khách-quan tuyệt-đối, hay nói đúng hơn, đối-thể thông-tin cho chủ-thể, ngược lại, chủ-thể thông-tin cho đối-thể, một thể mà là hai, hai thể mà là một. Tinh-thần đâu có đúc được những cái khuôn có sẵn để chứa đựng sự-vật, và chính sự-vật thì cũng không có trước như chúng ta tri-giác thấy trước khi hoạt-động đồng-hoá của tinh-thần diễn ra.


 Qui-luật của thực-tại khách-quan không độc-lập đối với cơ-cấu của tinh-thần, và cơ-cấu của tinh-thần cũng không độc-lập đối với cơ-chế của thực-tại. Nói cách khác, không có sự-vật nào được gọi là đã thành-tựu sẵn-sàng. Tất cả là đang đi tới, đang diễn-biến, đúng như Lão-tử đã nhìn thấy. Như vậy, không có cái gì là tuyệt-đối. Mọi giá-trị đều tương-đối và khởi-sắc nhờ những liên-hệ của nó đối với một vật khác.

Để kết luận, ta có thể đối-chiếu thuyết bất vô với một vài qui-luật của luận-lí-học tây-phương, tỉ-dụ, với luật đồng-nhất, luật lí-do đầy-đủ, tức luật nhân-quả, phép biện-chứng. Ta thấy sự đối-chiếu sẽ khó-khăn, chẳng khác gì ta đem đối-chiếu cái động với cái tĩnh riêng-biệt, trừ phi cái động và cái tĩnh ấy có quan-hệ qua lại mật-thiết với nhau. Đối với phép biện-chứng tây-phương, trong khi phép biện-chứng của các triết-gia Hi-lạp, của Hégel và Marx ngày nay đã trở thành kinh-viện khô-khan, nếu không nói là đã bị đào-thải trước phép biện-chứng khoa-học thì thuyết bất-vô của Đạo Huệ, trên nền tảng của tư-tưởng Việt Nam, Trung-hoa và Ấn-độ, vẫn còn giá-trị để làm chứng cho sự trường-tồn của văn-hoá Việt Nam.


* Đặc tính bổ-túc: Ngoài tính giao-thoa, thuyết bất-vô của Đạo Huệ còn có giá-trị nhờ ở đặc-tính bổ-túc. Ở trên, ta đã biết âm và dương tự khẳng-định một cách lần-lượt như thế nào nhưng ta cũng thấy tuy chúng không phủ-nhận nhau mà lại cũng không thể nào đạt đến được một tổng-hợp hoà-hài và rõ ràng. Những khẳng-định ấy đều được coi là bổ-túc mặc dầu người ta không có thể nhìn thấy một cách hợp lí chúng bổ-túc cho nhau như thế nào. Khái-niệm bổ-túc mới được nhà bác-học Niels Bohr (1885-1962), giải thưởng Nobel về vật-lí-học (1922), công bố mới đây, nhưng nó có giá-trị củng-cố cho thuyết bất-vô đứng trước phép biện-chứng duy-linh của Hegel và phép biện-chứng duy-vật của Marx.



Nói chung, các nhà biện-chứng người Đức đều chủ-trương có sự đối-kháng đấu-tranh quyết-liệt và gay-gắt giữa chính-đề và phản-đề. Đối với màu-sắc chẳng hạn, từ đen đến trắng, xanh, vàng, đỏ, ta chỉ thấy có một thang độ âm-dương rõ-ràng, có đối-kháng gì đâu? Không có mâu-thuẫn, không có đấu-tranh, chỉ có bổ-túc hỗ tương, mặc dầu sự bổ-túc này không đưa tới một tổng-hợp hoà-hài, lí-do chỉ là vì vấn-đề mức-độ. Chỉ có xẩy ra những cái không thích-đáng, không thích-hợp một khi những biểu-tượng mà ta dùng trong mức-độ vĩ-mô lại được đem dùng trong mức-độ vi-mô. Điều này rất đúng đối với những cuộc thí-nghiệm vật-lí-học, nhưng nó cũng rất phù-hợp với đời sống tinh-thần của người Việt Nam.



- Tỉ dụ về vấn-đề đời sống. Một bên là sắc thân, được nói đến rất nhiều trong Pháp bảo-đàn kinh của Huệ Năng, một bên là diệu-thể, mà Huệ Năng hiểu là Pháp-thân. Lí-tưởng là ta phải hiểu sắc thân và diệu-thể trong một tổng-thể hoà-hài, nhưng trong thực-tế, khi phải dùng ngôn-từ để giải-thích hiện-tượng đó, ta bắt buộc phải nắm bắt chúng một cách riêng biệt và lần lượt. Điều đó không trái ngược với quan-điểm bất vô của Đạo Huệ, bởi vì, sau khi đã lần-lượt tìm hiểu hai sắc-thái đó một cách phân-biệt, ta sẽ rõ cơ-cấu bất-nhị của chúng: không hợp cũng không phân-li, không phân-li mà hoà-hợp, bởi vì xét về quan-hệ giữa chúng, chúng vẫn gắn bó mật-thiết với nhau, vẫn hoạt-động và chuyển-hoá lẫn cho nhau, vẫn bổ-túc cho nhau như những cặp đôi khó tách rời, như non với nước, như tiên với rồng, như cha với mẹ, như vợ với chồng, như anh với em v.v…Tính cặp đôi này được diễn ra trong mọi mặt của cuộc sống, tỉ-dụ luận về chữ hiếu thì có cặp từ công cha / nghĩa mẹ, nói về thiên-văn thì trời tròn / đất vuông.



Ngay cả những từ đã rõ nghĩa vẫn còn phải chú-thích cho đủ cặp: núi Thái-sơn, sông Hương-giang. Chữ Bố-cái đại-vương nằm trong qui-luật này vì thực ra đại-vương là chữ Hán, được Phùng An dịch ra chữ nôm là bua [бua?] cái, bua [бua?]  là vương (tức vua), cái là cả, là lớn, dịch chữ đại như nói sông cái (sông Hồng chính là tên Hán-hoá của chữ Cái, Hồng nghĩa là lớn, không phải là màu đỏ), ngón tay cái, đường cái v.v…Đọc bua [бua?] cái thành bố-cái là đọc sai 1 lần, đọc Bố Cái Đại-vương là sai một lần thứ 2, nhưng tinh-thần dân-tộc như thế thì làm thế nào? Cũng trong tinh-thần ấy, các từ nước ngoài nhập vào Việt Nam đều bị khuôn theo một qui-luật: ông Tơ (Trung-hoa) thì lập tức có bà Nguyệt, Phật-ông / Phật-bà, Chúa / Mẹ v.v…



Các từ nước ngoài như affaires trở thành phe (áp-phe) chưa đủ, phải có phẩy là phe-phẩy mới có tính Việt-nam, chữ good-bye hiền-lành thế mà khi nói gút-bai là người Việt thêm ngay yếu-tố mai gặp, thành gút bai / mai gặp nhịp-nhàng và rất Việt-nam.
- Tỉ-dụ 2: về vấn-đề tự-do và định-mệnh (hay quyết-định luận). Đời sống xã-hội cho ta có kinh-nghiệm rằng không có định-mệnh không thể có tự-do. Tôi chỉ có thể theo mục-đích mà tôi đã nhắm là nhờ ở việc tôi có biết những qui-luật điều-động sinh-hoạt bên trong của tôi. Người Việt Nam sống trong nền văn-hoá nông-nghiệp trọng tĩnh hiểu rõ hơn ai hết là con người chỉ sống được với thiên-nhiên bằng cách hoà-hợp với nó (Trông cho chân cứng đá mềm, Trời yên biển lặng mới êm tấm lòng). Ngược lại, không có tự-do, chúng ta không có một ý-niệm gì về định-mệnh cả, và do đó, ta dễ sống buông xuôi, ta sẽ không có ý-thức về bất cứ một vấn-đề gì. Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều (đúng ra phải nói là Đoạn-trường tân thanh) để giải vây cho con người trước sự thống-trị của định-mệnh. Nhà thơ kiệt-xuất của chúng ta chủ-trương ta chỉ thắng định-mệnh bằng cách hoà-hợp với nó, nghĩa là bằng cách dùng tự-do của ta trong vòng phối-hợp với định-mệnh. Hình như đó cũng là quan-điểm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong tác-phẩm Dòng sông định-mệnh thì phải?


* Đặc-tính hữu-cơ của thuyết bất-vô: Đây là hệ-luận của đặc-tính bổ-túc. Thật ra tất cả mọi tri-thức khoa-học, khoa-học tự-nhiên cũng như khoa-học xã-hội, đều có khả-năng bổ-sung cho nhau. Tư-duy đâu chỉ là một tấm thảm, một bức khảm hoạ hoành-tráng không cần đến cái gì khác ngoài nó? Như trong một cơ-thể, tung-hoành một tinh-thần nhất-trí cao-độ, đến nỗi chỉ thay đổi một bộ-phận là làm rung-rinh cả kiến-trúc sinh-lí. Vì vậy mà xuất-hiện môn học liên-ngành lần đầu tiên được tổ-chức tại Đại-học Huế năm 1960 về hệ Sinh-thái học, cũng như về đời Lý năm 1060, 1065, đã được thiết-lập môn Tam-giáo đồng-nguyên tại Quốc-tử giám, trường Đại-học đầu tiên của Việt Nam. Xin nói ngay rằng chính nhờ ở tinh-thần hoà-đồng tôn-giáo mà nước Việt Nam vào những thế-ki XII, XIII trở thành một quốc-gia mạnh nhất Đông Nam Á vì đã đánh thắng được giặc Mông-cổ hung-dữ nhất thế-giới.


- Tính hữu-cơ trong ngôn-ngữ văn-chương.
Cứ xét hình-thức và nội-dung của ngôn-ngữ văn-chương, ta đủ thấy rõ tính hữu-cơ (organique) của văn-hoá do thuyết bất-vô qui-định. Ta thấy ngay ý-nghĩa không lúc nào cũng đến với từ-ngữ một cách như tiền-định: ý-nghĩa này tuỳ-thuộc vào cách sử-dụng của người viết, nó thay-đổi dễ-dàng theo văn-mạch và chỉ cần thay đổi một từ là những từ-hạng còn lại của câu văn mang một sắc-thái khác ngay. Ví-dụ lấy trong Chinh-phụ-ngâm, bản dịch của Đoàn thị Điểm: Dòng nước sâu ngựa nản chân bon (Sđd, c.70). Bon nghĩa là gì? Một từ vô-nghĩa, bởi muốn có nghĩa là chạy nhanh và nhẹ-nhàng thì phải nói là bon-bon, không thể cắt đôi một từ kép mà bắt nó phải giữ nguyên-nghĩa. Do đó, và đối-chiếu với nguyên-bản Hán-văn có động-từ súc nghĩa là co rúm lại, ta phải phiên-âm chữ bon là blun, một từ cổ thế-kỉ XVII-XVIII mà Alexandre de Rhodes còn giữ được trong từ-điển của ông, với nghĩa là co rúm.


Từ blun sau chuyển thành tlun (cuối thế-kỉ XVIII), trun (thế-kỉ XIX), chun, xun, thun (dây thun) thế-kỉ XX. Vì không biết từ blun cổ này, các nhà phiên-âm, kể cả học-giả lão-thành Hoàng Xuân Hãn, đã làm sai lạc ý-nghĩa của câu thơ số 70. Cái sắc-thái co rúm lại vì sợ khác với ý “không dám bước mau” mà giáo-sư Hãn đã giải-thích đã làm cho ý của câu thơ yếu đi nếu không nói là khác hẳn. Cái sắc-thái bị biến-đổi này không phải chỉ đơn-thuần là một hệ-quả có thể tính-toán được trong trừu-tượng: ta chỉ thấy nó một khi câu văn được viết lại, tuồng như tổng-hợp là một cái gì tương-đối độc-lập đối với những thành-tố mà nó tụ-tập. Câu thơ được viết lại là: Dòng nước sâu, ngựa nản, chân blun (Chinh-phụ-ngâm, bản nôm của Đoàn thị Điểm do Lê Hữu Mục phiên-âm, Vietnamologica, IV, 1999) So với câu chữ Hán: “Thuỷ thâm-thâm, khiếp đắc mã đề súc”, câu thơ dịch đúng từng chữ: Thuỷ thâm-thâm = dòng nước sâu, khiếp = nản (nghĩa là sợ, chứ không có nghĩa là chán nản) chân blun: (mã) đề súc.



Trong phần chú-thích bản hán-văn của Đặng Trần Côn, giáo-sư Hoàng Xuân Hãn đã chữa lại câu phiên-âm của ông. Ông viết: “chữ súc đây, nghĩa là co, có lẽ hợp ý và cách đặt câu hơn… Với thoại súc , phải đổi…ra là: vó ngựa sợ phải co chùn” (Chinh-phụ ngâm bị khảo, Paris, 1952, tr.239) Nếu đã là co chùn thì không phiên-âm là bon được; phải phiên-âm là blun, vì vào tiền bán thế-kỉ XVIII, từ này còn thông-dụng với phụ-âm đầu /bl/. Tính hữu-cơ của thuyết bất-vô như vậy là rất rõ và rất cần-thiết để kiểm-soát tính chính-xác của những bản phiên-âm nôm.


- Ngôn-ngữ Việt Nam phong-phú là nhờ ở tính hữu-cơ.
Đầu tiên là nhờ một số rất nhiều từ láy. Hình-thức láy đơn-giản nhất là loại từ điệp nghĩa là tự nhắc lại nó như nao-nao, thanh-thanh, vặc-vặc, sát-sát; thứ đến loại điệp biến vế đầu, nhưng vẫn tôn-trọng luật thuận-thanh, tỉ-dụ vặc vặc → vằng-vặc, sát sát → san-sát; gọi là tôn-trọng luật thuận-thanh là vì vần cuối /K/ đi với /NG/, như vặc thì biến thành vằng, nếu viết vằn là sai luật thuận-thanh, vần cuối /T/ đi với /N/, cho nên sát-sát → san-sát, nếu viết sang-sát là sai luật thuận-thanh. Hệ-thống thuận-thanh rất chặt-chẽ. Ta có bảng thuận-thanh được đặt như sau cho dễ nhớ: Sắc không hỏi, Huyền ngã nặng (Ông Sắc mà không hỏi cô Huyền thì cô Huyền sẽ ốm nặng).


 Tỉ-dụ:
sắc không / không sắc: chứa-chan / mang-máng.
không hỏi / hỏi không: thon-thả / hở-hang.
sắc hỏi / hỏi sắc: sắc-sảo / ngổ-ngáo.
huyền ngã / ngã huyền: còm-cõi / sỗ-sàng.
ngã nặng / nặng ngã: nhã-nhặn / vật-vã.
huyền nặng / nặng huyền: vừa-vặn / nặng-nề.


Ta còn thiết-lập nhiều bảng khác tương-tự. Ta cũng có thể nghiên-cứu mọi hình-thức láy, như láy toàn bộ, láy bộ-phận, láy âm đầu, láy vần v.v… nhưng ở đây tôi chỉ cần nhấn mạnh đến tính hữu-cơ của ngôn-ngữ, chứng-thực rằng nhờ tính hữu-cơ này mà tiếng việt đã biến-đổi âm-ngữ, hình-thức, thanh-điệu một cách vô cùng phong-phú, đa-dạng mà ngoạn-mục, làm cho tiếng việt càng ngày càng giàu có để thích-ứng với mọi môi-trường ngôn-ngữ.


Ta cũng nên để ý đến tính song-tiết của tiếng Việt. Ngay từ buổi đầu lịch-sử, tiếng việt đã là một tiếng nói song-tiết, ngày nay ta vẫn còn dùng những từ như bồ-nông, bù nhìn, mồ hôi, mồ côi v.v…mà giáo sư Trần Ngọc Ninh đã dày công nghiên-cứu trong 3 tác-phẩm ngữ-pháp học của ông (X. Trần Ngọc Ninh, Cơ-cấu Việt-ngữ, I,II, III, Sài-gòn, 1972-1974). Các danh-xưng địa-lí còn mang nhiều dấu-tích song-tiết ấy, như: Cổ-lộng (thực ra là Klống → Trống, kẽm Trống), Cổ-loa (thực ra là klủ, Trủ → chủ), Từ-liêm (tức Tlèm → Trèm → Chèm). Trong Quốc-âm thi tập và Cả blả ơn áng ná cực nặng của Nguyễn Trãi, những từ song-tiết ấy còn được đọc tách rời, cho ta thấy sự gần-gũi của tiếng Việt và tiếng Mường, đặc-biệt là tiếng Rục, tỉ-dụ:
KULỐOK     → TRỐC (đầu)
PATỐI         → DỐI
KUHAL        → KHÁI (con cọp)
KHAHÓI      → KHÓI


Trong QATT, những từ trốc, dối còn giữ 2 chân trong câu thơ, làm cho câu 7 chữ rút lại chỉ còn 6 chữ, nhiều nhà nghiên-cứu (trong đó có Giáo-sư Hoàng Xuân Hãn) cho rằng lối thơ 7 chữ xen 6 chữ đó là một thể thơ mới của Việt Nam, thực ra nếu đọc các từ đó trong tiếng Việt-cổ song-tiết, (như trốc đọc là tờ-rốc, dối là děối) thì câu thơ trở lại hình-thức bình-thường. Tính song-tiết cổ dần dần mất đi theo với thời-gian, tiếng việt lại tự-tạo ra loại từ song-tiết mới do các hình-thức láy đã nói ở trên. Thành-ngữ, tục-ngữ tiếng Việt xuất-hiện tưng-bừng trong cấu trúc hai vế đối ứng như: ăn vóc / học hay; biết thì thưa thốt / không biết thì dựa cột mà nghe, vv…



Tính hữu-cơ của tiếng Việt đã tạo ra loại văn câu đối rất được dân-chúng yêu-chuộng vì tính nhịp-nhàng cân-xứng của nó. Từ những câu đơn-giản như lời nói (nước trong leo-lẻo cá đớp cá, Trời nắng chang-chang người trói người, Cao Bá Quát), đến những câu có ý-nghĩa sâu-xa (Thấy xe thiên-cổ xịch đưa ra, không thân-thích lẽ đâu mà khóc mướn, Tưởng sự bách niên dừng nghĩ laị, não can-tràng nên mới phải thương vay, Cao Bá Quát), văn câu đối đã phát-huy được hết tính hữu-cơ làm cho bất cứ nơi đâu, trong bất cứ cơ-hội nào, câu đối cũng được sử-dụng làm tăng thêm ý-nghĩa cho buổi lễ.
Văn xuôi kiểu hiện-đại không thịnh-hành ở Việt Nam vì nó thiếu tính hữu-cơ. Lối văn xuôi cổ cũng được sử-dụng đôi chút vì dù sao tính hữu-cơ của nó tuy ít nhưng vẫn có, nhưng một khi nó biểu-hiện được đôi chút hữu-cơ thì văn xuôi trở thành thông-dụng, tỉ-dụ đoạn văn ghi lại lời chửi của một người đàn bà trong tiểu-thuyết Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Đoạn văn này đã được nghệ-sĩ Hồng Vân đọc biểu-diễn trong một băng vi-đê-ô nổi tiếng như sau:
“Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi thì buông tha thả bỏ nó ra, không tôi chửi cho đớơi!
Chém cha đứa bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua bà cho nó ăn nó hãy còn, sáng hôm nay con bà gọi nó hãy còn, mà bây giờ nó bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày thì buông tha thả bỏ nó ra cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật lật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem.
Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ, mày bị quỉ sứ thần linh rút ruột ra. Ới cái thằng chết đâm cái con chết xỉa kia
.”


Xét theo hàng ngang, câu văn mô-phỏng cách đối-xứng của văn-chương bình-dân, lợi-dụng tính hữu-cơ của từ-ngữ để tạo nên một câu đối nhau thật nhịp-nhàng như: bên sau bên trước / bên ngược bên xuôi, hoặc, đứa ở gần mà qua / đứa ở xa mà lại, hoặc: nó dang tay mặt / nó đặt tay trái. Những câu này chỉ đọc thôi cũng đã thấy hay nhờ tính cân-xứng của các đậu, nhưng được đọc lên to tiếng thì tiết-tấu nhịp-nhàng kiểu nhạc hành-khúc sẽ lôi-cuốn người đọc một cách rất mạnh-mẽ. Xét về hàng dọc, bài chửi được chia ra làm 3 phần như một bài nhạc, đoạn 1 là phần giáo đầu, âm-thanh còn nhẹ nhẹ với những tiếng “tôi” hiền-lành, lời doạ “chửi” còn yếu-ớt. Sang phần 2, âm-thanh mạnh lên tối-đa, chữ tôi đã được thay thế bằng chữ bà cong-cớn và láo-xược!


Những từ “mày muốn sống”, “bà đào mả”, “mổ chồng mổ con” dồn-dập nối tiếp nhau bùng nổ ầm-ầm như sấm-sét. Phần 3 dần-dần thu nhỏ lại và bài chửi tạm chấm dứt. Nói tóm lại, đoạn văn này được nhiều người thích vì nó đáp-ứng tâm-lí của người Việt Nam, những người có tai âm-nhạc, thích âm-thanh biến-chuyển, thích tiết-điệu nhịp-nhàng, đi đôi với những lời ví-von đủ kiểu-thức dựng nên cả một quang-cảnh đầy âm-nhạc-tính. Cũng đoạn văn này mà đọc cho một người Pháp, Mỹ, Nhật nghe thì họ không thấy có gì là hứng-thú.


Tính hữu-cơ còn có công-dụng làm tăng-gia tính biểu-cảm của ngôn-từ Việt Nam. Một từ gốc được khẳng-định thêm về sắc-thái, về mùi vị, về hình-thức bằng một yếu-tố thêm ra hay cộng vào, làm cho từ gốc ấy rõ nghĩa hơn, tỉ-dụ: to, nhưng to cũng chưa đủ, phải tát, do đó có từ to-tát, nhẵn cũng chưa đủ, phải nhẵn-nhụi, bảnh cũng chưa đủ, phải bảnh-bao. Những phụ-tố thêm vào có khả-năng tăng thêm kích-thước cho từ, có khi còn tạo ra những sắc-thái mới rất gần-gũi nhau, rất tinh-tế. Tỉ-dụ, chung quanh từ lạnh, ta có lạnh-lùng, lạnh lẽo, lạnh tanh, lạnh ngắt, hoặc nói gộp để tăng-cường ý gốc: nguội tanh nguội ngắt. Cách đặt chữ ghép của người Nam tỏ rõ tính-tình thiết-thực của họ: tùm lum, rồi tùm-lum tà-la, hết trọi, hết trơn hết trọi. Các nhà thơ lớn đều nổi tiếng về cách dùng từ theo kĩ-thuật này:



Bà huyện Thanh Quan:    thấm-thoắt, cảnh đấy, người đây.
Nguyễn Công Trứ:           vay trả, trả vay, vẫy-vùng, ai nhục ai vinh, thảnh-thơi v.v…
Hồ Xuân Hương:             cỏ gà lún-phún, cá giếc le-te
Nguyễn Du:                    mày râu nhẵn-nhụi, áo quần bảnh-bao.

Có những từ biểu-hiện tính hữu-cơ một cách cụ-thể theo những thể-cách đều-đặn có tính qui-luật, tỉ-dụ xét về tác-dụng của từ-pháp, ta có: giảm nghĩa (hồng-hồng), tăng-nghĩa (bạc-bẽo), diễn-tả ấn-tượng (sờ rậm-rạp, mó lam-nham), hình-ảnh (chênh-vênh), âm-thanh (ầm-ầm, sầm-sập), khái-quát hoá (đau-đớn), cụ-thể hoá (thon-thả, nhỏ-nhắn), tổng-hợp hoá (hát-hỏng, múa may). Xét về phương-thức cấu-tạo các từ ghép, cấu-tạo song-song bằng cách dùng những từ gần-gũi (mắt mũi), từ cặp đôi (ăn mặc, xe cộ), từ đối (may rủi), hoặc cấu-tạo bằng cách ghép chính-phụ (nhà thơ, ăn cánh, chạy làng, áo dài).

Xét về mặt tu-từ ngữ-âm, ta còn thấy tính hữu-cơ của từ đưa đến nhiều trường-hợp thú-vị, ở đây chỉ nêu vắn-tắt vì đoạn này đã quá dài. Xét về những đặc-sắc của âm-tiết tiếng Việt, về âm đầu, ta có những âm cứng, tắc, không vang b, t, tr, c, ch, đ, th, kh gợi ra những cảm-giác mạnh-mẽ, rắn-rỏi: trúc-trắc, trục-trặc, điệp-điệp, trùng-trùng, đẫy-đà, khoẻ-khoắn, bấp-bênh, tục-tĩu, v.v… Hoặc những âm mềm, tỉ-dụ âm xát (x, s, v, d, r, g, l), âm mũi (m, n, ng, nh) gợi lên những ấn-tượng mềm-mại, êm-ái, nhẹ-nhàng: ríu-rít, run-rẩy, rung-rinh, lập-loè, long-lanh, xao-xác, xốn-xang, nũng-nịu, nâng-niu. Nguyên-âm cũng có tính hữu-cơ, và chia ra các nguyên-âm sáng: a, ă, oa (mở rộng): sảng-khoái, rộng-rãi, oang-oang, vang dội. Nguyên-âm tối: i, u, ư (hẹp): tối-tăm, âm-u, tức-tối. Nguyên-âm tròn: o, ô, gợi ra những hình-ảnh vòng tròn: tròn-trịa, đầy-đặn, căng-phồng. Nguyên-âm dẹt: e, ê như nói: le-te, sè-sè, bé-bỏng, hẹp-hòi, ủ-ê, đê-mê.


Thú-vị nhất là nói về tác-dụng tu-từ của âm-tiết. Ở đây, ta có thể trưng ra những trường-hợp có tính qui-luật:
• luật KW, gợi hình cong (quắm, quặm, quặp, quắp, queo, quéo, quanh-quẩn)
• luật x (ap) - x (ng), gợi cặp đôi mờ / tỏ (thấp-thoáng, lấp-loáng)
• luật x (ap) - x (o), gợi cặp đôi  có / không (thập-thò, lấp-ló, mập-mờ)
Hoặc có ý-nghĩa giảm thể-tích, hạ chiều cao: các vần óp, ép, ọp, ẹp (óp, tóp, lẹp xẹp, lúa lép)
Hoặc có ý-nghĩa che đậy kín mít: các vần it, et (khít, sít, bít, mù-mịt)
Hoặc chỉ ý-nghĩa cong, tròn: các vần ong, om (cong, cõng, khom, vòm)
Hoặc chỉ trạng thái lớn dần ra: các vần oe,oa (loe, xoè, xoã)
Hoặc chỉ trạng thái nhỏ dần đi: các vần eo, ui (eo, tẻo-teo, xìu).


Phải đi sâu vào tính hữu-cơ của tiếng Việt mới thấy tiếng Việt hay như thế nào, và phong-phú chừng nào. Trong cuốn Truyện Kiều và tuổi trẻ viết chung với bà Giáo-sư Phạm thị Nhung và Dược-sĩ Đặng Quốc Cơ do Làng văn xuất-bản năm 1998, tôi có giới thiệu một câu thơ hay của Nguyễn Du, đó là câu: Vó câu khấp-khểnh, bánh xe gập-ghềnh (TK, c.870), xây dựng theo luật x (ap) – x (ng). Xin đọc trong tác-phẩm của chúng tôi để thấy cái hay của tính hữu-cơ tiếng Việt.


Cuối cùng, muốn nói đầy đủ về tính hữu-cơ của từ tiếng Việt, phải chú-trọng đến tính biểu-ý, tỉ-dụ từ khôn. Nếu chỉ có khôn mà thôi, chưa đủ, vì khôn là khôn cho mình, cho gia-đình mình, cho cá-nhân, như vậy muốn khôn một cách đầy-đủ, phải ngoan nữa, vì ngoan là khôn cho người khác, là lập nhi lập nhân (xây- dựng cho người) như thầy Khổng vẫn dạy. Khôn-ngoan, đó mới là một từ đầy-đủ ý-nghĩa. Cô ấy đã khôn lại ngoan, đó là một lời khen chân thực. Khi người xưa dạy ta: Khôn-ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau, đó là một lời khuyên chí-lí, gồm đầy đủ những bổn-phận đối với cá-nhân và đối với xã-hội. Ngược lại, người khôn họ không đối đáp với người ngoài đâu, họ chỉ biết đi về đá gà nhà, bởi vì làm như thế là không thiệt gì cho họ cả. Tục-ngữ chê hạng người này là: Khôn nhà dại chợ.


Cuối cùng nữa, tính hữu-cơ tạo ra kĩ-thuật nói lái và thể thơ thuận-nghịch độc chỉ có tiếng Việt vì tính hữu-cơ của nó có thể tạo được.
TÍNH LỊCH SỬ CỦA THUYẾT BẤT VÔ
Từ bất-vô không trừ-khử ý tiến-hoá, bởi vì nếu thực-sự không tiến-hoá, tư-tưởng của Đạo Huệ đã chết từ thế-kỉ XII, khi mà các nho-sĩ trẻ xuất-thân từ Quốc-tử giám đã đủ uyên-bác và đủ số đông để tạo thành một giai-cấp, giai-cấp sĩ-phu. Năm 1304, đại-diện cho giai-cấp mới hình-thành, Mạc Đĩnh Chi đã long-trọng tuyên-bố sự nhập-cuộc của giai-cấp sĩ-phu vào sinh-hoạt xã-hội. Điạ-vị các thiền-sư lung-lay suốt những thế-kỉ XIV, XV, XVI nhường bước cho các nho-sĩ trẻ đi vào xã-hội, nhưng chính nhà nho Nguyễn Trãi đã tuyên-bố một câu xanh rờn: Phải tu-thân khác, mặc Thi, Thư (QÂTT), nghĩa là nhà thạc nho này đòi dẹp các sách thánh-hiền, kêu gọi một công-thức tu-thân không theo phương-pháp Nho-giáo.


Thái-độ phản nho của Nguyễn Trãi đã gây ra cái chết của bản thân ông, nhưng nhờ vào sự trợ-lực của môn-đệ, vua Lê Thánh-tông, nhờ vào các nhà nho có ý-thức, như Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhờ vào hành-động tích-cực của giới thiền-sư, ảnh-hưởng của Nguyễn Trãi đã phát-động được một phong-trào văn-hoá mạnh-mẽ vào đầu thế-kỉ XVII mà khẩu-hiệu là diệt lí, tôn tình. Tinh-thần bất-vô hồi sinh trong văn-học.


Đó là phong-trào văn-học nôm na trong đó thành-viên đòi hỏi mọi quyền sống, trong đó có quyền đoạn-tuyệt với quá-khứ và những uy-quyền vô-lí của nó. Cái tính bất-vô của phong-trào này nổi bật ở chỗ tuy đòi hỏi đoạn-tuyệt với quá-khứ nhưng khi khẳng-định những quyền làm người tự-do (quyền yêu và được yêu, quyền tự mình lựa chọn người yêu, quyền chống đối nhà vua khi nhà vua đã mất sứ-mệnh v.v…), các nhà văn trẻ thời ấy cũng phải dựa vào quá-khứ. Tuy vậy ảnh-hưởng của phong-trào vẫn lớn mạnh, dù phải cạnh tranh gay-gắt với ảnh-hưởng của văn-hoá tây phương, nhưng phong-trào vẫn tiếp tục nhiệm-vụ giáo-dục quảng-đại quần-chúng. Kết-quả mà chưa một quốc-gia nào trên thế-giới thực-hiện được là chính quốc-gia này lại bãi bỏ chính văn-tự của chính mình để chấp-nhận văn-tự của địch thủ:


\
Việt Nam đã xoá bỏ chữ nôm để chấp-nhận chữ quốc-ngữ. Có thể đó là một hành-động bất-đắc-dĩ mà người Việt phải thi hành trước áp-lực của thực dân pháp. Cũng có thể là tình cờ? Nói như vậy là không thấy ảnh-hưởng ghê-gớm của thuyết bất-vô. Vì tương-lai của đất nước, vì quyền-lợi của con em, dân Việt Nam sẵn-sàng đánh đổi bất cứ điều gì miễn là điều ấy được mọi người Việt Nam công-nhận và xác-định là thực-sự có ích-lợi cho công-cuộc tiến-hoá. Chính Nguyễn Trường Tộ là một trong những người có công sáng-lập và cải-thiện chữ quốc-ngữ, khi đề-nghị với triều-đình lựa chọn một văn-tự thích-hợp, ông đã đề-nghị một thứ chữ nôm mới chứ đâu dám đề-nghị chữ quốc-ngữ? Thế mà toàn-thể nhân-dân Việt Nam, vì quyền-lợi của mình trong tương-lai, đã thẳng thắn và mạnh bạo, muôn người như một, chính-thức chấp-nhận chữ quốc-ngữ, mặc dầu chữ ấy không phải của dân-tộc mình sáng-chế ra. Ta thấy phải thấm-nhuần thuyết bất-vô một cách sâu-xa mới dám có một quyết-định táo-bạo và đầy nghịch-lí như thế.




THUYẾT BẤT - VÔ VÀ THƠ LỤC - BÁT
Lục-bát là con đẻ của ca-dao. Ca-dao với cách diễn-tả cân-đối nhịp-nhàng của nó là con đẻ của tiếng việt giàu tính hữu-cơ. Tính hữu-cơ do thuyết bất-vô mà có. Thuyết bất-vô do nước mà hình-thành. Vì vậy, thơ lục-bát là con đẻ của văn-hoá nước. Xét lục-bát về cơ-cấu, ta thấy những điều đó rất rõ. Tỉ-dụ một câu lục-bát quen thuộc:
Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan.
1. Về cơ-cấu bằng trắc, ta có:
                                       – B – T – B
                                       – B – T – Bb  – Ba



- B là bằng như: làm, trai, cho, nên, nhưng có loại bằng nổi (nhà nho gọi là phù) và bằng chìm (nhà nho gọi là trầm). Nổi tức là không có dấu huyền, như: trai, cho, nên. Chìm là có dấu huyền: làm, đoài. Qui-luật là: chữ thứ 6 chìm (dấu huyền) thì chữ thứ 8 nổi, chữ thứ 6 nổi thì chữ thứ 8 chìm. Chính mấy cái chữ chìm với nổi, rồi nổi với chìm này nó giải-thích nguồn-gốc của thơ lục-bát. Nếu chìm là b, thì nổi là a, và do đó, ta có 2 hình-thức ở câu 8:
                           Bb – Ba: lên đoài đoài tan.
                           Ba – Bb: xuống đông đông bình.
 - T là trắc, như: đóng (dấu sắc), xuống (dấu sắc), tĩnh (dấu ngã)
                           trải (dấu hỏi), cuộc (dấu nặng)
Ta thấy, cứ  T ở giữa thì 2 bên B: – trai – đáng – trai (1)
               B ở giữa thì 2 bên T: Bước tới đèo Ngang bóng xế tà (2)
Hình (1) là chung cho tất cả mọi loại thơ. Hình (2) thơ lục-bát không có.

- Do đó, điểm đặc-biệt của thơ lục-bát nằm ở vế 2 câu 8:
               1          2          3          4          5          6          7          8
                           vế I                                           vế II
2. Về nhịp-điệu, ta thấy:
               - Câu 6 nhịp-điệu bình thường:    B T B.
               - Câu 8 nhịp-điệu chia ra làm 2: vế 1, nhịp-điệu bình thường, vế 2, bất bình thường. Nếu gọi bằng nổi là nốt sol, thì bằng chìm là nốt do, và ngược lại, tỉ-dụ:
- Đây là hai nốt dùng làm nguyên-mẫu, sự thực thì thiên hình vạn trạng kể ra không hết tất cả những phối-thể có thể thực-hiện. Sự giao-thoa giữa hai nguyên-mẫu ấy tạo ra những âm-sắc đa-dạng phong-phú.


- Bây giờ ta xét đến vế 2 của câu 8 về phương-diện tốc-độ. Đây là vùng đầy sóng gió. Nếu thơ Việt Nam có giá-trị là có giá-trị về nhịp-điệu, thì chính vùng sóng gió này là cơ-xưởng tạo ra mặt hàng nhịp-điệu. Tôi ghi lại đây mấy nhịp-điệu chính làm mẫu:


Sự giao-thoa giữa các âm nổi âm chìm là nguyên-nhân giá-trị của câu thơ lục-bát. Nguồn gốc của tác-động giao-thoa là thuyết bất-vô. Tổ tiên ta khi suy-nghĩ về sự di-động của nước đã nghe thấy những tiếng nặng tiếng nhẹ lần-lượt nối đuôi nhau xuất-hiện, những nhịp dài nhịp ngắn, những tiếng cao tiếng thấp đối-đãi nhau tạo nên những mô-hình nhịp-điệu liên quan với nhau một cách khi thì êm-đềm, khi thì uyển-chuyển nhưng lúc nào cũng bẻ-bai, cũng rủ-rỉ nhịp-nhàng. Riêng đối với thơ lục-bát, nhịp-điệu ấy bắt nguồn từ tương-phản giữa nốt bổng và nốt chìm của từ-ngữ tạo thành. Lấy tỉ-dụ mấy câu đầu của Truyện Kiều: khéo là ghét nhau (c.2) mà đau đớn lòng (c.4) v.v… Chữ là chìm xuống thì chữ nhau nổi lên, chữ đau nổi lên thì chữ lòng chìm xuống. Đó là sóng lượn. Đó là nước trôi man-mác biết là về đâu vì dẫn người đọc vào những thế-giới thần-tiên huyền-ảo của nghệ-thuật.

Quả thật, phải yêu nước và thuyết bất-vô mới sáng-chế ra được thể thơ lục-bát. Tiền-nhân ta đã để hàng 10 thế-kỷ đằng-đẳng mới định-hình được thể thơ này vào thế-kỷ XVII. Thế-kỷ XVIII ghi nhận sự biến-thể đầu tiên của lục-bát (song thất lục bát). Thế-kỷ XIX, lần biến-thể thứ 2 (hát nói). Hiện nay đang diễn ra nhiều hình-thức biến-thể rất đáng chú-ý từ phía các [thiếu hàng cuối trong bản photocopy trang 51]


Tính bất-vô trong các định-chế
• Đầu tiên,về gia đình. Theo định-chế làm chủ trong gia-đình là người cha. Vai trò của bà mẹ rất mờ-nhạt. Sự thực, chính người đàn bà mới là nhân-vật chủ chốt trong gia-đình. Khi muốn tìm vợ cho con, nhà trai không nhắm vào chức-vị của ông bố, mà nhìn vào bà mẹ = lấy con xem nạ (nạ là mẹ). Người ta quan-sát xem bà ấy có biết chiều chồng không. Họ quan-sát cái lưng ong, cái lưng chữ cụ của bà. Họ xem bà có nhiều con không,vì nhiều con là dấu-hiệu của tính hiền-lành, của sức khoẻ tốt: mua heo chọn nái, lấy gái chọn dòng – Người ta khuyên các cậu nghè, cậu cử khi lấy vợ phải chọn một cô gái có đông anh chị em: ăn mày nơi cả thể, làm rể nơi nhiều con. Các bà đông con nhiều cháu là những bà có tuổi thọ cao, tính tình phúc-hậu, vợ chồng bao giờ cũng song toàn. Các bà may-mắn thường được xã-hội yêu-quí và trọng-đãi. Như vậy, về phương-diện tổ-chức gia-đình, người chồng chiếm địa-vị số 1, bà vợ số 2, nhưng trong thực-tế, bà vợ thực sự đóng vai số 1, ông chồng thứ 2. Bà là nội-tướng, chẳng khác gì trong tổ-chức chính-trị chế-độ đại-nghị, tổng-thống chỉ đóng một vai trò tượng-trưng, thủ-tướng mới là người hoạt-động.


• Thứ hai, về chế-độ chính-trị:
Về đời Lý, vua là nhân-vật tối-cao của nước, nhưng đồng thời vua cũng là triết-gia, một người có tư-tưởng lớn, biết những vấn-đề khái-quát và trừu-tượng vượt ra khỏi phạm-trù chính-trị nhiều khi hạn-hẹp.
Về đời Trần xuất-hiện chế-độ thái-thượng-hoàng. Uy-quyền được tách đôi. Nhà vua cai-trị nhưng thái-thượng-hoàng quyết-định.
Về đời Lê, uy-quyền được chia đôi cho vua và chúa. Vua chỉ có tiếng là làm vua cai-trị thiên hạ nhưng uy-quyền của phủ chúa lấn át cả triều-đình. Có lẽ chính nhờ vậy mà vận-mệnh của triều Lê được kéo dài.



Đến đời Nguyễn, khi các chúa Nguyễn chỉ là chúa đối với vua Lê thì giang-sơn của nhà Nguyễn rất vững-mạnh và càng ngày càng được củng-cố, nhưng từ khi chúa Nguyễn Ánh trở thành vua Gia-long thì nhà Nguyễn đi từ thất-bại này đến thất-bại khác. Uy-quyền càng ngày càng suy-giảm. Sự lạc-hậu về tư-tưởng, về chính-trị, về ngoại-giao do chế-độ quân chủ khuôn theo triết-lý nho-giáo đã đưa đến sự sụp-đổ của chế-độ vào tay người Pháp.


Có nhà sử-học nói nhà Nguyễn mất nước là do lòng hiếu của vua Tự Đức. Không có con, ông tự kết-án là có tội với mẹ, do đó, ông đã làm như Lão Lai để đẹp lòng mẹ. Vì chữ hiếu đối với mẹ, ông đành để mất hết, trừ mấy thước đất ở quê mẹ ông ở Gò Công.
Nói tóm lại, thuyết bất-vô đòi hỏi mọi tổ-chức dù là gia-đình, xã-hội, chính-trị, tôn-giáo tất cả phải được đặt trên một liên-hệ hai chiều, đối-đãi nhau và bổ-sung cho nhau trong những kết-hợp rõ-ràng. Không có kết-hợp hai chiều, không có một cơ-cấu, một thể-chế, một tổ-chức nào đứng vững: “Quân-tử nhất ngôn là quân-tử dại, quân-tử nói đi nói lại là quân-tử khôn”.



Tính bất-vô và tam-giáo đồng-nguyên.
Văn-hoá Việt Nam xây-dựng trên nền-tảng của thuyết bất-vô đã kết-hợp mau-chóng với những tôn-giáo có mẫu-số chung là trọng tình trong hai chiều đối-đãi bình-đẳng.


ĐẠO TỪ BI
Chủ-trương từ-bi của đạo Bụt đã đến Việt Nam rất sớm bằng đường thuỷ và cả đường bộ. Từ Bụt là bằng-chứng của sự du-nhập sớm-sủa ấy, sau này đạo Phật mới lan sang Trung-quốc rồi tràn xuống nước ta dưới danh-xưng Phật với 3 tông-phái là Thiền-tông, Tịnh-độ tông và Mật-tông. Đến Việt Nam, đạo Bụt hoà tan vào các tín-ngưỡng địa-phương, do đó có thành-ngữ tiền Phật hậu Thần, có nhiều thiền-sư nổi tiếng giỏi pháp-thuật làm mây mưa sấm chớp. Đạo Phật kết-hợp chặt-chẽ với Nho-giáo, Lão-giáo và sau này Thiên Chúa-giáo và Công-giáo, từ một tôn-giáo xuất-thế trở thành nhập-thế, hoạt-động chính-trị, văn-hoá, xã-hội đắc-lực.


Đạo Phật đến Việt Nam thiên về nữ-tính, từ Quán Thế Âm Bồ-tát biến thành Phật Bà Quan Âm, Quan Âm Nam Hải. Lĩnh Nam chích quái khi kể chuyện Man-nương (nàng Man) cho biết rõ gốc tích của Phật-tổ Việt Nam và Phật mẫu. Ta còn có Phật bà Quan Âm Thị Kính, Phật-bà chùa Hương tức bà chúa Ba Diệu Thiện. Khuynh-hướng thiên về nữ-tính còn được thể-hiện trong việc đặt tên chùa theo tên các bà: chùa Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Đanh, Bà Đá. Với tư-cách ấy, đạo Phật đã công lớn kiến-tạo tinh-thần hoà-đồng các tôn-giáo, làm mềm tính hữu-vô cứng-cỏi của đạo Nho, làm cứng đạo vô-vi đôi khi quá mềm-yếu và tiêu-cực.

ĐẠO VÔ-VI.
Đạo vô-vi của Lão-tử phù-hợp với đời sống và tư-tưởng Việt Nam đến nỗi có học-giả đã khẳng-định gốc Việt Nam của ông tổ đạo vô-vi. Lão-tử cũng như Khổng-tử rất thích nước, nước cho ông những kinh-nghiệm quí-báu về khuynh-hướng trọng tĩnh, về tính nhường-nhịn không lấn-lướt tranh giành. Ông nói như một người Việt Nam: nước là một vật khéo làm lợi cho muôn vật mà không có tính tranh giành, ở chỗ thấp mọi người đều chê.


Ông khuyên mọi người bắt chước nước. Ở thì cần chỗ đất vừa phải, lòng cần phải rộng-rãi, đối với người thì cốt lấy điều nhân, lời nói cần tín-cẩn, làm việc cần tài-năng, hành-động cần hợp-thời. Bởi không cạnh-tranh cho nên không bao giờ lầm-lỗi. Nước còn là một bằng-chứng yếu thắng mạnh. Lão-tử nói: Trong thiên-hạ không gì mềm-yếu bằng nước, nhưng để công-phá cái cứng-rắn thì không có cái gì hơn được nó, không có gì thay-thế được nó. Yếu mà thắng mạnh, mềm mà thắng cứng, thiên hạ không ai không biết nhưng không ai làm được như nước. Từ đó, Lão-tử suy ra, vạn vật trong trời đất, cái gì mềm-mại cũng thắng được cái cứng-cỏi. Cong thì được toàn, thẳng thì phải gẫy…Kẻ kiễng chân lên thì không thể đứng vững, người muốn nhảy cho nhanh thì không bước được bước nào.



Kết-luận, Lão-tử chủ trương vô-vi. Ở Trung-quốc, vô-vi của Lão-tử có tính rất tiêu-cực, điển-hình là tư-tưởng và hành-động của 7 ông già trong Trác-lâm thất-hiền. Sang Việt Nam, đạo của Lão-tử trở thành tích-cực. Vô-vi cư điện-các, Xứ-xứ tức đao-binh (Vô-vi ngồi điện-các, Xứ-xứ dứt đao-binh), đó là lời khuyên vua Lê Đại-hành năm 981 của thiền-sư Pháp Thuận (914-990). Đạo Lão hoạt-động tích-cực cho đến năm 1663, Trịnh Tạc đã ra lệnh cho tiến-sĩ Phạm Công Trứ thảo Lê-triều tứ thập thất điều (47 điều về văn-hoá của triều Lê) trong đó điều-khoản số 35 kết án tư-tưởng và tác-phẩm của giới Đạo-học là mê-tín dị-đoan và có hại cho phong-tục.

ĐẠO NHÂN.
Đạo Nho đã được truyền vào Việt Nam từ thời Bắc-thuộc. Công của Sĩ Nhiếp và những nhà cai-trị tốt của Trung-hoa là đã thẳng-thắn truyền-bá đạo Nho như là một món ăn tinh-thần cần-thiết cho tuổi trẻ Việt Nam. Nhờ thái-độ cởi mở của giới Phật-giáo, của các vua thiền-sư và của chính các thiền-sư tên tuổi, đạo Nho phát-triển rực-rỡ. Đại-học dạy Nho-giáo được xây cất (Quốc-tử giám năm 1070). Thi-cử kiểu Trung-quốc được tổ-chức từ năm 1075 để tuyển-chọn nhân-tài. Năm 1304, Mạc Đĩnh Chi tuyên-bố nho-sĩ nhập-cuộc, đánh đổ văn-học thiền-tông sáng-lập ra phong-trào văn-học nho-điển. Vì cuộc chống đối của Nguyễn Trãi, tính bao-dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nho-giáo tuy được phổ-biến ở Việt Nam nhưng với chiêu-bài Tống-nho, học-thuyết của Khổng-tử không có chỗ đứng trong quần-chúng. Nó chỉ tạo được một ảnh-hưởng rất mong-manh trong giới quan-lại. Trong tất cả những tư-tưởng lớn của Nho-giáo về nhân-sinh vũ-trụ, chỉ có đạo nhân và đạo trung-dung là lặn vào được trong lòng xã-hội Việt Nam. Trong hoàn-cảnh này, nó đồng-nghĩa với những quan-niệm đạo-đức của Phật, Lão và Thiên Chúa giáo.

ĐẠO BÁC ÁI.
Đây là chủ-trương của Thiên Chúa giáo. Nó đồng-nghĩa với từ-bi, với nhân-ái; xuất-phát từ các bờ biển, bờ sông, đạo Thiên Chúa dễ đi vào hoà-nhập với những tôn-giáo đã có trước ở Việt Nam từ lâu đời. Tính cách duy-lí của phương Tây đã làm chậm sự phát-triển của đạo này ở Việt Nam, nhất là có một số đụng chạm đến phong-tục đã xẩy ra gây thành những hiểu lầm tai-hại. Cũng may nhờ có tinh thần bác-ái mà những điểm tương-đồng với lòng từ-bi nhân ái càng ngày càng hiện ra rõ-rệt, đạo Thiên Chúa dần dần tạo được một chỗ đứng khả-quan trong lòng dân-tộc. Được như vậy là nhờ công của các học-giả tiền-phong: Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, các viện-sĩ Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Lập, các học-giả Nguyễn Văn Thích, Trần Hữu Thanh, Nguyễn Gia Tường, những tiến-sĩ triết-học Lương Kim Định, Trần Văn Toàn, Trần Văn Đoàn, Vũ Đình Trác, Nguyễn Đăng Trúc, Đức-ông Trần Văn Hoài, Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Các thi-sĩ như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, các nhạc-sĩ như Hùng Lân. Đạo bác-ái dễ bắt tay với đạo tình của Việt Nam đã đành, học-thuyết Thiên Chúa giáo có nhiều điểm tương-đồng với thuyết bất-vô, không nhất nguyên cũng không nhị nguyên, tính bất-hợp bất phân-li được chứng-thực giữa con người thấp hèn và Thiên Chúa cao cả.
 ....................................................................

 Nguồn:dunglac.org
                         Lê Hữu Mục và âm nhạc
                                                   - Việt Bằng -

Bài viết này ký dưới tên Việt Bằng vì gồm hai người mà GS Nhạc sĩ Lê Hữu Mục đã biết: Việt Hải và Nhạc sĩ Anh Bằng; ghi nhận và gửi về nhạc sĩ Lê Hữu Mục. Nhạc sĩ Anh Bằng sinh cùng năm 1925 tại thị trấn Điền Hộ thuộc tỉnh Thanh Hóa, giáp ranh giới tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 100 cây số về phía Nam. Cả hai ông có cùng sở thích về đàn ca, và năng khiếu sáng tác âm nhạc. Sau đây là phần nhạc sĩ Anh Bằng viết về nhạc sĩ Lê Hữu Mục.

“Tôi gặp Việt Hải ở nhà hàng Phở Bleu, Việt Hải kể cho tôi nghe về dự án sách Lê Hữu Mục, tôi rất vui và hân hạnh viết về giáo sư, nhà văn và nhạc sĩ Lê Hữu Mục. Nhạc sĩ Lê Hữu Mục quê ở làng Lưu Phương, Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình, cách nơi tôi ở độ 6 cây số, thời còn nhỏ tôi thường sang Phát Diệm chơi, bạn bè tôi ở đó, theo tuổi thật thì tôi và anh Mục cùng tuổi, sinh năm 1925, Ất Sửu. Nhưng thời gian ấy tôi không có duyên gặp anh ấy, hôm gặp nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi, em út của nhạc sĩ Lê Hữu Mục kể lại tôi mới biết gia đình anh đã ở Phát Diệm, vùng đất quen thuộc trong ký ức tôi. Tôi được kể là anh Mục đến Huế dạy học vào năm 1952. Năm sau đó anh rời khỏi Huế, và tình Huế lưu luyến khi chia tay bạn bè hỏi anh khi nào trở về Huế, từ đó anh cảm tác ra bài ca "Hẹn Một Ngày Về". Lời nhạc ca tụng nét đẹp thiên nhiên của Huế như mùa hương hẹn đến khi về, lòng xanh còn in trời Huế:

"Về đây trong hoa lá, hỡi cánh chim giang hồ
Về đây trong hương sắc,thắm tươi, say mơ
Huế lờ lững dòng Hương, năm tháng còn vương lời ai mong chờ
Huế trong tiếng dịu êm, cô lái bên sông, còn vang lời thơ
Tình xưa không vỡ bao giờ
Mùa xưa còn thơm ngàn gió
Chiều hè về trong sương khói mong manh
Chờ người về trong hương thu trong xanh

Về đây trong hoa lá ,hỡi cánh chim giang hồ
Về đây trong hương sắc, thắm tươi say mơ
Huế lò lững dòng Hương, năm tháng còn vương lời ai mong chờ
Huế trong tiếng dịu êm, cô lái bên sông,còn vang lời thơ
Mùa hưong hẹn đến khi về
Lòng xanh còn in trời Huế
Trầm trầm thuyền đem thuơng nhớ qua sông
Chập chùng trời mây bay trong mênh mông."


Cố đô Huế không có sự ồn ào náo nhiệt của những đô thị kỹ nghệ, nên vẻ đẹp thanh lịch và êm đềm của thành phố Huế, không chỉ thu hút những người sinh trưởng ở Huế, mà còn làm cho du khách viễn phương khi ghé qua rồi khi ra đi đem theo nỗi niềm nhớ thương khung cảnh trầm mặc của thiên nhiên, nét cổ kính của những di tích xưa, chính vì tình quyến luyến ấy với Huế, tôi hiểu dược nội dung của bài ca này của nhạc sĩ Lê Hữu Mục:

"Từ đây xa sông bến, Thuyền lướt theo trăng ngà
Trời đầy sương lạnh lẽo, có ai bơ vơ
Gỡ tay vướng mà đi, sông nước biệt ly, nguời xa kinh kỳ
Giữa sương gió ngàn khơi,
Đăm đắm trông ai, cầu mong ngày vui."


Trong bài "Câu Chuyện Âm Nhạc" của tác giả Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh kể về những nghệ sĩ xuất thân từ đất Phát Diệm, có các thành viên nghệ sĩ có ba anh em của nhạc sĩ Lê Hữu Mục được đề cập trong bài viết:

"Vào thời xa xưa đó, ngoài một số rất ít người nổi tiếng như Nguyễn Khắc Cung, Duy Linh, Chung Quân v.v. Phát diệm còn có một số thuộc loại tài tử như ba anh em Lê Văn Giáp (accordéon), Lê Như Khôi (clarinette), Lê Hữu Mục (Saxo), Nguyễn Gia Huân (violon), Quang (Saxo), v.v. Về phương diện chơi nhạc, Phát Diệm có một nhân vật khá đặc biệt tôi tưởng cũng nên nói tới ở đây cho vui. Đó là anh Trần Văn Mẫn, bào huynh của linh-mục học giả chữ nôm Trần Văn Kiệm. Anh Mẫn thực ra chẳng chuyên một thứ đàn gì, nhưng về các loại đàn giây hầu như cái gì anh cũng thử “cò ke, kéo co” chút ít cho vui.


Năm đó (1949), tôi, Đoàn Văn Cầu (tức cựu NS Cừu) và Đỗ Thế Phiệt nổi hứng cùng nhau tổ chức một cuộc trình diễn nhạc cổ-điển tại Phát Diệm, có thể nói là độc nhất vô nhị trong suốt mấy năm kháng chiến tại miền Bắc. Hưởng ứng tới tham dự với chúng tôi có Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Anh Thường (dương cầm), Lương Ngọc Châu, Nguyễn Văn Hướng (vĩ cầm), Nguyễn Quý Lãm (trung vĩ-cầm), Đỗ Anh Tuấn, Đỗ Đình Toại (flute), Đỗ Đình Thiều (clarinet), Nguyễn Văn Quỳ, Đỗ Thiếu Liệt (guitare) v.v.


Chương-trình gồm có các bản hoà tấu như Marche militaire (Schubert), Marche Turque (tức Le Calife de Bagdad của Boeldieu), Le beau Danube bleu (J. Strauss), Les flots du Danube (Ivanovici) v.v. độc tấu hay đơn ca như Romance en Fa của Beethoven (Đỗ Anh Tuấn, độc tấu flute), Romance et boléro (Đỗ Thế Phiệt, độc-tấu vĩ cầm), Invitation à la danse (Nguyễn Văn Hiếu, độc tấu dương cầm), Sérénade, Come back to Sorento (lời Việt do Đoàn Minh đơn ca)..."

Tôi cũng dược biết anh sáng tác nhạc năm lên 13 tuổi với bài ca “Chèo đi bơi đi”, nhịp điệu valse được viết ra vào năm 1938. Anh sống với âm nhạc, vui thú với âm nhạc, tôi chia sẻ tâm tình với anh, cầu chúc anh mọi sự an lành nhất. Anh Bằng.”


Nhạc sĩ Lê Hữu Mục

Như nhạc sĩ Anh Bằng đề cập, nhạc sĩ Lê Hữu Mục bắt dầu sáng tác rất sớm (Chèo Đi, Bơi Đi, nhạc và lời, 1938), và đất thần kinh Huế cho ông nhiều kỷ niệm trong đời (Hẹn Một Ngày Về, nhạc và lời, 1953).

Xét theo thời gian dạy học tại Huế, GS Mục dạy tại trung học Quốc Học, Huế (1952-1957), làm giảng viên tại Đại Học Huế, Văn Chương Việt Nam, phân khoa Sư Phạm (1957-1963), giảng viên Đại Học Huế, Viện Nghiên Cứu Nôm Học, cùng là giảng viên, Đại Học Huế, Văn Khoa (1958-1963).
Khoảng thời gian 11 năm sống tại Huế, viết về Huế, sáng tác nhạc về Huế, "Hẹn Một Ngày Về" là một kỷ niệm đẹp với ông.

Ngoài ra, nhạc sĩ Lê Hữu Mục là tác giả các bài hát cho thiếu nhi như Lý Con Chuột, Lý Con Mèo, Con Voi (có cái vòi đi trước, 2 chân trước đi trước,...), những tình ca như bài: Yêu Em, Hãy Nghiêng Toc Xuống Vai Ta, Thơ Nguyệt Viên, Có Phải Chỗ Này, Tiếng Hát Người Cố Hương, For your Birthday (lời Anh văn), L'amour ne passera pas (lời Pháp),..., nhạc quê hương như: Hẹn Một Ngày Về, Montreal, Mon Amour,... Khi sang Montreal định cư, thiên nhiên và thành phố quá đẹp khiến ông cảm tác bài hát ca tụng thành phố Montreal như người tình yêu dấu,...

Về tình bạn giữa GS Mục với các nhạc sĩ rất thân với ông từ những ngày sinh hoạt hướng đạo, phải kể là nhạc sĩ Hùng Lân, tác giả các bài Khỏe Vì Nước, Việt Nam Minh Châu Trời Đông, Hè về, Đêm Thánh Vô Cùng, Cô Gái Việt, Sầu Lữ Thứ, Hận Trương Chi, Vườn Xuân, Trăng Lên, Rạng Đông, Tiếng Gọi Lên Đường, Mùa Hợp Tấu,..., ông đã từng là trưởng ban Phát thanh Nha Tổng Giám đốc Thanh niên và Thể thao Sài Gòn. Từ năm 1957, ông là giáo sư nổi tiếng của Trường Quốc gia Âm nhạc Kịch nghệ Sài Gòn. Ông đã ghi tên học và tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương Pháp tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1963. Năm 1965, ông được bổ nhiệm chức Chủ sự Phòng Phát thanh Học đường, Trung tâm Học liệu, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn. Sau khi tu nghiệp tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và truyền thông, từ năm 1971 đến năm 1975 nhạc sĩ Hùng Lân trở lại việc dạy nhạc tại Âm nhạc viện Đà Lạt.



Và người bạn thân khác của GS Mục là nhạc sĩ Lê Thương, người đã cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em, phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng. Và cùng Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương được xem như những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi với những bản Tuổi Thơ, Nhớ Thầy Xưa, Cô Bán Bánh, Con Mèo Trèo Cây Cau, Thằng Bé Tí Hon, Ông Nhang Bà Nhang, Ông Ninh Ông Nang, Truyền Kỳ Việt Sử, Học Sinh Hành Khúc..., rồi Tiếng Thu, Tiếng Đàn Đêm Khuya, Lời Kỹ Nữ, Nàng Hà Tiên, Hòn Vọng Phu,,... Nổi tiếng hơn cả là bài Thằng Cuội thường được trẻ em hát trong mỗi dịp tết Trung Thu, mặc dù nhiều người không biết đó là một ca khúc của nhạc sĩ Lê Thương.

Cả ba nhạc sĩ Hùng Lân, Lê Thương và Lê Hữu Mục thân nhau trong tình nghệ thuật sáng tác âm nhạc và đều tích cực trong đoàn thể hướng đạo, nên nhạc sĩ Lê Hữu Mục cho biết nhạc sĩ Hùng Lân muốn dùng khả năng âm nhạc của mình để khuyên thanh niên sống khỏe mạnh để phục vụ quốc gia quốc gia, ông từ chối sáng tác loại nhạc lãng mạn, ẻo lã yêu đương, dù khả năng âm nhạc của ông hơn nhiều tác giả đồng thời điểm.

Tôi nhớ khi nhạc sĩ Nguyễn Hiền qua đời, tôi có xin chị Hồng Vũ Lan Nhi một đoạn văn kỷ niệm để cho vào bài viết tưởng niệm chung mà tôi viết tổng hợp cảm nghĩ của nhiều văn nghệ sĩ về vị nhạc sĩ lão thành đáng kính này khi hay tin ông ra đi. Bài viết của chị Hồng Vũ Lan Nhi có đoạn kể về mẫu đối thoại giữa hai người có liên quan đến anh em chị khi còn ở miền Bắc trước năm 1954 như sau:

"Anh Nguyễn Hiền tuy là vai trên, nhưng trong cách nói năng, giao tiếp, anh lúc nào cũng nhã nhặn và lịch sự với người đối diện. Anh hứa sẽ đến thăm tôi và nói chuyện nhiều về những ngày ở Hà Nội...

Ngày hai anh em gặp nhau, trong không khí ấm cúng, và tôi để nhạc nhẹ nhẹ cho thêm phần thơ mộng. Anh Hiền với giọng nói nhẹ nhàng, chậm rãi, anh kể cho tôi nghe lý do nào anh đã quen với gia đình tôi:

NS Nguyễn Hiền: Vào thời 1945, khi Việt Minh hô hào kháng chiến chống Pháp, tất cả những thanh niên yêu nước đều ủng hộ bằng cách tham gia phong trào. Về sau, mặt nạ rớt xuống, một số đã từ bỏ, còn một số vẫn trung thành với đường lối mà họ đã theo. Năm 1946, gia đình tôi chạy về Phát Diệm, thời đó có Đức Cha Lê Hữu Từ là người tích cực chống đường lối dã man, tàn bạo của ông Hồ Chí Minh,…
Tôi còn nhớ, ở Phát Diệm, mỗi chiều thứ Bảy, gia đình cô gồm các anh Lê Ngọc Huỳnh (violon), Lê Huy Giáp (accordéon), Lê Như Khôi (saxo-tenor), Lê Hữu Mục (saxo-alto, và guitar), Lê Ngọc Linh (trompette, và trống), dựng sân khấu ngoài trời đánh những bản nhạc vui của ngoại quốc và Việt Nam cho dân chúng Phát Diệm thưởng thức.

Do duyên văn nghệ, tôi đã quen với các anh của cô. Phát Diệm nổi tiếng với nhà thờ chính và mấy nhà thờ nhỏ xây bằng đá, vì tất cả nhà thờ hoàn toàn bằng đá, từ nền móng tới cột kèo… do cha sáu dựng nên từ thế kỷ XIX. Năm 1947, khi hồi cư về Hà Nội, ban nhạc gia đình cô còn tiếp tục đánh đàn ở dancing một thời gian, cho đến khi mọi người hồi cư về Hà Nội khá đông, thì anh Khoa đi làm, anh Mục tiếp tục học cử nhân và anh Huỳnh vừa là giáo sư trường Bưởi sau đổi thành tên trường Chu Văn An, vừa học thêm cử nhân… Thời đó, tôi cũng theo học trường Bưởi, và đánh đàn cho một dancing nổi tiếng khác, nhưng tôi hoàn toàn đi vào nền âm nhạc, còn gia đình cô, âm nhạc chỉ là nghề tay trái…

(Hồng Vũ Lan Nhi) Tôi thú thực với anh, nhờ có anh, tôi được biết về các hoạt động của các anh ruột của tôi ngày xưa. Tôi hỏi anh, anh có nghe bài Chiều Cô Đơn của anh Linh vào năm 1952, và Hẹn Một Ngày Về của anh Mục vào năm 1953 không. Anh cho biết, trời thương đã cho anh một trí nhớ tuyệt vời, chỉ cần đọc hay nghe một lần, anh có thể nhớ kỹ bài nhạc hay bài văn đó…

NS NH: Tôi còn nhớ anh Huỳnh có mấy bài nhạc anh không đem phổ biến, ký với tên Nam Huân.

HVLN: Em có nghe kể lại, nhưng gia đình em đã không giữ được những bài ấy, em chỉ nhớ vài câu của mỗi bài mà thôi.Thật tiếc!

... Không gì hạnh phúc bằng, được ngồi lắng nghe, một người không thuộc trong gia đình, kể cho nghe về gia đình của mình. Tôi đã được hưởng cái hạnh phúc đó. Cám ơn anh Hiền nhiều lắm."



  
                                Buổi họp đón tiếp GS Mục sang Nam Cali

Hôm anh chị em của chị Hồng Vũ Lan Nhi đón tiếp GS Mục sang Nam Cali năm 2007, một buổi họp bàn bè thật đông đảo, tôi chứng kiến tài nghệ và lòng đam mê âm nhạc của ông. GS Mục hỏi tôi muốn nghe ông đàn dương cầm bài nhạc nào, tôi bảo tôi mê nhạc cổ điển, tôi viết ra 5 bài như lời yêu cầu: Serenade (Dạ Khúc, của Franz Schubert), Le Beau Danube Bleu (Dòng Sông Xanh, Johann Strauss Jr.), Les Flots Du Danube (Sóng Nước Biếc, Joseph Ivanovici), Reverie (Mơ Mộng, Robert Schumann), và Torna A Surriento hay Back To Sorriento (Trở Về Mái Nhà Xưa, Ernesto de Curtis). GS Mục biểu diễn say mê, tôi và nhà văn Dương Viết Điền nghe mê say, thích thú lắm.


Sau khi xong 5 bài nhạc yêu cầu, GS Mục hay thầy Mục (danh xưng tôi thích dùng) bắt đầu đàn những bài khác như Plaisir d'amour (Tình Hạnh Phúc, Jean Paul Martini), Célèbre Valse (Mối Tình Xa Xưa, Johannes Brahms) và Serenata (Chiều Tà, Enrico Toselli), các bài khác như La Vie en Rose, Les Feuilles Mortes,... Thầy Mục thuộc quá nhiều bài. Thầy nói khi buồn thầy tìm vui qua tiếng đàn để giải khuây cho hồn thanh thản, thư thái. Có những lúc chúng ta cần để hồn im lặng lắng đọng lại, trong âm nhạc cũng vậy, khi tiếng đàn được người nhạc sĩ cho dừng lại trong tĩnh lặng cố ý sẽ làm cho tâm hồn người nghe chú ý hơn, bâng khuâng hơn.


                  
                        Nhạc sĩ Lê Hữu Mục say sưa dạo bài Dạ Khúc, Schubert
Lời cuối:

Vị giáo sư với học vị tiến sĩ, với kiến thức uyên thâm về Hán Nôm, Triết học chịu dựng những cảnh trớ trêu của lịch sử. Sau năm 75, thầy Lê Hữu Mục vạn bất đắc dĩ ngồi lề đường bán sách cũ để mưu sinh. Rồi những chuyến vượt biên bất thành, tình thần chống CS triệt để khiến thầy phải liều lĩnh nuôi ý định vượt biên bằng đường biển. Những ngày mang ý định bỏ phiếu cho chế độ CS bằng chân, điểm vượt biên xuất phát từ Vũng Tầu, chẳng may bị bại lộ, thầy bị công an bắt giam trong trại "cải tạo" Bầu Lâm.

Những chặng đường buồn bã đó thầy đã chia sẻ vận xui với mọi người trong xã hội miền Nam, nhất là các học trò của thầy đã kẹt lại. Khi chiều hoàng hôn của tuổi già đến, của bệnh tật buông xuống đời thầy, thầy sống với cái thực tế của những hoàn cảnh mới. Mà yếu tố sách vở và âm nhạc giúp thầy nhiều lắm; bạn bè, học trò biếu thầy sách vở, thầy rất vui mừng đón nhận. Xung quanh cái giang sơn thu hẹp của thầy tại viện người già, thầy có những kệ sách chứa những quyển sách mà thầy yêu thích lưu trữ. Khi xưa thầy tâm sự một ngày không đọc sách, là cảm thấy mình ngu đi.






Đó là chuyện sách vở, còn chuyện âm nhạc thì sao ? Ngày nay cư trú trong viện dưỡng lão dốc đường Saint-Luc, thầy Mục vẫn là một nhạc sĩ tìch cực với hoàn cảnh giới hạn, dùng khả năng âm nhạc của mình để giúp vui cho những bạn bè trong viện, những người bạn đồng cảnh ngộ của buổi xế chiều, thầy Mục chứng tỏ một điều ở bất cứ trường hợp nào, thầy vẫn vui vẽ sống thích nghi và sống hòa đồng. Chính vì thế mọi người quý trọng và thương mến thầy.

Với những dòng viết trên, chúng tôi, Việt Hải và Anh Bằng, hay Việt Bằng xin kết thúc bài viết về GS, Nhà văn và Nhạc sĩ Lê Hữu Mục, một tài năng về văn học và âm nhạc, người đã đào tạo nhiều nhân tài cho xứ sở, bao sinh viên sư phạm, bao cử nhân cho xã hội tự do miền Nam, hay đúng hơn là trong nền giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa. Với những tất cả lòng quý trọng, chúng tôi kính chúc ông luôn được sức khỏe dồi dào, và được an bình.
Việt Bằng, mùa Thu 2010.


                                 Lê Hữu Mục - Tứ Văn
                                           - Đường Sơn -

Sau khi đọc các bài thuyết trình của Giáo Sư Lê Hữu Mục về bốn đề tài Văn Chương, Văn Minh, Văn Hiến và Văn Vật mà tôi xin mạn phép gọi chung là Tứ Văn, tôi chỉ xin ghi cảm nghĩ của mình cùng với sự hiểu biết về khía cạnh khoa học. Khi Albert Einstein trình bày thuyết tương đối của mình trước cả trăm khoa học gia trên thế giới vào năm 1905 thì chưa tới hai mươi người "có thể" hiểu ông ta nói gì; rồi nó tưởng như bị quên lãng như một cái gì trừu tượng giống như khoa học giả tưởng; mãi cho đến năm 1920, sau khi có những nghiên cứu về lượng tử, phóng xạ liên tiếp thành công của các nhà khoa học khác như Max Planc, Neils Bohr … chẳng hạn thì người ta mới nhận ra sự ứng dụng của thuyết tương đối đặt trên căn bản vận tốc ánh sáng với một công thức lịch sử. E= (1/2) mc2 như một cách mạng khoa học và đã nhanh chóng bổ túc cho thuyết cơ khí (dựa trên động cơ học của Newton). Năm sau, 1921, thì Albert Einstein được giải Nobel về Vật Lý.

Sở dĩ tôi nhập đề với các cuộc cách mạng về khoa học vì bài nói chuyện của Giáo Sư quan tâm đến "VĂN HOÁ VIỆT NAM VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA NÓ ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ VIỆT NAM SỐNG TRÊN ĐẤT NƯỚC MỸ" cũng như một phương trình phản ứng, phải có điều kiện "ắt có" và "đủ" nào đó mới có thể vượt qua vấn đề nầy. Hai chữ "Thách Đố" gợi cho chúng ta ba điều 1. Vấn Đề, 2. Thời Gian và 3. Yếu Tố thuận lợi để có một giải pháp tương đối có thể ứng dụng chung cho các giới trẻ Việt sống ở các nước Tây Phương noi theo mà bảo tồn văn hoá của ông, cha chúng ta đã có từ lâu chăng! Văn hóa Việt Nam ở hải ngoại còn khó khăn hơn vì song song với nó còn chịu ảnh hưởng nặng nề với các văn hóa nước chủ nhà, chưa kể những tiểu bang cận kề các nước không nói tiếng Anh. Thời gian cũng là yếu tố để kiểm chứng chúng ta đã và đang làm được những gì. Hình như chúng ta vẫn chưa có chưa có giải pháp hay ít nhất phác họa một chương trình nào ngoài việc cha mẹ khuyến khích con cái học tiếng Việt.


Chúng ta cũng nên hoạch định ngay từ bây giờ vì còn có số đông những nhà văn hoá nhân bản tư do vẫn còn hoạt động. Trong phần mở đầu đề cập văn hoá Việt Nam ông ghi: "Thính giả của tôi là các bạn trẻ, tuổi từ 20 đến 45. Nguyễn Công Trứ hồi xưa thì giới-hạn tuổi trẻ vào khoảng từ 15 đến 50 tuổi. Tôi cho rằng 15 tuổi thì nhỏ quá, ít người đã biết suy-nghĩ về những vấn-đề có tính-cách trừu-tượng như vấn-đề văn-hoá. Tuổi 50 thì lại bắt đầu đi vào tuổi già, liệu có còn hào-hứng để nghe những chuyện có tính-cách triết-lý không?"

Ngày nay khoa học tiến bộ cho nên định nghĩa "tam thập chi lập, ngũ thập chi sư" hay theo truyền thống của Việt Nam ta định giới hạn chữ thọ là sáu mươi đã dần dần được thay thế. Trong quá khứ những tổ tiên của ta trừ huyền thoại Hùng Vương thì ít ai sống qua tuổi nầy; Nguyễn Công Trứ có ghi:" Thất thập cổ lai hy." Nhưng qua hậu bán thế kỷ hai mươi, với điều kiện xã hội, y tế cũng khoa học phát triển không ngừng thì tuổi thọ trung bình được gia tăng đáng kể; tại Úc, dù cho theo luật tuổi về hưu của đàn ông là 65, đàn bà 60, nhưng vì sĩ số người già ngày càng tăng nên chánh phủ có chương trình nâng tuổi hưu trí lên. Nhìn lại thì các vị cố vấn, giáo sư trong Văn Đàn Đồng Tâm vẫn còn hoạt động đóng góp cho nền văn hóa tự do nhân bản, vị nào cũng trên bảy mươi cả; do đó, ở hải ngoại tôi nghĩ không giới hạn về lứa tuổi để hiểu biết về văn hoá.

Dù ở tuổi nào cũng nên nghiên cứu, đóng góp kinh nghiệm về văn hoá là vấn đề mà chúng ta phải làm, nhất là các nước có người Việt tự do sinh sống để bổ túc cho văn hoá đã bị khiếm khuyết từ năm 1975, phát huy truyền thống ấy đến giới trẻ. Tôi xin đưa thí dụ rằng nếu chúng ta đối chiếu hai bản lịch sử Việt Nam cận đại bằng Anh ngữ từ khi chế độ phong kiến cáo chung thì rõ ràng bản lịch sử của cộng sản trong nước lập lờ, sai trái, khó có thể dùng bổ túc trong chương trình Việt Ngữ để giảng dạy cho các em học sinh ở hải ngoại, nhưng các học sinh thì sử dụng Anh ngữ thuần thục hơn cho nên đôi lúc chúng bị lẫn lộn; thí dụ như Sino-Vietnam, chúng không hiểu là Việt Nam bị chia cắt làm đôi vào ngày 20 tháng Bảy 1954.


Những bài Tứ Văn của Lê Hữu Mục đã gợi cho tôi hiểu nhiều dẫn chứng lịch sử cả Đông lẫn Tây. Mỗi chủ đề Văn, giáo sư đều đưa ra những dẫn chứng từ Đông sang Tây cho chúng ta thấy những sự tương quan rất hữu lý theo thời gian lẫn không gian (similarity) hay những quan điểm tương đồng (commonality). Điều lý thú khi đọc những bài nầy là những chữ được giải thích căn cơ, chi tiết làm chúng ta nghĩ đến những thầy cô đang giảng cho các học trò có trình độ khác nhau vẫn có thể hiểu được. Thí dụ như một đoạn trong vài Văn Hóa: "chữ culture dễ lẫn-lộn với chữ civilisation mà người Tây-phương vừa hiểu là văn-minh, vừa hiểu là văn-hoá, và cũng chính vì như vậy mà đôi khi người Đông-phương chúng ta cũng lầm theo, như ta nói văn-hoá Đông-sơn, nhưng thực ra phải nói là văn-minh Đông-sơn mới đúng.


Từ thế-kỉ XVI, từ culture lại mang thêm một nghĩa mới là nghĩa bóng, hơi tích-cực hơn chứ không thụ-động như trước. Thực ra, nghĩa bóng này cũng đã có sẵn trong từ cultum gốc la-tinh, như nói colere artis, nghĩa là vun-trồng nghệ-thuật, vun-trồng ở đây có nghĩa là học-tập, là thực-hành, rõ-ràng biểu-hiện một hành-động chứ không đề cập suông đến một cách-thế tồn-tại bất-động nữa. Từ thế-kỉ XVII, từ culture mới quyết-định thoát khỏi tình-trạng thụ-động để vươn tới một nội-dung năng-động hơn. Đoạn nầy chúng ta hiểu sự khác biệt rõ ràng về văn hoá và văn minh.


Tôi xin ghi thêm về chữ văn minh - civilisation - tiếng Anh hay Pháp viết giống nhau, mà chữ gốc là civil hay civilian được dịch là nhân văn hay công dân, đó là những sản phẩm của con người tạo ra trực tiếp hoặc gián tiếp, thí dụ về phương diện khoa học, phát minh của James Watts cho ra đời các hệ thống, dụng cụ kỹ nghệ bằng hơi nước mà nhớ lại thời tôi còn nhỏ thấy những chiếc mà dân ta gọi là "Hủ Lô" bánh bằng khối sắt lớn để cán mặt đường cho bằng phẳng dùng nước kêu kạch kạch, hơi nước thì phì phà phun khói liên tục.


Rồi định luật Newton mở ra kỷ nguyên cơ khí cho đến bây giờ nhiều ngành nghề vẫn còn ứng dụng; thuyết tương đối mà căn bản theo vận tốc ánh sáng mở ra kỷ nguyên nguyên tử; thí dụ thêm về Triết Học, Xã Hội Học là những tư tưởng dân chủ, các cuộc cách mạng ở Tây Âu như Pháp chẳng hạn đã biến chuyển theo văn minh là nền tảng cho chế độ dân chủ (Democracy) theo phương thức dân cử, bầu phiếu như hiện nay tại Mỹ, tại Châu Âu, Úc v.v…đang ứng dụng. Quá trình nghiên cứu và khám phá của con người đi kèm với nhiều ngành kỹ thuật và khoa học không ngừng cũng đã đánh đổ biến bao chế độ nhất là từ thế kỷ hai mươi.


Trong phần Văn Minh, Giáo Sư đã ghi về khai-hoá như đoạn:" Trung-quốc đã nhiều lần biểu-lộ ý-chí khai-hoá Việt Nam nhưng những nhà khai-hoá tốt như Sĩ Nhiếp rất hiếm, chỉ toàn là những Tô Định, những Trương Phụ, Vương Thông. Ngay cả trong giới thừa-sai Âu-châu, không phải tất cả đều là Alexandre de Rhodes, là Léopold Cadière, là Eugène Larouche. Hiển nhiên là người Việt Nam đã được khai-hoá. Chúng ta được hưởng-thụ một nền văn-minh tối tân, không thua gì các quốc-gia văn-minh vào bậc nhất trên thế-giới. Gíáo sư biên thêm: "Ta có đủ mọi tiện-nghi (ti-vi, tủ lạnh…), kĩ-thuật truyền-thông mới nhất (Internet, fax), phúc-lợi xã-hội cao nhất (sử-dụng y-dược miễn-phí, phương-tiện du-lịch thế-giới).


Nhưng có chắc là tất cả những con người văn-minh này là những con người có văn-hoá không?" Nghiệm lại đoạn nầy, tôi nghĩ là Giáo Sư đã tránh không nói ra một bài học lịch sử của thế giới mà nhiều quốc gia đã bị chiêu bài văn minh biến thành thuộc địa trong đó có Việt Nam. Những chương trình thực dân trong quá khứ có phải từ văn minh mà ra hay không? Bao nhiêu quốc gia, chế độ đã bị bứng cả gốc rễ giá trị văn hoá có phải vì hai chữ ấy hay không? Ông đã khéo léo để sự trả lời theo kiến thức, trình độ của mỗi độc giả bằng câu hỏi ngược: "Câu hỏi này cho thấy ngoài những tương-quan kế-thừa, bổ-túc, bao-hàm và tương-đương giữa văn-hoá và văn-minh còn tồn-tại những quan-hệ đối-kháng và đối-lập nữa." Xin ghi thêm chữ "colony" mà chúng ta dịch là "thuộc địa" cũng thấy cái hay của văn chương Việt. Bởi vì một nước bị đô hộ hay là thuộc địa thì từ chánh quyền đến dân nước đó đều được xem tôi tớ cả, đất không thuộc của mình mà thuộc về mẫu quốc là nước có nền văn minh cao hơn, trên phương diện ngoại giao thì phải có sự quyết định của Toàn Quyền thí dụ như các Toàn Quyền Pháp ở Việt Nam ta từ 1884 cho đến 1945 chẳng hạn.


Văn hoá song song với văn minh cũng có cái hay là nhân quyền con người được coi trọng, giá trị bình đẳng nam nữ cao hơn, tiện nghi, phúc lợi v.v…nhưng cũng có cái nghịch lý và để chứng minh, tôi xin trích một đoạn trong bài giảng khác của Giáo Sư Lê Hữu Mục về Thuyết Bất Vô: "Kết-quả mà chưa một quốc-gia nào trên thế-giới thực-hiện được là chính quốc-gia này lại bãi bỏ chính văn-tự của chính mình để chấp-nhận văn-tự của địch thủ: Việt Nam đã xoá bỏ chữ nôm để chấp-nhận chữ quốc-ngữ. Có thể đó là một hành-động bất-đắc-dĩ mà người Việt phải thi hành trước áp-lực của thực dân pháp. Cũng có thể là tình cờ? Nói như vậy là không thấy ảnh-hưởng ghê-gớm của thuyết bất-vô. Vì tương-lai của đất nước, vì quyền-lợi của con em, dân Việt Nam sẵn-sàng đánh đổi bất cứ điều gì miễn là điều ấy được mọi người Việt Nam công-nhận và xác-định là thực-sự có ích-lợi cho công-cuộc tiến-hoá.



Chính Nguyễn Trường Tộ là một trong những người có công sáng-lập và cải-thiện chữ quốc-ngữ, khi đề-nghị với triều-đình lựa chọn một văn-tự thích-hợp, ông đã đề-nghị một thứ chữ nôm mới chứ đâu dám đề-nghị chữ quốc-ngữ? Thế mà toàn-thể nhân-dân Việt Nam, vì quyền-lợi của mình trong tương-lai, đã thẳng thắn và mạnh bạo, muôn người như một, chính-thức chấp-nhận chữ quốc-ngữ, mặc dầu chữ ấy không phải của dân-tộc mình sáng-chế ra. Ta thấy phải thấm-nhuần thuyết bất-vô một cách sâu-xa mới dám có một quyết-định táo-bạo và đầy nghịch-lí như thế." Thường thì cuộc cách mạng nào cũng có sự bất ổn, tương tàn, nhưng cuộc chuyển biến từ chữ Nôm sang chữ Quốc Ngữ thật là êm đềm, nếu không nói là không có một sự tranh chấp nào. Đó cũng là điểm hay, lạ, đặc biệt của văn hoá Việt.


Khi chữ Quốc ngữ đã chính thức là tiếng nói, chữ viết của dân tộc từ Bắc chí Nam chẳng những không làm mất các giá trị lịch sử cổ truyền từ bốn ngàn năm qua mà còn tiếp tục cải tiến, ứng dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Có thể có cũng nhờ nền tảng của các triết lý, đạo đời hoà nhịp vững chắc được dân ta tin tưởng trong suốt mấy ngàn năm qua như Lê Hữu Mục đã trình bày trong bài Thuyết Bất Vô - Đạo Trời, Đạo Huệ, Đạo Từ Bi, Đạo Vô Vi, Đạo Nhân, Đạo Bác Ái; không như nhà Mãn Thanh bên Trung Quốc, mất chữ, mất văn hoá; và hiện tại đến thế kỷ hai mươi mốt rồi mà cũng còn có quốc gia vẫn còn tranh chấp về chữ viết, tiếng nói.

Trong bài giảng về Văn Vật, tôi biết thêm một dữ kiện lý thú là: "Chùa Lục-tổ bao lần bị đổ nát vẫn cho phép ta có quyền nghĩ đến một Huệ Năng gốc Lĩnh-nam, tức gốc Việt, đúng như hoà thượng Thích Mãn Giác đã chứng tỏ." Nói đến Lục Tổ Huệ Năng là chúng ta nghĩ đến kinh Kim Cang rồi, hiểu thêm đó là những căn bản xâu xa, vững chắc của triết lý Phật học. Bàn về văn vật thì cũng xin ghi thêm là ngoài việc ngoại cảnh như thành Cổ Loa, chúng ta còn phải nghĩ đến vấn đề tâm linh những vấn đề ngoài sự hiểu biết của con người giống như chuyện thần thoại. Ngoài việc đô hộ các dân tộc mà vua chúa Trung Hoa cho là man di, Trung Quốc là nước ở giữa, các sắc dân khác là chư hầu, nhưng cũng lo sợ các cuộc nổi dậy của dân bản xứ, phong thủy cũng là một yếu tố rất quan trọng trong việc cai trị nầy; mỗi khi có một triều đại Trung Hoa nào đang suy vi như nhà Đường (Tang Dynasty) chẳng hạn thì họ thường xem khí tượng: "Khí vượng phương Nam tỏ rạng, các quan phải cẩn thận khi cai trị và đồng hoá bọn chúng."


Nếu đọc "Việt Điện U Linh Tập" (Bản dịch Lê Hữu Mục) với những câu chuyện giống như thần thoại thì chúng ta sẽ rõ hơn. Đất Việt vượng khí rất thịnh cho nên các nhà phong thủy được lệnh các vua chúa phương Bắc từ các triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh âm thầm sang nước ta để trấn áp, nhất là nhà Thanh. Chúng ta cũng không quên giai thoại là Cao Biền đời Đường làm Thái Thú Giao Châu cũng là một nhà ma thuật, phong thuỷ nổi tiếng, thấy vượng khí tụ lại tại Núi Ba Vì tỏ rạng nên lo sợ muốn lên trấn áp, nhưng không được; y rất kinh hãi, than thở, trở về nước không bao lâu thì mất. Kiến trúc lâu đời của châu Âu nhất là Ý cũng cho chúng ta biết sự kiện hòa hợp với âm dương, ngũ hành, phong thủy mà không phải chỉ có người Á Đông mà người Tây Phương cũng đã áp dụng. Có thể là Marco Paolo đã học rất nhiều và mang về Ý từ Trung Hoa trong thời gian hơn hai thập niên của ông ở Trung Quốc dưới thời nhà Nguyên.



Văn Vật nước nào cũng có do thiên nhiên hay do sức gây dựng của con người, những quan cảnh lịch sử được bảo tồn qua nhiều thời đại, thế kỷ (National Heritage). Trong đoạn bàn về Văn-Vật, Giáo Sư ghi: "Nói tới các di-tích lịch-sử, những đền-đài, những dinh-thự, những danh lam thắng cảnh của đất nước, những lăng cũ triều xưa làm chứng cho cả một nền văn-minh đã qua mà dấu vết còn được giữ lại. Dù cho lối xưa xe ngựa đang mờ dần trong linh-hồn của cây cỏ vào thu, dù cho nền cũ lâu-đài đang đắm chìn trong bóng tịch-dương yếu-ớt, chúng ta vẫn còn có thể tìm về một quá-khứ oai-hùng xưa mà những di-tích hùng-vĩ vẫn có tác-dụng làm cho chúng ta hãnh-diện."


Ngoài các danh lam, thắng cảnh, đền đài, cung điện lăng tẩm của Việt Nam; nếu chúng ta lên miền Trung viếng các văn vật của dân Chiêm thì mới bùi ngùi cảnh những người mất nước và hoàn toàn bị đồng hoá – Nó âm u, lồng cảnh oanh liệt mà tôi nhìn ngắm, không thể nào tưởng tưởng khi xưa nó là gì? Phồn thịnh, náo nhiệt như thế nào. Văn-vật tại Úc đối với tôi không phải là những mỏ vàng lớn thu hút các sắc dân từ bốn phương hay các công trình quy mô, vĩ đại của chánh phủ Anh mở mang vào các thế kỷ 19, 20 hay Nhà Con Sò (The Opera House) mà là những gì còn lại có từ lâu đời từ trăm ngàn năm trước như Ayes Rock, Hanging Rock, Kokadu Park hay những nghệ thuật điêu khắc trong hang đá của thổ dân (aborigin) mà chúng ta không thể tưởng tượng họ làm cách gì để tuyệt tác các công trình ấy…





Có thuyết cho rằng, hơn ba mươi ngàn năm trước các bức tranh khắc rất hoàn hảo về vũ trụ, trời, người, vạn vật… được điêu khắc trên núi; nhưng lại cuộc thiên tai: "tang điền biến vi thương hải" mà nay chúng lại nằm dưới lòng đất. Quốc gia nào cũng vậy, riêng Việt Nam ta, văn vật có bảo tồn cho đến ngày nay cũng nhờ sự hy sinh cùa các anh hung, anh thư, những nhân tài, những con người thiết-tha với đất nước như đoạn: "Hai bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Lợi, những nhà văn-hoá làm giàu cho tư tưởng Việt Nam, như Vạn-Hạnh, Đạo Huệ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Những di-tích lịch-sử vẫn còn đó để làm chứng rằng Việt Nam là một nước văn-vật lâu đời."



 Đường Sơn

Một tư tưởng, một vấn đề như phần nhập đề về thuyết tương đối; giới trẻ sống trên đất nước Mỹ nói riêng và các nước tiên tiến như Gia Nã Đại, Anh, Đức, Pháp, Úc … nói chung đối diện với những thách đố về Tứ Văn, phải cần thời gian, nhiều thế hệ mới biết chúng ta bảo tồn được những gì! Giáo Sư Lê Hữu Mục đã trình bày cụ thể bằng các dẫn chứng lịch sử, các chi tiết, dữ kiện trong bài giảng Tứ Văn, thuyết Bất Vô … như là một tiếng chuông; mỗi người trong chúng ta hãy suy nghĩ, người Việt tự yêu thương tiếng nước mình phải làm gì, muốn phát huy văn hoá nhân bản ra sao? và quan tâm cho các thế hệ tương lai như thế nào!
 Đường Sơn 


                   

Hoài cảm về bố tôi : Lê Hữu Mục  
                                                 - Lê Hữu Mạnh -

Cuối tuần trước bọn tôi có dịp đến Georgetown, cách thủ phủ Austin khoảng 30 dặm về phía Bắc đúng lúc đang có một hội chợ nhỏ nằm ngay công trường của thành phố. Sau khi đã đảo một vòng công trường, bọn tôi dừng lại trước cửa một tiệm sách nơi có một băng ghế cho khách thập phương nghỉ chân.

Như một thói quen, tôi đẩy cửa bước vào tiệm sách. Những tủ sách cao hơn đầu người nằm san sát dọc theo hai bên tường tạo ra một ấn tượng như đang đi giữa hành lang sách. Sách mới có, sách cũ có. Len lỏi với hành lang sách là bài nhạc hòa tấu cổ điển của Chopin đang được phát ra từ một góc nào đó của cửa tiệm.

Những quyển sách cũ như đang lùi lại với quá khứ và hiện lên những chữ Hán, chữ Nôm, chữ Việt, chữ Pháp, chữ Anh. Tôi lại trở về với cái thư viện nhỏ mà tôi lớn lên với nó. Bên cạnh đó có cái bu rô đầy ắp sách và giấy; nơi mà cái đèn hắt ra ánh sáng vàng thâu đêm. Dưới ánh đèn đó Bố tôi cặm cụi viết lách thâu đêm suốt sáng.

Từ cái thư viện nhỏ đó tôi đã được cầm tận tay và đọc những sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn của những năm 1940; những tờ Nam Phong Tạp Chí của những năm 1930; quyển Tự Điển Taberd của thế kỷ 19; và nhiều loại sách khác như âm nhạc, tôn giáo, triết học, gia đình.

Trên một cái đầu tủ trong phòng ngủ có một số đàn như violon, viola, guitar thùng, guitar điện, madolin. Ngoài phòng khách, bên cạnh piano, có saxophone tenor. Buổi chiều Bố tôi hay ngồi trên ghế đàn piano và âm thanh đó vang vọng từ tầng hai xuống đến tận dưới con đường trước mặt nhà. Bao nhiêu đó nhạc cụ Bố tôi đều tự học và vẫn thường chơi hầu như mỗi ngày.

Nơi đó tôi đã gặp không ít bạn bè và học trò thân thương của Bố tôi. Những người mà nhiều năm sau đó Bố tôi vẫn nhớ tên và thường hay nhắc đến mỗi khi có dịp.

Hai năm sau cơn bão lớn của tháng Tư, cái thư viện nhỏ đó đổi chủ, cùng với bao nhiêu nhạc cụ. Như con dã tràng xe cát biển Đông, mười năm sau, Bố tôi xây dựng một cái thư viện nhỏ khác ở quê hương thứ hai, cùng với một số nhạc cụ nhưng không bao giờ có lại được những loại tốt như xưa.
Những ngày có thì giờ bên nhau, Bố và con hay lang thang vào tiệm sách, hoặc tiệm bán dụng cụ văn phòng, hoặc tiệm bán nhạc cụ và nhạc phẩm chỉ để xem sách, thử bút, thử đàn, nghe nhạc.
Bố tôi có thể không ăn cơm nhưng khó có thể thiếu sách, thiếu nhạc, hoặc thiếu bạn bè và học trò. Có lần tôi được anh X. cho biết anh là con nuôi của Bố tôi từ những ngày anh còn là sinh viên của ông. Tôi chơi quần vợt với anh X. từ hơn năm nay, và anh ta vô tình cho biết khi nhắc đến tên Bố tôi. Tôi chẳng bao giờ được biết đến những chuyện như vậy từ chính Bố tôi. Khi hỏi đến thì Bố tôi chỉ ừ một tiếng như thể đó là chuyện ai cũng biết !
Tiếng mời chào làm tôi thức tỉnh. "Mời anh chai nước lạnh; ở bên ngoài nóng lắm." Giọng nói từ tốn của ông chủ tiệm sách, có lẽ là dân bản xứ. Từ chối mãi không xong nên đành cầm lấy chai nước lạnh.
Bên ngoài nắng hãy còn. Lượng khách đi hội chợ tuy có vẻ bớt đi nhưng cũng còn đông. Mọi người vẫn còn chờ trên băng ghế.

Lòng tự nhủ sẽ quay lại tiệm sách này khi có dịp. Không biết vì chai nước lạnh hay vì những quyển sách cũ và những tiếng nhạc ?

Lê Hữu Mạnh


                     
Lê Có Mắt, dưới mắt tôi...
                                              黎 氏 賢 明
                                        Lê Thị Hiền Minh

Với kinh nghiệm bản thân, nghề giáo chẳng khác gì nghệ sĩ trên sân khấu, kẻ khen người chê, một mình đối đầu với trăm con mắt, phản ánh hơn trăm cách nhìn. Đã nghe những lời khen và rất nhiều lời chê bai về Lê Hữu Mục, nhưng ít có ai được nhìn thấy nhân vật sắp đi vào lịch sử của nhiều lớp người Việt yêu mến tự do, qua nhiều khía cạnh, như chính con gái đã bước theo nghiệp của ông bố đa tài. Những ngày mới lớn, chỉ nhớ những lần bố đã nổi nóng với lũ con không chịu « nghe lời », ông gào lên: tao là Lê Có-Mắt. 
Nhìn lại quãng đời trước « ngày đổi đời », Lê Có-Mắt đối với tôi là một người đã có một cuộc sống tràn đầy niềm vui với các anh chị sinh viên ở khắp nơi trong nước. Ngoài công việc chính là giảng dậy tại Đại học sư phạm Saigon về Văn Chương Quốc Âm, ông còn dậy tại đại học Văn Khoa Saigon, đại học Đà Lạt, đại học Sư Phạm Huế và trong những năm 70, tại một số đại học mới mở như Đại Học Vạn Hạnh, Đại Học Cần Thơ...
Trong mắt của một đứa bé từ tuổi mới hiểu biết cho tới nay, các anh chị sinh viên của ông là những người thật thân thuộc, cho đến gần đây gặp lại, vẫn có cảm giác như gặp lại chính anh chị của mình. Trong mắt tôi, sinh viên của ông, là những người em, người con mà ông dẫn dắt không chỉ trong những giờ giảng dậy. Ông sung sướng gặp gỡ, vui đùa và trao đổi với họ bất cứ ở đâu. Đối với ông, vai trò giảng dậy trong một vài giờ trước bảng đen, không đủ để xây dựng vốn liếng hiểu biết và nhân cách của một người theo nghiệp « nhà giáo » có trách nhiệm không lường về tương lai của bao nhiêu thế hệ trong xã hội. 
Đào tạo một nhà giáo không chỉ qua giảng dậy về một môn học nào, mà còn qua cách chỉ bảo, hướng dẫn trong nhiều trường hợp cần ứng xử, trong và ngoài lớp học. Đó là cả một quá trình tương tác giữa một người giàu kinh nghiệm chuyên môn, giàu nhân ái để chia sẻ và dẫn dắt, và một người giàu khiêm nhường để chấp nhận sánh bước với mục đích mỗi ngày một tiến lên về nhiều mặt. Giáo sư Lê Hữu Mục đã Có-Mắt nhìn thấy điều này từ không biết bao năm, trước giới chuyên môn về giáo dục của các cường quốc trên thế giới hiện nay. Trong khi xứ Québec, cũng như bao nhiêu quốc gia giầu có khác trên thế giới hiện nay vẫn còn đang thao thức với cách nhìn mới về vấn đề học và dậy học, thì Lê Có-Mắt đã nhìn thấy điều này từ những năm 50 với học trò của ông. 
Ông đã là một nhà giáo mẫu mà hiện nay hầu như tất cả các đại học trên thế giới mong muốn đào tạo: một người thầy luôn học hỏi để tiến về kiến thức, trong lúc dẫn dắt học trò với rất nhiều tình thương của bậc đàn anh.
Hình như ông không có khả năng đóng vai một nhà mô phạm không-có-quyền-nói-sai như hình ảnh mà mọi người muốn thấy. Ông chỉ có khả năng nhận ra nơi những người trẻ gần bên ông, những khối óc cần được nuôi dưỡng, những trái tim cần chia sẻ, những tâm hồn cần tìm hướng đi... Tình cảm của ông dành cho bất cứ người sinh viên nào gọi ông là « thầy » là tình cảm của một người lớn trong gia-đình luôn sẵn sàng giúp đỡ, dẫn dắt, lắng nghe mọi nhu cầu cá nhân... không phải một giáo sư chỉ biết chấm điểm cho đậu hay đánh rớt trong một lãnh vực chuyên môn.
 Giáo dục đối với ông không chỉ trong khuôn viên bốn bức tường của lớp học và trong vòng vài năm để lãnh mảnh bằng bằng giấy. Năm 2005, lớp 75 trường tôi họp mặt sau 30 năm tại Cali. Một người bạn đã đứng lên vinh danh cô giáo dậy văn chương VN, đọc thuộc lòng, không sửa soạn trước, trọn đoạn đầu của Chinh Phụ Ngâm Khúc: Trống trường thành lung lay bóng nguyệt.... Mấy ai ngờ những vần thơ này vẫn nuôi dưỡng tâm hồn bạn trong bao nhiêu năm, qua bao nhiêu biến cố trong đời, vần thơ đã được cô Thanh Phúc giảng giải với tất cả tấm lòng. Không ai biết, ngoài tôi, cô Thanh Phúc từng là sinh viên của thầy Lê Hữu Mục tại Đại Học Sư Phạm Saigon và không ai ngờ về hạt giống cô gieo về văn chương Việt Nam trong lòng các nữ sinh trường... Tây. 
Cá nhân tôi, những vần thơ cổ như Xử thế nhược đại mộng… Hồ vi lao kỳ sinh, tôi đã nhận được không phải từ bố mà từ sinh viên của bố, và vẫn giữ kỹ làm hành trang trong đời. Giáo dục đối với Lê Có-Mắt là trước hết đào tạo những con người có khả năng tăng ích cho xã-hội, cho mọi người chung quanh. Giáo dục không chỉ nhắm đào tạo một khối óc có khả năng xét đoán đúng đắn, vững vàng, mà còn là nuôi dưỡng một trái tim nhậy cảm, có khả năng mang ánh sáng vào những vũng tối cần thắp sáng trong nhân cách. Chính trái tim của cô giáo dậy văn đã truyền cho các cô nữ sinh trường bà Sơ biết yêu những vần thơ tiếng Việt và giữ làm hành trang suốt cuộc đời thiếu phụ sau đó.
Trái tim nhậy cảm của ông, đáng lẽ dành để nổi sóng với âm giai của tiếng nhạc lại đã nghe một tiếng gọi khác, tiếng gọi đi gieo cho đời những nhân tố làm dậy men tim tòi, học hỏi, tra cứu, để lớn lên và tiếp tục lãnh trách nhiệm với lớp đàn em đến sau. Năm muơi mấy năm có mặt trong đời sống của ông, chưa bao giờ tôi nghe ông chê một sinh viên nào học dở, chỉ nghe ông khen tài người này, nhắc đến tâm tính người kia, như một người thân nhắc một người thân. Mới đây, tôi được một chị khoe món quà ông cho: tuyển tập nhạc của Trịnh Công Sơn do chính tác giả ký tặng cho ông một năm 90 khi nhạc sĩ đã ghé thăm thành phố Montreal, Canada. 
Tôi hiểu ngay kho tàng vô giá đó, ông đã dùng như lời xác nhận và khuyến khích lòng yêu nhạc mà ông vẫn nhắc về chị. Những việc đặc biệt và lặt vặt như vậy, làm con ruột của ông thì không được hưởng như với bất cứ một người cha bình thường nào khác, nhưng mỗi đứa chúng tôi đã nhận được một gia-tài lớn hơn hết: lòng yêu thích học hỏi, khảo cứu và thao thức muốn đóng góp cho đời.
Ở nhà, nơi ông ngồi từ sáng sớm đến chiều tối là cái bu-rô luôn đầy ắp giấy tờ. Từ khi có ý thức về thế giới chung quanh mình, chúng tôi sống trong bốn bức tường ngập sách vở, từ trần nhà xuống tới sàn gạch. Trong khi những bạn bè cũng có cha mẹ làm nghề giáo trong giới đại học khác có những căn nhà to lớn, sang trọng hơn, thì chúng tôi chỉ biết đến những căn hộ dành cho giáo sư đại học, không đủ để chứa sách của bố và tiếp các anh chị sinh viên những ngày lễ Tết. Nơi chung cư số 2 đường Lý Thường Kiệt, trước mặt Viện Đại Học Huế, ông sung sướng với « văn phòng » được quây lại trong hành lang chung của chúng cư. Nơi đó, ông say sưa viết những cuốn sách đầu tiên về Tự Lực Văn Đoàn và làm báo Rạng Đông. Người dậy đọc và viết là người đầu tiên phải học dùng và phát triển khả năng đọc và viết của chính mình. Lê Có-Mắt đã chẳng chờ tới lúc khoa học chứng minh để hiểu được điều căn bản này. 
Khoảng thời gian này vẫn là những năm sáng rỡ trong ký ức của ông. Sau những biến động năm 1963, ông phải xa Huế, nơi ông vẫn đều đều trở lại sau đó với tư cách giáo sư thỉnh giảng. Trong hai căn hộ số 23 và 24 đường Duy Tân, Saigon, sát bờ cửa sổ có chấn song nhìn xuống con đường thơ mộng của Phạm Duy... con đường Duy Tân, cây dài bóng mát là căn cứ mới của ông mỗi khi không đi dậy xa. Căn phòng khách, một trong hai căn hộ trong chúng cư dành cho các giáo sư thuộc Viện Đại Học Saigon, lại đầy tràn sách vở từ trần xuống tới sàn. 
Chúng tôi chỉ nhận ra điều khác thường này qua những phản ứng của bạn bè ghé chơi: « Trời đất, sao nhà bồ nhiều sách quá vậy? ». Trong căn phòng đó có một tầng gác lửng cao chỉ nửa thước tây, trên đó, tôi đã khám phá từng xấp báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn và Nam Phong Tạp Chí, đã tận mắt đọc những bài viết và vẽ áo dài của Le Mur, Cát Tường, những năm 30. Ông đã không chỉ nuôi con bằng cơm áo, nhưng đã nuôi chúng tôi với tất cả đam mê của một người chuyên tìm tòi, khám phá, tra khảo về kho tàng văn hoá của Việt Nam. Khung trời số 57 Duy Tân của chúng tôi ngày xưa, dù không phải là một nơi sang trọng – còn có vẻ tồi tàn nữa là khác – là nơi chúng tôi đã chia sẻ cuộc sống hàng ngày, đã lớn lên, với gần như tất cả những khuôn mặt lớn của giới đại học Saigon lúc đó. 
Những giáo sư nổi tiếng trong đủ mọi ngành là các bác thường ngày gặp gỡ, chào hỏi và cũng có khi bị mắng mỏ: Vũ Khắc Khoan với sự xuất hiện thường xuyên của ca sĩ Thanh Lan trong thời gian thu kịch bản không nhớ tên trên đài truyền hình lúc đó, Chu Phạm Ngọc Sơn, Đặng Đình Áng, Đinh Văn Hoàng, Trần Văn Tấn, Nguyễn Đức Nguyên, Nguyễn Văn Trung (chưa bao giờ gặp lại tại Montreal), Lưu Văn Bình, Nguyễn Độ, Lý Chánh Đức – anh của ông Lý Chánh Trung, v.v.. Nơi căn phòng khách nhỏ hẹp của chúng tôi những ngày hạnh phúc đó, không biết bao nhiêu sinh viên của bố đã đến chia sẻ những ưu tư và những giấc mơ của họ. 
Tôi nhớ đến bản thảo tập thơ của lính sắp in không rõ ai đem đến nhờ ông phê bình hoặc viết lời bạt, không lâu trước những ngày đổi đời. Tôi và những đứa bạn ngây thơ đã cố gắng học, chép và dấu diếm mãi cho tới lúc không thể được... Không biết những tác giả có bài trong đó bây giờ ra sao? Có người viết về Huế ướt át như mắt người yêu... Ở đó đường xưa thương phố xưa, tay không ngăn kịp những chiều mưa, vàng hoa rơi ướt mầu cỏ dại, vàng lối em về ta đón đưa. Và có những bài không còn nhớ từng chữ, từng vần, nhưng vẫn nhớ hình ảnh và cảm giác khi đọc. Huế vẫn là khung trời tuổi nhỏ yêu dấu của tôi, với những cơn mưa phùn không dứt và cổng vào ngôi trường cũ tại Saigon có một cây vông vang già trải đúng tấm thảm hoa vàng đó. 
Ông thầy dậy văn chương Quốc Âm đã chẳng bao giờ trực tiếp dậy các con viết và đọc, chỉ thấy bắt tự tra từ điển và được nghe lóm những đối thoại giữa thầy và trò lớn, nhưng sức mạnh của ngôn ngữ đã ăn sâu vào tim óc chúng tôi lúc nào không biết.
Ngôn ngữ đối với ông không chỉ đóng khung trong cú pháp, văn phạm của hiện tại. Lê Có-Mắt còn phải được biết đến như một Lê Có-Tai, ở tuổi 80 ngoài, tai ông nghễnh ngãng khi đối thoại nhưng nhận ngay ra từng âm sai trong bất cứ một câu nhạc nào. Những rung động về âm giai của tác giả Hẹn Một Ngày Về đã bung tràn trong đam mê tra cứu về ngữ âm Việt cổ. Những ngày hạnh phúc ở Huế của ông là những ngày cùng vợ săn tìm những bản thảo chữ Nôm tận nhà những Cụ Đồ sống ở những ngôi làng hẻo lánh miền Trung.


 Những bản thảo viết tay quý nhất được lưu truyền lại từ thế kỷ thứ 17 là hành trang duy nhất ông đã muốn mang theo với tấm bằng Tiến Sĩ, đành vất lại nơi ngôi nhà thủy tạ, trên một ngọn đồi cát tại Vũng Tầu, khi phải chạy trốn công an trong vụ vượt biên đầu tiên mùa hè 1977. Tháng 12 năm 1978, thăm nuôi ông tại trại cải tạo Bầu Lâm, tôi báo hai tin dữ: bà nội đã mất và... « họ » đã tịch thu hết sách của bố rồi.


Ông oà khóc như trẻ thơ khi nghe tin thứ hai. Ngay những ngày đầu tháng 5 năm 1975, một số « sinh viên » của ông đã đến đề nghị ông hiến tủ sách cho Cách Mạng. Khi được tin ông bị bắt vì vượt biên, họ đã trở lại tịch thu tất cả. Trong tình cho đi, luôn có chấp nhận lừa đảo, phản trắc. Đào tạo một khối óc có nhiều bảo đảm giữ phần chắc qua kiểm tra kiến thức, hơn là mạo hiểm tìm hun đúc một trái tim chung thủy với con đường phải chọn để mưu ích cho muôn người. Giữa hai lối đi, một chắc chắn tới vinh quang và một đầy trắc trở, ông đã chọn hướng cho phép ông hài hòa tiếng của trái tim yêu nhạc với lý tưởng đào tạo những nhà giáo dục tương lai cho Việt Nam tự do, chấp nhận sóng gió của con đường khai hoá hơn là cái êm ả của một con đường đã vạch sẵn.


Giữa vai trò thường xem là cứng ngắc của môt nhà mô phạm và khả năng sáng tạo của một nghệ sĩ, ông đã thường đi theo tiếng gọi của con tim hơn lý trí, chọn tự do sáng tạo trong vai trò mô phạm hơn là đóng khung trong kiến thức khô khan. Chính trong cách nhìn về sư phạm cấp tiến này mà ông đã bị nhiều chỉ trích, nếu tôi không lầm. Theo lời ông kể, những năm 50, thay vì ngồi yên trong lớp giảng về luật thơ và bình văn theo quy luật, ông đã đem học trò lớp Tú Tài trường Quốc Học thử nghiệm những rung động của tác giả ngay trong thiên nhiên, nơi công viên trước mặt trường, bên bờ sông Hương. Cách dậy táo bạo này khó thoát những lời chỉ trích của những người nằm trong khuôn khổ sư phạm, may ra có thể chấp nhận tại xứ Québec tân tiến này, hơn 60 năm sau.

Con đường khảo cứu, tim tòi sự thật về ngữ âm Việt cổ là lối mê ông kiếm tìm, đem ông xa những bó buộc của vai mô phạm mà con người nghệ sĩ của ông khó khép mình chịu trong một khuôn khổ cứng ngắc. Ông đã nhiều lần, nhiều cách, từ chối không dùng hiểu biết này để kiếm một tấm bằng. Khuôn khổ của ông là khung nhạc với nét tự do của năm đường kẻ cho phép vượt lên năm giòng cao hơn, hay rơi xuống năm giòng thấp hơn... Con đường giáo dục của Lê Hữu Mục là con đường tự do Thiên Chúa dành cho mỗi cá nhân, cần phải được khuyến khích, nâng đỡ để đi theo tiếng gọi sâu thẳm trong lòng mỗi người. Trong khi bao nhiêu cha mẹ khác ép con cái đi theo đường này, đường nọ, chúng tôi không bao giờ bị bố bắt phải học ngành nào.


 Sống trong những sách, vở, những nét chữ Tầu, chữ Nôm, một năm nào xa xưa, tôi xin bố chỉ cho viết chữ Tầu, ông thẩy cho một cuốn sách nhỏ: tự học chữ Hán, từ một tới mười nét. Bây giờ tôi mới hiểu ông không bao giờ hài lòng về những nét chữ Hán ông viết. Tháng sáu vừa qua, gặp lại một sinh viên cũ người gốc Hoa ngày xưa ở Saigon, ông đã xin anh một món quà: viết cho ông một lá thư bằng chữ Hán và anh sinh viên 70 tuổi đã nắn nót hạ bút, gửi cho ông một tấm bưu thiếp ông sung sướng đem ra khoe mọi người những nét thảo đều và đẹp như một bức vẽ.


Đào tạo về sư phạm, đối với ông, không phải chỉ là đào tạo một giáo viên hay giáo sư trung thành với một phương pháp hay đường lối của một cơ quan giáo dục nào mà là đào tạo những nhà giáo dục chân chính, có lý tưởng tranh đấu cho điều cao quý nhất nơi mỗi người: khả năng tự lập, tự học để giúp bao người khác cũng có thể tự lập và tự học, tự phát triển theo quy luật sinh hóa trong vũ trụ, thay vì cô đọng trong một hệ thống đầy quy luật. Quy luật lớn nhất trong lòng Lê Hữu Mục là khả năng hợp tác, hợp quần. Là người con thứ bẩy trong một gia-đình 11 người, hẳn ông đã lớn lên trong những hoàn cảnh cần phải tìm một hướng để gây sức mạnh bằng cách hợp quần.


Gia tài của cả giòng họ Lê trong mắt tôi là tính hợp quần này, một đức tính mà giáo sư Lê Hữu Mục cũng đã hinh như từng bị khiển trách vì bị hiểu lầm trong những giai-đoạn thăng trầm của xã hội Việt Nam, trong và ngoài nước. Trong một hoàn cảnh khó xử, ông thường đóng vai hàn gắn, cố gắng tìm hiểu vị thế của cả hai bên. Phải chăng giáo dục trong tự do cũng là giáo dục khả năng xét đoán để gây đoàn kết, xây dựng hơn là đả phá, chia rẽ?

Sinh ra trong một gia-đình đông con, nhiều cháu, lớn lên trong môi trường một xã-hội công giáo, được rèn luyện qua bao nhiêu sinh hoạt cộng đồng như phong trào Hướng Đạo, Lê Hữu Mục là con người của đám đông. Nơi đâu có đám đông là nơi ông vui sướng, như cảm thấy an toàn cho chính mình. Ông sung sướng nói cuời và con người duyên dáng trong ông lộ rõ trong những buổi hội họp, đình đám. Tuy nhiên, dù là người của tập thể, nhưng đam mê khảo cứu vẫn giữ ông trong cái cô đơn cần thiết của người cầm bút. Trong mỗi hoàn cảnh khó khăn, từ hơn tám mươi năm nay, sức mạnh sáng tạo trong cô đơn và khả năng hội nhập với cộng đồng đã nhiều lần đem ông ra khỏi bao nhiêu đe dọa, hiểm nguy.


Từ ngày Saigon đổi chủ, ông không còn được đóng vai thầy hướng dẫn người trẻ trong lớp học, dù cố gắng dùng khả năng và hiểu biết về nhạc để bù đắp, nhưng dĩ nhiên trái tim yêu tự do không thể khép mình vào khuôn khổ mới, quá hẹp hòi. Những sinh viên cũ lại tìm gặp lại ông ở khung trời tự do khác. Cuối thập niên 80 là những năm ông trở lại ngồi bàn viết và được « học trò », như ông vẫn nói, mời gặp gỡ, sinh hoạt khắp Âu Châu và Bắc Mỹ. Căn hộ đường Victoria, Montréal đầy ắp những xấp hình và thơ từ khắp nơi. Nơi đây, ông đã lập ra tờ Vietnamologica và đứng làm chủ bút trong nhiều năm.



Công việc bừa bộn, Lê Có-Mắt đã và vẫn nhìn thấy việc phải làm để làm giầu cho văn hóa Việt, trong bất cử hoàn cảnh nào và bất cứ ở đâu có người Việt, để lại miệt mài nơi bàn viết, ngày đêm. Các anh chị sinh viên ngày xưa, vẫn gọi điện thoại, gởi thơ, gởi cả tiền cho ông thầy già cả đời vẫn bị vợ trách không biết làm tiền như nhiều người khác. Ông vẫn dự phần vào đời sống của họ, như một người thân: thư kể chuyện ly dị, thiệp báo tin và mời dự đám cưới con-cháu, hình cháu nội, cháu ngoại. Thế giới của ông vẫn không thay đổi, dù những cách xa trong không gian và thời gian.

Bước vào mùa thu của cuộc đời, thân xác mỗi ngày một yếu, ông vẫn có khả năng ngoi lên bằng sức mạnh của tinh thần học hỏi và tấm lòng sẵn sàng yêu mến những người vây quanh. Giã từ căn hộ vẫn ngập đầy sách vở, giấy, bút – và bụi bặm, đường Victoria, Montreal, ông lại một lần nhất định dựng lại một tủ sách, một bàn làm việc, dù nhỏ xíu như bàn học của chúng tôi ngày mới vào trường, vì không đủ chỗ trong căn phòng quá nhỏ nơi viện dưỡng lão dốc đường Saint-Luc. Nơi này, Lê Có-Mắt đã gây cho bao nhiêu người bạn mới không-cùng-chủng-tộc những ngày vui theo tiếng đàn dương cầm của ông, đã tổ chức những buổi mua vui cho họ mỗi khi có dịp, dù Lê Có-Tai không còn được tự do nghe nhạc thả dàn, cho đã tai, vì những lời than phiền vô lối của hàng xóm khó chịu. Những lần cấp cứu vào bệnh viện, mỗi khi thấy ông tìm lại được khả năng chọc cười y-tá, bác sĩ hoặc kết bạn thân thiết với những bệnh nhân gần bên là chúng tôi biết ông đã qua khỏi cơn ngặt nghèo, sửa soạn đón ông về. Thú tìm hiểu, học hỏi vẫn là lối dẫn ông về bến an toàn trước cơ nguy.


Hơn 80 tuổi, vào thăm ông nằm trong phòng cấp cứu tại bệnh viện Do Thái, Montreal, ông hỉ hả khoe, vừa chợt hiểu được chữ « rót » trong một câu nôm vẫn ôm nghi vấn từ lâu - khi ngắm từng giọt nước biển rơi xuống từ túi treo đầu giường bệnh. Mắt có kém đi, Lê Có-Mắt vẫn là người luôn sẵn sàng an ủi những người chung quanh. Tai có nghễnh ngãng nhiều, Lê Có-Tai vẫn tìm theo tiếng nhạc thả hồn trở về vui với những kỷ niệm trong quá khứ, để giữ sức mạnh cho thân xác ngày một mất khả năng tự tìm tới với người khác.



Trong tương quan giữa ông và các anh chị sinh viên cũ, phải nói đến tình thầy trò khó tìm trong xã hội Âu Mỹ hiện nay. Xin cám ơn các anh chị và bạn hữu vẫn liên lạc bằng thư từ, điện thoại... Xin cám ơn những dịp ghé thăm đã giúp ông lên tinh thần rất nhiều. Không thể nào có tình một chiều, người học trò Việt Nam đặc biệt quý mến thầy cô vì đây chính là giá trị cao quý của tất cả người Việt tự do. Mong chúng ta truyền giữ được tinh thần cao quý hiếm có trên thế giới này.

黎 氏 賢 明
Lê Thị Hiền Minh
(Gatineau, Thu 2010)

               

 Một số bản nhạc của NS Lê Hữu Mục
          
     
                         
    
    
                             
    
                             
   
Nguồn: từ các websites ở internet, website của NS Trần Quang Hải, tư liệu của NS Lê Văn Khoa, NV Phương Duy và một số bài viết trong Số Kỷ Niệm về GS Lê Hữu Mục do Văn Đàn Đồng Tâm ấn hành năm 2010... 
Vui lòng gởi thêm tài liệu và ý kiến xây dựng về Phan Anh Dũng: dathphan1@gmail.com

No comments:

Post a Comment