Nhìn lại những ca khúc Trịnh Công Sơn, thấy ở đó biết bao ca từ nhắc đến con đường. Từ những ca khúc đầu tay như “Ướt mi”, “Thương một người”, tuy không nhắc đến chữ “đường” trực tiếp nhưng cái cách “Ai còn nhìn mưa mãi rớt bên sông thêm lạnh lùng” hay “thương ai về xóm vắng” mà Trịnh Công Sơn đã dệt nên thi ảnh thì người cảm nhận đã thấy ở đó ẩn hiện con đường. Đến “Diễm xưa” thì con đường ấy đã hiện ra “Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”. Ở “Tuổi đá buồn” thì con đường hiện trong bước đi “Từng ngón tay buồn em mang em mang đi về giáo đường”. Ở “Biển nhớ” cũng thế: “Ngày mai em đi/ Biển nhớ tên em gọi về...”.
 Ở “Nhìn những mùa thu đi” lại là: “Đưa em về nắng vương nhẹ nhẹ”. Và ở “Nắng thủy tinh” thì là: “Em qua công viên bước chân âm thầm”. Ngay ở đầu đề “Chiều một mình qua phố” thì chính đầu đề đã vạch ra một con đường “Chiều một mình qua phố/ âm thầm nhớ tên em”. Ở “Vết lăn trầm” con đường bắt đầu lãng du theo thời cuộc: “Người đi phiêu du từ đó, chưa thấy về quê nhà”. Hay ở “Bên đời hiu quạnh” là: “Rồi một ngày kia khăn gói đi xa”. Còn ở “Hãy cứ vui như mọi ngày” thì “Dù ta như con đường vắng người”. 
Cũng như “Chiều một mình qua phố” là “Chiều nay em ra phố về”. Ở “Ru ta ngậm ngùi” thì xa xót: “Có đường phố nào đông/ cho ta qua một ngày”. Với “Tự tình khúc” thì: “Tôi như đường về mở ra đô thị chờ chân thiên hạ về vui”. Trong “Lời thiên thu gọi” lại là: “Chợt tôi thấy thiên thu/ là một đường không bến bờ”. Trong “Có nghe đời nghiêng”: “Đường lên cao bước chân nhè nhẹ”. Ở “Đêm thấy ta là thác đổ”, lại thấy bước chân: “Một hôm bước qua thành phố lạ/ Thành phố đã đi ngủ trưa”. Và ngập ngừng trong “Chiếc lá thu phai”: “Về đâu đứng ngồi/ đường xa quá ngại”. Ở “Cỏ xót xa đưa” là: “Giữa đường đi/ một người đứng gọi”. Có khi lại là một vệt đường dài của suy tư qua “Nghe tiếng thở dài”: “Đường hôm qua tôi đã thấy được rồi/ đường hôm nay tôi đã cùng ngồi có gì vui/ đường tương lai xin nhắc từ đầu/ cùng anh em trên khắp địa cầu...”. 
Bài “Có những con đường” là một bài viết day dứt về sự tìm đường tới sự bình yên với những câu hỏi nghi vấn: “Đường phố nào còn in dấu chân ngoan/ đường phố nào mệt nhoài ngày tháng gian nan”. Còn ở “Phôi pha” thì là lời tự nhủ: “Thôi về đi đường trần đâu có gì/ tóc xanh mấy mùa”. Trong “Nghe tiếng muôn trùng” thắc thỏm lời cầu xin: “Xin trên những đường dài/ cho nghe bước rộn vui”, “còn ở “Một ngày như mọi ngày” là: “Những mặt đường nằm câm”. Con đường ở “Lời của dòng sông” là: “Đường hư vô trên tay”. Trong “Như một lời chia tay”: “Đường quen lối từng sớm chiều mong”. 
Dâng lên “Hãy khóc đi em” thì con đường thành mất tăm: “Hãy khóc đi em/ có còn gì/ tình đã mất đường về”. Có khi con đường lại hiện ra trong từng tiếng chổi quét lá: “Người phu quét lá bên đường quét cả nắng vàng quét cả mùa thu”. Thật lãng mạn trong “Mưa hồng” hiện lên một con đường Huế hư ảo: “Đường phượng bay mù không lối vào/ hàng cây lá xanh gần với nhau”. 
Cũng thật hoang mang trong “Tình xa”: “Khi bước chân ta về đêm khuya nhìn đường phố/ thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình”. Ở “Có một dòng sông đã qua đời” thì con đường cũng rất Huế thân thuộc: “Mười năm xưa đứng bên bờ dậu/ đường xanh hoa muối bay rì rào”. Ở “Những con mắt trần gian” thì “Đường trần đâu có gì”, của “Phôi pha” đã hóa thành “Đường trần rồi khăn gói”. Trong “Hạ trắng”, con đường hiện ra trong thi ảnh lấp lánh mong manh: “Gọi nắng trên vai em gày đường xa áo bay/ đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy...”. Với Sài Gòn, qua “Em còn nhớ hay em đã quên”, con phố trở thành “dòng sông uốn quanh”. Cùng “Hà Nội mùa thu” ông mong “Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi”…
 Các văn nghệ sĩ tại con phố mang tên Trịnh Công Sơn ở Hà Nội.
Con đường trong giai điệu Trịnh Công Sơn cứ thế quanh co cùng thời cuộc. Nhưng quanh co thế nào thì khát vọng của ông cũng là con đường đi chung của một dân tộc yêu thương hòa bình. Ở tập “Kinh Việt Nam” với những ca khúc phản chiến ông viết 1968, sau tập “Ca khúc da vàng” vài năm trước, Trịnh Công Sơn cũng đã khẳng định rất rõ con đường này ở nhiều ca khúc. 
Đấy là con đường đi trên “Cánh đồng hòa bình” thênh thang vô ngã: “Người đi về như nước lên nhấp nhô kinh thành/ bàn chân nào ra bước đi sao nghe nhẹ nhàng”. Con đường âm vang câu “Đồng dao hòa bình”: “Đường ta đi mênh mông phố xá bao người quen/ bàn chân ta thênh thang những nắm tay reo mừng”. Con đường thấm nước mắt người mẹ, “Nước mắt cho quê hương” để mong có một ngày “dân mình hết phận long đong”. Con đường trong “Đôi mắt nào mở ra”: “Tìm đường ra đi không đạn mìn theo dấu”. Con đường mang mong muốn “Dựng lại Người dựng lại nhà”: “Ta cùng lên đường/ đi xây lại Việt Nam”. Con đường khiến “Ta thấy gì đêm nay”: “Đường phố hôm nay sáng rực ánh đèn/ sáng rực đèn trong làng trong xóm”. Con đường cho ta “Chờ nhìn quê hương sáng chói”: “Chờ bước đi trên những con đường không chông mìn/ chờ đường giao thông chắp nối chuyến xe qua ba miền”.
Còn nhớ vài năm trước, trong một cuộc họp bàn về những ca khúc này, sau bao nhiêu tranh luận giữa những nhà quản lý và các nhạc sĩ, 8 ca khúc trong “Kinh Việt Nam” đã được cấp phép biểu diễn. Con đường mà Trịnh Công Sơn bền bỉ đi theo không phải lúc nào cũng được nhiều đồng cảm. Kiên định mãi một chính kiến về đất nước, về dân tộc, vậy mà trước trưa ngày 30.4.1975 đến Đài phát thanh Sài Gòn hát “Nối vòng tay lớn” trong niềm hân hoan phấn khích, Trịnh Công Sơn đã từng phải thở than trong “Một cõi đi về”: “Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy/ một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa”. Rồi sau ngày thống nhất đất nước, lại nếm trải những chuyển dịch chậm chạp của nhận thức, Trịnh Công Sơn đã phải vô vi tự chọn cho mình con đường: “Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi/ đường đến anh em đường đến bạn bè”. 
Trịnh Công Sơn đã làm như thế nên bên ông suốt những năm dài luôn có những bạn bè tri kỷ. Cứ nhớ mãi những kỷ niệm đồng hành bên nhau về làng báo chí, rồi cùng bay ra biển Quy Nhơn. Cứ nhớ mãi những đêm Sài Gòn bên ly Chivas và bao nhiêu tâm sự cùng nhau dốc hết. Con đường đi mà Trịnh Công Sơn vạch ra cho sự nghiệp âm nhạc của mình đã đưa ông đến với miền Bắc, đến với Hà Nội sau thống nhất như một lẽ tự nhiên. Thanh bình rồi, cả miền Bắc thời chiến cần được sống những gì mình chưa sống, thì âm nhạc Trịnh Công Sơn đã mang đến cho tất cả để an ủi, để chia sẻ. Rồi đến cả hôm nay, trong cuộc gặp gỡ bà con cộng đồng người Việt ở Mỹ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì “Nối vòng tay lớn” cũng vang lên như một chất nhựa gắn kết con người Việt Nam đi tới hóa giải dân tộc.
Đường Trịnh Công Sơn ở Hà Nội là một con đường khiêm nhường như chính con đường âm nhạc của ông vậy. Từ sân bay Nội Bài, qua cầu Nhật Tân, ta có thể thấy đường Trịnh Công Sơn bên một ngôi chùa cổ. Và con đường sẽ dẫn ta tới “Hồ Tây chiều thu mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi”. Bên bờ xa ấy của hồ Tây, chính là con đường mang tên Văn Cao tài danh - người bạn vong niên của ông mà ông luôn tôn kính. Họ mãi gặp nhau trên sóng hồ Tây.