Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 10 November 2016

CỤ NGHÈ CƠ * NGÀY CỦA MẸ *

LÊ QUANG VINH * CUỘC HÀNH HÌNH CỤ NGHÈ CƠ



 

CUỘC HÀNH HÌNH CỤ NGHÈ CƠ
VÀ BÀI THƠ "ĐỒNG CHÍ CỦA TÔI"
Lê Quang Vinh


          Tôi đọc bài thơ “Đồng  chí của tôi” của Cố Thi sĩ Văn Cao và lời giới thiệu về con đường đến với công chúng của bài thơ đó của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo; từ trong tâm khảm tôi, một niềm xúc động dâng trào và lòng thương cảm sâu xa đối với biết bao con người đã bị CCRĐ đày đọa đến những cái chết thê thảm. Tôi cứ đọc đi đọc lại bài thơ, trong đầu cũng cứ nổi lên bao lần câu hỏi: Chẳng lẽ Thi sĩ Văn Cao chứng kiến hoặc nghe ai đó kể tường tận cho ông biết về cuộc hành hình của Đội CCRĐ xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đối với Thân sĩ yêu nước, đảng viên Đảng Lao động VN, Lão thành CM tiền khởi nghĩa Cụ Nghè Cơ – Nguyễn Bá Ky? Nếu không thế, để giờ đây con cháu hậu duệ Cụ Nghè Cơ và cả chúng ta, làm sao có được bức tranh vô cùng bi thương bằng thơ chi tiết, điển hình và chính xác đến từng hơi thở của nạn nhân mà Văn Cao xây dựng nên (vẻ lại) tài tình đến thế? Đích thị nhân vật trong bài thơ “Đồng  chí của tôi” chính là Cụ Nghè Cơ làng Vĩnh Lộc (xã Quảng Hòa) – Quê hương tôi rồi!
            “Cụ Nghè Cơ - Tên thật Nguyễn Bá Ky (1896 – 1956), Bí danh hoạt động CM là "Vĩnh Khang" – Nhạc phụ của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Trung tướng Đồng Sĩ  Nguyên - bị “Cải cách ruộng đất” quy “địa chủ”, “phản động”, “cường hào gian ác” và xử bắn ngay nơi chỗ mệ Nội tôi nằm là bãi Hói Nại. Cách đây 2 năm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã có Quyết định công nhận "Cán bộ Lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa" cho ông Nghè (Liệt sĩ, Đảng viên Đảng Lao động – nay là ĐCS). Trường hợp minh oan này là vô cùng hy hữu và đặc biệt; cả nước vẫn còn đấy biết bao gia đình bị quy kết oan sai, song sự công bằng chưa thể đến với họ”. (Đám tang mệ Nội tôi – Nghịch lý thời Cải cách ruộng đất” – LQV).
              Ông Nghè vốn là người thân trong gia đình tôi. Lớn hơn sắp tuổi cha tôi – Cụ lê Duy Tiếu (sinh 1902), lại là họ hàng ruột thịt của thông gia nhà tôi bên Cụ Kiểm Điến (gọi theo tục danh con cả Đinh Xuân Náo). Ông Nghè là em ruột mệ Kiểm – Cụ Nguyễn Thị Huồn, nơi chị cả tôi Lê Thị Toán lấy chồng là anh Đinh Duyệt, nên các cụ qua lại chơi thân với nhau. Mấy năm sau khi cha tôi mất, Ông vẫn giữ tình thân như cũ.
                Tôi nhớ Ông Nghè là Hội trưởng “Hội Bảo trợ học đường” trong xã (không biết có giống như “Hội Cha mẹ học sinh” bây giờ không?); mẹ tôi là "chấp hành", là “thủ quỹ” của hội đó. Thi thoảng Ông Nghè lên nhà tôi theo công việc của Hội Bảo trợ học đường; những cữ ấy, Mẹ tôi hay làm ram (nem), hoặc chả cuốn thịt chỉ bé bằng 2 đốt ngón tay xiên vào que tre nướng khói bay mùi thơm lừng, để mời Ông nhắm rượu. Mẹ sai tôi quạt than hồng nướng chả, bưng thau (chậu đồng) múc nước cho Ông rửa tay; xong đâu đấy thì đứng sau cột nhà gần nơi Ông ngồi để sai mọi thứ khác như đưa tăm, khăn lau tay, ống nhổ, rót nước mời. Tuy còn nhỏ, nhưng tôi cũng ngầm hiểu ý Mẹ muốn dạy phép tắc cho tôi. Ông Nghè để râu dài dài nhưng hơi thưa và đã bạc. Ông ăn nói nhỏ nhẹ, kiệm lời. Trong tôi, Ông Nghè rất hiền, cao khiết và nho nhã vô cùng. Mẹ tôi cùng ngồi hầu chuyện Ông Nghè trên phản gọ giữa nhà, chỉ ăn trầu liên tục. Nghe nói, hai Cụ có giao ước gả cho nhau đứa con.
                Bi kịch xẩy ra hôm đó, đúng 27/Tết Bính Thân (27/12/Ất Mùi – 8/2/1956). Trời lạnh, gió thổi mạnh nhưng tạnh ráo. Mới 8 tuổi, đang đói vàng mắt vẫn đầy sự hiếu kỳ của trẻ con nên tôi mò ra phía sác bần (vùng đất nhiễm mặn bỏ hoang, không canh tác được bên bãi Hói Nại của làng Hòa Ninh) để xem xử bắn Ông Nghè và mấy người nữa. Dầu tôi là con địa chủ, nhưng không ai để ý đến cả. Tôi ra đây từ sáng sớm, lần đến chỗ Ông Nghè đang bị trói “cánh khuỷu” là đám mả xung quanh mọc đầy những cơn (cây) dứa dại đầy gây (gai). Ông Nghè vốn đã là người nhẳng (gầy), nhưng hôm nay nhẳng lắm, thân hình lọt thỏm trong bộ áo quần màu nâu nhuộm thẫm rách tả tơi nhiều ngày không được tắm rửa giặt giũ. Nét mặt ông hốc hác tiều tụy, toàn những hốc xương. Ông ngồi đó, cứ run lên do gió quá mạnh giữa đồng không mông quạnh. Tuy hai tay bị trói thế, nhưng người ta vẫn khoác chéo theo vai Ông cuộn chiếu bó tròn chả biết để làm gì ?.
                Không hiểu sao, tôi lấy “bình sinh” đâu ra mà lại chả sợ mình là “con địa chủ” để  lách qua mấy ông “dân quân” tay lăm lăm súng ống đến gần nơi Ông Nghè đang bị giam giữ. Tôi nhìn rõ Ông mồn một trong khoảng cách mấy bước chân, thế mà đờ đẫn ngu dại không cất lên lấy một lời chào Ông Nghè như mọi khi. Không biết Ông có còn để ý rồi coi tôi là quá hỗn không? Trong hoàn cảnh này, tôi không tin là Ông có nhớ ra tôi – Thằng bé con Ả Chắt Tíu!
                  Người ta dẫn giải Ông Nghè ra chỗ để xử bắn. Trước đó mấy ngày, đã đấu tố kịch liệt đủ thứ tội ác do Ông Nghè gây ra từ sự tưởng tượng diệu kỳ của đội Cải cách ruộng đất (chép ra giấy cho những người đấu tố học thuộc lòng để đấu theo bài bản hẳn hoi). Nơi để xử bắn ông, đã đào sẵn 3 hố huyệt và trồng 3 cọc tre để buộc 3 “phạm nhân” khi bắn. Ông Nghè cùng 2 “phạm nhân” nữa bị bắn bỏ hôm nay là Ông Đoàn Yên tuổi còn trẻ lắm, con trai Cụ Đoàn Nghé – Trùm Đạo Công giáo (một chức danh thuộc họ Đạo) có tiếng trong vùng, là em ruột ông Đoàn Dưỡng - Nguyên Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến xã Ninh Trạch (gồm 3 xã sau này là Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Văn). Ông Đoàn Dưỡng khi còn trong kháng chiến chống Pháp, đã bị vu oan phản động, Việt Minh bắt giam và sau đó thủ tiêu mất tích. Một án oan tày liếp dội xuống đầu ông Đoàn Dưỡng và bao thế hệ con cháu cho đến tận ngày hôm nay. Còn Ông nữa đã cao tuổi người Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc; hình như tên là Hồ Tiêu hoặc Lê Huyến (một trong hai người này, cả hai đều bị bắn trước và sau có một ngày, nay tôi không còn nhớ rõ nữa).
                  Cụ Nghè được cởi dây trói là liền bị buộc ngay vào cọc tre. Không bịt mắt, Cụ bị hành hình đầu tiên bằng súng trường của dân quân. Lúc này, tôi sợ nên không theo gần, chỉ đứng xa xa nên không nghe được lời tuyên án nhưng mấy phát súng nổ “đoàng đoàng” thì xé rách cả trời đông của ngày Tết cổ truyền đang sang.
                  Ngày 29/8/2014 (5/8/Giáp Ngọ) vừa xong, cùng dự đám giỗ ông Đoàn Khiển - Người bà con cùng quê quá cố cách đây chẵn 2 năm; khi mấy anh em nhắc đến những chuyện trong thời kỳ CCRĐ, ông Nguyễn Thế Tế - Bạn thân của ông Đoàn Khiển, người anh thân thiết đáng kính của lớp đàn em như tôi, kể lại tường tận những giây phút cuối cùng của Ông Nghè trong cuộc hành hình oan nghiệt ấy mà nay tôi thấy sao nó y trang như mô tả trong bài thơ “Đồng  chí của tôi” của Cố Thi sĩ Văn Cao tôi vừa đọc (do Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu).
 
                Trước khi đọc những gì tôi sắp viết ra, xin được có đôi lời về Cụ Thân phụ ông Nguyễn Thế Tế, vì giữa Cụ và Ông Nghè Cơ Nguyễn Bá Ky có mối quan hệ “đồng chí” từ trước những năm 30 của thế kỷ trước. Cha ông Nguyễn Thế Tế tên là Nguyễn Thư, sinh sau Ông Nghè Cơ Nguyễn Bá Ky 4 tuổi (1900). Hai cụ đều theo học chữ Hán nhưng sự nghiệp lại rẽ đôi đường. Cụ Nghè theo con đường học vấn quan lộ, thi thố đỗ tới “Ông Nghè” (học trường “Quốc tử giám” ở Huế, đậu “Tôt nghiệp” loại “khiêu” (giỏi), được Triều đình nhà Nguyễn giữ lại dạy chữ Hán trong Hoàng tộc). Còn Cụ Nguyễn Thư dùi mài kinh sử lại theo nghiệp gia truyền làm nghề thuốc Bắc, về sau trở thành một thầy thuốc giỏi, nổi tiếng khắp vùng quê tôi. 
 Trước năm 1930, một người tên là Nguyễn Tế (tức Huyên) ở thôn Lũ Phong, Xã Quảng Phong cùng huyện nhà – Sau này là người đứng ra thành lập Chi bộ Đảng CS đầu tiên tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình trước năm 1945; sang vùng Nam Quảng Trạch vận động Cụ Nguyễn Bá Ky và Cụ  Nguyễn Thư tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước chống Pháp. Sau mấy năm, các hoạt động của hai người bại lộ, nên từ năm 1932 đến năm 1935, Cụ Nguyễn Bá Ky và Cụ  Nguyễn Thư bị thực dân Pháp bắt và bỏ tù giam tại nhà lao Đồng Hới. Riêng Cụ Nguyễn Bá Ky về sau (năm 1943) tiếp tục tham gia “Việt Minh” (do chính con rể là ông Đồng Sĩ Nguyên và ông Nguyễn Trản (em ruột ông Nguyễn Tế) giới thiệu). Cụ là người tự phá câu đối thờ trong nhà mình để lấy vải may cờ đỏ sao vàng tổ chưc cướp chính quyền ở phủ Quảng Trạch (Ba Đồn). Một việc “đại tối kỵ” như vậy nhưng vẫn phải hy sinh vì Cách mạng. Thắng lợi, Cụ Nghè được phân công làm Chủ nhiệm Việt Minh xã Vĩnh Trạch (tức xã Quảng Lộc bây giờ). Đến năm 1948, Cụ Nguyễn Bá ky là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
         
Quay lại câu chuyện của ông Nguyễn Thế Tế trong đám giỗ. Ông Tế nói rằng, vì giữa cha mình với Cụ Nghè Cơ có mối quan hệ khá đặc biệt như vậy, nên ông đã cố len được lên hàng người đầu tiên để xem cho thật rõ những gì sắp diễn ra đối với người bạn thâm hậu của cha mình. Ông Nguyễn Thế Tế sinh năm 1939, thời CCRĐ mới chỉ là một “thiếu niên” (16 tuổi), nên chen chúc vẫn là thuân lợi. Với trí lực và trái tim của tuổi 16 đầy nhạy cảm, hình như điều này còn nguyên vẹn trong đáy sâu tâm khảm dầu nay ông đã trên 70 tuổi; nên ông Nguyễn Thế Tế nhớ rành rọt để kể lại những chi tiết thật hãi hùng với cảm xúc lớp lang như trong phim của các đạo diễn có tài mới dàn dựng nổi. Ông Tế kể, người trực tiếp ôm khẩu súng trường sắp sửa bắn Cụ Nghè tên là Nguyễn Khuyển (Nghĩa đen là "Nguyễn Chó", sau này làm trưởng Công an xã Quảng Hòa thì đổi tên thành Nguyễn Khuyến - Cùng tên Nhà thơ lớn VN), nhà ở cùng thôn và hình như còn có chút họ hàng với Cụ Nghè (đều họ "Nguyễn"). 
 Trước mặt ông Khuyển, Cụ Nghè bị buộc chặt vào chiếc cọc tre da còn nguyên xanh thẳng đuột, mặt rũ rượi dán xuỗng đất, dường như cụ không còn biết việc gì đang diễn ra xung quanh mình nữa. Tên Khuyển này cũng ngắm nghía kỹ càng trước khi bóp cò súng, nhưng viên đạn đầu tiên “đoàng” một cái lại chạy sượt vào phía ngoài bả vai bên trái Cụ Nghè. Máu chảy. Bừng tỉnh. Cụ cố dồn hết sức trong người để hất được mặt lên nhìn thẳng về phía tên bắm mình rồi bất thình lình hô lớn 3 lần rành rọt, không lẫn bất cứ lời nào: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Tên Khuyển không chịu thua, hắn cũng dồn sức bóp cò và những phát đạn tiếp sau đều trúng hồng tâm Cụ Nghè. Mỗi phát đạn, tên ác ôn này nghiến răng há mồm hô lớn đáp trả theo thế “thượng phong” trước thân hình nhàu nát của Nhà Cách mạng - Cha chú của nhiều đảng viên Đảng CS trong họ tộc, trong xã, trong huyện, trong tỉnh và cả trên Trung ương nữa: “Muôn năm này! Muôn năm này! Muôn năm này! Muôn năm này!...”. Ông Tế nói nó hô khoảng 5 - 6 lần!
      Chép đến đây, nước mắt lưng tròng. Tôi không thể nào gõ được máy tính nữa. Khổ thân Ông Nghè quá Ông ạ! (17 giờ 17’ ngày 12/9/2014 – Ngày đang có cuộc Triển lãm đầy trớ trêu của Bảo tàng lịch sử quốc gia VN đối với nước mắt Cụ Hồ và hàng trăm nghìn linh hồn oan khiên của CCRĐ: “Cải cách ruộng đất 1946-1956″).
                  Hạ sát xong mạng sống của Nhà Cách mạng tiền bối ĐCS và Nhà nước VNDCCH trên miền Bắc vừa hòa bình, một đứa trong đội CCRĐ cầm rạ (con dao rựa) đến phía sau xác Cụ Nghè – Lúc này thân xác Cụ đã khuỵu xuống. Hắn dơ cây rạ định chặt vào dây trói cho đổ xuống, nhưng láu táu thế nào mà chặt không trúng lạt buộc, lại trúng ngay hai cẳng tay lẫn bàn tay Cụ. Máu từ hai cẳng tay và bàn tay lại ròng ròng chảy tiếp nhuộm đỏ cột tre và phần đất phía sau lưng Cụ.
                  Thêm mấy nhát rạ nữa, xác Cụ Nghè mới đổ sấp xuống. Tên cầm cuốc xỉa 5 răng, loại cuốc chuyên cuốc đất thịt ruộng khô và vun vồng khoai lang, đứng chực sẵn đó từ trước liền bổ vào cổ Cụ Nghè rồi lôi xệch xác xuống hố huyệt gần đó. Cái xác rơi nghe “bịch” xuống đáy hố, không cần biết sấp hay ngửa, mấy đứa liền cào đất vùi chôn Cụ Nghè như vùi chôn con súc vật thối tha bệnh hoạn có nguy cơ gây lây lan đại dịch chết người.
                  Hành động ghê người này, diễn ra vào những ngày “năm cùng”, “tháng tận” – 27 Tết Nguyên Đán, chỉ có thể trong phim ảnh dàn dựng thôi chứ làm sao lại có thể diễn ra thật tự nhiên và bình thường thời đó trên mảnh đất quê tôi vốn hiền hòa, yên lành của làng, của xã có tên thật mỹ miều, cao đẹp, đầy nhân văn: “Hòa Ninh”, “Hợp Hòa”, “Vĩnh phước”, “vĩnh Lộc”, “Quảng Hòa”…? Thật trớ trêu thay. Nhưng đó là 100% sự thật !
                  Ông Nguyễn Thế Tế còn cho biết, về nhà ông liền kể lại từ đầu chí cuối cuộc hành hình Cụ Nguyễn Bá Ky vừa xẩy ra cho Bọ (cha) mình nghe. Ông cụ đau buồn lắm. Ông Tế không quên hỏi Bọ: “Sao Bác Nghè lại bừng tỉnh khi trúng đạn rồi đột nhiên hô to 3 nần: “Hồ Chủ tịch muôn năm”? Cụ Nguyễn Thư trả lời con trai: “Có khi ôông (ông) ấy hô cho con”(?). Dầu đã nghe cha trả lời rành rọt thế, nhưng suốt mấy ngày sau đó và nhất là nhiều năm sau này, ông Nguyễn Thế Tế luôn có ý nghĩ  trong lòng: Cụ Nghè đến phút cuối cùng bị người của chính quyền CS giết vẫn tin vào cuộc Cách mạng của Ông Hồ chăng?
                Mấy năm sau khi người bạn cũng là "đồng chí" cùng ngục tù của mình bị giết hại ấy, đến thời kỳ xây dựng HTX hóa nông nghiệp trên miền Bắc XHCN, Cụ Nguyễn Thư  (bà con tôn sùng kính trọng thường gọi là “Thầy Chắt Thư”), vẫn còn khỏe mạnh sung sức nhưng nghề “thầy thuốc chữa bệnh cứu người” rất tâm huyết bấy lâu của Cụ cũng tức tưởi bị bức tử. Ông trở thành người cày ruộng cho đến trọn đời (Cụ mất ngày 26/3/1985 – 6/2/Ất Sửu)...Đúng là tình bằng hữu quê hương cũng như tình đồng chí, bạn tù gắn bó các cụ ngay cả khi số phận hai người gặp bước điêu linh nhất của cuộc đời.
                Ý nghĩ của riêng tôi, nay được đọc bài thơ “Đồng  chí của tôi” của Cố Thi sĩ Văn Cao; có lẽ cách hiểu về lời tung hô muôn năm lãnh tụ của Cụ Nghè sẽ như bài thơ giải bày là đúng nhất…
                Xin phép Hương hồn Cố thi sĩ Văn Cao, được chép nguyên văn bài thơ độc đáo này vào phần cuối bài viết của tôi để bạn đọc cùng chia sẻ.

ĐỒNG CHÍ CỦA TÔI
Người ta các đồng chí của tôi
Treo tôi lên một cái cây
Đợi một loạt đạn nổ
Tôi sẽ dẫy như một con nai con
Ở đầu sợi dây
Giống như một nữ đồng chí
Một anh hùng của Hà Tĩnh
Tôi sẽ phải kêu lên
Như mọi chiến sĩ bị địch bắn
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Vẫn còn là một đảng viên
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam
Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ
đã nuôi cách mạng
Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi
dẫy chết
Có mẹ tôi
Ba lần mang cơm đến nhà tù
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi
Tôi sợ các cụ già không sống được
Bao năm nữa
Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa
Của chúng ta.
Chết đi mang theo hình đứa con
Bị bắn
Tôi sợ các em còn nhỏ quá
Sẽ nhớ đến bao giờ
Đến bao giờ các em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị treo trên cây
Bị bắn
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi…
Nước mắt lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Đảng Lao động…
                                              (1956)
           Hà Nội, 21 giờ 20' ngày 12/9/2014

Thơ điếu cụ Nghè năm 1956
THƠ ĐIẾU ÔNG NGHÈ CƠ CỦA CỤ  MINH SƠN HOÀNG BÁ CHUÂN
Cụ Hoàng bá Chuân người Làng Minh Lệ thân sinh Anh Hoàng thúc Tấn,Hoàng quý Thân , Hoàng  hữu Cương là bạn học với Sinh, Đình

 Kháng chiến cùng nhau quyết một lòng
Suối vàng hởi bạn nhớ hay không ?
Chết rồi mới gọi hồn non nước
Sống lại càng căm nợ núi sông
Hội giữa hoà bình làn sóng bạc
Người trong cải cách nhẹ lông hồng
Thôi tạm đợi toà công lý
Những kẻ tham tàn luật chẳng dung
                                               Năm 1956



Tiểu sử tóm tắt của cụ Nghè Cơ Nguyễn Bá Ky

 March 16, 2013

           Tiểu sử tóm tắt của cụ Nghè cơ Nguyễn Bá Ky
1-    Xuất thân và với quê hương
Theo Nguyễn Tộc Đại tôn phổ ký của cụ Nguyễn Tri Ân là trưởng họ (đời thứ 14) ghi lại thì cụ Nghè Cơ là hậu duệ đời thứ 13 của tả phó tướng quân Nguyễn Chiêm (chi 2).
Cụ sinh ngày 12 tháng 07 năm Bính Thân tức ngày 20 tháng 08 năm 1896, có tên là Nguyễn Bá Thâm sau đó đổi là Nguyễn Bá Ky có bút hiệu là Hoài Trân.
Vốn xuất thân trong một gia đình nhà nho và được gia đình cho đi học chữ Hán, khi chữ Hán không được trọng dụng thì cụ lại được vào học tại trường Quốc Tử Giám tại Huế. Cụ tốt nghiệp loại KHIÊU (giỏi) nên được chọn vào dạy học con em Hoàng tộc trong thành nội và được phong bài ngà “ Hàn Lâm Viện kiểm bộ”. Sau đó cụ được bổ làm thừa phái được 5 năm rồi , bị cách chức về quê.
Cụ Nghè về làng, ngoài việc chăm lo đồng áng dạy dỗ con cháu, cụ cùng với các cụ ở trong làng chăm lo tu sửa xây dựng đình làng, miếu thờ Thành Hoàng làng Vĩnh Lộc còn lưu lại cho đến ngày nay.
2-    Quá trình tham gia hoạt động cách mạng
–         Năm 1943 tại nhà ông Giám Vọ (bố đẻ của GS Nguyễn Đinh Cống) làng Lũ Phong (nay là xã Quảng Phong), phủ ủy Quảng Trạch mời Cụ tham gia Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Phủ Ủy lúc bấy giờ.
Với tư cách là Việt Minh làng Vĩnh Lộc, Cụ đã mời một số thân hào thân sỹ tham gia Việt Minh quyên góp tài chính ủng hộ Việt Minh và cùng một số thanh niên trong làng mua sắm vũ khí thô sơ, may cớ đỏ Sao vàng chuẩn bị khởi nghĩa.
–         Khi thành lập xã Vĩnh Trạch, Cụ được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh đồng thời là thẩm phán tòa án huyện Quảng Trạch (năm 1946)
–         Năm 1947, quê nhà bị Pháp chiếm đóng, cụ thóat ly gia đình lên chiến khu Trung Thuần tham gia Kháng chiến làm trưởng ban Quản lý trại Trầm Hèo là nơi tập họp những người trong vùng bị chiếm lên chiến khu.
– Cụ là Đảng viên Đảng CS năm 1947.
–         Năm 1948 là Chủ tịch mặt trận Liên Việt huyện Quảng Trạch
–         Năm 1948-1952 là Ủy ban Kháng Chiến hành chính huyện Quảng Trạch
–         Năm 1953-1956 là Ủy viên Ủy Ban Mặt Trận Liên Việt tỉnh
–         Năm 1956 bị xử oan trong Cải cách ruộng đất
3-    Tác phẩm  văn chương:
-Câu đối mừng gia đình Cụ Đinh Kế Nhậm còn lưư lại đến nay.
-Bút tích câu đối tại miếu thờ thành hoang làng Vĩnh Lộc.
-Hoành phi “ THIỆU GIA PHONG “ hiên còn lưu lại bút tích duy nhất của ông Nghè (nguyên bản) tại nhà thờ do ông Nguyễn Lảng lưu giữ sau CCRĐ.
-Câu đối do cụ Nghè sáng tác năm 1940 :
          Hiếu nghiĩa tương truyền VĨMH  tích dị loại
Thi thư tố giảng  LỘC  tại kỳ trung
Do các con cháu phục chế tại Hà nội
Cụ có một tập thơ chữ Hán và chữ nôm đã bị thất lạc.Tuy nhiên một số bài thơ hay con cháu còn nhớ và truyền lại
Trong do có bà thơ rất hay :
Nhớ nhà sáng tác năm 1947 tại Trung Thuần
Thơ tặng cụ Trần Thừa ở Làng Lệ Sơn năm 1946
4-    Khen thưởng
–         Huân chương Kháng chiến Hạng 3 năm 1962
–         Cán bộ tham gia Cách mạng trước ngày 01/01/1945 theo QĐ số 680 ngày 14/06/2012 của Tỉnh Ủy Quảng Bình.
–          
5-    Gia đình:
Đời Cụ Nghè gian truân : 3 lần vợ mất sớm , 4 lần cưới vợ.
*Bà Trần Thị Lê quê ở Huế có 2 con (sinh đôi)  cùng mất  với bà lúc mới sinh năm 1917.
*Bà Phạm Thị Luyến quê ở Làng Văn Phú mất năm 1925 sinh được 2 người con
*Bà Phạm Thị Yến quê ở làng Văn Phú mất năm 1947 sinh được 6 người con
*Bà Lưu Thị Yêm quê ở Làng Cao Lao Hạ mất năm 1989 không có con nhưng có công nuôi con chồng ăn học thành tài.
Con : Cụ sinh hạ được 8 người con ( 5 trai, 3 gái)
1-Nguyễn thị Toàn (1922-2012) Việt kiều Tại Đức có 4 con nhiều cháu chắt ở Đức ,Mỹ ,Pháp (có 2 lần các cháu về thăm quê và bà con ở Vĩnh Lộc)
2-Nguyễn Bá Linh (1925-1947) .Có con là Nguyễn Kim Ninh trú tại 49 Võ Thị Sáu , thành phố Phan Rang Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận.
Nguyễn Kim Ninh ,Vơl là ….Nguyệt sinh ha 6 con : Nhân ,Hoà, Hưng ,Thịnh ,Bình, Xuân.
3-Nguyễn thị ngọc Lan sinh năm 1928 có 6 con ,10 cháu,2chắt.
4-Nguyễn thị Kim Cúc sinh năm 1934 có 4 con ,8 cháu, 1 chắt
5-Nguyễn Bá Sinh sinh năm 1938 có 3 con ,6 cháu.
6-Nguyễn Bá Đình sinh năm 1940 có 5 con , 6 cháu.
7-Nguyễn Bá Trinhh sinh năm 1942 có 2 con , 3 cháu.
8-Nguyễn Bá Hinh sinh năm 1947 hy sinh năm 1969
( phân mộ đã được gia đình va địa phương quy tập về nghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Hoà).
Tổng số : có  25 cháu  và  52 chắt.
Tài liệu tra cứu:
  1. Gia phả họ Nguyễn, bản viết tay của cụ Nguyễn Tri Ân
  2. Lý lịch Đảng viên của Nguyễn Bá Sinh, Nguyễn Bá Đình có xác nhận của Đảng Ủy xã Quảng Hòa ký ngày 04-03-1980.
  3. Hồi ký cách mạng của anh Đồng Sỹ Nguyên do nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2007.
  4. Hồ sơ lưu của Đảng Ủy xã Quảng Hòa về Người có công ngày 01/04/2005
  5. Hồ sơ lưu của Đảng Ủy xã Quảng Hòa về Người có công ngày 23/03/2010
  6. Biên bản xét công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945 của huyện ủy Quảng Trạch ngày 22/04/2010.
Nơi đào tạo Cụ Nghè Cơ Nguyễn Bá Ky

Trường Quốc Tử Giám
Tên khác: Đốc Học Đường
Vị trí: trong kinh thành Huế
Xây dựng:1803 (tại An Bình), 1908 (vị trí hiện nay)
Đời vua: Gia Long, Duy Tân
Tình trạng: còn nguyên vẹn

Chức năng: Trường quốc học triều Nguyễn

Quốc Tử Giám 國子監
Quốc Tử Giám (chữ Hán: 國子監) ở Huế, nay là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện ở số 1 đường 23 tháng 8, thành phố Huế (Việt Nam). Đây là di tích trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại ở Việt Nam[1], và là một di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cao. Ngày 11 tháng 12 năm 1993, Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới.

Năm 1803, vua Gia Long xây dựng Đốc Học Đường tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương. Đây được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía Đông Nam Hoàng thành (tức vị trí hiện nay).


Quốc Tử Giám trước đây thuộc địa phận làng An Bình, giáp với làng Long Hồ Hạ, huyện Hương Trà, thành phố Huế là trường Ðại học quốc gia ngày xưa do triều đình mở ra để đào tạo nhân tài. Ở nước ta, Quốc Tử Giám đầu tiên đã được thành lập vào năm 1076 tại Kinh đô Thăng Long dưới thời Lý. Ngay từ đầu nó đã có tên gọi là Quốc Tử Giám và từ đó về sau nó vẫn giữ nguyên vị trí ở kinh đô Thăng Long, trong khuôn viên Văn Miếu Hà Nội ngày nay.


Đến đầu triều Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã quyết định xây dựng kinh đô tại Huế. Năm1803, vua Gia Long xây dựng Đốc Học Đường - đây được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Trường được xây tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương.


Thời Gia Long, qui mô kiến trúc của trường còn nhỏ, chỉ gồm một tòa chính ở giữa và hai dãy nhà hai bên, dùng làm chỗ để quan Chánh, Phó Đốc Học giảng dạy.


Tháng 3 năm 1820, vua Minh Mạng cho đổi tên thành trường Quốc Tử Giám. Lúc này Quốc Tử Giám được phát triển to lớn hơn. Quốc Tử Giám tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiếp sau đó.

Năm 1821, vua cho dựng tòa Di Luân Đường, một tòa giảng đường và hai dãy nhà học hai bên Di Luân Đường, mỗi dãy 19 gian phòng học, làm chỗ cho sinh viên đọc sách, làm bài.

Bia trước Quốc Tử Giám - Huế
Đến thời vua Tự Đức, trường được tiếp tục xây dựng và mở mang thêm. Năm 1848, xây thêm tường bao bọc và dãy cư xá, mỗi bên 2 gian. Trường cũng mở thêm 2 cửa nhỏ hai bên để sinh viên ra vào. Vì lúc bấy giờ cả nước chỉ có một trường Quốc Học nên tập trung một lượng sinh viên về học rất đông. Một lần ghé thăm trường, vua Tự Đức đã làm một bài văn gồm 14 chương để răn dạy và khuyến khích sinh viên học hành. Toàn bộ nội dung bài văn này được khắc vào tấm bia dựng trước sân trường. Do trận bão năm Giáp Thìn (1904), trường bị hư hỏng nặng, nhưng sau đó, trường được phục hồi.

Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía Đông Nam Hoàng thành (tức vị trí hiện nay). So với kiến trúc cũ, Quốc Tử Giám mới được xây dựng mới thêm nhiều công trình phụ, trong đó, kiến trúc cũ của Di Luân Đường được giữ nguyên. Hai bên là hai dãy phòng học vẫn như cũ và cư xá sinh viên; phía sau trường, ở giữa là tòa Tân Thơ Viện, hai bên là nhà ở của quan Tế Tửu, Tư Nghiệp (hiệu trưởng, hiệu phó) và các viên chức khác của trường. Trong số các công trình kiến trúc này, Di Luân Đường, Tân Thơ Viện và tòa nhà dành cho vị Tế Tửu Quốc Tử Giám ở là những công trình kiến trúc gỗ theo phong cách truyền thống có giá trị nghệ thuật cao (Tân Thơ Viện, Di Luân Đường đều có nguồn gốc từ các công trình kiến trúc của Cung Bảo Định). Năm1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo Tàng Khải Định nên trường Quốc Tử Giám phải lập một thư viện mới mang tên Thư Viện Bảo Đại ở phía sau Di Luân Đường.
 
Năm 1945, sau khi triều đình nhà Nguyễn chấm dứt vai trò lịch sử của mình, Quốc Tử Giám cũng không thay đổi kiến trúc kể từ đó đến nay.

Dù đã chấm dứt vai trò của mình, thế nhưng trường Quốc Tử Giám đóng góp hết sức to lớn trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước, là nơi lưu lại dấu chân của hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn. Cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quốc Tử Giám Huế đã đóng góp công sức của mình trong việc đào tạo ra những nhân tài của đất nước và phản ánh một thời kỳ của lịch sử. Kể từ khi Quốc Tử Giám Huế ra đời đến nay, nền giáo dục đại học ở Huế đã có lịch sử gần hai thế kỷ.Tuy nhiên, trong lịch sử, việc dời Quốc Tử Giám vào Phú Xuân (Huế) đồng nghĩa với việc chấm dứt việc thi Hội - Đình tại Thăng Long.

Quốc Tử Giám hiện nay còn khá nguyên vẹn, và khá may mắn so với một số công trình khác trong quần thể di tích cố đô Huế.

  Bài viết dựa trên bài Quốc Tử Giám của trung tâm Bảo tàng di tích cố đô Huế http://www.hueworldheritage.org.vn
· Hồ sơ di tích, phòng tư liệu của trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế - sách của Thư Viện Tỉnh Thừa Thiên Huế - Xuất bản năm 2003.
· Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, bản dịch Viện Sử học, H.: Nxb. Giáo dục: 48.
· Huế di tích lịch sử văn hoá danh thắng - NXB Thừa Thiên Huế - xuấn bản năm 1995.



SAU CƠN MƯA

1. Thạc sĩ Nguyễn Bá Sinh



2. Tiến sỹ Nguyễn Bá Trinh sinh năm 1944 tại xả Quảng Hoà,huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, con của cụ Nghè Nguyễn Bá Cơ và bà Phạm Thị Yến. Cụ nghè Nguyễn Bá Cơ sinh năm 1896 , ấm sinh trường Quốc tử giám Huế, đậu khiêu, là gia sư trong triều Huế, trực tiếp dạy Bảo Đại hồi còn nhỏ. Thời niên thiếu TS Trinh học ở quê nhà. Trong kỳ hết cấp I (tiểu học) đổ thứ nhất, trong kỳ thi vào cấp II ( lớp 5 , hệ 10 năm ) đổ thứ nhì trong toàn huyện. Năm 1960 đạt giải nhất về toán trong toàn tỉnh Quảng Bình. Học tại khoa Hoá học trường Đại học Tổng hợp (1964 - 1969). Năm 1970-1976 làm việc tại Viện Khoa học kỷ thuật Nông nghiệp Việt Nam. Năm 1977 - 2006 làm việc tại Viện Hoá học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.


Năm 1988 nhận bằng tiến sỹ tại Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm 1989 du học: Nga, Bungari, Đức, Ba Lan. Năm 1998 trao đổi khoa học tại Nhật Bản. Lĩnh vực nghiên cứu: Hoá sinh - Tiến hoá phân tử, Hoá học - Công nghệ xử lý nước. Đã có hàng trăm công trình khoa học công bố trong nước và nước ngoài.

                      




 GẶP MAY
    
Hồi Ký của Ths. Nguyễn Bá Sinh

 Năm 1952, khi trường Thiếu sinh quân liên khu 4 giải thể, tôi từ Hà tĩnh trở về  học tiếp lớp 6 ở trường phổ thông cấp 2 Quảng trạch. Quân Pháp đang đồn trú ở Thanh khê, Ba Đồn, hằng ngày ca nô chở đầy quân lính ngược dòng sông Gianh lên càn quét, máy bay ban ngày oanh tạc khắp huyện. Quê tôi là vùng du kích tranh chấp giữa Viêt minh và quân đội Pháp.
Cả huyện Quảng trạch chỉ có một trường cấp 2 đóng ở vùng núi làng Tùng Chất và Quảng Châu. Chúng tôi phải mang ngô khoai gạo ở trọ, tự thổi nấu để ăn học, 3 anh em . 
Tôi, Nguyễn thiên Thụ và Đinh Hữu Hồ .chúng tôi đều là bà con họ hàng sống với nhau từ bé ở quê nên rất hiểu nhau và thương yêu nhau. Hàng ngày phải ra chợ mua thức ăn : nước mắm,cá mắm và dưa muối ở hàng Bà Khôi (thực ra tôi không biết tên bà, nhưng bà là mẹ anh Khôi học trên tôi một lớp nên gọi  là bà Khôi (tên con)) cho tiện. Mua nhiều lần hóa ra quen và biết là bạn học của con nên bà bán rẻ hơn và đôi khi mua chịu.
Lớp học chúng tôi là một cái lán lợp tranh lụp xụp dưới chân đồi, “ bốn mùa không liếp che ! gió về ” .Bàn ghế là mấy thanh củi bằng bắp chân kê lên ,trên đặt mấy tấm ván làm bàn,còn ghế ngồi thì người ta buộc cây tre dài hoặc thanh củi.
Phải học ban đêm để tránh máy bay (7 giờ tối đên độ 11 giờ đêm) chiếu sáng bằng đèn dầu lờ mờ. Học sinh có 45-50 người ,lứa tuổi chênh lệch nhau khá nhiều. Có anh đến 30 tuổi , có vợ và con.
 Anh Pham Quắc làm chủ tich xã vẫn học cùng lớp .Trong lớp có 2 nữ sinh : chị Hiến đã ngoài 20, Huê Mỹ tuổi 16 cả hai đều ở làng Cảnh Dương. Chúng tôi nhỏ tuổi nên được thầy bố trí ngồi gần con gái .Bàn trước là chị Hiến, Huê Mỹ và Trinh (cận thị), phía sau đó là Thụ (ngồi sau chi Hiến) , Hồ ngồi giữa và tôi ngồi phía ngoài.
Cả tôi và Thụ đều học giỏi (đứng đầu lớp), Hồ thì thông minh nhưng phải tính hơi lười, khi làm bài hay quay cóp. Thụ nó ghét có lần nó cho Hồ bớp tai. Nên Hồ đổi chỗ cho tôi vào ngồi giữa, như vậy là tôi ngồi phía sau lưng Huê Mỹ.
Qua trò chuyện tôi biết Mỹ là con gái Bác Nhượng cùng công tác với cha tôi ở Uỷ ban Kháng chiến hành chính huyện năm 1948-1949. Mỹ là một cô gái dáng cao cao, có nước da trắng hồng, đôi mắt sáng hiền từ , ăn nói nhẹ nhàng và dễ thương.
Tuy học cùng lớp nhưng ít trò chuyện với Mỹ, tối đến lớp học đến khuya đói bụng và thì giờ đâu mà nói chuyện.Thỉnh thoảng Mỹ có nhờ tôi làm giúp một số bài toán khó.
Đầu năm 1954 , chúng tôi đã lên học lớp 7, máy bay Pháp ném bom xuống làng Pháp Kệ giết chết thầy Lương duy Khánh dạy văn (hiệu trưởng). Các giáo sư có  thầy Nguyễn Duy Khuyên (dạy sử địa), thầy Hồng dạy toán thì ốm phải đi nằm bệnh viện. Gia đình tôi lại gặp khó khăn nên bỏ học. Mẹ của Mỹ qua một trận ốm nặng và qua đời. Mỹ rồi cũng thôi học.

Sau thôi học tôi trở thành lao động chính trong gia đình : cậu (cha) dì (mẹ kế) đã già yếu,các em Đình, Trinh, Hinh còn bé. Tôi lo việc đồng áng cày bừa, chặt củi, đắp bờ, tát nước, đơm nò mợng để kiếm tôm cá . Cuộc sống tạm tạm ổn.
 Một buổi chiều tôi đi chăn bò ngoài đồng, lúc đó một chiếc máy bay màu trắng bay rất thấp từ biển lao vào , tôi nhìn rõ phi công trong khoang máy, tôi nằm xuống nấp bên bờ ruộng ...theo phản ứng quen thuộc. Nhưng nó không ném bom... mà cũng không bắn ... nó rải từng bó giấy ,trắng xoá khắp cánh đồng... truyền đơn...truyền đơn....Đại ý như sau:
“Hởi quân sỹ Việt Minh . Hiệp định Genève đã ký kết.Quân đội viễn chinh Pháp sẻ ngưng bắn từ hôm nay.Yêu cầu phía VM cũng ngừng bắn để tránh đổ máu ...”
Tôi reo lên : ngừng bắn,ngừng bắn...ngừng bắn ,giặc Pháp sẻ rút hết,nước ta độc lập. Cầm một nắm truyền đơn chạy về nhà khoe với cậu.Cha tôi mừng lắm.Như câu thơ của Ông đã viết năm 1947
 “Độc Lập rồi đây vui sướng nhỉ
Còn non còn nước ,chúng ta còn ”
    Nhưng có ai ngờ ?  Mùa đông đến  : Cải cách ruộng đất. Cách mạng long trời lở đất.
Gia đình tôi tan nát : Cha bị giết một cách dã man. Tôi và Đình bị du kích bắt trói nhiều lần, nhà cửa ruộng vườn bị tịch thu, em phải đi ăn xin và đi ở thuê mỗi đứa một nơi. Cuộc đời thế là hết...Tuyệt vọng !!! Thế là hết .Chấm hết.
        Lo sao cho ngày kiếm được bữa ăn cả 4 anh em không chết đói. Không, không một giây phút nào còn nghĩ đến học hành.
       Thời gian đã trôi đi. Cuối 1956 nghe nói là Cải cách ruộng đất có sai lầm nghiêm trọng.Dư luân dân chúng bàn tán nhiều.Tôi có viết đơn kiện lên Tỉnh uỷ Quảng Bình về viêc giết cha tôi (tỉnh uỷ có trả lời : đang xem xét). Tôi lại viết thư kêu cứu đến chị tôi và anh rể ở Hà nội, chị tôi có gửi cho tôi thư an ủi các em và cho 5 đồng (bằng 12 Kg gạo). Anh rể tôi có cho người về tìm anh em tôi .nhưng không gặp, vì anh em tôi đã li tán.
Tôi lại gửi thư cho chị một lần nữa :nhờ anh chị xin cho tôi đi làm một việc gì (kiếm ăn), nuôi em hoặc đi học. Trong đêm tối đã có một tia sáng yếu ớt. Một hy vọng mong manh !!! 
          Tôi nhớ đến cái học bạ cấp 2 khi thôi học tôi chưa lấy về (hồi ấy không có bằng tốt nghiệp chỉ có học bạ là đủ).
Phải đến trường để nhận học bạ, lúc này trường đã dời về Cảnh Dương gần nhà của Mỹ. Từ làng tôi đến Cảnh dương khoảng 25 Km, đi bộ mất 5-6 giờ. Và tôi quyết định ra đi.
Dậy sớm,xuống Cửa Hác, lên đò sang Ba Đồn. Ghé qua nhà Anh Khương để xin hoặc vay thêm vài đồng để đi đường ,vì trong túi tôi chỉ co 2-3 đ chi đó thôi. Vào nhà,anh Khương nhờ giúp một vài việc : bổ củi ,dọn dẹp đồ đạc.rồi anh bảo ở lại ăn cơm. Anh còn bảo tôi ở thuê trong nhà làm viêc cho anh.
  Tôi chưa trả lời, ăn cơm xong đã trưa, tôi chào anh  ra đi , quên vay tiền. Đi bộ theo quốc lộ1, đường sá lam nham các hố đào phá đường trong kháng chiến san lấp chưa xong. Đường xa, mỏi chân. Qua làng Xuân kiều, Hoà Bình, Mũi Vích rồi đến làng Di lộc,Di Luân , Cầu Roòn đã quá chiều , phải ngủ lại. Bụng đói, mệt lắm. Rẽ phải đi xuống làng Cảnh dương, vào chợ đầu làng, chợ đã gần tan. 
Như định trước tôi cố tìm Bà Khôi để bà “bán hay cho”  cái gì đó ăn qua bữa, ngủ thì sẵn cái lều chợ (không tranh chấp)  đẹp hơn cái lều mà 4 anh em tôi chui rúc cả năm nay. Tìm mãi chẳng thấy bà Khôi đâu cả , tôi thấy lo và buồn .
      Quay ra đầu chợ,trời đã nhá nhem, thì may quá từ đầu dãy hàng xén. Mỹ đang dọn hàng . Ôi ! may quá ! tôi gặp lại Mỹ. Cô nàng bây giờ rắn rỏi hơn. Chiếc áo màu nâu gụ, tôn nước da trắng của nàng. Trên mái tóc còn chiếc vành khăn trắng tang của Mẹ...Mỹ cười,hỏi thăm tôi tình hình từ lúc nghỉ học,thấm thoắt đã 2 năm. Tôi cũng kể sơ qua về hoàn cảnh cơ cực của mình.Mỹ an ủi :

-Mọi việc qua rồi ,thôi Sinh cố gắng lên.
-Sinh ra đây để nhận học bạ cấp 2, đang nhờ xin ra Hà nội đi làm hoăc học.
-Bây giờ đã tối, Sinh theo mình về nhà, ăn cơm tối nghỉ lại. Mỹ sẽ giúp Sinh gặp thầy Võ Tá Ty hiệu trưởng xin lại học bạ.
 Theo sau Mỹ với gánh hàng về nhà. Nhà khá đẹp, cách biển không xa. Gió chiều lồng lộng.Và ở đây lại gặp bà Khôi, người tôi đang tìm. Bây giờ tôi mới biết, sau khi mẹ qua đời bố Mỹ đã làm bạn với bà Khôi.
         Mỹ dọn cơm cho tôi ăn, trong mâm có cá thu, rau và bát nước mắm Cảnh dương.Có bữa cơm ngon trong lúc đói, thật là sung sướng.
    Tối hôm đó Mỹ đưa tôi gặp thầy Ty, nhà thầy ở sát bên cạnh .Thầy Ty đeo kính cận nặng vui vẻ tiếp tôi.
-Thưa thầy em là học sinh lớp 7 năm 1954 em đã học xong học kỳ1 thì nghỉ học.Nay xin thầy cho em nhận học bạ.
-Thầy hỏi họ và tên tôi rồi mở tủ.Từ trong đó thầy lôi ra một chồng học bạ. Không vất vả lắm , quyển học bạ tôi màu nâu đen nhìn thấy ngay. Mừng quá,đó là kết quả 7-8 năm ăn học của tôi đã tìm thấy.
Thầy giở học bạ ra xem, gật đầu , thầy nói :
-Em là học sinh giỏi của trường.
Đêm hôm đó tôi ngủ trên một sập gụ kê ở gian ngoài, mùa hè,gió biển man mát, ăn no , đã nhận học bạ, gặp bạn tốt.Tôi thấy phấn chấn, đỡ buồn.
Nhờ có học bạ tôi đã được nhận thẳng (do anh Nguyên xin)vào học trường Cao đẳng giao thông công chính Hà nội (khoá 8).
Từ đó 5-6 năm sau tôi không gặp lại Mỹ, tôi có hỏi Anh Diệp  người Cảnh dương cùng học ở Hà nôi, được biết Mỹ đã lấy chồng, anh ấy tên là Phượng, đang hoc Đai học ở Moskva. Nghe nói Mỹ đã ra HN học ĐH bách khoa nhưng tôi chưa gặp.
Thời gian cứ trôi đi, mỗi đứa đã trưởng thành và có gia đình riêng. Sự kiên trì và cố gắng của mình đã có kết quả : Tốt nghiệp Đại học, cao học thành thạc sỹ.Từ năm 1971 liên tục được đề bạt tổ trưởng, phó, trưởng phòng, trở thành một cán bộ “hồng thắm chuyên sâu” là phó giám đốc một CôngTy Thiết Kế lớn ở Hà nội.
Trong một buổi hội thảo tiếp thị về máy xây dựng của Cộng hoà liên bang Đức, tôi tham dự với tư cách là khách mời. Các Kỹ sư người Đức giới thiệu nhiều loại máy, công nghệ xây dựng xong, đến mục thảo luận, phát biểu ý kiến của khách.
Tôi  đứng lên chất vấn : một vài tính năng, công suất, tiêu hao nhiên liệu, tôi hỏi tỷ mỷ từng loại (mà tôi đã có kinh nghiệm khi nghiên cứu các máy xây dựng do Nga chế tạo). Không ngờ những câu hỏi được thuyết trình viên và mọi người chú ý.
Giờ nghỉ , một phóng viên báo Đầu tư đến gặp tôi, anh trao cho tôi danh thiếp , hỏi thêm vài chi tiết để viết bài cho báo và hẹn gặp laị tôi .
Nghe tôi nói dọng miền Trung. Anh hỏi
-Anh quê ở Hà tĩnh hay Nghệ An ?
-Tôi quê ở Quảng Bình
-Huyện nào ?
-Quảng trạch
-Trước đây anh học trường nào?
-Trường cấp II Quảng trạch
-Anh có biết cô Mỹ không ?
-Mỹ con ông Nhượng à ?
-Đúng
-Tôi là chồng của Mỹ đây.
-Ồ! anh là Phượng
Nhận ra  chúng tôi cùng quê và  là bạn thân thiết.
Theo địa chỉ, một chiều thứ bảy tôi đến nhà Phượng Mỹ ở làng Thanh Nhàn gần cuối phố Lò Đúc.Vợ chồng Mỹ Phượng rất vui tiếp tôi, bao kỷ niệm tuổi học trò ...thời gian truân của tôi... tâm sự.
Mỹ Phưọng lại mời tôi ăn cơm rau.Tôi nhận lời ngay. Bữa cơm có : cá thu, nước mắm tất cả từ Cảnh dương gửi ra và chim câu rán do anh chị nuôi. Vui, vui quá, bao kỷ niệm xưa ôn lại. Bước đường thành công
     

 Đùm bọc
                            Hồi ký gia đình của Thạc sỹ Nguyễn Bá Sinh
               
                 Năm 1955,đã dự tính trước mấy anh em chúng tôi cày cấy trồng được hơn mẫu ruộng : lúa, khoai, lạc, ngô, đậu. Lúa và hoa màu khá tốt. Nhưng khi thu hoạch, thì người ta bảo:“Tất cả hoa lợi đó là của nông dân”. Lúa má thu hoạch xong, đội Giảm tô ra lệnh phải gánh về nhà ông Nguyễn (chú họ tôi) cho nông dân.
               May mà khi gặt hái chúng tôi dấu đi một ít khoai lúa, nhờ vậy cả nhà có cái ăn.
               Sau thu hoạch vụ mùa, đến vụ chiêm tiếp theo. Đã có kinh nghiệm,anh em tôi làm được nhiều:ruộng sâu trong đập trồng lúa 8 sào.Ruộng Cá Rô trồng khoai 4 sào.Ruộng nhà thờ trồng lạc và khoai, xung quanh nhà 4 sào trồng khoai sớm, lạc và ngô và rau màu khác.Tết xong, có thể thu hoạch khoai sớm, không lo đói. Nhờ chăm bón tốt, nên lúa khoai xanh rờn, tươi tốt. Thức ăn thì ngoài đồng,dưới sông cả bốn anh em chúng tôi đều mò bắt được tôm tép cua cá v.v... thừa ăn .Cậu (cha) tôi thấy các con đã khôn lớn , biết tính toán làm ăn, lại thương yêu nhau, chăm chỉ lao động trong lòng rất yên tâm.
        Đến tháng chạp, đội giảm tô rút, đội cải cách ruộng đất về (đợt 5). Thôn xóm đói nghèo, chiến tranh vừa dứt, lạnh lẽo, thì nay nổi lên trận cuồng phong, long trời lở đất ác liệt.
       Đêm đêm, trống đánh từng hồi, mõ dục từng hồi. Du kích vác súng đi tuần suốt đêm. Khắp  xóm thôn ác khí bao trùm:
-“Địa chủ nhất thời nông dân vạn đại
-Có khổ nói khổ nông dân vùng lên
-Nông dân đã nói là làm, đã phát là động, đã vùng là lên”
Đội về là “ mặt trời mọc dậy ” .Nhất đội nhì trời quả là không sai.        
 Những hình ảnh anh cán bộ đội : mặc áo quần ba ba nâu gụ, đội mũ lá, đi dép cao su, vẽ mặt đầy sát khí, đa số họ biết chữ quá ít. Họ ít chào hỏi vì sợ chào nhầm địa chủ.
              Việc đầu tiên của họ là vô hiệu hoá chi bộ Đảng và chính quyền địa phương (vì có địa chủ và thành phần có quan hệ với địa chủ lọt vào).
           
 Xác định thành phần giai cấp,phân rõ địch và ta ,ai là kẻ thù : địa chủ, phú nông, trung nông v.v... Trong đó địa chủ phải là 5-6%.Phương châm là :đánh nhầm hơn bỏ sót, thà chết mười người oan còn hơn bỏ sót một địa chủ, trí phú địa hào “phải đào tận gốc trốc tận rể”.
Khoảng 100 hộ  xóm tôi phải có 7 địa chủ :
1-Ông cố Chánh (đã ở trong tù chưa về).
2- Bà Tơ (mẹ Tơ) : có 2 là vệ quốc đoàn đang tại ngũ.
3-Ông Giáo có 1 con là liệt sỹ,1 con là vệ quốc đoàn cấp đại đội đang tại ngũ.
4- Bà Ân có chồng công tác tại toà án tỉnh.
5- Mệ Bộ Khành đã già yếu.
6- Ông Giang Han ở xóm dưới.
7- Cha tôi ông Nghè Cơ (hoạt động CM năm 1943 Đảng viên CS năm 1947)
         Sau khi ông cố Chánh chết trong tù còn 6 địa chủ .Vậy là còn thiếu chưa đủ chỉ tiêu.
Đội quy thêm:Thím Ấm của tôi (trước là trung nông),tai ác thay Chú trợ Pha làm nghề dạy học chỉ có 2 sào ruộng không quy là địa chủ được,lại càng không thể là phú nông,trung nông nên đội có sáng kiến quy là thành phần bóc lột khác vì giáo viên không trực tiếp lao động cũng là bóc lột (tạm gọi là phó địa chủ vậy).Ngoài ra Chú Hạp, Chú Cửu Thầm chí có 3 sào ruộng chi đó là nông dân cũng được quy thêm là quốc dân đảng, cường hào gian ác phản động để vượt chỉ tiêu trên giao.
          
 Nhìn thấy cảnh vậy dân làng càng sợ vãi cứ...t  ra.Tất cả có 9 gia đình (địa chủ , cường hào phản động) bị nông dân đấu tố.Không khí đấu tố bao trùm xóm làng.Con dâu đấu tố Mẹ chồng, anh em chú bác đấu tố lẫn nhau . Mới ngày hôm qua giỗ chạp ông bà còn là bác cháu, chú cháu,  anh em mà hôm nay đã trở mặt : thằng nọ thằng kia.Mà toàn những chuyện vu khống,bịa đặt .Lạ thay đứa trẻ con 9-10 tuổi gọi ông già 60-70 tuổi là thằng nọ thằng kia ? Còn đâu luân thường đạo lý? Trong văn hoá người Việt chưa từng có. Lỡ lời không sửa được. Bát nước đã đổ xuống đất có bao giờ múc lên được nữa không? Đầy uất hận?
Kết quả là:Toàn xóm có 6 người chết, 6 người đi tù (cả nước lên đến hàng vạn).
      - Ông Cố Chánh tù chung thân (đã chết trong tù).
-    Ông Giáo,bà Tơ bị đấu tố nhiều lần đến chết đói và tự tử.
-    Cha tôi bị quy là bí thư quốc dân đảng và bị bắn hôm 27 tháng chạp.
-    Ông Giang Han cũng bị bắn vài ngày sau cha tôi.
-    Chú Hạp bị tù 12 năm,quá uất ức mà chết khi vừa đến nhà tù.
-    Chú Trợ Pha, chú Cửu bị quy là quốc dân đảng,phản động bị xử 12 năm tù.
- Thím Ấm,Bà Ân chỉ bị đấu tố bị tịch thu gia sản không phải đi tù.
Cải cách ruộng đất ở quê tôi đã “thắng lợi” là thế.
Gia đình tôi cả nội ngoại bà con gần đều dính địa chủ và phản động, không nhờ cậy được ai !
Cha đã bị giết, bốn anh em bị đuổi ra một cái lều rách nát với 2 bàn tay trắng : đói, rét.
         Không có cách nào khác.  “Đói thì trôốc cúi (đầu gối) phải bò”. Anh em tôi vào rừng gánh củi về bán tại chợ Trường kiếm ăn. 
          

Chập choạng tối ,tôi sang nhà Cu Xờm, Đình xuống nhà chú Thào mỗi đứa mượn 1 cây dao rựa.Trong hoàn cảnh như vậy Cả Ông Thào và Cu Xờm không sợ liên luỵ và cho mượn ngay, quý hoá vô cùng.
      Nằm co ro trong  lều rách nát, đến gần sáng tôi và Đình dậy luộc nồi khoai đầy, khoai chín đổ ra rổ, để nguội.Đình chia đôi: một nửa để lại cho 2 em Trinh và Cu Con ăn bữa trưa, phần còn lại gói vào 1 cái túi mang đi. Tôi đánh thức hai em dặn: “Anh để phần hai em đây.Ở nhà ăn xong, đi hái một rau lang, vào đồng bắt một ít rạm để chiều ăn.”
Hai em ngoan ngoản vâng lời.
               Với  cây dao rựa,1 túi khoai,1 gói muối lên rú. Qua cánh đồng, băng qua hói Đồng đi một quảng là đến Chợ Mới , qua đò chợ Mới thì mặt trời mọc, đi tiếp dọc sông đến Thong Thóng băng qua đường tàu hoả, vượt qua cánh đồng nhỏ, trèo dốc vào rừng , rú Ba u dốc đá cheo leo, lên đến đỉnh Hòn Vắp đã gần trưa.
              Hai anh em dừng lại thở lấy hơi. Đình treo xéo khoai dấu vào gốc cây. Lại tiếp tục trục xuống bên kia dốc Làng Phù Mỵ.
         Sẵn củi khô, hai anh em thu lượm:dẻ, trâm, nen, lạnh ngạnh, rồi róc cành, chặt từng thanh củi dài bằng sải tay, bó thành bốn năm bó nhỏ.Xong đó lại phải chuyển ngược lên đĩnh rú Vắp.
Xong chừng ấy việc, mặt trời đã đứng bóng. Sắp xếp lại gọn gàng đều đặn, những que củi đẹp được đặt phía ngoài bó lại bốn bó cân đối , đóng nêm chắc chắn thành hai gánh . Ăn trưa với vài củ khoai gói muối mang đi.

 
               Từ đỉnh cao nhìn xuống cảnh vật nên thơ.Mặt biển hiền từ xanh rờn,dòng sông Gianh uốn mình ôm ấp xóm làng :Thuận Bài ,Thổ ngoạ ,Văn Phú quê ngoại, La Hà,Phù trịch,Hoà Ninh và Vĩnh Lộc làng tôi. Nhìn thấy ngôi nhà tôi đã bị cướp ,và trong túp lều nhỏ hai em nhỏ côi cút, gầy gò trong đói khát mong hai anh về, lòng quặn đau.
 Xóm làng nhoà đi trong lệ ...
                 Sinh Đình gánh củi trên vai lao xuống dốc gập ghềnh,cheo leo.Xa xa xóm làng và mặt biển chập chờn rung rinh .Có câu thơ :
                       “Chiều chiều mặt biển rung rinh
                      Anh em Sinh Đình gánh củi qua khe ”
              Đường xa gánh nặng,mồ hôi ướt đầm, thở ra cả tai. Cuộc đời sao cơ cực vậy ???
Hình ảnh hai em xanh xao gầy gò, đôi mắt lờ đờ, đi không vững vì thiếu ăn lâu ngày hiện ra. Tôi gạt tay xoá đi dòng nước mắt, không muốn cho Đình trông thấy...
                    Ba U đã vượt qua, dừng lại bên khe uống nước, rồi lại đi ... , đường còn dài.
                 Qua một cánh đồng nhỏ dưới khe núi, lên đường tàu có một cái cống hai anh em dừng chân nghỉ.
                Lúc này quá mệt Đình khóc “Em không thể gánh củi  được nữa, sức đã kiệt rồi” đúng ra cả hai anh em đã kiệt sức lâu rồi.  “Ngộ nạn tăng mưu trí ”. Tôi quyết định: dấu 1 gánh củi xuống dưới cống, hai anh em đổi nhau chỉ gánh một gánh ra chợ.
              Đến bờ rào Nan chờ đò, được nghỉ ngơi một tý có thêm sức lực, qua chợ Mới thì trời đã xế chiều. Băng qua cánh đồng Hoà Ninh xuyên qua xóm là đến chợ Trường. Mọi người mua bán tấp nập cảnh chợ thôn quê. Hai anh em gánh củi ra phía gần bờ sông, có người đến hỏi mua.

-Gánh củi bán mấy tiền ? một khách hỏi.
-Tám hào,gánh về tận nhà. Tôi trả lời.
Có đến 7-8 người hỏi mua hầu hết khách chỉ trả bốn đến năm hào.Một hồi lâu, có một chị khoảng 35-40 tuổi, chị hỏi han (tỏ ra biết gia đình tôi và thông cảm), không nói nhiều chị trả luôn bảy hào.Tôi đồng ý bán. Chị trả tiền trước,  Đình nhận tiền tôi theo chị gánh củi về. Nhà chị gần phía trong chợ. Chị mời tôi uống nước (đang khát) và có lời an ủi :
-“Thời thế loạn lạc cóc nhái nhảy lên làm người là vậy, em cố gắng chịu đựng rồi sẻ qua”.
-Tôi lau dòng nước mắt thầm cám ơn chị, tủi hờn chào chị ra đi.
      Đình đã mua được 1 rổ khoai hết 4 hào, số khoai này bốn anh em ăn dè được gần hai ngày. Mua thêm một ít mắm muối, dư được hai hào. Thế là tốt lắm rồi, từ nay không lo đói !!!
             Đã chiều hai em thấy hai anh về, mừng lắm. Vâng lời anh, đã hái được một mớ đọt khoai ngon, Trinh cũng lần hồi bắt được lưng oi rạm bè .Tôi nằm nghỉ Đình và hai em đỏ lửa.Luộc khoai ,kho rạm.
           Khoai chín bùi,rạm béo gạch chắc thơm lừng cả bốn anh em quây quần, được bữa ăn no hiếm có.
          Rồi ngày mai, ngày hôm sau,và hôm sau nữa Sinh Đình lại gánh củi ra chợ Trường đều đặn . Dân chợ đã quen mặt Sinh Đình.
             
 Lâu ngày anh em đã thạo việc,bó củi đẹp hơn, như củi của dân Thọ Hạ bán.
             Mỗi ngày hai gánh củi bán được 1 đồng bốn hào, bốn anh em ăn rồi để dành được bốn hào. Vốn tích luỹ đã được  7-8 đồng. Dao rựa mượn Cu Xờm và chú Thào đã lâu , vì thương tình anh em tôi cả hai người chưa hỏi xin lại . Chợt nhớ ra. Tôi lên chợ Mới đặt rèn một cây dao rựa. Ông thợ rèn nhận lời, nhưng rồi cứ hứa đi hứa lại không chịu làm cho tôi. Tôi mới hiểu rằng sợ tôi không có tiền trả nên ông không muốn làm (vì ông không lạ gì anh em tôi nghèo xác xơ). Tôi xoè ra cho ông 5 đồng bạc và chiều hôm ấy tôi đã có ngay cây dao rựa mới sáng quắc.  Đặt tiếp một cái nữa, từ đó hai anh em có hai con dao không phải đi mượn. 
               Ngày tháng trôi qua. Bốn anh em đùm bọc nhau qua hoạn nạn.
Từ đó thỉnh thoảng đã có gạo nấu cơm ăn, nhìn hai em đã có đôi mắt sáng, bước đi vững vàng.
Đàn con dại của Ông Nghè đang bước đi trên đường đời.

 


TRUNG CỘNG- VIỆT CỘNG

Trung Quốc muốn ‘nuốt chửng’ Việt Nam sau năm 75?

Người Việt Nam năm ngoái nhiều lần xuống đường biểu tình phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu gây tranh cãi vào khu vực mà Hà Nội tuyên bố là thềm lục địa của mình.
Người Việt Nam năm ngoái nhiều lần xuống đường biểu tình phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu gây tranh cãi vào khu vực mà Hà Nội tuyên bố là thềm lục địa của mình.

Tin liên hệ


Đánh dấu ngày 30/4: Kẻ khóc, người cười

Hai ngày trước ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam, cộng đồng người Việt ở Mỹ và ở trong nước đón chờ ngày này với hai tâm trạng trái ngược hẳn nhau

Ban nhạc ‘Viet Cong’ lên tiếng vì tên gọi gây tranh cãi

Một nhóm nhạc rock gồm 4 thành viên của Canada mới đây đã phải lý giải rằng việc đặt tên ban nhạc là ‘Viet Cong’ không có ý định “kích động” hay “làm tổn thương” bất kỳ ai.

Việt Nam triệu Đại sứ Canada, phản đối ‘đạo luật 30/4’

Việt Nam yêu cầu Đại sứ Canada tại Hà Nội tới để phản đối việc nước này thông qua đạo luật S-219, lấy 30/4 là ngày bắt đầu “Hành trình đến tự do”.

40 năm sau Chiến tranh Việt Nam: Ai vui, ai buồn?

Sau khi phải hủy bỏ kế hoạch kỷ niệm ngày 30/4 tại một căn cứ thuỷ quân lục chiến ở Nam California, người Mỹ gốc Việt ở bang California đã tìm được một địa điểm mới
Thưa quý vị, bốn thập kỷ sau cuộc chiến đẫm máu, gây ra cảnh hoang tàn và làm hàng triệu người thiệt mạng, Việt Nam đã đạt được những thành quả nào, và đất nước sẽ đi về đâu trong 10 hay 20 năm nữa? VOA Việt Ngữ đã đi tìm câu trả lời trong cuộc phỏng vấn giáo sư Tương Lai, người có thời kỳ làm cố vấn cho thủ tướng. Trước hết, nhà nghiên cứu từng có nhiều bài bình luận đăng trên tờ The New York Times của Mỹ đánh giá Việt Nam trong khoảng thời gian 40 năm qua.
Giáo sư Tương Lai: Sau 30/4/1975, Việt Nam chấm dứt chiến tranh, đi vào hòa bình xây dựng, nhưng nào có hòa bình xây dựng được đâu. Có một nước ở sát cạnh Việt Nam, không muốn Việt Nam trở thành một nước mạnh, sau khi đã đánh tan những đạo quân chưa hề thua như của Pháp và Mỹ.
Cho nên, 30/4 xong một cái, thì nó đã giục bọn Pol Pot đánh vào phía tây nam, kéo một cuộc chiến tranh biên giới tây nam từ 76 tới 78. Trung Quốc trang bị tận răng cho Pol Pot. Sau khi quân Pol Pot bị Việt Nam giáng cho một đòn chí mạng, giải phóng đất nước Campuchia, thoát khỏi diệt chủng thì Đặng Tiểu Bình mượn cớ ấy để rồi phát động chiến tranh biên giới năm 1979. Như vậy là nó muốn cho Việt Nam đang còn mình đầy thương tích từ chiến tranh thì nó giáng cho một đòn nữa để củng cố quyền lực của Trung Quốc, để Việt Nam không thể ngoi dậy, tiếp tục lớn mạnh bên cạnh một nước láng giềng khổng lồ, luôn luôn đối chọi mà muốn nuốt chửng Việt Nam.
Vậy thì 40 năm qua, khi người ta nói đến xây dựng, thì trước hết phải nói đến xây dựng trong một âm mưu hết sức thâm độc của chủ nghĩa bành trướng đại Hán, mà nó lại nhân danh cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy mà việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ấy nó gặp trở ngại hết sức lớn.
40 năm qua, khi người ta nói đến xây dựng, thì trước hết phải nói đến xây dựng trong một âm mưu hết sức thâm độc của chủ nghĩa bành trướng đại hán, mà nó lại nhân danh cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy mà việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ấy nó gặp trở ngại hết sức lớn.
Và trên thực tế, 40 năm vừa qua, nếu Việt Nam so sánh với Việt Nam thôi thì chuyện so sánh không giải quyết được. Nhưng so sánh Việt Nam với các nước láng giềng, ví dụ như Singapore hay với một quốc gia châu Á khác mà xuất phát điểm năm 1975 cũng không khác gì Việt Nam là Hàn Quốc thì Việt Nam tuột hậu quá xa vì Việt Nam duy trì một mô hình kinh tế quá lạc hậu, mặc dù có cái tên rất kêu là xã hội chủ nghĩa. Nhưng mà cũng trong 40 năm ấy, hệ thống xã hội đã sụp đổ. Để cứu vãn, hy vọng chủ nghĩa xã hội không sụp đổ thì Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã làm một việc dại dột là sang Thành Đô để cầu cứu, muốn Trung Quốc làm điểm tựa bảo vệ thành quả xã hội chủ nghĩa. Bắt đầu từ đấy, Việt Nam chui vào thời kỳ bắc thuộc lần thứ hai, như cảnh báo của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người mà Trung Quốc rất căm thù.
Khi nhìn lại 40 năm, phải thấy rằng đấy là 40 năm trong những cố gắng tối đa của người nông dân trên đồng ruộng, công nhân trên nhà máy, của người trí thức trong các giảng đường đại học hay trong các phòng thí nghiệm và của các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước có những nỗ lực hết sức lớn, và đưa tới những thay đổi khá cơ bản. Phải nói những công trình xây dựng của Việt Nam trong 40 năm qua là đáng kể, nhưng những sự đáng kể ấy, sức lực của người lao động vắt kiệt ra để làm điều ấy, trong lúc mức sống chưa được cải thiện đáng kể là bao nhiêu vì mô hình chọn sai lầm, và mô hình chọn ấy nó lại chui vào cái thòng lọng của Trung Quốc. Trung Quốc trong 40 năm ấy, đặc biệt là từ năm 90 sau hội nghị Thành Đô, thì bàn tay bẩn thỉu của Trung Quốc thò vào kinh tế Việt Nam, chính trị Việt Nam, xã hội Việt Nam, văn hóa Việt Nam, gây nên một tác động rất xấu.
Việt Nam phải đau đớn mà nói rằng 40 năm qua, thời gian dài, hy sinh lớn, vất vả, gian khổ, thành tựu có nhưng mà quá hạn hẹp, so với khả năng mà đất nước có thể vươn lên.

VOA: Theo ông, người dân Việt Nam hiện nay kỳ vọng gì vào đảng Cộng sản?
Giáo sư Tương Lai: Trên thực tế, uy tín của Đảng Cộng sản đã xuống rất thấp. Đó là một thực tế. Bây giờ, khi nói đến những người cầm quyền hiện nay, người ta nói tới với một giọng khinh miệt, do những thành tích mà họ đã tạo ra.
Trên thực tế phải nói rằng hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế, lực lượng đang cầm quyền hiện nay. Có nghĩa là chưa có một đảng chính trị nào, chưa có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế đảng cộng sản Việt Nam, mặc dù đảng này đã mất uy tín trong dân.
Trên thực tế phải nói rằng hiện nay chưa có một lực lượng chính trị nào có thể thay thế lực lượng đang cầm quyền hiện nay. Có nghĩa là chưa có một đảng chính trị nào, chưa có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế đảng cộng sản Việt Nam, mặc dù đảng này đã mất uy tín trong dân. Uy tín đó, không phải dân người ta đổ đồng làm một đâu. Người ta biết rõ trong những người lãnh đạo hiện nay có những kẻ nào ngu Trung, kiên định con đường Mác – Lênin, nghĩa là kiên định cùng chung ý thức hệ với những bọn như Tập Cận Bình, Đặng Tiểu Bình, những kẻ vào xâm lược Việt Nam.
Và nếu kỳ này, ông Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ mà thực hiện được ý chí, và nguyện vọng của nhân dân, gia nhập TPP, càng sớm càng tốt để chống lại áp lực của Trung Quốc. Nếu mà làm được như vậy, uy tín sẽ được lấy lại và dần dần người ta sẽ biết người ta ủng hộ ai đem lại lợi ích cho dân tộc, đặt lợi ích dân tộc, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và trước hết, chứ không phải đặt ý thức hệ giáo điều và những lời hứa hẹn viển vông. Những người làm như thế là những người sẽ được dân ủng hộ.
VOA: Đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc trên biển Đông, liệu Việt Nam có nên nghiêng hẳn về quốc gia cựu thù Hoa Kỳ?
Giáo sư Tương Lai: Không có kẻ thù vĩnh viễn cũng chẳng có bạn vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích của dân tộc là vĩnh viễn mà thôi. Việt Nam biết quá rõ vì Việt Nam từng là con tốt trên bàn cờ của các nước lớn.
Việt Nam không liên minh với một nước để chống lại một nước thứ ba nhưng Việt Nam không nên từ bỏ quyền liên minh với ai mà giúp Việt Nam giữ vững chủ quyền lãnh thổ trên biển, và trên đất liền của Việt Nam.
Việt Nam không liên minh với một nước để chống lại một nước thứ ba nhưng Việt Nam không nên từ bỏ quyền liên minh với ai mà giúp Việt Nam giữ vững chủ quyền lãnh thổ trên biển, và trên đất liền của Việt Nam.
Lúc này đây, theo tôi, cần phải dẹp bỏ những việc khác đi để bỏ bớt những chuyện bên thắng cuộc, ai thắng, ai thua đi mà hãy nhìn vào kẻ thù trước mắt là Trung Quốc xâm lược, là ngăn cản không để Việt Nam thoát ra khỏi cái bóng của Trung Quốc, là những âm mưu thủ đoạn gây áp lực, chia rẽ nội bộ bằng nhiều thủ đoạn, thì phải làm sao vạch ra được những cái đó.
VOA: Theo ông, 10 năm hay 20 năm nữa, khi đánh dấu 50 hay 60 năm ngày kết thúc cuộc chiến thảm khốc, Việt Nam sẽ về đâu?

Giáo sư Tương Lai: Tôi không phải là thầy bói, nên tôi không bói trước vận mệnh của dân tộc. Nhưng mà tôi khẳng định điều này, chúng ta đang sống trong thời đại mà kiểu tư duy tuyến tính lạc hậu mất rồi, vì đây là thời đại của phi tuyến tính. Trong những bước phát triển thì luôn luôn ấp ủ những bước đột phá và những bước đột phá ấy nó sẽ mở ra những cục diện mới, và không ai tiên lượng được hết. Không thể vạch ra kế hoạch 10 – 20 năm một cách chi li đâu, chỉ hướng đi thôi, vì thành tự như vũ bão của khoa học, công nghệ và diễn biến quá phức tạp của tình hình thế giới.
Tôi nghĩ Việt Nam nếu dám đi đúng con đường mà thế giới đang đi, có nghĩa là dựa vào thành tựu của văn minh, khoa học và kỹ thuật, dựa vào một thể chế dân chủ, nhân quyền và tiến bộ trên cái nền kinh tế, thị trường tiến bộ thì Việt Nam có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.
http://www.voatiengviet.com/content/trung-quoc-muon-nuot-chung-viet-nam-sau-nam-75/2741590.html

    No comments:

    Post a Comment