Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday 13 November 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN * HÀNH TRÌNH TỰ DO


HỒI KÝ VƯỢT BIÊN
NƯỚC
 NGUYỄN QUYẾT THẮNG

Sau chuyến vượt biên hụt hẫng tại Nha Trang vào một buổi tối mùa thu của năm 1980, tôi không thể trở về Banmê được nữa nên chạy thẳng xuống Sài gòn. Cơ duyên hội ngộ chúng tôi 3 người bắt tay nhau để tiếp tục thực hiện ý định vượt biên luôn sẵn trong tâm trí, anh Nguyễn Thế Bang có tài ăn nói khôn khéo, uyến chuyển và nhanh trí, lo tiếp xúc với bạn bè và những người muốn tham gia vượt biên, anh "làm cái" đứng mũi chịu sào nên tôi gọi đùa là "Cái Bang", chị Minh Tâm một người hiền hòa ăn nói nhã nhặn, khuôn mặt phúc hậu và là người con của một gia đình uy tín trước kia, vì thế những người được chị mời đến tham gia đều tin tưởng và hy vọng. Cũng từ cái duyên  này mà anh Bang và chị Tâm thường xuyên gặp nhau, tình yêu nẩy nở và nên duyên vợ chồng. Nhiệm vụ tôi phải lo trực tiếp những nhu cầu cần thiết cho chiếc thuyền, từ giấy tờ chuyên chở hàng hóa để ngụy trang, đến vật dụng cần thiết như tìm mua hải bàn, hải đồ, dầu nhớt, thuốc men v..v.. một công việc qủa khó khăn và nguy hiểm. Mặc dù sẽ có tài công lo điều khiển con tầu, nhưng tôi cũng phải nghiên cứu tìm tòi học hỏi cách lái tầu, chọn con nước, hướng gió, ôn lại ánh trăng sao, những chuyện này tôi từng quen biết nhờ sinh hoạt trong Hướng Đạo, các hội đoàn và những ngày tháng phục vụ trong quân đội. Tôi luôn có mặt trên thuyền để bảo vệ phá hoại hoặc bị đánh cắp thuyền, nó là một vật quan trọng, một ước mơ, một hy vọng của tương lai đời sống chúng tôi.
           Tôi đã bán đi chiếc nhẫn cưới và sợi dây chuyền cuối cùng để mua ly tách, phin càphê, vài cái ghế đẩu chân thấp và 2 cái bàn xếp cho có lệ, thuê một quán cóc bên đường đối diện với cổng sau Sở Thú đầu cầu Thị Nghè mở quán bán càphê, dùng làm điểm hẹn hò, nơi gặp gỡ bàn bạc công việc, khách qua đường ghé uống càphê thì cũng bán bình thường như thường. Đêm về, xập mái hiên lá xuống che kín phiá trước thay cho cánh cửa, nằm trong chiếc ghế bố mượn của anh chị Kha được mở ra khi đi ngủ, nghe đêm về tịch liêu, nhớ nhà, nhớ vợ con đang còn ở trên cao nguyên Banmê, nơi chất chứa đầy kỷ niệm  thời mới lớn, nay đành phải  rời xa, thương cho tương lai đàn con thật mịt mờ, cuộc sống hẩm hiu thua kém chúng bạn, thiếu thốn mọi điều, ngay hạnh phúc gia đình với tình cha con cũng bị cách ngăn, không biết bao giờ mới an bình quây quần bên nhau. Thương chúng bao nhiêu, thương mình bấy nhiêu, trong bóng đêm âm thầm lặng câm, đôi dòng lệ trào dâng, ấy là niềm an ủi vô biên luôn theo sát bên tôi.
         
 Chiếc thuyền dài 9 thước, rộng 2 thước rưỡi, đã được vài người tài công mời từ Phan Thiết đến thăm, cùng đôi người thợ máy đến viếng, đều lần lượt bỏ ra đi với nhiều lý do khác nhau, tựu chung là " chê ", máy Zanma 2 đầu bạc với bánh trớn to tổ chảng và nặng chình chịch, xưa qúa rồi, mũi thuyền thấp qúa, không phải thuyền đi biển, phải là mũi.." Thái Lan " mới được, anh Bang nói rằng : " Tháng 3 bà già đi biển ", sóng êm gió lặng, loại thuyền này đi thì không sợ bị lộ, thắng là cái chắc. Điều này tôi không có ý kiến, chẳng có kinh nghiệm,  mở mắt chào đời đến nay, đây là chiếc thuyền đầu tiên tôi thực sự được sờ tận tay ray tận mắt, tôi nghĩ rằng chiếc nào thì cũng tương tự như nhau, khác chăng là to hay nhỏ hơn thế thôi ! tôi là dân sống trên núi, bơi còn chưa biết nữa huống hồ...
           Thế rồi ! tháng 3 năm 1981 ngày dự định đã đến, chàng cựu sĩ quan hải quân cùng người thợ máy bạn của anh ta  đột nhiên biến mất, không một lý do ? May thay chị Tâm đã mời được ông Nhất từ Phan Thiết về làm tài công,  ngày đi không thay đổi, chỉ có tôi và ông Nhất trên thuyền đến điểm hẹn nơi cửa biển,  các "taxi" ( ghe nhỏ ) sẽ đổ người ra. Tôi cầm sổ thông hành cấp phép đi từ bến Hàm Tử Chợ lớn đến Vũng Tầu để nhận hàng về, qua trạm kiểm soát tôi phải nhẩy lên bờ trình giấy, xòe điếu thuốc Vàm Cỏ ra mời. Đường đi nước bước trên sông ngòi, tôi hoàn toàn mù tịt, chỉ lẳng lặng nghe theo lời ông Nhất, cũng chẳng hề nghi ngờ ông ta có biết đường hay không?  dường như cũng có lần lạc lối vì thấy ông ta hỏi vọng qua những thuyền khác dọ hướng đi, điểm đến ở đâu đó bên cửa Thuận An !!  tất cả hải bàn, hải đồ, thuốc men, thực phẩm đều giao cho người điều động đánh bãi và taxi, họ sẽ giao lại ở bãi chính, chúng tôi không được mang theo, sợ lộ.
            Thuyền chạy qua bao làng xóm, tỉnh lỵ bên sông nước, những vẻ đẹp thật thơ mộng của sông rạch miền Nam tôi chưa hề được chiêm ngưỡng, những cành lá của cây dừa nước xỏa ra bên bờ lạch cùng những mái nhà tranh thấp thoáng sau vườn cây thưa nắng, yên bình như trong hình vẽ, ngồi trước mũi thuyền thở mùi nước đục, hưởng làn gió mát và tiếng nước vỗ bên mạn thuyền, tôi quên rằng mình đang trên đường  trốn chạy.  Ánh mây chiều đỏ thẫm, từng vệt dài chen lẫn hàng mây xanh-vàng, những khối mây đen nổi rõ từng cuộn phía trước, hoà tan dần dần, nối đến mây xám trải dài sau lưng. Giữa  dòng sông rộng lớn, sóng nhấp nhô dập mũi thuyền chồm lên chúi xuống, hai bên bờ sông lui dần ra xa và bóng tối phủ xuống không còn nhìn rõ những mái nhà thấp thoáng sau rặng tre bên bờ sông đất lở. Giữa sông có chòm cù lao khá lớn, thuyền chạy đến đó, tôi nhẩy lên bờ. Cù lao trống trơn không có ngọn cỏ, toàn cát-đá-sỏi trộn lẫn bùn đất, có những con Thòi Lòi nằm dương cặp mắt tròn lo như nai tơ nhìn chúng tôi dò hỏi?...  Ông Nhất nói : "mình nấu cơm ăn đi" rồi tự tay cầm nồi múc nước sông vo gạo, lấy bình nước uống đổ vào, đặt nồi cơm trên bếp dầu sau thuyền, tôi lấy loong guigoz đựng thịt kho mặn bầy ra. Cơn gió thổi lồng lộng trong khung trời rộng, không ai nói nói lời nào, tôi nhìn ông Nhất ưu tư, da xạm nắng dáng khắc khổ, râu dài hơn tóc, và hàm răng đóng nhựa thuốc lào, tôi đoán ông khoảng 60 tuổi, nhưng thực ra tuổi của ông mới ngoài 50, sóng gió và biển cả đã làm ông già đi trước tuổi.
           
Ăn xong chúng tôi nhổ neo đi tiếp, trong bóng đêm của sông nước miền đất lạ, thật khó nhận diện cảnh vật phía trước, ông Nhất lái thuyền thì tôi đứng trước mũi dòm chừng chỉ lối, hoặc ngược lại, chiếc đèn pha trên mui không đủ chiếu ánh sáng xa hơn chục thước phía trước, càng làm tôi mỏi mắt hơn khi phải điều tiết trong bóng đêm, bực mình hơn thế nữa là những lưới đánh cá giăng qúa nhiều giữa sông, thường thì người ta cắm 2 chiếc đèn bão ở 2 đầu cọc lưới, đêm khuya có khi 1 đèn bị tắt không biết đâu là bên phải, đâu là trái, có khi thuyên trôi vào giữa đáy lưới, làm ông Nhất phải nhẩy xuống nước gỡ lưới quấn quanh chân vịt và cả bàn lái, cũng may đó chỉ là lưới cá nhỏ dễ gỡ, phải làm thật nhanh và chạy cho lẹ, kẻo chủ lưới bắt được không những đòi bồi thường mà còn bị lộ chuyện vượt biên thì thật tai họa.
           Thuyền qua nhiều khu vực tỉnh lẻ,  tôi không nhớ hết địa danh mà ông Nhất đã kể...,  rồi thuyền đến bến Ninh Kiều Cần Thơ, ông Nhất nói nghỉ ở đây một chút rồi thuê ghe nhỏ vào chợ, quanh đây đầy thuyền to ghe nhỏ dọc ngang qua lại, hay im lìm neo trước bến. Trên bờ đèn đuốc sáng trưng, khói nấu-nướng tỏa mù mịt một góc. Chừng nửa giờ sau ông Nhất trở về với chai rượu trắng và gói giấy trong tay, tôi đoán là đồ nhậu ! Thì ra ông Nhất thèm rượu, nói đúng ra là nghiện rượu, có rượu là ông ta vui vẻ, khoẻ mạnh hơn, tiếc cho ông ta là tôi không biết uống để làm bạn tri kỷ với ông, tuy nhiên ông ta cũng huyên thuyên kể chuyện về gia đình của ông, cũng vì thế tôi biết được vợ con ông đều đang sống  ở Mỹ, qua những đợt vượt biên trước đây họ đã chở thuê cho những người ra bãi rồi nhẩy theo luôn,  ông ta thì bị bắt nhốt tù, nay mãn hạn trở về, đang tìm cơ hội để ra đi lần nữa.
             Rời bến Ninh Kiều, thuyền chạy dọc qua nhiều lò gốm phía bên trái, từng đống chum lọ bằng đất sứ  chồng chất lên nhau, chờ ngày đem bán, bên phải là bờ đất cao hơn cả 3-4 thước, phía trên là lò nấu đường, thơm  mùi khét mía cháy, vị ngọt của mạch nha, lửa đốt trong lò rực sáng hun đúc chum đường sôi sục văng vãi lung tung, những đường rãnh nước chẩy bào mòn từ trên lò chẩy xuống bờ sông nhớp nháp, có đàn chuột cống nhẩy qua, chạy lại loanh quanh, tôi nghĩ, giá có con chuột nào vô phước rớt vào chum đường đang sôi kia, chắc cũng chẳng ai biết vì khói trong nồi bốc ra khá dầy đặc. Tới ranh giới tỉnh Sóc Trăng, tôi thấy đằng xa có ngôi nhà thờ sáng rực, nhiều quầy-quán và xe bán dạo bật đèn sáng đủ mầu, bóng người thấp thoáng đông đảo. Tôi nhẩy lên bờ nhắm hướng ánh sáng đi tới, đoán là buổi chợ đêm, định đến để tìm mua thêm gói thuốc lá dằn túi, đến nơi mới biết đó là một buổi lễ cầu nguyện của giáo dân trong vùng trong ngày cuối tuần, tiếng cầu kinh vang ra từ trong giáo đường hòa lẫn tiếng nhạc của xe bán nước ngọt, caphê, mực khô vang lên ngoài đường, âm vang vui nhộn. Tôi đảo mắt tìm xe thuốc lá, nhưng chợt đổi ý, không nên đến chỗ đó, mình dễ bị phát hiện là kẻ lạ mặt và chẳng may bị bắt thì thật đáng tiếc. Nghĩ thế, tôi quay lưng trở về thuyền.
            Dường như có ánh trăng nửa đêm yếu ớt ẩn mình sau tầng mây cao, thuyền trôi đến một một vùng sông rộng lớn, những cành cây lưa thưa vươn trên mặt nước khẳng khiu đơn độc, những tàn cây này đã bị nước thủy triều dâng cao nên không thấy gốc, chốc nữa  nó cũng sẽ bị ngập chìm toàn diện dưới mặt nước, quay nhìn lại phía sau, tôi chợt bắt gặp một vùng lân tinh tỏa ánh sáng lung linh, nhấp nhô ánh thép bạc lan tỏa khắp mặt nước như trăm ngàn ngọn đèn lấp lánh từ đáy nước hắt lên, và từ trên cao rơi xuống, những cuộn hơi sương đục như khói trắng bốc lên, tan loãng trên mặt nước trông tựa như một giòng nước nóng đang bốc hơi giải nhiệt êm đềm, thật ngoạn mục và kỳ quái, một cảnh thần tiên tôi chưa hề thấy, lạ lùng và huyền bí như truyện thần thoại, tôi muốn vốc những ánh lân tinh mầu trắng-xanh lấp lánh trong suốt đó trong lòng tay, hay thử đập vỡ nó ra xem có gì lạ? lòng vui và kinh ngạc trộn lẫn chút lo lắng không tên... Trong khoang ông Nhất ngồi ngủ gục sau những ngụm rượu khề khà, tôi nghe hình như có tiếng nước chẩy lao xao phía trước, qua khung cửa kính phòng lái, tôi nhìn thấy cảnh vật mờ mờ ảo ảo phía trước, bật đèn pha trên mui ra xem, thì hỡi ôi ! cách mũi thuyền dăm bẩy thước là một đáy lưới cá khổng lồ giăng ngang bằng một dây cáp sắt cao hơn mũi thuyền, nước đổ vào đáy ào ào tạo thành một phễu nước xoáy từ miệng sông rộng gom vào túi đáy thu nhỏ phía sau, 2 đầu giây cáp được quấn chặt vào 2 cột trụ gỗ đóng sâu xuống lòng sông to bằng tay người ôm. Tôi không còn đủ thời giờ để hét lên nữa, tay giật mạnh cần số về phía sau, bánh đưôi tôm quay ngược, con tầu rung chuyển bần bật trong tiếng rú của máy de lui mệt nhọc khó khăn, tuy đã rú ga lui hết cỡ về sau, nhưng con tầu vẫn từ từ trôi vào miệng đáy, không còn thời giờ để suy tính chọn lựa tìm cách thoát hiểm, chỉ còn phản xạ tự nhiên, thực hiện ngay những gì lý trí bảo mình làm,  Nếu tầu bị hút vào đáy, nước sẽ nhận chìm con tầu xuống nước như những chiếc lá trôi sông, như những con cá vào đáy không đủ sức vẫy vùng bơi ngược dòng  trở lại, huống chi tôi lại chẳng biết bơi, và cái lưới to lớn kia sẽ cuốn hút xoay vòng trói chặt con mồi hết lối thoát. Thấy de lui không có kết qủa và sự nguy hiểm đang cận kề, tôi gạt cần số tới, rú ga và bẻ hết cỡ về bên phải, con tầu rướn lên trôi ngang trên mặt nước cuồn cuộn, đâm xầm vào đầu cột đáy giữa sông rồi trượt qua bên kia, cái cột to bị đổ nghiêng qua một bên, và may thay con tầu đã lướt qua được phía ngoài của miệng đáy trôi tuột ra xa..... tôi nhủ thầm cám ơn Trời Phật đã độ lượng, tiếng ông Nhất vọng ra : - Chuyện gì đó ?... 
Bấy giờ tôi mới nhớ có ông Nhất ngủ trong khoang.
           Một giờ sau, thuyền đến một bến nước có nhiều căn nhà dựng tuốt ngoài sông, thủy triều xuống để trơ ra những cột nhà khẳng khiu mỏng manh được đóng xuống lòng sông cao lêu khêu, nhà nhà đều tối thui, ông Nhất ghé vô một căn nhà còn ánh sáng hắt ra, gọi lớn :
- Còn đồ ăn không ? ông chủ ơi !    rồi quay lại bảo tôi : - Đây là quán ăn .
           Quả đúng như vậy, nhà có một cầu thang phía sau thòng xuống nước để đón khách thuyền đò ghé qua, chúng tôi leo lên, căn nhà vắng hoe..., chợt có một bà khoảng 50 tuổi bước ra hỏi :
- Cần chi ông? đồ ăn hết mất rồi...
Ông Nhất đòi hỏi :
- Có cái gì ăn cũng được !! Tô cháo gà đi ! được mà..
- !!!!... Nhà  chỉ còn con gà, nhưng còn nhỏ xíu xìu hà.
- Được rồi, được !!!
          Bất đắc dĩ bà chủ bắt gà làm thịt nấu cháo cho chúng tôi không một tiếng thở than, chắc cảnh này vẫn thường xẩy ra.. Tôi ngồi im chờ đợi, nhìn ra mặt sông tối đen, lo lắng, mệt mỏi, nhiều suy nghĩ đổ ra rối tung, tôi cũng chẳng biết còn bao lâu nữa thì đến điểm hẹn, đi cũng đã gần 2 ngày rồi còn gì ?. Tránh các trạm kiểm soát làm việc ban ngày và tránh để người dân nhận diện thuyền lạ, chúng tôi phải chọn đi ban đêm, ít phiền nhiễu, nhưng không ngờ lại gặp những khó khăn khác.
          Ăn xong trả tiền, chúng tôi cho thuyền qua phía bên kia, sau một dẫy nhà dựng trên mặt nước neo ở đấy ngủ. Sáng hôm sau bị đánh  thức bởi tiếng máy đuôi tôm gào lớn và sóng nước cuộn tới, nâng thuyền tôi lên xuống lắc lư, sóng đánh vào mạn thuyền bồm bộp, mở mắt nhìn theo thấy đó là 1 chiếc ghe tam bản dài khoảng 5-6 mét, phía sau gắn một máy đuôi tôm cần trục dài thoòng chĩa xuống nước quậy sóng, người thanh niên trẻ tuổi háo động, rồ máy ghe lượn qua lượn lại, phóng hết ga biểu diễn, khiến các ghe buôn bán hàng hóa trên mặt sông la ó bất bình. Chúng tôi ở đó nguyên ngày, chờ đến chiều tối lại nổ máy đi tiếp...
         Cuối cùng cũng đã đến điểm hẹn, đợi ở đó suốt từ sáng đến chiều mới thấy một chiếc ghe nhỏ từ đâu chèo đến, một người thò đầu vào thuyền nhìn tôi cười cười hất hàm hỏi :
-Tới lâu chưa ? mệt không ?.  Rồi quay qua nói với ông Nhất :- Lui thuyền lại chỗ trống kia đi bác Hai ?
        Chẳng cần nghe tôi trả lời, và cũng chẳng cần biết họ có quen tôi hay không? đoán chắc chỉ là người trong " bãi đánh " nên ông Nhất thản nhiên nổ máy làm theo lời họ.  Một lúc sau, cũng chiếc ghe đó chạy xát vào thuyền tôi và quăng qua cửa sổ một chùm bánh nếp nhân đậu đỏ, gói bằng lá dừa mầu vàng trông giống như bánh ú nho nhỏ, khoảng 50-70 cái cột với nhau thành 1 chùm, nói với theo :
- Đồ ăn đó !
        Mừng qúa, buồn ngủ gặp chiếu manh, họ thật tử tế và chu đáo đã cho tôi thức ăn lót bụng, bèn mở một cái ra ăn thử. Có biết đâu rằng đó là phần thực phẩm dành của 50 người vượt biên trong bao nhiêu ngày lênh đênh trên biển đấy?... Lúc sau lại có 1 ghe khác cặp vào bên hông, một người đàn ông chui vô khoang máy nói :
- Trước khi ra biển, phải kiểm tra máy móc lần chót cho an toàn ! nhé ?
       Rồi ông ta mở nắp máy xem xét, chỉnh qua chỉnh lại, vặn tới vặn lui 4 cái "Béc dầu" xong nhẩy ra ngoài biến mất. Còn người thợ máy chính thức theo chúng tôi trên đường vượt biển, sẽ đến chung với nhóm người  bằng " ghe taxi " tối nay.
      
Ánh mặt trời dần tắt, tôi bồn chồn chờ đợi, thỉnh thoảng lại ghé mắt bên cửa sổ nhỏ nhìn ra ngoài, ông Nhất cũng thế ! chẳng ai muốn nói năng lời nào, và chẳng ai nghĩ đến chuyện cần phải  nấu cơm ăn tối cả. Nhìn lại bao quát căn buồng máy, tất cả đã gọn gàng ngăn nắp, sàn ngồi trong khoang lót ván là chỗ ngủ của tôi bấy lâu nay có thể chứa được 35 người ngồi bó gối, phía sau buồng lái chứa khoảng 15 người, số còn lại ở trên mui, cái máy thuyền to qúa, nằm giữa khoang với cái " bánh trớn " to chả khác gì của "xe ủi lô", thấy phát khiếp không ai dám ngồi gần, thùng nước bằng thiếc to thiết kế theo dạng mũi thuyền chứa được 800 lít nước và phía sau đuôi thuyền cũng có 1 thùng thiếc phía dưới chứa 800 lít dầu gasoil, thêm 4 kan lẻ để phía trên và 4 kan nhớt máy nữa. Tất cả do ông chủ nhà, nơi neo thuyền ở bến Hàm Tử lo đầy đủ và giao cho chúng tôi lúc ra đi, 2 cái "béc " phun dầu dự phòng để trong hộc khoang phía trước cùng với sợi dây cu roa máy bơm nước, bên hông trên cao mới gắn thêm 1 máy bơm nước bằng tay, phòng trường hợp máy bơm máy không làm việc, một trục máy dài 2 mét gắn sẵn chân vịt mới dự trữ,  đây là kinh nghiệm học được ở những người đi trước thưòng gặp phải trục trặc.
          Chợt có tiếng người nhẩy lên thuyền làm tôi điếng người, một người đàn ông cúi mình thò đầu vào khoang nhìn dáo giác một lượt rồi hỏi :
- Xong rồi chứ ? đánh nhe, mọi người tới rồi.
         Tôi chỉ kịp trả lời :- Dà. thì ông ta đã quay gót nhẩy lên bờ, lát sau thì nhiều tiếng động trước mũi thuyền, làm chiếc thuyền chao đảo không ngừng, gìa trẻ trai gái, lần lượt chui nhanh vào khoang, chỉ có tiếng xì xào to nhỏ và tiếng lục cục của chân dẫm lên bục gỗ. Em Nguyễn Hữu Chí
  trao cho tôi gói giấy, phía ngoài bọc bao nylon, trong đó có cái hải bàn, và tấm hải đồ mà tôi đã khó khăn dò la để mua được. Ông Nhất nói với Chí quay giúp bánh trớn, cái máy ho lên xằng xặc nổ được chốc lát rồi từ từ tắt ngấm, lại quay - rồi lại tắt. Ông Nhất bực dọc : - Thợ máy đâu rồi hè ?. Một người lên tiếng :- Tôi đây, rồi thoăn thoắt chen qua đám người ngồi chật ních đến bên máy tầu kiểm soát, tôi cũng chui đầu vào nhìn, thấy nhớt trong máy phun ra phè phè mỗi khi máy nổ, anh ta lẩm bẩm gì đó với nắp máy đã dược tháo ra, tôi hỏi :
- Có cần gì không anh ? sao vậy ?
          Anh ta trả lời :
- Không sao, chạy được, nhưng uống nhớt hơi nhiều, ai căn máy gì kỳ qúa dzậy? để coi lại coi !!
          Anh ta vặn vặn xoay xoay một chặp thì máy cũng nổ được đều đặn trở lại, và chiếc thuyền rời bến nhắm thẳng cửa biển tiến tới, mọi người ngồi im lặng trong bóng tối nén tiếng thở mạnh, thế nhưng cái máy tầu cứ ho lên còng cọc vang lên và ống nước giải nhiệt trong máy thải ra ngoài phun lên phè phè. Cái khoang bé xíu vậy mà có thể chứa được hầu hết tất cả mọi người trong đó, khi nghe ông Nhất nói tôi mới để ý :  - Ráng chịu khó ở trỏng một lát đi bà con, ra khỏi cửa biển là xong rồi.
         Thuyền chạy được một lúc thì đến cửa biển, nước trong thuyền dâng cao ướt chỗ ngồi, ông Nhất mở máy bơm cho nước ra ngoài, sóng cuộn có phần mạnh hơn, trước mặt là biển nước mênh mông, ánh nước nhấp nhô trong bóng đen rờn rợn, tôi quay lại nhìn phía sau, không còn thấy nhánh sông vừa đi ra là ở chỗ nào nữa, chỉ thấy lờ mờ những hàng cây, bờ đất ẩn hiện thành một hàng ngang, trên cao là cột hải đăng sừng sững đang thè lưỡi liếm bóng đêm từng vòng. Thuyền kéo ga hết cỡ đi về phía trước, tôi mừng thầm : "Chạy nhanh như vậy sẽ mau đến hải phận, giờ này nếu bị phát hiện họ đuổi theo cũng không kịp". Nhưng mỗi khi nhìn lại ngọn đèn hải đăng, thì vẫn thấy nó nằm đó, vẫn thấy rõ mồn một chẳng cách xa được là bao nhiêu.  Tôi lần mò mở bao giấy lấy hải bàn ra xem, giờ phải dùng đến nó để định hướng đi, tôi xực nhớ đến những vật dụng cần thiết khác,  bèn hỏi lớn :
- Ai cầm gói thuốc tây ??... Có ai thấy cái buồm không ??...  Ai giữ phao, mấy cái ruột xe hơi đó ??... 
          Không có tiếng trả lời, đáng nhẽ ra tôi phải nhớ hỏi ngay từ lúc mọi người lên thuyền chứ ? nhiều việc chi phối trong đầu, khiến tôi không thể nhớ được mọi thứ. Tôi hỏi lại lần nữa, hỡi ôi ! vẫn không có ai trả lời, tôi thất vọng, bực bội và nổi giận. Bịch thuốc Tây gồm thuốc tiêu chẩy, thuốc say sóng, dầu nóng, thuốc nhức đầu, những cuộn băng vết thương v.v.. tất cả tôi đã mua được của anh Trần Đại Lộc, gần chợ An Đông. Cũng không thấy 4 cái ruột bánh xe vận tải được cắt đôi ra thành 8 khúc,  ép kín  và bắt khoen  2 đầu, dùng để gắn 2 bên sườn thuyền thay thế phao nổi  cho thuyền  cân bằng, tôi đã phải khó khăn để thuê làm cho thật tốt và kín đáo với giá không rẻ, thuê xe Ba Gác chở từ Hàng Xanh về Bến Hàm Tử thật không dễ tránh né Công An kiểm soát. Còn cái buồm nữa :- Trời ơi ! cái buồm đâu rồi ?. Cái buồm được cắt ra từ một cái dù mầu trắng của lính nhẩy dù còn cả dây dù mới tinh, anh Thảo đã nhờ người nhà ngồi may suốt buổi tối. Tội nghiệp cái cột buồm còn nằm trơ kia, tôi đã phải đợi đến bến Ninh Kiều Cần Thơ mới mua được một thân cây gỗ dài 6 mét, đục đẽo làm chốt gắn sau buồng lái, để phòng khi ra khơi cần đến sẽ dựng lên. Tất cả mọi vật, anh Bang đã trao cho ông Đông " chủ bãi " để đem ra đây cùng với  mọi người trong ngày hôm nay, tất cả đều không thấy đâu? Vì cuộc sống khó khăn, hay vì lương tâm bất nhẫn, lòng tham đã khiến người ta giữ những vật " vô giá " đó của chúng tôi làm của riêng, mà không cần màng đến tính mạng và thân phận của những người đang đi vào cõi tử sinh, "một đi không trở lại", và họ nghĩ rằng, sẽ không còn gặp lại chúng tôi  nữa. "Bần cùng sinh đạo tặc", buồn  cho " thế thái nhân tình" trong cuộc sống khó khăn của xã hội mới, đã tạo cho họ những tư tưởng và hành động bất nhân  như thế. Có tiếng ai  la lớn trong khoang:
- Sao nước vô nhiều qúa vậy ?  mở máy bơm  lên.
           Có tiếng ông Nhất vang lên :
- Mở rồi, chở " khẳm " nước dô chút đỉnh mà, lo chi.
          Tiếng máy vẫn nổ cọc cọc vang động dòn tan, đẩy chiêc thuyền đi tới, trong bóng đêm mênh mông, mặt nước tương đối bình lặng, biển nước bao la không có một điểm mốc  nên thấy như nó vẫn đứng nguyên một chỗ, trong khoang lặng im trong sự căng thẳng hồi hộp, tôi lo lắng nhìn về phía bờ xa sau lưng, ngọn hải đăng vẫn còn đấy,  - Trời ơi, đi lâu qúa rồi mà vẫn chưa khuất ngọn hải đăng, điệu này, chắc họ nhìn thấy mình qúa. Tôi nhủ thầm, bỗng nghe " Xầm " một cái, chiếc thuyền nghiêng về một bên, bất động, ông Nhất la lên :
- Mắc cồn rồi !!
           Tiếng máy rú lên, hạ xuống, rồi lại rú lên, chiếc thuyền không nhúc nhích, ông Nhất nói lớn.
- Bà con làm ơn xuống bớt đi, bị mắc cạn rồi, xuống cho nhẹ bớt... xuống đẩy phụ thuyền lui lại một chút, mấy người to con đó, xuống đi, lẹ lẹ một chút đi, làm ơn mà  !!
           Chẳng một ai dám xuống cả, giữa đêm đen bảo nhẩy xuống giữa biển mênh mông, làm sao có đủ can đảm. Tôi lại không biết bơi, không dám nhẩy xuống nước, thì làm sao dám hô  hào kêu gọi mọi người, đang bận rộn tìm phương cách gỉải cứu chiếc thuyền ra khỏi chỗ này, nên không có hề ý tưởng thất vọng bi quan gì cả. Tiếng ông Nhất lại la lên :
-
Bà con giúp một tay đi chớ, tụi nó ra bắt cả lũ bây giờ, lẹ lên.
           Vài người thanh niên làu bàu văng tục nhẩy xuống nước, chắc họ không biết bơi, có người leo qua mạn thuyền trượt xuống nước, tôi hỏi :
- Nước có sâu không vậy ?
- Tới đây nè !  
          Người thanh niên khoác tay, quơ ngang cần cổ, tôi lần theo mạn thuyền cũng trèo xuống, thuyền chạy trên một bãi cồn cát ngay giữa cửa biển trong khi mực nước  xuống thấp và chiếc thuyền chở nặng với sức trớn phóng nhanh đã đâm sâu vào giữa vùng cát nên bị mắc cạn, chúng tôi hè nhau đẩy tới, đẩy lui, tiếng máy rú lên, nhưng chiếc thuyền chỉ lắc qua lắc lại.
- Xuống hết đi bà con, nặng qúa, giúp một tay đi bà con ơi.!!
          Thêm được một vài người nữa nhẩy xuống, người đẩy, người dùng chân moi cát, người lắc, làm được chuyện gì thì cứ làm. Khoảng 15 phút sau chiếc thuyền không còn nhúc nhích được nữa, nó lệch nghiêng qua một bên, lặng im như đài tưởng niệm được xây cứng bằng xi măng, mức nước xuống tới ngực, tiếng máy thuyền chậm dần hậm hực rồi tắt lịm. Tôi hỏi như một phản xạ :
- Sao vậy ?
          Ông Nhất nói :
- Chạy gì nổi, chờ nước lên rồi đẩy ra chạy tiếp.
          Niềm lo lắng và thất vọng bao trùm lên mọi người, tiếng lẩm bẩm, tiếng chửi, tiếng than và tiếng cầu kinh nổi rân rang trên  thuyền. Mọi người đều chờ đợi, đợi con nước mau mau về tới, đợi tầu tuần tra ra cứu? hay họ ra bắt? sao cũng được, không thể làm khác hơn được, niềm lo lắng và thất vọng kéo dài từng giây phút khiến sự chấp nhận số phận đã an bài. Tôi miên man nghĩ đến những sự việc đen tối sẽ sẩy ra, tương lai rồi sẽ ra sao ? Ở nhà chắc đang mừng rỡ khi nghe ông Đông về báo tin tất cả đã ra cửa biển an toàn, hay đã được tầu buôn ngoại quốc vớt lên rồi. Bầu trời vẫn tối đen, có một chút mờ ảo của ánh trăng đã bị mây mù và hơi nước của biển che lấp không nhìn rõ những sự vật xung quanh, bộ quần áo trên người ướt sũng nhưng không thấy lạnh , vì nhiệt độ nóng bức hay bởi sự chán nản khiến chẳng ai quan tâm ? Lậy trời đừng để tôi bị bắt, nếu bị vào tù chắc chắn vợ và con tôi khổ lắm, họ đang lao đao sống ẩn núp mọi nơi, việc học của các con bị gián đoạn, Ồ mà không sao, đâu cần đến trường học những thứ đó, ráng chịu khó một thời gian rồi sẽ được học những điều giá trị hơn, sống một cuộc sống đúng nghĩa hơn. Tội nghiệp vợ tôi phải vất vả với các con nơi vùng đất xa lạ với miếng cơm giấc ngủ hằng ngày, những người thân thích nay đã không còn ở đó nữa, họ đã đi vùng kinh tế mới, vượt biên hay trong lao tù cả rồi, bằng hữu thì phần lớn đã ra nước ngoài, phần còn lại cũng lao đao vất vả không kém gì mình, chắc rồi lại phải dắt díu nhau  trở về nhà mà thôi, nơi còn có cha mẹ anh em đang hy vọng cầu mong con mình đã tìm được một chỗ an thân, trở về với đắng cay, về với khổ nhục lưu đầy, về bên những con người cùng mầu da, cùng tiếng nói nhưng luôn tìm cách đầy đọa trấn áp nhau, có còn lối nào thoát thân nữa không? Nếu như giờ này vợ con tôi cũng có mặt trên chiếc thuyền này thì sẽ ra sao ? cả nhà sẽ vào chung trong một nhà tù? lại càng đau lòng và ân hận hơn. Tôi thở một hơi dài an ủi may chỉ có 1 mình, định mệnh đã xếp đặt tôi không thể tham lam, không thể thất hứa những hẹn ước mà ngay ban đầu đã dành cho nhau, cả nhà đều đặt ưu tiên cho tôi lên hàng đầu, phải bằng mọi cách vượt thoát càng nhanh càng tốt, phần còn lại sẽ giải quyết sau, hoàn cảnh chỉ có thế !!
        Ngồi chờ con nước lên, chờ niềm hy vọng và hạnh phúc mong manh sẽ tới. Có tiếng nước vỗ vào mạn thuyền, lúc đầu nhè nhẹ rồi mạnh dần, ông Nhất gọi lớn :
- Bà con phụ đẩy thuyền một chút đi, nước lên rồi.
        Rồi kêu người quay bánh trớn cho nổ máy, vài người thanh niên nhẩy xuống, đẩy qua đẩy lại, chiếc thuyền nhúc nhích có vẻ nhẹ hơn đêm qua, rồi bất chợt chiếc ghe bật qua nằm thẳng, mấy người thanh niên vội leo nhanh lên thuyền khi nghe tiếng máy rú lên, chiếc thuyền lúc lắc vài cái và trôi tuột ra phía sau, mọi người  vui mừng reo lên chuyện trò nhốn nháo, ông Nhất quay mũi thuyền tránh bãi cồn và tống ga nhắm hướng chân trời phóng tới..., phía xa trước mặt một vẫng sáng mờ lạt đang tỏ dần, báo hiệu bình minh sắp ló dạng, cái lưỡi ánh sáng của ngọn hải đăng vẫn gắng gượng quét trên đầu chúng tôi, và thật hân hoan, tôi ưỡn ngực hít sâu một luồng gió mát đầy phổi, thật sảng khóai, nhẹ nhõm...
        Đợt thủy triều kéo về đất liền, tạo thành những lằn nước cuộn tròn lăn về phía chúng tôi, thuyền bơi theo dòng ngược ra khơi như những con cá hồi vượt dòng thác trở về nơi ra đời, chống chỏi  mệt mỏi, mỗi lần thuyền cưỡi lên lằn sóng rướn mình qua bên kia, nó dập mũi xuống múc lên một mẻ đầy nước biển, cũng may, mặt boong thuyền đã được đóng kín và  cửa vào khoang thuyền cũng có bệ cao ngăn chặn nước tràn vào. Bầu trời mỗi lúc một tỏ hơn, tôi đứng trước cửa khoang, nhìn ra ngoài mặt biển, chung quanh vẫn chỉ một mầu nước thâm đen, không một bóng thuyền nào khác ngoài tiếng động cơ máy nổ rầm rộ và tiếng ói mửa bên trong lại vang lên. Đây là lần đầu tiên tôi được đi trong một chiếc thuyền nhỏ trên biển, tận hưởng những lằn sóng ngoạn mục nhào lên lặn xuống, vậy mà tôi lại không bị say sóng không một mảy may khó chịu, ngược lại, còn có phần thích thú là đằng khác, không hề nghĩ rằng sự nguy hiểm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
         Niềm lo lắng đêm qua vừa tan biến, niềm vui mới chưa ngập lòng thì bỗng :
- Sao nước vô nhiều vậy nè bà con ơi, tát nước, tát nước, lẹ lên, lẹ lên. 
         Nhiều tiếng hốt hoảng la lên, tôi hoảng hồn nhìn vào khoang thuyền, nuớc ngập làm ướt chỗ ngồi, nhìn qua bệ gắn máy tầu, phía dưới nước dâng ngang lườn máy, chiếc motor bơm nước cũng nằm phía dưới đó,  người ta nhốn nháo la ó loạn xạ :
- Tát nước, mở máy bơm nước  !! bể thuyền rồi, máy bơm không chạy !!
- Máy đang bơm mà ? bơm tay nữa đi, cái bơm gắn trên tường kia kìa..,
          Cái máy bơm bằng điện chắc bi hư rồi, nên không làm việc được, vài người thay nhau đẩy cần bơm tay qua lại, nước phun ra ngoài, nhưng được một lúc thì ai cũng nản vì mệt mỏi, chiếc thuyền chở nặng chìm xuống mặt nước sâu hơn, và mỗI lần cưỡi sóng ngoi lên, là một lần múc đầy nước trên mui thuyền, chả khác gì con cá voi mỗi lần trồi lên là phun nước phè phè ra ngoài, đồ ói mửa như mật xanh mật vàng, lênh láng bồng bềnh trong khoang thuyền bám vào quần áo mọi người đang ngồi thu gối nước ngập ngang mông, mùi tanh hôi nồng nặc tỏa khắp căn phòng như cái hầm gỗ, mọi người cùng hít thở cái không khí vẩn đục đó, người không say sóng cũng bị ói mửa theo là vì vậy.
         Bình thường nhìn qua khung cửa nhỏ trên vách thấy cảnh vật phía dưới thật xa, nhưng giờ thì thấy nước biển lấp ló phía ngoài, tựa hồ muốn trào vào trong, trong thuyền còn có một cái gầu múc nước, giờ chuyền nhau múc nước tạt ra ngoài cửa sổ, chị Nguyệt ngồi tựa lưng vào cửa sổ nhỏ bên trái, múc từng ca nước hắt ra ngoài, miệng túm tím như đang ăn trầu, khuôn mặt thản nhiên không vướng chút âu lo, bởi chị đã quen và từng sống trên sông nước lâu năm. Lê Văn Thành người  có nước da ngâm đen ngồi sau lưng cửa khoang, nụ cười luôn nở trên môi, anh dùng  một can nhựa 20 lít đã  được cắt rộng miệng và cũng thản nhiên múc nước trong khoang đổ ra ngoài, anh nói nói cười cười kể chuyện luôn miệng nhưng tôi không nghe rõ được điều gì,  một hình ảnh thể hiện tâm tánh của con người bình tĩnh, thản nhiên đối phó trước sự hiểm nguy trước mặt, thật dễ cảm mến, cũng kể từ lúc đó tôi quen biết anh.  
          Không ai biết được nước từ đâu vào, mọi người lần mò tìm kiếm khe hở trong lòng thuyền, từ chỗ những mảnh ván ghép vào nhau được trét kín bằng giây gai trộn Chai keo, cho đến những lỗ bắt đinh ốc dưới đáy thuyền, cũng không thấy mạch nước phun lên, lạ qúa ? chắc chắn phải có chứ !! vì  tát hoài mà nước mỗi lúc một nhiều hơn. Có người đề nghị :
- Vứt đồ không cần thiết cho nhẹ bớt đi.
- Vứt bớt mấy can dầu dư kia đi.
          Thật là điên, vứt dầu đi thì làm sao vượt biển được nữa, nhưng đã qúa trễ, người ta quăng tất cả những gì có thể quăng được xuống biển khi vừa nghe xong lời đề nghị. Như một quyết định có sẵn, như một mệnh lệnh vừa được ban ra,  kể cả mấy can dầu lẻ nằm ngang phía sau mạn thuyền, không ai kịp ngăn cản cũng đã bồng bềnh nhấp nhô trên sóng nước trôi xa.
          Một người lớn tuổi ôn tồn nói :
- Bà con thấy rồi đấy, máy bơm hư rồi và nước vô nhiều qúa, nếu tiếp tục đi nữa chắc chìm thuyền luôn không ai có sức tát nổi, mấy can dầu cũng bị vứt xuống biển rồi, làm sao đi tới nơi, bà con muốn tiếp tục đi nữa hay quay về ?
          Nghe tới đây nhiều người la lên :
- Thôi dzề đi bà con ơi  !!
          Tiếng la ó, tiếng chửi thề, tiếng than khóc vang lên, nhưng mọi người dường như hài lòng với đề nghị này, họ đã nhận thấy sự nguy hiểm đang đến gần, việc quay trở lại bây giờ là đúng lúc, vì thuyền không ở xa bờ là bao nhiêu. Trong trường hợp này bắt buộc ông Nhất phải chấp nhận, quay tay lái đánh một vòng ngược lại. Tôi buồn rầu cúi mặt  nghĩ đến chặng đường gian nan sắp tới mà lòng đầy thất vọng, mắt chằm chằm nhìn đôi bàn tay của anh Thành vẫn nhịp nhàng múc nước trong khoang đổ ra ngoài, như một lời cảnh báo, cùng là một lời vỗ về an ủi. Thuyền nhắm thẳng ngọn hải đăng trở về, ánh vừng hồng ngại ngùng tỏa sáng sau lưng...
        Cửa Thạnh An, nơi khởi hành đêm qua, giờ chẳng biết đâu nữa, từ xa nhìn vào chỉ thấy một bờ giống nhau, cứ chạy thẳng vào đấy rồi tìm nhánh sông chui vào, thâp thoáng 2 bên có bóng thuyền chạy ra biển, chắc tầu đánh cá, chẳng ai để ý đến chúng tôi cả, và cũng không thấy bóng dáng tầu tuần duyên.
        Thấy được nhánh sông, ông Nhất tiến sâu vào đấy, chạy được một lúc, có một bờ đất rộng nhiều cây lớn mọc, phía xa có bóng nhà dân, ông Nhất cho thuyền ghé xát vào bờ rồi la to :
- Chạy đi bà con, chạy lẹ đi kẻo bị bắt đó.
        Thế là mọi người vội vã ùa nhau nhẩy lên bờ, tiếng la của trẻ con, tiếng khóc của phụ nữ, tiếng than của đàn ông tạo thành một âm thanh ồn ào hỗn độn, mọi người tủa ra mọi phía, mạnh ai người đó chạy. Ông Nhất nhìn tôi ngầm hỏi ý, rồi quay lưng định nhẩy luôn lên bờ, tôi gọi dật lại :
- Bác Nhất ! đừng đi bác ơi ! ai lái thuyền về bây giờ đây ?
- Đem thuyền về bây giờ là bị bắt cho coi, thua rồi thì bỏ tiếc chi nữa, anh cũng chạy mau đi ?
- Bác làm ơn giúp một phen cho chót đi, lên bờ chưa chắc là thoát, tôi còn giữ giấy tờ ghe chở hàng, ráng chạy về đi, bỏ mất lấy gì đi được nữa.
        Tôi năn nỉ một tràng, vừa nghe, ông Nhất vừa khom mình luồn vô buồng lái, mở máy chạy tiếp. Coi vậy mới biết ông ta là người tốt, không có ý phản bội, cũng còn có trách nhiệm và giữ lời hứa, hay tại ông ta không còn lối nào thoát, trên ghe vẫn an toàn hơn trên đất chứ ?, kinh nghiệm lần trước cho ông thấy lớ ngớ trên đất lạ, bị phát hiện vượt biên là bị bắt ngay, phải có vài chỉ vàng trong túi để hối lộ chính quyền địa phương kịp thời.
        Mọi dấu tích của sự vượt biên phải được phi tang lập tức, tôi chui vào khoang thuyền kiểm soát, một cảnh hỗn độn bừa bãi bầy ra trước mắt như một bãi rác sau cuộc ăn chơi vui thú, nào giấy báo gói xôi, nào lá chuối lá dừa gói bánh, nào bao nylon gói rác, gói đồ ói mửa, quần áo dơ bẩn bám đầy dầu mỡ, dây dợ, chai lọ...tất cả lềnh bềnh dạt qua dạt lại trong khoang thuyền, mùi tanh hôi của nôn mửa vẫn còn đó làm tôi lợm giọng, khó thở. Dang rộng tay, tôi vội vã gom tất cả những thứ đó quăng nhanh ra sông, phải làm sạch sẽ càng nhanh càng tốt, thời gian thật cần thiết, lật mấy tấm ván lên để kiểm soát phần phía dưới, ở đó cũng bừa bãi chẳng khác gì phía trên. Trời ơi ! quần áo dầy dép bao bì rác rưới ở đâu mà nhiều thế ? Ngồi chật ních bó gối một chỗ trong khoang, cho nên những thứ gì không cần dùng nữa, tiện nhất là nhét xuống phía dưới, nhét vô kẽ thuyền, hoặc chỗ dựa lưng là xong. Đầu ống tube của máy bơm nước được bao chung quanh bằng một tấm lưới sắt dùng để ngăn lọc đất cát hay rác vụn, giờ bị bít kín bởi giấy báo và bao nylon, thảm nào máy không thể bơm nước ra ngoài, may quá bơm chưa bị hư, tôi gỡ bỏ tất cả những rác bẩn đó và nước dược bơm ra ào ào ngay lập tức, chốc lát sau, trong khoang cạn khô và chẳng tìm đâu ra một chỗ hở hay vết nứt khiến nước ngập tràn như thế, tôi nói với ông Nhất :
- Kỳ qúa, không biết nước vô chỗ nào ? bây giờ thì chẳng còn giọt nước nào cả !!
          Sau này, khi nâng tầu lên bờ sửa chữa mới biết rằng, cái ống  tube được gắn kín trong hầm phía sau, làm trục đõ cho cần lái thuyền qúa ngắn, bình thường thì không có chuyện gì xẩy ra, nhưng khi chở qúa nặng, thuyền chìm sâu xuống nước, sức đẩy của nước bị tống lên theo lõi ống tube phun vào trong,  thuyền càng chạy nhanh, đuôi thuyền càng rị xuống thấp, sức ép của nước phun vào càng nhanh.
         Thuyền đi lạc lối loanh quanh, xuyên qua nhiều lạch nhỏ, băng qua bao nhánh lớn, thỉnh thoảng gặp thuyền qua lại, ông Nhất hỏi thăm đường về SàiGòn, lần này thuyền chỉ đi vào ban ngày, ban đêm tìm chỗ neo thuyền ngủ lại, đường về ít bị để ý hơn lúc đi. Thế nhưng vào một buổi chiều khoảng 4-5 giờ, trên một bờ đất lở, có một đám người đứng gìm súng hô gào, gọi vẫy chúng tôi cặp vào bờ. Cột thuyền vào hàng cọc đã neo sẵn vài chiếc thuyền nơi đó, tôi và ông Nhất cùng leo lên, họ hỏi thẻ Chứng Minh Nhân Dân cùng Giấy Thông Hành, họ chỉ chúng tôi ngồi chung với đám người đang ủ rũ trên cây gỗ mục nằm sát ven hàng rào, cạnh hàng cây bụi tre.  Mọi người ngồi đấy đã hơn nửa tiếng đồng hồ mà chẳng nghe gọi đến tên, chẳng nghe chất vấn hay tra khảo chi cả, một nguời trong "trạm kiểm soát " lững thững ra mé sông, nhẩy lên từng chiếc ghe - thuyền, nhìn ngó quanh quất, rồi lại trở lên.
         Một ông lớn tuổi ngồi trong đám lên tiếng :
- Thôi ! góp chút đỉnh caphê thuốc lá cho nó đi, có tiền không ?
           Thiệt chán qúa ! " gia tài " tôi chỉ còn độc nhất 20 đồng trong túi, còn phải mua đồ ăn dọc đường nữa chứ ! ông Nhất chỉ còn khoảng 15 đồng ( lương nhân viên lúc này khoảng 27 đông VN một tháng ), tôi trao 10 đồng cho người đàn ông đại diện cho cả nhóm, số còn lại dấu đi, ông Nhất cũng nộp 10 đồng, gom góp chẳng biết được bao nhiêu, chặp sau ông ta từ trong văn phòng ra nói :
- Chưa đủ, nộp thêm nữa, họ làm khó dễ qúa bà con.
           Lại một vòng " lạc quyên " nữa, tôi đành móc hết cho xong, kẻo lỡ họ ra lục soát thấy còn dấu tiền thì...không biết nói sao đây ?
          Gió chiều lồng lộng thổi, bầu trời ngả mầu xám xịt như cơn giông đang kéo đến, mặt sông gợn sóng bồng bềnh dập vào mạn thuyền, những chiếc thuyền nhẹ tâng lúc lắc, uốn éo theo làn sóng nước va dập vào nhau, gió cuộn hơi nước mát lạnh thổi ập đến chúng tôi,  chưa lúc nào tôi thấy lạnh như lúc này, có lẽ vì đói, mệt và chán nản, chúng tôi phải ngồi chịu trận ở đó cả tiếng nữa, không biết lý do tại sao lại phải ngồi đây ? (cũng may là không có lý do ). Cuối cùng thì chúng tôi cũng nhận lại được giấy tờ, lục đục kéo nhau trở về thuyền. Hầu như tất cả những chiếc thuyền này đều đi chở thuê, nhưng hôm nay đều trống rỗng, không chở hàng hóa trên thuyền, cho nên bị " phạt " ngồi hơi lâu, bình thường nếu có hàng chuyên chở thì phải tự động vào nộp " mãi lộ " sẽ được đi ngay.
          Đường trở về bao giờ cũng thấy ngắn hơn, tránh né tất cả những gì có thể đem lại phiền phức, lần mò hỏi thăm đường đi thường xuyên, nên chúng tôi đã về được bến Sài Gòn dễ dàng và nhanh hơn dự tính, nắp khoang thuyền cũng như mái che buồng lái, vẫn phủ mờ một lớp muối mỏng trắng xóa dưới ánh mặt trời, mặc dù thỉnh thoảng tôi đã phải múc nước sông lên dội cho muối trôi đi, cột ống khói và những đinh-ôc bằng kim loại, đều bị hoen rỉ đổ mầu vàng nâu vì muối ăn mòn. Đến bến Hàm Tử, chạy ngay về chỗ cũ, nơi ông chủ nhà đã giao kết chấp chứa cho neo thuyền sau nhà ông, đúng vào những ngày cuối năm, mọi người đang sửa soạn đón Tết Tân Dậu 1981. Chúng tôi cột thuyền xong, bước xuyên qua phòng khách băng ra đường, đón xe ôm về nhà, để lại sự kinh ngạc của ông chủ nhà, đang ngơ ngác nhìn chiếc thuyền còn phủ mờ một làn muối trắng, dấu tích của cuộc vượt biên thất bại vừa qua.
          Và cũng kể từ hôm đó, tôi không còn dịp gặp lại ông Nhất nữa.
 
Nguyễn Quyết Thắng
tháng 4-2013    
         

VŨ UYÊN GIANG * DƯƠNG HÙNG CƯỜNG

Kỷ niệm trong tù với nhà văn Dương Hùng Cường

Vũ Uyên Giang






(Để nhớ đến bạn tôi nhà văn quân đội Dương Hùng Cường đã bị CS bức hại trong lao tù)


1.

Vũ đi dọc con suối nhỏ chạy giữa khu rừng tre già ở Vùng Kinh Tế Mới Cẩm Đường (Long Giao, Long Khánh) mong tìm kiếm được ít rau tàu bay, cải trời để làm món ăn độn cho cả bọn, vì hôm nay tới phiên anh "đi chợ" (1)...

... Kinh nghiệm tù đầy trong "vòng tay nhân ái" của đảng CS đã cho bọn anh những bài học quý giá; nếu không muốn bị chết vì đói khát dưới sự lao động khổ sai và sự quản lý hà khắc của cai ngục thì phải biết đoàn kết, phải biết kết hợp thành từng nhóm nhỏ từ 2, 3 người để giúp đỡ lẫn nhau trong lao động cũng như sinh hoạt và ngay cả trong công việc tìm kiếm những cọng rau lang, rau muống, củ sắn, củ khoai... làm đầy cái bao tử vốn thường xuyên lép kẹp. Rừng tre già với những thân tre cao vút, oằn xuống.

Tàn tre đan kín không gian, che khuất ánh sáng mặt trời chói chang bên trên, khiến khu rừng trở nên âm u, hoang vắng lạ lùng. Tiếng gà rừng xao xác, xen lẫn với tiếng kẽo kẹt của thân tre cọ vào nhau sau mỗi cơn gió thoảng. Tiếng chặt tre chan chát xen lẫn với tiếng reo hò của đám cải tạo mỗi khi chặt được một cây tre tạo thành những thanh âm hỗn độn, ồn ào, vang động cả một góc rừng. Vũ men theo triền suối, nước trong vắt chảy lững lờ. Một vài con cá lòng tong bơi tung tăng ngược giòng nước tạo thành những vệt sóng nhỏ lăn tăn.

Vũ nghĩ, nếu giờ này mà có một cái vợt, anh sẽ vớt được những chú cá lòng tong bé tí kia, và đến chiều, cả bọn anh sẽ có một nồi canh rau với chút mùi tanh tanh của cá. Nghĩ đến đó tự dưng anh nuốt nước miếng... Anh chợt cười vu vơ, xua đuổi ý nghĩ vừa thoáng hiện trong đầu. Đời sống khổ ải trong lao tù khiến con người trở nên ti tiểu; suốt ngày chỉ nghĩ kế làm sao đánh lừa được cái bao tử bằng những cọng rau, những mẩu khoai, mẩu sắn nhặt nhạnh được trong khi lao động.

Vũ dừng lại lắng tai nghe ngóng. Dường như có tiếng nói cười lao xao vọng lại từ bên kia bờ suối. Anh thận trọng nghe ngóng, dò xét để đi đến quyết định có nên sang bên đó không? Đây là một chọn lựa khôn khéo mà bắt buộc bất cứ người nào được cử "đi chợ" cũng phải đắn đo, thận trọng vì có thể đó là tiếng nói cười của bọn vệ binh canh tù. Lớ ngớ để chúng tóm được thì ốm đòn; có khi dám xơi cả băng AKAMICINE (2) vào người không chừng; nhưng cũng có thể đó là tiếng nói cười của đám tù nhân Trại khác cùng lao động ở khu vực này...

Nhưng béo bở nhất là gặp được những người dân đi làm rừng, làm rẫy; đúng là trúng số, vì sẽ có cơ hội mua được tí đường, tí đậu, tí thuốc lào... Đôi khi có anh còn mua được cả lít "máu nhân dân" (3) hoặc ký thịt, ký cá v.v... về để dành ăn cả tháng.

Anh còn đang phân vân không biết có nên băng qua con suối sang bên kia không, thì loáng thoáng nghe trong gió thoảng tiếng nói vọng đến: "Tụi mày biết không? Lúc tao ở Không Quân..." Giọng nói quen thuộc lắm anh nhớ là đã nghe tiếng người này nói ở đâu đó một đôi lần thì phải nên chắc là quen với anh. Vũ mỉm cười quyết định bước sang bên kia bờ suối.



2.

Người đàn ông gầy guộc, làn da sạm đen, hai má hóp lại và khi cười để lộ hàm răng có những chiếc răng cửa bị gẫy. Anh ta nằm ngửa dưới tàn một cây "cám" lớn. Chung quanh anh, lố nhố những người tù quần áo vá chằng, vá đụp đang kẻ đứng, người ngồi nghe anh nói chuyện. Chiếc điếu cầy lỏng chỏng trên nền đất. Trong trại tù thì chiếc điếu cầy là hình ảnh quen thuộc lúc nào cũng đi sát với cải tạo như vũ khí bên mình, chẳng thế mà có nhiều anh ví von là đeo Bazôka đó sao? Tiếng nói của người đàn ông sang sảng, ánh mắt sáng và khuôn mặt cương nghị khiến Vũ nhớ đến một người bạn thân của một thời xa xưa: Dương Hùng Cường, tức Dê Húc Càn, nhà văn Quân Đội ở binh chủng Không Quân QLVNCH, tác giả của Buồn Vui Phi Trường, Vĩnh Biệt Phượng... Vũ mạnh dạn bước về phía những người cải tạo đang quây quần nói chuyện. Người đàn ông ngồi bật dậy như giây lò so, gọi:

- Vũ! Mày phải không? Lại đây.

- Sao "ông" thay đổi nhiều quá vậy? Ở Trại nào ?

Vừa hỏi, Vũ vừa đưa mắt ngầm chào những người bạn chung quanh Cường. Từ lâu, mặc dù chơi với anh, nhưng Vũ vẫn có thói quen gọi anh bằng "ông", vì Cường lớn hơn Vũ khoảng 5, 6 tuổi gì đó; nhưng vì cùng là đồng nghiệp trong giới viết lách, văn nghệ văn gừng, báo chí; hơn nữa hai người lại chơi thân với nhau; nên trong đối xử Cường vẫn coi Vũ như một người bạn cùng trang lứa; ngược lại Vũ vẫn coi Cường như một người anh. Cường có thói quen gọi bất cứ người bạn thân nào cũng bằng mày, tao; nên Vũ cũng không ra khỏi cái thói quen thân tình đó.

- Mẹ kiếp! Mày thì có hơn gì tao? Cũng thay đổi như bất cứ thằng tù nào. Vào đây mà mày không thay đổi, cứ phây phây mập mạp là làm hỏng kế hoạch của đảng và nhà nước mất. Tao ở T.11, L.2. Còn mày? Cường hỏi. Anh vẫn giữ lối nói ồn ào, dí dỏm ấy.

- T.5, L.1

- Mày có gặp thằng nào "phe ta" không? Tao chẳng gặp thằng nào cả.

Vũ đáp:

- Có. Thằng Trần Ngọc Tự (4), Nguyễn Đăng Thạch (5), Nguyễn Thanh Trang (6) ở T.5 chung với tôi. Nguyễn Nguyên Phương (7), Phí Ích Bành (8), Nguyễn Đức Quang (9), Dương Kiền (10), Dương Cự (11) ở T.1; Đỗ Kim Bảng (12), Đào Văn Khánh (13) ở T.3, Khả Năng (14) ở T.2 và khi ở Phú Quốc gặp Nghiêm Phú Phát (15) và Võ Thế Hào (16)...

Nói xong Vũ cầm chiếc điếu cầy rít một hơi. Những sợi thuốc lào Lạng Sơn chính hiệu, vàng óng, được cắt thật nhuyễn đưa anh vào cơn say ngầy ngật, tê dại. Dương Hùng Cường quay sang giới thiệu Vũ với đám bạn bè anh đang bu chung quanh:

- Đây là thằng Vũ, đồng nghiệp làm báo của tao. Thằng này nhiều tài vặt lắm viết văn cũng được, làm thơ nghe cũng khá, đặc biệt nó chẳng học trường vẽ mà vẽ cũng có nét lắm... Trong đám viết lách tao chịu thằng này nhất vì nó thẳng thắn, không lươn lẹo, quanh cọ Nhiều lúc nó "phang" những búa mà cả tuần sau thằng bị phang mới biết, mới hiểu. Đau không chịu được... Như hôm Tết Mậu Thân, nó phang thằng Cả Quỷnh, Giám Đốc Trị sự của tờ báo nó đang làm ngay trên tờ báo Xuân; vậy mà mãi sau Tết con nhà Cả Quỷnh mới biết. Đau không để đâu cho hết đau. Bọn làm báo tụi tao thằng nào cũng căm mấy ông chủ báo keo kiệt, hà tiện mà chẳng làm được gì, chẳng dám lên tiếng; chỉ có thằng này hiên ngang phang cả nhà thằng Quản Đốc tờ báo mình đang làm trên báo nhà; mà lại là báo Xuân nữa mới đau điếng. Dường như lúc đó mày làm chung với thằng Viên Linh (17) phải không?

- Ừ! Nhưng Viên Linh đã rời tòa soạn vì xích mích với Cả Quỷnh. Bấy giờ chỉ còn Anh Hoàng Sơn và Đạm Phong...

- Mày có nghe tin tức gì của thằng Nguyên Vũ và Du Tử Lê không?

- Không!

- Tao nghe mấy thằng nó nói, chính mắt bọn nó trông thấy thằng Du Tử Lê bị chết ở chân cầu Thị Nghè. Có thằng còn quả quyết nhìn thấy chiếc xe Vespa của nó nằm lật gọng ở lề đường. Còn thằng Nguyên Vũ thì có đứa nói với tao là đến chiếu ngày 30/4/75 còn gặp nó ở Sàigòn; mãi ngày 2/5/75 nó mới lần mò ra Vũng Tàu và "tếch" ở đó. Tao thích tính thằng Nguyên Vũ, nó chơi chí tình với bạn bè, hơi màu mè một chút nhưng không thủ. Có tiền là xả láng... Mày nhớ bữa tiệc lột lon ở Trung Thành Quán ngày nó giải ngũ không? Vui quá hả mày?

- Ông nghe những tin đồn về Phách và Chiêu (18) ở đâu vậy ? Nhiều khi chỉ là những tin đồn nhảm thôi. Sau ngày đứt phim, thiếu gì những huyền thoại! Vũ đáp.

- Ừ, tao cũng nghĩ thế.

Nỗi mừng vui xôn xao trong lòng; Vũ không thể nào ngờ gặp lại Dương Hùng Cường trong hoàn cảnh tù đầy này. Hai thằng ngồi nhắc nhở nhau về những kỷ niệm của thời làm báo; nhắc đến bạn bè, đứa ở, đứa đi mà ngậm ngùi. Cường thở dài:

- Chắc chẳng có dịp gặp lại bọn nó quá! Mày có tính gì không?

- Tính toán gì được ông? Bây giờ còn chưa biết sống chết ra sao; cứ được ngày nào hay ngày đó đã.

- Ừ! Đành vậy. Mày còn trẻ. Ráng sống mà về. Còn tao bệnh hoạn hoài. Không biết có ra được không?

- Hai Trại ở xa nhau quá; chứ nếu không tôi tìm cách gửi cho ông ít thuốc tây. Vũ nói.

- Mẹ kiếp! Làm sao mà gặp được? Hôm nay đúng là may mắn, tao không ngờ gặp lại được mày. Tao mừng lắm. Nhất là biết tin tức của một số bạn bè... Để tao gói cho mày ít thuốc lào và ít đường thẻ tao vừa mua được của người làm rẫy.


3.

Sau lần gặp gỡ tình cờ ở khu rừng tre Cẩm Đường, Vũ không gặp lại Dương Hùng Cường nữa; dù anh cố tình dò hỏi các anh em bên trại T.1 và T.3 là hai trại kế cận với T.5 của Vũ; nhưng không có kết quả gì. Vì dù ở trong cùng một Liên Trại (19) gặp được nhau đã là khó, huống gì Cường ở Liên Trại L.3, còn Vũ ở Liên trại L.1... Khi về đến Trại, Vũ mang niềm vui bâng khuâng vì gặp được bạn cố tri trong hòan cảnh khốn cùng nhất.

Vũ kể chuyện gặp gỡ Cường cho Trần Ngọc Tự nghe khiến Tự cứ tiếc hùi hụi là đã né không đi rừng hôm đó nên không được gặp Cường, vì Tự và Cường cùng phục vụ trong tờ báo Lý Tưởng của Binh chủng Không Quân. Bẵng đi cả năm sau, Vũ chẳng có cơ hội nào gặp lại Cường và cũng không nghe bất cứ tin tức gì về Cường nên không biết anh còn bị giam ở T.11 hay không?

Trần Ngọc Tự thì đã bị chuyển ra ngoài Bắc trong đợt chuyển một số lớn anh em cải tạo thuộc thành phần "ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân" như An Ninh, Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị... bị cho là nguy hiểm nên phải đầy ra núi rừng Việt Bắc vào đầu năm 1977. Cái lý do Tự bị đưa đi Bắc chỉ vì anh đã khai cấp bậc và chức vụ là: Trung úy Chiến Tranh Chính Trị, Thư ký Tòa soạn Tập san Lý Tưởng Không Quân. Bọn VC vốn ghét An Ninh, Tình Báo và Chiến Tranh Chính Trị, mà Tự lại khai là Thư ký Tòa soạn Tập san Lý Tưởng Không Quân; bọn VC ngu dốt cho là anh có nhiệm vụ soạn tài liệu về lý tưởng cho Không quân chống cộng. Hơn nữa trong một lần học tập chính trị, Tự đã phát biểu một cách văn hoa là: "Thưa các bạn, xuyên qua quá trình lịch sử VN cận đại, đảng CSVN xuyên suốt sợi chỉ hồng..." Tên quản giáo VC ngồi theo dõi buổi học tập đã chặn anh lại và "giáo dục những kẻ lầm đường lạc lối" như sau:

- Anh Tự. Anh là một người cực kỳ phản động, vào đến đây rồi mà anh vẫn còn tiếp tục chống phá cách mạng bằng cách dùng thủ đoạn chiến tranh tâm lý để tuyên truyền xuyên tạc đường lối của đảng và nhà nước ta; đổi trắng thay đen làm suy yếu đi cái tính chất vĩ đại thần thánh của đảng CS tạ Đảng CSVN là một đảng vĩ đại với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt và vĩ đại của Bác, nên đã chiến thắng được 3 tên đế quốc sừng sỏ đó là Thực dân Pháp, Phát xít Nhật và Đế quốc Mỹ; đã dẫn dắt đến chiến thắng ngày nay, giành được tự do, độc lập. Đánh bại Đế quốc Mỹ và phá tan bộ máy chiến tranh khổng lồ của Ngụy quân, Ngụy quyền Sàigòn. Vậy mà anh dám xuyên tạc lịch sử VN là cận đại Lịch sử VN chỉ có vĩ đại chứ làm gì có cận đại? Đảng CSVN với biểu tượng là lá cờ đỏ rực rỡ thì anh xuyên tạc ra là sợi chỉ hồng là thế nào?

Cả tổ đã không nhịn được cười trước sự lý luận ngu dốt và sự hiểu biết nông cạn của tên cán bộ VC. Chính vì vậy mà y đã ghim Tự vào trong hồ sơ đen của những người ngoan cố chống đối; và hậu quả là trong đợt chuyển trại lần này nhằm đem những tên nguy hiểm ra Miền Bắc, nơi có điều kiện giam giữ khắc nghiệt hơn.

Hôm Tự đi, Vũ đưa tiễn ra tận cổng trại, một đoàn người tiễn đưa bịn rịn. Tự cười toe toét, đưa tay sửa lại gọng kiếng cận thị nói:

- Kỳ này tớ lại có dịp thăm lại Ninh Bình quê tớ rồi. Vũ nhét vào tay Tự mấy vần thơ anh viết tặng Tự và dặn "...Đọc xong thì đốt đi!"

Tiễn bạn lưu đầy đất Bắc

(Tặng Trần Ngọc Tự)

Mày đi nặng gánh lao tù
Gió mưa Việt Bắc mịt mù từ đây
Còn tao heo hút chân mây
Khổ sai, lao dịch dưới tay vượn người
Mày đi, môi vẫn mỉm cười
Cỏ cây rũ rượi khóc lời chia xạ..

(Viết tại Long giao 1977 - VUG)



4.

Đến cuối năm 1977, khi mặt trận vùng biên giới Việt - Miên trở nên sôi động, tình hình chiến sự không còn ở mức va chạm nho nhỏ vì hiểu lầm nhau nữa mà chuyển sang mức độ giao tranh lớn. Khi ấy tình nghĩa của hai nước "CS xã hội chủ nghĩa anh em đời đời bền vững" Việt Miên đã tan vỡ sau khi tình hữu nghị Việt - Hoa đã biến thành thù hận. Mặt trận ở biên giới phía Bắc đã khiến cho "tên đàn em phản trắc Bắc Việt" phải nghĩ đến chuyện thanh toán "tên đàn em phản trắc" Khmer. Khu vực Liên Trại L.1/ Trại giam Long Giao được lệnh giải tán, dồn tù cải tạo sang Liên Trại L.3 để lấy khu L.1 trống làm chỗ huấn luyện tân binh cho lực lượng SPK.

Lực lượng Cách Mạng Giải Phóng Kampuchia là con đẻ của CSVN. Chúng lập ra Lực lượng này gồm một số lớn là đồng bào Việt gốc Miên ở vùng biên giới Gò Dầu Hạ, Vĩnh Bình, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Châu Đốc... bị VC lùa bắt dồn về L.1. Chúng bắt đủ mọi thành phần dân chúng, người già, trẻ em, đàn bà...không từ một ai; tất cả những người sống ở những vùng giáp ranh với Miên đều chúng bắt lùa vào các trại thuộc Liên Trại L.1, mà chúng đã dụ dỗ họ là chở đi tị nạn, tránh sự tấn công sát hại của người Miên. Ngay khi vào Trại, chúng liền lập thành đội ngũ, phát quân phục bộ đội và cho tập tành thao diễn cơ bản. Xen lẫn vào đám dân lành này là những cán binh VC được cài vào để nằm chung trong đội ngũ Lực lượng SPK, chuẩn bị cho kế hoạch xâm lược Kampuchia.

Bọn tù cải tạo như Vũ nhìn thấy cảnh những người dân lành bị lùa vào trại tập trung như một bầy gia súc mà thương hại cho họ vô cùng; có những em bé mũi dãi còn chảy lòng thòng đói ăn mặt mũi vêu vao; có những bà mẹ trẻ, bồng con còn đỏ hỏn trên tay; có những cụ già móm mém tóc bạc da mồi... họ chẳng biết gì về chiến lược lớn của đảng nên khóc lóc, kể lể, phản đối đòi về quê hương xứ sở thì bị bọn cán bộ canh gác đánh đập tàn nhẫn... Bọn Vũ thấy vậy thương hại thường nhín phần ăn thiếu thốn của mình ném sang cho họ. Nhất là lúc này đang là mùa thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn, nên bọn Vũ có "chôm" được nhiều lương thực cất giấu dự trữ phòng khi đói. Bây giờ được dịp cứu đói mấy người dân lành bị VC bắt ở vùng giao tranh với Miên lùa về đây...

Các tù nhân cựu quân nhân VNCH thuộc Liên trại L.1 bị lùa sang Liên Trại 3, họ dồn các trại lại với nhau: Hai trại T.2 và T.5 dồn chung vào trại T.13 ở sát hàng rào trại T.11; Hai trại T.3 và T.1 dồn vào trại T.12. Ngay buổi chiều hôm ấy, bên hàng rào trại T.11 và T.13 đã trở thành cái chợ trời ồn ào. Tù nhân hai trại túa ra hàng rào tìm bạn bè, thân thuộc. Tiếng kêu réo nhau vang động cả một khu vực. Dịp này Vũ cũng gặp lại một số bạn bè cũ như Dương Hùng Cường, Trần Quan Điêu, Đoàn Đức Thuận, Trần Văn Quốc...

Vũ và Cường đứng bên hàng rào vừa trò chuyện, vừa thông báo cho nhau tất cả những diễn biến sau hơn một năm đứt liên lạc. Thôi thì đủ thứ chuyện... từ chuyện tiễn Trần Ngọc Tự đi Bắc, đến chuyện Thanh Trang, Nguyễn Đăng Thạch được thả về... miên man mãi đến tối mịt.

Vũ ném sang cho Cường mấy cuốn truyện mà anh giấu được trong Trại. Suốt thời gian này, Vũ được anh em đồng tù gọi đùa là "Thư Viện Quốc Gia" vì cất giấu nhiều sách chống cộng được xuất bản từ trước năm 1975, và bí mật chuyền tay cho anh em trong trại đọc; dĩ nhiên chỉ chuyền trong số những người thật thân thiết và tin cậy được. Trong số này có các quyển của Djilas (25), Georghiu, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan v.v... anh đã chuyền sang cho Cường đọc. Một hôm gặp nhau ở hàng rào, khi trả lại cho Vũ quyển Giờ Thứ 25 (La Vingt-Cinquième Heure) của Georghiu, Cường nói:

- Mẹ kiếp! Bây giờ đọc lại mấy quyển sách này mới thấm thía cái cảnh tù đầy triền miên, đi hết trại tù này sang trại tù khác của anh chàng Moritz. Mình thì cũng vậy. Có khác gì đâu? Cũng chuyển hết trại này sang trại khác, cũng khổ như chó...

- Ông có xem cuốn phim đó chưa? Thằng Anthony Quinn đóng vai Moritz sao mà hay thế. Vũ nói:

- Có. Tao chịu nhất cái scène nó phải diễn xuất nửa cười nửa mếu của anh chàng Moritz khi hai thằng phóng viên phỏng vấn, chụp hình...

Ngày và tháng cứ trôi đi hờ hững, những người tù sống chen chúc trong các trại T.11 và T.13 Long Giao, hàng ngày vẫn bị đầy ải trong các công tác lao động khổ sai. Trại L.1 cũ nơi Vũ bị giam sau một thời gian giam giữ những người Khmer Krôm (người Việt gốc Miên), bây giờ lại nhốt thêm những người Khmer chính gốc bị bắt ở những làng giáp ranh biên giới đem về và họ cũng được cấp phát quân phục bộ đội, hàng ngày cũng ra sân tập diễn hành và cơ bản thao diễn (VC sau này xử dụng họ để núp dưới chiêu bài là Lực Lượng SPK để tràn sang Kampuchia cướp chính quyền của bọn Pon Pot và Ieng Sari). Số tù Miên mỗi ngày một đông ở xen lẫn với đám bộ đội VC hàng ngày cứ đứng dọc hàng rào chờ nhóm tù cải tạo đi lao động về để ngửa tay xin củ sắn, củ khoai đám tù mót được ngoài ruộng, ngoài rẫy.

Lại sắp đón một cái Tết nữa trong tù, Tết Mậu Ngọ... và cũng là thời điểm sắp đến hạn 3 năm tù mà trước đây VC thường cho tù nhân học tập về cái mốc để học tập cải tạo tiến bộ. Nhân dịp này Trại tổ chức một đợt học tập nhằm trấn an sự nôn nóng của một số tù nhân nhẹ dạ ngây thơ tin vào những hứa hẹn của VC.

Đa số tù cải tạo đã quá ê chề với những lời nói của VC nên trong trại họ thường nhắc nhở nhau câu nói của Ông Nguyễn Văn Thiệu, cựu Tổng Thống VNCH: "Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm" nên anh em thường bỏ ngoài tai những tuyên truyền láo khoét của cán bộ cai tù. Vì vậy khi CS đưa ra chiêu bài cái mốc học tập cải tạo 3 năm, anh em chỉ cười và an tâm với cái mốc ở tù "mút mùa lệ thủy" cho nó chắc. Tiêu đề của đợt học tập kỳ này là: "Củng cố niềm tin vào đảng CS và hạ quyết tâm học tập cải tạo cho đến khi nào tiến bộ thì về". Cái tiêu chuẩn mơ hồ "đến khi nào tiến bộ thì về" là một cái bánh vẽ nhằm trấn an, lừa mị những người ngây thơ, ngu dốt chứ chẳng gạt được ai. Nhiều người khi trước vì quá tin vào lời hứa hẹn học tập 3 năm nên đã tích cực lao động hùng hục, đoạt nhiều thành tích xuất sắc, được biểu dương trước Đội, trước Trại và trước Liên Trại...; trong sinh hoạt hàng ngày thì tích cực đấu tranh phê bình bới móc người khác. Họ nghĩ rằng như thế là học tập - thật là tội nghiệp cho hai chữ học tập vô cùng - nghĩ rằng như thế thì sẽ chóng được thả về...

Nhưng nay được học về Củng cố tư tưởng họ sinh ra bất mãn, căm phẫn; vì thế để cho số này bớt uất ức, trong một buổi lên lớp ở Trại T.11, Cường đã đứng giữa hội trường lớn tiếng chất vấn giảng viên về sự thiếu thành thật của bài học về cái mốc cải tạo 3 năm và bài học mới về củng cố tư tưởng quyết tâm học tập lâu dài này mà anh kết án là sai chính sách, lừa mị và gian dối... Tên giảng viên cứng họng trước lý lẽ sắc bén của Cường. Anh em sửng sốt trước lời phát biểu cứng rắn, mạnh mẽ của Cường. Ai cũng nghĩ rằng thế nào anh cũng sẽ bị nhốt vào nhà kỷ luật; nhưng anh chỉ bị gọi lên làm bản tự kiểm điểm rồi được cho vào trại.

Sau khi các Cải tạo viên làm xong Bản Thu Hoạch và hạ quyết tâm tin tưởng vào đường lối chính sách nhất quán của đảng CSVN là giam giữ lâu dài bọn Ngụy Quân, Ngụy Quyền phản động; để an tâm ngồi tù. Toàn thể 3 trại T.11, T.12 và T.13 đều bị giải tán để biên chế sang hai trại T.14 và T.15 ở gần sát hàng rào tiếp giáp với Quốc lộ. Trại 11 và một nửa trại 12 được đưa vào T.14; còn T.13 và một nửa còn lại của T.12 chuyển vào Trại T.15. Cường về T.14, còn Vũ sang T.15. Khi vào Trại, Vũ gặp Dương Cự, Dương Kiền, Châu Kim Thi , Khả Năng (14)... cùng ở chung một trại với anh. Về trại mới, Khả Năng được giao làm trưởng bếp lo nấu nướng cho anh em toàn trại.

Đêm thứ hai, ngay sau khi chuyển sang Trại T.15, Vũ lợi dụng đêm tối đã leo rào chui sang T.14 tìm Dương Hùng Cường. Phải mất khá nhiều thì giờ anh mới tìm thấy dãy nhà Cường ở, sau khi dò hỏi nhiều người. Dãy nhà giam Cường nằm gần khu nhà bếp. Đây là những barracks bằng ván thông do Quân đội Mỹ cất lên làm doanh trại đồn trú của Sư đoàn Không Kỵ số 1 từ trước năm 1972. Cũng như tất cả các trại giam khác, tù nhân nằm xếp lớp như cá mòi hai bên, mỗi người chỉ có một chiều ngang vừa đủ thân mình. Sở dĩ Vũ liều lĩnh leo rào sang thăm Dương Hùng Cường là vì buổi chiều, trong khi lao động ngoài rẫy anh được Đoàn Đức Thuận báo cho biết Cường đang bị đau nặng, có lẽ do chuyển trại phải khuân vác mệt quá sức anh chăng? Vì vậy Vũ quyết định vượt rào sang thăm bạn và mang cho Cường một ít thuốc tây.

Cường đang nằm dài trên nền đất, dưới ánh sáng vàng vọt, èo uột của ngọn đèn chai. Trông anh có vẻ mệt mỏi nhiều. Cường mừng rỡ ngồi nhỏm dậy khi nhìn thấy Vũ.

- Làm sao mày sang đây được?

- Nghe nói ông bị bệnh, tôi vượt rào sang xem ông thế nào, nhân tiện mang cho ông ít thuốc tây.

- Tao cảm thấy mệt nhiều. Mấy năm nay cái phổi hành tao muốn chết luôn. Không biết có qua khỏi không?

- Sao ông bi quan quá vậy? Ráng uống thuốc và giữ gìn sức khỏe. Mình phải sống để viết chứ. Phải nói cho hậu thế biết cái thảm trạng của đất nước ngày nay do ai gây ra chứ!

- Ừ! Tao cũng nghĩ như vậy nên cố ráng sống cho qua ngày. Mày cũng biết đấy. Nhà tao chẳng dư giả gì, nên thỉnh thoảng bà ấy mới có điều kiện thăm nom tao. Mấy năm nay tao đâu dám cho bà ấy biết tình trạng sức khỏe suy yếu của tao...

- Thôi! Ông đừng nghĩ ngợi vớ vẩn. Tôi sẽ đi kiếm thêm cho ông một số thuốc nữa. Đừng lo lắng làm gì cho hại sức khỏe. Tôi tin rằng với sự giao thiệp rộng của tôi, bằng hữu sẽ sẵn sàng giúp lại khi cần.

Cường miên man nhắc nhở những kỷ niệm trong đời sống quân ngũ của anh; những kỷ niệm của đời viết văn, viết báo. Cường cũng thổ lộ cho Vũ biết anh có một người bà con rất gần là cán bộ khá lớn ở Miền Bắc, họ đã bảo lãnh cho anh. Mới đây, anh được tên Chính trị viên Trại cho biết anh có thể sẽ được về phép vài ngày do sự can thiệp của người bà con là cán bộ CS nói trên. Có lẽ chính vì thế mà dù hôm học tập về an tâm cải tạo lâu dài anh nổi máu Dê Húc Càn đứng giữa hội trường bắt bẻ tên giảng viên mà chỉ bị làm bản tự kiểm mà thôi.

Ngồi nói chuyện với Dương Hùng Cường cho đến khuya, Vũ chia tay leo rào trở về Trại. Ngày hôm sau Vũ tìm cách gói một gói thuốc tây đủ loại, quyên góp được của bạn bè, ném sang bên kia rào cho Cường.

Một hôm, khi đi lao động về, Vũ được Khả Năng cho biết tin Dương Hùng Cường vừa được đi phép 15 ngày về Sàigòn. Khi đi ngang rào T.15, Cường có nhờ Khả Năng nhắn lại cho Vũ biết...


5.

Ngày tháng trôi qua như chiếc bóng; quay qua quay lại đã đến Tết Nguyên Đán nên toàn thể Trại được nghỉ lao động 3 ngày để vui xuân. VC cũng phát cho tù vài điếu thuốc lá Hoa Mai khét lẹt và một ít thuốc lào. Khẩu phần ăn cũng được thêm tí thịt, tí mỡ to bằng đầu ngón tay cái... Trưa mùng một Tết, Vũ đang ngồi bên hông nhà tán dóc với bạn bè thì Dương Hùng Cường leo rào sang thăm. Hai thằng ngồi trò chuyện bên hiên nhà nơi Vũ quây tấm poncho làm chỗ ngồi ăn cơm cho cả bạn. Vì là ngày Xuân, nên anh cũng vẽ một cành mai trên vách và chưng mấy nhánh hoa vạn thọ. Vũ đã viết hai chữ nho: "Sinh Sinh" trên vách với hàm ý mọi người đều được sinh tồn.

Cường cho Vũ biết anh mới trở lại trại chiều hôm 29 Tết sau khi đã nghỉ 15 ngày phép ở Sàigòn.

Vũ hỏi:

- Sao ông không lặn luôn mà còn trở vào làm gì?

- Lúc đầu tao cũng nghĩ như vậy, nhưng khi về nhà thấy hoàn cảnh gia đình, tao sợ liên lụy đến mọi người nên thôi. Hơn nữa tao cũng gặp người bà con cán bộ VC, họ nói kỳ này tao trở lên trại là về.

- Vậy 15 ngày nghỉ ở Sàigòn ông làm được những gì? Tình hình chung ra sao?

- Mày thấy đó. Nó cho tao 15 ngày phép về Sàigòn để xin một Giấy Chứng Nhận của bất cứ cơ sở nào xác nhận là sẽ thâu nhận tao vào làm, cầm nộp cho Trại thì nó sẽ thả. Vì vậy suốt mười mấy ngày tao chỉ lo chạy đôn chạy đáo gõ hết mọi cửa, đến mọi cơ quan, xí nghiệp của nhà nước xin một chân lao công, tùy phái ngõ hầu được trả tự do. Tao nhớ đến thằng Ngô Công Đức đang có trong tay tờ Tin Sáng, nên mò đến nó. Tao đâu có mơ ước cầm bút viết lách trở lại; mà viết cái chó gì ở cái xã hội này khi người cầm bút chỉ là một thứ mõ làng, một thứ máy móc viết theo toa đặt hàng của nhà nước, nói theo lời nói của đảng, nghĩ theo suy nghĩ của đảng. Tao chỉ cần nhận vào làm thợ sắp chữ, lao công lau chùi, quét dọn v.v... để được thả về.

Mẹ kiếp! Thằng này dã man không chịu được. Tao đợi nó suốt 3 ngày, ngày nào cũng từ sáng đến chiều. Nó cứ cho thư ký ra nói bận, không tiếp. Đến ngày thứ tư, nó để tao chờ suốt buổi sáng mới cho vào gặp. Gặp tao nó cũng giả vờ mừng rỡ, tay bắt mặt mừng, hỏi han đủ thứ chuyện. Rõ kịch! Khi tao cho nó biết tình trạng của tao. Tao không cần phải có công ăn việc làm thật, mà chỉ cần tờ giấy chứng nhận sẽ thâu nhận để nộp cho Trại thì mới được thả về. Thế mà nó từ chối mày ạ. Tức đ. chịu được. Vũ chen vào:

- Ông đến nhờ vả cái thằng phản phúc ấy làm gì? Sao không thử xoay sở mấy chỗ khác?

- Tao lang thang suốt mười mấy ngày như vậy, hết chỗ này đến chỗ nọ. Khi đưa giấy cải tạo là chúng lắc đầu nguầy nguậy, xua đuổi như xua đuổi tà. Thế mới biết tụi nó chèn ép mình, đẩy mình vào tuyệt lộ, cùng đường; coi mình như hủi không muốn giây vào. Ngày thứ 14, tao đang đạp xe lang thang trong tuyệt vọng; bất ngờ lại gặp thằng Hoàng Trọng Miên ở bùng binh chợ Bến Thành. Mày còn nhớ thằng Hoàng Trọng Miên không? Đúng là trời giúp mày ạ! Gặp tao nó hỏi han tíu tít, thân tình lắm chứ không lạnh nhạt đẩy đưa như thằng Ngô Công Đức; và khi nghe tao tả oán về cái vụ chạy đi xin 1 tờ Giấy Chứng Nhận sẽ tuyển dụng làm công nhân viên, nó liền kéo tao vào một quán cà phê lề đường, móc trong cặp ra một tờ giấy đã đánh máy sẵn hí hoáy viết.

Viết xong, cũng lại lôi trong cặp ra một con dấu ịn vào đấy một phát, rồi đưa cho tao. Nó nói:

- Đây là Giấy Chứng Nhận sẽ tuyển ông làm Nhân Viên Hậu Đài của Đoàn Văn Công Thành Phố. Ông đem lên trại nộp cho họ rồi chờ ngày được phóng thích nhé.

Tao kinh ngạc nhìn thằng Hoàng Trọng Miên, rồi nhìn tờ giấy... Thì ra nó là Giám Đốc Đoàn Văn Công Thành Phố mày ạ! Thế là tao có tờ giấy trong tay. Ai ngờ có ngày mình lại làm "gã kéo màn". Mình đã nhố nhăng nhiều quá rồi, bây giờ đi kéo màn cho thiên hạ đóng tuồng cũng vui... - Kể cũng may. Thôi cũng hy vọng ông sớm được về cho chị ấy đỡ lo lắng và ông có phương tiện chữa bệnh. Bây giờ ông nói chuyện tình hình bên ngoài như thế nào? Liệu có sáng sủa không?

Cường kể tóm tắt cho Vũ nghe tình hình xã hội bên ngoài, từ chuyện bọn đầu sỏ Hà Nội hấp tấp gạt bỏ tụi Giải Phóng Miền Nam và bọn tay sai ăn cơm Quốc Gia thờ ma CS; gây nên một làn sóng bất mãn và chia rẽ trong nội bộ đến tình hình dân chúng chống đối ở Miền Nam... và tình hình an ninh chung trong xã hội của VC sau hơn 2 năm cưỡng chiếm Miền Nam v.v... Cường nói:

- Tóm lại, tình hình xã hội thì vô cùng khó khăn vì bọn VC kiểm soát gắt gao về lương thực. Đời sống người dân nghèo khổ. Nhiều nơi nổi lên chống đối bị bọn chúng thẳng tay đàn áp và tiêu diệt một cách dã man. Tin đồn về các ông Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Cao Kỳ thì nhiều, giống như mình được nghe trong trại, nhưng vẫn chỉ là nhữn tin đồn vô căn cứ và khó phối kiểm.

Người ta thi nhau vượt biên nhiều vô số kể; nó đang trở thành một cái mode, một phong trào mà VC không cách nào ngăn cản nổi. Có những thằng vừa ngồi uống cà phê với mình bữa nay, ngày mai đã nghe tin biến rồi. Phe VC trốn đi cũng không phải là ít, chúng từ Hải Phòng chỉ cần đi thuyền buồm là sang đến Hồng Kông dễ dàng. Mày đừng có nản chí; ráng sao về được, bọn mình tìm cách chơi lại tụi nó. Tao đã liên lạc được mấy thằng đệ tử của ông Kỳ, tụi nó còn hăng lắm, còn cất giấu nhiều súng đạn lắm...

Hai thằng ngồi nói chuyện với nhau suốt mấy tiếng đồng hồ. Đến chiều Cường mới từ giã trở về trại T.14. Trước khi về, Cường nhìn trên vách thấy 2 chữ "Sinh Sinh" nên hỏi: "Mày viết phải không? Nét chữ mày vẫn bay bướm lắm. Để tao đối lại nhé". Nói xong, Cường lấy cây bút viết hai chữ "Xuất Xuất" (với hàm ý mọi người được ra khỏi trại) lên vách tạo nên một vế cân đối và ý nghiã: mọi người sống sót và được về hết cả.

Dương Hùng Cường đi rồi mà Vũ còn bâng khuâng ngồi nhìn ra sân nắng. Mắt trời đang ngả dần về hướng Tây, hắt những tia nắng vàng vọt trải dài trên những tàn cây cao. Bất giác thi hứng nổi lên, Vũ cầm bút viết một bài thơ Xuân để kỷ niệm buổi gặp gỡ đầu xuân trong lao tù giữa hai người bạn cố tri:

Xuân ở Long Giao

(Tặng bạn tôi Dương Hùng Cường)

Heo hút đồi cao bụi phủ mờ
Những thân còm cõi dáng chơ vơ
Bốn vòng gai sắc như dao nhọn
Đâm suốt hồn ai nhát hững hờ?

Đã mấy mùa xuân trong đớn đau
Cao su vàng lá úa u sầu
Bọn ta chung kiếãp tù tăm tối
Ngày tháng chừng trôi qua rất lâu.

Từ đáy ngục sâu gặp cố tri
Cầm tay chẳng biết nói năng chi
Rưng rưng khóe mắt đôi giòng lệ
Tủi hận vương đầy trên lối đi

Cùng đón xuân sang giữa ngục tù
Chẳng trà, chẳng bánh, chẳng hạt dưa
Uống ly nước lạnh thay men rượu
Rồi cũng rền vang mẩu chuyện xưa

(VUG - Long Giao Xuân Mậu Ngọ 1978)



Buổi tối, Vũ leo rào sang trại T.14 đưa cho Cường bài thơ. Đọc xong, Cường tỏ vẻ xúc động, khóe mắt có những giọt long lanh. Anh nói:

- Có lẽ vài ngày nữa tao được về. Mày có cần nhắn gì ở nhà không? Chắc không có dịp gặp mày trước khi về quá; vì sợ lúc đó mày đi lao động. Thôi thì cố giữ gìn sức khỏe và vững tinh thần nghe mày.

Hai thằng ngồi dưới hiên nhà cho đến khuya. Sương xuống lành lạnh. Văng vẳng từ đám đông gần đó, tiếng anh chàng Kháng Sơn đang hát một bản nhạc lời Việt dựa theo nhạc của bài "Proud Mary" của Mỹ:

"Rồi một ngày nào trong tù cải huấn
Anh với tôi cùng nhau ra sức phấn đấu.
An tâm! An tâm! Nhưng còn tin mù mờ...
Rồi một ngày nào được phân công đi vùng kinh tế mới
Anh với tôi chúng ta cùng nhau bối rối.
Không đi! Không đi! Ta cùng nhau ù lì..."


Tiếng cười dòn dã của các tù nhân khi nghe bài hát của Kháng Sơn đã làm vơi đi nỗi buồn xa nhà của những người tù trong ngày đầu xuân.


6.

Sau mấy ngày nghỉ Tết Mậu Ngọ, toàn thể tù nhân hai trại T.14 và T.15 lại bắt đầu lao vào công tác lao động khổ sai dưới sự quản thúc hà khắc của lũ cai ngục răng đen mã tấu CS. Khu vực Long Giao trước kia có 10 trại giam gọi là T. thuộc hai Liên Trại L.1 và L.3; ngày nay chỉ còn 2 Trại phải thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn, bầu, bí, rau... của 10 trại, nên ngày nào cũng phải gánh gồng, khiêng, vác từ mờ sáng đến tối mịt. Khu lao động cách xa trại trên 10 cây số, nên phải đi bộ đến hiện trường lao động, xong lại phải khiêng sản phẩm thu hoạch được về trại nhập vào kho của Hậu Cần.

Sở dĩ chúng giữ lại 2 Trại T.14 và T.15 là để có nhân công thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn nhập vào kho trước khi chuyển họ đi nơi khác. Các anh chàng tù cải tạo cũng đâu có dại dột gì, đoán biết được âm mưu của CS, nên khi thu hoạch thường lén cho dân đi mót lúa, khoai, sắn rất nhiều sản phẩm vì có hai cái lợi: một là đỡ phải khiêng về trại nặng nề, hai là cho dân chúng để họ có lương thực cho đỡ đói, bù lại người dân cũng cho lại các anh thuốc hút hoặc đường, kẹo, bánh v.v...

Có những ngày bọn cán bộ quản giáo phải tập họp tù lại để chửi bới vì những đống lúa ngô khoai mót của người dân còn cao hơn, nhiều hơn đống của cải tạo thu hoạch. Từ trên cao nhìn xuống thung lũng vàng rực lúa chín, từng đoàn tù nhân như cả một đàn kiến lớn xúm vào gặm nhấm những cánh đồng lúa vàng mênh mông, trĩu nặng bông và trên con đường nhựa dẫn về Trại Cải tạo Long Giao, từng đoàn tù nhân nhếch nhác mồ hôi, kĩu kẹt quang gánh, gánh lúa về Trại..."gánh lúa về, gánh về, gánh về..."

Ngày xưa trong những ngày mùa thì niềm vui "gánh lúa về" đã được nhạc sĩ Phạm Duy diễn tả trong bản nhạc của anh khiến người nghe cũng cảm thấy vui lây cái vui được mùa; còn đám cải tạo thì chẳng vui chút nào vì họ biết chắc, có gánh lúa về thì họ cũng chỉ được những lát sắn khô chua loét, sượng sùng... Cái độc ác và dã man của VC là ở chỗ đó, bắt người tù lao động cực nhọc, làm ra rất nhiều lúa gạo nhưng không cho họ được ăn gạo mà chỉ được ăn ngô, khoai, sắn... Không chỉ những người cải tạo mới bị chúng bắt ăn độn kiểu này mà cả nước đều bị đẩy xuống đáy vực thẳm giống nhau, đều bị chúng cho hóa thú giống nhau. Có như vậy đảng mới đạt được chỉ tiêu bần cùng hóa nhân dân để khống chế cái bao tử của người dân, bắt họ phải thuần phục theo chúng muốn.

Cường được phóng thích sau tết khoảng 5 ngày. Hôm đó tình cờ Vũ cũng lên cơn "chây lười lao động", nên khai bệnh nghỉ ở nhà phụ Tổ tăng gia tưới rau. Khi anh đang múc nước ở giếng, bỗng nhiên nghe tiếng ồn ào bất thường bên trại T.14; anh ngừng tay đứng xem chuyện gì xảy ra thì thấy tên Chính trị viên đang dẫn Cường đi ra cổng Trại T.14, theo sau là một đám tù bàn tán xôn xao... theo đưa tiễn. Cường mặc một bộ treillis còn tương đối lành lặn, tay cầm một túi xách nhỏ, miệng cười tươi rạng rỡ. Cường dừng lại trước cổng, giơ tay vẫy từ biệt bạn bè rồi cúi đầu lủi thủi đi về phía cổng lớn của Trung đoàn để ra Quốc lộ.

Vũ chạy ra sát hàng rào, đứng đón Dương Hùng Cường, vì muốn ra cổng Trung đoàn phải đi dọc hàng rào T.15. Hàng rào dày hơn 3 mét, không thể bắt tay nhau được, nên cả hai chỉ đưa tay vẫy chào nhau. May mà hàng rào mới được dẫy cỏ trống trơn nên hai người mới nhìn thấy nhau.

- Mày ở lại ráng giữ sức khỏe và giữ mồm nghe không?

Cường nhắc nhở Vũ vì anh biết tính của Vũ thẳng thắn không sợ bất cứ một thế lực, khống chế nào... Uy vũ bất năng khuất mà! Cường cũng nghe anh em nói cho biết Vũ hay phát ngôn châm chích mỗi khi học tập phải phát biểu. May mà lũ cán bộ VC ngu dốt (Vũ thường hay gọi chúng là giặc dốt và đã có lần phát biểu kêu gọi mọi người phải đứng lên diệt giặc dốt) không hiểu được cách nói của một thằng cầm bút như anh.

- Ừ! Ông về cũng cẩn thận giữ mình. Thì ông có thua gì tôi? Cho gửi lời thăm chị và các cháu. Vũ nói. Cường dừng lại, nhìn Vũ thật lâu mắt ướt sũng, rồi quay lưng lầm lũi bước đị Dáng người gầy gò, lỏng khỏng bước thất thểu về phía cổng Trung đoàn. Vũ thấy mắt mình cay cay. Anh đứng lặng bên hàng rào nhìn Cường đi mỗi lúc một xa, nhòe nhoẹt trong màn sương mỏng của buổi sáng. Anh khẽ thở dài! Anh không ngờ đó là lần cuối cùng trong đời anh được nhìn thấy Dương Hùng Cường.



--------------------------
Ghi chú:

(1) Đi chợ: người tù chia phiên nhau mỗi ngày một người trong toán đi nhặt nhạnh rau cỏ, khoai sắn cho anh em trong toán ăm thêm nên gọi là đi chợ.

(2) Akamicine: ám chỉ đạn AK.47

(3) máu nhân dân: để chỉ rượu đế

(4) Trần Ngọc Tự: Trung úy CTCT Không Quân. Cùng bị bắt và bị xử chung trong vụ Dương Hùng Cường, Hoàng Hải Thủy, Doãn Quốc Sĩ móc nối với nhân viên Bưu Điện gửi tài liệu ra hải ngoại.

(5) Nguyễn Đăng Thạch: Trung úy Biệt phái, Giáo sư Đại học. Thạch là con trai cụ Nguyễn Đăng Thục, Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sàigòn. Hiện Thạch định cư ở Canadạ

(6) Nguyễn Thanh Trang: Trung úy, Giáo sư Trường Võ Bị Đà Lạt, Nhạc sĩ.

(7) Nguyễn Nguyên Phương: Trung úy, Giáo sư Triết.

(8) Phí Ích Bành: Trung úy, Chủ sự Phòng Văn Nghê Đài Phát Thanh Sàigòn. Bành là em ruột của nhà văn Dương Nghiễm Mậu (Phí Ích Nghiễm)

(9) Nguyễn Đức Quang: Trung úy, Nhạc sĩ. Hiện Quang cư ngụ ở Nam California

(10) Dương Kiền: Trung úy, Ủy Viên Chính Phủ Tòa Án Quân Sự Vùng 2. Hiện cư ngụ ở Na Uy

(11) Dương Cự: Trung úy, Ủy Viên Chính Phủ Tòa Án Quân Sự Vùng 4. Hiện còn ở Sàigòn

(12) Đỗ Kim Bảng: Trung úy, Giáo sư, Nhạc sĩ

(13) Đào Văn Khánh: Trung Úy, Ký giả báo Tiền Tuyến của Quân Đội. Khánh là phu quân nhà văn nữ Lệ Hằng. Hiện nay Khánh đang cư ngụ ở San Jose, California và viết văn ký dưới bút hiệu Đào Khanh

(14) Kịch sĩ Khả Năng: Chuẩn úy, tên thật là Nguyễn Văn Tây, phục vụ tại Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Sau khi cải tạo về có làm việc cho Đoàn Văn Công Thành Phố một thời gian. Đã chết vì bệnh.

(15) Nghiêm Phú Phát: Trung úy Công Binh. Đoàn trưởng Đoàn Văn Nghệ Sinh Viên Học Sinh Nguồn Sống cùng với Hà Quốc Bảo. Phát là em ruột của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phị Hiện Phát cư ngụ ở California

(16) Võ Thế Hào: Trung úy, Giáo sư Toán

(17) Viên Linh là Tổng Thư ký Toà soạn nhật báo Hoà Bình thay thế cho Mặc Giao Phạm Hữu Giáo đắc cử Dân biểu Hạ Nghị viện. Nhưng làm được một thời gian ngắn thì nghỉ vì xích mích với Trần Hữu Quỳnh, Quản đốc của tờ báo. Hiện nay Viên Linh đang trông coi tờ Khởi Hành ở Nam California.

(18) Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách. Nguyên Vũ tên thật là Vũ Ngự Chiêu

(19) Liên Trại cấp bộ tương đương như Trung đoàn. Gồm nhiều Trại; mỗi Trại thường mang bí số T hoặc K để giam giữ tù cải tạo.

Thursday, February 5, 2015


NAH SƠN





Nah Sơn, một du học sinh, rapper bất đồng chính kiến

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-01-17

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này





nah-son-622.jpgNhạc sĩ sinh viên Nguyễn Vũ Sơn với bút danh khi sáng tác là Nah Sơn.

Một thử thách lớn cho tương lai

Mới đây một du học sinh đang theo học tại Oklahoma tung lên mạng ca khúc thể loại Rap và một bức thư có nội dung chống lại độc tài hà khắc của cộng sản Việt Nam. Nhạc phẩm này được cư dân mạng dè dặt lẫn bỡ ngỡ đón nhận vì nó được sáng tác theo phong cách rap của những nghệ sĩ đường phố, cách thể hiện có vẻ dung tục vì nhiều tiếng chửi thề kèm theo. Tuy nhiên không ít người thích thú cho rằng đây là một cách tiếp cận mới của người trẻ đối với hiện tình đất nước theo cách nhìn của họ.
Điều khá đặc biệt người trẻ này là một du học sinh và cả gia đình anh đều còn ở lại Việt Nam. Việc trở thành người đấu tranh tại nước ngoài là một thử thách lớn cho tương lai của anh.
Người nhạc sĩ sinh viên ấy là Nguyễn Vũ Sơn với bút danh khi sáng tác là Nah Sơn có những thổ lộ với chúng tôi về bản thân anh và nguyên nhân khiến anh chấp nhận từ bỏ mọi thứ để tiên phong làm một du học sinh bất đồng chính kiến, trước tiên anh chia sẻ:
Em tự tìm hiểu thêm trên Google, tự mình đúc kết lại và thấy rõ ràng là đất nước mình đang lâm nguy và nó có quá nhiều vấn đề nên em làm những điều này mong góp phần thay đổi đất nước.
-Nah Sơn
Nah Sơn: Em tên đầy đủ là Nguyễn Vũ Sơn em sang đây học hồi cuối năm 2013. Hè vừa rồi em có về Việt Nam. Học thì đi du học thôi chứ không có ý định ở lại nhưng khi qua đây học rồi thấy nó có nhiều khác biệt với mình quá. Cách giảng dạy rất mới và đây là lần đầu tiên đi học mà em thấy thích. Em học những vấn đề xã hội, chính trị, lịch sử… nó làm cho mình nhận ra, mình ngộ ra được nhiều thứ hay lắm. Em tự tìm hiểu thêm trên Google, tự mình đúc kết lại và thấy rõ ràng là đất nước mình đang lâm nguy và nó có quá nhiều vấn đề nên em làm những điều này mong góp phần thay đổi đất nước.
Thật sự cái nền văn hóa của mình, mình đã sống với nó từ nhỏ rồi, nó làm thành tình yêu nhiều khi mình nhớ nó, trăn trở về nó có thể do đó nó cũng là một động lực.
Mặc Lâm: Khi còn ở trong nước Sơn có bao giờ để ý tới những người hoạt động tranh đấu cho tự do dân chủ nói chung là những hình thức chính trị hay không?
Nah Sơn: Thật ra về cái chuyện chính trị khi qua tới đây em mới có được rõ ràng như vậy. Ở Việt Nam em chỉ cơ bản có tính hơi phản kháng với chính quyền nhưng em không cập nhật về chính trị hay bất cứ gì hết. Khi qua đây và đọc nhiều thông tin hiều được nguồn gốc cội nguồn của tất cả vấn đề của bộ máy thì mình mới hiểu à thì ra đây là cốt lõi của mọi vấn đề.
Mặc Lâm: Qua bản nhạc rap mà Sơn vừa giới thiệu thì cách dàn dựng hay mix nó có thể nói là hấp dẫn tuy nhiên rất nhiều người cho rằng những tiếng chửi tục trong bản nhạc đã làm cho nó mất giá trị, nó có vẻ đường phố, bụi đời và dung tục quá… là một sinh viên Sơn có ý đồ gì khi xây dựng tác phầm trên cái nền rất bụi bặm như vậy?


nah-son-400B.jpg

Nguyễn Vũ Sơn trong video clip biểu diễn Rap trên đường phố Việt Nam. Screen capture.
Nah Sơn: Dạ em cũng biết trước là có nhiều người hơi phản cảm đối với những tiếng chửi thề nhưng mặc dù em xuất thân gia đình trung lưu gia đình ba mẹ em cũng dạy dỗ em đàng hoàng nhưng khi đi học thì bạn bè chửi thề rất nhiều. Ngay cả mấy chú xe ôm hồi đó chở em đi học cũng chửi thề… nói chung tiếng chửi thề riết rồi thấy nó cũng bình thường.


Thêm nữa nhạc rap nó giống như loại hình nghệ thuật hiện thực không thể nào viết nó quá bóng bẩy mà đôi khi cũng phải dùng những từ nó dùng trong đời sống mình đem vô. Ngoài ra theo em khi người ta có một cái gì đó khi mà người ta khó chịu, phản cảm thì người ta chú ý tới nó hơn.
Nếu nhìn ra thì cả Việt Nam bây giờ người ta chú ý tới Kenny Sang hay những scandal, những tin đồn này nọ người ta chú ý nhiều hơn. Em dựa vào những suy nghĩ như vậy cho nên em sáng tác bài hát có nhiều tiếng chửi tục nhưng nó là cảm xúc tức giận, nó là cảm xúc thật.

Vượt qua nỗi sợ hãi

Mặc Lâm: Là một du học sinh Sơn nhận xét thế nào về những du sinh từ Việt Nam sang Mỹ cũng như giới trẻ trưởng thành tại Mỹ về những hoạt động mang tính chính trị của họ?
Nah Sơn: Em nghĩ đối với du học sinh thì ai cũng có nỗi sợ mang từ Việt Nam qua. Ai cũng rất sợ vấn đề chính trị nên không ai dám nói điều gì liên quan tới chính trị hết. Đó là những vấn đề nhạy cảm. Giống như được dạy từ nhỏ là không được chơi ma túy vậy.
Em nghĩ đối với du học sinh thì ai cũng có nỗi sợ mang từ Việt Nam qua. Ai cũng rất sợ vấn đề chính trị nên không ai dám nói điều gì liên quan tới chính trị hết. Đó là những vấn đề nhạy cảm. Giống như được dạy từ nhỏ là không được chơi ma túy vậy.
-Nah Sơn
Bạn bè em hầu như không có ai nghĩ về chính trị hay có tư tưởng về xã hội lắm chỉ là đi học, đi chơi vây thôi. Ngay cả giới trẻ Việt kiều, nói chung là cũng có người ghét cộng sản, muốn thay đổi nhưng em thấy giới trẻ Việt kiều thì một là họ không quan tâm còn nếu có quan tâm thì họ rất cực đoan. Họ hay đặt mối thù dân tộc khi Việt Nam Cộng hòa bị thất bại thì họ coi như một mối hận lớn. Em thấy cái chuyện đó nó hơi không phù hợp vì nó là chuyện quá khứ có đem ra nói đi nói lại nó cũng không tác dụng lắm. Em nghĩ bây giờ nên tập trung vào hiện tại, cộng sản ngay lúc này nó sai cái gì. Mối thù đó mình nên dẹp qua một bên.
Thí dụ như có nhiều người ghét người Bắc nhưng người Bắc lúc này họ cũng đã nhận ra nhiều vấn đề của cộng sản và rất muốn thay đổi chỉ có điều là bộ máy họ không muốn thay đổi thôi.
Mặc Lâm: Là một du học sinh dù sao khi học xong thì cũng phải về nước, khi ấy thì đón Sơn tại phi trường Tân Sơn Nhất hay Nội Bài không những là thân nhân, gia đình mà còn cả cán bộ an ninh của bộ máy cầm quyền. Sơn đã nghĩ tới những viễn ảnh như thế hay chưa?
Nah Sơn: Em cũng suy nghĩ vấn đề đó rất kỹ trước khi em làm. Nếu như mọi chuyện đi theo hướng tốt thì biết đâu mình có thể làm được những ý tưởng thay đổi gì đó trong giới trẻ. Có thể vài năm thì mình lại có thể về. Nếu trong trường hợp đi theo hướng xấu thì em sẽ tìm cách ở đây để tiếp tục tranh đấu.
Một khi đã quyết định làm thì phải chấp nhận hậu quả, em nghĩ vậy. Nếu em như những bạn du học sinh khác, sợ không về được thì nó sẽ không đi tới đâu hết tại vì em cảm thấy mình cũng có một chút tiếng nói trong giới trẻ vì nhiều bạn trẻ có nghe nhạc của em mình nên dựa vào điều đó để làm việc gì tốt hơn chứ suốt ngày cũng chỉ đi học, rồi về, đi chơi hay làm nhạc linh tinh thì nó phí hoài cái tuổi trẻ, khả năng và một chút tên tuổi của mình.





nah-son-400.jpg


Nguyễn Vũ Sơn trong video clip biểu diễn Rap trên đường phố Việt Nam. Screen capture.
Mặc Lâm: Sau khi biết Sơn chọn con đường tranh đấu tại hải ngoại gia đình, bạn bè người thân của Sơn có phản ứng ra sao và những phản ứng ấy có làm Sơn đau buồn lắm hay không?
Nah Sơn: Ba mẹ em khi thấy em có những cái chuyển biến mang tính chính trị thì ba mẹ em có vẻ rất tức giận, như cảm thấy là mình mất một đứa con vậy. Ba mẹ em la em dữ lắm. Ba em có nói nếu bây giờ con còn tiếp tục làm chính trị như vậy thì cắt đứt mọi liên hệ gia đình. Em cũng trăn trở vì chuyện đó nhiều lắm.
Mặc dù em thích nhạc ráp em chơi với bạn bè đường phố nhưng em cũng rất thích học. Em đã có một bằng cử nhân bên Singapore học trường RMIT cũng do muốn đi nhiều nước học hỏi thêm nên ba mẹ cho đi Mỹ học. Em học cũng rất tốt em lấy điểm A không, từ khi qua Mỹ tới giờ không có lúc nào bị B hết em chỉ lấy A thôi vì em rất thích học. Cũng vì tính thích học nó làm cho em muốn tìm tòi cái này cái kia, càng tìm càng thấy bất mãn.
Em rất trăn trở, bây giờ mình học tiếp mình có tấm bằng, đi ra đi làm rồi mọi thứ cũng như cũ nó chẳng thay đổi được gì, nó cứ bế tắt. Còn nếu bây giờ mình làm chuyện này mình phải đánh đổi nhiều thứ. Bạn em thấy em cũng liều! (đúng là em làm chuyện này cũng hơi điên thiệt) Sau khi đắn đo em nghĩ nếu bây giờ mình không làm thì cũng không ai làm. Không bao giờ có ai làm chuyện này hết thành ra có được thì mừng còn nếu không được thì coi như mình đã cố gắng rồi, nếu không cố gắng làm sao biết được hay không? Vì vậy em cứ làm còn ba mẹ có nói thì em cũng... phải nói là em rất buồn, em rất là buồn nhưng mà biết sao được?
Người thân của em, bạn gái em, gia đình bạn gái em, rồi bạn bè em những người chơi với em 7 – 8 năm luôn vẫn quay lưng với mình.

Mặc Lâm: Sơn đã từng trình diễn trong một live show tại Hà Nội và nhiều bạn trẻ bây giờ vẫn còn nhắc đến trên Facebook. Chương trình ấy diễn ra vào lúc nào và do ai tổ chức vậy?


Nah Sơn: Cái show đó tên là CAMA Festival của Đại sứ quán Mỹ tổ chức ở Hà Nội hàng năm, nó mới bắt đầu mấy năm thôi. Hằng năm họ mời nhạc sĩ ca sĩ từ nhiều nước Đông Nam Á lại biểu diễn ở Hà Nội. Đầu năm 2013 em có ký hợp đồng với công ty Làng Văn bên Cali lúc họ về Việt Nam họ mở chi nhánh thì họ có ký hợp đồng với em nên em được đi diễn chương trình đó ở Đại sứ quán Mỹ. Em diễn ba bài, em remix bài “Sài gòn đẹp lắm” của nhạc sĩ Y Vân. Em diễn bài Đi bụi... Sau khi em diễn xong có một tờ báo tên Lao Động Online có đăng một bài rất dài chửi em và bạn em đã diễn những bài mang tính kích động, nói chung là lời lẽ phản cảm kích động phê phán xã hội ở ngay giữa đất Hà Nội và rất là buồn cười là lại được giới trẻ hưởng ứng trong khi những tiết mục khác của các nhóm nhạc khác thì ít được hưởng ứng hơn.
Nói chung là em thấy mình làm được những chuyện ấy thì mình vui thôi chứ em không nghĩ nó có yếu tố chính trị gì. Bây giờ nghĩ lại thấy có sự sắp xếp sao đó, cai duyên nên chuyện đó nó chọn mình... em cũng không biết...
Mặc Lâm: Cám ơn Sơn.
Quý vị vừa theo dõi cuộc trao đổi với du học sinh Nguyễn Vũ Sơn, cũng là nhạc sĩ trẻ sáng tác nhạc Rap chống lại bất công xã hội và độc tài Đảng trị của cộng sản Việt Nam. Hy vọng rằng anh sẽ tự điều chỉnh dòng nhạc rất hấp dẫn giới trẻ này để phù hợp hơn với xuhế đương đại và nó có thể giúp anh thực hiện được những hoài bão mà anh đang theo đuổi.

Nah... người nghệ sĩ đường phố

Hạt Sương Khuya (Danlambao) - Nếu nói Rap là dòng nhạc của sự thật, thì chính Nah đang chuyển tải những sự thật của một xã hội mang đầy kịch tính mà nơi đó không có chỗ đứng dành cho những trái tim xanh. Tôi không biết Nah bắt đầu bước vào dòng nhạc Rap từ khi nào, nhưng tôi có thể cảm nhận sự trưởng thành về tri thức của em qua lời nhạc. Theo tôi... thuở ban đầu có lẽ chỉ là niềm đam mê theo phong trào của dòng nhạc Rap, hoặc chỉ là những phản ảnh về một xã hội đầy những bất công, xa đọa. Và đúng như Nah trải bày trên The Kim Nhung Show, ý thức chính trị hoàn toàn không có trong giai đoạn khởi đầu. Tôi nhìn thấy sự 'thác loạn' của tuổi trẻ trong nhạc Rap, những ức chế tâm lý về một xã hội thiếu công bằng. Một xã hội mà nền giáo dục không dựa trên nền tảng đạo đức, chỉ có thể tạo ra những người thợ hay những chuyên gia kém cỏi, nhưng lại không tạo ra được những người công dân có trách nhiệm với bản thân thì làm sao có trách nhiệm được với gia đình và xã hội.


*

Mấy tuần qua... do công việc bề bộn nên không thể thu xếp thời gian để viết về một nghệ sĩ trẻ, mà tôi gọi em là người "Nghệ Sĩ đường phố". Là một người chịu ảnh hưởng khá sâu vào nền âm nhạc tiền chiến và thời chiến, nên khi nghe dòng nhạc Rap, thú thật tôi không thể nuốt nổi. Ở một khía cạnh nào đó, dĩ nhiên tôi phải chấp nhận vì đó là xu thế phát triển tất yếu của thời đại.
Cách đây mấy tuần. Như thường lệ, mỗi sáng tôi hay vào trang nhà Dân Làm Báo để đọc tin. Thoáng thấy một bài viết "Thư gửi Đảng Cộng Sản và tất cả người Việt". Thời gian sau này thật lòng tôi không còn chú tâm về những bài viết gửi đến nhà cầm quyền Cộng Sản, bởi tôi cho rằng những lời gửi gấm hay kêu gọi ấy chỉ như nước đổ đầu vịt. Vì thế tôi đã đánh mất đi một cơ hội để biết về người 'Nghệ Sĩ đường phố' này.
Ít hôm sau đó. Tình cờ sinh hoạt trên một diễn đàn. Phóng viên Nghê Lữ đã đem bài nhạc của Nah Aka Nguyễn Vũ Sơn lên diễn đàn chia sẻ và mong được nghe sự góp ý cũng như cảm nghĩ của mọi người. Thú thật... phản ứng đầu tiên của tôi là 'không biết nói sao', mặc dù sinh ra và lớn lên trong một làng đánh cá, những tiếng chửi thề với tôi không phải điều xa lạ, nhưng có lẽ vì đã xa cách nó quá lâu, nên tôi không có sự chuẩn bị về tâm lý để tiếp nhận một cách tự nhiên như xưa. Điều may mắn đã khiến tôi chú tâm và nghe hết trọn bài nhạc vì sau mỗi câu 'chửi thề' là vạch ra một tội ác của nhà cầm quyền cộng sản. Tôi bắt đầu nghe gai ốc nổi trên khắp thân thể, tôi xúc động và đón nhận em một cách chân tình. Sau đó tôi đã nói lên những suy nghĩ của mình khi nghe và đọc hết bài viết như một lời trần tình của Nah gửi đến tất cả những người Việt. Tôi cho rằng… chỉ cần bỏ đi bốn chữ 'ĐMCS' thì bài nhạc của Nah vô cùng quý giá. Nhưng đó lại là mục đích chính của em khi sáng tác và phổ biến đến mọi người.
Sang hôm sau, tôi thu xếp công việc dành trọn ngày để tìm đọc lại bài viết 'Thư gửi Đảng Cộng Sản và tất cả người Việt', nghe gần 40 bài Raps của em trên Youtube, trong đó có một Video ngắn 2:14 phút 'Rapper Nah chửi người Việt ngu', kèm theo hàng chữ 'Đừng vội phán xét hãy xem hết Video'. Lần theo trang nhà Triethocduongpho.com của một người bạn mà Nah chưa từng diện kiến, tôi đọc thêm bài viết của em: Những việc giới trẻ Việt Nam cần làm cho đất nước và rất nhiều bài nói lên khát vọng tuổi trẻ.
Đến đây thì tôi có thể khẳng định... Nah đã đi vào trái tim tôi.
Nếu nói Rap là dòng nhạc của sự thật, thì chính Nah đang chuyển tải những sự thật của một xã hội mang đầy kịch tính mà nơi đó không có chỗ đứng dành cho những trái tim xanh. Tôi không biết Nah bắt đầu bước vào dòng nhạc Rap từ khi nào, nhưng tôi có thể cảm nhận sự trưởng thành về tri thức của em qua lời nhạc. Theo tôi... thuở ban đầu có lẽ chỉ là niềm đam mê theo phong trào của dòng nhạc Rap, hoặc chỉ là những phản ảnh về một xã hội đầy những bất công, xa đọa. Và đúng như Nah trải bày trên The Kim Nhung Show, ý thức chính trị hoàn toàn không có trong giai đoạn khởi đầu.

Tôi nhìn thấy sự 'thác loạn' của tuổi trẻ trong nhạc Rap, những ức chế tâm lý về một xã hội thiếu công bằng. Một xã hội mà nền giáo dục không dựa trên nền tảng đạo đức, chỉ có thể tạo ra những người thợ hay những chuyên gia kém cỏi, nhưng lại không tạo ra được những người công dân có trách nhiệm với bản thân thì làm sao có trách nhiệm được với gia đình và xã hội. Từ sự mất thăng bằng về nhận thức và ý thức đã đưa tuổi trẻ đi vào một lối sống hoang lạc. Nah đã vượt trên những lẽ thường đó, vì thế em đem những bất công của xã hội, những phẫn uất của tuổi trẻ trải bày trên Rap, sự đón nhận của tuổi trẻ đến với Rapper Nah cũng là cách để bày tỏ những 'ức chế' bản thân mình.

 Từ 'Phố Cũ' 'Sài Gòn Đẹp Lắm' cho đến 'Xã Hội Thời Tàn'… là những khắc khoải của tuổi trẻ về một đất nước trong giai đoạn khánh kiệt, lòng người tan hoang, niềm tin vụn vỡ. Có thể nói 'Xã Hội Thời Tàn' là một trong gần bốn mươi tác phẩm của Nah mà tôi có dịp nghe qua và đã để lại dấu ấn trong lòng tôi sâu sắc nhất. Hãy dùng trái tim để nghe 'Xã Hội Thời Tàn', nhắm mất thật sâu như khi ngồi thiền, bạn sẽ thấy mình đang đi lạc vào một thế giới thật xa xăm, ở nơi đó chỉ có sự chết, còn lại chỉ là biểu hiện của sự lên đồng tập thể….
Trích đoạn :
'Tao thấy rừng không có thú, đại dương không có cá
Trên trời thì mây đen mịt mù, cây rừng không có lá
Tao thấy con người nhắm mắt thờ ơ bắt tay với thần chết
Đi mãi trong cái vòng tròn lẩn quẩn vô tận mà không có hồi kết….
Nhìn từng cơn lốc xoáy tốc bay từng nóc nhà
Đằng sau cơn bão những đôi tay run rẩy ngồi khóc Cha
Những đôi mắt nghèo hèn bon chen dành dật từng miếng cơm
Đổi danh dự cho những kẻ bỏ tiền bạc ra mua tiếng thơm….
Tao thấy màu đỏ của máu, màu trắng của nỗi đau che đi màu xanh hy vọng gửi vào những thế hệ mai sau.
Nhìn dòng người vội vã trong thế giới hỗn độn đầy những dối gian
Khóc đi những con người thờ ơ chỉ biết mình mà chẳng để ý xem người khác họ sống trong xã hội thời tàn'


Tôi đã từng có cái nhìn về tuổi trẻ hôm nay với một lối sống thác loạn, sống như loài thiêu thân, tương lai chỉ là những hố sâu thẳm đang đợi chờ những tiếng kêu tuyệt vọng. Không đâu… 'Xã Hội Thời Tàn' chính là sự trỗi dậy của những tâm hồn muốn phá tung cánh cửa sự thật để nhìn rõ hơn sự lõa lồ bẩn thỉu của lũ cường quyền. Để từ đó hình thành ý tưởng 'Tao không vào địa ngục thì ai vào'. (ĐMCS)
Khi nghe ĐMCS và đọc lời trần tình của Nah. Tôi đã bỏ lời để chỉ còn giữ ý. Nếu ĐMCS là một bức tranh tồi của xã hội Việt Nam hiện nay thì lời trần tình lại là một bản tuyên ngôn của tuổi trẻ đang thách thức và sẵn sàng đối đầu với nhà cầm quyền VC. Trước đến nay… không phải chỉ riêng tôi mà đa số chúng ta những người Việt hải ngoại thường 'than phiền' về xã hội Việt Nam, trong đó cụm từ 'suy đồi đạo đức' thường được sử dụng cho những vấn nạn Việt Nam hôm nay. Nếu lấy thành phần trí thức có học để làm thước đo mẫu mực về nhân cách con người thì không biết giải thích thế nào cho những trường hợp chỉ nói riêng về lĩnh vực giáo dục, mà hiện nay chính trong xã hội Việt Nam cũng đang lên án về nạn mua bán thi cử hay trao đổi tình dục giữa thầy giáo và học sinh để được nhận bằng cấp, đó là chưa nói đến những tội phạm giết người, buôn bán ma túy trong đó cũng không thiếu những thành phần 'có học'.


Vấn nạn Việt Nam hôm nay, nói riêng về tuổi trẻ không phải phát xuất từ lẽ tự nhiên mà nó nằm trong hệ thống giáo dục, hệ thống điều hành đất nước trong đó bao gồm Chính Trị, Kinh Tế và Văn Hóa. Sự xuất hiện của Nah với tác phẩm 'ĐMCS' được nhiều người 'đón nhận' một cách 'dè dặt', dè dặt ở đây mà tôi muốn nói đến đó là thành phần 'trí thức'. Họ không biết phải ứng xử thế nào với trường hợp của Nah, ủng hộ thì ngại đụng chạm đến 'danh dự, tên tuổi', mà phản đối thì lại càng vô lý. Tôi không thuộc thành phần trí thức, vì thế tôi chọn cách nói lên cảm nghĩ của mình. Tôi có một đứa em quen biết trên Internet cũng phản đối khi tôi ủng hộ suy nghĩ của Nah. Em cho rằng cách làm của Nah sẽ để lại nhiều hậu quả và ảnh hưởng đến thành phần tuổi trẻ khác có 'ý thức' và 'học thức' nhất là trong giai đoạn mà đạo đức con người đã bị tiêu hủy hoàn toàn, thì chúng ta lại cần phải khai dân trí bằng sự bắt đầu từ 'Lễ Giáo'. Tôi hoàn toàn ủng hộ lập luận trên, bởi chính đó cũng là suy nghĩ của cá nhân tôi trước đây. Thử nhìn lại xã hội Việt Nam hiện tại… bước ra đường là nghe chửi thề. Tuổi trẻ đã bị tha hóa bởi chính sách tiêu diệt dân khí, ăn chơi xa đọa, thành phần này là một con số không nhỏ. Tôi tin Nah không bồng bột như em đã chia sẻ, mà em đã có kế hoạch chuẩn bị cho những ngày sắp tới. Mưu sự tại nhân, thành sự do thiên. Chỉ còn biết cầu xin Hồn Thiêng Sông Núi phù hộ cho em. Bản thân tôi cho rằng… dân ta đã ngụp lặn trong mấy ngàn năm về lễ giáo, nhưng cuối cùng bị tiêu diệt trong bàn tay của chủ nghĩa cộng sản, tất cả giờ chỉ còn là những lý thuyết học thuộc lòng rồi chuyển tải cho nhau, có được bao nhiêu người học và thực hiện những lời dạy bảo của thánh hiền?.


Khi nói ra điều này tôi không hề phủ nhận công ơn của Tiền Nhân đã để lại cho thế hệ chúng tôi biết bao điều quý trọng. Tôi biết ơn Tiền Nhân nhưng đó chỉ là nền tảng để con cháu dùng nó như một căn bản khi bước vào đời, nhưng cuộc sống khi nhìn về tương lai cần có những giá trị thực tế để nuôi dưỡng đạo đức, (có thực mới vực được đạo) nếu không thì bần cùng sinh ra đạo tặc như xã hội Việt Nam hiện nay thì các Ngài có sống lại cũng không cứu vãn được. Sau nhiều ngày suy nghĩ tôi cho rằng : Đúng và sai chưa hẳn là một khuôn mẫu nhất định một khi đặt nó trong một bối cảnh không thích hợp. Đó là chưa kể trường hợp Việt Nam hiện nay một khi 'trí thức và học thức' không còn là thước đo của đạo đức hay nhân cách con người. Muốn xây dựng đất nước… điều tiên quyết vẫn là giải thể chế độ thối nát hiện tại. Còn rừng sợ gì không có củi đốt.
ĐMCS… với tôi như một cú đấm vào mặt nhà cầm quyền Việt cộng, chúng xứng đáng để lãnh nhận những ngôn từ như thế, nếu quý vị vào một số diễn đàn hay trên FB, sẽ thấy những từ ngữ tương tự như thế hoặc 'tục' hơn nữa dành cho bọn cường quyền, ai dám nói việc làm đó của họ là sai?, một khi chúng ta cho rằng 'đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy'. Nah cũng tự nhận mình là thích sống với nhóm bạn bè 'đường phố', qua đó em hiểu được suy nghĩ của một số tầng lớp tuổi trẻ Việt Nam hôm nay, em từ bỏ tất cả để làm người tiên phong mở đường cho một phong trào mới mà tôi tin rằng sẽ có một con số không nhỏ sẽ bước theo em. Từ khi Việt Khang bị bắt cho đến nay… hai bản nhạc của Việt Khang tuy đã đi vào lịch sử, nhưng nó không thể tạo nên phong trào, điều đó đã chứng minh khi tên em chỉ còn được nhắc lại một cách ít ỏi, dĩ nhiên tôi biết trong lòng chúng ta đều có hình ảnh Việt Khang và chắc chắn tên VK sẽ được nhắc lại trong một sự kiện xảy ra nào đó. Nhưng Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai đã không thể tạo nên được một phong trào, trong đó bản thân tôi cũng đã rất cố gắng khi gửi gấm trong bài viết 'Ngọn Đuốc Việt Khang'. Tôi đã khóc không biết bao lần khi nhìn thấy Việt Khang chỉ còn là một 'hiện tượng'. Nói thế không có nghĩa tôi cho rằng Nah sẽ tạo nên được một phong trào, vì tôi hiểu… một phong trào cần được nuôi dưỡng bằng nhiều trái tim cùng nhau góp sức. Hãy nhìn rõ mục tiêu của chúng ta là Cộng Sản Việt Nam và Trung Cộng, không cần biết mũi nhọn đến từ đâu, chỉ cần tất cả những mũi nhọn đó đều tập trung vào mục tiêu mà chúng ta đã định, thì dưới bất cứ hình thức nào cá nhân tôi đều ủng hộ. Tôi chắc chắn sẽ không ủng hộ một khi các em chỉ như loài đà điểu rúc đầu trong Rap, và coi đó như một thú giải thoát để quên đi những muộn phiền. Nah đã bước ra khỏi vùng 'u mê' đó, tôi nhìn được điều này qua những sáng tác mới sau này của em so với những tác phẩm vào những năm 2010-2013.
Có người cho rằng Nah hoang tưởng về chính trị.


Tôi lại nghĩ… chính sự hoang tưởng đó sẽ bắt đầu cho một ý thức chính trị về lâu dài một khi nó được khởi đi từ tấm lòng thành. Hoặc ai đó bảo rằng 'Rap là nghệ thuật đường phố, vậy hãy nói lên sự thật một cách nghệ thuật.' Điều này nếu nói trên nguyên lý tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng hãy nhìn bối cảnh Việt Nam hiện nay, một khi đạo đức xã hội băng hoại từ gốc lên đến ngọn, con người chỉ lo miếng ăn, kẻ có tiền thì chỉ biết lo hưởng thụ, hay những con người suốt ngày chỉ biết bán mặt cho đất – bán lưng cho trời, thì nghệ thuật cũng chỉ là những gương mặt đóng vai hề để mua vui cho thiên hạ, nói theo kiểu ông phó trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội, Phan Đăng Long khẳng định chắc nịch rằng những người dân nghèo tại Việt Nam 'khao khát được xem bắn pháo hoa' để giúp 'quên đi cái nghèo, cái khó'.

 Người ta không thể thưởng thức nghệ thuật với một cái bụng đang đói, hay với một tâm hồn bệnh hoạn chỉ toan tính cái lợi bản thân trong bộ não đặc sệt mùi tham nhũng.
Nah… với đôi chân tập tễnh đang bước vào cuộc hành trình đi tìm sự thật lịch sử, với tuổi đời ngoài đôi mươi ấy, không biết em có đủ bản lĩnh, khả năng để vượt qua cơn giông bão đang trực chờ phía trước? Với những lời phát biểu dù rất chân thành, rất thật ấy không biết em có nhận được sự bao dung? Tôi dõi theo bước em mà lòng xót xa cho nỗi cô đơn của một người tự lưu đầy chính bản thân mình để phục vụ cho lý tưởng.
Tháng Tư sắp tới. Tháng Tư này nữa là đúng bốn mươi năm… ngày toàn cõi Việt Nam rơi vào chủ nghĩa cộng sản. Cho dù có muốn không nhắc đến VNCH, thì ngày 30 tháng 4 cũng là ngày của lịch sử Việt Nam đánh dấu cho một cuộc đổ máu mới, không bằng súng đạn nhưng hệ lụy của nó còn tàn khốc hơn cuộc chiến hai mươi năm được khởi đi từ cộng sản Bắc Việt. Nah à… cách hay nhất để dành lại quyền tự quyết cho dân tộc không phải là một sự chối bỏ lịch sử mà phải đương đầu với lịch sử. Hãy nhắc đến VNCH như chị nhắc đến những người lính bộ đội với nỗi thương cảm vì họ không còn con đường nào khác để chọn lựa cho một lý tưởng sai lầm mà chính em và những người tuổi trẻ hôm nay cũng là nạn nhân của cái hệ lụy sai lầm đó.


Nhắc lại lịch sử không phải để dành cái chính nghĩa đúng-sai, nhưng em ơi… máu của những người lính VNCH đổ xuống cũng màu đỏ, da họ khi còn sống cũng rất vàng, và họ đã ngã xuống để bảo vệ hai mươi năm tự do cho Miền Nam, trong đó có gia đình em, đó là máu của những người lính VNCH đấy em ạ. Chị hoàn toàn đồng ý với em, thể chế nào cũng có cái đúng, sai. Giai đoạn này chúng ta cần hiệp lực để lật đổ bạo quyền như lời em trong ĐMCS….
Thù trong giặc ngoài bọn Trung Cộng cũng đang đói
Muốn đuổi được nó thì phải thay đổi trong nhà nước
Xử bọn tham nhũng và bán nước ở trong nhà trước.

Vâng em… chị hoàn toàn đồng ý với em chính nhà cầm quyền hiện tại là mấu chốt của vấn nạn Việt Nam hôm nay, vậy chúng ta hãy làm trách nhiệm của một người công dân, chúng ta đấu tranh không vì một chế độ hay bất cứ một đảng phái nào, mà chúng ta đấu tranh vì Tổ Quốc Việt Nam. Vậy thì VNCH cũng cần phải được nhắc đến như chúng ta nhắc đến những người lính đã ngã xuống trong trận chiến 1979 hay những người lính đã chết một cách tức tưởi trên Gạc Ma năm 1988 năm xưa.
Muốn thoát ra một quá khứ đã ăn sâu trong tiềm thức, đó là một điều không dễ làm. Vì thế tôi luôn mong mỏi sự khoan dung của mọi người. Làm người chẳng ai không dại một lần để được lớn khôn, huống gì bốn mươi năm sống trong sự bưng bít. Tôi thương tuổi trẻ vì họ là nạn nhân của thời cuộc, ngẫm lại những gì 'chúng ta' để lại cho họ không gì ngoài một gia tài đổ nát. Tôi tự nghĩ bản thân mình có đủ tư cách để đòi hỏi hay đặt điều kiện với các em? Có lẽ đã đến lúc tôi phải im lặng đóng vai trò yểm trợ để các em tự đứng mũi chịu sào, tương lai đất nước này sẽ là của thế hệ các em, vậy thì hãy để các em tự quyết định cho vận mạng tương lai của chính mình, tôi tin các em đủ bản lĩnh và trí khôn để biết phải làm gì đối với vấn nạn Việt Nam hôm nay.
Đầu tầu đã có và đang chờ những thân tàu để thực hiện giấc mơ Việt Nam, xin đừng làm lữ khách đứng bên đường để chờ xem kết quả.
Paris 02/02/2015

Hạt Sương Khuya
danlambaovn.blogspot.com

 

Nah-Sơn và bản tuyên ngôn của giới trẻ Việt Nam dấn thân trong nước


Trong thời gian gần đây, dư luận người Việt trong và ngoài nước bàn tán nhiều về một bản nhạc rap gây shock vì lời lẽ rất “đường phố”, với tiếng chửi thề dành cho ĐCSVN. Bản nhạc có tên  “DMCS”, của một rapper nổi tiếng trong nước, Nah-Nguyễn Vũ Sơn. Mãi chú ý đến bài nhạc, người nghe quên tìm đọc lời trần tình của tác giả, gởi cho giới lãnh đạo ĐCSVN và người dân Việt Nam, kèm theo cùng bản nhạc. Thông điệp này của tác giả cũng rất “đường phố”, nhưng sâu sắc và mạnh mẽ. Đọc lời trần tình này, nhiều người cảm nhận nó giống như một bản tuyên ngôn của giới trẻ Việt Nam trong nước, đang bắt đầu dấn thân vào con đường đấu tranh cho một tổ quốc Việt Nam tự do, dân chủ.
Nah-Sơn vừa có dịp ghé qua Little Saigon, ngồi bên một góc phố Bolsa đến tận nửa đêm, để tâm sự với thế hệ anh chị về con đường chông gai mà do chính em đã chọn…
Sơn là một du học sinh 24 tuổi, hiện đang theo học tại Oklahoma-Hoa Kỳ chuyên ngành Entrepreneur. Sơn đã có một bằng cử nhân Marketing học ở Singapore. Đối với rất nhiều người bạn cùng trang lứa ở Việt Nam, Sơn có sẵn một tương lai sáng sủa. Gia đình khá giả, học giỏi, sự nghiệp đã sẵn sàng. Sơn là một rapper nổi tiếng ở Việt Nam, được giới trẻ và dân đường phố cả nước rất hâm mộ. Nếu muốn có tiền, có tiếng tăm, thì con đường bằng phẳng này đã sẵn sàng cho Sơn.
Nhưng Sơn đã không chọn cho mình đời sống đó, đời sống mơ ước của hàng triệu thanh niên Việt Nam trong nước. Sơn tâm sự rằng tuy thuộc gia đình trung lưu, nhưng em có máu “đường phố” từ nhỏ, nên gần gũi, hay kết bạn với giới lao động, bình dân. Sơn cũng có cái máu “nghĩa khí” của giới giang hồ. Em không chịu được cảnh mình không có tội tình gì, mà cứ bị công an đường phố gọi vào hạch sách để đòi tiền hối lộ. Chính quyền gì mà chuyện ăn hối lộ xảy ra ở mọi cấp, mọi lúc, mọi nơi! Sơn đặc biệt ghét đám công an cậy quyền lực, chỉ làm tiền và hà hiếp dân. Ở trong nước thông tin bị bưng bít, Sơn cũng đã nhận ra được rằng có rất nhiều điều không đúng ở chính quyền CSVN, nhưng chưa thấy được tòan diện, có hệ thống.

Cột mốc thay đổi quan trọng chính là chuyến đi du học ở Mỹ của Sơn

Qua Mỹ, học hỏi từ thầy, từ bạn, từ tài liệu sách vở, từ những nguồn thông tin đa chiều có được tràn ngập từ một xứ sở tự do, Sơn đã nhìn thấy rõ tương lai của đất nước Việt Nam sẽ đi về đâu, nếu tiếp tục nằm dưới sự cai trị độc tài của CSVN. Để cứu lấy Việt Nam, điều đầu tiên là phải thay đổi cái thể chế độc tài, bán nước này bằng một thể chế tự do, dân chủ, để 90 triệu người dân được quyền tham gia vào việc quyết định vận mạng của đất nước mình. Sơn cũng theo dõi sát sao sự kiện đấu tranh đòi dân chủ của giới sinh viên Hồng Kông. Joshua Wong đã ảnh hưởng mạnh đến Sơn. Một thanh niên Hong Kong chỉ 17 tuổi đã dám làm, thì tại sao thanh niên Việt Nam cứ mãi câm lặng? Sơn suy nghĩ rất cẩn thận, cân nhắc mọi hậu quả, rồi quyết định dấn thân vào con đường đấu tranh vì tổ quốc, dân tộc, mà em biết trước là sẽ vô cùng chông gai. Bản nhạc rap DMCS, và lời trần tình gởi ĐCSVN và người dân trong nước chỉ là bước khởi đầu. Lời lẽ dung tục trong bản nhạc, như Sơn mô tả, là một tiếng đập bàn để gây sự chú ý của nhà cầm quyền CSVN. Vì cũng là dân “đường phố”, Sơn muốn sử dụng ngôn ngữ của giới dân đen tay trắng, phản kháng lại giới cầm quyền với đủ loại bạo lực, thủ đọan để trấn áp người dân.
Trung Cộng xâm chiếm dần lãnh thổ; nền kinh tế kém hiệu quả với những khoản nợ khổng lồ sắp phải trả; người dân bị tước hết mọi quyền tự do căn bản của con người… Giới trẻ Việt Nam sẽ là thế hệ gánh chịu nặng nề nhất những thảm họa này. Vậy tại sao hiện nay thanh niên Việt Nam ít tham gia vào các cuộc biểu tình chống giặc ngoại xâm, vào các họat động đòi tự do dân chủ cho chính mình? Là người trong cuộc, Sơn hiểu ai hết nguyên nhân của sự thờ ơ, vô cảm này. Sơn nói là rất khó để kêu gọi giới trẻ Việt Nam dám dấn thân vào cuộc đấu tranh cho tương lai của chính mình. Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là sự sợ hãi bị tù đầy, trù dập kinh tế, và nhất là tính mạng. Kế đến là sự ngại thay đổi trong một xã hội mà sức ỳ đã quá lớn. Thanh niên hay tự hỏi: liệu thay đổi chế độ có tốt hơn là bây giờ hay không? So với cách đây 20 năm, Việt Nam bây giờ cũng khá hơn rồi mà? Thôi thì cam phận với cái mình đang có, chắc an toàn hơn! Cộng thêm nữa là những chính sách ru ngủ hết sức thâm độc của chính quyền. Hễ đất nước có biến cố quan trọng như vụ Trung Quốc lấn biển, là nhà nước cho trình chiếu bộ phim Tàu Võ Tắc Thiên! Hễ có biểu tình đòi dân chủ, chống ngoại xâm là truyền thông sẽ đưa tin về giật gân về người mẫu, ca sĩ ngôi sao, các loại điện thoại đời mới tối tân…Tuổi trẻ Việt Nam được nhà nước khuyến khích cho tự do bia rượu, thuốc lá, hưởng lạc cuộc đời đủ kiểu… cho nên mất dần nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Trong thư gởi người dân Việt Nam, Sơn đã nhắc nhở mọi người phải nhìn xa hơn hiểm họa đang đến gần, giống như trong bài Hịch Tướng Sĩ của Trần Quốc Tuấn ngày xưa kêu gọi toàn dân chống giặc Nguyên Mông. Những khoản nợ vay nước ngoài thay vì để xây dựng đất nước, thì chui vào túi giới lãnh đạo chóp bu. Đến thời hạn trả nợ, đất nước đã kiệt quệ tài nguyên, nền kinh tế què quặt thì ai sẽ là người trả nợ, và trả bằng cái gì?

Trung Cộng đã và đang lấn dần đất liền, biển đảo, chặn đường sinh sống của ngư dân, thôn tính tài nguyên, đưa hàng chục ngàn người sang nằm phục sẵn ở các địa điểm trọng yếu của đất nước, hình thành đất nước Trung Cộng ngay giữa lòng quê hương Việt Nam. Đến một ngày nào toàn dân tỉnh mộng, muốn quay lại chống trả thì đã quá muộn. Và nên nhớ rằng, lúc đó những quan chức chóp bu của CSVN đã tẩu tán xong những khối tài sản khổng lồ ra nước ngoài. Con cái của họ đã thong dong sống đời hào phú ở bên Âu Mỹ. Lúc đó chỉ còn người dân Việt Nam vốn đã lầm than, nay tiếp tục là người gánh chịu tất cả tai họa đè nặng trên tổ quốc đã bị phản bội.
Tuổi trẻ Việt Nam không thể để điều đó xảy ra! Thấy rõ được đại họa này, Sơn đã dám dứt bỏ cái “tương lai được giới trẻ Việt Nam mơ ước” của mình, để đi tiên phong kêu gọi thanh niên Việt Nam kịp thời thức tỉnh. Hãy dành lại tương lai đất nước cho chính mình. Sơn kêu gọi thế hệ cha ông của mình hãy ủng hộ cho con em mình trong cuộc đấu tranh này. Chẳng lẽ, người lớn trong nước làm lụng vất vả cả đời, chỉ có mỗi một giấc mơ là đưa con mình ra nước ngoài du học, rồi tìm cách cho con mình ở lại bên đó hay sao? Sơn kêu gọi những người có tên tuổi, có sức ảnh hưởng đến dân chúng ở Việt Nam như giới trí thức, giới văn nghệ sĩ, ca nhạc sĩ… ủng hộ, đứng về phía tương lai của tuổi trẻ Việt Nam. Những người càng có sức ảnh hưởng lớn mà không làm gì thì càng có tội đối với tổ quốc. Và Sơn cũng kêu gọi lương tri của chính những kẻ đang cầm quyền tại Việt Nam, vì họ và em cũng có cùng một kẻ thù, đó là giặc ngoại xâm Trung Cộng.
Sơn nhắn gởi các bạn trong nước là tuổi trẻ chơi hết mình, nhưng khi làm việc nước cũng hết mình. Hãy tự mình đi tìm sự thật về cái thể chế độc tài đang cai trị dân tộc Việt Nam, đang cướp đi tương lại của chính các bạn. Đừng tin vào truyền thông trong nước, mà cũng đừng tin vào Sơn! Hãy tự tìm hiểu sự thật bởi trí tuệ, sự hiểu biết của chính mình. Thông tin bây giờ đầy đủ trên internet, chỉ cần chịu khó tìm tòi là có.

Thay đổi được nhận thức chính trị, thoát ra khỏi sự sợ hãi là những điều quan trọng nhất để bắt đầu dám đấu tranh chống lại bạo quyền. Hãy tin tưởng vào phương pháp đấu tranh bất bạo động, phương thức đấu tranh duy nhất để xây dựng một nước Việt Nam đoàn kết, không còn hận thù trong tương lai. Các bạn trẻ trong nước sẽ không đơn độc. Vì thế giới đang theo dõi Việt Nam rất sát về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Và rất nhiều người Việt hải ngoại đang ủng hộ cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước. Những người dân trong nước đang ra bên ngoài như Sơn sẽ là nhịp cầu nối hữu hiệu giữa người Việt trong và ngoài nước, tạo ra một khối đại đoàn kết dân tộc thực sự vì tương lai của tổ quốc Việt Nam.
Ra nước ngoài không phải để trốn tránh trách nhiệm. Sơn- cũng giống như anh Điếu Cày- đã có kế hoạch cho con đường trở lại quê hương của mình. Sơn đã nói với chính quyền CSVN rằng sẽ có một ngày gần đây, em sẽ trở về để hát nhạc rap trên vỉa hè Sài Gòn, Hà Nội, Huế… như trước đây em đã từng làm. Nhưng lần này sẽ là những bản nhạc rap đấu tranh, để đòi lại tự do, dân chủ của dân tộc đã bị tước đoạt quá lâu rồi.
Trong lời nhắn gởi với các bạn trẻ trong nước, Sơn đã nghĩ đến một đất nước Việt Nam tương lai, khi mà chế độ độc tài tòan trị cộng sản đã sụp đổ. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Mỗi người dân trong và ngoài nước đều có trách nhiệm xây dựng lại đất nước Việt Nam. Vẫn còn có những ẩn số chưa có lời giải chung. Nhưng Sơn tin chắc rằng nó sẽ tốt hơn nhiều lần tình trạng của đất nước hiện nay. Đừng tin vào những gì CSVN và đám dư luận viên hù dọa, về một nước Việt Nam dân chủ hỗn loạn, chết chóc giống như Iraq. Bởi vì con đường đấu tranh chúng ta đang chọn là bất bạo động. Chỉ có những kẻ chỉ biết có một vũ khí là bạo lực như CSVN mới nghĩ đến điều này.
Tuổi trẻ là tuổi của ước mơ. Những điều Sơn nghĩ có thể vẫn là mơ mộng. Những điều Sơn đang làm có thể là liều lĩnh theo cách nhìn của người lớn. Nhưng đó mới là TUỔI TRẺ. Chỉ có TUỔI TRẺ mới mạnh dạn dấn thân làm mà không sợ sai. Bởi vì làm một điều gì đó dù nhỏ cho xã hội, đất nước, vẫn còn hơn là chỉ ngồi nhìn và để mặc số phận cho một chính quyền mục ruỗng định đoạt.

Đã thấy ở Nah-Sơn một Joshua Wong cho Việt Nam tương lai. Sơn đang mơ một ngày về. Giống như trước đây anh Việt Dzũng, chị Nguyệt Ánh đã từng hát: “… anh vẫn mơ một ngày về…”. Nhưng lần về này của Sơn, sẽ có cả triệu Nah-Sơn ra đón, cùng hát vang những bài rap đấu tranh trên vỉa hè đường phố quê hương…
 Dân Việt











No comments:

Post a Comment