Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 9 November 2016

VY HUYỀN ĐẮC * PHẠM DUY TỐN * VŨ HOÀNG CHƯƠNG *

Thursday, June 11, 2015

VŨ QUẦN PHƯƠNG * VY HUYỀN ĐẮC

Kịch tác gia Vi Huyền Đắc qua lời kể của người con trai

13:30 11/06/2009

Vi Huyền Đắc rất quý sách. Sách tới tay ông, của các tác giả trong nước như các nhà văn trong nhóm Tự Lực văn đoàn và bạn bè hay các tác giả nước ngoài… ông đều đóng bìa cứng, bìa da bày ngay ngắn trong các giá sách. Ông mê các tấm gương tự lập, những người tạo sự nghiệp từ hai bàn tay trắng như các nhà tư bản Rockfeller, Canergie nhưng lại không ưa bóc lột. Ông phục hoàng đế nước Pháp Napoléon nhưng ghét Tây thực dân.

ĐỖ ĐỨC THU * ĐÁM MA LÝ TOÉT

  ĐÁM MA LÝ TOÉT
  ĐỖ ĐỨC THU   

Lý Toét ốm. Lý Toét ốm đã mấy tháng, nhưng độ mươi hôm nay, bệnh tình xem ra trầm trọng. Lang Băm, một danh y trong xóm, đến thăm bệnh. Bắt mạch xong, Băm gọi bà Lý ra ngoài hiên, thì thầm nói nhỏ. Bà Lý ra chiều thất vọng, mượn người đánh dây thép nhời cho cô Ba Vành ở ngoài mỏ. Được tin bố sắp chết, cô Ba Vành lật đật thu xếp về ngay.
Xã Xệ mấy hôm nay ở luôn bên nhà Lý Toét. Nhà neo người, bà Lý và cô Ba Vành là đàn bà, người con cả Lý Toét đi Tân Thế Giới đã lâu, không thấy tin tức, chưa rõ sống chết ra sao. Còn đứa nhỏ, thằng Toe, thì hãy còn là đứa trẻ ranh thò lò mũi, cả ngày chơi đùa với trẻ con ngoài đường. Thằng Toe mới lên bảy, nhưng đã giống bố về hai con mắt.
Xã Xệ sang trông nom giùm. Ngày thường, hai người vẫn không ưa nhau, hay khích bác, xỏ xiên, hoặc nói cạnh khóe. Nhưng thực ra cả hai cùng tốt. Lúc này Xã Xệ cũng quên những mối hiềm cũ. Vả lại cả hai còn có một nhược điểm chung nó dễ làm gần nhau: chén rượu. Xã Xệ sang, mỗi ngày bà Lý phải mua một chai bố.
Tin Lý Toét sắp chết lan ra khắp xóm, ai ai cũng để ý. Bà Lý ra ngõ thường gặp nhiều người hỏi thăm. Có người lại hỏi thăm qua hàng rào. Với ai, bà cũng trả: "Cảm ơn bà - ông, hoặc bác - ông Lý nhà tôi đã khá".

 Tuy vậy, họ cũng biết thừa là ông Lý sắp chết. Lang Băm đã bảo ông Lý khó qua được đêm nay. Chiều nào Băm cũng cả quyết như vậy mà ông Lý vẫn dai dẳng sống hơn một tuần lễ rồi. Có người độc miệng mỉa mai: "Đã chết được kia à? Còn là khổ! Lúc giữ triện đồng, đục khóet lắm, bây giờ khó lòng mà nhắm được mắt."
Họ đã sửa soạn cả. Nhiêu Còm đã mở chiếc hòm mục lấy cái áo the cũ bạc vai, vá khuỷu tay, sắp sửa để đi đưa ma ông Lý và đánh chén. Bọn trẻ con cũng vui vẻ; chúng thấy trong xóm có sự lạ, và như chúng ngửi thấy mùi xôi thịt. Bác Ngọ, bán hàng sũ ở đầu xóm, đã sắp sẵn một cỗ ván tốt, và nhấm nháy Xã Xệ, để ông Xã khỏi mua hàng của bác Mùi, dưới cuối xóm. Xã Xệ ngắm nghía cỗ ván, vuốt chiếc tóc trên đầu, hoặc gãi vào cái bướu gần thái dương, trả lời viển vông: "Được, để tôi hỏi bà Lý xem". Rồi đến lượt Khán Thân làm hàng mã, Nhiêu Tuất bán hàng vải. Xã Xệ thấy ai cũng tử tế, cũng có ý ngầm mời đánh chén. Mọi khi bọn này, mỗi khi chàng đi qua, thường chỉ lên đầu cười rúc rích, hoặc nói cạnh đến cái tóc. Mấy hôm nay, mỗi lần về nhà, Xã Xệ thường phàn nàn với vợ: "Bác Lý ốm, thành mình cũng vất vả lây". Bác Xã gái an ủi chồng, rồi lại giục sang nhà Lý Toét. Vợ Xã Xệ muốn tống chồng đi cho khỏi tốn rượu. Mà Xã Xệ cũng chẳng muốn ở nhà.

II

Nằm dúm trên giường, Lý Toét mở thao láo hai mắt nhìn lên đình màn. Người khô đét như con mắm, tuy đắp chăn mà các đầu xương vẫn hằn ra ngoài, mặt võ vàng, gò má lồi ra, hai mắt sâu thành to thêm. Tóc hai bên thái dương lốm đốm bạc và rụng dần, búi tóc chỉ còn bằng củ hành to.

Đầu giường có vài chiếc bát không, cơ chừng bát uống thuốc; một đĩa mía tiện sẵn, toàn khẩu nạc, mấy quả cam, táo. Cô Ba Vành hết lòng săn sóc bố, nhưng nào bố có ăn được! Hai con mắt vẫn tỉnh lắm, rất tinh nhanh. Có lúc râu mép vểnh lên, mấp máy. Khi mệt yếu quá, Lý Toét rên khừ khừ hay thở dài những tiếng thực mạnh, làm Xã Xệ giật mình chạy lại. Lý Toét nhìn Xã Xệ, dáng tức tối, có lẽ vì Xã Xệ đang uống rượu gian bên.

Trong nhà im lặng. Ai nấy đi lại rón rén, không động mạnh guốc. Cạnh chân giường Lý Toét, mấy cái củi gộc lom dom trong chiếc bếp kê tạm để hâm thuốc, và để cho ấm nhà. Thỉnh thỏang Xã Xệ đến cạnh bếp, cúi lom khom cời lửa. ánh sáng chiếu vào cái đầu mập lù, bóng nhoáng. Cô Ba Vành ngồi trong buồng khâu vội mấy chiếc áo trắng. Bà Lý bận cơm nước, thằng Toe vẫn đi chơi với trẻ. Hai con chó, con Vàng và con Vện, nằm ép dưới gầm cũi, chẳng buồn cắn những người tới hỏi thăm.

III

Vào khỏang mười giờ đên, Lý Toét qua đời. Đến sáng hôm sau thì khâm liệm xong xuôi, trong nhà đã sẵn sàng cả. Con mèo tam thể đã bị nhốt chặt trong cũi. Mờ mờ sáng, bác Ngọ đã cho khiêng cỗ ván đến, một cỗ ván gỗ dổi, hai đầu có chữ thọ bôi đen. Rồi cả bọn tuần phiên kéo đến. Lúc nhập quan là lúc thê thảm nhất; bà Lý và cô Ba Vành khóc vang, tiếng đập thình thình làm hàng xóm cũng thương xót. Thằng Toe chẳng hiểu gì, thấy người nhớn khóc cũng khóc theo, và xán quanh chỗ bàn thờ.



Suốt ngày tấp nập những người đến viếng. Họ mang theo vàng hương, nến, rượu hay những câu đối bằng vải trắng viết chữ lơ. Họ lễ trước linh sàng, phường kèn cử những bài thê thảm. Bà Lý ở dưới bếp vội chạy lên đáp lễ, khóc hu hu kêu ông Lý. Lễ xong, bà lấy vạt áo chùi mắt rồi chạy xuống bếp sửa sang mâm cơm rượu đãi các người đến giúp.

Họ sang giường bên nói chuyện với Xã Xệ ngồi chĩnh chện, đầu quấn khăn và cái tóc vẫn lắc lư. Bây giờ Lý Toét chết, ai cũng thương xót. Họ nhắc lại khi sinh thời, ông đã hết lòng với hàng xóm. Họ khen ông tinh nhanh, thông minh, lanh lợi, thôi thì đủ các đức tính. Xã Xệ kể lại hàng trăm lần bệnh tình ông Lý, lúc nguy kịch, khi lâm chung.

Sáng hôm sau đưa đám, trời lại mưa. Người ta nói trời mưa là vì cô Ba Vành, lúc rửa ráy cho ông Lý lần cuối cùng xong, không sẽ đổ úp chậu nước xuống gậm giường, mà lại đem hắt tung tóe ra sân. Trong xóm đủ các người tai mặt đến đưa ông Lý ra đồng. Trẻ con theo cũng đông. Đám ma chẳng có gì lạ, đại khái như mọi đám ma ở nhà quê. Linh xa, bộ đòn sơn son có nhà táng sặc sỡ, và ít câu đối, một phường kèn. Đằng sau bộ đòn có treo lủng lẳng một cái gậy, biểu hiện một người con trai vắng mặt: thằng đi Tân Thế Giới. Cô Ba Vành lăn đường lấm như vùi.

Lúc hạ huyệt, không có điếu văn, không có hoa. Họ lấp đất cho nhanh, đốt nhà táng cho chóng, vì trời mưa nặng hạt. Bà Lý, cô Ba Vành kể lể, khóc bù lu bù loa. Mấy viên hương chức che ô đứng ở bờ ruộng, đứng đắn và trầm ngâm. Thằng Toe, không ai để ý đến, đã chạy ra chỗ đốt nhà táng nhặt mặt kính. Bọn đô tùy hắt từng xẻng đất xuống huyệt, chẳng mấy lúc đã đầy. Họ vội vàng, vì về còn rửa chân tay để đi uống rượu.

IV

Trước lúc đưa đám, bà Lý đã cẩn thận giao phó cho người ở nhà trông nom xôi thịt, sửa soạn cơm rượu đãi làng. Vậy mà lúc về vẫn thấy mất mát, suy suyển. Đại khái năm miếng thịt bỏ vào luộc thì lúc vớt ra còn bốn, hay ba. Nhiều mâm xôi bị khoét giữa hay vẹt cạnh. Một thúng gạo mang ra ao vo thì lúc về còn nửa. Những người làm giúp được dịp ăn cắp. Người coi có biết cũng phải ngơ, sợ mất lòng, họ bỏ về. Trong khi có việc, họ đến cho là quý.

Chẳng mấy lúc làng đã họp đông. Trong nhà, ngoài sân đông chật, từ các bô lão sáu bảy mươi, cho tới lũ trẻ lên sáu, lên bảy. Đứa nhỏ quá thì đã có người nhà, hoặc anh nhớn bế đi. Họ khỏa chân ở cầu ao trước cửa rồi vào nhà ngồi đợi. Mấy hồi lệnh inh ỏi giục người đi chậm. Trong nhà không đủ chỗ, phải giải chiếu ra hè cho lũ trẻ; không đủ chiếu, chúng ngồi ngay xuống đất.

Tiệc rượu bắt đầu. Trẻ con xúm quanh những mâm gỗ vuông, đầy những đĩa thịt luộc còn đỏ, đĩa xôi đơm điêu, bát nước dùng trắng nhợt và vẩn đục, đĩa rau cải xanh. Chúng ăn ngốn ngấu, gọi cơm om sòm. Chúng chỉ ăn dưa và nước canh, xôi thịt để dành phần mang về. Bên cạnh mâm đã sẵn ít tầu lá chuối. Chẳng mấy lúc, bụng lũ trẻ đã thẳng căng, chúng lẻ tẻ ra về.

Bên trong, người nhớn đứng đắn, ăn uống lâu hơn, vì còn kề cà chén rượu. Câu chuyện bắt đầu từ tốn. Khi chai không xếp bàn bên đã nhiều thì tiếng nói to thêm, rồi thành những cuộc tranh biện hùng hồn của các ông Lý, ông Hương, về việc làng, việc nước, hay việc trời đất. Các ông quên hẳn là đang ở trong nhà có tang. Một người to tiếng, người nữa to tiếng hơn. Trong nhà ồn ào, bà Lý vừa cô Ba chúi ở dưới bếp. Xã Xệ im lìm uống rượu, mặt và đầu đã đỏ hồng như quả táo chín, cái tóc xoắn tròn và vểnh ngược lên.

Mãi đến chiều mới tan. Ai nấy đều say mềm, có người loạng choạng đi không vững. Hương Dần vịn vào vai Xã Quít. Vừa khỏi cổng, có lẽ vì thoáng gió, Dần nôn thốc tháo cả những thức vừa ăn. Hơi rượu sặc sụa, trẻ con xúm lại xem đông. Quít thụt ngay chân xuống rãnh nước, gói phần tung xuống bùn. Dần cũng xuống theo. Nếu không có người giữ thì không hiểu hai người làm sao ra khỏi rãnh nước. Nhiêu Mão đâm vào hàng rào, lưỡi líu lại mà vẫn ba hoa nhất định cãi mình không say. Thỉnh thỏang gió đánh lật cái áo lương lên, bọn trẻ con thấy quần chàng ướt suốt từ đũng xuống gấu.

V

Mấy hôm sau, dân trong xóm đã quên hẳn Lý Toét. Xã Xệ về uống rượu ở nhà. Cô Ba Vành đi với ông Tây mỏ. Trừ có bà Lý, đêm nào cũng sụt sịt khóc chồng.

Rút từ tập truyện ngắn Vỡ lòng,
Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1940

THƠ SONG NGỮ * LÊ XUÂN NHUẬN

TODAY
                      

Today I will watch the sun
As it leaves the velvet sky.
Today I will gaze at the moon
As it shines throughout the night.
Today I will not let my fears
Control my hopes and dreams.
Today I will not judge people
For how they look or seem.
Today I will smile at my enemies
And walk away with pride.
Today I will speak my mind
And not keep everything inside.
Today I will sing as loud as I can
And really hear my voice.
Today I will make my own decision
And be able to live with that choice.
Today I will take a chance
Rather than being afraid.
Today I will try not to hurt
People with what I say.


Today I will listen
To that voice in my heart,
And not confuse it with my head.
Today I will follow
The road less traveled by
Than the one that's already been led.
And if Today ever die
If Today ever end,
Then tomorrow I will wait
Tomorrow I will try again.

                 
Ý NHI THỊ THÁI


             HÔM NAY

      Hôm Nay tôi ngắm vầng dương
Rời bầu trời đẹp êm nhường như nhung.
      Hôm Nay tôi ngắm vầng trăng
Toả soi ánh sáng vặc-vằng đêm thâu .
      Hôm Nay tôi quẳng lo âu,
Ðể tim hy-vọng, để đầu mộng-mơ .
      Hôm Nay tôi xét người ta
Không qua định-kiến, không qua ngoại-hình.
      Hôm Nay tôi cười tươi xinh
Với kẻ thù, hãnh diện mình bước đi .
      Hôm Nay tôi nói điều gì
Mình thật-sự nghĩ, chẳng chi giấu nào .
      Hôm Nay tôi hát như gào,
Nghe mình thực-sự cất cao tiếng mình.
      Hôm Nay tôi quyết phân minh,
Giữ sự chọn-lựa đinh-ninh trọn đời .
      Hôm Nay tôi chớp cơ thời,
Không còn sợ-sệt ngại lời nói ra .
      Hôm Nay tôi gắng ngâm-nga
Từ hay, ý đẹp, tránh va-chạm người .

      Hôm Nay tôi lắng lòng tôi
Ðể nghe tình-cảm sục-sôi trong hồn,
      Ðừng cho lý-trí ép dồn!
Hôm Nay tôi chọn con đường của tôi,
      Dù đường thưa vắng bóng người,
Còn hơn nẻo cũ: lề xoi, lối mòn!
      Và Hôm Nay nếu không tròn,
Nếu Hôm Nay cũng chẳng còn Hôm Nay,
      Thì tôi sẽ đợi Ngày Mai,
Tôi lại gắng nữa, không phai chí mình...

                 
THANH-THANH Việt-hóa

PHẠM TÍN AN NINH * CUỘC TRÙNG PHÙNG


Previous messageNext messageBack to messages


Cuộc trùng phùng bi thảm 

Pham-Tin An-Ninh 

Theo đoàn quân tiếp thu Sài gòn mà lòng ông Hai Chi rối như tơ vò. Ông và hầu hết các đồng chí của ông ngơ ngác tưởng như chuyện mộng mị không thể nào xảy ra. Chính đơn vị của ông bị đánh tan tác gần như phải xóa sổ trong mùa hè 1972, đến nay vẫn chưa bổ sung xong, và đám bộ đội còn sống sót cũng chưa kịp hoàn hồn. Vậy mà Ban Mê Thuột mất, Tây Nguyên, Vùng 2, đến Vùng 1 có lệnh bỏ, để rồi cả miền Nam thất thủ chỉ trong vòng bốn mươi lăm ngày. Có lẽ những người ngồi trong Bộ Chính Trị ngoài Hà Nội cũng còn bất ngờ, huống hồ Hai Chi, chỉ mang quân hàm thiếu tá, làm sĩ quan hậu cần của một sư đoàn nằm tận vùng rừng núi Tây Nguyên heo hút..

Từ ngày vào bộ đội, ông Hai Chi luôn bị điều về những đơn vị chiến đấu. Nhờ phước đức mấy đời nên còn sống cho đến ngày tàn cuộc chiến. Không chết, nhưng trên người, và có thể cả trong lòng ông còn mang nhiều thương tích. Vết thương nặng nhất khi đơn vị ông bị B.52 dội bom trong trận Hạ Lào. Tiểu đoàn do ông làm thủ trưởng chỉ còn lại dưới 50 người. Nhờ thương tích ấy ông được điều về Sư Đoàn 320 làm cán bộ hậu cần. Mùa hè năm 1972, cả sư đoàn từng mang danh là Sư Đoàn Điện Biên hay Sư Đoàn Thép này gần như bị xóa sổ, khi tướng Hoàng Minh Thảo tung vào trận địa Kontum với ý đồ chiếm lấy Tây Nguyên, làm bàn đạp tiến xuống đồng bằng. Nhờ làm việc ở hậu cần nên ông Hai Chi sống sót để cuối tháng 4/75 có mặt trong đoàn quân ngơ ngác về tiếp thu Sài gòn.

Hai Chi chỉ là bí danh. Tên thật của ông là Nguyễn Công Chính, con cả của một gia đình gốc tiểu tư sản. Quê ở Hải Phòng. Trước 54 gia đình làm chủ một tiệm bán xe đạp và sản xuất găm bánh xe. Bố mẹ sinh được năm người con, nhưng cả ba cô con gái mất sớm, chỉ còn hai cậu con trai, Hai Chi và người em út, nhỏ hơn đến mười một tuổi. Khi ông đang học Y khoa ở Đại Học Hà Nội, thì trận chiến Điện Biên Phủ kết thúc với sự thắng lợi của phe Việt Minh để Pháp phải ký Hiệp Định Genève, chia đôi đất nước. Từ vỉ tuyến 17 trở ra cả miền Bắc thuộc về Cộng Sản. Làn sóng di cư đổ xô về Hải Phòng, quê ông, nơi có những chiếc tàu há mồm chở họ vào Nam. Bị lực lượng Việt Minh tìm mọi cách ngăn chặn, nên khi ông về đến được Hải Phòng, thì nhà cửa đã bị tich thu, không tìm được bố mẹ và người em trai của mình. Ông phải bỏ Hải Phòng, bỏ cả con đường trở thành bác sĩ, lên sống với một bà dì trên Ý Yên, Nam Định.

Nhờ có trình độ học vấn và phấn đấu liên tục để giấu đi gốc gác con nhà tiểu tư sản, ông được cho theo học khóa sĩ quan. Nhưng sau này, khi hầu hết bạn bè cùng khóa lên đến cấp đại tá, thiếu tướng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội hay công an, có người còn lọt vào Bộ Chính Trị, thì ông Hai Chi cứ vẫn là thiếu tá tiểu đoàn trưởng và cuối cùng, sau khi bị thương, được điều về làm cán bộ hậu cần của một đơn vị bại trận, cần thời gian để “biên chế”, bổ sung.

Giữa tháng 3/75 Ban Mê Thuột mất, rồi Quân Đoàn II và Quân Đoàn I gần như xóa sổ, sau những kế hoạch triệt thoái tồi tệ nhất trong lịch sữ chiến tranh, để cuối cùng ngày 30/4/75 cả miền Nam rơi vào tay Cộng sản.

Sư Đoàn 320 từ Tây Nguyên cũng được tăng cường cho đoàn quân tiến về Sài gòn, khi Cộng quân bị các đơn vị VNCH chặn đánh tại tuyến Long Khánh gần hai tuần lễ gây tổn thất khá nặng nề. Chiến tranh kết thúc, ông Hai Chi được chỉ định bổ sung cho đoàn cán bộ tiếp thu Tổng Kho Long Bình của QLVNCH bỏ lại. Sau thời gian quân quản, ông là một trong số những cán bộ may mắn được “biên chế” ở lại miền Nam. Nhiệm vụ của ông là kiểm kê và tổ chức chuyển hàng trong các kho về miền Bắc. Từng đoàn xe liên tục từ Nam ra Bắc suốt ngày đêm, chở theo các loại chiến lợi phẩm, không những đã tịch thu được của Quân Đội hay Chính Phủ mà của cả dân chúng miền Nam, nhất là sau kế hoạch “Đánh Tư Sản”. Lúc này trong dân gian truyền miệng một câu nói khá đau lòng mà lý thú: Đất nước thống nhất để miền Nam thì nhận họ, còn miền Bắc thì nhận “hàng”. Như con chuột gầy sa hủ nếp, ông Hai Chi trở nên giàu có. Ngôi biệt thự tại thành phố Biên Hòa tịch thu từ gia đình một tư sản gốc Hoa được cấp cho ông, cũng là nơi để ông cất giấu hàng ngàn cây vàng kiếm được. Một năm sau, vợ và đứa con trai của ông cũng từ ngoài Bắc được chuyển vào ở với ông. Học đòi một chút vương giả, bà vợ muốn có người ở, phụ bà lau nhà rửa bát và để cho bà có người sai vặt. Nhưng ngại nếu thuê mướn một người lớn, chuyện “làm ăn” và cả sinh hoạt trong nhà dễ bị “tai vách mạch rừng” lọt ra ngoài, nên sau khi bàn tán kỹ lưỡng, vợ chồng Hai Chi quyết định đi xin một đứa con nuôi. Vừa có một đứa đầy tớ không mất tiền thuê, vừa được tiếng nhân từ, giữ “truyền thống đạo đức cách mạng”.

Vợ chồng ông Hai Chi tìm đến các viện cô nhi để tuyển lựa “đối tượng”. Ông bà muốn có một đứa con gái khoảng 7-8 tuổi, khỏe mạnh và mặt mày sáng sủa. Cuối cùng vợ chồng cũng được như ước muốn. Khi bà sœur “quản nhiệm” Cô nhi viện Biên Hòa dắt con bé ra giao, bà chỉ cho biết con bé tên Phượng, 8 tuổi. Bố mẹ đã chết trong trận đánh Long Khánh. Có người thấy nó ngồi khóc trên vỉa hè nên mang về nhà nuôi. Một thời gian sau “giải phóng” gia đình này trở nên túng quẩn, không có đủ cơm ăn, đúng lúc con bé lại bệnh hoạn không sai bảo gì được, nên đã mang cháu đến giao cho cô nhi viện. Lúc ấy cô nhi viện cũng lâm vào cảnh khốn khó, nhưng các sœur không nở chối từ, chia bớt phần ăn của mình, lo chữa trị và nuôi dưỡng cháu lành bệnh, ngày một khỏe mạnh, xinh xắn.

Thực ra, thì sœur quản nhiệm biết bố của Phượng là lính Cộng Hòa, qua lời kể dù không rõ ràng lắm của cháu, nhưng trong thời buổi nhá nhem còn đầy không khí hận thù lúc ấy, sœur luôn dặn dò Phượng phải giấu kín điều này không cho ai biết. Ông Hai Chi làm khai sanh cho con bé, đặt tên Nguyễn Thị Hồng Phượng, để nhớ tới thành phố “Hoa Phượng Đỏ” Hải Phòng, quê hương ông.

Những năm 1978 – 1979, bọn cầm quyền cộng sản muốn đuổi những người Viêt gốc Hoa ra khỏi nước nhằm cướp hết tài sản của họ, bày ra chiến dịch quái đản, được người ta đặt tên là “Ra đi bán chính thức”. Nhờ biết tiếng Hoa và có nhiều kinh nghiệm trong các đường giây mua bán, ông Hai Chi lại được “đồng chí” Mười Vân ( tên trên giấy tờ là Nguyễn Hữu Giộc) , Giám đốc công an tỉnh Đồng Nai móc nối vào tổ chức “đen”, vừa đi tìm những người Việt gốc Hoa giàu có (và cả những người không phải gốc Hoa nhưng chịu chi nhiều vàng để nhận hồ sơ Hoa kiều giả), vừa cho đám đàn em lập ra những toán “lâm tặc” chiếm cứ, làm chủ các khu rừng, chặt hết gỗ quý đóng tàu bán với giá rất cao cho các nhóm người Hoa “ra đi bán chính thức”. Bọn họ mở nhiều xưởng cưa, nhiều cơ sở đóng tàu. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hai Chi đã trở thành đại gia, một nhà tư bản đỏ đầy quyền lực.

Bé Hồng Phượng lớn lên theo nhịp độ phát đạt của gia đình ông Hai Chi cùng nỗi cơ cực của một ô-sin. Điều may mắn duy nhất, cũng có thể do ông bà Hai Chi muốn tránh tiếng xấu, Phượng được cho đi học lớp đêm, và nhờ vào tính thông minh cần mẫn, Phượng học rất giỏi.

Điều may mắn khác, nhưng lại trở thành tai họa cho Phượng, là càng lớn Phượng càng xinh đẹp. Năm lên 16, nhan sắc của Phượng đã làm si mê bao cậu học trò. Và người say mê nhất lại là Diệp, thằng con trai duy nhất của ông bà Hai Chi. Diệp lớn hơn Hồng Phượng 3 tuổi và khi ấy đang là sinh viên của Trường Đại Học Bách Khoa. Mỗi lần Phượng ra ngoài, Diệp tìm mọi cách đi theo, ngăn chặn bất cứ gã con trai nào muốn tán tỉnh Phượng, lấy cớ là anh trai của Phượng. Ở nhà, Diệp thường bênh vực Phượng, trách cứ mẹ đã bắt cô em nuôi phải làm quá nhiều công việc.

Chưa bao giờ Diệp tỏ ra mình là một ông anh nhân từ tốt bụng như lúc này. Hơn nữa cậu ta cũng nể nang, tôn trọng nết na hiền thục cùng sự khôn ngoan của Phượng. Bà Hai Chi vốn nuông chiều cậu quí tử nên không dám làm Diệp buồn lòng. Điều này làm bà khó chịu, nhưng đó không phải là điều mà bà quan ngại. Điều lo âu nhất của bà chính là ông Hai Chi, mỗi lần bà bất ngờ bắt gặp đôi mắt của ông chồng say đắm nhìn cô con gái nuôi trong tuổi dậy thì xinh đẹp, cũng là con bé ô-sin của nhà bà.

Ngày xưa, sau khi kết thúc chiến tranh, ông cũng nể nang cái tình bao năm chờ đợi và thương cảm cảnh khổ của bà, nhưng kể từ ngày kiếm ra nhiều tiền, ông tỏ ra uy quyền và lơ là chăn gối với bà. Bà tìm mọi cách để giữ chồng. Nhờ người giới thiệu một số bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ tiếng tăm ở Sài gòn, chịu bỏ ra một số tiền khá lớn, bà là một trong những người Hà Nội 75 sửa sắc đẹp sớm nhất. Nhờ tài năng của mấy ông bác sĩ miền Nam còn sót lại, nhan sắc của bà có khá hơn nhiều lắm, nhưng so với những cô gái miền Nam, thì bà vẫn chỉ thuộc loại hàng phế thải được “tân trang” phần bên ngoài. Không đủ hấp dẫn ông chồng đang trên đà “đổi mới tư duy”

Vốn là con gái của một gia đình cộng sản, và sống bao nhiêu năm dưới chế độ tàn ác man rợ này, bà đã học được biết bao mưu chước và thủ đoạn để hại người. Trước mắt chồng con, bà luôn tỏ ra thương yêu nhỏ nhẹ với Phượng, nhưng trong đầu đang bày mưu tính kế để hãm hại cô bé mồ côi tội nghiệp này.

Ban đầu bà tính tạo cơ hội cho Diệp, thằng con trai duy nhất của bà cướp đi đời con gái của Phượng, để cho ông chồng già chứng kiến, bỏ cuộc, rồi lấy cớ đuổi Phượng đi, nhưng ngẫm nghĩ thấy mưu kế này có thể là con dao hai lưởi, không chừng thằng quý tử của bà mê luôn Phượng và quyết lấy Phượng làm vợ thì quả là tai họa, gậy bà lại đập đúng lưng bà! Không thể nào để con trai một của cán bô đại gia đi lấy con ô-sin. Cuối cùng bà nghĩ tới tay đàn em thân tín của ông. Bà để ý mỗi lần đến nhà, thấy Phượng là anh chàng này như kẻ mất hồn, nhìn chăm chăm vào Phượng rồi bất ngờ giật mình, sượng sùng quay đi chỗ khác. Hắn e ngại vì dù gì Phượng cũng là con gái nuôi của ông Hai Chi. Hắn tên Đạt, thượng úy công an, tay chân đắc lực của gã Mười Vân, giám đốc công an tỉnh, được “đặc phái” tới làm việc bên cạnh ông Hai Chi trong tổ chức “đen”, móc nối đưa người Hoa ra đi và phá rừng lấy gỗ.

Đạt có vợ, một con mang từ miền Bắc vào. Nghe nói cô vợ, trước kia là một “bộ đội gái”, từng mấy năm ở trạm giao liên trên miệt Trường Sơn trong thời “chống Mỹ”, phục viên khi chiến tranh kết thúc, nhưng con vi trùng bệnh sốt rét rừng vẫn còn mai phục trong máu, nên trông khá xanh xao vàng vọt.

Bà Hai Chi biết Đạt mê mệt cả nhan sắc lẫn thân hình của cô con gái nuôi đang độ dậy thì, nên đã dễ dàng dụ chàng ta vào kế hoạch. Hắn ta bất ngờ như trúng số độc đắc cặp mười, đưa tay thề xin hứa sau này sẵn sàng làm bất cứ mệnh lệnh nào của bà. Bà đích thân ra chợ trời tìm mua mấy gói thuốc ngủ. Tổ chức buổi cơm cuối tuần, gọi Đạt đến nhậu nhẹt cùng chồng như mọi khi. Trong bữa ăn, ông Hai Chi, Đạt và cả thằng Diệp thi nhau uống rượu ngoại. Chỉ có bà và Phượng uống nước cam vắt do chính tay bà làm. Trong bếp, bà đã lén bỏ vào ly nước của Phượng mấy gói thuốc ngủ mà bà đã tán nhỏ ra bột. Khuya hôm đó sau khi thấy Phượng thắm thuốc, ngủ say, bà mở cửa gọi Đạt vào để hiếp Phượng. Bà giả vờ vào phòng nằm với chồng, chờ tiếng ho, như là một ám hiệu của Đạt, sau khi đã thỏa mãn cơn dục tình thèm khát bấy lâu nay. Bà chuẩn bị lấy giọng để la lên cho cả ông Hai Chi và thằng Diệp chứng kiến cảnh Phượng đang lõa lồ sau khi ân ái với thằng đàn em thân tín của ông. Bỗng dưng bà nghe nhiều tiếng động và sau đó là một tiếng súng nổ chát chúa từ phòng của Phượng. Không cần gọi, tất cả ông Hai Chi, thằng Diệp và bà vội vàng chạy ùa vào. Một cảnh tượng kinh hoàng. Đạt nằm trần truồng trên vũng máu, còn Phượng nép vào góc phòng hai tay còn cầm chặt khẩu súng K54 sẵn sàng nhả đạn tiếp.

Ông Hai Chi năn nỉ dụ dỗ mãi, Phượng mới đưa khẩu súng cho ông. Nhưng thằng Diệp vội vàng giật lấy khẩu súng từ tay cha với ý định xử tội Đạt. Trong lúc giằng co, một phát đạn nổ, may mắn không gây thêm thương tích. Tay thượng úy Đạt bị thương rất nặng ở vùng bụng, được xe cứu thương chở vào bệnh viện Biên Hòa cứu chữa, sau khi ông bà Hai Chị vội vã mặc áo quần vào cho hắn. Thằng Diệp hò hét chạy theo đòi giết hắn ta. Bà Hai Chi thì rất đỗi ngạc nhiên, cứ nghĩ rằng mấy gói thuốc như vậy, nhất định sẽ làm Phượng say ngủ mê man tới sáng, tại sao lại có thể giật súng bắn thằng Đạt. Sau này, bà nhờ bác sĩ thử nghiệm, kết quả: bình thường. Hóa ra thuốc bán ngoài chợ trời chỉ là thuốc giả.

Tay Đạt thoát chết nhưng bị cắt đi một khúc ruột và mất khá nhiều máu. Phượng bị bắt giam. Thằng Diệp đòi ra công an làm chứng, tố cáo Đạt chủ động hiếp dâm và Phượng chỉ tự vệ. Nhưng ông bà Hai Chi vừa quyết liệt ngăn cản vừa năn nỉ. sợ mang thêm tai họa. Bà Hai Chi lo lắng bị lộ ra cái quỷ kế ác độc của bà. Còn ông Hai Chi thì nghĩ Đạt là đàn em thân tín của tay Mười Vân, giám đốc công an tỉnh, quyền uy như ông vua một cõi. Đến các “đồng chí” phó bí thư, ủy viên thành ủy còn bị hắn ta lập kế bắt giam năm ngoái. Vả lại tay Đạt cũng chưa làm gì được thì đã ăn đạn rồi. Hắn ta chủ quan, cứ tưởng là Phượng đã say thuốc ngủ. Trút bỏ hết áo quần và cả khẩu “súng ngắn” để trên giường, trước khi đưa hai bàn tay sàm sở lên người Phượng. Chưa kịp bàng hoàng khi bất ngờ bị Phượng đạp mạnh xuống giường thì một phát súng đã nổ vào bụng. Cuối cùng Phượng bị tạm giam để đưa ra tòa án nhân dân, với cái tội “phản động”đã định sẵn. Các báo Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên cho đăng tải tin tức này theo chỉ thị: “tàn dư Mỹ Ngụy dùng mỹ nhân kế ám sát cán bộ cách mạng”

****

Trận chiến Long Khánh, dưới tài chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo, đại quân CS bị các đơn vị VNCH chặn đánh tan tác. Đặc biệt hai quả bom CBU được thả xuống địa điểm “tập kết” của địch, giết cả hai trung đoàn “sinh Bắc tử Nam”. Mang hận thù này, nên sau khi chiếm được Long Khánh, bọn chúng đã bắn giết dã man bao người dân vô tội, trong đó có mẹ của Phượng. Khi xông vào nhà, thấy tấm ảnh của bố Phượng treo trên vách, mang quân phục và cấp bậc VNCH, chúng đã bắt trói mẹ Phượng dẫn đi. Phượng chạy theo khóc kể, rồi lạc vào một nơi xa lạ đầy những xác người, sợ hãi, không còn biết đường về. Bố của Phượng là sĩ quan thuộc một Liên Đoàn Biệt Động Quân từ Vùng 3 tăng phái cho Vùng 2, bị bắt lúc bị thương trên đường di tản theo Tỉnh Lộ 7B từ Pleiku vào giữa tháng 3.75. Ông bị cầm tù qua rất nhiều trại. Nhiều năm sau không hề biết được tin tức vợ con, ông nghĩ là tất cả đã chết vì biết có những trận đánh lớn tại Long Khánh trước ngày mất nước.

Ngày 2/ 9 năm 1984, ông được thả. Ra tù, ông vội vã tìm về Long Khánh. Ngôi nhà của cha mẹ để lại, nơi vợ con ông đã sống từ ngày sinh ra Phượng, đã bị “cách mạng” tịch thu. Người chủ mới là một gã công an. Khi nghe ông hỏi thăm vợ con mình, những người chủ đích thực của căn nhà này, gã công an trợn mắt nhìn chằm chặp vào ông rồi thốt ra mấy tiếng cộc lốc, lạnh lùng: “tôi không biết, hỏi làm gì?”, bằng giọng đặc sệt Nghệ Tĩnh rất khó nghe. Khi đến trình diện công an xã, ông bị chỉ định về trình diện chính quyền trong một Khu Kinh Tế Mới nằm sâu trong núi để được tạm trú và quản chế. Một nơi ông hoàn toàn xa lạ, không có bất cứ một người thân quen nào.

Ông đón xe đi Biên Hòa, nơi có trại gia binh nằm bên cạnh doanh trại của đơn vị ngày xưa. Chắc chắn là trại gia binh đã bị tịch thu, nhưng hy vọng tìm được người tài xế và vài người lính cũ có thể còn ở lại gần đâu đó. Họ là những người thân thiết cuối cùng còn lại trong đời ông. Ông muốn đến thăm và tìm hiểu tình hình hầu tìm một con đường sống.

May mắn, anh tài xế vẫn còn ở căn nhà cũ phía ngoài trại gia binh. Căn nhà tôn mà trước kia vợ chồng anh đã hốt hai đầu hụi và mượn thêm cả một tháng lương của ông để mua với giá rẻ, mở cái quán nước nhỏ, bán cho anh em lính. Bây giờ cái quán không còn, nhưng anh hành nghề xe ôm với chiếc Honda từ đời 70 còn lại, nên cuộc sống cũng đáp đổi qua ngày. Thầy trò gặp nhau bất ngờ như từ cõi chết trở về, vừa vui mừng vừa cảm động. Anh tài xế ôm chầm lấy ông, bảo hết mình lo lắng cho ông Thầy. Anh bảo vợ và thằng con trai lớn chạy đi báo tin, gọi thêm hai anh em cùng đơn vị cũ còn ở lại trong vùng. Mỗi người góp một tay, làm mấy món nhậu uống mừng được gặp lại ông Thầy.

Men rượu ngà ngà, nước mắt ông cũng đầm đìa vì cảm kích cái tình huynh đệ, và nhớ tới những anh em đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên con đường 7 B oan nghiệt, tất cả đều chết trong tức tưởi. Bỗng tất cả im lặng hướng về chiếc máy truyền hình nhỏ để trên tủ thờ trước mặt, khi nghe giọng nói sắc máu của người nữ xướng ngôn viên thông báo trực tiếp phát sóng: Tòa Án Nhân Dân tỉnh Đồng Nai xét xử một cô gái mang tội “phản động, âm mưu ám sát cán bộ cách mạng”. Ông há hốc miệng, đôi mắt ráo hoảnh, khi nhìn thấy cô con gái đứng trước vành móng ngựa, hai tay bị còng, phía sau là một đám công an cả nam lẫn nữ mặt mày đằng đằng sát khí. Cô bé giống vợ ông như đúc. Khuôn mặt hiền lành xinh đẹp này ông đã gặp bao nhiêu lần trong giấc mộng, suốt hơn chín năm tù. Không kịp giải thích, ông bảo anh tài xế tìm mọi cách giúp chở ông thật nhanh đến tòa án Biên Hòa, nơi phiên xử mới bắt đầu.

Chỉ hơn 10 phút sau anh tài xế và ông đã có mặt. Phiên tòa đang tiếp tục phần “buộc tội” của một bà được gọi là đại diên Viện Kiểm Sát Nhân Dân. Ông giật mình khi nghe tên cô con gái “thủ phạm” là Nguyễn Thị Hồng Phượng. Đứa con gái duy nhất của ông có tên Nguyễn Lê Tuyết Phượng. Chưa kịp hình dung trọn vẹn hình ảnh người vợ và đứa con gái năm tuổi, khi ông được ba ngày phép về nhà đưa cháu vào bệnh viện mỗ tim rồi vội vàng chia tay lần cuối cùng để ra đơn vị, thì một điều bất ngờ khác làm ông bàng hoàng hơn: Người nhân chứng được gọi lên cung khai có tên là Nguyễn Công Chính, trùng tên với ông anh cả, đã thất lạc trên ba mươi năm, sau ngày ông cùng bố mẹ di cư vào Nam. Khi nhìn kỹ Nguyễn Công Chính bước lên vị trí nhân chứng, ông sững sờ nhận ra ngay, đó đúng là người anh ruột của mình. Dù dung mạo có đổi thay, nhưng ông không thể nào nhầm lẫn được. Với con mắt hơi lồi và hàm răng vễnh của bao năm trước. Lúc còn bé, ông anh còn có tên gọi trong nhà là cu Tun. Ông đứng bật dậy, định gọi lớn tên anh mình, nhưng kịp nhớ ra đang ở trong phiên tòa, và bản thân mình cũng là người tù chưa trình diện nơi quản chế. Lòng dạ rối bời, ông chưa kịp trấn tỉnh để nghe nhân chứng vừa nói điều gì, thì bỗng có tiếng la từ hàng ghế phía trước. Một cậu thanh niên đứng bật dậy, hét to:

-Tôi là Nguyễn Công Diệp đã đủ tuổi để xin làm nhân chứng. Tôi chứng kiến tận mắt, ông thượng úy Đạt định hiếp Phượng, cô em nuôi của tôi. Em tôi chỉ phải tự vệ bằng chính khẩu súng của ông Đạt.

Bất chấp tiếng búa gõ và phản đối ra lệnh ngồi xuống của chủ tọa phiên tòa, cậu thanh niên vẫn tiếp tục:

-Khi bị bắn, ông Đạt nằm trần truồng ngay dưới giường ngủ của em tôi, chứ không phải mặc nguyên áo quần công an như bố tôi vừa nói. Tôi phản đối.

Tất cả nhốn nháo. Có lệnh tạm ngưng phiên tòa, buổi chiều sẽ nghị án. Ông Trực vội vàng chạy tới Phượng, nhưng chưa kịp nói điều gì thì mấy gã công an đã đẩy Phượng đi. Ông chạy ra hành lang tìm gặp Hai Chi. Ông ta bỏ đi trước một mình khi vợ và đứa con trai đang còn lớn tiếng cãi nhau

Khi thấy có người đập mạnh trên vai, ông Hai Chi quay lại, nhưng chưa kịp nhận ra ai. Nước mắt ràn rụa, giọng nói dường như nghẽn lại, ông Trực cố gắng lắm mới thốt ra lời:

-Anh Cu Tun ơi! Em là Trực, Nguyễn Công Trực, em út của anh đây. Cháu Phượng là con gái của em!

Ông Hai Chi khựng lại, sững sờ, trố mắt nhìn. Trời đất như quay cuồng trước mặt khi ông vừa nhận ra đứa em thất lạc đã gọi đúng cái tên cúng cơm của mình mà cả vợ con ông cũng chưa hề biết. Ông kéo tay ông Trực ra xa, đến dưới một bóng cây bên kia đường vắng. Trời đang vần vũ một cơn mưa. Cả hai đều chưa biết tung tích của nhau, nhưng riêng ông Trực thì đã đoán ông anh của mình phải là một cán bộ cộng sản cao cấp, với cái vẽ bệ vệ của ông cùng sự sang trọng của bà vợ và đứa con trai. Một cảm giác rờn rợn lẫn một chút xót xa thoáng qua trong đầu ông Trực. Ông Hai Chi căn dặn Trực tạm thời đừng tiết lộ điều gì với vợ và con trai ông. Bởi vợ ông là một người cộng sản thực thụ, có thể gây bất lợi cho em mình. Ông sẽ bảo vợ, Trực là một đàn em thân tín nhưng hoạt động trong bí mật.
Đưa Trực về nhà. Cả một buổi trưa, ông Hai Chi tưởng mình như đang rơi xuống chín tầng địa ngục. Ngoài trời mưa tầm tã, nhưng trong lòng ông nóng còn hơn lửa đốt. Ông nhắm mắt ngữa mặt lên trần nhà khi nghe người em của mình cho biết:

-Bố mẹ đã chết trong Tết Mậu Thân do pháo kích của các anh. Em bị các anh bắt giam cầm hành hạ hơn 9 năm trời, tưởng đã bỏ xác trong tù, vợ em có lẽ cũng bị các anh giết tập thể ở Long Khánh, và cháu Phượng là đứa con duy nhất của em, mới mấy tuổi đầu mà phải bị ức hiếp tù đày.

Là một người Cộng sản “theo thời thế”, ông Chính vẫn còn ít nhiều cái gốc tiểu tư sản. Một chút lương tâm còn sót lại bỗng làm ông bật khóc. Thực ra thì ông cũng đã từng bao lần khóc thầm, khi suýt bỏ mạng ở các chiến trường Hạ Lào, Tây Nguyên, chứng kiến những cái chết kinh hoàng và vô nghĩa của hàng vạn thanh niên nam nữ từ miền Bắc bị cưỡng bách đi B. Vài lần thoáng hiện trong đầu ông hai chữ “hồi chánh”, nhưng phân vân vì khi ấy vợ con ông ở ngoài Bắc, chắc chắn sẽ phải khốn khổ với đám cường quyền. Ý tưởng chưa ngã ngũ thì chiến cuộc kết thúc nhanh chóng đến bất ngờ. Ông tiếp tục “nín thở qua sông”, cố đóng cho thật khéo vai trò “đảng viên trung kiên”, để hưởng cho tròn cái lợi danh của người “bên thắng cuộc”.

Buổi chiều, phiên tòa tái nhóm. Ông Hai Chi xin được phản cung, thay đổi lời khai nhân chứng. Là một đảng viên có chức quyền, lại là bạn thân của “đồng chí” Mười Vân giám đốc ông an tỉnh, ông cũng được mấy ông bà “quan tòa” vị nễ. Nhưng tất cả đều ngỡ ngàng khi nghe ông tuyên bố:

-Lời nói của cậu con trai tôi sáng nay là đúng. Chính đồng chí thượng úy Đỗ Hữu Đạt đang thực hiện ý đồ hiếp dâm cháu Nguyễn Thị Hồng Phượng, là con gái nuôi của chúng tôi, còn đang tuổi vị thành niên. Với tư cách là một đảng viên và cán bộ nhà nước, tôi cam kết những lời xác nhận này là hoàn toàn chính xác. Sáng nay, vì muốn giữ danh dự cho chiến sĩ ngành công an, tôi có ý che giấu cho anh Đạt, nhưng rồi tôi đã kịp nghĩ ra, làm như vậy trước tòa là phạm pháp, có tội với đảng, với nhân dân.

Bà Hai Chi tròn mắt ngạc nhiên, tức giận, trước thái độ thay đổi bất ngờ của ông chồng.Tay thượng úy Đạt được tòa gọi đứng lên đối chất. Hắn ta không phản biện, vì biết tội đã quá rõ ràng, nhưng lại trút tội lên đầu bà Hai Chi. Hắn ta khai ra tất cả kế hoạch bỉ ổi của bà. Nội vụ lại chuyển sang một hướng khác, hoàn toàn ngoài dự trù của Viện Kiểm Sát. Phiên tòa tạm ngưng để tiếp tục điều tra.

Không khí trong nhà ông Hai Chi trở nên ngột ngạt, nhưng ông Trực cố nán lại đây để mong được sớm gặp con gái của mình và cũng tránh bị xét hỏi giấy tờ. Ông Hai Chi đích thân làm đơn bảo lãnh Phượng được tại ngoại. Cha con gặp nhau trong ngỡ ngàng. Phượng không nhận ra cha mình. Nhưng huyết thống phụ tử rất nhiệm màu, hơn nữa khi nghe ông Trực bảo “phía dưới ngực bên trái của con có một vết sẹo dài khi con mỗ tim”, Phượng òa khóc và ôm chặt lấy cha. Trong lòng Phượng như vừa mới nở ra một đóa hoa tươi thắm nhất.

Giữa tháng 10/ 1984, khi phiên tòa chưa tái nhóm thì tại tỉnh Đồng Nai xảy ra một biến cố lớn, làm xôn xao cả nước, đặc biệt đối với dân chúng miền Nam, sau hơn chín năm vẫn chưa kịp nhận ra hết bộ mặt thật của những người cộng sản:

Mười Vân Nguyễn Hữu Giộc, đảng viên cao cấp, con hùm xám Nam Bộ một thời, đang là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai bị bắt. Đích thân “đồng chí” bộ trưởng công an, âm thầm đưa cả một lực lượng công an chuyên nghiệp và tin cẩn từ Hà nội vào Sài gòn lập kế bắt Mười Vân ngay trong phòng họp. Lục soát tư dinh và nhiều nơi khác, công an tịch thu hơn hai ngàn cây vàng và cả trên 500 kg vàng cùng hột xoàn các loại.

Ngày 1.11.1984, một phiên tòa đặc biệt được khẩn cấp triệu tập tại thành phố Biên Hòa, dưới sự “chủ trì” và xét xử của Viện Kiểm Sát Nhân Dân và Tòa Án Nhân Dân Tối Cao. Phiên tòa đặt dưới sự chỉ đạo nghiệp vụ của “đồng chí” Trần Quyết, Bí Thư Trung Ương Đảng, Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao.

Mười Vân bị xử tử hình. Bản án sơ thẩm cũng là chung thẩm, được thi hành cấp kỳ sau một tuần tại trường bắn Long Bình.

Lần đầu tiên báo chí tại Sài gòn được đăng tải tin tức phiên tòa mà thủ phạm là một ông lớn, đảng viên cao cấp. Người ta cũng biết được có những chiếc tàu chở người Hoa đã bị bỏ đói, nhận chìm, ngoài bờ biển Cát Lái, Rạch Giá ,Phú Quốc và vài nơi khác ở miền Trung, làm chết rất nhiều người. Và khắp cả nước bàn tán về chuyện cướp bóc, tham nhũng, ăn chia không đều giữa những người cộng sản!

Sau đó nhiều phiên tòa đặc biệt khác được tiếp tục, xử những người đồng lõa, trong đó có cả mấy ông bà trong Tòa án nhân dân Đồng Nai. Nhờ đó, vụ án của Phượng bị bỏ quên, không còn ai nhắc tới. Nhưng ông Hai Chi và cả tay thượng úy công an Đỗ Hữu Đạt lại dính vào vụ án lớn. Bởi cả hai đều là cánh tay đắc lực của gã Mười Vân.

Biết không thể nào vượt qua số phận, ông Hai Chi tự động đến trình diện trưởng ban điều tra của “ban chuyên án”, và xin giao nộp 800 cây vàng, ông khai là Mười Vân nhờ giữ hộ. Và cũng nhờ ông khai thêm những đường giây làm ăn của Mười Vân, nên ủy ban bắt thêm một số đàn em, trong đó có thượng úy công an Đỗ Hữu Đạt, tịch thu thêm cả ba ngàn cây vàng, gồm cả 800 cây được giấu kỹ dưới hồ nước sau nhà một đàn em thân tín của Mười Vân, phải điều xe cần trục câu lên.

Tất nhiên với dạn dày kinh nghiệm, ông Hai Chi kịp thời tẩu tán một số vàng. Ông vội vàng móc nối một đường giây quen biết cũ, tung vàng ra để gởi cha con ông Trực, dắt theo Diệp, thằng con trai duy nhất của ông vượt biển khẩn cấp ra khỏi nước.

Nhờ tàu Cap Anamur cứu vớt trên biển, bố con ông Trực và Diệp được đến định cư tại Tây Đức.

****

Mùa Hè năm 1990, trong một dịp sang thăm người bạn thân cùng tù Hoàng Liên Sơn lúc trước, tôi được gặp anh Nguyễn Công Trực, một cựu sĩ quan Biệt Động Quân, là bạn láng giềng thân thiết với người bạn tù của tôi. Anh đã kể cho tôi nghe về những ngày cuối cùng của đơn vị anh trên Tỉnh Lộ 7B – từ Pleiku di tản xuống Tuy Hòa, và cả câu chuyện trùng phùng bi thảm này. Tôi cũng được nói chuyện với cháu Phượng, cô con gái hiền thục xinh xắn của anh, vừa mói tốt nghiệp dược sĩ. Chúng tôi cũng đến thăm cậu Diệp, con trai của ông bà Hai Chi, cũng là cháu ruột của anh. Diệp đang sống chung với cô vợ người Đức và đứa con trai hai tuổi.

Tôi cũng được biết ông Hai Chi, nhờ “thành khẩn khai báo”, nên được hưởng khoan hồng với hai mươi năm tù. Vợ ông, bà Hai Chi bị án sáu năm tù về tội đồng lõa và tàng trữ vũ khí, vàng bạc phi pháp. Bà chết trong tù sau hai năm thụ án, do chính tay công an Đỗ Hữu Đạt, người bị giam cùng trại, đánh lén bằng cuốc trong giờ lao động, để trả mối thù xưa. Hắn ta nghĩ rằng chính bà đã lập mưu để hại hắn, chứ Phượng không hề bị bà cho uống thuốc ngủ. Hắn ta cũng nghi ngờ ông Hai Chi đã khai hắn là tay chân đắc lực của Mười Vân, đã từng giết người bịt miệng, nên nhà cửa bị tịch thu cùng với bản án bốn mươi chín năm tù.

Và sở dĩ có phiên tòa và vụ án làm xôn xao cả nước thời ấy, hoàn toàn không phải chống tham nhũng mà chỉ vì bọn chúng không ăn chia đồng đều. Tay Mười Vân đã dành riêng cho mình một số vàng quá lớn, và từng làm mưa làm gió, qua mặt đám đàn anh, không còn xem trung ương ra thể thống gì.

Về sau tôi còn biết thêm: Sau khi ông Hai Chi giảm án ra tù, được con trai bảo lãnh sang Đức. Nhưng ông đã quẫn trí, thường ngồi thẫn thờ nhìn lên trời cao, lúc khóc lúc cười. Ông qua đời năm 2006.
Phạm Tín An Ninh

KÝ CỦA KHUẤT ĐẨU-

 
Sinh nhật buồn 
Khuất Đẩu

Đang ngồi chờ cạo mặt ráy tai ở một quán hớt tóc đầu con hẻm, bỗng nghe lệnh của tổ dân phố phát ra oang oang trong loa phóng thanh: “Để mừng Đảng mừng xuân, mọi nhà đều phải treo cờ tổ quốc!

Chợt nhớ ra ngày mai, mồng ba tháng hai là ngày sinh của Đảng. Và Đảng 85 tuổi. Như thế cũng đã gần thượng thọ rồi. Đảng hơn tôi 10 tuổi. Nếu là trong giới viết lách, có thể gọi thân mật bằng anh, rủ nhau đi cà-phê tán gẫu. Nhưng Đảng không phải là người, không hình thù mặt mũi, chỉ “văn kỳ thanh chứ bất kiến kỳ hình”, có muốn nâng ly chúc mừng cũng không biết chúc ai.
                 
Nhưng Đảng cũng không phải là ma. Đảng có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ. Gần, thì tổ trưởng dân phố, công an khu vực. Xa, thì chủ tịch tỉnh, chủ tịch nước. Chót vót là tổng bí thư.
Đảng là một tổ chức chính trị trùm cả nước. Cái bóng của Đảng to đến nỗi trông lên chỉ thấy Đảng chứ không thấy Trời.

Sức mạnh của Đảng thì khỏi phải nói. Nào đánh Pháp, đuổi Mỹ... Ơn Đảng còn hơn cả ơn Chúa! Nhưng Đảng cũng là một cái gì chưa trọn, cứ phải xây dựng hoài mà chưa xong. Đảng cũng thối tha không kém, nên cứ phải làm trong sạch mãi.

Giả sử, Đảng được sinh ra trong một gia đình nào đó, có nghĩa là một sinh vật hẳn hoi, thì chẳng biết Đảng đực hay cái. Đảng không có chim, cũng không có bướm, vậy mà trong 85 năm, Đảng sinh ra đến hàng triệu đảng viên. Đảng hơn cả mẹ Âu Cơ, sinh đẻ cứ như cua, cá. Mà cua cá thì anh cứ việc xơi, chứ đảng viên, đụng vào là bỏ mẹ.

Trong số hàng triệu đảng viên, có nhiều người cùng tuổi với Đảng. Nghĩa là Đảng mới chào đời đã kịp sinh con, như cụ bà Phạm Thị Trinh, cũng đã 85 tuổi Đảng (101 tuổi đời). Đảng thì lớn mạnh vẻ vang, còn cụ thì tù đày bầm giập. Cùng tuổi với Đảng nhưng chẳng được ai chúc mừng, kể cả con cháu.

Vậy thì Đảng là cái gì mà mọi nhà đều phải treo cờ? Đến nỗi, hơn 50 năm trước, Trần Dần phải kêu lên: Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà/ chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Lá cờ mà sau đó ông gọi là lá cờ trừ ma.

Khi tôi cạo mặt ráy tai xong, ra về, cũng chưa thấy cờ như thời Trần Dần, cũng chẳng thấy ai tới hạch hỏi “người ta đổ xương máu để có được cây cờ, chỉ có mỗi một việc treo lên mà không treo, phản động à?” như hồi 75.

Bật TV, thấy Tổng bí thư đọc lê thê một bài mừng Đảng giữa một hội trường to rộng, trước những đảng viên ưu tú, áo quần sang trọng tinh tươm, nhưng người đọc thì giọng buồn mệt mỏi, người nghe thì mặt cứ trơ ra, chẳng một chút xúc động cứ như những tượng sáp.

Người ta bảo Đảng bây giờ cũng như cái xác trong lăng kia, chỉ chờ ngày chôn thôi. Tôi thì tôi không dám tin như vậy. Chẳng những thế tôi còn đâm ra sợ Đảng như nhân vật của Kafka, có thể đang hoá thân thành một con gì đó hơn cả con sâu. Bởi thế, cứ tới ngày sinh của Đảng thì tôi (và 85 triệu người không Đảng) lại buồn. Còn buồn hơn chiều chủ nhật buồn nằm trong căn gác đìu hiu!


Tứ tuyệt


Tháng 4 2, 2014
Khuất Đẩu

Bác tôi có bốn người con, đều là gái. Nói theo kiểu miền Bắc là vịt giời, nói theo xứ này là ngao. Toàn là những tiếng dè biểu, chê bai.
Chờ mãi mà chẳng có một thằng cu, nên bác trai cảm thấy cái chức trưởng họ của mình nó lỏng chỏng cứ như một tổng thống được chỉ định chứ không phải do dân bầu lên. Còn bác gái, cứ mỗi lần nghe bà mụ bảo “Ơ lại là con gái” là thở dài; lần sau dài hơn lần trước, và lần sau cùng thì khóc. Chẳng phải bác lo chồng cưới vợ bé để kiếm con trai (có cho cũng không dám), mà vì như bác nói, làm đàn bà khổ lắm, vui vẻ gì mà sinh ra cả lũ!
Tuy vậy, nhìn bốn cô con gái xinh xinh hai bác cũng yên ủi ít nhiều. Bác trai vốn là người sinh ra chỉ biết làm thơ chứ không làm gì khác, đã rất lạc quan, tự hào. Bác nói, “Nhà có con gái như có ngọc, sáng hẳn ra. Mình được đến những bốn viên, sang quá chớ bộ!”
Bác gái thì nguýt: “Ở đó mà sang, ông không nghe người ta nói, đó là bom nổ chậm à? Một trái đã mất ăn mất ngủ, đến những bốn trái thì biết làm sao đây?”
“Vớ vẩn!”, bác tôi cãi lại, “bà có biết làm thơ không đấy, mỗi đứa là một câu thơ, bốn đứa làm thành một bài thơ tứ tuyệt. Ôi chao, Lý Bạch, Đỗ Phủ cũng phải thua tôi nữa kìa.”
“Hay nhỉ”, bác gái cười, “vậy ông thử đọc bài thơ đó nghe xem nào.”
Ông trợn mắt ngạc nhiên: “Thơ nào nữa. Bốn đứa là bốn câu thơ, tròn trịa, xinh xắn. Sống động như thế, nhìn chưa đã con mắt hay sao mà còn đòi đọc cho nghe nữa?”
Rồi mỉm cười ý nhị, bác hạ thấp giọng như chỉ đủ cho bà nghe: “Mà bài thơ tuyệt tác đó, chính bà là tác giả. Bà chẳng biết vần điệu gì ráo, nhưng đã sáng tạo ra chúng trong những phút xuất thần, đúng là thiên tài!”
Mặc dù được bác trai bốc lên đến tận giời, nhưng bác gái tôi chỉ cười. Một lúc, bác nói như thể kéo bác trai xuống mặt đất. “Tôi thì tôi lo lắm. Thời buổi này, kiếm được một thằng rể đã là khó. Mà đến những bốn đứa thì biết kiếm đâu cho ra. Bọn con trai, nếu không suốt ngày say xỉn thì bài bạc hút xách. Những đứa coi được được lại vô công rồi nghề, cứ ngồi chảy thây ra ở các quán cà phê! Ông hãy liều liệu mà ăn với ở. Con gái nhờ đức cha kia đấy.”
“Bà khỏi phải lo”, bác tôi cao giọng, “ăn ở như tôi đấy à? Đến mười đứa còn chưa hết đức, nói gì bốn đứa. Này nhé, tôi không tham nhũng thụt két, không bóp hầu bóp họng ai, không nịnh trên nạt dưới… Tôi chỉ là nhà thơ, một nhà thơ chân chính không thèm vào hội nhà văn, thì đứa nào bẻ cong ngòi bút tôi được.”
“Thì đấy”, bác gái đãi giọng ra, “điều tôi lo là ông thừa cái đức của các cụ xưa mà thiếu cái đức của bọn trẻ ngày nay.”
“Đức của bọn trẻ ngày nay là đức thế nào?”
“Là tiền!”
“Ơ!” Bác tôi kêu lên như từ trên trời rơi xuống, “Là tiền à? Đức mà lại là tiền à? Thế cái bọn bán rừng bán biển, cướp đất cướp ruộng của dân, bọn vun quén tài sản rồi chuồn ra nước ngoài với cả đống đô la, là đức đó à?»
“Cũng gần như vậy.”
“Đó là cái đức cống, thối hoắc!” Bác tôi phẫn nộ.
“Nhưng đời này thì nó thơm lắm. Không thối như ông tưởng đâu. Này tôi hỏi ông, khi ông đi ra đường với chiếc áo xệch xạc, chiếc mũ bèo nhèo, đôi giày vẹt gót, thì đúng là nhà thơ đó, nhưng có ai chào nhà thơ không? Hay là người ta chỉ chào ông giám đốc này, ông chủ doanh nghiệp nọ, ngay cả một chú công an đứng đường, cũng được thưa gửi kính cẩn. Nói đâu xa, anh em trong họ nhà này, dù ông là trưởng họ nhưng có ai coi ông ra gì. Ông còn thua cả thằng Bang, làm chủ hàng trăm con vịt đẻ, là cháu ông nữa đấy!”
Bác gái tôi nói tới đó thì nghèn nghẹn, rơm rớm nước mắt. Một lúc, bác thở ra: ”Tôi nghĩ mà thương cho tụi nó. Bốn chị em mà có mỗi chiếc xe cà tàng, thì ai mà thèm vào. Tụi nó nói, mỗi đứa một chiếc tay ga, còn chưa chắc nữa là. Làm cha làm mẹ mà để con cơ cực như thế, tôi xấu hổ quá!” Và, bà khóc thành tiếng.
Bác trai cứ trợn trừng ngó lên trần nhà, miệng lẩm nhẩm hai tiếng “đức” và “tiền” như người bị ma nhập; rồi bất ngờ nắm lấy vai bác gái, nói như reo: ”Tiền cả đống kia đấy! Hơ hơ!”
Bác gái mệt mỏi đứng dậy định đi, nhưng bác trai giữ lại.
“Nhiều tiền thật mà. Bốn đứa con gái là bốn cục vàng, hà hà. Này nhé, con Phong mà ai cũng kêu là cây sào, thử hỏi ở cái xứ dân lùn này có ai chân dài bằng nó không. Nó mà đi thi hoa hậu thì đoạt vương miện là cái chắc. Còn con Hoa suốt ngày hát hò, cứ ghi tên mà thi Idol hay Giọng hát Việt. Con Tuyết dù còn đi học nhưng cái làn da trời cho đúng như tên nó, thì thi người đẹp sinh viên. Con Nguyệt lém lỉnh giỏi ngoại ngữ, làm phóng viên cho Việt tấn xã, đi nước ngoài như đi chợ, miễn là đừng có chỉa hàng. Bốn đứa là bốn cái máy in tiền. Bà là mẹ, rồi sẽ được đăng hình lên báo, còn tôi, khi được phỏng vấn, chúng nó thỏ thẻ: dạ bố em là nhà thơ ạ, nghe còn oách hơn cả giám đốc ngân hàng đấy chứ! Ơ kìa, nhưng bà sao thế, bà ngất đấy à? Này cháu, giúp bác đưa bác gái vào giường, bà ấy vui quá, ngất đi đấy.”
Đúng là bác gái tôi đang ngất, nhưng chẳng phải vì vui. Sau này bác nói: “Chán bác giai mày quá! Toàn những chuyện không đâu. Cầu trời cho tụi nó không đứa nào vớ phải một thằng chồng như bác mày!”
Cũng vì không thể tin được một ông chồng cứ mãi nghĩ chuyện đâu đâu, nên bác gái dẹp bốn cái máy in tiền qua một bên. Bác bảo: “Ai thì mơ chứ bác không mơ. Hay ho gì cái trò thi hoa hậu với thần tượng. Cứ phơi tồng tộc ra trước bàn dân thiên hạ như phơi bánh tráng ấy, thì là con gì chứ đâu phải con gái!”
Cái nỗi lo ế chồng cứ mãi ám ảnh bác gái tôi, như một người chèo đò lo thuyền chìm khi phải chở nặng. Mỗi khi nhìn cái Phong, đã hơn ba mươi tuổi đầu mà chẳng thấy tăm hơi động tĩnh gì cả, bác cứ thở dài thườn thượt. Nhưng bác trai, lúc nào cũng lạc quan tin tưởng: “Sao mà ế được. Chẳng qua là, nó phải chịu cái dớp của một câu thơ hay, thế thôi. Mà thơ hay cũng như ngọc trong đá. Phải mất một thời gian đẽo gọt người ta mới tìm ra được ngọc. Bốn đứa là một bài thơ toàn bích. Thì bốn thằng rể cũng phải vậy. Bà làm thơ xướng thì tôi làm thơ họa. Nhất định tôi sẽ làm. Tôi sẽ tìm ra đủ bốn đứa để họa lại. Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt thì họa lại phải là Cầm, Kỳ, Thi, Họa. Tôi ví dụ là vậy, chứ không phải đốt đuốc đi tìm bốn cái thằng có tên như thế. Nhỡ cầm mà không biết đàn thì sao. Nhỡ kỳ mà không biết đánh cờ cũng hỏng. Nhỡ thi mà nói một câu chẳng nên lời thì thi cái nỗi gì. Còn họa mà vụng về làm gì cũng không nên thì chỉ có nước là tai họa. Những câu thơ tôi chọn phải thật giàu hình tượng, nhiều ý tưởng ; nói rõ hơn là phải đẹp giai này, chỉ số IQ thông minh phải cao đến tận nóc!”
“Thôi, thôi, bác gái kêu lên như hét, một mình ông là thơ, tôi đã đủ mệt quá rồi. Thêm bốn đứa con gái ông cũng gọi là thơ. Giờ thêm bốn thằng rể, ông lại gọi là thơ nữa, có mà tôi chết sớm.”
“Bà không việc gì phải chết sớm đâu. Hãy cứ sống mà xem tôi chọn rể. Đẻ như bà thì tôi không làm được, nhưng người khác đẻ để tôi chọn, thì là nhất.”
Thế là bác tôi, với bổn phận nặng nề làm cha, cộng với nguồn thi hứng dạt dào, đã lùng sục trong đám con cháu bạn bè quen biết, đưa về một “lũ bốn tên” như bác gái tôi mỉa mai. “Một lũ người không ra người, ngợm không ra ngợm, nhưng ăn thì như ngạ quỷ, bao nhiêu cơm, phở, bún, bánh đều sạch nhẵn. Rể như thế thì chỉ có nước bán nhà!”
Nhưng bác tôi cãi lại: ”Có như thế chúng mới là đàn ông. Chúng ăn như hổ, uống như rồng, bà không thấy là đối quá chỉnh với thực như miêu của các con mình à? Còn cái bề ngoài, bà phải nhớ chiếc áo không làm nên thầy tu, đừng tưởng chúng khùng, chúng là những nhà thơ đương đại, có điều chưa kịp nổi danh đấy thôi.”
Bác gái tôi lại buông một câu quen thuộc: “Chán bác giai mày quá!” Còn các câu thơ trong bài tứ tuyệt, khi thấy các “câu thơ” nửa như tân hình thức nửa như hậu hiện đại mà ông đem về, thì đồng loạt kêu lên: “Thôi, bố gả chúng con cho Đại Hàn hay Trung Quốc đi. May ra bố mẹ còn được vài trăm đô!”
Cuộc chiến về thơ cứ nhùng nhằng như thế thì đùng một cái, bác tôi lăn ra chết! Không phải chết trong một đêm trăng huyền hoặc như Lý Bạch, mà là chết trong một đêm ba mươi tối đen như mực. Bác chết ngoài hiên, bác gái nói đi giải ngã đấy thôi, trong khi các thi hữu thì bảo bác đi tìm vần thơ. Dù sao thì bác cũng đã chết rồi. Cái nỗi buồn mất cha, mất chồng không đủ che lấp cái nỗi nhẹ người, tôi không dám nói nỗi vui, khi trong nhà bớt đi một bóng người mà ai cũng cho là lẩn thẩn.
Di cảo của bác để lại là những tập vở học trò đề bên ngoài là thi phẩm, nhưng lật bên trong chẳng có bài thơ nào, ngay cả một câu cũng không! Nhớ lúc sống bác bảo, tác phẩm chưa hoàn thành là tác phẩm hay nhất, đạt nhất. Tiếc rằng, bác không sống đủ lâu để hoàn thành, cho dù khi ấy nó không còn là hạng nhất nữa. Cái hay, cái đạt ấy bác đã đột ngột đem theo xuống mồ.
Như thế, cả một đời làm thơ, bác chỉ còn để lại duy nhất một bài thơ tứ tuyệt. Tiếc rằng, (cũng lại tiếc) bài thơ còn sống lâu hơn bác đó, không phải bác làm một mình mà đồng tác giả cùng với bác gái.
Bốn câu thơ ấy, sau khi mãn tang cha cũng lần lượt đi lấy chồng. Người chèo đò chở khẳm là bác gái tôi cũng cặp được bến. Bác đã có thể thở phào nhẹ nhõm.
Có điều bốn chàng rể chưa chắc đã làm nên một bài thơ họa đắc ý như bác trai tôi mong muốn. Nếu còn sống, thế nào bác cũng chê là sai niêm luật, lạc vần lạc điệu, chỉ được cái đối nhau chan chát.
Cô chị cả tên Phong, cao một thước tám thì lấy một anh chàng mà chiều cao khiêm nhường của anh ta, chỉ vừa đúng cái chân dài của cô. Ngày cưới, cô dâu mặc váy trắng trông như nàng Bạch Tuyết, còn chú rể tuy vậy mà rất tự tin, tự cho mình là một trong bảy chú lùn.
Cô hai Hoa, thì lấy một anh mặt mụn nhiều như cám. Cô không đủ tự tin để chụp hình bên anh, nhưng cô rất thích khi thấy anh chường mặt ra quảng cáo đủ kiểu trên truyền hình. Anh sẽ đem về cho cô ngoài những tấm ngân phiếu còn có cả đống kem dưỡng da, thuốc tẩy trắng.
Cô ba Tuyết, không thể tìm đâu ra cách đối nào hoàn chỉnh hơn, khi sánh duyên với một cầu thủ bóng đá người Ghana. Cô tự hào mà bảo rằng, anh ấy là đêm, cô là ngày, có như thế cuộc sống lứa đôi mới không buồn chán.
Cô út Nguyệt, có lẽ là xấu số nhất, lấy một ông chồng già những mong được cưng chiều, nhưng chưa hết tuần giăng mật thì chồng bị đột quỵ, chữa chạy lắm cũng chỉ lập bà lập bập tiếng được tiếng mất.
Các thi hữu của bác tôi khi dự lễ cưới, đều khề khà phẩm bình những câu thơ “đực” không hợp vì chúng mới quá, lạ quá, ráp với các câu thơ “cái” nghe trúc trắc làm sao! Nhưng các cụ cũng gật gù mà khen rằng, bày ra được một cuộc trình diễn nghệ thuật có một không hai như thế này: nào có cao có thấp, có trắng có đen, có xấu có đẹp, có già có trẻ, thì chỉ có mỗi một nghệ sĩ bậc thầy duy nhất, là số phận mới tạo dựng được mà thôi.
Bác gái tôi, suýt chết ngộp vì thơ, nên chẳng ưa gì bốn câu thơ mới. Chỉ có một điều làm bác nguôi ngoai, ấy là cả bốn đều nhiều đức, tức là nhiều tiền.
Thôi, nói nhiều thêm tội cho cái linh hồn thanh cao của bác giai tôi!
01/4/2014

Wednesday, June 10, 2015

PHẠM DUY TỐN * TRUYỆN TIẾU LÂM


1. Tưởng là gì

Có hai bác tính hay sợ vợ, cùng ở láng giềng với nhau.Một hôm, bác nọ, vợ đi vắng; ở nhà trời mưa, có váy vợ phơi quên không cất vào, để mưa ướt cả. Khi vợ về, nó chửi cho một trận đê nhục; chán rồi, nó đánh cu cậu tối tăm cả mắt mũi lại.Bác bên cạnh thấy bác kia vợ đánh chửi tệ như vậy, mới lẩm bẩm rằng:- Đ... mẹ kiếp! Chẳng phải tay ông!...Vợ nghe thấy, trợn mắt lên, hỏi dồn rằng:- Phải tay ông, thì ông làm gì, hử? Ông làm cái gì?- Phải tay ông, thì ông... cất trước lúc trời mưa, chứ gì !...

2. Thầy đồ nói liều

 Một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà bà lão già. Bà ấy có người con gái; đêm đến, mẹ con cùng ngủ với nhau ở dưới bếp, để riêng nhà trên cho thầy đồ và con trai nằm. Thầy đồ bụng muốn tòm tem. Một đêm, lò dò xuống bếp. Bà lão thấy động, lên tiếng hỏi:- Ai?- Thưa, tôi.- Tôi là ai?- Tôi là thầy đồ.- Chứ đêm hôm ông xuống bếp làm gì?- Thưa... tôi... xuống... lấy vài cái rế để đựng sách!Nào có thế mà thôi đâu! Cách mấy tối, thầy đồ ta lại lò dò trèo lên mái nhà bếp; đương dỡ rơm để trụt xuống, bỗng thấy bà lão lại hỏi rằng:- Ai ở trên kia?- Thưa, tôi đây ạ.- Tôi là ai?- Tôi là thầy đồ.- Chứ ông làm gì ở trên ấy thế?- Thưa,... tôi... hỏi thế này thì khí không phải: đường này có lên trời được không?...
3. Túng thế, nói liều


Một anh đã phải vợ có máu hay ghen lại còn đi rước một cô vợ lẽ về nhà; để đến nỗi vợ cả sinh chuyện lôi thôi, đêm đêm mang nhốt vợ lẽ vào trong buồng, bắc chõng nằm ngang cửa, canh giữ, không cho anh chồng bén mảng đến.Anh ta tức quá, chẳng biết làm thế nào mà vào lọt được.Một đêm, tưởng chừng vợ cả nó ngủ đã say, mới thừa cơ chui qua chõng lẻn vào, thầm thì với vợ lẽ.Vợ cả thấy động, giở dậy, đốt đèn đi soi. Anh nọ vội vàng chui ngay xuống gầm giường, ngồi ẩn. Chẳng may nó soi thấy cậu; nó mới hỏi ngồi làm gì chồm chỗm ở đấy.Cậu ta túng thế quá, nói liều rằng:- Ngồi ỉa, chứ ngồi làm gì!- Ỉa thì cứt đâu?- Cứt ăn mất rồi, chứ đâu!...
4.  Đáng kiếp 

Có một người đàn bà góa đẹp lắm mà hãy còn ít tuổi. Chồng chết sớm chẳng chịu lấy ai, cứ khư khư giữ tiết thờ chồng.
Ông lý trưởng ở trong làng và một ông sư cùng phải lòng người ấy. Hai ông ganh nhau ve vãn mãi, cũng không được; cho nên lại càng theo đuổi riết. Hễ gặp thì nói ghẹo, nói cợt. Đi đâu cũng theo đi đấy. Người đàn bà góa tức lắm, lập mưu để mà trừ hai cái nợ ấy đi; nhất là bác thầy tu tệ quá.Một hôm, chị ta cho người nhà đến bạch với sư ông rằng:- Sư ông đã có bụng thương yêu đến, thì cô tôi cũng xin vâng. Vậy tối hôm nay, đầu trống canh hai, mời sư ông lại chơi; mà sư ông có lại, thì Người lấy ít vôi bôi lên đầu, rồi đến ngồi ở cạnh cửa; có ai thấy, tưởng là con chó đá, thì không nghi ngờ gì cả. Tự khắc rồi có người ra đón sư ông vào. Xin Người cứ y như thế cho!Lại sai người đến thưa với ông Lý rằng:- Ông đã có lòng thương yêu đến cô tôi, thì còn gì bằng nữa? Tối hôm nay, cuối trống canh hai, xin mời ông lại chơi nói chuyện. Hễ ông có lại, thì ông mang cái tay thước đi, giả làm đi tuần, để cho người ta khỏi nghi. Đến cửa có con chó đá, ông cứ gõ một cái rõ mạnh vào đầu nó, ở trong nhà nghe thấy, sẽ ra mở cửa mời ông vào. Xin ông cứ y như thế cho!Ông sư được tin ấy, mừng lắm, vội vàng đi tắm rửa sạch sẽ, cạo đầu mới mẻ, bôi vôi trắng hếu; rồi chưa hết canh một, đã dò đến ngồi chồm chỗm ở chổ xó cửa nhà người đàn bà góa.Ông Lý ta cũng mừng lắm; đầu canh hai, đã vác tay thước ra đi.Đến nơi thấy đầu ông sư trắng hếu, chắc là đầu con chó đá đấy, mới giơ thẳng cánh đập đánh “chát” một cái. Ông sư ngất đi một hồi; rồi tỉnh dậy, vội vàng ôm đầu, lui lủi chạy mất.Ông Lý thấy thế, nghĩ chó đá nhà ấy thánh thần, sợ mất vía, cũng ù té bỏ cả tay thước mà chạy.

5. Nói một đường, nghe ra một nẻo

 Có hai vợ chồng, tối hôm ba mươi tết nấu bánh chưng, cắt nhau coi nồi bánh: chồng thì canh từ chập tối cho đến nửa đêm, mà vợ thì từ nửa đêm cho đến sáng.Khi chồng đã canh hết lượt mình rồi, vào đánh thức vợ dậy thay canh để mình đi ngủ.Vợ, bất đắc dĩ, phải trở dậy, ra ngồi cạnh bếp lửa coi nồi bánh. Ngồi một mình, nghĩ gần nghĩ xa, tê mê tẩn mẩn thế nào, lại gọi chồng:- Còn thức đấy hay là đã ngủ rồi?Chồng thức khuya, quá giấc, chập chà chập chờn, cho nên cũng chưa ngủ đựơc. Thấy vợ gọi, mới thưa ngay:- Còn thức, gọi gì?- Dậy làm một cái sốt sột đi!Chồng mơ mơ màng màng, tưởng vợ hỏi mình có muốn ăn một cái bánh chưng sốt sột chăng, mới nói rằng:- Ấy chết! dại dột! Cái sốt sột để mai cúng ông vải chứ!Vợ thấy chồng nghe không ra, lại nói:- Không, cái méo mó kia mà! Chồng vẫn yên trí là nói bánh chưng, lại gạt đi rằng:- Ấy đừng, phải tội! Cái méo mó để thành kính cúng ông Thổ công đấy!

6. Ăn quen, bén mùi-

 Có một ông lão già, đã ngoài bảy mươi.Một hôm, nắng nực, nằm nghỉ trưa; chợt có chị con gái, trạc mười lăm, mười sáu tuổi, ở bên láng giềng qua xin lửa.Ông ta chẳng buồn trở dậy, bảo chị kia rằng:- Lửa ở bếp, cứ lại mà thổi lấy.Chẳng may bếp nguội, thổi mãi không được; chị ấy mới chổng mông, ghé mồm, lấy hơi, phồng má, thổi một cái rõ mạnh. Không ngờ vãi ngay ra một cái “bủm”. Ông lão giật mình, ngồi nhỏm dậy, nhìn cô ả, rồi thở giọng vòi rằng:- Thôi! Chị làm bạt mất vía ông Thổ công nhà tôi rồi! Tôi bắt đền chị đấy!Chị con gái kia thẹn, đỏ mặt chín nhừ: thấy ông lão nói bắt đền, thì sợ quá, mới chắp tay van rằng:- Tôi lạy ông, tôi trót lỡ, ông tha cho tôi.- Tha thế nào! Vía ông Thổ công nhà tôi có phải là chuyện chơi đâu? Tôi phải đi trình làng mới được. Chị đi xuống ngay ông lý với tôi.Nói rồi, liền đứng dậy, ra bộ đi thật. Chị con gái thấy thế, sợ cuống, vội vàng chạy lại nắm áo ông lão mà kêu xin rằng:- Tôi lạy ông vạn lạy, ông đừng làm thế, mà người ta cười tôi chết!... Ông bảo tôi thế nào, tôi cũng xin vâng...Ông lão không nghe, cứ làm già; chị kia thì năn nỉ, van lạy mãi.Ông lão mới bảo rằng:- Thế thì chị phải nằm xuống để tôi thu vía ông Thổ công nhà tôi lại.Chị con gái túng thế, phải chịu.Thu một hồi lâu, tha cho cô ả về; còn ông cụ thì nhọc lử cò bợ; nằm thẳng cẳng như người chết rồi.Cô ả quen mui, trưa hôm sau lại dẫn đến nhà ông lão, te tái gọi ông lão mà nói rằng:- Ông ơi, ông, tôi lại đánh rắm!Nhưng mà ông lão mệt quá, thở không ra hơi; nằm từ hôm qua, cũng chưa lại hồn. Cho nên lắc đầu mà nói rằng:- Mày ỉa ra đấy, ông cũng chịu thôi!
7. Khóc mẹ chồng

Có một chị, mẹ chồng chết, khóc mãi đến nỗi khô cả cổ.Đương khóc, trông lên mâm ngũ quả ở trên giường thờ, thấy có mấy quả quít, mới giơ tay với trộm lấy một quả. Chẳng may với hụt, quả quít rơi xuống đất. Chị ta lấy chân khều; càng khều, quả quít lại càng lăn xa mãi ra.Cho nên mới khóc rằng:« Ới mẹ ơi, là mẹ ơi! Từ giờ một ngày một xa, con biết làm sao cho được? Mẹ ơi là mẹ ơi!... »

8. Ông rậm râu

Có một ông râu rậm che kín cả miệng. Một hôm, đương đi ở ngoài đường, chợt có đứa bé con trông thấy; nó mới gọi mẹ nó mà bảo rằng:- Mẹ ơi, ra mau mà xem người không có mồm! Rồi nó cứ vỗ tay, chạy theo mà reo lên rằng:- A! a! a! Ông này không có mồm!Ông rậm râu tức quá, quay mặt lại, vạch râu chửi, nó rằng:- Chẳng mồm là l... mẹ mầy đây à!
9. Cả làng sợ vợ

 Có một làng, từ ông thủ chỉ cho đến anh cùng đinh, ai ai cũng sợ vợ cả. Một hôm, họp nhau bàn soạn: có một người đứng lên nói rằng:- Bởi chưng một mình lẻ loi, cho nên nó bắt nạt được. Giá mà ta họp nhau lại, như đũa cả nắm, khó bẻ, thì nó không làm gì nổi. Phải đừng có ai bỏ ai mới được.Mọi người đều vỗ tay khen phải. Tức thì lập thành hội, trọn ngày sửa lễ tế thần, ăn mừng.Đến hôm được ngày, không dám ở trong làng, sợ lộ chuyện, mới đem nhau ra tế lễ ở ngoài đồng xa xa. Cắt ba ông sợ vợ nhất, một ông vào mạnh bái, hai ông vào bồi tế. Xong đâu đấy cả rồi, nổi trống, đốt pháo, các quan viên aó mũ vào tế.Tế được một tuần, đến lúc xướng: “Giai quị!” Ba ông kia cùng quì cả xuống.Ngay bấy giờ có mấy bà đi chợ về qua thấy tế lễ linh đình, rủ nhau đến xem.Các ông thấy bóng các bà, vội vàng sấp ngửa, ù té chạy cả. Duy chỉ có ba ông nọ còn đương quì, cho nên không chạy kịp.Bọn kia chạy chừng một quãng, ngoảnh lại trông, thấy ba ông ấy vẫn cứ quì ở giữa chiếu. Mới lao xao bảo nhau mà khen rằng: “Ừ, thế chứ lại! Chúng mình cắt những tay thật là xứng đáng cả!” Bèn rủ nhau trở lại.Ai ngờ đến gần, thì thấy ba ông đã chết cứng cả tự bao giờ rồi!

10. Thầy đồ mắc lỡm

 Có một thầy đồ ngồi dạy học ở một nhà giàu. Nhà ấy nuôi nhiều chó dữ lắm. Một đêm, thầy đồ muốn đi đồng, nhưng mà tính nhát; phần thì sợ ma, phần thì sợ chó, cho nên không không dám mở cửa ra. Đến sau mót quá, không thể nào nhịn được nữa, mới đào một cái hố ở ngay kẽ vách, rồi ngồi ỉa phứa vào đấy. Sáng mai, thầy đồ ta gọi chủ nhà lại, trỏ cái hố mà bảo rằng:- Đêm hôm qua, trộm nó đào ngạch nhà ta. Tôi biết. Tôi mới đợi lúc nó thò đầu vào, tôi ỉa lên đầu nó một bãi. Nó sợ chạy mất.Chủ nhà vốn đã biết tính thầy nhát và hay nói khóac. Đã ỉa ra nhà nó, mà lại còn trực thuật nó! Nó mới gọi cả nhà đến đông đủ mà bảo rằng:- Nhà ta nuôi một đàn chó, rặt là đồ ăn hại cả. Đêm hôm qua có trộm đào ngạch, thế mà chó không con nào biết gì sốt! May có ông đồ, không thì khốn! Thôi đem mà đánh chết cả mấy con chó đi! Từ rày đã có ông đồ giữ nhà hộ.

TRỊNH VĨNH NIÊN * TRUNG QUỐC SẼ THẤT BẠI

Thất bại tại Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn chìm đắm trong giấc mộng

Email In PDF.
 
Về khía cạnh chiến lược, chính sách ngoại giao, quan hệ quốc tế và truyền thông trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã hoàn toàn bại trận. Dường như không một quốc gia nào ủng hộ lập trường cũng như lối hành xử của nước này. Bài viết của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, Trịnh Vĩnh Niên trên Liên hợp Buổi sáng phân tích về nguyên nhân thất bại cũng như đối sách cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.


Thời gian gần đây, mọi người đều vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, đã bao nhiêu năm nay, song song với sự trỗi dậy của Trung Quốc là chuỗi "liên hoàn bại trận" của chính nước này trong các vấn đề về Biển. Đặc biệt bắt đầu từ năm ngoái, xu hướng này ngày càng hiện ra rõ ràng hơn.
Trung Quốc đã nỗ lực theo đuổi chiến lược "Trỗi dậy hòa bình" (Phát triển hòa bình) ngay sau công cuộc cải cách mở cửa. Trên rất nhiều phương diện, Trung Quốc đã từ bỏ chính sách chủ nghĩa đơn phương vốn đã tuân thủ từ rất lâu trước đó, đồng thời phát triển quan hệ hữu nghị đa phương với các nước ASEAN. Khu vực tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN cũng đã bắt đầu có hiệu lực. Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đã đề xuất chủ trương "Gác tranh chấp chủ quyền, cùng khai thác chung". Những biện pháp này xét từ góc độ lý thuyết đến thực tiễn áp dụng đã hình thành nên sách lược và kim chỉ nam ngoại giao "Giấu mình chờ thời" của Trung Quốc suốt từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay. Thế nhưng rất nhiều người đã cảm nhận ra rằng, trên rất nhiều vấn đề có liên quan, nếu như Trung Quốc không thể trực diện đối mặt thì sẽ góp phần đẩy chính sách của họ đi theo hướng ngược hẳn lại.
Sự quan tâm chú ý của toàn bộ khu vực Châu Á và cộng đồng quốc tế cho tới thời điểm này đều tập trung vào vấn đề Biển Đông, Biển Đông đột nhiên lại thêm một lần nữa trở thành điểm nóng của thế giới. Chính quyền Trung Quốc dường như lại không hiểu rõ tình trạng hiện nay. Đối với Trung Quốc mà nói, chính sách Biển Đông về bản chất không hề có bất cứ một thay đổi nào, chỉ là các nước có liên quan tiến hành một loạt các hành động không có lợi cho Trung Quốc, và phản ứng của Trung Quốc theo đó cũng chỉ tương đương với hình thức "cứu hỏa" mà thôi.
Trên thực tế, từ rất nhiều năm trở lại đây, chính bởi vì nguyên do Trung Quốc luôn áp dụng các biện pháp bị động đối phó lại khiến cho vấn đề Biển Đông ngày một tích tụ chồng chất lại, và rồi dẫn đến cục diện như ngày hôm nay. Không quan tâm Trung Quốc có muốn hay không, có nắm rõ tình hình hay không, thì Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong vấn đề Biển Đông này.
Thứ nhất, Trung Quốc sớm đã hoàn toàn thất bại tại cuộc chiến công luận quốc tế.
Trong nhiều năm qua, khi Trung Quốc vẫn còn đắm chìm trong thuyết "Trỗi dậy hòa bình" do chính họ tạo dựng nên, thì các quốc gia có liên quan đã nỗ lực với tinh thần cao nhất và chuẩn bị đầy đủ trên trường quốc tế để chờ đợi vấn đề Biển Đông sẽ nổi lên như trong dự tính đã có sẵn. Xét trên hệ thống kiến thức (luật pháp), Trung Quốc hiện nay thật khó khăn để tìm ra được bất kỳ một lực lượng hỗ trợ có hiệu quả nào cho họ. Về xu hướng các giới truyền thông báo chí không đứng về phía Trung Quốc đã hình thành như hiện nay thì Trung Quốc cũng không có quyền phát biểu tại đây. Các nhà bình luận cho rằng dùng "Chính sách cứng rắn" để mô tả thái độ của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông là chưa đầy đủ, chính xác phải gọi đó là "mang tính chất tranh cướp" mới đúng. Trên thực tế, cách nhận thức tương tự như vậy của Trung Quốc đã trở nên khá phổ biến trong cộng đồng quốc tế. Bản thân Trung Quốc lại quả quyết cho rằng họ không làm gì mà lại bị đối xử "oan uổng" như vậy, đây chính là căn nguyên khiến Trung Quốc bị mất quyền phát biểu trong cuộc chiến công luận quốc tế này.
Thứ hai, Trung Quốc cũng thua trận trong cuộc chiến chiến lược.
Các nước liên quan đều có những chiến lược khá rõ ràng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, cụ thể bao gồm các chiến lược như chủ nghĩa đa phương tại khu vực, quốc tế hóa, chính trị hóa đại quốc. Thế nhưng chiến lược của Trung Quốc nếu không dám đối mặt với sự thực thì sẽ là nhập nhằng không rõ ràng. Trung Quốc từ chối chi tiết hóa vấn đề, sử dụng khái niệm "phản đối quốc tế hóa" vô cùng vĩ mô này nhằm che lấp vấn đề cụ thể. Trên thực tế, tranh chấp Biển Đông đã được đa phương hóa, quốc tế hóa từ rất lâu rồi, hơn nữa sẽ rất nhanh tiến đến giai đoạn "chính trị hóa đại quốc" trong thời gian tới. Trung Quốc chỉ là không dám thừa nhận sự thực hiển hiện ra trước mắt này mà thôi.
Thứ ba, nếu tình hình vẫn tiếp diễn như vậy, Trung Quốc sẽ bị ràng buộc để cuối cùng rơi vào tình trạng mất chủ quyền trong cuộc chiến.
Như đã đề cập ở phần trên, từ năm ngoái cho đến năm nay, chính sách Biển Đông của Trung Quốc về bản chất không hề có bất cứ một thay đổi nào, mà chủ yếu chỉ là một số hành động mang tính chất phản ứng lại. Thế nhưng cho đến thời điểm này, bất cứ nước nào cũng đều cho rằng Trung Quốc chính là nguyên nhân phát sinh của mọi vấn đề. Tình hình thực tế là, các nước khác có liên quan vẫn đang xúc tiến các hoạt động và hành động trong khu vực tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là trong việc phát triển nguồn năng lượng.
Trung Quốc chìm đắm trong "giấc mộng".
Đã nhiều năm nay, trong vấn đề tranh chấp Biển Đông (cũng như trong nhiều vấn đề khác), Trung Quốc dường như luôn sống trong "giấc mộng" mà chính bản thân họ tự vạch ra. Nhìn từ góc độ chiến lược, Trung Quốc không phải là không có cơ hội để chiếm ưu thế trong vấn đề Biển Đông này, mà thay vào đó lại tự động vứt bỏ những ưu thế đáng lẽ họ chiếm được ... Điều đáng tiếc là, những hành động của TQ không những không chiếm được sự đồng cảm của các nước liên quan đến tranh chấp mà cuối cùng dẫn đến kết quả hoàn toàn ngược lại, gây tổn hại cho chính lợi ích quốc gia của mình.
Vậy thì, kết quả cuối cùng sẽ như thế nào đây? Trung Quốc liệu sẽ từ bỏ chăng? Trong giới báo chí truyền thông vô cùng phát triển như ngày hôm nay, phạm vi xu hướng thỏa hiệp mà các nhà cầm quyền có thể áp dụng được ngày một nhỏ,càng không cần nói đến chuyện từ bỏ. Nếu tình hình này vẫn cứ tiếp diễn thì cuối cùng chắc chắn sẽ dẫn đến các cuộc xung đột xảy ra.Tuy nhiên xung đột trong thời gian này sẽ vô cùng bất lợi đối với Trung Quốc.
Vấn đề đã xuất hiện rồi, thì phái có cách đối phó lại. Nhiệm vụ đầu tiên cần phải làm là tìm hiểu rõ tại sao lại xuất hiện tình trạng như vậy? Ngoài các vấn đề xuất phát từ chính bản thân Trung Quốc thì còn có một số nguyên nhân quan trọng khác nữa. Đối với các nước có liên quan mà nói thì đây là sản phẩm phát sinh từ "môi trường quốc tế" và "môi trường nội bộ".
Đầu tiên đề cập đến môi trường quốc tế. Đối với các quốc gia có liên quan thì nhân tố quan trọng nhất trong môi trường quốc tế không thể không nhắc đến sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc và kéo théo sau đó là hiện đại hóa nền quốc phòng, quân sự cũng như từ đó tác động đến cục diện địa chính trị của toàn bộ khu vực Châu Á. Các quốc gia có liên quan đã bắt đầu cảm thấy rằng thời gian không còn đứng về phía họ nữa. Mặc dù Trung Quốc luôn nhấn mạnh về sự "trỗi dậy hòa bình" của mình, thế nhưng họ lại bị coi là đã áp dụng chính sách chậm trễ kéo dài thời gian trong vấn đề Biển Đông nhằm chờ thời cơ cho đến khi tình hình quốc tế thuận lợi sẽ ra tay giải quyết tranh chấp. Do vậy, đối với các quốc gia có liên quan thì vấn đề Biển Đông bắt buộc phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ trước khi Trung Quốc thực sự trỗi dậy, nếu không, đợi cho đến khi Trung Quốc đã trỗi dậy rồi, tia hy vọng sẽ trở nên vô cùng mong manh. Cũng chính vì thế, bắt buộc phải thông qua bất cứ biện pháp nào để đẩy mạnh hành động, hối thúc phát triển theo khuynh hướng có lợi cho bản thân họ.
Đối với Trung Quốc mà nói, môi trường các nước lớn chủ yếu đề cập đến những biến đổi chính trị trong phạm vi giữa các nước này, đặc biệt là biến đổi trong mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ. Trong vấn đề Biển Đông, không quản có muốn hay không thì Trung Quốc chắc chắn vẫn phải đối mặt với Mỹ. Thế nhưng trong quan hệ hai nước Trung-Mỹ thì dù Trung Quốc đã hao tâm tổn trí rất nhiều nhưng vẫn không biết nên làm như thế nào để có thể hòa nhập được cùng Mỹ, đặc biệt là mối quan hệ với Mỹ trong khu vực Châu Á. Rất nhiều người đã từng nghĩ rằng mục tiêu chủ yếu của Mỹ trong sự hiện diện tại Châu Á này là nhằm đối phó với Trung Quốc, thế nhưng trên thực tế lại không hề đơn giản như vậy. Lý do Mỹ tồn tại ở khu vực Châu Á không chỉ để đối phó với riêng một Trung Quốc, mà còn liên quan đến vấn đề địa chính trị khác. Ví dụ, nếu không có nhân tố Trung Quốc thì Mỹ vẫn đương nhiên tìm ra được lý do để tạo ra không gian sinh tồn tại Châu Á. Bất luận là khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á hay Nam Á, mối quan hệ phức tạp đan xen giữa các nước đều cần có sự hỗ trợ sức mạnh của Mỹ để cân bằng lực lượng.
Trung Quốc không tạo dựng không gian cho Mỹ.
Rất nhiều các quốc gia Châu Á đều cần sự hiện diện của Mỹ chính là do kết quả không hành động của Trung Quốc. Ví dụ, trong vấn đề Triều Tiên thì ngoài Triều Tiên ra, hầu hết tất cả các nước Châu Á đều bất mãn với cách hành xử của Trung Quốc. Tất nhiên là cũng có những điểm khó xử riêng nhưng không thể vì thế mà chứng minh rằng cách hành xử của Trung Quốc là hợp lý được. Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên liệt vào trạng thái căng thẳng. Hiện nay cùng với sự trỗi dậy của Ấn Độ thì mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng hàm chứa rất nhiều những nhân tố không xác định. Mặc dù Trung Quốc và các nước khu vực Châu Á luôn có các lĩnh vực hợp tác chung, thế nhưng những cuộc xung đột dường như phát sinh ngày một phức tạp hơn. Dù thế nào đi chăng nữa, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực Châu Á thì Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất đã từng nhiều lần thông qua các cuộc trải nghiệm, hơn nữa, tính quan trọng của nhân tố Trung Quốc mặc dù ngày một tăng lên nhưng chưa hề thông qua bất kỳ một cuộc trải nghiệm nào cả. Trong bối cảnh như vậy, Mỹ vẫn chính là môt quốc gia đạt mức độ tin tưởng và được dựa dẫm cao nhất. Điều này cũng được thể hiện trong vấn đề Biển Đông, những nước có liên quan hy vọng có sự can thiệp của Mỹ tại khu vực xảy ra tranh chấp này, nhằm nâng cao tính chắc chắn của họ trong vấn đề Biển Đông. Chính vì thế mà dẫn tới xu thế "chính trị hóa đại quốc"...
Ở đây còn có môi trường nội bộ của chính bản thân Trung Quốc. Phiên họp Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ mười tám sẽ được tổ chức vào năm sau. Trong thời gian này, nhiệm vụ chính của chính quyền Trung Quốc là giải quyết công việc nội bộ, sự ổn định sẽ trấn áp tất cả mọi vấn đề khác. Có một số quốc gia phán đoán rằng trong thời kỳ này thì Trung Quốc sẽ không thể đưa ra những điều chỉnh lớn nào về chính sách đối ngoại được cả. Điều này cũng có nghĩa rằng, trước khi một thế hệ lãnh đạo mới được thành lập, Trung Quốc sẽ không thể có chính sách mới và quan trọng nào trong lĩnh vực ngoại giao, hay nói rằng phần lớn các chính sách đối ngoại được đưa ra tất nhiên đều mang tính chất phản ứng là chủ yếu. Cách phán đoán này khiến cho các nước có liên quan đến tranh chấp sẽ nhận thấy rằng đây là cơ hội để tiến hành áp dụng những phương pháp triệt để hơn cho họ.
Trung Quốc sẽ làm gì khi đối mặt với tình thế hiện tại này? Được coi là một quốc gia lớn đang trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc chắc chắn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề về khu vực. Tình thế tại Biển Đông đối với Trung Quốc mà nói, mặc dù "ngày thế giới tận thế" vẫn còn cách xa vô cùng, nhưng họ bắt buộc phải thay đổi tính bị động đã tồn tại cho đến thời điểm hiện tại này để chuyển sang tính chủ động hơn. Điều đặc biệt quan trọng phải nói đến rằng, vấn đề hiện nay của Trung Quốc không phải là vấn đề về nguồn tài nguyên, mà là chiến lược, chính sách và cách huy động nguồn lực. Đơn giản mà nói chính là vấn đề về đường lối tư duy của Trung Quốc. Trong tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông), Trung Quốc phải có một đường lối tư duy rõ ràng, minh bạch.
Cần phải suy ngẫm lại đường lối tư duy đã cũ của Trung Quốc.
Khi đề cập đến đường lối tư duy mới thì cần phải suy ngẫm lại đường lối tư duy đã cũ của Trung Quốc. Vấn đề cốt lõi trong đường lối tư duy truyền thống của Trung Quốc chính là phản đối "quốc tế hóa" trong trannh chấp Biển Đông. Xét trên cơ sở lý thuyết, điều này đương nhiên là không sai. Nhưng vấn đề phát sinh nằm ở chỗ khái niệm đưa ra này không những không miêu tả được tình huống khách quan của quá trình tranh chấp Biển Đông mà lại càng khó khăn hơn khi áp dụng đường lối tư duy này để có thể tìm ra được biện pháp giải quyết. Điều này liên quan đến nhiều cấp độ bên trong các vấn đề chính.
Thứ nhất là chủ nghĩa song phương. Trung Quốc yêu sách gác tranh chấp chủ quyền cùng khai thác chung. Thế nhưng cho đến nay chính sách này vẫn chỉ dừng lại ở trạng thái khẩu hiệu, lý thuyết suông. Để có được mối quan hệ với các nước ASEAN, bản thân Trung Quốc không hề có kế hoạch khai thác Biển Đông nào cả, mà ngược lại chính là các nước có liên quan trong những năm gần đây tiến hành tăng cường khai thác. Thế nhưng Trung Quốc không phải đề xuất ra chủ trương cùng khai thác chung, mà chính xác phải nói là chủ trương khai thác đơn phương. Trong vấn đề cùng khai thác chung, các quốc gia có liên quan hoặc là không tự nguyện hoặc là tinh thần tự nguyện không cao. Hay nói toạc ra thì Trung Quốc không có đủ sức mạnh cũng như cơ chế quyền lực để thúc đẩy các quốc gia có liên quan công nhận và đi đến chấp nhận yêu sách cùng khai thác chung mà Trung Quốc đã đề xuất.
Thứ hai là chủ nghĩa đa phương, chính là mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASAEN. Vấn đề tranh chấp Biển Đông chủ yếu biểu hiện trong "Tuyên bố ứng xửtrên Biển Đông” mà Trung Quốc cũng đã ký kết. Thế nhưng văn bản này lại không mang bất cứ tính chất ràng buộc pháp lý nào. Văn bản tuy đã được ký kết rất nhiều năm qua nhưng không có bất cứ một quốc gia nào đạt hiệu quả trong việc thúc đẩy cho văn bản trở thành một tài liệu mang tính ràng buộc pháp lý được. Nên nói rằng chính bản thân Trung Quốc cũng không nỗ lực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình trong đó. Điều quan trọng của vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc vẫn tuân thủ chủ nghĩa song phương và phản đối đa phương hóa trong tranh chấp Biển Đông. Thế nhưng bản chất thực sự của rất nhiều vấn đề trong tranh chấp Biển Đông lại là đa phương, cho nên việc phản đối chính sách đa phương hóa đã thể hiện rõ thái độ của Trung Quốc không dám đối mặt với sự thực này.
Thứ ba là quốc tế hóa. Các quốc gia có liên quan đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông giao phó cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế. Trung Quốc tỏ ý không chấp nhận cho lắm, bởi vì nếu cầu cứu đến Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức quốc tế thì khả năng bại trận của Trung Quốc sẽ lớn hơn cơ hội chiến thắng rất rất nhiều lần. Như đã thảo luận trong phần trên, Trung Quốc đã thua trận trong cuộc chiến công luận quốc tế rồi, sẽ không còn bao nhiêu người có thể thông cảm cho lập trường của Trung Quốc được nữa.
Thứ tư là chính trị hóa đại quốc. Các quốc gia có liên quan trong khu vực Đông Nam Á hy vọng sẽ có sự can thiệp của Mỹ tại đây, điều này là dễ hiểu. Thế nhưng mức độ can thiệp của Mỹ sẽ sâu nông như thế nào thì còn phải xem lợi ích quốc gia của chính họ trong vấn đề này. Nhân tố Mỹ trong khu vực Đông Nam Á đã luôn tồn tại từ trước tới nay, hay nói cách khác Mỹ đã luôn là một bộ phận cấu thành trong cấu trúc khu vực này. Trên thực tế, lợi ích của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á này còn thâm căn cố đế hơn nhiều so với lợi ích của Trung Quốc. Ngay từ thời kỳ khi mới bắt đầu chiến tranh lạnh thì Mỹ đã không ngừng thiết lập mối quan hệ với các nước trong khối ASEAN, còn Trung Quốc chỉ mãi cho đến sau thời kỳ cải cách giải phóng đất nước mới bắt đầu xây dựng mối quan hệ mang tính thực chất với các nước này. Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á là toàn diện trên các lĩnh vực còn Trung Quốc thì chủ yếu chỉ dựa trên lĩnh vực kinh tế, còn những lĩnh vực khác mới đang thuộc thời kỳ sơ khai. Do vậy, việc chính quyền Trung Quốc phản đối "chính trị hóa đại quốc" cũng chính là nguyên do khiến cho nước này không nhận ra bản chất thật của vấn đề tranh chấp.
Khi suy ngẫm đến các nhân tố đã được nêu ở phần trên, mọi người sẽ thật dễ dàng để trả lời câu hỏi rằng "Trung Quốc nên đi những bước tiếp theo như thế nào đây?", cũng có thể xem xét đánh giá từ nhiều góc độ như sau.
Trước tiên, Trung Quốc cần đặt mình đứng từ góc độ của các quốc gia láng giềng hoặc các nước có liên quan đến tranh chấp trong vấn đề Biển Đông để suy xét vấn đề. Trong suốt thời gian dài đến nay, chính quyền Trung Quốc luôn tuyên truyền lập trường với những nguyện vọng tốt đẹp của họ ra thế giới trong và ngoài nước, ví dụ như những khái niệm gọi là "trỗi dậy hòa bình", "phát triển hòa bình" và "láng giềng tốt", v.v... Những điều này rất quan trọng nhưng không bao giờ có thể coi là đủ được cả, bởi vì chính Trung Quốc đã coi nhẹ cách nhìn nhận của các nước xung quanh đối với sự trỗi dậy của họ như thế nào, hay mối quan tâm của các nước đó ra sao trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chỉ cho đến khi thấu hiểu được mối lo lắng của các nước láng giềng này rồi, thì Trung Quốc mới hoạch định ra những chính sách thiết thực có hiệu quả được. Nếu không, không quan tâm nguyện vọng của Trung Quốc có như thế nào đi chăng nữa, hay đại loại giống như những khái niệm gọi tương tự như là "sự trỗi dậy hòa bình" v.v... thì cuối cùng vẫn biến thành những lời Trung Quốc tự nói và tự nghe.
Thứ hai, Trung Quốc bắt buộc phải phân định rõ ràng giữa vấn đề an ninh hàng hải và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đặc biệt là Mỹ nói riêng chính là vấn đề an ninh hàng hải, việc Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông cũng chính xuất phát từ căn nguyên này ra. Đối với vấn đề này, Trung Quốc cần căn cứ vào tình hình thực tế, thừa nhận và nhấn mạnh rằng an ninh hàng hải là mối quan tâm của tất cả các bên tham gia, đồng thời cũng là trách nhiệm của tất cả các bên. Trung Quốc phải tình nguyện gánh vác trách nhiệm này cùng với các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay các quốc gia ASEAN. Trên thực tế, vấn đề an ninh hàng hải quốc tế vẫn luôn do Mỹ đảm nhiệm từ trước tới nay. Mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu có năng lực và sức mạnh trong vấn đề này, thế nhưng khả năng gánh vác được trách nhiệm thì vẫn còn quá là xa vời đối với chính họ, cho dù chỉ là vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải trong khu vực mà thôi. Trong lĩnh vực này, hai nước Trung, Mỹ có không gian để có thể hợp tác cùng với nhau rất lớn, mà sự hợp tác như vậy cũng phù hợp với lợi ích quốc gia của chính bản thân Trung Quốc. (Đương nhiên ở đây đề cập đến một vấn đề còn cơ bản hơn, đó là việc Trung-Mỹ sẽ hợp tác như thế nào để xây dựng nên hệ thống an ninh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mà điều này đòi hỏi thể hiện trong một bài lập luận khác biệt nữa).
Quản lý và kiểm soát sẽ chính là các lựa chọn.
Thứ ba, một cấp bậc tiếp theo nữa là mối quan hệ giữa Trung Quốc và tổng thể khối ASEAN. Việt Nam, Philippin, Malaysia và Bruney là những nước thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ đối với một số đảo trên Biển Đông. Điều này quyết định đến sự cân nhắc của Trung Quốc về lợi ích tổng thể của khối ASEAN cũng như mối quan hệ giữa Trung Quốc và tổng thể ASEAN. Mặc dù cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận chủ nghĩa đa phương, thế nhưng cuối cùng thì họ bất đắc dĩ cũng phải thừa nhận, hơn nữa sự chấp nhận này càng sớm bao nhiêu thì sẽ càng có lợi cho Trung Quốc bấy nhiêu. Hãy giả thiết một chút rằng, nếu như "Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông" ngay từ những năm trước đã có tính ràng buộc pháp lý rồi thì cục diện Biển Đông sẽ không đến nỗi phát triển như thời điểm hiện tại thế này. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu Trung Quốc chấp nhận chủ nghĩa đa phương, thì "Tuyên bố ứng xửtrên Biển Đông" sẽ vẫn là một lối vào đầy thuận tiện.
Thứ tư, một cấp bậc cuối cùng là nên đối diện với vấn đề tranh chấp chủ quyền như thế nào. Đây là vấn đề vô cùng thiết yếu, Trung Quốc nên từ bỏ chủ nghĩa song phương truyền thống và chấp nhận chủ nghĩa song phương mới, cũng có nghĩa là một chủ nghĩa song phương mới nằm trong cấu trúc của chủ nghĩa đa phương. Điều này nói lên rằng, Trung Quốc và các nước có liên quan đến tranh chấp sẽ có thể tiến hành các cuộc họp thảo luận song phương dưới hình thức cấu trúc đa phương giữa Trung Quốc và ASEAN khi bàn bạc nghiên cứu về vấn đề Biển Đông. Dưới hình thức cấu trúc đa phương như vậy, các quốc gia không liên quan đến tranh chấp Biển Đông sẽ không tỏ rõ thái độ ủng hộ đối với bất cứ một bên nào, lập trường trung lập sẽ là lợi ích lớn nhất của tất cả các bên. Đồng thời khuôn khổ này cũng tạo động lực lớn giúp cho các nước có liên quan đến tranh chấp có thể tiến hành thương lượng thảo luận với Trung Quốc.
Vấn đề Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp gay gắt. Muốn một bước giải quyết nhanh gọn vấn đề này là không điều không thể xảy ra được. Nếu không giải quyết được vấn đề tồn tại, thì phương án quản lý và kiểm soát sẽ trở thành những cách lựa chọn hợp lý. Nhưng muốn quản lý và kiểm soát được vấn đề tranh chấp Biển Đông thì cần bắt buộc phát triển một loạt các cơ chế pháp lý. Mặc dù Trung Quốc hiện nay đang nằm trong tình thế bị động, thế nhưng không gian mà Trung Quốc có thể hoạt động được lại vô cùng lớn. Là một quốc gia lớn có trách nhiệm thì Trung Quốc cũng nên tìm kiếm các giải pháp để quản lý và kiểm soát vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bắt đầu ngay từ trong bối cảnh khu vực thậm chí mở rộng ra quốc tế. Nếu Trung Quốc không thể thay đổi đường lối tư duy truyền thống một cách có hiệu quả thì không gian hoạt động của Trung Quốc trong vấn đề này sẽ ngày càng bị thu hẹp nhỏ lại.
Bản gốc tiếng Trung “中国活在梦中 南海早已彻底输掉

Đinh Thị Thu (dịch

TÔ HẢI * GÓP Ý KIẾN CHO NHỮNG KẺ… KHÔNG ÓC,

Tô Hải : GÓP Ý KIẾN CHO NHỮNG KẺ… KHÔNG ÓC, KHÔNG TIM?

Nhật ký mở lần thứ 144
Tô Hải
09-06-2015
“Tổng Bí thư ‘đặt hàng’ trí thức thực hiện hoạt động tư vấn phản biện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, còn Thủ tướng thì khẳng định như đinh đóng cột: ‘Tôi luôn nói các Bộ trưởng nghe trí thức phản biện. Vắng phản biện, cạnh tranh dễ độc đoán, chuyên quyền’. Đúng là lời vàng ý ngọc được thốt ra từ miệng các nhà lãnh đạo Quốc gia. Vậy thì, hỡi các nhà khoa học, các chuyên gia trong mọi lĩnh vực hoạt động, còn chần chừ gì nữa mà không chớp lấy thời cơ đóng cho trọn vai… quân xanh!”
Trang Beauxite đã kêu gọi một cách mỉa mai về lời “nói dzậy mà không phải dzậy” của chú Tổng Bí Trọng như thế!
Còn mấy ai là trí thức thứ thiệt nghe anh Trọng-người- giầu "nói dzậy mà không phải dzậy" sau vụ IDS bị bức tử?
Còn mấy ai là trí thức thứ thiệt nghe anh Trọng-người- giầu “nói dzậy mà không phải dzậy” sau vụ IDS bị bức tử?
Nhưng, đã một tuần trôi qua… chả có ma nào có cái đóng góp, phản biện gì được các phương tiện truyền thông của đảng độc quyền cho “ra công khai” để dân biết mà lợi dụng… “ăn theo”! Vẫn chỉ là những ý kiến tung hê lên mạng, dù là “kính gửi”, dù là “kiến nghị” nhiệt tình, chân thực, nhưng số phận của những ý kiến này liệu có thoát khỏi số phận những “kính gửi” của 61 đảng viên tên tuổi, hoặc “thư ngỏ” của những tác giả tự khai “tôi không phải lực lượng thù địch”, hoặc “tôi… nhân danh một đảng viên nguyện suốt đời trung thành với Đảng”.
Nhưng, rõ ràng, lời đại vương – Bí Thơ – Đảng trưởng đã hơn một lần kết luận các thứ góp ý của mọi đảng viên muốn “đảng chúng ta” thay đổi thật sự từ đường lối chủ trương, đến tên nước, tên Đảng (đã sai lầm đổi tên trong cơn “say mê chiến thắng”) để lấy lại lòng tin của nhân dân… là: “Đó không phải là tự diễn biến hay sao”? Đó chính là lợi dụng góp ý với đảng để nói xấu, xuyên tạc đường lối của đảng – Nhà Nước” và yêu cầu… “cần phải xử lý”!?
Trong cái cộng đồng này ngồi nghe anh tổng-vua khuyến dụ, không còn mấy những gương mặt đáng tin cậy của anh Trọng nữa rồi
Trong cái cộng đồng này ngồi nghe anh tổng-vua khuyến dụ, không còn mấy những gương mặt đáng tin cậy của anh Trọng nữa rồi
Của đáng tội, cũng có một vài đóng góp, phản biện khá sắc sảo, khá chân thành, thậm chí ôm lấy đảng mà góp ý như: “CƠ HỘI RẤT LỚN CHO CẢ TỔ QUỐC VÀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM”
Hoặc cụ thể hơn về đối ngoại có: “KIẾN NGHỊ ĐẶC BIỆT CỦA TIẾN SỸ TRẦN CÔNG TRỤC…
Chẳng kiến nghị, cũng chẳng kính gửi ai là những bài góp ý gián tiếp khá sắc sảo và đầy tính thuyết phục như “CÁI CHẾT ĐƯỢC BÁO TRƯỚC của Tiến sỹ Tô Văn Trường…”
Nhưng vẫn chỉ là những tiếng vọng tiếp tục của IDS bị bức tử năm nào! MỌI Ý KIẾN GÓP Ý, PHẢN BIỆN PHẢI GỬI TRỰC TIẾP CHO CÁC CƠ QUAN CÓ TRÁCH NHIỆM, CẤM ĐƯA LÊN BÁO, LÊN MẠNG!!
Nói trắng ra rằng: DƯỚI CHẾ ĐỘ ĐẢNG TOÀN TRỊ MÀ MẤY CHÚNG TÔI THAY MẶT (Nhiều lắm cũng chỉ là 6/16 vị trong Bộ CT đi) chứ gần 200 “chun ươn” do bọn tui cơ cấu chắc chắn sẽ chỉ có “Em hoàn toàn đồng ý!” thì:
GÓP Ý TỨC LÀ ĐỒNG Ý
PHẢN BIỆN TỨC LÀ….ĐỒNG THUẬN!
Làm gì ở cái thời đại rực rỡ nhất của lịch sử này mà:
Người già lên lớp được người trẻ.
Kẻ bị giật đồ lại góp ý được cho thằng ăn cướp,
Người tử tế lại khuyên nhủ được thằng du côn
Và đặc biệt, mấy cụ cộng sản cuồng tín, kiên trì lại dạy dỗ nổi năm bảy thằng vua-tư-bản-đỏ-mang-thẻ đảng CS!
Hãy thử xem, các bậc tiền bối, ngồi tù vì chủ nghĩa Mác-Lê, chiến tích huân chương đầy mình, khi có những ý kiến khác, khi muốn làm “cách mạng” ngay cái đảng của mình đã nói gì và bị những hậu duệ đối xử như thế nào để thấy rằng việc vạch trần cái trò “mị quan” của Phú (ông) Trọng của Beauxite là khó chối cãi:
Bắt đầu từ bậc đàn anh cộng sản Nguyễn Hộ, người đầu tiên “gút bai” cái chủ nghĩa cộng sản bịp bợm cuả 2 lão triết ra khùng của Đức, Nga có tên là Mác và Lê, đọc lên đã… sặc mùi giết chóc. Trong tập hồi ký “Quan điểm và cuộc sống” ông viết:
– “Ngày 21/3/1990 tôi rời khỏi Saigòn cũng là ngày tôi rời khỏi Đảng CSVN. Tôi làm cách mạng đã 56 năm, gia đình tôi có 2 liệt sĩ, Nguyễn Văn Đào, anh ruột, Đại Tá QĐNDVN, hy sinh ngày 9/1/1966 tại Củ Chi, và vợ tôi Trần Thị Thiệt bị bắt và chết tại Tổng Nha Cảnh Sát Sài gòn vào tết Mậu Thân 1968 nhưng phải thú nhận rằng tôi đã chọn sai lý tưởng: Cộng Sản Chủ Nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng ấy nhân dân Việt Nam đã chịu hy sinh quá lớn lao nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục”.
Còn một Trung Tướng đảng viên lão thành, Trần Độ đánh Tây dẹp… Nam khi thấy đảng của ông bất lực sai lầm, muốn cùng một vài người thay đổi toàn bộ về mục đích, đường lối, phương châm, phương pháp… cách mạng tới mức phủ nhận tất cả những gì ông và đảng ông đã sai lầm và cần sửa chữa. Ông viết trong “Nhật ký rồng rắn”:
Nói thì ‘dân chủ, vì dân’ mà làm thì chuyên chính phát xít. Cái đặc điểm đó cũng có nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề, ‘nói vậy mà không phải vậy’. Suốt ngày đóng trò, cả năm đóng trò. Ở đâu cũng thấy các vai hề, ở đâu cũng thấy các trò lừa bịp… Ôi, cay đắng thay!
Và, khác với Đặng Quốc Bảo, Trần xuân Bách, ông đã bị cái bọn cộng sản ở giờ thứ 25 đối xử tệ bạc, đểu cáng, vô luật pháp, vô luân lý như thế nào ngay cả trong giờ mọi người đến bên linh cữu của ông về thắp một nén nhang đưa ông về nơi không có mấy anh Tây râu xồm, đầu hói mà ông đã quyết liệt phủ nhận… Cả thế giới đều đã rõ!
Và gần đây, mở đường cho những người có chức có quyền mà tuyên bố những điều động trời ngày càng… tăng đáng ngạc nhiên.
Đầu tiên phải kể đến những ý kiến “mở đột phá khẩu” không chút do dự, e dè của nguyên Phó Thủ Tướng, Trung Ương Ủy Viên (hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam): “Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác! Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng ta sẽ đi là cái CNXH gì đây?… Ông bịp thiên hạ với cái chữ CNXH của ông“.
Gần đây, cái ý vạch toạc sự bịp bợm của 4 chữ chủ nghĩa xã hội mà đi đâu, anh ba D cũng phải giấu biến đi để yêu cầu mọi nước tư bản công nhận là nước VN có “kinh tế thị trường đầy đủ” thì ông bộ trưởng Bùi quang Vinh, Trung Ủy cũng không ngần ngại đưa ra kết luận tung hê ngay ra trước quác hụi: “Cái chủ nghĩa xã hội ấy có đâu mà chúng ta cứ mất công đi tìm!”
Thôi thì đủ các thứ tự do tư tưởng, đủ kiểu phát huy tinh thần dân chủ đóng góp đủ kiểu vu vơ, vớ vẩn, vô vọng, vá víu, vô vị được vung vãi tí mẹt trên nghị trường. Từ ông nhà sư đến ông tướng công an, từ ông tiến sỹ Mác-Lê đến ông lãnh đạo Hội Nhà Báo Đảng… Tất cả đều lên tiếng góp ý cho ra cái vẻ người thay mặt nhân dân! Có những ý kiến khá … “liều mạng” như
1- Ông Nguyễn Xuân Tỷ (ĐBQH đoàn Bến Tre, thiếu tướng – Phó giám đốc Học viện Quốc phòng): “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa“.
2. Ông Trần Văn Độ (ĐBQH đoàn An Giang, trung tướng – Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương): “Tội tham ô, nhận hối lộ chúng ta quy định hình phạt tử hình nhưng thực tế không xử lý được bao nhiêu cả. Dân bảo các ông hô hào thôi chứ có làm được đâu? Nghiêm minh tức là tham ô 4 – 5 tỷ đồng trở lên là phải tử hình”.
Mới hôm qua thôi, mình đọc một “kính gửi” để vạch trần cái sự vi phạm nghiêm trọng điều lệ đảng chưa từng có của mấy anh Ban bí thư, Bộ Chính Trị khi vạch ra những điều mất dân chủ nghiêm trọng trong “Quy chế bầu cử, ứng cử tại Đại Hội XII của ĐCSVN” qua quyết định số 244-QĐ/TW ký tên một nữ đảng viên (không ghi rõ tuổi đảng) nguyên phó giám đốc Sở Tư Pháp t/p HCM, có tên Nguyễn Thu Giang. Dựa vào những điều lệ có sẵn của đảng cộng sản, bà Giang đã vạch ra toàn bộ những điều “không được” của quyết định để chứng minh “Đảng cộng sản mà lại tước bỏ quyền ứng cử, đề cử của đảng viên mình thì còn là đảng cộng sản không?
Đọc xong, mình bỗng thấy vừa thương, vừa buồn cười cho sự “ngây thơ đến… già” của bà Thu Giang, cũng như từng bật ngửa vì… ngạc nhiên khi thấy các vị cộng sản đã đòi… thôi chủ nghĩa cộng sản (!) Thậm chí, đổi tên đảng nhưng vẫn giữ chặt tấm thẻ đảng để cùng đảng “thoát xác trở thành một đảng của toàn dân”, lãnh đạo và cai trị cái “trại súc vật” này đến… muôn đời!
Và mình bỗng… nhớ lại mà thương cho các ông Nguyễn Mạnh Tường, Trần đức Thảo, “tưởng Đảng thành thật” nên đã nhiệt tình góp ý cho đảng, sau sai lầm của cải cách ruộng đất (đã được công khai thừa nhận, khóc lóc như thật trước công chúng”)… đã bị đối xử tàn tệ như thế nào!
Mình cũng không thể không nhớ lại, cái phong trào “góp ý bằng tác phẩm” của Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt… (sau sai lầm chết oan hàng vạn người những năm 53-56) … đã bị xử lý y hệt bên Tầu phát động “Trăm hoa đua nở” để tóm cổ hết những tên trồng hoa có “mùi… tư sản”, đã bị lãnh những hậu quả thê thảm đến mức nào!
Rồi mình cũng lan man nghĩ ngay đến cái số phận mình, một cựu đảng viên đảng Lao Động, một cựu sỹ quan quân đội với gần chục huân chương đủ loại đeo đỏ ngực, một văn nghệ sỹ được trao “giải thưởng nhà nước” ngay đợt đầu, nên cứ có dịp là phát biểu thẳng thừng, vạch mặt chỉ tên nhựng bọn cơ hội, bất tài đang làm ô uế 3 chữ thiêng liêng CHÂN, THIỆN, MỸ ngay khi đối diện với những ông trùm khét tiếng độc tài Sáu Thọ!
Kết quả là được mấy dòng ghi trong lý lịch như sau: “Không có tinh thần bảo vệ đảng, phát biểu mất lập trường, vô trách nhiệm, chống đối cấp ủy có…hệ thống!…” Và để khỏi “mất cái đầu” có ngày, đầu năm 1986, mình đã tìm cách “tự nhảy dù an toàn” (về hưu sớm) để về ở ẩn suốt bốn năm tại một vùng biển ngoại thành Nha Trang để bắt tay … viết “Hồi Ký của một thằng hèn”. Một cách góp ý kiến cho đám trẻ hậu sinh cách sống sót để làm nghệ thuật dưới sự lãnh đạo của cái đảng luôn coi Chân, Thiện Mỹ đích thực là… kẻ thù của văn nghệ vô sản! Cũng là một dịp để xám hối, tạ tội trước đồng bào những gì mình đã, vì mạng sống, vì miếng cơm, manh áo cho vợ con mà phải làm nghề nói dối, nói láo và nói bậy bằng cái thứ âm nhạc không son-phe!
Cứ tưởng nhiệm vụ sám hối cuối đời hoàn thành thì cũng vừa lúc “Thất thập cổ lai hy”, có thể thanh thản bay về Ca-li ngủ muôn năm bên cha, mẹ…nào ngở ông Trời lại bắt sống đến hôm nay để phải hàng ngày sống với bứt rứt, đau buồn, bực bội, tởm lợm… trước thời thế bát nháo đảo lộn NGƯỜI-CON, CON-NGƯỜI, PHẢI-TRÁI, TỐT-XẤU, ĐÚNG-SAI, lộn nhèo một cục!
Và trải qua gần mười năm trở thành blogger, chuyên góp ý trái chiều, phản biện, được trải nghiệm qua thực tế đấu tranh, bị trả giá khá đắt cho sự tự do góp ý, phát biểu, nhận xét về mọi sự tiêu cực trong hàng ngũ những tên “ăn mày dĩ vãng” mà chưa đi đến một kết quả mong đợi nào, thú thật, lắm lúc mình cũng muốn theo chủ nghĩa “kemeisme” nằm đợi “con bệnh ung thư giai đoạn cuối” trút hơi thở cuối cùng. Nhưng, khốn khổ cho mình, cái đầu của mình nó bắt trái tim mình phải vùng dậy, phải nói một cái gì đó trước những điều tởm lợm, trí trá, bịp bợm đang cứ tiếp tục diễn ra hàng ngày, hàng giờ trước đôi tai còn thính, đôi mắt chưa mờ của mình. Thế là cái đầu và trái tim của mình nó lại bắt cái miệng mình phải nói, nói những điều cực kỳ diễn biến hòa bình, cực kỳ thoái hóa, thậm chí… cực kỳ phản động (với họ) nữa!
Và lần này, mình lại, xin lỗi những người thân quen nhưng không chung một tư duy về cái Đảng đang vỗ ngực là tuyệt đối trung thành với chủ nghia Mác-Lênin này là:
1-KHÔNG THỂ NÀO GÓP Ý KIẾN, Ý CỎ GÌ CHO MỘT NHÚM NGƯỜI ĐÃ CÓ TRÁI TIM HÓA ĐÁ, BỘ NÃO ĐÃ CHAI LÌ VÌ QUYỀN LỰC VÀ LỢI LỘC
(Không phải là góp ý cho đảng, cho gần 4 triệu con người cụ thể mang thẻ đảng đâu)
2- TẤT CẢ NHỮNG Ý KIẾN ĐÓNG GÓP, DÙ HỌ CÓ THẤY ĐÚNG THÌ HỌ CŨNG SẴN SÀNG BỎ SỌT RÁC NẾU LÀM THEO Ý KIẾN ĐÚNG ĐÓ MÀ MẤT QUYỀN, MẤT LỢI CỦA HỌ VÀ GIA ĐÌNH, BĂNG NHÓM LỢI ÍCH CỦA HỌ.
3- TẤT CẢ NHỮNG Ý KIẾN HAY NHẤT VỚI CHÚNG TA SẼ LÀ NHỮNG PHÁT SÚNG BẮN TRÚNG TIM ĐEN CỦA BỌN HỌ, NÊN HỌ SẼ PHẢI KIÊN QUYẾT TÌM CÁCH “XỬ LÝ”…
(Ít nhất cũng là vào “sổ đen” của bộ anh Quang để có dịp thì… “ra tay” không thương tiếc! Chẳng có “nhân quyền, nhân… cước” gì xất! Những sự trả thù hèn hạ gần đây đối với giáo sư Nguyễn Huệ Chi, đối với tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang , Trương Duy Nhất, Anh Ba sàm đã chứng minh rõ ràng không cần bàn cãi.
Cho nên, thay vì góp ý, kiến nghị, kính gửi Blogger, Facebooker chúng ta cứ tiếp tục vạch trần mọi vết thương thối khắm của một vài vật thể vô hình, vô ảnh, vô lý, vô lẽ đang phân rã thảm hại trên 2 cái mảnh đất mà chúng còn cố tình kéo dài thời kỳ nương náu… là Trung Quốc và Việt Nam đang mở mắt dần dần…
Vì: GÓP Ý CHO MỘT NHÓM CỘNG SẢN CỐ TÌNH MÊ MUỘI VÌ LỢI QUYỀN VÔ HẠN ĐANG NẮM TRONG TAY THÌ CHẲNG KHÁC CHI GÓP Ý CHO MỘT ĐỐNG GỖ MỤC, GÓP Ý CHO MỘT LŨ… NGỢM KHÔNG ÓC, KHÔNG TIM!
--

TRẦN ĐẶNG * CHUYỆN VỀ MỘT CÔ GÁI



CHUYỆN VỀ MỘT CÔ GÁI

TRẦN ĐẶNG


Tôi vẫn thường lân la đến các trụ sở Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh, chỉ để xem lịch xét xử trong tuần, trong tháng. Mục đích của tôi là tìm một vài để tài để viết cho một tờ báo tỉnh lẻ.

Một lần, tôi trông thấy một thanh niên. Nhìn sơ qua là biết anh đã bị viêm màng não từ thuở nhỏ. Cặp mắt anh vô hồn, miệng mấp máy những câu vô nghĩa và tay chân cứ động đậy vô thức. Anh ngồi trên chiếc xe lăn, do một người đàn bà có đôi mắt ti hí đẩy đi. Hỏi người thư ký phiên tòa mới biết. Anh là người Đài Loan, đến Tòa để tham dự phiên xét xử vụ ly hôn giữa anh và vợ, một cô gái Việt Nam.

Tôi thắc mắc: - Luật pháp Việt Nam đâu cho phép người tâm thần kết hôn. Hơn nữa, đây là một vụ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phải do Chủ tịch UBND tỉnh ký giấy kết hôn mới hợp pháp. Vậy mà tại sao... Bà thư ký phiên tòa lườm tôi một cái sắc lẻm để ngắt ngang câu hỏi, rồi buông ra một câu nói rất lạnh lùng. - Chuyện đó là do cấp trên quyết, ông là nhà báo nên giữ mồm giữ miệng.

Tôi chợt nhớ tới câu nói của ông Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách Ban Tuyên Giáo: "Không phải sự thật nào cũng viết báo". Nên tôi biết phải làm gì để không làm cho "bầu trời chính trị ở Việt Nam không trở nên xám xịt". Nhưng tôi vẫn tò mò vì sao họ phải ly hôn, nên bước vào phòng xử án để dự khán.

Cô vợ tên là Mai (tôi đã đổi tên thật của cô ta, để tôn trọng vong hồn của một người đã khuất). Số phận Mai giống như nàng Kiều của thời đại năm 2000. Nhà nghèo, Mai phải đi lấy một người chồng nước ngoài, để cho gia đình được đổi đời. Cho dù biết rất rõ, người chồng tương lai đang sống như một người điên dại và hoàn toàn bất lực về sinh lý. Vai trò của Mai ở xứ người không khác gì một bảo mẫu chăm sóc người bệnh tâm thần. Tôi nhìn Mai đang đứng gần người chồng cứ lắc lư cái đầu, hai bàn tay cà kheo của anh ta hết giơ tên trời, rồi lại chỉ xuống đất. Hai con ngươi trong đôi mắt vô thần mắt hết lác (lé) ra ngoài, sau đó chụm vào gần nhau một cách tài tình đến mức người bình thường không thể nào bắt chước được.
Trong khi đó, Mai - một cô gái có thân hình nhỏ nhắn, một gương mặt trái xoan, nước da bánh mật. Đó là vẻ đẹp "hương đồng gió nội" của các cô gái vùng sông nước Miền Tây Nam bộ.

Hồi nhỏ, tôi vẫn thường hay nghe mẹ tôi hát ru cho em tôi ngủ: Ầu ơ... má ơi đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?!
Còn đối với cụ Nguyễn Du trong câu chuyện Đoạn Trường Tân Thanh, ngay từ những câu dạo đầu cũng phải thốt lên: Lạ gì bỉ sắc tư phong Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Nét đẹp của Mai không qua nổi cặp mắt tinh đời của cha chồng. Ông biết rằng đứa con tật nguyền của mình không thể nào thực hiện chức năng của người chồng. Vì thế, ông lén lút vào phòng con dâu để không hoài của. Còn Mai phải âm thầm chịu đựng để cứu cái gia đình túng thiếu ở quê nhà xa tít.

Một hôm, người mẹ chồng của Mai bất ngờ vào phòng con trai và tận mắt chứng kiến cái cảnh cha chồng nàng dâu trên giường trong tư thế không một mảnh vải che thân. Bà đã nổi điên. Phiên tòa xử vụ ly hôn lần đó là theo kế hoạch của bà mẹ chồng. Một là để cắt đứt mối quan hệ loạn luân của cha chồng nàng dâu, hai là đuổi cổ con đĩ về Việt Nam mà không phải phân chia tài sản.
* * *
Như thường lệ, tôi vẫn lân la đến các trụ sở Tòa án để săn tin. Được biết tại xã X, một xã giáp biên với Canpuchia sắp đưa ra xét xử một vụ án "Lây truyền HIV cho người khác" theo Điều 117 của Bộ Luật hình sự. Đến nơi, tôi tá hỏa vì người đứng trước vành móng ngựa lại là Mai.

Sau khi ly dị chồng, cô không dám về nhà vì sợ tai tiếng. Cô đành phải lên vùng biên giới để hành nghề bán bia ôm, kiêm luôn nghề bán dâm. Người mua dâm thường là những người bên kia biên giới. Nghề này đôi khi cũng túng thiếu, nên thỉnh thoảng Mai về tỉnh, vào bệnh viện để bán máu. Một ngày kia, sau khi xét nghiệm máu, người ta đã thông báo cho Mai biết: Cô đã bị nhiễm HIV.

Chán đời, cô sử dụng cái vốn trời cho của mình một cách hợt, buông thả: Một chầu nhậu cũng cho, một bát phở cũng cho, thậm chí cho không chỉ vì ông ấy có chức có quyền ở địa phương.

Tại phiên tòa, trong phần thẩm vấn, vị Hội thẩm nhân dân đặt ra một câu hỏi hết sức ngu ngốc: - Tại sao bị cáo biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn có tình lây nhiễm cho người khác, trong đó có cả đảng viên, cán bộ xã ấp?

Thế là Mai bị tuyên án 5 năm tù. Có lẽ cô cũng không buồn vì án này vẫn còn nhẹ so với án tử đang treo lơ lửng trên đầu cô bởi triệu chứng căn bệnh SIDA ngày càng rõ dần.
* * *

Mấy năm sau. Tôi về Bạc Liêu và được mấy anh bạn đồng nghiệp thết đãi ở Nhà hàng công tử Bạc Liêu. Một đám ma buồn ngang qua. Mấy ông bạn nhanh nhảu, chứng tỏ thạo tin. - Chết vì SIDA đó! Hồi trước gia đình, giòng họ bà này giàu lắm, địa chủ mà! Cháu ba đời của công tử Bạc Liêu. Sau giải phóng, ông già của bà này là trung úy lính Sài Gòn, phải đi học tập cải tạo, rồi chết trong rừng. Mấy chục mẫu ruộng bị nhà nước tịch thu trong đợt cải tạo nông nghiệp ở Miền Nam. Thành ra, đang giàu trở thành nghèo rớt mùng tơi. Nghe lời thiên hạ! Bả lấy một thằng khùng ở Đài Loan để có ba ngàn đô cứu cái gia cảnh đang lâm vô cảnh bần cùng.

Tôi chợt bán tín, bán nghi lao ra xem cái cảnh đưa đám ma. Di ảnh người chết rõ ràng là Mai. Tôi lặng người một lát. Sau đó tôi quay vô đám nhậu và uống nhiều đến mức mấy thằng bạn đồng nghiệp phải bái sư.
* * *
Tổng Biên tập mời tôi lên phòng ông và trả lại bản thảo. Mắt ông đo đỏ, ươn ướt: - Bài này không đăng được, anh hiểu rồi đó! Tôi vác bản thảo về nhà để lên bàn, rồi thắp một nén hương. Đợi cho nhang tàn, tôi đốt bản thảo và lầm thầm mấy câu: - Mai ơi! Đây chỉ là một chút lòng thành với em. Ở suối vàng, mong em thảnh thơi. Mai mốt có đầu thai, em nên chọn những gia đình có công với cách mạng để mà sinh ra. Còn anh, chỉ làm bổn phận của một người cầm bút.

Một thời gian sau, tôi trả Thẻ nhà báo, trả thẻ hội viên Hội nhà báo để cho lòng được thanh thản.


TRẦN ĐẶNG 


TRẦN THANH ĐỊCH * CHẾ LAN VIÊN

TRẦN THANH ĐỊCH
 
Đọc “Điêu tàn” của Chế  Lan Viên
Một hôm, Chế Lan Viên viết thư cho tôi bằng những hàng này:
           
            Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết
            Những sắc màu hình ảnh của Trần Gian!
            Thịt bại rồi, nhãn quan đà lả mệt
            Thú điên cuồng ao ước vẫn khôn ngăn!
 
Đấy là một thi sĩ của sự Đau Thương.
Những xúc động của tâm hồn (manifestation de l’âme) ở Chế Lan Viên đã xúi giục thi sĩ viết nên những tiếng than rền rỉ, có thể vang động ngay đến lòng ta khi đọc nó. Tôi nhận thấy những tiếng rền rỉ ấy cũng đã có trong người Hàn Mặc Tử, ở một bức thư mà thi sĩ đã bàn với tôi về chuyện sắp cho xuất bản “Thơ điên”.  
Nhưng hai nhà thi sĩ trẻ tuổi ấy − Hàn Mặc Tử mới được 25, Chế Lan Viên chỉ mới có 17 − khác nhau ở chỗ: Hàn Mặc Tử ca ngợi sự đau thương của riêng lòng mình, Chế Lan Viên ca ngợi sự đau thương của điêu tàn, của dân Chiêm quốc nghìn xưa. 
Vừa mới một năm nay, trước Ban Thờ văn học Việt Nam chúng ta đã có thêm ba nhà thơ lẳng lặng dùng toàn những thành ngữ táo bạo: Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu và Chế Lan Viên.
“Táo bạo” đây không phải có nghĩa là vô nghĩa như thơ của Huy Thông hay khó chịu như những thi sĩ Parnassiens [a] đã làm ra lối thơ khó hiểu (vers sibyllins). Cái táo bạo trong lối dùng chữ của ba nhà thơ này vẫn làm cho người đọc hiểu ngay ý thơ của mình bằng sự thâm trầm và kín đáo, nó làm giàu cho nền văn học chúng ta rất nhiều. Và sau cùng, ba người ấy cũng đang đi đến bờ cõi Triết Lý. (Một điều không ngờ là chính ba nhà thơ ấy cũng đều sinh trưởng vào một chỗ đất Quy Nhơn, nơi đã tạo ra bao nhiêu văn sĩ, thi sĩ hiện đang lẫy lừng [b] trên võ đài Văn Chương). 
Charles Plisnier, [c] nhà văn sĩ đã được phần thưởng Goncourt năm vừa rồi, có viết: “Với thơ, không ai cấm sự dùng chữ táo bạo. Và tôi có thể bảo thêm rằng nó lại rất cần nữa…” 
Điêu tàn là một áng thơ tuyệt tác. Với nó tôi thấy tâm hồn tôi rung động một cách khoan khoái. Đó là một cái rùng mình nhẹ nhàng của nhà du lịch đứng trước vẻ tang thương của một công nghiệp đã hằng vĩ đại, với lòng cảm động mến tiếc trong một sự bồi hồi. Người ta thấy rõ và nghe được trong thơ của Chế Lan Viên những cái dẫy dụa, quằn quại, chuyển động, những tiếng oán hờn, gào thét, khóc than, những mùi tanh hôi của máu trào và tuỷ chảy ở vạn cô hồn mất nước đang quờ quạng, rền rỉ để dìu dắt nhau đi giữa một bãi tha trường. Đọc thơ Chế Lan Viên ta có cái cảm giác ghê rợn như đang đọc bài Văn chiêu hồn của nhà đại thi hào Nguyễn Du trong một đêm trăng mờ ở một làng hẻo lánh.  
            Hồn ma ơi! Trong những đêm u tối
            Mi tung mây về chân trời vòi vọi
            Hãy mau nghiêng cánh lại ở bên mồ
            Phủ lòng ta say đắm chút hương mơ!
            Ta hãy nghe trong mồ sâu lạnh lẽo
            Tiếng thịt người nảy nở tiếng xương rên
            Ta hãy nghe mơ màng trong cỏ héo
            Tiếng cô hồn lặng thở khí giời đêm
Cũng như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên chỉ thích sống với Ban Đêm, một Ban Đêm ghê rợn. Ban Đêm của Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên là cái ban đêm của Baudelaire, Mallarmé, Edgar Poe, Shakespeare. Nó chẳng mơ màng và huyền diệu cho đôi tình nhân ích kỷ. Những Trăng, Sao, Bóng Tối, Làn Gió Thoảng, nói chung lại là “Nàng Thơ” của nó, cũng khác luôn cả những trăng, sao, bóng tối, làn gió thoảng và nàng thơ của các thi sĩ ly tao. Những cảm giác gì, những âm thanh gì, những sự vật gì ghê rợn, hãi hùng và bí mật, đều tụ họp lại trong cái Ban Đêm của họ, của Chế Lan Viên: 
            Mây chắp lụa dài vây núi biếc
            Sương xây mồ bạc dấu trăng vàng
            Thuyền ai dỡn nước sông Ngân ấy
            Mà để sao sa xuống cõi trần
            Phải hay chăng đêm qua khi thuyền mộng
            Của Nàng Trăng vào đến bến mây xa
            Một cô hồn về đây theo gió lộng
            Trên mộ tàn tìm lại dấu ngày qua?
Điêu tàn là một áng thơ tuyệt tác của tủ sách Việt Nam.
Tôi đã thành một người dân Chiêm quốc để khóc than, kêu gào, rền rĩ, khi thấy người ta kể lại một thời vẻ vang nghìn xưa oanh liệt: lúc đọc Điêu tàn.  
Tôi cũng đã đọc nó với một sự Buồn não nuột, một sự Chán ê chề…
Nhưng những Buồn Phiền não nuột ấy, những Chán Nản ê chề ấy, tôi lại tìm thấy nó ở trong sự say sưa và mê mẩn.
 
● Nguồn: Tràng an báo, Huế, số 299, 1er Mai 1938.
 
GHI CHÚ (của Lại Nguyên Ân, người sưu tầm)
[a] “những thi sĩ Parnassiens”: ý nói các nhà thơ Pháp thuộc nhóm “Parnasse” (tên gọi này được xác lập sau việc xuất bản các tập sách mang nhan đề “Parnasse hiện thời” vào các năm 1866, 1871, 1876) gồm: Théodore de Banville (1823-91), Sully Prudhome (1839-1907), François Coppé (1842-1908), Léon Dierx (1838-1912), Jean Lahor (1840-1909), J.-M. de Heredia (1842-1905); nhóm này hướng theo các nguyên tắc thẩm mỹ (“nghệ thuật vị nghệ thuật”) của Théophile Gautier (1811-72); một thủ lĩnh khác của nhóm là Leconte de Lisle (1818-94).
[b] chỗ này báo gốc là “lay lừng”, ngờ là in sai, ở đây sửa là “lẫy lừng”.
[c]  Charles Plisnier (1896-1952): nhà báo, nhà văn, nhà thơ Bỉ, đạt giải thưởng Goncourt năm 1937 với tác phẩm Faux passeports.
 

Tuesday, June 9, 2015

PHẠM CÔNG BẠCH * VŨ HOÀNG CHƯƠNG


TẠI SAO VŨ-HOÀNG-CHƯƠNG  BỊ VC BẮT VÀO TÙ KHÁM LỚN?

     
Phạm-công Bạch, CVA 57 

Đã là cựu học sinh Chu-văn-An, ai không biết thi sĩ Vũ-hoàng-Chương là một vị giáo-sư Việt Văn rất đáng mến. Quả thật vậy, trong cuộc đời thi sĩ, Ông đã từng xuất bản cả chục tập thơ và kịch thơ , cũng như trong nghề dạy học, ai đã từng là học trò Ông thảy đều thương kính, coi Ông như một vị giáo sư có đầy đủ tác phong về đạo đức và sư phạm. Hơn thế nữa, hãy xem nhà văn Song-Thao (cũng là một cựu học sinh Chu-văn-An) mô tả Ông trong tập truyện “Chốn cũ” vừa xuất bản:

“Thầy đi quanh lớp bằng những bước chân nhẹ nhàng, đầu nghểnh cao, mắt xa vắng, giảng bài bằng cái giọng nhừa nhựa thanh thanh. Có những lúc mắt thầy như nhắm hẳn lại, đầu lắc lắc từng chặp. Những lúc đó thầy như thoát hồn bay về một trời thơ nào đó. Thầy say thơ. Thầy ngâm thơ như một người đồng thiếp. Như không còn thầy. Như không có trò. Như không phải là một lớp học. Chỉ có một cõi thơ lồng lộng bát ngát. Chúng tôi cũng thấm thơ. Vô cùng nồng nàn là những dòng thơ đất Việt. Chỉ có tiếng chuông báo hết giờ học mới có thể kéo thầy trò ra khỏi cơn mê văn chương…”

Làm thơ đã hay, dạy học thì say mê như thế, Vũ-hoàng-Chương không hề làm chính trị. Hồi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Ông cũng chỉ tản cư khỏi thành phố một thời gian rồi lại hồi cư, chứ không ra bưng. Từ năm 1954 khi di cư vào Saigon, Ông cũng không tham gia một đảng phái nào. Thế nhưng cuộc đổi đời ” tháng tư đen” đã đưa Ông vào tù và chỉ được tha về khi kiệt lực gần chết. Chúng ta thử tìm hiểu nguyên do nào đã đưa Ông vào vòng lao lý gần một năm trời. Với thân hình gầy còm và “ả phù dung” dằn vặt làm sao Ông sống nổi. Kể ra cũng có nhiều lý do xa gần.



Bài thơ hoạt cảnh Tết Con Rồng.

Miền nam ViệtNam bị mất về tay cộng sản tháng tư năm 75 thuộc năm Mão. Cuộc đổi đời đã gây ra nhiều cảnh éo le cả về hoàn cảnh xã hội lẫn nhân tình thế thái. Vũ-hoàng-Chương bị kẹt lại và Ông đã mắt thấy tai nghe và ngay cả chính Ông cũng là nạn nhân của sự thế . Cuối năm bước sang năm Thìn là tết con rồng, Ông đã làm một bài thơ tức cảnh như sau:


Vịnh tranh gà lợn

Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành,
Gà lợn om sòm rối bức tranh.
Rằng vách có tai, thơ có hoạ
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh.
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành.
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.



Đây đích thực là hoạt cảnh của miền Nam sau mấy tháng về tay chủ mới: Chính quyền tiếp thu vào tay cộng sản chưa hoàn toàn kiểm soát được xã hội vốn vẫn thoải mái trong nếp sống từ bao năm qua. Dân chúng vẫn hoài nghi cách mạng cho nên tình thế chưa thấy gì làm sáng sủa. Mặt khác đa số người thuộc chế độ cũ không tin miền Nam có thể dễ dàng rơi vào tay cộng sản như vậy nên thầm kín trong lòng vẫn ước mong lật ngược thế cờ khỏi cảnh tối tăm hiện tại.

Với bối cảnh xã hội như vậy, kẻ hồ hởi, người âm thầm cho nên nẩy sinh ra lắm vẻ, biết ai là ai bây giờ. Bức tranh xã hội thật là rắm rối. Cộng sản đi đến đâu thì mạng lưới công an rình rập nhòm ngó tới đó. Kẻ thân trong nhà cũng còn nghe lén để báo cáo lập công thì còn biết tin ai bây giờ. Cho nên nhìn bề ngoài đố biết lòng dạ ai thế nào.

Ngay như chính tác giả cũng đã là nạn nhân của lòng người đổi trắng thay đen. Số là Vũ-hoàng-Chương và gia đình đã từ lâu vẫn ở nhờ trên căn gác nhỏ trong biệt thự của bà Mộng-Tuyết (phu-nhân thi sĩ Đông-Hồ), Ông đã từng đặt tên đây là “gác mây” để Ông bạn với “ nàng thơ” và “nàng tiên nâu”. Thế nhưng từ khi có cán bộ từ ngoài bắc vào, Bà Mộng-Tuyết thì hồ hởi tiếp đón, còn Vũ-hoàng-Chương thì lặng lờ như không Cho nên Bà muốn đỡ phiền lụy sau này đã ngỏ ý muốn Ông dời nhà đi ở chỗ khác. Chính vì vậy mà thi sĩ họ Vũ đã phải dời sang Khánh hội ở nhờ nhà em vợ là thi sĩ Đinh-Hùng. Ôi tình nghiã bao năm như vậy mà chỉ vì một chút “quáng” đã làm cho huynh đệ ly tan ! Riêng đối với Ông, con người còn tình người, chân thật và chất phác thì vẫn “một tấc thành” không a dua xu nịnh với ai.

Bây giờ xuân và tết đến, thôi hãy quên hết moi sự mà nghe khúc tân thanh của năm con rồng. Theo tôi, ý giả của câu cuối bài thơ này là như vậy; nhưng nghĩ kỹ hơn,nếu chúng ta ở Saigon trong thời điểm đó thì “khúc tân thanh” ở đây chính là những loa tuyên truyền ra rả sáng chiều mà cộng sản đặt ở khắp phường phố. Cũng có thể nghĩ xa hơn, khúc tân thanh chỉ là sự rút gọn của “khúc Đoạn trường tân thanh” mà từ nay còn phải ngâm mãi. Với một bài thơ xuân như thế được phổ biến ra ngoài, thi sĩ Vũ-hoàng-Chương tránh sao khỏi bị bắt vì tội phản động. Nhưng chưa hẳn như vậy.


Món quà chiêu dụ bất thành .

Hãy trở lại vài chục năm về trước, chúng ta được biết thi sĩ Vũ sinh năm 1916. Hai chục năm sau vào thời điểm thi sĩ trưởng thành thì phong trào thi ca lãng mạn nở rộ do ảnh hưởng của văn chương Pháp. Cùng thời với Vũ-hoàng-Chương còn có rất nhiều văn nhân thi sĩ khác cùng nổi tiếng trên văn thi đàn, trong đó có Huy-Cận (tên thật là Cù-huy-Cận) sinh năm 1919. Huy-Cận cũng là một nhà thơ nổi tiếng, điển hình là bài “Ngậm ngùi” đã được phổ nhạc mà chúng ta thường nghe. Huy-Cận kém Vũ-hoàng-Chương ba tuổi và xuất bản tập thơ đầu “Lửa Thiêng” sau khi Vũ-hoàng-Chương đã có thi tập “Thơ say” và “Mây” đang sắp phát hành. Vì thế Huy-Cận coi thisĩ Vũ như anh.

Hai người cũng chơi với nhau khá thân. Một hôm Huy-Cận bất ngờ gặp Vũ-hoàng-Chương và rủ Ông đi ăn phở. Vì mới ra tập thơ đầu lại cũng có ý thân mật so sánh nên Huy-Cận nửa đùa nửa thật vỗ vai Vũ-hoàng-Chương nói rằng:

“Đã lâu lại gặp ‘chàng Say’
‘Lửa Thiêng’ xin đốt chờ ‘Mây’ xuống trần

Vũ-hoàng-Chương cũng hơi khựng một chút, nhưng vui vẻ đáp ngay:

‘ Mây’ kia chẳng chịu xuống trần
Lửa ơi theo khói lên gần với ‘Mây’.

Hai người đối đáp với nhau như thế, vừa có ý kiêu ngạo, vừa có ý thân thiện, thật xứng đôi. Rồi thời gian trôi qua, năm 1946 Huy-Cận ra bưng theo kháng chiến dùng thi tài của mình để phục vụ bác và đảng, được sủng ái nên đã có thời leo lên đến chức Thứ trưởng bộ Văn hóa. Vũ-hoàng-Chương thì chạy tản cư, cũng có làm một số bài thơ ái quốc, nhưng sau đó hồi cư về lại Hanoi rồi di cư vào Saigon theo hiệp định Genève năm 1954, vẫn tiếp tục nghiệp thơ và sinh sống bằng nghề dạy học.

Vật đổi sao dời, năm 1975 miền nam bị bỏ rơi và cộng sản thắng đại cái “đại thắng muà xuân”.Và hai thi nhân lại có dịp gặp nhau trong hoàn cảnh éo le quốc cộng. Huy-Cận được cử vào Saigon cùng với một phái đoàn với mục đích thăm dò và chiêu dụ các văn nghệ sĩ miền Nam.

Dĩ nhiên người mà Huy-Cận muốn gặp đầu tiên là Vũ-hoàng-Chương cũng vì tình bạn cũ và cũng nghĩ rằng nếu chiêu dụ được Vũ theo cách mạng thì mình lập được công lớn. Vì vậy Huy-Cận đã sửa soạn cuộc thăm viếng rất trọng thể. Lễ vật đến thăm Vũ-hoàng-Chương gồm một chai rượu quí, một lọ đầy thuốc phiện và cũng không quên mang theo một bức hình Hồ chí Minh. Rượu và thuốc thì để biếu bạn, còn bức hình thì Huy-Cận ước mong sẽ được Vũ-hoàng-Chương đề tặng cho mấy vần ca ngợi để có bằng chứng báo cáo lấy công đầu.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp sau bao năm xa cách. Vũ-hoàng-Chương đón Huy-Cận như một bạn cố tri nồng nàn vui vẻ. Sau khi Huy-Cận ngỏ ý muốn Vũ đề thơ thì Ông trầm mặc không nói gì. Huy-Cận khi ra về có hẹn ba ngày sau sẽ cho người đến xin lại bức hình, Vũ-hoàng-Chương cũng chỉ ậm ừ tiễn bạn.

Đúng ba ngày sau khi nhân viên của Huy-Cận tới thì thấy trên bàn vẫn còn y nguyên hai món lễ vật và bức hình, Vũ-hoàng-Chương không hề đụng tới mặc dù rượu với thuốc phiện đối với Ông là rất quí hiếm. Còn bức hình thì vẫn chỉ là bức hình như khi đem tới,không một nét chữ đề. Được báo cáo lại, dĩ nhiên là Huy-Cận tím mặt. Nhưng Ông biết tính họ Vũ là ngưòi không dễ lung lạc nên cũng đành thôi.

Vũ-hoàng-Chương, ông qủa là một người có khí phách. Ông có một cơ hội an thân nhưng Ông đã không làm, chỉ vì tấm lòng Ông “một tấc thành” nên Ông phải giữ tiết tháo không a dua theo thời cuộc. Thế là lại có thêm một cái ‘họa’. Nhưng như thế vẫn chưa hết.


Chê thơ Tố-Hữu và dạy cộng sản cách làm thơ.

Theo một bài đăng trên “net” của tác giả Sông-Lô viết về Vũ-hoàng-Chương nhận xét thơ Tố-Hữu, được biết phái đoàn từ bắc vô nam cùng với Huy-Cận như đã nói ở đoạn trên còn có nhiều nhân vật sáng giá khác như Tố-Hữu, Hoài-Thanh, Xuân-Diệu, Vũ-đình-Liên…. Phái đoàn được ký giả nằm vùng Thanh-Nghị tiếp đón và tổ chức một đêm”họp mặt văn nghệ” với các nhân vật gạo cội miền Nam để cùng đánh giá văn hoá hai miền ngõ hầu thống nhất tư tưởng về một mối. Buổi họp này Vũ-hoàng-Chương đã được mời và có tham dự. Đề tài được đưa ra là mấy câu thơ của Tố-Hữu đã làm để khóc Stalin khi ông trùm đỏ Nga-sô này chết vào năm 1953. Hai câu thơ đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cùng đầy đủ tiếng khen chê đối với tên trùm văn nghệ cộng sản này là câu:

“Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười “

Thanh-Nghị với tư cách nằm vùng theo cộng sản từ lâu, coi như đại diện miền nam, dĩ nhiên ca ngợi thơ Tố-Hữu hết mình. Rồi lần lượt đến Xuân-Diệu, Huy-Cận, Vũ-đình-Liên từ ngoài bắc vào lên diễn đàn thì khỏi nói. Cũng cần có một tiếng nói miền nam cho xôm tụ, cho nên Hoài-Thanh khẩn khoản mời Vũ-hoàng-Chương lên phát biểu với dụng ý là họ Vũ, một thi bá đương thời, nhưng vốn người trầm mặc hiền hoà chắc cũng chỉ vuốt theo mà không nói điều gì nghịch ý. Xin trích nguyên văn sau đây một đoạn của Sông-Lô:

“Ai đã biết Vũ-hoàng-Chương ắt phải biết cái đanh thép bên trong tấm thân nhỏ bé ọp ẹp của ông. Đôi ba lần tạ từ không được, đành nhảy vào ưỡn ngực “ hò kéo pháo”, nhưng trước khi vào cuộc họ Vũ đã yêu cầu cử tọa thông cảm nếu có chỗ nào thất thố vì ông sợ rằng những gì ông muốn trình bày sẽ làm tổn thương cái ‘sáng giá’ của đêm họp ‘văn nghệ đặc biệt’ này, bởi vì ‘tất tần tật’ đã thẩm định rồi.”

Sau đây là lời của Vũ-hoàng-Chương;

Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo thất tình con người mà vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời một tình tự nào đó, rồi đãi lọc thành thơ. Sự vận dụng càng xuất thần, việc phổ diễn càng khẩu chiếm, thơ càng có giá trị cao.

Cảm xúc trước cái chết của một thần tượng được ‘đóng khung’ tự bao giờ trong tâm cảnh mình, Tố-Hữu đã xuất thần vận dụng nỗi u hoài, phổ diễn nên những lời thơ thật khẩu chiếm, rồi dùng những từ thật tầm thường, ít thi tính, đãi lọc nỗi u hoài của mình thành một tiếng nấc rất tự nhiên, đạt đến một mức độ điêu luyện cao. Lời thẩm định của Thanh-Nghị thật xác đáng,tôi chịu. Nhưng thơ không phải chỉ có thế.Xuất thần khẩu chiếm thuộc phạm vi kỹ thuật, dù đã có thi hứng phần nào, và nếu chỉ có thế thì thơ chỉ có khéo mà thôi, chưa gọi là đạt; tức chưa phải là hay. Thơ hay cần phải khéo như thế vừa phải đạt thật sự. Thi hứng nằm trong sự thực của tình tự phổ diễn nên lời. Tình tự mà không thực, lời thơ thành gượng ép. Vấn đề của thơ,nói cho đến nơi, là ở đây, có nghiã là thơ phải thực.

Tố-Hữu đặt tiếng khóc của chính mình vào miệng một bà mẹ Việtnam, muốn bà dùng mối u hoài của một nhà thơ để dạy con trẻ Việtnam yêu cụ Stalin thay cho mình. Cũng chẳng sao vì đó cũng là một kỹ thuật của thi ca; nhưng trước hết phải biết bà mẹ Việtnam có cùng tâm cảnh với mình không, có chung một mối cảm xúc hay không?

Tôi biết chắc là không. Bởi trong đoạn trên của hai câu lục bát này trong bài ‘Đời đời nhớ Ông’ Tố-Hữu đã đặt vào lời bà mẹ hai câu:

“Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin “

Chắc chắn là không có một bà mẹ Việtnam nào, kể cả Bà Tố-Hữu, mà thốt được những lời như vậy một cách chân thành. Cái không thực của hai câu này dẫn tới cái không thực hai câu sau ta đang mổ xẻ.

Một tình tự không chân thực, dù đươc luồn vào những lời thơ xuất thần, khẩu chiếm đến đâu cũng không phải là thơ đẹp,thơ hay, mà chỉ là thơ khéo làm; đó chỉ là thơ thợ chứ không phải là thơ tiên. Loại thơ khéo này người thợ thơ nào lành nghề cũng quen làm, chẳng phải công phu lắm. Nhất là nếu có đòi hỏi một tuyên truyền nào đó. Tố-Hữu nếu khóc lấy, có lẽ là khóc thực, khóc một mình. Nhưng bà mẹ Việtnam trong bài đã khóc tiếng khóc tuyên truyền, không mấy truyền cảm“.

Vẫn theo lời kể của Sông-Lô thì lời thẩm định này đã gây sôi nổi trong đám thính giả có mặt hôm đó. Muốn phản bác luận điệu của Vũ-hoàng-Chương, có người đã yêu cầu Ông nói về thơ để hòng bắt bẻ này nọ, nhưng Ông vẫn ôn tồn phát biểu:

“Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên những tình tự thực. Không chấp nhận loại thơ tình tự hoang. Có khoa học giả tưởng, không có thơ giả tưởng. Nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn tưởng trên sự thực để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự thực. Nhà thơ không được láo; nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý cuộc sống. Thiên chức thi ca là ở chỗ đấy.

“Tôi xin nhắc ; sự thực muôn đời là cơ sở duy nhất của thi ca; vì có sự thực cho riêng một người, có sự thực cho riêng một thời, nhưng vẫn có sự thực cho muôn đời, sự thực bao quát không gian,thời gian, chân lý cuộc sống.”

Sau đêm hôm ấy, hình như có một buổi họp khẩn cấp của các “nhân vật then chốt” cộng sản, và Vũ-hoàng-Chương đã bị bắt. Như vậy cái tội phản động của thi sĩ họ Vũ không phải là một mà có đến ba : bắt đầu từ bài thơ thời sự , kế đến không nể nang tình bạn và sau cùng là đã dạy khôn cho kẻ đang thắng thế. Theo Sông-Lô thì Vũ-hoàng-Chương không phải là người dại, cũng không phải người can đảm mà Ông chính là người của tự do không phải quị lụy trước bất cứ một áp lực nào.



Niềm hãnh diện cuối đời : Thủ-tướng bưng bô.

Vũ-hoàng-Chương bị bắt vào khám Chí hòa, giam chung cùng một số nhà trí thức khác. Với thân hình gầy yếu sẵn có, phải ăn cơm tù đạm bạc lại thêm thiếu thuốc phiện thì làm sao mà Ông chịu nổi. Có thể nói bao nhiêu ngày trong tù, Ông đau yếu cả bấy nhiêu ngày. Sức lực Ông kiệt quệ dần dần, đã có lúc phải nằm liệt giường. Chính quyền “giải phóng” biết Ông không còn sống nổi bao lâu, nên sau thời gian giam giữ đã quyết định thả Ông về để tránh tiếng Ông bị bức tử trong tù. Về nhà gặp lại vợ con, dĩ nhiên là Ông mừng rỡ, nhưng trong đáy lòng hình như Ông có điều gì thỏa mãn vì tuy nằm bẹp trên giường Ông không có vẻ sầu héo bi lụy của một người gần đất xa trời. Một hôm Ông thố lộ là ở trong tù Ông có phần thích thú vì đã được Thủ-tướng bưng bô vệ sinh cho mình. Mãi sau người nhà Ông mới biết bị giam chung cùng với Ông là Bác sĩ Phan-huy-Quát. Bác sĩ Quát đã có thời làm Thủ-tướng chính phủ dân sự do Cụ Phan-khắc-Sửu là Quốc trưởng. Vì mến thương Vũ-hoàng-Chương và vì lương tâm của người y sĩ, trong thời gian bị giam chung, Bác sĩ Quát đã tận tình chăm sóc cho nhà thi sĩ bất hạnh đau yếu, và không ngần ngại giúp đỡ cả việc vệ sinh hàng ngày. Đó là niềm vui cuối cùng của thi sĩ họ Vũ trước khi Ông lìa đời ngày 6 tháng 9 năm 1976.


No comments:

Post a Comment