Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 20 October 2016

XÃ HỘI VIỆT NAM

Wednesday, June 15, 2016

TUỔI TRẺ VIỆT NAM

   Trần Mộng Tú - Chim Sẻ và Tuổi Thơ Việt Nam

Chủ Nhật, ngày 12 tháng 6 năm 2016

Một Cậu bé đang đứng bán bánh bột lọc 
ở trước cây xăng-Huyện Phú Lộc 
(Hình trên báo Người-Việt)

Những tin tức ngổn ngang đời thường đang diễn ra ở Việt Nam, từ việc lớn đến việc nhỏ như: Ô nhiễm môi trường, cá chết, biểu tình, biển chia, đất cắt..., tin nào cũng làm người Việt trong cũng như ngoài nước hoang mang, đau lòng, thất vọng. Nhưng tin các em đang tuổi thiếu niên ở Thừa Thiên Huế phải bỏ học, sang xứ lân bang lao động, phụ gia đình kiếm sống làm tôi đau lòng nhất.
 Theo bản tin nhật báo Người-Việt cho biết các em thuộc các xã Lộc Trì, Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bổn, huyện Phú Lộc-Thừa Thiên Huế, bỏ học sang Lào kiếm việc nhiều nhất.
Huyện Phú Lộc ở cạnh dẫy núi Bạch Mã và biển Lăng Cô, một huyện có bề ngang rất hẹp và chịu nhiều thiên tai nhất nước. (*)


Sáng hôm qua, tôi đứng trong bếp nhâm nhi tách cà phê nóng, nhìn ra ngoài khung cửa kính, hoa Mộc Liên trắng nõn đã nở từ từ từng búp và khá nhiều chim sẻ kéo về máng ăn treo trên cành đang tíu tít. Thấy hoa, biết tháng sáu đã về, biết nửa năm đã đi qua. Thời gian đi nhanh thế, mình nên tận hưởng hết vẻ đẹp của đất trời trên mỗi bước chân của thời gian.

Mở cửa bước ra sân, xém chút nữa giẫm phải một con chim sẻ đang nằm úp mặt trên vuông sân gạch. Con chim nâu trên nền gạch đỏ đang còn rung rung một bên cánh rũ xuống đất. Tôi đoán nó bị thương, bị thương ngay trước cánh cửa kính này chắc là nó bay lao đầu vào khung kính trong suốt mà tưởng bay vào không gian trước mặt.
Tôi cúi xuống nhặt nó lên, nó vỗ cái cánh còn lại rất yếu ớt và hai mắt nhắm nghiền. Tôi mang nó vào nhà, kiếm cái hộp giấy nhỏ đặt nó vào, một chút hạt kê rắc vào hộp, lấy cái chén nhỏ cho vào chút nước, để một góc hộp. Sau đó tôi đặt cái hộp trên cái ghế cao chân, mang ra sân, để sát vào tường. Hy vọng nó nằm nghỉ sức một hồi lâu sẽ lại bay được. Tôi không dám cứ mặc kệ nó nằm đấy bao giờ tỉnh thì bay đi, hay để cái hộp dưới mặt sân vì sợ nó sẽ là miếng mồi ngon cho con mèo già hay con mèo rừng (raccoon) nào đi qua.

Lo xong cho chim sẻ, quên cả việc ngắm hoa, quay vào nhà lo mấy việc buổi sáng. Đến trưa tôi ra sân, ngó vào hộp, con chim không còn nữa. Không có dấu vết xô lệch gì của cóng nước, tôi an tâm chim sẻ đã hồi sức bay đi, không phải bị con vật khác bắt ăn thịt. Tôi có một ngày an bình.
Sáng nay mở trang mạng Người-Việt ra nhìn thấy hình cậu bé này lòng nghe như muối xát.
Có ai không mủi lòng, khi nhìn nét mặt hiền lành, đầy nhẫn nhục của cậu, cậu đang cầm túi bánh bột lọc đứng trước cây xăng chờ khách đến mua.

Em lên chín hay em lên mười? Em học lớp 4 hay lớp 5. Em đứng bán như thế này mỗi ngày mấy giờ. Em vẫn đi học đấy chứ? Bao giờ thì em sẽ phải tìm cách khác kiếm sống cho cả gia đình, vì bán bánh bột lọc chẳng đủ tiền mua gạo cho cả nhà. Mẹ và bà nội hay bà ngoại đang chờ em mang tiền về. Nhà nước nói trợ cấp gạo, sao mãi đến nay vẫn chưa có. Gia đình em chắc đánh cá gần bờ trên biển Thuận An, phá Tam Giang, không được cứu trợ vì không được xếp vào diện làng chài. Bây giờ làm sao để sống.
Cha và anh thì đã bỏ đi xa lắm rồi. Họ lên xe đò sang A Lưới, rồi đi bộ băng qua rừng sang Lào. Bao giờ thì sẽ đến lượt em? Bao giờ em cũng sẽ đi bộ băng qua rừng sang Lào bằng đôi chân bé bỏng đó.
Nhưng em bé quá, chắc không ai nhận em làm đâu. Em đừng đi em nhé.
Nếu sang đó em sẽ làm gì? Tôi nghe nói, người Việt sang Lào sẽ có những việc như trồng rau, phụ hồ, bốc phân bò và thồ hàng. Với sức vóc và tuổi nhỏ của em, phụ hồ và thồ hàng nặng nhọc quá, trồng rau cũng không phải dễ, tôi đoán em sẽ đi hốt phân bò. Tôi hình dung ra với nét mặt nhẫn nại này, em sẽ chọn hốt phân bò cho vừa sức mình. Em sẽ đi theo sau những con bò chờ phân rơi xuống rồi hốt, hay đi trên những con đường đất gồ ghề dưới nắng hạ Lào. Công việc hôi hám và cực nhọc lắm. Có thể em khát khô họng mà nhìn quanh không có nước uống, em liệu làm được bao lâu! Rồi khi kiếm được tiền em phải gửi về nhà, mẹ em sẽ chắt chiu để dành mỗi lần một chút, cho khi em về có tiền đóng cho thầy cô để được đi học lại. Em còn nhớ chữ nào trong đầu để đi học lại không?

 Trong những ngôi làng ở miền Trung, học trò lớn, nhỏ bỏ học đi kiếm sống nhiều lắm. Bắt đầu là người cha đi, rồi đến các anh lớn, rồi sẽ đến các em nhỏ. Họ phải đi để kiếm sống. Bà mẹ than thở “Mình không thương mình thì ai thương mình bây giờ.” Chồng và hai người con trai của bà bỏ học đi sang Lào làm ăn rồi. Mấy đứa lo ở nhà cũng không có tiền đóng cho thầy cô học thêm. Mà dù bây giờ có tiền trả tiền học, học xong cũng chẳng có việc làm, nên kéo nhau đi hết rồi.
Chuyện học hành khó khăn, chuyện tương lai mờ mịt như thế, các em phải bỏ đi kiếm việc sinh sống là điều đương nhiên phải đến.
Có em đi tha phương một mình, không có sự kiểm soát của cha mẹ, giáo huấn của gia đình, rất dễ rơi vào chỗ hư hỏng. Trách các em hay trách cái xã hội đã bỏ rơi em.
Những con chim sẻ Việt Nam bé nhỏ này, đang lao đầu bay vào không gian trong suốt trước mặt vì các em không nhìn thấy bức tường đá lởm chởm. Các em sẽ bể đầu, gẫy cánh, thương tích cùng mình. Có ai nhặt vào vỗ về trên những vết thương, cho các em nắm hạt kê, cóng nước, tìm cho các em một chỗ an toàn. Hay em sẽ bị những con người khác chụp các em như con mèo già trong xóm, con mèo rừng (raccoon) chụp con chim sẻ bé bỏng không biết tự vệ.
Ôi tuổi thơ Việt Nam, tôi thương các em muốn khóc.
tmt
6/11/201
(*) BảnTin nhật báo Người-Việt, tháng 6/08/2016
 http://www.diendantheky.net/2016/06/tran-mong-tu-chim-se-va-tuoi-tho-viet.html




Nhiều trẻ em ở Huế băng rừng sang Lào làm thuê Wednesday, June 8, 2016 4:16:52 PM

Liêu Thái/


HUẾ (NV) - Sau vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung và do thiếu thốn, nghèo đói, nhiều trẻ em ở Thừa Thiên-Huế bỏ học, theo người lớn sang Lào làm thuê. Cái giá mà các em phải trả cho việc kiếm tiền lúc tuổi còn nhỏ chính là tương lai mù mịt bởi không được học hành và thiếu sự kèm cặp, dẫn dắt của cha mẹ, gia đình.



Một bé trai đang bán bánh bột lọc tại cây xăng thuộc huyện Phú Lộc - Huế. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) Mặc dù đã ba lần liên lạc với cán bộ Sở Lao Động và thương binh xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm hiểu vấn đề trẻ em ở các xã Lộc Trì, Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bổn... huyện Phú Lộc bỏ học sang Lào làm thuê thì chỉ nhận đúng một câu trả lời là “hoàn toàn không có.”
Phú Lộc là một huyện nằm bên cạnh dãy núi Bạch Mã và biển Lăng Cô, có thể nói đây cũng là một trong các huyện có bề ngang hẹp nhất và chịu thiên tai nhiều nhất Việt Nam. Theo các giới chức thì “tỉ lệ trẻ em đến trường 100%,” nhưng trên thực tế thì mọi chuyện lại khác.

Cá chết thì kiếm cơm chỗ khác
Bởi chỉ trong một xã nhỏ, đã có đến ba em học sinh bỏ học theo cha sang Lào làm thuê cùng với người thân. Khi hỏi những người trong xóm cũng như hỏi cán bộ xã thì nhận được chung một câu trả lời là “mấy đứa đó nó học không nổi bỏ học để học nghề chứ có làm thuê gì đâu.” Và với cái kiểu lý luận “học không nổi thì bỏ trường đi học nghề, tốt thôi, không có gì là sai.”

Trong khi đó, nguyên nhân để dẫn đến tình trạng các em bé bỏ học theo người thân sang Lào làm ăn đều là do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, mùa màng thất bát và nhiều em trong số này có cha mẹ làm nghề đánh cá gần bờ trên biển Thuận An, phá Tam Giang. Và trong suốt hai tháng qua, nhiều gia đình rơi vào tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng nhưng lại không được nhà nước cứu trợ bởi họ không được xếp vào diện làng chài và họ cũng không sống ở khu vực sát biển.




Những ngôi nhà trở nên buồn bã sau khi trẻ em băng rừng sang Lào làm thuê. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) Chúng tôi tìm đến nhà ông Sự, gia đình có sáu người thì hết bốn người đã sang Lào làm thuê, đến nhà chỉ gặp được một cụ già và một phụ nữ ở nhà. Cụ già chính là bà nội của ba đứa trẻ đã sang Lào làm thuê, còn người phụ nữ là mẹ của ba đứa trẻ kia. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm tình hình gia đình. Người mẹ của ba đứa trẻ chép miệng: “Khó khăn quá nên phải để ổng dắt mấy đứa đi chứ không muốn như vậy đâu!”

“Ở đây người ta sang Lào làm thuê nhiều lắm. Bởi chỉ cần bắt xe lên A Lưới rồi đi đường rừng băng sang Lào, ở đó sẽ có vài người đã có kinh nghiệm đón đến chỗ làm việc. Thường thì trước khi đi làm, người bên Việt Nam sẽ liên lạc thông qua một trung gian và trả phí cho trung gian đó chừng một triệu đồng (tương đương $45).”

“Nhà tui trước giờ chưa sang bên đó làm bao giờ. Ông nhà là dân đánh bắt gần bờ, còn tui ra ngoài chợ bán cá, buôn thêm rau hành. Nhưng hai tháng nay không có cá để bán mà nếu có thì bán cũng không ai mua. Mấy đứa nhỏ lo không có tiền nộp thầy cô dạy thêm nên bỏ học. Tụi nó đi cùng ông nhà tui sang Lào làm ăn rồi. Bốn người đi nộp hết ba triệu đồng môi giới, vì bốn người nên họ giảm cho một triệu đồng. Nói là tiền môi giới nhưng trong đó gồm cả tiền xe nữa nên cũng hợp lý thôi!”
“Ở đây cũng không có nhiều gia đình có con bỏ học đi làm bên Lào lắm đâu, mấy xã Lộc Trì, Lộc An, Lộc Bổn kia mới có nhiều người đưa con sang bên Lào làm thuê. Ở bên đó chủ yếu là đi phụ hồ, trồng rau, bốc phân bò và thồ hàng. Nói chung có việc là làm, việc nào kiếm được nhiều tiền thì làm thôi. Vì làm chui nên khó nói lắm! Mấy gia đình có con đi làm thuê đều là dân chài cả, đói quá thì phải kiếm cơm thôi, có ai thương mình hơn mình đâu!”





Xúc vỏ hàu về làm vôi, một kiểu kiếm cơm qua ngày của người Phú Lộc. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) Nói đến đây, người phụ nữ mẹ của ba đứa con trai và vợ của một người chồng, cả bốn người họ đang làm thuê trên đất khách... rơm rớm nước mắt.
Kiếp lao động chui
Một buổi trưa chậm chạp trôi, chúng tôi lại lòng vòng, quay xe trở ra, băng qua hầm chui Phước Tượng và Phú Gia mà trước đây là hai con đèo khá hiểm trở có độ dài bằng nửa đèo Hải Vân trên tuyến Đà Nẵng - Huế. Đến xã Lộc Trì, chúng tôi lại tiếp tục tìm hiểu về đời sống và chuyện trẻ em bỏ học sang Lào làm thuê.

Một không gian vắng lặng hiện ra trước mắt. Khi chúng tôi hỏi thăm về các gia đình có con bỏ học sang Lào làm thuê thì ai cũng lắc đầu, nói rằng làm chi có chuyện đó. Nhưng chúng tôi lại hỏi tiếp, gặp một người ngồi uống bia bên quán ven đường. Ông này ngoắc chúng tôi vào, khi chúng tôi ngồi vào bàn, ông nói: “Muốn nghe chuyện phải tốn một thùng Huda (bia Huế sản xuất)!”
Sau khi chúng tôi làm quen và mời ông một thùng Huda, ông nói: “Ở đây không ai dám nhận gia đình mình có con bỏ học sang Lào làm ăn đâu. Phải giữ kín hết, nói vậy bị người ta phạt sao! Chỉ có mọi người thông cảm cho cái nghèo của nhau mà giấu kín.”





Một ngôi nhà có trẻ em sang Lào làm thuê. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) “Chuyện bỏ học sang Lào làm ăn ở đây nhiều lắm. Có đứa báo đau ốm xin nghỉ một tháng rồi xin cả giấy tờ khám sức khỏe hoặc nhập viện gì đó để mà đi làm, xong tháng lại về, dư cũng được hai ba triệu đồng. Cứ như vậy mà đi. Có đứa đi riết thành quen, về học hành chi được nữa vì mất hết căn bản, cuối cùng bỏ học đi làm luôn!”

“Thường thì làm bên Lào, nếu người lớn kiếm cũng được từ bảy triệu đồng đến mười triệu đồng, trẻ em kiếm cũng được từ ba triệu đến năm triệu. Tụi nó kháo nhau là có đi học lên tới đại học rồi cũng thất nghiệp, đi làm thuê tứ xứ. Chi bằng bây giờ làm thuê trước, tới tuổi tốt nghiệp đại học thì cũng có số vốn mà tiếp tục làm thuê. À, ở đây có nhiều đứa học xong đại học lại sang Lào làm thuê nhiều lắm!”

Dường như khi người ta không còn tin vào tương lai thông qua con đường học tập nữa thì chuyện trẻ em bỏ học đi làm thuê cũng không có gì là xa lạ hay đáng ngạc nhiên nữa chăng?
 
 

Thanh niên Huế luồn rừng sang Lào làm việc

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-05-20

Hai thanh niên trong nhóm công nhân đến từ Thừa Thiên Huế làm phụ hồ tại công trường Đại học ChămPasack, bên Lào.
 
Hai thanh niên trong nhóm công nhân đến từ Thừa Thiên Huế làm phụ hồ tại công trường Đại học ChămPasack, bên Lào.
 
Courtesy photo/vietnamnet

Vài tháng trở lại đây, hiện tượng các thanh niên, trai tráng trong các làng thuộc diện bãi ngang ở các huyện ven biển rủ nhau lên núi, luồn rừng trốn sang Lào để làm việc đang ngày càng trở nên cấp bách tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hầu hết những người trốn sang đất Lào để làm thuê đang độ tuổi lao động hoặc đang tuổi học sinh phổ thông trung học, nhiều em đã bỏ ngang việc học để tìm đường dây trốn sang Lào làm thuê. Vấn đề cần bàn ở đây là hố ngăn cách giữa giàu sụ và nghèo khổ ngày càng cao đã dẫn đến những quyết định sai lầm của lớp trẻ.


Giấc mơ đổi đời
Một bạn trẻ sống ở huyện Hương Điền, vừa từ đất Lào trở về, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Bên nớ thì chủ yếu qua làm gara, làm gỗ đồ rứa đó. Bên nớ làm mức tiền cao hơn, cho cái để dành, bên mình không có chỗ để làm. Nói chung là đi lai rai từng tốp sang bên đó chứ không đi đồng loạt…”.
Cũng xin nói thêm là theo bạn trẻ này, phần đông những bạn trẻ trốn sang Lào ở độ tuổi đang là học sinh phổ thông trung học, bỏ học vài tháng sau đó tìm đường mà đi đều là con nhà không phải quá nghèo, học hành cũng không đến nỗi tệ lắm và thường thì có đạo đức tốt, chưa bao giờ phá phách, gây mất lòng ai. Hay nói cách khác thì đó là những người tốt.


Bạn trẻ giấu tên đặt câu hỏi vì sao họ lại có quyết định hết sức sai lầm khi bỏ ngang học để tìm sang đất Lào làm thuê với tương lai mù mịt, vô định? Câu trả lời nằm ở chỗ chính vì là người tử tế, đàng hoàn nên ý thức về thân phận của các bạn trẻ cũng rất cao, thấy gia đình quá khó khăn, việc học hành của bản thân luôn gây ảnh hưởng đến cha mẹ, anh em, trong khi đó, họ mơ hồ nhìn thấy tương lai của mình qua những đàn anh đàn chị cố gắng nỗ lực vượt khổ để học xong tấm bằng đại học, để rồi sau tốt nghiệp lại cầm bằng gõ cửa khắp nơi, lại kiếm tiền đút lót để được vào làm việc, nhận lương ba đồng bab cọc hoặc về quê chăn lợn, bằng cấp thì chẳng có giá trị gì.

Chính cái tương lai mù mịt sau khi tốt nghiệp đại học, để gia đình nợ nần và hiện tại nghèo khổ, nếu không muốn nói là quá chật vật so với những gia đình cán bộ, quan chức đã thúc giục đôi chân những người trẻ bằng mọi giá phải tìm đường cứu gia đình. Và quyết định tìm sang đất Lào để làm thuê, kiếm tiền gởi về gia đình giống như một chiếc phao cứu sinh cho các bạn trẻ.

Điểm bán vé xe đi Lào tại Huế. RFA
 
Điểm bán vé xe đi Lào tại Huế. RFA


Bạn trẻ giấu tên này cho biết thêm là ở Thừa Thiên – Huế, nếu như tại thành phố và một số huyện lị không thuộc diện bãi ngang hoặc huyện miền núi thì nhìn có vẻ giàu có, thịnh vượng, không có gì để bàn... Thì khi nhìn sâu vào những huyện bãi ngang, những xóm chài, xóm lưới, xóm xóc dĩa, xóm đốn củi rừng, xóm nông… Dường như đời sống ở đây còn quá nghèo khổ, cái ăn, cái mặc vẫn là mối lo hằng ngày.


Nhiều gia đình có mức thu nhập thấp đến độ khó tin, cả một ngày quần quật làm việc chỉ kiếm được một trăm ngàn đồng nếu như kiếm được chỗ làm thuê, trường hợp thất nghiệp bám lấy mảnh vườn, đám ruộng để qua ngày thì thu nhập của họ chỉ còn lại co cụm từ mười ngàn đồng cho đến hai mươi ngàn đồng mỗi ngày.
Trong khi đó, nhà cửa họ cũng chưa ổn định, may mắn thì nhà cấp bốn, vẫn còn nhiều người ở các xóm chài dọc theo phá Tam Giang nhà cửa còn che chắn tạm bợ. Nếu nhìn nhà của những gia đình này rồi nhìn sang nhà cửa, biệt thự khang trang các quan chức địa phương, sẽ dễ dàng nhận ra đáp án cho câu hỏi vì sao thanh niên, học sinh Huế phải sớm bỏ học, sớm trốn sang đất nước Lào để làm thuê mặc dù họ không biết gì về đất nước mình sắp trốn sang.


Bạn trẻ này nói thêm rằng thời buổi bây giờ, không ai đến nỗi bị đói thiếu đến độ không có áo quần để mặc, không có gạo để nấu cháo như thời chiến tranh, nhưng khi mà thế giới đã tiến bộ đến đâu rồi, chẵng nhẽ lại ngồi khoanh tay chờ nhà nước xếp mình vào hộ nghèo đói để được vay vài đồng vốn mua bò về nuôi chưa biết lỗ lãi ra sao. Chính vì nghĩ như vậy mà các bạn trẻ mạnh dạn lên đường.


Chính sách cho người nghèo bất minh
Một bạn trẻ khác tên Hòa, sống ở huyện A Lưới, cho biết thêm: “Làm lao động thôi, mình sang đó làm thợ xây, chủ yếu là thợ xây, 75% ở đây trốn sang làm việc bên đó. Ví dụ như ở Việt Nam làm cả ngày nhưng được 200 ngàn đồng, bên Lào thì được 300 ngàn đồng. Cũng có cái để dành. Bây giờ đến đây chỉ gặp toàn bà già và con nít thôi, độ tuổi lao động đi hết rồi…”.
Theo Hòa, chính sách xét cấp hộ người nghèo ở đây không đúng đắn và có vẻ bất minh, chính vì kiểu xét cấp chính sách như vậy đã dẫn đến đời sống vốn khó khăn càng thêm khó khăn bởi sự thất vọng hoặc bất bình của những người không nhận được sự công bằng.

Điển hình là cha của Hòa, ông vốn là một thợ rừng giỏi, một mình đi làm thuê nuôi cả gia đình, mẹ của Hòa bị bệnh gai cột sống nên chẳng thể làm được những việc nặng, chỉ ở nhà làm những việc nội trợ, Hòa đang học lớp 11, bốn đứa em của Hòa có đứa học phổ thông cơ sở, có đứa học mẫu giáo.
Mọi vấn đề về tài chính đều do một tay cha người cha lo lắng, xoay xở. Đời sống của gia đình Hòa không đến nỗi đói nhưng thực sự thiếu trước hụt saiu. Thế nhưng nhiều lần chờ xét cấp hộ nghèo, nhiều lần xin xỏ mà vẫn không được. Chuyện này không riêng gì gia đình Hòa. Vẫn biết hằng năm nhà nước rót tiền cho các hộ nghèo vay vốn làm ăn nhưng các gia đình nghèo ở đây không hề biết đồng vốn đó hình thù gì.

Ngược lại, những gia đình có người làm cán bộ địa phương lại được vay phần vốn hộ nghèo mặc dù họ không hề nghèo. Có người vay về mua trâu bò nuôi lấy lãi, có người vay về để cho vay nặng lãi. Trường hơp bà Hội trưởng Hội Phụ nữ là một ví dụ.
Hiện tại, người nghèo đã nợ bà số tiền lên đến hàng tỉ đồng theo diện vay nặng lãi. Hòa tìm hiểu và biết được toàn bộ số tiền cho người nghèo vay đều bị bà ta thu gom về cho vay nặng lãi, thay vì cho vay lãi suất thấp theo tiêu chuẩn người nghèo. Rất nhiều người bất mãn vì chuyện này nhưng không có đủ bằng chứng để kiện bà ta.

Và chính vì đời sống quá khó khăn, trong khi đó cuộc sống đang ngày càng phát triển, đòi hỏi con người phải có tiền, phải ngước mặt để nhìn tương lai. Mà sự học hành của Hòa quá khổ sở, từ chuyện nộp học phí định kỳ cho đến học thêm. Hòa quyết định nghỉ học, trốn sang đất Lào để tìm tương lai.
Câu chuyện vượt biên tìm tương lai của người Việt Nam ở Nam vĩ tuyến 17 vẫn kéo dài từ 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay, hầu như chưa bao giờ kết thúc. Nếu trước đây người ta nghĩ đến chuyện vượt biển tìm sang các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc thì hiện tại, người ta nghĩ đến chuyện vượt rừng để tìm sang Lào, Campuchia. Tất cả cũng vì cái nghèo và sự bất mãn nào đó!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
 http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/hue-youth-cam-to-lao-wrk-05202015114259.html

Tuesday, June 14, 2016

OBAMA! OBAMA!


spain-obama 

 Trần Trung Đạo: Niềm đau Madrid, nỗi nhớ Sài Gòn

Chuyến viếng thăm Việt Nam của TT Barack Obama có lẽ là chuyến viếng thăm của một nguyên thủ quốc gia để lại nhiều cảm xúc trong lòng người Việt Nam nhất, không phải chỉ thiện cảm, xúc động, hân hoan, niềm nở khi ông đặt chân xuống Sài Gòn nhưng cũng để lại ít nhiều cay đắng, ngậm ngùi, trống vắng khi cánh cửa của Air Force One từ từ khép lại. 
Là một con người nặng tình cảm, TT Barack Obama hẳn đã đọc được những khao khát tự do dân chủ của người dân Việt Nam, nhất là tại Sài Gòn, qua cách chào đón họ đã dành cho ông. Và là một con người nặng tình cảm, ông đã để những cảm xúc riêng tư qua cách nói, cách cười, cách choàng vai tự nhiên, thân tình, đằm thắm lấn át vai trò của một nguyên thủ quốc gia trong nhiều nơi ông đã ghé thăm. Đừng quên, Barack Obama từng là một điều hợp viên cộng đồng với nhiều sắc dân ở Chicago lo việc dạy kèm, thuê nhà cho người nghèo nên việc ông hòa hợp dễ dàng vào giới bình dân không có gì lạ.
Nhưng dù gì đi nữa, cuối cùng, quyền lợi và chính sách lâu dài của nước Mỹ vẫn trên hết.


Lịch sử để lại vô số bài học.

Madrid tháng 8, 1944


Ngày 25 tháng Tám, 1944 Paris chính thức được giải phóng. Tư lịnh Đức Tướng Dietrich von Choltitz, người từ chối lệnh của Hitler chiến đấu tới cùng cho đến khi Paris chỉ còn là đống gạch vụn, đầu hàng tại khách sạn Meurice. Trong lúc các lực lượng đồng minh tiến về phía Bắc để tấn công sang lãnh thổ Đức, một bộ phận tiếp tục giải phóng các tỉnh miền Nam nước Pháp.


Ảnh hưởng từ các cuộc nổi dậy của nhân dân Pháp tại những nơi quân đội đồng minh sắp đến vang dội sang tận Tây Ban Nha lúc đó đang chịu đựng dưới sự cai trị độc tài hà khắc của tướng Francisco Franco.


Francisco Franco (1892-1975) thiết lập chế độ độc tài toàn trị Phát Xít tại Tây Ban Nha khi phe quân phiệt của ông ta dưới danh nghĩa Bảo Hoàng với sự giúp đở của Hitler và Mussolini thắng Nội chiến Tây Ban Nha. Dưới chế độ hà khắc của Franco, khoảng từ 200,000 đến 400,000 người bị giết và vô số người bị đày ải trong 190 trại tập trung trên khắp Tây Ban Nha.

Mặc dù tuyên bố “trung lập” trong Thế chiến Thứ Hai, Franco cho phép hải quân Đức và Ý cập các cảng Tây Ban Nha và tình báo của phe Trục được quyền hoạt động trên đất Tây Ban Nha. Ngoài ra, Franco còn chấp thuận cho Sư Đoàn Xanh (Blue Division) tình nguyện chiến đấu bên cạnh quân đội Hitler tại các mặt trận Volkhov và Leningrad.

Với hai lý do, một chế độ Franco độc tài Phát Xít chà đạp lên các quyền tự do của con người và đồng minh của Hitler trong Thế chiến Thứ Hai, không ít người dân Tây Ban Nha tin rằng sau khi giải phóng nước Pháp, quân đội của Mỹ, nước dân chủ hàng đầu thế giới, sẽ có tất cả lý do chính đáng để giải phóng Tây Ban Nha khỏi ách độc tài Francisco Franco, xây dựng một Tây Ban Nha dân chủ và sẽ là một đồng minh thân cận, vững chắc của Mỹ bên bờ Địa Trung Hải.

Với lòng tin tưởng quân đội Đồng Minh sắp giải phóng Tây Ban Nha, tại thủ đô Madrid, các phong trào sinh viên Tây Ban Nha đã tổ chức hàng loạt các cuộc biểu tình, nổi dậy, phân phối truyền đơn kêu gọi các tầng lớp nhân dân Tây Ban Nha đứng lên lật đổ độc tài Francisco Franco.


Không. Quân đội đồng minh không vượt biên giới Pháp Tây Ban Nha và phong trào sinh viên Tây Ban Nha đã bị Franco dập tắt một cách đẫm máu.

Lý do quân Mỹ không vượt biên giới. Từ khi phần thắng của Thế chiến Thứ Hai nghiêng về phía Đồng Minh, các lãnh đạo đồng minh đã hình dung ra một bản đồ mới, một trật tự mới tại châu Âu. Riêng đối với trường hợp Tây Ban Nha, Stalin muốn trừng phạt Tây Ban Nha về tội “liên minh” với Đức nhưng Franklin Roosevelt và TT Winston Churchill từ chối. TT Mỹ và TT Anh chẳng những không muốn can thiệp vào chế độ chính trị Tây Ban Nha mà còn muốn dùng Franco để chống lại Stalin sau thế chiến.

Khi TT Franklin Roosevelt qua đời ngày 12 tháng Tư 1945, Phó TT Harry Truman lên thay đã khai triển quan điểm bao vây Liên Xô một cách cụ thể hơn trong chủ thuyết được gọi là Chủ Thuyết Truman (Truman Doctrine). Trong kế hoạch đó, ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa CS là trọng điểm và ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mỹ o bế Franco vì biết y là người chống Liên Xô triệt để. Đáp lại, Franco cho phép Mỹ thiết lập bảy căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Tây Ban Nha.

Sài Gòn tháng 5, 2016, hàng trăm ngàn người thuộc nhiều thế hệ đổ ra đường chờ suốt mấy giờ để đón chào tổng thống Mỹ.

Như đã viết trong bài trước, người dân miền Nam đón chào một người đại diện cho thế giới tự do hơn là tổng thống một quốc gia. Tiếng hoan hô TT Barack Obama bằng tiếng Anh, bằng tiếng Việt vang lên trên đường phố Sài Gòn. Một lần nữa cho thấy mạch sống dân chủ trong lòng người dân miền Nam vẫn còn chảy.

Những em nhỏ sinh ra hay lớn lên ở Sài Gòn sau 1975 có thể không nhận ra nhưng dân chủ ở miền Nam là những hạt giống do Phan Chu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và rất nhiều nhà cách mạng miền Nam khác gieo xuống hàng thế kỷ trước đã mọc ra, lớn lên trong ý thức các em và đã là một phần trong máu huyết của các em. Điều đó giải thích tại sao các em cảm thấy gần gũi với lãnh đạo một quốc gia dân chủ từ xa xôi đến hơn là những “lãnh đạo đất nước” cùng dòng giống với mình.

Sau 41 năm, người dân miền Nam vẫn còn mang tâm lý sống trong vùng bị chiếm hơn là dân của một “nước Việt Nam thống nhất”. Người dân Sài Gòn vẫn mang nặng trong tim một nỗi nhớ Sài Gòn, dù họ sinh ra, lớn lên hay chỉ nghe lời kể lại của ông bà, cha mẹ.

Hơn mười năm trước, trên talawas, người viết đã có dịp phân tích những bản án mà đảng CS dành cho các nhà tranh đấu miền Nam bao giờ cũng nặng nề hơn, tù đày lâu hơn những người đấu tranh phát xuất từ miền Bắc:

Trong lúc tôi vô cùng kính trọng những tiếng nói dân chủ vọng lên từ miền Bắc, những bản án dài hạn hơn nhiều mà giới lãnh đạo Đảng Cộng sản đã dành cho những nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền phát xuất từ miền Nam cho thấy rằng, ba trăm năm sau, con sông Gianh cách ngăn dân tộc từ thời Trịnh Nguyễn vẫn còn chảy, không phải ở Quảng Bình mà chảy ngay giữa lòng Hà Nội, chảy trong tư duy của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.


Tương tự, những phân chia ngăn cách Bắc Trung Nam từ thời thực dân chẳng những không được lấp lại, trái lại mỗi ngày bị đảng đào sâu thêm. Chính sách trả thù đã thể hiện không những đối với những người cầm súng, những viên chức chính quyền cũ mà còn áp dụng một cách tàn nhẫn đối với gia đình họ, con cái họ và thậm chí còn mở rộng đến nhiều triệu người dân vô tội chỉ vì họ sống bên này sông Bến Hải. Sau 1975, trong lúc hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị tù đày trong rừng sâu nước độc, hàng triệu thân nhân họ cũng đã gánh chịu nhiều cực hình không kém phần độc ác. Tôi đã gặp những đứa bé miền Nam có cha mà như không cha, có mẹ mà như mất mẹ, sống lang thang đầu đường cuối chợ. Tôi đã gặp những đứa bé miền Nam thông minh nhưng không có một cơ hội đến trường, chỉ biết đứng bên ngoài cổng trường mà khóc. Đảng nói gì chưa với những mái tóc xanh kia?”


Những “mái tóc xanh” lang thang trên đường phố Sài Gòn sau 1975 bây giờ đã lớn, đã ngoài tuổi 40, nhưng ký ức của tuổi thơ hãi hùng sẽ không bao giờ phai nhạt. Sự có mặt của TT Barack Obama là cơ hội để các em bày tỏ thiện cảm dành cho tổng thống một nước dân chủ nhưng đồng thời cũng để nhà cầm quyền CS thấy sự khinh bỉ của các em dành cho các lãnh đạo độc tài.


Hàng năm, các loa tuyên truyền của đảng vẫn tiếp tục lập lại bài hát “hòa giải hòa hợp dân tộc” vào mỗi dịp 30 tháng 4, nhưng 41 năm trôi qua chính sách phân biệt đối xử của đảng CSVN đối với người dân miền Nam vẫn không thay đổi.

Trước đây, con số 20 năm tù trở thành một loại tiêu chuẩn dành cho những người tranh đấu nổi tiếng ở miền Nam như Linh mục Nguyễn Văn Lý (bị kết án 20 năm tù, 1977), Bác sĩ Nguyễn Đan Quế (bị kết án 20 năm tù, 1990), Gs Đoàn Viết Hoạt (bị kết án 20 năm tù, 1993) và hiện nay cũng thế, Trần Huỳnh Duy Thức (bị kết án 16 năm tù cộng với 5 năm quản chế, 2010).


Ngoài chính sách cai trị dựa trên lý lịch, quá khứ, việc kết án nặng nề dành cho các nhà tranh đấu miền Nam còn chứng tỏ đảng rất sợ dân miền Nam. Nhưng sợ hay không sợ, khao khát tự do dân chủ như ngọn lửa âm ỉ trong lòng người sẽ một ngày bùng lên thành cách mạng.


Niềm đau Madrid, nỗi nhớ Sài Gòn


Người viết đọc câu chuyện phong trào sinh viên Madrid trong một tạp chí ở Sài Gòn trước 1975. Thời gian dài trôi qua, tên tuổi đã quên, nhưng sự hy sinh của họ vẫn còn sống trong ký ức và niềm tiếc thương dành cho sự hy sinh của họ vẫn còn trĩu nặng đến bây giờ.

Dù trong sáng và cao quý bao nhiêu, số phận của các lãnh đạo phong trào dân chủ Tây Ban Nha chắc chắn đã không được nhắc tới trong các phiên họp bàn viễn ảnh về châu Âu của Anh Mỹ. Tương tự, số phận của Trần Huỳnh Duy Thức và hàng trăm tù nhân lương tâm Việt Nam đang bị tù đày cũng không được TT Obama đặt ra như một điều kiện với lãnh đạo CSVN trong chuyến viếng thăm Việt Nam. Vì thế, TT Obama đã rời Việt Nam nhưng những “đáng tiếc”, “lẽ ra”, “phải chi” vẫn còn nghe đây đó.

Trước mặt các nhà kiến trúc chính trị Mỹ chỉ có tấm bản đồ chứ không có tên tuổi người nào. Họ xây dựng chính sách đối ngoại với Trung Cộng từ kinh nghiệm đương đầu với Liên Xô. Liên Xô rất mạnh ở trung tâm nhưng yếu ở các vòng ngoài. Mikhail S. Gorbachev biết rõ điểm yếu đó và từng ra lịnh đàn áp cuộc nổi dậy đòi độc lập của nhân dân Lithuania 1989 để cứu vãn Liên Xô nhưng thất bại khi các nước vùng Baltic cùng đứng dậy.

Dĩ nhiên Mỹ phải chuẩn bị cho mọi hình thức sụp đổ của Trung Cộng nhưng dù khả năng nào, chính sách bao vây ngăn chận (containment) vẫn là bước đầu được hầu hết các tổng thống Mỹ, theo mức độ khác nhau, đã và đang theo đuổi. Cuộc “Chiến tranh Lạnh” khác đã bắt đầu ở Á Châu. Mỹ sẽ gia tăng áp lực, kể cả áp lực quân sự, từ bên ngoài để hy vọng Trung Cộng một ngày sẽ tan vỡ từ bên trong, giống như các TT Mỹ từ Harry Truman đến Ronald Reagan đã thực hiện và thành công đối với Liên Xô.

Thực tế chính trị quốc tế là vậy. Đừng nói chi là một phong trào dân chủ, dù Tây Ban Nha hay Việt Nam, mà ngay cả một quốc gia lớn như Tiệp Khắc còn bị Anh Pháp tặng không cho Hitler tại Hội nghị Munich trước Thế chiến Thứ Hai và một lần nữa bị Anh Mỹ bỏ rơi tại Hội nghị Yalta để cuối cùng rơi vào tay Stalin sau Thế chiến Thứ Hai. Từ một sinh viên cho đến lãnh đạo Tiệp không ai không xót đau, thương tiếc cho hàng triệu cái chết oan uổng của các thế hệ trước, nhưng thay vì nuôi thù báo oán họ tập trung xây dựng lại đất nước thịnh vượng và tự do dân chủ cho hôm nay và cho các đời sau.

Câu nói “vận mệnh Việt Nam nằm trong tay người Việt” của TT Obama là câu nói thành thật không phải với tư cách tổng thống Mỹ mà là một con người. Bởi vì, giá trị của một con người hay một đất nước cũng thế, không phải ở chỗ ngã xuống mà ở chỗ biết đứng lên, vượt qua và tiếp tục hành trình đi về phía trước. Không ai chết thay cho dân tộc Việt Nam ngoài dân tộc Việt Nam và cũng không ai cứu Việt Nam ngoài chính dân tộc Việt Nam.
 http://www.trantrungdao.com/?p=3486


Nỗi buồn tháng 5 - Việt Nam

Lê Dủ Chân (Danlambao) - Dư âm chuyến thăm Việt Nam của ông Tổng Thống Mỹ Barack Obama trong những ngày cuốt tháng 5 vừa qua chắc hẳn vẫn còn tồn tại trong tâm tưởng của các bạn, của đa số người dân Hà Nội, Sài Gòn và trên cả nước.
Nhìn cảnh người dân Sài gòn, Hà Nội, nhất là giới trẻ tự nguyện túa ra đường, tụ tập tại các nơi ông Obama đi qua hay đặt chân đến tự nhiên trong lòng tôi có những cảm nhận rất ư là mâu thuẫn đó là vui lẫn buồn, Thành thật mà nói thì buồn nhiều hơn vui!
Tại sao vui? Bởi vì:
1- Sau 70 năm bị tuyên truyền tẩy não dưới chế độ cọng sản, các giá trị của tự do, dân chủ và nhân quyền vẫn còn tồn tại trong tâm thức của đa số người dân Viêt Nam, nhất là giới trẻ, nơi hai thành phố ông Obama đến thăm. Tôi tin rằng tình cảm nồng nhiệt mà các bạn thể hiện trong những ngày ấy chỉ có một phần nhỏ phát xuất từ sự ngưởng mộ nhân cách của cá nhân ông Obama, phần lớn còn lại là vì ông Obama là người đại diện cho nước Mỹ, một đất nước trở thành cường quốc số 1 trên thế giới nhờ vào lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền và dân quyền (quyền công dân).
2- Dù sống dưới chế độ độc tài công an trị, thường xuyên đối diện với khủng bố, còng số 8, nhà tù, nhưng đa số người dân Việt Nam, điển hình là dân Sài Gòn và Hà Nội, nhất là giới trẻ, vẫn còn giữ được tinh thần phản kháng, dám công khai bày tỏ tình cảm, tâm tư, chính kiến của mình mà không cần đếm xỉa gì đến phản ứng của nhà cầm quyền, khác hẳn với gần non một thế kỷ qua tinh thần này đã bị đảng cọng sản bóp nghẹt đến nỗi nhà thơ Phùng Quán phải thảng thốt than rằng:
...Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...
3- Người dân Việt Nam, điển hình là dân Sài Gòn và Hà Nội, nhất là giới trẻ đã nhận chân được ai là bạn, ai là kẻ thù, ai là người đồng hành với Việt Nam chống xâm lăng bành trướng, ai là kẻ âm mưu lấn chiếm Việt Nam.
4- Chính sách tuyên truyền, đầu độc của đảng cọng sản trong 70 năm qua hoàn toàn bị phá sản trước nhận thức của người dân Việt Nam, điển hình là dân Sài Gòn và Hà Nội, nhất là trong giới trẻ. Những luận điệu "Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào, đế quốc Mỹ xâm lược, đời đời nhớ ơn Trung Quốc, tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững..." đã trở thành những tiếng kêu lạc lõng của côn trùng, ếch nhái nơi đồng khô cỏ cháy hay những tiếng gầm rú tuyệt vọng của loài hoang thú nơi rừng độc núi sâu.
Tại sao buồn? Bởi vì:
1- Ước gì khi biển đảo Việt Nam bị lấn chiếm, ngư dân bị bắn giết, người dân Việt Nam, điển hình là dân Sài Gòn và Hà Nội, nhất là giới trẻ cũng hành động giống như các bạn đã làm trong trường hợp chào đón ông Obama Tổng Thống nước Mỹ!(*)
2- Ước gì khi biển miền Trung bị đầu độc, người dân Việt Nam, điển hình là dân Sài Gòn và Hà Nội, nhất là giới trẻ cũng hành động giống như các bạn đã làm trong trường hợp chào đón ông Obama Tổng Thống nước Mỹ!(*)
3- Ước gì đối với dân oan bị đàn áp, người dân Việt Nam, điển hình là dân Sài Gòn và Hà Nội, nhất là giới trẻ cũng hành động giống như các bạn đã làm trong trường hợp chào đón ông Obama Tổng Thống nước Mỹ!(*)
4- Ước gì đối với các người đấu tranh cho tự do, dân chủ bị trấn áp, bị bỏ tù, người dân Việt Nam, điển hình là dân Sài Gòn và Hà Nội, nhất là giới trẻ cũng hành động giống như các bạn đã làm trong trường hợp chào đón ông Obama Tổng Thống nước Mỹ!(*)
Kính thưa các bạn
Với cương vị là Tổng Thống nước Hoa Kỳ, ông Barack Obama thay mặt nhân dân Mỹ đến thăm Việt Nam với mục đích củng cố quan hệ bang giao giữa hai nước Việt Mỹ trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Là Tổng Thống của cường quốc số 1 trên thế giới cùng với quyền lợi Việt Nam có được qua chuyến viếng thăm này, ông Obama xứng đáng với sự đón tiếp nồng nhiệt của các bạn và người dân Việt Nam.
Tuy nhiên biển đảo, đất đai của ông cha ta để lại, sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc; Môi trường sống bị đầu độc, thực phẩm bị đầu độc di hại đến sự tồn vong hàng trăm năm sau của dân tộc Việt; Hàng trăm ngàn đồng bào ruột thịt chúng ta bị cướp nhà, cướp đất, cướp ruộng vườn trở thành vô gia cư, sống lây lất bên lề đường; Hàng loạt người vì cuộc sống hôm nay của chúng ta, vì tương lai ngày sau của đất nước đã hy sinh hạnh phúc gia đình, tương lai của bản thân đứng lên đòi hỏi tự do, dân chủ và quyền người đang bị tù đày, khủng bố, trù dập không xứng đáng để chúng ta hành xử như đã hành xử với ông Obama hay sao? Câu hỏi này chưa được trả lời làm sao không buồn được hởi các bạn!
13/06/2016
danlambaovn.blogspot.com


 

Bùi Minh Quốc - Thân Mỹ cứu nước!

Thứ Ba, ngày 14 tháng 6 năm 2016

Nhân dân đã từng có bề dày trải nghiệm và vô vàn sáng kiến về tổ chức. Mỗi tổ chức bao giờ cũng bắt đầu từ một số rất ít những con người thức tỉnh sớm, dám dấn thân với động cơ trong sáng, tìm đến nhau như tìm tri âm tri kỷ, và tự nguyện kết chặt với nhau thành một nhóm trung kiên chí cốt, nguyện thành tâm hiến trọn đời mình cho sự nghiệp chiến đấu vì Tổ Quốc và Quyền Dân.
Tên đầy đủ của bài này là: Thân Mỹ, chống bành trướng, chống độc tài, cứu nước, cứu nhà, cứu mình!
Tinh thần ấy, ý chí ấy đã hiển thị hùng hồn chưa từng có từ gương mặt ánh mắt nụ cười và phong thái của hàng ngàn hàng ngàn người dân Việt tự nguyện, tự động, chủ động đầy hào hứng nhiệt thành cùng nhau đi đón chào Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Việt Nam (22 tháng 5.2016 – 25 tháng 5.2016).
Tôi tin rằng người dân ý thức rất rõ, khi giơ tay vẫy chào Obama là chào mừng sự kết hợp các giá trị truyền thống Việt với các giá trị Mỹ (và phương Tây).Giá trị truyền thống Việt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”…, “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
Giá trị Mỹ và phương Tây: Tự do, dân chủ, nhân quyền. Đây cũng đồng thời là giá trị phổ quát của toàn nhân loại mà nhân dân tại tất cả các quốc gia chưa có dân chủ đang hàng ngày hàng giờ hướng tới.
Tôi tin rằng người dân ý thức rất rõ: một chàng trai gốc Phi có tên Barack Obama xuất thân bình dân trở thành Tiến sĩ luật rồi Thượng nghị sĩ và Tổng thống Mỹ chính là biểu hiện tính ưu việt của nền dân chủ Mỹ mà bất cứ ai, bất cứ thế lực nào dù ác ý đến đâu cũng không thể tìm cách gì hạ thấp.
Sự kết hợp các giá trị truyền thống Việt với các giá trị Mỹ và phương Tây đã được nhân dân Việt Nam viết lên ngực mình bằng tám chữ máu:
TỔ QUỐC TRÊN HẾT, QUYỀN DÂN TRÊN HẾT!
Với cuộc viếng thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, sự nghiệp thân Mỹ, chống bành trướng, chống độc tài, cứu nước, cứu nhà, cứu mình của nhân dân Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn thuận lợi vượt bực. Tôi thấy nhân dân đã cùng nhau tận dụng điều kiện thuận lợi mới này để bắt tay vào những công việc cụ thể, thiết thực.
Công việc bao trùm là đẩy mạnh dân vận, đảng vận, nghị vận, binh vận để xây dựng LỰC LƯỢNG CÔNG DÂN MỚI (từ MỚI ở đây là để phân biệt người dân trong chế độ độc tài toàn trị tuy có danh nghĩa công dân nhưng thực chất vẫn chỉ là một thứ thần dân dưới ách “Vua tập thể” = Bộ Chính trị & Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam).
Vận động trên bề nổi công luận và vận động thầm lặng từ cơ sở lên mọi cấp thông qua mối quan hệ của từng công dân, từng gia đình, từng tổ chức cả Lề Đảng lẫn Lề Dân.
Vận động để thống nhất nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng có tính quyết định của tiến trình dân chủ hoá là phải XÂY DỰNG CHO BẰNG ĐƯỢC LỰC LƯỢNG CÔNG DÂN MỚI.
Nhân dân đã tự xác định NGƯỜI CÔNG DÂN MỚI:
- Là người có ý thức rõ rệt về các quyền và trách nhiệm của mình;
- Là người có ý thức làm chủ, ý chí làm chủ, kỹ năng làm chủ; làm chủ trong mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói và việc làm, trước hết là làm chủ tiếng nói chính trị, kinh tế và văn hoá, làm chủ lá phiếu;
- Là người thấy rõ các quyền công dân cơ bản của mình như “quyền tự do ngôn luận”, “quyền tự do báo chí, xuất bản”, “quyền tự do biểu tình”, “quyền tự do hội họp, lập hội, lập nghiệp đoàn”, “quyền tự do ứng cử bầu cử” về hình thức cũng được long trọng ghi trong Hiến pháp nhưng dưới chế độ toàn trị này đã bị thủ tiêu trên thực tế; công dân phải có trách nhiệm tự đứng lên tích cực chủ động thực hiện các quyền ấy; công dân phải đòi Nhà nước thực hiện trách nhiệm của Nhà nước là tạo môi trường thuận lợi để người dân thực thi các quyền con người của mình, đòi Nhà nước chấm dứt việc hạn chế trên thực tế các quyền đó dưới mọi hình thức.
Các bài học lịch sử đã chỉ rõ: muốn đẩy nhanh tốc độ xây dựng LỰC LƯỢNG CÔNG DÂN MỚI đạt hiệu quả cao, phải tiến hành có tổ chức.
Đúng vậy, tổ chức, tổ chức và tổ chức.
Nhân dân đã từng có bề dày trải nghiệm và vô vàn sáng kiến về tổ chức. Mỗi tổ chức bao giờ cũng bắt đầu từ một số rất ít những con người thức tỉnh sớm, dám dấn thân với động cơ trong sáng, tìm đến nhau như tìm tri âm tri kỷ, và tự nguyện kết chặt với nhau thành một nhóm trung kiên chí cốt, nguyện thành tâm hiến trọn đời mình cho sự nghiệp chiến đấu vì Tổ Quốc và Quyền Dân.
Có vô vàn hình thức tổ chức.
Người dân đang khôn khéo tiến hành lập tổ chức từ những cách làm dễ nhất đến ít dễ hơn, đến khó hơn. Từ Câu lạc bộ (viết tắt: CLB, loại tổ chức không cần xin phép), đến các hội đoàn ra đời bằng cách tự hiện thực hoá quyền tự do lập hội đã ghi trong Hiến pháp.
Đã ra đời CLB VÌ MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHOẺ NGƯỜI DÂN. Rồi sẽ tiếp tục ra đời các CLB và hội đoàn hết sức phong phú với mọi kiểu dạng và nội dung hoạt động. Đó có thể là:
CLB cựu đảng viên yêu nước vì dân
CLB XÂY DỰNG NGƯỜI CÔNG DÂN MỚI
CLB Công dân tự ứng cử vào Quốc hội
CLB xây dựng các địa bàn dân cư với lượng Công dân – cử tri mới từ thiểu số trở thành đa số
v.v.
Có thể xây dựng những CLB, hội đoàn toàn quốc.
Cũng có thể từng địa phương tích cực chủ động xây dựng các CLB, hội đoàn của địa phương mình.
Rồi tiến tới liên kết thành một MẶT TRẬN CÔNG DÂN VIỆT NAM MỚI.
Tôi tin rằng nếu từng người từng ngày tích cực chủ động vào cuộc thì trong một thời gian không quá lâu, Mặt trận này sẽ có khoảng 30-40 triệu thành viên.
Đây sẽ là lực lượng quyết định cho sự nghiệp THIẾT LẬP QUYỀN LÀM CHỦ THỰC SỰ của nhân dân Việt Nam trên đất nước Việt Nam.
Đà Lạt tháng 6/2016
B. M. Q.
Tác giả gửi BVN.
http://www.diendantheky.net/
 

Lê Hữu - Obama, ngày vui qua mau

Chủ Nhật, ngày 12 tháng 6 năm 2016

Ảnh: Pete Souza / White House/Instagram 
"Nhà lãnh đạo giỏi và được lòng dânlà nhà lãnh đạo mà người dânthích được cùng chụp hình selfie.” 
Ngày vui qua mau, “cơn sốt Obama” đã tạm lắng xuống. Chuyến đi lịch sử của ông Obama đến Việt Nam nay chỉ còn lại những tấm ảnh màu. Trong số những ảnh “kỷ niệm một chuyến đi” ấy, tấm ảnh Tổng Thống Mỹ và tay đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain dùng bữa tối tại một quán ăn bình dân với thực đơn là món bún chả và bia Hà Nội được cư dân mạng bình chọn là ảnh “hot” nhất. Cả những tờ báo lớn nước ngoài cũng đồng loạt đăng lại ảnh này và xếp hạng đầu trong số những ảnh “ấn tượng” nhất của tuần lễ cuối tháng Năm (bên cạnh ảnh các nhà lãnh đạo G7 trồng cây lưu niệm trước giờ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh ở Nhật, ảnh chiếc tàu chở gần 600 người nhập cư bị lật úp ngoài khơi Libya…).


Những ảnh đẹp về một chuyến đi
Tấm ảnh ấy, nếu phổ biến trước ngày ông Obama đến Việt Nam, người xem dễ nghĩ đấy là ảnh ghép với thủ thuật photoshop, ghép hình ông Obama và một bạn nhậu đang ngồi lai rai với nhau trong một quán ăn nào đó trong số rất nhiều quán xá như thế ở Việt Nam. Tấm ảnh khôi hài có tên “Một hai ba…, dzô!” chẳng hạn. Thế nhưng, đấy lại là ảnh thật, nói như trong nước là “người thật, việc thật”, mặc dù có chút dàn dựng đối với các diễn viên phụ (mặt mũi tỉnh queo không thèm biết hai thực khách ngồi gần mình là ai). 
Vì sao tấm ảnh này lại có sức hấp dẫn đối với người trong nước đến như thế? Cũng dễ hiểu thôi, thứ nhất, tấm ảnh thật lạ, lạ đến khó tin; thứ hai, tấm ảnh minh họa rõ nét phong thái của nhà lãnh đạo một đất nước tự do, không giống như lãnh đạo… nước mình.
Báo chí nước ngoài thì chỉ chú ý đến cái giá 6 USD quá rẻ cho bữa ăn hai người và tỏ ra thích thú với cảnh ông Obama “enjoy” bữa ăn tối sau một ngày dài làm việc khá bận rộn và mệt mỏi. Trông tác phong hai vị thực khách này chẳng khác gì những anh chàng Tây ba-lô vẫn gặp đâu đó trên đường Bùi Viện, Đề Thám hay Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn. Nhu cầu khám phá “văn hóa ẩm thực” của người Việt khiến hai chàng chẳng nề hà gì mà ngồi sà ngay xuống hai chiếc ghế thấp bên chiếc bàn thấp vẫn thấy ở những quán cóc xập xệ, không có được cái lưng ghế để mà dựa dẫm tấm lưng rộng cho đỡ mỏi.  
Đối với nhiều người Việt thì đây là tấm ảnh “đẹp” nhất trong chuyến thăm Việt Nam của ngài Tổng Thống Mỹ. Ảnh chụp ông ngồi trong một quán bún chả ở Hà Nội với một ông bạn trông khá “ngầu”, ăn mặc lè phè, áo bỏ ngoài quần, cánh tay xăm trổ vằn vện, cả hai cùng ngửa cổ nốc một hơi chai bia ướp lạnh, chứ không phải ảnh ông cùng Chủ tịch nước duyệt hàng quân danh dự, hay ảnh cuộc hội đàm song phương giữa các quan chức cao cấp Việt-Mỹ, hay ảnh lễ ký kết hợp đồng “khủng” phía Việt Nam đặt mua 100 máy bay Boeing trị giá đến hơn 11 tỷ USD…
Một tấm ảnh khác cũng đẹp không kém, tuy không được phổ biến bằng ảnh “Một hai ba…, dzô!” nhưng tính chân thực của ảnh thì không ai nghi ngờ gì được. Ảnh này cũng nằm ngoài các sự kiện ghi trong lịch làm việc của ông Obama ở Việt Nam.
Hôm ấy, trưa ngày 24/5, giữa cơn mưa tầm tã trên đường ra sân bay Nội Bài để đáp Air Force One vào thăm Sài Gòn, lấy cớ tìm mua cốm, một đặc sản truyền thống của làng Mễ Trì, ông Obama ngẫu hứng ra hiệu cho đoàn xe tạt vào một khu chợ nhỏ ở đầu làng để “thăm dân (Việt) cho biết sự tình”. Người dân làng khó mà tin ở mắt mình khi trông thấy xa giá của “nhà vua” và dàn xe bóng loáng của đoàn tùy tùng bất ngờ dừng lại gần cổng làng giữa cơn mưa nặng hạt. Tổng Thống Mỹ xuống xe, khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười nở rộng, một tay cầm dù che mưa, một tay đón bắt những bàn tay chìa ra giữa đám đông lố nhố, bước qua những vũng nước mưa trơn trợt, tạt vào quán nước trà đá ven đường. Cô chủ quán có nằm mơ cũng không ngờ được rằng người khách lạ nước ngoài cao lêu nghêu, nước da ngăm ngăm đen, bước vào cái quán lụp xụp của mình xin trú mưa lại là ngài Tổng Thống của xứ sở giàu có và văn minh nhất thế giới đến từ bên kia bán cầu. 
“Ông ấy hỏi tôi”, cô chủ quán kể, “‘ngoài nước trà đá, thuốc lá, kẹo cao su chị còn bán thêm thứ gì nữa không?’ Đang lúc bất ngờ, tôi trả lời ‘Thưa chỉ bán có thế này thôi, đến mùa cốm thì có thêm cốm.’”
Tôi chắc ông Obama nghe câu trả lời mà không khỏi chạnh lòng.
“Sau đó ông mời tôi chụp chung bức ảnh làm kỷ niệm,” chủ quán kể tiếp. “Ban đầu tôi còn ngại vì ăn mặc không đẹp, nhưng khi nghe mọi người nói đây là người đứng đầu nước Mỹ thì tôi không ngại nữa. Chụp ảnh xong, ông ôm tôi nói cám ơn.”
Tấm ảnh cô chủ quán trà đá vẻ mặt ngời sáng ngước nhìn ngài Tổng Thống Mỹ đứng bên cạnh chụp hình chung với gia đình mình trong quán nước xập xệ, nhếch nhác và trong tiếng mưa rơi lộp độp trên những mái tôn trống hoác là tấm ảnh thật đẹp với những nụ cười hạnh phúc từ trời rơi xuống.

Câu chuyện ông Obama đội mưa làm một chuyến vi hành thăm người dân nghèo ở một làng quê ven đô đẹp như… câu chuyện thần tiên. 
Những ảnh trên sẽ được người Việt nhớ mãi về sau này. Những tấm ảnh lý thú và độc đáo, nói như trong nước là ảnh “chạm đến trái tim”.
Cái xăn tay áo của ông Obama
Tôi chắc không chỉ người Việt mình mà cả đến ông Obama cũng yêu thích những tấm ảnh này. Trong ảnh, ông như hoá thành một người nào khác, không giống những tấm ảnh ông phải trình diễn một vẻ trịnh trọng cho phù hợp với nghi thức ngoại giao và vai tuồng vị nguyên thủ của một siêu cường. Không giống tấm ảnh ông ngồi bên dãy phái đoàn Mỹ, đối diện các quan chức Việt Nam trong những cuộc hội đàm song phương. Mặt mũi ai nấy đều nghiêm trọng. Phía chủ nhà, người mời khách đến chơi, không có lấy một nụ cười xã giao thân thiện. Những bộ mặt lạnh như tiền làm nhớ tới các cuộc hội đàm tại bàn hòa đàm Paris mấy mươi năm về trước để tìm một thỏa hiệp chấm dứt chiến tranh Việt Nam giữa các bên tham chiến. Cả đến lúc cụng ly trong buổi tiệc chiêu đãi trọng thể vị khách quý, chủ nhà cũng chỉ cười nhếch mép chứ chẳng dám cười ha hả lớn tiếng để khỏi làm phiền lòng “ông hàng xóm” khó chịu đang trừng mắt, cau mày. 
Khi vào đến Sài Gòn ông Obama còn tỏ ra hứng thú hơn thế nữa và cũng truyền sự hứng thú đến dân Sài Gòn, đặc biệt là giới trẻ. Sự kiện nổi bật là cuộc “giao lưu” giữa ông và khoảng 800 “thủ lĩnh trẻ” của nhóm Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á YSEALI (viết tắt của Young Southeast Asian Leaders Initiative) trong một buổi Town Hall meeting vào sáng ngày 25/5 tại GEM Center. Nếu người dân Sài Gòn háo hức đổ ra ngoài đường phố để chào đón ông Obama như đón một người thân vừa đi xa trở về thì những người trẻ trong buổi giao lưu ấy thật vui sướng được tay bắt mặt mừng và hàn huyên thân mật với người anh cả (ông Obama là người sáng lập mạng lưới YSEALI), người bạn lớn hay một người thầy mình hết sức quý trọng, cảm phục và tin cậy. Về phía ông Obama, những lúc được gần gũi, chuyện trò với giới trẻ người Việt cũng là những giờ phút ông cảm thấy thoải mái và hứng khởi nhất, cứ nhìn cử chỉ điệu bộ và nụ cười sảng khoái của ông là đủ thấy.
Ông Obama trông thật trẻ trung trong tấm ảnh chụp buổi “tâm đàm” giữa ông và các “thủ lĩnh trẻ” hôm ấy. Ông như trẻ lại, như gặp lại tuổi trẻ của mình. “Hồi còn trẻ tôi lười học, chỉ thích chơi bời và chạy theo các cô gái,” ông thú nhận. Đó là ngày xưa, còn bây giờ ông là hình ảnh của nước Mỹ, của đất nước mà mọi người đều bình đẳng như nhau, đều có những cơ hội như nhau để biến những giấc mơ của mình thành hiện thực, kể cả giấc mơ… làm Tổng Thống. Bà Michelle có lần, trong bài phát biểu được tán thưởng hết cỡ, nêu rõ tính cách ông chồng của mình, “Barack muốn rằng, mọi người đều có cơ hội giống như nhau, có nghĩa là, khi các bạn bước qua được cánh cửa cơ hội, các bạn sẽ không đóng sầm nó lại ở sau lưng và đi thẳng mà quay lại giữ nó để cho người đi sau cũng có được cơ hội thành công như các bạn.”
Khi tâm sự rằng ông chỉ là cậu bé 13 tuổi khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt và hai cô con gái ông lúc sinh ra chỉ biết có hòa bình, ông Obama đã phá vỡ được hàng rào cách ngăn, tạo được sự gần gũi và đồng cảm giữa ông và người đến nghe ông nói chuyện. Ngồi quanh ông là những người trẻ trong độ tuổi 18 đến 35, lớp tuổi mà đối với họ, chiến tranh đã đi qua như một kỷ niệm buồn. Chẳng ai muốn gợi lại mãi những kỷ niệm buồn. Những chương sách cũ đã khép lại. Những người trẻ tuổi lớn lên sau chiến tranh muốn viết tiếp những chương sách mới, những đổi thay cho đất nước họ.
Nhiều câu nói của ông Obama trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và trong cuộc gặp gỡ giới trẻ tại GEM Center được trích dẫn như những “lời vàng”. Trong những lời ấy, không ít những lời lẽ “truyền lửa” nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự thay đổi để cho đất nước này đi lên:
“Không gì có thể chặn đứng được sức mạnh của triệu triệu tiếng nói đòi hỏi sự thay đổi.”
“Thay đổi luôn đến từ những người bình thường làm nên những chuyện phi thường.”
“Thay đổi sẽ không đến nếu chúng ta trông đợi vào người khác hoặc trông chờ thời điểm khác.”
Người Việt quan sát và ghi nhớ đến từng chi tiết, từng cử chỉ điệu bộ của ông Tổng Thống Mỹ. Từ dáng đi nhanh nhẹn, lưng thẳng, như vận động viên chạy bộ khi lên, xuống thang máy bay. Từ cử chỉ đón lấy bó hoa được trao tặng, ngắm nhìn hoa trong ít giây, khen hoa đẹp, mỉm cười nói lời cám ơn, hỏi tên người tặng hoa. Từ cử chỉ cởi phăng chiếc áo vest trịnh trọng, xắn cao tay áo sơ-mi cho thoải mái và dễ trò chuyện tâm tình. Từ cái bắt tay thật chặt, giọng nói ấm áp đầy vẻ thuyết phục và lối “diễu” hóm hỉnh làm rộ lên những tiếng cười. Từ dáng ngồi nghiêng người về phía trước trong lúc chuyện trò tỏ sự chăm chú lắng nghe người đối thoại. Từ điệu bộ lắc lư khi đệm beatbox cho cô ca sĩ hát đoạn nhạc rap. Từ điệu bộ ngả người ra sau và nụ cười thật tươi khi chụp hình “tự sướng” (selfie) cùng các nghệ sĩ sân khấu vây quanh ông…
Tất cả, vừa là cung cách giao tế mang bản sắc văn hóa Mỹ vừa toát lên phong cách lịch lãm của một nhà lãnh đạo bản lãnh, một phong cách bình dị, thân thiện, trí thức, đầy vẻ tự tin và thể hiện sự quan tâm đến nguời khác một cách thành thật. Người ta nói đến “nụ cười Obama”, “cái vẫy tay Obama”, “cái xăn tay áo Obama”…, tất cả hình thành một “phong cách Obama”.
Obama, cái tên dễ phát âm, dễ gọi. Người Việt trong nước gọi “Obama” một cách thân mật chứ không gọi “Tổng Thống Obama”. Không ít nguời dân Hà Nội và Sài Gòn có được cơ hội thực hành tiếng Anh với… Tổng Thống Mỹ khi được đến gần ông, được bắt tay ông, “Hello, Obama!”, “How are you, Obama?”, “We love you, Obama”, “Obama number one!”… và những tiếng gọi, tiếng hô lớn nhịp nhàng đầy kích động “O-ba-ma!...” cùng với một rừng cánh tay vẫy vẫy khi trông thấy đoàn xe Tổng Thống Mỹ chạy ngang qua những đường phố.

Một ông bạn hỏi tôi, sau ngày ông Obama rời Việt Nam, “Làm sao nhận biết được một nhà lãnh đạo có bản lãnh và chinh phục được lòng dân?” và tôi trả lời không do dự, “Nhà lãnh đạo giỏi và được lòng dân là nhà lãnh đạo mà người dân thích được cùng chụp hình selfie.”
“Cử chỉ nào ‘ấn tượng’ nhất của ông Obama?” câu hỏi này cũng không khó trả lời. “Cử chỉ xăn tay áo,” tôi nói. Xắn cao tay áo là cử chỉ biểu hiện tính năng động, nhiệt tâm nhiệt tình, hòa mình vào quần chúng, và cũng mang ý nghĩa của sự dấn thân, sẵn sàng nhập cuộc. Giới trẻ cảm thấy thật gần gũi ông ở cử chỉ ấy, và tôi chắc ông cũng muốn tuổi trẻ Việt Nam cùng xắn cao tay áo với ông để bắt tay vào việc, mang đến điều gì tốt đẹp cho đất nước mình.
Người dân đang thiếu thần tượng
Khi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam ông Obama cũng đồng thời dỡ bỏ hoàn toàn những hàng rào ngăn cách, dỡ bỏ hoàn toàn nỗi ám ảnh gọi là “hội chứng chiến tranh Việt Nam” đồng thời cũng dỡ bỏ hình ảnh xấu xí và tâm lý nghi ngại nào còn sót lại nơi người Việt ở trong nước, nhất là người dân miền Bắc là đối tượng tuyên truyền thời chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, để thay vào hình ảnh khác trông được mắt hơn về nước Mỹ, người Mỹ, mang đến mối thiện cảm, gắn bó và tin cậy.  
Với nhiều người Việt trong nước, những ngày ông Obama ở thăm đất nước này giống như ngày hội lớn. Mọi người “phấn khởi hồ hởi” đổ ra ngoài đường phố chào đón ông khách quý, tạm quên đi những lo toan cơm áo thường ngày, quên cả chuyện bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân gì gì đó được nhà nước cổ động rầm rộ trước ngày Tổng Thống Mỹ đến Việt Nam. Cuộc bầu bán có được nhà nước gọi là “thắng lợi vẻ vang” hay đạt tỷ lệ trên 99 % cử tri nô nức đi bầu thì người dân cũng chỉ cười khì, vì nghe mãi cũng… quen tai.
Ngày vui qua mau, trong lúc ông Obama đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm ở Hiroshima để tưởng nhớ 140 ngàn nạn nhân của trái bom nguyên tử thả xuống thành phố này 71 năm về trước thì người Việt lại quay về với những câu chuyện còn dở dang. Chuyện dài cá chết bước sang “tập hai” sau tuần lễ tạm nghỉ giải lao để chào đón vị Tổng Thống Mỹ thứ ba sau chiến tranh đến thăm đất nước, dân tộc này. Người biểu tình lại tiếp tục xuống đường để “làm việc” với nhà nước về những vấn đề vẫn còn nguyên trạng sau ngày ông Obama rời Việt Nam. Nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ  lại được trương ra trong cuộc tuần hành cuối tuần nhân ngày Quốc Tế Vì Môi Trường. Ngoài những khẩu hiệu quen thuộc có thêm các khẩu hiệu “Vì cá, vì nước, cả nước xuống đường”, “Quốc Hội ở đâu?”… Lực lượng an ninh lại tiếp tục trình diễn những màn lôi kéo, đấm đá, kẹp cổ, “hốt” lên xe... Dường như nhà nước vẫn không có sáng kiến đối thoại nào hay ho hơn. Những tiếng hô hào, hò hét khẩu hiệu của người biểu tình như dội vào bức tường câm lặng.
“Cuộc chiến” giữa lực lượng an ninh và người biểu tình là cuộc chiến giữa nhà nước và nhân dân. Người dân và nhà cầm quyền ngày càng tỏ ra là hai phía đối nghịch, hai bờ chiến tuyến. Anh đường anh, tôi đường tôi. Việc anh, anh làm; việc tôi, tôi làm. Sau chuyến thăm của ông Obama, người ta cảm thấy cái hố sâu, khoảng cách giữa nhà nước và người dân như càng sâu, càng dài thêm ra.
Cuộc tuyệt thực của người tù lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức kéo dài đã trên 10 ngày, thể hiện quyết tâm cao độ, đòi hỏi “thượng tôn pháp luật và trưng cầu dân ý”.  Cuộc “tịnh khẩu” của lãnh đạo nhà nước kéo dài đã trên 2 tháng, thể hiện bản lãnh kiên cường, trơ như sắt vững như đồng. Mặc ai muốn nói gì thì nói, mặc ai muốn làm gì thì làm, nhất định không mở miệng.
“Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”. Khẩu hiệu nhức nhối, được chọn là khẩu hiệu “ấn tượng” nhất của người biểu tình. “Minh bạch” nghĩa là không mờ ám, không lấp la lấp liếm, không lơ lửng lập lờ. Đòi nhà nước minh bạch là chuyện không tưởng, là chuyện đòi mặt trăng, chẳng khác chi đòi giải thể chế độ, một chế độ từng có lắm thành tích không minh bạch.
Ông Obama đến rồi đi, cá chết vẫn tiếp tục chết, người tuyệt thực vẫn tuyệt thực, người tịnh khẩu vẫn tịnh khẩu. Dẫu sao người dân vẫn cám ơn ông mang đến chút thay đổi không khí, như cơn mưa rào giữa những ngày hè oi ả, ngột ngạt. Người ta vẫn nhớ hình ảnh sau cùng của ông khi bước đến cửa máy bay, xoay người lại, nở nụ cười quen thuộc trong lúc giơ cao cánh tay vẫy chào từ biệt mọi người trước khi bước vào lòng máy bay. Ông đã khuất bóng nhưng người ta vẫn còn nhắc tên ông với tình cảm quý mến và lòng ngưỡng mộ trong những câu chuyện thường ngày, và còn nhắc mãi về sau này.  
Obama, vì sao ông được yêu mến đến như thế? Thật dễ hiểu, vì ông đáp ứng được lòng mong mỏi, khát khao của người dân nước tôi. Ông được đón chào nồng nhiệt, được hăm hở, vồ vập bắt tay là vì thế. Người Việt đang khao khát; nói cho đúng hơn, đang thèm khát có được một lãnh tụ như thế, một lãnh tụ cùng đồng hành, cùng chung đường chung lối với người dân chứ không phải “hai người hai lối”.
Obama, ông đã thực sự chinh phục trái tim người dân Việt, ông đã hớp hồn giới trẻ người Việt.  Sự ngưỡng mộ quá mức của người Việt trong nước dành cho ông Obama cho thấy rõ một điều: người dân đang thiếu thần tượng.
Người dân không thể không làm một cú so sánh giữa nhà lãnh đạo nước người và nước mình, không thể không bắt chước ông Obama mà lẩy Kiều, “Trông người mà ngẫm đến ta…”
Biết đến bao giờ người dân trong nước mới có dịp tham dự vào một cuộc “giao lưu” với lãnh tụ nước mình (như cuộc giao lưu thoải mái vừa qua với lãnh tụ nước Mỹ) về tình hình thời sự, về vận mệnh đất nước, và nhận được những câu trả lời thẳng thắn, minh bạch cho các câu hỏi của tham dự viên về cá chết, về ô nhiễm môi trường, về chủ quyền biển, đảo, về các quyền sống của con người… vân vân. Có vẻ… như chuyện thần tiên.
Tuổi trẻ tin vào những gì ông Obama nói, tin vào những lời lẽ như phát đi một tín hiệu, một lời hứa hẹn: “Đây là thời điểm của các bạn. Và khi các bạn theo đuổi một tương lai mà mình muốn đạt tới, tôi muốn nói với các bạn rằng: nước Mỹ ở bên cạnh các bạn.”
Obama, ông là tấm gương sáng của sự phấn đấu và thành công mà giới trẻ muốn được học hỏi nơi ông. Mai đây, trong số những “thủ lĩnh trẻ” tham dự buổi giao lưu ấy, sẽ có những người hăng hái xắn cao tay áo giống như ông để tham gia việc nước và trở thành “thủ lĩnh” tầm cỡ giống như ông để mang về một vận hội mới cho đất nước, cho dân tộc mình. Sao không? Biết đâu đấy! Nhất định những người trẻ ấy phải là những người chủ tương lai của đất nước mình, chứ không phải bất cứ ai khác.
*   *   *
“Ông Obama đi rồi, em vẫn còn lâng lâng. Em nhớ ông ấy!”
Câu này được cư dân mạng chuyền cho nhau, nói là đọc được trong e-mail của một cô gái ở trong nước. Nếu không thấy tên ông Tổng Thống Mỹ trong câu ấy người ta dễ nghĩ trái tim cô rung lên những nhịp đập xao xuyến vì chàng trai nào đó.
Không riêng gì cô gái ấy, nhiều bạn trẻ trong nước đã “phải lòng” Tổng Thống Mỹ.
“Ông sẽ trở lại Việt Nam chứ?” Trả lời câu hỏi của cô gái tên Thiên Hương trong tổ chức “Save Son Doong”, ông Obama nói rằng ông có ý định làm một cuộc thám hiểm hang động Sơn Đoòng trong lần ông trở lại đất nước này. Chắc không phải là câu nói xã giao cho vui, vì ông còn hỏi kỹ là phải mất mấy ngày đi bộ để chinh phục hang động này. “Bảy ngày? Ok, chơi luôn,” ông nói. “Tôi vẫn còn trẻ mà.” Ông tự hào mình vẫn trẻ hơn các Tổng Thống khác sau khi về vườn.
Ông nói rằng ông sẽ trở về. Ông nói thiệt chứ không nói chơi, tôi tin là vậy. Chuyến này thì ông sẽ có nhiều thời gian hơn và cũng thoải mái hơn để enjoy mọi thứ trên đời. Không cần đáp Air Force One, không cần tiền hô hậu ủng, không cần đặc vụ mật vụ bám sát. Ông có thể tà tà thả bộ ngoài đường, lang thang trên các hè phố, tấp vào một quán cóc vỉa hè nhấm nháp ly café sữa đá, nhìn dòng đời ngược xuôi, xuôi ngược. Ông có thể đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thưởng thức nhiều món “đặc sản” Việt Nam ngon và rẻ, chứ không phải chỉ có bún chả thôi đâu (thế nào lại chẳng có nhiều người tranh nhau chiêu đãi ông món này món nọ). Chỉ có khác là chuyến về lần này ông sẽ thấy đất nước và con người Việt Nam có lắm đổi thay, đời sống êm ả hơn, không khí dễ thở hơn, không còn tuần hành, biểu tình cây chết cá chết, Hoàng Sa Trường Sa, không còn tọa kháng, tuyệt thực, không còn ai hò hét, đánh đập, lôi kéo ai ngoài đường… Ông muốn gặp ai thì gặp, chẳng ai ngăn chận. Ông lại bắt tay những người trẻ thêm một lần nữa, ông lại chơi beatbox thêm một lần nữa để nghe thêm một đoạn nhạc rap nói về ước mơ của tuổi trẻ ngày nào mang đến những đổi thay cho đất nước nay đã thành sự thật.
Chỉ là ước mơ và ước mơ, thế nhưng ai cấm được những ước mơ đâu, để cho cuộc sống dễ chịu hơn một chút; và hơn thế nữa, không phải là ông Obama từng nói, khi những người trẻ dám theo đuổi ước mơ và đam mê với công việc thì mọi ước mơ đều trở thành sự thật hay sao? 
“Bao giờ ông trở lại?” Lúc này ông Obama chẳng còn bụng dạ nào để mà trả lời. Ông còn đang lo đủ thứ chuyện, nhiều chuyện ông phải gấp rút làm cho xong để mà thở phào bước chân ra khỏi Toà Bạch Ốc, kể cả việc làm sao để người ngồi vào chiếc ghế Tổng Thống sau ông phải là người cộng sự thân thiết của ông ngày trước, để cho “dấu ấn Obama” vẫn còn lưu lại về lâu về dài trong lòng người dân Mỹ và những người yêu mến ông.  
Dù sao thì người Việt trong nước vẫn đợi chờ, vẫn nhắc tên ông. Obama, bao giờ ông trở lại? 
Lê Hữu
http://www.diendantheky.net/2016/06/le-huu-obama-ngay-vui-qua-mau.html 

 

BARACK OBAMA ĐẾN VIỆT NAM -NIỀM VUI VÀ SỰ TIN TƯỞNG

ĐỊNH NGUYÊN
Là Tổng thống Mỹ, ông Obama đã viếng 50-60 quốc gia trên thế giới. Điều đó không có gì lạ. Vì không lạ nên tôi chẳng có cảm xúc hay ý nghĩ đặc biệt nào về những chuyến công du thường xuyên ấy của ông ta. Nhưng riêng chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua của ông, tôi thật sự có cảm xúc. Cảm xúc đó là một niềm vui, hay hơn thế nữa, một sự tin tưởng!


Niềm vui của tôi không phải là việc Tổng thống Obama đến ăn bún chả tiệm Hương Liên tại phố Lê Văn Hưu Hà Nội. Đó chỉ là màn “ra mắt/trình diện” quần chúng Việt Nam khá ngoạn mục của một chính trị gia trẻ đã nổi tiếng lại muốn nổi tiếng thêm như ông Obama.

Niềm vui của tôi chưa phải là bài diễn văn uyên bác “lay động lòng người” của ông Obama khi nói chuyện cùng hơn một ngàn người (bao gồm cả các viên chức CSVN) tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia vào ngày 24 tháng 5. Đó là “nghề của chàng” mà!

Niềm vui của tôi cũng chưa phải là sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam, dù chỉ là hình thức, để từ đó dân tộc Việt Nam sẽ có tự do dân chủ như mọi người mong đợi. Ước nguyện ấy còn rất xa, và nó còn tuỳ thuộc hoàn toàn vào CSVN, một tập đoàn cầm quyền coi chủ thuyết chính trị ngoại nhập còn quan trọng hơn sự hưng vong của đất nước.


Sự tin tưởng của tôi không phải là việc CSVN trải thảm đỏ, với đội dàn chào danh dự để đón Tổng thống Mỹ, do ông Trần Đại Quang Chủ tịch nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chủ trì. Đó chỉ là thủ tục/nghi lễ ngoại giao mà bất cứ nước nào cũng phải làm khi tiếp đón các nguyên thủ quốc gia đến thăm nước mình.

Sự tin tưởng của tôi cũng không phải là ông Obama tuyên bố huỷ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, để CSVN có thêm phương tiện chống “bọn bành trướng Bắc Kinh”. Tôi không tin CSVN chống Trung cộng. Là những kẻ mở toang mọi ngã đường đất nước để người Tàu tràn ngập quê hương, họ không thể là những kẻ chống Tàu được. Để chống ngoại xâm, vũ khí quan trọng thật, nhưng ý thức/lãnh đạo chính trị, thúc đẩy người dân chống xâm lăng của nhà cầm quyền còn quan trọng hơn. CSVN không hề có những yếu tố/đặc tính đó. Họ đã và đang bỏ tù những người Việt Nam chống Tàu.


Niềm vui và sự tin tưởng của tôi bắt nguồn từ thái độ quá đỗi nồng nhiệt của quần chúng Việt Nam dành cho Tổng thống Mỹ.

Khác với sự thân thiện một cách cuồng nhiệt của quần chúng, nhà cầm quyền CSVN tiếp Tổng thống Obama có vẻ dè chừng miễn cưỡng. Cứ xem lại mấy video clips về sự kiện nầy thì sẽ thấy. Ngoài ông Thủ tướng Nguyễn xuân Phúc có cười vài lần, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất nghiêm nghị, chỉ một hai lần cười nửa miệng. Còn ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì sao? Bên cạnh ông Obama cười nói xã giao vui vẻ, ông Nguyễn Phú Trọng mặt lạnh như tiền, tuyệt đối không có một nụ cười, dù là cười nửa miệng, cười mím chi… Thái độ của ông Trọng trông rất “bossy”, khác với thái độ/khuôn mặt của chính ông ta khi qua Mỹ cầu cạnh, được Tổng thống Obama tiếp chuyện tại Toà Bạch Ốc vào tháng 7 năm ngoái. Tại sao? “Lập trường thù bạn” cố hữu của người cộng sản chăng? Hay họ sợ người anh cả bên kia biên giới phía bắc phật lòng, khiển trách? Mọi chuyện đều có thể. Dù đó là lập trường hay nỗi sợ hãi, họ cũng là những kẻ lấp lửng, thiếu chính trực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là với Mỹ.


Trong lịch trình làm việc tại Việt Nam, Tổng thống Obama có thư mời những người đấu tranh đòi tự do dân chủ đến gặp mặt. Nhưng CSVN lại ngăn chận, cho công an bao vây cô lập tư gia một số nhân vật quan trọng, không cho họ ra khỏi nhà đi gặp Tổng thống Mỹ. Lại có người “được” công an bốc lên xe cho “du lịch” quanh thành phố, chờ cho hết giờ hẹn mới thả ra! “Quái chiêu” nầy tìm đâu ra trong thế giới loài người văn minh và tự do dân chủ?! Đã sợ Mỹ sao lại dám mời Tổng thống Mỹ qua thăm? Bản chất trí trá của người cộng sản khó mà thay đổi được.

Tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama, CSVN không có 21 phát đại bác chào mừng như khi họ tiếp Chủ tịch Trung cộng Tập cận Bình năm ngoái. Tại sao lại có chuyện bên trọng bên khinh như thế? Tôi không rành về thủ tục/nghi lễ ngoại giao, do đó tôi thật sự không hiểu lý do nào có sự “phân biệt đối xử” ấy. Ông Obama đến sớm hơn dự liệu nên họ trở tay không kịp? Hay họ muốn chơi khăm nước Mỹ? Hay cũng lại là “lập trường thù bạn”, sợ “thiên triều” hiểu lầm nỗi giận? Nếu Tập cận Bình là nguyên thủ của một cường quốc thì Trung cộng, may lắm cũng chỉ là cường quốc số hai. Ông Obama mới là nguyên thủ của cường quốc số một kia mà! Đây là sự đối xử hết sức bất bình thường của CSVN, nếu không có điều gì đó bí ẩn thuộc thâm cung bí sử, người dân thường khó mà hiểu được.

Ông Obama, một người thông minh và nhạy bén, thừa biết chuyện nầy. Nhưng ông ta coi đó là “chuyện nhỏ”. “Chuyện lớn” của ông là tiếp xúc và “truyền cảm hứng” đối với quần chúng Việt Nam, không phải nghi lễ và thái độ mà các quan chức CSVN dành cho ông.

Vừa đến Hà Nội, ông Obama xắn tay áo lăn xả ra đường phố, đi ăn tối uống bia như một người bình thường, bất chấp vấn đề an ninh. Đám đông dân Hà Nội bao quanh, chụp ảnh, reo hò hoan nghênh, hàng hàng bàn tay với ra cốt được bắt tay ông, hay chỉ được chạm vào người ông, chụp ảnh với ông. Ông hoà cùng đám đông ấy “Hello”, “How are you” tía lia trước khi lên xe trở về khách sạn.

Miền Bắc Việt Nam là cái nôi của “chống Mỹ cứu nước” mà còn như thế, miền Nam còn hơn thế nữa. Tại Sài Gòn, 5-6 tiếng đồng hồ trước khi ông Obama đến, hàng chục ngàn người đã tràn ngập các lộ trình mà đoàn xe của Tổng thống Obama sẽ đi qua, đợi để phất cờ hoa hoan hô Tổng thống Mỹ. Tôi có xem một video clip rất tếu nói về một anh chàng đang cùng mọi người đứng đợi đoàn xe của Tổng thống Obama đến thì chị vợ anh ta gọi yêu cầu anh ta về nhà đi đón con. Anh ta trả lời: “Không, anh không đón con đâu. Anh đang đợi đón tổng thống!”.

Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama viếng Việt Nam vừa qua đã làm nổi bật điểm quan trọng nhất: lòng dân Việt Nam không đồng hành với nhà cầm quyền Việt Nam nữa. Mọi tuyên truyền chống Mỹ của tập đoàn CSVN trên nửa thế kỷ nay đã hoàn toàn bị phá sản. Đó là điều hy vọng. Đó là niềm vui. Đó là sự tin tưởng. Phạm Quỳnh đã từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước Việt còn”. Với tình hình hiện nay, qua việc viếng thăm của ông Obama, chúng ta có thể nói: “Tinh thần chống chế độ CSVN của người Việt còn thì đất nước Việt Nam sẽ vẫn còn” dù phải trải qua nhiều gian nan thử thách.

Chưa có một tổng thống hoặc một nguyên thủ quốc gia nào được dân Việt Nam nghênh đón một cách nồng nhiệt đặc biệt như Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa qua. Đặc biệt đến độ báo chí gọi đó là “Cơn sốt Obama” (Obamania). Ông Obama đi đến đâu cũng được người Việt ngưỡng mộ và hoan hô nhiệt liệt, bất chấp thời tiết và thời gian. Có người từ miền Trung, mua vé máy bay, bay vào Sài Gòn để được thấy/gặp ông Obama!

Ông Obama thật may mắn, không ở đâu ông ta được đón tiếp nồng ấm và nhiệt tình như tại Việt Nam. (Vừa qua, ông thăm quê nội Kenya cũng không được dân chúng đón tiếp như vậy). Tại sao có chuyện lạ lùng đến như thế? Dân Việt “kết” Obama như một thần tượng vì ông ta đẹp trai? Hay người Việt khoái vẻ dung dị, cởi mở, hoạt bát, hùng biện… của Tổng thống Mỹ nầy vì họ không thể tìm thấy các phẩm chất ấy nơi các lãnh đạo khác, kể cả lãnh đạo Việt Nam?

Rất có thể như thế, nhưng xin đừng quên điểm quan trọng bậc nhất nầy: Họ đang “bỏ phiếu” đấy. Họ đang bày tỏ lập trường chính trị đấy! Người Việt Nam đang căm phẩntrước sự lấn lướt ngày càng ngang ngược của Trung cộng. Người Việt Nam đang thất vọng trước sự nhu nhược gần như đồng loã với Trung cộng của tập đoàn CSVN. Với sự căm phẩn và thất vọng đó, họ đón Tổng thống Mỹ như đón một vị cứu tinh. Đó là tâm lý chính trị đáng quý đang tiềm ẩn nơi mọi người dân Việt Nam. Sự tiếp đón nồng hậu khác thường của họ dành cho Tổng thống Obama đích thị là một phản ứng chính trị của họ trước hoạ Bắc thuộc được sự tung hứng nhịp nhàng của nhà cầm quyền Việt Nam qua mười sáu chữ vàng và bốn tốt!

Theo nhận xét của một nhân viên mật vụ bảo vệ Tổng thống Obama thì ông ta chưa hề thấy Tổng thống Mỹ nào, khi công du ra nước ngoài, được người dân bản xứ mến mộ như người dân Việt Nam dành cho Tổng thống Obama. Điều nhận xét nẩy rất đúng. Nhưng người Việt Nam không đón ông Obama vì có cảm tình riêng với cá nhân ông ấy. Trước hoàn cảnh thúc bách nguy hiểm của đất nước, họ hoan nghênh Obama như hoan nghênh nước Mỹ. Qua ông Obama, họ ngưỡng mộ và kỳ vọng vào sự trở lại giúp đỡ của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một đại cường của tự do, dân chủ, đặc biệt là không hề có tham vọng lấn chiếm đất đai lãnh thổ của ai như “người láng giềng hữu nghị anh em” sát nách đã và đang làm. Cái gương Tây Tạng, Mông Cổ, Hoàng Sa, Trường Sa, đường lưỡi bò chín đoạn…còn sờ sờ trước mắt.

Để nắm vững điều nầy, chúng ta nên so sánh cách người Việt Nam (không phải đảng CSVN) tiếp Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình trước đây với trường hợp của ông Obama hiện nay. Với Tổng thống Mỹ, họ vẫy cờ Mỹ, ảnh của ông Obama để tung hô hết mình. Với Chủ tịch Trung cộng, họ rạch mặt Tập Cận Bình (trên hình) và giận dữ đòi ông ta cút về nước! Hiểu được tại sao như vậy thì chúng ta có quyền hy vọng. Với tình hình hiện nay, Việt Nam chỉ có một kẻ thù nguy hiểm duy nhất: Trung cộng! Sự trường tồn của Tổ Quốc và giòng sinh mệnh Dân Tộc Việt Nam đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi bọn thực dân muôn thuở và tham lam vô độ nầy, không ai khác. Vâng, không ai khác!!!

Cho nên, tinh thần chống kẻ thù truyền kiếp phương Bắc của người Việt còn, nước Việt sẽ vẫn còn. Còn mãi!

Niềm vui và sự tin tưởng của tôi không phải là không có lý do.
Cám ơn Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mang một sinh lực mới, một vận hội mới, một khí thế mới đến cho Dân Tộc Việt Nam.

ĐỊNH NGUYÊN
 
 

No comments:

Post a Comment