Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 13 October 2016

TRUYỆN KÝ

LÊ VĂN KIM * HỒI KÝ

Dưới Mũi Súng Quân Thù 

Lê Văn Kim



(Lời dẫn nhập : Thượng nghị sĩ John Mc Cain, cựu Đại Tá phi công Hải Quân Hoa Kỳ, đã từng là tù binh chiến tranh của CSVN, phát biểu khi được hỏi về cuộc chiến Việt Nam : “The bad guys won the war.”.(“Những tên gian ác đã thắng trận.”) Câu nói đó có thể dùng làm tiền đề cho hàng ngàn thiên Hồi ký của các nạn nhân Cộng sản khi mô tả về sự ngu dốt và tàn ác mà CSVN đã và đang áp đặt lên trên hàng chục triệu dân quân cả hai miền Nam Bắc Việt Nam.Trong bài viết nầy, người viết muốn ghi lại một vài dữ kiện trung thực, tự bản thân đã mắt thấy, tai nghe : những ký ức khắc sâu vào tâm não tại trại tù “Cải tạo A-30,” ngõ hầu góp thêm một phần nhỏ sự hiểu biết của mình vào định nghĩa “Thiên đàng Cộng sản.”A-30, tên của một trại giam tù chính trị, đã được CSVN dùng làm thí điểm để xây dựng một Xã hội Chủ nghĩa cho những người “Mới được đi học tập cải tạo.” A-30 nằm sát liên tỉnh lộ 7A, phía Nam sông Ba, giữa đập nước Đồng Cam và cầu Đồng Bò, thuộc thôn Liên Thạch, xã Thạch Thành, cách thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, khoảng 22 cây số.
Nhằm mục đích ghi lại trung thực sự kiện, tất cả tên họ của các nhân vật đều giữ đúng như tại thời điểm xảy ra. Chữ “tôi” rất khó dùng, dễ gây ra ngộ nhận; nhưng “tôi” xin được phép sử dụng trong bài viết mà không hề có ý trau chuốt bóng bẩy dưới làn khói thuốc, hoặc qua hương vị đậm đà của tách cà phê đen trong một căn phòng vắng, thay vào đó, nó được viết lên từ tấm lòng của người viết – một ký ức đầy đau thương của một người trong cuộc. “Tôi” được dùng trong bài chính là người viết.)
Những chữ viết tắt :
VNCH : Việt Nam Cộng Hòa
QLVNCH : Quân Lực VNCH
CSVN : Cộng Sản Việt Nam
VC : Việt Cộng.

Một buổi sáng ngày…tháng 9 năm 1978, hội trường mang tên “2 Tháng 9” nằm trong khuôn viên Trại Cải Tạo A-30, chật ních người ngồi kéo dài luôn ra cả ngoài sân trại. Chúng tôi đã được tập họp từ sáng sớm hôm đó để “được” tham dự một phiên tòa án nhân dân, một phiên tòa xử vụ cướp súng để trốn trại : vụ án Nguyễn Minh Trung.
Tên Trung Úy VC lên đứng trước chiếc mi-cro, mắt nhìn về phía chúng tôi và cất giọng :
– Ban Giám Thị yêu cầu tất cả các anh em cải tạo viên được mời tham dự phiên tòa ngày hôm nay phải tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, đi đâu phải báo cáo cán bộ, tuyệt đối giữ im lặng. Anh nào vi phạm sẽ bị nghiêm trị, các anh nghe rõ chưa ?
Cả hội trường đồng thanh : “Rõ !”
Tôi không còn ngạc nhiên về những lời giáo đầu nầy nữa. Cứ mỗi lần chúng tôi được gọi tập họp chung lại với số người quá đông như vậy, bọn chúng thường lên giọng hăm dọa của kẻ thắng thế để cảnh cáo trước hầu phòng ngừa những bất trắc có thể xảy ra.
Không khí trở lại yên lặng, nặng nề hơn bình thường. Mọi người đâu ngồi đó, không ai nói ai, mắt chỉ dán nhìn lên sân khấu hội trường, trang trí toàn màu đỏ thẫm. Một tấm băng-đơ-rôn nền đỏ in bảy chữ màu vàng: “TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ KHÁNH” treo trên màn sân khấu. Dưới tấm băng-đơ-rôn đó, một lá cờ đỏ sao vàng mang bức ảnh Hồ Chí Minh trông đầy nét khắc nghiệt. Trước đó là ba cái bàn, một cái để ở giữa, hai cái để hai bên, được trải khăn đỏ phẳng phiu. Bàn giữa có một bình bông tươi màu đỏ. Trên mỗi bàn có một cái mi-cro cũ kỹ. Phía dưới sân khấu ngay phía bên phải là “Vành móng ngựa,” thật ra đó chỉ là một cái bàn nhỏ, không trải khăn, một chiếc mi-cro khác được dựng kế bên.
Tôi cảm thấy trước mặt, trên sân khấu hội trường kia không phải là tòa án, mà là một bàn hương án, lạnh lùng không nhang không khói. Một cảm giác rờn rợn chạy dài trên tủy sống. Giây phút chờ đợi đã đến.
Từ ngoài cổng trại, một chiếc xe Mi-cro-bus (Một loại xe VAN) sơn màu xanh đen từ hướng “cơ quan” (Bộ Chỉ Huy của VC) chạy vào. Xe ngừng lại ở cửa hông cạnh sân khấu hội trường.
– Tất cả chú ý: “Nghiêm !” Giọng quát lớn của một tên VC khác nổi lên. Một phút trôi qua.
– Tất cả : “Ngồi !”
Trên sân khấu, ba chiếc ghế trống được ba tên xử án điền vào. Tên thứ nhất ngồi phía bên trái nhìn từ phía dưới lên, lạnh lùng, đanh thép, từ từ đứng lên, tay sửa lại chiếc mi-cro cho vừa tầm, rồi nói :
– Kính thưa Đồng chí chánh án Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Phú Khánh; kính thưa đồng chí giám sát viên; thưa tất cả các đồng chí trong ban giám thị trại; thưa các đồng chí cùng tất cả anh chị em cải tạo viên. Hôm nay là phiên tòa xử vụ án tên Nguyễn Minh Trung cùng đồng bọn cướp súng cán bộ để trốn trại, sau đây tôi xin giới thiệu ủy ban xử án :
– Thứ nhất, đồng chí… chánh án Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Phú Khánh.Tên ngồi giữa, mang cặp kính đen, dường như muốn che lấp cặp mắt bạo tàn của loài quỷ đỏ, đứng lên khẽ gật đầu tự đắc.
– Thứ hai, đồng chí… giám sát viên, Viện Giám Sát Tỉnh Phú Khánh.Tên bên phải đứng lên, gật đầu, bắn một cái nhìn không thân thiện về phía chúng tôi.
-Thứ ba, tôi …, Thư ký phiên tòa. Sau đây, tôi xin nhường lời cho đồng chí chánh án.
Tên chánh án đứng lên, kéo chiếc mi-cro lại gần, gõ nhẹ vài cái, chúi đầu đưa sát miệng vào chiếc mi-cro, tằng hắng cất tiếng :
– Nhân danh Chủ Tịch Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tôi xin khai mạc phiên tòa.
Tên thư ký tiếp lời : “Sau đây xin mời đồng chí giám sát viên đọc lại diễn tiến vụ án.” Tên giám sát viên bắt đầu :
– Vào ngày… tháng 6 năm 1977, tên Nguyễn Minh Trung, một Thiếu Úy Ngụy đã cầm đầu một tổ chức cướp súng cán bộ để trốn trại.
Tên chánh án tiếp lời :
– Mời Nguyễn Minh Trung ra trước tòa.
Trung và An đã được dẫn vào ngay khi chiếc xe mi-cro-bus đến. Hai chân yếu ớt, Trung đứng dậy với dáng người nho nhỏ nay gầy khòm đi, trông anh khắc khổ đau thương hơn, dù được chúng khoát lên một bộ đồ tươm tất, quần dài xanh sẫm, áo màu vàng nhạt, đầu được hớt cao, nét mặt anh lộ vẻ trầm tư mặc tưởng nhưng tôi vẫn có thể thấy rõ nét hận thù Cộng sản trong đôi mắt đầy can đảm và nghị lực ấy. Không còn dáng dấp nhanh nhẹ như những ngày đầu tôi biết anh ở trại, anh mệt mỏi kéo lê từng bước, chậm chạp tiến đến chiếc mi-cro. Nhìn hình ảnh nầy, tôi cảm thấy thương xót và đau lòng cho người bạn đồng cảnh ngộ. Anh cất tiếng :
– Tôi tên Nguyễn Minh Trung, sinh năm 1948, cấp bậc Thiếu Úy Pháo Binh, Quân đội… (Anh ngập ngừng trong giây lát rồi tiếp) … Quân đội Sài Gòn.
Tôi đoán ngay là anh cố tránh chữ “Ngụy” mà bọn CSVN đã gán cho những người lính Cộng Hòa chúng tôi. Trung tiếp lời : “Gia cảnh một vợ, một con 3 tuổi.”
Trung lê bước sang một bên, nhường chiếc mi-cro lại cho An theo lời ra lệnh của tên chánh án. An cũng gầy ốm xanh xao không khác gì Trung lắm. An là một học sinh tham gia phong trào học sinh, sinh viên phục quốc bị bắt vào cuối năm 1975, bước đến trước mi-cro, đầu hơi ngước lên nhìn tên chánh án, với giọng còn non choẹt, An nói :
– Tôi tên Hồ Ngọc An, sinh năm 1957, học sinh, gia cảnh độc thân.
Tên chánh án cao giọng ra lệnh cho hai anh về chỗ ngồi, sau đó tên Cộng sản nạn nhân trong vụ trốn trại được mời ra, hắn ta nhỏ thó người, mặt đanh thép của những thanh niên vừa mới lớn học vẻ hách dịch oai quyền của một người chỉ huy; trong bộ sắc phục công an màu vàng nghệ, hai cầu vai đeo hai bên cùng với uy hiệu trên cổ áo, vẫn không sao che lấp được cái ngu ngơ khờ khạo của hắn. Hắn nói :
– Tôi tên Nguyễn Văn Lẫn, sinh năm 1954, độc thân, đơn vị phục vụ : trại cải tạo A-30, chức vụ : Cán bộ quản giáo đội 13.”
(Đội 13 là đội luôn luôn bị nằm trong căn nhà kỷ luật số 6, mái được lợp cỏ tranh, vách và trần được làm bằng đất sét trộn với miểng ve chai, được vây quanh bởi ba hàng rào kẽm gai rất sắc bén, nằm gần cổng ra vào, dưới tháp canh của bộ đội VC).
Sau khi tên chánh án cám ơn và ra lệnh cho tên Lẫn về chỗ ngồi, tên đóng vai giám sát viên dõng dạc đọc lại diễn tiến vụ án.
Không khí hầu như cô đọng, nặng trĩu. Hàng ngàn cặp mắt tù binh chăm chú theo dõi, hồi hộp đợi chờ. Tôi chắc Trung không sao quên được giờ phút quan trọng nầy. Thảm kịch trốn trại cuồn cuộn sống lại trong đầu óc một số anh em và tôi, từng chi tiết một liên tiếp kéo đến, trong đó các nhân vật then chốt trong thảm kịch gồm có :
– Nguyễn Văn Đức, thường được gọi là Đức Nguyễn (Nhóm hoạt động chống CSVN của Thiếu Tá Đặng Hữu Thân),
– Ngô Bá Tùng và Nguyễn Văn Dũng – cả hai đều là Sĩ quan cấp Úy thuộc Bộ binh QLVNCH,
– Tên công an VC Lẫn, cấp bậc tương đương với cấp Thượng sĩ phía bên QLVNCH,
– Và ba tên khác là cựu Sĩ quan QLVNCH, làm nhân chứng cho VC : Đỗ Văn Đức còn gọi là Đức Đỗ (Thiếu Tá bộ binh biệt phái Cảnh sát Dã chiến), Trần Thái Bửu và Đoàn Văn Lập (Cả hai đều mang cấp Trung Tá bộ binh và đã từng nắm chức Quận trưởng.)
Khoảng 2 giờ 30 trưa hôm đó, Tùng rời vị trí lao động để đi uống nước, ngang qua chỗ các bạn anh đang đứng cuốc đất, anh đi chậm rãi và nói nhỏ: “Tụi bây sẵn sàng chưa?” Dũng và Đức Nguyễn lần lượt trả lời “Rồi.” Tùng vác cuốc đi đến thùng nước uống cách chỗ tên bộ đội VC Lẫn không bao xa, độ chừng bốn mét, anh dừng lại, tay cầm lon nước, tay chống cán cuốc, len lén đưa mắt quan sát một vòng ngoại cảnh. Trong khi đó Dũng và Đức Nguyễn đang cuốc đất nhưng vẫn luôn theo dõi từng hành động của Tùng để chờ đợi mật hiệu của anh.
Vừa lúc tên VC Lẫn quay lưng, Tùng phóng nhanh tới với tư thế đã chuẩn bị, đập thật mạnh đai cuốc vào ót tên nầy. Tên Lẫn bị đập bất ngờ, mất tư thế, lảo đảo té quỵ xuống. Cách đó không xa, anh Đức Nguyễn đã sẵn sàng nhào tới giựt khẩu AK-47 của tên VC Lẫn, nhưng vì khẩu AK được đeo choàng chéo qua vai hắn nên súng bị dằn co, không giựt hẳn ra được. Tên Đức Đỗ làm ăng-ten (Tiếng dùng ám chỉ bọn tù cải tạo đã trở cờ, theo VC) cho giặc, đã được VC chỉ định làm đội trưởng cho đội nầy, thấy vậy la lớn lên : “Anh em ơi ! Tụi nó giựt súng Cán bộ.”
Hắn nhào tới đỡ lấy và kềm phụ khẩu súng AK cho tên VC Lẫn. Được sự trợ giúp đắc lực của tên ăng-ten nầy và vì đai cuốc của Tùng bổ vào chưa trúng nhược điểm nên tên VC lấy lại được bình tỉnh.Dũng thấy rõ nguy cơ đã đến cho bạn mình khi có tên ăng-ten Đức Đỗ vào trợ giúp, anh liền chụp lấy cây rựa nhào tới chặt thật mạnh vào gáy tên Đức Đỗ; tuy nhiên, vì vội vàng, lưỡi rựa chỉ tạt phớt qua màng tang tên Đức nên hắn ta không bị hề hấn gì. Bấy giờ, tên VC Lẫn đã ôm ghì lại được khẩu AK, hắn bóp cò báo động, nhưng súng không nổ.Tên Đức Đỗ khôn ngoan và sáng suốt hơn thét to nhắc nhở :
– Mở khóa an toàn ! Mở khóa an toàn đi Cán bộ !
Tên VC Lẫn không còn tự chủ được nữa, hắn làm y theo lời thúc giục của tên ăng-ten Đức, mở khóa an toàn. Bóp cò ! Hai phát súng nổ báo động toàn trại.
Tùng, Dũng và Đức Nguyễn thấy sự việc không thành vụt chạy xuống bờ sông nơi đã định cách đó chừng 50 mét. Tên Đức Đỗ nhắc nhở và thúc giục tên VC :
– Quỳ xuống bắn chính xác hơn Cán bộ.
Lẫn riu ríu thi hành như một khóa sinh đang tập ở sân bắn Quân trường. Hắn ta quỳ xuống, nâng khẩu AK lên ngang tầm mắt,cẩn thận lấy đường nhắm. Bóp cò !
Đùng ! Phát súng nổ vang chát chúa, viên đạn đầu cũng là viên đạn cuối cùng xuyên qua màng sọ của anh Đức Nguyễn – giải thoát anh khỏi lao tù Cộng sản trong khoảnh khắc, nhưng chắc hẳn anh vẫn còn uất hận với mối thù giặc cộng chưa trả được. Anh Đức nằm bất động trên bãi cát, không có được một cử động giẫy giụa của một người sắp chết – cách tên VC Lẫn không ngoài 20 mét.
Cán binh bộ đội VC được báo động vụt ù chạy lại tiếp cứu.
Lẫn la lớn lên : “Còn hai thằng chạy xuống bờ sông !”
Tùng đã xuống sát bờ, còn Dũng đã đến gần được nửa sông. Ba phát đạn nữa tới tấp từ phía sau bắn tới hướng Tùng. Ba viên đạn của hận thù đã kết liễu đời anh. Tùng gục xuống, không quên quay nhìn lần chót những tên VC bạo tàn và bầy chó săn quái ác.
Dũng thấy không còn kịp nữa, cùng lúc có tiếng la : “Đứng lại ! Đứng lại ! Đưa tay lên !” từ sau vọng tới. Anh đứng vụt lại, hai tay đưa lên khỏi đầu, từ từ quay lại.
Đùng ! Viên đạn xuyên qua đùi anh. Dũng nghiến răng uất hận gào thét lên :
– Đả đảo cộng sản ! Đả đảo cộng sản !…
Đùng ! Đùng ! Thêm hai viên đạn nữa, một xuyên qua bụng và một viên làm bay mất nửa phần hàm dưới của Dũng, tiếng thét của anh đã bị viên đạn thứ ba làm lệch giọng.
-Đ..ả…đ..ả..o..c..ộ..n..g.. s..ả..n..!” Anh vẫn còn tỉnh, vẫn còn từ từ bước tới hàng rào cán binh VC cách đó khoảng chừng 30 mét, anh như là tấm bia cho bọn VC nã đạn vào.
Đùng ! Viên đạn thứ tư ghim sâu vào ngực Dũng. Máu lần nầy xối xả phun ra từ một trái tim chỉ biết tôn thờ một màu cờ, sắc áo. Anh không còn chịu đựng được nữa, thân anh co quặp lại, quỵ xuống trên giòng sông chảy xiết, máu anh hòa với nước lờ đờ chảy như vẫy chào anh trở về với lòng đất mẹ thân yêu. Tám viên đạn AK kết liễu ba mạng người một lòng trung chính không chịu khuất phục sự bạo tàn.
Từ khi hai phát súng báo động nổ, An từ xa chạy đến thấy sự việc không thành, anh khựng lại rồi hối hả chạy đi như không hay biết sự việc.Ngay từ giây phút đầu tiên thảm kịch xảy ra cho đến bây giờ, Trung hoàn toàn không hay biết mưu định của bạn mình. Anh bàng hoàng, ngỡ ngàng hối tiếc trước sự việc không thành của bạn. Quang cảnh lúc bấy giờ hỗn loạn, anh Trung cũng như mọi người chạy tứ tán tìm nơi trú ẩn an toàn, chỉ có những tên ăng-ten còn sáng suốt nắm lấy cơ hội để lập công.
Trong sinh hoạt thường ngày của trại, Trung, An và một số đông bạn bè khác bị bọn tay sai lấy điểm với bọn VC theo dõi vì bộc lộ tư tưởng căm thù cộng sản. Sau khi thảm kịch xảy ra, Trung, An là mục tiêu để bọn chúng chộp lấy trước nhất. Bọn ăng-ten đã nhanh nhẹn đuổi bắt Trung, An và Tâm lại.
Ba anh Trung, An và Tâm bị trói ngay sau đó. Trước khi đưa về bộ chỉ huy, bọn chúng không quên trút hết những cơn hận thù vừa qua bằng hàng loạt báng súng AK vào thân xác gầy còm của các anh sau những năm tháng dài làm lao động Xã hội Chủ nghĩa.
Chiều hôm đó cảnh trại lạnh lùng tiêu điều như một Nghĩa trang. Người người đi lại nhìn nhau, không nói, không cười, mỗi người mang một nỗi buồn chua chát. Buồn vì cái chết đau thương của những bạn mình, buồn cho cuộc sống tù đày mà nhân mạng con người không còn nghĩa lý gì với loài quỷ đỏ, buồn cho số phận của những kẻ phải chịu cảnh sa cơ thất thế. Tư tưởng chống bạo quyền còn đó, căm thù còn đây, lại thêm hận thù chồng chất…Cho biết đến bao giờ !
Ba anh Trung, An và Tâm mỗi người được đưa vào một căn nhà khác nhau để cho việc điều tra dễ dàng hơn.
Về phía tên VC Lẫn, sau khi được y sĩ khám vết thương, hắn ta trở lại tìm gặp từng người đang bị cùm (Đó là biện pháp kỷ luật dành cho những tù nhân “ngoan cố”) để hỏi thêm chi tiết, với nét mặt không dấu được nỗi căm thù, hắn lớn tiếng hỏi Trung :
– Anh nghĩ sao mà làm vậy hả anh Trung ?
Trung phủ nhận : “Tôi đâu có dính líu tới vụ đó, Cán bộ !”
Tên VC Lẫn thét to : “Giờ nầy mà anh còn ngoan cố hả anh Trung ?”
Trung điềm nhiên trả lời : “Không đâu Cán bộ, tôi không biết gì về chuyện đó hết.”
Lẫn hậm hực hỏi tiếp : “Anh có biết tội anh như thế nào không ? Làm tay sai cho Mỹ Ngụy, anh biết chưa ? Án 20 năm của anh còn đó anh vẫn chưa sợ à ?”
Trung cắn răng, máu anh như bùng sôi vì những lời đe dọa hách dịch của tên Lẫn, anh chồm dậy như muốn tung một cú đá thật mạnh vào mặt tên VC nầy. Nhưng than ôi ! Còn đâu nữa, hai cổ chân nhỏ bé của anh không còn di chuyển được vì một gông cùm nghiệt ngã. Uất hận, tức giận nhấc đầu lên, Trung gằn một tiếng :
– Chớ còn ông làm tay sai cho ai ? Khẩu AK do ai chế tạo ? Ông đã dùng súng AK do Nga Sô viện trợ bắn vào ai ? Vào Mỹ hay là vào người Việt Nam ?
Lẫn hậm hực, gằn từng tiếng một :
– Được ! Anh còn ngoan cố lắm. Rồi hắn ta bước ra khỏi phòng.
Tên VC bước ra khỏi phòng, trả lại không khí yên tỉnh về với Trung. Nhớ lại câu nói vừa rồi của của tên Lẫn : “Làm tay sai cho Mỹ Ngụy,…Án 20 năm của anh còn đó anh vẫn chưa sợ à ?” Trung thở dài, duỗi lưng nằm xuống, khẽ nhắm mắt lại. Bây giờ Trung mới nghĩ rằng anh bị bắt ngay khi thảm kịch trốn trại xảy ra chẳng qua vì Tùng, Đức, Dũng và anh đều nằm trong Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc.
Sau vài ngày cô lập để điều tra, Trung và An được đưa vào xà lim biệt giam để chờ ngày ra tòa; còn Tâm (Bị cùm nằm kế tôi) được trả về với lao động bình thường – có lẽ VC đã dựng thêm một cây ăng-ten mới để dùng trong kỹ thuật khổ nhục kế hầu rà thêm manh mối.
Máy đèn hoạt động suốt đêm hôm đó. Bộ đội Công an Võ trang VC tràn ngập sân trại, và chúng tôi phải tham dự đêm thuyết trình. Theo chỉ thị của bọn giám thị chỉ huy trại, mỗi tù nhân đều phải phát biểu ý kiến về thảm kịch trốn trại, mỗi đội phải lập một bản kiến nghị và mọi người ký tên vào để kết án những người vi phạm – dù sống hay chết.
Sáng hôm sau toàn trại được gọi tập họp tham gia cuộc mít-tinh để lên án những tên “Ngoan cố chống lại Cách mạng, chống lại Nhân dân.” Hơn một ngàn chữ ký đã bị bắt buộc ký vào trừ một số người đang bị cùm trong xà lim.
Đúng ra, từ ngày thảm kịch xảy ra cho đến nay hơn một năm, vụ án mới được đem ra xét xử. Trở lại phiên tòa, sau khi tên giám sát viên đọc xong biên bản điều tra vụ án, tên chánh án VC tiếp tục :
– Vì đây là một phiên tòa đặc biệt, không có luật sư biện hộ nên anh Trung được quyền tự biên hộ lấy và anh chỉ được nói khi nào tòa cho phép. Anh có gì nói không anh Trung ?
– Thưa tòa, không ! Trung đáp lại.
Tên chánh án nói tiếp :
– Anh có nhận thấy rằng biên bản mà giám sát viên vừa đọc là đúng không anh Trung ?
Trung thản nhiên nói :
– Tôi không có nhúng tay vào vụ giựt súng đó …
Tên chánh án cắt ngang lời nói của Trung :
– Anh đừng chối, anh lợi dụng những tên kia đã chết nên bây giờ anh muốn nói gì thì nói phải không !
Trung vẫn nhẹ nhàng đáp :
– Thưa tòa, không. Tôi không có dính líu tới vụ đó.
Tên chánh án tiếp lời Trung :
– Anh còn nhớ những gì anh đã khai với cán bộ chấp pháp (Cán bộ thẩm vấn) ngày hôm đó không anh Trung ?
– Thưa tòa, nhớ !
Rồi hắn ta cất giọng ra lệnh :
-Anh nói xem !
Trung trả lời rất gọn :
– Khi nghe súng nổ, phản ứng tự nhiên là tôi tìm chỗ núp, tôi không biết gì hết.
Tên chánh án tay phải nâng cặp mắt kiếng của hắn lên, chồm nhẹ về phía trước, hậm hực nói :
– Hừ ! Anh lại nói đến phản ứng tự nhiên mà anh chạy à ? Hắn ngừng một chút rồi quả quyết đưa Trung vào việc đã rồi :
– Thôi ! Anh đừng nói nữa, tòa biết hết rồi, anh nghe rõ chưa anh Trung ?
Nghe đến đây tôi thương xót cho Trung nhiều, tôi biết anh không liên quan gì đến vụ giựt súng, nhưng chẳng qua vì đã mang bản án 20 năm trong vụ tham gia hoạt động của Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc sau ngày 30-4-1975 nên bọn CSVN luôn tìm cách tiêu diệt những mầm mống như Trung từ lâu, và đây là một cơ hội tốt để lấy cớ trừ khử anh Trung. Tên chánh án vụt chuyển sang An, hắn hỏi như ra lệnh :
– Anh Trung vừa nói như vậy có đúng không anh An ?
An như một cái máy, nhanh nhẹn đáp :
– Dạ thưa tòa, hoàn toàn không đúng.
– Anh trình bày vụ việc đi.
Chúng tôi đã có thể đoán trước những gì An sắp nói. An chỉ là một học sinh Trung học đệ Nhị cấp, rải truyền đơn chống Cộng sản rồi bị bắt, chưa hề có bản án nào.Anh còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm về cộng sản. Sau nhiều ngày bị tra tấn và nhốt trong xà lim biệt giam, anh không còn giữ được ý chí và nghị lực, lại còn được Cộng sản chiêu hàng bằng những đòn phép “Mẹ ru con ngủ” khiến anh đã trở thành miếng mồi ngon cho Cộng sản sử dụng. An cất tiếng vu cáo :
– Thưa tòa, lúc Tùng và Đức (Nguyễn) cùng nhau giựt súng, anh Trung và tôi chạy lại định tiếp tay nhưng việc không thành. Trung bỏ chạy và bị bắt lại. Những gì anh Trung vừa khai với quý tòa hoàn toàn không đúng.
Tên chánh án ra lệnh cho An về chỗ ngồi, đoạn tiếp tục :
– Anh Trung ! Anh còn nhớ những gì anh đã bôi nhọ cách mạng không ? Anh đã sỉ nhục cán bộ quản giáo (Cán bộ phụ trách về “giáo dục”) của anh là dùng súng AK do Liên Sô chi viện bắn vào anh em của anh, có đúng vậy không anh Trung ?
Trung chưa kịp trả lời, tên chánh án quay nhìn Lẫn nói tiếp :
– Có đúng vậy không đồng chí Lẫn ?
– Thưa tòa ! Đúng. Lẫn vừa ngồi tại chỗ, vừa trả lời. Tên chánh án nói tiếp :
– Mời đồng chí Lẫn ra trước tòa trình bày vụ việc vừa qua.
Lẫn tiếp tục trình bày y như những gì tên giám sát viên vừa đọc. Rồi hắn ta kết luận :
– Bây giờ, mặc dù vết thương đã lành nhưng lúc trở trời thì tôi thấy hơi khó chịu.
Ngồi xếp bằng dưới hội trường, chăm chú theo dõi cuộc xử án từ đầu đến giờ, tôi mường tượng đây như là một màn bi kịch mà nạn nhân là Trung và những người lính VNCH chúng tôi, chớ không phải là một phiên tòa. Ngày xảy ra vụ xử án, tôi tin chắc có rất nhiều người thấy và hiểu rõ sự vụ, nhưng không một ai dám ra làm nhân chứng, ngoại trừ ba tên Đức, Bửu và Lập. Cả ba lần lượt được mời ra trước tòa.
Sau một thời gian được “Nhà nước khoan hồng,” họ lần lượt ra đứng trước chiếc mi-cro và thẳng lời tố cáo, buộc tội Trung chính là người chủ mưu vụ cướp súng đó.
Tên chánh án quay sang xin đề nghị của giám sát viên. Sau một lúc lâu đọc về các điều luật – những điều tôi nghe không quen tai – trong hiến pháp của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà nay gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tên giám sát viên kết thúc với lời đề nghị bản án :
– Thứ nhất, xét thấy tên Nguyễn Minh Trung là một Thiếu Úy Ngụy, làm tay sai cho đế quốc Mỹ, làm công cụ cho bè lũ bán nước của tên Nguyễn Văn Thiệu, mang trọng tội với Nhân Dân, với Đảng và Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Xét thấy tên Nguyễn Minh Trung có một tiền án 20 năm về tội chống phá cách mạng, nay lại còn chủ mưu trong vụ cướp súng, mưu toan giết cán bộ là người đại diện cho nhân dân, cho luật pháp nhà nước.
Xét thấy tên Nguyễn Minh Trung còn ngoan cố không thể cải tạo được nữa nên Giám Sát đề nghị bản án từ chung thân khổ sai đến tử hình.
– Thứ hai là Hồ Ngọc An, biết ăn năn hối cải, còn trẻ tuổi, để cho anh còn nhiều thời giờ cải tạo để thành nhân dân tốt của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Giám Sát đề nghị bản án từ 12 năm đến 15 năm cải tạo.
Tên chánh án tiếp lời sau khi cám ơn giám sát viên :
– Các anh Trung và An có nói lời nói cuối cùng gì trước khi tòa nghị án không ?
Trung đứng lên điềm nhiên đáp :
– Thưa tòa có !
Tên chánh án lên giọng, chồm tới phía trước, ra lệnh :
– Anh nói xem !
Trung vẫn điềm nhiên đáp :
– Thưa tòa, tôi không phải là người tổ chức và dính líu tới vụ nầy.
Hắn ta kéo chiếc mi-cro kề hơi gần sát miệng, một âm thanh hơi chát vì thiếu tiếng trầm :
– Anh không phải là người tổ chức nhưng anh có một tiền án 20 năm. Anh rõ chưa anh Trung.
Trung không nói, chua xót gật đầu buông xuôi; chắc anh không còn nghe thấy những gì chung quanh nữa. Mộng ước phá tan gông cùm cộng sản, diệt lũ bạo tàn để dành lại tự do cho quê hương Việt Nam đành dừng lại nơi đây. Anh còn quá trẻ, ý chí phấn đấu và nguồn yêu nước đang còn rào rạt dâng cao giờ đây đành phải sụp đổ nơi anh.
Hơn năm phút sau, bức màn đỏ được từ từ kéo ra, tên chánh án trịnh trọng bắt đầu :
– Thứ nhất : xét thấy tên Nguyễn Minh Trung, một Thiếu Úy Ngụy, có một tiền án 20 năm về tội chống phá lại Cách mạng, nay lại còn cầm đầu một tổ chức cướp súng Cán bộ là người đại diện cho nhà nước và nhân dân.
Xét thấy tên Nguyễn Minh Trung vẫn con ngoan cố, không còn cải tạo được nữa. Tòa tuyên án Nguyễn Minh Trung : tử hình.
– Thứ hai : xét thấy anh Hồ Ngọc An còn trẻ tuổi, biết ăn năn hối cải, còn đủ thời giờ cải tạo được để trở thành nhân dân tốt. Tòa tuyên án Hồ Ngọc An : 12 năm cải tạo.
Riêng Nguyễn Minh Trung được quyền chống án lên Chủ Tịch Nhà Nước trong thời gian là ba ngày, sau đó bản án sẽ được thi hành.
Nhìn Trung, tên chánh án tiếp lời với một cử chỉ làm như nhân đạo để cố che lấp sự bạo tàn của hắn :
– Anh có nhắn gì lại với vợ con anh không, anh Trung ?
Trung không muốn trả lời nữa, anh đáp gọn : “Không !”
Tên bộ đội công an VC đến sau lưng còng tay Trung lại.Tôi thấy nét mặt anh vẫn điềm tỉnh nhưng có lẽ thâm tâm đang nghĩ đến gia đình một lần cuối, đến vợ con mà đã từ lâu anh không được gặp mặt. Anh Trung đang nghĩ gì ? Tôi tin chắc rằng anh chỉ buồn vì mình chưa làm được gì cho Quê hương, cho Quốc gia Việt Nam đang sống oằn oại trong tăm tối.
Trung bước chậm ra cửa hội trường, không quên đứng nhìn lại lần cuối những người bạn cũ của mình như muốn nhắn lại với chúng tôi, đêm tuy dài nhưng ngày mai trời phải sáng.
Tên công an VC thúc báng súng AK sau lưng, Trung nhẹ bước đi dưới mũi súng quân thù. Một hàng rào công an VC với những khẩu AK trong tư thế chiến đấu, bao vòng quanh chiếc xe Van bít bùng, đang đợi.
Ba người Sĩ quan VNCH được VC ban bổng lộc nghĩ gì ? Họ đã ngủ gục trong những giây phút tuyên thệ linh thiêng tại buổi lễ mãn khóa của các Quân trường đào tạo; và họ tỉnh giấc lại trong những căn lều lý tưởng tự xây, trên một cánh đồng cỏ tranh xanh bát ngát, ven cạnh rừng, nơi chúng tôi thường lui tới đốn củi. Họ là ai ?
Gia đình Quân đội VNCH không may có những đứa con hoang đàng bất hiếu, nhưng bù lại cũng đã đào tạo được hàng ngàn người con hiền ngoan hiếu thảo, một lòng một dạ trung thành với Quốc gia Việt Nam.
Anh Trung, mọi người mến anh vì bản tính hiền hòa vui vẻ nhưng tôi còn thấy nơi anh một sự khiêm nhường bất khuất. Dù cuộc chiến đã tàn, nhưng xin anh một lần cho tôi được làm nhân chứng để viết thêm tên anh vào trang sử sách, những người lính anh hùng của QLVNCH: …,Thiếu Úy Nguyễn Minh Trung.
Ngày tháng trôi qua …, ký ức vẫn không phai tàn.
Thiếu Tá Đặng Hữu Thân, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân QLVNCH, người anh tôi mến phục. Được quen biết anh trong căn nhà kỷ luật. Cặp mắt và giọng nói đã cho tôi biết anh không phải là một cấp Chỉ huy tầm thường. Anh bị VC kết án tử hình vì đã cầm đầu một tổ chức chống lại CSVN sau khi QLVNCH bị bỏ rơi. Anh thường bị nhốt trong phòng biệt giam và đưa qua lại căn nhà kỷ luật tùy theo sức khỏe. Thường thì VC nhốt những người “ngoan cố” trong phòng biệt giam, chỉ vừa một người nằm, khi nào họ thấy muốn cho trở lại nhà kỷ luật thì họ cho. Nhà kỷ luật tương đối “thoải mái” hơn, vì còn đi đứng, qua lại được dễ dàng.
Anh cho chúng tôi biết, có bốn Cha Tuyên Úy Công Giáo và quản nhiệm các giáo phận đang nằm bên cạnh. Các vị linh mục luôn bị cô lập nơi các phòng biệt giam theo chỉ thị của “Đảng,” trong khi các Thầy Tuyên Úy Phật Giáo thì được “ưu đãi hơn” trong các căn nhà khác, nhưng tôi biết có vài Thầy vẫn ở chung trong nhà kỹ luật. “VC ghét Cha hơn ghét Thầy” chỉ là một đòn sơ đẳng trong kỹ thuật ly gián mà chúng áp dụng để chia rẽ tôn giáo. Ma quỷ lúc nào cũng sợ các Đấng Thánh.
Sự liên lạc qua lại giữa các tù nhân thường rất khó khăn, nhất là nhà kỷ luật và những căn phòng biệt giam. Tất cả đều phải qua sự kiểm soát của cán bộ VC hoặc các anh tù “cải tạo tốt” được chọn làm trật tự. Sống trong cảnh tù đày, dưới cặp mắt “quản giáo” của VC, đôi lúc suy nghĩ và hành động của mình phải trở nên linh động hơn – tùy theo hoàn cảnh mà ứng biến.
Một nơi mà bọn cán bộ VC và các anh trật tự ít dám lui tới trừ khi cần kíp lắm, đó là nhà cầu được xây gần những xà lim biệt giam. Đây là một sự cố ý để tăng thêm hình phạt cho các người “ngoan cố.” Mỗi ngày hai lần, sáng sớm và chiều tối, các tù nhân nằm phòng biệt giam được ra làm vệ sinh cá nhân và vận động chân tay cho thoải mái, cũng như được lãnh khẩu phần ăn tiêu chuẩn dưới sự “quản lý” của các anh trật tự.
“Đau bụng quá !” Vừa nói với anh trật tự, tôi vừa phóng nhanh lên cầu khi thấy anh Thân đang lên một cầu kế cận; vội quăng lẹ cho anh vài miếng thuốc rê và ít miếng giấy quấn, rồi ngồi xuống cầu bên cạnh như đang làm một việc khẩn cấp của cá nhân.Tim tôi đang tăng nhịp đập bỗng dưng dịu lại một cách bình thường dưới ánh mắt và một nụ cười tràn đầy yêu thương, trìu mến : một Cha Tuyên Úy đang đứng đợi để lên cầu. Vừa làm xong một việc tự nguyện, tưởng chừng như một mình tôi biết.
Thuốc hút luôn là kẻ thù của sức khỏe nhưng nó cũng là người bạn tri âm của những tâm hồn cô đơn trống vắng như anh Thân. Tôi không dám so sánh hai mươi tám ngày mà tôi đã trải qua với những gì anh Thân đang gánh chịu. Nhắc đến đây tôi cảm thấy bùi ngùi.
Buổi sáng, trong khí trời lành lạnh của núi rừng, những hạt sương mù rơi lất phất, vài đám mây đen đang là đà bay càng làm tăng thêm cái vẻ thê lương ảm đạm của cảnh vật chung quanh. Tôi còn nhớ rõ tiếng anh : “Tụi VC nó sắp bắn anh !”
Anh Thân ! Em biết Anh đã làm những gì mà tất cả mọi người cần phải làm cho quốc gia Việt Nam trong lúc lâm nguy và Anh đã làm tròn trách nhiệm của người thuyền trưởng trong một chuyến hải hành trên con tàu định mệnh. Thêm một ngôi sao sáng của QLVNCH vừa phụt tắt : Hải Quân Thiếu Tá Đặng Hữu Thân.
_________
Trung Tá Đào (?) Xuân Bé, Sĩ quan Tiếp Vận Vùng 2 Chiến Thuật. Cái tên và dáng dấp của anh đã kết hợp với nhau khi vừa mới sinh để mang một trọng trách mà các cấp Chỉ huy khác không mang nổi. Anh vào phòng biệt giam vì đã khai sự thực.
“Nếu anh chịu khai thực tôi sẽ cho anh trở về ở nhà kỷ luật,” đó là câu nói mà tên cán bộ “quản giáo” VC Lẫn thường nói với anh. Mỉa mai thay, anh chấp nhận ở lại phòng biệt giam vì đã khai sự thực với tên Lẫn:
– Mấy ông bảo tôi khai sự thật thì tôi đã khai hết sự thật trong tờ tự khai rồi, không còn gì để khai nữa.
Tờ tự khai của anh : “… Mỹ Rút, Việt Nam Cộng Hòa Bị Bỏ Rơi.”
_________
Trung Tá Bùi Quốc Trụ, y sĩ trưởng Sư Đoàn 2 Không Quân QLVNCH, một vị Lương y như từ mẫu. Anh đã tận dụng mọi phương pháp y khoa để cứu chữa cho các bạn tù trong phạm vi quyền hạn của anh. Anh nhìn bệnh nhân đang hấp hối với lương tâm của một người Bác sĩ, biết việc gì cần phải làm, nhưng bao giờ cũng phải chờ quyết định của “Bác sĩ cơ quan,” một bác sĩ “Thật giỏi, tốt nghiệp chỉ sau hai năm học tại Liên Sô – sau khi được học xong lớp 10 tại Hà Nội.” Lương tâm và khả năng chuyên nghiệp của anh Trụ vẫn chưa được “Cải tạo và lãnh đạo bởi Đảng CSVN.”
_________
Anh Thiếu Úy VC, gốc người Thượng, mà tôi không tiện nói tên ra, một thời gian làm “quản giáo” cho đội. Ngoài tiếng Việt, anh còn nói và viết rành tiếng Pháp vì cha mẹ của anh đã làm quản lý một đồn điền cà-phê cho người Pháp ở Ban Mê Thuột. Anh thường lén dẫn anh em chúng tôi ra chợ làng Thạch Thành mua thịt, cá và rau tươi để “cải thiện” thêm đời sống. Anh là một cán bộ “quản giáo” mà anh em chúng tôi thích nhất trong các buổi học tập về chính trị với những lời anh thường kết luận : “Thôi ! Các anh nghỉ sớm để mai còn phải đi lao động nữa !” Phải đi lao động nữa ! Anh hiểu rất rành tiếng Việt.
Chủ thuyết cộng sản Mác-Lê mà Hồ Chí Minh đi học lóm của Nga Tàu chỉ dùng để giết chết thân xác, nhưng không tận diệt được lý trí và lương tâm con người.
___________
Nhớ lại lần cuối tôi bị kêu lên hỏi cung (thẩm vấn), tên Thượng Tá chính trị viên VC, Dư Bính, giọng nói người tỉnh Phú Yên, hỏi :
– Anh làm gì cho Mỹ Ngụy ?
– Tôi làm lính.
– Lính mà làm cái gì ?
– Làm những gì cấp Chỉ huy của tôi ra lệnh.
– Cấp Chỉ huy của anh có bị bắt ở đây không ?
– Tôi không thấy.
Trong căn phòng chỉ có tôi và hắn, bỗng nghe một âm thanh chát chúa vang lên :
– Nói láo ! Rồi hắn ném một tập hồ sơ rất dầy lên bàn trước mặt tôi và ra lệnh :
– Mầy đọc tội của mầy đi !
Tập hồ sơ quá dầy, tôi không biết phải đọc chỗ nào. Bỗng thấy bàn tay của hắn bỏ ra khỏi báng súng K54, chụp lấy tập hồ sơ, lật ra phần mà hắn muốn tôi đọc :
– Đây nầy ! Đọc tội trạng và án lệnh của mầy thôi !
Tôi dán mắt vào chỗ hắn chỉ, hai hàng chữ viết bằng tay :
Tội trạng : “Quân đội Ngụy – Làm gián điệp cho Mỹ”
Án lệnh : “Tập trung cải tạo”
“Tập trung cải tạo,” một bản án có ý nghĩa rất mơ hồ đối với mọi người, nhưng đầy ý nghĩa đối với bọn CSVN : “Giết, nếu bọn chúng muốn; Tha, nếu cải tạo tốt.” Đang nhìn những hàng chữ “tội” của mình, bỗng nghe tiếng hắn hỏi :
– Có đúng vậy không ?
– Không đúng ! Vừa lắc đầu, tôi vừa trả lời một cách bình thường. Một tiếng quát to hơn khi nảy, âm thanh vang cả bốn góc phòng :
– Nói láo ! Rồi hắn ra lệnh hai tên bộ đội Công an Võ trang dẫn tôi trở lại nhà giam.
…Một hôm, tình cờ tôi gặp lại một người bạn cùng cảnh ngộ đang đứng xếp hàng chờ lãnh thực phẩm trong trại chuyển tiếp tại Kuala Lumpur, Mã Lai, để làm thủ tục đi định cư. Tôi được biết thêm, bản án “tập trung cải tạo” của tôi đã được tòa án nhân dân tỉnh Phú Khánh “nâng cấp” lên “Tử hình nếu bắt lại được” và án lệnh đã được đọc lên cho khoảng gần hai ngàn trại viên nghe trong hội trường – nơi bọn chúng dùng để xử án. (Cuối năm 1978, khoảng hơn 800 lính thuộc Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù và các đơn vị khác của QLVNCH bị bỏ rơi tại chiến trường Khánh Dương được chuyển về giam tại đó.)
Ngước mặt nhìn lên, một bầu trời trong xanh thẳm, không một áng mây. Các sinh hoạt chung quanh dường như đang ngưng động, không khí im lặng phút chốc quay trở về căn phòng biệt giam… Sao không còn ngửi thấy mùi xú uế nữa ? Tôi biết ! Tôi đang khóc ! Ơn Trên đã che chở tôi dưới mũi súng quân thù.
Chiều chiều ra đứng bờ ao,
Trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều.
Hai câu ca dao tôi nhớ từ thuở còn mặc quần đùi cắp sách đến trường. Hơn 30 năm sống trên đất Mỹ, chưa một lần trở về Việt Nam, quê hương mến yêu chỉ còn trong ký ức; vì tôi nghĩ rằng một bước chân vui chơi trên quê hương Việt Nam trong lúc dân tộc chúng ta đang đau khổ dưới gông cùm nghiệt ngã của cộng sản thì chẳng khác gì chính mình sẽ tự dẫm bước lên vong linh các anh hùng dân tộc đã vị quốc vong thân, và cũng chẳng khác gì chính mình tự rút súng bắn vào chân mình (You shoot yourself in the foot). Sống trong cộng đồng người Việt hải ngoại một thời gian lâu – qua phim ảnh, sách báo, những nơi tụ tập đông người hoặc ở các buổi tiệc tùng họp mặt – tôi được biết nhiều hơn nữa về người lính. Lần đầu tôi viết, viết những gì tôi biết thêm về – Người Lính Việt Nam Cộng Hòa Sau Khi Chiến Trường Im Tiếng Súng.
Lê Văn Kim
Viết cho ngày tang thương của đất nước Việt Nam 30 tháng 4, 1975.

MINH KHA * HỒI KÝ TỊ NẠN

Hồi Ký Tị Nạn của chị Minh Kha

Posted: Friday, December 19, 2014 by Hung Nguyen in
0
Chị Minh Kha tại NW82-1982
"Chị ngồi xổm xuống bên xác của Đức, cái thân hình dài và cái khuôn mặt mới ngày nào tràn đầy sức sống tươi đẹp nay tóp lại một cách thảm hại, bất động vô tri. Lòng chị quặn lại vì tái tê thương xót Đức như em ruột của mình, nhưng không hiểu sao chị không khóc được. ..."


 

Chị Minh Kha là người tị nạn đường bộ trại NW82. Chị tới trại Nong Chan năm 1981, chuyển tới trại NW82 sau đó và được JVA và INS nhận làm thông dịch viên cho những trại tị nạn biên giới vào những năm 1982-1983. Chị định cư tại Mỹ, tốt nghiệp thạc sĩ về xã hội học và làm việc cho văn phòng xã hội tại Nevada và California, giúp đở cho người tị nạn đến từ Việt Nam và những quốc gia khác.

Trong những ngày về hưu chị đã viết lại những câu chuyện vượt biên của chị như tâm sự người chị, với ý nguyện lưu lại cho mọi người cùng biết những biến cố đã xảy ra cho chị lúc vượt biên. nhưng chị không muốn đăng cho tới khi chị không còn hiện diện trên thế gian này nửa

 **

Hôm nay chị Minh Kha đã ra đi vĩnh viễn, câu chuyện của chị xin được lưu trử ở đây cho mọi người cùng đọc, để cùng không bao giờ quên những chặng đường đau thương, đầy máu và nước mắt của người Việt Nam trên con đường tị nạn cộng sản. Và cũng là một cách để nhớ đến chị, đến Đức, người bạn đường không may mắn mà chị vẫn thầm lặng thương tiếc đến những ngày cuối đời, cũng như tất cả bà con bạn bè đã bỏ mình tại vùng rừng núi biên giới xa xăm...

 
***


Chị viết xuống đây câu chuyện về Đức cho em đọc nhưng thực ra là chị viết nó cho chính bản thân chị. Chị không biết làm sao viết cho ngắn hơn, chỉ mong em đọc không chán lắm.

Tháng ba hay tư 1981 ở Saigon chị kiếm được một ông Miên dắt đường đòi chị trả hai chỉ vàng, hai chỉ chứ không phải hai cây, là một giá rất rẻ so với lúc đó thường người ta phải trả ba cây. Vì chị nói tiếng miên giỏi (nhờ học từ các gia đình miên Nam Vang chạy giặc Pol Pot sang Vietnam tới sống trong khu nhà chị), và da chị ngăm đen, quấn sà rông vào trông y miên, và vì ông ấy tử tế, chị nghĩ vậy. Ông đưa chị lên tới biên giới thì tình hình đánh nhau gay quá ông dắt chị về lại Nam Vang rồi từ đó chị kiếm đường về Saigon một mình. Vậy chị đi không thành công lần đầu nhưng đã tự tìm ra cho mình một đường dây tốt mà rẻ, lại biết qua đường đi nước bước.

Đây là lúc Đức bước vào câu chuyện. Một người anh của chị thấy chị muốn đi nữa, mà không có tiền, nên anh giới thiệu Đức cho chị, là bạn một người bạn. Chị nói với Đức chị là một người muốn đi vượt biên chứ không phải là một người làm nghề dắt đường để kiếm lợi, chị chỉ cần Đức trả chi phí cho chị, nay theo đường dây của chị giá người ta đòi là hai chỉ vàng một người vậy Đức vui lòng trả phần chị luôn, là tổng cộng bốn chỉ vàng. Chị nói tiền của Đức thì Đức cầm không cần đưa chị đồng nào, và người ta đòi Đức sẽ trả từng khoản nhỏ dọc đường cho người ta chi phí, còn thiếu lại bao nhiêu trong số bốn chỉ vàng thì khi tới được nhà thương phải trả nốt cho người ta. Chị nói Đức khi tới nhà thương rồi chị muốn Đức cho chị xin một chỉ vàng để chị có tiền xài. Đức đồng ý mọi điều kiện, còn mừng lắm vì giá đi quá rẻ mà lại không sợ bị chị lừa gạt vì không phải đưa tiền gì cho chị cả.

Đức lúc ấy là một thanh niên 22 tuổi, dáng công tử, cao hơn một mét bảy, mặt đẹp như D'artagnan trong phim Les Trois Mousquetaires. Da Đức trắng bóc, Đức nói ra phơi nắng da chỉ đỏ như tôm hùm rồi hôm sau trắng lại, chứ không bắt nắng. Chị thấy coi bộ không được vì da trắng dễ bị lộ trên đường đi sẽ nguy hiểm cho mọi người nên suy nghĩ rồi từ chối không cho Đức đi với chị.

Nhưng Đức theo năn nỉ mãi. Cuối cùng chị xuôi lòng và đồng ý cho Đức đi theo. Trước ngày đi Đức dắt chị tới gặp ông thày và ông cho mỗi người một sợi dây cà tha với một lá bùa hộ mạng bảo đeo vào cổ. Chị theo Tin Lành nên không thích lắm nhưng cũng không ngần ngại nghe lời vì mình đi chung với Đức phải làm theo, vả lại chị cũng hi vọng viễn vông biết đâu nhờ đó sẽ đi thành công. Tụi chị lên đường khoảng cuối tháng 8 hay tháng 9 không nhớ rõ, 1981.

Không nói em cũng biết Đức đã sợ hãi thế nào suốt cuộc hành trình nhưng các ông dắt đường kia làm việc chung với ông chị quen để dắt tụi chị từ Nam Vang trở đi, đều rất tử tế và lo cho an toàn của Đức. Tưởng tượng da thì trắng bóc, không nói được một chữ tiếng miên, mới đi mấy ngày đường mà mặt mày hốc hác xanh lè. Chặng cuối phải băng qua rừng khi trời nhá nhem tối thì cả Đức và chị bị tốp người dắt đường sau cùng bỏ rơi vì đau chân đi chậm quá.

Thế là bị bọn Para bắt bỏ vào tù Nong Chan. Tù này Hưng đã biết rộng dài khoảng 4m x 10m, được xây kiểu dã chiến, bốn bức tường chung quanh làm bằng thân cây lớn với dây kẽm gai giăng chằng chịt. Các vách ngăn chia trong tù cũng đều như vậy luôn nên bất cứ lúc nào mọi người trong tù cũng có thề nhìn thấy nhau.

Ngay nơi vách ngăn chia phòng lớn của đàn ông và phòng nhỏ của đàn bà, về phía phòng đàn ông, có một lối đi nhỏ. Phía trên lối đi này người ta treo một cái ống máng bằng kim loại đầu chúc xuống và hướng ra phía ngoài để ban ngày hay ban đêm mấy ông có thể đứng tiểu tiện và nước tiểu sẽ chảy ra ngoài, rơi thẳng xuống mặt đất. Khi Đức vào vì là ma mới nên "được" mấy ông cũ "nhường" cho chỗ này là chỗ ngủ tệ nhất trong tù bởi ngày đêm có người bước tới bước lui để dùng ống máng, và mỗi khi nước tiểu rơi xuống chạm mặt đất ngoài kia thì thường bắn tung tóe văng ngược vào nhà tù, dính vào đầu, tóc, cổ, và mặt Đức. À, chị quên chưa kể lính miên sắp xếp tất cả tị nạn nằm ngủ đầu phải quay về vách tường, nên nằm ngủ ở vị trí đó Đức không có cách nào tránh khỏi.

Đức nói với chị là rất lo sợ về chuyện này vì nhớ ông bạn thày tướng Ấn Độ đã dặn thờ Thần hổ phải ở nơi sạch sẽ nếu không sẽ bị thần vật. Đức không dám xin đổi chỗ với ai vì phần mình là ma mới, phần vì không muốn ai biết mình đạo Công giáo mà lại đi thờ Thần hổ. Trong tù Nong Chan mỗi sáng lính miên mở cổng và nói thơ ca thơ ca, rồi cho biết lấy mấy người, rồi ai tình nguyện thì đứng lên đi ra. Đức luôn tình nguyện đi thơ ca. Độ hai tuần sau khi vào tù Đức bắt đầu bị bệnh tiêu chảy hai ba ngày liên tiếp, người gầy tọp hẳn đi, mặt mày tái mét, nhưng mỗi ngày vẫn xin đi thơ ca chứ không chịu ở lại trong tù. Lính miên gác tù biết Đức bệnh nhưng dĩ nhiên chúng đâu có quan tâm, nên Đức không được cho thuốc men gì cả.

Trong tù có anh Hải xưa là sĩ quan không quân lái trực thăng, có nghề tay trái là thợ may. Một hôm có một tên lính miên được phát bộ đồ rằn ri to quá vào tù hỏi có ai là thợ may ở đây không, anh Hải nói có tôi. Từ đó bọn para không bắt anh Hải đi thơ ca nặng nhọc nữa mà kêu anh sửa đồng phục để chúng mặc cho vừa cho đẹp. Mấy ngày đầu chúng bắt anh làm việc trong tù nhưng anh đòi hỏi được ra ngoài và còn kéo theo chị làm thợ phụ vì "đơn đặt hàng" quá nhiều. Mỗi lần ra anh Hải và chị ngồi làm việc ngoài hiên nhà một tên lính kia và chị làm quen với vợ của nó để xin thêm cơm hay cá khô nhưng bị cấm không được đem đồ ăn về tù.

Trở lại chuyện của Đức, tối hôm đó Đức bị tiêu chảy nặng lắm rồi, trong tù Đức kín đáo đưa chị một chỉ vàng dưới dạng một mẩu cây tăm ngắn, nhờ chị tìm ai ngoài kia đi chợ mua một con gà và cúng Thần hổ giùm để xin thần tha thứ cho Đức, vì Đức tin bị tiêu chảy là do mình bị thần "vật" vì tối đi ngủ nằm phải nơi ô uế. Chị nói Đức chị quen mỗi mình vợ tên lính nơi nhà anh Hải với chị ngồi làm công việc may vá, Đức nói vậy nhờ đi. Cô vợ tên lính nhận lời giúp, nhưng nói là mua một con gà với nhang đèn để cúng sẽ tốn nửa chỉ vàng. Chị nói lại thì Đức đồng ý mặc dù giá đó mắc quá, nhưng lúc đó Đức không tiếc tiền mà chỉ sợ Thần hổ thôi.

Sau đó cô ấy có mua giùm gà và cúng giùm, chị nhìn thấy lúc ra ngoài làm việc chung với anh Hải, nhưng chị không nhớ Đức và anh Hải và chị có được ăn một miếng thịt gà nào hay không. Rồi còn lại nửa chỉ vàng của Đức cô ấy "nuốt" luôn không trả, nói là làm mất. Lúc Đức đưa vàng cho chị để đưa cho cô ấy, chị không hỏi gì nhưng biết chắc Đức đã giấu nó trong hậu môn của mình vì có một lần Đức đã nói với chị Đức giữ vàng bằng cách này. Ở Nong Chan trước khi tống tụi chị vô tù bọn para chỉ tra tấn bằng roi cá đuối và lột quần áo kiếm vàng bạc chứ không xét tới hậu môn hay đường ruột.

Cúng xong bệnh Đức cũng không thuyên giảm gì. Hai ba ngày sau đó mấy anh đi thơ ca bỗng xế trưa một anh hớt ha hớt hải chạy về nhà tù, chắc trốn không cho lính miên nhìn thấy, hôm ấy chị không được ra ngoài làm việc. Anh ta hét lên là "chị ơi em chị nó sắp chết rồi", vì lúc vào tù Đức nhận là em bà con của chị. Báo tin xong anh ta co giò chạy trở lại chỗ thơ ca. Nghe tin chị và mọi người khác trong tù sững sờ, nhưng chị không biết phải làm gì.

Xế chiều giờ đi làm về các anh thơ ca khiêng cái xác cứng đơ của Đức âm thầm đặt xuống trên mặt đất ngay phía ngoài cổng tù, mặt ai trông cũng căng thẳng và trắng bệch có lẽ vì xúc động, rồi mấy anh đi vào nhà tù mà không ai nhìn về phía chị. Tên lính miên dắt mấy anh thơ ca về tù lúc ấy hỏi chị có phải là chị của người chết không, chị lặng lẽ gật đầu, rồi hắn kêu chị bước ra ngoài. Chị ngồi xổm xuống bên xác của Đức, cái thân hình dài và cái khuôn mặt mới ngày nào tràn đầy sức sống tươi đẹp nay tóp lại một cách thảm hại, bất động vô tri. Lòng chị quặn lại vì tái tê thương xót Đức như em ruột của mình, nhưng không hiểu sao chị không khóc được. Vả lại bình thường chị rất sợ xác chết không bao giờ dám lại gần mà lúc ấy không hiểu sao chị chả cảm thấy sợ gì cả. Chị không nhớ lúc ấy chị có giơ tay vuốt mắt cho Đức không nữa, hay là đã có anh nào làm việc ấy rồi.

Tên lính miên đứng im lặng gần chị và mọi người trong tù cũng im lặng hoàn toàn nhưng chị biết ai cũng đang chăm chú nhìn ra cảnh tượng chị ngồi xổm bên xác chết của Đức, trong cảnh chập choạng tối của một ngày sắp hết. Chị nhìn vào cái mặt không hồn của Đức thầm xin lỗi đã làm Đức thất vọng không đưa được Đức tới nơi tới chốn nhưng biết Đức không giận vì Đức đã nói sẽ chấp nhận mọi rủi ro, rồi chị lâm râm cầu nguyện Chúa xin Chúa đón lấy linh hồn Đức. Rồi chị tự nhủ thế là xong một đời người, xong một ước mơ, và xong cả những đau đớn khổ sở lo lắng ...

... Không biết thời gian là bao lâu vừa qua đi khi tên lính miên lạnh lùng nhưng nhẹ nhàng nói với chị đứng dậy đi vào nhà tù lại đi, tên này là hiền nhất trong bọn lính gác tù. Rồi hắn nói hắn cần sáu hay tám người đi thơ ca ngay bây giờ, ai cũng biết là để khiêng xác Đức đem đi chôn ở một nơi vô danh đâu đó trong vùng rừng biên giới hoang vu. Khi mấy anh tị nạn tình nguyện thơ ca khiêng cuốc xẻng và xác Đức đi rồi, bóng đêm phủ xuống. Suốt đêm đó chị ngủ không được vì lương tâm cắn rứt tại chị đồng ý cho Đức đi theo nên hôm nay Đức mới chết khổ sở như thế này, trí óc chị băn khoăn vì xác chôn nơi rừng rậm xa lạ chị không thể biết đích xác ở đâu để mà sau này còn cho gia đình Đức biết. Không khí trong nhà tù đêm ấy cũng ảm đạm thê lương vì cái chết của Đức chắc đã làm chấn động tâm trí mọi người, dù là Đức chết rõ ràng vì bệnh tật chứ không phải vì bị lính miên giết.

Mấy ngày sau mọi người có vẻ bình tĩnh trở lại và bắt đầu bàn tán lý do tại sao Đức bị tiêu chảy rồi chết. Một người nói nhóm mình ở đây đã mấy tháng ăn uống không vệ sinh thật nhưng đâu có ai bị bệnh tiêu chảy, tại sao một mình Đức lại bị?

Lúc ấy chị mới nói ra Đức theo Công giáo nhưng thờ Thần hổ với hi vọng Thần hổ sẽ phù hộ mình vượt biên thành công. (Chuyện Đức giấu vàng trong hậu môn và nhờ vợ tên lính kia mua gà cúng chị chỉ kể cho một mình anh Hải nghe thôi, vì lúc ấy chị và anh Hải đã trỏ thành bạn thân.) Lúc ấy người thì bảo Đức bị tiêu chảy rồi chết vì đang theo Công giáo mà còn đi thờ Thần hổ, người thì bảo tại thờ Thần hổ mà nằm ngủ nơi dơ dáy nên bị thần vật. Có người nói có gì đâu, chỉ là số phần trời kêu ai nấy dạ. Anh Hải thì nói riêng với chị anh nghĩ rằng mỗi lần đi cầu vàng rơi ra ngoài rồi Đức phải dùng tay nhét vào đít lại, chắc chắn làm như vậy vi trùng đi theo vào trong cơ thể nên mới bị tiêu chảy.

Như vậy Đức ở trong tù Nong Chan khoảng tất cả trên dưới ba tuần, và bị bệnh tiêu chảy có một tuần thôi là chết. Cuộc hành trình vuợt biên của Đức tới đây là chấm dứt.

Đức chết xong thì khoảng hai tuần sau tụi chị được para đồng ý cho chuyển sang nhà thương Nong Chan. Khi có tin ông cha Công giáo nào đó vào nhà thương và nói sẽ giúp tị nạn gửi thơ về VN, chị viết một lá cho gia đình chị ở Saigon báo tin chị đã tới nhà thương biên giới nhưng không biết được từ đây sẽ đi về đâu. Cái chết của Đức trong tù làm chị bị choáng váng nên anh Hải tình nguyện viết giùm chị một lá thơ gửi kèm theo thơ của chị. Thơ anh ấy viết nói là anh là bạn chị và chị nhờ anh báo tin cho gia đình Đức biết về cái chết của Đức trong tù Nong Chan; với lời yêu cầu anh của chị ở Saigon là người đã giới thiệu Đức đi chung với chị, sẽ mang thơ tới tận nhà giao cho gia đình Đức.

Ở nhà thương Nong Chan khoảng một tháng sau tụi chị được chuyển sang nw82. Vài tháng sau đó đang trong nw82 chị nhận được thơ bố chị gửi từ Saigon, không nhớ rõ nhưng chắc qua địa chỉ nhận thơ của ông cha Công giáo, chứng tỏ cha đã giữ lời hứa, không những cha gửi thơ giùm về Saigon mà nay còn chuyển hồi âm của bố chị đến nw82 nữa, vì lúc đó nhà chị làm sao biết được chị đang ở trại tị nạn nào. Trong thơ bố chị nói thơ anh Hải viết gửi cho gia đình Đức đã được anh của chị chuyển tận tay, họ buồn lắm nhưng không ai trách móc gì chị.

Sau này về Saigon chơi bao nhiêu lần chị không bao giờ nghĩ tới chuyện tìm thăm gia đình của Đức. Để làm gì khi quá khứ đã yên ngủ? Mình đi chung một chuyến với thân nhân người ta, mình còn sờ sờ ra đây đang sống ở Mỹ mà thân nhân của người ta đã chết từ kiếp nào, ích lợi gì khơi lại trong họ vết thương lòng xa xưa?

Để kết thúc câu chuyện này chị muốn Hưng nhìn thấy một điều. Cái cô vợ của tên lính miên kia nhận vàng đi chợ mua gà rồi giựt nửa chỉ vàng của Đức, tuy tham nhưng con người cô ta không đến nỗi nào. Bởi lẽ cô ta đã có thể nói với chồng, nè tụi tị nạn trong tù nó còn vàng đó nghe, và biết đâu tất cả tụi chị lúc đó sẽ bị lính miên lục đồ hoặc cho uống dầu ăn giống tị nạn bên Phnomchat cho có bao nhiêu vàng bạc giấu trong người bị đẩy tuột ra hết, và lúc đó các tị nạn khác sẽ oán ghét Đức và chị tới chừng nào. Đó là chưa nói tới chúng có thể giận dữ đánh đập mọi người vì tội đã qua mặt chúng. Nhưng đã không có một chuyện gì như thế xảy ra, bởi vì cô kia chắc đã không nói ra.

Nghĩ lại đó là một hành động ngu xuẩn quá chừng, đang bị tù mà lại đi đưa vàng cho vợ một tên lính gác tù, dấu đầu lòi đuôi, nhưng lúc ấy Đức bệnh nặng quá đang sợ chết nên cả Đức và chị đều mất trí khôn. Sau này không thấy mấy anh trong nhóm người đã đem chôn Đức nói gì, vậy chị đoán là chuyện chôn cất xảy ra bình thường, đã không có tên lính miên nào đòi cắt xé thi thể của Đức ra để tìm cái gì cả. Nếu vậy, Đức đã chết đi mang theo bí mật về một số vàng giấu kín trong hậu môn, không rõ là bao nhiêu ...

Sự kiện ngày hôm nay chị sống bên Mỹ hiển nhiên liên quan đến cuộc ra đi năm xưa, mà Đức là một phần của cuộc ra đi đó. Bởi lẽ này, đến bây giờ thỉnh thoảng câu chuyện về Đức cứ trở về ám ảnh chị hoài. Một ký ức buồn.

Minhkha

SƠN TRUNG * SINH VIÊN VÕ BA

SINH VIÊN VÕ BA 

 SƠN TRUNG

Hồi bấy giờ tôi dạy học tại Đại học Văn khoa Sàigon. Tôi và các bạn đồng nghiệp trẻ rất thân vì chúng tôi hiểu nhau . Những lần đi dạy tại các đại học Cần Thơ, Hòa Hảo,Cao Đài.. .là những lần chúng tôi có dịp gần gũi nhau.

Những ngày tháng tại Đại học Văn khoa Saigon cũng là những ngày rất vui trong đời tôi mặc dù ở bên ngoài bom vẫn rơi, đạn vẫn nỗ, cộng quân mỗi ngày một xâm chiếm.
Tôi lúc bấy giờ bận rộn việc nghiên cứu, giảng dạy .Đến trường, ngoài việc dạy học, tôi không chú ý đến việc nào khác. Hết giờ dạy là về nhà đọc sách, viết sách. Tuy nhiên, có một điều khiến tôi chú ý là trong só nhân viên văn phòng, lại có một nhân viên mới. Anh này còn trẻ, dáng điệu quâ mùa, thường mặc quần kaki, áo cháo lòng, hay đứng trước cửa văn phòng kế toán. Tôi không rõ anh phụ trách công việc gì, vì tôi chỉ xuống văn phòng tài chánh,tháng một lần để lãnh lương.

Sau 1975, tôi và các đồng nghiệp ở đại học Khoa học phải học chính trị tại Đại học Văn khoa. Tôi lúc đó mới biết rằng bên cạnh các cán bộ quân quản, còn có anh chàng thanh niên làm văn phòng nay trở thành cán bộ cách mạng. Hỏi ra mới biết anh này tên là Võ Ba, vốn là sinh viên ban sử địa, là cán bộ nằm vùng, người Củ Chi, bị quốc gia bắt giam, sau được Sơn Hồng Đức , giảng sư ban sử địa, lúc này làm phụ tá khoa trưởng Bùi Xuân Bào , bảo lãnh, đưa về làm văn phòng nhà trường. Anh là người hiền lành, ít nói .
Trong trường tôi có nhiều điều kỳ quái. Giáo sư Châu Long nằm vùng nhưng các sinh viên cao học của ông đếu là người quốc gia, còn Sơn Hồng Đức, người quôc gia, làm việc cho tổng thống phủ, lại giúp đỡ các ông cộng sản nằm vùng.
Khi tôi ra khỏi đại học thì Võ Ba trở thành cán bộ giảng dạy ban sử địa. Những lúc rảnh rang, tôi đến thư viện đọc sách.Tại đây , tôi gặp Võ Ba. Anh tỏ vẻ thân thiện với tôi. Anh nói chưong trình địa lý cấp ba không bằng chương trình cấp một thời quốc gia. Chương trình quá sơ lược , chương trình năm châu mà chỉ dạy vài giờ theo kiểu lái phản lực xem hoa ! ( Chương trình văn học thế giới cũng thế !) Anh nói rằng các giáo sư sử địa rất tốt. Giáo sư Lâm Thanh Liêm, bà Quách Thanh Tâm đã nói với anh rằng :
Chúng tôi biết anh là cộng sản nhưng chúng tôi không lấy đó làm điều. Nếu anh thích học, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ. 
Anh ca tụng tinh thần bác ái của các giáo sư trên. Riêng đối với Sơn Hồng Đức anh kính trọng đặc biệt mặc dù Sơn Hồng Đức bị kết tội là CIA. Anh vẫn gọi Sơn Hồng Đức bằng thầy, và thường thăm viếng Sơn Hồng Đức khi anh được trả tự do. Nghe anh nói ,tôi nghĩ ngợi gần xa.

Quả thật, chính phủ ta ,đồng bào ta rất nhân ái. Con Nguyễn Hữu Thọ và nhiều người khác nữa theo cộng sản nhưng chúng ta không truy kích gia đình họ, trả thù,trừng phạt gia đình họ. Con cái của họ vẫn theo học đại học, cụ thể như sinh viên Võ Ba tại trường Đại học Văn khoa Sàigon. Trái lại, cộng sản rất dã man. Những ngườI có tổ tiên là phong kiến, những người có thân nhân đi nam. Những người có cha mẹ,anh em làm việc cho chế độ cũ, hoạc chống lại họ, thì con cháu, anh em đều bị họa lây. Ở giữa thế kỷ 20, cộng sản vẫn áp dụng chính sách tru di tam tộc của phong kiến !
Sau này, tôi nghe tin Võ Ba bỏ dạy học, đi làm bí thư cho huyện ủy Nhà Bè. Một huyện ủy mà có được một bí thư như Võ Ba kể ra cũng biết dùng người ! Nhưng chỗ ngồi của Võ Ba không bền vì ít lâu sau huyện ủy Nhà Bè bị mất chức ,Võ Ba lui về nhà. Nay không biết con đường công danh sự nghiệp của Võ Ba như thế nào.

NGƯỜI SÀI GÒN

Người Sài Gòn ở Hà Nội

06:00 AM - 09/10/2016            Thanh Niên

Cuối thế kỷ 19, một làn sóng người Nam kỳ ra Hà Nội làm thông ngôn tại các cơ quan hành chính của chính quyền thuộc địa Pháp, làm thầy ký ở các hiệu buôn, cai thầu, mở quán rượu, thợ... Những ai nói tiếng miền Nam đều được dân chúng Hà Nội gọi là người Sài Gòn.

Quán ăn đặc sản chè bưởi Sài Gòn tại phố Tạ Quang Bửu, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội /// Ảnh: Ngọc Thắng
Thông ngôn Sài Gòn

Năm 1883, quân đội Pháp chuẩn bị tiến hành bình định các tỉnh Bắc kỳ nên họ cần một lượng lớn người Việt biết tiếng Pháp giúp giao tiếp với dân chúng cũng như các quan tỉnh, quan huyện lúc này thuộc bộ máy cai trị của triều Nguyễn.

Không chỉ quân đội, Văn phòng Tổng trú sứ (sau là Văn phòng Toàn quyền), Văn phòng Thống sứ Bắc kỳ, tòa Đốc lý Hà Nội, các sở Cảnh sát, Lục lộ… cũng rất cần thông ngôn. Tuy nhiên, khi đó số người nói được tiếng Pháp ở Hà Nội chỉ có các cha cố, các sơ ở khu công giáo Nhà Chung và một ít Hoa kiều.

Những người Hoa học tiếng Pháp không phải làm thông ngôn, họ học để buôn bán, tham gia các gói thầu cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân đội Pháp. Vì thế quân đội, chính quyền phải tuyển thông ngôn từ Nam kỳ ra. Sở dĩ Nam kỳ có nhiều người biết tiếng Pháp vì từ năm 1862, chính quyền thuộc địa đã mở Trường Thông ngôn Sài Gòn (Collège des interprètes). Đến năm 1873 họ lại mở Trường Hậu bổ Sài Gòn (Collège des administrateurs stagiaires) chuyên đào tạo nhân viên hành chính cho chính phủ thuộc địa Pháp ở Nam kỳ.
Trong Hồ sơ về pháp luật hiện hành ở An Nam và Bắc kỳ (Recueil de la législation en vigueur en Annam et au Tonkin - Nhà in Shneider xuất bản lần thứ 2 năm 1895) của D.Ganter - Tham tá hạng nhất tòa Thống sứ Bắc kỳ, thì ngoài các nghị định về tuyển dụng thông ngôn đang biên chế trong Hải quân Bắc kỳ chuyển qua dân sự làm thầy ký, thông ngôn, còn có các quy định về chức vụ, mức lương. D.Ganter gọi thông ngôn người Nam kỳ là “Thông ngôn Sài Gòn” và đánh giá: “Họ là những trợ thủ đắc lực cho chính quyền ở Bắc kỳ” .

Người Nam kỳ ra Hà Nội không chỉ làm thông ngôn, họ còn tham gia thầu xây dựng các công trình quân sự và dân sự. Họ đưa theo những người tin cậy và thợ lành nghề. Năm 1883, phố Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay) xuất hiện các quán rượu, cà phê, ngoài chủ người Pháp còn có một số ít chủ quán là người Sài Gòn.

Trong tiểu thuyết lịch sử 2 tập Bóng nước Hồ Gươm viết về Hà Nội cuối thế kỷ 19, nhà Nho, nhà văn Chu Thiên đã kể chuyện hai thanh niên Sài Gòn phục vụ tại quán rượu ở phố Paul Bert dũng cảm, lừa lính khố đỏ mang sọ hai nhà Nho bị lính Pháp bêu chỗ cây dừa (nay là đài phun nước ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) đi chôn. Cũng trong Bóng nước Hồ Gươm, có một nhân vật là ông tú Nam kỳ, làm tri phủ một huyện ở tỉnh Hưng Yên lấy cô Xuyến con gái ông Bá Kim (người được cho là đã xây Tháp Rùa ở hồ Hoàn Kiếm) người làng Vũ Thạch (nay là phố Hàng Khay và đầu phố Bà Triệu). Hai vợ chồng ông tú đã ngấm ngầm giúp đỡ nghĩa quân Bãi Sậy. Bị lộ, quân Pháp bắt hai người đem xử tử. Nhà văn Chu Thiên cho rằng: “Ông tú là người Nam kỳ đầu tiên lấy vợ Hà Nội”. Một người đàn bà nổi tiếng trong lịch sử là cô Tư Hồng, có chồng là quan tư Pháp Laglan trúng thầu phá tường thành Hà Nội năm 1894 khi mở công ty cũng thuê một thầy ký Sài Gòn.

Năm 1886, Tổng trú sứ Paul Bert mở Trường Thông ngôn Bắc kỳ ở Hà Nội. Tuy nhiên, trường chỉ đào tạo được một khóa, sau đó phải đóng cửa do chính phủ Pháp thay đổi quan niệm cai trị thuộc địa.

Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương (gồm Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ, Campuchia và Lào) và để có nhân lực cho bộ máy cai trị, ngày 20.6.1903, Thống sứ Bắc kỳ đã ký nghị định thành lập Trường Hậu bổ đào tạo nhân viên hành chính. Trong 3 năm học, các ông tú phải học thêm tiếng Pháp. Do đầu vào thiếu chất lượng nên khi tốt nghiệp nhiều người đã không đáp ứng được yêu cầu, vì thế Văn phòng Toàn quyền Đông Dương, tòa Thống sứ Bắc kỳ, tòa đốc lý Hà Nội... và cả các hiệu buôn lớn vẫn “tràn ngập ký, thông Sài Gòn”. Đặc biệt tại công trình xây cầu Long Biên, có rất nhiều thông ngôn Sài Gòn.
Người Sài Gòn ở Hà Nội - ảnh 1
Quán cơm tấm Sài Gòn tại Hà Nội

Nghĩa trang Sài Gòn

Thời đó từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng đường bộ (nhà Nguyễn gọi là đường Thiên Lý) mất gần tháng trời, đi tàu biển nhanh hơn nhưng cũng phải chục ngày nên người Nam kỳ không may chết vì bệnh tật, tai nạn không thể đưa về quê an táng, chỉ còn cách chôn tại Hà Nội.

Và muốn mai táng tại Hà Nội thì bạn bè người chết phải nói khó với lý trưởng chôn nhờ ở nghĩa địa của làng nào đó xa trung tâm. Trước thực trạng đó, một người công giáo gốc Nam kỳ đã đứng ra kêu gọi đồng hương góp tiền mua một miếng đất làm nghĩa trang.

Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình và ủng hộ cả tiền bạc của Tổng đốc Bắc Ninh Lê Trung Ngọc, một giáo dân Nam kỳ sống ở thôn Hòa Mã (nay là phố Hòa Mã) đã mua được miếng đất rộng khoảng hơn 10.000 m2 vào năm 1898 ở cuối thôn Hòa Mã (nay là Công ty xe khách Thống Nhất, cuối phố Nguyễn Công Trứ) làm nghĩa trang. Thôn Hòa Mã lúc này là đất ngoại ô, dân cư thưa thớt và cũng đã có một nghĩa trang chuyên mai táng người Pháp, dân chúng gọi là nghĩa địa Tây (nay là khu tập thể Nguyễn Công Trứ).

Dù Nghĩa trang Công giáo Nam kỳ chỉ chôn cất những người Công giáo nhưng cũng dành một phần đất chôn những người Nam kỳ không theo đạo. Dân chúng Hà Nội khi đó cứ nghe ai nói tiếng Nam kỳ đều gọi là người Sài Gòn, vì thế họ không gọi Nghĩa trang Công giáo Nam kỳ mà gọi là Nghĩa trang Sài Gòn.
Sau 3 năm mai táng ở đây, những gia đình có điều kiện đã cất bốc hài cốt đưa về nam. Tuy nhiên, cũng rất nhiều nấm mộ không ai hương khói vì họ là những làm thuê cho các chủ thầu.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Nghĩa trang Sài Gòn hoang tàn vì không người chăm nom. Sau tiếp quản thủ đô ngày 10.10.1954, nghĩa trang vẫn tồn tại, dân các phố xung quanh vẫn vào hương khói cho các mộ phần. Tháng 12.1962, nhà nước hợp nhất Tập đoàn xe buýt Thống Nhất và Xí nghiệp xe buýt Hà Nội thành Xí nghiệp xe buýt Thống Nhất, cấp đất làm trụ sở là Nghĩa trang Sài Gòn. Để xây nhà xưởng và bãi đỗ, xí nghiệp đã phải di dời các hài cốt vô danh lên Yên Kỳ, chấm dứt hơn 60 năm tồn tại của Nghĩa trang Sài Gòn.


Cảm nhận cá tính người Sài Gòn và Hà Nội theo cách nhìn của 1 Việt Kiều Mỹ



http://hoinguoitieudung.com/media/reviews/photos/original/01/54/ee/Banner20bun20chui-01-01-22-1444475904.jpg



http://kenh14cdn.com/2016/web-9-1471620832955.jpg

NGUYỄN THU TRÂM * SAO KHÔNG XUỐNG ĐƯỜNG?

 NGUYỄN THU TRÂM 
 SAO KHÔNG XUỐNG ĐƯỜNG?
 
Vậy là ngày mai họ đưa hai người yêu nước Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ra tòa.
Lại một phiên tòa của những kẻ bán nước xét xử người yêu nước như nhiều phiên tòa từng diễn ra trên đất nước Việt Nam suốt từ 37 năm nay. Những phiên tòa phi lý vô nhân và bất công đã khiến cho hàng chục ngàn gia đình nát tan ly loạn vì người thân của họ vì quá yêu nước mà lụy vòng lao lý tù đày mà không ít người trong số đó, sau phiên toàn rồi không bao giờ trở về nữa.
Và ngày mai này đến lượt các anh phải ra tòa chỉ bởi các anh đã nói thay cho triệu người Việt Nam về nỗi ưu tư trước thảm họa mất nước, trước nguy cơ bị diệt vong hay đồng hóa của giống nòi.
 
Có đâu trên thế gian này lòng yêu nước cần phải được kín giấu, nếu không muốn bị xỉ vả, bị đấu tố, bị giam cầm tra tấn và bị tù đày?
Có đâu trên thế gian này sự gian trá, lường láo, bịp bợm và phản trắc lại được tôn vinh là quang vinh muôn năm, là đời đời sống mãi… ?
Truyền thuyết một mẹ trăm con của Việt Tộc khiến người Việt gọi nhau bằng hai tiếng “Đồng Bào” nghe gần gũi thân thương và cao cả quá, nhưng sao lại mỉa mai và nghịch lý đến thế này, sao lại vị bất đồng chủng mà quay lại giết hại đồng bào mình?
Sao lại “Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em” mà lại không anh em với những người cùng mình sinh ra từ một bọc trứng?
Phải chăng vì đất nước này vốn tồn tại nhiều nghịch lý, nên con người ta cảm thấy bình thường trước nghịch lý và phản cảm trước những cái chân thiện  mỹ?
Đâu rồi những ngày sinh viên, trí thức, Phật tử miền nam xuống đường chống lại cuộc chiến tranh ngăn chặn làn sóng đỏ của chính thể Quốc Gia đang bảo vệ nền tự do cho đồng bào Nam Việt trước họa xâm lược của cộng quân Bắc Việt?
Đâu rồi phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi hát”? Đâu rồi phong trào vận động người dân đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến chống cộng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, phản đối sự hiện diện của quân đội đồng minh Hoa Kỳ trên đất nước Việt Nam trong cuộc chiến tranh Quốc-Cộng, đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi Hoa Kỳ phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, để cho “Bác cùng chúng cháu hành quân vào Sài Gòn…” đánh đổ giai cấp tư sản xanh để xây dựng nên giai cấp tư sản đỏ? Để rồi hàng hàng lớp lớp người dân Sài Gòn và cả Miền Nam phải đánh đổi hết cả gia sản và cả tính mạng của mình nữa để vượt biển đi tìm tự do, bởi những bài xích tự do của những sinh viên trí thức này.
 
Trương Thìn
Đâu rồi sinh viên y khoa Trương Thìn, Đâu rồi các nhà thơ Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Trần Vàng Sao, Trần Phá Nhạc, Đông Trình, Đoàn Khắc Xuyên, Hoàng Nghĩa? Đâu rồi các nhạc sỹ Trần Quang Long, Miên Đức Thắng, Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên,.. Vũ Đức Sao Biển, Xuân An, Hải Hà, La Hữu Vang với "Dậy Mà Đi" "Tổ Quốc Ơi Ta Đã Nghe", "Hát Trong Làn Khói Đạn"?
Đâu rồi các "Hội Tết Quang Trung Sài Gòn" năm 1967? Đâu rồi "Đêm nhạc Tôn Thất Lập" ở Đại học Dược khoa Sài Gòn năm 1967? Đâu rồi "Đêm thơ nhạc" ở Đại học Sư phạm Huế vào tháng 12 năm 1967  xuống đường, với các chiến dịch đốt xe tăng Mỹ, để đón xe tăng của Nga Sô Trung Cộng vào nghiền nát hàng ngàn đồng bào đang trên đường lánh nạn, trước khi húc đổ cổng Dinh Độc Lập và treo ngọn cờ máu lên nóc dinh để báo hiệu sự cáo chung của một nền tự do dân chủ của dân tộc.
Nhạc Sỹ La Hữu Vang
Tôi không biết từ sau ngày miền Nam bị hoàn toàn nhuộm đỏ nhờ sự đóng góp không nhỏ cả các sinh viên, trí thức, thi sỹ, nhạc sỹ và của các anh, đã có ai trong số các anh lại phải cũng đồng bào miền Nam băng rừng, vượt biển đi tìm tự do? Có ai trong số các anh phải vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển lạnh, và co ai đã may mắn đến được bến bờ tự do, để các anh có thể thấy được cái giá trị đích thực của tự do cũng như cái giá mà con người phải trả để đạt được nó. Bởi do cái thói tục ở đời khi người ta đang có cái gì trong tầm tay thì không biết trân trọng giữ gìn, thậm chí còn “xuống đường” chống báng lại nó, để khi nó vuột khỏi tầm tay thì con người ta lại phải quay quắt kiếm tìm mà cuộc tìm kiếm không phải chỉ trả giá bằng bạc vàng mà còn bằng chính cả mạng sống.
 
 
Nhạc Sỹ Trần Long Ẩn
Các anh Trương Thìn, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng… Các anh có công lớn lắm trong công cuộc đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi miền nam tự do để tiếp rước đế quốc Đại Hán về cho cả mọi miền đất nước. Lịch sử đảng cộng sản đã ghi nhận công lao của các anh rằng: “Có lẽ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, chưa có cuộc "ra quân" nào của giới trí thức rầm rộ và có ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng như phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Phong trào này đã góp phần không nhỏ trong việc tập hợp thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam Việt Nam trong những năm chiến tranh.”. Vâng, chúng tôi cũng xác nhận rằng các anh là các công thần của chế độ cộng sản. Nhưng hiện giờ các anh đang làm gì? Ở đâu và đang sinh sống ra sao? Sao không xuống đường biểu tình chống Trung Cộng?

>  
>  
 
Các anh có biết rằng hiện nay, có nhiều người thuộc thế hệ các anh, thuộc thế hệ em, cháu các anh cũng vì lòng yêu nước, nhưng hơi khác các anh một chút- là họ yêu nước mà không yêu CNXH- điểm giống các anh là họ cũng đã làm thơ cũng đã viết nhạc, nhưng thơ của họ đơn sơ, không đồ sộ như những tập san Đồng Dao, Đối Diện, Đứng Dậy của các anh, thơ của họ chỉ mộc mạc như tâm hồn của họ rằng: “Vì Danh Dự Dân Tộc, Chống Giặc Tàu - Vì Tương Lai Đất Nước, Chống Tham Nhũng ” và nhạc của họ cũng giản dị chân chất như tấm lòng người Nam bộ chứ không được đồ sộ như những tập nhạc "Hát cho đồng bào tôi nghe" - tức Chúng ta đã đứng dậy - với lời tựa hùng hồn sắt máu của anh Huỳnh Tấn Mẫm năm xưa. Ấy vậy mà họ đã bị bắt giam cầm, bị tra tấn và ngày mai đây họ phải ra tòa để bị xét xử về tội yêu nước, về ý thức và tinh thần dân tộc chứ không phải tinh thần quốc tế vô sản.
 
 
Các anh có biết những vụ việc này không?
Các anh suy nghĩ như thế nào?
Sao các anh không tiếp tục “Hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi hát” nữa đi?
Sao các anh chỉ biết chống lại những người xây dựng và bảo vệ tự do, mà không dám chống lại những người mang đến thảm họa cho đất nước và tai ương cho dân tộc?
Sao các anh chỉ dám chống lại những người biết tôn trọng các anh, tôn trọng cả phẩm giá làm người của đồng bào các anh, mà các anh không biết chống lại những người đang chà đạp mọi quyền tự do căn bản của các anh và của cả dân tộc này?
>  
>
 > >
Sao các anh chỉ chống lại và bức tử một thể chế chính trị đã xây dựng và bảo về cho các anh đầy đủ mọi quyền tự do, kể cả quyền được chống lại họ mà các anh không biết chống lại một chế độ độc tài toàn trị đã tước đoạt của các anh và đồng bào các anh hết tất cả mọi quyền tự do, dân chủ cũng như quyền làm ngừơi và họ đang cõng rắn về cắn gà nhà và đang rước cả voi về dày mả Tổ?
Các anh Trương Thìn, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng… và các thi sỹ nhạc sỹ, các sinh viên trí thức của Việt Nam đang ở đâu? SAO KHÔNG XUỐNG ĐƯỜNG?
 
 
Nguyễn Thu Trâm
 

MỸ VÀ EU KÊU GỌI THẢ MẸ NẤM

13/10/2016


Mỹ và EU kêu gọi 'trả tự do' cho Mẹ Nấm

clip_image001
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong bản tin bị bắt. ANTV
Mỹ và EU kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn được biết đến với tên Mẹ Nấm, bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ hôm 10/10 tại Nha Trang.
Hiện bà bị tạm giam tại trại giam Sông Lô, tỉnh Khánh Hòa.

Đại sứ Hoa Kỳ
Sáng 12/10, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội ông Ted Osius ra thông cáo nói ông "quan ngại sâu sắc về các hành động gần đây chống lại các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa, trong đó có vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn được biết đến là Mẹ Nấm)".
"Xu hướng này đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền," thông cáo này nói về việc bắt giữ và kêu gọi Việt Nam "thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt".
Phái đoàn Liên minh Châu Âu
Ông Bruno Angelet - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng ra tuyên bố về việc bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giữ.
Một phần tuyên bố này nói: "Việc bắt giữ này đi ngược lại với những cam kết về nhân quyền trong nước và quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam là một thành viên từ năm 1982, và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam."
clip_image002
Blogger Mẹ Nấm với khẩu hiệu về vụ cá chết tại Formosa
"Trưởng Phái đoàn EU yêu cầu nhà chức trách Việt Nam thả cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức," tuyên bố viết và nói việc "hỗ trợ các nhà bảo vệ nhân quyền là một nội dung đã được đưa ra từ lâu trong chính sách đối ngoại nhân quyền của Liên minh châu Âu".
Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nổi tiếng với tên blogger Mẹ Nấm bị bắt.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ
Hôm 11/10, Ủy ban bảo vệ Nhà báo (CPJ), đặt ở New York, ra thông cáo nói "nhà chức trách Việt Nam nên ngay lập tức trả tự do và bỏ các cáo buộc chống lại blogger độc lập Nguyễn Ngọc Như Quỳnh"
"Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một trong những blogger nổi tiếng và thẳng thắn nhất, nên được trả tự do vô điều kiện và không có trì hoãn," Shawn Crispin, đại diện của CPJ tại Đông Nam Á nói.
"Chúng tôi thúc giục nhà chức trách Việt Nam ngưng quấy rối các blogger độc lập, người đại diện cho tiếng nói khác biệt duy nhất của quốc gia ngoài truyền thông nhà nước, và cho phép các nhà báo tường thuật mà không sợ bị trả thù hoặc bị kết tội chống nhà nước."
clip_image003
Hình ảnh trên kênh An Ninh TV nói đó là các tài liệu "chống nhà nước" thu giữ tại nhà bà Quỳnh. ANTV
Theo CPJ, vào tháng 9/2009, bà bị tạm giam hơn một tuần sau khi viết blog về tình trạng thu hồi đất trong dự án khai thác bauxite gây tranh cãi tại khu vực Tây Nguyên.
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từng được tổ chức Những người bảo vệ nhân quyền (Civil Rights Defenders, viết tắt là CRD), đặt ở Thụy Điển, trao giải thưởng Người bảo vệ nhân quyền 2015.
Đây là giải được trao hàng năm cho những nhà hoạt động nhân quyền khắp thế giới và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người thứ ba, đồng thời là người châu Á đầu tiên được nhận giải này.

ĐẶC ỦY NHÂN QUYỀN ĐỨC LÊN TIẾNG VỀ VIỆC VIỆT CỘNG BẮT GIAM MẸ NẤM

13/10/2016

Thông cáo báo chí của Đặc ủy Nhân quyền Liên bang Đức về việc bắt giữ Blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Việt Nam

clip_image001
Bà Bärbel Kofler, Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: internet
Ngày hôm nay (11/10/2016), bà Bärbel Kofler, Đặc ủy  Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, lên tiếng về việc bắt giữ bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một Blogger và nhà hoạt động nhân quyền, tại Việt Nam vào hôm qua:
Tôi bàng hoàng khi được tin Blogger và nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị bắt giữ. Nếu thông tin nói rằng bà Quỳnh bị bắt dưới cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước là đúng thì điều này lại một lần nữa là một vi phạm nghiêm trọng đối với các nguyên tắc nhân quyền và những nguyên tắc quốc tế căn bản mà Việt Nam đã cam kết thi hành.
Bà Quỳnh đã không chỉ dùng trang Blog để phản đối những vi phạm nhân quyền, tham nhũng và tệ nạn xã hội. Bà còn là một kênh phát biểu quan trọng cho nhiều nông dân và ngư dân ở miền Trung Việt Nam đang có đời sống bị đe dọa bởi một thảm nạn môi trường do chất thải kỹ nghệ gây ra.
Việc chính quyền dùng phương cách đàn áp, bắt giữ và truy tố để trừng phạt các hành động dấn thân cho quyền công dân, việc bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng là một tín hiệu đáng được báo động, nhất là khi chính phủ tuyên bố sẽ cố gắng cải tổ các lãnh vực hành chánh, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay cho bà Quỳnh, chấm dứt các đàn áp đối với các Blogger và nhà hoạt động, và tôn trọng quyền tự do quan điểm và báo chí như được ghi trong Hiến pháp Việt Nam.
Bối cảnh
Bà Quỳnh với bút hiệu Mẹ Nấm là một trong số những Blogger nổi tiếng nhất Việt Nam. Năm 2015 bà đã nhận được giải thưởng nhân quyền của tổ chức Civil Rights Defenders ở Thụy Điển. Tuy nhiên bà không sang được Thụy Điển vì không có hộ chiếu. Tương tự như vậy bà đã không sang Đức theo lời mời các Blogger được.
Trong các bài viết bà Quỳnh tập trung vào các tệ nạn xã hội, cách quản lý kinh tế tệ hại của nhà nước, ô nhiễm môi sinh và tình trạng của những tù nhân chính trị. Mới đây nhất bà Quỳnh đã tranh đấu tích cực cho quyền lợi của các ngư dân và nông dân Việt Nam đang bị xâm hại bởi thảm nạn môi trường do chất thải kỹ nghệ gây ra. Bà Quỳnh đã lên án chính quyền không có hành động khi các xí nghiệp lớn gây ra ô nhiễm môi sinh. Bà cũng dấn thân cho những nhà hoạt động bị cầm tù và gia đình của họ.
Đặc biệt các hoạt động bảo vệ môi sinh của bà đã khiến cho bà và gia đình bị đàn áp nhiều hơn, thí dụ bằng cách đấu tố tại địa phương. Theo các nhà hoạt động nhân quyền và truyền thông độc lập cho biết, nhà của bà đã bị hàng chục công an khám xét và bà Quỳnh đã bị bắt giữ vào ngày 10 tháng 10. Nếu bị kết án vì tội tuyên truyền chống nhà nước bà có thể bị tù đến 12 năm.
Việc bắt giữ bà Quỳnh nằm trong một loạt các biện pháp đàn áp của chính quyền đối với các blogger và nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh cho quyền lợi của người dân đang bị thảm nạn môi trường xâm hại. Vì có liên quan đến những cuộc biểu tình mà nhiều nhà hoạt động đã bị đánh, câu lưu một thời gian, vài Blogger đã bị bắt và bị kết án bằng những điều khoản luật mang tính chính trị. Chỉ mới cách nay mấy tuần việc xử y án 5 năm tù đối với Blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh trong phiên tòa phúc thẩm đã làm chấn động dư luận quốc tế.
Bản dịch tiếng Việt của tổ chức VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền
_____
Bản gốc:
Menschenrechtsbeauftragte Bärbel Kofler zur Verhaftung der bekannten vietnamesischen Bloggerin Nguyen Ngoc Nhu Quynh
Erscheinungsdatum
11-10-2016
Zur gestrigen Festnahme der vietnamesischen Bloggerin und Menschenrechtsaktivistin Nguyen Ngoc Nhu Quynh („Mother Mushroom“) sagte die Menschenrechtsbeauftragte der Bundesregierung, Bärbel Kofler, heute (11.10.):
Zusatzinformationen
Ich bin tief bestürzt über die Festnahme der Bloggerin und Aktivistin Nguyen Ngoc Nhu Quynh. Sollten sich die Meldungen bestätigen, wonach Frau Quynh unter dem Vorwurf der Propaganda gegen den Staat inhaftiert wurde, wäre das eine erneute schwerwiegende Verletzung menschenrechtlicher Prinzipien und jener internationalen Grundsätze, zu denen sich Vietnam selbst verpflichtet hat.
Frau Quynh engagiert sich mit ihrem Blog nicht nur gegen
Menschenrechtsverletzungen, Korruption und soziale Missstände. Sie ist auch eine wichtige Stimme für die zahlreichen Bauern und Fischer in Mittelvietnam, deren Lebensgrundlage durch eine von Industrieabfällen ausgelöste Umweltkatastrophe bedroht ist. Dass die Behörden dieses Engagement für Bürgerrechte, Umwelt- und Verbraucherschutz mit Repressalien, Festnahmen und Anklagen ahnden ist ein alarmierendes Signal – gerade mit Blick auf die von der Regierung proklamierten Reformanstrengungen im Bereich Verwaltung, Umwelt und Verbraucherschutz.
Ich rufe die vietnamesische Regierung dazu auf, Frau Quynh umgehend auf freien Fuß zu setzen, weitere Repressionen gegen Blogger und Aktivisten einzustellen und die auch in der vietnamesischen Verfassung garantierte Meinungs- und Pressefreiheit zu achten.
Hintergrund:
Frau Quynh ist eine der bekanntesten Bloggerinnen Vietnams und schreibt unter dem Pseudonym „Mother Mushroom“.  Sie erhielt 2015 den Menschenrechtspreis der schwedischen NGO Civil Rights Defenders, konnte aber mangels Pass nicht nach Schweden reisen. Auch eine Blogger-Reise nach Deutschland konnte sie aus diesem Grund nicht antreten.
In ihren Beiträgen konzentriert sich Quynh auf soziale Missstände, staatliche Misswirtschaft, Umweltverschmutzung und die Situation politischer Gefangener. Zuletzt war Quynh besonders aktiv im Kampf für die Rechte von Fischern und Bauern in Mittelvietnam, die von einer durch Industrieabfälle ausgelösten Umweltkatastrophe betroffen sind. Frau Quynh prangerte unter anderem die Untätigkeit der Behörden gegenüber Umweltverschmutzung durch große Unternehmen an. Auch setzte sie sich für inhaftierte Aktivisten und deren Familien ein.
Vor allem mit Blick auf ihr Umweltengagement sind sie und ihre Familie zuletzt verstärkt Zielscheibe von Repressalien etwa durch öffentliche Bloßstellung in ihrem Heimatort geworden. Nach Berichten von Menschenrechtsaktivisten und unabhängiger Medien wurde ihr Haus am 10. Oktober von dutzenden Polizisten durchsucht, Frau Quynh selbst sei festgenommen worden. Bei einer Anklage wegen Propaganda gegen den Staat drohen ihr bis zu 12 Jahre Haft.
Die Festnahme reiht sich ein in zahlreiche repressive Maßnahmen der Regierung gegen Blogger und Menschenrechtsaktivisten, die sich für die von der Umweltkatastrophe in Mittelvietnam betroffenen Anwohner einsetzen. Zahlreiche Aktivisten wurden am Rande von Demonstrationen verprügelt und zeitweise festgesetzt, einige Blogger verhaftet und auf der Grundlage politischer Paragraphen verurteilt. Erst vor wenigen Wochen erregte die Bestätigung der Verurteilung zu fünf Jahren Haft für den prominenten Blogger Huu Vinh in der Berufungsinstanz internationales Aufsehen.

No comments:

Post a Comment