Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 27 October 2016

TRỊNH HƯNG = BIỂN ĐÔNG =

LÊ MỘNG NGUYÊN * TRỊNH HƯNG



Để tưởng niệm những người đã đi qua trong đời tôi : Nhạc Sĩ TRỊNH HƯNG

Tường thuật LÊ MỘNG NGUYÊN

Tôi được làm quen với NS Trịnh Hưng nhân dịp anh đi từ Lyon lên Paris đến dự buổi họp Bích Xuân ra mắt sách « Bao Giờ Anh Đỉ » ngày mồng một tháng 06-1997 tại Viện Pháp Việt Rue St-Jacques của Thủ đô nước Pháp. Ngay giây phút đầu, chúng tôi đã có cảm tình với nhau, anh ngồi bên cạnh tôi trong suốt Chiều Sinh Hoạt Văn Nghệ Sĩ để hàn huyên về đủ mọi vấn đề, và nhất là về TMBS. Sau khi trở lại Lyon (Số 10, avenue des Frères Lumière), anh viết thư chúc Tết (đề ngày 06-02-1998), chắc vì một khoảng thời gian bặt tin nên xin tôi thông cảm « vì nhiều việc lấn cấn quá, ít có thì giờ nên không thư thăm anh được, mong anh thứ lỗi cho… ». Trịnh Hưng cho tôi biết Nhạc Sĩ Lê Dinh, chủ trương báo Nghệ Thuật «đợi những bài mới của anh về Lê Mộng Nguyên (tác giả TMBS) và Mạnh Bích (tác giả Thôn Trăng)…». Trong thư đề ngày 14-03-1998 gửi từ Lyon cho tôi, Trịnh Hưng kể lại trong trường hợp nào anh làm quen với TMBS : « Tôi vẫn ngưỡng mộ anh về tài nhạc từ lúc tôi chưa thành danh, nay tôi đọc thư tôi lại phát hiện ra anh viết văn cũng hay và còn làm thơ rất cảm xúc và ướt át quá. Năm l951, tôi còn là Bộ Đội Việt Minh, làm Văn Công, tôi đã được nghe họ hát nhiều bản nhạc TMBS của anh. Không biết từ đâu nó lại lọt ra vùng Kháng Chiến và được phổ biến mạnh. Lúc đó thời KC, già Hồ cấm tất cả mọi người hát các bản nhạc ủy mị và lãng mạn. Chỉ được phép hát các bài Hùng Ca do KC làm mục đích chống Pháp mà thôi, còn các loại nhạc ủy mị thì họ cho là giảm tinh thần chiến đấu của Quân Đội đi. Nhưng ở đời thì bất cứ nơi nào, bất cứ ở trình độ nào, dù có học hay thôn quê nông dân, họ vẫn là con người và con người cần có tình lãng mạn, do vậy ta thấy ở các cụ ngày xưa đã cho ra hết ca dao tình tứ còn lưu truyền đến ngày nay. Bởi thế cho nên là con người ai cũng có tâm hồn lãng mạn, mà đã khổ sở về cuộc sống, đánh giặc đói khát, gian khổ rồi mà cả ngày chỉ còn nghe nhạc chém giết nó đâm nhàm chán và họ thèm những ca khúc tình tứ để giải sầu nổi lòng họ. Vì thế mà tuy họ cấm gắt gao, nhưng các bài hát lãng mạn nào hợp với tâm trạng họ là họ in sâu vào đầu óc họ, họ không có hát tập thể hay chổ đông thì họ ca một mình hoặc có hai ba người cùng chí hướngđể giải tỏa nỗi lòng của họ… Do vậy tôi nghĩ như bài TMBS được hoan nghênh và âm thầm phổ biến một cách mau lẹ, họ hát theo nhau chứ đâu có biết bài nhạc, solfège ra làm sao. Tụi tôi ở Văn Công cũng vậy, cứ nghe họ hát là mình đờn thôi và tự chép ra nốt nhạc, có khi sai một vài nốt gì đó, vì họ hát sai nên mình ghi để đờn cũng sai luôn, nhưng đâu có quan trọng.
Năm1952 tôi về Thành, về Hà Nội, tôi đi đờn ở dancing cho lính Tây nhảy, họ cũng chơi ở đó cho ai nhảy slow, và tôi về nhà có dạy một số em học sinh đờn Hawai, họ học được ba tháng là thế nào cũng bắt tôi dạy họ bài TMBS của anh, vì vậy tôi cứ tưởng anh nhiều tuổi lắm. Khi đó tôi mới ngoài 20, tôi tưởng là một người làm được bài nhạc đó chắc đã lớn rồi, chứ đâu có ngờ anh còn quá trẻ và làm nhạc thành công quá sớm, lúc đó tôi chưa làm được một bài nhạc ngắn nào cả nên càng khâm phục. Rồi vào Saigon thì bài nhạc đó cũng thịnh hành. Không có một thanh niên hay thiếu nữ nào chả biết đến nó và hát nó… »
Tôi rất cảm động khi Trịnh Hưng viết trong thư - sau khi đọc qua những tài liệu về tôi - « Thơ văn của anh quá ướt át và cảm xúc lắm. Tôi thì cũng yêu thơ yêu nhạc, nhưng tôi bắt đầu là làm nhạc, mãi đến năm 1989 tôi bị cọng sản bắt đi tù 8 năm, vào tù họ không cho mình chơi nhạc, nên tôi bắt đầu làm thơ ». Trịnh Hưng viết tiếp, khiêm tốn, dịu dàng : « Thơ tôi làm không có lãng mạn tình tứ gì, mà chỉ có nói lên cảm xúc thấy các bà vợ Sĩ quan cộng Hòa lặn lội nuôi chồng 13 năm, thế chồng nuôi con nên người… »
Như tôi đã nhắc nhở trên Đài VNTD ngày thứ tư 14-05-2008, và theo NS Lê Dinh (Nghệ Thuật Số 2) : « Nhờ ở tù anh (Trịnh Hưng) phát triển được khả năng làm Thơ và anh đã được các báo xuất bản ở Hoa Kỳ cũng như ở Canada đăng nhiều bài thơ của anh rất được độc giả chú ý». Trong thư ngày 14-03-1998, có kèm theo bài thơ « Xin cám ơn em, Người Vợ Hiền » Mến tặng Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên bài thơ đầu tay làm trong Trại Tù CS, 1998 - Trại Hàm Tân, Thuận Hải - Hàm Tân. Kính tặng những người vợ hiền mười mấy năm thay chồng nuôi con :
Xin cám ơn em, cám ơn đời
Cám ơn người vợ của tôi ơi
Em là Tiên nữ Trời sai xuống
Trả nợ cho Anh, trả nợ Đời

Từ dạo ấy !
Em trở về vùng biển mặn
Vung đôi tay, níu chặt cuộc sống còn
Anh đi trả nợ nước non
Em về lặn lội nuôi con thế chồng

Chừ đây !
Tóc em không còn đen
Như dạo nào bên Thôn Vỹ
Mắt em không còn xanh
Như giòng Hương Giang thuở nọ
Nhưng!
Lòng em đẹp lắm
Đẹp như ánh trăng rằm
Tươi như hoa thắm
Mắt dịu như gió đầu thu
Là muôn ngàn tinh tú
Lấp lánh trên trời cao
Là Tiên Đào
Của hai chàng Nguyển - Lưu thuở trước
Là Ô Thước
Nhịp cầu tình của Chức Nữ Ngưu Lang
Bá Nha có một tiếng đàn
Trương Lương tiếng sáo, còn nàng là thơ
Nàng là thơ mà ta đang hát
Nàng là nhạc mà ta đang ca

Nàng cô đơn lòng ta thương tiếc
Ta thương nàng hay ta thương ta
Thời gian lặng lẽ trôi qua
Lưng còng một gánh tuổi già theo sau
Thấy người mình luống thương đau
Nhìn mình, mình thấy thân sầu héo khô

Em ơi vạn nẻo sông Hồ
Mười ba năm biệt bây giờ là đây
Tiếc thương một tấm thân gầy
Kiếm buông hoen rỉ ra tay vuốt hờn

Gió từng cơn, gió từng cơn
Lá rừng, rừng lá hoàng hôn gọi sầu
Xa vời thế sự bể dâu
Tháng năm điểm bạc mái đầu phù cương
* * *
Tuyệt vời là bài thơ viết trong trại tù CS 1998 mà tôi nhận định là một áng văn bất hủ, bất diệt mà Thi Sĩ TRỊNH HƯNG gửi tặng LMN, nhưng thật ra để « Xin cám ơn người vợ hiền » của nhà thơ, và nói rộng là tất cả « Những người vợ hiền mười mấy năm thay chồng nuôi con »… Supremum vale
Adieu pour la dernière fois !

Pr-Dr LE MONG NGUYEN Lauréat de l'Université Paris 1 - Panthéon Sorbonne, Auteur Compositeur-Membre de l'Académie des Sciences d'Outre -mer…

CUNG TRẦM TƯỞNG *THỬ NGHIỆM MỘT CÁCH VIẾT TỰA

THỬ NGHIỆM MỘT CÁCH VIẾT TỰA CHO TẬP THIÊN SỬ THI CỦA NGƯỜI VƯỢT BIỂN CỦA ĐÀO VĂN BÌNH

CUNG TRẦM TƯỞNG

Theo một ước lượng có độ chính xác cao, để có được một triệu thuyền nhân Việt Nam may mắn đến được bến bờ tự do, khoảng 500.000 đồng bào xấu số của họ đã phải bỏ mình dưới đáy biển. Trong lịch sử loài người chưa có một cuộc viễn dương nào đã phải trả một giá đắt đến vậy.
Với cuộc thủy táng tập thể vĩ đại ấy và muôn vàn gian nan khổ ải cùng nguy khốn thập tử nhất sinh, nhưng không thiếu những tấm gương dũng cảm phi thường trên đường đi tìm tự do của mình, người vượt biển Việt Nam đã viết nên một thiên sử thi bi hùng có tầm vóc một Odyssey cổ Hi Lạp hay chuyến Quá Hải trong Cựu Ước của dân tộc Do Thái. Nó đánh động lương tâm thế giới, khiến hàng chục quốc gia và hơn một tổ chức nhân đạo tư nhân đứng ra phát động một chiến dịch cứu vớt và cưu mang thuyền nhân Việt Nam trên một quy mô toàn cầu hiếm thấy.

Trước một sự kiện lịch sử loài người trọng đại như vậy mà không hiểu tại sao chúng ta chỉ thấy xuất hiện trên văn đàn Việt Nam hải ngoại trong trên ba thập niên qua lác đác một số truyện ngắn, tiểu hồi kí, bài văn, bài thơ mà kích thước hạn chế và tính rời rạc không cho phép chúng ôm lấy hết cái tầm vóc vĩ đại phi thường của sự kiện. Sự ngạc nhiên của chúng ta tăng thêm khi mang so sánh cảnh tượng văn chương èo uột này với sự xuất hiện sầm uất trong cùng thời gian của một rừng tác phẩm hải ngoại viết về đủ thứ linh tinh, nhưng không mấy đoái hoài đến đề tài vượt biển của đồng bào thuyền nhân mình.
Phải chăng sự thờ ơ văn học ấy xuất phát từ lí do là ta chưa có truyền thống yêu biển nên chưa tạo được một văn hóa biển quy mô, hoàn chỉnh tương ứng với cái lợi thế địa lí mà tạo hóa ban cho đất nước chúng ta. Cái lợi thế làm nên bởi sự trù phú vật chất biển mang đến và vẻ đẹp hùng vĩ của một hải ngạn dài áp sát cái bát ngát mênh mông kích thích mộng tưởng, mời gọi viễn du của biển lớn, với một chuỗi hạt ngọc xâu nên bởi những danh lam thắng cảnh, hòn chồng, động núi, vịnh nước sâu, bãi cát vàng, rừng dừa xanh và một quần thể động vật thủy sinh muôn màu, muôn vẻ: tất cả cấu thành một sơn thủy hữu tình, hoành tráng lôi cuốn khách thưởng ngoạn tứ phương.
Trước một cảnh tượng văn học mất cân đối và nghịch lí như vậy, chúng ta cần phải trân quý bất cứ tác phẩm quy mô nào viết về đề tài vượt biển của các đồng bào thuyền nhân của chúng ta. Chẳng hạn như hai tập Thủy Mộ Quan của Viên Linh và Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển của Đào Văn Bình.
Bài viết này giới hạn phạm vi vào tác phẩm của Ðào Văn Bình. Tác giả vừa là một cựu tù nhân chính trị bị cộng sản giam cầm trong tám năm, vừa là một cựu thuyền nhân ra đi tìm tự do. Trải nghiệm này của một thi nhân-thuyền nhân-nạn nhân chính trị tạo cho ông một lợi thế để xây dựng một cái nhìn trực cảnh, in vivo, sâu sát, tường tận vào nội tình phức tạp của sự việc.

Thay vì là một sử tích đơn hồi như thể loại sử thi cổ điển, Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển (TSTCNVB) được cấu trúc bằng sự tập hợp của một số bài thơ trường thiên có tựa đề khác nhau nhưng cùng phục vụ chung một tư tưởng chủ đạo là nỗi khát vọng tự do đan xen với một tình tự căm thù cộng sản và một tinh thần liên đới đồng hội đồng thuyền của tập thể người vượt biển. Mỗi bài thơ hay cụm bài thơ giữ vai trò một chương của truyện kể. Hay nói cách khác, mỗi đơn vị là một bộ phận cấu thành của toàn hệ, và tất cả vận động đồng đại trong một gắn bó hữu cơ nhằm đảm bảo tính nhất quán của toàn hệ.
Cách cấu trúc phân hồi trên làm cho TSTCNVB gần với thể loại tự sự (narrative), một nghệ thuật kể lại sự việc một cách có bài bản, thông qua một cốt truyện tương đối hoàn chỉnh. Nỗ lực canh tân thể loại sử thi cổ điển này của tác giả đáng được hoan nghênh, giúp cho sự phục hồi của thể loại bị bỏ quên ấy, khoác cho nó một cung cách mới tương ứng với cái bản chất đa nguyên thường hay nhiễu nhương của thời đại chúng ta. Nói cách khác, thi nhân không thể cứ tiếp tục sáng tác với một thế giới quan chân phương, đơn giản như của thời sử thi cổ điển xa xưa. Ðể có được một giá trị hiện đại, thi nhân phải mất đi một phần nào sự trong sáng và bình dị của mình.

Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển là một tập đại thành của 45 bài thơ với tổng số câu là 1179.
Thời gian sử dụng trong tác phẩm là thời gian tuyến tính: sự việc được kể lại theo thứ tự trước sau của thời gian lịch sử.
Khởi đầu là cái đêm ấy cả miền Nam đất nước đang đắm chìm dưới bóng phủ âm u của một chế độ bạo tàn coi dân tộc nó là một kẻ thù: "Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời cộng sản mới thương dân mình". *
Chế độ đó ngày càng trở nên hà khắc đến mức hàng triệu người dân phải bỏ nước ra đi tìm tự do ở các nước phương Tây. Việc chuẩn bị cho chuyến vượt biển được mô tả với những chi tiết sống động như hiện thực ngoài đời, trong âm thầm, lén lút, hồi hộp, âu lo, đa nghi, cảnh giác và với một tinh thần tương trợ khắng khít giữa các người bỏ trốn. Họ bán nhà, mua vàng, mua bãi, đóng "thuyền ba block", chọn điểm hẹn và "ngày đánh", tức ngày lên đường.
Cảnh tượng "chôn dầu vượt biển" được dựng lại trong một không khí ngột ngạt, dị ảo, "dưới ánh trăng rờn rợn" và với một ý thơ độc đáo và ngộ nghĩnh:
Dầu ơi dầu thân thương
Dầu là máu vượt biên
Dầu là nguồn hi vọng
Dầu đưa đến thiên đường
Do phải đối phó với những thử thách của một môi trường thù nghịch tạo nên bởi dã tâm của đám cảnh sát biển cộng sản sẵn sàng nổ súng vào những chiếc tàu thuyền nhân xộc xệch, quá tải và mối đe dọa ngột ngạt, nơm nớp của hiểm họa hải tặc và bão tố đã cướp đi nửa triệu sinh mạng đồng bào mình, cuộc phiêu lưu của thuyền nhân Việt Nam có tầm mức, dáng vóc và sắc thái một hành trình Quá Hải đầy tính sử thi.
Mà nói đến sử thi là nói đến một cái gì vĩ đại, ngoại khổ, vượt bực, phi thường. Như cái khổ của thuyền nhân Việt Nam chẳng hạn. Một cái khổ ở mức tối đa khó có thể chịu được - một cực khổ, khốn khổ. Cái bi của họ cũng vậy: nó được làm nên bởi những bất hạnh ghê gớm, những mất mát không sao bù đắp được hóa nó thành cái bi đát, tức một nỗi buồn làm rầu gan rối ruột. Cái khủng khiếp thì cực kì, hãi hùng thì thái quá, vượt ngoài sức tưởng tượng và làm bại liệt trí năng.
*Những câu trong ngoặc kép được trích từ TSTCNVB

Ta có cảm giác như đang xem một vở kịch của phi lí được dựng nên bởi một soạn giả bị ám ảnh bởi cái lương tri tận thế - conscience catastrophique. Ở một tình huống ngặt nghèo, thập tử nhất sinh, khi ngọn lửa thắp lên lúc đầu bởi lời hứa thiên đàng của dầu lụi đi và nhường chỗ trong tâm linh cho một cảm giác tuyệt vọng (despair) hóa vô vọng (hopelessness), lựa chọn tối hậu là đánh cuộc với sự rủi ro, phó thác đời mình cho quyết định của số mệnh, tức là một cái gì phiêu linh mù mờ ở ngoài tầm với của lí trí và các công cụ khác của tri năng.
Tuy nhiên, dù biết rằng chuyến phiêu lưu của mình là đầy bất trắc hiểm nguy khiến mình có thể chết mất xác giữa bát ngát biển khơi, đồng bào thuyền nhân của chúng ta vẫn cứ lớp lớp - khoảng một triệu rưởi người - bỏ nước ra đi chỉ vì với họ, thà chết vì tự do ở biển chứ không chịu sống làm nô lệ tại quê hương. Chính nhờ vịn vào cái tôn chỉ mình tự đặt ra cho mình đó, họ mới có đủ sức mạnh tinh thần để chống đỡ, chịu đựng khổ đau và vượt thắng những thử thách cam go ghê gớm mà họ phải thường xuyên đối phó với. Không những thế, họ còn làm được những điều phi thường, những điều tưởng như không thể làm được, những phép lạ khiến cả thế giới phải kinh ngạc, xúc động bàng hoàng và ngưỡng mộ.

Cuộc hành trình vượt biển mở đầu với chuyến đi thăm một số địa danh mà trước năm 1975, tác giả đã từng đến làm việc ở đó trên cương vị một công chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Chuyến đi thăm vì vậy cũng đồng thời là một chuyến đi tình cảm để nói lời giã từ với các nơi chốn ở đó mình đã từng có một đời sống ổn định, bình yên, hạnh phúc, với những kỉ niệm đẹp khó quên.
Những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi được tác giả dùng làm chất liệu để tạo dựng một bức tranh toàn cảnh khái quát phản ánh qua một số nét điển hình, thực trạng quê hương đang quằn quại dưới gót bạo quyền cộng sản.
Trước hết, ông trình bày một số góc cạnh nổi bật của cái bi Việt Nam thông qua sắc diện một số cá nhân được ông phác họa với đôi ba nét chấm phá. Đó là "đôi mắt của những bé thơ / trông rất buồn", "khuôn mặt của những mẹ già /trông rất điêu tàn" và "mắt môi của những thiếu nữ / trông rất u hoài". Ðiều này chứng tỏ cộng sản tàn nhẫn đến mức chúng cũng không buông tha những thành phần yếu thế và vô tội nhất của dân tộc. Sự lặp lại ba lần (tần suất) của trạng từ cực cấp "rất" có tác dụng gây sự chú ý của người đọc đến mức độ lũy thừa của nỗi buồn Việt Nam.
Cảnh dân tộc tang tóc, đất nước thê lương được cô đúc với một bút pháp chấm phá và tượng hình thành hình ảnh của mọi "cửa nẻo khép im" tượng trưng cho một niềm tin "đã chết". Một không gian như vậy là một không gian tù túng, bít bưng, ngột ngạt, bất khả cư, vô vọng - một miền đất chết. Và, điều này cho phép một giải thích đến tận cái căn của sự kiện thuyền nhân: nguyên do tiên khởi của việc họ bỏ nước ra đi không thuộc phạm vi nhận thức chính trị - tôi ra đi để lấy lại quyền tự do cộng sản đã cướp đi của tôi - mà thuộc phạm vi sinh học. Ðó là một phản xạ của bản năng sinh tồn thúc tôi phải bằng mọi giá thoát khỏi cái âm gian với mọi "cửa nẻo khép im" ấy, nếu không thì sẽ bị chết héo hon trong nghèo khổ, cơ hàn, bệnh hoạn và dưới cái nhìn lạnh như đồng của bầy lòng lang dạ thú coi tôi là ngụy, là kẻ thù giai cấp của chúng.
Chuyến đi diễn tiếp giữa một ngoại cảnh cũng buồn cái buồn của lòng người mất nước.
Những cửa nẻo khép im ấy là một Sài Gòn với "Cầu Bông, Cầu Kiệu dáng u buồn", "cờ Thủ Ngữ giờ đỏ như màu máu", "Chợ Bến Thành hoa cỏ úa tàn phai", "Chợ Tân Ðịnh nhiều ăn mày lê bước" và "Thảo Cầm Viên bầy thú cũng bàng hoàng"; một Nha Trang với "Đường Độc Lập dài nỗi buồn thế kỉ" và "Cầu Ðá buồn cầu lặng ngắm mây trôi"; một Phan Thiết với "dã tràng ơi, hồn em có bơ vơ" và "đàn mực nhỏ nằm quặn mình trong nắng"; và một Vũng Tàu với "Hải Đăng buồn đưa mắt tiễn người đi" và "biển vắng người nên bãi cũng hoang vu".

Đào Văn Bình là một người ham mê du lịch và đã từng có dịp đi tham quan nhiều nơi trên quê hương. Ngoài kinh nghiệm quý giá này và là một người có tình với đất nước, ông còn có một trí nhớ tốt, óc hiếu kì và tính ham học, nhờ đó mà thủ đắc được một kiến thức rộng về lịch sử, địa lí nói chung và địa chí nói riêng của những vùng ông đã đến thăm. Sự tụ hội ở ông của các điều kiện cần thiết này đặt ông vào một vị trí thuận lợi để viết sử thi.
Từ lợi thế trên, ông đồ ra bằng hồi tưởng một thứ đường cái quan xuyên Việt chạy dọc theo bờ biển từ Mông Cái qua miền Trung đến Kiên Giang. Mỗi địa danh trên lộ trình này được nhận dạng với đôi ba nét chấm phá đặc thù như "than Cẩm Phả sắc đen quê mẹ", "Hạ Long: vịnh nước trong xanh như ngọc", Hải Phòng thơm "mùi cá thu ươm Đảo Cát Bà" và Sầm Sơn ơi bờ biển đẹp như tranh".
Đường vô Nam ắp đầy lịch sử, đến "Cửa Nhật Lệ tích xưa còn đó", "qua Thuận An nhớ cố đô xưa", "thương xứ Huế Mậu Thân mùa tang tóc", vào Đà Nẵng "theo dòng khơi thương Bán Đảo Sơn Trà" và "Hoàng Sa đó chim âu buồn xoải cánh". Rồi Đảo Ly Sơn "tên của em trên vách đá năm nào", Quảng Ngãi "hao gầy từ Cổ Lũy", Quy Nhơn "dừa Tam Quan ngọt như sữa mẹ hiền" và "sao Bình Định cứ triền miên đói khổ".
Lộ trình diễn tiếp vẫn là lộ trình của một tình tự không vui về một quê hương nhiều dâu bể. Như "trời Vũng Rô chim yến cũng thở dài", "Rạch Ba Ngòi buổi chợ cá tôm ươn", "Phan Rí cửa dáng buồn như nỗi chết", Đảo Phú Quý "Việt Cộng về đàn cá cũng phân ly" và Mũi Né dưới "trăng cổ độ", "muối ở đây như một giải ngân hà". Vô Bà Rịa, Vũng Tàu "nghe lịch sử quặn đau từng khúc ruột", sang Thanh Phú thấy "rừng chà là nín thở sợ công an", "qua Bình Đại thương con sò huyết ngọt", "Sóng Cửa Tiểu nghe tiếng người rên xiết / mắt đục ngầu như từng lớp phù sa", rồi "Cửa Hàm Luông giờ như bãi tha ma / chỉ có đám lục bình trôi ra biển".
Lộ trình chấm dứt ở những chốn địa đầu của quê hương, với "Mũi Cà Mâu nghe rừng tràm réo gọi", "hồn ma vương nơi bến bãi đầu ghềnh / sao vẫn cứ lao mình ra cửa biển", Kiên Giang "đầu tôm xưa vứt bỏ chẳng ai mua / nay cũng phải tranh nhau từng vốc nhỏ" và Đảo Phú Quốc "bầy cá mai cũng đã bỏ đi rồi".
Một không gian di chuyển với lắm vật đổi sao dời như vậy là một không gian hành, không gian sử thi. Vì là sử thi, truyện kể phải phản ánh sống động một hiện thực khách quan có tính lịch sử, tức là một hiện thực mang tính thời đại và có liên hệ mật thiết với vận mạng một dân tộc. Sự phong phú và tính lôi cuốn của tích truyện không được rườm rà, thả buông dễ dãi, bởi đức tính tự thân của nghệ thuật tự sự không cho phép một hành xử như vậy. Bút pháp sử dụng, cũng vậy, không nên phóng túng quá mức, hư cấu quá đà như của thể loại dã sử, nếu là tượng hình thì nên tránh lối hoán dụ cầu kì, trừu tượng. Trái lại, nó nên được cấu tạo với những nét khắc nổi mạnh mẽ, rạch ròi, dứt khoát, nam tính tác động thẳng đến giác quan ta, thay vì ta phải vận dụng ý thức để hình dung ra vẻ đẹp nghệ thuật của đối tượng được miêu tả. Bởi vì, cho dù có được hiện đại hóa đến đâu đi nữa, sử thi cũng không phải là thơ triết lí, thơ tư tưởng, thơ hàn lâm: nó cơ bản thuộc phạm trù văn học dân gian.
Theo chúng tôi, tác phẩm của Đào Văn Bình có các tố chất cơ bản trên của thể loại sử thi: nó không phải là một truyện kể bằng thơ mà là một sử thi.

Chỉ sau khi rời bỏ hải phận đất nước, cuộc hành trình vượt biển của thuyền nhân Việt Nam mới thực sự mang kích thước, cung cách và sắc thái của một chuyến Quá Hải, tức một biến cố lịch sử loài người ở tầm vóc một sử thi.
Hầu như mọi sự xảy ra trên trận mạc mới này đều ở mức độ quá cỡ, ngoại khổ, tối đa, chông chênh, bất trắc, xô dạt, với những cấp nạn đẩy thuyền nhân vào một tình huống ở đó đường chia cách tử-sinh mỏng manh như một sợi chỉ. Những cơn bão nhiệt đới thì ở cấp 5, cấp 7 thang Richter, với ngọn sóng cao hai ba chục thước và gió thổi hai trăm cây số mỗi giờ. Tất cả hợp lực thành một trận nộ cuồng của thiên nhiên đập vỡ tan những chiếc tàu thuyền nhân mảnh khảnh và cuốn phăng đi mỗi lần trên trăm sinh mạng.
Cuộc đối xử của người với người cũng không kém phần nghiệt ngã. Sau khi thoát được nạn cộng sản Việt Nam thì nay lại bị đe dọa bởi nạn hải tặc Thái Lan. Bọn chúng cướp bóc, trấn lột, hãm hiếp phụ nữ, giết người giữa thanh thiên bạch nhật. Trong cơn cuồng sát, chúng không phân biệt giới tính, tuổi nạn nhân, kể cả các cụ già, cháu trẻ chúng cũng không buông tha. Giết xong, chúng bắt các người sống sót phải quăng xác thân nhân mình xuống biển. Phải là những kẻ phi nhân tính thì mới có thể hành động man rợ như vậy.
Nay, lênh đênh giữa biển cả, với lởn vởn trong đầu một linh cảm là chuyến đi này sẽ không có ngày trở về quê hương yêu dấu, thi nhân-thuyền nhân bỗng cảm thấy một nỗi buồn xót xa, thứ tình tự lìa ngó ý như "chia xẻ thịt và xương" của một đứa con mà "định mệnh" bắt phải "vĩnh biệt Mẹ Tổ Quốc". Các từ chất liệu "máu", "xương", "thịt", "tim", "lòng" và các ngoại động từ "chôn", "chia", "xẻ", "đoạn" có tác dụng giúp người đọc hình dung ra cường độ nỗi buồn của một người yêu nước phải bỏ nước đi lưu vong: một nỗi buồn giằng xé làm đau đớn châu thân người buồn.
Người ta sống đung đưa trong một tâm trạng hẫng hụt khi phải đối diện một sự tương phản nghiệt ngã giữa hiện thực và ước mơ. Nếu trước kia dầu hứa với thi nhân-thuyền nhân một thiên đàng, thì bây giờ nước uống trở thành một nhu cầu thế tục bức thiết hàng đầu. Bài "Chết khát" có những vần khô khao, rát rúa, cồn cào biểu thị một tâm thế ở vị trí bìa (borderline) đường ranh mỏng giữa khôn và khờ, tỉnh và điên, bình tâm và hoảng loạn:
Khát cào khát cấu tim gan
Khát khô môi bỏng khát càng khát khao
Khiến:
Mắt ảo giác, khát cuồng điên!
Trong khi đó thản nhiên đến tàn nhẫn:
Trời cao trời đứng trên cao
Nắng như đổ lửa thêm vào cuộc chơi
Chiếc tàu ba block di chuyển lênh chênh trong một môi trường dị thường, với cái nắng ngọ cận xích đạo quá chói hóa biển thành một ảo ảnh ngút ngàn hoang đường làm đầu óc choáng loáng, cái nhìn rối loạn, và cái tâm lí đường cùng phút chốc hóa thảng thốt một hoang tưởng:
Sổ hải hành ghi:
Thuyền đi được một ngày - mặt tràn trề hi vọng
Thuyền đi được hai ngày - đã ngong ngóng trời mây
Thuyền đi được ba ngày - người xôn xao bàn tán
Thuyền đi được năm ngày - cùng tán loạn thần kinh!

Nhưng, bức tranh không chỉ mang đơn thuần một sắc màu ảm đạm thê lương. Nó còn được tô điểm với những nét tươi sáng, ấm áp của một tình tự liên đới khăng khít giữa những người đồng hội đồng thuyền cùng mang chung một số phận. Họ san sẻ cho nhau miếng cơm manh áo, dành những viên thuốc quý cho những người lâm bệnh nặng, ưu tiên là các cháu trẻ và cụ già.
Cảnh tượng trên cho phép một giải thích đến tận cái căn của sự kiện thuyền nhân: họ phải bỏ nước ra đi bởi vì nếu ở lại, họ sẽ bị tà quyền cộng sản phi dân tộc và vô thần đàn áp, bỏ tù mỗi khi họ dám bày tỏ công nhiên và tập thể cái tình tự vị tha, nhân ái có tính truyền thống dân tộc và gốc nguồn tôn giáo trên.
Suy rộng ra, sự bỏ nước ra đi của đồng bào thuyền nhân chúng ta xuất phát từ một nhu cầu tinh thần nhân bản sâu sắc: họ ra đi để được thể hiện tự do, cởi mở, thơ thới, đầy đặn, sát cánh bên nhau lúc sống cũng như lúc chết cái thiện căn, hồn tính nhân hậu dân tộc mình. Lựa chọn này lồng vào cuộc vượt biển của họ một nội dung tâm linh huyền nhiệm.Ðó là ngọn lửa thiêng trường tồn tỏa thắp tâm hồn Việt Nam, khơi lên một sức mạnh tinh thần cùng hội cùng thuyền lúc cấp nạn giúp họ kiên tâm chịu đựng gian nan khổ ải và vượt thắng nỗi sợ gieo rắc bởi thần chết luôn rập rình bám gót chân họ trong cuộc hành trình trên biển.
Sắc thái linh thiêng trên hóa cuộc hành trình của họ thành một huyền sử khiến chúng tôi có một cảm giác siêu hình là cuộc ra khơi ấy của thuyền nhân, trong một chừng mực nào đó, là một cuộc trở về Biển Nguồn - Biển Cha Lạc Long Quân, người chồng-người tình muôn thuở của Núi Mẹ Âu Cơ. Liên tưởng này, thiết nghĩ nên được khai triển thành một nhân tố cấu thành đặc thù của nền văn hóa biển Việt Nam tương lai.

Biển của thi nhân-thuyền nhân Đào Văn Bình là một hiện hữu nhân văn nhiều vẻ - một biển đa nguyên.
Biển tình cảm, "biển lung linh biển tình biển nhớ". Biển dịu dàng, "biển vỗ về chở mối thương yêu". Cưu mang và hứa hẹn, "biển thông lộ cho đàn con vượt thoát / đường Tự Do mở rộng cuối chân trời". Hiền lành, phấn chấn, "biển mơ" giấc mơ của người vượt biển, với "trăng sáng tỏ trăng ơi biển lớn / sao lung linh sao chơm chớm niềm vui / sóng lăn tăn sóng gợn nét yêu đời".
Biển còn có tác dụng thanh tẩy, "rửa thân em trong trắng' sạch "lũ bùn nhơ trần tục", và là một dấu hỏi mông lung: "thuyền đi như thể vào vô tận / chỉ có sao trời dẫn lối thôi". Trong bất trắc, biển tạo hồ nghi, bào mỏng ý chí và gây sụp đổ tinh thần. Biển trở mặt, nổi giông tố. Biển thủy quái nuốt chửng nửa triệu sinh linh. Biển nghĩa trang nổi của những "xác người trương phình thối", những con "mắt hông hốc mở to" và những chiếc "tàu thành quan tài".
Biển như vậy là một cảnh đời với lắm mâu thuẫn trớ trêu. Một thứ hí trường của phi lí, ở đó sự sống và cái chết kề cận nhau trong một bối cảnh lênh chênh vô thường. Một trận mạc ngổn ngang những mảnh tàu tan tác và những xác người dị dạng, chứng tích của những lâm chung thê thảm, đối lập với một thủy trại mênh mông của vô số những "con sò huyết ngọt", "con sứa mặn mà", "con tôm he", "con cá mai", "con cá thu" cho nhiều chất đạm dinh dưỡng.
Tuy nhiên, dù ý thức được tính cực kì gian nguy của cuộc vượt biển của mình, thuyền nhân vẫn cứ lớp lớp lao ra biển bởi họ cảm thấy biển là một cái gì đó rất lôi cuốn, một thứ Biển Hứa (Mer Promise) lộng lẫy, cửa ngõ mở ra một chân trời xán lạn, một miền Ðất Hứa (Terre Promise) ở đó người ta sống trong tự do, hạnh phúc, ấm no, thái bình, thịnh vượng; ở đó nhân phẩm được tôn nâng, có đồng thuận trong đa nguyên, hài hòa trong muôn vẻ, và người dân sống theo phương châm "mỗi người vì mọi người, và mọi người vì mỗi người".
Mà nếu nói đến biển, thì cũng phải nói đến đảo, một bộ phận không thể tách biệt của cuộc hành trình vượt biển của thuyền nhân.
Ngoài là một trạm họ đến quá cảnh để chờ ngày được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc chấp nhận cho đi định cư ở một nước khác, đảo còn là nơi chôn cất, thờ phượng các thuyền nhân vắn số theo đúng tinh thần nghĩa tử là nghĩa tận của truyền thống Việt Nam. Hàng năm, thân nhân từ tứ phương kéo nhau đến để tảo mộ, thắp hương, cúng bái tưởng niệm người quá cố. Cộng sản đã tỏ ra tàn nhẫn với cả người chết khi chúng yêu cầu các chính quyền sở tại phá bỏ các nghĩa trang của thuyền nhân Việt Nam.
Riêng với Đào Văn Bình, một người "từng tắm gội với khổ đau", "đảo khá nên thơ / và có một chút thoáng buồn" và là chốn hạnh ngộ của "yêu nhau đùm bọc lấy nhau":
Ba-taan dù đất đỏ
Cũng chan chứa ân tình
Đêm mưa gió vẫn nhớ
Em một lần trao thân

Sự chúng tôi đã trích dẫn một số không ít câu và đoạn câu của tác phẩm xuất phát từ một dụng ý muốn tường thuật, ghi lại chứ không phê bình tác phẩm. Bởi tác phẩm tự nó đã là một truyện kể hay. Do đó, cách tiếp cận tốt nhất là viết ra một thứ tổng phổ, phụ xướng nhiều bè nhằm giúp người thưởng ngoạn cảm nhận phong phú hơn, thấu đáo hơn cái giá trị tự thân của nguyên tác. Nói rõ hơn, bài tùy-luận của chúng tôi, trong một chừng mực nào đó, là một cố gắng phân tích khái quát cái cấu trúc văn bản của tác phẩm được coi như một sự vật văn chương nhằm phát hiện cái cốt lõi, nguyên lí, hồn tính, tức cái năng lượng tinh thần làm ra sự sống của tác phẩm. Cho dù tác phẩm có bị thiêu hủy và trở về với cát bụi (nature), hồn ấy vẫn ở lại với thời gian bởi nó là cái hồn thu thảo của Bà Huyện Thanh Quan: nó là văn hóa (culture).
Và, với nhận định rằng ngôn ngữ nghệ thuật, và ngôn ngữ triết học, là sự biểu hiện sung mãn nhất, hoàn chỉnh nhất của tư tưởng trong sự vận động tự hình thành ra nó, chúng tôi có một số nhận xét về phong cách ngôn ngữ của Ðào Văn Bình.
Không gian ngôn ngữ của Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển là nơi tụ họp của nhiều sắc thái. Lựa chọn này hợp lí bởi vì nó tương ứng với cái cấu trúc nhiều góc cạnh của tác phẩm và với tính đa dạng của đề tài. Ngữ phổ trải rộng từ ngôn ngữ tả chân, chất phác, ca dao hay lối nói dân dã kiểu mõ làng sang ngôn ngữ khẩu hiệu, khoa trương, hùng biện, kịch thoại, phúng dụ, ẩn dụ, tượng trưng, tượng hình, biền ngẫu. Ngữ khí lúc phấn chấn lúc bi quan, lúc dịu dàng lúc sôi nổi, lúc khoan lúc nhặt theo nhịp đung đưa bất thường của biển.
Gam màu có màu xám của "rong rêu loang lổ trên miếu đường", màu đen của "vết lem luốc trên mặt bé thơ", màu tím của vết thương "trên thân thể người tù cải tạo", màu vàng của sắc phục công an, màu đỏ của "máu người dân bán ra" và của lá cờ cộng sản, v.v... Tần suất (số lần xuất hiện của một từ trong văn bản) của xanh là 3, trong đó một lần được dùng để khẳng định "Tranh tôi... không có màu xanh hy vọng". Điều này phản ánh đúng não trạng u uất của người dân phải sống trong một cảnh đời tù túng, ngột ngạt, với mọi "cửa nẻo khép im" và "niềm tin đã chết". Trái lại, tần suất của đỏ là 19, tức gấp sáu lần tần suất của xanh. Sự chênh lệch lớn này phản ánh một thực trạng tâm lí chung của người Việt chúng ta và do đó làm chúng ta phải băn khoăn tự hỏi tại sao màu đỏ lại ám ảnh chúng ta nhiều hơn, và mạnh hơn, những màu khác. Lí do là vì nó là màu chủ của thảm kịch Việt Nam. Nói rõ hơn, nó là màu máu của hàng triệu người dân đã bị cộng sản sát hại bằng cách này hay cách khác để thực hiện ý đồ của chúng là chiếm lĩnh độc quyền thống trị để nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam theo chỉ thị của Trung Cộng và Liên Xô.
Về mặt tâm lí, hậu quả của cuộc tàn sát vĩ đại đó là cái màu nguyên ma quái rùng rợn ấy đã ăn sâu vào tiềm thức chúng ta nên cứ mỗi khi nhìn thấy nó là chúng ta nghĩ ngay đến lá cờ của cộng sản. Căn nguyên của liên tưởng tự động này - một phản xạ của bản năng - là do thực tiễn lịch sử trên gây ra.
Viết tựa như trên, trong một chừng mực nào đó, là một thứ phân tích cấu trúc tác phẩm nhằm phát hiện tính cá biệt cụ thể của nó, tức cái nó là nó, chứ không nhằm phát hiện cái tính đặc thù thuộc loại (categorial) trừu tượng của nó, tức cái nó bị vong thân. Xuất phát từ nhận định ngôn ngữ là sự nống ra hữu cơ của tư tưởng trong vận động tự hình thành ra nó, một cuộc phân tích ngôn ngữ học khái quát được tiến hành trên các ngữ liệu như từ loại, ngữ điệu, ngữ cảnh, ngữ cách, ngữ khí, tức những nhân tố cấu thành diện mạo ngôn ngữ mà cũng là chân dung tinh thần của tác phẩm.

Tuy nhiên, khi chỉ dựa trên tính khách quan và tính phổ cập như những đặc thù thuộc loại và bỏ qua những tình tiết cá thể để giải thích một sự vật, phương pháp phân tích cấu trúc không thích hợp với trường hợp sự vật ấy là một tác phẩm văn chương. Bởi vì với tư cách là một tác phẩm văn chương, sự vật mang dấu ấn của chủ quan tác giả và có một nội dung tinh thần đặc thù, tức cái bản sắc làm nó khác hẳn so với những cái cùng loại, do đó người ta không thể nhân danh tính khách quan và tính khoa học để bỏ sang một bên tính chất cá biệt ấy và chỉ chú tâm đến góc cạnh nội hàm, tức cái tính đặc thù thuộc loại chung, trừu tượng của nó. Bởi vì khi xâm phạm tính nguyên vẹn phải được tôn trọng của nó, người ta không chỉ xuyên tạc tác phẩm nói riêng mà còn bóp méo sự thật văn chương nói chung.

Sở dĩ các nhà cấu trúc luận chính thống loại bỏ tính chất cá biệt của tác phẩm, là vì họ cho rằng nó là một đối tượng mông lung, chiếc bóng nhòa khó định hình bằng phương pháp phân tích khách quan và khoa học. Đối với họ, sự thật chưa hẳn là sự thật nếu không được xác minh bởi những chứng cứ khoa học không phản bác được. Và một sự hiểu biết mơ hồ về sự vật dễ làm người ta sa cái bẫy ngộ nhận với những giải thích lỏng lẻo, loanh quanh, lệch lạc, để không nói là ngụy biện.

Nói tóm lại, với cái khuynh hướng lấy logic hình thức để giải thích thực tại và chỉ chú trọng đến tính bất biến và bỏ qua tính vô thường, tính phổ cập và bỏ qua tính cá biệt, tính trừu tượng và bỏ qua tính cụ thể, tính khách quan và bỏ qua tính chủ quan, phương pháp phân tích cấu trúc trên là một phương pháp thô bạo, vô cảm, cực đoan, đơn giản quá mức, phi lịch sử và kị cái đẹp nghệ thuật. Do đó, nó thích hợp với thế giới tự nhiên chứ không thích hợp với thế giới sáng tạo bởi trí tuệ con người, đặc biệt là thế giới văn học nghệ thuật nói riêng và thế giới nhân văn nói chung.

Viết tựa như trên quả là một lao động không đơn giản. Vấn đề là làm sao giới thiệu được càng nhiều càng tốt những điều cần biết về tác phẩm trong khuôn khổ hạn chế của bài tựa. Bài tựa này nằm ở trung vị giữa sự nống ra của bài điểm sách và sự rút ngắn lại của bài tiểu luận.

Nó đặt ra một số tiền đề thiết nghĩ nên được khai triển trong những cuộc thảo luận chuyên đề tương lai.

CUNG TRẦM TƯỞNG

Minnesota, ngày 30-4-2015

LÊ ĐÌNH CAI * NGUYỄN PHƯƠNG



Sử gia Nguyễn Phương (1921-1993)
Tác giả: Gs. Wynn Gadka-Wilcox
Người dịch: Lê Đình Cai
Lời người dịch:

Bài viết, với tựa đề "Các sử gia người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ từ 1954 đến nay", do GS Wynn Gadka-Wilcox thuộc phân khoa Sử học Trường đại học Western Connecticut State University, trình bày trong cuộc hội luận được tổ chức tại Trường đại học Occidental College, vào ngày 11 tháng 4, 2015 vừa qua. Vị sử gia đầu tiên được giáo sư Wilcox nhắc đến là giáo sư Nguyễn Phương thuộc Trường đại học Văn khoa và Sư phạm Huế (trước năm 1975).
Chúng tôi là lớp sinh viên của đầu thập niên 1960 được vinh dự lãnh hội những kiến thức thâm sâu của Ngài về môn phương pháp Sử học và đã đón nhận ở Ngài một tinh thần hoàn toàn mới khi nghiên cứu về những vấn đề thuộc lịch sử Việt Nam, nhất là lãnh vực liên quan đến Cổ Sử. Ngài đã để lại cho thế hệ sau một gia tài biên soạn Sử học hết sức giá trị. Để tưởng nhớ đến một Sử gia hàng đầu của miền Nam và cũng để tưởng nhớ đến vị thầy tận tụy của chúng tôi trên bước đường nghiên cứu Sử học, chúng tôi đã được phép của GS Wilcox để chuyển ngữ ra tiếng Việt đoạn văn sau đây trong bài thuyết trình như đã được giới thiệu. Bài viết của GS Wilcox có một số luận điểm mà chúng tôi nghĩ cần thảo luận lại (nếu điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ trình bày bài viết này trong thời gian tới). Tuy nhiên, để tôn trọng ý kiến của tác giả, chúng tôi cố gắng hết sức để chuyển ngữ đầy đủ mà không bỏ sót bất cứ một đoạn văn liên hệ nào. Nhân đây, cũng xin cảm ơn giáo sư Wilcox - qua trung gian của GS Nguyễn Đức Cung - đã gởi cho chúng tôi tài liệu này.

* * *
Sử gia Nguyễn Phương sinh ngày 5 tháng giêng năm 1921 ở làng Hòa Ninh thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, con ông Nguyễn Thịnh, một người nổi tiếng về tài nặn tượng và bà Phạm Thị Nhân(7). Ngôi làng của Ngài, nổi tiếng về việc cung ứng nhiều vị linh mục và nữ tu, đã từng và hiện vẫn là một cộng đoàn đa phần Công giáo sống bằng nghề nông gần bên bờ của sông Gianh(8). Vào đầu thập niên 1950, Ngài thụ phong linh mục tại Đại chủng viện Huế và khoảng 1953 Ngài trở thành Phó xứ Tam Tòa ở Quảng Bình nơi mà Ngài đã biểu tỏ tài năng về ngành hội họa và thi ca Kinh Thánh. Có lẽ nhờ vậy, vào năm 1954, Giám mục địa phận Vinh đã cử Ngài sang Hoa Kỳ du học(9). Ngài đã ghi danh theo học tại trường Đại học San Francisco như là một sinh viên ngành Sử học (trong tư thế là linh mục Francis Nguyễn Phương). Ngài đã nhận được cấp bằng Cử nhân (BA) về Sử học vào tháng 6 năm 1955 và bằng cao học (MA) Sử học vào tháng 6 năm 1956(10).
Để hoàn tất học vị đó, Ngài đã viết xong tiểu luận Cao học với đề tài "Hoa Kỳ và Đông Dương trong cuộc khủng hoảng Đông Dương lần thứ nhất" (The United States and Indochina in the First Indochinese Crisis). Ngài dùng từ "First Indochinese Crisis" để đề cập đến cuộc chiếm đóng của Nhật tại Đông Dương vào năm 1940 (11). Do bởi Ngài đang viết luận văn để trình cho một ủy ban buổi đầu gồm toàn các Sử gia người Mỹ nên Ngài đã phải bao gồm những gì vốn là cốt lõi trong sách giáo khoa về Sử học Việt Nam từ thời khai sinh cho đến năm 1940(12). Phần giới thiệu sơ lược này, vốn bao gồm cả 2000 năm của lịch sử chỉ trong vòng 26 trang giấy, nhằm nhắc lại thời kỳ chống chế độ thuộc địa của người dân Việt Nam trong quá khứ căn cứ trên chủ đề kháng chiến chống xâm lăng và bước đầu sử dụng các tài liệu đúng tiêu chuẩn sử học có sẵn đương thời như các sách của Trần Trọng Kim, Lê Thành Khôi, André Masson và Jean Chesnaux. Phần giới thiệu này đáng chú ý vì thái độ nghiêm khắc phê phán về chính sách bóc lột của người Pháp (xin lưu ý đến vị thế của Sử gia Nguyễn Phương trong tư cách là một linh mục Công giáo) và cũng nhằm nêu vấn đề rằng các vị thừa sai người Pháp đang khi phục vụ cho vua Gia Long vào đầu thế kỷ thứ 19 "đã đảm nhiệm một công tác hai mặt: một mặt là bành trướng đạo Thiên Chúa và mặt khác là tuyên truyền cho Pháp Quốc"(13)
Phần chính yếu của luận văn này có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên, là vừa hỗ trợ cho chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Dương vào những năm của thập niên 1940 và 1950 mà cũng vừa xác quyết vững chắc về chương trình chính trị của cụ Ngô Đình Diệm. Sử gia Nguyễn Phương kể lại những nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ nhằm phá hỏng những cố gắng chiếm đóng Đông Dương của Nhật Bản và cũng để làm nhụt bớt ảnh hưởng của sự chiếm đóng sau khi sự việc đã xảy ra. Ngài lập luận rằng, những nổ lực này đã giúp chuẩn bị cho Hoa Kỳ lâm chiến với Nhật Bản. Như vậy, ngay cả dù cuộc tấn công Trân Châu cảng đã xảy ra bất ngờ, thì Hoa Kỳ cùng với Anh Quốc "đã thực sự sẵn sàng trong tư thế thắng cuộc chiến này trước Nhật Bản"(14). Hơn thế nữa Sử gia Nguyễn Phương đã mở rộng tầm độ ủng hộ cho sách lược của Hoa Kỳ sau năm 1940 bằng cách tiên báo rằng, sự từ chối ủng hộ của Hoa Kỳ cho nổ lực của phe De Gaulle nhằm tái tục chế độ thuộc địa ở VN là cách giúp đỡ gián tiếp cho nền độc lập của người Việt vào năm 1945; Ngài cũng cho rằng viện trợ của Hoa Kỳ cho người Pháp vào năm 1950, ngoài nhu cầu tối yếu nhằm tránh được cuộc chiếm đóng đất nước của phe Cộng sản thì viện trợ này chỉ được thực hiện và cũng chỉ thực hiện được với điều kiện là nước Pháp phải trao trả độc lập thực sự cho các quốc gia Đông Dương; và sau cùng Ngài cũng gợi ý rằng áp lực của Hoa Kỳ lên người Pháp đã buộc họ "trao quyền lại cho một người có tinh thần quốc gia thực sự và không Cộng sản: đó là cụ Ngô Đình Diệm"(15).
Vừa về nước vào khoảng cuối 1956, Giáo sư Nguyễn Phương đã đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc Trường Trung học Sao Mai ở Đà Nẵng. Ở đó, Ngài tiếp tục hoàn thiện những ý tưởng chính trị và những luận cứ về nền lịch sử hiện đại của Việt Nam mà Ngài đã từng triển khai khi còn là sinh viên Trường đại học San Francisco. Năm 1957, Ngài đã xuất bản không dưới ba đầu sách: "Liên lạc giữa Mỹ và Việt Nam" (Vietnamese - American contact), "Sự quan trọng của Đông Dương trước mặt quốc tế" (The Importance of Indochina in the world), và cuốn "Ánh sáng dân chủ" (The light of Democracy)(16). Trái với cuốn "Liên lạc giữa Mỹ và Việt Nam" và cuốn "Sự quan trọng của Đông Dương trước mặt quốc tế", cả hai đều đã nghiên cứu đến vị thế đương đại của Đông Dương trong mối bang giao quốc tế (trùm phủ lên một số nền tảng của luận văn cao học của Ngài), thì cuốn "Ánh sáng dân chủ" đã tích lũy thành một học thuyết chính trị nhằm xây dựng một nền Cộng hòa mới mẻ, xuyên qua việc phủ nhận luận điểm cơ bản của học thuyết Mác-xít và việc củng cố nền dân chủ tư sản (bourgeois democracy). Trong tác phẩm này, Ngài tìm cách giải thích một cách dễ hiểu sự điều chỉnh ý thức hệ cho nền Cộng hòa và cho thế đứng của cụ Ngô Đình Diệm trong chính thể chế này. Ngài lập luận rằng trong nền dân chủ thực sự, sự tồn tại của quyền tự do ngôn luận và của các cuộc bầu cử đa đảng (multiparty elections) đảm bảo rằng người dân sẽ là chủ-nhân-ông của đất nước họ, trong khi theo chủ nghĩa Mác, dù với ngôn từ dân chủ sáo rỗng, thì chủ nhân thực sự chính là Đảng Cộng Sản(17). Khi mô tả một đảng dân chủ thực sự, Ngài đã hỗ trợ cho một tổng thống chế mạnh, dựa trên "nhu cầu của quần chúng cần có một vị chỉ huy mạnh mẽ"(18). Quan điểm này tỏ ra nhất quán vừa với cấu trúc thực tế của Việt Nam Cộng Hòa và vừa với quan điểm của các tác giả cấp tiến được liệt kê trong phần sách tham khảo của Ngài(19).
Trong phần kết có tên "Nền dân chủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm" ở cuối cuốn sách, Ngài đã biện minh cho vị Tổng thống của nền cộng hòa này. Ngài cho rằng cụ Diệm đã đưa miền Nam tiến lên dân chủ và đã xoay hướng sự chỉ trích Tổng thống bằng cách chỉ cho thấy sự khoan dung của Tổng thống Diệm đối với những sự chí trích như thế, có thể được coi là bằng chứng của tiến trình dân chủ đang được thực hiện. Thật vậy, trái với trình trạng nô lệ và đói nghèo của miền Bắc, một tình trạng mà phải chịu đựng dưới chế độ độc tài của Hồ Chí Minh. Nền dân chủ của miền Nam cho phép những ai sống trên miền đất này trở nên thành viên quốc tế của một cộng đồng dân chủ trên toàn thế giới, đặc biệt là với Hoa Kỳ mà nền Cộng Hòa Việt Nam có mối liên hệ, chính nền dân chủ đó sẽ mang tới những quyền lợi về kinh tế cũng như chính trị về cho đất nước (20). Cho dù Sử gia Nguyễn Phương biết rõ nhiều về những sai phạm phản dân chủ đôi khi xảy ra của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Ngài giải thích rằng việc xây dựng một xã hội dân chủ là một tiến trình chậm chạp phải mất hằng thế kỷ mới hoàn thành, như trường hợp nước Pháp và nước Anh chẳng hạn(21). Điều đáng lưu ý trong những luận cứ này là tầm mức ảnh hưởng của nó tới đâu khi đối chiếu với thái độ của những người Mỹ theo truyền thống của thập niên 1950 về suy nghĩ của họ liên quan đến đề tài này (điều này vượt qua tính uyên bác của Ngài trong nhiều chủ đề từ học thuyết chính trị tới lịch sử hay tới kinh tế). Trong số hơn 100 nguồn tài liệu tham khảo, Ngài chỉ quy chiếu đến ba cuốn sách không được xuất bản tại Hoa Kỳ(22). Vào cuối năm 1957, Ngài đã cùng với nhiều học giả ưu tú có bằng cấp nước ngoài, để về đây giảng dạy, theo lời kêu gọi của LM Cao Văn Luận (1908-1986), một triết gia có tiếng tăm và là Viện trưởng Đại học Huế. Trong khi đảm nhiệm chức vụ Giáo sư, Ngài tiếp tục cho xuất bản nhiều đầu sách dựa trên những bài giảng của Ngài về lịch sử Việt Nam và thế giới(23). Tuy thế nỗ lực của Ngài qua suốt thập niên 1960 tập trung trên hai dự án chính: ấn hành sách giáo khoa Sử - Địa đáng tin cậy và cho xuất bản cuốn sách tầm cỡ về triều đại nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam (1773-1802). Cao điểm là sự phát hành cuốn "Phương pháp Sử học" (Historical Methodology) năm 1964 và cuốn "Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn" năm 1968(24). Đồng thời Ngài cũng là một cộng tác viên đắc lực cho các tạp chí Sử học, và các bài viết của Ngài thường bao gồm các đề tài không nằm trong các sách đã ấn hành mới đây.
Luận cứ quan trọng của "Phương pháp Sử học", là các sử gia phải vừa nói lên toàn bộ sự thật ("tell the whole truth") và vừa phải trình bày sự thật với một phần đóng góp của khả năng diễn đạt mang tính nghệ thuật nữa. Cùng với chủ nghĩa chống cộng qua các cuốn sách đã xuất bản trước đây, Sử gia Nguyễn Phương gợi ý rằng phương pháp sử Mác-xít không thể so sánh được với khách quan tính trọng yếu của ngành Sử học mà Ngài đã định nghĩa như là "nói sự thật toàn bộ" (saying the entire truth) (25). Vì việc sử gia do "đảng chỉ đạo" đã nhào nặn chứng cứ lịch sử theo cách diễn dịch của biện chứng duy vật sử quan (dialectical materialism), họ không thể nhận ra sự thật như là sự thật. Ngược lại, Ngài cho rằng nói sự thật tự nó vẫn chưa đủ là một phương pháp của ngành Sử học. Quả vậy, Ngài giải thích rằng "làm một sử gia không phải dễ và nghề chép sử là một nghề khó khăn" (26). Cách khác, nói lên sự thật là một điều kiện cần nhưng chưa đủ đối với sự đòi hỏi chính xác của lịch sử. Sử gia có trách nhiệm khéo diễn đạt lịch sử vốn là những gì thu hút mối quan tâm của đại chúng và sẽ nêu lên những vấn đề quan trọng của đương thời. Các sử gia vì thế phải lọc lựa những tỉ dụ và phải diễn đạt qua ngôn ngữ của mình bằng nghệ thuật và ngay cả bằng thơ ca nhưng vẫn đảm bảo rằng những nỗ lực đó không làm khuất lấp "sự thật" đã tìm thấy trong các đoạn văn(27).
Mặc dù có vài điều tinh tế trong sự giải thích, lối phân tích của Ngài về vai trò và trách nhiệm của sử gia vẫn tồn tại vững chắc xuyên suốt dòng chính của các quan điểm sử học trong cả hai thập niên của 1950 và 1960. Sự nhấn mạnh của Ngài về nhu cầu đối với các sử gia vừa được nhắc lại đó phản chiếu sự ảnh hưởng lâu dài của phái chủ trương "tiến bộ" (progressivism) và phái chủ trương "tương đối" (relativism) của thời kỳ thập niên 1930 trong nghề chép sử tại Hoa Kỳ, và sự nhấn mạnh này của Ngài tỏ ra nhất quán khi ngài trích dẫn tác phẩm của sử gia Carl Becker(28). Khuynh hướng này có thể tìm thấy qua sự tận tụy của Ngài dành cho ngành lịch sử tường thuật (narrative history) và cũng dễ thấy qua nhận xét của Ngài khi cho rằng sử gia giỏi trước hết phải nghiên cứu và nắm vững cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết thì mới hoàn thành được những sử phẩm có giá trị(29). Tuy nhiên, việc Ngài cho rằng môn sử học Mác-xít không thể nói lên toàn bộ sự thật (whole truth) đã đẩy ngài vào phe chủ trương phục hồi lại bài học về yếu tính khách quan của lịch sử thuộc nhóm thủ cựu quá khích (anti-progressive), rất phổ biến tại Hoa Kỳ vào thời hậu chiến (postwar) mà chính Ngài cũng đã tiếp nhận nền học thuật sử học xuất phát từ nơi đây(30).
Đề cương quan trọng sau cùng liên quan đến sự nghiệp của sử gia Nguyễn Phương trước năm 1975 là tập trung nghiên cứu về triều đại Tây Sơn. Trong cuốn "Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn", Ngài cho rằng anh em nhà Tây Sơn phải chịu trách nhiệm việc đẩy đưa đất nước vào tình trạng hỗn loạn mà từ đó họ đã vươn lên, đã thay đổi, rồi thống nhất lại dưới thời vua Gia Long (1802-1820). Sử gia Nguyễn Phương không phải là không có thiện cảm với những mục tiêu của nhà Tây Sơn; Ngài không ngần ngại đặt tên cho hoàng đế Quang Trung (1788-1792) là "anh hùng phiêu lưu" (adventurious hero) và Ngài lên án thời kỳ nhiếp chính của Trương Phúc Loan (1756-1776) vì đã tạo cớ cho cuộc nổi loạn với chính sách thuế khóa thiếu công bằng(31). Tuy nhiên, điểm quan trọng mà Ngài muốn nhấn mạnh là binh đội nhà Nguyễn, với sự hỗ trợ của người Âu đã thực hiện cuộc bắc tiến và thống nhất đất nước vào năm 1802. Tôi [GS Wilcox] đã viết đâu đó một bài khá dài về một cuộc tranh luận dai dẵng giữa sử gia Nguyễn Phương và sử gia Văn Tân của Hà Nội về việc liệu hoàng đế Quang Trung đã thống nhất đất nước vào năm 1789 hay Gia Long đã làm việc đó vào năm 1802, một cuộc tranh luận đã bùng nổ xuyên suốt thập niên 1960 trong các tạp chí Sử học giữa cả hai miền Nam Bắc(32). Điểm quan yếu của việc tranh luận này là ngay lập tức trở thành cuộc bút chiến về hiện thực lịch sử bởi cảm nhận của các tác giả ở hai phía về cùng một câu hỏi, và đặc biệt về nội dung của đề tài mang tính áp đặt ẩn dụ cao độ cho thấy nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (phe Cộng Sản) tự cho họ như là những kẻ thừa hưởng gia sản của dòng họ Tây Sơn vậy. Nói rằng vua Gia Long thống nhất sơn hà năm 1802 thì cũng như dự đoán rằng theo một cách tế nhị nào đó, Việt Nam Cộng Hòa (phe quốc gia) sẽ thắng cuộc chiến tranh này, và cuối cùng rồi cũng thống nhất được giang sơn.
Vào ngày 13 tháng 5, 1975 không đầy hai tuần sau khi Sài Gòn sụp đổ và kết thúc trong thực tế đối với cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, sử gia Nguyễn Phương đã rời khỏi Việt Nam. Ngài ra đi trên một chiếc thuyền đánh cá ở Vũng Tàu đến tị nạn trên đảo Saint John, cách phía nam Singapore khoảng chừng sáu cây số. Từ đó, Ngài tìm cách đến Hoa Kỳ, cuối cùng định cư thường xuyên tại Carthage, Missouri. Dù không còn đảm nhận chức vụ chính thức nào trong các trường Đại học, Ngài vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu bằng hai ấn phẩm sau cùng đều viết bằng tiếng Anh. Cuốn đầu "The Ancient History of Vietnam: A new study", được viết với sự trợ giúp của cơ quan Ford Foundation, mặc dù trong thực tế thì Ford Foundation đã không xuất bản cuốn sách này. Có bằng chứng cho thấy là ngân quỹ của Ford Foundation đã giúp đỡ cho công trình nghiên cứu của Sử gia Nguyễn Phương tại thư viện Olin của đại học Cornell ở Ithaca, New York nơi mà Ngài đã lưu lại trong những năm 1975-1976 (33).
Cuốn "The Ancient History of Vietnam: A new study" tìm cách đánh sập hai quan điểm về nền cổ sử Việt Nam, một do "trường phái của các sử gia Trung Hoa thời xưa", theo đó sử gia Nguyễn Phương muốn nói đến các nhà viết sử Việt theo lối biên niên, đặc biệt là sử gia Ngô Sĩ Liên thuộc thế kỷ thứ 15 mà trước tác của ông về sau được các nhà chép sử dưới thời Việt Nam Cộng Hòa mô phỏng lại; một quan điểm khác nữa thì do "trường phái xã hội chủ nghĩa" chủ xướng mà sử gia Nguyễn Phương gọi họ là sử gia của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong cả hai trường hợp, việc nghiên cứu cổ sử Việt Nam nhằm kích động lòng tự ái dân tộc về một nước Việt Nam tồn tại lâu dài mục đích là để xóa tan trong đầu óc mọi người về nỗi nhục đã từng lệ thuộc Trung Hoa trong quá khứ(34). Sử gia Nguyễn Phương cho rằng đây là một sự xuyên tạc của lịch sử. Một ghi nhận chung nhất cần nói ra ở đây là những ai hỗ trợ cho trường phái này hay trường phái khác đều ít có khả năng đọc được các sử liệu đầu tay bằng chữ Hán và lập đi lập lại điều sai lầm tiên khởi nặng tính dân tộc trong các nguồn tư liệu Việt Nam(35). Cho nên, họ bỏ qua những yếu tố rất quan trọng về lịch sử Việt Nam thời khai sinh, chẳng hạn việc các "lưu dân" người Việt gốc Hoa (sino-vietnamese "colons") có gốc gác từ gia đình Trung Hoa, chính là những kẻ có trách nhiệm đã tạo nên một giai tầng lãnh đạo từ đó một nước Việt Nam độc lập đã ra đời(36).
Không có gì khác biệt về quan điểm (scope) và chiều hướng (tenor) trong lập luận của Ngài qua cuốn "Ancient History" (cổ sử VN) sau khi Ngài tới Hoa Kỳ. Quả vậy, Ngài đã đi đến kết luận giống nhau về sự xuất hiện của một nước Việt Nam thời cổ đại xuất phát từ Trung Hoa trong tác phẩm "Việt Nam thời khai sinh" cho dù quan điểm trong tác phẩm này phần lớn hoàn tất trong khi Ngài ở Hồng Kông, và các nguồn sử liệu được dùng thì rất khác với văn bản tiếng Anh sau này(37). Điều khác biệt nằm ở tầm giới hạn của công trình nghiên cứu. Trong lời cảm tạ, sử gia Nguyễn Phương cho biết là Ngài xúc động khi đồng ý viết lại cuốn "The Acient History of Vietnam" cho cơ quan văn hóa Ford Foundation "bởi vì trong khi làm vậy, tôi cảm thấy mình vẫn còn một quê hương đã từng thực sự có tự do"(38). Lời phát biểu của Ngài còn có thể hiểu một cách khác là việc hình thành một nước Việt Nam độc lập vào thế kỷ thứ 10 là cách lý giải hợp lý nhất để bù đắp cho mối cảm nhận về một Việt Nam đã không còn nữa vào năm 1976.
Mối quan tâm của Ngài về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam và lý do thất bại của chế độ cộng hòa là đề tài chính trong tác phẩm sau cùng của Ngài "Cuộc diễu hành của những tên bù nhìn của Mỹ: câu chuyện Việt Nam từ 1954 đến 1975", đã được viết xong vào năm 1978(39). Cuốn sách này là bản cáo trạng nghiêm khắc về chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong đó, Ngài cáo buộc sự sụp đỗ của Sài Gòn là do sự can thiệp vụng về của người Mỹ. Điều quan trọng (linchpin) trong luận cứ của Ngài nằm ngay trong việc Mỹ đồng lỏa trong vụ ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong khi Tổng thống Diệm tự cô lập lấy mình và chỉ tin cậy vào một nhóm nhỏ các nhà hoạch định chính sách, thì chính cụ "đã coi vận mạng của quốc gia quan trọng hơn sinh mạng của chính mình", và "cố gắng tối đa để giữ cho quốc gia được độc lập và thống nhất" (40). Dù Tổng thống Diệm có sai lầm gì đi nữa thì sự can dự của Hoa Kỳ trong việc ám sát đã phá hủy chủ quyền của Nam Việt Nam vừa trong thực tế, vừa trong cả nhận thức (của mọi người) nữa. Hậu quả là một loạt các lãnh tụ đã đồng ý làm theo chỉ thị của người Mỹ và đồng ý để họ hướng dẫn cuộc chiến tranh trên lãnh thổ của mình mà không có sự chế tài. Họ đã sắp đặt một cuộc diễn hành gồm các lãnh tụ tuần tự thích hợp cho các mục tiêu chiến tranh của người Mỹ, kể luôn cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001) "Tổng thống Thiệu vốn bản tánh dễ bảo. Cực kỳ tham vọng và tráo trở, ông ta chẳng phải là kẻ tận tụy cho một lý tưởng nào hay có tinh thần quốc gia dân tộc gì cả. Ông ta là một người tham nhũng nhưng điều này đâu làm cho người Mỹ bận tâm khi sự tham nhũng vốn trở thành phương tiện khiến cho họ được tự do hành động trên một quốc gia khác(41). Về phần mình người Mỹ đã sử dụng những phương cách phá hoại không cần thiết để làm hoang hóa những vùng rộng lớn của nông thôn miền Nam và rồi phá hủy tất cả quyền sống của con người bằng cách sắp đặt một cuộc đầu hàng toàn bộ của miền Nam Việt Nam cho phe cộng sản(42). Bản phân tích của sử gia Nguyễn Phương vừa khớp với những tuyên bố trước đây của Ngài mà đồng thời cũng vừa khớp với lợi ích khả dĩ đã nhìn thấy được sau này. Điều đáng lưu ý là Ngài đã tránh chỉ trích nặng nề về các nhân vật đương thời khi còn ở Việt Nam. Trước đây khi nghiên cứu lịch sử hiện đại và nền chính trị đương thời Ngài cũng ít khi phê phán như khi còn ở Việt Nam, và không bao giờ Ngài có ý nghĩ chỉ trích như trong cuốn sách "A parade of American Puppets". Tương tự như vậy trong khi Ngài đã nghiên cứu về cổ sử Việt Nam vào năm 1965 thì động cơ thúc đẩy Ngài viết lại đề tài này vào năm 1976, theo sự thú nhận của riêng Ngài, đã bị thay đổi qua kinh nghiệm vượt thoát khỏi Việt Nam.
Như đã đề cập đến trước đây, bản phân tích sử học của Ngài về cơ bản rõ ràng là không có gì thay đổi dù cho Ngài đã trải qua kinh nghiệm trốn chạy khỏi Việt Nam hay qua kinh nghiệm khi đã định cư tại Hoa Kỳ. Vì Ngài đã được đào tạo để trở thành một nhà nghiên cứu sử trẻ tuổi ở Mỹ quốc và nhờ Ngài đã làm việc trong môi trường đại học của cố đô Huế và vì Ngài đã tu nghiệp ở Hồng Kông để nghiên cứu môn lịch sử đối chiếu (comparative history), sử gia Nguyễn Phương đúng là nhà sử học có tầm vóc quốc tế, và là một con người đã từng sống ở nhiều nơi rất lâu trước khi trốn chạy ra khỏi Việt Nam vào năm 1975.
Lê Đình Cai dịch
San Jose, mùa thu 2015.
------------------------
7 Nguyễn Đức Cung, "Sử gia Nguyễn Phương (1921-1993), và nỗ lực khai phá hướng biên khảo mới trong ngành sử học Việt Nam," (Historian Nguyen Phuong (1921 - 1993) and the efforts to reclaim a rew research agenda in Vietnamese History) Tạ Chí Đại Trường: Vietnam History Blog (February 26, 2004)
http://tachidaitruong.blogspot.com/2004/02/hng-bin-kho-mi-nguyn-c-cung.html (Accessed February 22, 2015)
8 VNCC, "Giáo xứ Hòa Ninh: 55 đôi hôn phối mừng 50 năm thành hôn," (Hoa Ninh Parish: 55 Couples celecrate 50 years of Marriage) Trung tâm công giáo Việt Nam, Giáo phận Orange (Center for Vietnamese Catholics, Diocese of Orange), http://www.vncatholic.net/giao-xu-hoa-ninh-55-doi-hon-phoi-mung-50-nam-thanh-hon/ (Accessed February 15, 2015).
9 Nguyễn Đức Cung, "Sử gia Nguyễn Phương."
10 "University of San Francisco Commencement Exercises: June 1956," http://www.sfgenealogy.com/sf/schools/usf56.htm. Nguyễn Đức Cung claims that Nguyễn Phương also received an MA in Economics, but I cannot find any corroborating evidence for this claim.
11 Rev. Francis Nguyen-Phuong, "The United States and Indochina in the First Indochinese Crisis," (M.A. Thesis, University of San Francisco, 1956).
12 One expert on Asian foreign relations, Donald R. Campbell, sat as a third member of the committee with two other Americanists. My thanks to Father Michael Kotlanger, S.J., archivist at the Gleeson Library at the University of San Francisco, for this information.
13 Francis Nguyen-Phuong, "The United States and Indochina," 14.
14 Ibid., 127.
15 Ibid., 26. This support for the Ngô clan's asprirations is also reflected by his citation of a historical article by Diệm's elder brother, and later archbishop of Huế, Ngô Đình Thực on French repression of rebellion in the Nguyễn court. Ibid., 18.
16 Nguyễn Phương, Liên-lạc giữa Mỹ và Việt-nam (Saigon: Xã hội ấn quán, 1957); Nguyễn Phương, Ánh sáng dân chủ (Saigon: Nguyễn Phương, 1957), Sự quan trọng của Đông Dương trước mặt quốc tế (Saigon: Nguyễn Phương, 1957).
17 Nguyễn Phương, Ánh sáng dân chủ, 26-7.
18 Ibid., 75.
19 Such as W.E. Binkley, Jacques Barzun, and Herman Finer. Ibid., 7-9.
20 Ibid., 115-116.
21 Ibid., 112-113.
22 These were two books on political parties and electoral systems by Maurice Duverger, which were published in Paris, and one book from the British political theorist Harold Laski, which was published in London.
23 Nguyễn Phương, 82 năm Việt sử 1802 -1884 (Huế: Đại học Sư phạm, 1963); Nguyễn Phương, 125 năm thế giới sử, 1789 -1914 (Huế: Đại học Sư phạm, 1963).
24 Nguyễn Phương, Phương pháp sử học, (Huế: Đại học Sư phạm, 1964); Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn (Saigon: Khai trí, 1968).
25 Nguyễn Phương, Phương pháp sử học, 5.
26 Ibid.
27 Ibid. See also Nguyễn Đức Cung, Sử gia Nguyễn Phương.
28 On Carl Becker and progressive history, see Peter Novick, That Noble Dream: The "Objectivity Question' and the American Historical Profession (Chicago: University of Chicago Press, 1988), 256-58. Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học, Phòng nghiên cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1964, trang 33-34 (Lê Đình Cai chú thích thêm).
29 Nguyễn Phương, Phương pháp sử học, 8.
30 Ibid., 334-340.
31 Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn, 32.
32 Wynn Wilcox, Allegories of the Vietnamese Past: Unification and the Production of a Mordern Historical Identity (New Haven, CT: Yale Southeast Asia Studies, 2011), 109-134.
33 Liam Kelley, "Nguyễn Phương's Lost History", Le Minh Khai's History Blog. https://leminhkhai.wordpress.com/2013/05/01/nguyen-phuongs-lost-history/ (Accessed February 25, 2015).
34 Nguyễn Phương, The Acient History of Vietnam: A New Study. (Unpublished manuscript, John M. Echols Collection, Cornell University Library, 1976), 2.
35 He singles out the work of Nguyễn Thế Anh's work as an example of the distortions of not consulting Chinese documents to study Vietnam's ancient past. Ibid., 19.
36 Ibid., 14. These insights bear a remarkable resemblance to the arguments advanced by K.W. Taylor about early Vietnamese history. See K.W. Taylor, A History of Vietnamese (New York: Cambridge, 2013), 50.
37 Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh (Huế: Viện Đại Học Huế, 1965), esp. 338-345.
38 Nguyễn Phương, The Ancient History, acknowledgements.
39 Nguyễn Phương, A Parade of American Puppets: A Story of Vietnam from 1954 to 1975 (Unpublished manuscript, 1978). This manuscript was very scantily distributed and I only have knowledge of it through quotations of it provided by historian and former student of Nguyễn Phương, Nguyễn Đức Cung. Nguyễn Đức Cung, "Sử gia Nguyễn Phương"; Nguyễn Đức Cung "Đọc hồi ký 'Đất nước tôi," http://motgoctroi.com/HoiKy/BanVe_TacPham/Doc DAtNuocToi_NBC_03.htm (Accessed February 26, 2015).
40 Nguyễn Phương, A Parade of American Puppets: A Story of Vietnam from 1954 to 1975 (Unpublished manuscript, 1978), xviii, 111. Quoted in Nguyễn Đức Cung "Sử gia Nguyễn Phương".
41 Nguyễn Phương, A Parade of American Puppets, 45. Quoted in Nguyễn Đức Cung, "Sử gia Nguyễn Phương."
42 Ibid., 46. Quoted in Nguyễn Đức Cung, "Sử gia Nguyễn Phương."

CẢM NHẬN VIỆT NAM


Việt Nam -- cảm nhận từ đường phố




Tôi vừa có một chuyến đi gần 1 tháng ở bên nhà. Đó là một thời gian tương đối dài đối với tôi, một phần là vì công việc, và một phần khác là nghỉ hè. Chính vì hai việc này mà tôi có dịp đi đây đó, và có dịp quan sát quê hương -- không phải từ phòng máy lạnh, mà từ thực địa. Tôi e rằng những quan sát và cảm nhận của tôi hơi bi quan. Thú thật, tôi không thấy một Việt Nam sẽ "tươi sáng", mà chỉ thấy một đất nước sẽ tiếp tục tụt hậu và lệ thuộc, nhất là trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN.


1. Một đất nước trên đà suy thoái

Cái ấn tượng chung và bao quát trong chuyến về thăm quê là đất nước này đang trên đà suy thoái hầu như về mọi mặt. Mặc cho những con số thống kê kinh tế màu hồng được tô vẽ bởi Nhà nước, trong thực tế thì cuộc sống của người dân càng ngày càng khó hơn. Hơn 70% dân số là nông dân hay sống ở miệt quê, nên chúng ta thử xem qua cuộc sống của một gia đình nông dân tiêu biểu, gồm vợ, chồng và 2 con. Gia đình này làm ra gạo để các tập đoàn Nhà nước đem đi xuất khẩu lấy ngoại tệ (và chia chác?) nhưng số tiền mà họ để dành thì chẳng bao nhiêu. Gia đình này có thể có 5 công đất (hoặc cao lắm là 10 công đất), sau một năm quần quật làm việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cả nhà chỉ để dành khoảng 10-15 triệu đồng, có khi còn không bằng một bữa nhậu của các quan chức.


Cuộc sống của người nông dân là nợ triền miên. Đầu mùa thì vay ngân hàng để mua giống, mua phân, mua thuốc trừ sâu; thu hoạch xong thì phải trả nợ cộng tiền lời cho ngân hàng. Rồi đến mùa vụ kế tiếp thì cái vòng vay - trả nợ lại bắt đầu. Con của người nông dân đi học, thì mỗi đứa phải gánh ít nhất là 10 loại phí khác nhau, có khi lên đến 20 phí! Các trường, các uỷ ban nhân dân, các cơ quan công quyền, v.v. đua nhau sáng chế ra những loại phí để moi móc túi tiền người dân vốn đã quá ít ỏi. Họ không cần biết người dân có tiền hay không, phí là phí, và phải đóng phí. Không ít gia đình không có tiền đóng phí nên cho con nghỉ học. Đã có tình trạng người dân không đủ tiền trả viện phí nên tìm đến con đường tự tử.


Môi trường sống xuống cấp thê thảm. Sự gia tăng dân số gây áp lực cực kì lớn đến môi sinh. Mật độ dân số tăng nhanh, ngay cả ở vùng nông thôn. Có thể nói rằng hầu hết các con sông ở VN đang chết. Tất tần tật, kể cả heo gà và có khi cả người chết, cũng bị vứt xuống sông. Những con sông VN đang chết vì chúng đã biến thành những bãi rác di động khổng lồ. Đó là chưa nói đến sự xâm nhập của nước mặn vào các con sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một phần là do mấy cái đập lớn Tàu xây trên thượng nguồn của sông. Tôi cho rằng sự suy thoái về môi trường là mối đe doạ lớn nhất đến sự tồn vong của đất nước.


Ở đất nước này, chính quyền đã mắc cái bệnh vô cảm quá lâu, và bệnh đã trở thành mãn tính, rất khó cứu chữa. Cái bệnh vô cảm của chính quyền nó còn lan truyền sang cả xã hội, mà trong đó mọi người dùng mọi phương cách và thủ đoạn để tranh nhau ngoi lên mặt đất mà sống. Có thể nói cả xã hội đang chạy đua. Cái chữ "chạy" ở VN đã có một ý nghĩa khác. Dân chạy để đưa con cái vào đại học, vào cơ quan Nhà nước để hi vọng đổi đời. Quan chức cũng chạy đua vào các chức vụ trong guồng máy công quyền, và họ chạy bằng tiền. Tiền dĩ nhiên là từ dân. Thành ra, cuối cùng thì người dân lãnh đủ. Sự suy thoái ở VN diễn ra trên mọi mặt, từ kinh tế, môi trường, y tế, giáo dục, đến đạo đức xã hội.



2. Đất nước đang bị "bán"


Một anh bạn tôi vốn là một doanh nhân (businessman) thành đạt cứ mỗi lần gặp tôi là than thở rằng đất nước này đang bị bán dần cho người nước ngoài. Mà, đúng là như thế thật. Ở khắp nơi, từ Đà Nẵng, đến Nha Trang, tận Phú Quốc, người ta "qui hoạch" đất để bán cho các tập đoàn nước ngoài xây resort, khách sạn, căn hộ cao cấp. Một trong những "ông chủ" mới thừa tiền để mua tất cả của Việt Nam là người Tàu lục địa.



Chẳng những đất đai được bán, các thương hiệu của VN cũng dần dần bị các tập đoàn kinh tế nước ngoài thu tóm và kiểm soát. Chẳng hạn như các tập đoàn Thái Lan đã thu tóm những thương hiệu bán lẻ và hàng điện tử của Việt Nam. Tuy nhiên, người dân có vẻ "ok" khi người Thái kiểm soát các cửa hàng này, vì dù sao thì người Thái đem hàng của họ sang còn có phẩm chất tốt và đáng tin cậy hơn là hàng hoá độc hại của Tàu cộng.


Đó là chưa kể một loại buôn bán khác: buôn bán phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam được quảng cáo ở các nước như Tàu, Đài Loan, Singapore và Đại Hàn. Chưa bao giờ người Việt Nam chịu nhục khi con gái VN được cho đứng trong lồng kiếng như là những món hàng để người ta qua lại ngắm nghía và trả giá! Thử hỏi, có người Việt Nam nào tự hào được khi đồng hương mình bị đem ra rao bán như thế. Xin đừng nói đó là những trường hợp cá biệt; đó là tín hiệu cho thấy một đất nước đang bị suy thoái về đạo đức xã hội.

3. Tham nhũng tràn lan


Không cần phải nhờ đến tổ chức minh bạch quốc tế chúng ta mới biết VN là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới. Chỉ cần tiếp xúc với hải quan, hay bất cứ cơ quan công quyền nào, người dân đều có thể nếm "mùi tham nhũng". Tham nhũng từ dưới lên trên, từ bên này sang bên kia, từ cấp thấp đến cấp cao. Có khi tham nhũng công khai, và kẻ vòi tiền mặc cả cái giá mà không hề xấu hổ. Các cơ quan Nhà nước phải hối lộ các cơ quan Nhà nước khác, và họ xem đó là bình thường. Ngay cả những ngành dịch vụ tưởng như là "trí thức" như giáo dục và y tế mà cũng tham nhũng, và vì họ có học nên tham nhũng ở hai ngành này còn "tinh tế" hơn các ngành khác!


Có thể nói là tham nhũng (và hối lộ) đã trở thành một thứ văn hoá. Cái văn hoá này nó ăn sâu vào não trạng của cán bộ Nhà nước. Đã là văn hoá thì nó rất khó xoá bỏ một sớm một chiều. Ngay cả ông tổng Phú Trọng còn thú nhận rằng trạng tham nhũng như "ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu", nhưng cho đến nay ông cũng không làm được cái gì để giảm tình trạng này.


4. Xã hội bất an


Có thể nói không ngoa rằng VN là một xã hội bất an. Đọc báo hàng ngày thấy tin tức về tội phạm dày đặc khắp nơi. Chẳng những sự phổ biến của tội phạm, mà sự manh động của các vụ án càng ngày càng táo tợn. Chưa nơi nào có những vụ giết người vô cớ như ở VN: chỉ một cái nhìn cũng có thể dẫn đến cái chết!

Đáng ngại nhất là tội phạm đã lan tràn về tận vùng quê. Ở quê tôi, nơi mà ngày xưa là một làng êm ả, ngày nay là một cộng đồng bất an vì những vụ chém giết xảy ra hầu như hàng tuần! Người dân dưới quê cảm thấy mệt mỏi, không muốn nuôi trồng gì nữa, vì nạn trộm cắp hoành hành triền miên. Nuôi cá chưa đủ lớn thì đã bị trộm câu mất. Trồng một cây mít, trái chưa chín thì đã có trộm hái dùm. Chưa bao giờ tình trạng trộm cắp phổ biến như hiện nay ở vùng nông thôn.


Đó là chưa nói đến tai nạn giao thông vốn còn kinh hoàng hơn cả trộm cắp. Ở VN, bước ra đường là chấp nhận rủi ro tai nạn, thậm chí chết vì sự hỗn loạn của hệ thống giao thông. Thật vậy, tai nạn giao thông ở VN đã và đang trở thành nỗi kinh hoàng của không chỉ người dân địa phương mà còn ở du khách.

Một dạng bất an khác là (mất) an toàn thực phẩm. Có thể nói rằng đây là vấn đề làm cho cả dân số quan tâm nhất (theo như kết quả của một cuộc điều tra xã hội chỉ ra). Đi đến đâu, ở bất cứ thời điểm nào, người ta cũng nói đến những loại hàng hoá độc hại được tuồn vào thị trường Việt Nam từ một cái nguồn quen thuộc: Tàu cộng. Ngay cả ở dưới quê tôi, người dân còn không dám mua trái cây có xuất xứ từ Tàu. Không có một nông sản nào của Tàu sản xuất được xem là an toàn. Ngày nay, ngay cả các bợm nhậu cũng e dè những món ăn ở nhà hàng, quán nhậu, vì không ai dám chắc đó là hàng hoá của VN hay của Tàu. Nhưng điều đáng buồn nhất là sự tiếp tay của các doanh nghiệp Việt Nam để cho hàng hoá Tàu hoành hành đất nước ta và dân tộc ta. Thật không ngoa khi gọi những doanh nghiệp này là "gian thương". Cũng không ngoa để nói rằng gian thương cấu kết với những cán bộ tham nhũng đang giết chết kinh tế nước nhà và người dân.


5. Trí thức không có tiếng nói, không có phản biện

Theo dõi báo chí ở VN, dễ dàng thấy sự trống vắng tiếng nói của giới trí thức. Trước một sự kiện tương đối quan trọng như đại hội đảng csvn, mà không hề có bất cứ một bình luận độc lập nào, không hề có một bài phân tích về các nhân vật chóp bu trong đảng, hoàn toàn không có một phát biểu mang tính viễn kiến của bất cứ một nhân vật "lãnh đạo" tương lai nào! Thay vào đó là những tiếng nói của những người mang danh "sư sĩ" nhưng cách họ nói và ngôn ngữ của họ thì chẳng khác sự "cò mồi" là bao nhiêu.


Trước hiện tình đất nước, giới có học nói chung có vẻ lãnh đạm. Họ không quan tâm. Họ thường chạy trốn thực tế bằng cách biện minh rằng "chỉ lo việc chuyên môn". Thật ra, cũng khó trách họ, vì nếu họ nói ra những ý kiến thì có thể sẽ bị phạt nặng nề, thậm chí tù đày. Ngay cả yêu nước là một tình cảm thiêng liêng mà cũng phải được tổ chức và ... cho phép. Một xã hội đối xử với giới trí thức như thế thì làm sao bền vững được.

6. Guồng máy quản lí bất tài

Thật ra, sự bất tài của quan chức Nhà nước không còn gì là bí mật. Vì bất tài, nên họ thường "sản xuất" ra những qui định hài hước, và có khi cực kì vô lí và phi khoa học. Chúng ta còn nhớ trước đây, họ cho ra qui định mang danh "ngực nở chân dài" để được lái xe ô-tô, gây ra một trận cười cấp quốc gia. Tưởng như thế đã là hi hữu, ai ngờ họ lạ tái xuất với một qui định "trời ơi": Xe ô-tô 4 bánh phải có bình chữa cháy. Qui định này làm trò cười cho cả thế giới và các hãng sản xuất xe hơi. Tưởng qui định như thế đã là vô lí, họ còn cho ra một qui định "trên trời" như xe trên 10 chỗ ngồi phải có găng tay và khẩu trang lọc độc! (Tất nhiên, không phải ai trong guồng máy Nhà nước là bất tài, vẫn có người tài đó, nhưng cái ấn tượng chung mà người dân có thì đó là một guồng máy gồm những người bất tài, ăn bám nhân dân).

. Tuy bất tài, nhưng guồng máy đó rất giỏi trong việc hành dân

Sự hành dân của guồng máy quản lí & hành chính của Việt Nam phải nói là vô song trên thế giới. Đối với người dân, có việc đến cổng công đường là một nỗi sợ, một cơn ác mộng. Hầu như không có một việc gì, từ nhỏ đến lớn, mà trôi chảy lần đầu khi đến gặp các quan chức Nhà nước. Tôi về quê và nghe nhiều câu chuyện hành dân mà nói theo tiếng Anh là "incredible" -- không thể tin được. Chỉ cần cái họ viết sai dấu (như "Nguyển" thay vì "Nguyễn") là cũng bị hành và tốn tiền triệu! Những lỗi sai chính tả đó là của họ (quan chức, cán bộ), nhưng họ vẫn hành dân một cách vô tư. Họ tìm mọi cách, mọi lúc để "đá" dân từ cơ quan này sang cơ quan khác, và biến dân như những trái banh để họ làm tiền. Thực dân Pháp ngày xưa có lẽ cũng không hành dân như cán bộ Nhà nước ngày nay.


Năm 2016 này Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community hay AEC). Mục tiêu là hình thành một cộng đồng kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, hàng hoá và dịch vụ, đầu tư sẽ tự do lưu chuyển giữa các nước thành viên. Tôi ghé thăm một đại học lớn ở Thái Lan vào năm 2013, và giới trí thức bên đó đã bàn rất nhiều về viễn cảnh này, họ tư vấn cho chính phủ để chuẩn bị hoà nhập vào AEC. Nhưng ngạc nhiên thay, ở VN rất ít thảo luận về AEC và những tác động của nó đến cuộc sống của người dân! Nhưng với tình trạng suy thoái, đất nước bị "bán", tham nhũng tràn lan, xã hội bất an, trí thức không có tiếng nói, guồng máy quản lí bất tài nhưng giỏi hành dân, thì không nói ra, chúng ta cũng biết là khả năng cạnh tranh của VN không cao trong AEC. Khả năng cạnh tranh không cao rất có thể dẫn đến nguy cơ lệ thuộc.

Tái bút: Nhiều người khi đọc những bài và ý kiến như thế này thường hỏi một cách hằn học rằng “ông có phải là người Việt Nam hay không mà phê phán đất nước như thế”, “ông đã làm gì cho đất nước này”, hay "nói thì hay, vậy giải pháp là gì", v.v. Tôi nghĩ những câu hỏi đó không tốt mấy, và có phần ... lạc đề. Vấn đề là cái xấu đàng hoành hành đất nước này, chứ đâu phải tôi là ai hay tôi đã làm gì cho đất nước. Chẳng lẽ chỉ có người có công và đóng góp cho đất nước mới được “phép” phê bình sao. Nghĩ như thế thì e rằng quá nhỏ mọn. Mà, muốn biết tôi đã làm gì thì cũng chẳng khó khăn gì trong thời đại google này.


Giải pháp nó nằm ngay ở mỗi cá nhân chúng ta. Mỗi người cần phải làm tốt và sống tử tế là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái bất công, cái bất cập trong xã hội.

Tuesday, February 16, 2016

PHAN THANH TÂM * VỀ VIỆT NAM- VỀ MỸ


Ghềnh Ráng Qui Nhơn 12.2011

Phan Thanh Tâm
Về Việt Nam - Về Mỹ
tản mạn




Đi Với Về Cũng Một Nghĩa Như Nhau?(1)


Không. Đi là di chuyển đến một nơi khác Về là trở lại chốn cũ, nơi mình có nhiều quan hệ. Một người Mỹ gốc Việt có hai nơi để về. Về Việt Nam thăm mồ mả cha ông, gặp lại người thân, nhìn lại đường xưa lối cũ; con đò, bờ sông, nón lá, mấy nhịp cầu tre, con trâu, cái cò, núi đồi, đồng ruộng; được ăn những món đặc sản ngay tại địa phương; được hít thở không khí quê nhà và được nghe những âm thanh quen thuộc. Nhưng rồi phải quay về Mỹ. There’s no place like home. Our home is where our heart is. Không đâu bằng mái ấm gia đình. Nơi này có công ăn việc làm, có tự do. Tôi có thể nói những gì tôi muốn nói; làm những gì tôi muốn làm.


Hồi cuối năm 2011 tôi đã về VN một tháng. Bay trên mây, nhìn trời xanh, tôi nghĩ đến mấy câu thơ trên mạng của Bùi Minh Quốc và Thanh Thảo mô tả VN ngày nay: Ngoảnh mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa, Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi và Cứ tự mình dán băng keo vào miệng/ Yêu tổ Quốc chỉ còn nghe ú ớ. Có thật vậy không? Kỳ này, mắt thấy tai nghe mong sẽ biết VN nhiều hơn là qua thế giới ảo. Nhờ bạn bè, bà con xa gần, tôi đã thực hiện một chuyến đi ta ba lô thích thú viếng Hà nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Qui Nhơn, Vũng Tàu, Bến Tre.Tôi cũng đã cùng với gia đình Đỗ Lê Minh, hiện dạy toán ở Đại Học UCLA (University of California, Los Angeles), theo tour viếng Đế Thiên Đế Thích, một kỳ quan thế giới ở Siem Reap thuộc Campuchia trong ba ngày.



Chùa Cầu Hội An 12.2011


Đây là lần thứ hai về VN vì lý do gia đình. Lần thứ nhất cuối năm 2006. Sau 1975 tôi đành phải rời xa đất nước vì sống không nổi dưới chế độ độc tài toàn trị dù tôi đã yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời. Lúc bấy giờ hầu như dân miền Nam đều muốn bỏ xứ ra đi. Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) là thực dân thứ thiệt; rất giỏi trong việc bóc lột, dối trá, bưng bít và còn ngụy biện bằng khẩu hiệu yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa. Tôi đã vượt biên trong một đêm không trăng sao tối đen như mực. Trên ghe 13 người kể cả một bé nhỏ sáu tháng. Sao lại có người gan liều bồng con trôi giạt một tháng như vậy? Theo nhà văn Phạm Phú Minh các bà mẹ Việt Nam đánh hơi thấy nếu không ra đi thì con mình sẽ bị suy tàn về thể chất, dốt nát về trí tuệ và thui chột về đạo đức.


Phần lớn thời gian về VN tôi ở Saigon. Trước 1975 đây là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) giờ có tên mới viết là TP (thành phố hay tội phạm?) Hồ Chí Minh, thay đổi rất nhiều. Quận nào cũng có xây cất nhưng không được qui hoạch đàng hoàng. Mạnh ai nấy làm, kiểu cách, cao thấp, trồi sụt bất thường. Chỉ có khu bên kia sông là khá qui củ. Sau chầu cà phê với Thân Trọng Minh ở Chợ Lớn tôi theo Vũ Thị Ái đồng nghiệp trước 1975 đến Việt Tấn Xã, sở cũ cạnh Dinh Độc Lập. Chúng tôi đi bộ, ra vẻ thăm dân cho biết sự tình. Tôi như lạc vào chỗ lạ. Không hình dung ra nơi chốn vì mặt tiền mấy nơi đi qua khác hẳn, không còn nhận ra đường nào với đường nào. Buổi trưa trời nắng, nóng nực quá chừng. Saigon bị lây Hà nội rồi. Thành phố không có vỉa hè.


Hồn Việt Nam Cộng Hoà và Phạm Duy


Ngồi bệt ở một cái sạp bán nước bên vệ đường, tôi uống hai trái dừa xiêm, no cành hông, thiệt đã. Vô tình thấy tờ Saigon Giải Phóng, có bài Dành Vỉa Hè Cho Người Đi Bộ trong mục Sự Kiện Vấn Đề của tác giả Phạm Phương Thảo. Đi bộ khó thật vì không phải vỉa hè nào cũng có chỗ đi, có khi phải đi xuống lòng đường và việc đi bộ còn gặp khó bởi không ít vỉa hè dùng vào việc buôn bán, đậu xe. Xe gắn máy cứ lách lên vỉa hè mà chạy. Việc đi bộ qua các ngã tư không dễ dàng cho dù có đèn xanh, đèn đỏ. Mặt khác bộ mặt của vỉa hè có nơi vẫn còn tình trạng tiểu tiện bừa bãi. Nhìn dòng xe chạy chen lấn, len lách tôi thấy dường như ai cũng nghĩ mạnh ai nấy đi. Qua đường là một thử thách. Hà nội cũng y như vậy. Kinh khủng. Terrible. Chữ của một người ngoại quốc nói với tôi và cũng của một người bạn ở Hà nội khi cùng đi qua đường.


Dấu vết Saigon xưa chỉ còn lại chợ Bến Thành, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi. Chính quyền mới muốn xóa mọi hình ảnh cũ. Sinh hoạt thời VNCH làm họ bực tức, khiến chữ giải phóng mất ý nghĩa, biến thành phỏng dái. Nhưng hồn VNCH vẫn còn trong lối sống, vương vọng qua mấy bản nhạc trên xe taxi, ở quán đầu hẻm, trong nhà từ nam chí bắc; và ngay cả thủ đô Hà Nội, cái nôi xã hội chủ nghĩa VN. Nhà hát Lớn Hà Nội đã bị làn sóng nhạc “sến” tấn công. Tuấn Vũ chiếm lĩnh hàng chục đêm, rồi các live show của Quang Lê, Mai Quốc Huy (được xem là “truyền nhân” của vua nhạc sến Chế Linh)…gần đây nhất là ca sĩ Thanh Tuyền. Nếu không có những rắc rối trong tổ chức, vua nhạc sến Chế Linh cũng đã cất cao giọng hát tại lâu đài âm nhạc giữa thủ đô. Một tờ báo ở VN đã viết như vậy.


Tại sao có hiện tượng đó? Nhạc cách mạng vừa dở vừa lỗi thời không ai muốn nghe nữa. Tác giả Phan văn Minh trong bài “Đừng Làm vấy bẩn ca từ tiếng Việt” trên Hồn Việt ngày 28/12/11 viết, lời ca một số bản nhạc mới là một sự kém cỏi về văn hóa, trí tuệ; một sự phỉ báng đối với ngôn ngữ mẹ đẻ. Về chuyện Chế Linh bị hủy không cho trình diễn tiếp, theo nhạc sĩ Phạm Duy, họ làm ầm ĩ quá. Khiêm tốn thì được. Phạm Duy có vẻ không được khỏe lắm, cho biết, những buổi trình diễn của ông rất thành công. Ghé thăm ông tại nhà ở Phú Thọ, nhạc sĩ có cả ngàn bài ca nói, trở về VN là đúng với luật tự nhiện: lá rụng về cội. Ông muốn khi mất sẽ mất ở Saigon. Sau đó, các con sẽ dời mộ bà Thái Hằng về luôn. Giờ không còn sức ngồi máy bay gần 20 tiếng trở qua Mỹ.


Cuộc sống hiện nay thế nào? Nhạc sĩ Phạm Duy cười trả lời, rất thoải mái. Lẽ dĩ nhiên phải có tiền và mũ nỉ che tai. Câu nói của nhạc sĩ 90 tuổi cũng là triết lý sống của nhiều người trong nước. Có đủ tiền chi tiêu; không nghe, không thấy, không bàn về bất kỳ điều gì coi là nhạy cảm có hại đến chế độ. Nhưng Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những người chủ trương trang mạng Bauxite VN, nói với đài BBC hồi cuối năm rằng nhà cầm quyền đã đối xử với 85 triệu dân như những con bò. Có lẽ vì vậy, khi một số khoa bảng VN được nhà nước đãi ngộ hơn kẻ khác, đươc trao hoa, cho quà, ban chức, phong tước, họ mừng rơn về hùa với chế độ; thay vì phẫn nộ, đòi hỏi công bằng, công lý, cho những người bị phân biệt đối xử, bị nhiều thiệt thòi.


Ngoài ra, để định hướng dư luận, đảng CSVN quyết nắm chặt các phương tiện truyền thông. Tất cả báo chí đều một giọng, một điệu. Coi văn nghệ sĩ như tôi tớ, gọi dạ, bảo vâng. Lâu lâu xoa đầu khen thưởng hay rầy la. Ký giả Đoan Trang trong bài Giọt Nước Mắt Của Lề Phải viết trên mạng, dưới chế độ Cộng Sản nhà báo không khác gì con chó; bảo sủa thì sủa; bảo im thì im. Nhìn chung, có vẻ đảng CSVN thành công trong việc thuần hóa đám đông. Công an có mặt khắp nơi. Con đường tiến thân là nhớ lời Bác. Qua báo chí thấy một xã hội ổn định. Muốn vào Internet, cửa sổ nhìn ra thế giới bên ngoài phải vượt tường lửa. Chỉ người nào muốn hiểu biết, có phương tiện mới tiếp cận được với nhiều nguồn tin khác nhau.

Ngô Công Đức Tự Bạch: Hối Hận


Trước khi cái thiện thắng cái ác của thời bao cấp, tức trước khi đổi mới trở về cái cũ hồi cuối thập niên 80, con đường tương lai là đi ra biển.Thời này khác, thay vì vượt biên, cha mẹ cho con du học hay theo học trường ngoại trong nước. Nền giáo dục VN hỏng lâu rồi. Nhưng thay đổi thế nào? Bỏ bác, bỏ đảng, bỏ mác, bỏ lê? Hồi xưa ra ngõ gặp anh hùng bị gạt. Ngày nay, ra ngõ gặp tiến sĩ giấy, quán cà phê hay trẻ em lang thang bán vé số, đánh giày. Báo Tuổi trẻ (3/12/11) cho biết, theo Nhóm Young Lives (Những cuộc đời trẻ thơ), một chương trình nghiên cứu quốc tế thì có 1,2 triệu trẻ em không đến trường; còn Bộ Giáo Dục Đào Tạo thì chỉ có 200,000 thôi; nhưng cả hai đều đồng ý nguyên nhân chính là vì chán học và kinh tế khó khăn.


Ngô Công Đức (1936 - 2007), dân biểu đối lập thời VNCH, một nhà báo tên tuổi, sáng lập tờ Tin Sáng trước và sau 1975, rồi bị CSVN dẹp luôn năm 1981, trong cuốn Tự Bạch, phổ biến hạn chế viết, Tôi là người ủng hộ Cách Mạng, cảm thấy đau lòng và hối hận trước cảnh khốn khổ của người dân. Quan liêu, tham nhũng, hà hiếp dân có hệ thống mà người ta đổ lỗi cho cơ chế, đã gây tủi hổ cho những ngưòi Cộng Sản chân chính, và tôi cũng hổ thẹn lây vì từng đứng bên cạnh họ. Hai chữ Anh Hùng đã bị bôi bẩn.Thống nhất là một may mắn lớn. Rồi Miền Nam phải rước lấy một chế độ đã từng được áp đặt bao nhiêu thập niên ở miền Bắc, gây nhiều chết chóc đau thương oan uổng, gây nghi kỵ gian dối, gây nghèo đói giữa một dân tộc thông minh và cần cù.


Tập Tự Bạch 16 trang viết xong ngày 21/11/2006 thố lộ thêm, Nếu không thống nhất đất nước ai quả quyết được miền Bắc không giống như CHDCND Triều Tiên. Người Cộng Sản được sống ở miền Nam đã làm thay đổi suy nghĩ của Đảng Cộng Sản. Công cuộc đổi mới đất nước chính là cuộc giải phóng miền Bắc khỏi một chế độ đã thất bại từ trước và đưa miền Nam về dần với tính năng động đã có trước đây ở miền Nam. Kết quả hôm nay có được sự đổi mới này, chính là nhờ sực đấu tranh của nhân dân cả hai miền. Đức độ của Hồ Chủ Tịch sao không dạy được cấp dưới noi theo? Hôm nay được nghe lời kêu gọi đoàn kết – hòa hợp. Nhưng đoàn kết hòa hợp thật hay chỉ là sự tiếp nối của lời kêu gọi thiếu lòng thành trong 30 năm qua. Để rồi phải tiếp tục kêu gọi đoàn kết?. Ngoài tập này, tác giả còn có Cuốn Hồi Ký, chưa ấn hành.


Đến Hànội mà không ngồi ở Hồ Hoàn Kiếm và HồTây là một thiếu sót. Nhìn mặt hồ gợn sóng lăn tăn, in bóng hàng liễu rũ cho ta cái thú của một kẻ nhàn du, tha hồ mơ xa rồi lại nghĩ gần. Thủ đô có hai cái đẹp: mấy viên ngọc bích thủy thiên nhiên, in bóng trời xanh mây trắng và buồng phổi của 36 phố phường, mấy hàng cây cổ đại cành lá xum xuê, phủ mát lòng đường. Hồi niên thiếu, tôi thấy Hà nội lãng mạn trong Tự Lực Văn Đoàn, trong các lời ca của các nhạc sĩ năm 54; rồi thấy Hà nội nghèo khổ, thiếu thốn thời bao cấp qua lời kể của người được ra Bắc sau 75 trong đó có nhà tôi; và Hà nội ngày nay, ầm ầm, ào ào, lúc nào cũng chộn rộn. Hai bản nhạc hay về Thăng Long là Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành và Mùa Thu Hà nội của Trịnh Công Sơn.


Một cái thú khác khi viếng Thủ đô, có hơn 1,000 năm lịch sử, khai sinh từ vua Lý Thái Tổ (1009-1028), là bước vào những tiệm ăn uống xưa cũ, bình dân để biết thêm về văn hóa ẩm thực vùng này. Một người quen, anh B. dân Hànội đưa tôi vào quán Cà phê Lâm, ở phố cổ. Thời bao cấp khách hàng quen thuộc của quán là văn nghệ sĩ Hà Thành. Cà phê đen đặc quánh nổi tiếng từ thập niên 50. Ngồi trên ghế gỗ thấp, tôi hình dung sinh hoạt tiệm; nơi treo nhiều tranh cũ từ nửa thế kỷ trước mà tác giả là những họa sĩ đã để lại vì ghiền mùi cà phê của ông.Tôi cũng đã được ăn phở ở phố cổ vừa rẻ, vừa ăn được, hơn hẳn phở trong khách sạn năm sao ngay tại Hà nội; giá 10$ US một tô. Khu này lúc nào cũng tấp nập từ sáng tinh mơ cho đến quá nửa đêm.

Võ khí mềm cái loa và hộ khẩu


Sau ngày 30/4/75, Hà nôi là trung tâm quyền lực của cả nước. Phía thắng ai cũng nôn nao muốn vào Nam để nhận hàng khi thấy từng đoàn xe đầy ắp chiến lợi phẩm chở về Bắc. Trong khi đó, dân miền bại trận muốn được yên thân tìm người để nhận họ hay âm thầm nhào ra biển. Nhằm củng cố việc cai trị, CSVN đem vào hai võ khí mềm: giấy hộ khẩu và loa phóng thanh, gắn khắp phường khóm. Giấy hộ khẩu chủ yếu nắm bao tử. Loa phóng thanh định hướng dư luận. Nó còn dùng để phá đạo. Nhớ lại, khi viếng chùa Thiên Mụ ngắm cảnh, tìm sự yên tịnh hay tiếng chuông ngân, tôi bị sốc khi nghe từ trong xóm cái giọng Huế nặng nói về công ơn của Bác Đảng. Lải nhải cả ngày kiểu này, Chúa Phật chắc cũng bỏ chùa, bỏ nhà thờ mà chạy huống chi người phàm.


Hội An 12.2011


Rời Hà nội, tôi về miền trung đến Huế qua ngõ sân bay Phú Bài. Phi trường này chẳng được sửa sang gì hơn với thời VNCH. Trong ba ngày ở cố đô, tôi đã có dip thả bộ qua lại nhiều lần hai cầu An Cựu, nơi mà dòng sông nắng thì đục, mưa thì trong và cầu Trường Tiền, sáu vài 12 nhịp. Bao nhiêu nước chảy qua cầu từ dạo ấy mà Huế vẫn vậy, ít thay đổi. Cảnh cũ, đường xưa không khác bao nhiêu. Chỉ có các món ăn là dở đi nhiều; còn đâu bánh khoái, bánh bèo, bánh nậm? Người Huế bỏ xứ đã mang theo hết cả nghệ thuật ẩm thực rồi sao? Sau khi thăm mồ mả bà con trong đó có mộ hai ông cố Phan Tôn, Phan Liêm mà chị Phan Thanh Gia Lai đã thêm chữ quốc ngữ trên hai bia xây từ cuối thế kỷ 18 toàn chữ nho, tôi đã vào thăm trường Quốc Học.


Trường xưa nhưng bạn cũ đâu hết rồi? Đường đời vạn nẻo, ai còn ai mất? Nhìn dãy lớp thuở nào, tôi vừa thấy xa lạ vừa thấy thân thương; bồi hồi nhớ lại một thời đã qua. Ngồi lặng cả giờ ở một ghế đá trong sân trường, được thành lập ngày 23/10/1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái, giao cho ông Ngô Đình Khải làm trưởng giáo với tôn chỉ phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài; tôi ở trong trạng thái nhớ nhớ, buồn buồn khi nghĩ tơi một số bạn cùng lứa, cùng lớp và cùng bàn đã ngã xuống trong cuộc nội chiến: Huỳnh Sửa, Huỳnh Sảnh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Đức, Hồ Đắc Cung, Hồng Dũ Thiều.. và gia đình Trần Như Thông, mất tích khi vượt biên. Tôi đã chán chường khi thấy tượng Nguyễn Tất Thành tức Hồ Chí Minh cắp sách đi học, ngay chỗ cột cờ.


Tiến sĩ Sử Học Hoàng Ngọc Thành, cưụ học sinh Quốc Học, trong cuốn Công và Tội Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam 1945-2006 Lịch Sử Hiện Đại Việt Nam, in năm 2009 cho rằng, ông Hồ Chí Minh, đã đặt cái không tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa trên quyền lợi quốc gia hay lợi ích dân tộc. Ông Hồ Chí Minh có công rất lớn với Liên sô và Trung Cộng nhưng đối với dân tộc VN, ông và đảng cộng sản phạm tội phản bội tức phản quốc. Cũng vẫn theo Giáo sư sử nhiều trường Đại học ở Saigon trước 75, thường các vụ thống nhất đất nước là có công, nhưng vụ thống nhất VN sau 18 năm chiến tranh 1957-1975 là có tội vì mục tiêu chính là phục vụ Liên Sô, Trung Cộng và vì ý thức hệ Cộng Sản. Ông Hồ từng khoác lác, tôi dẫn năm châu tới đại đồng.


Một bạn cũng học ở Quốc học hiện ở Saigon nói quá nhục nhã khi tôi nhắc tới cái tượng và tấm bia ngay ở cổng vào ghi tên các công thần gộc của chế độ. Chế Lan Viên viết: MậuThân 2000 người xuống đồng bằng, chỉ một đêm còn sống có 30, ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó.Tôi! Vì những câu thơ tôi làm người ấy xung phong. Năm 1999 Thứ Trưởng Bộ Thương Binh Xã hội Nguyễn văn Quảng cho Đài Truyền Hình Nhật NHK biết có 800,000 đồng chí hy sinh Tết đó. Đến nay, nhiều gia đình vẫn còn tìm kiếm hài cốt người thân. Hỏi ai? Hãy níu áo Võ Nguyên Giáp; ông tướng cầm quân như tay đánh bạc không bao giờ sợ hết tiền. Còn Phạm văn Đồng ký công hàm 14/9/58 về Hoàng Sa, Trường Sa khó thoát tội Việt gian rành rành.


Dẫn xe tăng CSBV ủỉ Dinh Độc Lập


Một kỷ niệm đáng nhớ là đã cùng đồng nghiệp thời VNCH, Nguyễn Vạn Hồng (NVH) đạp xe dọc bờ biển trên đường Hoàng Sa & Trường Sa, từ núi Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn, còn gọi là núi Non Nước. Tôi đạp lạng quạng không hiểu vì ngây ngất trước cảnh trời biển bao la với từng đợt sóng từ xa ùa vào bờ hay vì mùi muối mằn mặn trong không khí và cái lành lạnh ban mai? Làm sao có chuyện một phóng viên Việt Tấn Xã dẫn xe tăng CSBV ủi cổng dinh Độc Lập ngày 30/4/75? Theo NVH, trên đường về làng báo chí đón vợ con, khi đến cầu Thị Nghè thì gặp xe tăng tiến qua; nép vô lề. Vài anh bộ đội trên xe hỏi đường trong đó có sĩ quan Bùi Quang Thận, cầm súng lục bắt dẫn tới dinh Độc Lập. Tôi quay xe chạy trước. Họ theo sau đến cổng rồi ủi vào cửa sắt.


Sau 75, NVH nổi tiếng với bút hiệu Cung Văn, làm cho tờ Saigon Giải Phóng; hiện còn giữ cờ lệnh xe tăng của sĩ quan Thận. Người quen nói với tôi, vì thấy toàn là dối trá nên NVH bỏ về Đà nẵng, sống nhờ vợ. Thành phố này rất phát triển. Chúng tôi viếng Đại Học Phan Châu Trinh, có 1200 sinh viên, lập năm 2007 ở Hội An, một thành phố cổ thu hút du khách nhờ Chùa Cầu, do người Nhật xây từ thế kỷ 17. Tôi gặp nhà văn Nguyên Ngọc, một giới chức của trường, đã có một buổi ăn trưa đáng nhớ bên dòng sông Thu Bồn: món đặc sản cá đối kho dưa gan. Theo nhà văn, cũng là cựu học sinh Quốc Học, cuộc chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc đẹp. Có lẽ nhờ vậy, Hoa Kỳ mới là cường quốc; mới là nơi tụ hội của nhiều nhân tài từ khắp năm châu.


Trước khi đưa ra ga xe lửa rời xứ Ngũ Phụng Tề Thi về Qui Nhơn, vợ chồng NVH đã đãi tôi một bữa ăn mì quảng lươn ngon lành. Dù rằng nhà thờ bên ngoại tộc Lê ở Hà nội và bên nội chánh quán ở Bến Tre, và chẳng có kỷ niệm gì về thành phố này, tôi vẫn về đây vì gia đình tôi và mồ mả cha mẹ chị em trước 1945 ở Bình Định. Dịp này, tôi đã không quên đến Ghềnh Ráng viếng Đồi Thi Nhân, nơi an nghỉ rất đẹp của Hàn Mặc Tử. Tuy mất lúc còn trẻ 28 tuổi năm 1940 vì bệnh cùi, ông hãy còn được giới văn nghệ nhắc đến: Đây Thôn Vỹ Dạ, Gái Quê.. Có hai con đường trong hai thành phố Qui Nhơn, nơi trưởng thành, và Đồng Hới - Quảng Bình, nơi sinh ra, mang tên thi sĩ của trăng. Phạm Duy và Trần Thiện Thanh đều có phổ nhạc thơ Hàn Mặc Tử.


Trong một tháng tôi đã đi từ Nam ra Bắc, rồi vào Trung, đã cùng chị Phan Thanh Gia Lai, thuộc nhánh Phan Liêm đi Bến Tre thăm mộ Phan Thanh Giản, được gặp nhiều bà con bạn bè, được đón tiếp nồng hậu với tình cảm thắm thiết, được thăm viếng nhiều nơi, được ăn nhiều món đặc sản quí hiếm; không hề bị phiền nhiễu gì về giấy tờ, tiền bạc; nhưng tôi vẫn thấy không thể sống hẳn ở VN. Về đây ở mình sẽ như chui vào một cái trại; mà đã lọt vô rọ rồi thì phải ngậm mà nghe. Vả lại, thời gian rồi tôi như cỡi ngựa xem hoa. Rất rất nhiều người nói với tôi rằng, để sống dễ dàng phải tập làm quen với những điều chướng tai gai mắt, phải mũ nỉ che tai. Tôi muốn nói với các ông bà nào, còn vọng bác thì hãy về đây đi anh. Đừng có chân trong, chân ngoài.

Chư Hầu rồi?


Chuyến về VN có ba thời khắc chắc tôi nhớ hoài. Đó là một giấc ngủ trưa tuyệt vời, sau bữa cơm chay, nằm trên ghế đá, trong vườn chùa im vắng, dưới bóng mát cây sa la, lơ mơ nhìn trời xanh mây trắng, nghe gió hiu hiu thôi, thỉnh thoảng vọng về tiếng gà gáy nơi xa. Chùa Tuần Chính Thiền Viện nằm giữa một cánh rừng tràm, do Ni Sư Thích Nữ Huệ Niệm trụ trì, xây năm 1986 tại một vùng kinh tế mới thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Lần thứ hai, ngồi lặng trên ghế đá ở sân trường Quốc Học, vào một buổi chiều âm u buồn, nhớ về một thời đã qua. Lần thứ ba, ngồi ở một quán bên bờ sông Saigon, lúc xế trưa, nghe tiếng còi hụ, nhìn đám lục bình bồng bềnh theo dòng nước đục mà không hiểu rồi nó sẽ tấp vào bến bờ nào?


Tôi có một anh bạn, hàng năm đôi ba lần về VN bằng tiền nhà, giúp hoàn thành một số dự án hay dạy học và bảo trợ cho nhiều sinh viên sang Mỹ lấy tiến sĩ. Anh du học thời VNCH, hiện là giáo sư của một trường lớn ở Mỹ, có nhiều bằng sáng chế, một hôm tâm sự, nước mình đánh nhau hàng chục năm để rồi chẳng có điểm nào coi được. Tệ như vậy nhưng CSVN vẫn thống trị thì tại sao? Theo tôi, về kinh tế, một phần nhờ chín tỷ đô la, hải ngoại gửi cho gia đình ở trong nước. Phần khác, VN ổn định được vì dựa vào hậu phương lớn phía Bắc như bài hát Việt Nam Trung Hoa có từ thời 1960: núi liền núi, sông liền sông, chung một biển đông, chung một ý, chung một lòng, chúng ta sống chung, nghe tiếng gà gáy cùng; muôn năm Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông.


Thời gian tôi ở VN là thời gian báo chí nói tới sửa đổi Hiến Pháp 1992. Sau hơn 20 năm làm Hà nội xác xơ, rồi sau khi thống nhất đất nước, CSVN để hơn 30 năm cho cán bộ gộc ăn no nê thành tư bản đỏ, giờ mới lập một ủy ban để Tìm Thông Điệp Chung Về Quyền Con Người và Tổ Chức Quyền Lực. Họ bàn tới quyền công dân, vai trò lãnh đạo của đảng, đổi mới chế độ bầu cử. Một người am tường việc này cho tôi biết, chưa chắc Bộ Chính Trị đồng ý với bản dự thảo. Ông tâm sự, ông bị thương khi vào Nam “giải phóng”. Tôi cho ông hay là tôi bị Việt Cộng bắn rớt máy bay. Ông cười: anh em mình bắn nhau. Ông tặng tôi tập san Nhà Nước và Pháp Luật. Tôi hỏi, nếu đảng chịu sửa Hiến Pháp nhưng Trung Quốc không đồng ý thì sao? Ông không trả lời. Như vậy là chư hầu rồiì? Ông nhìn tôi, rồi tự nhiên nói: Ngày mai trời lại sáng.


Đương nhiên, có ngày mai nào cứ tối mãi? Nhưng chừng nào 14 ông vua tập thể của Xã Hội Chủ Nghĩa VN mới sáng mắt sáng lòng không còn đồng hoá chế độ và đất nước; vứt bỏ cái cơ chế lỗi thời lai căng Nga Tàu, do Hồ Chí Minh mang về. Thật khó, khi Bộ Chính trị vì quyền lợi, đồng sàng đồng mộng với Trung Quốc, quyết duy trì ngôi vương. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục hèn với giặc phương Bắc rồi sẽ có ngày người dân ở Hồ Gươm nổi dậy như sóng, ở sông Hương xuống đường như lũ và ở Saigon bừng dậy như hỏa diệm sơn; cho dù CSVN có nêu lên 16 chữ vàng: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai; và bốn tốt: láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, để nhờ Trung Quốc cứu cũng không ngăn dẹp nổi.


Đền bù đất đai không thực tế; luật pháp không minh bạch; xảy ra nhiều bản án oan sai, Luật sư gặp nhiều khó khăn cùng nạn chạy án của thầy cãi. Đó là tình trạng tư pháp ở VN mà tôi được nghe qua trong cuộc trò chuyện tại Saigon với Luật sư Nguyễn Bính Châu, tác gỉả mấy bài báo trên mạng BBC. Ngoài ra, theo tờ Nhà Nước và Pháp Luật, bằng hành vi pháp lý, người ta tạo ra sư hỗn độn của pháp luật. Các khẩu dụ thành quy tắc xử sự có hiệu lực cả bên ngoài cơ quan nhà nước. Ông Châu cho rằng để Pháp Luật không là cây đèn thần khủng bố, VN cần có Dân chủ. Nhưng tôi chắc CSVN không dám thực hiện điều này vì lúc đó họ sẽ hết còn vừa đá banh vừa thổi còi và sợ ông Hồ có trăm tên ngàn mặt sẽ bị soi rọi, tênh hênh ra đó thì còn gì nữa đâu?


Đế Thiên Đế Thích 2011





Dân Ca Khmer và Ngậm Ngùi của Huy Cận


Nhân dịp về VN tôi đã đi Siem Reap viếng Đế Thiên Đế Thích, không xa Saigon. Trên phi cơ rời Tân Sơn Nhất, ngồi cạnh chị Phạm BíchThủy, có cuốn Về Sân Khấu Truyền Thống Khmer Nam Bộ của Sở Văn Hoá tỉnh Sóc Trăng; tôi mượn đọc thấy có mấy câu dân ca Khmer: Lời ru thành ngọn gió đưa; Quạt anh ve vuốt giấc mơ vợ hiền; Chìa tay anh, em gối lên; Xoã ngực anh, mái tóc mềm của em, khiến tôi nhớ đến bài Ngậm Ngùi của Huy Cận: Sợi buồn con nhện giăng mau; Em ơi ! Hãy ngủ. anh hầu quạt đây; Lòng anh mở với quạt này; Trăm con chim mộng về bay đầu giường. Ngủ đi em, mộng bình thường; Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ. Thơ Huy Cận in trong Lửa Thiêng năm 1940. Còn mấy câu dân ca của Khmer có từ lúc nào?


Đế Thiên Đế Thích hay Angkor Wat và Angkor Thom có một quá trình kỳ lạ. Hiện nay nó là một cảnh quan thế giới, thu hút rất nhiều du khách.Trước đó nơi này là chốn trú ẩn của Khmer đỏ, đám quân đã giết hơn hai triệu đồng bào mình. Không ai biết tại sao nó bị bị bỏ hoang 4,5, trăm năm để cho rừng cây che lấp. Cuối thế kỷ 19 người Pháp mới khám phá ra phế tích và tìm cách bảo tồn. Theo các nhà khảo cổ những điện chính được xây từ thế kỷ thứ VI và tiếp tục cho đến đời vua Suryavarman II (1113-1150). Công trình kéo dài làm tốn biết bao nhân lực, vật lực nhưng cũng thể hiện nghệ thuật tuyệt đỉnh về chạm, đục, khắc và vẽ hình trên đá của nền kiến trúc Khmer. Tất cả chỉ để làm nơi thờ thần hay tổ tiên của vua chúa; rồi sau trở thành linh đền thờ Phật.


Đế Thiên Đế Thích 2011





Viếng thăm Đế Thiên Đế Thích ngoài việc biết dân tộc Khmer đã có một thời hưng thịnh, có một nền văn minh sáng chói; còn cho thấy đời sống tâm linh của dân tộc nước láng giềng thật kỳ bí bởi các hình tượng thần voi, sư tử, bò, rắn, chạm khắc trong các đền đài đầy huyền ảo; tuy hiện phần lớn họ theo đạo Phật, phái tiểu thừa. Hình ảnh in sâu đậm khác trong trí nhớ du khách là rừng cây hùng vĩ ở nơi này đã có thể nuốt trọn cả đền đài. Có những thân cây cổ đại 3,4 trăm năm to bự ba bốn người ôm cũng không xuể, cao vời vợi, ngự trên đỉnh tháp với hàng chục rễ trắng nhợt, láng cứng như xi măng, dài hàng chục thước thòng xuống đất, ôm xoắn lấy chân tháp như con bạch tuột đang giữ lấy mồi.


Phan Thanh Tâm

2/2012 Saint Paul, MN.

(1) Đi Với Về Cũng Một Nghĩa Như Nhau là nhan đề một tập thơ của Du Tử Lê.

http://www.gio-o.com/PhanThanhTam.html

© gio-o.com 2012

THẾ GIỚI VÀ BIỂN ĐÔNG




 

Hải quân Mỹ tố cáo Trung Quốc gây bất ổn tại Biển Đông


media 

Tàu tuần dương Trung Quốc gần dàn khoan HD 981, tháng 5/2014.Reuters
Chiến thuật của Trung Quốc bố trí tàu tuần duyên và máy bay phản lực trong vùng Biển Đông có thể gây bất ổn trong khu vực. Trên đây là tuyên bố của phó đô đốc Joseph Aucoin, tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ tại Thái Bình Dương tại Singapore trước ngày thượng đỉnh Mỹ-ASEAN khai mạc tại California, Hoa Kỳ. 
Trong cuộc họp báo ngày 15/02/2016 tại Singapore, tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ cho biết là sự kiện Trung Quốc sử dụng tàu tuần duyên và hải thuyền không thuộc lực lượng hải quân để họat động trong vùng Hoàng Sa và Trường Sa, gây khó khăn cho nỗ lực của Mỹ tránh đụng độ võ trang.
Theo giải thích của phó đô đốc Mỹ Joseph Aucoin, hải quân Mỹ và hải quân Trung Quốc có thỏa thuận và mật mã để liên lạc với nhau tránh va chạm thì các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Trung Quốc mà Mỹ gọi là « tàu chở cải bắp » thiếu chuyên nghiệp quân sự hiện diện trong vùng biển đảo tranh chấp gây « lo ngại rất lớn ».
Tư lệnh hạm đội 7 cũng cảnh báo ý đồ Trung Quốc sử dụng các phi trường mà họ đã xây dựng tại Hoàng sa và TrườngSa cho máy bay chiến đấu. Theo phó đô đốc Joseph Aucoin, chưa rõ khi nào thì máy bay quân sự sẽ sử dụng các phi trường xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhưng hành động này của Trung Quốc sẽ gây mất ổn định cho khu vực.
Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận chuyện đã rồi và sẽ tiếp tục tuần tra trên không và trên biển như bình thường. Tư lệnh Mỹ khẳng định vai trò của hải quân Mỹ không phải là khiêu khích ai mà chỉ thực thi quyền tự do giao thông. Ông yêu cầu Trung Quốc hãy nói rõ ý định và mục đích của họ.
Theo giới phân tích, trong vài tháng tới đây, Trung Quốc sẽ cho máy bay quân sự ra vào Hoàng Sa và Trường Sa.
Tư lệnh hạm đội 7 đưa ra những lời tuyên bố chống Trung Quốc độc chiếm Biển Đông trong bối cảnh tại Hoa Kỳ, tổng thống Mỹ tiếp lãnh đạo Đông Nam Á với hợp tác kinh tế và an ninh khu vực là chủ đề chính.
Yêu cầu Trung Quốc công khai hóa ý đồ xây đảo nhân tạo và phi trường, hải cảng trong vùng tranh chấp tại Biển Đông cũng là mối quan tâm của Úc. Hôm qua, tại Tokyo, ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết khi đến Bắc Kinh (16/02), bà sẽ yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ sử dụng các đảo nhân tạo ở Biển Đông để làm gì.
   http://vi.rfi.fr/chau-a/20160216-hai-quan-my-to-cao-trung-quoc-gay-bat-on-tai-bien-dong




Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ : Obama thách thức Bắc Kinh


media 


Tổng thống Barack Obama phát biểu khai mạc thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Sunnylands, California ngày 15/02/2016.REUTERS/Kevin Lamarque
Thượng đỉnh giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ đã khai mạc ngày 15/02/2016 tại Sunnylands, bang California (Mỹ), dưới sự chủ trì của tổng thống Barack Obama. Cũng tại đây,  năm 2015, ông Obama đã tiếp ông Tập Cận Bình, trong chuyến công du chính thức Mỹ đầu tiên với tư cách là chủ tịch Trung Quốc. 
Theo thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh, khi tiếp đón lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á, tổng thống Mỹ chỉ có một ý nghĩ trong đầu, đó là Trung Quốc và mục đích chính của hội nghị thượng đỉnh lần này là nhằm ngăn cản sức ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Thế nhưng, Washington một mực cam đoan rằng đây không phải là một cuộc họp thượng đỉnh « chống Trung Quốc ». Thậm chí, tờ Global Times, được Le Figaro trích dẫn, khẳng định : « ASEAN sẽ không trở thành đồng minh của Washington chống Trung Quốc », đồng thời nhấn mạnh các nước ASEAN « không dại dột chọn một bên và phá vỡ mối quan hệ với nhau để đi theo chiến lược của Mỹ ».
Dù vậy, Trung Quốc vẫn là chủ đề chính trong các cuộc hội đàm, diễn ra trong bối cảnh « không cà vạt » và cách xa trung tâm chính trị Washington, nhằm tạo bầu không khí thoải mái, thuận lợi cho các cuộc trao đổi thẳng thắn.
Bài báo nêu một số nội dung làm việc, gồm : các mối quan hệ kinh tế, hiệp định tự do thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, tiếp đó, các tranh chấp  chủ quyền trên Biển Đông cũng nằm trong chương trình nghị sự. Cuối cùng là sự hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố Daech và chiến lược để dập tắt các tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Thông qua hội nghị, tổng thống Mỹ muốn truyền tải tới Trung Quốc một « thông điệp thẳng thắn » rằng các cuộc xung đột trong khu vực phải được giải quyết theo con đường hòa bình, bằng cách « tôn trọng các nguyên tắc quốc tế, chứ không theo cách các cường quốc đối xử thô bạo với các nước nhỏ », theo phát biểu của ông Ben Rhodes, trợ lý cố vấn về an ninh quốc gia. Và tổng thống Obama hi vọng sẽ thuyết phục được lãnh đạo các nước ASEAN ra được thông cáo chung nêu rõ nguyên tắc trên.
Từ trước tới nay, Washington thường đánh giá ASEAN là một tổ chức nhỏ và không đoàn kết để có thể trở thành một đối tác có trọng lượng. Tuy nhiên, từ năm 2011, chính quyền của tổng thống Obama đã biến hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành một trong những trụ cột trong chính sách « tái cân bằng » của Mỹ tại châu Á.
Với hơn 620 triệu dân, ASEAN được Washington xếp vào hạng thứ tư về trao đổi thương mại, chỉ sau Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản. Bốn trên tổng số 10 nước, gồm Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam, đã trở thành đối tác của hiệp định TPP và Hoa Kỳ đang cố thuyết phục những nước còn lại tham gia.
Trước quan ngại về yêu sách lãnh thổ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, các quốc gia láng giềng với Trung Quốc tăng cường yêu cầu hợp tác quân sự với Hoa Kỳ… Tác giả bài báo kết luận chiếc lá chắn an ninh luôn đi liền với việc phát triển trao đổi thương mại.
ASEAN, trọng tâm của « ván bài lớn » tại biển Đông
Đánh giá về tầm quan trọng của hiệp hội các nước Đông Nam Á trong chiến lược xoay trục của Mỹ tại châu Á, vẫn theo nhật báo Le Figaro, « ASEAN là trọng tâm của « ván bài lớn » tại biển Đông ».
Hội nghị thượng định ASEAN-Mỹ, theo lời mời của tổng thống Obama, càng phản ánh rõ lợi ích của các cường quốc tại khu vực chiến lược, nơi trung chuyển tới 5,3 nghìn tỷ đô la hàng hóa hàng năm.
Thế nhưng, tổng thống Obama phải đối mặt với một khối bị chia rẽ ngay từ khi được thành lập vào năm 1967, trong thời chiến tranh lạnh. Tình hình còn nghiêm trọng hơn kể từ khi Washington và Bắc Kinh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á.
Đi tiên phong là Philippines và Việt Nam, hai quốc gia ủng hộ một lập trường chung của khối ASEAN trước những công trình bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại biển Đông và hiện đang đàm phán chiến lược hợp tác quân sự song phương sâu rộng với Hoa Kỳ. Manila vừa mới chấp nhận cho Lầu Năm Góc sử dụng tám căn cứ quân sự tại Philippines, đánh dấu sự trở lại của quân đội Hoa Kỳ, sau khi căn cứ Subic Bay đóng cửa vào năm 1992.
Ngược lại, Cam Bốt, đồng minh số 1 của Trung Quốc tại ASEAN, lại tìm cách phá hoại mọi nỗ lực trong việc xác định lập trường chung của khối về vấn đề biển Đông khi quốc gia này giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2012. Đây cũng là kịch bản mà các nhà ngoại giao Mỹ đang tìm cách ngăn ngừa vào năm nay, khi tới lượt Lào, một đồng minh khác của Bắc Kinh, giữ chức chủ tịch ASEAN.
Miến Điện và Thái Lan tỏ ra không muốn tham gia vào cuộc tranh chấp này. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Thái Lan rõ ràng đang xích lại gần Trung Quốc hơn kể từ cuộc đảo chính vào năm 2014. Còn Singapore « chơi trò đu dây » khi chấp nhận cho Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đóng tại một căn cứ ở quốc đảo này, nhưng lại không dám đối đầu trực tiếp với người « anh cả » Trung Quốc.
Từ trước vẫn tỏ ra khá kín tiếng, hai nước Malaysia và Indonesia bắt đầu quan ngại về những yêu sách biển đảo của Trung Quốc và trở thành mục tiêu chính trong chiến dịch vận động hành lang của Washington. Hoa Kỳ tìm cách « quyến rũ » hai quốc gia Hồi Giáo bằng vũ khí kinh tế và tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thế nhưng, theo nhận định của ông Wilfried Herrmann, giám đốc một trung tâm nghiên cứu tại Bangkok, được Le Figaro trích dẫn, quá trình gây ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á sẽ còn gian nan vì « các nước ASEAN rất thực dụng và họ nhận thấy Mỹ sẽ còn bị vướng chân tại khu vực Trung Đông trong thập kỷ tới, trong khi đó Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo từ nhiều thế kỷ nay trong khu vực này ».
Bạo loạn mang màu sắc chính trị ở Hồng Kông
Một tuần sau cảnh bạo loạn tồi tệ nhất từ trước tới nay tại Hồng Kông và hơn một năm sau « Cách mạng Dù Vàng » đòi dân chủ, Bắc Kinh tố cáo những làn sóng « ly khai có khuynh hướng khủng bố ». Ngày 09/02/2016, cuộc đụng độ đã khiến 124 bị thương, trong đó có 90 cảnh sát và 5 nhà báo.
Theo nhận định trong bài báo « Bạo loạn mang màu sắc chính trị ở Hồng Kông » của Le Monde, người dân địa phương ủng hộ việc bảo vệ bản sắc của Hồng Kông trước mối đe dọa mang tên « Đại lục hóa » đang diễn ra tại Đặc khu hành chính, mà trên pháp lý, còn được hưởng thể chế dân chủ cho đến năm 2047. Những người này ít nhiều tỏ ra « bài Trung Quốc » và khai thác nỗi thất vọng của tầng lớp trung lưu Hồng Kông ngày càng nghèo đi.
Ngày 12/02, Bắc Kinh đã lên giọng phản đối và cho rằng « cuộc bạo loạn do một tổ chức địa phương có tư tưởng ly khai và cực đoan dàn dựng ». Còn ông Trương Hiểu Minh, chủ nhiệm văn phòng chính phủ Trung Quốc tại Hồng Kông, không ngần ngại quy những người tham gia phong trào là « những phần tử cực đoan đòi ly khai có khuynh hướng khủng bố » hay « những kẻ côn đồ đã tham gia bạo loạn ». Đây là lần đầu tiên, Bắc Kinh sử dụng thuật ngữ « ly khai » đối với Hồng Kông, mà trước đó chỉ được sử dụng cho những phong trào ly khai tại Tân Cương và Tây Tạng.
Nhật báo Le Monde nhận định, cuộc bạo loạn không thực sự mang tính « bài Trung Quốc » mà được khơi mào khi một nhóm biểu tình xuống đường bảo vệ những người bán hàng rong trước sự kiểm soát của đội ngũ thanh tra.
Người dân địa phương cho rằng, việc kiểm soát những gánh hàng rong này đồng nghĩa với việc can thiệp vào bản sắc riêng của Hồng Kông, hiện đang bị đe dọa, cũng giống như can thiệp vào quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự chủ giáo dục hay sự độc lập của tư pháp.
Có ít nhất sáu tổ chức tham gia vào cuộc ẩu đả vừa qua. Trên thực tế, các nhóm biểu tình tỏ ra bất mãn với lãnh đạo đặc khu hành chính Lương Chấn Anh, được cho là thân Bắc Kinh. Giáo sư Đại học Lingnan, Stephan Chan phân tích : « Vấn đề người bán hàng rong chẳng có gì là mới. Nhưng mọi vấn đề mà phong trào Dù Vàng vẫn còn bị bỏ ngỏ. Nếu chính phủ Hồng Kông tiếp tục cố tình bỏ lơ nguồn gốc của sự khó chịu này, thì các nhóm biểu tình ủng hộ hành động bạo lực sẽ ngày càng nhiều hơn vì người dân Hồng Kông không nhìn thấy giải pháp nào khác ».
Lãnh đạo một phong trào địa phương có tên Civic Passion cho biết « cảnh sát đã nổ súng và chĩa vũ khí về phía đám đông » và khẳng định chính hành động này đã làm gia tăng căng thẳng. Cuộc bạo loạn tại khu Mong Kok đã giáng một đòn mạnh vào danh tiếng của cảnh sát Hồng Kông, vì không đủ khả năng xử lý một cuộc « ẩu đả đường phố ».
Khoảng bốn mươi người tham gia đã bị buộc trình diện tại tòa án đặc khu vào ngày 11/02 và có nguy cơ đối mặt với mức án lên tới mười năm tù giam, vì đã « tham gia bạo loạn ». Những người này sau đó đều được tại ngoại để chờ phiên tòa chính thức sẽ diễn ra vào ngày 07/04. Nhiều người trong số họ bị thương ở đầu vì những cú đánh của cảnh sát và có ý định khiếu nại.
Năm Bính Thân đánh dấu sự đi xuống của nền ngoại thương Trung Quốc
Trung Quốc khởi đầu một năm mới với những dấu hiệu khá bi quan khi xuất-nhập khẩu tụt dốc mạnh vào tháng Giêng năm 2016, minh chứng cho sự tăng trưởng chững lại của nền kinh tế. Đây là nhận định được nhật báo Công Giáo La Croix đăng trong bài : « Năm Bính Thân đánh dấu sự đi xuống của ngoại thương Trung Quốc ».
Theo các số liệu được công bố ngày 15/02/2016, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 11% trong vòng một năm, dừng ở mức 160 tỉ euro. Phía nhập khẩu cũng bị giảm 19% trong vòng một năm, chỉ đạt khoảng 102 tỉ euro.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với tình trạng ngoại thương sụt giảm. Theo chuyên gia phân tích Thuy Van Pham, sản lượng bán ra của Trung Quốc giảm mạnh là do các bạn hàng truyền thống của nước này, như Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và các quốc gia châu Á đang trỗi dậy, đang thu hẹp cơ cấu kinh tế.
Tương tự, nhập khẩu giảm do ảnh hưởng từ mức đầu tư thấp, cũng như ảnh hưởng từ mức thặng dư của nền công nghiệp nặng và thị trường bất động sản. Ngoài ra, giá nguyên liệu thô và dầu mỏ giảm mạnh cũng khiến sản lượng nhập khẩu giảm xuống.
Ông François Candelon, chuyên gia cao cấp của công ty tư vấn Boston Consulting Group, đánh giá : « Xuất khẩu chỉ thể hiện một phần nhỏ, khoảng 5%, của mức tăng trưởng chung của Trung Quốc, trong khi đó sức tiêu dùng trong nước chiếm tới một nửa ».
Vài năm trở lại đây, mô hình kinh tế của Trung Quốc đã có nhiều thay đổi sâu sắc, chuyển dịch từ việc tập trung vào đầu tư công và công nghiệp nặng, sang dịch vụ và tiêu dùng.
Do vậy, kết quả xấu của cán cân ngoại thương Trung Quốc lại có thể trở thành một tin tốt đối với Bắc Kinh, vì dù lượng xuất khẩu ít hơn nhập khẩu, Trung Quốc vẫn đạt được mức thặng dư kỉ lục 58 tỉ euro vào tháng Giêng năm 2016, cho phép lấp đầy một phần lỗ hổng trong dự trữ ngoại tệ.
Châu Âu tiếp tục bị chia rẽ nghiêm trọng về người nhập cư
Vấn đề người nhập cư tại châu Âu lại trở nên nổi cộm khi cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu sắp diễn ra trong hai ngày vào cuối tuần này. Chủ đề trên được tất các các nhật báo Pháp đề cập trong số ra ngày hôm nay.
Dưới dòng tựa « Cuộc đối mặt Berlin-Paris về người nhập cư », bài xã luận trên tờ Le Monde nhận định từ đầu cuộc khủng hoảng tị nạn, tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra thống nhất với nhau, song thực tế hoàn toàn ngược lại.
Ngày 13/02, thủ tướng Pháp Manuel Valls đã tuyên bố : « Châu Âu không thể tiếp nhận thêm người tị nạn. Nước Pháp đã cam kết tiếp nhận 30.000 tị nạn và sẵn sàng tiếp nhận số lượng trên, song không thêm một người nào khác ». Trong khi đó, nước Đức đã mở rộng cửa cho hơn 800.000 người vào năm 2015. Paris chỉ trích bà Angela Merkel đã tạo điều kiện cho làn sóng nhập cư, còn Berlin lấy làm tiếc là Liên Hiệp Châu Âu thiếu tinh thần tương ái.
Về sự chia rẽ Pháp-Đức về vấn đề người nhập cư, nhật báo Libération đăng tựa : « Trước lòng dũng cảm của Merkel là sự hèn nhát của Valls ». Dù bị cô lập, bà vẫn không thay đổi chính sách tiếp nhận người tị nạn. Thủ tướng Đức tin rằng : « Một lục địa với 500 triệu dân không thể để những nền tảng của mình bị lung lay và phải khuất phục trước 1,5 hay 2 triệu người nhập cư ».
Cũng cùng quan điểm trên, nhật báo La Croix nhận định, « người phụ nữ mạnh mẽ nhất thế giới, theo như lời bình luận của tạp chí Forbes, chưa bao giờ lại bị cô lập như hiện nay » ngay trong nước Đức hay trong Liên Hiệp Châu Âu. Nhật báo Công Giáo đánh giá, sau 10 giữ chức thủ tướng, bà đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của mình.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20160216-thuong-dinh-asean-my-tong-thong-obama-muon-chong-lai-bac-kinh-tai-chau-a






Mỹ - ASEAN bàn đối sách chung chống Bắc Kinh ở Biển Đông


media 


Tổng thống Barack Obama ( giữa) khai mạc thượng đỉnh Mỹ - ASEAN Sunnylands, California ngày 15/02/2016.REUTERS/Kevin Lamarque
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN đã chính thức khai mạc vào hôm qua, 15/02/2016 tại Sunnylands, tiểu bang California (Hoa Kỳ). Sau ngày họp đầu tiên bàn về các vấn đề kinh tế, vào hôm nay, 16/02 Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với lãnh đạo 10 nước ASEAN sẽ tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác chính trị-an ninh, trong đó nổi bật là tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trong phiên họp hôm nay, ông Obama và các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ thảo luận về một phản ứng chung trước phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Biển Đông.

Một số quan chức Mỹ xác nhận với Reuters rằng trong phiên họp hôm nay, tổng thống Mỹ sẽ có một thông điệp cứng rắn hướng về Trung Quốc, cho rằng tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình chứ không phải bằng cách bắt nạt.

Trong diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh vào hôm qua, tổng thống Mỹ đã gợi lên vấn đề Biển Đông khi ông nhấn mạnh đến lập trường thống nhất mà hai đối tác Mỹ và ASEAN có thể đạt được nhằm bảo đảm an ninh khu vực.

Obama nhấn mạnh nhu cầu thượng tôn luật pháp ở Biển Đông

Một đoạn trong bài diễn văn nói rõ : « Tại hội nghị thượng đỉnh này, chúng ta có thể thúc đẩy tầm nhìn chung về trật tự khu vực, trong đó các luật lệ và chuẩn mực quốc tế, như quyền tự do đi lại trên biển được tôn trọng và trong đó các tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hợp pháp, hòa bình ».

Theo hãng tin Anh Reuters, rõ ràng là ông Obama ám chỉ Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang áp đặt chủ quyền của Trung Quốc bất chấp các tuyên bố ngược lại của 4 nước ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei).

Hãng tin Pháp AFP cũng cho rằng Tổng thống Mỹ đã tìm cách tăng áp lực lên Trung Quốc- nước đang đơn phương rầm rộ bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp – khi khẳng định rằng Mỹ và ASEAN đều « có mục tiêu chung là xây dựng một trật tự khu vực, nơi mà tất cả các quốc gia đều có cùng một luật chơi ».

Tiến tới lập trường chung Mỹ ASEAN về vụ kiện Biển Đông

Theo AFP, Nhà Trắng cho rằng Bắc Kinh rất sợ việc bị đánh giá là nước lớn bắt nạt nước bé. Vì thế, nhân hội nghị thượng đỉnh Sunnylands, vào hôm nay, ông Obama sẽ cố gắng thuyết phục các lãnh đạo ASEAN là cần phải có một mặt trận thống nhất để phản ứng khi tòa án Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Tòa Án Trọng Tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc dự kiến ​​sẽ ra phán quyết vào tháng Tư hoặc tháng Năm tới đây. Theo quan điểm của Mỹ, dù kết luận có ra sao chăng nữa, thì Mỹ và ASEAN cần cùng nhau tuyên bố ủng hộ phán quyết của tòa án quốc tế, để tăng gia áp lực trên Trung Quốc vốn không công nhận thẩm quyền của đinh chế tư pháp quốc tế này.

AFP trích dẫn chuyên gia Ernest Bowerthuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington cho rằng cả Mỹ lẫn ASEAN đều « hy vọng rằng, nếu không phải là ngay lập tức, thì về lâu dài, Trung Quốc sẽ không muốn mình bị cô lập và  bị coi là một côn đồ quốc tế, một nước không chấp nhận luật pháp quốc tế ».

Tuyên bố Sunnylands của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

ẻ:
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands, California, ngày 15/2/2016.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands, California, ngày 15/2/2016.

Những nguyên thủ của các nước thành viên thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh tại Sunnylands, bang California, vào ngày 15 và 16 tháng 2, 2016.
Thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói hội nghị “đánh dấu một năm bước ngoặt” cho cả ASEAN và cho mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng gần gũi giữa Hoa Kỳ và ASEAN, và nêu lên 17 nguyên tắc chính yếu “hướng dẫn sự hợp tác của chúng ta tiến về phía trước.”
Những nguyên tắc này bao gồm:
1. Sự tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, sự bình đẳng và sự độc lập chính trị của tất cả các quốc gia bằng tuân thủ vững chắc những nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế;
2. Tầm quan trọng của sự thịnh vượng chung, tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện, bền vững, và bồi dưỡng những người trẻ tuổi của chúng ta để duy trì hòa bình, phát triển và ổn định liên tục vì lợi ích chung;
3. Sự công nhận chung tầm quan trọng của việc theo đuổi những chính sách dẫn tới những nền kinh tế năng động, cởi mở và có tính cạnh tranh giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nên công ăn việc làm, cải tiến, tinh thần sáng nghiệp và sự kết nối, và những chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa và thu hẹp khoảng cách phát triển;
4. Cam kết của chúng ta đối với việc bảo đảm cơ hội cho tất cả người dân của chúng ta, thông qua việc củng cố nền dân chủ, tăng cường nền quản trị tốt và tuân thủ nền pháp trị, cổ súy và bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản, khuyến khích thúc đẩy sự dung chấp và ôn hòa, và bảo vệ môi trường;
5. Tôn trọng và ủng hộ Tính Trung tâm của ASEAN và những cơ chế do ASEAN dẫn đầu trong kiến trúc khu vực đang phát triển của châu Á-Thái Bình Dương;
6. Tuân thủ vững chắc một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ mà duy trì và bảo vệ những quyền và đặc quyền của tất cả các nước;
7. Cam kết chung đối với việc giải quyết hòa bình những tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ những quy trình pháp lý và ngoại giao, mà không cần tới sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế và Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS);
8. Cam kết chung đối với việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm những quyền tự do hàng hải và và bay ngang và những hình thức khác sử dụng những vùng biển một hợp pháp, và thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở như được mô tả trong Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) cũng như phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành những hoạt động;
9. Cam kết chung đối với việc tăng cường hợp tác để giải quyết những thách thức chung trong lĩnh vực hàng hải;
10. Quyết tâm mạnh mẽ dẫn đầu trong những vấn đề toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, buôn người, buôn ma túy, và đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý, cũng như buôn bán bán bất hợp pháp dã sinh và gỗ;
11. Cam kết chung đối với việc giải quyết biến đổi khí hậu và phát triển một khối ASEAN bền vững về môi trường, cũng như thực thi những đóng góp mà cá nhân mỗi nước quyết định ở cấp quốc gia, được nêu ra theo Thỏa thuận Khí hậu Paris;
12. Cam kết chung đối với việc thúc đẩy an ninh và ổn định trong không gian mạng phù hợp với những chuẩn mực về hành vi của nhà nước chịu trách nhiệm;
13. Hỗ trợ sự thăng tiến một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, ổn định, gắn kết về mặt chính trị, hội nhập về mặt kinh tế, có trách nhiệm về mặt xã hội, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm và dựa trên luật lệ;
14. Cam kết chung đối với việc tăng cường kết nối giữa người dân với người dân thông qua những chương trình có sự tham gia của ASEAN và người dân Mỹ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, và thúc đẩy những cơ hội cho tất cả người dân của chúng ta, đặc biệt là những người dễ bị tổn hại nhất, để hoàn thành viễn kiến của Cộng đồng ASEAN;
15. Cam kết chung đối với việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn cầu cho sự phát triển bền vững thông qua việc thực thi Chương trình Phát triển Bền vững năm 2030 và Chương trình Hành động Addis Ababa, để bảo đảm một xã hội bền vững, công bằng và đa thành phần mà không ai bị bỏ lại đằng sau;
16. Cam kết chung đối với việc tăng cường sự hợp tác tại những diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại những cơ chế hiện hành do ASEAN dẫn đầu; và
17. Cam kết chung đối với việc tiếp tục đối thoại chính trị ở cấp Nguyên thủ Nhà nước/Chính phủ thông qua sự tham dự của các Nhà Lãnh đạo của chúng ta tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN thường niên và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
http://www.voatiengviet.com/content/tuyen-bo-sunnylands-cua-hoi-nghi-thuong-dinh-my-asean/3193831.html

No comments:

Post a Comment