Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 26 October 2016

THỤY KHUÊ * NHẤT LINH - TÔ HẢI

THỤY KHUÊ * NHẤT LINH

Thụy Khuê

Nhất Linh (1906-1963)



Tiểu sử


Nhất Linh, tên thật là Nguyễn Tường Tam[1] sinh ngày 25/7/1906, tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, trong một gia đình sáu trai, một gái. Trừ người anh cả Nguyễn Tường Thụy, là công chức không dính líu đến văn nghệ và chính trị, từ người anh thứ hai Nguyễn Tường Cẩm, mất tích ở gần Hà Nội, đến Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam, Tứ Ly Hoàng Ðạo - Nguyễn Tường Long, Nguyễn Thị Thế, Thạch Lam - Nguyễn Tường Lân và bác sĩ Nguyễn Tường Bách, đều là những người tham dự vào văn chương. Nguyễn Thị Thế và Nguyễn Tường Bách viết hồi ký về gia đình Nguyễn Tường; và năm anh em Nhất Linh có những đóng góp tích cực trong việc quản trị các cơ sở báo chí và nhà in của Tự Lực Văn Ðoàn.


Thích văn chương từ nhỏ, năm 16 tuổi Nhất Linh làm thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn, và năm 18 tuổi, có bài Bình Luận Văn Chương Về Truyện Kiều trong Nam Phong Tạp Chí.

Cuối năm 1923 đậu bằng Cao Tiểu. Nhưng vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên làm thư ký sở tài chính Hà Nội, kết duyên văn nghệ với Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, viết Nho Phong. Lấy vợ và theo ban cao đẳng. Lúc đầu, năm 1924 học thuốc được một năm thì bỏ, chuyển sang học Mỹ Thuật, được một năm cũng bỏ.


1926, Nguyễn Tường Tam vào Nam, gặp Trần Huy Liệu, Vũ Ðình Di định cùng làm báo. Nhưng vì tham dự đám tang Phan Chu Trinh, hai người này bị bắt, Nguyễn Tường Tam phải trốn sang Cao Miên, sống bằng nghề vẽ và tìm đường đi du học.

1927 du học Pháp. Ðậu cử nhân khoa học. Ở Pháp ông nghiên cứu về nghề báo và nghề xuất bản.

1930 trở về nước. Nhất Linh cùng hai em là Hoàng Ðạo và Thạch Lam xin ra tờ báo trào phúng Tiếng Cười, nhưng thiếu tiền, báo chưa ra được, thì giấy phép quá hạn, bị rút.


Từ 1930 đến 1932, Nguyễn Tường Tam dạy tư ở các trường Thăng Long và Gia Long. Ở đây ông quen với Trần Khánh Giư - Khái Hưng. Sẵn có tờ Phong Hóa của giáo sư Phạm Hữu Ninh vừa đình bản, Nhất Linh mua lại và tục bản tờ Phong Hóa.

Kể từ ngày 22/9/1932, báo Phong Hóa ra 8 trang lớn, chú trọng về văn chương và trào phúng, tạo ra ba nhân vật điển hình: Xã Xệ, Lý Toét và Bang Bạnh.


Tự Lực Văn Ðoàn được thành lập năm 1933 với 7 người: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Ðạo, Tú Mỡ, Nguyễn Gia Trí và Thế Lữ. Về vai trò lãnh đạo của Nhất Linh, Tú Mỡ kể lại:


"Anh Tam thuê một cái nhà nhỏ ở ấp Thái Hà để mấy anh em làm việc. Tôi đi làm thì chớ, về đến đấy bàn bạc về cái tôn chỉ của nhà báo và soạn bài vở dự bị cho đủ in trong sáu tháng. Anh Tam vừa viết, vừa vẽ. Anh đặt ra mục này, mục nọ, giao cho mọi người. Anh có lối làm việc rất khoa học. Anh đã giao cho ai việc gì thì chỉ có chuyên việc ấy. Nhiều lúc tôi muốn viết những bài thuộc về loại khác, anh khuyên chỉ nên chuyên về một lối. Có lẽ là một điều rất hay cho chúng ta. Tôi có thể nói, anh Tam là người đã tạo ra Tú Mỡ vậy[2].


Năm 1936, Phong Hóa bị đóng cửa vì Hoàng Ðạo viết bài châm biếm Hoàng Trọng Phu. Tờ Ngày Nay -trước đã ra kèm với Phong Hóa- tiếp tục và kế tiếp Phong Hóa. Tháng 12 năm 1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh phát động phong trào Ánh Sáng cùng nhóm Tự Lực, chống lại các nhà ổ chuột ở các khu lao động.


Năm 1939, Nguyễn Tường Tam lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Ðại Việt Dân Chính. Hoạt động chống Pháp của nhóm Tự Lực trở thành công khai.


Năm 1940, Hoàng Ðạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt, bị đầy lên Sơn La, đến 1943 mới được thả. Trong thời gian này, Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay. Cuối năm 1941, Ngày Nay bị đóng cửa.

1942 Nhất Linh chạy sang Quảng Châu, Thạch Lam mất tại Hà Nội vì bệnh lao.


Tại Quảng Châu, Liễu Châu, gặp Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh mới ở tù ra, Nguyễn Tường Tam cũng bị giam 4 tháng. Trong thời gian từ 1942 đến 1944, ông học Anh văn và Hán văn, hoạt động trong Cách Mạng Ðồng Minh Hội, rồi về Côn Minh hoạt động trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Sự tranh chấp, bắt bớ và thủ tiêu giữa hai đảng Việt Minh và Việt Quốc càng ngày càng gia tăng. Giữa năm 1945, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Giang với quân đội, nhưng rồi lại quay lại Côn Minh và đi Trùng Khánh. Giai đoạn này đã được phản ánh trong Giòng Sông Thanh Thủy.


Theo lệnh của Nhất Linh từ Trung Quốc gửi về, báo Ngày Nay lại tục bản, khổ nhỏ, ngày 5 tháng 3 năm 1945 và trở thành cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, với Hoàng Ðạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Bách.

Biến cố 19 tháng 8 năm 1945 bùng nổ. Việt Minh lên nắm chính quyền. Ngày Nay bị đóng cửa và phân tán.

Sau chiến tranh Việt Pháp ngày 19 tháng 12 năm 1946, Khái Hưng rời Hà Nội, tản cư về quê vợ ở Nam Ðịnh. Tại đây, bị công an Việt Minh bắt, ông bị thủ tiêu năm 1947.

Hoàng Ðạo và Nguyễn Tường Bách chạy sang Trung Quốc. Hoàng Ðạo mất ở Quảng Châu tháng 8 năm 1948.

Thời điểm1946, Việt Minh và Quốc Gia chủ trương hòa hoãn và hợp tác. Ðầu tháng 6/1946, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Nội. Hợp tác với chính phủ liên hiệp kháng chiến, giữ ghế Bộ trưởng ngoại giao, cầm đầu phái đoàn Việt Nam dự hội nghị trù bị Ðà Lạt.

Ðược cử làm trưởng phái đoàn đi dự hội nghị Fontainebleau, nhưng ông từ chối và bỏ sang Tầu, gặp cựu hoàng Bảo Ðại, và ở lại Trung Hoa 4 năm.


Cuối năm 1950, ông trở về Hà Nội và tuyên bố không thuộc đảng phái nào, không hoạt động chính trị. Tháng 4/195 , vào Nam, mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản những sách Tự Lực Văn Ðoàn.
Năm 1953 lên Ðà Lạt ở ẩn, sống với hoa lan ven suối Ða Mê.

1958 rời Ðà Lạt về Sài Gòn, chủ trương tờ Văn Hóa Ngày Nay, phát hành được 11 số thì bị đình bản.

Dính líu đến vụ đảo chính ngày 11/11/1960, ông bị chính quyền Ngô Ðình Diệm gọi ra xử ngày 8/7/1963. Nhất Linh uống thuốc độc tự tử ngày 7/7/1963.



Tác phẩm


Trong 40 năm hoạt động văn học và chính trị, Nhất Linh đã hoàn thành trên 20 tác phẩm, và những sách sau đây đã được xuất bản:
Nho phong, viết năm 1924, in năm 1926
Người quay tơ, 1926
Anh phải sống, viết chung với Khái Hưng 1932-1933
Gánh hàng hoa, viết chung với Khái Hưng 1934
Ðời mưa gió, viết chung với Khái Hưng 1934
Nắng thu, 1934
Ðoạn tuyệt, 1934-1935
Ði Tây, 1935
Lạnh lùng, 1935-1936
Hai buổi chiều vàng, 1934-1937
Thế rồi một buổi chiều, 1934-1937
Ðôi bạn, 1936-1937
Bướm trắng, 1938-1939
Xóm Cầu Mới, 1949-1957
Viết và đọc tiểu thuyết, 1952-1961
Giòng sông Thanh Thủy, 1960-1961.


(Tiểu sử soạn năm 1996)


Nhìn lại sự nghiệp Nhất Linh


Ngày nay, hầu như không ai chối cãi giá trị của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo và Tự Lực Văn Ðoàn trong công việc cải tạo xã hội, giải phóng phụ nữ, sau Hồ Biểu Chánh ở trong Nam, họ đã đặt nền móng cho một nền văn học quốc ngữ ở Bắc, mà trước và sau họ chưa có một văn đoàn nào đạt được ảnh hưởng sâu xa trong xã hội như vậy. Nhưng còn một khía cạnh khác ít được chú ý, và có lẽ quan trọng hơn, đó là tư tưởng của Nhất Linh, dòng ý thức sâu sắc về sự thoát ly của con người, về những nét tiêu cực trong lý tưởng cách mạng, về tính ngắn hạn của hạnh phúc, về sự trường tồn của văn hóa, văn nghệ... Những yếu tố cơ bản này, vừa lặn sâu dưới đáy các tác phẩm, vừa bao trùm toàn bộ những sáng tác của Nhất Linh, kể từ tập truyện ngắn Người Quay Tơ viết năm 1926 đến những tác phẩm cuối cùng như bộ trường thiên Dòng Sông Thanh Thủy[3] viết năm 60-61. Như vậy, tìm hiểu Nhất Linh cũng là đào xới những ẩn tưởng chìm sâu trong lòng tác phẩm, mà một «đọc đi» chưa thể thấu, cần có thêm một «đọc lại ».


Sự nghiệp văn học của Nhất Linh có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu từ 1932 đến 1936 với các tác phẩm chính mang tính luận đề: Anh Phải Sống, Gánh Hàng Hoa, Ðoạn Tuyệt, Lạnh Lùng ... Và giai đoạn sau, từ Ðôi Bạn, Bướm Trắng đến Xóm Cầu Mới, Dòng Sông Thanh Thủy, Nhất Linh đã ra khỏi giới hạn luận đề để viết về những khắc khoải nội tâm của con người.


Có một nghịch lý là đối với phần đông độc giả, dường như tên tuổi Nhất Linh chỉ gắn liền với các tác phẩm luận đề như Ðoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, ... Khi Nhất Linh từ bỏ tiểu thuyết luận đề, đấu tranh xã hội để bước vào tiểu thuyết nghệ thuật và tư tưởng, thì Ðôi Bạn, Bướm Trắng đã ít người đọc hơn.


Sau 1954, Nhất Linh cho ra đời những tác phẩm không kém phần quan trọng, nhưng ít được dư luận biết đến, hoặc nếu đề cập, cũng không được đánh giá đúng mức, đó là tập tiểu luận Viết Và Ðọc Tiểu Thuyết và hai cuốn trường giang tiểu thuyết Dòng Sông Thanh Thủy và Xóm Cầu Mới [4].


Ở Ðoạn Tuyệt, Lạnh Lùng Nhất Linh vẽ nên cảnh xung đột trực tiếp giữa lối sống cũ và mới. Ðể bênh vực người phụ nữ, Nhất Linh đã không ngần ngại đẩy hoàn cảnh đến mức độ cực đoan nhất, lấy phần quyết thắng về phe Loan, người phụ nữ tân thời, tranh đấu cho quyền làm người trong xã hội Khổng Mạnh.


Ở Ðôi Bạn, Nhất Linh đi xa hơn. Ông không dựa trên tình tiết, không dựa trên cốt truyện để xây dựng tiểu thuyết nữa. Nhất Linh đi sâu vào nội tâm, xây dựng nghệ thuật trên sự tinh vi của nhận thức. Cảm giác, xúc giác, khứu giác là những yếu tố chính trong cơ lực con người, bắc cầu giữa tâm giới và ngoại giới. Nhất Linh cho người đọc thưởng thức những mùi hương, những say sưa của hạnh phúc, của ánh nắng chiều, của mầu thời gian thoáng nhạt. Dũng với Loan trong Ðôi Bạn đã khác xa Dũng với Loan trong Ðoạn Tuyệt. Dũng Loan trong Ðôi Bạn "cao" hơn, giúp ta nhớ lại, duyệt lại, học lại những cảm giác đã mất, dẫn ta bước vào thời gian và không gian liên tưởng, cho ta những rung động mới, những ấn tượng "tinh khôi ban đầu".


Bướm Trắng đi sâu vào khía cạnh triết lý. Trương, trong Bướm Trắng, biết mình bị lao, chỉ còn sống được có một năm, bập bềnh giữa sống và chết. Qua Trương, Nhất Linh phân tâm con người trước cái chết; một sự phân tâm chính mình, có tính cách tiền định. Bằng lối nhìn trầm lặng, Nhất Linh bình thản phanh phui các cửa ngõ nội tâm biến dạng và bối rối của Trương, không phải để tìm kiếm một lối thoát cho Trương hay cho mình, mà để cùng nhập cuộc phiêu lưu của một người mất hướng.


Thanh Thủy là một dòng sông nhỏ, chảy qua biên giới Việt Trung, gần Hà Giang. Dòng Sông Thanh Thủy là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Nhất Linh viết về chính trị. Dòng Sông Thanh Thủy được viết khá vội vàng, trong thời điểm 60-61. Thời kỳ Nhất Linh đã bị chính quyền Ngô Ðình Diệm truy lùng và bắt bớ. Về phương diện kỹ thuật tiểu thuyết, Dòng Sông Thanh Thủy hơi loãng, thua Ðôi Bạn, Bướm Trắng và Xóm Cầu Mới, nhưng có giá trị lịch sử và nhân văn. Truyện về giai đoạn kinh hoàng của cách mệnh, hai đảng Việt Nam Quốc Dân Ðảng, gọi tắt là Việt Quốc, và Việt Minh thanh toán nhau trong bắt bớ và thủ tiêu. Thế mèo vồ chuột của hai đảng đã được Nhất Linh mô tả trong Dòng Sông Thanh Thủy một cách lạnh lùng và tường tận.


Xóm Cầu Mới tác phẩm dang dở của Nhất Linh, cuốn tiểu thuyết không có cốt truyện, được Phượng Giang in thành hai tập, trên 700 trang. Bản thảo bị thất lạc nhiều năm -theo nhà xuất bản Phượng Giang- tình cờ tìm thấy vào ngày giỗ thứ mười của Nhất Linh. Ðây là tác phẩm quan trọng mang những kỳ vọng của Nhất Linh về một bộ tiểu thuyết trường giang trên mười ngàn trang, diễn tả những phức tạp muôn mặt của cuộc đời. Tác phẩm được viết đi viết lại tất cả 5 lần. Lần đầu năm 40 tại Hà Nội. Lần thứ hai năm 43 tại Quảng Châu. Lần thứ ba năm 49 tại Hương Cảng. Về nước năm 51, Nhất Linh viết lại lần thứ tư tại Hà Nội. Và trước khi in một số chương trên Văn Hóa Ngày Nay, Nhất Linh sửa lại lần chót bên dòng suối Ða Mê, tại Fim Nôm Ðà Lạt vào năm 57.


Xóm Cầu Mới viết về cuộc sống của một xóm nhỏ, với năm gia đình, địa vị xã hội khác nhau, trong nửa đầu thế kỷ XX. Khác với những tiểu thuyết trước, thường giới hạn trong một hạng người: trí thức tiểu tư sản, như trường hợp Gánh Hàng Hoa, Ðoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Ðôi Bạn, Bướm Trắng. Ở Xóm Cầu Mới Nhất Linh khảo sát nhiều hạng người. Ông tạo ra một xã hội nhỏ, trong đó con người giàu, nghèo đều có tương quan mật thiết với nhau, mỗi nhân cách là một chân dung nhân linh hoạt và sâu sắc. Những giăng mắc xã hội và nội tâm đều đồng quy trong Xóm Cầu Mới. Nhất Linh đã viết được sự sống.



Ý thức thoát ly tìm hạnh phúc trong Đôi Bạn


Gió lên! Gió nữa lên!, Gió lên! Lạy trời gió lên! Những lời cầu nguyện của hai chị em đứa bé nhặt lá bàng trong đêm khuya vang lên như một nguyện cầu giải thoát, báo hiệu ý thức thoát ly trong Đôi Bạn. Gió lên! Gió nữa lên! trên bến đò gió và bến đò đời.


Nhặt lá bàng mở đầu Đôi Bạn[5] xuất thần đưa ra hai bối cảnh: Một Nhất Linh bất động trước tờ giấy trắng sao trắng thế. Chữ cứ bặt vắng. Bỗng có tiếng bật ra: "Trời muốn trở rét" và ngòi bút chạy... trong khi bên ngoài những âm khác đồng thanh: Gió lên! Gió nữa lên! Tiếng hai đứa bé cầu trời, chúng chạy lăng quăng, nhặt, bó, nhặt, bó, con chị mắng thằng em, tiếng chúng vang trong đêm khuya cùng tiếng lá bàng, chạm vào tường, lăn xuống đất. Chuyện ngoài đời, chuyện đời trên giấy, cả hai không liên hệ gì, nhưng đã thần cảm gặp nhau trong đêm nay. Những đứa bé ấy có thật không? Hay chỉ là tưởng tượng? Dũng nữa? Dũng, người bạn tha thiết yêu cầu Nhất Linh viết về đời mình, bởi "những nỗi đau khổ, băn khoăn của tôi, hẳn cũng là những nỗi băn khoăn của anh, của các bạn chúng ta" (Nhặt lá bàng). Dũng là ai? Là Nhất Linh hay cũng là tưởng tượng? Tất cả đều mờ ảo, trùng phức nhưng có một điều chắc chắn rõ ràng là động cơ, động cơ nào đã thúc đẩy cuộc đời và tưởng tượng xích lại gần nhau? Động cơ nào đã gọi những tiếng vang trong tiềm thức Nhất Linh, tiếng đứa bé, tiếng Dũng, tiếng Loan, tiếng đôi bạn, tiếng các bạn cùng cất lên trong tác phẩm như muốn giao hưởng những hình hài, những cảm xúc, khổ đau, hạnh phúc của cuộc đời? Động cơ ấy phải là gió. Gió ngẫu nhiên đến bất ngờ như hứng và rét trở thành phương tiện ngôn ngữ: Trời muốn trở rét. Gió, rét đã nhiều lần đến, rồi đi, nhưng chỉ có hôm nay, lúc này, chúng mới tạo thành một hợp âm của xuất thần và ngôn ngữ: cả hai cùng cầu gió, bởi không có gió chắc gì lá đã rơi, hứng đã đến, mà có gió trời lại rét lắm, gió đem chia ly, gió tạo ý thức thoát ly, gió làm vật đổi sao rời, gió gây nghịch cảnh; tiểu thuyết và cuộc đời xoay quanh cái trục nghịch cảnh ấy: vừa mong gió, vừa ngại gió bởi gió đem rét mướt, gió sẽ chia lìa, nhưng nếu không có gió sẽ chẳng có thoát ly, chẳng có hành trình ... đôi bạn.


*


"Anh phải sống vượt ra ngoài xã hội bình thường" câu nói và cũng là lời tự nhủ của Dũng hay của Nhất Linh, như thể từ miệng Khái Hưng nói ra; Dũng, con một ông tuần phủ và đời Dũng hình như có cái gì rất giống đời Khái Hưng "Tôi sinh ra đã phải chọn một sự bất công là sống trong cảnh giàu sang không đích đáng, tôi không có quyền hưởng, tôi không muốn hưởng". Những người bạn Dũng cũng thế, cũng có những nét giống Nhất Linh, Khái Hưng, và con đường họ đi, cái chết của họ cũng bí mật không khác gì cái chết của những Khái Hưng, Hoàng Đạo, ... cuộc đời họ hình như chỉ là "một sự tìm kiếm không bao giờ ngừng". Dũng là một mẩu Khái Hưng? Dũng là một mẩu Nhất Linh? Dù từ cái xương sườn, xương sống của Nhất Linh hay Khái Hưng chui ra Dũng, hay từ tình bạn cụ thể của hai người thoát thai thành đôi bạn, điều đó không mấy quan trọng, chỉ biết Dũng là một tâm hồn "trung ương" phủ giàn lên một thế hệ. Dũng tạo ra một sự say mê tập thể, Dũng có khả năng quyến rũ nhiều tầng lớp thanh niên lên đường, và đó là phần nội lực tinh thần của Tự Lực Văn Đoàn mà Nhất Linh là người chủ soái, đã nắm bắt, để nhào nặn nên Dũng. Đôi bạn Dũng Trúc phải chăng là xạ ảnh của Nhất Linh-Khái Hưng? Rồi Dũng/Loan đồng điệu với Trương/Thu trong Bướm Trắng, Triết/Thoa trong Hai Buổi Chiều Vàng, Thanh/Ngọc trong Giòng Sông Thanh Thủy, Nghĩa/Nhung trong Lạnh Lùng, Siêu/Mùi trong Xóm Cầu Mới ... Những nhân vật của Nhất Linh, nói theo ngôn ngữ bây giờ, có một quan hệ "liên văn bản" với nhau, với thời cuộc và với chính tác giả. Họ cùng có một ý chí "muốn vượt ra ngoài hoàn cảnh sống của mình". Muốn thoát ly. Thoát ly gia đình. Thoát ly xã hội. Thoát ly cuộc đời. Những nhân vật của Nhất Linh dù là bạn hay người tình, chỉ gặp nhau một thời, không sống trọn đời, bởi họ không tin có một thứ hạnh phúc kéo dài trọn kiếp. Có thể nói Lan và Ngọc trong Hồn Bướm Mơ Tiên đã "khai trương" thế giới "đôi bạn", rồi tất cả những "đôi bạn" của đôi bạn Nhất Linh-Khái Hưng đã tạo nên một thế giới sống ngoài hiện thực, trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn. Thế giới này như một vòm trời tân tạo phản ảnh những suy tư, trăn trở của thế hệ thanh niên những năm 30-40, những chao đảo xã hội thời Pháp thuộc, những đụng chạm cũ-mới, những nỗi đau của lựa chọn làm quan hay làm cách mạng? Ở hay đi? Những trăn trở ấy đã bám sát, hấp dẫn thanh niên, làm kim chỉ nam dẫn đường cho họ. Nhưng thế giới của Dũng và các bạn cũng lại vô cùng bất lực và xa lạ với thực tế cuộc đời, bởi họ đã nhìn thấy những bi đát trong phận người mà không thể tìm ra một giải pháp.


*



Dũng muốn thoát ly gia đình vì chàng không thể sống mãi trong cảnh giàu sang của gia đình mà chàng biết là không chính đáng và "hễ cứ lúc nào chàng dịu lòng để cố tìm cách yêu cha thì chàng lại đau xót thấy những hành vi tàn ác của ông tuần mà chàng tưởng đã quên hẳn rồi, hiện ra như bức rào ngăn cản" (trang 188). Thấy những bộ mặt khốn khó của dân làng, những người túng quẫn, cùng khổ, bị ông tuần đánh, chửi, Dũng khó chịu vì những người bị đánh không kháng cự, mà trái lại, còn nói nịnh: "Bẩm, cụ lớn đánh là cụ lớn thương, hôm thượng thọ cụ cố, cụ lớn cầm đầu con rập vào tường [...] Thế mới biết cụ lớn còn khỏe" (trang 98). Dũng muốn bênh vực họ nhưng rồi cuối cùng "chàng nhận thấy ông tuần và những người dân trong làng có liên lạc mật thiết với nhau [...] chàng thấy chàng trơ vơ đứng riêng hẳn ra ngoài" (trang 186). Cái thế giới phản kháng, chống lại mọi áp bức mà Dũng mong muốn, không có trong đầu óc dân làng. Họ yên phận chịu nhận số kiếp yếu kém "từ đời kiếp nào rồi". Mối tương quan đàn áp và chịu đựng giữa ông tuần và dân làng là một tương quan mà Dũng không cắt nghĩa được. Dũng thấy mình ngoại cuộc, ở đây không ai cần Dũng, bởi cuộc đời không cần những Don Quichotte. Những nhận thức ấy đã dẫn đến quyết định: "Chàng cầm dao cắt mạnh quả hồng làm đôi ... (trang 189), "giản dị như không ... phải đoạn tuyệt hẳn mới gọi là đi ... Chàng muốn được như con bướm thoát khỏi cái kén tối tăm" (trang 190). Nhưng thoát ly không có nghĩa là tìm ra một lý tưởng. Bởi Dũng biết chắc là không có lý tưởng, khi Thái đi, Dũng đã tự hỏi: "Anh Thái đi như vậy để làm gì? Chẳng qua không biết làm gì nữa thì liều lĩnh" (trang 31) và "Dũng có cái cảm tưởng rằng Thái đi như là đi thay cho mình, hình như tất cả những nỗi chán chường, đau khổ của một đời mình, Thái đã đem theo hết" (trang 32).


Cuộc đời "quằn quại" của Thái dường như gắn liền vớiø cuộc đời Nhất Linh, Khái Hưng và những người bạn của họ: Chống Pháp? Không chống Pháp? Theo Việt Quốc? Việt Cách? hay Việt Minh? tất cả rồi cũng chỉ là để "Thỉnh thoảng lại nghe tin một người trong bọn chết đi hay bị tù tội, rồi ai nấy, trước số mệnh, chỉ việc cúi đầu, yên lặng, nơm nớp đợi đến lượt mình" (trang 106).


"Cái chết của Thái đối với Dũng chỉ là một sự thoát ly" (trang 105). Hoặc như Tạo chấp nhận cái chết một cách vui vẻ "Tôi không sợ chết đâu [...] đất mát lắm" (trang 149). Cả những người bạn của Tạo cũng nghĩ "kể như anh ấy thì chết là thoát" (trang 167).


Ngay từ Đôi Bạn, Dũng đã biết ra đi không phải để tìm đến một lý tưởng cách mạng mà Dũng biết chắc là ra đi rồi sẽ chết như Phương, như Thái, như Tạo ... "như biết bao người bạn của Dũng [...] vụt biến đi không để lại một vết tích gì." (Nhặt lá bàng). Như vậy, ở thời điểm 1936, thời điểm viết Đôi Bạn, mọi người chưa kịp lên đường, Nhất Linh đã xác định không có lý tưởng và mọi ra đi, thoát ly, chỉ là "đi tìm kiếm, sự tìm kiếm không bao giờ ngừng ấy, có lẽ là sự an ủi độc nhất" (Nhặt lá bàng).


Rồi đúng như vậy, Nhất Linh đã đi hết cuộc đời mà chưa tìm thấy, chưa giải quyết được những trăn trở lựa chọn giữa cách mạng và văn học, giữa xuất thế và nhập thế..., những trăn trở ấy vẫn dùng dằng Nhất Linh đến giây phút cuối và vẫn còn dầy vò thế hệ sau Nhất Linh.


Thoát ly còn có một ý nghĩa cụ thể, đó là sự từ chối thứ hạnh phúc "trường cửu" trong tình nghĩa vợ chồng, với người không yêu như Khánh, hoặc với người yêu, như Loan.


Ở lại, trước hết là sẽ phải cưới cô Khánh, con cụ Thượng Đặng, người vợ môn đăng hộ đối mà cha đã chọn và sẽ phải chấp nhận đời sống "thừa" như Trường và Đính, hai anh và như "tất cả mọi người trong nhà, trong họ, thảy đều sống bám vào một mình ông tuần và cho thế là một sự tự nhiên, một cái phúc" (trang 87).


Nhưng ở lại còn có thể có một con đường khác là làm trái lời cha, cưới Loan làm vợ. Làm trái lời cha không khó vì xưa nay Dũng vẫn làm, cái khó là làm trái lòng mình, bởi đã bao lần khi nghĩ đến "chàng sẽ cưới Loan làm vợ ... rồi suốt đời hai người gần nhau, yêu nhau mãi mãi ... Thế rồi sau làm sao? Lại ngày nọ tiếp ngày kia ... không chờ đợi." (trang 48-49). Chính "ý nghĩ chán nản này", xuất phát từ nội tâm của Dũng "làm bận trí Dũng một cách ác nghiệt" (trang 63), đã gián tiếp chỉ đạo sự thoát ly của Dũng.



*



Ở buổi mà mọi "hoài nghi" về cuộc sống còn rất hiếm trong văn chương quốc ngữ, Nhất Linh lại "đem lòng" hoài nghi hạnh phúc, thứ hạnh phúc vợ chồng vẫn được "công nhận" như một "giá trị phổ quát của nhân loại", cũng như đã hoài nghi lý tưởng đấu tranh khi mọi người chưa kịp lên đường. Nghi ngờ hạnh phúc "trăm năm" nhưng Nhất Linh tin vào hạnh phúc khoảnh khắc, những giây phút hạnh phúc và những giây phút sống lại những giây phút hạnh phúc ấy. Những khoảnh khắc hạnh phúc sẽ chết, nhưng sự sống lại chúng trong ta là trường cửu, vượt ra ngoài ý muốn của con người; sự sống lại ấy mới thật bất tử. Và điều đó được cảm nhận trong Đôi Bạn như một quan niệm độc đáo về hạnh phúc và là cơ nguyên của sáng tạo.


Cái hạnh phúc ấy có sẵn ở trong mỗi người, kể cả những người không có hạnh phúc: đó là những giây phút ngắn ngủi của cảm xúc, của những linh cảm hạnh phúc, của đợi, của chờ, của nhớ, của nghĩ đến người mình nhớ, mong người ấy nhớ mình hơn là mình nhớ người ấy ... Những linh cảm ấy thường đến trong yên lặng, cho nên những trang đẹp nhất Nhất Linh viết về tình yêu, về sự tỏ tình là ... yên lặng. Tình yêu không diễn tả bằng lời mà bằng mắt, bằng tim: Nhất Linh thao túng "yên lặng" trong một thế giới mới, thế giới của cảm xúc, thế giới thần bí mà mọi sự đều khả thể.


"Dũng vòng hai tay ra phía sau làm gối ngửa mặt nhìn lên. Ánh nắng trên lá thông lóe ra thành những ngôi sao; tiếng thông reo nghe như tiếng vọng ra, đều đều không ngớt; Dũng có cảm tưởng rằng cái tiếng ấy đã có từ đời kiếp nào rồi nhưng đến nay còn vương lại âm thầm trong lá thông.


Không nghe tiếng Loan và Thảo nói chuyện nữa, Dũng nghiêng mặt quay về phía hai người. Chàng thấp thoáng thấy hai con mắt đen của Loan. Thấy Dũng bắt gặp mình đương nhìn trộm, Loan vội nhắm mắt lại làm như ngủ; song biết là Dũng đã trông thấy rồi, nàng lại vội mở mắt ra, rồi qua những ngọn lá cỏ rung động trước gió, hai người yên lặng nhìn nhau" (trang 209-210)


Nhất Linh đã "vớt" từ yên lặng ra những âm thanh và màu sắc. Âm thanh và màu sắc của ánh nắng chiếu trên lá thông "lóe" ra như những vì sao. Nhạc thông reo từ kiếp nào còn vương lại, âm thầm trong lá; sống lại trong đổi trao giữa hai người qua ánh mắt. Và đó là hạnh phúc. Hạnh phúc ở những khoảnh khắc mình yên lặng nghe mình: "Chàng cố ngồi thật yên lặng để hoàn toàn nghĩ đến cái vui sướng của lòng mình" (trang 63).


Nhưng hạnh phúc không chỉ là những giây phút vui sướng, hạnh phúc còn ẩn trong nỗi buồn, ví dụ như khi mình tìm ra đường hầm của một niềm đau bí mật:


"Dũng châm một điếu thuốc lá hút rồi đưa mắt ngắm nghía đám người nhà quê thảm đạm, quấn áo xơ xác trước gió, đương đứng đợi bên bờ sông. Họ đứng yên, không nói, vẻ mặt bình tĩnh, không nghĩ ngợi gì; chuyến đò mà họ đợi sang, Dũng thấy là hình ảnh của cả cuộc đời; họ sinh ra, sống thản nhiên ít lâu, không hiểu vì cớ gì rồi lại khuất đi như những người bộ hành, một buổi chiều đông, qua bến đò, in bóng trong chốc lát trên dòng nước trắng của cuộc đời chảy mãi không ngừng.


Dũng ngẫm nghĩ:

- Buồn có lẽ vì tại trông thấy bến đò, mình như thấy rõ hình ảnh cuộc đời. Sống mà nghĩ đến mình sống thì bao giờ cũng buồn [...] Bến đò không buồn lắm, buồn nhất là những cái quán xơ xác của các bến đò. Mình là những cái quán ấy, đứng yên trong gió lạnh nhìn cuộc đời trôi qua trước mắt" (trang 71)

Sống mà nghĩ đến mình sống thì bao giờ cũng buồn, mình là những cái quán đứng yên trong gió lạnh, nhìn cuộc đời trôi qua trước mắt, những nhận thức về đường đi của nỗi buồn này có thể chỉ qua một lần rồi mất đi, nhưng nó không chết hẳn, nó có khả năng sống lại, và sự hồi sinh ấy thường xẩy ra ở những lúc bất ngờ nhất: một ngọn gió, một mùi hương, một bến đò ...



*



Do đó, hạnh phúc ở đây vừa trực tiếp, vừa gián tiếp. Trực tiếp là những giây phút sống trong thực tại: nhìn (một người) yêu, ngắm (một đóa) hoa, đợi (một ngọn) gió, đón (một mùi) hương ... Và gián tiếp là những lúc nhớ lại những nhìn, ngắm, đợi, đón, ... đó, những giây phút mà nhà văn muốn lưu lại mãi mãi:


"Mùi hoa khế đưa thoảng qua, thơm nhẹ quá nên Dũng tưởng như không phải là hương thơm của một thứ hoa nữa. Đó là một thứ hương lạ để đánh dấu một quãng thời khắc qua trong đời: Dũng thấy trước rằng độ mười năm sau, thứ hương đó sẽ gợi chàng nhớ đến bây giờ, nhớ đến phút chàng đương đứng với Loan ở đây. Cái phút không có gì lạ ấy, chàng thấy nó sẽ ghi mãi ở trong lòng chàng cũng như hương thơm hoa khế hết mùa này sang mùa khác thơm mãi trong vườn cũ" (trang 26)


Có thể nói rằng Nhất Linh đã tìm ra một thứ "định thức" của hạnh phúc, ở đây là mùi hương+trí nhớ=hạnh phúc, nhưng những yếu tố của vế đầu tiên có thể thay đổi không ngừng, một chỗ khác, Nhất Linh viết:


"Nền trời lúc đó, Dũng thấy như một tấm lụa trong; một con bướm trắng ở vườn sau bay vụt lên cao rồi lẫn vào màu trời. Dũng tự nhiên nghĩ đến một bãi cỏ rộng trên đó có Loan và chàng, hai người cùng đi ngược chiều gió; nàng mặc một tấm áo lụa trắng và gió mát thơm những mùi cỏ đưa tà áo nàng phơ phất chạm vào tay chàng êm như cánh bướm." (trang 45)


Lại một định thức khác của hạnh phúc: thiên nhiên+tưởng tượng=hạnh phúc. Như vậy hạnh phúc là một định thức biến thiên không ngừng, từ những dư âm hoàn toàn khác nhau, khi biết hòa âm phối khí thì ta có ... hạnh phúc. Hạnh phúc, như thế, là sự hòa hợp của âm thanh trong âm nhạc, là sự điều phối của màu sắc trong hội họa, là sự ngẫu hợp của chữ nghĩa trong thi ca. Nhưng điều thiết yếu là những định thức biến thiên ấy cần những xúc tác như hương, gió ...



*



Nhất Linh tinh tế bao nhiêu trong nhận thức thì ông cũng lại càng thực tế bấy nhiêu trong cái biết của mình: Biết "hạnh phúc" cũng như "nghệ thuật" chỉ là những hợp âm dễ vỡ, dễ tan, không thể nắm bắt được, tựa như "những con đom đóm bay qua ao bèo, lúc tắt lúc sáng như những ngôi sao lạc biết thổn thức" (trang125).

Hạnh phúc là những con đom đóm trong đêm? Hay là tà áo của Loan, chạm vào tay Dũng như những cánh bướm? Có lẽ cả hai. Một điều chắc chắn là hạnh phúc nằm trong khoảnh khắc và cái khoảnh khắc bí mật ấy, luôn luôn, Nhất Linh muốn níu nó lại: "Dũng có cái cảm tưởng rằng thời khắc ngừng hẳn lại; ánh nắng lấp lánh trên lá cây cũng thôi không lấp lánh nữa ... Chàng và cảnh vật chung quanh như không có nữa, chỉ là một sự yên tĩnh mông mênh, trong đó tiếng Loan vang lên" (trang 61), "không còn phút sau nữa: thời gian ngay lúc đó sẽ ngừng lại mãi mãi" (trang 63). Thời gian sẽ ngừng lại. Đó là ước vọng của Dũng. Nhưng thời gian chưa bao giờ ngừng lại và đó là bất hạnh của hạnh phúc. Khiến mọi ảo tưởng về một hạnh phúc trường cửu đều trở nên đáng sợ và vô nghĩa: đóa hoa không trường cửu, cánh bướm không trường cửu, đến cả thân phận con người cũng phù du ... Như vậy có gì trường cửu trên cuộc sống này? Hẳn là sự trường cửu của những phút giây hạnh phúc đã chết đi và sống lại trong ký ức. Mỗi lần hồi sinh chúng lại là những cánh bướm đã thoát xác, đã đổi dạng thay hình ... Cho nên nếu muốn có những luân hồi của kỷ niệm thì phải sống xa người tình, sống ngoài kỷ niệm, phải xa bến đò Gió thì mỗi lần đến một bến đò, mới hồi tưởng lại và gió và đò ... phải sống xa Loan mới có thể hồi tưởng những phút giây hạnh phúc được nhìn Loan và được Loan nhìn lại ... Thoát ly khỏi Loan để được yêu Loan mãi mãi ... để khỏi rơi vào cảnh vợ chồng ngày ngày bị những tính toán vụn vặt của đồng tiền, mảnh cơm, manh áo bào mòn thể xác, bị những giờ giấc quen thuộc đi, về, cơm, nước, con cái ... giết chết kỷ niệm, giết chết tình yêu ... Tình yêu, cũng giống như nghệ thuật, là những bóng đom đóm chụm đầu vào nhau như một chùm ảo ảnh mà con người càng tìm cách sở hữu, lại càng thấy bất lực. Tình yêu cũng như nghệ thuật, không thể sở hữu được mà chỉ có thể cảm thức từ yên lặng, trong yên lặng, như Nhất Linh, để từ cõi yên lặng ấy, vớt ra những xúc động, những nhục cảm say sưa nhất của con người. Yên lặng nghe "một cơn gió lạnh lùa vào đượm mùi thơm hắc của hoa cau" (trang196), yên lặng ngắm nắng trong vườn cùng với Loan và Dũng "thỉnh thoảng một sợi tơ trời từ trên cao là là xuống, lấp lánh, hai người sợ tơ trời vương vào mình cùng giơ tay đón lấy rồi nhìn nhau mỉm cười khi thấy trong tay không có gì cả, hình như sợi tơ vừa tan đi cùng ánh sáng" (trang 195).


Trong cuộc đời ruổi chạy để bắt kịp xe bus, bắt kịp métro, chen chúc trong đám kẹt xe đô thị, trong chớp loạn của truyền hình, ciné với những chiến tranh hành tinh giả tưởng, trong chụp giật kinh tế, chiếm đoạt môi trường, tranh chấp phát minh khoa học ..., con người có rất ít thì giờ dành cho những giây phút "yên lặng nghe lòng mình sung sướng", những giây phút thoát ly hạnh phúc Nhất Linh.



Nỗi đau hiện sinh trong Bướm Trắng


"Nếu chỉ có một năm để sống" bạn sẽ làm gì? Đây có thể là đề tài một cuốn phim hồi hộp, một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn hay một tác phẩm văn học phân tâm. Nhất Linh chọn giải pháp thứ ba: Bướm Trắng là một ăng-kết của Trương về bản ngã mình. Trương bị lao và bác sĩ cho biết chàng chỉ có thể sống được một năm nữa là cùng. Nhất Linh đem máy ghi âm đặt vào óc Trương để ghi lại những ý nghĩ, những phản ứng của Trương từ khi biết mình chỉ còn một thời gian sống nhất định.


Phản ứng đầu tiên của Trương là ghi vào nhật ký, ngày 21/2: Hôm nay mình chết (Bướm Trắng, NXB Đời Nay tái bản, 1970, trang 34). Đó là cái chết đầu tiên, sau khi biết mình sắp chết, cái chết này biểu hiện tính cách hóa thân của hai từ Bướm Trắng và đưa Trương vào đoạn đời thứ nhì, đoạn đời mà Trương quyết định rằng từ nay "chàng sẽ nếm đủ các khoái lạc ở đời, chàng sẽ sống đến cực điểm, sống cho hết để không còn ao ước gì nữa, sống cho chán chường. Trương thấy mình nô nức hồi hộp mà lại sung sướng nữa. Chàng sung sướng vì chàng thấy mình như con chim thoát khỏi lồng, nhẹ nhàng trong một sự tự do không bờ bến. Những cái ràng buộc, đè nén của cuộc sống thường không có nữa, chàng sẽ hết băn khoăn, hết e dè được hoàn toàn sống như ý mình.

- Chết thì còn cần gì nữa?" (trang 38)


Đặt ngược lại vấn đề, Albert Camus bắt đầu cuốn tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (Huyền Thoại Sisyphe) bằng câu: "Chỉ có một vấn đề triết lý thật sự nghiêm túc: đó là tự tử, xét rằng đời đáng sống hay không đáng sống là trả lời câu hỏi cơ bản của triết học". Nhất Linh và Camus, đi từ hai con đường khác nhau nhưng dường như đều cùng muốn điều tra ý nghĩa của cuộc sống từ cái chết. Rồi Nhất Linh và Camus đều chết bất đắc kỳ tử. Camus, tai nạn xe hơi ở tuổi 47, Nhất Linh tự tử ở tuổi 57, một trùng hợp phi lý.


Cái chết, trước tiên, đối với Trương là một giải thoát, khi giao hẹn "hôm nay mình chết" là Trương đã tự hóa, từ một người bị ràng buộc, trở thành người tự do, hồi sinh trong cuộc sống mới, với hai lớp lang: biết mình sắp chết và quên rằng mình đang sống.

Ở lớp thứ nhất, Trương quyết định tìm vui trong trụy lạc: trụy lạc thể xác và tinh thần. Về thể xác, hưởng thụ hết những thú vui nhục dục trước khi chết và về tinh thần, chiếm hữu tình yêu của Thu, người con gái tình cờ gặp mà ngay sau đó Trương đã muốn yêu như một trò chơi: yêu cũng được mà không yêu cũng được.


Ở lớp thứ nhì, Trương sợ sống: không dám về nhà, muốn quên rằng mình đang sống, lẩn tránh những ý nghĩ của mình, sợ đối diện với chính mình. "Trương ở vào tình trạng một người không cần gì nữa, chỉ mong xảy đến cho mình một việc, bất cứ việc gì, miễn là khác thường để cho mình quên được sự sống" (trang 55). Hai trạng thái, hai lớp lang tâm thần ấy giao nhau trong một môi trường không có lối thoát: Sự trụy lạc mà Trương tìm đến như một ao ước hưởng thụ hết trước khi chết, không đem lại cho Trương tị ti thỏa mãn nào, và cuộc tình đối với Thu, mới đầu chỉ là một trò chơi, sau đã chiếm đoạt tâm hồn Trương, chi phối tư tưởng Trương như một định mệnh thứ ba: quái ác, tưởng (yêu) đùa lại hóa (yêu) thật, tưởng chết lại không chết, lại sống, cứ sống. Chính cái sống thừa, sống ra ngoài mọi ước vọng ấy, đã chơi khăm Trương, bởi mọi toan tính về định mệnh đều vô nghĩa: không ai có thể biết trước được định mệnh, kể cả những thầy thuốc giỏi nhất và cũng không ai dự đoán được kết quả một cuộc tình. Trương như con bướm trắng lượn trong các nẻo tâm tư của chính mình, Trương bay hết nơi này đến nơi khác, từ những phăng-tát cực đoan của một người bệnh bị cái chết thường trực ám ảnh, đến những giây phút đẹp đẽ cũng như tồi tệ của một người bình thường, nhảy cóc từ những ý nghĩ trong sáng, dịu dàng nhất đến những toan tính đen tối, đê hèn nhất. Trương là bướm trắng bay trong não trạng của chính mình, Trương hành động, nhận xét mình hành động, mà không hiểu những gì xẩy ra quanh mình, cho mình.


*




Cuộc phiêu lưu của Trương, sau khi tuyên bố "chết", mở đầu bằng một chinh phục: Trương vừa nhìn thấy Thu, thấy Thu giống Liên, người yêu của chàng đã chết vì bệnh lao ba năm trước, "chàng có cái ý oái oăm muốn Thu sẽ yêu chàng" (trang 16). Cuộc tình này là một thứ cú-đờ-phút, vừa lãng mạn lại ráo hoảnh, trâng tráo đúng như ý nghĩ của Trương "muốn yêu thì sẽ yêu" (trang 17), một cuộc đánh đố, muốn là làm được và Trương đã làm được thật. Nhưng trò chơi nào cũng có thể dẫn đến một thực tại không chơi, đầy bí ẩn không thể giải quyết, thân phận Trương chỉ là một cánh bướm không biết mình sẽ đi đến đâu, như mỗi con người đều là những cánh bướm bay trong định mệnh phi lý của chính mình. Trương là bướm trắng di chuyển theo mạch nghĩ của Nhất Linh, theo những ghềnh thác suy tư của Nhất Linh. Trương sống mà như chết, chết mà như sống, không biết những suy tư và hành động ấy sẽ dẫn mình đến đâu. Nhất Linh vừa tạo ra Trương, vừa là Trương, vừa bị Trương dẫn vào cái chốn không biết ấy.


Trước đây, khi còn chăm chỉ đi học, Trương có một thể xác và tâm hồn có thể gọi là "lành mạnh"; nhưng cái tôi "lành mạnh" này đã chết bởi vì nó không thật, bởi vì nó chỉ là một nửa Trương, nửa thánh thiện. Bướm trắng là hồn Trương, nhưng mảnh hồn này không "siêu thoát" theo nghĩa nhà Phật mà nó là người, nó là cái thực, nó là Trương toàn diện theo đúng nghĩa con người. Chính cái hồn bướm trắng này đã đưa Trương vào khám nghiệm tử thi của chính mình, đào ra những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn đích thực của mình. Trương trong Bướm Trắng, đời hơn Dũng, người hơn Dũng trong Đôi Bạn, bởi trong Trương những va chạm của xấu tốt là thường trực, những ám ảnh của ham muốn, dục tình, tính toán, lừa lọc ... là hàng ngày. Nếu trong Đôi Bạn, Nhất Linh vẫn còn là một nhà văn lãng mạn chủ tâm tìm cái đẹp, thì ở Bướm Trắng, ông đã đoạn tuyệt với lãng mạn, Nhất Linh lạnh lùng hơn, tự do hơn, từng trải hơn, ông đã đứng xa cuộc đời, đứng ngoài cuộc đời để nhìn con người cho rõ.


Bởi những ngõ ngách tâm linh phức tạp và mâu thuẫn của Trương không thể dùng ngọn đuốc tình cảm lãng mạn để soi tỏ mà phải bay lượn như bướm trắng thoát tục, mới có thể trung dung chiếu vào đó những ánh sáng neutre, không thiên vị: Trương sống tự do buông thả như một kẻ muốn quên mình đang sống, như một gã kiệt lực muốn leo Hy Mã Lạp Sơn, đi từ mâu thuẫn này đến mâu thuẫn khác, đôi khi hai mâu thuẫn chung sống với nhau như hình ảnh kiêu sa của Thu nằm chung màn với những cô gái đêm hôi hám trong những nhà săm tồi tàn nhất; rồi những ý nghĩ đen tối như mua dao để giết Thu, những ám ảnh kỳ dị bị Thu giết, cùng chung sống trong đầu với những giây phút thần tiên thơ mộng: "Trương ngủ thiếp đi, chàng thấy mình cứ cố nhoi lên để tránh mũi dao mà Thu đưa vào cổ mình, nhưng có một sức mạnh ghê gớm giữ chặt lấy chàng, đè nặng lên hai bên ngực. Mũi dao đã chạm vào cổ, nhưng chàng không đau đớn gì cả: một dòng máu chảy ngang cổ xuống gáy lạnh như một dòng nước đá mới tan, Trương kêu thét lên: "Em giết anh" và giật mình tỉnh dậy. [...] Chuông đồng hồ buông năm tiếng ngắn. Qua khe cửa, trời hãy còn tối [...] Ngoài đường cái có tiếng lăn lạch cạch của một chiếc xe bò đi qua. Trương đoán là một xe rau ở ngoại ô lên chợ sớm. Lòng chàng lắng xuống và từ thời quá vãng xa xăm nổi lên một hình ảnh yêu quý của tuổi thơ trong sáng: Khu vườn rau của mẹ chàng với những luống rau diếp xanh thắm, những luống thìa là lá nhỏ như sương mù và hôm nào trời nắng, những mầm đậu hòa lan tươi non nhú lên qua lần rơm ủ. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ở đâu bay về ..." (trang 141).


Như vậy không chỉ có tâm hồn Trương là cánh bướm mà cảnh vật xung quanh cũng là những cánh bướm biến ảo không ngừng, Nhất Linh đã tìm thấy một giao thoa vô cùng tế nhị giữa Đông và Tây, giữa thiện và ác, giữa mơ mộng và ác mộng; tất cả những đối cực ấy xẩy ra trong tiềm thức của Trương, trong cái vùng u tối bí mật của bản ngã mà trước Bướm Trắng, chưa có tiểu thuyết gia Việt Nam nào thật sự đi vào, thật sự thám hiểm.


*


Nhất Linh viết Bướm Trắng năm 38-39. Bốn năm sau, 1942 ở Pháp, Albert Camus cho in tập tiểu luận Le mythe de Sisyphe (Huyền Thoại Sisyphe), rồi tiểu thuyết L'étranger (Người Xa Lạ), tiếp theo là kịch bản Le malentendu (Ngộ Nhận) và sau cùng là tiểu thuyết La chute (Sa Đọa).


Tất nhiên là hai nhà văn này không đọc nhau, Nhất Linh không đọc Camus trước khi viết Bướm Trắng, nhưng có một ngẫu nhiên trùng hợp lạ lùng là những chủ đề ẩn trong Bướm Trắng về tính chất phi lý của cuộc đời, về vấn đề tự tử, về sự ngộ nhận, về tính sa đọa của con người -những đề tài chủ yếu của Camus- đều có mặt trong tác phẩm của Nhất Linh. Tại sao lại có một sự gặp gỡ kỳ lạ như vậy? Nhất là khi triết học hiện sinh bắt đầu phát triển ở Pháp thì Tự Lực Văn Đoàn đã hầu như hoàn tất nhiệm vụ khai phá của mình, những tác phẩm chính của Tự Lực Văn Đoàn đã viết xong. Vậy chỉ có thể trả lời câu hỏi này bằng một câu hỏi khác: Phải chăng Nhất Linh đã tạo ra một cõi hiện sinh của mình, một hình thức tra vấn bản ngã rất Đông phương, rất Trang Tử?


Trước tiên, đối với Nhất Linh, ngộ nhận và phi lý là điều kiện sống của con người. Nếu ở Camus, phi lý có thể đưa đến giết người (Meursault trong L'étranger giết người vì ánh nắng mặt trời chiếu vào mắt) và trong "nghề" giết người, ngộ nhận có thể đưa đến mẹ giết con, chị giết em mà không biết (Le malentendu), thì ở Nhất Linh, tình yêu tuyệt đối giữa Trương và Thu là ngộ nhận và phi lý, Thu yêu Trương trên căn bản ngộ nhận do phi lý đưa đẩy:


"Trương nhìn theo Thu. Khi nàng đi khuất sau cái thành bể xây, Trương gấp vội bức thư bỏ vào túi. Chàng nhìn cửa buồng bên lưỡng lự một lúc rồi đi vào buồng. Chàng đến gần bên giường. Nhìn qua khung cửa sổ ra ngoài không thấy bóng ai, Trương với chiếc áo cánh của Thu rồi úp mặt vào chiếc áo mà chàng âu yếm vò nát trong hai bàn tay. Lụa áo Trương thấy mềm như da người và mùi thơm cay cay, không giống hẳn mùi thơm của nước hoa, xông lên ngây ngất. Trương cảm thấy mình khổ sở vô cùng; chàng lấy làm lạ sao mình lại đau khổ đến thế, đau khổ như một người sắp chết, cảm tưởng lúc ấy giống hệt cảm tưởng đêm qua khi chàng nhìn trộm bàn tay của Thu trên tấm chăn.


Trong lúc ấy Thu đã đi gần đến nhà khách bỗng quay trở lại. Nàng mang máng thấy có vẻ gì bất thường trong cử chỉ của Trương vừa rồi. Như cái máy, nàng quay trở lại, nàng cũng không biết tại sao và quay trở lại để làm gì. Đi khỏi cái bể xây, Thu dừng lại vì thoáng thấy Trương trong buồng. Nàng chăm chú nhìn và khi đã hiểu: nàng đứng yên lặng, khắp người rờn rợn như có ai sờ vào da thịt mình. Thấy Trương bỏ chiếc áo vắt vào chỗ cũ, nàng giật mình, đứng lùi khuất sau thành bể" (trang 59).


Một sự tiếp xúc thể xác ra ngoài thể xác mà sau này nhiều nhà văn, đạo diễn điện ảnh Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu sắc. Cuộc tình của Trương và Thu thật sự bắt đầu từ giây phút ấy, giây phút mà phi lý và ngộ nhận trùng hợp: Nếu Thu không quay lại, không nhìn thấy cảnh này thì có lẽ Thu đã không bị Trương chinh phục. Tại sao Thu quay lại? Thu cũng không biết tại sao và quay trở lại để làm gì? Việc Thu quay lại là một việc hết sức phi lý, không giải thích được: phi lý và bất khả tri, là những điều kiện của hiện sinh con người. Vì quay lại, nhìn thấy "cảnh ấy" cho nên Thu đã tin rằng "Trương yêu nàng và tôn trọng nàng một cách siêu việt" (trang 11). Đành rằng tất cả những khía cạnh ấy trong tình yêu của Trương đều có thật, nhưng mới chỉ là một nửa sự thật. Thu ngộ nhận vì chỉ biết nửa sự thật, Trương còn một nửûa khác mà Thu không biết: Viết thư tình giả dối, lấy nước rỏ lên làm giả nước mắt, cho nhòe chữ đi, Trương thụt két, đánh bạc, hút thuốc phiện, chơi gái, ... Trương biết mình bị ho lao mà vẫn muốn chiếm đoạt Thu, đánh lừa Thu, cho Thu tưởng là mình cao thượng, tình thật Trương biết rõ: "căn bản của tâm hồn mình, một căn bản vô luân, khốn nạn" (trang 138).


Trương gặp Thu là một chuyện tình cờ, yêu Thu một cách vô lý: "Hay có lẽ Thu cũng yêu chàng tự nhiên, yêu một cách vô lý như chàng yêu Thu vô lý bấy lâu" (trang 199).



*


Tính chất vô lý, phi lý của cuộc đời hiện ra ngay từ những trang đầu: là một sinh viên trường Luật, đang chăm chỉ học hành, thấy mình chớm lao, Trương đi khám bệnh, bác sĩ tuyên bố một câu xanh rờn: "Phổi và tim ấy cũng còn được một năm nữa là ít" (trang 32). Câu nói cỏn con của Chuyên, người thầy thuốc gà mờ, đã hóa kiếp đời Trương: Trương bỏ học, bán nhà bán đất của cha mẹ để lại để tiêu xài xả láng, sống cho hết mình trong một năm trước khi chết. Đời Trương hoàn toàn đảo lộn, từ lành mạnh xuống sa đọa một cách phi lý, chỉ vì một câu nói. Mà không chỉ có đời Trương, những đời khác, cũng quay gót chuyển hướng ít nhiều sang sa đọa một cách phi lý như thế: Mùi, cô hàng xóm ngây thơ ngày xưa trở thành cô gái điếm què bây giờ, Quang yêu đời trở thành ăn chơi, chết vì bệnh, Nhan sẵn sàng rơi vào tay "người anh họ" hào phóng, "có lương tâm" là Trương, cả Thu, một cách nào đó Thu cũng sa đọa, nhắm mắt chiều chuộng những đòi hỏi điên rồ của Trương. Trương đang ở dưới đáy của tuyệt vọng, lại được Mùi cầu khẩn Trương kéo nàng ra khỏi con đường tội lỗi: phi lý hết sức. Tất cả mọi giăng mắc của cuộc đời là một mớ bòng bong phi lý, ngộ nhận và bất khả tri.


Trong sa đọa, Trương tiêu xài cuộc đời mình như một trò cá ngựa, đem dồn hết tiền (vừa thụt két) đánh vào con ngựa Risque-tout (trang 165) và thua hết canh bạc đời. Trương thua, bởi người ta không thể nào sống gấp được (trang 155) cũng như không ai có thể ăn hết một lúc tất cả những thức ngon trong đời, những thứ mình cứ tưởng là ngon, khi đã nhét đầy miệng, chúng không còn hấp dẫn nữa, mà lại buồn nôn. Do đó, "chàng không bao giờ thấy được sung sướng trong chơi bời, trái hẳn với ý chàng lúc mới ốm" (trang 126). Thậm vô lý. Quanh Trương toàn là vô lý và không biết. Trương thụt két sắp bị bắt vào tù. Thu hỏi: Sao anh làm việc ấy? Trương trả lời: Không biết (trang 178). Trương tự hỏi: Thực tình chàng có yêu Nhan không? Chàng cũng không hiểu rõ (trang 189). Mùi đòi theo Trương. Theo anh à? Không thể được. Vô lý hết sức (trang 186). Đi bên Mùi, Trương tự nhủ: Đi với một con đĩ què. Vô lý (trang 182). Người ta có cảm tưởng như nhân vật Meurseult trong Người Xa Lạ của Camus là hậu thân của Trương: một sự ngẫu nhiên trùng hợp phi lý hết sức.


Ngay cả đến những ước muốn của tình yêu: được Thu yêu dù là "điều mà trước kia chàng không dám ước tới nay đã thành sự thực, sao chàng vẫn không thấy lòng mình thỏa mãn.

- Chỉ có thế thôi à? (trang 123) Trương tự hỏi. Có lúc Trương "mong được thỏa nguyện về vật dục để thôi không nghĩ đến Thu nữa" (trang 252). Thậm chí Trương còn nhận thấy đưa thư cho Thu và thụt két đều cho Trương những cảm tưởng giống hệt nhau, "chàng không muốn thụt két, nhưng biết trước là thế nào cũng thụt két, cũng như khi trước biết là không nên đưa thư mà vẫn cứ phải đưa thư" (trang 160). Tâm sự của Trương, không khác gì tâm sự của Meurseult. Họ là những người xa lạ với chính mình, với người xung quanh, một niềm cô đơn tuyệt đối trong cuộc hiện sinh tàn nhẫn.


Tất cả những nhận thức ấy đẩy Trương đến chán chường. Chán sống. Tại sao không tìm một giải pháp? Tại sao không tự tử và Trương nghĩ "cách tốt hơn hết là nhồi một viên đạn nhỏ vào trong sọ. Tạch một cái, thế là hết. Ngọt như mía lùi" (trang 155).

Nhưng tự tử được không phải là dễ, "hèn nhát thì không bao giờ tự tử được, mà có can đảm như trời cũng không thể tự tử được. Tự tử được hay không là ở cảnh chứ không ở người" (trang 140).

Ở đây, Nhất Linh lại nói đến cảnh, tức là hoàn cảnh, làm ta liên tưởng tới situation của Sartre, tất nhiên là Trương không thể tự tử được vì chàng chưa bị hoàn cảnh đẩy đến cùng. Nhưng Nhất Linh, hơn 20 năm sau, đã bị hoàn cảnh đẩy đến cùng.


*


Nhất Linh, trong Bướm Trắng, đã tiên tri số phận, tra vấn những tranh chấp vật lộn giữa sống và chết, giữa cao cả và sa đọa, những quằn quại của con người trước những phi lý, bất khả tri của định mệnh. Sự biết mình không sống lâu cho phép Trương để lộ mặt trái của chính mình. Và càng để cho cái bộ mặt này hành động, Trương càng ngại nhìn thấy nó, càng không muốn về nhà, sợ sự đối diện với chính mình, cái đối diện cay nghiệt nhất và cũng tàn ác nhất, đó là sự đối diện với chính mình, đối diện với cái xấu, cái chết.


Sự tự hủy của Trương chỉ là sự rút ngắn "cái tôi", muốn dìm nó đi, cho nó chết trước thời hạn, để những "bầy nhầy" của nó khỏi làm bợn tư tưởng của mình. Nhưng không ai vượt được định mệnh. Cái chết không do sự quyết định của con người -kể cả những người tự tử- mà phải có sự tập hợp của nhiều yếu tố, nhiều hoàn cảnh, tóm lại là phải có sự quần hợp những hoàn cảnh đẩy đến cùng, đến hố sâu nhất của tuyệt vọng. Tựu trung, cái chết vẫn là chuyện của ngẫu nhiên, bí mật của định mệnh.


Nhất Linh, với Bướm Trắng, đã bỏ xa những bạn đồng hành. Trong khi những người cùng thời vẫn còn miệt mài trong tiểu thuyết hiện thực xã hội, ông đã bước ra ngoài hiện thực và đi vào địa hạt tâm thần. Khi mọi người vẫn còn là bác sĩ toàn khoa, ông đã trở thành bác sĩ chuyên môn, dùng phương pháp nội soi để chiếu vào những ngõ ngách sâu xa nhất của tâm hồn con người, đối diện với sống và chết, với tình yêu và cái chết, với cao cả và tội ác, với định mệnh và hư vô. Những câu hỏi về thực chất của tình yêu, của lòng nhân ái, của cao cả, của sa đọa được Nhất Linh tìm kiếm và rọi chiếu bằng một thứ ánh sáng vô minh, bằng những hình ảnh phũ phàng thơ mộng, bằng một văn phong nhẹ nhàng thoát tục: Bướm Trắng mở ra bối cảnh một Trang Tử bàn về cốt lõi của vấn đề hiện sinh con người. Nhưng ở đây không có ngôn ngữ nặng chất duy lý của triết học, ở đây là triết học đã hóa thân thành bướm trắng. Đó là nghệ thuật Nhất Linh. Nghệ thuật dùng cái đẹp để chuyên chở tư tưởng. Và ở đó, Nhất Linh gần Trang Tử hơn những nhà lập thuyết triết học hiện sinh, hiện đại.


Xóm Cầu Mới, một khởi thủy



Đối với Nhất Linh, mỗi tiểu thuyết là một chặng đường, Xóm Cầu Mới tổng kết những chặng đường nghệ thuật và tư tưởng, Nhất Linh đem hết kinh nghiệm sống và viết của đời mình để tạo nên tác phẩm. Ở đây không còn chủ đề, không còn đấu tranh xã hội, cũng không phơi bầy một triết lý sống nữa, mà chỉ có đời trần trụi. Đời sống. Trong Xóm Cầu Mới, Nhất Linh đã đạt đến cái đích của tiểu thuyết mà ông mong muốn "không phải là sự diễn tả đời sống nữa, nó chính là đời sống, đời sống rung động và hồi hộp, mà không chỉ là đời sống bên ngoài mà còn là đời sống bên trong, đời sống bí ẩn của tâm hồn"[6]. Nhất Linh tạo không gian nội tâm và ngoại giới của mỗi nhân vật và đi sâu vào không gian ấy như thể ông bị nhân vật lôi cuốn đi, từ Mùi, Siêu, đến những người xung quanh như Tý, Bé, Triết, Mạch, ông Lang Hàn, U già, vợ chồng bác Lê, Nhỡ, Đỗi, Bà Chủ Nhật Trình, ông Năm Bụng, cậu Ấm, cụ Án v.v...


Nhất Linh không xây dựng nên nhân vật nữa mà chính những nhân vật dựng nên cõi viết Nhất Linh. Xóm Cầu Mới mở đầu bằng những hàng:

"Mùi sực thức giấc nhưng còn mơ màng chưa tỉnh hẳn. Tiếng gió trong lá cây, ở xa xa, không biết nàng nghe thấy thực hay chỉ là tiếng trong giấc mơ; tiếng lá loạt soạt làm nàng cảm như đâu đây có ai vừa kéo chăn đắp cho khỏi lạnh, tay nàng bất giác kéo một góc chăn phủ lên chỗ ngực để hở. Một nỗi vui lành mạnh thấm nhuần khắp thân thể và hình như người nàng vẫn vui suốt cả đêm qua, bây giờ hơi tỉnh nàng mới nhận thấy: "Ban đêm mình nằm mê thấy một chuyện gì chắc vui lắm."[7]

Tất cả những động tác của Mùi ở đây chỉ làm nổi bật phần cốt yếu là sinh hoạt tâm linh. Hành động đáng chú ý nhất là "kéo chăn" lên đắp trên ngực, cũng không phải chủ đích của Mùi mà là vì Mùi cảm thấy như đâu đây có ai kéo chăn đắp cho khỏi lạnh, cho nên tay nàng bèn "bất giác" kéo một góc chăn lên để đắp chỗ ngực để hở. Vậy ngay đến hành động kéo chăn lên đắp ngực cũng là một hành động mơ hồ, như trong vô thức. Và trong 50 trang tiếp theo là hồi ức về những việc xẩy ra hôm qua, từ khi nhận được thư Siêu báo tin sẽ về Xóm Cầu Mới, xa hơn nữa đến thời tuổi thơ của Siêu và Mùi, những giận dữ, những trò chơi và cái hôn đầu của tuổi mười ba. Rồi khi Siêu đi xa, Mùi vả tay vào dậu găng cho chẩy máu để ăn vạ v.v...


Tất cả những động tác, những ký ức và hồi tưởng chạy dài trong đầu khi Mùi nằm trên giường còn ngái ngủ. Trước Xóm Cầu Mới dường như chưa có tiểu thuyết gia Việt Nam nào sử dụng "hồi tưởng" lâu như vậy. Ở đây có một sự êm ả rất Đông phương và một táo bạo rất Tây phương.

Có mối tương quan nào đó giữa chương đầu Xóm Cầu Mới và chương đầu của A la recherche du temps perdu (Đi Tìm Thời Gian Đã Mất) của Marcel Proust. Đoạn "Một Buổi Sáng" trong Xóm Cầu Mới có gì tương tự như đoạn Combray của Proust, cậu bé Proust thao thức trên giường với tiếng gọi của kỷ niệm, của suy tưởng. Tất nhiên không có gì chứng minh Nhất Linh chịu ảnh hưởng Proust. Trong tập tiểu luận Viết Và Đọc Tiểu Thuyết cũng không thấy Nhất Linh nhắc đến Proust mà ông khâm phục Tolstoi. Nhưng cách xây dựng tiểu thuyết của Nhất Linh không giống cái "không khí" Tolstoi nữa, tức là đã ra khỏi thế kỷ XIX để bước vào thế kỷ XX mà hồi tưởng, mơ mộng và ký ức được tận dụng triệt để với Marcel Proust. Nhất Linh trong Xóm Cầu Mới sử dụng hồi tưởng và ký ức như một lợi khí mới của văn học. Và nếu có mối tương quan nào giữa Nhất Linh và Marcel Proust thì chỉ ở chỗ hai nhà văn này cùng dùng những yếu tố đó và chỉ ở chỗ đó mà thôi vì sự khác biệt của họ rất rõ ràng: văn phong của Proust dồn dập, nhiều dòng, nhiều trang, tràn đầy âm thanh, hình ảnh, mầu sắc v.v..., Proust là người "dụng văn" trong khi Nhất Linh ngắn, gọn, đơn giản, ông chủ trương không làm văn (nữa), tức là bỏ lối viết văn chương của thời lãng mạn để trở về với lối viết nguyên thủy "có lời là vì ý, được ý hãy quên lời" rất Nam Hoa Kinh[8].

Nét chung giữa Proust và Nhất Linh là cả hai đều cho người đọc cái ấn tượng an lạc, hạnh phúc trong những giây phút sống lại kỷ niệm. Ở Proust là chiếc bánh madeleine chấm nước trà bất hủ. Ở Nhất Linh là dậu găng, là những cánh hoa mộc, là những chiếc bánh gai, những ngày lụt lội, những con ma ở gốc đa, ở lăng cụ Quận, những con lợn của bác Lê và những cái cốc đầu con của bác ấy. Là thằng Tý thông minh, là U già lẩm cẩm hay nói ngang phè mà có lý, là bà ký Ân Chủ Nhật Trình hay nõ mồm, mở mồm ra là "người trần mắt thịt ơi!", là ông giáo Đông Công Ích Tin Lành vừa buôn đạo vừa buôn công phiếu. Là ông Năm Bụng giắt năm chai rượu lậu trong bụng, là cụ Án bắt ruồi, cậu Ấm nói dối vợ đi bắn vịt trời để hút thuốc phiện v.v... Cái thế giới đã qua như một thời vang bóng, được Nhất Linh dựng lại như một thế giới đang còn sống bây giờ, một xã hội trúc đầu nghiêng xuống, một xã hội về chiều. Tính chất nghiêng xuống ấy là nòng cốt tác phẩm. Nghiêng xuống mà không bi quan, vẫn hóm hỉnh và hạnh phúc:


Cụ Án nghiêng người nhấc cái vung nồi cá kho dứa đặt trên cái hỏa lò con nhìn vào trong nồi và hít mũi mấy cái. Lứa cá kho này cụ thấy ngon hơn mọi lần. Trong đời cụ, cụ chỉ thích nhất ăn cá kho dứa, mùa nào không có dứa tươi thì cụ nấu cá với dứa hộp và Hải đi Hà Nội mua đạn bao giờ cũng nhớ mua mấy hộp dứa biếu cụ. Độ trước khi cụ Án ông còn sống bắt cụ rời nhà quê lên ở trên tỉnh, cụ được nếm đủ các thứ sơn hào hải vị nhưng cá kho dứa cụ vẫn thấy ngon nhất. Cá kho ăn lại đỡ tốn, mỗi miếng cá bé tý cũng ăn được bao nhiêu là cơm. Biết tính cụ nên có ai biếu cụ là biếu cá và phải là cá còn tươi nguyên. Cụ tự tay kho lấy và kho xong thì cụ treo ngay trên giường cụ ngồi, vừa tầm tay với.


Cụ đậy vung nồi và tay lại cầm lấy cái que đập ruồi. Chỉ trừ lúc giã trầu ở cối, còn thì lúc nào tay cụ cũng cầm que đập ruồi. Cụ ghét và sợ ruồi lắm. Nhưng ở chung quanh chỗ cụ ngồi thì lại có đủ các thứ để nhử ruồi đến thật nhiều; ngoài nồi cá, lại có những xâu cá mắm, những chai mật ong và những quả chuối bao giờ cũng chín đen chín nát. Vì cụ bại một chân đi phải chống nạng nên ít khi cụ đi lại. Giang sơn cụ và cả đời cụ vì thế thu hẹp trong phạm vi cái giường cụ ngồi. Tất cả những thứ gì cụ cần dùng đều để ở trên giường và ở cái tủ chè cạnh giường. Chỉ trừ có số tiền cụ để dành được là cụ dấu ở chỗ khác.


Vì cụ không đi lại được nên chỉ đánh được những con ruồi ở trên giường. Để bắt ruồi chung quanh giường cụ nuôi cò ruồi, nhưng con cò không được bắt ruồi trên giường. Có con ruồi nào vừa bay đến đậu trên chiếu mà con cò định mổ thì cụ đã nhanh tay đập trước; đập xong cụ hất ruồi xuống đất cho cò ăn. Lần nào con cò nhanh hơn mổ cướp của cụ một con ruồi trên chiếu là cụ lấy cán que đập ruồi đập vào đầu con cò một cái để phạt nó hỗn. Có một con cò lâu dần hiểu được chỗ đó nên không bao giờ mổ tranh ruồi của cụ; cụ thích lắm và khoe với tất cả mọi người, nhưng sau con ấy bị chó cắn chết mất (trang 288, 289, sđd).


Còn gì bi hài hơn một cụ Án về già, từ một cụ Án bà quyền quý, có thể đã có thời dựa vào uy thế cụ ông, hét ra lửa, vậy mà bây giờ giang sơn cụ thu hẹp lại còn có cái giường, mà cũng không phải cả cái giường, các thứ lủng củng chiếm đến nửa, phần còn lại cụ ngồi chung với ruồi, cụ đập ruồi, tranh với cò, bên cạnh nồi cá kho, xâu cá mắm ... Hoàn cảnh cụ không khác gì lắm với gia đình bác Lê, những ngày nước lên phải ngủ chung với lợn. Nhưng cảnh cụ còn bi đát hơn, vì cụ có con cò tâm đắc nhất thì nó lại bị chó cắn chết.


Không thể biết rõ Xóm Cầu Mới ở vào thời nào, chỉ biết mang máng như là khoảng nửa đầu thế kỷ XX, bản đồ Xóm Cầu Mới mang máng giống bản đồ huyện Cẩm Giàng, Nhất Linh làm bàng bạc thời gian, tạo nên tính chất vô định của tất cả những thời đại đang suy tàn. Mà thời đại nào rồi cũng phải suy tàn, những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ, như câu thơ Vũ Đình Liên, đó là lý do tồn tại của những kẻ đi tìm thời gian đã mất.



*

Xóm Cầu Mới là một xã hội giai cấp mà lại như không còn giai cấp, các giai cấp đã lộn tùng phèo, chỉ có tương quan giữa người và người: giữa bác Lê và thằng Tý, giữa cụ Án và những con ruồi, con cò, giữa Mùi và U già, giữa Bé và Đỗi, giữa bác Lê gái và bác Lê trai, v.v... và trong những tương quan ấy, phái mạnh, hay phái khỏe, thường có vẻ kém thế trước phái yếu.


Cụ Án thua xa con ruồi, yếu thế hơn con cò, bác Lê trai, trừ lúc say rượu làm càn, còn thì vẫn sợ bác gái nen nét, rồi bác gái lại thua thằng Tý, Mùi khôn ngoan nhưng chẳng bao giờ cãi lý được với U già ... Những trái khoáy ấy gián tiếp hóm hỉnh lật đổ những lập thuyết hùng hồn về các sự đấu tranh giành quyền bình đẳng như đấu tranh giai cấp, đấu tranh nhân quyền... Trong Xóm Cầu Mới, các hình thức đấu tranh trở thành ngớ ngẩn, bởi mối tương quan giữa người và người, người và vật, ở đây, là một tương quan tự nhiên, tự tại, cuộc đời bầy ra như thế: trong những bất bình đẳng đã có bình đẳng, đó là mối tương quan nguyên thuỷ mà các lớp áo ngoài như giầu sang, sức mạnh, thế quyền ... chỉ hời hợt phủ lên. Nhất Linh gạt bỏ lớp áo ngoài thô thiển, để khắc họa con người từ những nét nguyên thủy, bản năng và do đó, chúng thật hơn tất cả những chân dung đã bị tù túng trong những lớp áo choàng xã hội.


Xóm Cầu Mới là một cái làng nguyên thủy, từ đó phát xuất những "mẫu người", "mẫu mô tả", "mẫu tâm lý", chúng tạo nên một "trường phái Nhất Linh" với những đặc điểm:


- Khắc họa chân dung bằng cách đặt tên: Nhất Linh tạo ra những biệt hiệu mang hình ảnh và tư cách con người. Lối đặt tên như vậy nằm trong đời sống, nhưng khi ông đưa vào tiểu thuyết nó trở thành một khởi thủy. Những khuôn mặt như bà Chủ Nhật Trình, ông Năm Bụng, ông giáo Đông Công Ích Tin Lành ... là những tiên phong, vì trước ông, chưa thấy ai đưa ra một "hệ thống" đặt tên như thế và sau ông, có những ông Ba Thê Đồng Thời, anh Bốn Thôi, ông Bốn Tản, chị Bốn Chìa Vôi ... của Võ Phiến. Đó là một nối tiếp "truyền thống" Nhất Linh, hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Chắc không phải ngẫu nhiên, vì trong những tác phẩm đầu của Võ Phiến, chưa thấy xuất hiện cách đặt tên như vậy.


- Khắc họa chân dung bằng một câu nói, một dáng điệu như bà Chủ Nhật Trình luôn luôn mở miệng ra là "người trần mắt thịt ơi", Triết hay "ngồi buồn", bác Lê hay "cốc đầu" các con ... Cách xác định cá tính nhân vật bằng một nét cố hữu này từ Tolstoi chuyển đến Nhất Linh, rồi từ Nhất Linh qua Nhật Tiến, tạo ra những nhân vật cực kỳ sống động trong Thềm Hoang với những cô Huệ mở mồm ra là "khỉ gió đùng lăn!", cô Đào mở mồm là "khắm chửa!"...


- Khắc họa toàn cảnh bằng một chi tiết (phương pháp hoán dụ).


Nhất Linh không chỉ ảnh hưởng đến những người đến sau bằng cách đặt tên, hoặc cách sống động hóa nhân vật mà còn ở cả lối nhận xét chi li, và nhất là cách mô tả toàn cảnh bằng một chi tiết mà sau này người đọc có thể thấy lại trong các tác phẩm của Võ Phiến, Võ Đình... Biện pháp hoán dụ chỉ dùng một chi tiết va chạm thể xác như đụng chạm ngón tay, bàn chân hoặc đôi khi không cần va chạm thể xác mà chỉ một cái nhìn trộm cũng đủ diễn tả những mãnh liệt của nhục cảm trong đầu các nhân vật.


Nhất Linh đã dùng thủ pháp này từ Bướm Trắng trong hai xen độc đáo: Trương nhìn trộm bàn tay của Thu trên tấm chăn "trên nền vải trắng một bàn tay của Thu hiện ra trước mắt chàng" (trang 54), và Trương úp mặt vào chiếc áo cánh của Thu "nhìn qua khung cửa sổ ra ngoài không thấy bóng ai, Trương với chiếc áo cánh của Thu rồi úp mặt vào chiếc áo mà chàng âu yếm vò nát trong hai bàn tay. Lụa áo Trương thấy mềm như da người và mùi thơm hơi cay, không giống hẳn mùi thơm của nước hoa -xông lên ngây ngất" (trang 59). Trong cả hai xen, đều không có "công-tắc" thể xác trực tiếp, Nhất Linh không cần mô tả kỹ càng theo lối viết hiện thực, cũng không cần cường điệu bằng bất kỳ một thái quá nào. Tất cả được dàn dựng như một tấu khúc.


Chi tiết "bàn tay của Thu trên nền vải trắng" là khúc dạo đầu, dẫn đến những đam mê siêu hình trong các điệp khúc kế tiếp: ám ảnh "bàn tay" triền miên chi phối Trương, thức, ngủ, lúc nào cũng mơ tưởng đến "bàn tay". Rồi từ bàn tay, Trương lây sang chiếc áo cánh Thu vắt trên ghế. Tới đây, tất cả chỉ mới là thầm, trộm. Nhưng đến lúc gặp Thu, Trương (lộ liễu) chăm chú nhìn vào "bàn tay" làm cho "nàng thấy ngượng và rờn rợn sợ" (trang 58). Tức khắc, những ám ảnh không còn siêu hình nữa mà đã truyền sang Thu như một luồng điện thể xác gần như sinh lý, chúng dẫn đến đỉnh cao là xen hai: Trương úp mặt vào chiếc áo cánh khi Thu đi khuất; nhưng Thu lại quay lại, nhìn trộm thấy việc Trương làm. Nguồn phát xuất nhục cảm, ở đây, là những cái nhìn, nhìn trộm. Điểm nhìn trộm kích thích ngũ quan, làm chúng nổ bùng lên như một hỏa diệm sơn cảm giác.


*


Ở Xóm Cầu Mới, Nhất Linh thao túng các nhân vật bằng chính giác quan và fantasme của họ. Mùi, có lẽ là nhân vật tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, có những fantasme tính dục táo bạo. Nhưng tính "đĩ ngầm" của nàng được trình bầy một cách tự nhiên, tế nhị, gợi cảm và "vô tội". Mùi trở thành một "trường hợp", một biểu tượng của nhục cảm, bởi Mùi là một mẫu người bản năng, nguyên thủy, đã được Nhất Linh cởi bỏ lớp áo ngoài của luân lý xã hội. Mùi "ngủ" với lá thư của anh Siêu, Mùi quất tay vào dậu găng cho chẩy máu, hai lần Mùi rửa chân với anh Siêu ở hai "nồng độ" khác nhau, mưa lụt, Mùi bắt anh Siêu bế, Mùi nằm trên giường của anh Siêu, .... Những hành động của Mùi tự nhiên như Đỗi dẫm lên chân Bé (để tỏ tình), như ông Giáo Đông "cầm nhầm" cái khăn che mắt của Bé lại hí hửng tưởng là khăn mùi-xoa của Mùi ...


Chuyện đôi con dì yêu nhau là một sự loạn luân cấm kỵ. Nhưng Nhất Linh đã phiêu lưu vào thế giới cấm kỵ ấy một cách thản nhiên. Một Nhất Linh hoàn toàn tự do, biết mình nắm trọn mọi nhu yếu cần thiết của kỹ thuật và nghệ thuật viết văn, biết mình có thể san định những khoảng trời bão táp. Nhất Linh đưa hết sở trường của mình vào tác phẩm. Xóm Cầu Mới bắt đầu bằng hình ảnh: Mùi tỉnh dậy, sau một đêm hạnh phúc với "lá thư" của Siêu, người anh họ, Mùi "phạm cấm" lần đầu vì đã "nằm ngủ một đêm với bức thư của anh Siêu", như một Eva ăn trái táo, và từ đó phát xuất cá tính của Mùi, một cô gái quê, con một cụ Lang, sống hồi đầu thế kỷ. Mùi có quán bán nước, bán thuốc, bán bánh cuốn, bán gạo. Mùi là hình ảnh cô gái quê tần tảo, một bà Tú Xương tương lai, là cô hàng xén trong truyện ngắn Thạch Lam, là cô hàng xóm trong thơ Nguyễn Bính. Đó là phần hình thức. Về mặt tư tưởng, Mùi táo bạo và sống động hơn nhiều. Mùi có một đời sống nội tâm phức tạp mà các cô kia chưa bao giờ có. Mùi mới hơn cả Loan trong Đôi Bạn, Đoạn Tuyệt, khác hẳn Nhung trong Lạnh Lùng, và tự do hơn nhiều cô gái tỉnh thành thời nay. Nàng dám để cho nhục cảm dẫn dắt, không lúc nào Mùi bị mặc cảm hoặc tự kiềm chế, mặc dù biết tình yêu của nàng với Siêu là cấm kỵ:


"Mặc dầu Siêu với nàng là đôi con dì không lấy được nhau nhưng cái mãnh liệt của tình yêu ấy không mảy may làm nàng sợ hãi; nàng lại thấy mừng không ngờ mình yêu đến thế. Nàng đón lấy nó như hiện giờ này nàng đón lấy cơn gió lạnh sắc đương quất vào hai bên má" (trang 19, sđd).


Trong Văn Học Việt Nam ít có cô gái quê nào táo bạo như Mùi. Mùi tự do và biết mình tự do vì Mùi tạo nên hoàn cảnh mà không chạy theo hoàn cảnh. Tình yêu của Mùi và Siêu đậm dấu ấn thể xác nhưng lại là thứ thể xác não thùy, phát xuất từ tình yêu nguyên thủy, xẩy ra ở trong óc nên không thể phạm tội. Không riêng về tình yêu nhục dục mà tất cả những nhân vật hay những bối cảnh mà nhân vật tạo ra trong Xóm Cầu Mới, đều ít nhiều nằm trong trạng thái bản năng nguyên thủy. Ví dụ trí thông minh của thằng Tý, phát xuất tự bản năng: mới chín tuổi nó đoán được ý bố nó, nó đoán được ý con lợn, nó tìm những giải pháp lô-gích đo quần áo mà mẹ nó không nghĩ ra v.v... Tình yêu của Đỗi và Bé cũng là một tình yêu bản năng: Cặp trai gái làng này tỏ tình bằng cách dẫm chân lên nhau, rồi những ngón chân ấn lên một tý, mỗi lần ấn là một lần tăng nồng độ tình yêu. Nỗi buồn của Triết, em trai Mùi, cũng là nỗi buồn nguyên thủy, Mùi không biết tại sao em mình hay ngồi buồn, cả đến việc chơi bươm bướm của Triết, Triết chơi với những con "bươm bướm ma", và đó lại là một lối chơi buồn mà chính Triết cũng không biết là mình buồn. Tính lẩm cẩm của U già là một hình thức truy lùng sự thật, tìm về nguyên thủy: Thật ra U già không lẩm cẩm, u còn lô-gích nữa là khác, U già lật tẩy những ý nghĩ trong đầu Mùi. Mùi biết là lần nào mình cãi nhau với U già cũng thua, nhưng nhà vắng quá, thỉnh thoảng Mùi phải tìm cách cãi nhau với U cho có tiếng nói, và U già mỗi lần thấy Mùi gắt là lại nói ngang phè. Những cơn say của bác Lê là để thỏa mãn cái thèm, che lấp cái nhát, cái bản năng sợ vơ. Bác biết trước là uống rượu vào sẽ đánh vợ đánh con, nhưng bác không thể tránh được, bác cố nhịn, nhưng đến phút chót cái thèm vẫn ăn đứt bác và bác lại chịu thua cái thèm ... Tất cả những "kỹ thuật" xây dựng nhục dục trên bàn tay, cánh tay, ngón chân, trên những mảnh thân nhỏ nhất, trong những cử chỉ tầm thường nhất, do Nhất Linh sáng tạo, sẽ được Võ Phiến thừa kế như một môn đệ và Võ Đình nối tiếp Võ Phiến.



Xóm Cầu Mới tập hợp những con người trong trạng thái bản năng nguyên thủy. Nhất Linh tìm đạt đến cối rễ của cá tính, của bản ngã, như thể ngòi bút của ông đã là nhân vật; rồi chính những nhân vật ấy lại dẫn dắt ngòi bút đi, tạo nên những cuộc đời chưa thành hình. Xóm Cầu Mới là tác phẩm dang dở, hình như Nhất Linh mới viết được có một phần ba, cũng là một tác phẩm chưa thành hình. Ngòi bút vừa xây nên nhân vật lại vừa từ nhân vật đi ra, tự nhiên như không phải tả gì cả. Có thể là Nhất Linh đã tìm được nguồn cội hành vi và cảm giác của con người và có lẽ đó là sự thành công sâu sắc nhất của Nhất Linh.



Nhất Linh, Giòng Sông Thanh Thủy



Nhất Linh bắt đầu viết Giòng Sông Thanh Thủy ngày 28/11/1960. Cuốn đầu, Ba Người Bộ Hành, 248 trang, trong vòng một tháng. Hai tập sau chắc cũng hoàn tất rất nhanh bởi toàn bộ ba cuốn, hơn 600 trang, được nhà Đời Nay in năm 1961, hai năm trước khi Nhất Linh quyết định tự chấm dứt đời mình.


Tại sao lại có Giòng Sông Thanh Thủy? Bộ tiểu thuyết vượt ra ngoài cõi viết của Nhất Linh, một người mà cho đến năm 1960 vẫn loại chính trị ra ngoài văn học? Phải chăng Nhất Linh muốn để lại một tự phán của nhà văn Nhất Linh về nhà chính trị Nguyễn Tường Tam, và qua đó là bản án của văn học đối với cách mạng?


Giòng Sông Thanh Thủy là một trường giang tiểu thuyết, gồm: Ba Người Bộ Hành, Chi Bộ Hai Người và Vọng Quốc. Toàn bộ viết về thời kỳ cách mạng Việt Nam tại Trung Hoa, thời kỳ 44-45, trên trục Côn Minh, Khai Viễn, Mông Tự, Hà Giang mà hoạt động chính trị của Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng, ở vào thế phải diệt nhau bằng những phương tiện tàn bạo nhất: ám sát, thủ tiêu. Hai nhân vật chính trong truyện: Ngọc, cán bộ Việt Quốc, Thanh, cán bộ Việt Minh, đều biết người nọ có nhiệm vụ phải giết người kia nhưng đồng thời họ cũng yêu nhau bằng một tình yêu tuyệt đối: tình yêu đến chết.


Về văn phong và nghệ thuật, Giòng Sông Thanh Thủy không phải là tác phẩm nổi bật nhưng là cuốn sách mạnh nhất về tư tưởng và chính trị của Nhất Linh, ông điều tra về con người, về các guồng máy chỉ đạo con người, về tội ác, về sự nhân danh lý tưởng, tổ quốc dẫn đến tội ác, về chỗ đứng của tình yêu, bên cạnh tội ác. Tóm lại là sự sa đọa của con người trong các guồng máy cách mệnh Việt Quốc và Việt Minh nói riêng, và qua đó là sự sa đọa của con người trong các guồng máy cách mạng nói chung.


Giòng Sông Thanh Thủy không phải là cuốn tiểu thuyết chống Cộng sản, bênh Việt Nam Quốc Dân Đảng, ở đây Nhất Linh đứng lên trên địa vị đảng trưởng, ông dùng địa vị nhà văn để phân tích tâm lý và hành động của những người bẩm sinh hiền lành, nhân ái, nhưng khi đã sa vào guồng máy cách mạng, có thể trở thành những kẻ sát nhân lạnh lùng, không chút rùn tay, chùn bước. Giòng Sông Thanh Thủy là tác phẩm phản đề, phản lại những mẫu người cách mệnh trước, như Dũng, như Trúc v.v..., những nhân vật lãng mạn làm cách mạng mà không nhúng tay vào tội ác. Với Giòng Sông Thanh Thủy, Nhất Linh xác định: cách mạng và tội ác đi đôi với nhau, không thể khác. Trong Giòng Sông Thanh Thủy, Nhất Linh nhà văn, kết án Nguyễn Tường Tam nhà cách mạng, và đưa ra chân lý: cái đẹp trong văn chương và ý nghĩa nhân bản của văn học sẽ còn tồn tại lâu dài, như thơ Tô Đông Pha, Đỗ Phủ, trong khi những thành bại chiến tranh Chu Du, Tào Tháo ... đều đã trôi vào quên lãng. Hiển nhiên hơn, 40 năm trôi qua, Nhất Linh nhà văn vẫn còn tồn tại, trong khi nhà cách mệnh Nguyễn Tường Tam đã đi vào bụi bặm của thời gian. Đó là ý nghĩa sâu xa của tác phẩm.



*


Giòng Sông Thanh Thủy được cấu trúc như một tiểu thuyết trinh thám mà các đối thủ truy tìm chỗ hở của nhau để ra tay, toàn thể lồng trong không khí nghi ngờ, một nỗi nghi ngờ bệnh hoạn: không biết đối phương là ai? Là gián điệp đơn phương hay nhị trùng? Kẻ mình sắp giết có phải là nội gián cho địch? Hay chính mình sẽ bị địch giết trước? Ba Người Bộ Hành mở vào cạm bẫy, rình rập tay ba giữa Ngọc, Tứ và Nghệ. Trong khi Chi Bộ Hai Người, tìm sự đối chất tay đôi giữa Ngọc và Thanh. Cuối cùng, Vọng Quốc theo dõi đường về cõi chết của hai người.

Những nhân vật chính (cán bộ Việt Quốc và Việt Minh) xuất thân ở những môi trường khác nhau, họ tình cờ làm cách mệnh hơn là vì lý tưởng.


Ngọc (Việt Quốc) đang đi học, vì gia cảnh sa sút nên phải bỏ dở để học nghề đan ren ở làng bên cạnh. Ngọc yêu Thúy, con ông chủ. Thúy ho lao, mất. Đang bàng hoàng trước cái chết của Thúy, Ngọc được Lê, anh ruột Thúy dẫn vào cách mạng, trở nên một cán bộ giao liên, phụ trách thủ tiêu những phần tử Việt Minh. Thanh (Việt Minh) được lệnh trà trộn vào hàng ngũ Việt Quốc ở Vân Nam và Hà Giang, quyến rũ Ngọc, giết Ngọc và tiêu diệt toàn bộ Việt Quốc. Thanh xuất thân con nhà giàu, có học, lấy chồng nhưng người chồng chơi bời, tiêu hết tiền hồi môn của vợ, hai người ly dị, Thanh gặp người tình thứ nhì, lại bị lừa lần nữa, thất vọng, gia nhập Việt Minh.


Những nhân vật khác cũng theo cách mệnh vì những lý do cá nhân hơn là vì lý tưởng, như Nam, trước làm y tá, vì nhà sa sút nên phải lấy một người chồng Tàu, theo chồng sang Văn Sơn; chồng chết, ở hẳn lại Vân Nam, làm nghề thầy thuốc, đỡ đẻ và gia nhập Việt Quốc, thi hành các vụ thủ tiêu. Nam, dưới mắt Ngọc, "là người rất hiền lành thế mà bây giờ nàng cũng giết người không khác gì chàng" (Ba Người Bộ Hành, trang 110). Về việc Nam thủ tiêu Vương Đức, một cán bộ Việt Minh, Ngọc nghĩ: "chàng chưa hiểu được tại sao một người đàn bà nhu mì như Nam lại có thể giết người, mà lại tự ý giết một cách độc ác như thế, chàng thốt nhớ lại câu Thanh nói: "Bị cái guồng máy nó lôi kéo." [...] Ý nghĩ về cái tốt, cái xấu ở đời lại lảng vảng trong đầu óc chàng, [...] cũng như Tứ và Nghệ, đều là những người tốt, có lòng nhân đạo [...] Ngay lúc Nam kể cho chàng nghe về việc giết Đức, chàng không khỏi ghê tởm vì lòng độc ác của con người; chàng thấy thương hại cho Đức khi bị Nam bóp cổ; đôi mắt mờ ấy biết đâu đã không đau khổ vì không hiểu và biết đâu Đức không có cha mẹ, vợ con hay một người yêu và trước khi chết đã không nghĩ tới những người thân yêu đó" (Ba Người Bộ Hành, trang 115)


Ngọc không hiểu tại sao Nam, một phụ nữ hiền lành, một bà đỡ, một thầy thuốc chuyên chữa bệnh cho người nghèo, một người "cứu nhân độ thế" mà lại có thể giết người không gớm tay, cũng như Ngọc không hiểu được chính mình, tại sao có thể thẳng tay thủ tiêu hai cán bộ Việt Minh, Tứ và Nghệ, một cách tàn ác và lạnh lùng không kém.


Ba Người Bộ Hành, mổ xẻ sự "không hiểu" ấy và mô tả tâm lý rình rập giữa Ngọc, Tứ và Nghệ. Cả ba đều đã dùng những thủ đoạn "dối trá, gian giảo, độc ác để hạ thủ nhau": "Họ rình nhau như những con thú dữ mà người nào cũng vì một lý tưởng mình cho là cao đẹp" (Ba Người Bộ Hành, trang 207). Ở đây, Nhất Linh đã viết những trang lạnh lùng và rùng rợn nhất về tội ác của con người, nhân danh cách mạng. Ngọc dẫn Tứ và Nghệ đến một chỗ được gọi là "chỗ ấy", tức là nơi Ngọc sẽ thi hành bản án; trên đường xuyên núi rừng, phong cảnh hùng vĩ, Ngọc vừa đi vừa hát "Chàng cất tiếng hát cao giọng, đi thật mau cho bước chân ăn nhịp với bài hát mà chàng cố hát thật mau:


Hồn nước muôn năm sống cùng non nước!
Ngày nay ta noi tấm gương anh hùng,
Dù khó thế mấy quyết cùng nhau bước,
Chàng chuyển sang điệp khúc:


Mau, mau đồng lòng, tay cầm tay, trông cờ nước, ta đều bước,


Tuốt gươm, thề với núi sông ...


Hồn nước muôn năm sống cùng ...


Bài hát ấy là của Lưu Hữu Phước, đảng viên Việt Quốc trong thời kỳ bí mật từ trong nước truyền ra." (Ba Người Bộ Hành, trang 214)


Nhất Linh đã dùng tâm lý nghệ thuật để giải thích câu hỏi: Tại sao một người "bình thường" như Ngọc, có thể giết người -người đồng loại- cùng chung một lý tưởng đánh đuổi ngoại bang như thế? Câu trả lời có thể rất đơn giản: Họ giết người theo đơn đặt hàng của "tổ quốc". Lạnh lùng hành sự, không chút chùn tay, vì cho rằng mọi hành động của họ đều "vì tổ quốc", đều được tổ quốc phù trợ. Tổ quốc trở thành Thượng Đế, một thứ cứu cánh biện minh cho phương tiện. Tổ quốc -cái tổ quốc ấy- được những giáo sĩ, tông đồ, thừa sai, ... rao giảng. Mỗi nhóm thừa sai có một ý nghĩa tổ quốc khác nhau: Tông phái Việt Minh và thiền phái Việt Quốc không cùng chung quan niệm về tổ quốc, về chính thể, về tổ chức xã hội... dù họ cùng là người Việt. Cho nên những pháp tăng như Lưu Hữu Phước, nay có thể cổ võ cho Việt Quốc, mai trở cờ đón gió Việt Minh, nhưng vẫn ở trong lòng "tổ quốc" và vẫn có thể nhân danh tổ quốc để thanh toán, loại trừ nhau. Ở đây, cái ác của con người đã được mặc đồng phục tổ quốc để hành sự. Ngọc cũng là người bình thường như tất cả mọi người, nhưng khi cái ác trong anh được tổ quốc trưng dụng, anh có thể bình tĩnh làm những hành động điên cuồng nhất mà lương tâm không mảy may dầy vò. Lương tâm đã bị "chính nghĩa" chinh phục, nó cấm khẩu.


Vô hiệu hóa được lương tâm, Ngọc sung sướng thưởng thức cảnh đẹp, say sưa với nhịp bước hùng ca và tự do hành sự. Sau khi đã bỏ thuốc độc trong cà phê cho Tứ và Nghệ rồi, "chàng nhấc thây của Nghệ và Tứ đem ra đặt sát gần bức vách núi rồi đẩy mạnh một cái. Hai cái xác rơi từ trên cao xuống, lọt vào khe mấy tảng đá. Đứng ở trên còn thấy hở ba cái chân, Ngọc bẻ một cành cây rậm lá quăng xuống, chàng phải quăng xuống bốn năm cành mới có một cành trúng và che phủ mấy cái chân hở. [...]


Ngọc ngẩng lên: trời cao và xanh, lơ lửng một vài đám mây trắng. Các ngọn núi bao bọc chung quanh dưới ánh sáng mùa thu trong có một vẻ đẹp rực rỡ mà vẻ đẹp của trời thu như còn xa hơn nữa; nắng đẹp ở vườn sau nhà Thanh, nắng làm rám da mấy quả lựu và làm hồng đôi gò má Thanh đương đứng ngắm những cánh hoa lựu trắng, nắng còn đẹp ở những nơi xa xa nữa; lúc này Nga đương ra vườn cất quần áo đã khô, lòng chợt nhớ đến chồng, mong ngày chồng về; nắng đẹp ở trong vườn người chị thân yêu của chàng giờ này có lẽ đương cau mũi và mắng chàng:


- Thằng Ngọc chết tiệt, đi đâu biệt tích không một lá thư gửi thăm nhà." (Ba Người Bộ Hành, trang 237-238).






Phải có một bản lĩnh cao cường như Nhất Linh mới có thể hòa trộn tội ác trong bối cảnh trời cao, mây rộng, yêu nước và yêu người như thế. Như để báo trước chủ đề: thế giới tâm linh không có lằn ranh thiện ác, trước khi vào truyện Nhất Linh đã dẫn hai câu thơ Nguyễn Du:


...Trời kia đã bắt làm người có Nhân[9]...


... Đã mang lấy nghiệp vào thân...


Và lời Pascal:


Vérité en deçà des Pyrénées, erreur au delà.


(Bên này dãy núi Pyrénées là sự thực, bên kia là sai lầm).


Nhất Linh thay rặng Pyrénées của Pascal bằng dòng sông Thanh Thủy: Trong con người không có rặng Pyrénées, cũng không có dòng sông Thanh Thủy, hoặc nếu có thì cả núi lẫn sông đều chìm lấp trong cái vực chung thiện ác là trái tim.


Ngọc và Thanh là tên một loài lan quý (Giòng Sông Thanh Thủy in 10 bản trên giấy Thanh Ngọc với 17 phụ trang do chính Nhất Linh vẽ). Lan Thanh Ngọc mà Nhất Linh đã tha thiết vun trồng bên dòng suối Đa Mê, được minh họa ở trang đầu với những dòng:


Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng


Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần.


Thơ và họa dạo đầu, phác thảo chân dung hai nhân vật chính, vừa trong như Ngọc, vừa Thanh như lan, nhưng chẳng bao lâu sẽ hóa thân thành ác quỷ, một khi họ bị guồng máy cách mệnh cuốn về hai phía đối đầu: quốc gia và cộng sản. Thanh Ngọc chỉ là tại kiếp, trước họ đã có tiền kiếp Linh Giang, sau họ là hậu kiếp Bến Hải. Hai trăm năm, hai mươi năm, vận hạn ngắn dài, tùy theo lịch sử và con người, nhưng tựu trung tất cả đều là những linh hồn đồng bệnh.


Cho nên, tác phẩm của Nhất Linh không chỉ viết cho một thời mà ông viết cho nhiều thời, không chỉ là sự tranh chấp giữa Việt Quốc - Việt Minh những năm 45, mà còn bao trùm những tranh chấp đã có từ trước Nhất Linh, sau Nhất Linh... hai trăm năm, hai ngàn năm ... những guồng máy tranh chấp chưa bao giờ ngừng quay từ khi có loài người. "Thanh nói với Ngọc:


- Cái guồng máy ấy vẫn còn, còn mãi. Anh đã xem Đông Chu Liệt Quốc và Tây Hán chứ?


- Có, tôi có đọc nhiều lần.


- Đấy, anh xem cái guồng máy đã có từ mấy nghìn năm trước. Anh chắc còn nhớ Vệ Ưởng nước Tần, Phạm Lãi với Văn Chủng nước Việt, Hàn Tín với Trương Lương đời Tây Hán. Vệ Ưởng, Văn Chủng, Hàn Tín đều bị cái guồng máy nó nghiền nát nhừ cũng như nó sẽ nghiến anh Ninh và cả anh nữa. [...] Anh bị lôi cuốn vào đó và tôi cũng vậy." (Chi Bộ Hai Người, trang 86)


Thanh gần gũi với Nhất Linh, tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp, có tư tưởng. Đã bao lần Thanh muốn bỏ tất cả để tìm đến thiên thai với Ngọc. Họ đã sống những giây phút thần tiên, lãng mạn với nhau, đã đi thuyền trong trăng, đã dạo vườn đào Côn Minh như Lưu Nguyễn. Thanh đã muốn bỏ tất cả tục lụy, tranh chấp, chém giết, nhưng guồng máy không tha cho Thanh, không tha cho Thanh-Ngọc. Như Thanh, Nhất Linh cũng đã bỏ tất cả, lên Đà Lạt tu tiên, tìm một cõi đam mê, vượt khỏi bậm bụi cuộc trần, nhưng rồi rút cục Nguyễn Tường Tam cũng không thoát khỏi guồng máy, lại trở về trần, trở về với đấu tranh chính trị, để rồi bị guồng máy chính trị nghiền nát. Nhất Linh gánh cái nghiệp của nhà văn và nhà cách mạng: cả hai đều biết rất rõ về nhau nhưng không buông tha nhau và đeo đuổi nhau đến hơi thở cuối cùng. Văn chương và cách mạng đối với Nguyễn Tường Tam Nhất Linh như Ngọc và Thanh, như lan Thanh Ngọc, là một thứ tình yêu lạ lùng, tình yêu đến chết.


Khi Ngọc và Thanh biết đích xác nhiệm vụ của nhau, họ cùng đi với nhau đoạn đường cuối tên là Vọng Quốc. Họ cùng vọng quốc như nhau, cùng rời Côn Minh đi về biên giới, vượt cầu sang sông Thanh Thủy, về Hà Giang để phụng sự đất nước.

Đất nước là của chung, nhưng cách phụng sự đất nước của đảng họ lại khác. Cho nên phải giết nhau. Đoạn đường cuối ấy được Ngọc cảm nhận như sau: "Ngọc cho cuộc đi với Thanh về Hà Giang như một cuộc tìm kiếm thiên thai; thân chàng dù có bị guồng máy nghiến nát nhưng linh hồn chàng theo lời Thanh vẫn thường nói, sẽ tan đi như hạt muối trong nước hay biến thành một niềm vui hòa loãng trong cái mênh mông của hư vô. Phạm Lãi, Tây Thi chết đã mấy nghìn năm nhưng tâm hồn hai người vẫn tồn tại trong tâm hồn nhân loại." (Vọng Quốc, trang 92)


Trong hành trình này, hai người đã đồng ý với nhau rằng trước khi chết, nếu được nhìn một hình ảnh đẹp, nghe một điệu nhạc hay, thì cái chết chắc sẽ bớt đau hơn. Và họ cũng đạt đến giây phút thần tiên ấy:

"Thanh để hết cả tâm hồn khe khẽ ngâm, tiếng thoảng nhẹ như hơi gió trong đêm trăng sương mù:

Đêm sương thoảng tiếng ai trong gió,
Lòng hỏi lòng biết có hay không?
Hay chăng tiếng vọng mơ mòng
Của lòng mình nói cho lòng mình nghe...


Tiếng ngâm rứt đã từ lâu nhưng dư âm còn vang mãi trong hồn Ngọc. Tự nhiên chàng nghĩ đến hôm đi chơi hồ, Thanh ngâm bài phú Xích Bích và nói bây giờ còn đâu Tào Tháo, Chu Du nhưng câu thơ hay của Tô Đông Pha và ánh trăng trong trên dòng Xích Bích thì còn mãi mãi. Chàng nghĩ Thanh và chàng có thể lát nữa sẽ chết, Việt Quốc, Việt Minh ám hại lẫn nhau cũng không còn nữa. Nhưng tiếng ngâm của người yêu thì như mãi mãi bàng bạc trong không gian của những đêm sương lạnh." (Vọng Quốc, trang 208).

Có phải đó là chúc thư văn học của Nhất Linh? Phải chăng Nhất Linh muốn nhắn lại rằng tất cả những tranh giành, quyền lực, lý tưởng ... rồi sẽ chết cùng với con người. Nhưng tiếng thơ không chết. Tô Đông Pha không chết, cũng như Nguyễn Tường Tam đã phần nào chìm trong quên lãng nhưng Nhất Linh sẽ sống mãi với Đôi Bạn, Bướm Trắng, Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy ... trong lòng người.


Với Nhất Linh, thực thể duy nhất đọng lại, kết tinh trên đống xương tàn, trên những nấm mồ của các guồng máy đấu tranh, vẫn là cái đẹp. Cái đẹp là khối tinh anh kết tụ cả thiên nhiên, vũ trụ lẫn con người. Cái đẹp có giá trị phi lịch sử, phi thời gian. Vượt trên mọi tranh chấp, cái đẹp không phải giết người mà vẫn bất tử. Cái đẹp là cứu cánh, cứu rỗi, không độc tôn như Thượng Đế mà đa dạng, ai cũng có thể chiếm hữu và chia xẻ. Bản thân cái đẹp có thể chinh phục tất cả mọi linh hồn mà chẳng cần mảy may bạo động.


Paris, tháng 5/2002, tháng 6/2003




[1] Viết theo tiểu sử Nhất Linh, Nguyễn Ngu Í, Sống Và Viết Với ..., Sàigòn 1966, Xuân Thư in lại, không đề năm. Trong chú thích, Nguyễn Ngu Í viết: "Tiểu sử này, do chính Nhất Linh đọc cho tôi viết và đã xem lại trước khi in, tôi xin giữ trọn vẹn và không thêm đoạn đời từ thu 1954 đến thu 1963, để giữ chút kỉ niệm về anh. Khi tái bản sẽ in bổ túc." Và Nguyễn Ngu Í mất tháng 8 năm 1977 tại Sài Gòn. Hình như sách chưa tái bản khi còn sinh thời Nguyễn Ngu Í, cho nên chúng ta không có được phần tiểu sử Nhất Linh từ 54 đến 63, do chính ông biên soạn.

[2] Trích Chân Dung Nhất Linh của Nhật Thịnh, t.128-129, Ðại Nam tái bản, không đề năm, Tú Mỡ trả lời Lê Thanh trong bài Phỏng vấn các nhà văn.

[3] Nhất Linh viết là Giòng Sông Thanh Thuỷ.

[4] Các cháu của Nhất Linh như Duy Lam, Thế Uyên, đều có ý chê những tác phẩm của ông in sau 1954. Cả em ruột Nhất Linh, Nguyễn Tường Bách cũng viết trong hồi ký: "Sau này, ở miền Nam, anh lại viết thêm vài cuốn như Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy ... Những tác phẩm này kém xa ngày trước vì anh không còn những cảm thụ độc đáo như ngày còn trẻ và cũng mất cả vẻ hồn nhiên trong tâm linh, sau khi đã trải qua những ngày vật lộn chính trị kinh hồn." (Việt Nam, Những Ngày Lịch Sử, t. 50, Nhóm Nghiên Cứu Sử Ðiạ, Montréal, 1981)

[5] Nhà xuất bản Đời Nay, hải ngoại in lại, không đề năm.

[6] Viết Và Đọc Tiểu Thuyết, Nhất Linh, nhà xuất bản Đời Nay, 1969, trang 69, câu này Nhất Linh trích từ lời của một nhà phê bình viết về cuốn Anna Karénine của Tolstoi, mà ông cho là một mẫu mực của tiểu thuyết.
[7] Xóm Cầu Mới, Phượng Giang, 1973, in lại ở Hoa Kỳ, không đề năm, không đề nhà xuất bản, trang 13.

[8] Những nhà văn lớp sau như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến... đã ít nhiều chịu ảnh hưởng. Nhất là Võ Phiến, trong lối mô tả chi tiết, ông hay nhắc đến lời Nhất Linh (trong Viết Và Đọc Tiểu Thuyết) khuyên những ai muốn viết tiểu thuyết hay đừng quan tâm tới câu văn hay. Thật ra, lời khuyên của Nhất Linh chỉ có tính cách tương đối vì một người không theo "trường phái" Nhất Linh như Vũ Khắc Khoan vẫn được Nhất Linh quý trọng.

[9] Nhất Linh viết nhầm, thực ra câu thơ Nguyễn Du là: Trời kia đã bắt làm người có thân




LÊ HẢI LĂNG * LÚ VÀ DU CÔN



Nhật ký Tam Sa diễn nghĩa: Quái Lú, Quang Côn

Bắc Kinh ngày... tháng... năm...
Tập Cận Bình túm cổ một số nhà báo ra dằn mặt: 
- Ta đã nói rồi nhà báo phải trung thành với ta, tại sao lại có kẻ phản đối. 
Một nhà báo cả gan giơ tay lên: 
- Chủ tịch đánh tham nhũng nhưng thực chất là tập trung quyền hành về một mối kia mà. Bằng chứng là Panama papers lộ ra ánh sáng gia đình bà con ngài dính líu.
- Tại sao nghe thế lực phản động? Ta đã chặn hết thông tin xuyên tạc rồi mà? Nhà ngươi là người TQ hay là loại người nào mà nghe tin nước ngoài? 
- Tôi sinh đẻ ở Bắc Kinh. 
- Nhà ngươi nói ta tham nhũng. Thế thì ta đưa nhà ngươi ra Tam Sa để coi ta bỏ bao nhiêu tiền ra mua cái bọn Ba Đình Việt Nam, để biết ta bành trướng biên cương biển đảo thế nào, mai kia cả cái giãi đất hình chữ S là Đại tam sa của ta đó. 
- Xin phục ngài. Tôi xin tình nguyện đi. Nhờ ngài mà chủ nghĩa quốc gia dân tộc sáng loè trong đầu tôi. 
Ngày... tháng... năm...
Tiếp đồng chí Thường Vạn Toàn để ổn định theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt như là một hợp đồng bán nước xong. Quái Lú tiếp Chủ tịch đảng CS Mỹ John Bachtell. Quái Lú thông báo “Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lấy chủ nghĩa Marx Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, giữ vững bản chất của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.”
Quái Lú khoe thành tích;
- Dân VN có 90 triệu mà để 4 triệu rưỡi đảng viên CS chúng tôi cầm đầu cỡi cổ cai trị đấy! Đồng chí có đáng ca ngợi thành tích vĩ đại không? 
John mở miệng cầu tài: 
- (Thông dịch) Đ/c giỏi thật. Như đ/c thấy đấy, năm ngoái qua Mỹ ghé thăm tôi, mà chỉ có báo chí đảng CSVN dàn cảnh chụp hình đem về nước tuyên truyền. Tôi chán cái bọn dân Mỹ lắm, mấy trăm triệu dân mà chẳng ai đếm xỉa cái đảng CS do tôi lãnh đạo. Vậy đ/c chỉ cách cho tôi với nào. 
Quái Lú rung đùi: 
- Ối chà! Có khó gì đâu. Kêu gào dân chúng đứng dậy, đảng đứng ra cướp chính quyền, xong rồi đặt một chế độ độc tài toàn trị như nước tôi đã làm. Người dân nào hó hé đứng dậy chống đảng thì công an đưa vào nhà đá đếm lịch. Đảng ngồi trên hiến pháp, đã có luật phá rối trị an, luật chống người thi hành công vụ, điều luật nhiều lắm như cái rừng lúc xử cũng rừng nốt như 79, 88, 245, 258... Thế cho nên chúng tôi mới hô hào đảng CSVN quang vinh muôn năm đó!
- (Thông dịch) Cám ơn đ/c đã chỉ đường. Thời đại Việt Nam HCM độc tài rạng rỡ muôn năm! 
Quái Lú nở nụ cười rồi xổ tiếng “đế quốc sừng sỏ”: 
- You are welcome. 
Ngày... tháng... năm...
Quái Lú cầm tờ báo đảng lên dằn giọng: 
- Đ/c làm trùm đảng hay sao mà chưa gì đã áo gấm về quê Ninh Bình làm rùm beng lên thế! 
Quang côn thả cái thanh kiếm ra khỏi tay, rồi thanh minh thanh nga: 
- Đ/c nghĩ coi, đ/c tái chức bao nhiêu ông nghị bà nghị vỗ tay, được báo chí lên khuôn hình ảnh được nguyên TBT Lê Khả Phiêu gọi là người nhân hậu, rất cương quyết trong công việc “giữ lại ngôi vị”. Còn tôi lên voi chỉ có em Ngân cầm hoa chụp hình, đ/c thương tình tôi với chớ! 
- Thế có đại biểu QH khen nhân hậu không thấy sướng cái lỗ mũi à. 
- Ối chà! Vì một lời khen mà trên mạng hàng triệu người đào mã đấy. Có ai lại đi khen nghề người chuyên môn tra khảo, đánh đập ép cung, giết người bằng dây thòng vào cổ không cần gươm dao là người nhân hậu đã chớ. 
Quái Lú uống một ngụm nước rồi sùi mép đầy bọt: 
- Thế ta mới cài đặt vào chức chủ tịch nước dân mới sợ còn đòi gì nữa? 
Quang côn gật gù: 
- Thì cũng bởi vậy cho nên tôi về Ninh Bình có thảm đỏ, có dàn chào, có thị uy không những dân sợ mà lính cũng sợ. 
- Thôi được rồi. Làm cái gì qua mặt ta thì đi xa xa như vậy cũng không đến nỗi nào. Có cái là nhà báo bưng bô lên tít ghê quá cũng ảnh hưởng quyền hành ta. 
- Tôi biết mà. Mọi việc đ/c Tập ở xa cũng như đ/c ở gần ra chỉ chiếu gì mà tôi dám cãi. Nếu tôi cãi lại thì cũng mang thân phận như Đại tướng Đỗ Bá Tỵ được đề cử làm Phó chủ tịch quốc hội mà thôi. 
- Đó là truyền thống sinh hoạt cuả đảng mà. Không nhớ đại tướng Giáp bị đày đi trông coi kế hoạch sinh đẻ. Cũng tại vì mình có sao người ta mới đối xử với mình như thế! 
- Đ/c nhắc tôi mới nhớ là đ/ c Lê Đức Thọ cũng có lần nói: Đảng là tao, tao là đảng. 
- Đúng rồi. Đại hội 12 không có ta là đảng, đảng là ta làm sao hai ta có quyền cao chức trọng thế này đã chứ! Không thấy tôi 72 tuổi rồi mà còn lam lũ bôn ba vì đảng vì tiền như thế này. À thằng X để lại dấu ấn nợ nần quá trời, phải gấp gáp kiếm chỗ nào nuôi và củng cố đảng chứ! 
- Vô ghế ngồi chưa nóng đít, tôi đã gia hạn 1 năm về thị thực cho các kiều bào sinh sống ở Mỹ vá các nước khác, đó cũng là “hòa hợp” kêu gọi khúc ruột ngàn dặm gởi tiền về và cũng để “hòa giải”những bất đồng trong đảng vì thiếu nơi chấm mút đó. 
- Nảy giờ ta nói toạc móng heo chuyện nội bộ, đ/c có tật hay mang về quê khoe để được tiếng, nhớ chuyện đâu bỏ đấy nhé! 
- Nghề công an sắt máu đầy tay vướng tới cổ đầu mà đ/c lại dạy tôi thế này. Đ/c quên Trần Quốc Hoàn ra tay giết cô Xuân phục vụ bác chắc! 
- Nhắc bác làm tôi chảy nước mắt thương bác suốt đời không vợ không con. Đẻ đứa con đảng cũng không cho nhận. Vì đạo lý đảng giao, bác hy sinh đến thế là cùng! 
05.04.2016

NS. TÔ HẢI 8 CÁ THÁNG TƯ

Ngày Cá tháng Tư đáng nhớ... khi được các "nghỉ sỹ" sắp về vườn biến thành ngày... nói thật!

Nhạc sĩ Tô Hải - Không ai có thể ngờ được, kể cả vua Trọng và các thứ cơ quan đầu não của đảng cộng sản dỏm này là: để tránh cho ông chủ tịch nước phải thề thốt trung thành với dân vào... giữa ngày “Nói dối 1/4”, bà chủ tịt cuốc hụi mới đã được lệnh mới: Cho phép đại biểu góp ý với đảng-nhà lước thêm một ngày (ngoài chương trình định sẵn) (*)
Thế là, có tới cả 60 ông bà nghị đăng ký “tự do tư tưởng liều mạng phen này”! Thà có 10 phút huy hoàng rồi tắt mãi còn hơn mang cái ấm ức ở trong bụng mà không có dịp xì nó ra... Quả thật chưa bao giờ không khí hội trường “Diên Hỏng” lại mang tính chất vui vẻ, thậm chí... “văn chương chữ nghĩa” đến thế! 
Không còn cái cảnh “ai nói cứ nói, việc ta, ta cứ... ngủ!”. 
Không còn mấy cái cảnh tụng kinh nghị quyết, thổi ống đu đủ cho các “anh trên” bụng thêm to, mũi thêm phổng! 
Ít hẳn cảnh hàng chục con vẹt đều đồng hót lên một câu “Tôi hoàn toàn đồng ý với báo cáo của đồng chí...”
Có những cái tên xưa nay kiệm lời như ông nghị Lê Văn Lai (Quảng Nam), lần này bỗng dưng nói khá hay, khá hình tượng về những gì mình bị dồn ép” phải nghe, phải tin và phải miễn cưỡng đồng ý. Ông nói, rất hiên ngang: 
“Tôi ngạc nhiên khi trong tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đánh giá về Biển Đông đều cho rằng “đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia”. Đánh giá “đảm bảo chủ quyền quốc gia” trong khi người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích, o ép dân, cướp bóc dân, thậm chí là giết dân… Người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm tới chủ quyền như là dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay truyền thống được quốc tế công nhận”. 


Dù có một phút huy hoàng rồi chợt tắt thì ông nghị Lai 
cũng phải liều một phen nhân ngày cá tháng 4 nói thật" này. 
Dù đã cố “ép” suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là “đảm bảo chủ quyền quốc gia”, nhưng ông Lai thừa nhận: “Tôi xin nói thật là “ép” không nổi” - xin đọc toàn văn ở đây.
Ông Lai còn đưa cả hình tượng Galileo [1564-1642 nhà thiên văn người Ý] trước khi lên dàn hỏa vẫn giữ nguyên ý kiến: “Trái đất vẫn quay” như để nhắc nhở mọi người: Không có cái chuyện chủ quyền vẫn được bảo đảm” như đảng đã khẳng định!!!
Nhưng đáng trân trọng hơn cả là đại biểu Trương Trọng Nghĩa (luật sư Sài-gòn) ông đã thẳng thừng lên án sự việc “sai lầm nghiêm trọng đã rồi” của đảng-nhà nước. Đó là quan điểm: “Nhìn kẻ thù là bạn, coi nhân dân là thù”
Là luật sư nên ông nghị Nghĩa biết đóng vai quan tòa 
đọc cáo trạng lên án những kẻ tội phạm mà ai cũng biết đó là ai. 
Trong bản văn mà Tuổi Trẻ 02/04/2016 đăng lại (không đề rõ ngày phát biểu và nơi chốn, bối cảnh phát biểu, nơi Mục Chính trị - Xã hội => Thời sự - Suy nghĩ) với Title là Nỏ thần chớ để 
sa tay giặc..., Ông Trương trọng Nghĩa nói: 
Phải lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, nghĩa là phải xác định cho đúng ta, bạn, thù. Ta là đồng bào 54 dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta.

Bạn là những ai ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Còn thù là thế lực thù địch, đó là những thế lực cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn, an ninh của đất nước.

Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và là bạn của ta cho dù có sự khác biệt về phương pháp, về quan điểm và về nhận thức.

Xác định không đúng ta, bạn, thù, có thể xảy ra tình hình thay vì thêm bạn, bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn, coi bạn là thù và coi thù là bạn, thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường đại đoàn kết thì lại làm suy yếu đại đoàn kết dân tộc. 
Toàn văn Nỏ thần chớ để 
sa tay giặc... xin đọc ở đây hoặc các ảnh chụp màn hình ở bài.
Đặc biệt trong khi kết luận, ông đã sửa thơ Tố Hữu thành ra như sau: 
“Nỏ thần chớ để sa tay giặc
Mất cả đất liền mất biển sâu”. 
Từ đầu đến cuối bản “cáo trạng” ông không dung một đại từ cụ thể “chúng ta”, “các ông”, “các đồng chí” nào, mà rất rõ ràng xác định, ông đứng trên cương vị “quan tòa” mà buộc tội thẳng thừng những sai lầm của “ai đó” mà đứa trẻ lên ba cũng có thể chỉ đúng mặt gọi đúng tên, làm cho báo chí lề đảng cũng như lề dân đều thích thú trích đăng hay đăng lại toàn bộ bản “cáo trạng” nảy lửa này mà mà VTV1, khi tường thuật tại chỗ đã... “đục bỏ”!?
Chủ đề “cốt lõi” thứ hai sau Ngoại Xâm là Nội Xâm cũng được các đại biểu nhân dân “chết thôi cũng phải “mỉa mai” một phen cho “đỡ... nhục” 
Những hình tượng tham ô, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, hành dân, hành xí nghiệp, nước trong cũng như nước ngoài được tổng kết thành hình tượng, thanh thơ, vè.
Ví dụ: 
“Trải thảm đỏ nhưng dưới thảm đỏ lại là thảm đinh”, hoặc “đất lành chim đậu, nhưng chim chưa kịp đậu đã... nhậu hết chim”.
Tóm lại, chưa bao giờ, các nghị sỹ được một phen nói thật, phê phán mọi đường lối đối nội lẫn đôi ngoại của “ai đó” mà không sợ bị vua chánh đảng coi là “suy thoái”, là “tự diễn biến”, là “lực lượng thù địch” cần phải “xử lý” nữa.
Liệu rồi đây... sau ngày cá tháng Tư 2016, các ngày khác trong năm, toàn dân VN có còn được nghe những điều đáng nghe như ngày không nói dốI vừa qua? 
Hay rồi đây, dưới sự “uốn nắn” (có thể mất mạng như chơi), của ông trùm công an không biết... cười chuyên “coi dân là thù, coi thù là bạn”, nay lên làm chủ tịch nước mới?
Liệu rồi đây... cái nghị trường được đảng thay thế, cơ cấu cho dân bầu sắp tới có ai, ngay đầu khóa dám đăng ký Nói Thật lấy 1/100% những điều sống còn của đất nước như các vị đại biểu khóa trước đã nhân ngày cá tháng Tư mà tỉnh ngộ ra mình đã hùa theo sự dối trá suốt cuộc đời làm nghị…gật dù quá muộn màng?
Tớ dám cá cái mạng già này với bất cứ ai là... nói dối sẽ trở lại suốt 364 ngày sau cái ngày cá tháng tư đáng nhớ này
(*) Trong sự kiện Cuốc hụi của Đẻng họp phiên tổng kết nhiệm kỳ những ngày cuối tháng 3/2016.

No comments:

Post a Comment