Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 26 October 2016

NGUYỄN NHƯỢC PHÁP = ĐẠT LAI LẠT MA = SAMURAI =

CHU NGUYỄN * NGUYỄN NHƯỢC PHÁP

  

CHÙA HƯƠNG

Hôm nay đi chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao;
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới;
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: "Thầy nó trông !
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá !
Bao giờ cô lấy chồng ?"

- Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm.
Ý đợi người tài trai.

Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre.
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò.
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy,
Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần.
Đời mấy kẻ tri âm ?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.

Người đâu thanh lạ nhường !
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương ?

Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ ?
Thuyền đông trời ôi chen !"

Chàng thưa vâng thuyền đông,
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen hay, hay quá !
Em nghe rồi ngẩn ngơ.

Thuyền đi, bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói :
"Nam Mô A Di Đà !"

Réo rắt suối đưa quanh,
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ:
Cảnh đẹp gần như tranh.

Sau núi Oán, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi,
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.
Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.

Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo :
"Mai mới vào chùa trong."

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu :
"Mai ta vào chùa trong !"

Đêm hôm ấy em mừng !
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời,
Mơ nhiều... Viết thế thôi,
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười.

Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo leo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.

Me bảo: "Đường có lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan Thế Âm Bồ Tát
Là tha hồ đi mau"

Em ư ? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu)

Khi qua chùa Giải oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay, lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen hay,
Chữ đẹp như rồng bay.
(Bài thơ này em nhớ
Nên chả chép vào đây).

Ô ! Chùa trong đây rồi !
Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.

Me vui mừng hả hê:
"Tặc ! Con đường dài ghê !"
Thầy kêu mau lên nhé,
Chiều hôm nay ta về.

Em nghe bỗng rụng rời !
Nhìn ai luống nghẹn lời !
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi !

Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở !
Chàng ơi, chàng có hay ?

Đường dây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười,
Yêu nhau, yêu nhau mãi !
Đi, ta đi, chàng ơi !

Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời Phật
Sao cho em lấy chàng.


Tình tuyệt vọng của Nguyễn Nhược Pháp


Nguyễn Nhược Pháp là một nhà thơ tài hoa mệnh yểu. Tập thơ Ngày xưa tuy ngắn nhưng những tác phẩm trong đó, nhất là bài Chùa hương lại sống mãi trong lòng người yêu thơ.
Nhược Pháp là con của nhà báo tiền phong Nguyễn văn Vĩnh, quán làng Phượng vũ, huyện Thường tín, tỉnh Hà đông, sinh năm 1914 và tạ thế năm 1938 lúc đang là sinh viên trường luật và sự nghiệp thi ca đang lên với tập thơ Ngày xưa (1935) và Người học vẽ (kịch vui 1936.) Cuộc đời đoản mệnh của thi nhân có ghi lại hai mối tình, một mối tình câm và một thiên hận tình như một người bạn thân của nhà thơ là Nguyễn Vỹ kể lại trong một thiên hồi ký có tên là Văn thi sĩ tiền chiến.
Nguyễn Vỹ (1912-1971) là một thi nhân nổi danh trong phong trào thơ mới trước 1945, và từng đề xướng trường thơ Bạch nga. Ông cũng là một nhà báo kỳ cựu từng cộng tác với nhiều tờ báo tiếng Việt và tiếng Pháp ở Hà nội và chủ trương tờ Phổ thông ở Sài gòn sau 1945.
Nguyễn Vỹ viết nhiểu thể loại từ tiểu thuyết, nghị luận chính trị, hồi ký tới làm thơ nhưng hậu thế biết ông nhiều hơn cả là một thi sĩ cải cách.
Nhân dịp lễ tình nhân 2016, chúng ta thử đọc lại câu chuyện tình tuyệt vọng có thực sau đây của Nguyễn Nhược Pháp để suy nghĩ câu hỏi của cổ nhân “Chữ tình là chữ chi chi. Dầu chi chi cũng chi chi với tình” mà đã khiến người ta sống chết bên nhau!
Nguyễn Vỹ kể lại:
“Tôi không quên được tập thơ “Ngày xưa” của anh xuất bản trong trường hợp hơi lý thú. Nhược Pháp không có thi cảm nồng nhiệt và thấm thía như Huy Thông, cũng không có thi tứ dồi dào bao quát như Huy Thông. Anh chỉ ưa cái gì phảng phất nhẹ nhàng thôi. Cho nên anh chỉ làm những bài thơ phơn phớt bề ngoài. Chính anh cũng đã bảo với tôi: Thơ của moa “superficielle” (Có bề mặt, không có bề sâu).
Bài thơ Chùa Hương là bài khá nhất trong tập thơ Ngày Xưa, có một lai lịch kì thú không ngờ…
Chuyến đi chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô có mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không. Trèo lên đến Rừng Mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lê đèo, đường đá gồ ghề lởm chởm, vừa niệm: “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát…”. Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: “Nam Mô cứu khổ cứu nạn…” rồi cô im. Đôi má đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa? Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc.
Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lén chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê. Chúng tôi mê nói chuyện với cô này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến Chùa Ngoài, rồi lên đến Chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng. Đêm ấy ngủ trong Chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói. Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là “Cô gái chùa Hương”. Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với cô gái quê để làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng thơ ngây, y như cô gái chùa Hương hôm ấy…
Một tháng sau, quyển thơ Ngày Xưa trong đó có bài Chùa Hương ra đời.”
Câu chuyện tình thứ hai bi thảm hơn liên quan đến Nhược Pháp là câu chuyện Nàng tiên áo đen sau đây:
“Trên chuyến xe lửa Hà Nội – Yên Bái, Mộng Sơn đưa ra một lời nhận xét mà nàng tưởng là đúng:
– Bọn mình đi có hai chàng thi sĩ, một chàng thì muốn cười mà không cười, một chàng thì muốn nói mà không nói.
Sơn Tiên chêm vào:
– Chỉ có ba đứa mình là cười nói lung tung thiên!
“Ba đứa mình” là Sơn Tiên, cô Thanh Tú, và một cô… gì nữa, tôi quên tên. Cả ba đều ở bộ Biên tập tuần báo Việt Nữ.
Lúc ở ga xe lửa Hà Nội, chúng tôi đã đồng ý lên Yên Bái chơi ba ngày. Ai có chuyện riêng thì cứ đi riêng. Sơn Tiên nhứt định tận hưởng cuộc du lịch trong ba ngày, tôi thì muốn tách riêng ra một ngày có chuyện riêng của tôi. Nguyễn Nhược Pháp thì làm kỵ mã hầu cạnh cô Thanh Tú và cô gái gì tôi quên tên. Chương trình đi chơi là trèo lên mấy ngọn núi Yên Bái, bơi thuyền trên bến Âu Lâu, dạo chơi xem các ngoại ô thành phố, và một vài di tích lịch sử…
Lúc mới ngồi trên xe lửa, đứa nào cũng vui vẻ cả, chuyện trò ríu rít như một đoàn học sinh được đi nghỉ Pâques ở xa.
Nhưng qua khỏi Việt Trì, nghe Sơn Tiên phê bình, Nguyễn Nhược Pháp kề tai tôi khẽ hỏi:
– Cậu suy tính gì mà bộ mặt trầm ngâm thế?
– Tôi đang có một ý nghĩ ở trong đầu.
Nhược Pháp mỉm cười:
– Tôi thì đang có một ý nghĩ trong con mắt.
Tôi ngước lên ngó vào mắt hắn. Hắn bảo:
– Cậu ngó ngay nơi dãy ghế đối diện kìa.
Tôi ngó sang dãy ghế đối diện:
– Cô áo xanh?
– Không.
– Cô áo trắng?
– Không.
– Cô áo đen?
Nguyễn Nhược Pháp mím chặt môi… Mặt cậu đỏ bừng. Rõ thật một chàng trai nhút nhát.
Hai đứa tôi nói rất khẽ, rồi bỗng nhiên im bẵng.
Mộng Sơn vỗ vai tôi:
– Anh với anh Nhược Pháp nói gì mà bí mật thế?
Tôi mỉm cười quay lại nàng:
– Đã biết là chuyện bí mật sao em còn hỏi?
– Em hỏi cho hết bí mật.
– Không có gì bí mật cả.
– Thì em không hỏi gì cả.
Hai đứa nhìn nhau cười. Chiều tối tàu đến Yên Bái, Nguyễn Nhược Pháp khẽ bấm tay tôi. Tôi ngó cô Áo Đen vừa bước xuống sân ga. Anh chàng nhìn theo, mím chặt môi.
Cô Áo Đen đã ngồi xe kéo chạy xa, thật xa, biến trong sương hôm tỏa khắp các nẻo đường.
Chúng tôi đi bộ về nhà thầy me cô Thanh Tú…
Hai đứa tôi nằm riêng một phòng, chắc giấc ngủ sẽ ngon lắm sau một ngày đi xe lửa. Tôi thì buồn ngủ quá rồi. Vừa đặt lưng xuống nệm nhắm mắt ngủ liền. Nguyễn Nhược Pháp còn rầm rì bên tai tôi:
– Cậu có thấy Cô áo Đen đẹp không? Cậu nói thật đi.
Tôi nghe văng vẳng câu hỏi, ráng trả lời:
– Đẹp.
– Đẹp lắm chứ?
– Hả?… Ừ… đẹp lắm.
– Đẹp lắm như thế nào? Cậu tả hình dung lại cho tôi xem có đúng không nào?
– Hả?… Đẹp lắm hả?
– Cậu đã ngủ rồi à?
– Chưa.
– Chưa, thì cậu cho tôi biết cậu thấy cô Áo Đen đẹp như thế nào?
– Cô… Áo Đen… hả?
– Ừ.
– Ừ… thì… tôi đã bảo là cô ấy đẹp lắm rồi… cậu còn hỏi mãi.
– Đôi mắt nàng như hai ngôi sao ấy nhỉ!… Nước da trắng mịn… như ngà… Cái mũi Ai Cập như mũi Cléopâtre… Khuôn mặt Tây Thi… Cái thân hình… Ồ, cái thân hình…. Vỹ à!… Vỹ!… Vỹ ơi!…
– Hả?
– Cậu ngủ rồi ư?
– Hả?
– Có phải không, cậu? Cái thân hình uyển chuyển của nàng… với những đường cong… diễm tuyệt nhỉ! Còn bộ ngực… Ô… là… là! Moa chưa thấy cô thiếu nữ nào có bộ ngực đẹp lạ đẹp lùng đến thế:… Vỹ ơi!… Vỹ!… Cậu có thấy cô nào có bộ ngực đặc biệt như thế không?… Vỹ!… Vỹ ơi!… toa ngủ rồi ư?
– Hả? Cái gì?
– Cái bộ ngực của nàng…
– Bộ ngực của ai?
– Của nàng tiên Ao Đen ấy mà! Toa thấy cô thiếu nữ nào có bộ ngực… thiêng liêng và… và…
– Coi chừng kẻo bộ ngực giả đấy nhé! Thôi ngủ với chứ!
– Bộ ngực vĩ đại… vĩ đại…
– Hả? Sao cậu cứ gọi tên tôi mãi thế?
– Moa bảo bộ ngực vĩ đại…
– Ồ, cậu cứ lấy cái tên của tôi dán lên bộ ngực của người ta! Cậu có cho tôi ngủ không thì cậu bảo?
– Ồ, Đức Thượng đế thật là tài tình!… Làm sao mà bàn tay của ngài nắn được cái bộ ngực… cái bộ ngực vĩ đại đến thế! Vĩ đại kinh khủng!
Tôi biết từ lâu rằng Nguyễn Nhược Pháp không yêu cô Thanh Tú, Thanh Tú thì yêu Nguyễn Nhược Pháp gần như say mê. Chính Thanh Tú tổ chức cuộc du hành này để được mời Nhược Pháp lên nhà cô. Vả lại ông cụ của cô với ông Nguyễn Văn Vĩnh lại là đôi bạn thân, và ông cụ cũng muốn gả Thanh Tú cho con trai ông Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng Nhược Pháp đã bảo khẽ với tôi nhiều lần:
– Thanh Tú không có ngực, làm sao tôi yêu được, hở giời?
– Thế ra tình yêu ở trên ngực à? Tôi hỏi.
– Nhưng chính ở trên bộ ngực ấy ta mới sờ được tình yêu chứ, không đúng ư?
Tôi kính trọng quan điểm của Nguyễn Nhược Pháp về ái tình, và làm thinh, không cãi lại. Hôm nay đi Yên Bái, tôi hiểu rõ vì lẽ gì Nguyễn Nhược Pháp tình cờ trông thấy cô Áo Đen không quen biết, đã say như điếu đổ.
Đêm nay chàng hùng biện khác thường chung quanh đề tài “Bộ ngực vĩ đại” của “Nàng Tiên Áo Đen”. Và cả đêm chàng cứ mơ tưởng đến bộ ngực vĩ đại của Nàng Tiên Áo Đen.
Ba ngày ở Yên Bái, không gặp Nàng Tiên Áo Đen. Nguyễn Nhược Pháp nhìn thấy mọi vật đều đen tối. Tôi hái một bông chuối đỏ tươi đẹp mọc ở sườn núi, đưa chàng. Chàng vứt xuống rãnh sâu.
Sơn Tiên kéo tôi đi riêng, khẽ hỏi:
– Sao Nhược Pháp cáu kỉnh thế, anh?
– Tại Thanh Tú sáng nay mặc áo đen quần đen.
– Em không hiểu.
– Nếu được gặp một cô khác mặc áo đen quần đen, hắn sẽ tưng bừng rực rỡ ngay!
– Ai thế?
– Cái bí mật mà em hỏi anh hôm kia trên tàu lửa.
– Thế mà hôm kia anh bảo không có gì bí mật cả.
– Hôm nay cái bí mật ấy mới thật là bí mật.
– Bí mật gì, hả anh?
– Nàng Tiên Áo Đen.
– Là ai?
– Bí mật.
– Ở đâu?
– Bí mật.
– Mà sao? Có gì lạ?
– Bí mật…
Trên chuyến xe lửa Yên Bái – Hà Nội hôm trở về, Nguyễn Nhược Pháp mím chặt môi, mặt đỏ hơn bông chuối rừng. Chàng chợt thấy ở toa bên kia không ngờ có cô Áo Đen hôm nọ. Cô ngồi với chiếc vali con để bên cạnh, mặc áo đen quần đen.
Từ Yên Bái đến Hà Nội, cô chỉ liếc ngó Nguyễn Nhược Pháp một lần. Nhược Pháp đứng đắn và rụt rè, vẫn ngồi yên một chỗ. Chàng chỉ lẩm bẩm bên tai tôi: – Vỹ đại! Xuống ga Hà Nội, bỗng dưng Nhược Pháp biến đi đàng nào mất.
Một tháng sau, tôi gặp cậu trước cửa trường Cao đẳng. Cậu mím môi để cười, rồi ấp úng hỏi:
– Toa còn nhớ Nàng Tiên Áo Đen trên chuyến tàu Yên Bái?
– Quên rồi.
– Không thể tưởng tượng được?
– Cái gì không thể tưởng tượng được? Bộ ngực của Nàng Tiên Áo Đen?
Nhược Pháp mím chặt môi cười, rồi nhảy lên xe máy phóng đi. Tôi còn nhớ gương mặt của anh chàng rực rỡ, có vẻ yêu đời lắm.
Nguyễn Nhược Pháp đeo đuổi Nàng Tiên Áo Đen hơn một năm. Hắn thú thật hết với tôi tất cả, những khó nhọc, kiên nhẫn, say sưa, tìm cho được chỗ ở của nàng và làm quen với nàng, rồi thân với nàng. Con một của một gia đình trưởng giả, giàu sang ở Hà Nội. Năm ấy nàng 22 tuổi, nét mặt rất hiền lành, cử chỉ ngôn ngữ rất dịu dàng thùy mị.
Nhưng cũng rất lạnh lùng, nàng cương quyết từ chối tình yêu nồng nàn của Thi sĩ. Tuy nhiên, nàng vẫn thích thơ và phục tư cách cao thượng của chàng. Trừ Nguyễn Nhược Pháp ra mà lòng nhẫn nại trung kiên phi thường và tình yêu chân thật, say mê, đã rung cảm được trái tim của nàng, nàng không còn muốn quen biết một người đàn ông nào khác nữa. Với tất cả các bạn trai trẻ ngắm nghé nàng, nàng tỏ vẻ hờ hững kiêu căng. Trên gương mặt kiều diễm vô cùng phúc hậu của nàng, lạ thay, không bao giờ có một nụ cười đon đả. Gương mặt hoàn toàn bí mật mà chính Nguyễn Nhược Pháp cũng không khám phá được một phần nào. Tuy là người duy nhất được quen thân với nàng, nhưng mối tình của chàng cũng gần như tuyệt vọng.
Hai năm qua, một hôm chàng Thi sĩ mới biết yêu lần đầu tiên, và yêu say mê đắm đuối làm sao, quì bên chân nàng để van xin một lời hứa hẹn. Nàng lặng lẽ nhìn chàng, rồi gục đầu xuống vai chàng, thổn thức khóc:
– Anh tha lỗi cho em… Em không thể yêu anh được.
– Tại sao thế? Tôi không xứng đáng với cô ư?
– Không phải thế, anh ạ… Anh tha lỗi cho em…
– Thế thì tại sao?… Tại sao…?
Nàng nấc lên một tiếng, ngã xỉu vào tay chàng, và khóc nức nở…
Chàng rầm rì như người mất trí:
– Tôi sẽ tự tử mất thôi! Tôi không thể sống được trong tình trạng này.
Cô gái Áo Đen ngẩng mặt nhìn chàng. Cả hai người đều ràn rụa nước mắt:
– Em van lạy anh!… Chúng ta không nên gặp nhau nữa.
Nàng bỏ chạy vào buồng, đóng cửa lại…
Giao chìa khóa cửa phòng tôi cho Nguyễn Nhược Pháp, tôi bảo:
– Cậu đừng làm chuyện gì dại dột nhé.
Nguyễn Nhược Pháp mím môi, cười:
– Cậu cứ tin tôi.
Tôi hơi ngạc nhiên. Nguyễn Nhược Pháp là người con trai nhút nhát nhất ở Hà Nội, e lệ như con gái mười tám, nhưng tình yêu đã biến đổi hẳn con người cô đơn ấy. Anh đã viết thư mời Nàng Tiên Áo Đen đến nơi căn phòng riêng của tôi mà hôm nay tôi nhường cho anh làm nơi hẹn hò.
Nhà thi sĩ đau khổ quyết định một lần cuối cùng xin cưới mỹ nữ Áo Đen làm vợ. Trái lại với sự lo ngại ngày trước, nay Nguyễn Nhược Pháp vui mừng tin tưởng sẽ thành công.
Ngồi ghế, nàng bảo:
– Em nhận lời đến đây, để cảm tạ anh đã yêu em, đã thành thật yêu em… Anh là tình yêu đầu tiên của em, và tình yêu duy nhứt, vô cùng cảm động… Nhưng anh ạ, em van anh… em khẩn khoản anh một lần cuối cùng… anh đừng yêu em nữa…
– Tại sao thế?
– Em lạy anh… đừng hỏi em tại sao.
– Anh muốn hiểu lý do…
– Không bao giờ em nói được.
– Em có tâm sự gì khuất khúc… sao không cho anh biết?
– Anh chỉ nên biết rằng chúng ta không thể yêu nhau được. Và từ nay chúng ta không thể gặp nhau nữa. Em đến đây hôm nay… để vĩnh biệt anh.
Nàng đứng dậy. Nguyễn Nhược Pháp vẫn ngồi lặng lẽ cúi mặt xuống bàn lẩm bẩm một mình:
– Anh không thể nào sống được nữa… nếu không có em…
– Em cũng thế, anh ạ…
– Nếu thế thì tại sao…
– Tại vì không thể được, anh ạ… Thôi, em chào anh… Vĩnh biệt anh!
Nàng Áo Đen chạy vụt ra ngoài đường, nước mắt chảy ràn rụa…
Đọc báo thấy một thiếu nữ mặc áo đen quần đen tự tử trên Hồ Trúc Bạch, xác được vớt chở vào nhà thương Phủ Doãn, Nguyễn Nhược Pháp chạy đến tôi, mặt mày xanh nhợt. Anh kéo tôi đến bịnh viện, tại đây tôi có quen thân với một nữ y tá.
Cô bạn đưa Nhược Pháp vào nhà xác để nhận mặt. Lúc ra, chàng khóc:
– Chính nàng… Nàng đẹp hơn bao giờ… Tội nghiệp nàng tiên Áo Đen… Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao nàng từ chối hạnh phúc và đời sống…? Tại sao nàng tự tử?… Tại sao?
Cô y tá khẽ bảo:
– Lúc mới đem vào đây, chúng tôi đã khám nghiệm thi thể. Chính cô ấy đã nhảy xuống nước tự tử, không bị thương tích gì khả nghi. Nhưng có điều khác thường… là… cô không phải hoàn toàn một… người phụ nữ.
Nguyễn Nhược Pháp mím chặt môi, trố đôi mắt kinh ngạc ngó nữ y tá. Chàng càng không hiểu. Cô bạn kéo riêng tôi ra xa, bỏ nhỏ:
– Trường hợp người con gái như thế danh từ thông thường gọi là ái nam ái nữ… Cái chỗ mà đáng lẽ tự nhiên phải là… cơ quan của giống cái, thì cô ấy chỉ có… một cái lỗ tròn, to bằng đầu chiếc đũa…
Tôi kéo Nguyễn Nhược Pháp ra về.
Đi đường tôi nói lại cho anh nghe sự khám phá kỳ dị của cô nữ y tá.
Nguyễn Nhược Pháp mím môi, im lặng. Nét mặt cậu ngơ ngác như bị tiếng sét đánh bên tai.
Mấy tháng sau, anh chết. Nguyễn Nhược Pháp chết vì bịnh thương hàn.
Buổi chiều hôm trước, tôi có đến thăm anh trên giường bịnh. Trong phòng chỉ có anh với tôi. Nhược Pháp nóng nực, đôi mắt đỏ ngầu. Anh nắm bàn tay tôi, khẽ bảo:
– Vĩnh biệt anh… anh Vỹ… Anh đừng buồn… Tôi vui vẻ… đi về thế giới bên kia… để gặp… Nàng Tiên… Áo Đen…
Nguyễn Nhược Pháp mím chặt môi lần cuối cùng.
Đám ma Nguyễn Nhược Pháp đi âm thầm, lặng lẽ, một buổi chiều mưa phùn, lạnh thấu xương. Tôi khóc thật nhiều.”
Chu Nguyễn

TS. PHAN VĂN SONG * TIỂU TIẾT



Phan Văn Song, TS\

on: February 20, 2016In: \
 
 CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT-QUÂN SỰ,  
THỜI LUẬNNo Comments

«Tiểu tiết bất đạt, đại sự hà vi»
 
 

Đầu năm 2016, tình hình kinh tế Âu châu và thế giới vẫn còn trì trệ, các thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục èo uột. Các quốc gia tiền tiến, ngoài Mỹ ra, các quốc gia Âu Châu vẫn tiếp tục gặp khó khăn ! Khó khăn vì kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục hẳn, nhưng khó khăn vì nạn nhơn chiến tranh Trung Đông đang tràn ngập vào Âu châu. Bỏ thì tội nghiệp người tỵ nạn, ngược với đạo lý, vương vào thì tội nghiệp cho người dân của mình. Bắt đầu từ các nước Đông Âu, cựu Cộng sản, với một nền kinh tế chưa ổn định mà phải nuôi dân tỵ nạn. Sau, cơn chống tỵ nạn truyền nhiểm đến các quốc gia có truyền thống Tin Lành, nhơn đạo hơn, như Đan Mạch, như Thụy Điển, tóm lại các quốc gia Bắc Âu, nay cũng bắt đầu chống làn sóng tỵ nạn. Chỉ tội nghiệp Hy lạp, đã nghèo còn mắc quai thêm, vì biên giới sát nách Trung Đông ! Từ đầu năm nay, tình hình kinh tế chánh trị chả đâu vào đâu cả. Tất cả tình hình chánh trị đều hướng vào những chuyện đại sự, dao to búa lớn, nào chiến tranh chống khủng bố, dẹp Daesh, nào phải cứu Syrie, nhưng cứu Syrie nào ? Syrie của chánh quyền độc tài ? Hay Syrie của những phe phản loạn tự cho mình là dân chủ chống độc tài ? Giúp ai đây ? Nga giúp Syrie độc tài, chống phản loạn. Tây Mỹ bảo phản loạn là đúng, nhưng hãy đánh mạnh vào Daesh. Kéo thêm Thổ nhỉ Kỳ vì Thổ là đồng minh NATO. Liên Âu cho tiền Thổ để Thổ tiếp tỵ nạn thế Âu Châu. Thổ nhập cuộc chống phản loạn nhưng chống luôn kháng chiến Kurdes là nhóm chống Daesh giỏi nhứt ngày nay.


Nói tóm lại ngày nay, đại sự là một nồi cháo heo, chả đâu vào đâu cả. Đó là tình hình Âu Châu và Trung Đông. Chưa kể Phi Châu. Riêng về Á Đông ta. Ta có biển Đông do Tàu đang bành trướng xâm chiếm, xây cất cũng cố các đảo cưởng chiếm của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục, miệng thì nói, nhưng nhục nhã trơ mắt nhìn thằng Bắc Quốc xây nhà trên đất mình. Mỹ thì vẫn tiếp tục biểu dương lực lượng (cũng như Tàu) nhưng vẫn né Tàu (hai bên né nhau để nhân nhượng sống còn-một modus vivaldi ngầm với nhau). Kết cuộc chuyện mồm miệng nói đại sự, ngoài thì rầm rộ, hô hào, diển thuyết, hội bàn, hội thảo… nhưng đi sâu vào tiểu tiết thì không một lời, dân vẫn đói, thất ngiệp vẫn thất nghiệp dài dài. Tây thất nghiệp theo Tây, ta thất nghiệp theo ta. Tây còn có tổ chức tương trợ xã hội ! Được bao lâu ? Tùy hệ thống. Còn Ta ? Dân Việt Nam thất nghiệp quen, ăn độn quen cũng không sao. Riêng các nước hạng hai, BRICS, hy vọng ngày qua của thế giới sẽ là những đầu tàu tương lai kéo các ngành kỹ nghệ các nước già nua thoát khỏi trì trệ. Nhưng ngày nay vẫn không vươn lên được vì cơ chế đạo đức quá kém, các nhà lãnh đạo vẫn không vứt bỏ được những hủ tục quan liêu cửa quyền của những tập tục lạc hậu do lịch sử để lại. Tàu, Ấn, Nga, Ba Tây, Nam Phi nếu ngày hôm qua là những hy vọng, với các anh hùng dân tộc như Nelson Mandela, Lula hay Đặng Tiểu Bình, Gorbatchev, Gandhi với cơ may có thể thay đổi hướng đi của lịch sử. Thế nhưng, ngày nay, vướng phải bầy hậu duệ vô tài tham nhũng, lại vướng víu thêm với thị trường chánh trị (Đảng), với thị trường kinh tế (lợi tức gia đình đảng phái), đặt quyền lợi đảng phái trên hết, quản trị bằng chia chác, cai trị với hứa hẹn, mặc cả với lòng tham con người, nên dù đất nước có đầy tài nguyên,có đầy tài năng, có đầy hy vọng kia đi nữa, ngày nay cũng vướng víu với cái vòng lẫn quẫn không lối thoát, của lý thuyết, của quan niệm, chỉ đi vào những từ ngữ to lớn đầy đại sự nhưng rỗng tuyết như là Tự Do, là Dân Chủ, quên hẳn cái tiểu tiết phải giải quyết là Xã hội Sống Còn của Công dân của đất nước họ ! Phải ! Người Công dân, trước hết Con Người ! Với cái Tự Do mơ ước là cái Tự Do của Con người. Với cái Dân Chủ mơ ước là cái Chủ quyền của Con Người được tự túc Ăn Sống, Hưởng Thụ, An Tâm Suy Nghĩ và Tham Gia vào Xã Hội.


Đó là Tiểu Tiết. Lo cái Tiểu Tiết của Người Dân là lo được Đại Sự của đất Nước.
“Tiên Thiên hại Chi Ưu Nhi Ưu, Hậu Thiên Hạ Chi Lạc Nhi Lạc” Phạm Trọng Yêm (989-1052 Tàu)
Chuyện Người:
Năm qua, Pháp chia đất nước thành từng vùng hành chánh lớn (13 vùng), thay thế những đơn vị tỉnh, huyện xưa, vậy thì quyền lực hành chánh sẽ thế nào ?
Liên Âu và Bruxelles có thể tránh Anh Quốc Brexit, ra khỏi Liên Âư không ?
Xứ Catalogne của Tây Ba Nha có thể biến thành một quốc gia hoàn toàn độc lập không ?
Tô Cách Lan-Scotland có thể thành một Công Hòa độc lập nằm ngoài Vương quốc Anh không ?

Tại sao ngày nay người dân thờ ơ với bầu cử vậy ? Chưa bao giờ dân chúng Âu châu thờ ơ với tình hình bầu cử của đất nước mình, tại sao ?

Tất cả những câu hỏi ấy, tất cả những vấn đề ấy hiện nay là thời sự ở Âu Châu. Chúng tôi, thiết nghĩ đấy chỉ vì ngày nay những cái tiểu tiết quan trọng hơn những chuyện đại sự mà các nhà chánh trị trách nhiệm chẳng dám đưa ra bàn thảo.
Tiểu tiết rất cần thiết cho sự hài hòa của xã hội. Thế nhưng, vì sự thay đổi của những thể chế, của những chánh sách, và của cả nền chánh trị, nên nghĩ rằng cần lo cho đại sự, nên bỏ rơi những tiểu tiết. Có cần chúng ta phải để ý đến tiểu tiết không ?

Một thí dụ nhỏ rất thời sự. Việt Nam vừa qua, một lời tuyên bố rất tiểu tiết : «Người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam phải là người miền Bắc (Việt Nam), vì chỉ người miền Bắc biết lý luận ! » Câu nói ngu xuẩn xanh dờn ấy, tiểu tiết ấy, từ nay sẽ là cái mốc làm nguồn gốc của sự chia rẽ kỳ thị Nam Bắc Việt Nam. Hiểm họa chia đôi đất nước : đàng trong, đàng ngoài từ đây bắt đầu. Đúng là như người xưa đã nói «Tiểu tiết bất đạt, đại sự hà vi


Bottom up hay Top down:

Câu nói anh ngữ nầy để diễn tả sự đối chọi giữa hai quan niệm tổ chức hành chánh, hai phương pháp truyền thông, hai quan điểm tổ chức điều hành. Bottom up, đi từ dưới, hạ tầng lên lãnh đạo. Top down, từ lãnh đạo chỉ thị xuống đến hạ tầng cơ sở. Tiểu tiết là bottom up.


Thoạt tiên, tiểu tiết, nếu được hiểu đúng, là một quan niệm về điều hành và về trách nhiệm : tất cả bắt đầu ngay từ vai trò cá nhơn của nhơn sự. Chính tại ngay phần hành của cá nhơn nhơn sự điều hành ấy ! Cá nhơn ấy quyết định hành động, đây là một lựa chọn, một quyết định do chính ngay cá nhơn của nhơn sự trách nhiệm ngay ở phần hành. Trách nhiệm phần hành là của nhơn sự đảm nhiệm phần hành : trách nhiệm và quyền lợi cá nhơn của đương sự, đương sự phải là người toàn quyền quản trị tốt nhứt.

Nói như vậy, chúng ta phải hiểu rằng chỉ khi nào nhơn sự trách nhiệm phần hành không đủ năng lực để làm tròn nhiệm vụ mới cần đến những nhơn sự hay những tổ chức khác tiếp viện. Sự tiếp viện, sự tham dự ấy là một tiểu tiết, đến để tiếp vận, đến để cứu trợ.

Thí dụ nêu trên cho một cá nhơn cũng dễ dàng áp dụng cho một đoàn thể hay một hôi đoàn. Tất cả mọi người trong đoàn thể tự giải quyết mọi vấn đề không cần sự can dự của một yếu tố ngoại nhơn nào cả.

Chúng ta chớ quên rằng sự kêu gọi tiếp viện, sự kêu cứu phát xuất do chính từ cá nhơn, hay chính từ đoàn thể ấy : không một động lực ngoại vi nào thay thế trách nhiệm ấy được. Do đó, quan niệm tiểu tiết là một quan niệm quản trị tốt-principe de bon gouvernement. Quyền lực của một cá nhơn được định nghĩa rõ ràng và ngưng lại nơi quyền lực của người khác bắt đầu.

Những Quyền Lực và Những Quyền Tự Do Địa Phương:

Những Tiểu Tiết mà chúng ta thường nghĩ ngay đến là những quan hệ quyền lực giữa các cơ chế chánh trị.

Thí dụ ở Pháp hiện nay, giữa các Vùng mới thành lập (13 Vùng) : các quan hệ một mặt đối với các tỉnh (départements) – với các thị xã ? Và mặt khác, quan hệ tương quan thế nào với Nhà Nước, với Trung Ương ? Nếu như quan niệm Tiểu Tiết thật sự được áp dụng, các xã, thị xã tự điều hành, giải quyết mọi vấn đề nội bộ, có thể cùng bàn bạc hợp sức với xã, hay thị xã láng giềng trên một công tác nào đó (Tổ hợp các xã Liên hợp các xã-syndicats des communs), thí dụ tổ chức một tổ hợp chuyên chở công cộng liên xã, trong tỉnh, trong vùng ; hay tổ chức một cơ chế Du lịch, hay cơ chế Văn hóa tỉnh, vùng (Nha Văn Hóa, Nha Du lịch, Phòng Triển lảm…) vân vân…

Thế nào đi nữa, quan niệm Tiểu Tiết không thế nào áp dụng ở một quốc gia Trung ương Tập quyền, (như nước Pháp ngày nay – hay cả Việt Nam) nơi mà mọi quyết định, mọi suy nghĩ, mọi hành động hành chánh đều được nhà cầm quyền trung ương chỉ đạo bằng luật lệ, văn kiện, nghị quyết !

Từ bao năm nay, nước Pháp chờ đợi một luật lệ thực sự về Tản Quyền-Décentralisation, như người ta vẫn quen sử dụng những Luật về Phân Quyền-Déconcentration, chỉ là những áp dụng những chỉ thị của trung ương mà thôi !

Thêm vào đó, nếu muốn tự lực, tự túc phải có « tự túc tiền bạc, tự túc ngân sách ». Hiện nay, có những điều luật nói về Tản quyền, nhưng không có điều luật nào cho Tự do Ngân Sách cho ngân quỹ địa phương. Do đó không thể có sáng kiến, hay cạnh tranh chi cả ! Ngày hôm nay, ở Pháp, các thị xã, các Hội đồng xã chỉ « ráng sống qua ngày », « gói ghém chi tiêu » giữa những đòi hỏi đóng góp với Trung ương, và những cắt giảm phụ cấp. Những quyền lực, những quyền Tự do, cả tánh tự chủ của địa phương ngày nay ở Pháp chỉ là những câu nói, câu viết đầy lý thuyết thôi !


Chưa Kể Trung Ương Tập Quyền ở Bruxelles!
Nhiều người vẫn tưởng lầm Dân Chủ là đương nhiên đi vào tiểu tiết. Lầm to, một trong những cha đẻ của quan niệm Liên Âu là Jacques Delors (ba của Martine Aubry, tác giả của luật lao động 35 giờ một tuần, làm kẹt giỏ mọi cải cách luật Lao động ngày nay, một trong những rào cản của thị trường lao động Pháp) ra một thí dụ về những quyết định gọi là dân chủ nhưng thật sự là để « chống Tiểu Tiết ». Ngay hôm trình diện Hiệp Ước Maastricht, hiệp ước đặt nền tảng sanh hoạt cho Liên Hiệp Âu Châu, vị chủ tịch Ủy ban Âu Châu, mở đầu, bảo rằng Hiệp Ước đặt nền tảng trên những tiểu tiết. Như đến lúc trình bày, ông nói rằng Hiệp Ước, nghĩa là cái phần hành Trung Ương, sẽ định nghĩa những chức năng và thẩm quyền của các cơ chế âu châu và của các quốc gia thành viên của Liên Âu. Ông nhận thấy có nhiều chức năng và thẩm quyển được giao phó hoặc cho Liên Âu, hoặc cho thành viên một cách tùy tiện hoặc có khi chia hai các thẩm quyền phân nửa phân nửa không có lý do gì cả. Cách tổ chức ấy không có gì gọi là đặt nền tảng trên quan niệm « tiểu tiết » cả !


Vì nếu thật là một quan niệm Tiểu Tiết đúng đắn nhứt phải là phải giao tất cả chức năng và quyền lực cho các quốc gia thành viên. Sau đó, tùy chức năng, thành viên « chia sớ » lại cho trung ương Liên Âu. Ngày nay, người ta đang nhìn thấy một sự lạm dụng của « trung ương tập quyền ». Đáng lý phải là một Tổ hợp tạo ra những luật lệ thực hành biến thành quy luật (như đã được quy định ở Bản Hợp Tác Duy Nhứt-L’Acte Unique năm 1956), đằng nầy người ta đang nhìn thấy một bộ luật âu châu đang thành hình và đang từ từ được áp dụng trên toàn bộ công dân âu châu, đi ngược lại với quan niệm rằng luật lệ không được tùy tiện đặt ra, mà phải được điều nghiên cẩn thận để hòa hợp với công lý xã hội ( xin lỗi các lý thuyết gia về luật cụ thể-droit positif).


Vương Quốc Anh (và vài quốc gia khác), chối bỏ đồng euro, và đang đòi hỏi là sẽ không áp dụng một phần hay toàn thể những luật lệ âu châu. Nếu các thành viên khác và các cơ chế âu châu không chấp nhận đòi hỏi của Anh Quốc (và nhiều quốc gia khác nữa) thì chẳng chốc một Liên Âu mới sẽ thành hình, dước hình ảnh một Siêu Quốc Gia, xóa bỏ mọi quyền lực của các quốc gia thành viên độc lập tự chủ.
Vì những lẽ ấy, sự Sống còn của Liên Âu rất mong manh ! Vì ngày nay, nếu đặt câu hỏi thực sự có bao nhiêu quốc gia dám giao phó một quyết định cho một quyền lực trung ương âu châu, nằm ở Bruxelles?
Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh đã một lần lên tiếng nói rõ vào những năm đầu của Liên Âu: «Chúng ta không thể vứt bỏ Nhà Nước của chúng ta ở London để thấy nó xuất hiện ở Bruxelles ! »

Vì vậy phải trân quý quan niệm Tiểu Tiết:


Vẫn biết rằng tất cả người cẩm quyền nào, lúc nào, cũng muốn quyền lực mình được lan rộng. Và không một lý thuyết Dân chủ nào có thể dẹp được cái cám dỗ ấy ! Và đau đớn hơn nữa là quyền lực giúp người cầm quyên nới rộng quyền lực lan rộng đến các phạm vi công cộng, các phạm vi của cải chung, và dĩ nhiên đưa đến sự sử dụng công quỹ. Phương cách bầu cử (mà thường được xem một cách vội vả, là một phương pháp dận chủ) chỉ một phương pháp đặt nặng trên nền tảng trên phe đảng, trên các thân chủ bạn bè gia đình, chia chác lợi nhuận, quyền lợi, bổng lộc. Gia tài, bổng lộc đều đến từ Nhà Nước-Bảo Trợ, Nhà Nước Cha mẹ – L’État-Providence. Và một cách tự nhiên, tinh thần trách nhiệm cá nhơn bị mai một, và cũng một các tự nhiên tinh thần đạo đức công dân cũng tiêu tùng luôn ! Và quan niệm « lo cho cái Tiểu Tiết », cho cá nhơn, cho người dân cũng mất tuốt !





Việc Ta (Chuyện Việt Nam):

Việt Nam ta ngày nay, khỏi bàn chuyện Tiểu Tiết. Chỉ toàn là Đại sự ! Nào là cũng cố Đảng. Đại sự là ở sao cho vừa lòng anh láng giềng phương Bắc ! 16 chữ Vàng, 4 chữ Tốt là quan trọng. Giữ yên việc nhà Việt Nam là nắm giữ Đảng. Ngậm miệng ăn tiền. Xưa kia thất sủng có thể nguy hiểm, mất mạng. Ngày nay, chuyện lên xuống là chuyện bình thường. Get Line – Faire la Queue – Sắp Hàng chờ phiên. Lớn ăn theo lớn. Nhỏ ăn theo nhỏ. Vô Đảng Cộng Sản để được lợi.

Người dân là chuyện nhỏ, quốc gia là chuyện nhỏ, Dân tộc cũng là chuyện nhỏ, là Tiểu Tiết. Cầm uyền là Ăn To Nói Lớn. Tuyên Bố, Khẩu hiệu. Đảng Cộng Sản là trên hết ! Là Đại Sự !
Ngày mai, Sống Còn Đất Nước Việt Nam ! Đảng Cộng Sản Việt Nam Lo.
Ngày mai Sống Còn Đảng Cộng Sản Việt Nam ! Đảng Cộng Sản Tàu Lo

Ngày mai Sống Còn Dân Tộc Việt Nam ! Đảng Cộng Sản Quốc Tế – Tàu Ta như Một – Lo
Dân Tộc Việt Nam – Đân Tộc Tàu là một ! (Núi liền Núi Sông liền Sông)
Sao Vàng Cộng Sản Việt Nam sẽ là Sao Vàng Cộng Sản Tàu thứ Sáu trên Cờ Máu Tàu !
1968, Mậu Thân, Thảm Sát Công dân Huế, Diệt Công dân cựu Kinh Đô Đế Quốc Việt Nam
2016, Bính Thân, Thảm Sát Dân tộc Đại Việt, Diệt Công dân cựu Quốc Gia Việt Nam.

Buồn ! Chán ! Nãn !
Hồi Nhơn Sơn, Khai Bút Năm Bính Thân 2016 (Năm Con Khỉ Lửa)

Ngày Liên Âu thương thuyết cứu Anh Quốc khỏi Brexit

TS.Phan Văn Song

ĐAT LAI LẠT MA



Đời Sống và nhớ về Tiền kiếp của Đức Đạt Lai Lạt Ma


Như một tu sĩ hành giả, ngay khi thức dậy tôi tỏ lòng quy kính Đức Phật, và tôi cố gắng để chuẩn cho tâm tư tôi vị tha hơn, từ bi hơn, trong ngày ấy để tôi có thể làm lợi ích cho chúng sanh.


NHỮNG NGÀY TRONG ĐỜI TÔI bắt đầu vào khoảng ba đến ba giờ rưởi sáng. Khi thức dậy, tôi nghĩ về Đức Phật, và tôi trì tụng những lời tán thán được viết bởi đại hiền nhân Ấn Độ, Long Thọ. Tôi đọc lời cầu nguyện nằm xuống, hai tay chấp lại, nửa tôn kính, nửa như ngủ, …


Như một tu sĩ hành giả, ngay khi thức dậy tôi tỏ lòng quy kính Đức Phật, và tôi cố gắng để chuẩn cho tâm tư tôi vị tha hơn, từ bi hơn, trong ngày ấy để tôi có thể làm lợi ích cho chúng sanh. Rồi tôi tập thể dục - tôi đi trên máy đi bộ treadmill.


Khoảng năm giờ tôi ăn điểm tâm; sau đó tôi có thêm vài buổi thiền tập nữa, và tôi trì tụng cho đến tám hay chín giờ. Sau đó tôi thường đọc báo, nhưng đôi khi tôi cũng đi vào phòng phỏng vấn cho những cuộc hội kiến. Nếu không có chuyện gì khác để làm, chính yếu tôi học tập kinh điển mà những vị thầy đã dạy cho tôi trong quá khứ, nhưng tôi cũng đọc một số sách vở mới đây.


Sau đó tôi thực tập thiền phân tích về lòng vị tha, mà tôi gọi là bodhicitta, hay "tâm giác ngộ", tâm bồ đề, trong thuật ngữ Phật Giáo. Tôi cũng thiền quán về tánh không. Tâm giác ngộ và tánh không là những để mục thiền quán quan trọng nhất trong sự thực tập hàng ngày của tôi, vì chúng sẽ hổ trợ tôi suốt cả ngày. Bất cứ khó khăn gì, những sự kiện buồn, hay tin tức xấu có thể hiện lên, những thiền quán này cho phép tôi ổn định tâm thức tôi một cách sâu sắc và hổ trợ nó từ bên trong.


Sau buổi ăn trưa, tôi trở lại phòng phỏng vấn cho những buổi hội kiến khác. Vào lúc này [tết Tây Tạng], hầu như mỗi tuần, tôi tiếp những người Tây Tạng vừa mới đến từ quê hương Tuyết Sơn.


Khoảng năm giờ là thời uống trà buổi chiều của tôi. Như một tu sĩ Phật Giáo, tôi không ăn tối. Nếu đói bụng, tôi nhẫm một miếng bánh ngọt, thỉnh cầu Đức Phật tha thứ. Sau đó tôi tận tụy cho những buổi cầu nguyện và thiền tập nữa…


Khoảng bảy hay tám giờ tôi đi ngủ - không phải không có sự thẩm tra lại những gì tôi đã làm suốt trong ngày trước. Nhiều đêm tôi đã ngủ bảy hay chín giờ đồng hồ. Đó là lúc tuyệt vời nhất! Hoàn toàn thư giản … (Cười).



Trong vòng tay của mẹ

Tôi Được Sinh Ra Vào Ngày Năm Tháng Năm



TÔI ĐƯỢC SINH RA VÀO ngày năm tháng Năm, năm Con Heo Gỗ của lịch Tây Tạng, hay sáu tháng Bảy năm 1935, của Dương Lịch. Tôi được đặt tên là Lhamo Thondup, có nghĩa là, "Thiên nữ, người hoàn thành mọi ước nguyện." người Tây Tạng đặt tên người, nơi chốn, và sự vật thường nghe rất tượng hình khi được phiên dịch. Tsangpo, thí dụ thế, tên của con sông lớn nhất ở Tây Tạng - sẽ trở thành dòng Brahmaputra dễ sợ ở Ấn Độ - có nghĩa là "Người Làm Cho Trong Sạch".



Tên của ngôi làng tôi là Takster, hay "Tiếng Rống của Cọp". Khi tôi là một đứa bé, đó là một làng xã nhỏ nghèo, ở trên đồi nhìn xuống một thung lũng rộng. Đất đai không phải để cho những nông dân mà cho những người du mục, do bởi thời tiết không thể dự đoán được trong vùng. Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi, cùng với khoảng hai mươi gia đình khác, kiếm được ít ỏi cho cuộc sống trên vùng đất này.


Takster tọa lạc ở vùng cực đông bắc của xứ sở, trong tỉnh Amdo. Ngôi nhà mà tôi sinh ra là đặc thù của vùng đó ở Tây Tạng - được xây dựng bằng đá và đất, với nóc bằng phẳng. Những máng xối làm bằng nhánh cây bách xù xoi thủng đến đường nước mưa, đó là vật liệu bất thường trong khối kiến trúc đó. Ngay phía trước căn nhà, giữa hai cánh là một sân nhỏ, giữa sân, là một trụ cao để treo lá cờ với nhiều lời cầu nguyện được đính vào.


Thú vật được nhốt phía sau nhà, vốn có sáu phòng: nhà bếp, nơi mà hầu như chúng tôi dành nhiều thời gian nhất trong mùa đông, phòng cúng kiến với một bàn thờ nhỏ, nơi mà tất cả chúng tôi tập họp vào buổi sáng để cúng dường; phòng ngủ của cha mẹ tôi; một phòng khách; một kho chứa những vật thực, và cuối cùng là chuồng cho thú vật.



Trẻ con không có phòng riêng cho chúng. Như một bé con, tôi ngủ với mẹ tôi, và sau đó trong nhà bếp, gần lò lửa. Chúng tôi không có ghế hay giường, nói một cách chính xác, nhưng có những tấm gỗ phẳng được dựng lên để ngủ trong phòng cha mẹ tôi và trong phòng khách. Chúng tôi cũng có vài thùng gỗ, được sơn màu sắc sáng chói.



Tôi Có Thể Nhìn Thấy Những Tâm Hồn Khiêm Hạ Nhất

GIA ĐÌNH TÔI SỐNG trong một vùng rất xa xôi hẻo lánh. Sining, thủ phủ của Amdo, là thị trấn gần nhất, nhưng cũng phải mất ba giờ đồng hồ đi bằng ngựa hay lừa để đến đấy. Làng chúng tôi rất nghèo, chỉ có thể nói lời cảm ơn người anh tôi, người được nhìn nhận là một vị lạt ma tái sanh từ đại tu viện Kumbum, đó là điều chúng tôi hơi hơn những người khác.


Tôi luôn luôn vui thích với sự nguyên sơ của tôi. Nếu tôi được sanh ra trong một gia đình giàu có hay danh giá, thật khó để tôi chia sẻ những sự quan tâm cho những người Tây Tạng giản dị. Những năm tháng thơ ấu của tôi ở Takster có một ảnh hưởng sâu sắc với tôi. Chúng cho phép tôi nhìn thấy vào trong những tâm hồn khiêm hạ nhất, để đồng cảm với họ, khi tôi cố gắng để làm cho những điều kiện sống của họ tốt đẹp hơn.


Tôi có nhiều anh chị em; mẹ tôi sinh ra mười sáu đứa con trong thế giới này, nhưng chỉ có bảy đứa sống còn. Chính là người chị tôi đã giúp mẹ tôi khi tôi được sinh ra, vì lúc ấy chị đã mười chín tuổi. Chúng tôi rất gần gũi với nhau, và có rất nhiều niềm vui trong đời sống khó khăn ấy.


Cha mẹ chúng tôi là những nông dân nhỏ, nói một cách nghiêm túc, nhưng không phải là những bần nông, vì họ mướn một thửa đất đai cho chính họ. Lúa mạch và lúa mạch đen là những hạt chính ở Tây Tạng. Gia đình tôi gieo trồng chúng, cùng với khoai tây. Nhưng nhiều khi nổ lực cả năm bị tiêu tan bởi những trận mưa bảo hay khô hạn.


Chúng tôi cũng có một ít gia súc, là một nguồn lợi đáng tin cậy hơn. Tôi nhớ năm hay sáu con dzomo (thú lai giữa yak và bò), mà mẹ tôi thường vắt sửa. Ngay khi tôi đứng được trên bàn chân tôi, tôi liền đi với mẹ tôi đến chuồng thú. Trong áo tôi, tôi mang theo một cái chén, và bà sẽ đổ sửa vào, vẫn còn ấm, ngay trong ấy.


Chúng tôi cũng có một đàn thú nuôi khoảng tám mươi con, cả cừu và dê, và cha tôi luôn luôn có một hay hai con ngựa, đôi khi ba con ngựa, mà ông rất gắn bó. Trong vùng này, ông có tiếng là biết chăm sóc ngựa và thậm chí biết chửa trị chúng nếu gặp dịp.


Cuối cùng, gia đình tôi nuôi hai con tuyết ngưu (yak), là tặng phẩm của thiên nhiên cho loài người, vì chúng có thể sống còn ở một độ cao trên mười nghìn bộ. Chúng tôi cũng nuôi những con gà mái để lấy trứng, mà tôi chịu trách nhiệm để lùa chúng vào chuồng. Tôi thường tự thích thú bằng việc leo lên ổ gà, mà ở đấy tôi thích ngồi trên cao và túc túc như một con gà mái!


Cha Mẹ Tôi Không Bao Giờ Nghĩ Tôi Có Thể Là Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ Mười Bốn


CHÍNH MẸ TÔI đã nhắc tôi về những ký ức hai năm đầu trong đời tôi. Bà ngạc nhiên khi nghe tôi lập đi lập lại rất sớm: "Tôi đến từ vùng trung Tây Tạng, tôi phải trở lại đấy! Tôi sẽ đem cả nhà đi với tôi." Và trò chơi thích thú của tôi là khăn gói đồ đạc của tôi; sau đó tôi sẽ nói lời giả biệt với mọi người và giả vờ ra đi, ngồi dạng chân như cởi ngựa. Thân quyến tôi nghĩ đó là trò chơi của trẻ con, và không ai chú ý đến. Chỉ sau này chính mẹ tôi mới nghĩ rằng tôi có một trực giác về số phận nào đó sẳn dành cho tôi.


Thành thật mà nói, cha mẹ tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi có thể là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn. Vài tháng trước khi tôi ra đời, cha tôi đau khổ với cơn bệnh kỳ lạ làm ông mất ý thức nhiều lần và những cơn chóng mặt lập đi lập lại, cho đến cuối cùng ông phải nằm liệt giường để lại tất cả công việc nhà cho một bà bầu. Một cách kỳ lạ, vào buổi sáng tôi ra đời ông cảm thấy được chửa trị, ngồi dậy như không khỏe mạnh, và đọc lời cầu nguyện, giống như ông chưa từng bệnh tật. Khi ông biết là con trai ông vừa được sinh ra vào lúc bình minh ngày may mắn ấy, ông nói với mẹ tôi rằng đứa bé này chắc chắn không giống như những đứa khác, và nó nên trở thành một tu sĩ.


Tôi Nhận Ra Xâu Chuỗi Của Tôi


TÔI VẪN TỰ HỎI cho đến ngày hôm nay, làm thế nào đoàn tìm kiếm Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn có thể khám phá ra ngôi làng bé nhỏ của tôi vốn rất xa với mọi nơi, lạc lõng trong những đồng cỏ mênh mông của Amdo.



Năm 1933, tiền thân của tôi, Thubten Gyatso, đã rời thế giới này vào tuổi năm mươi bảy. Thân thể của ngài được xông ướp theo phong tục, và những vị tu sĩ đã giật mình khám phá vào một buổi sáng rằng đầu của ngài, vốn được hướng về phía nam, đã quay về phía đông bắc. Chuyển động bất thường này đã được diễn dịch như một dấu hiệu chắc chắn chỉ đến một vùng của hóa thân tiếp theo của ngài.



Chẳng bao lâu sau đó, giấc mộng của vị quan nhiếp chính xác nhận dấu hiệu này. Trên mặt nước thiêng liêng của Lhamo Lhatso, ông đã thấy mẫu tự Ah, Ka, và Ma của Tây Tạng lấp lánh. Sau đó có sự hình thành hình ảnh một tu viện ba tầng, với một mái màu ngọc lam và vàng, và rồi một ngôi nhà nhỏ xuất hiện. Nó có những máng xối với cấu trúc kết nối bất thường. Không nghi ngờ gì đối với vị nhiếp chính rằng mẫu tự Ah biểu thị cho tỉnh Amdo, đối với việc tiền thân quá cố của tôi đã quay đầu ngài sau khi chết. Ka dường như được trình bày một cách hợp lý là viết tắt của tu viện Kumbum, với ba tầng của nó và mái ngọc lam. Họ vẫn phải xác định ngôi nhà nhỏ với những máng xối kỳ lạ.



Khi đoàn tìm kiếm thấy, trong thung lũng, những nhánh cây bách xù xoắn lại với nhau chạy dưới mái nhà một nông dân, thì rõ ràng với mọi người là Đức Đạt Lai Lạt Ma mới đang sống ở đây. Và sau khi khảo sát, họ nghiên cứu một đứa bé được sinh ra trong căn nhà này, những thành viên trong nhóm quyết định hiện diện tại cửa nhà chúng tôi và hỏi thăm để tạm trú qua đêm.


Vị lạt ma, người hướng dẫn phái đoàn giả dạng như người phục vụ và đi vào nhà bếp. Tôi chạy đến ông ta, ngồi trên vạt áo ông, và đòi xâu chuỗi mà ông đang đeo, thừa nhận đó là của tôi. Sự thân mật này làm mẹ tôi xấu hổ, nhưng vị lạt ma đề nghị tặng tôi xâu chuối ấy nếu tôi có thể nói tên ông. Tôi trả lời không do dự: "Ông là Sera Aga," bằng tiếng địa phương, có nghĩa: "Ông là lạt ma ở Sera." Tôi cũng gọi tên những vị đồng hành của ông và đùa vui với ông trong suốt buổi tối đó, cho đến khi đi ngủ. Buổi sáng hôm sau đoàn tìm kiếm trở lại Lhasa, không nói gì với cha mẹ tôi.


Tôi Vượt Qua Những Kiểm Nghiệm Về Việc Nhớ Kiếp Sống Trước Của Tôi



Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13



BA TUẦN SAU, một phái đoàn đầy đủ những lạt ma và chức sắc tôn giáo đến thăm viếng chúng tôi một lần nữa. Lần này họ mang theo vài vật dụng cá nhân của vị tiền thân tôi, để lẫn với những thứ khác không liên quan đến ngài. Việc này để cho thấy rằng những vị tái sanh non trẻ kia nhớ lại những vật dụng và những người từ kiếp sống trước hay có thể đọc tụng những bài kinh trước khi được học.



Khi họ chỉ tôi hai cây gậy, tôi chạm vào một cây một cách do dự, nhìn nó trong một vài giây và sau đó lấy cây kia, vốn thuộc về Đức Đại Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba. Sau đó tôi nhẹ nhàng vỗ vào tay của vị lạt ma đang nhìn chăm chăm vào tôi, thừa nhận rằng cây gậy này của tôi và trách ông ta sao lấy cây gậy ấy của tôi.



Giống như thế, tôi nhận ra, trong vài xâu chuỗi đen và vàng, những thứ thuộc về vị tiền thân của tôi. Cuối cùng, họ ra hiệu cho tôi chọn một trong hai cái trống: một nhỏ và giản dị, thuộc về Đức Đạt Lai Lạt Ma 13 sử dụng để gọi thị giả; và cái kia lớn và trang trí với những viền vàng. Tôi đã chọn cái giản dị, mà tôi dùng để rung lên bắt đầu theo phong tục của những sự thực hành nghi lễ.


Những việc kiểm nghiệm này, mà tôi đã vượt qua thành công, đã làm cho những thành viên của đoàn tin rằng họ đã tìm ra được hóa thân tái sanh mà họ đang tìm kiếm. Đó cũng là một điềm lành là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã ở lại tu viện bên cạnh khi ngài từ Trung Hoa trở về. Ngài đã được chào đón ở đó bằng một nghi lễ, và cha tôi được chín tuổi vào lúc đó, đã hiện diện trong buổi lễ đó. Vị trưởng đoàn tìm kiếm nhớ rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã quên một đôi hia vàng ở tu viện, và điều đó được diễn dịch như một dấu hiệu rằng ngài sẽ trở lại. Ông cũng ngắm nhìn một cách nhanh chóng ngôi nhà nơi tôi được sanh ra và lưu ý rằng khung cảnh nơi ấy thật là xinh đẹp.

Ẩn Tâm Lộ, Sunday, January 10, 2016
Trích từ quyển My Spiritual Jouney của Đức Đạt Lai Lạt Ma


TRUYỆN CÓ Ý NGHĨA



Chuyện người Samurai:


Không Nên Ðánh Nhau Khi Ðang Tức Giận.


Một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá.

Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.”

Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức.

Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”

Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đo chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”


Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”


Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.

Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”

Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”

Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.

“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”

_
Một câu chuyện ngụ ngôn rất hay.


Trong đời tôi cũng đã có vài lần xảy ra tương tự như chuyện sau đây :
Vợ tôi, khi người còn khỏe mạnh cùng tôi đi chùa lạy Phật. Vợ tôi và tôi vừa chấp tay lạy Phật thì nghe vị thầy tu đang giảng đạo-pháp thao thao bất tuyệt. Bổng có một bà cụ già bước đến bên vị tu sĩ hỏi xin thầy ngừng ở đây để cho bà hỏi thầy một câu. Vậy thì người tu sĩ bỏ cuốn sách xuống và bắt đầu quở trách bà cụ nầy oang oang trên máy vi âm: "Tôi đang thuyết giảng mà sao bà làm tôi cụt hứng không còn nhớ tôi đọc đến chổ nào nữa".. "Bà .....Bà...... Bà......V. V. V........ Bà không được làm như vậy nữa nghe chưa?"



Tôi nghe lời mạt sác của ông nầy rất chướng tai. Tôi giận cho thái độ xỉ mạ của ông đối với người già cã. Tôi liền bảo nhà tôi ngưng lạy và lui ra để tôi vào gọi ông thầy chùa nầy hỏi vì sao ông mạt sát người già cã. Phật, thầy nào dạy ông làm điều nầy? Ông đã tu được bao nhiêu năm mà ông không trấn tỉnh được sự sân-si? Tôi vừa nói vậy với vợ tôi thì vợ tôi bảo rằng: " Người ta đã sai, sân si quá. Bây giờ anh cũng sân si nữa thì chúng ta đi chùa làm gì?


Tôi nghe vợ tôi nói quá phải. Tôi đành theo nàng đi về nhà và lạy tượng phật ở nhà. Tôi xin hứa với tượng Phật rằng từ nay con không còn hành động trong cơn nóng giận nữa. Từ đó vợ tôi thương quý tôi nhiều hơn. Nàng bảo: " Sao dạo nầy trông anh hiền như Bụt vậy?" Tôi bảo nàng: Tôi nhớ chuyện đi chùa hôm ấy. Tôi đã thành Phật rồi .


 Hòn Ðá Ném Ði


Văn hào Nga Leon Tonstoï có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.


Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi".


Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sach mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta."
Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất.




'' Làm Gì Có Phật! ''

Có một người nọ đến tiệm hớt tóc quen để cắt tóc, cạo râu và lấy ráy tai.
Trong lúc hai bàn tay thoăn thoắt làm việc, bác thợ luôn miệng trò chuyện rôm rả với thân chủ.
Những mẩu chuyện đầu Ngô mình Sở dẫn dắt thế nào mà bỗng dưng họ lại sa đà qua đề tài tâm linh,
thần học.., rồi xoay qua chủ đề: đức Phật có hay không?
Thợ hớt tóc vừa đưa một đường kéo ngọt xớt tỉa chỏm tóc lòa xòa trước trán thân chủ
vừa phán một câu chắc nịch: “ Làm gì có ông Phật trên đời !”

Vốn là một người sống tâm linh, thế nên khách không khỏi phật ý, bèn vặn lại: “Tại sao bác nói thế?”
Bác thợ nói luôn một mạch: “Thì cứ ra phố mà xem. Nhiều trẻ em phải lang thang kiếm sống.
Lắm người già yếu còn phải còng lưng dầm mưa dãi nắng bán rong. Bao kẻ không nhà đêm đêm
vẫn mượn vỉa hè nằm co ro lăn lóc. Chưa kể là vào các bệnh viện nào cũng thấy chen chúc và đầy dẫynghịch cảnh đau lòng... Nếu quả thật trên đời này có một ông Phật từ bi luôn thương xót chúng sinh,thì cớ sao những mảnh đời khổ ải đó lại không được Ngài cứu vớt?!”


Ông khách làm thinh.
Khi trả tiền xong, khách bước ra khỏi tiệm hớt tóc và bắt gặp bên kia đường một người râu tóc
lùm xùm, thậm thượt, rõ là đã lâu ngày không hớt không cạo. Khách liền quày trở vào tiệm nói lớn:

- “Bác thấy đó, trên đời này làm gì có thợ hớt tóc!”
Bác thợ sửng sốt:
“Nói vậy mà nghe được à!
Thế tôi là ai? Ai vừa mới hớt tóc cho anh ở đây?”

Ông khách kéo bác thợ cắt tóc ra cửa, chỉ sang bên kia đường:
“Đấy! Thợ hớt tóc không hề có, vì nếu có thì người kia đã không phải
để râu tóc lùm xùm, thậm thượt như vậy.”
“Sai bét! Thợ hớt tóc vẫn luôn có, nhưng tay đó không chịu bước vào tiệm thì dẫu
có đông có nhiều chăng nữa, thợ hớt tóc cũng đành bó tay.”

Khách mỉm cười: “Chính xác! đức Phật cũng vậy mà thôi.
Ngài luôn luôn đưa tay ra chờ đợi chúng ta nhưng chúng ta không chịu tìm đến mà nắm lấy tay Ngài.
Chúng ta luôn tìm đủ cách phủ nhận đức Phật và kiêu ngạo với tài hèn sức mỏng của mình.
Đó là nguyên do sâu xa của mọi nỗi đau khổ trên thế gian này!”


Suy Nghiệm :

Thế thường, nhân gian ''cầu được, ước thấy'' thì mới tin vào Phật,
cầu không toại nguyện thì bảo Phật không thiêng, không có Phật.
Kỳ thật, đức Phật xuất hiện trong cõi đời đâu phải để cho con người đem lòng dục của mình ra
mà trắc nghiệm sự tồn tại của Ngài. Muốn biết Phật có ''cứu vớt '' hay không, bạn nên thực thi theo
giáo Pháp của Phật, cái gọi là: '' bàn tay Ngài luôn đưa ra'' đó chính là giáo Pháp. Giáo Pháp đó như
tấm bản đồ, bạn theo đó mà đi thì sẽ thoát khổ và tự thân cảm nhận hạnh phúc,

bạn không còn tự biến mình thành nô lệ cho dục vọng
và cho đối tượng mà bạn cầu xin..

Bodhgaya Monk




Câu chuyện về chữ NHẪN

Posted by banmaihong
Có một nhà sư chọn tu pháp Nhẫn nhục Ba la mật, sau nhiều năm tháng nỗ lực tu tập thì sư cũng thành tựu được rất nhiều công hạnh, trụ vững như kim cương khi bình an trước mọi nghịch cảnh, bị người khách ganh ghét, lăng nhục, mưu hại sư vẫn luôn nở nụ cười trên môi thản nhiên như không.





Rất nhiều người tán thán sư và thường xuyên đến chỗ sư để đàm đào và thực tập hạnh tu này, sư luôn vui vẻ tiếp đón và chia sẻ những kinh nghiệm thực tập được cho họ.
Một hôm có một thanh niên đến tham quan chùa, anh ngưỡng mộ hạnh tu của sư nhưng vì mới tìm hiểu đạo nên không biết chuyện gì để tham vấn, nhìn quanh thấy trên tường treo tấm bảng gỗ có một chữ sư viết rất bay bướm, anh liền hỏi:

– Thưa Thầy, đây là chữ gì ạ?
Sư trả lời đầy vẻ tự hào:
– Chữ Nhẫn viết theo lối thư pháp, ta phải tập viết hàng trăm lần mới được như ý đấy con à.
Anh gật gù vẻ tán thưởng, sau khi đi lòng vòng ngó nghiêng đây đó anh đứng trước tấm bảng gỗ gãi đầu gãi tai:
– Thưa Thầy chữ gì đây ạ?
Nhà sư tươi cười trả lời:
– Ta tu hạnh nhẫn nhục nên viết chữ Nhẫn đó mà
Một chút sau, anh lại ngắm nghía tấm bảng và hỏi:
– Thưa Thầy, thầy viết chữ gì đây ạ?
– Chữ NHẪN! Trước khi ra về anh lại tần ngần trước tấm bảng:
– Thưa Thầy, chữ gì đây ạ?
Nhà sư không chịu nổi nữa, nộ khí xung thiên:
– Chữ Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn! Đồ ngu, ngu gia truyền! Có một chữ mà nãy giờ hỏi hoài, hỏi hoài! Cút ngay!
(Chữ nhẫn được ghép từ hai chữ: Đao ở trên, Tâm ở dưới. Tâm, tức trái tim, mà không chịu nằm yên thì Đao, tức con dao, sẽ phập xuống tức thì. Vậy đấy, tự mình mà nhẫn nhịn được thì đao kề cổ vẫn bình yên vô sự, bằng không thì tai họa sẽ giáng xuống đầu mình trước tiên.)


 .



HUY VŨ * MOURNING HEADBAND FOR HUE

 Về cuốn Mourning Headband For Hue
                                                    bài của HUY VŨ
 



Hơn 40 năm trước tôi đã đọc “Dải Khăn Sô Cho Huế” của nhà văn Nhã Ca. Mới đây lại nghe nói, cuốn DKSCH được tiến sĩ Olgar Dror, một người Nga gốc Do Thái, đã từng làm việc cho Đài Phát Thanh tiếng Việt của Liên Bang Nga tại Mạc Tư Khoa và hiện là associate professor của Texas A&M University, dịch sang Anh Ngữ với tựa đề “Mourning Headband For Hue.” Khi đọc bản Việt Ngữ trước đây, nhiều câu và nhiều đoạn trong tác phẩm này đã khiến tôi không cầm được nước mắt, nên tôi muốn đọc lại tác phẩm này sau khi đã được chuyển dịch sang Anh Ngữ, một sinh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của tôi để xem liệu tôi còn có được những cảm xúc như thế nữa không? Có lẽ Anh Ngữ vẫn chỉ là tiếng nói của quê hương thứ hai, nên dù tôi đã sống trên vùng đất này tròm trèm ba mươi năm rồi, song khi đọc tác phẩm này bằng Anh Ngữ, tuy vẫn còn những câu, những đoạn tôi cảm thấy thấm thía, nhưng thật sự không được sâu xa như khi đọc bằng “tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi.” Mặt khác, lại có những câu, những đoạn khiến tôi ngờ ngợ khó hiểu, chẳng hạn như câu sau đây:


“What jumps into my eyes is the dead body of a man, handsome and large, lying in a prone position, blood already dried up. His two arms are stretched as though he embraces the earth.”


Một xác chết đã lâu ngày, máu me đã khô đặc, lại nằm úp mặt xuống đất nên không thấy mặt mũi đâu cả, đáng lẽ phải “trương phình và thối ình” lên mới phải chứ, làm sao lại có thể “to lớn và đẹp trai” như Từ Hải, “vai năm thước rộng thân mười thước cao,” được nhỉ? Để hiểu rõ được câu này, tôi bèn tìm đọc lại bản tiếng Việt để xem nguyên văn bằng tiếng Việt được viết như thế nào, mà bà Olga Dror đã chuyển dịch ra Anh Ngữ một cách “sinh động” đến thế.


Ít phút sau tôi đã tìm thấy nguyên văn câu tiếng Việt như sau: “Vật đập ngay vào mắt tôi là xác một người đàn ông sình to nằm sấp, máu me đã đặc khô lại.” Cho tới lúc ấy, tôi mới nhận ra được rằng, có lẽ chữ “sình to” đã bị bà Olga Dror hiểu lần là “sinh to” hay “xinh to” chăng, nên mới đưa đến việc dịch một xác chết “sình to” bên tiếng Việt, thành một xác chết “handsome and large” bên tiếng Anh. Cũng từ đó, tôi bắt đầu đọc thận trọng hơn nên đã tìm được một số câu hay một số đoạn hiểu lầm khác.








Sau đây là những hiểu lầm mà tôi đã gặp. Để độc giả có thể dễ dàng nhận ra những hiểu lầm ấy, tôi xin thu gọn mỗi hiểu lầm vào một đoạn, và mỗi đoạn gồm ba phần:


- Phần một là nguyên văn câu viết tiếng Việt của nhà văn Nhã Ca.

- Phần hai là nguyên văn câu dịch ra tiếng Anh của bà Olga Dror.


- Phần ba là đôi lời giải thích hoăc là câu tiếng Anh Văn được tạm dịch sát nghĩa hay thoát nghĩa với câu tiếng Việt.

Ngoài ra, nơi đầu của mỗi đoạn có ký hiệu Tx/Py. T/x là số trang của câu tiếng Việt và P/y là số page của câu tiếng Anh để độc giả dễ dàng đối chiếu.


T/31- P/11


- Ðứa em trai tôi trườn theo làn ánh sáng mỏng đó, nó ngồi áp vào bên má tôi.

- My younger cousin Thái crawls toward this wavering light, then sitting up bumps into my cheek.

- Má tôi trong câu này không là my cheek mà là my mother. Có thể tạm dịch là: “My younger brother crawls toward this wavering light, he then sits down closely to my mother.

T/34-P/14
- Căn nhà của chúng tôi nằm đơn lẻ, chịu đựng bốn mặt đang đánh nhau. Quốc lộ và bờ ruộng ở ngay trước mặt, đường rầy xe lửa ở phía sau lưng. Hai phía hai bên, một xéo với đồn Trường Bia, một xéo với đồn vận tải An Cựu
- I reckon that our house, which is also our ancestor-worshipping house, being located in a secluded spot, will survive the surrounding fighting. The National Highway and the edges of fields are directly in front of us; the railway is behind us. Two directions, two enemy sides. One side tramples on Trường Bia post, the other side tramples on An Cựu Transportation Station.
- Xéo ở đây không là tramples on mà là comes from the direction of. Có thể tạm dịch là: “……..One side comes from the direction of Trường Bia post, the other side comes from the direction of An Cựu Transportation Station
T/37-P/17
- Anh coi đi tìm con Hồng với thằng cu Ðiện, không tui chạy ra cho súng bắn (tui) cái đùng (chết) cho rồi.”
- You were going to look for Thu Hồng with little Điện, not to run down the street by yourself to shot
- Câu nói này mang tính chất hờn dỗi nên tạm dịch là: “You have to go to look for Thu Hồng with little Điện, if not, I would run down the street by myself to be shot at.”
T/37-P/18
-Làm răngchạy với nhau được, mạnh ai nấy chạy;
-Why would we run together? The one who’s stronger is the one to run;
 How could we run together? Everyone only runs for himself
T/38-P/18
- Rồi nó sực nhớ lại đồn trại và đồng đội, nó ngồi buồn hiu. Lát sau thở dài: “Lính tráng mà ngồi một xó như ri có nhục không?”
- Then he all of a sudden remembers his camp and his fellow soldiers and he sits down, sad. A moment later, he sighs heavily: “Another moment and I would have been dead.”
- “It is shameful for a soldier to sit down in a corner like me, isn'it? ”
T/60-P/38
- Ông nhà tui đó tề.
- …. that man is from my family.
- …..that man is my husband.
T/148-P/130
- “Tụi bây không đi, tao đi một mình. Tao đi đánh lại cái đơn.”
- “If you, young brats, are not going, I’m going alone. I go to fight all by myself.”
- Đánh lại ở đây không là to fight mà là to retype, và đơn không là myselfmà là petition. Có thể tạm dịch là: “I go to retype my petition.”
T/194-P/177
- Vậy là chúng tôi sửa soạn lên An Cựu. Má tôi dặn dò cậu Giáo nếu ở đây đại bác dữ quá thì lên trên đó (An Cựu).
- So, we get ready to go up to An Cựu. My mother admonished us to go up by Giáo Bridge if the artillery here is too fierce.
- Cậu Giáo không là Giáo Bridge mà là uncle Giáo. Có thể tạm dịch là: “My mother admonished Uncle Giáo to go up there (An Cựu) if the artillery here is too fierce.”
T/194-P/177-178
-Tôi hỏi họ cho biết là quân Quốc gia đã chiếm An Cựu họ đang kiểm soát trên đó, lên xem còn chi thì chở đi không bị trộm cắp lấy hết.
- I inquire of them and learn that the Nationalist Army has occupied An Cựu and is in control up there; these people are going up to see if anything is left and if yes then to take it back so that thieves and burglars will not take everything.
- I inquire of them and learn that the Nationalist Army has occupied An Cựu and is in control up there; these people are going up to see if anything is left and if yes then to take it back so that there’s nothing left for thieves and burglars.
T/195-P/178
- “An Cựu về phía ta rồi, đại bác bắn lên miệt Bến Ngự, Từ Đàm.”
- “We are now close to An Cựu; the artillery is firing up into the Bến Ngự and Từ Đàm area.”
- “An Cựu is now controlled by our (Nationalist) army; the artillery is firing up into the Bến Ngự and Từ Đàm area.”
T/223-P/208
- Tôi hỏi tại sao bác bên nhà đã già mà họ còn bắt đi.


- I ask why they took away Mrs. Bình, Tinh’s mother, from the house nearby, even though she’s quite old.

- Chữ bác ở đây không là Mrs. Bình, Tinh’s mother mà là Mr. Bình, Tinh’s father…


/225-P/211

- “Bác gọi Hường lên đi, cháu (Đắc) chớ ai mô mà sợ.”

- “Auntie, call Hường up here. I won’t scare anyone.”

- “Auntie, call Hường up here. I am none other than Đắc; so there’s nothing to be afraid of.”


T/230-P/216

- Chúng tôi phải canh chừng tiếng đại bác, leo lên hầm tiểu tiện ngay ra nhà.


- We have to pay close attention to the sound of artillery when we climb up from the shelter to urinate just outside of the house.

- Ngay ra nhà không là outsider of the house mà là right inside of the house. Có thể tạm dịch là: “We have to pay close attention to the sound of artillery when we climb up from the shelter to urinate right inside of the house.”


T/235-P/221


- Vật đập ngay vào mắt tôi là xác một người đàn ông sình to nằm sấp, máu me đã đặc khô lại. Hai tay hắn dang ra như ôm lấy mặt đất. Chúng tôi không nhìn rõ mặt hắn.

- What jumps into my eyes is the dead body of a man, handsome and large, lying in a prone position, blood already dried up. His two arms are stretched as though he embraces the earth. We don’t clearly see his face.


- Sình to không là handsome large mà là largely bloated hay largely swelled. Có thể tạm dịch là: “What jumps into my eyes is the dead body of a man, largely bloated, lying in a prone position, blood already dried up. His two arms are stretched as though he embraces the earth. We don’t clearly see his face.


T/239-P/225


- Rồi có tiếng la chới với: Cứu người ta với, cứu người ta với.


- Then I scream and splash about: “Save me, please save me.”

- Then a loud scream is heard: “Save someone, please save someone.”


T/241&242-P/227


Rồi tin cụ Hồ vào thăm dân. Cụ chưa vào mà thành phố đã chết đứt một nửa, đã tan nát sụp đổ gần hết. Ngày cụ vào, chắc gì con cháu còn sống để hoan hô cụ.

- And then there is new that Venerable Hồ [Chí Minh] is coming to visit with the people. Venerable Hồ has not yet arrived but half the city is already dead, almost completely destroyed, reduced to ashes. On the day of his arrival, surely the children who are still alive will be sent to cheer for him.


- Chữ “con cháu” ở đây không có nghĩa là “children” mà là tất cả người dân trong thành phố Huế. Có thể tạm dịch là: “And then there is news that Venerable Hồ [Chí Minh] is coming to visit the people. Venerable Hồ has not yet arrived but half the city is already dead, almost completely destroyed, reduced to ashes. On the day of his arrival, surely nobody is still alive to come to cheer him.


T/244-P/230

- “Mạ tui chết ngay tại nhà mà. Còn con em tui chưa chết, vì chưa chết mới mang họa.” (Cô bé này bị thương nặng, nên được bố và chị đưa đi bệnh viện cấp cứu. Trên đường đến bệnh viện, cả ba đều chết vì trúng đạn, nếu cô bé này chêt ngay tại nhà thì cha và chị cô không chết).


- “My mother died right here at the house. My younger sister was not yet dead, but her life was in danger.

- “My mother died right here in the house. My younger sister was not yet dead, because of that my family got into the terrible danger.”


T/263-P/250


- “Con có dám ra cầu ngồi phản đối chiến tranh với ôn không?”

- “Will you dare to go out with me to sit under bridge to oppose the war?”

- Cụm chữ “ra cầu ngồi” không có nghĩa “to sit under bridge” mà có nghĩa là “sit on bridge.” Có thể tạm dịch là: “Will you dare go out with me to sit on bridge to oppose the war?”


T/277-P/263


- “Anh về nhà rồi. Tới chơi nghe. Ðừng có lo cho Lễ, không răng mô. Có tin chi cho anh biết hí.”

- “He has already returned back to his home up there. Listen, when thing comes down, come to visit. Don’t worry about Lễ; nothing has happened.”

- “I have already returned back to my home. Listen, when things go down, come to visit. Don’t worry about Lễ; nothing has happened to his family.”


T/295-P/282


- Một nhà sư như thầy Ðôn Hậu, một hướng đạo, ….. như ông Võ Thành Minh.
- A Buddhist monk like Master Đôn Hậu, a leader, ….. like Mr. Võ Thành Minh.

- Một hướng đạo không là a leader mà là a scout. Có thể tạm dịch là: “A Buddhist monk like Master Đôn Hậu, a scout ….. like Mr. Võ Thành Minh.”


Trên đây, không phải tất cả những hiểu lầm về tiếng Việt có thể có trong bản dịch ra tiếng Anh của tiến sĩ Olga Dror, mà chỉ là một số những hiểu lầm mà tình cờ tôi thấy được trong khi đọc “Mourning Headband For Hue”. Hy vọng việc phát hiện về một số hiểu lầm này đến được tay bà Olga Dror cũng như bà Nhã Ca để cuốn “Mourning Headband For Hue” khi được tái bản sẽ được hoàn hảo hơn.


Huy Vũ

Thanh-Thanh

Bảy Mươi Năm Làm Thơ


Cảnh-Sát-Hóa

Saturday, February 20, 2016

BÌNH NGUYÊN LỘC * CHẾ ĐỘ ĐA PHU



Chế độ đa phu

Bình-nguyên Lộc




Năm 1861, tức chỉ mới đây thôi, một quyển sách được xuất bản, làm chấn-động giới khoa học quốc-tế.


Soạn-giả của quyển cách đó là ông Bachofen, một nhà cổ ngữ học, chuyên nghiên cứu những văn-bản cổ xưa, khám-phá ra rằng người Hy-Lạp cổ thời đã theo chế độ mẫu hệ.


Trước đó nhiều trăm năm, các nhà truyền đạo Âu châu đã nói đến chế độ mẫu hệ ở các đảo nam Thái Bình Dương, nhưng không được ai tin cả. Vài người hiếm hoi sẵn lòng tin các nhà truyền giáo đó, nhưng họ cho rằng đó là chế độ của “Mọi rợ”, chẳng liên hệ gì đến các dân tộc văn minh.


Đùng một cái, khám phá của Bachofen làm đảo lộn tất cả các quan niệm cũ về khoa dân tộc-học: dân tộc văn minh nhứt hồi cổ thời là dân Hy-Lạp cũng đã theo chế độ mẫu-hệ.


Thế là từ Đông sang Tây, các dân tộc văn ninh cao và sớm đều theo mẫu hệ, hồi cổ thời. Các nhà nghiên cứu bấy giờ mới đổ xô nhau đi tìm biết thêm về chế độ mẫu hệ, và cho tới nay thì họ đã biết khá nhiều về chế độ ấy.


Tôi nói “Khá” nhiều vì họ chưa biết hết. Tôi nói “chưa biết hết” là chỉ mới nói sau một khám phá của chính tôi, chớ trước đó thì phần đông, trong đó có tôi cứ tưởng là đã biết hết. Tôi viết bản phúc trình nầy vào năm 1954, định dịch ra Pháp-văn để gởi cho Viện Viễn-Đông bác-cổ của Pháp, nhưng dạo ấy, tôi quá bận về bộ sử “Nguồn gốc Mã Lai của dân-tộc Việt Nam” của tôi, nên cứ để đó. Nay sang đây, tôi viết lại thuộc lòng và gởi đăng báo lần nầy lần đâu tiên, cũng cứ viết với tính cách phúc trình khoa-học như vào năm 1955.


* *



Ở miền Nam, từ phía Nam của thành phố Phan Thiết, chạy dài xuống đến phía Bắc của tỉnh Bà Rịa, là một vùng đất gần như là hoang vu, trong đó còn rừng nguyên thể. Dân ta có sống lưa-thưa ở đó, đã lập ra được một huyện nhỏ là huyện Hàm Tân. Huyện nầy dưới thời Pháp thuộc, nhớ đâu như là thuộc tỉnh Bình Thuận (Phan Thiết). Trong vùng hoang vu ấy còn ba nơi có người mình sanh sống, mà một nơi mang địa danh Mã Lai là Lagi, nơi thứ nhì mang địa danh Bắc-Phạn là Cù-My, do tiếng Bắc Phạn BUMI (có nghĩa là Đất) mà ra. Nơi thứ ba mang tên Việt là Xuyên Mộc.


Trên đây là đia đanh ven bờ biển, cho biết khá rõ ranh giới của vùng đó ở mặt Đông (bờ biển); ở mặt Bắc là (Bắc Hàm Tân), mặt Nam (là Xuyên Mộc và Bắc Long Hải). Về hướng Tây vùng đất nầy chồm qua khỏi đường xe lửa Sài gòn Hà nội, ăn sâu vào trong rừng, không có ranh giới rõ rệt.


Ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, biến vùng hoang địa ấy thành một tỉnh, Tỉnh Bình Tuy. Đây là một tỉnh nhơn tạo, mang tánh cách chiến lược, vì về hành chánh thì không có gì hết, bởi dân còn rất thưa. Tỉnh lỵ được khoét rừng để xây cất lên, và nằm cách chợ Lagi ở bờ biển lối ba dặm Anh.


Năm 1955 là thời tạm thái bình sau hiệp định Genève, và tôi có việc gia đình nên đã đến thị trấn nhỏ xíu là Lagi, lần đầu tiên trong đời tôi.


Tôi nghe người mình nói rằng cách chợ Hàm Tân về phía Tây Bắc lối mười dặm Anh có mấy làng Chàm và trong đó, phụ nữ được quyền công khai và chánh thức lấy nhiều chồng. Mới nghe qua, tôi rất ngạc nhiên. Người Chàm quả còn theo chế độ mẫu-hệ, nhưng không hề có tục đa phu. Vậy, mấy làng đó là của dân tộc nào? Thế nên tôi ở lại đó chớ không về Sàigòn sau công việc gia đình, để lìm những làng “Chàm” ấy cho rõ trắng đen.


Tưởng cũng nên nói rõ về cái dân-danh Chàm đã bị người Pháp lẫn lộn, và là chính các dân tộc thiểu số cũng bị lôi cuốn theo. Theo khám phá thứ nhứt của tôi thì nước Chàm, nói tắt của Champa, bị Tàu gọi là Chiêm Thành hay Chiêm Tư, chỉ là một nước cở có biên giới phía Bắc là tỉnh Thanh Hóa của ta, và biên giới phía Nam là phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi của ta mà thôi. Ở dưới nữa thì không phải như thế. Từ Nam Quảng Ngãi cho tới Bắc Biên Hòa là một dân tộc khác, xưa kia là một đại cường quốc, quốc hiệu là Hapang Durang. Đại cường quốc nầy đã bị Chiêm Thành diệt quốc hồi thế kỷ thứ 9 của Dương lịch. Dĩ nhiên là vùng dưới, rồi thì cũng thuộc chủ quyền của Chàm. Nhưng dân thì khác, có ngôn ngữ khác Chiêm ngữ. Nay họ còn sống sót ở tỉnh Ninh Thuận. Những điều trên đây là hai khám phá đã được tôi viết ra thành sách, nhưng chưa hề in, và không có vấn đề tóm lược sách ấy ở đây, vì làm như thế thì sẽ lạc đề.


Người địa phương cho rằng họ là người Chàm. Tôi chưa chú tâm lắm vì sự kiện dân tộc, mà chỉ muốn biết xem họ có theo chế độ đa phu thật sự hay không, và nếu có thì họ thuộc dân tộc nào? Tôi cũng không ngại mà đi tìm họ trong rừng, vì người mình cho biết rằng họ thạo tiếng Việt Nam, ăn mặc gần như ta, và làm ruộng khá giống ta.


Làng của họ rất nhỏ, không đầy đến năm sáu ngàn người như các làng lớn của ta, mà chỉ có lối năm sáu trăm đầu người ở mỗi làng thôi, vừa già vừa trẻ. Vùng đất đó khô cằn nhưng họ vẫn làm ruộng nước, mà vì đất khô, nên họ chỉ làm được một mùa thôi, y hệt như đa số các làng ta ở khu vực sông Đồng Nai.


Nhà cửa đều xây cất ngay trên mặt đất như nhà cửa của ta, chớ không có nhà sàn như trong vùng của dân Hapang Darang ở Ninh Thuận (mà Pháp gọi lầm là Chàm). Và họ mặc y phục như nông dân ta là đồ gọi là bà-ba. Nhưng thôn nữ ta vẫn có áo dài, còn họ thì không.


Họ nói khá thạo tiếng Việt Nam, có người nói được thật đúng giọng Việt Nam, nhưng nếu có giọng lơ-lớ thì không phải lơ-lớ như khi người Hapang Darang nói tiếng Việt, mà lơ-lớ một cách khác.


Mặc dầu người Chiêm Thành không còn có mặt trong nước Việt Nam nữa, nhưng tôi biết rõ ngôn ngữ của họ, nhờ nhiều nguồn khác nhau. Người Hapang Darang thì cứ còn đó, nên rất dễ cho ta so sánh. Danh từ con Nai, thì ba dân tộc đó và Malaysia nói khác nhau như sau đây:




Mã Lai Xia: Rusa

Chàm: Rita

Hapang Darang: Ritha

Thứ người ấy: Bá xá

Họ có thinh trong ngôn ngữ, còn ba dân tộc trên thì không. Nhưng sự kiện có thinh, có thể là do ảnh hưởng Viêt Nam mà có, chớ xưa kia thì không.

Danh từ Mây (Mây trên trời) thì bốn dân tộc nói cũng khác nhau:


Mã Lai Xia: Awan

Chàm: Awan

Hapang Darang: Taganum Ganam

Thứ người ấy: Tchan


So sánh một từ thứ ba, ta thấy rằng thứ người ấy vẫn thuộc chủng Mã Lai, và đồng nhóm với Chàm và Hapang Darang. Đó là từ có nghĩa là “một mình” (myself).


Chàm: Sa tra

Hapang Darang: Tha tra

Thứ người ấy: Tha gày

Từ thứ tư lại cho thấy là họ đồng nhóm với Mã Lai Xia (Malasia) và Việt Nam.

Mã Lai Xia: Tahan (Giảm tốc độ)


Việt Nam: Hãm

Thứ người ấy: T.Hán (Đọc là Thắn)

Nam Kỳ vay của họ: T. Hán (Đọc là Thắn)*

Và điều rất bẩt ngờ: Một ngàn từ lạ mà Nam dùng khác Bắc, là chính của họ, nhưng từ xưa đến nay không ai biết là của dân tôc nào.


Thí dụ:

Sét thay cho Han rỉ
Bén thay cho Sắc (dao sắc)

Bén thay cho Xuýt (bén chết, xuýt chết)

Tôi kết luận rằng họ là dân tộc Phù Nam, chủ đất cũ của Nam Kỳ. Nước Phù nam xưa đã mất nước trong tay nước Campuchêa. Đây Phù Nam bị đồng hóa với Campuchêa chớ không có bị diệt tộc bằng sắt máu. Thiểu số còn sót lại thì bị Việt hóa. Họ bị đồng hóa với Campuchêa từ thế kỷ thứ bảy của Tây lịch, thời mà họ mất nước, và bị đồng hóa với ta từ năm 1580, năm mà di dân ta vào nam (Xin xem The rushing to Southern country của B.N.L).


Sở dĩ có sự kết luận như trên là vì các lẽ sau đây. Những từ đó, không thể nào mà là từ của các dân tộc kém mở mang, mà cho đến từ của dân tộc văn minh là dân tộc Campuchêa cũng không có. Dân tộc đã cho dân Việt miền Nam vay mượn từ, hẳn là dân đã lập quốc rồi, có một nền văn minh rất cao vào thời mất nước (thế kỷ 7). Thí dụ danh từ Cái mái, trỏ một thứ lu không lồ, chứa được 280 lít nước. Các dân tộc khác như Việt Nam, Chàm và Campuchêa, chỉ có danh từ Cái lu thôi, tức kém hơn, Phù Nam đã biết chế tạo lu khổng lồ. Còn nhiều thứ nữa, chớ không phải chỉ có cái Mái thôi, nhưng lần nầy chỉ phúc trình về chế độ đa phu thì người phúc trình không được phép nói nhiều về ngôn ngữ, dân tộc, chủng tộc.



*
* *




Tình trạng đa phu thì có thật sự, không phải là lời đồn huyễn. Nhưng không phải là có trong toàn dân, mà chỉ khá giả đến nhà giàu mới theo tục đa-phu, vì họ cũng theo tục mẫu-hệ, con gái cưới chồng, chớ không phải con trai cưới vợ. Cưới chồng thì tốn tiền, càng cưới nhiều, càng tốn nhiều, nên sự nhiều chồng là dấu hiệu giàu sang. Nhà nghèo cứ một vợ cưới một chồng thôi.


Tôi theo dõi một gia đình. Bà chủ gia đình trạc băm lăm tuổi, có ba chồng, nhưng chỉ có một chồng là ở nhà. Anh chồng nầy làm ruộng không công cho vợ. Anh chồng thư nhì, tôi không thấy và nghe nói là đẹp trai lắm. Anh ta ăn no rồi đi chơi cả ngày, chẳng biết là đi đâu. Anh chồng thứ ba cũng vắng mặt. Hỏi ra thì anh đi lính cho quân đội ta.


Người đàn bà Phù Nam nầy không hề e thẹn vì tục của dân của chị ta, và ăn nói tự nhiên như là chuyện ấy chẳng có gì đáng làm cho chị ta nhột nhạt. Tôi hỏi chị các anh ấy có ghen tương, có gây gổ, có đánh nhau chăng. Chị ấy bảo rằng là có thể có, nhưng phong tục không cho phép các anh ghen, hóa ra không bao giờ xảy ra xung đột nào hết.


Lại hỏi nếu cả ba đều có mặt ở nhà thì việc phân phối về phòng trong như sao. Chị ấy đáp rằng ai cưới nhiều chồng thì phải nới rộng nhà cửa ra để cho mỗi chồng có buồng ríêng rẻ. Và người chồng nào đến với vợ, thì đã có dấu hiệu riêng để những người chồng khác biết. Hoăc nếu vợ tự động đến với chồng thì lại càng giản dị hơn. Anh nào đến với vợ mà thấy buồng vợ trống không, thì anh ta hiểu ngay.


Thắc mắc cuối cùng của tôi là về con cái. Biết con nào là con của chồng nào. Nhưng cũng chỉ giản dị thôi. Các anh chồng không hề tranh giành con cái vì dưới chế độ mẫu hệ, chồng là đồ bỏ, vợ chết đi thì chồng trở về với cha mẹ của chồng, gia tài để cả lại cho các con gái. Thế thì hỏi các anh ấy chẳng giành con trai làm gì ? Còn con gái thì do các chị quyết định. Các chị sẽ cho đứa con cưng nhứt là con của anh chồng cưng nhứt. Những đứa khác, chị ta bảo là của các anh khác. Không ai có quyền tranh chấp trước quyết định của các chị vợ.


Vậy họ không là Chàm, cũng không là Hapang Darang. Tại ta gọi họ là Chàm, và với họ cũng chẳng biết họ là ai, họ cũng cứ nhận rằng họ là Chàm. Vả lại Tha Tra với lại Tha Gầy không khác nhau lắm, họ đoán mà hiểu người Ninh Thuân, Bình Thuận được, thế họ lại càng dễ tin rằng họ là Chàm.


Nhưng trong chế độ mẫu hệ nào hồi xưa cũng có tục đa phu, hay chỉ có một vài dân tộc theo mẫu-hệ mới là tục ấy ? Chưa có thể biết được trong hiện tình nghiên cứu ngày nay.


Dưới đây là vài ý nghĩ của người phát hiện ra dân đa phu, ý nghĩ nầy được trình ra thêm, chớ thật ra nghiên cứu xong tục đa phu là người nghiên cứu có thể nói là đã xong nhiệm vụ.


Tại sao lại có tục đa phu ? Chắc cũng dễ hiểu thôi. Con người có khuynh hướng đa bằng, thì chế độ phụ hệ đưa tới tục đa thê, chế độ mẫu hệ đưa tới tục đa phu, chớ có gì đâu. Còn sự kiện trong ấm ngoài êm cũng thế, người chồng có quyền xử sao các bà nghe vậy; chị vợ có quyền thì chị ấy xử sao, các anh cũng phải nghe.


*
* *


Năm 1975, một người cán bộ gốc Miền Nam trở về Sàigòn. Đó là một người quen biết, một cán bộ bị cho về vườn trước 1975. Anh nầy thông thạo về văn hóa, nhưng anh ấy có nghe loáng thoáng một cái tin văn hóa như sau: Các nhà nghiên cứu ở miền Bắc cũng có tìm được một nhóm thiểu số ngoài ấy sống theo tục đa phu. Nhóm đó, người Việt miền Bắc gọi là dân Vân Kiều. Người quen với tôi chỉ biết có bấy nhiêu đó thôi, hóa ra tôi không dùng được khám phá ấy để mà so sánh đối chiếu. Dầu sao, cho tới đây thì loài người cũng đã biết được hai thứ dân theo tục đa phu.



*
* *



Người Phù Nam trong một Bình Tuy ca hát, tôi không hiểu, chỉ thấy họ có làm thơ lục bát trong đó tiếng Phù Nam và tiếng Việt bị pha trộn với nhau:


Bó hư bạc nghĩa như thâu

Mứ khăn cần ... cuốc bỏ câu tha gầy

Nghia:

Mặc mầy bạc nghĩa như chó

Đêm đi chơi bỏ tau một mình.


B.N.L



--------------


* ngày nay việt là thắng

No comments:

Post a Comment