Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 26 October 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN - THƠ

HÀ LONG * ĐỨA EM TỘI NGHIỆP

  

Truyện Đứa Em Tội Nghiệp
HÀ LONG
:
Một buổi chiều đầu tháng năm, chị em chúng tôi đang ở nhà, ba má đi vắng, xe công an tới đậu ngay trước cổng, bao vây quanh nhà và lục soát rất kỹ đồ đạc trong các phòng. Chúng tịch thu một số bản thảo do ba tôi viết, phần nhiều là hồi ký và những suy nghĩ của ba tôi về cuộc đời tù đày, về triết lý chính trị, về chế độ bắt ông ngồi tù hơn bảy năm.
Chúng hỏi chị em chúng tôi về những người khách hay đến nhà, những người và những nơi ba tôi thường lui tới. Nghi là chúng có thể bắt ba tôi như vẫn thường xảy ra, Quỳnh nhanh chân chạy ra cầu Kinh, chờ ba má tôi về, báo cho biết và dặn ba má tôi đừng về nhà nữa.
Ba má ở lại nhà một bà thầy bói mà má tôi quen thân, gần chợ Thị Nghè. Chỉ có tôi là chị cả được lên thăm. Ba má tôi quyết định trốn đi, chỉ còn một cách là vượt biên theo đường dây của người hàng xóm vừa đi lọt hôm tết. Ba má tôi định đem theo cả hai đứa út nhưng tôi cản lại, chỉ cho một đứa. Cuối cùng thì bé Hí được đi còn bé Bi ở lại với chị em chúng tôi. Khoảng cuối tháng 6, Diễm, em gái tôi, ở Mỹ gọi điện thoại về báo cho biết là ba má đã tới Bidong. Chúng tôi quá mừng. Thế là ba tôi thoát khỏi tù tội cộng sản một lần thứ hai nữa. Nhưng bây giờ tất cả gánh nặng đổ lên đầu tôi vì tôi là chị cả.
Khi Diễm gọi về, chúng tôi được gọi ra Bưu Điện Saigon để chờ nghe điện thoại. Nghĩ lại mà tức cười. Tôi chỉ vừa nghe: “Allô! Diễm đây!” là Diễm khóc nức nở. Tôi vội vàng la to lên “Hà đây! Hà đây Diễm ơi!” Rồi tôi cũng khóc, cả mấy em tôi, đứa nào cũng giành lấy ống nghe, gọi tên và khóc. Chúng tôi chỉ nghe được có mấy tiếng “Ba má đến Bidong rồi”, thế thôi! còn lại toàn là khóc. Chị em chúng tôi xa nhau thế mà đã năm năm, vắng tiếng, vắng hình mà chị em chúng tôi thì thương nhau lắm, đứa nào vắng nhà một ngày thôi cũng đã nhớ đã thương, huống gì năm năm trời đằng đẵng.
Niềm vui gặp gỡ qua thật nhanh. Ở nhà vắng ba má, nhà vắng vẻ lạ lùng. Nhìn cái gì cũng nhớ ba má cả. Ngoài sân, trong nhà, sau bếp, trên lầu, chỗ nào cũng nhớ, cũng thấy có ba má. Ba má ngồi chỗ này, ba má ăn chỗ này, ba má nằm chỗ này, ba má ở chỗ này...Chỗ nào cũng thấy ba má. Nhớ ba má và nhớ Hí không tưởng được.
Ba ngày sau ngày đầu tiên, xe công an lại đến. Lần này không xét nhà nhưng chúng hỏi kỹ ba má đi đâu, đi bao giờ, đi bao lâu về. Chị em chúng tôi nói liều là về Huế thăm ngoại bệnh. Ngoại già lắm rồi, hơn 90 tuổi. Nói vậy cho có lý. Tháng đầu thì sợ, sợ ba má vượt biên bị bắt, nhưng nhờ ơn trên...
Tháng 6 tháng 7, xe công an đến liền liền. Chúng hỏi đi hỏi lại là ba má đi sao lâu về, hỏi địa chỉ của ngoại ở Huế. Tôi nói dối là ngoại ở quê, chúng tôi xa Huế từ hồi nhỏ xíu, không rõ. Nghe nói các bạn của ba như chú V. Chú S. đều bị bắt cả, chú T. thì bị đánh chết trong tù. Cuối cùng, công an biểu tôi về Trung gọi ba má vào, chúng dụ là chỉ hỏi chuyện ba má thôi. Tôi nói là chị cả, không đi được, bỏ em không ai coi sóc, tụi nó toàn là con gái. Công an bèn bắt thằng em trai tôi, Bảo Long, biểu ra ngoài Trung gọi ba má về. Chúng tôi cũng chẳng lo vì bây giờ biết ba má ở Bidong rồi.
Mấy hôm trước cô tôi xuống thăm, không nói gì, chỉ khóc. Cô tôi rất mau nước mắt và rất thương ba tôi. Cô tôi dặn là coi chừng tụi nó sẽ xét nhà, tịch thu nhà, có gì quý thì lo cất. Tôi và thằng em trai cạy miếng gạch bông trong phòng ăn, lấy mấy lượng vàng lận vào lưng. Sau lần bị đánh tư sản và sau bao nhiêu lần vượt biên bị bắt, bị gạt, của cải ba má cất giấu chỉ còn lại chừng đó. Nghĩ mà thương ba má quá, một đời vất vả dành dụm, bỗng tài sản đi như nước chảy.
Công an phường lại đến tìm thằng em trai tôi, buộc phải đi Trung tìm ba má về. Tôi sợ thằng em trai tôi dám bị bắt lắm. Công an bắt nó để ba má tôi trốn ở đâu đó phải về. Nhân dịp chú Sáu, chú Mười ở Cà-Mau lên thăm, hai ông là người tổ chức cho ba má tôi đi, tôi lại biểu thằng em tôi đi. Sau mấy lần ngần ngại, nó nghĩ là ba má đã đi rồi, trong nhà chỉ có nó là trai, còn lại toàn là chị em gái nên nó không muốn đi. Nhưng sau lần công an gọi nó qua phường, đe dọa, biểu phải khai rõ ba má trốn ở đâu, còn không thì sẽ quy cho nó tội ngoan cố, bao che phản động làm thằng bé sợ quá. Hôm sau, 3 giờ sáng, tôi đưa nó ra bến xe Miền Tây, cho nó về Cà Mau theo đường dây cũ của ba má mà đi vượt biên.
Tội nghiệp thằng nhỏ ở cả tháng dưới ruộng mới đi được. Nó mà chịu ở ruộng lâu như thế là nó sợ công an lắm chứ cậu ta vốn dĩ là con trai độc nhứt của gia đình có tới sáu chị em gái, đẹp trai, con nhà giàu, cả nhà ai cũng cưng, ăn diện dữ lắm, chưa bao giờ phải khổ cả. Cũng tội nghiệp cho nó nữa: Ghe nó tấp vào đảo Redang, nghe nói chỉ cách Bidong có một hòn đảo vậy mà nó bị kéo ra khơi. Nó phá ghe để vào đất liền, lại bị kéo ra. Nó xin người ta cho nó vào Bidong, bập bẹ mấy tiếng Anh “My parents are on Bidong, let me come there” nhưng cũng bị đẩy ra. Ba lần như thế, nó cố đến với ba má mà không đến được. Cuối cùng nó bị đẩy qua Indo. Bây giờ thì nó thui thủi một mình ở trại tỵ nạn Galang.
Công an thấy vắng luôn thằng nhỏ, lại truy riết tới. Ngày nào công an phường cũng gọi tôi lên hạch hỏi, lấy cung, bắt làm tờ khai, kiểm điểm. Những thằng công an này thường đến uống cà-phê nơi quán tôi, để xã giao, tôi không tính tiền. Vậy mà bây giờ chúng làm mặt lạ. Tính tôi đã lì, lại ỷ mình là đàn bà con gái, tôi lại lì hơn. Ngày nào tôi cũng làm kiểm điểm giống ngày nào. Công an tức lắm. Vả lại, tôi cũng muốn chọc tức mấy thằng này. Ba má và Bảo đi rồi, còn lại năm chị em gái, chúng nó làm gì được? Chúng dọa tịch thu nhà vì nhà má tôi đứng tên. Tôi dọa lại tôi sẽ dẫn các em ra trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Thành phố khiếu nại. Chúng nó thách. Dù sao thì án chưa xử, chưa tịch thu nhà được, nhưng nếu khi xử, dù xử khiếm diện ba má, chúng cũng sẽ lấy nhà vì luật lệ ở trong tay chúng. Chúng viện cớ quán cà-phê má tôi đứng tên, tịch thu môn bài, đóng cửa. Thật xui, quán mở chưa được mười hôm thì ba má trốn đi. Nhưng chị em tôi cũng chưa đói. Bảo đi ngay gốc nên tốn chỉ hơn một cây, còn Diễm ở Mỹ, nghe chị em tôi ở nhà loe ngoe với nhau, gởi tiếp mấy thùng quà, đủ tiêu chán. Có điều chị em chúng tôi buồn lắm. Bỗng dưng gia đình ly tán, ba má một nơi, chị em mỗi đứa một nơi. Chúng tôi không tổ chức party mỗi kỳ sinh nhật nữa. Mấy năm sau khi ba ở tù về, ba má cho mở party nhảy đầm. Ba má nói “Để cho các con được vui!” Ba má chỉ cấm không được làm ồn ào quá lắm, công an lưu ý, còn ba má thì bắc ghế giả bộ ngồi chơi trước cổng, canh chừng công an để “các con được vui!”
*********
Tình hình thế này thì chị em chúng tôi cũng phải đi thôi, không thể ở được nữa. Chúng nó ghim nhà tôi kinh quá, “bao vây kinh tế” kỷ quá. Không cho bán cà phê là chị em chúng tôi ngồi không tối ngày. Công an cứ gọi tôi hoài, cảnh cáo là đi xa phải xin phép. “Không thì khó khăn đấy.” Đó là lời chúng đe dọa.
Chú Sáu, chú Mười lại lên. Sợ công an, tôi gởi họ bên nhà cậu mợ, bàn với họ cách cho chị em chúng tôi đi. Bi nhỏ không kể, bây giờ còn bốn chị em, không đủ tiền ghe tàu cho tất cả. Tuy nhiên, nếu đưa vàng trước cho chủ ghe tổ chức thì đủ, nhưng nếu không đi được thì coi như mất vàng. Tôi suy đi tính lại thật kỹ: Ba má đi đường này, Bảo cũng đi đường này, an toàn. Chú Sáu và chú Mười thật thà, đáng tin. Chỉ sợ gặp xui. Dù gì thì cũng phải liều thôi, như câu bà nội hay nói đùa mà nay thành ra thật: “Một liều ba bảy cũng liều, cầm như con trẻ chơi diều đứt dây.” Diều đứt dây là coi như... không dám nghĩ tiếp. Chị em chúng tôi tới đường cùng rồi, đi thì may ra thoát còn không đi thì coi như chết cứng ở đây.
Từ khi ba má đi rồi, Bi tội lắm. Nó không chơi với trẻ con hàng xóm nữa, chỉ chơi một mình. Đang ngồi, tự nhiên nó thừ ra, mắt nhìn vào đâu đâu, rồi Bi khóc. Hỏi, Bi nói: “Bi nhớ ba má và Hí lắm.”
Đúng ra Tân Long là út. Tân sinh năm 1972. Mười hai năm sau, khi ba tôi đi ở tù về, vừa đúng 49 tuổi. Má nói đàn ông 49 tuổi xui lắm, nếu má sinh một đứa nữa thì sẽ xả xui cho ba. Vì vậy, năm đó, để xả xui cho ba, má tôi sinh liền hai đứa. Cả nhà, và cả bà con nữa, ai cũng cười. Hai đứa nhỏ này cách chị nó, đứa áp út những 12 năm, trong khi chị em chúng tôi cách nhau đều đều chỉ có 2 năm.
Hai đứa bé sinh đôi, lớn lên, ăn, chơi, ngủ với nhau nên thương nhau lắm. Vậy mà bây giờ Hí thì đã đi, chỉ còn lại thui thủi một mình Bi. Nó rất người lớn, không nhỏng nhẻo như trước, mỗi ngày đôi ba lần nó thờ thẫn nhìn đâu đâu, nghĩ đâu đâu, rồi khóc, cũng khóc một mình, không quấy rầy các chị. Tôi nghiệp, nó không còn cái vui hồn nhiên của trẻ thơ nữa. Năm tuổi đầu, Bi đã biết buồn đau vì những ly tán, xa cách, nhớ nhung và âm thầm chịu đựng. Bi không còn bắt chước các chị gọi đùa tôi là “Hà che (ke)” nữa (vì tôi gầy lắm), không gọi “Bảo sún” (vì Bảo sún răng). Bi gọi đúng tên, nghiêm chỉnh. Nó mất đi cái tính vui vẻ, đùa nghịch. Có khi nghe một bài hát quen, nó bỗng gọi tôi: “Hí biết hát bài này, nó có hát đấy”. Tôi nhớ hai đứa nhỏ rất thích bài Ali Baba. Mỗi khi quán cà phê mở bản nhạc nầy ra, tôi thấy Bi thờ thẫn, nhớ nhung. Nó thường nhớ những kỷ niệm khi hai đứa nhỏ sống với nhau. Bi chỉ còn một thú vui duy nhất, chơi trò chơi điện tử. Đôi khi đưa Bi đi chợ, qua chỗ có trò chơi điện tử, nó nằng nặc xin hai trăm đồng để vào chơi. Tôi đứng ngoài chờ. Nhìn cái lưng nhỏ bé của nó đang ngồi chung với đám con trai trên dưới hai mươi tuổi mà tức cười. Vậy mà chơi lúc nào nó cũng ăn. Mấy đứa trong phường mỗi lần thấy Bi, nói với nhau: “Con bé đó, nhỏ vậy mà chơi điện tử hay vô cùng”. Bi giống chị em chúng tôi, đứa nào cũng thông minh.
Mấy đêm trú nơi cửa biển chờ vượt biên, nó đã khôn lại khéo. Nó bảo là đi gặp ba má phải mặc quần áo đẹp cho ba má thương, lại còn chuẩn bị đem quần áo sang cho Hí. Nó nói là gặp Hí sẽ không gọi “mày tao” nữa, gọi là em Hí, xưng là chị Bi, để khỏi bị người ta mắng là “mất dạy”. Buổi chiều hôm trước khi ra biển, tôi nhờ bà chủ nhà mua cua về luộc ăn. Đòi ăn cái càng cua, Bi nói: “Đưa cái miệng cua cho Bi” khiến mấy chị em tôi cười. Đêm ra đi, Bi tắm rửa, soi gương, chải tóc, lấy ráy tai, thay quần áo đẹp. Bi chuẩn bị đi thăm ba má kỹ đến thế.
Khi xuống ghe, ghe có mui, Vũ Long bồng Bi ngồi trong cùng. Chúng tôi ngồi ở ngoài. Vì vậy, khi ghe lật, Vũ và Bi kẹt trong mui, không văng ra khỏi ghe như mấy chị em. Mọi người bám vào ghe. Tôi đứng trên lưng ghe, lạy lục, van xin, người ta chui vào ghe cứu các em tôi. Quỳnh, Tân lên được trên lưng ghe, còn tỉnh. Khi lôi được Vũ ra ngoài thì nó bất tỉnh rồi, bụng đã phình lên vì uống nhiều nước. Vì bất tỉnh nên Vũ không giữ được Bi, Bi chết trong tay Vũ.
*********
Người ta vớt mấy chị em chúng tôi đưa lên ghe lớn. Vũ được hút nước, làm hô hấp nhân tạo, cả tiếng đồng hồ sau mới tỉnh lại. Mấy chị em ôm nhau mà khóc sướt mướt, thương Bi quá, và thương thân nữa. Thương Bi nhiều nhất. Vượt biên dễ sợ quá, kinh hoàng quá, ghê gớm quá! Chúng tôi ở trên ghe chờ suốt đêm hôm đó, qua hết ngày hôm sau để người ta tìm xác Bi. Nếu tìm được, tôi sẽ nhờ chủ tàu đem Bi về chôn, chúng tôi tiếp tục đi. Đến Bidong không có Bi biết ăn nói với ba má ra làm sao?! Nếu không tìm được xác Bi, chúng tôi sẽ quay về, cố tìm xác em để chôn em vào đất cho được ấm áp. Tội nghiệp cho đứa em bé nhỏ của tôi, âm thầm chịu đau đớn vì ly tán, vì thương nhớ, âm thầm đi vào cõi chết, không một tiếng khóc đau đớn, không một tiếng than cho số mệnh, không một lời nhỏng nhẻo, một cái chào tay giã từ, nhớ lời Vũ Long nói, Bi chỉ kêu lên mấy tiếng “Ba ơi, má ơi” trước khi nước tràn vào ngập cả mui ghe.
Chiều hôm đó, không tìm được xác Bi, người chủ tàu đem ghe ra đón mấy chị em chúng tôi về. Ngày ra đi vui tươi, hy vọng bao nhiêu thì ngày về buồn bã và đau đớn bấy nhiêu! Năm chi em gái đã thiếu một đứa nhỏ nhất, bé bỏng nhất, dễ thương nhất.
Ba giờ sáng, người chủ ghe đón tàu đò cho chúng tôi về Cà-Mau. Chúng tôi sẽ ở lại đó chờ tìm xác Bi, chôn cất xong, chúng tôi mới về Saigon. Nhà chắc không còn. Chúng tôi khóa nhà đi đã hơn mười ngày. Công an đang “ghim” nhà tôi, thấy vắng, chắc chúng sẽ niêm phong. Nhà không còn, tiền bạc cũng không còn, chúng tôi sống bằng gì bây giờ. Nhưng vì thương em, thế nào chúng tôi cũng phải về.
Người ta bọc xác Bi trong một cái áo mưa nylon, đóng vội cái quan tài bằng sáu miếng ván thuyền, chôn ở một khu rừng nào đó, tại một cửa sông nào đó... Bi nhỏ bé của tôi, Bi dễ thương của tôi, Bi “sinh sau đẻ muộn”, Bi đến muộn màng trong gia đình mấy chị em chúng tôi, Bi ra đi vội vàng trong gia đình mấy chị em chúng tôi, và rồi Bi đã nằm lại đó, ở một cửa sông, giữa một khu rừng đước hoang dại, cô đơn, lẻ loi, lạnh lẽo. Ôi, Bi yêu dấu; tội nghiệp cho Bi của tôi biết bao nhiêu!
Sáu tháng sau, tôi nhắn người chủ tàu lên, đưa tôi về bốc mộ cho em. Ngày đi, có Vũ Long đi theo, phòng khi tôi bị ngất xỉu vì đau đớn. Tôi về ở lại nhà người chủ tàu. Bốn giờ sáng, tôi, Vũ Long, người chủ tàu và hai người làm công chèo thuyền ra cửa sông. Tôi ngồi trên ghe, nghĩ đến đứa em bé nhỏ tội nghiệp mà nước mắt cứ tuôn ra ròng ròng. Tôi thấy Vũ Long cũng lau nước mắt. Hai chị em âm thầm khóc. Gần tới cửa sông, ghe rẻ vào một con rạch. Đi càng xa, rạch càng nhỏ dần, hai bên là rừng hoang. Sợ công an, người ta đã đưa em tôi vào đây, chôn giấu một cách lén lút, vội vàng. Ngôi mộ được đánh dấu bằng hai cọc cây: Một cao đằng đầu, một thấp đằng chân. Đầu em tôi quay về hướng nam, hướng đảo Bidong, nơi ba má tôi đang sống trong trại tỵ nạn. Không biết vô tình hay cố ý, người ta đã chôn em tôi hướng về phía ba má tôi. Đất mềm và ướt, chỉ cuốc một chốc, tiếng cuốc đụng nhẹ vào nắp hòm một tiếng cộp nhẹ, tiếng dội nhẹ đập thẳng vào tim tôi. Tôi kêu lên hai tiếng “Bi ơi” và khóc nức nở. Vũ cũng khóc. Tôi cố chồm tới để cố nhìn vào quan tài nhưng người chủ ghe giữ tôi lại, bảo tôi khóc nhỏ, sợ công an, du kích nghe thấy, tìm tới thì bị bắt cả đám. Một lúc sau, quan tài được đưa lên mặt đất, ván còn nguyên, chưa mục. Tôi lại nhoài người tới để xem em tôi nằm trong hòm nhưng người ta lại không cho. Tôi ngoan ngoãn ngồi yên. Tôi nghĩ tới nỗi đau đớn khi nắp hòm cạy ra và Bi nằm yên lặng trong đó. Tôi nhắm mắt và cố nghĩ tới ba má. Nghĩ tới ba má sẽ vơi đi những nỗi khổ đau...
*********
Ba má ơi! Nếu con đưa được em về thì coi như con đã làm tròn phần nào bổn phận đối với ba má. Con tưởng là con đem em đi cho ba má được gặp em, cho ba má đỡ nhớ, đỡ thương, cho ba má được gần gũi đứa con “ănsau chạy dọi” bé nhỏ tội nghiệp mà ba má thương lắm, cho hai chị em sinh sau muộn màng được gặp nhau, được ăn uống vui đùa cùng nhau. Ngờ đâu hôm nay con lại đưa em về, cũng lén lút như khi đưa em đi. Người ta đang sắp những lóng xương, đốt xương nhỏ bé tội nghiệp của Bi vào cái rương thiếc con đã mua sẵn. Khuôn mặt dễ thương ấy, bàn tay bàn chân nhỏ nhắn ấy, giờ đây chỉ còn lại những cái xương vô tình, còn đâu da dẻ hồng hào trắng muốt của em.
Ba má kính yêu,
Hí phiêu bạt của chị Hà,
Con đã lén lút đưa em về, và lại một lần nữa lén lút đem chôn em bên mộ bà nội. Con đã khấn trước mộ: “Nội ơi! Bây giờ ba má đi xa mà em thì côi cút. Con đưa em về ở với nội, gởi cho nội gần gũi hôm sớm để nội chăm sóc cho em, để em vui đùa với nội. Tối tối, nội sẽ hiện lên ngồi trên mộ, em sẽ bắt chí cho nội như mẹ con Cúc Hoa ngày xưa. Đến khi gà gáy sáng, em và nội sẽ về lại cõi âm. Có lẽ em sẽ hỏi bao giờ thì ba má về thăm nội, thăm em. Nội cứ liệu mà trả lời cho em khỏi buồn!”
Sau khi chúng con về, nhà đã bị tịch thu nên chị em chúng con không về nhà cũ nữa. Nhà không còn mà chị em cũng không muốn trở về lại căn nhà dấu yêu và quá nhiều kỷ niệm ấy! Để sống, chúng con phải chạy trốn kỷ niệm. Ba má tha lỗi cho chúng con.
Tết vừa qua, chỉ có bốn chị em chúng con ở với nhau, nhớ ba má, nhớ Hí, nhớ Bảo, nhớ Diễm vô cùng. Nhiều đêm bốn chị em nằm ôm nhau mà khóc. Con khóc ít nhất vì con là chị cả, nhưng con cũng ngủ sau cùng khi các em khóc nhiều, mệt và ngủ thiếp đi, cũng vì con là chị cả.
*********
Một năm sau ngày ba má đi, nhiều sóng gió quá mà chị em chúng con thì cô quạnh quá. Ba bị ở tù Cọng Sản 7 năm, vắng ba còn có má. Bây giờ thì vắng cả ba lẫn má.
Một năm qua, một năm kinh hoàng, đau khổ và cô đơn. Kinh hoàng, con không sợ vì chị em chúng con sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, đã quá quen với bao nỗi kinh hoàng. Kinh hoàng vì năm ngàn người bị giết ở Huế hồi tết Mậu Thân, lúc gia đình mình còn ở ngoài ấy, con mới 5 tuổi; kinh hoàng vì ngày 30 tháng Tư, con mới mười ba tuổi. Đau khổ, con cũng không sợ, vì con chấp nhận triết lý Phật giáo, “Đời là bể khổ”, nhưng chị em chúng con rất sợ cô đơn. Xa ba má, chúng con rất cô đơn. Tất cả chị em chúng con đều sợ cô đơn. Ba má nhớ thư Diễm viết về khi nó ở Bidong năm 1984 không: “Tối qua, lúc ba giờ, giật mình thức dậy, cảm thấy bơ vơ và nhận thấy một cách rõ rệt và đau đớn rằng giờ ba má đã xa rồi, các em đã xa lắm rồi. Mai đây và dài lâu nữa, con một mình sống cuộc đời của kẻ tha hương, biết bao giờ con mới gặp lại ba má và các em... “
Giờ thì “ba má đã xa lắm rồi!”, đang lạc loài nơi đất khách, lưu đày nơi xứ lạ, sống đời vong quốc. Bốn chị em chúng con ở đây, ngay trên quê hương mình, cũng đang chịu kiếp lưu đày. Lưu đày ngay chính trên quê hương mình, đó là câu của Saint Exupery mà ba thường nói khi còn ở nhà. Bây giờ mấy chị em sống côi cút với nhau lại càng thấm thía lời ba nói, đau xót cho ai bị lưu đày ngay chính trên quê hương mình.
Hôn ba má và Hí ngàn vạn cái.
Hà Long
(Bidong, năm 1990, tuệ chương viết lại theo thư của con) 

TRẦN THANH MINH * NGƯỜI VỢ TÙ

Chuyện Buồn Người Vợ Tù


Trần Thanh Minh
Tôi trở về nhà với một thân xác rã rời, một đầu óc rỗng không, biếng ăn, mất ngủ, chả nói năng gì, mắt mở to mà không nhìn thấy gì. Tôi đã phải ra, vào nhà thương Chợ Quán mấy lần. Rất may cho tôi và các con là lúc đó tôi có một cô em và một người bạn lo lắng và chăm sóc mẹ con tôi tận tình.
Vài tháng sau, tôi nhận được 2 thùng quà trả lại với hàng chữ “Người nhận đã chết. Trại yêu cầu hoàn.” Đến bưu điện lĩnh 2 gói quà xong, vừa ra đến cửa tôi lại ngất đi. Rất may có anh bạn hàng xóm đạp xe xích lô đang chờ để chở tôi về nhà. Tới bữa ăn, nhìn bốn đứa con ngồi ăn ngon lành với tóp mỡ ngào đường và nước mắm, quà của bố trả lại, nước mắt tôi lại chảy như mưa. Rồi tới gần cả năm sau, phường trưởng mới cử đại diện đến chia buồn và đưa cho tôi biên bản “phạm nhân chết”.
Nhờ mảnh giấy này mà mẹ con tôi mới được đi Mỹ theo diện HO. (Tôi vẫn còn giữ mảnh giấy này, xin gửi kèm theo đây để mọi người biết “tội ác” của chồng tôi!) Can tội: Giảng viên tâm lý chiến xã hội học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. "Án phạt tù: 3 năm"; nhưng khi chết đã 3 năm 7 tháng. Nếu họ đúng lời chắc chồng tôi không thể chết.
Thế là xong, là tuyệt vọng cả đời. Lúc đó tôi sống cũng như chết rồi, nhưng vì bốn đứa con nhỏ, chúng đâu có tội tình gì. Bên nội bên ngoại ai cũng muốn nuôi dùm 1, 2 đứa nhưng tôi không thể nào chịu được nếu để 1 đứa con xa tôi. Tình thương con đã thắng cái “điên” của tôi để lo lắng cho chúng nhưng với phường khóm thì tôi thật là một “mụ điên dữ dằn”. Tôi không chịu đi họp tổ, họp phường gì cả. Công an khu vực tới tận nhà bắt đi họp. Tôi nói: “Người mà các anh thấy có tội là chồng tôi thì anh đã chết rồi, tôi và 4 con nhỏ không còn gì phải họp với hành nữa”.
Lúc trước mình ngu nên cứ tin là phải họp hành cho tốt thì họ xét cho chồng về sớm. Nay tôi không còn gì để sợ nữa thì họ lại để tôi được yên thân.
Tôi bắt đâu tính chuyện vượt biên, mấy mẹ con dắt díu nhau đi tìm đất hứa không biết bao nhiêu lần. Hết đi từ Nhà Bè, Vũng Tàu, Mỹ Tho đến Rạch Giá, Sóc Trăng nhưng đều không thoát, ở tù cũng mấy lần. Xuống ghe ra biển lại thấy hối hận vì thương con, chưa thấy thoát mà chỉ thấy chết tới nơi. Bị bắt tù đày thì lại càng hối hận hơn vì các con không có thức ăn, nước uống chỉ có một ca nhỏ. Trong trại chỉ có 1 cái ao tù, ăn cũng đó mà tắm giặt cùng nơi. Bẩn thỉu không thể tả cho nên trẻ con không bị đau bụng ỉa chảy thì cũng ghẻ lở ghê hồn. Tôi sợ quá đến không dám nghĩ đến đi nữa. Phải cậy nhờ xin đi dạy lại dù biết là nhà giáo chỉ húp cháo thôi. Nhưng dù sao đi nữa cũng còn có chỗ để mua “nhu yếu phẩm” và được “thầu” để bán quà cho học trò trong trường.
Thời gian này tạm ổn định, lo cho các con tới trường cũng phải chạy chọt vì “nhất thân, nhì thế” của xã hội lúc bấy giờ. Phận mình thì xong rồi, bạn bè tôi còn rất nhiều có chồng đang tù tội. Thỉnh thoảng chúng tôi họp nhau để “lá rách nát đùm lá tả tơi” đứa nào có thứ gì cho tù ăn được thì mang tới gom lại để chia cho những bạn sắp đi thăm. Trong cái tình đó tôi lại thấy được nhiều sự đau khổ mà người vợ tù phải chịu đựng nhục nhằn mà không ai có thể chia xẻ với họ. Chẳng hạn như một chuyện rất thật của một người bạn thân của tôi, chúng tôi đã chia sẻ từng bó rau muống từng chén nước mắm “muối + nước màu” cho các con ăn. Từng viên đường thẻ để mang vào tù cho chồng. Chỗ chồng bạn tôi ở lại có “nhà hạnh phúc” và các anh tù phải làm việc thật tốt thì cán bộ mới cho phép gặp vợ tại đó. Lẽ dĩ nhiên chồng bạn tôi làm khổ sai cật lực để được ân huệ đó. Chị cũng là một cô giáo, sống rất đạo dức và thành tín, thương chồng vô cùng, nhưng khi vào thăm đã thấy “nhà hạnh phúc” có mấy cái trõng tre và mấy anh cán bộ ngồi canh. Chị đã không thể “cho anh” và điều này đã khiến anh nổi giận nghĩ là chị đã có “ai khác” ngoài đời. Chị đã bị anh chửi bới tơi bời còn gì thê thảm hơn nữa không? Thời gian đã qua tôi hy vọng anh đã thông cảm với chị về cái “không thể cho anh” đó. Mặc dù giờ thì anh chị cũng đã xa nhau, thật là một điều rất đáng tiếc.
Lại thêm một cô bạn láng giềng, may mắn có ông chồng được thả về sau bảy năm tù tội. Những tháng ngày trong lao tù khiến con người cũng thay đổi nhiều lắm. Dễ nóng giận và mặc cảm đầy mình. Một hôm cô bạn tôi được nhà nước cho mua một khúc vải may quần với giá rẻ dành cho các công nhân viên nhà nước. Cô mang về khoe nói là bán đi sẽ lời được sáu ngàn đồng. Ông chồng lại muốn may để mặc vì ông ta thấy cũng cần phải có một cái quần mới. Bạn tôi ngần ngại nửa muốn cho chồng may, nửa muốn bán đi để thêm tý tiền lo cho gia đình nên nói với chồng: “Khúc vải này sáu ngàn lận đó anh.” Chưa nói dứt lời là bạn tôi bị một cái tát tai choáng váng mặt mày, sự việc xảy ra quá sức tưởng tượng của mọi người. Anh chồng rất hối hận về hành động vũ phu của mình; tuy nhiên anh vẫn đổ lỗi cho bạn tôi cái tội “coi cái quần hơn chồng”. Đó lại là một trong muôn ngàn cảnh ngộ trớ trêu của vợ tù "cải tạo".
Thắm thoát đã qua 7 năm lúc này cuộc sống mấy mẹ con tôi đã dễ thở vì chị em bạn bè ở ngoại quốc đã bắt đầu gửi tiền về cứu trợ. Tôi được mẹ chồng cho theo đi để bốc mộ Anh. Tâm trạng tôi thật rối bời và lo sợ liệu bốc lên có phải là Anh không hay lại là mồ của ai khác?!! Trên đường đi cũng không kém gian nan cực khổ như khi đi thăm nuôi tại Kà Tum.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi mới biết bốc mộ là gì và nhất là thấu hiểu được câu nói “cát bụi trở về với cát bụi”. Thịt da đã tan vào với cát, chỉ còn bộ xương trắng mà các bạn anh đã từ từ cầm lên từng cái đầu, xương vai, xương cổ ống tay ống chân, và ngay cả những đốt xương nhỏ họ cũng mò tìm cho đủ. Một sợi dây làm bằng giây thép nhỏ, cái mặt làm bằng kính máy bay có hình dáng 2 người đứng bên nhau đã được anh bạn lấy lên trao cho tôi và nói chính chồng tôi đã làm để tặng cho tôi khi nào tôi lên thăm gặp mặt. Anh đã phải cất giấu bao ngày vì nếu "cán bộ" thấy là bị tịch thu ngay. Rất may là có mẹ tôi và người cháu lo lắng lấy rượu rửa xương rồi quấn vào vải bỏ vào trong một cái bị to để chúng tôi mang về . Còn tôi ngồi chết cứng với nước mắt rơi sầu tủi. Xót thương anh!
Trên đường về mới gặp toán người thăm nuôi. Gặp cô bạn cũng đi với mẹ già, đang chuyển quà từng khúc một, tôi chạy lại đỡ một tay. Khi tôi dắt bà cụ qua một người tù đang cuốc đất dưới ruộng, ngẩn nhìn và khẽ gọi mẹ. Tôi quay lại giúp cô bạn còn vài giỏ đồ ăn, chúng tôi vừa đi ngang thì lại nghe anh ta gọi “em Liễu”. Cô bạn tôi nghe tên, ngoảnh mặt lại nhìn và lại bỏ đi luôn. Chạm mặt nhau rồi mà Liễu vẫn không nhận ra. Tới khi anh ta quên cả sợ "cán bộ", chồm lên đường kêu “Liễu. Anh đây”. Lúc đó bà cụ cũng đã trở lại và nhận ra con, cụ khóc oà ôm lấy anh tù, còn Liễu cũng khóc nhưng la “Không phải anh mà, không phải anh đâu”. Người chồng yêu quý vì tháng năm đói khổ phải ăn khoai mì nên mặt anh ta biến dạng vì quai hàm bạnh ra và nhựa độc của khoai mì làm cho tất cả tù nhân đều có cái mặt vuông gần giống nhau cả. Tôi cũng không cầm được nước mắt lại nghĩ rằng chắc chồng tôi còn sống thì mặt mũi cũng chỉ như vậy mà thôi.
Từ trại về chỉ có độc nhất một chiếc xe đò, mọi người ngồi chật cứng trong xe, còn có nhiều người phải đứng bám vào cửa xe rất là nguy hiểm. Mẹ con tôi về đến ga Vinh là trời đã tối, lại ôm cồng kềnh một cái bị hài cốt của chồng tôi. Ngồi sân ga đợi tàu rất là nguy hiểm vì mẹ con tôi nhơ ngác với xứ lạ quê người. Mẹ tôi phải lấy giây buộc cái bị và cuốn quanh người. Chỉ sợ lỡ mất đi thì khổ lắm. Tôi hồi hộp sợ hãi còn hơn khi đi vượt biên nữa. Tôi đánh liều vào nhà nghỉ mát của nhân viên xe lửa. Sau một lúc nói chuyện gây cảm tình và nhờ có “thủ tục đầu tiên” (xin trả tiền trước) nên mẹ con tôi được vào tạm trú qua đêm yên lành. Sáng hôm sau cũng nhờ có ông "quản lý" nhà nghỉ đó mà chúng tôi được lên tàu ở trong toa xe của các nhân viên đi nghỉ mát. Tôi phải tin tưởng là chúng tôi đã có ơn trên che chở nên đã mang thoát được bộ xương của chồng tôi về đến nơi đến chốn. Vì nếu không được ở trong xe đó chắc chắn chúng tôi không thể thoát khỏi xự khám xét trên tàu. Họ phát giác ra là có xương người là lập tức đuổi chúng tôi xuống giữa rừng hoặc quăng bỏ mớ hài cốt đó. Sau đó lại nằm xuống với nước mắt trào ra không thể ngăn nổi vì nhớ thương anh và tủi phận mình đơn độc.
Hiện tại thì chồng tôi đã được yên nghỉ tại nghĩa trang Thiên Chúa Giáo ở Bình Dương. Nhưng cũng không biết được bao lâu nữa vì họ còn tính dẹp cả nghĩa trang mặc dù đó là đất tư mà gia đình tôi đã phải mua bằng những cây vàng lúc họ dẹp nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngay trong thành phố Saigon.
Bốn mẹ con tôi xuống phi trường Dulles vào một buổi tối mưa tầm tã của tháng 6 năm 1994. Được gia đình cô em ra đón, tôi mừng quá nhưng vẫn chưa hết lo sợ, không biết đây là thật hay mơ. Nỗi ám ảnh bị bốc đi vùng kinh tế mới và sự không nói có, có nói không của nhà nước công sản đã khiến tôi mất hết niềm tin. Tôi chỉ còn biết cầu Đức Mẹ ban cho tôi một phép lạ.
Chúng tôi cố gắng học hỏi để hoà nhập vào cuộc sống mới ở Mỹ. Nay các con tôi đã lớn, đã thành đạt và rất hiếu thảo. Chúng hết lòng lo lắng, chăm sóc tôi. Tôi thật mãn nguyện, nhưng tôi biết tôi không thể ôm giữ chúng mãi được. Chúng phải có cuộc sống riêng, hạnh phúc riêng. Dù biết vậy, nhưng mỗi khi chúng vắng nhà, còn lại một mình tôi, tôi lại thấy sợ hãi. Những năm tháng khổ cực, hãi hùng của thời dĩ vãng lại kéo đến ám ảnh tôi. Hình ảnh chồng tôi lúc oai hùng, mạnh mẽ trong bộ quân phục, lúc rách nát, tả tơi, thoi thóp trên chõng tre lại chập chờn quanh tôi. Tôi đã thì thầm với anh: “Đợi em đi cùng!” Vâng, tôi ước mong được sớm ra đi bình yên dể được xum họp với chồng tôi. Chúng tôi chỉ mới được hưởng hạnh phúc gia đình có 4 năm 5 tháng. Tôi chắc chồng tôi cũng nuối tiếc như tôi và đang chờ tôi đi với anh. Chúng tôi phải nối tiếp lại những ngày hạnh phúc ngắn ngủi xa xưa. Tôi không thể sống mãi trong cô đơn để run sợ trước những ám ảnh của dĩ vãng và những nhung nhớ khôn nguôi người chồng mà tôi mãi mãi yêu thương như buổi đầu gặp gỡ!
Kính tặng Giáo Sư Tố Lan, người đã cho tôi can đảm để thực hiện bài viết này.
18/02/2016
Trần Thanh Minh


Sunday, March 6, 2016

VƯỜN THƠ





THOẢNG CHÚT HƯƠNG XƯA
                                                                              
Ta về gió động cành lan
Như trong hư ảo dịu dàng tiếng mưa
Ta về thoảng chút hương xưa
Trong dư âm cũ còn thừa nhớ mong
Ta về ngắm lại dòng sông
Thuyền ơi còn cắm bên dòng tương tư?
Ta về khoảng cách xa mù
Đón trăng quê cũ tiếng thu ngập ngừng
Ta về lòng bỗng rưng rưng
Như trong sương khói chập chùng ý thơ
Ta về như thể trong mơ
Bóng ai, ai đó như chờ, như than.
Hai mươi năm có muộn màng?
Hai mươi năm đã lỡ làng duyên nhau
     
SƯƠNG MAI
 
WAFTING OLD PERFUME
Back I came. The wind moved the orchid lightly,
And the rain fell faintly as illusive as nightly.
I was back.  There wafted the perfume of old,
In that repercussion remained a longing to hold.
I came back, to check if that river did cause
Upon its stream of lovesickness any boat to pause.
Back to that dim distance, our old country found,
I welcomed the moon, the hesitant autumn sound.
Back,  and  my heart suddenly felt  tears flowing,
In the mist and smoke poetic inspiration showing.
I had come back as if in a dream hard to believe
With the image of someone still to wait, to grieve.
Two decades had since elapsed: late, this dove?
Alas! Twenty years long sufficed to ruin our love.
     
Translation by THANH-THANH
Vietnamese Choice Poems
 

LỜI THẦY NĂM XƯA
    
Con nhớ mãi ngày xưa con bé nhỏ
Bước đến trường chưa tròn tuổi đôi mươi
Khoanh tay nghe thầy giảng thật tuyệt vời
Từng lời dặn như khuôn vàng thước ngọc
Ánh mắt thầy nhìn con và đoán được
Một quê hương trong sâu thẳm trái tim
Thầy nhắc nhở... chúng ta người Việt Nam
Sống nơi đâu luôn nhớ về cội nguồn
Bài học làm người thầy đã dạy con
Con luôn nhớ dù cuộc đời sóng gió
Lời thầy văng vẳng bên tai nhắc nhở
Ôi... dịu ngọt làm sao con quên được
Con sẽ hứa và làm tròn nguyện ước
Xin học tiếp bài học còn dang dở
Lời giảng của thầy trên từng trang vở
Bài học của thầy đậm nét yêu thương.
    
                                             LOAN SÀI GÒN
 
       MY TEACHERS’ TEACHINGS
I always remember my former teachers’ lessons
Leaving in our juvenile mind deep impressions. Cross-armed we listened to their wonderful precept;
Each commandment was beau ideal for us to accept.
The teachers looked at us and could guess, smart,
Through our eyes a dear homeland in our inner heart.
They admonished us that we are of Viet descent:
Anywhere to live, always recall it, never to be bent.
Your lessons on human behavior you gave so clever,
Even in troubles I have kept in memory for ever.
Your succulent explanations in our ears still ring;
How sweet... how could I forget such well-spring.
I have promised that we will try to win the laurel
And continue to learn/acquire that unrealized moral.
My precious teachers’ teachings are all books above
And above all manifest such a sense of noble love.
Adaptation by THANH-THANH 
 
LỜI NGƯỜI THƯƠNG BINH VNCH
(Kính tặng Quý Anh Chị Em Thương Binh còn sống tại quê nhà, với trọn Tình Nghĩa mang Ơn).
Võ Đại Tôn.

Nửa đêm nghe tiếng súng
Vọng về từ cõi mê.
Một đời trai luôn giữ vẹn Tình Quê
Bao kỷ niệm sóng hồn dâng thổn thức.
Đêm chiến hào từng phiên gác trực
Cùng anh em đồng đội chung lòng.
Quên thân mình, bảo vệ núi sông
Hòa chung máu vào mạch sâu đất Mẹ.
Nơi hậu phương còn bóng tình son trẻ
Hay con thơ bập bẹ tiếng đòi cha.
Tạm gác sau lưng, tiến bước rừng xa
Ngăn chân địch, giữ sơn hà Tổ Quốc.
Trời U-Minh, Vũng Rô, Đầm Dơi, An Lộc,
Đèo Chu Prao, Bình Giả, Đồng Xoài.
Hạ Lào, Pleime, viết sử máu đời trai
Nay sót lại xác thân già không vẹn.
Sau cuộc chiến, Quê Hương đầy uất nghẹn
Trời hỏa châu soi rõ bóng tham tàn !
40 năm - đời vẫn mãi lầm than
Không tiếng súng, thêm muôn ngàn vết đạn.
Bắn thủng lưng dân nghèo, bao khổ nạn
Dân Tộc buồn, nghe tiếng khóc từng đêm.
Dù thân tàn nhưng còn Nghĩa anh-em
Không phế thải - giữ vàng son kỷ niệm.
Vì Danh Dự, vẫn còn đây Trách Nhiệm
Ngẩng cao đầu chung thủy với Quê Hương.
Đời Thương Binh, biết rõ lẽ Vô Thường
Nhưng hồn vẫn theo chân cùng Tổ Quốc.
Không van xin, dù tật nguyền "thua cuộc"
Vẫn nguyên tình vì đồng đội chi binh.
Một đời trai & đâu quản ngại hy sinh
Giờ bóng xế, không cúi đầu tủi nhục.
Dù bạo lực, cũng không hề tuân phục,
Sá gì đâu cơm áo thí ven đường.
Lòng vui nhận nếu chia sẻ Tình Thương
Cùng Thông Cảm, không phải ban từ thiện !
Đôi nạng gỗ, xe lăn, cùng chung tuyến
Giữ lòng son, mong Tổ Quốc hồi sinh.
Trong đêm tối lầm lủi bóng Thương Binh
Chờ ánh nắng bình minh rồi sẽ đến.
Thuyền Tự Do ngày mai về đậu bến
Cùng toàn dân vui Lẽ Sống Con Người !
Hãy lắng nghe, văng vẳng tiếng vang cười
Từ Thương Binh, dù xác thân tàn tật.
Mẹ Việt Nam ban tình thương hoa mật
Ôm đàn Con, chung sức dựng quê nhà.
Trời Nhân Bản trẩy hội tiếng đồng ca
Cùng sông núi choàng hoa lên nạng gỗ !.
Thời gian qua còn hằn sâu vết khổ
Nhưng cuối cùng thỏa nguyện với tình Quê
Đời Thương Binh : - Trung Nghĩa vẹn câu thề !.
Hải Ngoại - Đêm cuối năm 2015.


LỜI NGƯỜI VỢ THƯƠNG BINH VNCH(Kính tặng Quý Chị-Em một đời tận tụy thủy chung lo cho người chồng Thương Binh từ trận chiến trở về…)Võ Đại Tôn

Bao năm trời chiến chinh
Từng đêm nghe tiếng súng.
Lịm thảng thốt, em nguyện lời kinh tụng
Cầu xin anh được mọi an bình.
Ôm con vào lòng, không nghĩ lẽ Tử Sinh,
Luôn mong đợi phút anh về, chiến thắng.
Dòng lệ âm thầm giữa đời mưa nắng
Còn tình nhau, nuôi sống tâm hồn.
Rồi một chiều mưa, trong bóng xế hoàng hôn
Tin anh về, xác thân không toàn vẹn !.
Em nhìn anh, cố lau dòng lệ nghẹn,
Anh vẫn còn ! - Như thế đủ cho em.
Đồng đội bao người vào Quân Sử, không tên,
Anh còn sống - Đời cho em diễm phúc.
Hoàng Tử lòng em, dù máu loang quân phục,
Vẫn còn nguyên Tình đẹp thuở anh đi.
Con nhìn anh, đầu thơ dại nghĩ gì,
Như muốn hỏi : - "Ông nào đây, xa lạ !".
Em khẽ nói : - "Con hãy nhìn tượng đá
Dù rêu mờ, vẫn đẹp giữa trời xanh" !
Xác thân anh khơng còn được nguyên lành
Em vẫn sống cùng tim anh trọn kiếp.
40 năm - bao nhọc nhằn nối tiếp
Sá gì đâu ! - Ta mãi sống bên nhau.
Quê hương mình còn bao nỗi khổ đau
Ta cố sống - dù cháo rau từng bữa.
Dìu nhau đi, như ngày xưa đôi lứa
Dưới hàng me tan học, bước chân về.
Xin anh cười, em vẫn vẹn câu thề
Bờ hạnh phúc, thuyền em không tách bến.
Một ngày mai bình minh rồi sẽ đến
Quê Hương mình vui hát bản Tình Ca.
Em tưởng thấy nạng gỗ nở thành hoa
Anh chiến thắng, cùng Toàn Dân trẩy hội.
Em và con dìu anh chung bước vội
Trên đường Xuân Tổ Quốc đã hồi sinh.
Anh vẫn còn tình đồng đội bên mình
Và có cả em-con cùng chia sống.
Dù thân tàn, anh mãi là hoa mộng
Một đời em : - Xin hãnh diện về anh,
Người Thương Binh, chung máu tạo Công Thành !

Võ Đại Tôn

Chiều cuối năm 2015
Hải Ngoại.
__._,_.___

MÙA XUÂN TRONG TRÁI TIM LY HƯƠNG
Em bên đó có đón xuân không nhỉ
Ta bên này như thế kỷ buồn tênh
Lặng nghe gió tạt bên thềm
Âm vang như tiếng sóng đêm cợt đùa
Trời đất cũng khi mưa khi nắng
Dải ngân hà vẫn nặng sầu vương
Có ai chia nỗi đoạn trường
Mùa xuân của kẻ ly hương không nhà
Em còn hát khúc ca dạo trước
Ngày yên vui non nước thanh bình
Bỗng đâu chinh chiến điêu linh
Xua đi ánh nắng bình minh ngọt ngào
Anh từ đó tâm hồn chao đảo
Xa người yêu tâm não thê lương
Mặc cho bão táp phong sương
Tấm thân xin gửi trùng dương sóng giồi …

Nay thắm thoát bốn mươi năm lẻ
Ðếm thời gian quạnh quẻ trôi qua
Chữ tình theo gió phôi pha
Dẫu trong tâm vẫn thiết tha tình đầu
Thuở trời đất nhuộm màu luân lạc
Thuở gươm đao bạo ác nhiễu nhương
Anh đi tìm một con đường
Bao năm tóc đã pha sương mất rồi
Nhìn cây cỏ đâm chồi nẩy lộc
Biết mùa xuân dân tộc đã về
Xót xa một mối tình quê
Bốn mươi năm vẫn tư bề quạnh hiu !

nguyễn phan ngọc an - 2016
www.trangthongocan.blogspot.com



CÁNH ÉN MÙA XUÂN
(Thất ngôn độc vận)

Có con chim én về đâu đó
Gợi nhớ xuân nào nơi cố hương
Năm tháng bình yên trong dĩ vãng
Bâng khuâng nghe giọng hát lên đường

Những khúc bình ca từ cuối ngỏ
Ngọt ngào âm hưởng mẹ yêu thương
Sông núi bao mùa yên giấc ngủ
Chiến tranh ly loạn cõi vô thường

Giọt máu anh hùng cho vận nước
Chôn vùi xuân với tóc pha sương
Cánh én mang niềm vui trở dậy
Mùa xuân luân vũ khúc nghê thường

Đồng ruộng nào còn trơ gốc rạ
Đau lòng chim quốc khóc tha phương
Thầm hỏi đêm dài nào gắn bó
Trăm con nước đổ lệ sầu vương

Cố xứ người về, xuân vẫn đợi
Hành trang mờ cả dấu sa trường
Dẫu chẳng Kinh Kha soi dấu sử
Triệu, Trưng, Phù Đổng với Hùng Vương

Lung linh hạt cát trên sa mạc
Hay chiếc thuyền con giữa đại dương
Ngược thủy triều nước vồ sóng dập
Vẫn mơ màng hát khúc ly hương …

nguyễn phan ngọc an - 2016
www.trangthongocan.blogspot.com

 



Thơ và tà quyền Việt Cộng
 
Ngô Minh Hằng
 
 
Khi chỉ mặt tội đồ, Thơ lên tiếng
Tội bán quê hương, tội giết dân lành
Là Thơ đã cùng tà quyền tuyên chiến
Cùng tà quyền Thơ trực diện đấu tranh
*
Thơ biết đảng có xe tăng, đại pháo
Có súng của Nga có đạn của Tàu
Có bày công an bất lương tàn bạo
Có lũ côn đồ mặt ngựa đầu trâu
*
Thơ biết đảng có nhà tù, cũi sắt
Có quan thày là Tàu cộng, Liên xô
Và biết đảng, bọn gian hùng muôn mặt
Đầu đảng là tên quốc tặc họ Hồ
*
Thơ biết đảng nuôi cả bày công cụ
Để kinh tài và thọc gậy, đâm lưng
Đội lốt quốc gia, mặt người dạ thú
Đánh phá cá nhân, quậy nát cộng đồng !
*
Thơ biết đảng tung ra trò nghị quyết
Để mong người yêu nước nản, buông tay
Để khống chế và để mong tiêu diệt
Bất cứ ai đem tội đảng phơi bày!
*
Thơ biết đảng có tiền muôn, bạc tỉ
Có chức quyền nhưng chẳng có lòng dân
Thì dẫu đảng dựng bao trò ma mị
Đảng cũng tan vì đảng thế, ai cần!
*
Vũ khí của Thơ chỉ là ngòi bút
Ngòi bút đơn sơ, bé nhỏ, thật thà.
Nhưng dũng cảm đối đầu quân bán nước
Với quật cường bất khuất của Ông Cha
*
Và với đồng bào kiêu hùng nhịp bước
Đòi quyền người, đòi toàn vẹn núi sông
Thì dẫu đảng mấy hung tàn bạo ngược
Nhằm nhò gì, Thơ kể chúng như không!
*
Đã tranh đấu, Thơ ngán chi nghị quyết
Và chấp đảng Hồ phun bẩn, bôi dơ
Khi chỉ mặt bọn cộng thù qủy quyệt
Thơ đã tôn vinh tổ quốc, màu cờ...
*
Chỉ có bọn "cây người" và Việt cộng
Mới căm thù và oán ghét đấu tranh
Vì cộng bán quê, nuốt tươi nòi giống
Phá kỷ cương nên hận bậc trung thành
*
Chỉ có bọn "cây người" và Việt cộng
Mới độc tài, mong dập tắt nguồn thơ
Vì chúng sợ Thơ tưới mầm hy vọng
Phù Đổng vươn vai quang phục cõi bờ
Ngô Minh Hằng
***
=
 

 https://youtu.be/pRYreAZSBG0


THOÁNG MỘT GÓC CHIỀU

Lóang thoáng một góc chiều
Những dấu mòn chẳng nhớ
Người hồ tan bóng đợi
Tình trên cành quạnh hiu

Có ai còn trở lại
Tìm ký ức xanh rêu
Để viết tình ca mãi
Ý nghĩa gì buổi chiều?

Trăm con đường chìm ảo
Trời xanh đã nhạt màu
Con chim nằm trên cỏ
Phơi xác thời gian đau


Có tiếng cười trang sách
Tình yêu cùng hướng nhìn
Trang sách giờ khép lại
Tình ngỡ ngàng lặng thinh


Ngồi co một góc hờ
Tìm một phím đàn rơi
Bài tình ca thú thật
Hương lửa đã phai mờ

Thấp thoáng một bóng người
Đi về phía ước mơ
Một ước mơ đánh mất
Ở góc chiều mưa rơi!

NGHIÊU MINH
__._,_.___


CHUYỆN VUI CƯỜI

Chiếc quạt máy nơi phòng thánh Phêrô
Môt ông trùm nọ giúp việc trong nhà thờ chẳng may chết và lên cửa thiên đàng. Ông bước vào phòng đợi và ngạc nhiên sao thấy nhiều đồng hồ quá. Đồng hồ nào cũng có tên của người mới chết, nhưng ông không tìm thấy cái đồng hồ của ông đâu cả. Thấy thánh Phêrô đi ra ông liền hỏi: - Thưa thánh Phêrô, sao đồng hồ trên đây có tên của mỗi người và cái thì chạy nhanh, cái thì chạy chậm? Thánh Phêrô trả lời: - Mỗi cái tượng trưng cho một linh hồn mới chết. Linh hồn nào phạm tội ít thì đồng hồ chạy chậm, linh hồn nào càng phạm tội nhiều thì đồng hồ càng chạy nhanh. Ông mừng thầm nghĩ rằng chắc mình không có tội nên không thấy đồng hồ của ông. Ông hỏi: - Thế còn cái đồng hồ của con đâu sao không thấy? Thánh Phêrô đáp: - Trời mùa hè nóng quá mà cái đồng hồ của con lại chạy nhanh nhất, ta mang vào phòng làm quạt máy rồi. Ông trùm: ???!!!

Chúa Giêsu người miền núi
Trong lớp giáo lý, sơ đang kể câu chuyện Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem, miền Giuđê. Bỗng sơ thấy một bé gái cứ đùa giỡn không chú ý. Sơ chỉ em và hỏi: - Em cho sơ biết Chúa Giêsu người miền gì? Bé gái trả lời tỉnh bơ: - Thưa sơ, Chúa Giêsu người miền núi ạ. Sơ giận lắm: - Căn cứ vào đâu em lại dám nói như thế? Bé gái: - Thưa sơ, Chúa Giêsu sinh ra nơi hang đá, chỉ có miền núi mới có hang đá ạ. Sơ: ???!!!

Hỏa ngục lạnh cóng
Có 2 người bạn thân với nhau. Chẳng may vào mùa Đông nọ, một người chết trước và hiện về. Người bạn còn sống thấy linh hồn bạn hiện về mừng lắm nên hỏi: - Này, bây giờ mày đang ở đâu? Linh hồn người bạn: - Tớ đang ở trong hỏa ngục! Người bạn ngạc nhiên vô cùng: - Trong hỏa ngục? Tao tưởng ở hỏa ngục nóng chảy mỡ chứ sao mày lạnh run cầm cập thế kia? Linh hồn người bạn: - Dưới hỏa ngục đông như kiến, tao chẳng làm sao mà chen chân đến gần lửa được. Người bạn: ???!!!


Xin lễ như ý 
Một anh chồng chẳng may cưới phải cô vợ mê ăn diện (thích shopping), tuần nào cô cũng đi mua sắm quần áo. Anh chồng không biết làm sao được nên vào gặp cha xứ xin một lễ như ý. Về đến nhà thấy cô vợ đang soi gương nghắm nghía, anh cầu nguyện thầm trong bụng: - Chúa ơi, Chúa ra tay cho con nhờ, Chúa nhé. Xin cho con được như ý. Nhưng lạ lùng thay, cô không chừa mà còn đi mua sắm, chưng diện nhiều hơn trước. Anh chồng hấp tấp đến gặp cha xứ khiếu nại: - Thưa cha, con xin lễ như ý là để cho vợ con chừa đi mua sắm mà sao cô ta còn đi nhiều hơn lúc trước. Cha có quên làm lễ không? Cha xứ mỉm cười: - Chẳng nói dấu gì anh, anh chỉ xin có 1 lễ như ý , còn vợ anh xin tới 3 lễ như ý lận . Anh chồng: Trời????!!!

NGUYỄN TRÍ ĐẠT * VỀ NGƯỜI SAI GÒN

Cảm Nhận Của Một Người Hà Nội Về Người Sài Gòn 





Tôi bước chân xuống Tân Sơn Nhất lần đầu cũng đã lâu. Đi taxi về công ty tôi – đường phố đông đúc nhưng mọi người đi có thứ tự. Những tòa nhà cao ốc be bé nằm sát nhau trên đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ khiến tôi nghĩ Sài Gòn thật xô bồ, lộn xộn. Thế mà từ đó đến giờ đã yêu mất Sài Gòn và người Sài Gòn.


Người Sài Gòn có vài món ăn quen, món đặc biệt nhất là Cơm Tấm. Sáng Cơm Tấm, tối đêm Cơm Tấm. Lâu đi nhậu về là lại thèm một dĩa cơm sườn bì chả, ghé vào vỉa hè, ăn rồi mới leo lên giường ngủ được.


Người Sài Gòn sáng cafe ăn sáng vỉa hè, cafe nhạt, kèm theo bình trà và vài ba tờ báo ngồi dưới những hàng cây cao nhìn dòng người qua lại. Đồ ăn sáng Sài Gòn cũng đơn giản, bánh canh, hủ tíu, phở Bắc, phở Hoa, món nào vỉa hè cũng ngon, ngu nhất là ghé vào mấy quán trong nhà, có thương hiệu vì mắc chết mẹ.


Người Sài Gòn không có khái niệm đại gia hay đẳng cấp. Một ông chủ đi mẹc cũng vẫn ngồi vỉa hè ăn, nhậu chứ không cần phải thể hiện đẳng cấp đại gia. Những chàng trai, cô gái sành điệu vẫn ăn hàng cùng với những người lao động chứ không phân bì. Miễn là đủ tiền để trả không có người ta đánh cho nhừ xương.


Người Sài Gòn có món nhậu, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, có tiền cũng nhậu, hết tiền càng phải nhậu. Giầu thì uống rượu Tây, bình dân thì Ken, Sài Gòn đỏ, Tiger chỉ dành cho những ông già tầm 60 -bữa nào kể cho nghe), nghèo thì Ngọc Dương, Chuối Hột và vài trái xoài.


Người Sài Gòn không nhậu trưa, chỉ có nhậu từ tối – đêm – sáng. Dân nhậu có câu “Tình thương mến thương”, thấy bàn bên cạnh có anh chàng nói chuyện vui, sang cụng cái, bàn bên kia có cô bé dễ thương đi một mình sang cụng một cái. Cụng qua cụng lại một lúc lại sắp vài bàn vào làm một. Zô là zô là zô là zô. Nhiều người cứ nghĩ rằng nhậu nhẹt ở Sài Gòn là bê tha – người Sài Gòn không thế. Nhậu là chia sẻ, là giải tỏa những gì còn đọng trong ngày, có chút hơi men uống vào cho quên. Sáng dậy lại hòa mình vào cuộc sống và quên đi những chuyện cũ.



Người Sài Gòn yêu nhau cũng lạ, không cần phô trương, thương là đến với nhau. Quen nhau từ bàn nhậu, quen nhau ở quán cafe, quen nhau trong thang máy…cứ thích là nhích thôi. Người ta thương nhau, về với nhau là để thế giới bớt đi hai người cô đơn (thế mà anh vẫn cô đơn thế này ) Yêu Gái Sài Gòn không cần phải tỏ tình, cứ rủ đi cafe vài bữa, cho nắm tay, đi xem phim cho thơm, thế là thành bà xã…Tình yêu cũng có hợp tan, nếu hết thương nhau thì lại nhậu, cafe, xem phim…và thêm một mối tình mới.


….Cuối cùng, người Sài Gòn là gọi chung cho những người sống ở Sài Gòn, bọn Sài gòn gốc thì bị Nguyễn Ánh chiếm đất đuổi đi, bọn Sài Gòn xưa thì đang sống ở Cali và Sài Gòn giờ toàn người Hà Nội.
Nguyen Tri Dat

TRẦN KIÊN GIANG * VẤN ĐỀ HÌNH THÀNH ĐẢNG CỘNG HÒA



VẤN ĐỀ HÌNH THÀNH ĐẢNG CỘNG HÒA TRÊN NỀN TẢNG CÁC THÀNH PHẦN CÒN LẠI CỦA QLVNCH TRONG NƯỚC KHI CHẾ ĐỘ CS SỤP ĐỔ




Trần Kiên Giang

Việt Nam



Kể từ khi internet ra đời, VC đã hoàn toàn thua đau và nặng nề trên mặt trận chính trị. Chúng làm nhiều chuyện lố bịch và trò cười cho cả thế giới. Cổ nhân có câu: Danh bất chính, ngôn bất thuận. Ngôn bất thuận, nhân bất hòa. Tình thế VN ngày nay đang biến thiên theo chiều ngược lại so với cách đây 40 năm, thời điểm 1975. Khi đó VNCH hoàn toàn bại trận về chính trị: bị nhân dân Hoa Kỳ bỏ rơi, Quốc Hội Hoa Kỳ trở mặt, Tổng Thống Mỹ hoàn toàn bất lực, lo bảo vệ mình còn không xong. Dân chúng VN chỉ muốn hòa bình, ngưng tiếng súng bằng bất cứ giá nào. Dư đảng Cần Lao Nhân Vị của Trần Hữu Thanh và Nguyễn Văn Vàng đâm sau lưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu những nhát dao trí mạng qua phong trào chống tham nhũng...

Ngày nay VC ở trong tình thế gần giống như vậy, nhưng ở mức độ cao và sâu sắc hơn. Đối nội, bạo quyền CS hoàn toàn đối nghịch với nhân dân qua các chính sách quốc gia, từ giải tỏa đất đai cho tới các chính sách giáo dục, xã hội, thuế má... Đối ngoại, VNCS bị tên đại bá Trung Cộng o ép, lấn lướt từ trên đất liền lẫn ngoài biển, từ kinh tế đến chính trị và ngoại giao, chỉ chờ thời điểm thuận lợi là tiến hành cuộc thôn tính dứt điểm. Trong khi đó internet ngày càng phát triển, các phong trào dân chủ nhờ vào lợi khí này cũng ngày càng lớn mạnh. Sự sụp đổ của Đảng CSVN là tất yếu, chỉ chờ đúng lúc để cuộc đứng dậy của người dân bùng nổ.
Nhưng một câu hỏi đặt ra: nếu chính quyền CSVN sụp đổ, tiếp theo đó sẽ là thế nào?, đất nước VN sẽ rơi vào tay ai? Tốt hơn hiện nay hay tồi tệ hơn? Kịch bản tồi tệ đã được nhìn thấy từ Libya cho đến Ai Cập và Tunisia.

Nguy cơ trở lại giai đoạn 1945 là rất rõ. Tàn sát lẫn nhau một cách kinh hoàng. Quốc Dân Đảng và Đại Việt đánh với Đảng CS ở ngoài Bắc. Các giáo phái ở Miền Nam cũng xung đột võ trang với CS. Một giai đoạn lịch sử bi thảm mà nhiều người không muốn nhắc đến. Trong tình thế hiện nay, không có đảng phái chính trị nào nổi cộm do bị Đảng CS tiêu diệt tất cả, từ trong trứng nước. Bài toán tương lai là một ẩn số. Nhưng ta vẫn có thể cứu xét các lực lượng tiềm năng để phỏng đoán cho tương lai và có hành động thích ứng.

Tất cả các đảng phái hoạt động công khai hiện nay đều ở hải ngoại, nên chẳng thể nào kịp trở tay khi tình huống bất ngờ xảy đến. Hơn nữa, do hoạt động manh mún, họ chẳng thể nào tập hợp được sức mạnh trong phút chốc. Dù Đảng CS có sụp đổ trong một đêm, họ cũng chẳng làm gì được khi các cửa khẩu đã bị một lực lượng khác đóng chặt cửa! Thế lực tiềm ẩn nào có thể thay thế được Đảng CS? Bài học chính quyền bỏ trống năm 1945 dẫn đến những cuộc chém giết tàn khốc vẫn còn in sâu đậm trong đầu của những người lớn tuổi, khoảng trên dưới 90. Vì thế không thể cho phép lịch sử lập lại, gieo tang tóc cho dân tộc.

I. CÁC THÀNH VIÊN QLVNCH & HẬU DUỆ CÒN LẠI TẠI VN LÀ MỘT YẾU TỐ LỚN KHI CS SỤP ĐỔ
Các thành viên QLVNCH còn lại và hậu duệ của họhiện đang sống trong lòng dân tộc có thể là một yếu tố lớn của cuộc đổi đời tại VN sau khi CSVN sụp đổ. Với quân số 1 triệu người trước 4/75, được đưa sang Hoa Kỳ theo diện HO khoảng 200,000 (kể cả vượt biên), một số cũng đãõ hao mòn qua thời gian (già cả, bệnh hoạn qua đời v.v.) khoảng 100,000 nữa; số còn lại ở VN khoảng trên dưới 700,000, được VC xếp vào loại "ngụy quân ngụy quyền", là một sức mạnh tiềm ẩn mà không ai hay biết! Đối với người CS, đó là một lớp người không đáng kể vì họ đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa! Không, với chính sách phân biệt đối xử, họ vẫn là một giai cấp sống ngoài lề của xã hội CS. Vào năm 1975, thực ra hai quân đội quốc gia và CS có lực lượng ngang bằng nhau. Chỉ khác ở chổ QLVNCH đang được nuôi ăn toàn diện, thì bất ngờ bị bỏ đói, cúp lương thực và đạn dược. Bộchỉ huy đầu não lại tan rã. Từ đó, họ giống như một xác chết, phân hủy ra thành muôn ngàn mảnh vụn. Từng người, từng người một, họ phải thích nghi với hoàn cảnh mới để sinh tồn, nhưng vẫn ôm trong lòng một nỗi uất hậïn vong quốc khôn nguôi... Nhiều người được chế độï CS tái sử dụng, nhưng vẫn bị kỳ thị nặng nề nên chẳng bao giờ cảm thấy được hài lòng. Hãy đọc những bài viết của Hồ Ngọc Nhuận thì thấy rõ tâm tình của họ. Còn những kẻ tiếp tục bị chèn ép thì không cần phải nói. Vì thế, so với trước năm 75, nỗi căm hờn CS của họ còn gia tăng gấp bội. Những kẻ ngày trước còn lừng khừng, không quyết tâm, nay được "sáng mắt" ra nhờ ơn Bác và Đảng, nên đang dằn lòng chờ cơ hội...

II. NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐANG GÂN CỔ KÊU GÀO GIỮ VỮNG CHUYÊN CHÍNH, CHỐNG LẠI ĐA NGUYÊN ĐA ĐẢNG
Lực lượng này chính là tiềm năng của dân tộc để đóng góp cho cuộc đổi đời tại VN khi thời thế thay đổi. Áp lực của thời đại buộc CS phải đi đến đa nguyên đa đảng, dù hiện nay Nguyễn Phú Trọng vẫn lên gân cổ kêu gào chống lại. Nhưng khi ngọn triều đã nổi lên thì dù có 100 hay 1000 Nguyễn Phú Trọng cũng không lật ngược được thế cờ. Ta còn nhớ lúc gần đến cuộc Cách Mạng Đông Âu, chính Honecker tổng Bí Thư Đảng CS Đông Đức đã tuyên bố Bức Tường Bá Linh sẽ đứng vững 100 năm nữa. Mới nói đó mà chỉ khoảng một năm sau là Bức Tường Bá Linh đã sụp đổ tan tành và chế độ CS Đông Đức cũng tiêu tùng! Bây giờ Nguyễn Phú Trọng nói cứng, nhưng chắc không cứng hơn Honecker hồi thời điểm 1987-1988. Rồi dân sẽ đứng lên thôi! Hiện bây giờ theo tác giả được biết là đang có sự chuẩn bị rộng lớn của các lực lượng dân chủ tại VN. CSVN sẽ không thể nào ngờ được khi biến động bùng lên và lan nhanh do hiệu ứng cánh bướm, mà đã tạo thành cơn lốc Cách Mạng Đông Âu, từ Cách Mạng Nhung Tiệp Khắc đến cách mạng Hungary, Rumanie, Đông Đức (sụp đổ Bức Tường Bá Linh). Trong các tác động dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt ấy, hiệu ứng cánh bướm (Butterfly Effect) là quyết định. Đó là sự tăng tốc theo cấp số lũy thừa (exponential progression) của loạn biến đưa đến sự bùng nổ khắp nơi khởi từ tác động ban đầu (như cơn bão dữ ù). Như Honecker mới vừa tuyên bốù như tường đồng vách sắt mà không bao lâu sau Bức Tường Bá Linh đã sụp đổ rồi. Như Cách Mạng Nhung Tiệp Khắc chỉ diễn tiến quyết liệt trong vòng có 10 ngày thôi (17-11-1989 đến 27-11-1989). Bây giờ tới Nguyễn Phú Trọng đang nói dóc, làm như Đảng CSVN sẽ "muôn năm trường trị"; nhưng đâu có ai biết rằng các lực lượng dân tộc và dân chủ trong nước đang chuẩn bị cật lực và chắc chắn sẽ nhận được sự yểm trợ của hải ngọai. Thường thường khi một cuộc cách mạng xảy ra khởi đầu nó chỉ là một cuộc bùng nổ nhỏ, nhưng nó có thể lan ra rất nhanh có khi chỉ trong vòng vài ngày hoặc vài tháng và dẫn chế độ đến sụp đổ.

III. ĐẢNG CỘNG HÒA SẼ RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Ngày nay uy tín của người chiến sĩ QLVNCH đang sống trong lòng dân tộc cao hơn bao giờ hết; bởi trong suốt 40 năm qua, họ hoàn toàn sống hòa đồng với nhân dân, chưa hề làm bất cứ động thái nào thất nhân tâm. Chỉ có điều chưa có thời cơ để tập hợp lại. Bộ chỉ huy đầu não cũng chưa hề xuất hiện. Và thời cơ đó chắc chắn phải đến khi tình hình thế giới đổi thay. Khi QLVNCH tập hợp lại sau 40 năm, sẽ có những người già đến 70, 80 tuổi. Nhưng không sao cả: họ có thể ủy quyền cho con cái mình thay thế (lớp hậu duệ). Bởi đây sẽ là một đảng Cộng Hòa hùng mạnh, trong sạch, đầy uy tín, đặc biệt là lòng yêu nước và tinh thần/ý chí chống xâm lược Bắc Phương (mà đã thể hiện rõ nét qua trận Hoàng Sa). Đảng Cộng Hòa sẽ lãnh trọng trách trước dân tộc để đưa đất nước thoát hiểm họa ngoại xâm, tạo ra một chế độ dân chủ thật sự mà mọi người VN đang mong đợi. Đảng Cộng Hòa cai trị đất nước khác xa với ĐCS; bởi mọi thành viên của nó đều lao động cật lực và sống bằng thu nhập của mình sau 40 năm hoà mình vào lòng dân tộc. Họ không cần phải tham nhũng và độc tài để vơ vét của cải. CS vốn gốc là bần cố nông, không nghề nghiệp, nên khi nắm được quyền lực trong tay, chúng không bao giờ muốn nhả ra là điều dễ hiểu. Nhưng rồi đến lúc chúng không muốn nhả cũng không được. Chúng sẽ phải chết vì của, như câu tục ngữ Trung Hoa: Chim chết vì thức ăn, người chết vì tài bảo ( trong bộ phim kiếm hiệp Liên Thành Huyết).

Vì thế, tiềm năng và sức bật của dân tộc VN trong tương lai, chính là QLVNCH đang sống trong lòng dân tộc. Sau 40 năm được trui rèn trong gian khổ, họ đã trở thành một thế hệ đầy BẢN LĨÕNH, có thể thắng ĐCS dễ dàng khi thời cơ cho phép. Nhưng giờ đây họ là lớp người ngoan ngoãn nhất trong xã hội, được người dân tin yêu và đùm bọc. Và cũng chính họ là những kẻ không ngại hy sinh khi phải đấu tranh với bọn cường quyền ác tặc. Họ sống rải rác. Họ không tập họp để khỏi bị CS tiêu diệt, và vẫn tồn tại như một nguồn tài nguyên qúy giá của dân tộc. Không, dân tộc này sẽ không thể bị bất cứ ai bán đứng được cả, dù dưới hiệp ước Thành Đô. Đang ẩn nấp trong lòng quần chúng là một siêu cao thủ, xuất qủy nhập thần, CS dù có gian xảo đến đâu cũng không thể làm gì được. Cao thủ đó sẽ xuất hiện khi thời cơ cho phép để trừ gian diệt ác. Đúng lúc chúng ta sẽ thấy con người đó hoặc nhóm người đó!

Ngày nay rất nhiều người bi quan, lo lắng cho tiền đồ dân tộc. Một mặt Hán triều Bắc phương đe dọa từng ngày; Đảng CS lại mất lòng dân ngày càng trầm trọng, kinh tế kiệt quệ, xã hội đảo điên, tất yếu sẽ dẫn đến đại loạn. Lực lượng đối lập manh mún như bãi cát rời, tương lai đất nước vô cùng u ám. Các giáo phái dù có vững chắc nhưng không thể nào cai trị được xã hội. Bài học về tôn giáo và chính trị ở các nước (như Trung Đông) đã cho ta hình ảnh rõ về tác hại của tôn giáo chen vào chính trị. Mới nhìn qua ta tưởng QLVNCH như một hài cốt tan rã, thậm chí chẳng còn xương! Nhưng không phải. Đó là một thế lực ngầm, nằm ngoài mọi tầm ngắm. Và khi nó xuất hiện, chính là thời thế đổi thay. Nó hành động dè dặt và chắc chắn, càng ngày càng đi sâu vào nội bộ ĐCS. Nó bị đè nén, áp chế, nhưng không biến mất. Nó là một thực thể đang tồn tại và chờ ngày hành động. Dân Tộc VN hãy yên tâm. ĐCSVN không thể một mình múa gậy vườn hoang. Vẫn còn đó một đối thủ mà trước đây từng làm chúng điêu đứng:
Đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ, đánh đâu thua đấy, càng đánh càng thua, càng thua càng đánh!
Đó là câu nói thường xuyên trong bàn nhậu khi anh em QLVNCH trong nước gặp nhau. Nó nói lên bầu nhiệt huyết vẫn còn sôi sục trong tim của họ, dù tuổi đời ai ai cũng đến 60-70, chỉ vì bị CSVN phân biệt đối xử. Hãy cám ơn bọn VC hung tàn! Nhờ chúng, anh em QLVNCH còn lại trong nước trở nên gắn bó với nhau hơn, thương yêu nhau hơn. Đó chính là tương lai của dân tộc. Nếu họ bị VC đồng hóa, gặp nhau sẽ không bao giờ nói lên được câu này. Nó cho phép người ta tin tưởng vào tương lai tươi sáng của VN. Dân tộc này vẫn còn có một anh hùng khác, không phải kiểu anh hùng "Núp" sẵn sàng bán rẻ giang sơn của tổ tiên, để kiếm mấy đồng đô la lẻ mà bọn Hán triều bố thí, như ném một khúc xương cho con chó ghẻ.

Muốn thành đại sự phải biết kiên trì. Đừng thấy QLVNCH không làm được gì cả kể từ sau 30-4-1975 mà nói rằng họ đã chết! Những Nguyễn Khoa Nam, Lê văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn v.v. vẫn còn được dân chúng tôn sùng như những anh hùng dân tộc. Nhiều người ở trong gông xiềng vẫn lớn tiếng mắng chửi bọn ác ôn, bất chấp cái chết chúng sẽ dành cho mình. Đó chính là hào khí của dân tộc. Khi ĐCS sụp đổõ, QLVNCH lập tức đứng lên thay thế, và biến thành ĐẢNG CỘNG HÒA để quản lý đất nước. Đó là hướng đi của tương lai mà dân tộc VN có thể yên tâm, không phải sợ hãi trao duyên lầm tướng cướp như trong quá khứ. Đảng Cộng Hòa sẽ bảo đảm một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do, hiến pháp chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi và nhân quyền của toàn dân. Quân đội hoàn toàn phi chính trị, không phục vụ cho bất cứ đảng phái nào. Cảnh sát trưởng phải được dân bầu để bảo vệ cho dân. Cả nước sẽ có 2 đảng CẠNH TRANH NHAU, nhưng không tổng thống nào được phép ngồi ghế tổng thống quá hai nhiệm kỳ. Những vấn đề này đối với QLVNCH chỉ là những chân lý quá bình thường như không khí thở và nước uống. Thế nhưng, đối với dân tộc VN hiện tại, đó lại là một ước mơ xa vời, giống như chuyện thần tiên. Cũng chỉ vì ĐCS hại dân hại nước: chúng du nhập từ đâu các ý tưởng hoàn toàn trái ngược với bản chất con người, cho nên phải nhận lãnh hậu quả thảm khốc. Những năm tháng chiến tranh tàn khốc trước đây, tưởng chừng như vô tận, rồi cũng đã qua đi. Bóng ma CS sớm muộn cũng phải biến mất, vì nó trái đạo làm người, phản dân tộc. Cái gì trái đạo tự nhiên, tất yếu sẽ bị đào thải. Đó là quy luật sinh tồn của tạo hóa.

90 triệu dân VN là nước, chứa trong chiếc nồi súp de kín mít vớiø ĐCS và các tổ chức ngoại vi là vỏ bọc. Internet và thế giới bên ngoài là lửa đốt. Lửa ngày càng cao, sớm muộn chiếc nồi sẽ phải nổ tung. Nhất định nó phải nổ nếu không được mở nắp. Khi đó bọn VC không muốn tan xác cũng không được. Nguyễn Phú Trọng hãy cứ kiên định lập trường, giống như BA KHÔNG trước đây của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Càng kiên định càng tốt, bởi vì cái vỏ càng chắc chắn, khi nổ sẽ càng ngoạn mục. Mảnh của chúng (xác VC) sẽ văng xa. Chỉ có điều khi chiếc nồi đã nổ tung, ai đến hốt xác chúng? Đó chính là QLVNCH. Ngay tại chổ. Không ai khác hơn được nữa.

Với một đại thể như vậy, ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ những gì để khỏi phải ngỡ ngàng trong tương lai. Trước tiên phải có ý thức rằng QLVNCH vẫn chưa chết. Nó sẽ hồi sinh dưới hình thức Đảng Cộng Hòa trong tương lai, khi thời cơ cho phép. Các hoạt động chăm sóc y tế miễn phí cho anh em thương phế binh VNCH là vô cùng chính đáng, cần được duy trì càng lâu càng tốt. Tình hình khách quan trong xã hội CS đã ép người dân đi đến tình trạng: phe nào chơi theo phe đó. Vì thế anh em trong QLVNCH lại càng gắn bó keo sơn với nhau, đã vô tình tạo được một sợi dây liên kết chặt chẻ. Trong xã hội CS hôm nay, các hội được nhà cầm quyền CSVN cho phép công khai hoạt động, ngoài các hội đoàn ngoại vi Mặt Trận Tổ Quốc như Thanh Niên, Phụ Nữ, Công Nhân, Nông Dân ..., còn có các hội đồng hương. Hầu như tỉnh nào cũng có hội đồng hương, như HĐH Sóc Trăng, HĐH Bắc Giang, HĐH Khánh Hòa v.v. Mô thức này lan ra hải ngoại, như chúng ta thấy tại Bắc Mỹ có HĐH Hải Phòng, HĐH Quảng Ninh v.v. Vậy thì đồng bào hải ngọai khi thấy Hội Đồng Hương phải biết nguồn gốc này ở đâu. Nó là một mô thức của VC, từ trong nước dẫn ra hải ngoại. Tất nhiên VC tìm mọi cách nắm các hội này qua cách gài người thiện nghệ của chúng.

Các anh em QLVNCH hải ngoại hãy yên tâm, bạn bè mình ở trong nước đang ngày đêm cạnh tranh uy tín với ĐCS trong lòng dân tộc. Người ta đang nhìn thấy rõ: ai yêu nước thương dân, ai bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên, ai bán nước, ai tôn trọng phẩm giá con người... Trong cuộc đấu tranh chính trị này, chúng ta đang thắng. Giặc đang thua. càng ngày càng thua nặng. Chắc chắn ngày toàn thắng đã gần kề.

IV. VAI TRÒ CỦA INTERNET VÀ NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI
Chính là nhờ internet và cộng đồng người Việt hải ngoại đã làm thay đổi hoàn toàn thế cờ. Vì thế phải phát huy tác dụng của internet nhiều hơn nữa. Phải có thêm nhiều trang web lột trần bộ mặt thối tha, bỉ ổi, vô liêm sỉ của ĐCSVN nhiều hơn nữa. Để nhân dân thức tỉnh nhiều hơn nữa. Với đà tiến công này, tình hình là không thể đảo ngược. ĐCS phải bị diệt vong. Vấn đề chỉ là thời gian thôi. Nhân dân làm tới, ngày diệt vong của ĐCS sẽ sớm đến.

Khi thời cơ đến, anh em QLVNCH trong nước sẽ nhanh chóng thay thế ĐCSVN. VN sẽ không bao giờ rối loạn như các nước Bắc Phi sau "Mùa Xuân Ả Rập. Và anh em ở hải ngoại chính là đại diện của chính nghiã VN mới trước mặt toàn thế giới. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa trong và ngoài nước sẽ nhanh chóng đưa VN trở thành một dân tộc phát triển vượt bực. Trên thế giới ngày nay, chưa hề có một dân tộc nào dám công khai tuyên bố mình thắng Mỹ. Dù là siêu cường quốc Nga hay Trung Cộng, trừ VC! (nhưng phải biết là Mỹ cố ý thua VC vì chiến lược toàn cầu, chứ không phải Mỹ không có cách đánh thắng. Nhớ là năm 1973, có lúc VC đã tính đầu hàng, nhưng Mỹ lại bẻ ngoặc ngưng dội bom để VC không đầu hàng. Không thôi sẽ bể kế hoạch của Mỹ cấu kết với TC õđể thắng Liên Xô). Đó là cái rắc rối của chiến tranh VN, là Mỹ không được thắng VC!

QLVNCH không thiếu những người dũng cảm hoặc lỳ đòn, như chứng tỏ bởi các tướng lãnh và sĩ quan tuẫn tiết ngày 30-4-75 và các phản kháng hoặc đứng dậy trong nhà tù VC khi họ vào các trại cải tạo. Chính các phần tử QLVNCH hiện còn trong nước sẽ là vốn qúy một ngày gần đây trong bước chuyển hóa đất nước thay thế cho ĐCSVN.

Việt Nam, ngày 1-8-2015
Trần Kiên Giang

No comments:

Post a Comment